Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2018

Những mùa thu vô tận

Những mùa thu vô tận
Đã bao mùa thu qua, bác Cư lò dò cắp rổ ngó, hạt sen đến trước cổng nhà tôi. Sen là loài kỳ diệu nhất trên đời, đẹp từ củ tới ngọn. Những hạt non trên chiếc đài kiêu ngẩng như những bầu ngực nhú ra nho nhỏ, ăn sống thơm ngọt như sữa mẹ. Ví như sữa mẹ vì với tôi, nó ám ảnh đến nao lòng.
Bác Cư là hàng xóm nhà tôi. Ngày tôi vào lớp một, bác sinh em Bông. Tôi nhảy chân sáo mừng rỡ chạy ra tận đầu ngõ đón khi bác bế em với tã lót chằng đụp, mặt phủ khăn kim tuyến từ trạm xá về. Bác đi trước, mẹ tôi đi sau. Bác bước xiêu xiêu, nặng trịch, mắt bác đỏ hoe mòng mọng. “Bác đẻ đau quá nên khóc hả?” Tôi bíu tay bác cười, ngước mắt hồn nhiên hỏi. Bác không nói gì, nấc ậc ậc mấy cái nước mắt tràn trụa. Mẹ tôi nhìn bác mắt cũng ngân ngấn. Em Bông có nước da trắng, thơm như bánh khảo, mắt đen láy ngơ ngác nhìn tôi nhoẻn miệng. Nhìn em nhỏn nhẻn, bác Cư càng khóc càng ấp em vào bầu sữa căng nhức của mình... Ngày ấy tôi chẳng hiểu tại sao. Hỏi, mẹ tôi cũng không nói... Em bé rất chăm bú, nhưng chỉ được một hai ngày đầu, sau đó mỗi khi bập vào đầu ti là em nấc, miệng rỉ ra nước vàng, nước đen. Rồi chẳng cần bập vào ti mẹ, miệng em cũng rỉ nước. Những tiếng nấc nghẹn cứng của em như những nhát búa gõ vào tim bác... Nước mắt bác chảy thành dòng xuống mặt em, bác cố nhét miệng em vào đầu ti của bầu ngực căng nhức sữa của mình. Vài ngày sau, em tắt thở. Em tắt thở khi miệng vẫn ngậm đầu ti mẹ. Trên khuôn miệng đã khép lại như đang ngủ của em, có một dòng nước đen khẳm rỉ ra. Những giọt sữa trắng ngần từ bầu sữa của bác Cư từ miệng em ứa ra cùng. Nó loang lấp, phủ màu trắng khiết lên thứ nước đen hôi thối kia, át cái mùi khẳm ấy bằng sự thơm tho của nó... Bác Cư khóc ngất. Càng khóc, sữa từ bầu ngực bác trào ra càng nhiều. Như một thác sữa, nó cuốn trôi tất cả... Lúc ấy tôi mới nghe phong thanh người ta thì thầm, em Bông sinh ra không có hậu môn. Ngay cả giờ đây, đứng trước nấm mồ nhỏ ấy, tôi luôn mường tượng thấy một dòng thác sữa chảy phủ lên, tẩy hết thứ nước màu đen khốn nạn kia. Dòng sữa tràn lên trên những khóm hoa, những viên gạch lát và từ từ thấm xuống đất. Bao giờ nó mới thôi chảy, trong cái nhìn của tôi?

Ngày em Bông không còn, tôi vẫn sang bác Cư chơi, có một nỗi buồn mênh mang nhen lên quá sớm trong kí ức của một con nhóc là tôi. Qua khung cửa tối, tôi thấy bác một tay bồng bọc vải, một tay ôm chị Phới khe khẽ hát ru. Hình ảnh ấy chầm chậm rồi như dừng hẳn lại, tạc vào kí ức tôi cảm giác chất chứa thăm thẳm u buồn, nhưng cũng đầy yêu thương - một niềm yêu thương xa xót. Chị Phới là con đầu của bác Cư, hơn tôi vài tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, do di chứng chất độc da cam từ người bố. Bấy giờ, chị lên tám rồi nhưng chỉ như một đứa trẻ đương học vỡ lòng, tay chân nhỏ xíu. Có ngày bác Cư đi làm đồng về mang theo chiếc tổ chim ri bị bỏ rơi sau bão, tôi và chị thích thú cùng gắp sâu từ những cuộn lá cho chim non ăn, chúng há rộng những cái mỏ hồng mê mẩn táp sâu rồi kêu chiêm chiếp. Chị Phới cười ngất và vỗ tay liên tục, chúng tôi khi ấy vui vẻ như những chú chim ri.
Chị Phới không biết có hiểu nỗi buồn tận sâu trong bác không, nhưng chị ngoan ngoãn ngả đầu vào bác, hai mắt vô thức nhìn lên trần nhà. Mẹ tôi sợ bác hóa điên đi lang thang nên ngày nào cũng giục tôi sang canh chừng, và cũng là để cho bác khuây khỏa. Có lần tới nơi, thấy bác dỡ tung cúc áo lộ bầu ngực cương sữa đặt lên miệng chị Phới, tay bên kia cầm miếng vải màn thấm những giọt rỉ ra ở bầu ngực còn lại đang nhỏ xuống bọc vải. Thấy tôi khép nép đứng bên bậu cửa, bác vẫy tôi vào, nhẹ nhàng đặt bọc vải xuống bảo bú bên đang dùng vải thấm. Ban đầu tôi ngại, lắc đầu quầy quậy, vì cũng lớn như cái bồ rồi. Nhưng nhìn chị Phới đã lớn đùng vẫn say sưa bú, nhìn bầu ngực bên sữa rỏ thơm ngợp tấm vải màn, ngợp bọc vải, tôi ngập ngừng ghé miệng thử. Vị sữa mẹ khiến tôi tan chảy. Một dòng ấm, ngọt rất vừa phải nhẹ nhàng chảy qua kẽ miệng tôi, đồ rằng, không một nguồn thức nào có thể ngon hơn thế nữa. Dường như càng bú, dòng sữa càng chảy ra nhiều hơn. Nó như từ nơi con tim bác chảy ra bất tận. Bác Cư lúc ấy ngồi trước tôi như ngọn núi, một ngọn núi nung sữa. Tôi và chị Phới ngậm chặt đầu ti không rời và nhìn sang nhau, như hai chồi non cùng mở mắt trên cây. Ôm siết lấy lưng chúng tôi, toàn thân bác rung lên và nước mắt tràn đến cánh mũi, chảy xuôi trên mặt hai đứa. Bác hát: “À ơi! Một giọt sữa non/ Mẹ nuôi con cả méo tròn trên tay”...
Chồng bác Cư mất sau đó vài năm, tôi chỉ nhớ loáng thoáng một vài hình ảnh từ người đàn ông ấy, đặc biệt là cái đầu trọc lốc và hõm sâu ở giữa, do vết găm đầu đạn. Tôi và nhóm trẻ con ngày đó gọi bác là “ông nhũn não”. Những ngày trái gió trở trời, “ông nhũn não” trở nên cực kì hằn học. Bác Cư chịu đòn vô cớ suốt. Mẹ tôi chạy sang can ngăn cũng bị “ông nhũn não” chửi cho tơi tả, dọa đánh. Mẹ tôi giận ông lắm. Khi sang nhà tôi tước giùm ngọn bồng khoai, những vết bầm trên tay, trên mặt bác Cư chuyển sang tím ngắt. Bác bảo ông ấy bị vết thương hành nên vậy thôi, chứ bình thường hiền lành chịu khó lắm, rồi bác ngồi hai chân dạng rộng giữa sân ngửa mặt lên trời chửi mẹ cha thằng giặc, mẹ cha bom giặc, tao còn sống đến lõi đời để chửi chúng bây đó...
Cứ mỗi dịp cuối hạ đầu thu, bác Cư lại đi móc sen ở khắp các đầm lầy. Sen bán rất được giá, lại tận dụng được hầu hết các bộ phận. Nhìn những búp sen đẹp chum chúm, những ngó sen như ngón tay thon, mấy ai hiểu được sự gian khổ của người đi móc sen. Bác Cư đi khắp các đầm bỏ hoang, lội nước bùn ngập ngang người, len giữa các cây sen vươn cao đẵm mình móc củ dưới tận bùn sâu. Bác cột những bó hoa sen còn ướt sương nguyên khiết bằng đôi bàn tay rướp máu khô và hây hấy hương bùn. Sự tương phản ấy ám ảnh tôi. Có lẽ vậy nên tôi không bao giờ mua hoa sen cắm bình, tôi thích ngắm nó an nhiên nở trên mặt đầm hơn.
Bác Cư mưu sinh bằng sen suốt mùa thu. Nhưng cũng giống như những người buôn nhỏ lẻ, bác chỉ có chỗ ngồi bên ngoài rìa chợ. Những gánh hàng quanh bác ngày càng xôm tụ, hầu hết bán đồ cây nhà lá vườn nên rất đắt khách. Chợ trong dần ế ẩm, những người phải thuê quầy đóng thuế bên trong chợ bất bình ra mặt với cánh buôn nhỏ bên ngoài. Họ kêu réo, kiện ông cai chợ, bằng mọi cách phải dẹp hết “nhóm nhốn nháo” ngoài kia. Cai chợ ngọt nhạt ăn tiền của cả đôi bên cười nửa miệng. Những cái miệng tươi rói mời khách hàng ngày trở nên chua ngoa hơn bao giờ hết: “Tổ sư nó, động đến cần câu cơm của bà là không xong đâu nhá! Tổ sư nó, không dẹp hết mấy cái đống hổ lốn này là bà cho chịu nhục luôn đấy! Tổ sư lũ hớt tay trên! Bà thuê chợ, đóng phí chợ đủ thứ bà rằn để chúng mày ngửa tay nhận tiền dễ dàng ở đây hả?” Sau đó xù xúm đến “dẹp” những gánh buôn nhỏ ngoài chợ. Bác Cư khốn khổ bên thùng hoa sen bị đạp gãy giập, hạt sen vãi lăn lông lốc dưới đường. Bác quyết không chịu rời, người ta túm tóc bác xềnh xệch lôi đi. Bác oằn lưng quay lại phía mớ sen, gào đến khản cổ: “Chúng mày ác quá! Tao có tí sen bán lấy tiền nuôi con, chúng mày cũng phá hết à? Chúng mày lòng sôi máu tanh thế? Có đánh chết tao cũng không đi đâu!” Bác Cư ngoan cố chấp lại bị chịu một trận mưa đòn. Người bác cong như con tôm phải nước sôi trước những cái tát, giật. Hoa sen gãy nát lại càng thơm ngát. Nhớ cảnh mỗi lần bác bị “ông nhũn não” đánh cũng vậy, bác không khóc, chỉ cắn chặt răng né đòn và xong rồi thì lại chạy sang nhà tôi tước ngọn bồng khoai cho quên đau, hai khóe môi tím rách.

Tôi mang lọ dầu xoa sang bác khi trời đã sẩm chiều. Chị Phới đang mân mê hai tay cởi hàng cúc áo đòi bú bác như mọi ngày chợt khựng lại khi thấy những vết tím bầm tròn như đồng xu nổi lên khắp người, khắp khuôn ngực bác. Hai môi chị rung lên bần bật đến tội nghiệp và đôi mắt chị khi ấy hệt có một áng mây mù dạt ngang. Chị run rẩy chỉ lên những vết bầm và lay mạnh vạt áo tôi: “Ai, ai... đán mẹ Phới?” Tôi đích thị là một con ma nơ canh lúc đó, không biết nói gì. Một cảm giác u ám dâng lên ngợp không gian vo ve muỗi. Lũ muỗi no mòng như đang hút nốt nỗi buồn thôn dã, quơ tay lên là thấy chúng lạo xạo và tanh nồng trong lòng bàn tay. Bác Cư cầm lọ dầu tôi đưa cười lảng đi: “Có khi phải lấy dầu xoa đầu ti để cai sữa cho cái cô ả này! Mẹ làm gì còn sữa mà ngày nào cũng đòi bú! Ngọt lành gì nữa!” Thấy chị Phới buồn so, tôi cũng cố làm bộ vui vẻ, nói lảng sang: “Vẫn ngọt chứ, chị nhỉ! Bác còn đầy sữa đấy! Chị còn thấy sữa chảy trong miệng khi bú không?” Thế là chị gật đầu ngay, nhoẻn miệng cười và ánh mắt sáng lên thích thú. Tôi ngân ngẩn trước nụ cười không hề gượng gạo ấy. Nó trong vắt như ánh trăng buông đêm, khiến không gian tù đọng giữa chúng tôi như giãn nở. Bác Cư ôm chị vào lòng và lại cho chị “bú” y như thời xưa chúng tôi cùng nhau, dù chị đã thành thiếu nữ lớn nhổng rồi. Bác nựng yêu chị: “Hư lắm nhé! Cô Hoa đây cô ấy cai sữa mẹ từ lâu rồi! Cai sữa rồi mới đi lấy chồng được này!” Chị Phới rời ti mẹ chóp chép miệng nhìn tôi cười hì hì, rồi lại úp mặt vào khuôn ngực xước trầy ấy. Trong ráng chiều thẫm đỏ, bầu ngực tím bầm của bác như vươn cao hơn, đổ tràn dòng sữa qua khắp cuống lưỡi, thực quản tới trái tim. Khuôn mặt bác bừng giữa nền chiều như đức mẹ đồng trinh ôm con bú. Khoảnh khắc bình yên ấy khiến những vết tím bầm dường tan ra và lặn sâu dưới những bầu ngực. Tôi lại cảm thấy phảng phất quanh đây mùi hương sữa ấm nóng ngày nào, nó vẫn đang rần rật chảy trong tôi, một cảm giác mãnh liệt tới nỗi tôi khát khao được trở thành bà mẹ ngay lúc đó...
Mẹ tôi thương bác Cư một mình nuôi chị Phới ngơ ngẩn, giờ lại bị đánh đuổi, chép miệng bảo: “Thôi cứ đi móc sen, được bao nhiêu đem đến đây tôi mua hết cho. Tranh chỗ với người ta làm cái gì!” Vậy là mỗi mùa thu, tôi lại được ăn sen thỏa miệng. Mỗi lần mang rổ ngó với hạt đến bán, bác đều cho riêng tôi mấy cái đài non, bảo ăn sống. Tôi bóc những hạt sen non màu xanh bỏ miệng nhai giòn, ăn đến phát nghiện, y như nghiện dòng sữa của bác hôm nào.

Tôi mới phát hiện ra, nó có vị giông giống sữa mẹ, nhưng ngăm hơn một chút, do tâm sen. Tôi nhìn xuống bàn tay bác, tua tủa vết xước đen sạm lại. Và bầu ngực bác, sau lớp áo màu chàm nhăn nhúm, đã rủ xuống như đài sen cuối mùa. Bác bảo mình không bao giờ mặc áo xu chiêng, cả ngày đằm đẵm dưới bùn đeo cái của nợ ấy chỉ có mà vứt đi. Tôi trêu, vậy mà chị Phới cứ rịt lấy mãi không cai được. Bác nhìn tôi cười xòa: “Con Phới cũng khoái ăn sống hạt sen non lắm, hai đứa bây cho ở với nhau! Cơ mà bữa này phải tranh đài non với chuột, nó ăn khôn mà tinh lắm.” Mẹ tôi vẫn bảo chị Phới ăn khỏe, không kén thứ gì vì không cảm nhận được món nào ngon dở. Nhưng tôi luôn tin chị có thể phân biệt được sữa mẹ và hạt sen non ăn sống với các đồ ăn khác. Vì nó không đơn thuần chỉ là một thứ thức ăn.
Tôi vẫn thảnh thơi ngồi bóc hạt sen những lúc rảnh. Hạt sen già màu nâu trông như những hạt tràng xổ tung trong chiếc rá, lại hao hao những bầu ngực tí hon rắn rỏi. Khi dùng mũi dao tách lớp vỏ nâu ra, những hạt trắng sữa tỏa thơm mát. Nhưng, thú vị hơn nữa, trong lòng vỏ hạt nâu ấy, một màu hồng phớt đẹp đến mê người. Nó gần giống với màu trên đầu búp sen. Tạo hóa thật khéo phối màu. Đôi khi, chỉ là một sự ngẫu ý mà ta ngắm được. Những cái thật kín đáo mà cũng đẹp vô ngần. Con người ta có giống vậy không?
Chị Phới gần ba mươi tuổi rồi. Chị vẫn đi tập tễnh từ đầu đến cuối làng mỗi buổi chiều, trên tay cầm chiếc điện thoại đồ chơi bằng nhựa bấm tút tút. Giọng chị ngọng líu: “A nhô anh ia ấy nhở? Ngớ em Phới ông?” Chắc tâm sinh lí chị cũng biến đổi như bao cô gái khác độ tuổi này, đã nghĩ đến tình yêu nam nữ, chị thích xem phim tình cảm lắm.
Mẹ tôi thường xuyên nhắc bác Cư, đi đâu cả ngày thì khóa chị Phới ở trong nhà, để sẵn cái bô ở đó. Làng giờ nhiều đám thanh niên hư, cứ thả rông chị đi khắp xóm, thể nào cũng có chuyện. Nhưng khóa chị ở nhà được một ngày thì chị lại khóc lóc, chị quen đi rồi. Vừa đi vừa bấm “điện thoại” tút tút gọi cho “anh yêu”. Khóa chị trong nhà cả ngày, chẳng khác nào cầm tù chị. Một bữa ghé qua nhà bác chơi với chị, tôi suýt đứng tim khi nghe giọng chị ngọng líu cười nói với một ai đó. Không phải nói chuyện bằng cái điện thoại nhựa đồ chơi nữa, vì có giọng đàn ông xì xào. Ghé qua song cửa, tôi chỉ kịp hét lên khi thấy gã trai kia đang trút chiếc áo hoa của chị xuống đất. Bị phát hiện, hắn nhảy qua cửa sau chạy mất hút về phía cánh đồng.
Chị Phới ngồi ngơ ngác trên giường với tấm thân trần trụi. Khắp người chị đỏ bầm những vết bấu, cào. Mái tóc chị dài xõa xuống ngang hông mặc gió lùa rối xòa, quấn lấy thân thể trắng bợt. Tôi giật mình nhìn lên khuôn ngực chị. Nó đã nhú cao như một gò đảo nhỏ, không biết do mắt tôi hoa hay thật khi thấy sữa non rỉ ra ở đó. Miệng chị méo xệch, mắt chị ngân ngấn nước lại như nhìn đi phương nào: “Phới mướn có con!” Tôi quay đi không dám nhìn chị. Có một nỗi đau vỡ ra trên lồng ngực. Chiếc áo hoa bị bứt tung hàng cúc của chị nằm nhàu nhĩ dưới đất.

Chị không với lấy che thân mà ngồi im như pho tượng sứ. Mồ hôi bắt đầu rỉ ra trên trán, khắp khuôn ngực chị. Nơi góc giường, bọc vải bác Cư bồng ngày trước vẫn ở đó, nó không bao giờ có thể lớn lên được... Chị Phới lê tấm thân trần trụi kéo cái bọc vải ấp lên ngực, cúi xuống hôn nó như không hề có tôi đứng ở đó. Đôi mắt chị đang nhìn xuyên vào một thế giới nào, rõ ràng không phải thực tại ảm đạm này. Có một ánh sáng kì lạ lướt qua gương mặt chị. Chị đưa tay nâng một bên bầu ngực, đặt lên đầu bọc vải, làm động tác như đang vắt sữa. Hai môi chị lại rung lên bần bật. Ánh nắng cuối chiều hắt nhẹ sáng cả một góc giường câm lặng. Chị không còn nhìn vào tôi, không cần biết đang có tôi. Chị vỗ về bọc vải và khe khẽ cất lên những tiếng ru ngọng líu không đầu cuối: “À ơi... thươn con í ơi... thươn con í mẹ bế a mẹ bồng... con ngủ í a ngan...”
Phố thu ngào ngạt và se sắt nắng. Đã lâu rồi tôi chưa về quê mẹ. Cuối cùng thì tôi cũng lấy chồng, lấy chồng xa. Mỗi mùa thu tới, tôi lại nhớ mùi sen da diết. Chồng tôi vẫn bảo em ăn sen ít thôi, ngó sen bày bán ngoài chợ giờ họ phun kích thích nhiều và tẩy trắng bóc, họ còn móc sen ở những đầm hoang ngay rìa nghĩa địa, ô nhiễm lắm. Quả đúng là ngó sen trắng mấy vẫn lốm đốm bùn nâu. Biết bao giờ tôi mới tìm lại được hương vị chân quê ấy chốn đô thị này. Tôi nhớ lắm bàn tay bác Cư buộc từng bó sen còn đẫm sương, từng bó ngó non đến ruột, nhớ cả tiếng cười hì hì của chị Phới khi húp cạn bát cháo sen tôi nấu. Tôi mong chờ ngày về quê, lại xin bác mấy đài sen non ăn sống, nói một câu khiến bác vui nhất: “Con vẫn mang trong mình dòng sữa của bác đây, nó vẫn đang chảy đây!” Nhưng vòng hạt tràng đang theo lượt tụng trên tay tôi bỗng đứt, xổ tung như những hạt sen già rơi lộp bộp lăn tròn tứ phía trên nền đá hoa cương. Những vầng mây đen từ chân trời xa ngút ùn ùn kéo ngâu về...
Đám tang bác Cư cũng vào chính mùa thu ngào ngạt hương sen. Bác bị cảm nắng khi đi móc sen giữa đầm ban trưa. Chị Phới được người ta gửi đến trại mồ côi chăm nuôi. Chiếc bọc vải đủ màu từ lâu lắm rồi vẫn ở một góc nào trong căn nhà ấy. Mẹ tôi kể rằng khi dỡ bọc vải ra giặt, có một mẫu giấy nhỏ nhét cẩn thận trong đó, hàng chữ đã ố nhòe: “Bông, 11/4/1996”.
Tôi trở về làng ngủ trên chiếc giường cũ trước đây, mơ thấy bác Cư câm lặng nằm giữa đầm sen, hàng cúc áo tự dỡ tung mặc cho hai dòng sữa tràn trề tuôn trên bầu ngực to trần trụi. Sữa tràn lên khắp các búp lá sen, sôi trên đài sen và nhú ra những cái hạt non như những bầu ngực vừa sinh bé tí. Chị Phới cũng tới đây, bụng chị cứ lớn dần, lớn dần và khuôn ngực chị căng tròn trong làn hơi sương mờ ảo. Chị cúi xuống vắt sữa vào một cái bình thủy tinh lớn. Hoa cỏ từ đó mọc lên vùn vụt. Chị nhìn tôi cười hề hề mà hai hốc mắt tuôn ra ròng ròng sữa trắng, ướt đầm khuôn mặt chị. Phút chốc tôi thấy mình nhỏ dần như một cuống nhau đứng tắm dưới cơn mưa trắng, đàn chim ri kéo nhau về mổ từng giọt sữa và những vành nôi trước gió mãi đong đưa, đong đưa...
Nguyễn Thị Thùy Linh
Theo http://vannghequandoi.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thành công của một vở diễn...