Thứ Ba, 17 tháng 4, 2018

Tiếng thơ Thu Loan

Tiếng thơ Thu Loan
Có người từng thống kê: cứ một ngày thì ở ta có một tập thơ mới ra đời. Chẳng biết chính xác đến mức nào nhưng cầm chắc là gần đây thơ in ra nhiều, nhiều hơn bất kỳ giai đoạn nào trước đây. Đáng vui hay đáng buồn đây? Nhiều người hỏi tôi câu ấy. Tôi trả lời: vừa đáng vui lại vừa đáng buồn. Vui vì mọi tiềm năng thi ca có điều kiện phát lộ. Buồn vì các bài thơ làng nhàng “kém phẩm chất” được sinh ra ngày càng lấn át thơ thật, thơ hay. Quả khó cho những ai muốn dấy nghiệp lên từ thơ. Trong thị trường thơ ca hỗn tạp, được người đọc chú ý, rồi được lọt vào mắt xanh các nhà phê bình đâu có dễ gì!
Thơ và người viết thơ thì nhiều, song thơ hay và thơ đích thực vẫn hiếm. Mà đã là thơ hay thì bao giờ cũng cần, nhất là ở xứ sở thi ca đất Việt chúng ta: Trong bụng mẹ đã từng mơ tiếng hát/ Nên quê tôi ai cũng biết làm thơ (Nguyễn Bính). Chẳng cứ gì xứ ta, giải Nobel Văn chương năm 1996 chả rơi vào tay một nữ sĩ Ba Lan là gì!
Tôi nói lai rai vậy vì trên tay tôi là một tập thơ khá nặng ký của một cây bút vùng Cao nguyên gần đây viết nhiều truyện ngắn nhưng duyên nợ ban đầu của chị với văn chương lại là thơ. Cảm giác lần đầu đọc thơ Thu Loan đọng lại trong tôi cho đến giờ. Đó là bài Tuổi thơ với những câu nũng nịu mà ám ảnh đến dễ sợ:
Tuổi thơ là tuổi thơ ơi
Cái tay ngúng ngoắng cái cười vô tư
Nhất là câu:
Dùng dằng túi kẹo viên bi
Cho nhau thì lấy, đổi thì lại không
Thật lắm mà đã mấy ai nói lên được bằng một giọng điệu “dễ thương” đến vậy. Người ta bảo cái giỏi của nghệ sĩ là ở khả năng nhập thân, hoá thân. Không là anh, tôi cảm tôi nghĩ như anh, không là bây giờ, tôi cảm nghĩ như là bây giờ. Khó và đáng khâm phục hơn là ở sự hồn nhiên này:
Thời gian đi chẳng bao giờ trở lại
Chỉ trái tim muôn đời vụng dại
Xao xuyến hoài trước một tiếng ve kêu
(Đi tìm năm tháng tuổi thơ)
Trái tim nghệ sĩ là thế: luôn biết rung động trước những cái thoáng qua tưởng không có gì đáng níu kéo, đáng lưu giữ. Để gửi gắm lòng ta, để nhắn nhủ lòng người. Chế Lan Viên viết rằng: Chỉ khi nào uống ngụm nước giếng bên đường anh thấy say, chừng ấy anh mới là thi sĩ (Say). Tất thảy tuỳ thuộc ở con mắt ta mà suy cho cùng là ở tấm lòng ta. Phải giữ cho được sức thanh xuân của tâm hồn! Nói thì dễ mà làm thì nào có dễ. Chẳng phải có người chưa đến ba mươi đã thấy mình già lắm đó sao! Thi ca góp phần trẻ hoá con người. Và con người không biết đến sự già nua của tâm hồn bao giờ cũng tìm đến với thơ, rồi không ít lần trong đời tâm hồn họ ngân lên thành vần thành điệu:
Tôi đang đi lại từ đầu
Cỏ hoa trong những sắc màu lung linh
(Thơ Bùi Đức Long)
Nói thế không phải thơ hay cứ như gió thoảng, cứ như mây trôi… Trong cái vẻ dung dị tưởng không có gì ấy, thơ đánh thức trí ta. Thu Loan không thiếu những câu thơ như vậy: Niềm vui ào đi như thác lũ/ Nỗi buồn đọng lại phù sa (Phố mưa). Đặc biệt câu: Đường đi quen đếm bước/ Chẳng mấy khi nhìn trời (Bong bóng). Thú thật, tôi giật mình thảng thốt khi đọc những vần thơ ấy. Dễ gì làm chủ những khát khao từng được ấp ủ trong tuổi hoa niên? Cuộc sống cơm áo ngày thường cần không? Cần chứ! Nhưng nếu chỉ cúi gằm mặt mà đi, liệu con người có còn xứng đáng là con người nữa không nhỉ?
Để có được cái nhìn vừa hồn nhiên vừa vấn vương khi viết về mình, nhất là khi viết về đời qua mình, về Pleiku, về Đêm hội làng, về tượng gỗ Tây Nguyên, về người Gia Rai…, tôi biết Thu Loan, một cô gái miền xuôi thứ thiệt phải tự vượt mình ghê lắm. Thầm lặng mà không ít trăn trở, ưu tư. Đáng mừng là chị đã chấp nhận, tình nguyện chấp nhận không do dự phân vân cho một cuộc đánh đổi:
Vượt khoảng cách làm người dẫu
mong manh sợi tóc
Suốt cuộc đời em còn phải đi…
(Khoảng cách)
Phải đi, phải vượt khoảng cách để có thể đến được cái mà đời mình cần đến:
Em biết yêu tiếng chim lảnh lót
Gió mùa về heo hút nẻo sông
(Khoảng  cách)
Khi ấy những gì chị trải nghiệm sẽ có điều kiện thăng hoa. Có thể nói, chị đã được thỏa nguyện, dẫu ít dẫu nhiều:
Nếu em chỉ là người ca sĩ lang thang
Hát những câu nói vu vơ lên thành giai điệu
Thì thơ em như làn gió chợt đến rồi bay biến
Có cần thiết gì đâu!
Không khó để nhận ra hiệu quả của thơ Thu Loan. Đáng mừng cho chị, cho tôi và nhiều người khác gắn bó với Tây Nguyên, vùng đất nhiều tiềm năng nhưng mới bước đầu được đánh thức. Cuộc sống và con người ở đây đâu đã hết cái cần phải yêu, yêu tha thiết, yêu chân thành. Tôi như cánh rừng luôn khát gió - chị đã viết vậy. Câu thơ đúng cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen. Vâng, tâm hồn chị chính là những cánh rừng luôn khát gió. Sống với rừng, với núi, chị là người của núi, của rừng, tự khi nào chính chị đôi khi cũng không hay. Chỉ một lần xuống núi gặp đồng bằng bốn phía rộng huênh chị đã thành thực viết: Ta như giọt nước/ Chông chênh/ Loãng tan vào biển. Và một lần khác Qua Huế chị đã cảm nhận cảnh vật Cố đô qua trái tim Cao nguyên thuần khiết. Không một chút làm duyên, Thu Loan viết:
Có nỗi buồn ngàn năm vạn năm đổ ập vào
lòng ta đêm nay qua Huế
Trăng neo vào đất dáng con đò
Ta - gió lạ ngông nghênh của núi rừng
hoang dại
Chợt hiền khô mềm mại một câu hò
Không còn là mong mỏi nữa, hiện thực mười mươi rồi. Do vậy tôi không chút ngạc nhiên trước lòng tự tin ẩn chứa trong câu thơ vang lên như một tuyên ngôn này của chị: Ta ủ tiếng chuông lòng lặng lẽ/ Âm thầm ngân vang với núi non (Đời thường). Cũng vì vậy tôi không hề ngạc nhiên trước sự ngạc nhiên của nhiều người: là phụ nữ sao Thu Loan viết nhiều về rượu, lại bằng lối cảm, lối nghĩ của người thật sự say, nhiều lần say, say bằng tình bằng nghĩa hơn say rượu nồng. Gửi những buôn làng tôi đã đi qua là một bài hay, xúc động. Bài thơ trong tập có tựa đề chung là Một thời trăng. Trăng trong tập thơ chị quả nhiều dáng vẻ: Trăng rơi giếng nước gió ngồi bờ tre (Tuổi thơ) - Đâu dấu trăng mờ in lối cũ (Trở về).  Bởi lòng chị luôn rung lên với nhiều tâm trạng: Ta về nhặt ánh trăng vàng mình ta (Người dưng) - Vầng trăng vỡ tan lạnh ngắt dòng sông (Gương mặt). Nhưng chưa khi nào ánh trăng lại neo vào lòng tôi như trong bài thơ vừa nhắc tới: Cang rượu cần nghiêng ngả trăng sao… Rượu buôn làng Tây Nguyên đã rưới đẫm thơ chị như vậy đấy! Đến nỗi trong Đời thường khi một lần lòng u ám ủ ê như cây mùa đông, ta chợt đồng cảm với những dòng thơ nao lòng sau của chị:
Có lúc quên tháng ngày xoay tít
Bạn cùng ta nghiêng ngửa ly không
Uống tiếng cười uống tình đời trong vắt
Giữa phù du gặp gỡ vô cùng
Thu Loan từng da diết mong tiếng nói nhỏ nhoi đồng vọng đến muôn người. Chị có thể yên tâm vì nỗi mong mỏi của chị đã có cơ sở để biến thành hiện thực. Và riêng tôi, khi đọc xong thơ Thu Loan, tôi tự nhiên cảm thấy yên lòng hơn trước triển vọng của lớp thơ trẻ hiện nay.  
Đà Lạt, 9/1997
Phạm Quang Trung
Theo https://sites.google.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngõ xưa – Thơ Liên Phương 13 Tháng Tám, 2023 Ngõ xưa/ Níu ánh trăng tà/ Em ngồi giặt áo/ Phù sa chưa về… Ngõ xưa   Níu sợi trăng...