Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2021

Nhà văn Y Ban: "Món nợ" của văn chương

Nhà văn Y Ban: 
"Món nợ" của văn chương...

Mỗi lần gặp nhà văn Y Ban, dù ai quý chị hay chưa bằng lòng với chị về văn chương thì cũng phải công nhận rằng, ở chị luôn có sự nồng nhiệt, sức nóng và hơi lửa trong từng câu chuyện, trong từng những nhân vật, tác phẩm mới. Chị nói liên hồi, như không cảm thấy mệt mỏi, mọi nguồn sinh lực tưởng chừng không khi nào vơi cạn. Chị cũng thừa nhận, trong văn chương, thân phận và hình ảnh của những người đàn bà là “đặc sản” mà chị dành nhiều tâm huyết, cứ như chị “mang nợ” họ…
Có thể nói, nhà văn Y Ban là một trong số những nhà văn nữ gai góc và cá tính của làng văn. Người ta nói, người sao văn vậy, với chị quả không sai. Ngoài đời chị sôi nổi, nồng nhiệt, nhiều khi ăn nói đến bỗ bã, nói thẳng, nói thật, huỵch toẹt vào người khác không hề giấu giếm ngại ngùng. Và tính cách, kiểu cách ấy chị cũng chẳng hề che đậy trong văn chương, không hề muốn khoác cho nó một vẻ ngoài nhu mì, hiền lành, giả dối.
Đọc văn chị, thấy rõ cái giọng tưng tửng, nói cho sướng miệng, và người đọc vì thế cũng được sống đúng với cảm giác của nhân vật và thấy có một phần là chính mình trong đó. Cũng vì thế ai hiểu con người chị đều nhận ra như thế mới chính là Y Ban, không thể lẫn với ai, đó mới là cách chị sống, sống cho mọi niềm đam mê, sẵn sàng đi vào tận ngõ ngách, nói ra những điều nhiều người không dám nghĩ, hoặc có nghĩ thì không ai dám nói ra vì nó thật quá, trần trụi quá.
Y Ban viết rất khỏe, chị viết truyện ngắn, truyện vừa, tiểu thuyết. Nhiều tập truyện ngắn của chị dính dáng đến đàn bà, từ “Người đàn bà có ma lực” (tập truyện ngắn, 1993), “Người đàn bà sinh ra trong bóng đêm” (tập truyện ngắn, 1995), hay “I am đàn bà”- truyện ngắn từng gây xôn xao trên văn đàn… Ở lĩnh vực tiểu thuyết cũng vậy, kể từ tiểu thuyết đầu tay “Đàn bà xấu thì không có quà” (2004), đến “Xuân từ chiều” (2008) và tiểu thuyết mới nhất vừa ra mắt bạn đọc “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”.
“Có thể nói, một mảng “đặc sản” trong nghiệp văn của tôi là viết về đàn bà. Mảng đề tài này là thuận tay, là niềm trăn trở, là món nợ nhất đối với tôi. Trong một xã hội đang đánh mất quá nhiều giá trị như hiện nay thì người hứng chịu nhiều nhất không ai khác chính là những người đàn bà. Họ buộc phải tự vươn lên để tìm cách giải tỏa, để đối kháng, để sống. Trong tiểu thuyết của mình, tôi muốn những người đàn bà ấy phải sống cho mình, sống theo cách của mình, dù cho họ phá cách”, chị nói.
Và vì thế, những người đàn bà trong các tác phẩm của chị, dù cho khổ đau, mặc cho vẻ bề ngoài khô cứng, có lúc cô đơn đến tận cùng thì bên trong vẫn là một trái tim ấm nóng, muốn quan tâm người và muốn người quan tâm, khát khao được sống, được yêu, được là bản thân mình.
Trong tiểu thuyết “Trò chơi hủy diệt cảm xúc” cũng vậy. Chị đưa người đọc đến với một câu chuyện của thời đại công nghệ số, của Internet, của Google, của nick chat. Đấy là một trò chơi trực tuyến, ở đó, đối tượng của trò chơi “hủy diệt cảm xúc” là một phụ nữ tuổi từ 30 - 40, đã có gia đình. Nhiệm vụ của người tham gia trò chơi này là: Viết thư online cho một người đàn ông, mà người đàn ông này đang có một cuộc tình online đẹp như mơ, không hề biết đến cảm giác đau khổ đã 5 năm với một người đàn bà khác. Nếu chiến thắng, người chơi sẽ nhận được 100.000 đô la. Trò chơi cũng cảnh báo: Người chơi sẽ bị loại nếu để tình yêu đích thực xen vào cuộc chơi. Và câu chuyện hấp dẫn chính bởi lời cảnh báo ấy.
Tiểu thuyết này được chia làm mười chương, gồm: Trò chơi, Tôi là ai, Một người đàn bà, Mây, Đám đông, Lại đám đông, Nước, Kiêu căng tự phụ vô pháp vô thiên, Những bức thư online và Chiến thắng. Mỗi chương là một câu chuyện riêng biệt về những con người khác nhau, có những cảnh đời, tâm trạng khác nhau, nhưng đây là dụng ý của chị. Chị cũng khẳng định rằng, chị rất dị ứng, thậm chí là ly khai với cách viết tiểu thuyết truyền thống.
Ba tiểu thuyết của chị là ba cách viết khác nhau để tự làm mới mình. Tiểu thuyết đầu tiên “Đàn bà xấu thì không có quà” là một sự phá cách khi cấu trúc chỉ gồm ba chương cho một nhân vật: sáng, trưa, tối và xâu chuỗi chúng lại thành một cuộc tình online của một người đàn bà có khuôn mặt vô cùng đẹp nhưng thân hình vô cùng xấu. Tiểu thuyết thứ hai “Xuân từ chiều” viết từ đầu đến cuối không hề xuống dòng, khiến người đọc bị cuốn theo từ trang đầu đến khi gấp cuốn sách lại. Và bây giờ, trong “Trò chơi hủy diệt cảm xúc”, chị chọn lối viết các chương khác nhau với những nhân vật, cuộc đời, tính cách riêng biệt. Chị muốn các nhân vật của mình, dù là Kim, Mây, Hoa, Linh hay quí bà tiến sĩ sống với đời sống thực theo cách của mình, ước muốn của mình. Chỉ đến chương “Chiến thắng” mới là lúc chị xâu chuỗi tất cả lại với nhau, tất cả những nhân vật đó thực ra là những mảnh ghép để làm nên một con người hoàn chỉnh mà thôi.
Nhưng chính lúc nhân vật hoàn chỉnh, cũng là lúc bi kịch của con người thật xuất hiện. Kim đã chiến thắng khi khiến cho người đàn ông trong trò chơi online, người đang có mối tình online đẹp như mơ với một người đàn bà khác đã 5 năm trời, phải đau khổ; nhưng chính Kim cũng nhận ra cảm xúc của bản thân mình đã bị giết chết bởi người đàn ông ảo ngoại quốc (Ấn Độ) khi người này cùng một lúc chat và yêu hai người đàn bà người Việt là Hoa và Kim… 
Bản thân Kim cũng phải dằn vặt. Cảm giác trống rỗng, một nỗi buồn tê tái, một nỗi hoài nghi, một chuỗi các câu hỏi xuất hiện: Nếu không phải là trò chơi thì người đàn ông đã viết những bức thư kia là người thế nào, người đó có biết là mình đang tham gia một trò chơi, những lời yêu thương kia là thật hay giả, nếu những lời yêu ấy là thực lòng (trong khi Kim đang trong trò chơi trực tuyến) thì phải chăng chính Kim đã giết chết cảm xúc của người đàn ông đó, và cũng chính cô giết chết cảm xúc của mình, bởi dù là trong cuộc chơi, đã có lúc Kim cảm nhận được tình cảm của người đàn ông ảo kia, đã có những bức thư Kim viết trong nước mắt, nhận ra cuộc sống của mình đang khô cằn, chưa khi nào được nếm trải tình yêu đích thực.
Nhưng tất cả chưa dừng ở đấy, cái kết khiến người ta bất ngờ, người đàn ông tên Kap kia thực ra là một… con rô bốt đang được lập trình để nó chuyên viết những bức thư. Kap sẽ viết thư cho tất cả phụ nữ trên thế giới, việc lập trình cho Kap rất khó khăn và những bức thư của Kim trong suốt tám tháng qua cho Kap thật tuyệt vời, chúng đã được mã hóa để Kap có thể viết thư trực tuyến hoặc là chat, phục vụ cho các trang mạng xã hội khi Internet ngày càng phát triển. Câu chuyện về một trò chơi trên mạng vì thế đã thực sự khiến người ta phải suy nghĩ. Đâu là giá trị đích thực, đâu là tình yêu đích thực của cuộc sống này khi cái giả, cái thật đan xen?
Nhưng ngay với chị, người thai nghén ra đứa con tinh thần này cũng không hề muốn câu chuyện lại kết thúc như vậy. Chị kể rằng, để tìm cái kết cho câu chuyện, chị đã trăn trở rất nhiều, bốn cái kết đã được viết ra. Cái kết thứ nhất: Để cho Kap và Kim tìm được tình yêu đích thực, một tình yêu xuyên quốc gia, bởi tình yêu là thứ đẹp đẽ nhất mà con người bây giờ đang rất thiếu, nhất là thiếu những câu chuyện cổ tích về tình yêu.
Cái kết thứ hai, để cho Kap chết, và bức thư cuối cùng mà Kim nhận được là do con trai của Kap viết. Bức thư ấy, Kap tha thứ cho Kim, người đàn bà đã làm cho mình đau khổ.
Kết thứ ba, cả hai cùng chết, sau khi hủy diệt hết cảm xúc, cái kết này phù hợp với một cuộc chơi. Những cái kết này đều có lý và nhẹ nhàng, nhưng tất thảy đều không hợp với tính cách của chị. Trong mọi tác phẩm, chị đều mang đến bất ngờ ở đoạn kết.
Vì thế, chị đã chọn cách thứ tư, đó là một kết thúc bất ngờ nhất, khi Kap chính là… một con rô bốt. Chị đắn đo rất nhiều khi chọn cách này, cảm thấy tiếc nuối cho cả hai nhân vật mà chị đã dốc hết gan ruột để thể hiện một tình yêu bị dồn nén nhưng đầy ngọt ngào. Nhưng dù gì với chị, khi cuốn sách đã hoàn chỉnh thì đây vẫn là một cái kết có lý hơn cả dù rất buồn.
Trong sự tiếc nuối, chị nói rằng, giá như có thể viết khác đi thì chị muốn để cho Kim và Kap đến với nhau, tìm được tình yêu đích thực và cái thế giới của Kap và Kim là thế giới thực chứ không phải thế giới ảo với những bức thư online và một mối tình online, mãnh liệt đấy nhưng phũ phàng đấy, nồng nhiệt đấy nhưng cuối cùng chỉ là một trò chơi và người chiến thắng trò chơi ấy dù là kẻ thắng cuộc vẫn nhận ra sự cay đắng của chính mình.
7/10/2012
Xuân Phong
Theo https://baotintuc.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...