Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Đầu bến mây đưa 1

Đầu bến mây đưa 1

Chương 1

Tôi vẫn ngồi tựa mình vào cành sung cổ thụ nghiêng tán ra sông là là sát mặt nước. Chiều đã xuống, nắng nhạt dần cuối chân trời xa. Gió nhẹ nhàng ru qua từng khe lá đưa hàng tre già xào xạc. Bầu trời trên cao xanh màu cẩm thạch, những cụm mây trắng bồng bềnh trôi mãi, tôi nhìn theo bâng khuâng thầm hỏi: Mây ơi, mây đi về đâu?

Bên kia sông là thôn Vỹ Dạ. Màu xanh mát mắt của vườn cau sai quả, của ruộng bắp bạt ngàn ôm ấp những mái ngói đỏ đã thẫm màu trong bóng hoàng hôn.

Có tiếng gọi:

- Ti ơi, Ti.

Tôi thòng chân xuống nước, từng đợt sóng gợn tròn lan tỏa ra xa, đám lục bình dập dờn chạm nhẹ vào chân lành lạnh :

- Ti ơi , Ti !

Tôi nhảy một bước lên tới bờ đất, mang vội đôi dép nhựa màu vàng, chị Quí đã ra tới :

- Mi làm chi ở đây ?

Tôi phủi hai tay vào vạt áo :

- Từ từ chớ, chị kêu chi mà giựt giọng rứa ?

Chị Quí kéo tay tôi :

- Tao tìm mi mải chừ, qua nhà con Xuân, con Ngọc cũng không thấy mi mô. Con gái chi mà ham chơi, tới giờ cơm cũng không thèm về ăn, vô duyên.

Tôi giật mạnh tay chị chạy ù vào nhà :

- Chị có duyên ghê.

Trong nhà đã lên đèn. Trên chiếc bàn vuông trải tấm khăn hoa, mâm cơm đã dọn sẵn. Chưa có ai ngồi vào bàn, may quá , tôi đi xuống bếp , me đang rửa tay bên ảng nước , thấy tôi me la :

- Đi mô không chịu về lo cơm nước . ..

. . Chị Quí sắp sẵn một khay cơm nhỏ, chiếc chén kiểu men hồng và một đôi đũa son chạm long phụng , chị bảo tôi :

- Đem cơm lên cho ông nội.

Tôi lên lầu, bước đến phòng gõ nhẹ hai tiếng rồi đẩy cửa vào. Ông nội đang ngồi đọc sách bên án thư, bóng đèn ẩn dưới cái chụp lụa hồng phả sắc hồng hào lên gương mặt quắc thước của ông, vầng trán cao và chòm râu bạc lấp lánh . Ông ngẩng lên, tay gỡ kiếng đặt xuống bàn.

- Ti đó à ?

Tôi rụt rè bước tới chiếc bàn con cạnh cửa sổ , đặt chiếc khay lên :

- Dạ mời ông nội thời cơm.

Ông gấp sách lại, hiền từ nhìn tôi :

- Lại đây , ông vừa đọc một đoạn sách hay lắm , để ông kể cho mà nghe.

Tôi đến bên ông nội. Ông không mở sách ra nữa, nhưng lại bắt đầu nói, vẫn điệp khúc muôn thuở của ông, đó là lòng hoài vọng quá khứ , tưởng nhớ đến một thời vàng son đã mất , một dĩ vãng huy hoàng xa tít mù xa. Giọng ông sang sảng , trầm hùng , từ chuyện nầy bắt sang chuyện khác , ông dẫn tôi đi du lịch qua các triều đại xa xưa , vua Lê chúa Trịnh , nhà Trần nhà Nguyễn rồi đến cả nhà Đường bên Tàu . . . Khay cơm để trên bàn đã nguội tanh.

Tiếng ba gọi dưới nhà đưa tôi về thực tế :

- Ti ơi , xuống ăn cơm.

Ông nội như tỉnh cơn mơ :

- Thôi con xuống đi.

Cả nhà đã ngồi đầy đủ quanh bàn ăn, ba me , chị Quí và cu Nô. Ba kéo ghế bên cạnh, nhìn tôi cười thông cảm :

- Ông nội lại kể chuyện phải không ?

Chị Quí vừa so đũa vừa nói :

- Ông nội thì lui tới cũng chừng đó chuyện.

Me trừng mắt nhìn chị :

- Con chỉ được cái nói bậy, ông nội già rồi , những người già thường sống bằng quá khứ . ..

Cụ Nô la lên :

- Chị Ti xới cơm mau lên, em đói quá rồi.

Tôi ngả mình vào chạc cây, nhìn những quả sung xanh đong đưa. Trời chưa tắt nắng nhưng dưới bóng râm của tàng cây, hơi nước tỏa lên mát rượi, đám lục bình nở hoa tím ngắt theo sóng nổi trôi. Gió lay nhẹ ngàn bông lau trắng xóa, bến sông như hừng lên bởi bầy chuồn chuồn ớt xôn xao bay lượng trên những cụm bông dừa màu hồng tía mọc hoang bên bờ sông. Một chú chuồn chuồn nhỏ chợt lạc bầy bay đến bên tôi, đôi cánh mỏng bé xinh nâng chiếc mình đỏ thắm, chao nhẹ trong không khí ngân vang lời vi vu êm tai.

Sóng vỗ về bờ đá, tiếng chim hót trên nhánh sung, tiếng lao xao cành lá . . . Khúc nhạc chiều êm ả đó đưa tôi về tìm lại thời ấu thơ. Tuổi bé dại của tôi đã hòa lẫn trong không gian nầy, đối với tôi, từng ngọn cỏ , từng nụ hoa , trên những cánh bèo trôi dạt, những ngọn sóng lăn tăn . . . hình như có linh hồn , có một trái tim đập cùng nhịp với tôi . . . và nhiều khi , tôi còn cảm thấy chung quanh chập chờn những đôi mắt đầy ưu ái nhìn tôi như thầm hỏi : "Cô bé Ti lớn đến thế nầy rồi sao ?".

Một ngọn lá vàng khô rơi lên tóc tôi, chiều xuống lạnh, tôi ngồi thẳng người dậy, tay bám lấy sợi rễ phụ cứng nhắc , lần bước lên vệ cỏ tìm đôi dép . Chiếc rổ nylon màu xanh lăn lóc cạnh đấy làm tôi chợt nhớ ra, hú hồn, mẹ dặn chiều nay hái ít rau mưng về ăn với ruốc, suýt quên, hèn chi chị Quí hay la tôi : "Con gái chi mà hay quên trước quên sau như đồ ăn cháo lú" . Tôi cầm chiếc rổ đi về phía cuối vườn, bụi rau mưng bên hàng rào xanh tươi lạ , những đọt non mượt mà búp lá nhung tơ lung linh trong nắng nhạt. Bất giác tôi nhìn lên cao, lơ lửng từng đám bông gòn trôi nổi lang thang, mây ơi mây đi về đâu ?

Tôi vào nhà, chị Quí đang ngồi bên máy may , nhìn lên :

- Mi đi mô về rứa , khi hồi có thằng Hưng tới hỏi.

- Em ở ngoài bến hái rau, răng chị không kêu em ?

- Ai biết, tau tưởng mi đi chơi.

Có tiếng Cu Nô reo vui ngoài cổng :

- A mệ lên, mệ lên.

Bà ngoại bước vào nhà, hai tay xách hai giỏ nặng , tôi và chị Quí chạy lại đỡ lấy . Chị Quí kêu lên :

- Mệ già rồi mà na nặng làm chi không biết.

Bà ngoại cười, chiếc miệng móm chỉ còn vài cái răng :

- Ai nói mệ già ? Mệ già mà đi Nam đi Bắc đi mô cũng tới à ?

Tôi kéo chiếc ghế xích đu :

- Mệ nằm nghỉ một chút cho khỏe.

Bà ngoại khoát tay, đôi mắt hiền từ :

- Dẹp đi , chật nhà , mệ không nằm mô.

Cu Nô đến bên hai chiếc giỏ, tay sờ vào lớp lá bọc ngoài :

- Mệ ơi , có chi trong ni mệ , mở ra coi nghe.

Chị Quí cốc vào đầu nó :

- Mi chỉ được cái tài ăn là giỏi.

Bà ngoại ngồi xuống đi văng, lấy chiếc khăn ướt trong giỏ ra lau mặt :

- Trái cây với nếp đầu mùa , con Ti sắp một ít trái lên bàn thờ , còn nếp mai nấu xôi cúng rằm.

Me đi bán đã về, thấy bà ngoại, me kêu :

- Mạ !

Rồi me quay sang chúng tôi :

- Răng không ai pha nước cho mệ uống hết hè.

Bà ngoại đỡ lời :

- Mạ mới lên tới thôi. Nước non chi, mạ uống ngoài bến xe rồi.

Me lại nói :

- Cu Nô đi mua cho mệ tô phở.

Bà ngoại lắc đầu :

- Chạng vạng rồi mà phở phúng chi , để bụng ăn cơm.

Chị Quí đến bên bà ngoại :

- Mệ ra sau rửa ráy cho mát rồi con dọn cơm.

- Ba bây mô rồi ?

- Ba con đi Đà Nẵng, chắc mốt mới về.

Me đỡ bà ngoại ngồi vào bàn ăn, cu Nô gắp một miếng mực xào bỏ vào chén mệ, mệ cười hiền lành :

- Cứng lắm , mệ ăn không được mô , chan canh cho mệ thôi.

Me bảo tôi :

- Ti đem cơm lên cho ông nội đi con .

Chương 2

Sáng nay giờ toán, tôi đi học trễ , không dám vô lớp, cứ đứng thập thò bên ngưỡng cửa , len lén nhìn vào. Bàn thầy giáo để trống, trên bảng đen chưa có một chữ , chắc là thầy mới vào và đang đứng ở cuối lớp như thói quen mỗi lần bắt đầu một chương học mới . Chợt thấy Hưng, trưởng lớp, tay cầm tờ giấy bước lên bảng, tay kia cầm viên phấn, tôi tiến đến gần chút nữa. Nhỏ Xuân ngồi ở đầu bàn đã nhìn thấy tôi, nó ra dấu cho Hưng, anh chạy ra :

- Kìa Quỳnh Hương , vào lớp đi.

Tôi rùn vai :

- Sợ thầy la.

- Không có thầy mô, thầy bận, Hưng quản lý lớp, Hương vô đi, răng đi trễ rứa ?

- Xe hư bất tử, trật sên hoài.

Tôi ngồi vào chỗ, chưa kịp thở , nhỏ Xuân đã quay xuống :

- Lấy giấy ra làm bài kiểm tra tề.

- Kiểm tra chi ?

Tiếng bút viết soàn soạt trên giấy. Tôi nhìn lên bảng, Hưng đang chép một đề toán hình học : "Trong một hình nón mà đường cao h làm với đường sinh một góc 60 độ, người ta dựng…" Chết chưa, phần nầy giáo khoa tôi không hiểu rõ lắm, hôm học nhóm tôi lại nghỉ. Hơn một giờ trôi qua, thần kinh căng thẳng, tôi chỉ làm được có mỗi câu hỏi đầu tiên. Bài toán quá khó, chắc gì ai làm được hoàn toàn, tôi tự an ủi mình khi nhìn chung quanh phần đông các bạn đều . . . đang cắn bút (tội nghiệp những cây bút nhỏ xinh xinh).

Minh Ngọc ngồi cạnh kéo tay tôi :

- Hương , ngó Hưng tề.

Tôi cũng quay ra sau cùng nó, Minh Ngọc thì thầm :

- Đó, anh chàng đang làm bài thao thao bất tuyệt.

- Kệ người ta, con ni vô duyên.

Ngọc lại giật áo tôi :

- Mi kêu Hưng chuyền bài cho tụi mình đi.

- Mi giỏi thì kêu đi, tau không kêu, dị lắm.

Nói vậy cho Minh Ngọc đừng ồn ào nữa chứ tôi biết tính Hưng, anh sẵn sàng giảng bài cả chục lần để chúng tôi hiểu , chứ không đời nào chấp nhận cho chúng tôi học vẹt và chép lại bài của người khác như cái máy, nhất là đối với tôi , vì tôi là bạn gái thân nhất của Hưng và ngược lại, Hưng cũng thế .

Hưng lớn hơn tôi một tuổi , vì gia đình anh có đi kinh tế mới nên anh bị trễ học một năm. Nghe Hưng kể, ba anh là Đại Uý chế độ cũ, sau giải phóng phải đi học tập cải tạo, mẹ anh muốn cho ba anh chóng về nên đăng ký gia đình đi kinh tế mới. Sau cực quá chịu không nổi, mẹ anh đem gia đình trở về Huế và sống trong sự bảo bọc của hai bên nội ngoại. Bây giờ thì ba Hưng đã về, làm việc cho một xí nghiệp gỗ , mẹ Hưng cũng được đi dạy trở lại, cuộc sống gia đình anh đã ổn định từ mấy năm nay . Hưng và tôi thân nhau từ năm lớp chín đến bây giờ đã hơn ba năm. Lúc nào cũng vậy, chúng tôi luôn luôn cùng một nhóm học tổ và Hưng là ngưi thường xuyên hướng dẫn chúng tôi các môn Toán, Lý , Hóa và Văn nữa . Hưng đúng là một học sinh giỏi toàn diện nhưng không vì thế mà anh tự cao. Trái lại, tình hòa nhã và chân thành luôn giúp Hưng chiếm được lòng tin cậy quí mến của các thầy cô cũng như hầu hết bạn bè trong lớp. Nhiều lúc, tôi cảm thấy hãnh diện "lây" với Hưng.

. . .Chuông reo báo giờ chơi , bài tôi chỉ viết có hơn trang giấy , Thanh Xuân quay xuống :

- Làm bài được không Hương ? Toán khó vô hậu, tau để giấy trắng , thôi đừng thèm nộp nữa.

Hưng đi về phía bàn thầy :

- Các bạn nộp bài đi.

Cả lớp nhao nhao :

- Thôi Hưng ơi, đừng nộp bài nữa, tụi nầy không muốn ăn trứng vịt mô.

Hưng cầm cây thước đập nhẹ trên bàn giữ trật tự, anh từ tốn nói :

- Các bạn cứ yên tâm đi , thầy cho chúng ta làm bài là để đừng làm ồn các lớp bên cạnh thôi , chắc kỳ nầy thầy không lấy điểm mô.

- Thiệt không đó, thiệt không đó ?

Hưng cười, đôi mắt sáng trưng :

- Các bạn cứ nộp bài đi , nếu có nhiều trứng vịt quá tôi sẽ xin thầy cho kiểm tra lại , đừng lo.

Những tờ giấy trắng bay tới tấp đến tay Hưng, cả bọn ùa nhau ra sân chơi.

Khuôn viên trường chan hòa ánh nắng. Chúng tôi ba đứa nắm tay nhau đi thơ thẩn dưới hàng phượng vĩ, những cánh lá xanh nhỏ li ti rơi nhẹ đậu lên tóc lên vai.

- Mau ghê hí, mới đó mà đã hết hè.

- Sắp thi học kỳ một rồi, thi xong là nghỉ tết đó , vui ghê.

Minh Ngọc kéo tay Thanh Xuân nói nhỏ :

- Ủa, răng mặt con Quỳnh Hương rầu đời rứa ?

Rồi chúng nhìn tôi :

- Răng mi buồn rứa Hương ?

- Khi hồi tau làm bài không được chi hết.

- Tau cũng thua chi mi.

- Thôi đừng lo nữa, kỳ nầy thầy không lấy điểm mô.

- Ai nói với mi ?

- Thì cứ hy vọng rứa, thời buổi ni người ta sống bằng hy vọng mà . Mi không thấy à, toàn quốc thiên hạ thi nhau phát hành vé số, ngày mô cũng xổ, ngày mô cũng có người nhảy nhót sung sướng và cũng có người nhảy xuống sông mát mẻ.

- Thôi tụi mình xuống căn tin ăn chè đi.

Chuông đã điểm giờ vào học, học sinh chuẩn bị xếp hàng. Đầu năm học nầy, chúng tôi được làm quen với chiếc áo dài trắng truyền thống, không biết nên nói "được" hay là "bị" vì sự thay đổi nầy là cả một vấn đề. Đối với các bạn gia đình khá giả thì không nói làm gì, nhưng trong lớp tôi, phần lớn là con nhà lao động , sắm được một cái áo sơ mi trắng đi học đã khó khăn , huống hồ phải may cho con gái mình cả bộ quần áo dài mà chỉ riêng tiền công may cũng đã hơn tiền một cái áo sơ mi. Gia đình tôi cũng không thoát khỏi cảnh đó, nghĩ mà thương khi nghe mẹ nói với ba : "May mà chỉ có mỗi con Ti đi học, nếu có con Quí nữa thì không biết tính sao!"

Tôi dẫn xe ra cổng trường, Hưng đạp xe theo :

- Xe Hương hư chi rứa ? Đưa Hưng coi cho.

Chúng tôi đi đến bóng râm ven đường, Hưng dựng xe mình vào gốc cây , rồi giữ lấy xe tôi , xem xét :

- Sên xe của Hương giãn rồi , Hương lấy xe Hưng về trước đi , để Hưng đi mượn đồ siết lại cho Hương.

Tôi bối rối :

- Hưng cứ sửa dùm , Hương chờ được mà.

Hưng nhìn ra phía đường nắng chói chang :

- Trưa rồi, Hương về nghỉ cho khỏe , lấy xe Hưng về đi mà.

Tôi đến bên chiếc xe đạp của Hưng, rồi dừng lại :

- Nhưng... xe Hưng cao quá , Hương không đi được.

Đến lượt Hưng lúng túng :

- Chết, làm răng chừ, cũng không có kìm để hạ yên xuống cho Hương.

Minh Ngọc đạp xe ngang qua :

- Ủa , xe mi hư hả Hương ? Lên tau chở về.

Hưng mừng rỡ :

- Đúng đó, Hương về với Ngọc đi , để xe Hưng sửa chiều Hưng đem qua cho.

Buổi trưa oi nồng. Tôi đang chập chờn trong giấc ngủ thì nghe tiếng bà ngoại :

- Cậu hỏi ai ?

- Thưa mệ, có Quỳnh Hương ở nhà không ?

- Quỳnh Hương mô ? Chắc cậu đi lộn nhà rồi đó.

Có tiếng chị Quí cười lớn :

- Thiệt là mệ già lẩm cẩm, Quỳnh Hương là con Ti đó , mệ không nhớ à ?

Bà ngoại chạm tự ái, bà làm bộ giận dỗi đi vào nhà trong , miệng lẩm bẩm :

- Ti thì kêu là Ti cho rồi , bày đặt Quỳnh Hương Quỳnh Húng.

Tôi ngồi dậy, vòng ra phía sau nhà rửa mặt , chị Quí gọi :

- Hương ơi , có Hưng tới nì.

Hưng ngồi ở bàn chờ tôi :

- Hưng đem xe qua cho Hương.

- Cám ơn Hưng nghe, để Hương đi chặt dừa.

Chưa kịp quay lại thì chị Quí đã đem ra hai ly nước dừa trong vắt :

- Thôi khỏi, chị đã có sẵn đây, uống đi Hưng, dừa vườn nhà đó , ngọt lắm.

- Dạ cám ơn chị. Năm ni chị có thi lại không chị Quí ?

Chị Quí đến bên bàn máy may, xếp lại mấy tấm vải :

- Nửa muốn thi nửa muốn không, chán lắm . Bây giờ chị may hàng gia công, được đồng nào hay đồng đó, qua Tết rồi tính sau.

Tôi và Hưng ngồi nhâm nhi ly nước, trời mát dần. Hưng hỏi :

- Hồi sáng Hương làm bài có được không ?

Tôi nhìn Hưng lắc đầu :

- Tuần trước học nhóm, Hương đau , Hương nghỉ.

Hưng rút trong túi ra quyển sách hình học :

- Để Hưng giảng lại cho Hương phần giáo khoa nghe, xui ghê , chiều hôm qua Hưng đến thì không gặp Hương.

Bà ngoại đem vào một rổ cá tươi, khoe với tôi :

- Cá cửa Thuận lên tươi xanh.

- Để con hái cà chua nấu canh nghe mệ.

- Ừ phải đó.

Tôi rủ Hưng :

- Mình ra bến chơi đi.

Hai đứa len lỏi trong khoảnh đất nhỏ trồng cà chua, những thân cây xanh vươn lên mạnh mẽ trĩu nặng những quả cà đỏ thắm tròn trĩnh như hòn bi ve ôm ấp bao kỷ niệm giữa tôi và Hưng. Chỗ đất nầy trước kia trồng hoa nhưng trời nắng quá, hoa không nở nổi , ba bèn nhổ hết cây định trồng mướp nhưng rồi lu bu công chuyện quá , ba không có thời giờ làm giàn nên khu đất bị bỏ hoang một thời gian . Hè vừa rồi, Hưng mua được mấy cuốn sách về nông nghiệp, anh chàng tập tành trồng trọt nhưng nhà anh lại không có đất , biết được "nỗi lòng" của Hưng , tôi xin ba miếng đất ấy và ngỏ ý cùng Hưng thực hiện các lý thuyết trong sách, Hưng mừng quá và giờ đây , trước mắt là "công trình vĩ đại" của hai đứa tôi.

Hưng vừa ngắt trái vừa nói :

- Cà to ghê Hương hí.

- Thôi, đừng có mèo khen mèo dài đuôi.

Hưng cừơi không nói. Tôi hái cà đầy một rổ :

- Úi cha, cà sai trái quá Hưng ơi.

- Thôi, thấy rồi.

- Thấy chi.

- Thấy đuôi mèo dài.

Cả hai đứa cùng cười. Tôi nói :

- Thôi đủ rồi, mình ra bến bắt chuồn chuồn chơi.

- Hương tưởng Hương mới mười tuổi chắc ?

Nói vậy rồi Hưng cũng đi với tôi, anh bắt được hai con chuồn chuồn ớt, tôi khen :

- Hưng thiện xạ ghê , Hương bắt trật hoài.

Hưng nắm cánh hai con vật nhỏ bé đưa lên cao :

- Hồi nhỏ Hưng nghe phỉnh, cho chuồn chuồn ớt cắn vào rốn là biết bơi ngay , tức cười ghê, rứa mà cũng tin.

Hưng đưa hai con chuồn chuồn cho tôi :

- Cho Hương phóng sanh nì.

Tôi cầm lấy tung lên cao, đôi cánh mỏng xinh chao đảo rồi lượn lờ giữa bầu trời xanh , tôi lại thả hồn theo những làn mây trắng chơi vơi.

Chương 3

Ông nội đau, hai ngày nay chỉ ăn cháo. Buổi trưa đi học về, tôi bưng ly sữa lên phòng ông . Ông nằm yên trên giường, mắt nhắm nghiền, nặng nề trong cơn ngủ mệt. Tôi để ly sữa lên án thư, kéo ghế ngồi cạnh giường ông. Chiếc giường làm bằng gỗ cẩm sơn son nầy nghe ba nói đã có từ thế kỷ trước, tôi nhìn lên đỉnh màn, chiếc rèm bằng sa tanh vàng có những tua gấm đỏ lóng lánh kim tuyến và những mảnh kính nhỏ bằng đồng xu lung linh phản chiếu ánh sáng mặt trời . Ông nội thường khoe với tôi đây là quà của vua ban, trước kia còn có chiếc mùng bằng lụa ngà nữa, lâu ngày đã rách , mẹ năn nỉ lắm ông nội mới cho thay bằng mùng tuyn , nhưng đòi cho được màu ngà ông mới chịu . Ông nội là người hoàng tộc, về vai vế nghe nói ông ngang hàng với vua Thành Thái lận , nhưng vì là con dòng thứ nên ông có tiếng mà chẳng có miếng . Ông lớn lên trong một căn nhà nhỏ sau phủ Ngự Viên, nơi những ông hoàng bà chúa ở , nhưng ai cũng nghèo xác nghèo xơ . Ông được ăn học đàng hoàng và có một thời ra làm quan. Đến năm 1945, ông về vườn , mọi việc trong nhà một mình bà nội quán xuyến . Bà nội cũng là con gia đình danh gia vọng tộc có thế lực ở Huế, ngôi nhà chúng tôi đang ở là của hồi môn của bà nội ngày bà xuất giá . Đó là một căn nhà lầu khá lớn, xây theo kiểu Pháp , nằm bên bờ sông Hương thơ mộng , phía trước rải sỏi trắng , trồng hai hàng huệ tím , đằng sau là một khu vườn nhỏ trước làm sân chơi nhưng sau ông nội đã phát quang trồng hoa . Đến đời tôi thì ngôi nhà xuống cấp rất nhiều, hàng rào bằng đá trắng xung quanh đã sụp đổ và được thay thế bằng hàng rào chè tàu.

Sau nhà, phía bờ sông chỉ còn lại cây sung cổ thụ nhoài ra mặt nước là nơi tôi thích nhất. Bà nội chỉ sinh có một mình ba, ba ra trường làm việc, lập gia đình được vài năm thì bà mất , khi đó mới có chị Quí và tôi , cu Nô chưa ra đời . Tôi chưa thấy mặt bà nội nhưng nghe me nói bà rất đẹp và tài hoa, cho nên lúc nào tôi cũng có cảm giác sung sướng khi những người bà con bên nội khen tôi giống hệt bà ngày xưa . Chị Quí thì giống me, me là con nhà bình dân, dịu dàng và đảm đang, ông bà ngoại làm ruộng ở Truồi, me lên Huế học thì gặp ba .

Tuy làm ruộng nhưng ông bà ngoại cũng có một vườn cây ăn trái khá lớn và thỉnh thoảng chúng tôi kéo nhau về đó chơi vui lắm. Hiện tại, chúng tôi có ba chị em, chị Quí vừa thi rớt đại học , tôi học lớp 12 trường Trưng Vương và cu Nô mới vào lớp chín . Ba là công nhân viên nhà nước, lương không đủ ăn sáng, bao nhiêu việc chi tiêu trong gia đình một tay me lo hết . Me có một sạp hàng bán đồ khô ở chợ Đông Ba, tiền lời kiếm cũng vừa đủ ăn . Tuy cuộc sống không được thong thả lắm, nhưng trong gia đình , mọi người thương yêu và hy sinh cho nhau nên chúng tôi không mong muốn gì hơn.

Ông nội đã mở mắt nhìn tôi :

- Ti đó à con ?

- Dạ, con đem sữa lên cho ông nội , ông nội bớt mệt chưa ?

Ông nội chống tay ngồi dậy, tôi xích lại :

- Để con đỡ ông.

- Ông khỏe rồi, ông dậy một mình được mà.

Tôi đưa ly sữa cho ông :

- Ông nội có ăn thêm bánh mì không ? Để con đi mua.

- Thôi khỏi.

Ông chỉ lên cuốn lịch treo gần án thư :

- Coi dùm ông hôm nay ngày mấy rồi, ngày âm lịch đó nghe.

Tôi đứng lên :

- Thưa ông, đã rằm tháng mười rồi.

Ông nội bấm đốt ngón tay :

- Còn ba ngày nữa là kỵ bà nội rồi, mau quá, rứa mà đã gần mười lăm năm rồi.

Ông lại nhìn tôi đăm đăm :

- Con giống hệt bà nội hồi trẻ, Ti à, nhất là đôi mắt, đen thẳm như bóng đêm . Con Quí Hương không sao bì với con được, nó không giống một chút gì bên nội cả.

Ông nội uống xong ly sữa, bảo tôi :

- Ông lành rồi , chiều nay nấu cơm nhão cho ông ăn nghe.

- Dạ, bữa ni có cá bống kho khô , ăn hiền lắm.

- Tốt.

Tôi đi ra, khép cửa lại , ông nội vẫn ngồi yên lặng nhìn lên đỉnh màn , những tua gấm đỏ bay bay.

Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày thi học kỳ một, tôi vùi đầu trong sách vở . Đầu óc rối tung như mớ bòng bong, nào Toán , nào Lý , nào Văn . . . Tất cả đều như mới tinh chưa hề biết tới , học trước quên sau , học sau quên trước , làm sao bây giờ . Chiều nay tôi đang ôm quyển vở ngồi trên chạc cây sung ngoài bên thì Hưng đến. Thấy tôi, Hưng lắc đầu :

- Trời ơi , vừa học vừa làm thơ như rứa thì làm răng mà thuộc được.

Tôi chạy lên bờ :

- Nguy to rồi Hưng ơi , đầu óc Hương tối thui.

Hưng hoảng theo :

- Chết, làm răng đây , mấy bài tập Hưng đưa Hương làm xong chưa ?

Tôi làm mặt giận :

- Hưng chẳng thèm qua bày, làm răng Hương giải được.

- Thì bây giờ Hưng qua đây nì, thôi vô nhà làm bài đàng hoàng đi.

Tôi giải xong hai bài toán thì mồ hôi toát ra như tắm, đầu óc nhức buốt , mắt mờ đi.

Hưng nói nhỏ bên tai tôi :

- Hương mệt lắm rồi, thôi nghỉ đi.

- Còn nhiều quá, Hương lo . ..

- Hương đừng lo, Hưng đã thanh toán xong bài vở của mình rồi , từ đây cho đến ngày thi , Hưng sẽ đến bên Hương.

Chợt Hưng nắm lấy tay tôi, tôi giật mình rụt tay lại. Hưng như bừng khỏi cơn mơ:

- Chết, xin lỗi Hương.

Tôi đứng dậy xếp sách vở, nói lảng :

- Hưng cũng mệt rồi , mình ra sông chơi đi.

- Thôi Hương vào nghỉ, trời đã chiều rồi.

Chị Quí bưng lại hai chén chè bông cau :

- Chè chị mới nấu, ăn đi rồi tiếp tục dùi mài kinh sử.

Chị Quí kéo ghế ngồi bên cạnh Hưng :

- Chị biết Hưng học rất giỏi nhưng vào đại học là cả một vấn đề đó.

Tôi nghiêng nghiêng mái tóc :

- Năm nay người ta hết xét lý lịch rồi chị ơi , vào đại học không cần là đoàn viên nữa.

Chị Quí xí một tiếng thật lớn, chị đứng dậy, đến bên cửa sổ vén tấm màn lên :

- Không phải tau tự phụ , những năm vừa rồi có ai đạt điểm toán tối đa như tau không, vậy mà vẫn rớt cái đụi.

Hưng nói :

- Năm nay chị thi lại thử xem.

- Thôi, chị đã mệt mỏi lắm rồi.

Tôi nhìn chị Quí, ánh mặt trời buổi chiều soi bóng chị chênh chếch bên tấm rèm hoa. Tóc chị dài óng mượt buông xõa ngang vai ôm lấy khuôn mặt tròn trĩnh đang cúi xuống nhìn đăm đăm vào những nét hoa văn trên nền nhà, đôi mi chị cong như hai cánh bướm, chiếc mũi thẳng , miệng hơi rộng nhưng mọng hồng , nếu chị cười có hai đồng tiền nở hoa trên má chị , rất nhiều người nhận xét : "Con Quí Hương không đẹp bằng con Quỳnh Hương nhưng có duyên hơn".

Chị Quí học giỏi , suốt mười hai năm học chị đều dẫn đầu lớp , bao nhiêu lần chị đoạt giải văn và toán trong toàn tỉnh vậy mà đùng một cái , chị thi rớt đại học . Ai cũng bảo là vì lý lịch, nhưng chị không tin , ba là công nhân viên , mẹ tiểu thương , không dính dáng gì đến ngụy quân ngụy quyền cả . Có người nói hai là tại mẹ có hai người em ruột vượt biên, chị lại càng phản đối tợn , chị nói hai cậu đó vượt biên cũng chả liên can gì đến chị , bằng chứng là họ có gởi về đồng xu cắc bạc nào để nuôi gia đình chị đâu . Nhưng nói gì thì nói, sự thật chị vẫn không bước chân vào đại học , và bây giờ thì ngày ngày lãnh hàng may gia công phụ giúp vào kinh tế gia đình.

Tôi tiễn Hưng ra cửa, dù trời sắp tối, tôi vẫn một mình trở lại bên sông. Gió thổi mạnh, lác đác vài hạt mưa , bầu trời chùng thấp , tôi không tìm thấy những cụm mây nhỏ lang thang của tôi nữa.

Học kỳ I trôi qua đầy phấn khởi. Nhờ Hưng giảng, tôi đã hiểu cặn kẽ những bài toán hắc búa , nhờ Hưng nhẫn nại dò bài, tôi đã thuộc vanh vách các định lý gay go, các bài Sinh, bài Địa đầy khúc mắc , chi tiết . . và tôi đã làm bài gần như hoàn hảo khiến cho hai con bạn thân của tôi là Minh Ngọc và Thanh Xuân phải phục lăn.

Sáng nay lớp tôi có hiện tượng lạ, cô Liên chủ nhiệm bị bệnh, giờ sinh của cô được một giáo sư mới toanh thay thế, khi cô bước vào lớp , màu áo vàng của cô sáng rực cả phòng. Hồng Châu nói sau lưng tôi :

- Cô Khánh Chi mới ra trường đó.

Tiếng Hoàng Văn :

- Bạn của anh Thanh tau.

- Đía, anh mi mà có cô bạn đẹp như tiên nga rứa.

Cô đã ngồi vào bàn, gõ nhẹ chiếc thước trên tay :

- Cám em im lặng. Kể từ hôm nay, cô tạm thời làm chủ nhiệm lớp nầy cho đến khi cô Liên xuất viện đi dạy trở lại.

Cả lớp nhao nhao. Hưng đứng lên :

- Thưa cô, cô Liên của chúng em đau chi mà phải vào nhà thương , cô biết không ạ ?

- Nghe nói cô phải mổ ruột thừa, không sao đâu , các em yên tâm.

Cô Chi mở xắc lấy ra một xấp bài. Cả lớp lại xôn xao :

- A, bài thi , bài thi.

Cô lại gõ thước trên bàn :

- Bài thi cô Liên đã chấm xong và nhờ cô trả cho các em.

Không khí chợt yên lặng như có ai lượm hết mọi ồn ào vứt ra ngoài cửa sổ, chỉ còn nghe tiếng những tờ giấy thi chạm vào nhau soàn soạt.

- Huyền Công Tằng Tôn Nữ Quỳnh Hương.

Tôi giật mình ngơ ngác. Cô lập lại, Minh Ngọc nhắc :

- Đứng lên đi.

Cô nhìn tôi bằng ánh mắt hiền từ đầy khích lệ :

- Khá lắm, Quỳnh Hương , chỉ mình em đạt điểm mười môn sinh kỳ nầy.

Một vài tiếng vỗ tay lác đác, rồi cả lớp vang dội tiếng la hét :

- Cô đọc điểm đi cô , đọc điểm đi cô.

Hưng nói lớn :

- Các bạn yên lặng mới nghe được chứ.

Cô Chi đứng dậy, cầm xấp bài đi về phía cuối lớp :

- Nói chung thì các em làm bài rất khá , chỉ có một vài em dưới trung bình nhưng cô Liên đã nâng lên điểm năm.

Cô nhìn quanh :

- Ai là lớp trưởng ?

Hưng đứng lên :

- Thưa cô, em.

Cô đưa xấp bài cho Hưng :

- Em vào sổ điểm dùm cô. Chốc nữa đến giờ chơi em ở lại làm việc với cô một lát nghe.

Tôi nhìn về phía Hưng định hỏi điểm anh nhưng xa quá, lúc nầy Hưng cũng đang nhìn tôi. Hiểu được ánh mắt tôi, Hưng làm dấu bàn tay xòe năm ngón và tay kia bốn ngón , vậy là lần đầu tiên Hưng thua tôi một điểm , chắc là điểm hình vẽ vì Hưng vẽ không đẹp bằng tôi.

Tôi ngồi trên bờ, nhìn bóng chiều lan nhẹ trên dòng sông dịu mát. Nước trong lạ thường, thấy rõ những viên sỏi trắng ngần dưới lòng sông cát trắng phau phau, những con ốc bò chầm chậm bên chùm rong màu nâu nhạt, những trái sung chín rụng từ mấy ngày qua vỡ nát thâm đen.

Sao bỗng yêu lạ lùng cái không gian yên tĩnh nầy, bờ lau xanh với muôn chùm hoa trắng phất phơ, như kêu gọ , như nhắc tôi nhớ lại thời thơ ấu xa xưa , từng chiều ra bến đuổi bướm hái hoa , bẻ cọng râm bụp làm gương đeo mắt, nhặt lá bàng làm những đôi dép mang vào chân mới đi vài bước đã rách tan hoang . Một đám lục bình trôi ngang, màu hoa tím ngọt ngào, tôi bước xuống nước cảm giác mát lạnh ôm ấp đôi bàn chân , tôi lội nhanh ra định hái nhưng không kịp , nước chảy mạnh quá, thoáng chốc cánh bèo đã xa tít mù . Tôi trở lên bờ, ngồi xuống vệ cỏ, lơ đãng nhìn sang bên kia sông . Thôn Vỹ Dạ chan hoà ánh nắng, ruộng bắp vườn cau ngời xanh dưới khung trời ngọc thạch. Ô những đám mây sáng chói vẫn ngàn đời theo gió bay về cuối chân trời xa, cho tôi gửi hồn lên đó , mây ơi có chắp cánh được cho tôi không ?

Có tiếng thở nhẹ sau lưng, tôi quay lại :

- Hưng.

- Hương đang làm thơ hả ?

Tôi thoáng mắc cỡ :

- Thơ chi mô, có thơ con cóc thôi.

Hưng nhìn xung quanh :

- Chiều chiều ra đây chơi thật thú vị, mát ơi là mát, chẳng bù ở nhà Hưng, khi mô cũng như cái lò bánh mì.

Tôi đứng dậy theo Hưng.

- Chiều nay Hương có rảnh không ?

- Có chuyện chi rứa Hưng ?

- À, thi xong rồi Hưng muốn mời Hương đi chơi lang thang cho tâm trí thư giãn một chút , cả tháng ni căng thẳng thần kinh quá.

- Để Hương vô xin phép đã.

Hai đứa đạp xe dọc đường Trần Hưng Đạo, phố phường tung bay muôn ngàn sắc áo. Hưng rủ :

- Tụi mình vô hiệu sách xem đi.

- Thôi, Hương sợ mất xe lắm.

- Không sao, khóa chung xe với Hưng nì.

Hai đứa đi dọc theo kệ dài đầy sác . Sách xuất bản khá nhiều nhưng giá mắc quá, tôi chỉ vào một quyển truyện dịch nói với cô bán hàng :

- Chị cho em coi quyển đó.

Hưng đến bên tôi :

- Sách của tác giả nào ?

- Của Hadley Chase, Hương thích đọc tác giả nầy nhất , câu chuyện diễn biến hấp dẫn như xinê.

- Hưng thích đọc Agatha Christie hơn , bí mật cho đến trang cuối.

- Với bà ta thì Hương chỉ mê "Vụ án đảo đen" và "Tận cùng là cái chết", còn những truyện khác đọc mệt óc lắm.

- Hương xem "Kết tội lúc không giờ" chưa, để Hưng cho Hương mượn nghe , hay lắm.

Tôi mân mê quyển sách trong tay, bìa in đẹp, giấy trắng tốt , chữ rõ nét, nhưng khi lật phía sau tôi giật mình khi thấy giá 40.800 đồng . Tôi trả lại cuốn sách, cô bán hàng nhìn tôi , mặt nặng như chì.

Chiều xuống mát rượi , tôi và Hưng gửi xe rồi thả bộ theo bến Phu Văn Lâu, hoa nở muôn màu trên những vồng đất nâu tươi.

- Hương mỏi chân rồi.

Hưng kéo chiếc ghế mây của một quán nhỏ gần đó :

- Mình ngồi đây uống chút gì đi.

Tôi tựa người vào thành ghế, nhìn về phía cầu Tràng Tiền, những vòm sáng bạc của mấy nhịp cầu nhạt nhòa bóng hoàng hôn. Hưng chỉ ra xa :

- Những đám mây của Hương kìa !

Tôi ngạc nhiên :

- Răng Hưng biết ?

Đôi mắt Hưng chợt đam mê kỳ lạ :

- Hương có cho phép Hưng được lang thang cùng Hương trên những đám mây kia không ?

Tim tôi đập mạnh, gương mặt Hưng đang rất gần bên tôi , hơi thở anh phả nhẹ mơn man trên làn tóc tôi buông lơi , ánh mắt anh ấm nồng tha thiết . Tôi hoảng sợ, không dám nhìn Hưng , tôi đứng dậy :

- Thôi tối rồi , mình về đi.

Chia tay Hưng vội vàng, tôi nói dối là tối nay có việc bận và đạp xe thật nhanh.

Tôi về đến nhà thấy mọi người quây quần nơi phòng sau sửa soạn làm mứt tết. Trên bàn la liệt, nào dao lớn dao nhỏ , mấy bó gừng tươi và đẹp nhất là một rổ đầy trái tắc tròn trĩnh xanh tươi còn nguyên cuống lá . Me nhắc tôi :

- Còn cơm để trong cụi, vô ăn đi rồi ra giúp me một tay.

Cô Nghĩa hàng xóm cũng đã sang, cô đang chọn mấy lưỡi dao lam để gọt tắc , tôi cười với cô .

- Hay quá, có cô qua làm dùm thì mứt khéo phải biết.

Cô cười sung sướng :

- Ti chỉ nói nịnh thôi, cô mà khéo chi. À, tết ni Ti được mấy tuổi rồi hè ?

- Dạ mười chín tuổi ta rồi đó.

- Mau ghê hí, mới ngày xưa mới đẻ Ti , cô cứ sang xin bồng hoài , hồi đó Ti dễ thương như một con búp bê.

Rồi cô nói với me :

- Chị nhớ không chị Thành, năm đó em cũng bằng tuổi con Ti chừ.

Me cười thân mật :

- Rứa mà chừ chưa lo chuyện chồng con cho rồi, kén quá mà.

Cô Nghĩa cúi đầu cười buồn :

- Em xấu xí như ri ai mà ưa.

Tội nghiệp cô, nghe me kể cách đây hơn mười năm , người chồng chưa cưới của cô hy sinh ở biên giới , từ đó tới nay cô khép chặt cửa lòng , không yêu một ai nữa cả . Cô Nghĩa là người láng giềng tốt nhất của chúng tôi.

Chương 4

Buổi sinh hoạt lớp đầu năm thật vui. Cô Khánh Chi kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện về khoa học đầy lý thú và để đáp lại nhiệt tình của cô, một số bạn trong lớp đã tặng cô những bài thơ , bài hát và những câu chuyện tiếu lâm dí dỏm cười đến chảy cả nước mắt ra - Thời gian qua mau , cô đưa tay nhìn đồng hồ :

- Còn hai mươi phút nữa , các em im lặng để cô bàn chuyện nầy . Năm nay là năm học cuối, không biết sau kỳ thi hết cấp , chúng ta có còn gặp lại nhau hay không . Để có với nhau một kỷ niệm êm đẹp của tuổi học sin , cô đề nghị chúng ta nên tổ chức một buổi picnic ngoài trời trước khi lao vào bài vở học thi , các em nghĩ sao ?

Không ai bảo ai, cả lớp đồng thanh reo :

- Hoan hô cô, hoan hô cô.

- Cắm trại ở mô cô ?

- Lăng Tự Đức đi cô !

- Rừng Thiên An đi cô !

- Núi Ngự Bình đi cô !

Cô gõ cây thước trên bàn :

- Các em im lặng, chúng ta sẽ bàn địa điểm thích hợp . ..

Chuông reo đổi giờ, cô đứng lên :

- Ngày mai cô có hai tiết , cô sẽ dành nửa tiết cuối để bàn lại chuyện nầy.

Sau khi bàn lui bàn tới cãi vã om sòm, chúng tôi mới đồng ý đi cắm trại ở Lăng Tự Đức bằng xe đạp vào chủ nhật tới; con trai có nhiệm vụ mang lều trại và nồi niêu xoong chảo, còn con gái thì mang thức ăn theo nấu nướng tại chỗ, nghĩ đến ngày vui sắp tới, sao tôi thấy lòng nao nao kỳ lạ.

Chiều thứ bảy, tôi lục lọi khắp nhà và tìm được một cái túi thật lớn. Chị Quí la lên:

- Túi của tau đó.

- Cho em mượn ngày mai đi trại.

- Túi đựng đồ giao hàng, còn cả lô nơi tề.

- Chừ em đi giao hàng dùm chị nghe.

- Ừ.

Chị Quí mở tủ lấy một đống áo mới may xong, nhét chật cả túi xách, đưa cho tôi.

- Hàng ni giao cho bà Thái ở Đông Ba, mi biết nhà không ?

- Biết, gần nhà Không Tham chớ chi.

- Đúng rồi, nhớ bấm chuông chờ người ta dắt vào nghe, chó nhà bà đó dữ như quỉ.

Giao hàng xong còn sớm, tôi đạp xe vô cửa Đông Ba ghé nhà Thanh Xuân chơi . Không có nó ở nhà, tôi lại lang thang trên những con đường nhỏ bé xuyên qua những mảnh vườn râm mát, những nếp nhà cổ kính rêu phong .

Gió chiều mát mẻ tung bay mái tóc, làm tâm hồn tôi vô cùng sảng khoái, tôi hát nho nhỏ : "Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng . ." .

Ngang qua Đại Nội, một đám đông lỉnh kỉnh máy móc lấn chiếm ra lòng đường làm tôi phải đạp xe chậm lại và tò mò quan sát. Họ gồm khoảng hơn hai chục người vừa đàn ông vừa đàn bà, một số người ăn mặt theo kiểu vua quan thời xưa đang ngồi dưới bóng mấy cây sứ. A tôi biết rồi, đây là đoàn phim từ thành phố Hồ Chí Minh ra như báo Tuổi Trẻ hôm thứ năm đã loan tin. Hay quá, tôi rất thích nhìn con người thật của các diễn viên , ở đây xa xôi tôi chỉ có dịp nhìn thấy họ trên màn ảnh hoặc trên ti vi mà thôi , giờ đây, mơ ước của tôi đã được thực hịên . Tôi xuống xe dắt bộ đến gần đoàn người, tôi nhận ra ngay cô công chúa là diễn viên Bảo Châu và người đàn ông ngồi cạnh cô , mặc áo long bào là diễn viên Hoàng Thắng . Tôi đứng sững vậy không biết bao lâu thì một bàn tay mềm mại đặt lên vai tôi :

- Vào đây chơi đi cô bé.

Tôi giật mình. Trước mặt tôi là một người đàn bà khoảng ba mươi tuổi, tóc uốn cao, gương mặt tròn trĩnh hồng hào. Chị mặc một chiếc quần ca rô xanh và áo sơ mi vàng may thật rộng, chân mang đôi giầy trắng trông chị nhanh nhẹn như một huấn luyện viên thể thao. Tôi ngơ ngác :

- Ơ. .

Người đàn bà giữ lấy tay cầm xe, mắt nhìn tôi đăm đăm :

- Chị và đoàn làm phim từ thành phố ra.

Tôi cười, lúng túng :

- Em . . . em . . . đọc báo, có thấy.

Người đàn bà vẫn nhìn thẳng vào mặt tôi :

- Em có nụ cười rất đẹp, vào trong nầy chơi nghen.

Tôi sửa lại túi xách đặt trước giỏ xe :

- Thôi, cám ơn chị, sắp tối rồi , em phải về.

Người đàn bà nắm bàn tay tôi, thân mật :

- Chị là đạo diễn Thiên Hương - Chị nhìn vào bảng tên thêu trên góc áo trắng - Chị trùng tên với em rồi đó, em là gì Hương ? Quốc Hương hay Quí Hương ?

- Dạ ... em là Quỳnh Hương . Em . . . em về.

Chị Thiên Hương siết mạnh tay tôi :

- Tạm biệt Quỳnh Hương, hẹn gặp lại.

Chị Thiên Hương ra dấu cho đoàn người giãn ra để tôi đạp xe qua , một người đàn ông rất trẻ đứng bên lề đường nhìn tôi lặng lẽ , mái tóc bồng bềnh trong gió bay bay.

Trại của chúng tôi cắm ở khoảng đất gần nhà Thủy Tạ. Trong lúc các bạn trai lo căng dây dựng lều thì bọn con gái chúng tôi bày thức ăn ra sửa soạn nấu nướng . Trưởng nhóm hỏa đầu quân là Hoàng Vân, ba phụ tá cho nó là Cẩm Lai , Mẫu Đơn, và Lan Anh, may không có ba đứa chúng tôi. Hoàng Vân nhìn chúng tôi , đôi mắt liếc dài :

- Ba cô nương đừng tưởng là thoát nợ nghe , tau giao nhiệm vụ cho con Thanh Xuân đi xách nước , con Minh Ngọc vo gạo lặt rau còn con Quỳnh Hương thì đi kiếm củi.

Minh Ngọc phản đối :

- Còn mấy đứa khác thì sao ?

- Ai có phần nấy rồi, tụi bay khỏi lo.

Tôi cũng nói :

- Củi mỗi đứa đem vài cây rồi, còn kiếm chi.

- Tụi nó quên đầu quên đuôi hết , thiếu lung tung.

Các bạn trai đã căng xong hai lều vải, rủ nhau đem banh ra đá. Cô Khánh Chi cầm hai tấm bạt lớn đi đến gọi chúng tôi :

- Các em vào giúp cô trải cái ni nghe.

Cả ba đứa chui vào lều. Minh Ngọc lí lắc :

- Ở đây nệm cỏ êm quá cô ơi, khỏi trải bạt cũng được.

Cô la :

- Bậy nào, trải cho nó sạch sẽ.

Cô giở tấm bạt ra, màu xanh dương mới tinh, Thanh Xuân dằng lấy :

- Cô đưa em làm cho.

- Em và Hương ở đây nghe, để cô và Minh Ngọc sang trải lều bên kia.

Cô vừa đi khỏi, Thanh Xuân đã kéo tôi ngả ra tấm bạt rộng.

- Êm quá, nghỉ lưng cho khỏe cái đã , khi sáng dậy sớm mệt vô hậu.

Tôi đồng tình :

- Tau cũng rứa, mới bốn giờ bà Quí đã đánh thức.

- Ngủ một giấc đi.

- Tầm bậy, con Hoàng Vân nó tế chừ.

- Mặc kệ, nó không biết mô.

Có tiếng ồn ào phía ngoài, Minh Ngọc ló đầu ra gọi :

- Ra coi, ra coi , vui lắm.

Các bạn tôi đã kéo nhau ra nhà thủy tạ, gặp Hưng đi ngược chiều tôi hỏi :

- Chi ngoài đó rứa Hưng ?

- Đoàn quay phim.

Tôi thoáng nghe lòng rộn rã, cầm tay hai bạn kéo nhanh, Hồng Châu từ phía sau chạy theo :

- Ngọc, Xuân, Hương ơi, chờ tau theo với.

- Quỳnh Hương, Quỳnh Hương.

Tôi đang ngơ ngác, chị Thiên Hương đã rẽ đám đông tiến lại . Sáng nay, chị mặc một bộ complê trắng trông rất trẻ trung.

- Chị rất mừng được gặp lại em.

Hai con bạn trố mắt nhìn tôi, tôi ấp úng :

- Em . . . em cũng hân hạnh gặp lại chị.

Đôi mắt chị Thiên Hương long lanh dưới cặp kiếng màu tím.

- Hôm nay đoàn làm phim của chị khởi đầu quay cảnh Khiêm lăng. Chị thấy có hai căn lều của học sinh, không ngờ đó là lớp e . Vui thật, hồi còn đi học , chị cũng rất khoái đi picnic.

Tiếng Hoàng Vân eo éo sau lưng :

- Quỳnh Hương ơi, đi kiếm củi mau lên.

Tôi nói với người đạo diễn trẻ :

- Xin lỗi chị, em phải đi.

Tôi quay gót, Thanh Xuân và Minh Ngọc xúm lại :

- Ê , răng mi quen cô nớ rứa ?

- Tình cờ quen thôi, cô ta là nữ đạo diễn Thiên Hương đó.

- À, tau biết rồi , báo có đăng , cô ta đẹp hơn trong ảnh nhiều.

Hoàng Vân chạy đến :

- Thôi mấy cô nương làm việc đi.

Quay sang tôi, con nhỏ đanh đá :

- Còn mi nữa , mau đi kiếm củi đi , thiếu củi , chè không thèm sôi nơi tề.

Tôi bẻ ngón tay :

- Tau không biết kiếm củi chỗ mô.

Hoàng Vân chỉ ra xa :

- Mi thiệt đúng là các mệ, phía sau ngọn đồi kia, chỗ rừng thông đó . Mau lên.

Giọng con nhỏ hách dịch làm tôi nổi tức, muốn gây cho nó một trận , nhưng nhìn thấy tóc tai nó rối bù , đôi mắt đỏ hoe vì khói bếp , cũng tội nghiệp , tôi lẳng lặng chạy về phía đồi thông.

Nắng đã lên cao, tôi bước lên những mô đất xốp, lá xào xạc dưới chân. Tôi bỗng cảm thấy hồi hộp, hình như có một ánh mắt đang theo dõi mình. Tôi đứng khựng lại, muốn nhìn ra sau lưng nhưng không dám, nơi đây vắng vẻ quá, tôi nghe rõ tiếng gió vi vu lọt qua từng khe lá , tiếng chim sơn ca lảnh lót trên cành và vẳng xa , phía chúng tôi cắm trại , là tiếng hát ồm ồm của các bạn trai , không biết họ đang chơi gì mà vui thế . Phải nhặt củi mau lên, tôi dò dẫm trên lối đi, lượm những nhánh củi khô dòn lăn lóc khắp nơi , ở đây thật nhiều củi , thoáng chốc trên tay tôi đã đầy một ôm . Có tiếng chân bước nhè nhẹ sau lưng, tôi chưa kịp sợ hãi thì một giọng nói thật ấm vang lên :

- Cô bé , tôi nhặt giúp cô nhé.

Tôi quay lại, ô mái tóc bồng bềnh đã làm tôi nhớ mãi . Người đàn ông rất trẻ đó đang nhìn tôi không bằng ánh mắt lặng lẽ của chiều hôm qua bên Đại Nội mà hình như có những tia ấm áp trong tròng đen sâu thẳm kia. Vẫn chiếc áo xanh thẫm bóng hoàng hôn, bây giờ tôi mới thấy rõ anh hơn , đó là một người đàn ông đúng nghĩa , ít nhất là theo quan điểm của tôi , anh có một khuôn mặt chữ điền cương nghị , làn da rám nắng , chiếc mũi thẳng , hàng ria mép thanh thanh trên đôi môi tươi tắn đang cười với tôi , hàm răng trắng đều . Anh rất cao, dễ đến trên một thước bảy, dáng dấp vững chải đó đang cúi xuống lượm những cành cây khô đem đến để một đống trước mặt tôi :

- Đủ chưa cô bé ?

Giọng anh miền Nam, trầm trầm. Tôi vẫn đứng im sững nhìn, anh nhắc lại một lần nữa, tôi như bừng tỉnh khỏi giấc mơ. Tôi ấp úng :

- Dạ đủ rồi, xin cám ơn ông.

- Tôi là Khanh, họa sĩ. Hôm qua tôi đã hân hạnh được nhìn thấy cô, chị Thiên Hương cứ nhắc đến tên cô mãi.

Tôi dạn dĩ hẳn lên :

- Ông cũng ở trong đoàn làm phim à ?

- Không, tôi chỉ đi theo chơi thôi , lần đầu tiên tôi đến Huế đấy , cô Hương có tin không ? - Anh chỉ tay về phía trước, tôi thấy một chiếc giá vẽ bằng gỗ , bên trên căng một tấm vải khổ lớn , đặt dưới gốc cây lê màu hoa trằng chói ngời rung rinh nhè nhẹ :

- Từ sáng đến giờ tôi ngồi ở đấy nhưng chả vẽ được nét nào dù cảnh trí trước mắt thật nên thơ , chân thật.

Tiếng la chí chóe phía nhà thủy tạ làm tôi giật mình quay về thực tế :

- Chết, tôi phải đem củi về nấu ăn.

Khanh sốt sắng :

- Để tôi kiếm dây buộc lại cho Hương nhé, như vậy dễ xách hơn.

Khanh cột đống củi thành hai bó lớn :

- Để tôi mang đến trại dùm Hương.

Tôi hoảng :

- Thôi , thôi để Hương đi một mình.

Như đọc được nỗi e ngại trong mắt tôi, Khanh xách hai bó củi lên :

- Cũng khá nặng đây , thôi để tôi xách giúp Hương một quãng nhé , đến gần trại sẽ giao cho Hương.

Hoàng Vân đang phùng mang trợn mắt chờ tôi . Những tưởng nó sắp xơi tái tôi, không ngờ nhìn hai bó củi quá khổng lồ , nó cười vui vẻ :

- Bà công chúa của tôi được việc quá.

Tôi ngồi xuống gốc cây :

- Mệt gần chết.

Hoàng Vân liệng tới chiếc quạt giấy :

- Nghỉ một chút rồi ăn chè, đậu bở ngon lắm , vừa mới bỏ đường xong.

- Ủa, chưa ăn cơm sao ăn chè ?

- Đặc biệt cho mi thôi.

Có tiếng réo của Thanh Xuân :

- Quỳnh Hương ơi, cô kêu kìa.

Hoàng Vân vừa khuấy nồi chè, vừa bảo :

- À , mai chừ cô Chi kiếm mi đó.

Tôi rất ngạc nhiên khi thấy chị Thiên Hương đang ngồi cạnh cô Chi, chưa kịp chào, cô Chi đã nắm tay tôi :

- Ngồi xuống đây em.

Chỉ vào chị Thiên Hương , cô nói :

- Cô giới thiệu đây là nữ đạo diễn Thiên Hương , trưởng đoàn quay phim từ thành phố ra.

Tôi khẽ cúi đầu, chị Thiên Hương vuốt tóc tôi âu yếm :

- Chúng tôi đã biết nhau rồi.

Cô Chi nói với tôi :

- Cô Thiên Hương có chuyện muốn nói với em, cô ra đây một lát - Quay sang chị Thiên Hương - Chị cứ tự nhiên làm việc với Quỳnh Hương.

Một thoáng yên lặng, tôi chờ đợi lòng đầy thắc mắc . Chị Thiên Hương vào đề :

- Quỳnh Hương à, chị có một chuyện nầy cần em giúp đỡ. Số là chị vừa hoàn thành xong một kịch bản mới, trong đó có một nữ nhân vật thùy mị , dịu dàng và đầy cá tính . Đặc biệt cô bé có đôi mắt nai ngơ ngác và nụ cười thật lôi cuốn lòng người. Hai tháng nay chị đã đi khắp nơi để tìm người con gái đó, nhưng không gặp dù chị đã tổ chức nhiều cuộc tuyển chọn nữ diễn viên điện ảnh tại thành phố. Thật bất ngờ hết sức, chiều hôm qua, tình cờ chị đã gặp em . Đúng là hữu duyên thiên lý năng tương ngộ, khi thấy em đứng ngẩn ngơ trước Đại Nội , chị mừng quá . Quỳnh Hương, em có đôi mắt ngây thơ đen lánh , em có nụ cười duyên dáng xinh tươi , gương mặt em trong sáng , dáng dấp em tha thướt dịu dàng , nói tóm lại , em đúng là người trong tác phẩm của chị.

Bỗng nhiên có người đến ca tụng "nhan sắc" của mình, tôi như hụt hẫng không biết làm gì hơn là cứ đan hai bàn tay vào nhau . Chị Thiên Hương say sưa nói tiếp :

- Nhìn bảng tên thêu trên áo em, chị biết được trường lớp em nên định ngày mai đến trường tìm em để nói chuyện nầy , nhưng bây giờ gặp em ở đây , lại có cô chủ nhiệm của em nữa , thật là may , chị cũng bàn với cô Chi rồi , cô rất tán thành.

Tôi ngơ ngác :

- Tán thành chuyện chi hở chị ?

- Em nhận vai Băng Tâm nhé.

Tôi lại càng rối mù :

- Băng Tâm là ai ? Ơ, em không hiểu.

- Băng Tâm là nhân vật nữ chính trong kịch bản của chị . Em giúp chị nhé.

Tôi luống cuống :

- Ơ , bộ . . . chị muốn em đóng phim hả ? - Miệng tôi há hốc làm chị Thiên Hương bật cười :

- Đúng rồi em bé ngây thơ của tôi ạ . Em đẹp, em thông minh, ai cấm em trở thành một diễn viên điện ảnh ?

Tôi đã lấy lại được bình tĩnh :

- Em có thể đẹp trong mắt chị, nhưng em không thông minh nên em sẽ không thể diễn xuất trước ống kính được đâu.

- Không nên khiêm nhường quá em ạ, chính cô chủ nhiệm đã khen em rất thông minh.

Tôi cúi đầu :

- Tại cô Chi thương em nên cô nói vậy thôi , chớ em . . . cù lần lắm . Hơn nữa em còn phải học, năm nay em thi tốt nghiệp rồi.

Chị Thiên Hương bối rối chưa biết nói sao, cô Chi đã vào tới :

- Sao rồi , Quỳnh Hương của cô có nhận lời không đó ?

Tôi lắc đầu :

- Nhỏ đến lớn em chưa hề lên sân khấu thì làm sao em đóng phim được , em lại còn học hành thi cử nữa cô ơi.

Chị Thiên Hương cố thuyết phục :

- Em sẽ không mất thì giờ lắm đâu, chị sẽ lấy bối cảnh ở Huế và dành thời gian cho em học bài.

- Thôi, em sợ bị phân tâm, em sợ bị thi rớt , chị Thiên Hương , chị đừng giận em nghen.

Chị Thiên Hương ngồi yên, suy nghĩ một lúc lâu rồi chị nói :

- Nếu chị chờ qua kỳ thi, em có nhận giúp chị không ?

Không muốn chị thất vọng, tôi hứa đại :

- Em có thể cố gắng nếu chị thấy em đủ khả năng.

- Vậy là tốt, em cho chị địa chỉ ở nhà để chị tiện liên lạc nhé.

Hoàng Vân bưng vào một khay nhỏ, trên có ba chén chè , cô Chi đưa tay mời chị Thiên Hương . Nhìn ra thấy các bạn đang ăn uống cười nói ầm ĩ, tôi chạy lại :

- Sao các bạn không kêu Hương ?

Bọn con gái đấm thùm thụp vào vai tôi :

- Mi sắp trở thành minh tinh màn bạc rồi, ăn làm chi cho mệt.

Mắc cỡ, tôi xông vào giật miếng ổi trong tay Hồng Châu , Thanh Xuân la lớn :

- Cho con Quỳnh Hương đóng vai nữ tặc nghe , tụi bây đồng ý không ?

- Đồng ý, đồng ý.

Tôi thoáng thấy đôi mắt buồn buồn của Hưng đang nhìn tôi.

Chương 5

Tôi thiếp đi một lúc, khi mở mắt thì trời đã tối hẳn , bầu trời ngoài khung cửa lác đác vài vì sao . Có tiếng ba hỏi ở phòng ngoài :

- Con Ti đi trại về chưa ? Kêu ra ăn cơm.

Me đáp :

- Nó về từ sớm, có ăn một tô phở rồi ngủ vùi , chắc là mệt lắm. Đạp xe chừng ấy cây số.

- Thôi để nó ngủ. Cất phần cơm cho nó khuya có đói thì dậy ăn. Quí đem cơm lên cho ông nội đi con.

Tôi khép mắt lại, thân thể mỏi nhừ. Mệt quá, ngủ đi ngủ đi. Muỗi bay vo vo bên tai, tôi ngồi dậy bỏ mùng xuống, chiếc màn tuyn mỏng màu xanh làm cảnh trí trong phòng trở nên mờ ảo. Tôi lại nằm xuống, nhìn chăm chăm lên đỉnh mà , chung quanh tôi một màu xanh bàng bạc, màu xanh của đồi cỏ, của ngàn thông reo vi vu , của một ánh mắt nhìn và màu áo xanh của ai đó như hiện lên trong tâm trí tôi chói ngời rạng rỡ .

Tôi trở mình, đêm tĩnh lặng, những ngọn dừa chạm nhau nghe lao xao ngoài vườ . Tôi cố nghĩ đến một chuyện khác, sáng mai có hai giờ sinh vật nhưng cô Chi cho nghỉ, tiếp theo là hai giờ Hình học, có năm bài tập tuần trước thầy cho tôi đã làm xong nhờ có Hưng hướng dẫn . Tôi nghĩ đến Hưng nhưng hình ảnh anh chàng bạn thân giỏi toán ấy mờ nhạt dần để thay vào đó là một đôi mắt sáng, vầng trán cao và mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ. Khanh. Con tim có những lý lẽ riêng của nó, "le coeur a ses raisons que la raison ne connait pas" , câu danh ngôn Pháp mà tôi ưa thích nhất từ những năm bắt đầu làm quen với sinh ngữ , thật tràn đầy ý nghĩa. Tôi thả hồn theo gió lang thang , tôi đi bằng đôi chân mọc cánh trên bờ cỏ mị , tôi đuổi theo những chú chuồn chuồn đỏ thắm chao đảo trong không gian , tôi leo lên cành sung già , soi bóng mình trên mặt sông xanh biếc , gương nước phải chiếu hình bóng cô gái xinh tươi , đôi mắt đen và vành môi thắm , mái tóc xõa dài như tơ liễu, tôi cười , tôi hát . Chị Quí lay vai tôi :

- Ti , Ti , mi mớ cái chi đó , dậy đi học , sáng rồi.

Tôi ngồi nhỏm dậy :

- Ơ , mấy giờ rồi chị Quí ?

- Gần bảy giờ rồi, sửa soạn mau không trễ.

Tôi chợt nhớ ra :

- Khỏi lo , sáng nay em nghỉ hai giờ đầu.

- Rứa thì lo ăn sáng đi, hôm qua mi ngủ một lèo , chẳng dậy ăn uống chi cả.

Tôi vươn vai :

- Tại em mệt quá.

Ông nội trên lầu đi xuống, ăn mặc chỉnh tề . Tôi chạy đến cầm tay ông :

- Ông nội đi mô sớm rứa ?

Ông không đáp, ông đứng thật thẳng người trước hai chị em tôi :

- Hai đứa xem ông ăn mặc như ri đã được chưa ?

Sáng nay ông tôi thật đỏm dáng.

Ông mặc một bộ complê màu xám, áo sơ mi trong có cài măngset , ông đeo càvạt màu da trời và chân đi đôi giầy đen . Tay ông cầm cây can có chạm đầu rồng và tay kia là chiếc mũ dạ, trông ông thật sang trọng và quí phái.

Chị Quí buột miệng :

- Ông nội thiệt đẹp trai !

Ông cầm cây can gõ vào đầu chị, trừng mắt :

- Con ni hỗn quá , con gái mà ăn nói như rứa là không được nghe chưa ?

Tuy vậy, miệng ông vẫn tươi cười , chắc là trong lòng ông rất thích lời khen của chị Quí , bởi ông thường kể cho tôi nghe thời trai trẻ của ông , mà câu chuyện lúc nào cũng bắt đầu năm chữ : "Hồi đó ông đẹp lắm".

Tôi nhắc lại :

- Ông nội đi mô ?

Ba đi làm, dắt chiếc Honda ra , cũng hỏi :

- Ba đi mô sớm vậy ?

- À, ba vô trong phủ có chút chuyện.

- Chuyện chi vậy ba ?

- Nghe nói mấy cái mồ mả bị đào xới đó, ba phải đi hỏi mới được , đáng lý đi hôm Tết kia , nhưng mấy ngày đó ba không được khỏe . ..

- Ba để con đi hỏi cho.

Ông nội khoát tay :

- Thôi, để ba đi nhân tiện thăm cô Lan luôn , lâu quá không gặp cô.

- Để con chở ba đi.

- Ba không quen ngồi xe đó, để ba đi xích lô cũng được , con Ti sửa soạn đi với ông nghe.

Tôi vuốt ve nếp áo của ông nội :

- Sáng nay con bận đi học ông à.

- Con Quí mô rồi ?

- Dạ chị Quí đi chợ rồi.

Cu Nô nãy giờ đang ngồi ăn bánh mì bên cửa sổ . Nhảy một bước đến bên ông :

- Ông nội ơi, con đi với ông , con học buổi chiều.

Ông nội nhìn chằm chặp vào mặt cu Nô :

- Mi phá lắm, đi không được mô - Rồi quay sang ba , ông nói - Thằng ni nghịch ngợm lắm , bữa trước vô trong phủ , nó phá tan nát mấy cây trứng cá , thiên hạ kêu trời luôn.

Cu Nô níu áo ông :

- Ông cho con đi nghe, lần ni con không phá mô.

- Thiệt không đó ? Không được trèo cây lộn xộn nghe.

- Dạ.

- Không được bắt cá trong hồ nghe.

- Dạ.

- Được cho đi với ông, vô thay quần áo mau lên.

Nhìn tôi, ông nội bảo :

- Bà cô Lan nhắc đến con luôn, thỉnh thoảng con phải vô thăm bà nghe.

Tôi dạ nhỏ. Bà cô Lan là em gái của ông nội, bà út, kế ông tôi . Đó là một bà công chúa già nua, gầy ốm, trên gương mặt hiền lành không còn lưu lại một đường nét nào của tuổi thanh xuân ngoài làn da thật trắng. Bà trắng lắm, trắng đến nỗi các cô gái trong phủ không ai trắng bằng bà, thêm vào đó mái tóc của bà bạc phơ như cước khiến mọi người thường gọi bà là "Bà Lan Trắng" danh từ nầy đã trở thành quen thuộc trong gia tộc. Nghe nói ngày xưa bà khá xinh với nước da được ví như bông lài bông bưởi nhưng vì bà kén chồng quá, thấp thì chê mà cao thì không ai muốn cưới , nên đến bây giờ bà vẫn sống một mình . Bà khéo tay lắm và rất thương chị em tôi, bà thường gọi chúng tôi vào phủ rồi tập cho làm bánh mứt , hoa giấy . . . nhưng chúng tôi vẫn vụng về không làm sao như bà được . Me cũng học rất nhiều ở nơi bà , nhờ tính kiên nhẫn và chịu khó , me đã theo được những ngón nghề tuyệt kỷ của bà , đó là tỉa những miếng mứt hình long ly qui phụng , những chiếc quạt xòe bằng bí đao trong suốt như pha lê , những thẻ mứt bằng vỏ bưởi đủ màu mà khi để vào miệng , khách không nhận ra là loại trái cây nào vì nó tuyệt vời quá , không còn một chút đắng của thứ vỏ người ta bỏ đi nầy , chỉ có vị ngọt thơm đậm đà đầu lưỡi , ai được nếm một lần thì không thể nào quên.

Cả nhà đã đi hết, tôi cũng sửa soạn sách vở, khóa cổng lại rồi đạp xe đến trường. Không khí ban mai tươi mát, bầu trời thật xanh.

Tôi quên đủ thứ, giờ hình học mà quên đem compa và thước kẻ cũng giống như đi cày mà quên đem lưỡi cày theo . Minh Ngọc đưa cây thước cho tôi :

- Cho mi mượn nì, vẽ hình bằng tay thì làm sao thấy rõ được . Mi soạn bài chưa ?

- Hình như.. rồi.

- Một là rồi, hai là chưa, tại sao lại hình như ? Đúng là ai đã hớp hồn mi rồi.

Thanh Xuân quay lui, xí một cái :

- Ai mà hớp được hồn nó, nó đi hớp hồn người ta thì có , phải không Hương ?

Tôi lấy thước đập vào vai nó :

- Mi nhiều chuyện quá, quay lên đi.

Thầy đang giở sổ gọi học sinh lên bảng sửa bài. Tim tôi đập thình thịch, dù đã soạn bài rồi nhưng sao giờ nầy đầu óc tôi rối tung chẳng nhớ một định lý , một công thức nào cả , tôi thầm khấn trời phật che mắt cho thầy đừng trông thấy tên tôi :

- Quỳnh Hương.

Tôi lạnh cả người, thầy nói tiếp :

- Đem vở bài tập lên thầy chấm.

Cùng một lúc thầy gọi thêm bốn bạn nữa. May quá, thầy chỉ kiểm soát xem chúng tôi có soạn bài không chứ thầy chả hỏi gì về phần giáo khoa cả.

Chuông reo tan học, tôi gặp Hưng ở cửa lớp , anh lo lắng nhìn tôi :

- Sao mặt Hương tái mét vậy ?

- Mô có.

Hưng đi theo tôi xuống cầu thang đến nhà để xe, Hưng mở cặp lấy ra một cuốn sách :

- Hương đọc đi , hay lắm , sách mới đó.

Hưng vẫn đạp xe bên cạnh tôi, đến dốc cầu Tràng Tiền , hai đứa mới chia tay.

Chị Quí đón tôi ở cổng :

- Quỳnh Hương, em có khách.

Tôi ngạc nhiên hết sức, lần đầu tiên chị Quí gọi tôi bằng tên thật và cũng lâu lắm rồi tôi mới nghe được tiếng "em" ngọt ngào của chị. Nhìn nét mặt nghiêm trang của chị, tôi hồi hộp :

- Ai rứa chị Quí ?

- Chị không biết, lạ hoắc , không phải người Huế mình.

Tôi vòng ra sau cất xe rồi ôm cặp bước ra phòng khách.

Tim tôi như rụng ra ngoài khi thấy Khanh ngồi nơi chiếc ghế tựa, cạnh bàn học của cu Nô, anh đang chăm chú nhìn thằng nhỏ tẩy xóa cái gì đó trong tập vở . Nghe tiếng động, anh ngước lên :

- Chào cô Quỳnh Hương.

Tôi sững nhìn, ấp úng :

- Ơ . . Ông ... Ông Khanh.

Chị Quí bưng tách trà ra, để trên salon :

- Mời ông qua đây ngồi uống nước, Quỳnh Hương nó về rồi đó.

Khanh đứng dậy nói với chị Quí :

- Cám ơn cô.

Chị Quí nhìn tôi. Như sực tỉnh , tôi nói :

- Ơ . . a ... em xin giới thiệu đây là ông Khanh họa sĩ, và đây là chị Quí Hương của tôi.

Khanh nghiêng mình, chị Quí thoáng đỏ mặt , chị nói với tôi :

- Thôi em nói chuyện đi , chị ra nhà sau đã.

Chờ Khanh ngồi xuống, tôi mới ngồi xuống ghế đối diện rồi im như thóc . Thời gian ngừng trôi. Khanh lên tiếng trước :

- Tôi là em của chị Thiên Hương, chị đã chỉ cho tôi đến đây , có thư chị gửi cho Hương.

Khanh đặt tờ giấy gấp tư lên bàn :

"Quỳnh Hương thân mến,

Chị giới thiệu với em đây là Khanh, em ruột của chị . Khanh là họa sĩ, Khanh đang theo đoàn làm phim đến Huế để tìm nguồn cảm hứng cho bức tranh "Thiếu Nữ" của mình. Cũng như ch , Khanh đã tìm thấy nơi em hình ảnh lý tưởng của tác phẩm nghệ thuật đang phác họa . Đã từ chối chị một lầ , mong em sẽ nhận lời làm người mẫu cho Khanh , theo ý chị , công việc sẽ vô cùng thú vị chứ không khó khăn và mất thì giờ như đóng phim đâu . Mong em giúp Khanh.

Hẹn gặp lại em,

Thiên Hương"

Tôi đọc lui đọc tới lá thư không biết bao nhiêu lần, cho đến khi Khanh nhắc :

- Quỳnh Hương, cô nghĩ sao ?

Tôi nhìn lên chiếc đồng hồ treo tường, gần mười hai giờ trưa. Khanh vẫn nhìn tôi chờ đợi, ôi đôi mắt ấy, làm sao tôi từ chối cho được . Tôi nói nhỏ :

- Để . . . để Hương xin phép ba me đã.

Khanh cười, chưa bao giờ tôi thấy nét mặt anh tươi như lúc nầy :

- Bao giờ Hương có thể trả lời tôi ?

- Dạ, chắc cũng vài bữa.

- Thứ năm tôi lại nhé - Khanh đứng dậy - Trưa rồi tôi xin về để Hương nghỉ.

Khanh về rồi, chị Quí đến bên tò mò :

- Ai rứa Ti ?

Tôi đưa cho chị lá thư, xem xong chị thắc mắc :

- Thiên Hương là ai vậy ? Tại sao quen mi ? Mà mi từ chối cái chi rứa ?

- Chị hỏi chi mà tùm lum rứa, từ từ em kể cho nghe.

Cu Nô rời bàn học nhảy nhót lung tung :

- Hay quá, hay quá , chú hồi nãy vẽ dùm cho em con tàu vũ trụ đẹp quá , để em gửi lên nhà văn hóa dự thi tranh thiếu nhi.

Tôi cốc đầu nó :

- Nói không biết dị, tranh của người ta tự nhiên nhận làm của mình , trẽn quá.

Cu Nô vênh mặt :

- Kệ em, mắc mớ chi đến chị.

- Tao rất lấy làm mất mặt vì có đứa em đạo tranh như mi.

- Kệ em, kệ em.

Ba đi làm về, âu yếm nhìn chúng tôi :

- Hai chị em cãi nhau ồn ào quá , mau phụ chị Quí dọn cơm lên đi , ba đói lắm rồi.

Buổi trưa chị Quí không cho tôi ngủ chị bắt tôi kể đầu đuôi ngọn ngành về lá thư Khanh đem tới cho được mới thôi , đúng là chúa tò mò . Tôi đã không ngần ngại kể hết cho chị nghe trừ chuyện tôi gặp Khanh trong rừng thông ở lăng Tự Đức. Thỏa mãn tính tò mò, chị Quí trở nên hiền lành dịu dàng hơn bao giờ hết.

- Sao em không nhận lời đóng phim cho oai ?

- Làm sao em đóng được, nhỏ đến lớn em có khi nào đứng trước đám đông mô.

Chị Quí nằm sát vào tôi :

- Ti không thấy à, con Thanh Tâm bên Vỹ Dạ chỉ xuất hiện trước ống kính mấy phút mà tiếng nổi như cồn.

- Thôi chị ơi , em chả thích nổi tiếng , với lại con Thanh Tâm khác , em khác.

- Khác là khác sao ?

- Đây là vai chính chớ bộ, với lại em mắc học thi nữa.

- Thôi dẹp chuyện đóng phim đi. Còn chuyện anh chàng Khanh đó, em tính răng?

- Chị tính cho em đi.

Chị Quí sốt sắng :

- Để chị xin phép ba me cho, theo ý chị.

Mặc cho chị Quí nói thao thao bên tai, đôi mắt tôi ríu lại, tôi ngủ lúc nào không hay. Chị Quí đập vào vai tôi :

- Hưng tới tìm mi tề.

Tôi giả vờ ngủ tiếp, tôi lăn người quay mặt vào trong.

Lay một lúc, thấy tôi bất động, chị Quí lẩm bẩm :

- Ngủ chi mà say vô hậu.

Tôi nghe chị nói với Hưng ở nhà ngoài :

- Hôm qua đi trại về mệt nên trưa ni nó ngủ bù, kêu hoài không được . Hưng chịu khó ngồi chờ nó dậy nghe.

- Thôi để em về, nhờ chị đưa dùm quyển sách ni cho Hương.

Loáng thoáng tiếng xô bàn ghế, tiếng đóng cửa , tôi lại chìm trong giấc ngủ sâu.

Buổi tối cả nhà quây quần bên ánh đèn, me đang giúp chị Quí đơm nút áo vào loạt hàng sắp giao , tôi soạn lại sách vở chiều mai đi học nhóm , cu Nô thì ôm chiếc đàn guitare mò từng nốt nhạc và bên salon , ba đang ngồi nói chuyện với ông nội , trước mặt hai người là bình trà nghi ngút khói.

Nét mặt ông nội đăm chiêu :

- Ba đã hỏi lại rồi, quả không sai , có rất nhiều lăng mộ các cụ tổ xây từ thế kỷ thứ 18 đã bị đào bới , thật đau lòng.

- Không hiểu tụi nó tìm kiếm đựơc gì trong đó , tại sao chính quyền địa phương lại không ngăn cản chuyện nầy.

- Ba nghe nói công an có bắt mấy vụ, nhưng tụi nó đông như rươi , tóm không xuể.

Cu Nô xách cây đàn chạy lại ngồi bên ba :

- Ông nội ơi , con nghe mấy đứa bạn nói có người đào mộ tìm được năm chục kilô vàng.

Ông nội nạt :

- Con nít nói tầm bậy tầm bạ.

Ba cốc vào đầu nó :

- Con nít hỗn hào, dám xen vào chuyện của người lớn.

Mẹ đặt tấm áo xuống đi văng :

- Cu Nô phạm thượng quá, xin lỗi ba và ông nội ngay.

Cu Nô cúi đầu, rơm rớm nước mắt , chị Quí giục :

- Còn chần chờ chi nữa , thằng ni hư quá.

Cu Nô vòng tay, lí nhí xin lỗi rồi đến ngồi vào bàn học, tôi cười nhìn nó :

- Đáng đời cho cái tật ăn cơm hớt.

Chị Quí và me đã làm nút xong, tôi giúp hai người xếp hàng vào túi xách, chị Quí thở phào :

- Chuyến ni giao hàng là lấy tiền luôn me ơi , cộng cả tháng trước nữa , chắc cũng khá.

- Chị Quí giàu to rồi.

- Giàu chi mà giàu, tao định bù tiền đổi chiếc xe đạp mới , không biết có đủ không đây.

Rồi nhìn tôi, chị nheo mắt :

- Mi mới sắp thành triệu phú đó.

Tôi ngơ ngác :

- Triệu phú chi ? Em không có xu dính túi.

- Bao nhiêu người mời gọi, cô nương gật đầu một cái là tiền bạc tràn về như nước sông Hương.

Mẹ ngạc nhiên nhìn hai đứa con gái :

- Hai đứa bây nói chi , me không hiểu gì hết.

- Me ơi - Chị Quí ôm ngang lưng me và kể hết những điều tôi đã kể hồi trưa cho me nghe, rồi chị nói tiếp - Anh chàng họa sĩ đó tên Khanh , đàng hoàng lắm , me nghe , me cho phép con Ti làm mẫu cho bức tranh "Thiếu nữ" của anh ta nghe me.

Me ngồi yên lặng đăm đăm nhìn tôi, rồi nói :

- Me thì dễ thôi , chỉ ngại ba và ông nội , để me xin thử coi.

Chị Quí reo lên :

- Hoan hô me, me gắng xin nghe me , thế nào ba cũng cho mà , mấy khi tác phẩm của ba me được đưa lên tranh vẽ.

Me nhíu mày :

- Con ni nói một chặp như điên, tác phẩm chi ?

Chị Quí đẩy tôi đến trước mặt me :

- Thì con Ti đây nì, nó là "tác phẩm" đắc ý nhất của ba me , không phải à ?

Me liếc yêu chị Quí :

- Thôi, nói tầm bậy, con gái vô duyên.

Có tiếng cu Nô reo ở nhà trong :

- Hai chị ơi, vô coi nì, có phim hay lắm.

Ông nội đã lên phòng, ba me, chị Quí và cu Nô say sưa ngồi trước ti vi , tôi dẹp vội sách vở , mở cửa sau , bước ra bến sông.

Ban đêm hương hoa dừa, hoa cau thoang thoảng, tôi thả dép bước nhẹ trên lối đi bằng đất ẩm mát dịu bàn chân . Chung quanh yên lặng.

Cây sung cổ thụ đứng im sừng sững trong bóng tối chập chờn đom đóm lập lò . Trăng đã lên cao soi mình trên mặt nước lăn tăn, tôi nhìn lên khung trời sáng loáng, những đám mây mong manh tơ trời trôi nhè nhẹ, mây ơi đêm nay mây có dừng bước lãng du không ? Một hình bóng lại chập chờn ẩn hiện, mái tóc, nụ cười, ánh mắt, một cung đàn êm ái đang ngân nhẹ trong tim . Tôi gọi thầm tên Khanh, còn hai ngày nữa, em sẽ gặp lại anh.

- Ai đứng đó, Ti phải không con ?

Tôi giật mình nhìn sang bờ đá bên cạnh, một bóng người đang bưng đèn đi xuống bến, a cô Nghĩa.

- Con đây cô.

Cô đến gần hàng rào :

- Bên nhà làm chi mà đóng cửa kín mít rứa ? Cô kêu hoài không được.

- Cả nhà đang coi ti vi cô ơi, chắc là phim hấp dẫn lắm nên không ai nghe tiếng gọi của cô đó. Có chuyện chi không cô ?

- Hồi chiều cô hái đào được một rổ lớn , định đem sang cho tụi bây ăn , ngọt lắm. Kêu cửa không được cô còn để sau bếp, tiện thể Ti qua lấy nghe.

- Dạ.

Tôi chui hàng rào qua vườn cô Nghĩa, cô đưa cây đèn cho tôi :

- Cầm dùm cô , để cô rửa mớ rau vô nấu canh.

- Ủa, cô chưa ăn cơm à ?

- Cô chờ mạ cô về ăn luôn, hôm nay vía , mạ cô đi chùa Từ Đàm chưa thấy về.

Tôi mang rổ đào dợm bước thì cô Nghĩa giữ tay tôi lại :

- Ngồi đây chơi với cô một chút.

Tôi nhìn ngôi nhà tiện nghi nhưng vắng vẻ, bỗng thấy tội nghiệp cho cô Nghĩa . Nhà chỉ có hai mẹ con, ba cô mất từ dạo cô còn bé, đến khi lớn lên gặp được tình yêu thì tình yêu đó cũng khó bền.

Cô Nghĩa dạy học đã hơn mười năm nay, cô có dạy tôi năm lớp bốn , cô rất thương tôi , thường tập tôi múa hát và đi đâu cũng dắt tôi theo . Mẹ cô có mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà, buôn bán cũng tạm được, nhưng mấy năm gần đây, bà ham mê chùa chiền , đồng bóng nên cửa hàng cứ đóng hoài.

Nhìn cô Nghĩa nấu ăn một lúc tôi đứng dậy :

- Con phải về khuya rồi.

- Ờ, thôi Ti về nghe. À, lên phòng khách lấy quyển truyện trên bàn về mà đọc , cô mới mua đó.

Tôi lại chui qua hàng rào, đêm đã khuya, gió thổi xạc xào , tôi lan man nghĩ đến Khanh.

Chương 6

Không hiểu tại sao sáng nay Minh Ngọc và Thanh Xuân rủ nhau nghỉ học, giờ ra chơi tôi thui thủi một mình. Trời thật nóng, tôi vén vạt áo dài , ngồi xuống bậc tam cấp trước văn phòng dưới bóng mát của cây hoè nhỏ , những cánh hoa vàng rụng xuống đầy sân. Hình như Hưng đang giận tôi.

Khi sáng gặp Hưng ở nhà giữ xe , anh chỉ nhếch môi cười rồi ôm cặp đi vào lớp trước , lần đầu tiên anh không thèm chờ tôi cùng đi . Tôi biết, tại hôm qua tôi bỏ học nhóm , chiều tối Thanh Xuân có ghé cho hay là Hưng đã đợi tôi cả tiếng đồng hồ. Bài toán khó lắm nhưng tôi đã mượn vở Thanh Xuân chép lại rồi, tôi cũng xem qua bài giải và được Thanh Xuân giảng lại những chỗ chưa hiểu , có gì đâu mà Hưng làm khó thế. Tự ái bị va chạm. Tôi xụ mặt nhìn những vệt nắng loang lổ trên nền xi măng đen láng. Hồng Châu đi đến :

- Con quỉ ngồi đây mà mai chừ tau tìm gần chết.

- Chi rứa mi ?

- Cho tau mượn vở bài tập toán của mi chút coi.

Tôi đứng dậy cùng nó đi lên lớp, chuông cũng vừa reo vào học , các học sinh chen lấn trên hành lang cười ầm ĩ.

Giật nhanh quyển vở bài tập trên tay tôi , Hồng Châu ngồi xuống bàn chép lia chép lịa , hơn ba trang giấy mà nó chép thoáng là xong , con bé nổi tiếng chép nhanh từ năm lớp mười , nên mỗi lần nghe bài hát nào hay trong radio , tôi thường nhờ nó viết lại cho.

Thầy toán đã vào lớp :

- Hôm nay, chúng ta sửa ba bài tập Đại số tuần trước.

Thầy ngồi xuống ghế, giở sổ điểm ra :

- Hồng Châu lên sửa bài thứ nhất.

Sao quả tạ đã chiếu vào nó rồi. Hồi nãy, nhìn tay nó thoăn thoắt như cái máy , tôi biết là nó chỉ đề phòng thầy kiểm tra vở mà thôi , chứ còn làm bài thì thua là cái chắc.

Hồng Châu đứng chào cờ trên bảng. Thầy nhìn vào vở của nó gật gù rồi nhìn nó :

- Tại sao trong vở em làm đúng mà bây giờ lại không làm được ?

Hồng Châu ấp úng :

- Thưa thầy … em... em ...

Thầy gằn giọng :

- Em chép của ai ?

- Thưa thầy, thưa thầy . . ..

Thầy tức giận đập mạnh thước lên bàn. Cả lớp im thin thít, tim tôi muốn ngừng đập, nếu Hồng Châu khai ra tôi , thầy bắt tôi lên bảng thì làm sao , sáng nay dậy trễ , tôi chưa kịp xem lại bài.

Thầy quát to :

- Em chép bài của ai ?

Hồng Châu đứng im, tay mân mê viên phấn, tôi lo sợ nhìn nó nhưng ánh mắt của nó đã làm tôi yên tâm.

- Em phải chép của ai chứ, không lẽ mấy bài giải tự nhiên trên trời rơi xuống vở em à ? Em nói đi, lần nầy người đó sẽ chia đôi số điểm với em. Nếu không, thầy sẽ cho em một điểm. Hồng Châu bình thản đến bên thầy :

- Thưa thầy, em xin nhận điểm một.

Thầy nhìn nó, giọng dịu bớt :

- Em bao che cho bạn như vậy là không đúng đâu. Nếu người ta tốt với em, người ta đã giảng bài cho em cặn kẽ , chứ không đưa cho em chép một cách vô tội vạ thế nầy đâu.

Hồng Châu vẫn cúi đầu không đáp :

Thầy ghi điểm vào sổ :

- Thôi em về chỗ đi , mất thì giờ quá.

Mấy bài toán thật khó, thầy giảng đi giảng lại hai ba lần , đến khi tan học , vẫn còn một bài chưa giảng xong . Thầy hẹn tuần sau. Chúng tôi tràn ra khỏi lớp như bầy ong vỡ tổ.

Tôi chạy lại Hồng Châu :

- Khi hồi tau sợ mi khai quá.

Hồng Châu vênh mặt như người lớn :

- Tau đâu đến nỗi.

Khi lấy xe, tôi thấy Hưng đang loay hoay mở khóa bên cạnh , tôi lơ đi thì Hưng hỏi :

- Sao hôm qua Hương không đến học nhóm ?

Nhớ đến nụ cười nửa miệng của Hưng hồi sáng, tôi bỗng giận ngang, không nói gì cả , tôi dẫn xe ra.

Tôi giật mình khi thấy Khanh đón tôi ở cổng trường :

- Quỳnh Hương ...

- Ơ ...

Tôi đi không muốn vững. Khanh đỡ lấy xe tôi :

- Hương làm sao thế ?

Tôi nói không ra tiếng :

- Anh . . . anh hẹn chiều nay tới nhà Hương mà.

- Vì chiều nay bận nên không đến được, sợ Hương chờ nên tôi mới đến đây.

Khanh nghiêng mặt nhìn tôi, môi anh cười phô hàm răng đều đặn, mắt anh nheo nheo dưới ánh trưa chói chang . Tôi đứng lại, nửa muốn đạp xe đi, nửa muốn chờ đợi Khanh nói một câu gì đó.

- Để tôi chở Hương về nhen.

Tôi hoảng :

- Chết, không được mô.

Khanhh nói rất tự nhiên :

- Tôi có vài chuyện muốn bàn với Hương , chúng mình đi bộ tà tà vậy.

Khanh dắt xe đi bên cạnh tôi, tôi bước trên lề, cố kéo xa khoảng cách giữa tôi và anh nhưng Khanh không để ý đến điều đó , anh nói :

- Hương đi gần anh chút nữa xem nào, xa vậy làm sao nghe anh nói được.

Lòng tôi vô cùng xao xuyến khi nghe Khanh đổi cách xưng hô, tôi bước đến bên anh như bị thôi miên.

- Điều đầu tiên anh muốn biết là hai bác đã cho phép em chưa ?

Tiếng em thân mật lại làm tôi bối rối, một vài bạn cùng lớp đạp xe qua ngoái trông, tôi kéo nghiêng vành nón :

- Dạ , ba me Hương đã cho , cả nhà cũng muốn biết anh.

Ngang qua một quán cà phê nhỏ, chiếc dù màu xanh rực rỡ dưới bóng cây , Khanh dừng lại :

- Tốt quá , chúng mình vào đây nói chuyện dễ hơn.

Tôi chưa kịp đáp, Khanh đã dắt xe vào trong. Không biết làm gì hơn, tôi đành vào theo anh. Khanh kéo ghế, nhưng tôi đã chọn chiếc ghế khác, quay mặt vào trong, tôi không muốn các bạn đi học về nhìn thấy tôi.

Khanh đẩy ly đá chanh đến trước mặt tôi :

- Hôm nay anh bận, chiều mai chúng ta bắt đầu làm việc được chưa ?

- Dạ được, mai anh tới nhà em hả ?

- Ờ, anh muốn vẽ một bức chân dung của em , nếu còn thời gian anh sẽ vẽ một vài tranh phong cảnh . Huế có nhiều nơi rất đẹp.

Khanh cầm muỗng khuấy đều ly nước cho tôi :

- Em uống đi Hương, à , anh muốn nói thêm là anh không rành ở đây lắm , em chọn cảnh dùm anh nhen.

Chợt nghĩ đến bến sông thân yêu sau nhà, tôi buột miệng :

- Ở chỗ nhà em cũng có cảnh dễ thương lắm.

Khanh ngạc nhiên :

- Cảnh dễ thương ?

- Ơ .. cảnh dễ thương là em muốn nói . . . cảnh rất đẹp rất nên thơ . ..

Khanh cười dí dỏm :

- Ờ, giọng Huế của em , theo anh nghĩ cũng rất là . . . dễ thương , cũng rất là ... giống như tiếng chim hót ấy.

Tôi đỏ mặt, dán mắt vào vạt áo :

- Kìa , em uống nước đi chứ.

Tôi dạ và làm theo Khanh như một cái máy. Lấy hết can đảm, tôi đứng dậy :

- Thôi trưa rồi , em về đã.

Khanh rút từ túi áo ra một tờ giấy học trò gấp tư :

- Đây là vài nét anh phác họa em hôm ở Lăng Tự Đức , chút quà làm quen anh tặng em.

Tôi nhét vội tờ giấy vào cặp , lí nhí :

- Cám ơn anh.

Khanh trao xe đạp cho tôi :

- Em về nhé.

Tôi ngước nhìn :

- Còn anh, anh đi bộ à ?

- Anh ở gần đây thôi, chiều mai nhớ đợi anh.

Tôi về đến nhà mọi người đã ăn cơm xong, chị Quí đang thu dọn chén bát . Thấy tôi, chị liếc :

- Đi học về trễ rứa ?

Tôi nói láo :

- Em bị hư xe.

Chị Quí làm ra vẻ thành thạo :

- Cái xe của mi quá hủ lậu rồi, phải thay mấy đồ phụ tùng đi.

- Tiền mô mà thay, chị chỉ được cái miệng.

Bà ngoại vén màn bước ra :

- Con Ti đi học về đó à ?

Tôi reo lên :

- A, mệ mới lên.

- Ừ, có dĩa bánh ướt mệ để dành trong cụi , đem ra mà ăn.

Đồng hồ trên tường gõ hai tiếng, thôi không ngủ nữa, tôi soạn bài vở ra bàn rồi ngồi xuống chăm chú học. Bài sinh vật hôm nay cũng dễ, chỉ có một trang, tôi học xong thật mau, chỉ còn hai hình chưa vẽ vào vở , tôi lục cặp tìm cây bút chì , mảnh giấy học trò gấp tư rơi ra trước mặt tôi . Món quà làm quen của Khanh - Như lời anh nói - Vậy mà tôi tệ thật, suýt quên bẵng đi mất. Nét vẽ bằng bút chì, một cô gái tóc xõa ngang vai, đôi mắt đen ngơ ngác , hai tay ôm một mớ củi lớn, đúng là tôi rồi , tức cười thật , thay vì cầm hoa để tăng thêm vẻ duyên dáng tôi lại mang những cành cây khô cứng quắt queo , chỉ tại con nhỏ Hoàng Vân thôi , giá nó phân công cho tôi đi lấy nước bên hồ sen , có phải là nên thơ hơn không . Tôi ấp tờ giấy vào ngực, mỉm cười một mình . Có tiếng trở mình bên trong, bà ngoại kêu :

- Ti ơi , Quí ơi.

Tôi chạy vào :

- Mệ kêu chi mệ ?

- Nấu cho mệ ấm nước, mệ tắm.

- Mệ tắm nước lạnh cho mát nghe mệ.

- Mệ nhức lưng quá, tắm nước nóng một bữa cho khỏe , nhớ đập vô cho mệ một củ gừng.

- Dạ, mệ chờ con một chút nghe.

Tôi vừa nhóm lửa vừa hát : "Rừng xanh bao nhiêu lá . . . anh đứng đó trầm ngâm .. cây non là em đó , còn anh như cây già . . ."

Khói cay cả mắt , tôi bắc ấm nước lên , lại vu vơ nghĩ , Khanh có già không , dễ chừng Khanh hơn tôi đến chục tuổi ! Tôi kéo ghế ngồi bên bếp lửa, giở bức tranh trong túi ra xem lại , cô bé trong tranh đang nhìn tôi , mịêng như sắp hé cười . Cười chi mà cười, mi là tau mà tau là mi, mai mốt mi sẽ nhờ tau mà được xuất thần trên một tác phẩm lớn , bên cạnh mi sẽ là hoa , là bướm , là mây nước thênh thang , chứ không phải là bó củi khô cứng trên tấm giấy ca rô xấu xí nầy đâu , thích không ?

Ấm nước bắt đầu reo, bà ngoại đã ngủ dậy , ra rửa mặt bên ảng nước.

- Nhớ đập vô cho mệ củ gừng.

Toi chạy ra vườn, moi dưới đất lên một củ gừng bé tí . Chị Quí đi giao hàng về, hỏi :

- Ti làm chi rứa ?

- Em đập gừng vô nước cho mệ tắm.

- Gừng me để trong cụi thiếu chi, bày đặt ra đào gừng non , của ông nội trồng đó, ông biết la chết.

- Em phi tang hết rồi, ông nội không để ý mô.

- Thôi để tao làm cho, đi học bài đi.

Có tiếng gọi tôi chí chóe ngoài cổng - Thanh Xuân xách một túi lớn đi vào. Tôi hỏi:

- Sao hồi sáng mi không đi học ?

Thanh Xuân ngồi xuống ghế :

- Để tau nói mi nghe , tối qua bà dì tau ở Sài Gòn đem ra một bộ phim video bốn tập chiếu đến khuya, sáng nay chiếu tiếp hai tập nữa , con Minh Ngọc đến rủ tau đi học thì dính luôn, khỏi tới trường.

Tôi nhìn nó lắc đầu :

- Không ngờ tụi mi lại "ăn chơi sa đọa" rứa.

- Lâu lâu mới được một bữa chứ bộ. Từ tết đến giờ mạ tau bỏ đầu máy vô tủ khóa lại, nói tau phải thi xong mới được coi . May có dì tau ra mới được một bữa no mắt. Tối nay cũng chiếu nữa, mi có tới coi không ?

- Thôi mi ơi, coi mấy thứ đó đầu óc lú lẫn hết . Hồi sáng hai đứa bây nghỉ không có giấy phép làm mất điểm thi đua, mấy đứa trong tổ chửi tụi bây quá chừng.

Thanh Xuân rùn vai nói bướng :
- Thi đua thì thua đi cho rồi, bày đặt.
Rồi nó mở túi xách ra, lôi một chục xoài và mấy trái vú sữa thật to để lên bàn :
- Quà của mi đó, sướng chưa.
- Mi cho chi mà nhiều rứa ?
- Của dì tau đó , bà đem ra cả một giỏ cần xé luôn , miền Nam là xứ sở của trái cây mà.
Tôi xếp sách vở lại :
- Mình ra sông chơi đi.
Hai đứa ngồi vắt vẻo trên cành sung.
- Sáng nay thầy có cho thêm bài tập không ?
- Không, sửa bài còn không đủ giờ.
- Còn Sử, cô có dò bài không , có kêu tau không ?
- Không, cô chỉ kêu mỗi mình con Vân.
- Hồi mi cho tau mượn vở chép bài nghe.
- Ờ.
- À, Hương nì , tại sao hôm đó mi không nhận lời đóng phim , hay quá đi chứ ?
- Năm nay là năm thi mà , đâu có tài tử được.
- Chưa chi mà mấy tụi trong trường đồn ầm lên.
- Đồn chi ?
- Đồn mi sắp trở thành diễn viên điện ảnh. Nì, con Phương Thảo bên A2 ganh tị mi lắm, nó nói mi xấu hơn nó , mi chỉ gặp may thôi.
- Nhưng tau đâu có nhận lời đóng phim, tau đã nói với chị đạo diễn rồi mà , còn con Phương Thảo nó đẹp hơn tau là cái chắc , nghe nói mẹ nó ngày xưa là hoa khôi của Huế đó.
Hai đứa ăn hết bốn trái xoài, trèo lên cây hái sung quăng xuống nước chơi . Chiều nay lục bình ra hoa thật nhiều, tím ngắt cả bến sông , trời xanh thẳm, không biết những đám mây của tôi đã đi về đâu?.
30/3/1990
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ

Mười bảy và những cơn mưa đầu hạ Tiếng thầy giảng chồng lên tiếng mưa, cứ êm êm và nhạt nhòa. Buổi đầu ở một lớp học thêm mới nên Việt Anh...