Chủ Nhật, 2 tháng 5, 2021

Nền hội họa thời kỳ Phục Hưng

Nền hội họa thời kỳ Phục Hưng

Phục Hưng là một phong trào văn hóa thường được xem là bao phủ giai đoạn từ thế kỷ 14 đến thế kỷ 17, khởi đầu tại Firenze (Ý) vào Hậu kỳ Trung Đại, sau đó lan rộng ra phần còn lại của châu Âu.
Thời kỳ Phục Hưng không diễn ra theo một khuôn mẫu hoàn toàn giống nhau trên khắp châu Âu. Trong khi tinh thần Phục Hưng bắt đầu rất sớm và đặc biệt nở rộ ở Ý, có ảnh hưởng đều khắp trong hội họa, điêu khắc và kiến trúc thì mãi đến khoảng năm 1500 hay sau đó thời kỳ Phục Hưng mới bắt đầu ở phía Bắc của châu Âu và cũng chỉ chiếm ưu thế một phần, đồng thời mang nhiều tính cách dân tộc. Trong các quốc gia khác ngoài Ý kiến trúc và điêu khắc chịu ảnh hưởng nhiều hơn là hội họa. Tại Pháp và Đức phong cách cổ đại được hòa trộn với nhiều yếu tố dân tộc, nổi bật trong thời kỳ đầu của Phục Hưng hơn là trong thời kỳ Hậu Phục Hưng, thời kỳ mà hình dáng được thể hiện đầy đặn và mạnh mẽ hơn, chuyển đến cường điệu hóa của phong cách Baroque. Phong cách Phục Hưng tại Hà Lan, Ba Lan, Anh và Tây Ban Nha cũng mang sắc thái dân tộc.
Phục Hưng có gốc từ tiếng Pháp Renaissance (nghĩa là sự tái sinh), còn gọi là Rinascimento (tiếng Ý), là cuộc tái sinh các giá trị nghệ thuật, tư tưởng, khoa học của thời kỳ Cổ đại và sự sống lại, phát triển rực rỡ của nền văn minh phương Tây. Phong trào Phục Hưng thường được coi bắt đầu từ khoảng thế kỷ 14 tại Ý và thế kỷ 16 tại Bắc Âu. Nó cũng được coi là đánh dấu giai đoạn chuyển tiếp của châu Âu từ Thời kỳ Trung cổ sang Thời kỳ Cận đại, cũng như từ Thời kỳ phong kiến sang Thời kỳ tư bản.
Thuật ngữ Rinascenza (tái sinh) được nhà sử học Giorgio Vasari dùng ban đầu vào năm 1550 để chỉ sự hồi sinh và phát triển rực rỡ các hoạt động nghệ thuật và khoa học bắt đầu tại Ý vào thế kỷ 13. Sau đó, thuật ngữ Renaissance được Jules Michelet dùng trong tiếng Pháp và nhà sử học Thụy Sĩ Jacob Burckhardt phát triển (khoảng những năm 1860). Tái sinh ở đây có hai nghĩa: một là sự khám phá lại các sách vở cổ điển và đem ứng dụng vào trong khoa học và nghệ thuật; hai là để chỉ kết quả của các hoạt động văn hóa đó mang lại sự hồi sinh cho văn hóa châu Âu nói chung. Như vậy Phục Hưng có thể hiểu theo hai cách chính tuy khác biệt nhưng đều có ý nghĩa là sự tái sinh của nền giáo dục cổ điển Tây phương thông qua sách vở, tài liệu kinh điển của phương Tây và hồi sinh của văn hóa châu Âu nói chung. Từ Hán Việt viết Phục hưng, hay Phục Hưng, là thuật ngữ tương đương với khái niệm này.
Thời kỳ Phục Hưng được gọi như thế vì đặc tính cơ bản của thời kỳ này là sự hồi sinh của tinh thần thời kỳ Cổ đại. Chủ nghĩa Nhân văn chính là phong trào tinh thần cơ bản của thời kỳ này. Việc hồi sinh thể hiện ở chỗ nhiều yếu tố của tư tưởng thời kỳ Cổ đại được tái khám phá và sống lại (văn học, tượng đài kỷ niệm, tác phẩm điêu khắc, triết học,... và hơn cả đó là hội họa).
Trong một nghĩa rộng người ta hiểu Phục Hưng là sự hồi sinh của thời kỳ Cổ đại với các ảnh hưởng của thời kỳ này đến khoa học, văn học, xã hội, cuộc sống của những tầng lớp thượng lưu và sự phát triển của con người đi đến tự do cá nhân ngược lại với chế độ đẳng cấp của thời kỳ Trung cổ. Trong nghĩa hẹp hơn Phục Hưng là một thời kỳ của lịch sử nghệ thuật - “Thời kỳ của hội họa".
Trong thời Phục hưng có những cái mới, xây dựng trên nền tảng khoa học, trên cơ sở nhận thức được cái đẹp từ thiên nhiên. Họ tìm ra những định luật, nghiên cứu kỹ về con người, và các phương pháp thể hiện mới có thể tóm tắt như sau:
1. Tìm ra định luật của phép phối cảnh.
2. Quan tâm đến hình khối, sự cân đối của cơ thể con người. Trong khi tạo ra ngôn ngữ mới ấy, nghệ sĩ phục hưng dựa vào kinh nghiệm của các nghệ sĩ cổ đại, các ngành khoa học tự nhiên như quang học, hình học, giải phẫu học…
3. Trên cơ sở các môn khoa học ấy, xuất hiện lý thuyết viễn cận, lý luận về sự cân đối của cấu trúc con người và luật của ánh sáng.
4. Tìm ra chất liệu mới “sơn dầu” có khả năng ưu tú đã mang lại cho tranh nghệ thuật Phục hưng một bộ mặt mới, không chỉ ở nội dung mà còn ở phong cách nghệ thuật.
5. Song song với nghệ thuật hoành tráng, phát triển mạnh loại tranh giá vẽ trên gỗ, vải… các tác phẩm điêu khắc đồng, gốm, sành ,sứ, đá…
6. Kiến trúc phát triển, nhiều nhà cao tầng xuất hiện ở đô thị.
Tiêu biểu: Thời kỳ Phục Hưng Ý
Hội họa Phục hưng Ý là nền hội họa của thời kỳ bắt đầu từ cuối thế kỷ XIII và phát triển mạnh từ ngày đầu thế kỷ XV đến đầu cuối thế kỷ XVI ở bán đảo Ý, lúc đó được phân chia ra nhiều khu vực chính trị.
Các họa sĩ thời Phục hưng Ý, Mặc dù thường được gắn liền với các triều đình riêng biệt và với lòng trung thành với những thị trấn riêng biệt, vẫn đi lang thang dọc chiều dài và chiều rộng của bán đảo Ý, thường nắm giữ một chức vụ ngoại giao và phổ biến ý tưởng nghệ thuật và triết học.
Các thành phố Firenze ở Tuscany nổi tiếng là nơi sinh ra của thời kỳ Phục hưng, và đặc biệt của hội họa thời Phục hưng.
Trường học Athen (Raffaello)
Ở châu Âu thế kỷ XI, những thành thị được hình thành đã phá vỡ các lãnh địa phong kiến, từ đó xuất hiện tầng lớp thị dân giàu có - đây là hiện thân của giai cấp tư sản. Tại Italia, nhiều thành thị trung tâm ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế,… nhu cầu đời sống tinh thần được nâng cao, giai cấp tư sản muốn có một nền văn hóa chống lại giai cấp phong kiến, đó là nguyên nhân sự ra đời của văn hóa Phục hưng ở Italia, sau lan sang một số nước ở châu Âu như: Pháp, Đức,… Phong trào mỹ thuật Phục hưng ở Italia được khởi đầu vào cuối thế kỷ XIII bởi hai họa sĩ Cimabue và Giotto, phong trào ra đời nhằm khôi phục và làm hưng thịnh lại nền văn hóa cổ đại Hy Lạp, La Mã (nền văn hóa đề cao giá trị vật chất và tinh thần của con người) mà thời Trung cổ đã hủy hoại; đưa cái đẹp phục vụ cuộc sống con người, đồng thời nâng cao hơn trong hoàn cảnh mới để đạt tới sự mẫu mực, hoàn chỉnh. Sang thế kỷ XIV đến giữa thế kỷ XV, phong trào mỹ thuật Phục hưng ở Italia phát triển rực rỡ trên cơ sở những phát minh khoa học: tìm ra định luật viễn cận, tìm ra chất liệu sơn dầu,… Các họa sĩ thời Phục hưng thường lấy đề tài tôn giáo để thể hiện cái đẹp, để diễn tả cuộc sống, diễn tả con người, họ không vẽ theo công thức g̣ò bó như nghệ thuật Trung cổ (tranh thời Trung cổ mang tính trang trí hơn tính tạo hình, chỉ diễn tả không gian hai chiều nên không diễn tả được chiều sâu; hình dáng con người thường gầy nhom, ốm yếu, thiếu sức sống…) mà học hỏi cái đẹp từ thời Hy Lạp, La Mã, từ thiên nhiên. Các họa sĩ đưa không gian thấu thị vào tranh và áp dụng những luật hình  khối theo sáng tối, nhờ đó con người và thiên nhiên được diễn tả rất sâu về khối, tình cảm, y phục và bối cảnh, các quy luật về bố cục, màu sắc không gian, tỷ lệ, ánh sáng đến cách diễn tả đều đạt tới sự hoàn hảo. Mỹ thuật Phục hưng Italia đã sản sinh ra nhiều họa sĩ nổi tiếng có những cống hiến to lớn cho nền mĩ thuật thế giới, trong đó có ba họa sĩ tiêu biểu như Leonardo da Vinci, Michelangelo, Raffaello; Thời kỳ Phục Hưng kéo dài từ năm 1400 đến 1600, Trung tâm ở Florence.
Chân dung Dante Alighieri (Giotto)
Kiệt tác "Nàng Mona Lisa" (Leonardo da Vinci)
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...