Thứ Hai, 3 tháng 5, 2021

Mùa xuân trong thơ Thiền

Mùa xuân trong thơ Thiền

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm 

Nhất sinh đê thủ bái hoa mai 

Mười năm xuôi ngược giao du cốt tìm thanh kiếm cổ 

Một đời chỉ cúi đầu vái lạy trước hoa mai 

Cụ Chu Thần, tức Cao Bá Quát, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất trong văn học Việt Nam, người tự phụ riêng mình chiếm đến hai trong bốn bồ chữ của thiên hạ, đã thốt lên hai câu thơ trên. Hoa mai có những đặc tính nào mà đã dành được sự tôn kính của nhà nho kiêu ngạo, từng xem khinh cả vua lẫn quan như vậy? 

Có thể nói, trong các loài cây, kể cả cây có hoa hay không, mai là loài được ưa chuộng nhất từ xưa đến nay. Người đời thường bị quyến rũ bởi sự tương phản của mai: Tuy có thân và cành gầy guộc, có hoa mỏng manh, và mang hương thơm dịu dàng, thanh khiết, nhưng ở bên trong mai là cả một sự kiêu dũng. Chính sự kiêu dũng này đã giúp mai vượt qua được mưa gió sương hàn của mùa đông để đơm hoa kết nụ khi xuân về. Các nhà nho xem mai là tấm gương cho loài người về sự hòa hợp giữa chữ Nhẫn và chữ Dũng. 

Đã kiêu dũng, có hương thơm, lại nở sớm nhất trong các loại hoa xuân nên mai được tôn phong địa vị bách hoa khôi. Mai được gộp chung với tùng và trúc thành bộ "tam hữu". Sư gộp chung này bắt nguồn từ sách Luận ngữ: "Ích giả tam hữu: hữu trực, hữu lượng, hữu đa văn” (bạn có ích gồm ba hạng: ngay thẳng, rộng lượng, và hiểu biết nhiều). Người xưa thường ví von ba loại cây này là ngự sử mai, trượng phu tùng, và quân tử trúc. Ngoài ra, mai còn được kết hợp với lan, cúc, và trúc thành bộ tứ quý để biểu tượng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Trong thơ văn, mai thường được dùng để ví von cho phẩm chất của người quân tử. 

Đối với cụ Chu Thần, có lẽ trong suốt quãng đời bôn ba khắp chốn để cầu cổ kiếm (hay để xây dựng nghiệp bá vương?), cụ không hề gặp bậc chính nhân quân tử nào có cốt cách như "mai ngự sử". Vì vậy, theo thiển ý, "nhất sinh đê thủ bái hoa mai" là lời xưng tụng của cụ dành cho loại bách hoa khôi, đồng thời cũng hàm ý rằng anh hùng trong thiên hạ chẳng ai xứng để họ Chu này bái phục. Rõ là khẩu khí của Chu Thần. 

Được như mai há phải là chuyện dễ? 

Các loại hoa mai 

Mai có nhiều chủng loại. Người Trung Hoa đã tìm tòi nghiên cứu và phân mai ra đến gần 250 loại khác nhau. Trong các loại này, hầu hết có hoa năm cánh nhưng cũng có loại mang đến cả trăm cánh, xếp thành nhiều tầng. Tuy nhiên, để đơn giản hóa, nhiều người chia mai thành 4 loại tùy theo mầu sắc: hoàng mai, bạch mai, hồng mai, và thanh mai (mầu phớt xanh). Tại Việt Nam, có hai loại đặc biệt thường được xếp riêng các loại mai khác là mai tứ quý và song mai. 

- Mai tứ quý là loại mai có 5 cánh mầu vàng nhưng thường được liệt vào loại hoa đỏ vì khi tàn, các cánh hoa rơi rụng rồi năm đài hoa đổi thành mầu đỏ, úp lại ôm lấy nhụy, trông giống như nụ hoa vừa nhú. Nhụy bên trong kết hạt rồi hạt to dần, đẩy 5 đài hoa bung ra trông như hoa mai đỏ vừa nở. Hạt ở giữa các cánh hoa có mầu xanh khi còn non và đổi sang mầu đen khi già. Vì vậy, mai tứ quý cũng được gọi là nhị độ mai, tức mai nở hai lần, trước vàng sau đỏ. Loại mai này được nhiều người ưa chuộng vì nở hoa quanh năm. 

- Song mai là giống mai đặc biệt có nhiều ở huyện Thanh Trì miền Bắc. Hoa có mầu trắng, ra hoa và kết trái từng đôi nên được gọi là song mai. 

Ngoài ra, có một số hoa vẫn thường được liệt vào loài mai mặc dù không cùng họ với mai. Đó là nhất chi mai, mai mơ, và mai chiếu thủy. - Nhất chi mai có mầu đỏ hồng, thường gặp ở miền Nam. 

- Mơ là loại hoa có mầu trắng hồng, sau kết thành trái, và mọc nhiều ở miền Bắc. Hoa mơ được nhiều người gọi là mai và được nhắc đến nhiều trong thi ca như "thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái" (Chu Mạnh Trinh), "rừng mơ hiu hắt lá mơ rơi" (Nguyễn Bính), và "càng mưa phùn gió lạnh, càng lạnh càng hoa mơ" (Quang Dũng). 

- Mai chiếu thủy là cây đa niên, gốc to, cành nhánh nhiều, lá mọc thành đôi, và có hoa chum nhỏ li ti mầu trắng tuyền. Hoa luôn luôn hướng xuống dưới nên được gọi là mai chiếu thủy. Hoa có hương thơm dịu dàng, thanh khiết. 

Thuở trước, tại miền Bắc, các cụ ta trồng mai như một thứ cây cảnh chứ không chưng mai trong nhà vào dịp tết như người dân miền Nam sau này. Tại miền Nam, mai được chưng bầy trong ngày tết là loại mai vàng, chỉ mọc từ Quảng Bình trở vào. Khi nhắc đến mai, người Việt, nhất là người miền Nam, thường nghĩ đến loại mai vàng này. 

Mai trong thi ca 

Nghệ thuật thưởng mai chắc chắn đã phát xuất từ Trung Hoa. Theo sử sách, từ thời Xuân Thu, người dân ở đất Tây Chu đã trồng mai như một thứ cây cảnh. Dần dần người Trung Hoa xem mai tượng trưng cho khí tiết của dân tộc họ và nâng mai lên hàng quốc hoa. Sau đó, thú thưởng mai lan sang những nước chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa. 

Từ ngàn năm trước, hoa mai đã khơi nguồn cảm hứng cho biết bao thi nhân. Hoa mai được nhắc nhở trong thi ca của người xưa, cả ở Trung Hoa lẫn Việt Nam, thường là loại mai trắng. Đó là loại mai được nhắc đến trong thơ Trương Thuyết đời Đường: 

Khứ tuế Kinh Nam mai tự tuyết 

Kim niên Kế Bắc tuyết như mai 

Năm ngoái ở Kinh Nam (nay thuộc tỉnh Hồ Quảng), hoa mai trắng như tuyết 

Năm nay ở Kế Bắc (nay là Bắc Kinh), tuyết trắng như hoa mai 

Không như hầu hết các giống mai vàng ở phương Nam, loại mai trắng ở Trung Hoa và miền Bắc nước ta có mùi hương dịu dàng, thanh khiết, chẳng hạn như mùi hương của rừng mai nơi cung Dao Trì thuở xưa: 

Dao Trì bất thị tuyết 

Vị tiểu ám hương lai 

(Cổ thi) 

Nhìn về cung Dao Trì (thấy một màu trắng nhưng) 

biết không phải là tuyết 

Vì có phảng phất mùi hương (thơm) 

Lư Mai Pha, một thi nhân đời Tống, đã so sánh mai và tuyết qua hai câu: 

Mai tu tốn tuyết tam phân bạch 

Tuyết khước thâu Mai nhất đoạn hương 

Mai nên nhường tuyết ba phân trắng 

Tuyết phải thua mai một bậc thơm 

Về hình dáng, loại mai trắng trong thơ cổ của Trung Hoa và Việt Nam trông giống như giống mai mù u, hiện còn một cây trong vườn chùa Gò ở Phú Lâm, ngoại ô Sài Gòn. 

Trong văn học Trung Hoa, có lẽ người yêu mai nhất là Lâm Bô, tức Lâm Hòa Tĩnh (967- 1028), sống vào đời nhà Tống. Vị hiền sĩ này tài trí hơn người nhưng chán ghét tục lụy nên ở ẩn trên núi Cô Sơn, xem mai là vợ, hạc là con. Ông chính là tác giả bài thơ Mai Hoa bất hủ, được truyền tụng qua nhiều thế hệ. Bốn câu đầu của bài thơ như sau: 

Chúng phương dao, lạc độc tiên nghiên 

Chiếm tận phong tình hướng tiểu viên 

Sơ ảnh hoành tà thủy thanh thiển 

Ám hương phù động nguyệt hoàng hôn 

Các loài hoa rơi rụng, chỉ một mình (hoa mai) tươi tốt 

Chiếm cả vẻ đẹp trong khoảnh vườn nhỏ 

Bóng cành thưa đâm ngang lòng nước trong ở nơi cạn 

Hương thầm thoảng lên dưới ánh trăng hoàng hôn 

Hai câu thực của bài (câu 3 và 4) được đúc kết lại thành "ám hương phù động ánh hoành tà" và được cụ Giản Chi dịch là "chập chờn hương thoảng, bóng cành xiên ngang". Các thi nhân đời sau đã khen ngợi rằng chỉ với bẩy chữ, câu này đã diễn tả đủ được vẻ đẹp của hoa mai. 

Vương Duy (701-761), một thi sĩ kiêm họa sĩ đời Đường, đã nhắc đến hoa mai qua bài Tạp Thi bất hủ: 

Quân tự cố hương lai 

Ung tri cố hương sự 

Lai nhật ỷ song tiền 

Hàn mai trước hoa vị 

Người từ quê cũ đến 

Hẳn biết những chuyện ở quê nhà 

Ngày đi qua trước cửa buồng thêu 

Có thấy Hàn Mai nở hoa không? 

Nơi đất khách, gặp bạn cùng quê, nhà thơ không vội hỏi thăm chuyện quê cũ mà hỏi đến cội mai xưa. Cũng vậy, Lý Bạch, trong khi ngồi uống rượu trên lầu Hoàng Hạc, nghe có người thổi khúc sáo Lạc Mai Hoa, đã bồi hồi nhớ đến bóng mai nơi kinh thành Trường An xa xôi vạn dặm: 

Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa 

Tây vọng Trường An bất kiến gia 

Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch 

Giang thành ngũ nguyệt "Lạc mai hoa" 

Thân là người khách đến tận Trường Sa xa vạn dặm 

Trông về phía Tây, nơi thành Trường An, mà không thấy nhà 

Ngồi trên lầu Hoàng Hạc, nghe tiếng sáo ngọc thổi 

Giữa tháng năm, chợt vang khúc "hoa mai rụng" ở chốn Giang thành 

Lô Đồng (790-835), một nhà thơ khác đời Đường, đã thi vị hóa hoa mai với người đẹp (hay người đẹp với hoa mai?) trong những câu cuối của bài Hữu Sở Tư: 

Mỹ nhân hề! mỹ nhân! 

Bất tri mộ vũ hề! vi triệu vân? 

Tương tư nhất dạ mai hoa phát 

Hốt đáo song tiền nghị thị quân 

Người đẹp này! người đẹp! 

Chẳng hay (bây giờ) là mưa chiều hay mây sớm? 

Một đêm nhớ nhau mai nở hoa 

Trông thấy hoa trước cửa sổ, ngỡ là bóng nàng 

Bài thơ được nhiều người dịch ra tiếng Việt. Bài dịch hay nhất, theo thiển ý, là bài của Tản Đà với nhan đề "Có nhớ ai"

Hỡi ơi! Người đẹp ta đâu? 

Mưa chiều mây sớm, ai hầu biết ai? 

Nhớ nhau suốt một đêm dài, 

Trước song trắng toát hoa mai lúc nào! 

Ngỡ mình chẳng phải mình sao? 

Các nhà thơ cổ thường ca ngợi hoa mai vì vẻ đẹp, vì hương thơm, và đặc biệt, vì cốt cách của hoa. Ví von mai với tình nhân như Lô Đồng đã là trường hợp ngoại lệ. Ấy thế mà sau Lô Đồng một đời, có một nhà thơ tên Hàn Ốc (844- 933) đã so sánh làn da nõn nà, trắng mịn trên bộ ngực của người đẹp với một cánh... hoa mai. Ông viết: 

Phấn trứ lan hung tuyết áp mai 

Phấn thoa lên ngực như tuyết áp trên hoa mai 

Quả là táo bạo và độc đáo. 

Ở phương Nam, các nhà thơ của dân tộc ta không hề thua kém các nhà thơ phương Bắc trong lãnh vực thưởng thức và ca ngợi hoa mai. Một trong những nhà thơ hết lòng ưu ái loại hoa này là Nguyễn Trãi, vị khai quốc công thần của nhà Hậu Lê. Cụ đã từng giải thích lý do tại sao mình yêu mai đến thế: 

Ái mai, ái tuyết, ái duyên hà? 

Ái duyên tuyết bạch, mai phương khiết 

Yêu mai, yêu tuyết bởi vì đâu? 

Vì tuyết trắng, mai thơm và tinh khiết 

Cụ đã từng thổ lộ thú tiêu khiển trang nhã của cụ: 

Hái cúc, ương lan, hương bén áo 

Tìm mai, đạp nguyệt, tuyết xâm khăn 

Trong 21 bài "Ngôn Chí", Nguyễn Trãi đã nhắc đến mai qua 8 bài. Điển hình như: 

Trà mai đêm nguyệt dậy xem bóng 

Phiến sách ngày xuân ngồi chấm câu 

(Ngôn Chí 2) 

Quét trúc, bước qua lòng suối 

Thưởng mai, về đạp bóng trăng 

(Ngôn Chí 15) 

Lê Cảnh Tuân, một danh thần trong thời kháng Minh, khi bị quân Minh bắt về giam tại Kim Lăng, đã gửi gấm nỗi nhớ cố hương trong bài "Nguyên Nhật" (ngày đầu năm): 

Lữ quán khách nhưng tại 

Khứ niên xuân phục lai 

Quy kỳ hà nhật thị 

Lão tận cố hương mai 

Đất khách ngày lần qua 

Xuân đã quay trở lại 

Bao giờ về quê cũ 

Cội mai hẳn đã già? 

(Nguyễn Ngọc Bảo dịch) 

Đến cụ Nguyễn Du, lòng yêu mai có lẽ tăng thêm một bậc nữa. Trên đường trở về cố hương trong sau chuyến đi sứ sang Trung Quốc, cụ đã nán lại Từ Châu và chống chọi với giá buốt suốt ba tháng trời chỉ cốt để ngắm mai nở trên đầu núi: 

Nhượng tận khổ hàn tam duyệt nguyệt 

Lĩnh đầu lạc đắc khán mai hoa 

(Trích Từ Châu Đạo Trung) 

Cố chịu khổ với giá buốt trong ba tháng nữa 

Để được vui mừng ngắm hoa mai nở trên đầu non 

Cho nên, chúng ta không lấy làm lạ khi cụ đã sử dụng rất nhiều mỹ từ kèm với "mai" trong tác phẩm bất hủ Đoạn Trường Tân Thanh như lầu mai, tiên mai, mưa mai, sân mai, hồng mai, song mai, trướng mai, hồn mai, giấc mai. Tương truyền khi đi sứ sang Tầu vào năm 1813, cụ Nguyễn Du đến thăm một xưởng chế tạo đồ sứ danh tiếng tên Ngoạn Ngọc ở tỉnh Giang Tây. Lúc bấy giờ xưởng đang chuẩn bị chế tạo bộ trà Mai Hạc. Với nhã ý đáng ca ngợi, vị chủ hãng ngỏ lời xin quan chánh sứ phẩm đề một câu để quảng cáo cho kiểu đồ trà này. Người khác, ở vào trường hợp tương tự, chắc chắn sẽ nghĩ đến câu thơ chữ Hán. Tuy nhiên, quan chánh sứ lại dùng chữ Nôm của nước nhà mà viết nên câu: 

Nghêu ngao vui thú yên hà 

Mai là bạn cũ, hạc là người quen 

Kết quả là các bộ trà Mai Hạc sản xuất tại Giang Tây trong những năm sau đó có in hai câu thơ Nôm của cụ. Tuy nhiên, vì không biết chữ Nôm, nên các nghệ nhân Trung Hoa đã ghi sai hoặc ghi thiếu vài nét. Thêm nữa, thay vì phải viết thành một hàng 6 chữ, một hàng 8 chữ như quy định của thể thơ lục bát, họ lại viết thành ba hoặc bốn hàng với số chữ phân chia như sau: 

6 + 2 + 6 (ba hàng) 

5 + 2 + 5 + 2 (bốn hàng) 

4 + 3 + 4 + 3 (bốn hàng) 

Kể cũng là một giai thoại thú vị. 

Sau thời cụ Nguyễn Du, có một vị thượng thư tên Đào Tấn (1845-1907) , sinh quán tại Bình Định, cũng có thể kể là một bậc cuồng mai. Ông lấy hiệu là Mộng Mai và Mai Tăng (ông sư Mai). Khi về hưu, ông tìm đất đặt mộ cho mình ở núi Mai Sơn, thuộc làng Hoàng Mai (Bình Định), và cho khắc một bài thơ trên mộ, trong đó có câu: 

Núi Mai rồi gửi xương mai nhé 

Ước được hoa mai hóa mộng hồn 

Mai trong Thiền 

Nếu các thi nhân thường làm thơ ca tụng vẻ đẹp và hương thơm của mai, hoặc mượn mai để gói ghém tâm sự hay khí tiết của mình, thì các thiền sư thường dùng mai làm ẩn dụ để chuyển tải ý đạo, như một thiền sư Trung Hoa đời Đường với bài "Cổ Mai" nêu sau: 

Hỏa ngược phong thao thủy tí căn 

Sương thuân tuyết trựu cổ đài ngân 

Đông phong vị khẳng tùy hàn thử 

Hựu nghiệt thanh hương dữ phản hồn 

Lửa táp, gió lùa, nước ngâm thân 

Sương (như) búa tuyết (như) cưa khắc vết hằn 

Gió đông buốt giá dầu chưa đến 

Vẫn cứ đâm chồi tỏa ngát hương. 

Phải chăng thiền sư muốn nhắn nhủ chúng ta hãy bền gan vượt qua mọi cám dỗ, mọi thử thách trên đường tu đạo và hành đạo? Công phu đến độ chín muồi thì tâm ắt sẽ khai hoa, cũng như mai nở sẽ đúng thời khắc sau khi dãi dầu đủ gió mưa sương tuyết. 

Bài Cổ Mai nêu trên khiến chúng ta nhớ đến bài kệ của Tổ Hoàng Bá (?-850), một thiền sư danh tiếng người Phúc Kiến: 

Trần lao quýnh thoát sự phi thường 

Hệ bã thằng đầu tố nhất trường 

Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt 

Tranh đắc mai hoa phốc tỷ hương. 

Vượt cõi trần lao việc chẳng thường 

Đầu dây nắm chặt giữ lập trường 

Chẳng phải một phen xương lạnh buốt 

Hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương. 

Nhiều thiền sư Việt Nam cũng đã để lại cho hậu thế những bài thơ hoặc kệ bất hủ dùng mai làm ẩn dụ như Mãn Giác Thiền Sư (1052- 1096), Điều Ngự Giác Hoàng (1258-1308), tức vua Trần Nhân Tông, Huyền Quang Tôn Giả (1254-1334), và Tuyết Giang Phu Tử (1491- 1585), tức Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (nhiều người xem Tuyết Giang Phu Tử là một bậc thiền sư), v.v... Bài thơ (hay kệ) được biết đến nhiều nhất là bài "Cáo Tật Thị Chúng" (cáo bệnh để dậy đệ tử) của thiền sư Mãn Giác, đời nhà Lý. Trước khi viên tịch, thiền sư cáo bệnh, đóng cửa thiền phòng để tham thiền nhập định. Đến chiều tối, ngài thảo bài kệ, bước ra khỏi phòng, mỉm cười trao cho các đệ tử đang bồn chồn lo lâu cho sức khỏe người thày. Bài kệ trở thành những lời dậy hàm súc nhất của một bậc thiền sư gửi lại cho hậu thế: 

"Xuân khứ bách hoa lạc 

Xuân đáo bách hoa khai 

Sự trục nhãn tiền quá 

Lão tùng đầu thượng lai 

Mạc vị Xuân tàn hoa lạc tận 

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai". 

"Xuân đi trăm hoa rụng 

Xuân đến trăm hoa cười 

Trước mắt việc đi mãi 

Trên đầu già đến rồi 

Đừng tưởng Xuân tàn hoa rụng hết 

Đêm qua sân trước một cành mai". 

(Ngô Tất Tố dịch) 

Cuộc đời là một dòng vô thường không ngừng biến chuyển theo thời gian. Tất cả mọi vật hiện hữu trong vũ trụ, hễ có sinh thì có diệt; vì vậy, với con người, sinh lão bệnh tử là chuyện dĩ nhiên. Tuy nhiên, có một cái bởi không sinh nên không diệt. Đó chính là bản lai diện mục, là pháp gốc, là cái Tâm của mỗi người chúng ta. Cành mai trong bài kệ có thể không có thật ở chốn đình tiền đêm năm ấy (dẫu có thật, rồi hoa cũng phải rụng rơi theo ngày tháng). Tuy nhiên, điều chúng ta biết chắc, cành mai ấy đã hiện hữu ở từng sát na trong mắt nhìn của thiền sư, đúng ra là ở trong tâm ngài. Cành mai ấy mọc bên ngoài dòng sinh tử vô thường của thời gian và nở bên ngoài quy luật bể dâu của vũ trụ. Tâm hoa nếu đã nở thì việc gì phải cậy đến mùa xuân. Mà thật ra, làm gì có mùa xuân. Chúng ta thấy xuân đến xuân đi chỉ vì chúng ta đang sống trong vọng thức. 

Thấu đáo ẩn dụ của cành mai trong bài kệ, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy an nhiên tự tại khi đối diện với sinh tử vô thường của tạo hóa, với được, thua, còn, mất của kiếp người. 

Câu Chuyện Thú Vị: Hoa Mai, Mai Nở Hoa, hay Tam Sao Thất Bản? 

Bàn về hoa mai, người viết chợt nhớ đến một chuyện khá lý thú. Khoảng 8 năm trước, người viết đọc được một câu chuyện do giáo sư Đỗ Quý Toàn kể trong tác phẩm "Tìm Thơ Trong Tiếng Nói", Thanh Văn xuất bản năm 1992 tại California. Giáo sư chính là một trong những vị thày của người viết tại trường trung học Chu Văn An thuở trước. 

Ông hiện là chủ biên báo Người Việt tại California. 

Dưới tiểu đề “Khi mai hoa không phải là hoa mai”, câu chuyện được giáo sư thuật lại như sau: 

"Xin kể thêm một kinh nghiệm riêng về đọc thơ để nói rõ hơn về tác động thi vị của cách ghép các từ và cách ngắt câu trong thơ. 

Trên một chuyến xe đò Sài Gòn - Bà Rịa, tôi đọc lần đầu bài thơ “Thăm Chùa Thiền Tông" của Nguyễn Du. Hai câu thực (câu 3 và 4) làm tôi thích thú: 

Cổ tự mai hoa, hoàng diệp lý 

Tiên triều tăng lão, bạch vân trung 

Tôi hiểu như thế này: 

Hoa mai ở ngôi chùa cổ, trong đám lá vàng

Vị sư già triều trước, giữa cõi mây trắng 

Tôi rất yêu những hình ảnh này. Thầy Châu Toàn đi cùng xe với tôi, một người rất nghệ sĩ, kể tôi nghe về ngôi chùa ở ngoại vi thành phố đó, nhưng không nói thêm gì về bài thơ. Mấy năm sau, thày đã mất, tôi với Châu Văn Thọ có dịp ra Huế, tôi tới chùa Thiền Tông đảnh lễ ngài hòa thượng Giác Nhiên. Tôi bồi hồi tưởng nhớ thầy Châu Toàn, vào chánh điện tìm cái chuông thời Cảnh Hưng vẫn còn đó (Cảnh Hưng do quải cựu thời chung), nhìn mấy hàng chữ đề niên hiệu, mấy hàng chữ mà thế kỷ trước Nguyễn Du đã nhìn. Thật là cảm động. 

Trong vòng hơn mười năm, tôi vẫn nhớ lại bài thơ, nhất là hai câu Thực. Ở Montreal tôi đọc cho Đinh Ngọc Mô nghe, cũng khoái trá. Chúng tôi đã thử cố dịch bài thơ đó mà chưa bao giờ hài lòng. 

Cổ tự mai hoa, hoàng diệp lý 

Tiên triều tăng lão, bạch vân trung 

Thế rồi một bữa Mô cho tôi biết cách tôi hiểu hai câu thơ đó là sai. Hắn đã đọc bài thơ cho một nhà nho nghe. Cụ Đàm đã trên 80 tuổi. Cụ bảo hai câu Thực phải đọc như thế này mới đúng: 

Cổ tự mai/ hoa hoàng diệp lý 

Tiên triều tăng/ lão bạch vân trung 

Chỗ ngắt câu là ở sau tiếng thứ ba, và trong hai câu đó, tiếng thứ tư là động từ chứ không phải danh từ. Cho nên phải hiểu như sau: 

Cây mai ở ngôi chùa cổ nở hoa trong đám lá vàng 

Vị sư triều đại trước già đi giữa cõi mây trắng 

Lúc đó cả một thế giới bị đảo lộn. Chắc sẽ phải thăm chùa Thiền Tông lần nữa, đứng đó khấn vái, tạ tội với hương hồn cụ Nguyễn Du. Thế ra con người tài tình đó đã tặng cho tôi một bảo vật, mà tôi chỉ chờn vờn ngắm nghía cái vỏ đựng bên ngoài. Như sờ mó một hòn đá mà không biết bên trong còn có ngọc. Vậy ra hoa mai không phải là cây hoa mai, mà cây mai nở hoa. Tăng lão không phải là ông già đi tu mà là vị sư ngả tuổi già. Thay đổi một chỗ ngắt câu, đổi danh từ thành động từ, cả bài thơ bỗng chuyển hóa! Không gian biến thành thời gian. Tĩnh hóa thành động. Hình ảnh đang đứng yên bỗng rung chuyển. Cái nỗi phù du của con người, của triều đại chính trị càng thêm thấm thía. Một câu thơ bỗng nối dài bao vòng xoay của trái đất quanh mặt trời. Nếu nhìn từ cõi biến đổi, thì mái tóc đang nhuốm bạc kia là lớp lớp biển dâu. Còn như nếu nhìn bằng con mắt bất biến thì hoa mai năm năm vẫn cứ nở trong cõi lá ngả vàng, có khác chi đâu? Không dùng danh từ mà dùng động từ, Nguyễn Du chẳng cần dùng nhiều lời hùng biện như Tô Đông Pha: 

(Tự kỳ biến giả nhi quán chi... tự kỳ bất biến giả nhi quán chi...). 

Thơ của cổ nhân xúc tích và uyên ảo, đọc mà không đủ thanh tịnh thì không cảm thấy được bao tình ý, hình ảnh, thật là có tội. Khi đọc "mai hoa" mình đã dùng cái khuôn sáo thông tục hằng ngày để hiểu là hoa mai. Cái thói quen ăn xổi ở thì khi dùng ngôn ngữ đã thành cố tật. Thật là có tội". 

Câu chuyện giáo sư kể thật lý thú và cảm động. Người viết đã nhiều lần thuật lại câu chuyện này cho các bằng hữu trong những buổi mạn đàm về thi ca. "Mai nở hoa trong đám lá vàng”. 

Mai hoa đâu đã chắc là hoa mai. Hay, hay thật! 

Cho đến một hôm. 

Cuối năm 1999, người viết được một bằng hữu từ Việt Nam gửi tặng tuyển tập “192 Bài Thơ Chữ Hán của Tiên Điền Nguyễn Du", do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin xuất bản năm 1996 tại Hà Nội. Trong số những bài thơ này có bài "Vọng Thiên Thai Tự" thuộc tập Nam Trung Tạp Ngâm, tức bài thơ giáo sư Toàn đã đề cập ở trên. Đọc bài thơ, người viết bỗng ngạc nhiên khi thấy trong hai câu Thực, câu đầu không giống như câu giáo sư đã nhắc đến mà là: 

Cổ tự/ thu mai hoàng diệp lý 

Tiên triều/ tăng lão bạch vân trung 

Chữ "mai" trong câu này không phải là hoa mai nhưng là động từ "chôn", "vùi" như mai trong các câu thành ngữ "mai ngọc trầm châu" và "mai danh ẩn tích". Còn "thu" chính là mùa thu. Như vậy, hai câu thực của bài mang ý nghĩa: 

Ngôi chùa cổ bị mùa thu vùi trong đám lá vàng 

Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng 

Trên căn bản lý luận, “thu mai ” hợp lý hơn “mai hoa”, vì cụ Nguyễn Du làm bài thơ từ một khoảng cách khá xa chùa. Khi "hướng trông lên Thiên Thai Tự" (tên bài thơ), cụ trông thấy chùa như đang bị vùi dưới những tàn lá vàng mùa thu, một hình ảnh thật đẹp mắt. Dĩ nhiên, từ khoảng cách ấy, chắc chắn cụ không thể thấy được những đóa mai đang nở hoa trong đám lá vàng. 

Sau khi đọc bài thơ in trong tuyển tập, người viết đã cố công tìm được vài tài liệu khác và bản nào cũng ghi là "thu mai" chứ không phải "mai hoa" như bản giáo sư Toàn đã đọc trên chuyến xe đò thuở trước. Nguyên văn bài thơ như sau:

Vọng Thiên Thai Tự 

Thiên thai sơn tại đế thành đông 

Cách nhất điều giang tự bất thông 

Cổ tự thu mai hoàng diệp lý 

Tiên triều tăng lão bạch vân trung 

Khả liên bạch phát cung khu dịch 

Bất dữ thanh sơn tương thủy chung 

Ký đắc niên tiền tằng nhất đáo 

Cảnh Hưng do quải cựu thời chung 

Nhìn Lên Chùa Thiên Thai 

Núi Thiên Thai nằm phía cuối thành đông 

Cách một nhánh sông nhỏ, tưởng chừng chẳng có lối sang 

Ngôi chùa cổ (ở đó) bị mùa thu vùi trong đám lá vàng 

Triều vua trước vị sư già đi giữa áng mây trắng 

Thương thay (cho mình) tóc đã bạc mà còn phải làm lụng vất vả Chẳng thể cùng với non xanh giữ vẹn nghĩa thủy chung 

Nhớ năm trước (ta) đã từng đến đấy 

Còn trông thấy chiếc chuông cổ đúc từ thời Cảnh Hưng 

Chùa Thiền Tôn, hay Thuyền Tôn, hiện tọa lạc ở thôn Ngũ Tây, xã Thúy An, thành phố Huế. 

Chùa được xây vào đầu thế kỷ 18 và nằm bên trái núi Thiên Thai nên còn được gọi là Thiên Thai Tự. 

Đọc xong bài thơ, người viết bỗng có cảm tưởng hụt hẫng như bị mất một điều gì. Tại sao là "thu mai" mà không phải "mai hoa". Câu chuyện giáo sư Toàn kể đã hay về văn chương mà lại độc đáo về “thiền”. Những đóa mai nở sớm khi đám lá vàng chung quanh (dĩ nhiên không phải lá của mai) còn dùng dằng chưa rơi rụng. Đọc câu thơ mà tưởng chừng nghe được tiếng chuyển động của những cánh hoa đang khai nở và cảm được mùi hương thanh khiết từ nhụy hoa nhẹ thoảng ra. Bỗng dưng bây giờ những đóa mai ấy biến mất. Thế có đáng giận không hở cụ Tiên Điền? 

Dù sao đi nữa, nếu có cơ hội trở lại thăm chùa Thiền Tôn, có lẽ vị thày khả kính của người viết sẽ phải khấn vái tạ tội với cụ Tiên Điền. Không phải chỉ tạ tội một lần như thày từng phát nguyện, mà phải tạ đến hai lần vì suốt hai mươi mấy năm trời đã cả tin vào một câu thơ tam sao thất bản. 

Lại thêm một mùa xuân về trên đất khách. 

Cộng chỉ mai hoa báo tiêu tức 

Xuân tằng hà đáo dị hương nhân 

(Nguyễn Du) 

Cùng nhau chỉ hoa mai báo tin xuân 

Nhưng xuân có bao giờ đến với người nơi đất khách 

Phải chăng hai câu thơ nêu trên chính là tâm trạng chúng ta mỗi khi chứng kiến cảnh xuân trên xứ người? Có cố công tìm một nhánh (gọi là) mai, mang về cắm trong chiếc độc bình bày giữa nhà cũng chỉ là để níu kéo một chút hương thừa xuân năm cũ. 

Đến xuân năm nay, tình cờ đọc được bài thơ của một ni sư đời nhà Tống, người viết hốt nhiên bừng tỉnh ngộ:

Tận nhật tầm xuân bất kiến xuân 

Mang hài đạp phá lãnh đầu vân 

Qui lay khước phá mai hoa hạ 

Xuân tại chi đầu vị thập phân
Ni sư mang hài trèo đèo vượt núi, cực khổ tìm Xuân suốt ngày mà vẫn chẳng gặp Xuân. Đến khi trở về mới thấy Xuân đang hiện trên những cành mai trong vườn nhà. 

Ni sư nói bóng nói gió đấy thôi, làm gì có mai trong vườn nhà. Cành mai đang đơm nụ báo tin xuân ấy là cành mai trong Tâm của ni sư. Đó cũng chính là cành mai của thiền sư Mãn Giác thuở xưa, và là cành mai đang chờ khai nở trong tâm chúng ta. 

Thoát cái, đã 29 năm đăng đẳng trôi qua kể từ tang thương buổi ấy. Ngần ấy năm hứng chịu “lửa táp, gió lùa, nước ngâm thân" và "sương như búa, tuyết như cưa, khắc vết hằn", cội mai hẳn đã sẵn sàng đơm hoa kết nụ? 

"Chẳng phải một phen xương lạnh buốt, hoa mai đâu dễ ngửi mùi hương". 

Ý xuân trong thơ thiền 

Thơ tức họa và họa tức thơ, có nghĩa thơ là bức tranh, bức họa mà tác giả muốn vẽ ra, ngược lại tranh hay họa là những vần thơ không lời. Những vần thơ tuyệt tác cũng là bức tranh tuyệt hảo không thể dùng bút giấy để vẽ lên được. 

Xuân, hạ, thu, đông trong bốn mùa, mùa xuân cũng là một trong bốn mùa tạo một niềm cảm hứng cho thi nhân nhiều nhất. Có lẽ mùa xuân biểu tượng cho sự đổi mới, một chu kỳ mới bắt đầu cũng biểu tượng cho niềm tin, sức sống bừng lên, khởi sắc, hy vọng, một cái gì ấm áp của đất trời trở về sau những cái lạnh cắt da, vạn vật cuộn thu nhỏ lại của mùa đông. 

Trong không khí xuân biểu tượng sự trong sáng thanh tịnh, chúng ta hãy thử tìm hiểu ý nghĩa những vần thơ xuân mang hương thiền và tâm tình tác giả. 

Từ xa xưa những vị Thiền Sư thường hay dùng câu kệ hay bài thơ về thiên nhiên để diễn đạt ý thiền. Chúng ta thấy tư tưởng Thiền thẩm thấu vào toàn thể nền văn hóa viễn đông qua các bộ môn nghệ thuật như hoa đạo, trà đạo, thư đạo v.v,... và tập quán đời sống. Thiền không chỉ đến với đời sống qua nghệ thuật, với khái niệm đơn sơ, giản dị, ngay thẳng và hùng tráng của Thiền có sức quyến rũ mạnh đến thành phần võ sĩ Nhật Bản. Tu tập Thiền giúp cho họ không chỉ sống hòa nhịp với trời đất, giác ngộ tinh thần vô ngã mà còn khắc phục tinh thần sợ chết. Có nhiều bài thơ đã nói lên tinh thần này của người võ sĩ, chẳng hạn như bài thơ sau trích dẫn từ “Phật Quang Quốc Sự Ngữ Lục” như sau: “Càn khôn vô địa trác cô trúc. 

Thả hỷ nhân không pháp diệc không. 

Trân trọng đại Nguyên tam xích kiếm. 

Ðiện quang ảnh lý trảm xuân phong". 

Phỏng dịch: 

“Sừng sững một mình giữa càn khôn. 

Vui thay pháp không ngã cũng không. 

Hào hùng Hiệp sĩ vung thanh kiếm. 

Nhanh như chớp cắt cả gió xuân. 

Vào thế kỷ thứ 11 ở Việt Nam, Thiền Sư Mãn Giác (1052-1096) thuộc dòng thiền Vô Ngôn Thông đời nhà Lý, được vua Lý Nhân Tông phong tước hiệu Hoài Tín Đại Sư. Theo Thiền Uyển Tập Anh, Thiền Sư đã làm bài thơ tựa “Cáo Tật thị chúng” có nghĩa thông báo với mọi người có bệnh, và đã viên tịch sau đó thọ được 45 tuổi. Bài thơ tuy chỉ có sáu câu, trải hơn ngàn năm vẫn còn được mọi người ưa thích và truyền tụng cho đến ngày hôm nay: 

"Xuân khứ bách hoa lạc 

Xuân đáo bách hoa khai 

Sự trục nhãn tiền quá 

Lão tòng đầu thượng lai 

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai" 

春去百花落 

春到百花開 

事逐眼前過 

老從頭上來 

莫謂春殘花落盡 

庭前昨夜一枝梅 

Phỏng dịch: 

Xuân đi trăm hoa rụng 

Xuân đến trăm hoa nở 

Dòng đời trước mặt trôi 

Cái già đến đầu rồi 

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết 

Đêm qua sân trước một cành mai. 

Hai câu đầu tác giả diễn tả trạng thái tự nhiên của tạo hóa, vận chuyển thay đổi vạn vật đất trời, như gió thổi mây bay, như trăng tròn rồi lại khuyết, đông qua xuân đến rồi hoa nở, xuân đi thì hoa rụng cứ như thế liên tục đổi thay không ngừng, cũng như trái đất cùng hệ thống thái dương hệ liên tục di động vào không gian vô tận. Hai câu tiếp Thiền sư cũng vẽ lên cho chúng ta thấy hình ảnh tự nhiên vô thường của xã hội loài người và ngay cả chính cái kiếp nhân sinh mỏng manh như hạt sương trong buổi ban mai, sinh ra rồi già, bệnh và chết. Một quy luật bất di bất dịch của tạo hóa, cho dù có sống ở dưới bất cứ thời đại nào hay không gian nào. Đối với thế gian con người bình thường cảm thấy thương tiếc, buồn cho hoa xuân tan tác, rơi rụng sẽ không còn nữa khi mùa xuân đã qua đi. Nhưng hai câu cuối của bài thơ cho thấy với tâm thiền định, tác giả đã nhìn hoa xuân dưới con mắt hoàn toàn khác. Đó là “Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết” mà ngược lại “Đêm qua sân trước một cành mai”. Tác giả đã hòa nhập bản ngã cùng vũ trụ, cảm nhận một mùa xuân bất tận, vĩnh cửu vượt thời gian và không gian. Một mùa xuân không bị câu thúc giới hạn bởi tuổi tác, bởi thể xác hữu hạn bởi ngũ uẩn, mà là một mùa xuân bất diệt, đầy ngát hương thơm của hoa mai sống mãi trong tâm hồn, yêu đời yêu người. Mùa Xuân không ở bên ngoài, không phải là đối tượng của sự tìm cầu, mà chính là chúng ta - dòng sinh mệnh bất sanh bất diệt từ vô thủy cho đến vô chung. Bừng tỉnh xoay trở về chính mình, trân trọng từng khoảnh khắc, ta mới nhận ra, quả thật xuân hiện diện khắp mọi nơi, và hoa mai đang tỏa ngát hương thơm!. Đó chính là tâm thiền định, là cảnh giới cao nhất của tự do tự tại. 

Bức tranh Thiền Sư Mãn Giác đời Lý vẽ thật là tuyệt bao gồm cảnh sắc thiên nhiên, xã hội con người và cả tâm đạo trong đó. Không biết có nhà họa sĩ nào có thể vẽ được bức họa như thế không nhỉ?. 

Tuệ Phong 

Ngày đầu Xuân Canh Dần 2010

MÙA XUÂN YÊU EM 

TRẦN HOÀNG ANH 

Mùa Xuân là mùa của cây lá đâm chồi, nẩy lộc, của hội hè đình đám. Trong không khí tưng bừng đó, mùa Xuân cũng là mùa khiến cho lòng người dễ dàng rung động vì một bóng hình nào đó, là mùa của tình yêu chớm nở trải rộng với đất trời bao la bát ngát: 

Mùa Xuân yêu em 

Đồi núi thênh thang 

Hồ nước long lanh ngàn cánh vàng 

Ngày ta yêu em 

Màu lá thanh xuân chờ đến thu sang rồi hãy tàn! (1) Tuy nhiên, không phải ai cũng có tình yêu nhẹ nhàng phơi phới trong mùa xuân như bài hát trên. Không thiếu gì người, mùa nào như mùa ấy, đau khổ vì yêu: 

Yêu là chết trong lòng một ít 

Vì mấy khi yêu mà chắc được yêu 

Cho rất nhiều song nhận chẳng bao nhiêu 

Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết (2). 

Dù sao yêu thơ thẩn như trên thì chỉ “chết trong lòng một ít” chưa đến nỗi nào, có người yêu không được toại nguyện đến nỗi tự tử chết hoặc nổi cơn ghen, đâm chết tình địch. Vì vậy nên trong giáo lý nhà Phật có câu: 

Ái hà thiên xích lãng 

Khổ hãi vạn trùng ba (3). 

Trong bài viết này, người viết sẽ thử tìm hiểu quá trình tình yêu nam nữ dưới ánh sáng của giáo lý “năm uẩn” và “12 nhân duyên” của đạo Phật qua các giai đoạn, bắt đầu từ cuộc gặp gỡ, tìm hiểu, cho đến chinh phục, tỏ tình và kết thúc bằng hoặc là một cuộc hôn nhân hoặc là tan vỡ trước hay sau ngày cưới. Theo Phật Giáo, thập nhị nhân duyên là qui luật chi phối mọi pháp tức là mọi sự mọi việc trên đời trong đó có tình duyên, còn ngủ uẩn là lý thuyết về sự cấu tạo thân và tâm mọi người. Ngoài ra, trong bài này người viết cũng thử nêu lên những phương pháp chủ yếu để bảo vệ hạnh phúc bản thân và gia đình được sử dụng trong Phật giáo. Gặp Gỡ: Cuộc tình nào cũng bắt đầu bằng một sự gặp gỡ tình cờ hay sắp đặt nào đó giữa hai người. Nếu không có gặp gỡ tiếp xúc thì không làm sao có thể nảy nở tình yêu. 

Theo Thập nhị nhân duyên (4), nhân duyên thứ sáu là “xúc” sẽ sinh ra nhân duyên thứ bẩy là “thọ”, và thọ sẽ sinh ra nhân duyên thứ tám là “ái” và “ái” sẽ sinh ra nhân duyên thứ chín là “thủ”. Nhưng trước khi có “xúc” thì phải có nhân duyên thứ năm không kém quan trọng là “lục nhập”. 

Lục nhập gồm có 6 giác quan được gọi là “lục căn” và 6 đối tượng của giác quan được gọi là “lục trần”. Lục căn là mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Còn lục trần là sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Lục nhập tạo ra xúc. Xúc là sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng của chúng, như mắt tiếp xúc “thấy” với cảnh vật, tai nghe (tiếp xúc) âm thanh, mũi ngửi mùi, mới có thọ, tức là những cảm giác gây nên do sự tiếp xúc giữa các giác quan và đối tượng. Theo Phật giáo, có 3 loại cảm thọ: cảm thọ dễ chịu, vui sướng, hạnh phúc, loại cảm thọ khó chịu, buồn phiền, khổ đau, và loại cảm thọ trung tính, không khó chịu cũng không dễ chịu. Sau khi có thọ rồi thì mới có “ái” tức là sự ham muốn, khao khát, luyến ái; và “thủ” tức là cố bám giữ lấy đối tượng làm của riêng của mình, tiếp tục vòng sinh tử luân hồi. 

Dưới ánh sáng của Thập nhị nhân duyên, gặp gỡ đầu tiên giữa 2 đối tượng thật ra là gặp gỡ của 6 giác quan của họ. Trong khung cảnh hữu tình của một ngày xuân với “cỏ non xanh tận chân trời” (5), nàng Kiều của Nguyễn Du đã “thấy” Kim Trọng lần đầu tiên xa xa: Trông chừng thấy một văn nhân 

Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng (6) 

Khi đến gần hơn, thì Kiều càng thấy chàng tuấn tú đẹp trai đến nỗi mỗi bước chân đi qua “Một vùng như thể cây quỳnh cành dao” (7). Bây giờ Kiều lại nghe chàng Kim nói chuyện với Vương Quan, em trai của mình, mới biết chàng: 

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh 

Nền phú quý, bậc tài danh 

Văn chương nết đất thông minh tính trời. (8) 

Ý căn của Kiều giúp nàng nhận ra rằng, nói theo ngôn ngữ thực tiễn của thời đại chúng ta, Kim Trọng chẳng những “đẹp trai” mà còn là “con nhà giàu học giỏi” thì cảm thọ của Kiều “tình trong như đã mặt ngoài còn e” (9). Đến khi Kiều gặp Từ Hải thì nàng đã ở trong một hoàn cảnh khác. Kiều không phải là một tiểu thư “phong gấm rủ là” như trước nữa mà đã là một cô gái giang hồ, nổi tiếng đẹp và tài hoa ở trong một khu ăn chơi sang trọng. Khi nhãn căn của Kiều thấy Từ Hải “râu hùm hàm én mày ngài” (10) và nhĩ căn nghe tiếng chàng “đường đường một đấng anh hào, côn quyền hơn sức lược thao gồm tài” (11) thì Kiều và Từ Hải đều dính mắc vào “ái” ngay: “Hai bên cùng liếc hai lòng cùng ưa” (12) không cần “tình trong như đã” cho dài dòng. 

Nếu Kiều, Kim Trọng và Từ Hải không có 6 giác quan thì chắc là họ không thể nhìn thấy nhau, không nghe thấy nhau, không biết nhau thì có khác gì không thể gặp gỡ nhau để nảy nở những quan hệ nam nữ tạo ra một “Đoạn Trường Tân Thanh” (13) mà chúng ta có thể dịch nôm na là “âm thanh mới khổ đến đứt ruột” để cho người đọc “mua vui cũng được một vài trống canh” (14). Tìm hiểu: Sau khi gặp gỡ, bây giờ đến giai đoạn tìm hiểu giữa hai người. 

Tìm hiểu theo ngôn ngữ hiện đại là “dating” để biết rõ về người kia hơn, nhưng thật ra là để củng cố lại khâu “xúc”, “thọ” và “ái” xem thử đối tượng có tiếp tục cho mình những cảm thọ dễ chịu hay không! Ngày xưa như Kim Trọng thì thuê nhà sát bên Kiều để tiện bề gặp gỡ. Ngày nay thì hai người có thể xin số điện thoại, e-mail, địa chỉ của nhau để hẹn hò. 

Trong thời gian tìm hiểu, chàng và nàng sẽ muốn biết đối tượng của mình là ai và thường sẽ muốn biết về lý lịch của người kia như tuổi tác, gia thế, học vấn và sâu hơn nữa là sở thích, tính tình v.v... Theo đạo Phật, muốn biết rõ người kia là ai thì phải biết rõ “5 uẩn” của họ, tức là 5 thứ tạo nên con người chúng ta. 

Năm uẩn là sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Sắc thuộc về thân, còn thọ, tưởng, hành, thức thuộc về tâm: 

1- Sắc: là thân thể với thịt xương, các giác quan, các hệ thống thần kinh bên dưới, v.v... với hình dáng cụ thể có thể nhìn thấy được bằng nhãn căn. 

2- Thọ: là những cảm giác sướng, khổ vui buồn. Cảm giác này có thể thiên về vật chất hay tinh thần, và được chia ra làm ba loại như đã trình bày trước đây. 

3- Tưởng: là tri giác (perception) gồm những hình ảnh và âm thanh, và gồm cả những gì con người có thể hình dung được, ví như khi hình dung về mùi vị của một món ăn, sự xúc chạm êm ái nào đó. Tưởng cũng là tri giác cạn bên ngoài qua cái biết phân biệt, suy luận. 4- Hành: là tất cả những hiện tượng tâm lý của con người, thường là chúng ta không ý thức được, như tại sao yêu màu này ghét màu kia, không thích người nọ. Hành là gốc của bản ngã, trong khi tưởng là bề mặt của bản ngã. 

5- Thức: là tâm thức và thuộc hẳn vào cõi vô thức. Trên bình diện tâm lý, thức là “bộ nhớ” nơi lưu trữ ký ức, ghi lại các niềm tin, thành kiến, các quan niệm cấu thành tính tình mỗi người. Ngoài ra thức còn là cái biết trực giác mà chúng ta thường không giải thích được. Như vậy tìm hiểu đối tượng, trước tiên là nên hiểu biết về sắc uẩn của người đó. Điều này đơn giản nhất vì nó cụ thể và thường chúng ta có thể thấy được. Tuy vậy không phải lúc nào chúng ta cũng biết rõ sắc uẩn mỗi người. Ví dụ, chúng ta thấy chàng này cao ráo đẹp trai nhưng biết đâu chàng lại bị bệnh “aid” không chừng! Kế đến chúng ta tìm hiểu thọ uẩn của đối tượng. Việc này hơi phức tạp hơn vì cảm thọ không có hình dáng cụ thể. Chúng ta sẽ xem lục căn của đối tượng ưa thích những gì. 

Ví dụ, tỉ căn của nàng thích mùi dầu thơm nào, thiệt căn của chàng ưa ăn món gì, ý căn của nàng thích những lời khen tặng nào. 

Sau đó chúng ta sẽ tìm hiểu tưởng uẩn của đối tượng. Việc này cũng không phải là dễ vì tri giác (perception) của đối tượng không có hình dáng cụ thể. Chúng ta vẫn phải dựa vào lục căn của đối tượng để hiểu tưởng uẩn của đối tượng. Tuy nhiên tưởng uẩn còn biết tính toán so đo nên chúng ta phải coi chừng. Ví dụ, chúng ta phải xem tưởng uẩn của chàng có phải chỉ thích “chồng chúa vợ tôi” hoặc tưởng uẩn của nàng chỉ thích “Nhất vợ nhì trời”. Như vậy chúng ta sẽ tiện bề hành động để hoạch định kế hoạch chinh phục hay “gài số de”. 

Kế đến chúng ta tìm hiểu hành uẩn của đối tượng. Điều khó hơn vì nó thuộc về phạm vi vô thức của chàng hay của nàng mà ngay cả đương sự cũng không biết. Tuy vậy hành uẩn lại quan trọng vô cùng vì nó là nơi xuất phát của ý chí, ái kiến và có sức mạnh vô song. Ví du, không hiểu sao một cô gái gia đình sang trọng học thức lại yêu một chàng du thử du thực, và từ chối những cuộc hôn nhân môn đăng hộ đối, tạo ra một mối tình ngang trái mà ngay cả cô gái trên phương diện ý thức của tưởng uẩn cũng thấy là không hợp lý. 

Cuối hết chúng ta tìm hiểu thức uẩn của đối tượng. Cũng như hành uẩn, thức uẩn thuộc về vô thức nên rất khó biết. Người thân của họ nhiều khi cũng không hiểu được nên mới có câu: 

“Cha mẹ sinh con trời sinh tính”. Tuy nhiên chúng ta có thể biết được như nàng tin gì, dễ dãi hay khó khăn, chàng có phải là người tự tôn hay khiêm hạ, có những thành kiến gì. Tìm hiểu hành uẩn và thức uẩn khó nhưng vì hành uẩn và thức uẩn luôn phối hợp nhịp nhàng với tưởng uẩn nên chúng ta hiểu tưởng uẩn của đối tượng, chúng ta sẽ dễ dàng hiểu về hành và thức uẩn của họ hơn. 

Ví dụ trong thời gian tìm hiểu, Kiều lẻn qua nhà Kim Trọng chơi. Lục căn của chàng Kim đã có dịp tiếp xúc với những âm thanh hình ảnh hương thơm của Kiều. Nào là “Mặt nhìn mặt càng thêm tươi” (15), “Giải là hương lộn bình gương bóng lồng” (16). Kiều cũng trổ tài vẽ Đạm Tiên và đàn cho Kim Trọng nghe khúc bạc mệnh nàng sáng tác để cho ý căn của Kim Trọng giúp chàng suy luận phán đoán nàng là người tài hoa. Nếu chàng Kim là người có trí huệ như Sư cô Giác Duyên (17), qua lục căn của chàng, chàng sẽ biết được hành uẩn và thức uẩn của Kiều chứa đựng những “tập khí” (18) thiếu lành mạnh “rằng quen mất nết đi rồi, tẻ vui thôi cũng tính trời biết sao” (19), và như vậy thế nào cũng bị “ma đưa lối quỷ dẫn đường, chỉ tìm những lối đoạn trường mà đi” (20). (Nếu yêu nàng thì phải cẩn thận, đừng nghe lời nàng xúi dại không khéo có thể bị bỏ mạng như Từ Hải). 

Sau khi tìm hiểu đối tượng, chúng ta phải tự hỏi đối tượng đó có phù hợp với mình không, có xứng đáng là người bạn đời hay chỉ là một cuộc tình qua đường với những cảm xúc nhất thời. Như vậy thì chúng ta phải hiểu rõ ngũ uẩn của chúng ta. Nếu thọ uẩn của chúng ta chỉ thích nhạc êm dịu, và tưởng uẩn của chúng ta chỉ muốn “an bần lạc đạo” mà thọ uẩn của đối tượng thích nhạc kích động và tưởng uẩn chỉ ưa “giàu sang phú quý” thì có lẽ khó mà “sắt cầm hòa hợp”. Nếu cưới nhau về thì sợ là “cơm không ngon canh không ngọt”. Tốt hơn hết là “xa mặt cách lòng”, chấm dứt “xúc” để không có “thọ” và “ái” cho đỡ phiền phức. 

Nói thì dễ nhưng làm không dễ vì tưởng uẩn qua cái biết của lục căn rất dễ tri giác sai lầm. Như Kiều thông minh tài sắc là thế mà thấy “một chàng vừa trạc thanh xuân, hình dung chải chuốt áo khăn dịu dàng”21 thì tưởng uẩn của nàng vội “nghĩ rằng cũng mạch thư hương,” (22) sau đó khi chàng “quất ngựa truy phong” thì mới biết chàng là một phường Sở khanh. 

Sau khi tìm hiểu, chúng ta nhận thấy đối tượng đúng là người “tri kỷ” của mình thì chúng ta tiếp đến khâu 9 là “thủ” của thập nhị nhân duyên. Thủ tức là chinh phục trái tim của chàng hay nàng để làm của riêng cho mình. Chinh phục: Trước khi chinh phục, chúng ta phải nhớ câu “biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Chúng ta phải biết mình có những khả năng gì làm toại nguyện lục căn của nàng hay chàng để tạo ra những cảm thọ êm dịu khiến nàng hay chàng yêu mình. Chúng ta phải biết làm sao để ngũ uẩn của đối tượng từ sắc thọ tưởng hành thức đều thấy dễ chịu khi tiếp xúc với chúng ta. 

Nếu sắc uẩn của chàng bị dị ứng với tôm cá thì đừng nấu và mời chàng ăn lẩu đồ biển. Nếu thọ uẩn của nàng thiên về tinh thần thì đừng rủ nàng đi ăn uống không thôi mà phải mời nàng đi nghe hòa nhạc, xem triển lãm tranh. Nếu tưởng uẩn của chàng chỉ muốn người tài cao học rộng, bằng cấp đại học mà mình chỉ có bằng của cao đẳng thì một là ráng học thêm cho vừa ý chàng còn không thì hãy chào nhau lần cuối. Chinh phục thức uẩn và hành uẩn của đối tượng khó hơn nhưng nếu sắc thọ tưởng của đối tượng bị chinh phục, thông thường thì hành và thức đi theo. Ví dụ, Kiều để những ấn tượng sâu đậm trong thọ và tưởng uẩn của Kim Trọng, cho nên khi nào có dịp là hành uẩn và thức uẩn của chàng nhớ đến nàng ngay: “hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình.” (23) 

Ở trong xã hội tân tiến Tây phương, những nhà sản xuất luôn sẵn sàng cố vấn chúng ta trong vấn đề chinh phục đốt tượng. Họ rất hiểu giá trị của lục nhập, xúc, thọ, ái và thủ. Vì vậy họ đã không ngần ngại bỏ ra hàng triệu Mỹ kim để quảng cáo sản phẩm của họ. Nào là TV để nhãn căn, nhĩ căn và ý căn của chúng ta tiếp xúc với sản phẩm. Nào là cho chúng ta xài thử, nếm thử để tỉ căn thiệt căn và thân căn chúng ta làm quen với sản phẩm (lục nhập và xúc). Sau đó chúng ta sẽ đem lòng ưa thích (ái) và muốn mua về nhà làm của riêng (thủ). Họ quảng cáo rằng nếu chúng ta xúc thứ dầu thơm “samsara” (24) thì thế nào chàng cũng yêu mến ta ngay. Hoặc họ bảo rằng chúng ta nên tặng cho bạn gái chúng ta chiếc nhẫn kim-cương này thì thế nào nàng cũng sẽ thuộc về ta. Chúng ta hãy cẩn thận chớ tin lời họ vì nếu không chúng ta chỉ là nạn nhân của họ, vừa tốn tiền, tốn công mà chẳng tạo ra được xúc thọ ái trong long đối tượng như chúng ta mong muốn. 

Cho nên chúng ta học người xưa để chinh phục sao cho có hiệu lực. Chúng ta cũng phải nên nhớ rằng chinh phục chính là chinh phục trái tim của đối tượng, tức là thọ, tưởng, hành, thức chứ không phải chỉ sắc uẩn. Như Đường Minh Hoàng ngày xưa, chỉ có được sắc uẩn của Dương Quý Phi, còn các uẩn khác của nàng thì lại thuộc về chàng An Lộc Sơn, vừa trẻ vừa đẹp trai lại dám cưỡi ngựa ngày đêm để đem trái vải tươi từ phương nam về cho nàng ăn, làm vừa lòng khẩu vị của nàng. Chúng ta cũng nên nhớ rằng chúng ta sống ở xã hội Canada, nếu dùng vũ lực để chiếm đoạt sắc uẩn của đối tượng thì coi chừng sẽ bị truy tố vì tội “sexual assault”. Chúng ta cũng đừng nên bắt chước U Vương, xé hàng trăm tấn lụa cho Bao Tự cười chơi để lấy lòng nàng. Như vậy vừa hao tài tốn của, mang họa vào thân mà lại bị hậu thế chê cười. Ngoài ra nếu đối tượng có cha mẹ chị em bà con bạn bè thì cũng phải biết cách “lấy lòng” họ để họ ủng hộ mình, để họ khỏi “lời ong tiếng ve” ảnh hưởng đến tri giác của nàng hay chàng không lợi cho chúng ta. Lấy lòng họ cũng không khác gì lấy lòng đối tượng, nghĩa là cũng phải qua lục nhập, xúc và ái, cũng phải hiểu ngũ uẩn của họ để tạo ra những ấn tượng tốt đẹp. 

Trong chinh phục, chúng ta cũng đừng quá chủ quan nhưng cũng không nên bi quan mặc cảm. Vì 6 căn của mỗi người tuy tiếp xúc với 6 trần như nhau nhưng lại tạo ra 6 thức (25) khác nhau, không ai giống ai. Vì vậy trong thập nhị nhân duyên, duyên thứ 4 là “danh sắc” (đứng trước nhân duyên thứ 5 “lục nhập”) có nghĩa là người tri giác và đối tượng tri giác chỉ là một, không khác. Như chúng ta tưởng mình “em là gái trời bắt xấu”, sẽ không có ai yêu thì hãy đọc bài ca dao: 

Lỗ mũi vừa tám gánh lông 

Chồng thương chồng bảo râu rồng trời cho 

Đêm nằm thì ngáy o o 

Chồng thương chồng bảo ngáy cho vui nhà. 

Trong tiếng Anh có câu “Beauty is in the eye of the beholder” cũng nói lên cùng một ý nghĩa. Ngoài ra trong các mục tìm bạn tâm thư, hay đăng câu “đẹp xấu tùy người đối diện” cũng nói lên ý nghĩa chân lý “danh sắc” của thập nhị nhân duyên. 

Còn một điểm then chốt cần chú ý là khi chinh phục, chúng ta luôn nhớ là phải có “xúc” thường xuyên thì mới duy trì phát triển “ái” được. Nếu ở gần thì chúng ta phải luôn hẹn hò gặp nhau, đi ăn, đi xi-nê tùy sở thích. Nếu ở xa thì phải luôn điện thoại, thư từ, e-mail để “keep contact”. Nếu không có tiếp xúc thường xuyên, lục nhập sẽ không tạo ra thọ và như vậy làm sao có ái. Nói theo ngôn ngữ thông thường của Đông Tây, Âu Á là thế nào cũng “xa mặt cách lòng”, “out of sight, out of mind”, “loin des yeux, loin du coeur”. 

Cuối cùng của giai đoạn chinh phục là tỏ tình với đối tượng. Không phải đợi đến chúng ta tỏ tình mới biết người kia có đáp lại tình yêu của chúng ta không, vì trong quá trình tìm hiểu và chinh phục, chúng ta cũng có thể biết được ít nhiều qua cách đối xử của người đó với mình, qua lục căn của họ từ cái nhìn, giọng nói, tiếng cười, cử chỉ săn sóc. Tuy nhiên tỏ tình vẫn rất quan trọng vì nếu ta không nói ra người kia không biết chắc rằng ta có thương họ hay không. Các thi sĩ, nhạc sĩ tỏ tình bằng cách làm thơ làm nhạc cho đối tượng. Cách này rất có hiệu quả. Nàng Trác Văn Quân chỉ vì nghe tiếng đàn Phụng Cầu Kỳ Hoàn của Tư Mã Tương Như nên đã trốn nhà theo chàng. Bình thường như chúng có thể gặp mặt nói bằng lời, hoặc viết thư, e-mail, gọi điện thoại. Cách tỏ tình nào cũng được nhưng phải nhớ là phải làm sao tạo những cảm thọ êm dịu cho lục căn của đối tượng càng nhiều càng tốt. Chẳng hạn nên lựa những chỗ hữu tình “romantic” để bày tỏ tình cảm với đối tượng. Nếu viết thư thì hình thức nên lựa giấy cho đẹp, còn nội dung nên suy nghĩa cẩn thận để mỗi câu mỗi chữ đều đẹp ý chàng hay nàng. 

Bảo vệ hạnh phúc: Sau thời gian chinh phục, có thể chúng ta sẽ thành công và được đẹp duyên cùng chàng hay nàng. Chúng ta trở thành một hiện hữu mới, trở thành ông này, bà nọ, đổi tên đổi họ, thành chồng, thành vợ v.v... đúng như khâu thứ 10 “hữu” trong thập nhị nhân duyên. Hữu nghĩa là có, là “existence”, là “coming to be”.

Để bảo vệ hạnh phúc gia đình, chúng ta phải nhớ rằng chúng ta phải luôn chiều chuộng lục căn của nhau, hiểu rõ 5 uẩn của nhau để tạo ra những cảm thọ dễ chịu như thời chúng ta chinh phục nhau. Không phải thấy đã là của nhau rồi thì không cần làm cho lục căn của người kia dễ chịu, điều ấy rất nguy hiểm. Nếu trước đây, chúng ta chỉ nói nhỏ nhẹ đẹp lòng hợp ý đối tượng nhưng sau khi đã thành vợ chồng rồi thì chúng ta to tiếng chê bai, lâu ngày chầy tháng những cảm thọ khó chịu sẽ chất đầy trong thọ, tưởng, hành và thức uẩn của đối tượng, khi không chịu nổi, thế nào cũng sẽ sinh chuyện “anh đường anh, tôi đường tôi” (26). 

Kế đến chúng ta phải coi chừng lục căn của chúng ta, “có mới nới cũ”, “có lê quên lựu, có trăng quên đèn” (27). Chẳng hạn khi thấy một người nào đó hạp nhãn với chúng ta, rồi nói chuyện hợp ý với chúng ta và có vẻ có tình ý với chúng ta thì chúng ta phải lo gìn giữ chẳng những nhãn căn và ý căn thôi mà còn phải các căn khác, đừng để có dịp tiếp xúc nhiều với người đó, sợ sẽ sinh ra thọ và ái. Khi ái phát sinh với người kia rồi thì chúng ta dễ phản bội người bạn đời của mình và tạo ra khổ đau cho nhiều người. Ngoài ra chúng ta cũng phải xem chừng tưởng uẩn và thức uẩn của chúng ta, coi chừng ghen tương bóng gió, rồi sai sử lục căn “trông gà hóa cuốc” như chàng Trương trong truyền sử Việt Nam, khiến vợ chàng tức giận tự tử chết, làm gia đình tan nát, con dại mất mẹ, còn mình thì ân hận suốt đời. Phải nhớ rằng “Ta với mình tuy hai mà một” nhưng cũng “Mình với ta tuy một mà hai” để bớt ghen, bớt chiếm hữu, xem người kia là của riêng mình. Để giúp chúng ta bảo vệ hạnh phúc, Đức Phật đặt ra 5 giới cho Phật tử tại gia gồm: không sát sinh, không trộm cắp, không nói dối, không uống rượu, không tà dâm. Tà dâm là giới chính nhằm bảo vệ hạnh phúc gia đình, nhưng các giới khác cũng không kém quan trọng. Chẳng hạn như gia đình có chồng hay vợ rượu chè, trộm cắp thì gia đình đó khó có hạnh phúc. Trong các tôn giáo khác như Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và Tin Lành cũng đều có các giới cấm tương tự như 10 điều răn (28) được ghi trong cựu ước kinh. 

Biết có giới nhưng giữ giới không phải dễ. Để giữ giới, Đức Phật dạy ta phải thu thúc lục căn, rèn luyện 5 uẩn, làm thanh tịnh 3 nghiệp: than, khẩu và ý. Đó là cả một quá trình công phu, không phải một sớm một chiều mà được. Những phương pháp thong thường được xử dụng là ăn chay vài ngày trong tháng để thu thức thiệt căn chỉ muốn nếm của ngon vật lạ. Tụng kinh niệm Phật để 6 căn lúc đó không còn cơ hội chạy theo lục trần bên ngoài vì phải ngồi một chỗ chú tâm vào câu kinh tiếng kệ. Ngồi thiền theo dõi hơi thở trong chánh niệm hay quán chiếu một đề tài thiền quán nào đó cũng có tác dụng như thế. Khi chúng ta thu thúc lục căn, thì làm thọ trở nên sắc bén hơn và không cảm thấy nhàm chán đối với đối tượng của chúng. Điều này được nói rõ trong câu chuyện Trạng Quỳnh cho Chúa Trịnh ăn rau muống chấm tương mà Chúa Trịnh thấy rất ngon sau khi đói bụng chờ món canh đá nấu hoài không chín. Làm chủ lục căn, kiểm soát thân, khẩu, ý càng nhiều chừng nào thì hạnh phúc của cá nhân ta, gia đình ta và xã hội ta càng lớn vì chúng ta sẽ không dể gì chạy theo những quyến rũ của ngoại cảnh mà làm bậy, nói bậy, nghĩ bậy gieo đau khổ cho người. Chúng ta sẽ trở thành một người dễ thương hơn, có ai làm gì, nói gì không vừa ý thì lục căn của chúng ta không dễ gì nổi giận. Nếu chúng ta tu tập giỏi, chúng ta sẽ được như đức Phật Di Lặc, bị 5 đứa nhỏ chọc vào tai, mắt, mũi, lưỡi, than mà vẫn cười như thường. Như vậy dù chúng ta có thật sự gặp loại “con là nợ, vợ là oan gia” cũng không làm chúng ta đau khổ, hay nói đúng hơn, vợ con chúng ta sẽ chẳng bao giờ trở thành là nợ là oan gia của chúng ta. Ngoài ra để bảo vệ hạnh phúc gia đình, chúng ta có thể áp dụng 6 nguyên tắc sống chung hòa hợp mà Đức Phật đã dạy cho tăng đoàn của Ngài, là lục hòa: 

1- Thân hòa đồng trú: cùng chia xẻ một mái nhà, hoan hỉ chấp nhận sự có mặt của nhau. 

2- Giới hòa đồng tu: cùng tu tập, giữ gìn giới luật. Trong hoàn cảnh chúng ta là những cam kết, nguyên tắc đã đồng ý giữa vợ chồng. 

3- Kiến hòa đồng giải: cùng chia xẻ với nhau những kiến thức và kinh nghiệm học được 

4- Lợi hòa đồng quân: tài sản là của chung cả hai đều được hưởng đồng đều. 

5- Khẩu hòa vô tranh: cùng nói lời từ tốn hòa nhã có ý xây dựng và bồi đắp. 

6- Ý hòa đồng duyệt: cởi mở, không cố chấp, lắng nghe và dung hòa những ý kiến khác biệt nhau để chấp nhận nhau và sống an vui với nhau. 

Nếu chúng ta áp dụng được 6 nguyên tắc này thì gia đình chúng ta sẽ rất êm ấm hạnh phúc. 

Tu là cõi phúc tình là giây oan (29) 

Nếu chinh phục nhưng không thành công, hay vì một lý do nào đó, đối tượng kia không thuộc về mình, thông thường sẽ có đau khổ, nhiều hay ít sẽ tùy vào sự sâu đậm của các khâu "ái", "thủ" và "hữu". Ở đây tạm chia ra làm 4 loại: tình đơn phương, tình ngang trái, tình phụ và cô đơn. 

Tình đơn phương 

Tình này thường chỉ làm chúng ta đau khổ sơ sơ. Bệnh này tương đối dễ chữa vì cảm thọ chính là từ tiếp xúc với sắc uẩn của đối tượng mà sinh ra còn các cảm thọ kia không có dịp nẩy nở nhiều vì chỉ có một chiều. Cách tốt nhất để chửa bệnh này là tìm cách quên người đó, áp dụng chiến thuật "xa mặt cách lòng", đừng cho giác quan chúng ta tiếp xúc với người đó. Ngoài ra lưỡng uẩn của chúng ta nên suy luận phán đoán rằng người kia thờ ơ với mình thì họ với mình có lẽ thanh khí không đồng (30), không phải là người tri kỷ của mình, cho nên đừng nên buồn làm gì. Chúng ta cũng nên thấy rằng những cảm thọ của chúng ta khi có khi không thay đổi hoài hoài, đúng như Tâm kinh Bát nhã "sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức, diệt phục như thị". Biết vậy thì chúng ta dễ dàng "move on" chứ không dừng lại ở cái đau khổ không được yêu đó. Điều này cứ nhìn mấy ông thi sĩ nhạc sĩ thì thấy rõ ràng ngay. 

Để diệt khổ của tình đơn phương, còn một cách nữa là chúng ta dùng pháp quán bất tịnh trong Phật giáo nhìn đối tượng chỉ là một bọc da hôi thối, lôi ra trong trí ta tứ đại của đối tượng như đất thì nào tim, gan, phèo, phổi v..v… nước thì nào nước mắt, nước mũi, nước miếng v.v… để tưởng uẩn chúng ta khỏi bị lôi cuốn vì sắc uẩn của người đó. 

Tình ngang trái 

Nếu đối tượng đáp lại tình cảm của mình, nhưng bị hoàn cảnh ngăn cản đau khổ sẽ nhiều hơn, vì khâu ái sâu đậm, sẽ dẫn đến "thủ" muốn chiếm giữ quyết liệt, và khi không "thủ" được thì sự hiện hữu của chúng ta mất hết ý nghĩa, có người còn quyết định quyên sinh. Trong tình sử nhân loại đông tây không thiếu gì những đôi uyên ương gãy cánh đã quyết định kết liễu đời mình nếu không được sống bên nhau nhu Trọng Thủy - Mỵ Châu, Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài, Romeo - Juliette. Hoặc có người trở thành dở dở ương ương suốt cả cuộc đời để ca bai "tình đầu là tình cuối người ơi". Có trường hợp dễ sợ hơn, có người còn nổi điên giết hại những người thân như trường hợp thái tử Nepal gần đây, đã bắn vào cha mẹ, em gái, triều thần rồi tự tử chết theo. 

Trường hợp đau khổ của tình ngang trái rất khó chửa nhưng không phải là không được. Đức Phật từ bi của chúng ta đã thấy rõ điều này nên đã nêu lên "4 sự thật" (31) để giúp chúng ta diệt khổ. Đó là khổ đế, tập đế, diệt đế, và đạo đế. Khổ đế nghĩa là khổ đau có thật, điều này thì những người đau khổ vì tình trong trường hợp này hiểu rất rõ. Tập đế có nghĩa là nguyên nhân của sự đau khổ. Nguyên nhân chính là vô minh, khâu đầu tiên của thập nhị nhân duyên, còn ái chỉ là nhân duyên gần của đau khổ. Diệt đế là sự đau khổ có thể chấm dứt. Điều này cũng có thể thấy dễ dàng đối với một số người đã kinh qua đau khổ vì tình. 

Sau một thời gian, họ đã nguôi ngoai và chẳng những hết buồn mà còn có hạnh phúc nữa với cuộc tình duyên mới hay một nếp sống mới. Đạo đế tức là con đường dẫn đến sự diệt khổ. Con đường này có tám nhánh được gọi là "bát chánh đạo" gồm chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, và chánh định. Phương pháp chấm dứt đau khổ theo bát chánh đạo thường nhấn mạnh đến sự thu thúc lục căn, trong khi đại thừa phật giáo thì nhấn mạnh đến phát triển trí huệ bát nhã đễ biết rõ 5 uẩn là không (32). 

Tu tập là một phương pháp hữu hiệu nhất dễ chuyển hóa khổ đau. Vì vậy có người như Lan trong chuyện tình Lan và Điệp (33) Lan đã nương nhờ vào bóng từ bi, và sẵn sàng cắt đứt dây chuông để khỏi bị Điệp quấy rầy. Như vậy có mấy điều lợi để chửa bệnh: thứ nhất là xa cách đối tượng, dễ quên hơn, thứ 2 là có thời gian tỉnh tâm, tụng kinh, niệm phật, ngồi thiền, thực tập 8 con đường chân chánh, dần dần sẽ "viễn ly điên đảo mộng tưởng", và từ đó hết khổ, thứ 3 là gần được thiện tri thức được chỉ dạy trên đường tu tập. Tuy nhiên chúng ta không cần vào chùa cũng có thể thực tập những điều trên để chửa bệnh tình ngang trái. Nếu chúng ta tinh tấn, chúng ta cũng có thể thành công. Còn nếu vào chùa mà chúng ta để lục căn đi lung tung lộn xộn, không chịu khó thanh lọc chuyển hóa nội tâm, thì chúng ta chưa chắc đã hết khổ. Ở chùa hay ở nhà cũng vậy mà thôi. 

Ngoài ra để chữa bệnh đau khổ này, chúng ta có thể nhờ đến những nhà chuyên môn như bác sĩ tâm thần, chuyên viên tâm lý v.v… để họ giúp ta. Tuy nhiên khi dùng phương pháp này chúng ta nên nhớ rằng không ai biết chuyện của ta, biết tình cảm của ta hơn ta nên nhờ họ phải cẩn thận vì chưa chắc họ đã giải quyết được giùm mình. Thêm nữa họ có thể có bằng cấp cao, có thể cho chúng ta thuốc an thần để ngủ yên, chứ chưa chắc họ đã có khả năng cứu ta thoát khỏi đau khổ vì bản thân họ biết đau cũng là cả một nổi khổ mênh mông. Bằng chứng là gần đây có một bác sĩ tâm thần đã ôm con nhảy xuống đường ngầm xe lửa chết làm rúng động cả dư luận Canada. 

Còn một cách chót nữa là chúng ta phải tập kiên nhẫn và phải nhớ rằng thời gian là một liều thuốc thần tình sẽ giúp chúng ta chữa lành vết thương lòng của chúng ta. Thời gian cũng giúp ta gặp những đối tượng mới và biết đâu chúng ta lại chẳng có một mối tình mới vui vẻ hạnh thông. 

Tình phụ 

Tình phụ là loại tình gây ra nhiều đau khổ nhất là vì khâu "thủ" đã xong nghĩa là đối tượng đã trở thành vợ hay chồng của mình nhưng lại phụ mình đi theo người khác. Trường hợp này là nguy hiểm nhất vì đã có "thủ" và "hữu" sâu đậm, án mạng rất dễ xảy ra. Nhẹ thì bằng ý nghiệp và khẩu Nghiệp như Hàn Mặc Tử: "giết người đi, giết người quên tình nghĩa phu thê" 32 mà nói theo ngôn ngữ thông thường là nói lời đe dọa tính mạng đối tượng. Nặng hơn thì cố sát hay ngộ sát đối tượng, hay tình địch, hay con cái chung của mình rồi tự tử chết theo. Những trường hợp này pháp luật Canada trừng trị thích đáng. Còn trong đạo phật, thì cho rằng đã tạo ra ác nghiệp thân khẩu ý, thế nào cũng bị quả báo về sau. (34) "Giết người trong mộng" là bài thơ của Hàn Mạc Tử, được Phạm Duy phổ nhạc. 

Muốn chửa bệnh này không gì hơn là phải dùng tất cả những phương pháp đã trình bày trong tình ngang trái nhưng phải tinh tấn hơn nhiều vì bây giờ "ái" đã hóa ra "tắng" có nghĩa là ghét, một mặt kia của ái và có sức mạnh phá hủy rất lớn. Ngoài ra nếu chúng ta biết thiền quán thì hãy dung phép "từ bi quán" để trị bệnh "nổi giận và ghét" của chúng ta. Nếu ta thực tập "từ bi quán" thành công, chúng ta sẽ có lòng thương với con người phụ bạc kia, với những nạn nhân của cuộc tình tan vỡ là con cái ta mà sẽ tìm ra cách giải quyết hợp tình hợp lý cho cả đôi bên, gây thiệt hại tiền bạc tình cảm ít nhất cho cả 2 bên và con cái chúng ta. Còn một phương pháp nữa là dùng "nhân duyên quán" để hiểu vì sao có sự đau khổ tan vỡ này, có thể không phải chỉ người kia có lỗi mà còn vì chính ta không khéo léo, chỉ lo cờ bạc rượu chè, hay chạy theo danh vọng mà không nghĩ gì đến người bạn đường đi bên cạnh cuộc đời chúng ta. Biết đâu khi nhận ra vậy, chúng ta sẽ có thái độ khác hơn và đối tượng có thể hồi tâm trở lại với chúng ta cứu vãn hạnh phúc gia đình. 

Trong lúc thực tập nên nhớ rằng đừng có mong thay đổi người kia để cuộc đời chúng ta có hạnh phúc hơn vì chuyện thay đổi của họ thuộc ngoài vòng kiểm soát của chúng ta. Chúng ta chỉ hy vọng thay đổi chúng ta mà thôi, nhưng thay đổi chúng ta không phải là dễ và muốn thay đổi không gì hơn chúng ta phải lo tu tâm dưỡng tánh theo bát chánh đạo, tốt nhất là trước khi có những rạn vỡ xảy ra. 

Cô đơn 

Nếu trong những trường hợp trên xảy ra và chúng ta phải chiếc bóng đơn côi, hoặc vì trong cuộc đời chúng ta nhân duyên chưa đầy đủ không kiếm ra được một người bạn đời tâm đầu ý hợp thì cũng không nên lấy đó làm buồn. Trong Kinh Người Biết Sống Một Mình, Đức Phật dạy rằng: 

Đừng tìm về quá khứ, 

Đừng tưởng tới tương lai, 

Quá khứ đã không còn 

Tương lai thì chưa tới 

Hãy quán chiếu sự sống 

Trong giờ phút hiện tại (35) 

Và nếu chúng ta sống trọn vẹn giây phút hiện tại " vững chải thảnh thơi", chắc chắn chúng ta sống một mình vẫn vui như thường và biết đâu là vui hơn, vì thiếu gì trường hợp những người sống chung với nhau chỉ làm khổ nhau và đã thốt lên "biết vậy sống một mình sướng hơn". 

Từ đó ta là 

"Từ đó ta là đêm, 

Nở đóa hoa vô thường". (36) 

Đóa hoa vô thường đó là hoa quỳnh, đầy đủ sắc hương, chỉ nở một vài giờ vào ban đêm cho tao nhân mặc khách biết yêu hoa, chịu khó thức khuya chờ hoa nở và thấy hoa tàn ngay trước mắt. Truyền thuyết về đóa hoa quỳnh cũng rất đẹp: có một cô gái xinh đẹp thanh tao nhưng bị ép gã cho một phường phàm phu tục tử nên đã tự tử chết và biến thành hoa quỳnh. 

Mỗi người chúng ta đều có thể là một đóa hoa vô thường vì theo định luật của thập nhị nhân duyên, sau khâu hữu sẽ là khâu sinh và khâu lão tử. Thân tứ đại chúng ta, đất nước gió lửa, thật ngoài sự kiểm soát của chúng ta. Hôm nay khỏe mai đau không biết chừng. Rồi những yếu tố bên ngoài như tai nạn thiên tai thật không biết đâu mà lường. Sống được ngày nào thật là may ngày đó. Nếu chúng ta có một người bạn đời, yêu mến chúng ta, biết ta là hoa quỳnh và sẵn sàng làm đêm để cho chúng ta nở hoa, để cho chúng ta phát triển những tài năng chúng ta có, giúp chúng ta thực hiện những khát vọng hoài bảo của mình thì không còn gì quý bằng. Người bạn đời đó không chỉ là bạn của ta trong suốt cuộc đời mà còn là ân nhân là tri kỷ của chúng ta. Được một người như vậy thật là may mắn. Nhưng nếu chúng ta khao khát có một người như vậy, thì chúng ta cũng sẵn sàng làm đêm cho hoa quỳnh của người kia nở bông. Chúng ta phải trân trọng người kia, giúp đỡ người kia để họ cũng có thể có hạnh phúc, và phát triển về phần họ. Có qua có lại như vậy mới có thể có cuộc sống hạnh phúc lâu dài. Và nhớ là đừng bắt hoa quỳnh làm hoa hướng dương. Hoa quỳnh sẽ không thể nào nở hoa. 

"Từ đó ta là" cũng có nghĩa là "hữu", khâu thứ 10 trong thập nhị nhân duyên. Là hạnh phúc, là khổ đau, là đêm cho hoa quỳnh nở, hay là nắng gắt cho hoa quỳnh phải khép kín, là tùy vào sự tu tập của chúng ta, tùy vào trí huệ và từ bi của chúng ta. Công phu chúng ta càng giỏi, khâu thứ nhất của thập nhị nhân duyên là vô minh sẽ bớt dần đi, khâu lục nhập sẽ trở thành những tay chân thân tín của chúng ta giúp ta hiểu người hiểu vật, khâu ái sẽ không mang màu sắc chiếm hữu đối tượng như trước và yêu thương sẽ mang cho chúng ta nhiều hạnh phúc chứ không là bể khổ trầm luân. Có như vậy thì lòng chúng ta lúc nào cũng đầy đủ mùa xuân, cũng có "đồi núi thênh thang" không đợi phải yêu và được yêu mới có. Lúc đó hạnh phúc sẽ là sự thật như đau khổ đã từng là sự thật. Hãy tinh tấn lên để chúng ta lại có một mùa xuân vĩnh cửu trong lòng.
Trần Hoàng Anh 

1) Lời bài hát "Người Về Bỗng Nhớ" cua Trinh Công Sơn. 

2) Bài thơ “Yêu” của Xuân Diệu. 

3) Sông ái một trăm ngọn sóng nhỏ 

Biển khổ vạn ngàn con sông lớn 

4) 12 nhân duyên: vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, 

5) hữu, sinh, lão, tử. 

6) Truyện Kiều Chữ Nôm và Khảo Dị, Nguyễn Bá Triệu, Việt Lang, trang 3, câu 

7) 41-42. 

8) Như trên, trang 10, câu 135-136 

9) Như trên, trang 11, câu 143 

10) Như trên, trang 11, câu 148-151 

11) Như trên, trang 12, câu 164 

12) Như trên, trang 155, câu 2171 

13) Như trên, trang 156, câu 2173-2174 

Như trên, trang 156, câu 2182 

14) Thanh Tâm Tài Nhân viết “Đoạn Trường Tân Thanh” bằng chữ Hán. Nguyễn Du

15) Du dịch và viết thành thơ bằng chữ Nôm. 

16) Truyện Kiều, Nguyễn Bá Triệu, trang 232, câu 3258 17) Truyện Kiều Nguyễn Bá Triệu, trang 29, câu 393 18) Như trên, trang 33, câu 454 

19) Giác Duyên là một nhân vật trong truyện Kiều. Giác Duyên có nghĩa là hiểu rõ

20) rõ được lý nhân duyên.

21) Tập khí (habitual energy) theo đạo Phật là năng lượng của thói quen kéo chúng

22) chúng ta đi sinh tử luân hồi. 

23) Truyện Kiều, Nguyễn Bá Triệu, trang 36, câu 493-494. 

24) Như trên, trang 191, câu 2669-2670. 

25) Truyện Kiều, Nguyễn Bá Triệu, trang 76, câu 1061-1062 

26) Như trên, trang 76, câu 1063 Truyện Kiều, Nguyễn Bá Triệu, trang 19, câu 0256 

27) Samsara tiếng Phạn có nghĩa là luân hồi. Sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức là 6 cái biết của giác quan. 

28) Anh đường anh tôi đường tôi 

29) Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi. - Thơ Thế Lữ 

30) Xin đừng tham đó bỏ đăng 

31) Có lê quên lựu có trăng quên đèn. - Thơ Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu

32) Chiểu 

33) Ten Commandment. 

34) Truyện Kiều. Nguyễn Bá Triệu. Trang 190. Câu 2662. 

35) Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, đồng bệnh tương thân. Tứ diệu đế. 

36) Tâm Kinh Bát Nhã: chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thế khổ ách. Tên một vở cải lương và một bài hát tân nhạc. "Giết người trong mộng" là bài thơ của Hàn Mạc Tử, được Phạm Duy phổ nhạc. Kinh Người Biết Sống Một Mình (Bhaddekaratta Sutta) dịch từ tạng Pali thuộc Trung Bộ (Majjhima Nikaya 131). Bài hát "Đóa hoa vô thường của Trịnh Công Sơn.
VẪN MỘT CÀNH MAI

Phùng Quân 

Mùa xuân đúng là lúc đất trời đang say sưa với hoa mơ, hoa mận nở, có lẽ chỉ tiếc một điều là ở nơi đây thiếu vắng hình ảnh một người thiếu nữ đang giũ lụa trên sông Văn thôi! 

Cách đây không lâu có lần đi ngang khu vườn lạ, tình cờ thấy một cành mơ mới độ nở hoa, bất giác nhớ đến hai câu thơ trong bài kệ lúc lâm chung của Thiền sư Mãn Giác đời Lý: 

莫謂春殘花落盡 

庭前昨夜一枝梅 

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận 

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai 

(Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết 

Đêm qua, sân trước một cành mai) 

mà cảm hứng mấy vần thơ: ý thơ đã thật cũ như vẫn được nhắc nhở hoài trong sách vở mà lòng kẻ hậu sinh đây chắc cũng vẫn còn xưa cũ như bao giờ... 

VẪN MỘT CÀNH MAI

Sáng nay quá bước quanh vườn lạ

Thấy một cành mơ trắng điểm hoa 

Bất giác đình tiền khơi tạc dạ 

Vẫn một cành mai lúc tỏ mờ. 

Phùng Quân 3/2011

Ngày xuân đọc thơ Huyền Không 

Nguyễn Mộng Giác 

Đã lâu lắm rồi, mùa xuân không còn gợi cho tôi nỗi náo nức chờ đợi như thời thơ ấu. Đã xa, cái thời "ngửi" được mùa xuân trong mùi những ngọn dâm bụt bị cắt xén ngay ngắn ở hàng dậu trước nhà từ đường, mùi lá tre góc vườn cháy âm ỉ sau khi vườn tược um tùm được dọn dẹp quang đãng, mùi cải nồng phơi nắng chuẩn bị làm dưa chua ăn với bánh chưng những ngày tết rộn rã. Đã xa, cảm giác hân hoan chờ mẹ mang áo mới về sau phiên chợ Tết. Đã xa, những đêm thao thức chờ người nhà mổ heo để giành cho được cái bong bóng rồi xát muối rửa sạch để làm quả bóng. Đã xa, những chiều cuối tháng Chạp ngồi bên mẹ thấp thỏm chờ những chiếc bánh thuẫn hư để thưởng thức trước hương vị ngày xuân. 

Đến một tuổi nào đó, mùa xuân không còn mang ý nghĩa thiêng liêng nào nữa, chỉ còn những lo toan phải thanh tọán cho hết năm cũ, và những lo toan khác cho một năm sắp đến. Như một thời điểm phái kết toán một sổ nợ nần, lấy lòng tin cậy của người cho vay để bắt đầu vay tiếp những món nợ mới. Hưởng xuân (hay như người ta thường nói, thưởng xuân) hết là một quyền lợi, trở thành một bổn phận. Mà đã là một bổn phận, thì không được quyền thoái thác, không được quyền lựa chọn. Những món quà tương xứng với ân huệ mình nhận được nơi người, những tấm thiệp phải gửi đến những địa chỉ ghi theo thứ tự ưu tiên trước sau, những lời chúc tụng thích hợp với đối tượng... Biết bao nhiêu bổn phận phải làm từ khi đời sống mỗi ngày một tăng gia tốc, đến nỗi cơ hội duy nhất để người ta chứng tỏ còn nghĩ đến nhau là dịp gửi cho nhau những lời chúc tụng in sẵn. 

Tôi biết khi lòng dửng dưng với mùa xuân, tôi đã thua thiệt lớn, mất mát nhiều. Được như Xuân Diệu ngày xưa, hãnh diện reo vui: 

Xuân của đất trời nay mới đến; 

Trong tôi, xuân đến đã lâu rồi; 

Từ lúc yêu nhau, hoa nở mãi 

Trong vườn thơm ngát của hồn tôi. 

Được như Đoàn văn Cừ nao nức theo cảnh Tết: 

... Anh hàng tranh kĩu kịt quảy đôi bồ 

Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán. 

Một thầy khóa gò lưng trên tấm phản, 

Tay mài nghiên hý hoáy viết thơ xuân. 

Cụ đồ nho dừng lại vuốt râu cằm, 

Miệng nhầm đọc vài hàng câu đối đỏ. 

Được như Nguyễn Bính rộn rã theo những đọt non của tuổi thơ: 

... Từng đàn con trẻ chạy xun xoe. 

Mưa tạnh, trời quang, nắng mới hoe. 

Lá nõn, ngành non ai tráng bạc? 

Gió về từng trận, gió bay đi... 

Là được hưởng trọn vẹn mùa xuân của đất trời, rũ sạch trọn vẹn những ưu phiền của mùa đông cũ và hân hoan chờ đón hy vọng thơm tho của mùa xuân. Ranh giới của bốn mùa vốn đã nhòe vì thời tiết khí hậu nhiệt đới, với tôi, càng nhòe thêm lên vì những nỗi lo vụn vặt của đời sống hằng ngày, bất kể nắng mưa, bất kể thời tiết. 

Trong nỗi dửng dưng lạnh lẽo ấy, một hôm tôi đọc được bốn câu thơ lạ của Thầy Huyền Không: 

Ô hay xuân đến bao giờ nhỉ! 

Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình. 

Sáng nay thức dậy choàng thêm áo 

Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh 

Tôi vừa gọi "bốn câu thơ lạ", vì hai điều bất ngờ. 

Điều bất ngờ thứ nhất, là Huyền Không ngạc nhiên ngỡ ngàng vì mùa xuân đến lúc nào không hay biết. Có thật nhà thơ không biết mùa xuân đến hay không? Cứ lấy cái nghĩ bình thường của đời sống trần trụi, thì phải trả lời là nhà thơ phải biết chứ! Không biết sao được! Cây lá trong vườn chùa đâm chồi nẩy lộc, hoa trong vườn chùa ngát hương, các đoàn viên Gia đình Phật tử tập hát những bài xuân ca chuẩn bị đêm văn nghệ giao thừa, các chú tiểu quét dọn khuôn viên chùa, nhà bếp chuẩn bị ráo riết cho bữa cơm chay chờ đón số khách thập phương đông đảo hơn thường lệ... Nhà thơ hỏi: "Xuân đến bao giờ nhỉ" trong khi biết rõ "xuân của đất trời" đã đến, muốn lý giải cho "cùng kỳ lý" thì chỉ có hai cách: hoặc Huyền Không giả vờ như không biết mùa xuân đã đến, hoặc nhà thơ nói đến chữ "Xuân" không theo nghĩa thông thường là mùa đầu của bốn mùa trong năm. 

Tôi chọn cách hiểu thứ hai, vì dựa vào ý nghĩa khác thường của câu thứ nhì: 

Nghe tiếng hoa khai bỗng giật mình.

Nhà thơ kinh ngạc nhận biết mùa xuân đã đến, không qua cảm thụ của thị giác như Nguyễn Bính, như Đoàn văn Cừ, mà qua cảm thụ của thính giác. Nhà thơ không thấy xuân đến, mà nghe xuân đến. Âm thanh báo xuân trong trường hợp này cũng khác thường: không phải tiếng chim hót, tiếng pháo nổ, tiếng trẻ cười nô trong áo mới, tiếng chúc tụng... Không. Nhà thơ giật mình biết mùa xuân tới vì một thứ âm thanh không có âm thanh, tiếng những đóa hoa nở. Trong một khoảng không tâm tưởng mà biên giới giữa âm thanh và hình sắc, động và tĩnh, có và không, trước và sau... hết sức mờ nhạt, nhà thơ đột nhiên nghe thấy tiếng những đóa hoa đang nở. Từ mịt mờ vô biên, đột nhiên có thức tỉnh về dòng chuyển của cuộc sinh hóa. Sự thức tỉnh khác thường! Không phải cái thức tỉnh bẽ bàng của một Từ Thức về trần, khi ra khỏi cuộc phiêu lưu thấy cuộc đời chỉ còn phù du với phù du, cô đơn giữa một trần thế đã qua nhanh đến nỗi một thoáng tiên cảnh dài bằng ba đời dưới nhân gian. Cuối truyện Từ Thức trong Truyền Kỳ Mạn Lục, Từ Thức mặc áo cừu nhẹ, đội nón lá trắng, giong buồm ra biển và mất tích, nhân gian không biết ông lại trôi giạt về đâu. Sự tỉnh mộng của Từ Thức, nghĩ cho cùng chỉ là một cách rơi: rơi từ trên cao vô ưu xuống vực thẳm đa ưu, rơi từ hạnh phúc đoàn viên xuống cô quạnh tang thương. Thức tỉnh theo kiểu ấy chỉ thêm bẽ bàng. Thức tỉnh trong thơ Huyền Không là thức tỉnh ngược hướng Từ Thức, từ sự mông muội thoắt nhiên vươn đến tuệ giác. 

Điều bất ngờ thứ hai là niềm hăm hở lên đường trong hai câu thơ cuối. Xin đọc lại lần nữa: 

Sáng nay thức dậy choàng thêm áo 

Vũ trụ muôn đời vẫn mới tinh. 

Trọng tâm của hai câu thơ dồn vào ba tiếng cuối mỗi câu, phần đầu chỉ giữ vai trò chuyển ý. 

Hành động "choàng thêm áo" có thể giải thích theo hai cách: phải choàng thêm áo vì bản thân nhà thơ cảm thấy cái lạnh của gió xuân, hoặc choàng thêm áo để chuẩn bị cho một hành trình mới. Cách giải thích thứ nhất không phù hợp với bản chất lạc quan của thức tỉnh trong phần đầu, nên tôi chọn lối lý giải thứ nhì: Nhà thơ chuẩn bị lên đường với một ý thức thông tuệ về cuộc sinh hóa. Nhờ hành trang ấy, nhà thơ giật mình thêm một lần nữa, "ô hay" thêm một lần nữa vì khám phá thấy vũ trụ trước mắt vẫn mới tinh y như vũ trụ những mùa xuân trước, y như vũ trụ những mùa xuân sau. Đúng là "xuân đến đã lâu rồi", và "hoa nở mãi" trong thơ Huyền Không, Xuân Diệu ngày xưa tìm thấy điều đó bằng tình, Huyền Không tìm thấy điều đó do Đạo. 

Điều bất ngờ thú vị cuối cùng, đến cho riêng tôi, sau khi đọc thơ Huyền Không, là hình như tôi đã hiểu vì sao lâu nay mình dửng dưng với mùa xuân. Xin cảm ơn nhà thơ, về món quà xuân quý giá. 

Nguyễn Mộng Giác 

Nguồn: Phật giáo Việt Nam số Tết 1998

MÙA XUÂN TRONG ĐẠO PHẬT

Lưu Ly 

Trong tập tục cổ truyền của người Ðông phương cũng như Việt Nam chúng ta, Tết Nguyên đán tức ngày đầu năm được chọn theo âm lịch, thường vào khoảng tháng 2, tức là khi mùa xuân đã bắt đầu nẩy mầm trong khí trời còn lạnh của mùa đông. Vì thế, nói đến Tết là nói đến mùa xuân, với rất nhiều ý nghĩa của nó. 

Xuân đến thể hiện cho sự đổi mới của thiên nhiên vạn vật sau một giấc ngủ dài mùa đông, cây cỏ đang khô cằn héo úa trở nên đẹp đẽ xinh tươi, muôn mầu muôn sắc nở rộ tràn đầy sức sống. Trong khí xuân tưng bừng đó, con người cũng phấn khởi và hi vọng cho một năm mới tốt đẹp hơn. Từ bao thế kỷ nay, đi chùa lễ Phật, cầu an, cầu phước trong những ngày đầu năm đã trở thành một thông lệ không thể thiếu trong lễ Tết của Việt Nam. Ðạo Phật đã đi vào lòng nếp sống văn hóa của dân tộc, như trong câu thơ của cố hòa thượng Mãn Giác: 

Mái chùa che chở hồn dân tộc 

Nếp sống muôn đời của tổ tiên 

NGHI LỄ TRONG NGÀY TẾT 

Nói đến những nghi lễ trong ngày Tết, phải nói đến lễ cúng giao thừa trước tiên. Giao thừa là gì? Giao là giao lại, thừa là tiếp nhận, tức là giao lại cái cũ, tiếp nhận cái mới. Ngày cuối năm được gọi là ngày giao thừa, đưa năm cũ đi, đón năm mới đến, hay là “tống cựu nghinh tân”. Giờ phút quan trọng nhất là vào lúc nửa đêm, đúng thời điểm của hai ngày giao nhau. Thường thường tối hôm đó người ta đã làm cơm cúng mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết với con cháu. Ðến nửa đêm lại làm một mâm cúng giao thừa, rồi cho pháo nổ xua tan những tà ma, ác khí có thể xâm hại vào nhà. Nhưng có nhiều người cũng đến chùa dự lễ giao thừa cho long trọng hơn, nhất là ở hải ngoại, đời sống bận rộn ít có thì giờ sửa soạn Tết theo đúng lễ nghi tập tục cho gia đình, nên người ta đến chùa vừa được hưởng không khí đặc biệt ngày Tết, vừa vun trồng cội gốc tâm linh. Trong đêm khuya, để tâm hồn lắng đọng theo tiếng chuông mõ và những lời kinh, cảm thấy nhẹ nhàng như vừa trút được những gánh nặng tội chướng ưu phiền cho tan theo làn khói hương thanh tịnh. Dường như trong không khí thơm mùi trầm của chùa, người ta cảm nhận được một cái gì thiêng liêng trong giây phút giao hòa của trời và đất, của sự vận hành trong vũ trụ. 

Gần đến giờ giao thừa, các Phật tử đã ngồi theo thứ tự nơi chánh điện. Sau ba hồi trống Bát Nhã, các tôn đức tăng ni bắt đầu tề tựu vào rồi an vị. Giờ giao thừa vừa điểm, một tràng pháo nổ rộn rã ngoài sân, và lễ Giao thừa bắt đầu được cử hành. Sau khi dâng hương cúng Phật, tụng kinh cầu an cho các Phật tử và cho thế giới hòa bình, an lạc, có thể có một thời thuyết pháp và chúc Tết giữa Hòa thượng trụ trì với chư tôn đức tăng ni và Phật tử. 

Không chỉ ở Việt Nam, mà các nước khác ở Á Châu như Nhật Bản, Trung Quốc cũng có phong tục đi lễ chùa trong ngày Tết. Ở Nhật Bản, đêm giao thừa dân chúng chen vai thích cánh đi vào những đền chùa cầu nguyện cho niềm mơ ước của một năm mới, trong hồi chuông trầm hùng đổ dồn 108 lần vào đúng lúc nửa đêm. 

Ngoài ra, người Việt Nam cũng có thói quen hái lộc đầu xuân. Chùa là nơi chốn thanh tịnh, không chỉ ở trong điện thờ Phật, mà còn nơi khuôn viên, với cảnh sắc xanh tươi phối hợp hài hòa đầy ý nghĩa. Ngày Tết thỉnh một nhánh lá, một cành hoa về nhà, người ta tin tưởng được phúc lộc từ chùa đem về. Ngày nay để cây cối khỏi bị tổn thất, các chùa thường để sẵn bao lì xì và trái cây như cam, quít cho Phật tử đến thỉnh về. 

Ý NGHĨA PHẬT DI LẶC 

Ngày mồng một Tết cũng có một ý nghĩa đặc biệt trong đạo Phật. Ðó là ngày lễ vía Ðức Phật Di Lặc. Vì thế mồng một Tết đến chùa lễ Phật, không chỉ cầu an cầu phước mà còn nên phát tâm nguyện noi theo những hạnh nguyện của ngài để một ngày kia cũng được giác ngộ, xa lìa phiền não. 

Trong kinh Phật, Di Lặc là vị Bồ Tát được Ðức Phật thọ ký sẽ thành một vị Phật tương lai thị hiện nơi chốn Ta Bà để đem ánh sáng Phật đạo soi sáng, khi chúng sanh đã đến thời sa đọa tới mức tận cùng và thế gian không còn ai biết đến Phật pháp. Nhưng thời điểm tương lai ấy cũng là điều cho chúng ta suy nghĩ. Nếu tâm Phật có sẵn trong tâm chúng sanh, thì Di Lặc có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Người Trung Hoa tin rằng ngài đã hóa thân thị hiện như một vị hòa thượng được gọi là Bố Ðại trong khoảng thế kỷ thứ 10 đời Ngũ đại, có hình tướng mập mạp, vui vẻ, luôn luôn đeo một bao bố trên lưng và hay chơi với trẻ con. Nhiều câu chuyện kỳ diệu đã xẩy đến với vị hòa thượng này, và đến khi ngài thị tịch đã để lại một bài kệ nhận là Di Lặc. Vì vậy những tôn tượng của Di Lặc chúng ta thờ ngày nay đều làm theo hình ảnh của một vị sư mập mạp bụng phệ, có vẻ mặt tươi cười mặc dù có sáu đứa trẻ leo lên nghịch phá trên thân mình. Sáu đứa trẻ tượng trưng cho sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý lúc nào cũng quấy nhiễu, lôi cuốn chúng ta theo những trần cảnh trước mắt. Nhưng Ðức Phật Di Lặc vẫn vui vẻ tươi cười, an nhiên bất động vì ngài đã điều phục được sáu căn ấy, chuyển “lục tặc” chướng ngại thành “lục thông ” thấu suốt vô ngại. 

Trong tiếng Phạn, Di Lặc được gọi là Metteya, dịch ra tiếng Hán là Từ Thị, mang ý nghĩa tâm từ trong đó. Tâm từ là một trong “tứ vô lượng tâm”, tức TỪ BI HỶ XẢ. Từ là tình thương bao la tự nhiên, Bi là thông cảm và chia xẻ cái khổ của người, Hỷ là vui với với cái vui của người, Xả là không chấp trước không nắm giữ. Bốn tâm này như dòng suối mát ngọt ngào làm trôi đi những chướng ngại, đau buồn, sân hận, đem lại sự an vui cho mọi người. Trong những ngày đầu năm người ta thường kiêng cữ, giữ gìn lời ăn tiếng nói, tránh gây gổ giận dữ, đó cũng là một cách để thực hành Tứ Vô Lượng Tâm. Nếu có thể thực hành được như vậy suốt trong năm, thì dù có không cầu Phật, phước cũng vẫn tự đến. Ngày lễ vía Ðức Phật Di Lặc nhằm vào ngày đầu năm phải chăng đã nhắc nhở chúng ta noi theo hạnh của ngài thực hiện từ bi hỷ xả trong cuộc đời, như vậy mọi nghiệp chướng sẽ hóa giải, phiền não chuyển hóa thành Bồ Ðề, tâm thân được an lạc, tràn đầy niềm hạnh phúc. 

XUÂN TRONG Ý THIỀN 

Vạn vật vô thường, thế giới đổi thay, vũ trụ và con người vận hành không ngừng trong từng sát na theo một vòng luân hồi vô thủy vô chung. Xuân đến, xuân đi, rồi xuân lại về. Không có mùa xuân nào là mùa xuân đầu tiên, cũng không có mùa xuân nào là mùa xuân cuối cùng. Trong cái sinh diệt không ngừng ấy, có một cái gì bất sinh bất diệt, một mầm sống vẫn tiếp nối vô cùng vô tận. Mầm sống ấy tiềm tàng trong pháp giới bao la; trong thế giới này tất cả đều do nhân duyên khởi, và những gì theo duyên hợp mà thành cũng theo duyên hoại mà tan, nhưng ở nơi gốc rễ của những hợp tan ấy là một nền tảng không hoại diệt, không thay đổi, kiên cố thường hằng, mênh mông bao trùm khắp các nhân duyên sinh diệt. Mùa xuân tượng trưng cho sự sống tiềm tàng đầy năng lực. Nhận ra cái không sinh diệt nơi chính mình là thấy được bộ mặt thật của Chúa Xuân, và đó cũng là mùa xuân bất tận của Di Lặc, tràn đầy niềm vui và hi vọng trong tương lai. 

Ðiều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông, sơ tổ phái thiền Trúc Lâm Việt Nam, đã nhận diện được mùa xuân ấy, nên làm bài thơ như sau: 

Thuở bé chưa từng biết sắc không 

Xuân về hoa nở rộn trong lòng 

Chúa xuân nay bị ta khám phá 

Chiếu trải vườn Thiền ngắm cánh hồng. 

Hoa nở rồi tàn, việc đến rồi đi, cuộc đời trôi qua như nước chảy mây bay, như giấc mộng thoáng qua, nhưng trong giấc mộng đời ấy thiền giả thấy cái thường ngay nơi cái vô thường, thấy cái không sinh diệt ngay nơi sinh diệt, nên ung dung tự tại trước sự sinh tử của chính mình. Thiền sư Mãn Giác trước khi thị tịch đã có mấy câu thơ rằng: 

Xuân đi trăm hoa tàn 

Xuân đến trăm hoa nở 

Việc trước mắt đi qua 

Trên đầu già đến rồi 

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết 

Ðêm qua sân trước một cành mai. 

Cành mai miên viễn nở mãi trong đất tâm vô biên, mặc cho mọi biến thiên tiếp nối trong dòng thời gian trôi chảy không ngừng. Mong rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ thấy được cành mai của mùa xuân bất tận ấy. 

Lưu Ly 

Kiệt tác tranh vẽ tay trên… lông vũ 

Trong văn hóa của thổ dân da đỏ ở Bắc Mỹ, lông vũ là loại trang sức tượng trưng cho quyền lực, trí tuệ và tự do. Tuy nhiên, ngày nay, nhiều họa sĩ còn sử dụng chúng như chất liệu để vẽ tranh. 

Julie Thompson - một nghệ sĩ đến từ bang Alaska (Mỹ) đã sử dụng chiếc lông vũ mềm mại để vẽ nên những bức tranh tinh xảo, khiến người xem phải ngỡ ngàng. Hiện đang là họa sĩ đồ họa cho một công ty khảo cổ, công việc chủ yếu của Julie Thompson là mô phỏng lại các loại văn tự chữ tượng hình. Chính sự tỉ mỉ và kiên nhẫn được rèn luyện trong công việc đã giúp cô rất nhiều trong quá trình sáng tác. Tác giả đã tự học hội họa từ những năm 90 và vẽ trên lông vũ suốt 17 năm qua. Tranh của cô đã được triển lãm tại các phòng trưng bày trên khắp Bắc Mỹ. 

Julie Thompson sinh ra và lớn lên ở Alaska, tiểu bang xa xôi nơi có những ngọn núi, những cánh rừng hùng vĩ và phong cảnh hoang sơ tuyệt đẹp. Thiên nhiên, cuộc sống nơi đây đã in sâu vào tâm trí, đồng thời ghi dấu ấn rõ nét trong những tác phẩm của cô. Tranh của Julie rất đỗi giản dị, khiêm nhường cả về sắc màu lẫn chi tiết. 

So với vải canvas (vải bạt, không thấm nước), vẽ trên lông vũ khó hơn rất nhiều. Chất liệu vẽ tranh chủ yếu là lông công hoặc lông gà tây. Đây là chất liệu quá mềm và cực khó vẽ nên dù chỉ một bức tranh đơn giản cũng đòi hỏi người vẽ phải thật khéo léo, kiên trì. 

Tác giả thường mất vài giờ để vẽ một bức tranh đơn giản, còn những bức phức tạp thường mất khoảng 15-18 giờ. 

Theo kenh 14 

ĐÓA CHÂN THƯỜNG 

Đêm Xuân mai nở trên cành 

Tiết đông giá lạnh một cành thiên hương 

Lộc non nảy đóa Chân Thường 

Nắng đơm cánh mỏng ngát hương nhiệm mầu 

Nụ vàng ủ hạt minh châu 

Nở ra năm cánh không mầu thời gian 

Xuân đi, Xuân đến, Xuân tàn 

Cành khô lá rụng mai vàng vẫn Xuân 

Xuân Mai 

BASHO VÀ NHỮNG DÒNG THƠ PHIÊU LÃNG 

Ngọc Bảo 

Thơ tức là tình. Ðối trước cảnh sinh tình, người làm thơ trút vào những dòng chữ cô đọng những cảm xúc tràn dâng, chuyển tải lại phần nào tâm tình đó đến người đọc. 

Haiku là một thể thơ đặc biệt ngắn gọn, xuất phát tự nhiên như tiếng nói từ tâm đối cảnh trong khoảnh khắc của ngay lúc đó, trong đó thời gian và không gian cô đọng lại như khung cảnh hiện thực của một bức ảnh, vì thế thơ Haiku hàm chứa nhiều nét thi vị Thiền . Nói đến haiku không thể nào không nhắc đến Matsuo Basho, người được xem như vị Tổ của thơ Haiku. Với Matsuo Basho, thơ Haiku đã được xử dụng đến mức tuyệt vời , ý thơ của ông thanh thoát, bàng bạc những ảnh hưởng sâu xa của đạo Phật, như thơ của một vị thiền sư, nhưng những tình cảm bộc lộ tự nhiên trong đó cũng thật gần gũi với một con người bình thường đang bị cuốn hút trong dòng đời nổi trôi. Bài thơ nổi tiếng nhất thật ngắn gọn nhưng cũng hàm chứa bao ý nghĩa sâu xa trong đó: 

Ao xưa 

Con cóc nhẩy vào 

Tiếng nước xôn xao! 

Ðể hiểu thơ của một tác giả cần biết về cuộc đời của tác giả đó cũng như bối cảnh xã hội. Nói đến những ảnh hưởng trong cuộc đời Basho, có lẽ biến cố lớn nhất ảnh hưởng đến toàn cuộc đời của Basho là cái chết đột ngột của người chủ trẻ, cũng là người bạn tâm giao, người xướng họa thơ với ông từ thời còn rất trẻ. Số phận trở thành một samurai gia truyền tưởng chừng như an bài đã tan vỡ theo cái chết của người chủ ấy, và đồng thời cũng để lại một vết hằn đen tối khó quên. Tâm hồn khắc khoải của ông đi tìm giải thoát trong Phật đạo, trong Thiền, nhưng Thơ mới là lối thoát, là đường đi ông chọn trong cuộc đời, bởi vì Thơ là nguồn cảm hứng, là một nhu cầu thiết yếu như sự sống cần hơi thở. Thơ đã trở thành Ðạo, là “con đường tao nhã” mà ông ưa thích. Như ông đã nói trong bút ký “Tập ký sự trong tay nải: ”Trong tấm thân tạm bợ này với hàng trăm mảnh xương và chín cái lỗ có một phần tâm linh, mà vì không biết gọi tên gì cho thích hợp, nên tôi nghĩ đến nó như là gió cuốn vậy. Nó mơ hồ như một tấm thảm mong manh, chỉ một cơn gió thoảng có thể làm cho rách tan rồi bị thổi bay đi. Nó đã làm tôi phải viết lên những vần thơ từ bao nhiêu năm qua, đầu tiên là để tự thỏa mãn mình, nhưng dần dà đã trở thành một lối sống”. 

Nhưng ngay cả khi đã làm được những gì muốn làm và thành công rực rỡ trong sự nghiệp, Basho cũng không tìm thấy sự bình an trong đời sống yên ấm ở mái nhà tranh nhỏ bé có cây chuối trồng đàng trước, được gọi là am Basho (có nghĩa là cây chuối), mà sau này ông lấy đó làm bút hiệu. Basho thích cây chuối vì ông cảm thấy có gì gần gũi với nó trong dáng đứng chơ vơ lạc loài, tầu lá tỏa lớn rộng xanh mướt nhưng cũng thật mong manh dễ rách theo những cơn gió thoảng, và những đóa hoa nhỏ bé trông cô đơn như hiểu rõ sự vô dụng không sinh trái được trong phong thổ xứ lạ. 

Basho nowaki shite 

Tarai ni ame o 

Kiku yo kana 

Cây chuối trong mùa thu 

Gió bão - ta nghe mưa nhỏ giọt 

Xuống vũng nước đêm đen 

Con tim khắc khoải mãi mãi đi tìm sự bình an cho tâm hồn, ông muốn thoát đi thật xa tìm nguồn thi hứng, “theo gương những thiền sư ngày xưa đã đi hàng ngàn dặm không mang gì theo chỉ cố gắng đạt được trạng thái hạnh phúc dưới ánh trăng trong sáng”. Tâm hồn lãng tử của Basho lúc nào cũng thôi thúc ông dấn bước trong những cuộc hành trình gian nan như người đi tìm Ðạo, dù có phải đối diện với cái chết dọc đường. Ðó là lý do của tên gọi “Du ký của một nắm xương phong trần” trong chuyến viễn du đầu tiên của ông. Trong cuộc hành trình đó ông trở về quê cũ, và những vùng lân cận giữa Edo-Kyoto, gặp lại gia đình, bạn bè và những người thân thương. Cuộc hành trình này đã đem lại nhiều niềm vui và phấn khởi, từ đó Basho tiếp tục viễn du trong những chuyến đi khác, được ông ghi lại trong “Tập ký sự trong tay nải”, “Du hành đến Kashima”, “Du hành Sarashina”, và cuối cùng là cuộc viễn du đi xa nhất về phía Bắc Honshu, thuộc vùng Tohoku ngày nay, mà ông viết trong ký sự “Con đường hẹp đi sâu về phía Bắc”, cũng là tập ký sự nổi tiếng nhất. Những bài thơ tuyệt tác của Basho đều được sáng tác trong những cuộc hành trình này. Những buồn phiền, trăn trở đã được xoa dịu khi ông viếng thăm những thắng cảnh nổi tiếng, những di tích lịch sử hay những ngôi chùa thanh tịnh trong chốn xa xôi hẻo lánh. 

Dặm đường từng dặm đường qua 

Từng ngày vơ vẩn tìm hoa anh đào 

Quạt tôi làm chén uống hoa 

Anh đào đang rụng la đà nơi nơi 

Khung trời ảm đạm đìu hiu 

Mãn khai đào nở, nụ theo nở cùng 

Basho tìm được sự bình an khi hòa mình với thiên nhiên, trong đó cái “Ngã” nhỏ nhặt đầy những hệ lụy trần ai tan biến đi trong vũ trụ bao la. Với Basho, sự đồng nhất thể với vũ trụ là thiết yếu cho sự sáng tạo của nguồn thơ, điều mà thi sĩ Saigyo, người đi trước Basho và được ông hết lòng ngưỡng mộ, cũng đã từng cảm nhận. 

Ta trèo lên tận chân không 

Chon von chót vót hơn vùng sơn ca 

Và như thế, Basho đã trở thành một “thi sĩ lang thang”, đi trong những cuộc hành trình miên viễn, không phải chỉ để tìm nguồn thơ, mà còn để tìm lại chính con người thực sự của mình. Ông cũng nói đến điều này như sau trong ký sự “Con đường hẹp đi sâu về phía Bắc”: 

Mặt trăng và mặt trời là những khách lữ hành muôn thuở! Năm tháng cũng là những lữ khách lang thang vĩnh viễn! Bao nhiêu năm qua đi những ai dong thuyền vượt biển hay những ai cưỡi ngựa băng ngàn tiêu pha từng giây phút của cuộc đời, cả những người thời xa xưa cũng vậy đều chết trên đường đi. Thế mà riêng tôi lúc nào cũng mong mỏi một hành trình lang thang đây đó. Cuộc hành trình đó lại chính là con đường trở về. Ði cũng là trở về. Suốt đời Basho đã đi mãi không ngừng, để khi đến mùa thu của cuộc đời nhìn lại con đường đã đi qua chẳng còn thấy dấu vết hình bóng mình. Chung điểm cũng là khởi điểm. Tất cả đã hòa tan trong cái Không vô ngã, vô thủy vô chung. 

Kono michi ya 

Yuku hito nashi ni 

Aki no kure 

Trên suốt con đường này
Người đi không thấy bóng

Mùa thu về tối nay 

Và khi không còn thấy bóng người, bỗng nhiên đóa hoa chân thường nở ra trước mắt, tinh khiết và trắng trong, không nhiễm chút bụi trần: 

Shiragiku no 

Me ni tatete miru 

Chiri mo nashi 

Kìa hoa cúc trắng ngần
Không mảy may hạt bụi

Nở ngay trước mắt trần 

Cuộc hành trình đã chấm dứt với Basho. Còn chúng ta, nếu chưa bắt đầu cuộc hành trình, chừng nào mới tìm được lối về?. 
Tháng 7, mùa hè năm 2006 
Nguyễn Ngọc Bảo
Nguồn: "Matsuo Basho, thi sĩ thiền giả và haiku",
 dịch giả Thiên Hương Chu Kim Hải
Theo http://chuaphatgiaovietnam.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...