Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Nguyễn Du, tình thơ và những người đẹp Thăng Long

Nguyễn Du, tình thơ 
và những người đẹp Thăng Long
Tượng đại thi hào Nguyễn Du 
(nguồn: nguoikesu.com)

Tài tử thi nhân mà gặp tài nữ giai nhân thì chắc chắn có chuyện phong tình. Một thi nhân như Nguyễn Du mà gặp những giai nhân kỳ nữ Thăng Long mộng mơ thì hồn thơ phải vô cùng lai láng. Ấy là giả định chợt nghĩ thế thôi, song cũng là một ý nghĩ thú vị.
1. Tôi may mắn được là người Nghi Xuân đang ở Hà Nội, rất mê cái tài tử phong lưu của cụ Nguyễn Du, cụ Nguyễn Công Trứ nên muốn tìm hiểu xem sao? Nguyễn Du sinh tháng giêng năm 1766 tại phường Bích Câu Thăng Long. Cùng năm này, thân phụ ông, Nguyễn Nghiễm được thăng Thiếu phó rồi mấy năm sau ra làm Tể tướng. Anh Nguyễn Du là Nguyễn Khản làm Bồi tụng sau lên Thượng thư bộ Lại khi Nguyễn Du 17 tuổi (1782). Cả nhà Nguyễn Du khi ấy đều sống ở Thăng Long, và Nguyễn Du, gọi là cậu Chiêu Bảy được anh trai nuôi ăn học giữa cái nôi văn hóa Thăng Long rồng bay này.
Câu chuyện “tình tang” đầu tiên của Nguyễn Du là với một cô gái đò ngang ngày ngày chở chàng trai xứ Nghệ này qua lại Nhị Hà thụ giáo với một ông thầy Kinh Bắc. Cô gái ấy tên là Đỗ Nhị Nhợt.
Lần ấy Chiêu Bảy chờ sang đò nhưng cô Nhợt lại ra muộn. Đò vắng khách! Cậu Chiêu “hiền lành” bèn trổ cái trò sau quỷ, sau ma của đám học trò. Cậu ứng tác rằng:
Cô ơi chèo chống tôi sang
Kẻo trời trưa trật lỡ làng tôi ra
Còn nhiều qua lại lại qua
Giúp cho nhau nữa để mà...
Cậu ngừng ở chữ thứ sáu của câu chứ không đọc hết. Cô Nhợt nhẹ nhàng:
- Cậu đã đọc hết đâu?
Nguyễn Du giả đò tần ngần:
- Còn hai chữ nữa muốn nhờ cô gợi cho.
Cô Nhợt hai má ứng hồng, long lanh cặp mắt lìu ríu nhắc mái chèo:
- Thưa, dùng hai chữ “quen nhau” có được không ạ?...
Chuyện không dừng ở đó, chỉ mấy ngày sau đôi bên đã chủ động chuyển từ “quen nhau” thành “thương nhau”.
Chiêu Bảy hớn hở say sưa, hồn thơ càng lai láng. Những câu thơ lãng mạn tuôn trào:
Quen nhau nay đã nên thương
Cùng nhau xe mối tơ vương chữ tình
Người xinh xinh, cảnh xinh xinh
Trên trời dưới nước, giữa mình với ta.
Những tưởng đôi bên sẽ có hạnh phúc lâu dài, nhưng chuyện đồn đến tai phụ huynh, thế là bi kịch bắt đầu từ đó. Phép nhà không cho một công tử con quan tể tướng lấy một cô gái lái đò! Còn cái cô lái đò kia sao lại dám chơi trèo chòng ghẹo con quan? Đò ngang bị chức dịch trong làng thay người chèo chống. Chiêu Bảy cũng không thể gặp lại người tình. Ông đau đớn:
Yêu nhau những muốn gần nhau
Bể sâu trăm trượng tình sâu gấp mười
Vì đâu cách trở đôi nơi
Bến nay còn đó nào, người năm xưa
Và:
Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ, con đò thủa xưa
Cây đa bến cũ còn lưa
Con người năm ngoái năm xưa đâu rồi!
Lần này là những câu thơ nước mắt.
Thì ra chàng nho sinh Nguyễn Du không hề “hiền lành” như người ta tưởng mà là một chàng trai rất đỗi đa tình. Mối tình thuở “ban đầu lưu luyến” này đúng là tình của một người tài tử, cái tình gắn với ca dao thôn dã chứ không phải là cái tình trong gia pháp uy nghiêm. Phải chăng cái tín hiệu ban đầu này sẽ cho thấy Nguyễn Du ngay từ thuở thiếu thời, dù là một cậu ấm con quan, ông đã rất gần với lớp người thôn dã.
2. Cuộc gặp gỡ thứ hai là với một tài nữ Thăng Long khác, một cô gái đánh đàn quen gọi là cô Cầm. Cầm vừa là ca nương vừa có ngón đàn điêu luyện cuốn hút hồn người. Cô rất xinh lại rất đường hoàng, bản lĩnh. Cô nhận tiền thưởng không chút e dè, nói cười tự nhiên cử chỉ ngang tàng phóng khoáng! Tiệc được tổ chức trong dinh Nguyễn Nễ là anh của Nguyễn Du bấy giờ là Đông các đại học sĩ dưới triều Tây Sơn. Nguyễn Du và nhiều người khác chuốc rượu cho cô. Cô không từ chối ai, uống đến say nằm lăn ra đất. Nhiều người lắc đầu tỏ ý thương hại chê bai, nhưng Nguyễn Du thì cảm nhận dường như con người này đang là hiện thân của một sự đoạn tuyệt mơ hồ nào đó. Ấy là vào năm 1791 khi Tố Như 26 tuổi, cô Cầm 21 tuổi. Hơn hai chục năm sau, Nguyễn Du gặp lại cô Cầm trong một tiệc rượu khác tại Thăng Long nhưng không tài nào nhận ra vì trước mặt ông chỉ là một người đàn bà gầy gò tiều tụy, mặc áo vá, lẫn trong một đoàn nữ nhạc, không nói không cười. Chỉ đến khi nàng bật dây đàn, Nguyễn Du mới cảm nhận có một nét gì quen thuộc. Ông đã chủ động hỏi han... và đây là những lời của ông trước khi chuyển cảm xúc thành một bài thơ nổi tiếng: “Than ôi! Người ấy sao đến nỗi này! Đời người trăm năm vinh nhục buồn vui thật không lường được. Sau khi từ biệt, suốt trên đường đi cảm thương vô cùng nên làm bài này để gửi cảm hứng”. (Trang 190 - Thơ chữ Hán Nguyễn Du - NXB Văn học 1988).
Bài thơ Long thành cầm giả ca ra đời không chỉ là nỗi cảm thương với một thân phận tài hoa mệnh bạc, một tài nữ kỳ diệu bậc nhất kinh đô một thời, nay chỉ còn là một người tóc điểm bạc/ Mặt gầy sắc võ hình nhỏ nhoi/ Phờ phạc đôi mày không tô điểm, mà còn gắn cả với một nỗi buồn thế sự, một liên tưởng, một chiêm nghiệm về lẽ mất còn.
Thành quách đổi thay người chuyển dời
Bãi biển nương dâu biết mấy nơi
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tán sạch
Luống còn một người con hát thôi
Trăm năm thấm thoắt là bao tá
Đau lòng việc cũ lệ tầm tã
Từ Nam trở lại trắng phơ đầu
Trách gì nhan sắc chẳng tàn tạ.
(Bản dịch Nguyễn Huệ Chi - Sđd)
Hình ảnh mái tóc của thi nhân bạc phơ - Nam Hà quy lai đầu tận bạch - không chỉ được nhắc trong bài thơ này, nó còn lặp đi lặp lại ở nhiều bài với “Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên”, rồi “Tiểu ngã bạch đầu mang bất liễu”, “Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly”, “Bà bà bạch phát hồng trần lộ”, “Bạch phát thu hà hận”, “Bạch đầu thiên lý tẩu thu phong”... trước những điều trông thấy ở một tâm hồn đa cảm.
3. Nguyễn Du còn có cả tình ý với nữ sĩ nổi tiếng tài hoa Hồ Xuân Hương ở kinh thành Thăng Long cũng trong cái năm 26 tuổi ấy. Bấy giờ Xuân Hương đã là một cô gái được giới tài tử văn nhân Thăng Long chú ý bởi văn tài. Thơ Hồ Xuân Hương có những bài đầy giọng thách thức coi thường thế gian. Xuân Hương cũng là một mẫu kỳ nữ giai nhân mang một tâm hồn phong phú, một nỗi lòng phức tạp, trước cuộc đời trăm mối ngổn ngang, một lối sống vượt ra khỏi khuôn mẫu. Nguyễn Du và Xuân Hương đã cùng nhau đi hái sen ở Hồ Tây và Xuân Hương đã thực sự trao trái tim mình cho chàng trai đa cảm ấy. Họ quyến luyến cùng nhau có đến ba năm trời, nhưng có lẽ vì nhiều những biến thiên của thế kỷ mười tám bấy giờ khiến cho đôi bạn chỉ xem nhau như tri kỷ chứ không thể nghĩ đến việc trăm năm được!
Nhiều năm sau, Xuân Hương vẫn ở quanh vùng Hà Nội, còn Nguyễn Du thì đã làm quan to. Ông được Gia Long thăng Chánh điện học sĩ, tước hầu, và được giao đi sứ Trung Quốc. Trên đường đi Bắc, ông ghé Thăng Long và nhận được một lá thư, trong là một bài thơ nôm, dưới đề “Xuân Hương thủ bút”. Bài thơ cho thấy cái tình Xuân Hương, dù trải bao năm tháng, với Nguyễn Du, vẫn còn rất gắn quyện thiết tha. Xuân Hương mừng vì Tố Như: Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập, và tỏ bày về mình, phấn son càng tủi phận long đong. Cuộc tình mà Xuân Hương kỳ vọng với Tố Như hóa ra chỉ là giấc mộng rồi ra nửa khắc không!
Bài thơ thật sự đã làm Nguyễn Du bàng hoàng. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về. Suốt đêm ấy, ông trăn trở và sáng hôm sau dậy viết một mạch năm bài thơ “Chiêm bao hái sen” như là một cách tạ từ với người xưa cũ. Dưới đây là một trong năm bài thơ ấy:
Hoa sen ai cũng ưa
Cuống sen nào ai thích
Trong cuống có tơ mành
Vấn vương không thể dứt
(Phạm Khắc Khoan - Lê Thước dịch. Sđd)
Không rõ khi viết Đoạn trường tân thanh, nhắc đến tình yêu Thúy Kiều - Kim Trọng, câu thơ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng của Nguyễn Du có phải là một liên tưởng với câu chuyện tình này không? Nếu thế, thì thêm một lần nữa ta thấy tài hoa trác tuyệt và tâm hồn sâu lắng của con người thi nhân.
Những người đẹp Thăng Long đi qua cuộc đời Nguyễn Du cho thấy cái tình của thi sĩ - Tấm lòng thơ vẫn tình đời chứa chan (Tố Hữu). Tuổi trẻ, thơ Nguyễn Du trong sáng lãng mạn gần gũi với thiên nhiên, gần gũi với những nét dân dã. Nhưng nguồn cảm hứng chính của ông vẫn gắn với cảm hứng dâu biển của cuộc đời. Những người đẹp Thăng Long đã có lúc làm ông bừng lên niềm vui tươi, lạc quan, nhưng thời thế và đặc biệt thời gian hình như không muốn thế! Thăng Long sau hai mươi năm cách biệt, những cô gái Thăng Long sau hai mươi năm cách biệt:
Nghìn năm dinh thự thành quan lộ
Một dải tân thành lấp cố cung
Người dẹp thuở xưa nay bế trễ
Bạn chơi thuở nhỏ thảy thành ông
Thâu đêm chẳng ngủ lòng thêm bận
Địch thổi trăng trong tiếng não nùng
(Quách Tấn dịch - Sđd)
Bình phẩm Nguyễn Du tôi không dám lạm bàn. Tôi chỉ thích thú với ý nghĩ rằng: Cụ Nguyễn Du của chúng ta đã từng yêu và được bao nhiêu cô gái đẹp Thăng Long yêu, cụ yêu Thăng Long để rồi nhờ tình yêu mà thăng hoa thành nhiều bài thơ mà dân mình truyền tụng. Cho một tình yêu ngàn năm Thăng Long, cụ Nguyễn cũng dự phần.

18/3/2019 
Hoàng Khôi
Theo https://laodong.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...