Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Tiếng chim họa mi trên đồi chè

Tiếng chim họa mi trên đồi chè

Nắng lên tỏa khắp không gian. Nương chè mở rộng ngút ngát. Thảm chè chia ra làm nhiều luống trải dài như những tấm gấm xanh phơi phẳng mịn. Những hồi trống dồn dập thúc vào lồng ngực. Tiếng hô bật dậy từ bốn phía. Những cô gái hái chè đồng phục màu xanh lam thoăn thoắt lướt tay trên thảm chè. Cứ ba người một luống. Hai người trước hái đi. Một người sau hái dọn. Tiếng trống càng giòn, đôi tay hái càng nhanh những đọt chè. Đôi tay họ như đôi tay người nghệ sĩ lướt trên phím đàn pano tạo nên bản nhạc đầy ngẫu hứng. Hai tép một tôm, (hai nõn một lá) từng nhúm ấn nhanh vào chiếc giỏ đeo sau lưng.
Lần đầu tiên được chứng kiến cảnh hái chè, mà đây lại là một cuộc thi, Toàn rất thích thú và cảm phục các cô gái. Anh liên tưởng tới hình ảnh các cô thợ thi cấy lúa ở quê anh trong hội thi Lễ hội Xuống Đồng. Đôi tay họ cũng thoăn thoắt và khéo léo thế kia, nhưng ở đó thì mạ xanh xuống ruộng, ở đây, thì chè xanh vào giỏ… Anh liên tục bấm máy ảnh để ghi những khoảnh khắc, những động tác theo ý tưởng sáng tác. Các tốp thi chuyển động càng gần thêm về phía người xem…
Toàn rum ống kính lại để đặt hình ảnh chính vào “đường cắt vàng”. Anh tiến sát đến một cô gái trẻ áo xanh. Gương mặt hiện đầy đặn trong khuôn hình trông quen quen. Như gương mặt một ai đó! Dừng máy, anh ngắm kỹ cô gái. Cô tiến nhanh với đôi tay thoăn thoắt, vượt xa hẳn các bạn. Đôi má trẻ măng, trắng trẻo, đầm đìa mồ hôi, những giọt mồ hôi trong vắt như những giọt sương mai. Ồ! Cô bé này giống ai ở làng mình nhỉ? Như vừa quen mới đây, lại như xa lắm, lâu lắm! Văn Phúc đứng bên cạnh, vỗ vai: Ông mê à? Ngắm em nào mà ghê thế? Không! Mình đang… thấy cô bé này rất giống một người ở làng mình… Văn Phúc đủng đỉnh: Trên đời thiếu gì người giống nhau!
- Cố lên! Cố lên! Hồng Cẩm thắng rồi! Con gái kiện tướng hái chè có khác!
- Nhanh không kém gì mẹ Thường nhà nó!
- Mẹ truyền con nối. Con bé Hồng Cẩm vô địch là cái chắc!
Mọi người trên bờ xôn xao, nắc nỏm khen ngợi, cổ vũ cô bé tên Hồng Cẩm mà Toàn đang chú ý! Song anh vẫn mang máng, chưa thể nhận ra cô gái. Cô bé rất giống một người phụ nữ làng mình! Đúng rồi! Rất giống cô Thường! Vừa lúc đó, một bà đứng cạnh Toàn te tái vẫy nón sang đầu bờ bên kia: Này bà Thường ơi! Con Cẩm nhất rồi! Vô địch rồi! Về khao đi! Bên kia một người đàn bà huơ tay đáp lại: Chỉ có chè ngon đầu mùa thôi!
Đảo mắt nhanh về phía đó, Toàn ngờ ngợ: Hình như… cô Thường! Cô Thường làng Phong Hạ!
Thường là gái xóm Vỏ Hà làng Phong Hạ. Gọi là xóm Vỏ Hà vì từ xưa dân xóm chuyên nghề đi đánh hà sú ngoài bãi sú cửa sông. Hà sú là loài nhuyễn thể sống bám vào thân và gốc cây sú mọc thành rừng trên các bãi ngập mặn, dùng để nấu riêu, đặc biệt là nấu với rau cần ta hoặc ăn gỏi với bánh đa rất bổ dưỡng. Đời nọ đời kia nối nhau, nhà nào cũng có người đi đánh hà về chợ bán. Vỏ hà chất thành đụn như những đụn núi từ đầu đến cuối ngõ, trong vườn, ngoài giậu.
Đã học giỏi, chịu thương chịu khó, Thường lại hát hay. Tiếng hát véo von như tiếng chim họa mi theo cánh diều giấy của bọn con trai thả ngoài ruộng lúa. Lớn lên, Thường rất mê hát chèo. Tự học qua đài, làn điệu nào cô cũng biết! Dân xóm nghe ai cũng bảo: Con bé hát hay thật! Mai kia văn công lấy là cái chắc!
Tuổi xuân phơi phới, Thường xinh đẹp có tiếng trong làng. Nhiều chàng trai mơ mộng và săn đón. Trong đó có Toàn. Nhưng Toàn còn giữ ý, bởi tự ti mình là con thành phần địa chủ trong Cải cách ruộng đất. Anh chỉ như kẻ nhìn xa trông trộm.
Cuộc đời lại trớ trêu thay, hồng nhan thường bạc phận. Bao nhiêu anh con nhà thuyền to lái lớn, gia cảnh bề bề, rồi công nhân, đại học, cai thầu, cai khoán nọ kia lượn đi lượn lại, lại không bén duyên. Thường lại rơi vào tay Cánh, một thanh niên xóm Trại. Sẵn vẻ ngoài hào hoa phong nhã, ăn nói như khiếu hót, Cánh đánh bạt được các cao thủ hơn mình hằng mấy cái đầu. Có lẽ Cánh ở gần hơn, ngày nào cũng qua ngõ nhà Thường, nên “giếng mau đầy”. Có lẽ vì Cánh có xe đạp Favorit, thời đó ở quê ai có xe này là oai là ăn chơi lắm. Mẹ Thường khuyên “Đời con gái có thì, mười hai bến nước. Làng hiếm đàn ông. Còn gì bằng nhà nó. Trai làng lại lấy gái làng… cho yên bề con ạ”…
Chuyện Thường lấy Cánh diễn ra chóng vánh, nhẹ như ngắt một bông lúa, khiến nhiều chàng trai bất ngờ, ngẩn ngơ, đến tận ngõ xem cận cảnh đón dâu, mới tin được. Chàng nào cũng sửng sốt: Mười tám tuổi! Áo gấm không vá, vá vào áo tơi! Đúng là duyên số! Con chim họa mi chưa hót được mấy lời hay cùng chúng bạn, đã bay đi, vào lồng…
Nhưng nào Thường có hạnh phúc! Khi có hai mụn con, lại toàn con gái, đứa thứ ba bị sa lại cũng thai con gái nốt, Thường lập tức bị chịu bao nhiêu lời ta thán, oán trách của bà mẹ chồng “duyên số con trai tôi nó hẩm hiu, lấy phải loại đàn bà về đẻ một bề!”. Cánh chán nản, càng ngày càng sa vào rượu chè bê bết, cờ bạc tối ngày. Khốn nỗi ông Bài bố Cánh cũng là dân đánh bạc chuyên nghiệp, quanh năm ngồi mòn cả đũng quần. Bố con cùng một chiếu. Bố một chén. Con cũng một chén! Bố khề khà. Con nâng lên hạ xuống. Bố cửu vạn. Con bát sách. Bố ù. Con thông tôm lèo… Quẩn quanh chia bài, sát phạt lẫn nhau. Nhiều bữa rượu vào lời ra, bố con cãi nhau như mổ bò. Có lần rác tai quá, bà mẹ bê hẳn mâm cơm hắt ra sân. Bát đĩa vỡ loảng xoảng. Hàng xóm chẳng ai dám sang ngăn.
Trước cảnh ấy, Thường chỉ biết ôm con khóc. Thấy vợ nước mắt vắn dài, Cánh càng điên tiết: Đồ không biết đẻ! Đồ bỏ đi! Đồ không biết làm đĩ ra con! Tại anh, tại cái hồng đức nhà anh… chứ tại gì tôi! Uất quá, Thường cãi lại! Bà mẹ chồng té tát chạy vào xỉa xói: Nhà chị vừa nói gì? Hồng đức gì? Chị dám rủa nhà tôi à? Đời tôi đẻ năm thằng con giai, hai đứa con gái. Đến chị… chị làm được gì? Gà mọc đuôi tôm! Láo thật! Cánh lao tới tát nấy tát để vào mặt vợ: Này thì hồng đức! Hồng với chả đức…
Trong ngôi nhà ấy vài hôm lại diễn ra cảnh bố con chí chóe, vợ chồng gằn hắt nhau tít mù xoay chuyện không biết đẻ con trai…
Ba, bốn năm sau, cha mẹ Cánh thay nhau đau ốm rồi ra đi. Thường nai lưng làm lụng. Vãn ruộng đồng lại ra sông bãi bắt cua bắt cáy, đốn củi sú về bán lấy tiền trả nợ lo tang lễ. Trong một đêm mưa gió, đi ăn cưới, say khướt về, Cánh bị trúng cảm, ngã gục ngoài đường, không ai biết. Sáng ra người đi chợ phát hiện có người nằm dưới gốc sung ngõ nhà ông Đê cạnh ngã ba xóm. Đến gần, nhận ra Cánh đã chết cứng, họ chạy về gọi Thường. Khốn nạn thân tôi! Rượu với chè! Ra nông nỗi này ư? Vô phúc nhà tôi bà con ơi! Hai năm ba cái tang liền!
Cảnh góa bụa ập lên đầu Thường, chụp xuống bao nỗi lo toan, chống chở. Nhiều gã đàn ông ve vãn. Nhưng Thường luôn tìm cách lẩn tránh. Thường chỉ có hai đứa con gái làm niềm an ủi! Cuộc sống bươn chải với bao nhiêu khó khăn, đói kém. Cá chuối đắm đuối vì con. Thường cho cả hai đứa con gái, đứa lên bảy đứa lên năm xuống thuyền nan đi bán hàng quà trên sông. Sốt ruột vì đến đâu cũng bị đàn ông trêu chọc, Thường lại dắt díu đám trẻ bỏ đi soi cáy, chặt củi... Nước chảy chỗ thấp. Rồi đột nhiên hai đứa con gái bị mất tích… Từ dạo đó, người làng không thấy Thường ra đồng gặt hái. Toàn cũng không gặp Thường đi chợ qua ngõ. Và tháng ngày cứ thế chảy như dòng sông dạt trôi, nhấn chìm những mảng bèo...
Lạ nhỉ? Sao cô Thường lại ở đây? Toàn cố gắng len đám đông, định tìm đến chỗ Thường. Nhưng không kịp. Hội thi kết thúc. Một chiếc xe con chờ sẵn mở cửa. Tốp ba cô gái nhóm Hồng Cẩm kéo Thường lên xe: Mẹ ơi đi luôn với chúng con về Hội trường xã Quảng Long!
Còn Toàn vội vã cùng Văn Phúc lên xe đoàn văn nghệ sĩ của tỉnh đi đảo Cái Chiên… Tâm trí Toàn ngổn ngang bao ý nghĩ. Không biết dòng đời sao lại cuốn Thường ra đây và cuộc sống mấy mẹ con thế nào? Sao một người chuyên nghề nông cấy lúa lấy thóc lại bén duyên đến công ty chè, với nghề hái chè? Chắc là rất chi tốt đẹp nên cô con gái mới tham gia hội thi trên nương chè? Chả lẽ chuyện gặp hỏi cho ra cô Thường làng Phong Hạ đành bỏ lửng ở đây?
Dòng người, dòng xe từ các ngả đường đổ về phố đi bộ của phố huyện. Xe gửi lại điểm trông giữ. Người đi bộ chầm chậm từng tốp từng đoàn vào lòng phố. Phố đi bộ trang hoàng lộng lẫy tràn ngập ánh sáng lung linh. Trên đầu tăm tắp những dàn đèn màu rực rỡ như những đám mây treo lơ lửng. Hai bên, cửa hàng cửa hiệu sáng trưng, bày đủ thứ hàng hóa cùng những nụ cười tươi tắn chào đón.
Toàn hòa vào dòng người. Sau buổi sáng trên đồi chè, rồi một ngày rong ruổi ngoài đảo Cái Chiên, lúc này anh vẫn còn mang mang nghĩ về cô gái hái chè và người mẹ giống nhau như giọt nước ấy. Bỗng phía trước bên tay trái văng vẳng tiếng hát chèo ngọt ngào trong dàn nhị sáo, quyện tiếng trống phách. Bài hát theo điệu Con nhện giăng mùng thật đằm thắm, chứa chan: Quê hương chúng ta công trình đang mở/ Đang đợi người ơi… Quê hương chúng ta công trình đang mở (mà để) lứa đôi, lứa đôi xây cuộc đời/ Đi trong hương lúa tỏa đất trời/ Đây đồi chè muôn búp nở xanh tươi/ Ban mai nghe đất gọi bao người/ Về đây xây đắp mùa vui...
Ôi! Có người hát chèo hay quá! Toàn len lên trước đám đông đang vây quanh một sân khấu nhỏ. Dàn loa máy rất nét tiếng hát một người đàn bà trạc tuổi sáu mươi, trang phục mớ bẩy mớ ba. Chị hát tròn vành rõ tiếng, phách nhịp giòn nẩy theo dàn nhạc dân tộc đệm theo. Tiếng hát rất quen khiến Toàn nhớ tới một giọng chèo từng nghe ở làng những năm sau thời chống Mỹ. Tiếng hát già dặn, chắc phách nhịp của người đàn bà luống tuổi phảng phất chất trẻ trung của thời con gái xuân sắc. Toàn nhận ra người đàn bà buổi sáng: Cô Thường! Đúng giọng hát ngày xưa! Ngay lúc đó, MC chương trình giới thiệu: Tiếp nối bà Bích Thường là một giọng ca trẻ với khúc ca Quan họ Ngồi tựa mạn thuyền. Khúc ca do một kiện tướng hái chè vừa đoạt giải vô địch của Công ty chè Quảng Long trình bày. Đó là tiếng hát Hồng Cẩm xin được… bắt đầu! Khán giả nhiệt liệt vỗ tay. Một cô gái trong bộ trang phục quan họ nền nã, đầu chít khăn mỏ quạ rất khéo, tay khoác chiếc nón quai thao duyên dáng bước ra.
- Ôi! Cô bé Hồng Cẩm hái chè buổi sáng! Toàn thốt lên! Anh bấm máy ảnh liên tiếp. Cô cúi chào e lệ. Khán giả lại vỗ tay rầm rập. Sau đoạn nhạc lan tỏa như từng chuỗi sóng rào rạt vỗ mạn thuyền, nhấn vào một nốt, tiếng hát cất lên thanh thoát, như cánh chim họa mi bay cao lên vòm trời xanh thẳm. Tiếng hát vương mùi lúa thơm, đất đai vùng đồng chua nước mặn, lại đậm vẻ non xanh như muôn ngàn ngọn cây rừng dưới nắng ban mai…
Cô MC chương trình lại xuất hiện, dắt tay người đàn bà vừa hát tiết mục trước, nhanh nhảu cất lời giới thiệu rất sôi nổi:
- Kính thưa các quí vị! Các quí vị vừa nghe ai hát đấy ạ? Bên dưới đua nhau: Hồng Cẩm! Hồng Cẩm!
- Vâng! Vâng! Và đây là ai nữa ạ? Cô ôm ngang lưng người đàn bà: Và đây là ai nữa ạ? Nhiều cánh tay giơ cao: Bích Thường! Bích Thường… chè Quảng Long! MC cầm chặt tay hai người một già một trẻ dính lại, nâng micro đầy cao hứng:
- Vâng ạ! Đúng rồi! Bà Bích Thường! Và đây là em Hồng Cẩm! Hai tiếng họa mi của vùng đồi chè Quảng Long! Và đây mới là bí mật xin được bật mí cùng quí vị và bà con… MC dừng lại. Không gian như nén chặt. Thưa quí vị… Bích Thường và Hồng Cẩm là… là… hai mẹ con! Hai giọng dân ca vàng của đất chè Quảng Long!
Tiếng vỗ tay vỡ òa cùng tiếng reo dội lên như sóng.
Chạy lại mé sau sân khấu, Toàn đón lối mẹ con bà Thường đang bước xuống: Cô Thường! Tôi đây! Toàn con cụ Xã Vinh làng Phong Hạ đây!
- Ơ… ơ… Anh Toàn! Anh Toàn! Hai mấy năm rồi! Anh vẫn nhớ em? Sao lại ở đây?
- Nhớ chứ! Tôi đi công tác ngoài này! Thế cô?
- Ôi! Chuyện dài lắm! Cứ biết rằng mảnh đất này đã cứu em, cứu các con em!...
- Đây là cháu…
- Vâng! Đây là cái Cẩm! Con chị, là cái Phin, lấy chồng Hải Phòng, đã có hai con…
- Cháu chào bác! Chắc bác là bạn mẹ cháu trong quê? Cô bé Hồng Cẩm chào Toàn, ánh mắt sáng long lanh. Toàn vỗ vai Cẩm:
- Bác Toàn cách nhà cháu bốn nóc nhà đây! Hồi các cháu còn bé… cháu mới lên bốn lên năm… bác từng sang hòa giải bố mẹ cháu… từng nhờ Đài huyện, Đài tỉnh phát thanh tìm cháu… Nhưng không thấy! Mày trốn hú ở đâu mà biệt vô âm tín? Thời gian nhanh quá! Không ngờ mẹ con cháu lại lưu lạc tận ngoài Quảng Hà!
- Dạ… Đời người như con thuyền bác nhỉ… Mẹ cháu khổ lắm. Nuôi chúng cháu nên người… Vùng đồi chè này là bến đậu, là chiếc nôi thứ hai ru chúng cháu lớn lên…
- May quá! Anh gặp đúng dịp Hội Văn hóa chè? Ở đoàn nào? Thường hỏi Toàn.
- Tôi đi trong đoàn văn nghệ sĩ Quảng Ninh viết về Tuần văn hóa du lịch Hải Hà…
Ba người rảo bước ra bờ sông. Cơ này nước đang lên. Rõ hơi thở của biển phả vào. Những làn gió mát rượi thổi lộng vòm cây. Từng đợt sóng vỗ ì oạp chân cầu. Thường kéo Toàn và con gái ngồi xuống một ghế đá: Sóng ở đây nghe như tiếng sóng sông Chanh, Bến Ngự ấy anh nhỉ? Thư thả anh sẽ rõ chuyện mẹ con em!
Năm ấy bắt đầu thực hiện khoán quản. Vụ gặt tháng năm đang rộ. Lúa chín bộn tay. Cả làng miệt mài trên cánh đồng. Lúc gánh lúa về nhà, hạ xuống gọi con lấy cho mẹ gáo nước vối, Thường không thấy tiếng hai đứa con gái thưa. Gọi sang hàng xóm. Cũng không thấy. Cả xóm im ắng vì mọi người cũng đang mê mải ngoài ruộng. Ngồi xuống bậc thềm vừa lấy nón quạt, Thường vừa tu liền hai gáo nước chè vối cho thỏa cơn khát. Quái lạ đi đâu cả hai đứa? Cơm cháo chưa nấu, rau muống chưa vặt… Chị lại gọi to hơn. Tự nhiên ruột như có mồi lửa đốt, Thường chạy sang bác Tào, thím Hiển, ra các bến sông hỏi người, ra trường học hỏi cô giáo. Cũng không thấy tăm hơi…
Hai ngày hai đêm trôi qua trong lo lắng, sợ hãi. Thường bổ đi hếu háo khắp nơi. Không thấy hai chị em chúng. Chắc chắn có sự! Thường báo trưởng xóm, báo Ủy ban. Ngày thứ ba có người làng Đông đi buôn chuyến ở Hồng Gai kể: Trên xe tôi có thấy hai đứa con gái nom giống chị ngủ gật bên một người phụ nữ. Tưởng chúng người nhà cho đi chơi… Thôi chết! Các con tôi bị bắt cóc rồi, các ông các bà ơi! Bọn buôn người bắt đi Trung Quốc! Thế này có khổ thân tôi không? Con ơi là con ơi!...
- Hồi đó tôi đã cố giúp cô. Sang đài huyện, ra đài tỉnh đặt thông báo tìm trẻ lạc. Nhưng vô vọng! Toàn ngắt lời Thường: Sự việc quá bất ngờ. Tôi nghĩ cô khó lòng vượt qua được cú đau sét đánh này. Bọn buôn người thật liều lính, dã man!
- Vâng! Nhưng em đã không chịu lùi bước! Phải tìm bằng được các con em. Chuyến đó em một mình một thân ra tận Móng Cái. Em tha thẩn ở các chợ, các cửa khẩu, các bến đò… Ăn chực nằm chờ, lang thang dưới sương gió, mưa giông. Và cuối cùng trời có mắt, đã cho em nhận ra hai đứa con dưới một chiếc đò trên sông Ka Long. Có một mụ đàn bà bên cạnh chúng. Cơn giận nổi lên, bất chấp tất cả, em xông xuống đò đánh nhau với con khốn nạn ấy để cướp lại con em. Các chú công an biên phòng đã kịp thời ập đến giúp em! Con mụ ấy người Thủy Nguyên. Nó đã bị tòa xử tù về tội buôn người sang bên kia biên giới!
- Cô giỏi thật! Toàn thán phục: Chịu cô! Đúng là một người mẹ quả cảm! Nhưng sau đó sao không về quê mà lại ở đây?
- Thì anh tính mẹ góa con côi, không nơi nương tựa, về quê mẹ con em biết trông cậy vào ai? Vả lại, ở đây được cưu mang, dăm năm, em biết tin căn nhà đó sau bị thằng Vang con ông chú làm trong ủy ban hợp thức hóa, chiếm mất rồi! Vì nó có ba thằng con trai... Ngay chiều hôm thấy con, em đón xe về. Về, nhưng chả nghĩ về đâu! Khi xe dừng ở một quán nước ven đường Hà Cối cho mọi người nghỉ lao, mua chè thì đột nhiên con em, cái Phin bị đau bụng quằn quại. Em đưa con vào quán nhờ xin thuốc. Lúc quay ra thì xe chạy mất rồi!... Hồi đó xe miền Đông đi lại khó khăn lắm! Vậy là em tá túc lại đây! Một ông cán bộ làm ở Nông trường chè Đường Hoa thương tình cảnh ngộ đã giúp nhận em vào nông trường, cấp cho mẹ con em một gian nhà nhỏ ở khu tập thể. Ở lâu người lạ nên thân, đất lạ thành quê. Đơn giản thế thôi!
- Bất ngờ gặp lại Thường, tôi rất mừng. Từ thoáng chốc trên đồi chè ngờ ngợ nhận ra con Hồng Cẩm giống cô, dẫn đến việc gặp mẹ con cô hát dân ca trên sân khấu phố đi bộ, quả là ta vẫn có duyên. Cô vẫn khỏe, vẫn đẹp như xưa! Con gái Hồng Cẩm lại đoạt giải vô địch Hội thi hái chè! Mừng nữa hai mẹ con lại cùng hát hay. Thường vẫn giữ được giọng hát chèo như ngày xuân trẻ ở làng Phong Hạ…
- Vâng! Em tưởng chẳng bao giờ còn được hát những làn điệu chèo mà em từng mê. Không ngờ cuộc đời lại có những bước ngoặt! Vùng quê chè đất Hải Hà đã làm lại cuộc đời mẹ con em. Trước đó, em cũng từng là kiện tướng hái chè nhiều năm liền, là giọng hát dân ca chính của đội văn nghệ nông trường. Nay con Hồng Cẩm lại kế bước là giọng họa mi vàng của trường, rồi của Công ty chè!
- Cô có tính chuyện về thăm quê cũ? Toàn hỏi.
- Dạ… Thư thả đã! Em định sang năm con Hồng Cẩm lấy chồng, tiết chạp tổ em sẽ đưa các cháu về bái lạy tổ tiên, ông bà cha mẹ xóa lỗi cho những ngày tha hương…
Trăng thượng tuần mảnh như chiếc lá dát vàng trên đầu ngọn cây. Ánh sáng dịu nhẹ và trong vắt. Hương chè ngan ngát đâu đây lẫn trong mùi biển mặn. Toàn nắm lấy tay Thường:
- Tôi nghĩ thế này Thường ạ! Trăng khuyết trăng lại tròn. Mảnh trăng non kia cũng đang vào độ tròn. Đời con gái của Thường không tròn lại được!. Nhưng lại đang tròn trong khuôn trăng thơ thới, đầy đặn của những đứa con gái em!.
24/9/2018 
Dương Phượng Toại
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...