Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Phố trên sườn núi

Phố trên sườn núi

Nhà lão trên sườn núi. Sườn núi đổ dài xuống tận biển. Những con sóng xanh lúc nào cũng rộn ràng. Những trảng cát vàng rộm. Lũ còng gió thoáng thấy bóng người là chạy lao xao. Vô tích sự là đám dã tràng cả ngày vo cát để rồi sóng cuốn đi. Lúc triều dâng, nước biển vào tận chân núi, đám cua ghẹ, tôm he, tôm sú rồi đám cá đối, cá đục… nhiều vô thiên lủng. Triều xuống, chỉ cần xách giỏ bách bộ trên dải cát một thoáng là đầy ắp giỏ nào là ngao, sò, ngán… Đấy là thời lão là thằng bé con cởi truồng chạy nhông theo mẹ. Bây giờ răng lão đã rụng quá nửa, khuôn mặt hanh hao của lão đủ loại nếp nhăn, chẳng còn mấy sức lực… Lão đi bộ đều đặn vào buổi chiều vừa để ngắm phố phường, vừa chiêm nghiệm những thứ lổn nhổn, khập khễnh trên đường. Chỗ lão gọi là sườn núi, bây giờ thành phố, thành phường hẳn hoi. Mỗi lần mở cửa là choáng bởi tiếng nhạc xập xình của hai quán bia đối diện nhau, cả hai như cố lấn át nhau bằng thứ gọi là công nghệ âm thanh thời thượng. Bao giờ lão cũng đi một vòng quanh phường, mỗi ngày lão phát hiện một thứ. Lão cứ nhòm tận nơi rồi suy ngẫm những thứ mà người ta gọi là nếp sống văn minh đô thị, là sự phát triển của thời đại. Đâu cũng thấy cổng chào “Khu phố văn hóa” nhưng lão thấy từng góc khuất đủ loại ống tiêm. Con đường lão đi qua, đám chó xồ ra đuổi cắn cả người qua đường, những ông chủ, bà chủ thả chó tiểu tiện tùm lum mọi chỗ. Nhà cửa cái thò ra, cái thụt vào, nước sinh hoạt chảy tự do xuôi chiều dốc lênh láng cả mặt đường. Không ai nói gì, mọi vấn đề như giời sinh ra thế. Lão ngứa miệng hỏi mấy người ngồi cạnh đó: “Nước ở đâu chảy nhiều thế? Sao không xây cống thoát?” Thì được lý giải “Để cho đỡ bụi”, “Nhưng mất vệ sinh!”, “Không đâu, toàn nước rửa!” Hay cho cái câu “Toàn nước rửa”. Chẳng nhẽ nước rửa thì được phép chảy đi đâu thì chảy sao? Lão bắt đầu xét nét dòng chảy này. Nó quả là tự do, một thứ hầm bà lằng từ nước giặt giũ, rửa rau, rửa thịt, rửa cá… Chúng chảy chạy dài theo chiều dốc, trên một trục đường bê tông làm cẩu thả chỗ lồi chỗ lõm, chúng hòa với phân chó, phân mèo, thậm chí cả phân bò, phân trâu… cứ thế thẳng tiến đến chỗ nào đổ được vào. Những biển quảng cáo “Liêm Níu - MÈO”; “BIA - Hùng beo”; “Thịt Trâu - Cây đa”; “Bún - chả”; “Đồ ăn sẵn”; “Điện thoại - sim các loại”. Có cả tay họa sĩ nửa mùa, học chưa qua lớp bảy trường làng từ ngày xưa, biết kẻ vẽ vài thứ nhì nhằng cũng trương biển to tướng “Nhận phụ đạo học sinh ôn thi đại học mỹ thuật” đến nhiếp ảnh gia chuyên chụp ảnh buồng cưới… Quảng cáo nháo nhào xen lẫn dây điện dân dụng, truyền hình cáp rồi Internet từng búi lớn, búi nhỏ cứ như mạng nhện chạy loằng quằng dọc ngang đường, chẳng biết đâu mà mò! Cái con phố chưa đầy hai trăm mét mà có cả đống cửa hàng, cửa hiệu, nào là giầy da, vịt quay béo ngậy, chim tần, chả cá, cà phê, Karaoke đến hiệu hớt tóc gội đầu, thợ nhôm, thợ sắt, thơ mộc, rửa xe, hiệu vàng rồi tạp hóa tạp phí lù... Tuổi già, lão hay tẩn mẩn nhiều về sự đời. Về cái chuyện lấn chiếm lòng đường của người đời. Lão cứ suy từ cái khu nhà lão mà ra. Lão sinh ra đất nước chưa hòa bình, lại lớn ở thời chiến. Cái phố trên sườn núi, lão biết từ khi nó còn hoang sơ, còn là rừng với những cây lim đại thụ. 
xuống tận chái nhà. Thế rồi mỏ than thành lập, nhà nước quy hoạch đất, san mặt bằng xây một dãy những lô nhà ba tầng làm chỗ ở cho công nhân, giống như thiên đường giữa sơn lâm. Chiến tranh leo thang ra miền Bắc, lão tận mắt chứng kiến những trái bom đen thùi thủi, dội xuống sập cả những lô nhà ba tầng. Người chết, tài sản bị phá, lão đang làm công nhân cũng vượt Trường Sơn đi đánh giặc. Thống nhất đất nước, lão trở về với cái phố trên sườn núi của lão. Những lô nhà ba tầng được xây dựng lại. Trước đây người ta quy hoạch bên kia đường trước cái dẫy nhà ba tầng một hệ thống thoát nước khá hoàn chỉnh. Đất rộng, người thưa, đất lưu không trên thành cống thoát nước rộng tới 5-7 mét, mấy chị theo chồng, không việc làm còn đủ đất trồng khoai lang tăng gia con lợn. Vậy mà chỉ mươi, mười lăm năm, cái đất ấy thành đất vàng, những kẻ nhanh chân túm lấy rồi thành sổ đỏ. Tiền vào, đất cấp đến tận thành cống thoát nước. Họ làm nhà, đổ nắp cống... dựng luôn hàng rào ngoài cống lấn thêm vài mét, thành sân trước nhà... nhà này làm được, nhà khác theo, lòng đường rộng lớn còn nhỏ tí nhưng nó vẫn là con đường nhớn của khu phố nhà lão. Cái phố trên sườn núi bây giờ dập dìu đủ loại... có cả nơi giết mổ ngan, gà, vịt... thuê. Mấy bà miệng “Nam mô” là thích nhất vì có chỗ thuê người sát sinh thay mình. Quán phở, đặc sản rừng, biển đến quán bar, đại lí to, nhỏ... với những biển quảng cáo chạy bằng điện tử tít mù... Nhưng có chuyện nhỏ như mắt muỗi! Lão biết, ai vào rồi cũng phủi tay mà đi! Đây là cái cống thoát nước. Lão nói từ lâu! Nhưng lão nói mỏi mồm lão, dân chúng mặc kệ, chịu chung mà cũng chỉ những nhà ở mặt phố như nhà lão chứ dân chúng phía trên thì vô tư. “Nước chảy chỗ trũng”. Lúc đầu nghe lão nói, dân cùng dẫy còn bảo “Lo bò trắng răng!” rốt cuộc chuyện “Lo bò trắng răng” của lão thành hiện thực! Cái phố trên sườn núi bị lụt thật. Cụ thể là khu phố nhà lão được xây dựng theo lối phân đoạn, dẫy nhà lão ở thuộc hàng trung tâm, diện mặt đường nhớn, nó là đất quy hoạch xây dựng đầu tiên, có tới năm lô nhà ba tầng được xây cất thành một dẫy chạy dài suốt con đường. Người ta thiết kế hệ thống thoát nước đổ vào chiếc cống cắt qua đường trước mặt được phủ những tấm bê tông kiên cố rồi thoát tiếp dọc đường để đổ vào đường thoát nước lớn chạy dài xuống tận biển. Chiến tranh kết thúc, kinh tế khó khăn, người ta chỉ xây dựng ba lô nhà ba tầng, chừa lại hai lô ở giữa nên mới thành khu dân cư nhà cấp bốn bây giờ. Nhà cấp bốn thoát nước giản đơn, người ta cốt đáp ứng nhu cầu nhà ở, mặt bằng được mở rộng phía trên núi và cả đằng sau những lô nhà ba tầng kia. Phía trên xây dựng trước, phía dưới xây sau. Hai lô nhà, mỗi lô mười gian xây dựng trên mặt bằng hai lô nhà ba tầng, gia đình lão được phân hai gian đầu hồi thuộc diện xây sau cùng, không có cả đường thoát nước. Đúng hơn là có nhưng chỉ chiếu lệ đằng trước một đường, đằng sau một đường để hứng giọt gianh lúc mưa, còn nước mưa đổ đi đâu là việc của nó. Thời ấy, người ta chưa có khái niệm về nước thải, toàn bộ các lô phía trên đều nhà tập thể. Tắm, giặt, tiểu, tiện có WC và bể nước công cộng. Có thoát chỉ là nước mưa, nước mưa vốn tự do, ngấm xuống đất, bốc lên trời hay đi đâu là việc của nó. Bố mẹ lão có công hiến đất để quy hoạch cho mỏ, đông con lại có tới hai đời làm mỏ. Khi lão lấy vợ, có con, bố mẹ lão cho ở riêng. Lãnh đạo mỏ ưu tiên phân cho lão hai gian nhà này. Cái cống thoát nước to đùng nằm cách đầu hồi mọi dẫy nhà chừng mười lăm, hai mươi mét, chạy từ đỉnh cao nhất của khu dân cư xuống tận biển. Nhưng chẳng có dẫy nhà nào chịu xây cống thoát ra đó, cả khu dân cư nhà phía trên, nước cứ xối xuống ào ào giữa đầu hồi hai dẫy nhà lão rồi phi qua đường trước mặt, đổ vào đường thoát của những lô ba tầng cũng chẳng sao cả. Nhưng rồi người ta nâng cao mặt đường. Hồi nhà lão thành thùng chứa nước. Công nhân tập thể rồi họ cũng xây dựng gia đình, trước là nhường chỗ ở cho nhau, sau nhà nước thanh lý cho họ.  Cả địa bàn phía trên thành cư dân gia đình, nước sinh hoạt cấp đến tận nhà. Nước của xí nghiệp, giá cố định, đến giờ mở nước cứ vô tư mà xả. Lão kêu mãi, hai lô nhà cấp bốn nhà lão mới có được một cống thoát nước bằng dạng đái thằng trẻ con vắt sang bên kia đường. Tưởng thoát được kiếp nạn! Nhưng tai ương lại ập đến, chuyện phá bỏ hệ thống nhà vệ sinh và bể nước công cộng. Nếu chỉ thoát nước không thì chẳng có gì phải bàn nhưng còn rác thải, toàn túi ni lông với hầm bà lằng mọi thứ họ tống xuống! Cống thoát dốc, chúng cứ tồng tộc đổ theo nước, may lão xây được bờ kè đằng sau, không hồi nhà lão thành chiến địa của rác. Cái cống bằng dạng đái thằng trẻ con, chịu áp lực quá lớn lúc chảy qua đường, thiếu lực đẩy, đầy ứ rác lại phải hò nhau thông cống. Cái thứ rác vô tội vạ ấy sinh ra thật nhiều chuyện, các nhà ở hai bên đường đoạn nhà lão sợ nhất là trời mưa to, mưa kéo dài ban đêm… nhà họ và cả nhà lão ít nhất cũng bị dính chưởng nước mưa xông vào nhà hỏi thăm do rác làm tắc cống. Các nhà mặt phố bên kia đường, nhà nào cũng một đống bao tải cát trước cửa để chống nước tràn vào nhà khi mưa. Chuyện rồi cũng xẩy ra với cái nhà ở ngay đầu cống bên kia đường. Đang mùa khô, nắp cống ở cái sân lấn chiếm lòng đường bị vỡ, thanh cốt sắt bê tông chọc xuống, thành vật ngáng rác. Giữa giờ cao điểm xả nước buổi chiều, nước đen ngòm như thác cuồn cuộn, nồng nặc xú uế, đùn lên từ nắp cống vỡ, xối thẳng vào nhà. Bị trận kinh hồn. Nhà ấy huy động lực lượng chà, rửa nhà suốt cả sáng hôm sau  mà mùi hôi hàng tuần chưa hết. Nhà ấy mua mấy đoạn cống bi tròn bằng xi măng cát phi cỡ gang tay ở cửa hàng xây dựng để xử lý. Lão lắc đầu. Lão bàn với tay thợ xây cạnh nhà rồi huy động bà con hai bên đường. Nghe lão nói, dân khu vực gặp họa đồng tình vì đã quá ngán cái vạ tắc cống. Thế nhưng nhà mới bỏ tiền mua cống và mất công làm lại hậm hực. Lão mặc kệ, ốp sát tay thợ xây dỡ bỏ không thương tiếc mấy cái cống bi. Từ đó, nạn tắc cống không còn đe dọa dân hai bên đường nhà lão. Chuyện rác thải cũng được xử lí bởi chính quyền buộc dân phải đóng phí để gom rác thải hàng ngày. Tắc cống không còn nhưng nạn hiện đại hóa lại đến, từ việc nhà nhà bê tông đến đường đường bê tông. Người ta vẫn chỉ biết mình, không tốn công, chẳng mất cắc bạc nào còn chết ai? Kệ người ấy! Nước mưa không thể ngấm qua mặt bê tông, cũng không thoát được đi đâu dù chỉ một giọt. Chúng cứ từ cao xuống thấp, cái cống to đùng, cách đầu hồi các dẫy nhà chỉ là một con đường chạy ngược từ dưới lên tận dẫy cao nhất. Vậy mà, mưa có lũ trời lòng cống cũng chẳng có mấy tẹo nước! Khi làm bê tông đường này, người ta không tính cho nước dốc xuống cống mà lại nghiêng về phía các dẫy nhà. Con đường trước mặt nhà lão lại giống cái đòn gánh cong đặt ngược. Đoạn cửa nhà lão trũng nhất. Cái cống qua hồi nhà lão một cổ mấy tròng, động mưa là ứ hự, là lụt, nước ngập có khi quá đầu gối, lòng đường như dòng sông! Cũng may nó chỉ lụt trong lúc mưa. Chuyện lâu rồi thành quen. 
Bây giờ thì cái phố trên sườn núi nhà lão có chuyện to thật rồi. Cả khối phố phía dưới (bên kia đường) nháo nhào đi cứu người trong mưa tầm tã. Trận mưa lịch sử có một không hai-người ta bảo vậy. Mưa lớn kéo dài hàng tuần, kéo theo cả đống hệ lụy. Nhưng dưới kia là biển cơ mà. Biển có hết chỗ chứa nước đâu mà đổ cho mưa nhiều với lớn. Ban đầu là nước ngập con đường trước cửa nhà lão. Dòng thoát nước đầy ứ hự, mỗi lúc một lớn đến độ khó tưởng tượng. Nước duềnh lên rồi như thể trút khát vào nơi có thể. Cái cống sang đường trước nhà lão, bị vỡ hai nắp cống cả tháng nay, không đổ tội cho nắp cống cản nước được. Đại họa cho cái nhà gần đối diện nhà lão, nhà này dưới thấp, ngõ sâu hút như địa đạo. Chủ nhà đổ xi măng cát thành gờ cao ngoài mặt cổng. Nhưng cũng không lại được với dòng nước bởi cấp độ mưa. Thế đất thấp đành chịu phận! Nước tràn lên gờ mặt cổng, phi tồng tộc xuống như thác. Nước lậy tung gờ xi măng cát. Như thú hoang xổng chuồng, nước xối xuống ào ào. Ngõ thành dòng thác khổng lồ. Chủ nhà chưa biết gì, chỉ thấy “Ục” một tiếng, hai trụ cổng xây bằng gạch đỏ cùng với cánh cổng sắt khóa bằng then ngang liền một khối văng vào tận góc sân. Nước như bầy ngựa bất kham, chớp mắt đã đầy oặc cả sân lẫn vườn, nước phi vào tận mọi ngóc ngách khiến vật dụng trôi nổi lềnh phềnh khắp nhà. Nước xối sập tường giậu nhà ông nọ, phi sang nhà bên cạnh, cuốn phăng những gì cản chúng. Bao nhiêu tường rào bị sập, vườn tược bị cày xới. Trong đó có ngôi nhà cấp bốn bằng gạch ba banh cũ kĩ của vợ chồng một người cao tuổi với đứa cháu mồ côi đang tuổi ăn, ngủ. May mà trời tảng sáng. Người ta mới biết, nháo nhào gọi nhau mới cứu được họ trong đổ nát. 
Lão vẫn bách bộ quanh phường. Tới gần nhà thì gặp trời mưa, lão đành trú dưới mái hiên nhà Văn hóa khu. Bên trong đang có cuộc họp. 
- Nước từ trước tới nay vẫn chảy như thế, chẳng qua là mưa quá lớn!..
- Chẳng lẽ không cần xử lý?
- Động mưa là đường ngập nước!
- Ối dào, chỉ ngập lúc mưa!
- Rõ là thiếu trách nhiệm! 
- Chúng tôi tiếp xúc cử tri bị lôi vào cuộc rồi, hội đồng nhân dân đi khảo sát rồi. Nhưng dân phía trên ai cũng xây chồng lấn. Chạm vào đâu cũng dân. Ai giỏi thì thử…!
- Sao phải thử? Cứ dẫy nào thoát dẫy đó!
Mưa thêm nặng hạt, nước bắt đầu duềnh ngập con đường trước cửa nhà lão. Trong nhà văn hóa khu, việc tranh cãi chưa kịp hạ hồi... Một tiếng “Rầm” bất chợt trong mưa cùng tiếng người thất thanh. Một phụ nữ, một đưa trẻ ngã xoài trên mặt đường ngập nước, chiếc xe máy đổ chổng kềnh bởi bánh trước sa xuống miệng cống ở chỗ vỡ nắp đậy, may có người đi bộ ngang đó nhanh chân cứu cháu bé. Cuộc họp trong nhà văn hóa tự động giải tán. Người ta gọi taxi đưa người phụ nữ cùng cháu bé đi chữa trị vết thương. Chuyện thoát nước lao xao mấy ngày rồi cũng lắng xuống. Thành phố của lão lên đô thị loại II. Nhưng con đường trước cửa nhà lão vẫn động mưa là lụt.
5/10/2017
Trần Đình Nhân
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...