Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Như nắng xuân phai 2

Như nắng xuân phai 2

Chương 4
"Đêm hè mây trắng xôn xao
Hai vì sao lạ lạc vào mắt anh
Lá khô ngơ ngác trở mình
Hồn em bối rối nghiêng thềm mơ hoa"
- Hù!
Tôi giật bắn mình, Thúy Hậu đứng sau lưng tôi, cười khanh khách:
- Xin lỗi thi sĩ hí, xin lỗi đã làm cạn nguồn thơ của thi sĩ hí.
Tôi đỏ mặt, vò nát tờ giấy trước mặt. Thúy Hậu đưa tay cản:
- Ý đừng, bài thơ dễ thương rứa mà mi xé sao đành, cần phải chép vô tờ giấy hoa tiên tặng chàng chớ.
Tôi chối:
- Con ni đoán ẩu ghê, ngồi buồn tao làm thơ vớ vẩn chơi chứ tặng ai mà tặng.
Thúy Hậu để hai tay lên đôi má tôi, nâng nhè nhẹ:
- Thiệt không đó. Mi mà cũng giấu tao à, mi mà cũng nói láo với tao à?
- Ai giấu chi mô - Rồi tôi lảng sang chuyện khác:
- Mi đau chi mà nghỉ mấy ngày ni rứa ?
Thúy Hậu kéo chiếc ghế ngồi xuống bên tôi :
- Tao cúm. Mới lành hẳn sáng ni, chờ đến thứ hai gặp mi lâu quá nên chừ tao mò lên mi.
Tôi nhìn ra hàng lá xanh xanh ngoài cửa sổ :
- Mi nghỉ học mấy bữa làm tao buồn rứa thê. Định mai chủ nhật lên thăm mi đó.
Và tôi bỗng nhớ ra :
- Nì Thúy Hậu.
- Chi ?
- Có chuyện hấp dẫn lắm. Tin vui.
Mắt Thúy Hậu sáng lên :
- Chi rứa mi ?
Tôi chìa tay :
- Hối lộ đi, rồi tao sẽ nói mi nghe. Bảo đảm một trăm phần trăm là khi mi nghe rồi, linh hồn mi sẽ bay bổng lên chín tầng mây hạnh phúc.
Thúy Hậu kéo đi :
- Khỉ nờ, giở cái giọng bắt chước tao không à. Chuyện chi thì nói đi, tao nóng ruột bắt chết. .
Tôi càng làm cho Thúy Hậu hồi hộp :
- Thì hối lộ đi.
Thúy Hậu gật đầu :
- Ừ, để rồi mai tao sẽ bao mi bánh cuốn Lê Thánh Tôn nghe.
- Ô kê. Xích lại đây tao nói cho nghe.
Tôi thì thầm vào tai Thúy Hậu như sợ có ai nghe thấy dù trong phòng học của tôi chả có một ai.
- Hôm thứ năm. Thầy Trung kêu tao lên đọc bài rồi thầy hỏi thăm mi, thầy nói tại răng mi vắng mặt.
Đôi mi Thúy Hậu chớp nhanh, giọng nói run run :
- Thiệt hả mi ? Rồi mi nói răng ?
- Tao nói dạ em không biết. Tại khi đó con Liên chưa đưa tờ giấy của mi.
- Rồi thầy Trung có cho tao zero không ?
Tôi trề môi :
- Sức mấy !
- Thường ngày, đứa mô vắng thầy hay cho zéro lắm.
Tôi mách :
- Hôm nớ có nhiều đứa vắng lắm, nhưng thầy chỉ hỏi có mỗi một mình mi, còn thầy không cho zéro ai hết a.
- Rứa à. Chắc là thầy Trung cũng đoán ra là tao mắc mưa nên bị đau.
- Ơ, con ni nói hay chưa.
Thúy Hậu xích lại gần tôi hơn :
- Bộ mi không nhớ hả Hạnh ? Tao hứa trong thư là sẽ kể cho mi một chuyện ly kỳ
Tôi vỗ tay vào vai nó :
- Đúng rồi. Mi làm tao thắc mắc hoài không biết chuyện chi, chừ gặp mi tao lại quên mất. Kể đi.
Thúy Hậu lại cười :
- Chừ đến lượt mi phải hối lộ.
- Với điều kiện đó là tin mừng cho tao.
Thúy Hậu ngẫm nghĩ một lát :
- Rứa thì thôi, tha cho mi. Tại chuyện ni cũng là tin vui của tao nữa, kể cho mi mừng dùm.
Tôi xuýt xoa :
- Chao ôi, vậy thì người hạnh phúc kể đi, chắc cũng là chuyện "Dung nhan mùa hạ" chớ chi.
Thúy Hậu gật đầu :
- Ừ, mi đoán không sai. Hôm chiều tao lên phố đó, trời đang nắng ráo bỗng đổ mưa ào ạt, tao bị ướt nhèm trước khi tìm được chỗ núp. Mi biết răng không ?
Tôi cười :
- Con nít cũng đoán được. Mi gặp thầy Trung ở đó.
- Con ni tài gớm. Ừ, thầy Trung cười với tao. Thầy Trung ân cần hỏi han, rồi cuối cùng mời tao vào một quán nước bên đường chờ mưa tạnh.
Tôi cười lớn :
- À, rứa thì tao biết rồi. Hôm đó mi về bị cúm là do cảm chàng chứ không phải cảm mưa.
Thúy Hậu lại đỏ mặt :
- Khỉ nờ, cứ chọc tao hoài. Tao khát nước lắm rồi, khách đến nhà mà chủ nhà bắt khách nhịn hả ?
Tôi đứng dậy :
- Yên chí, có dưa hấu trong tủ lạnh.. Đợi tao một xí, tao chạy xuống nhà lấy cho mi.
Tôi bưng dĩa dưa hấu lên thấy Thúy Hậu đang ngồi mơ màng trước bàn viết, trên tay cầm cây viết hý hoáy ký vào tờ giấy trước mặt. Tôi rón rén lại gần, mặt giấy chằng chịt những chữ ký bay bướm ghép tên hai người Hậu-Trung. Tôi đặt dĩa dưa trên bàn cười chúm chím.
- Chà tình tứ ghê. Chừ ăn có nổi không đây, nuốt có nổi không đây, hay là vui mừng đã làm mi nghẹn họng rồi.
Thúy Hậu cuống quýt vò tờ giấy lại, tôi được thể bắt chước giọng nói của nó :
- Ý đừng, bài thơ dễ thương rứa mà mi xé sao đành. Phải chép vào giấy hoa tiên tặng chàng chứ.
Thúy Hậu đứng lên đấm thùm thụp vào vai tôi :
- Nì nì, cho mi chừa nì, chọc tao chi mà chọc vô hậu rứa.
Có tiếng còi xe vang ngoài cổng, tôi nhìn xuống :
- Ba tao về.
- Mi xuống mở cổng đi.
- Chị bếp đang ra mở.
- Thôi tao về hí.
- Ăn dưa đi đã nờ.
- Tao ăn ớn rồi. Mai đi phố chơi nghe Hạnh, đi chọn cho tao cái áo dài luôn.
- Mi định may áo chi rứa ?
- Tao thích ghé Hồng Hoa chọn một áo lụa, nghe nói có nhiều bông mới ra dễ thương lắm.
- Ừ, thì đi. Mai tao đem xe qua nhà chở mi hí, nhớ sửa soạn trước đó.
- Tốt quá. À, mi khoan ăn sáng đã nghe. Mai tao bao mi ăn sáng bánh cuốn Lê Thánh Tôn.
Tôi đổi ý :
- Thôi, ăn hủ tiếu Thanh Xuân đi.
Ba lên lầu gặp tôi đưa Thúy Hậu xuống :
- Cháu Thúy Hậu đến chơi với Hạnh hả. Về chi sớm rứa cháu ?
- Dạ, bác cho con về, mai chừ con tới chơi lâu rồi.
Tôi tiễn Thúy Hậu ra cổng :
- Mi về hí, đêm nay mơ nhiều mộng đẹp hí.
Mặt mày Thúy Hậu tươi rói :
- Tao cũng chúc mi lại như rứa. Mai nhớ qua nghe, đi sớm sớm cho mát.
- Thôi đi mi, đi chợ sớm mua hàng, trả giá xớn xác bị chửi chừ. Tao ớn mấy cái mụ bán hàng ở chợ Bến Thành quá đi.
- Mi quên rồi à. Ở Hồng Hoa bán giá nhất định mà, hơn nữa tụi mình còn đi ăn sáng nữa.
Tôi kêu lên :
- À, tao quên mất cái mục hấp dẫn nó. Mai tao qua mi sớm hí. Tao sẽ dậy đi lễ sớm. rồi tới mi.
- Ừ, tao đợi, tám giờ nghẹn.
- Ừ.
Tôi trở về phòng, cúi xuống bàn viết, lượm lại tờ giấy có bài thơ vừa bị tôi vò nát vì thẹn với Thúy Hậu. Tôi chép trang trọng bốn câu thơ vào tờ pelure hồng, xếp tư tờ giấy lại, nhét vào cuốn nhật ký. Chương ơi, Hạnh đã yêu anh rồi ư ?
° ° °
Giòng đời phẳng lặng trôi qua... Ba vẫn đi vắng nhà hoài vì công việc, chị Sương vẫn chưng diện ham chơi, sẵn sàng cúp cua vài ngày để dự những cuộc vui vô bổ. Tôi sống cô đơn trong gian nhà vắng, ngày hai buổi cắp sách tới trường nhu mì hiền hậu. Tình cảm giữa tôi và Chương đậm dần theo thời gian và sự chăm lo thăm viếng của Chương đã làm tôi quên bớt phần nào mặc cảm bơ vơ của mình... Còn Thúy Hậu, cô hé đã đạt được ước mơ, ngày được thầy Trung ngỏ ý là ngày Thúy Hậu khóc thật nhiều trên vai tôi. Những giọt nước mắt vui mừng ấy đã làm ánh mắt Hậu trong veo :
- Hạnh ơi, thầy Trung nói thầy Trung yêu tao. Tao quýnh quá, tao mừng quá, nên tao khóc.
- Thầy Trung tỏ tình với mi khi mô rứa ?
- Dạo thầy gọi tao lên trả bài, hỏi thăm tại răng tao nghỉ, rồi từ đó thầy tới nhà tao hoài.
Tôi có vẻ không bằng lòng :
- Rứa mà mi giấu tao.
- Không phải tao giấu, nhưng tao thấy sự việc chưa đi đến mô hết. Chừ tao tìm mi để kể cho mi nghe đây nì, thấy chưa ?
Tôi nhìn thẳng vào mắt Thúy Hậu :
- Vui không Hậu ?
Thúy Hậu khép hờ đôi mi :
- Mi còn phải hỏi. Mi thử đặt mi vào địa vị của tao đi, khi được Chương tỏ tình...
Tôi bịt miệng nó :
- Chương chưa nói chi với tao hết.
- Răng cũng đến ngày đó, tao thấy mi và Chương xứng đôi vừa lứa lắm, Chương đẹp trai, mi đẹp gái.
Tôi lại nghĩ đến Chương, mơ màng :
- Hơn một năm rồi, từ ngày gặp lại Chương, tao cảm thấy tao mến Chương và Chương cũng mến tao lắm:
Thúy Hậu làm ra vẻ sành sỏi :
- Tao đoán là anh chàng đang đợi một dịp mô đó, thiệt thuận tiện, anh ta sẽ trải tâm hồn mình ra cho mi xem.
Thúy Hậu đã đoán đúng thật. Ngày tôi thi đậu Toàn phần là ngày Chương nói lên ước mơ thầm kín của anh :
- Hạnh, đời anh không thể thiếu Hạnh được.
Tôi cúi đầu mân mê tà áo. Vâng, anh là giọt sương mai và em là cánh hoa, đời em cũng không thể thiếu anh.
Chúng tôi đang ngồi dưới tàng cây trứng gà râm bóng, trên chiếc ghế đá tráng men hồng. Chương cầm lấy tay tôi :
- Răng Hạnh lại im lặng, Hạnh trả lời cho anh biết đi.
Tôi ngước lên nhìn Chương, ánh mắt anh ngọt ngào tha thiết, và xúc động quá tôi bật khóc. Chết chưa, tôi lại giống Thúy Hậu mất rồi.
Chương cuống lên :
- Kìa Hạnh, sao Hạnh lại khóc. Nếu Hạnh không bằng lòng, cho anh xin lỗi.
Tôi lắc đầu :
- Anh Chương, đừng hiểu lầm Hạnh. Khi mô Hạnh vui, khi mô Hạnh mừng, Hạnh thường hay khóc rứa.
Chương lấy mùi soa trong túi thấm nhè nhẹ lên má tôi :
- Hạnh đừng khóc. Hạnh làm anh cảm động, dám anh khóc theo lắm đó.
Tôi cắn môi, cố nín :
- Hạnh nín khóc rồi đây nì.
Chương nâng cằm tôi :
- Mắt Hạnh vẫn còn đỏ.
Tôi e thẹn gỡ tay Chương ra :
- Anh Chương đừng nhìn Hạnh nữa, Hạnh dị lắm.
Chương cất mùi soa vào túi :
- Hạnh nì, khi mô anh ra trường, tụi mình làm đám cưới nghe, ở nhà thờ lớn nghe.
Tôi đáp lí nhí :
- Dạ mô cũng được.
- Hạnh định học Dược phải không ?
- Dạ.
- Năm Hạnh tốt nghiệp cũng là năm anh ra trường. Hạnh có chờ anh nổi không ?
Tôi nhìn Chương trìu mến :
- Khi mô Hạnh cũng chờ anh được hết a. Trừ khi Hạnh chết.
Chương nhíu mày :
- Hạnh đừng nói dại miệng như rứa, anh không bằng lòng mô.
Tôi nói nhanh : .
- Hạnh xin lỗi anh.
- Hạnh nì.
- Gia đình anh sắp dọn vào Sài Gòn, Hạnh đã hay tin chưa ?
- Dạ, ba Hạnh có cho Hạnh biết, hình như anh đã nói cho ba Hạnh nghe rồi ?
Chương gật đầu :.
- Ừ, hôm qua lại nhà không gặp Hạnh, anh có tin cho bác trai biết.
- Nghe bác Nghè sắp vào, ba Hạnh mừng lắm. Hai ông bạn thân lại có dịp hàn huyên.
Chương cười :
- Hai ông sui gia chứ. Hạnh quên rồi sao ?
Tôi nghe lòng rộn rã niềm vui, lòng nhẹ nhàng phơi phới hơn cả lúc hay tin thi đậu. Quả các cụ ngày xưa nói không sai, tin tiểu đăng khoa làm sao vui bằng đại đăng khoa.
Chương 5
Ngày bác Nghè Tân lại nhà, ba tiếp đón niềm nở :
- Mời anh dùng một chút Whisky. Lâu quá mình mới gặp nhau.
Bác Nghè Tân có vẻ già hơn xưa nhiều.
- Tôi cũng mong gặp lại anh, cháu Chương cũng thường viết thư nhắc đến anh luôn. Hai cháu Diệu Sương, Diệu Hạnh mô rồi ?
Ba cất tiếng gọi tôi :
- Hạnh ơi !
Bác Nghè Tân chăm chú nhìn tôi :
- Cháu Hạnh lớn ghê, hèn chi tụi mình mau già là phải. Rứa chị Sương của cháu mô rồi ?
Tôi lễ phép :
- Dạ, chị của cháu đi lại nhà người bạn, chắc cũng sắp về.
Tôi trở vào bếp phụ giúp chị bếp làm cơm đãi bác Nghè Tân. Chị Sương đi chơi từ sáng sớm, giờ đã gần sáu giờ chiều vẫn không thấy tăm hơi. Hình như ba để mặc chị, công việc bận rộn đã làm ba quên đi thì giờ giáo huấn các con.
Tôi đang mở nắp lò ga ra xem gà quay đã chín chưa thì chị Sương từ nhà trên chạy xuống :
- A, a, Diệu Hạnh nhà mình trổ tài nấu ăn đãi ông già chồng hả ?
Tôi trừng mắt :
- Chị ni chi lạ ghê, nói nhỏ nhỏ chứ.
- Chà, bữa ni còn bày đặt la tui nữa.
- Ai mà dám la chị. Ba la chị thì có, chị đi mô từ sáng đến chừ rứa ?
Chị Sương không trả lời tôi :
- Hỏi ỏm mi. Tao báo tin mừng cho mi biết nì, tao mới quen với một kép, đẹp trai lắm.
Tôi mang gà ra đĩa, thản nhiên :
- Chị thì khi mô lại chẳng có tin mừng, chị thì khi mô lại chẳng có người tìm đến làm quen, bồ của chị còn đông hơn kiến.
Chị Sương nhăn mũi :
- Con ni xuyên tạc mi. Tao nói thật chớ bộ.
- Em có nói chị nói láo mô.
- Bộ mi không tin hả ?
- Tin chớ răng không, nhưng chị quen đông quá nên em thấy tin mừng của chị chẳng có chi lạ cả.
Chị Sương lại giúp tôi rửa rau xà lách :
- Nhưng chuyện ni đặc biệt lắm mi chắc là tao đã yêu thật rồi đó Hạnh.
Tôi nhún vai :
- Tình yêu đối với chị như thời trang.
Chị Sương thì thầm :
- Tao yêu thật mà, anh chàng dạy ở Trưng Vương, chắc mi biết.
Tòi buột miệng :
- Ai rứa ?
- Trung đó, Lê Nhữ Trung đó, anh chàng có dạy mi không ?
Tôi giật mình :
- Ơ, thầy Trung, thầy Trung dạy em Sử Địa.
Chị Sương gật đầu :
- Đúng đó. Mi thấy răng ? Anh chàng đẹp trai chứ ?
Tôi ngước nhìn chị Sương, giọng run run :
- Chị Sương, bộ thầy Trung là bồ của chị thiệt hả ?
Chị Sương giọng tin tưởng :
- Nói là bồ thì không đúng, mới quen thôi. Nhưng trước sau chi tao cũng câu được anh chàng cho mi coi.
Tôi nhìn thẳng vào mặt chị Sương :
- Chị Sương, chị có biết thầy Trung là ai không ?
- Con ni ngớ ngẩn, Trung là thầy giáo của mi chớ còn ai rứa, bộ thầy giáo rồi trở thành anh rể của mi không được hả ?
Tôi nhăn mặt :
- Không phải, em không có ý hỏi rứa. Em muốn nói là, thầy Trung có bồ rồi đó.
Chị Sương lại nhún vai :
- Chuyện đó đối với tao không thành vấn đề. Có vợ tao còn chưa ngán nữa là bồ.
Tôi lắc đầu ngao ngán :
- Thiệt chị chai còn hơn sắt đá. Nhưng em báo động cho chị biết...
Ba vừa bước xuống bếp :
- Thôi dọn cơm lên chớ, khách thì chờ, tụi bay thì mải lo nói chuyện.
Tôi sửa soạn mâm cơm đàng hoàng rồi báo chị bếp bưng lên. Chị Sương theo sau, tôi gọi giật :
- Chị Sương.
- Chi rứa mi. Thôi lên ăn cơm chứ, tao đói bụng lắm rồi đây nì.
- Em muốn nói với chị...
Chị Sướng khoát tay :
- Để tối rồi hay, chừ cho cái bao tử của tao đầy đã chứ. Tội nghiệp nó mà mi, trưa ni mới ních một tô phở, chừ tiêu hóa mất rồi.
Tôi không biết làm sao hơn là cùng lên nhà trên ngồi vào bàn ăn. Bác Nghè Tân hỏi chị Sương :
- Sương vẫn học cùng lớp với Chương chớ ?
Chị Sương đáp tỉnh :
- Dạ hai đứa đậu toàn phần một năm. Nhưng chừ thì Chương hơn cháu rồi, cháu thi mãi cái dự bị Văn khoa mà không đậu.
Bác Nghè Tân nhìn sang tôi :
- Còn Hạnh mới đậu toàn phần phải không, nghe Chương nói cháu đậu có mension nữa giỏi quá.
Ba cười sung sướng :
- Tôi định cho cháu Hạnh vào Dược anh nờ.
Bác Nghè gật đầu :
- Phải đó anh, con gái mà học ngành đó là hợp lắm.
Ba lại hỏi :
- Răng chiều ni không thấy cháu Chương cùng qua với anh ?
- Chiều ni nó bận thực tập nên về trễ, cháu nó có gửi lời xin lỗi anh.
Ba cười :
- Ôi xà, lỗi phải chi, con cháu trong nhà cả.
Chị Sương nhìn tôi nheo mắt. Tôi giả vờ không trông thấy, tiếp tục gắp thức ăn.
Đến tối, Chương ghé nhà đón bác Nghè về. Tôi đón anh trên thềm :
- Anh Chương đi học về tối hí.
Chương cười âu yếm nhìn tôi :
- Ba anh có nói chi không Hạnh ? Có hỏi chi nhiều về Hạnh không ?
Tôi cấu nhẹ vào bàn tay Chương :
- Anh chi lạ ghê, khoe Hạnh đậu mension làm chi cho bác Nghè khen mãi, làm Hạnh dị bắt chết.
Chương nói nhỏ vào tai tôi :
- Có người yêu học giỏi là một điều hãnh diện, Hạnh phải cho anh khoe chứ.
Tôi nói lảng :
- Thôi anh vô nhà chơi, bác Nghè đợi anh khi hồi đến chừ đó.
Trước khi ra về Chương bảo tôi :
- Chủ nhật anh đến đón Hạnh sang nhà anh chơi nghen.
- Dạ.
Ba hỏi bác Nghè :
- Thế khi mô chị mới vào hả anh ?
- Nhà tôi còn thu xếp công chuyện ngoài đó, chắc tháng sau mới vô được. Thôi tôi về, anh vào nghỉ cho khỏe, bác về nghe Hạnh.
- Dạ, bác về.
Tôi lên lầu gặp chị Sương gác chân lên ghế trước bàn học miệng huýt sáo bản "Love Story".
Tôi đến bên chị :
- Chị Sương nì, em van chị đó.
Chị Sương trợn mắt ngó tôi :
- Chi nữa đó cô nương ?
Tôi kéo ghế ngồi cạnh chị :
- Chị Sương nì, thầy Trung là bồ của con Thúy Hậu đó.
Chị Sương cầm cây viết gõ nhịp lên bàn :
- Bồ của Hà bá thiên lôi tao còn chưa ngán nữa chớ nói chi đến con Thúy Hậu.
- Nhưng Thúy Hậu là bạn thân của em, nó xem chị như chị của nó.
Chị Sương nói bướng :
- Con ni thúi, không lẽ nó coi tao như em nó.
- Em muốn nói, chị hãy nghĩ đến tình chị em mà đừng giao thiệp với thầy Trung nữa.
- A, con ni nói vô duyên chưa. Theo ý tao thì mi nên đi tìm con Thúy Hậu, rồi nói với nó rằng, anh chàng Trung đã lọt vào mắt xanh của chị Sương tao rồi, hãy ráng mà giữ.
Tôi nói như sắp khóc :
- Nếu sự việc xảy ra như rứa thì em không còn mặt mũi mô mà ngó con Thúy Hậu nữa.
Chị Sương không trả lời, đăm đăm nhìn lên trần nhà thản nhiên hát :
"Ngày đó có anh đi nhẹ vào hồn, và đêm theo trăng sao đến với lời thơ nuối... "
Tôi cố ngăn không cho giòng nước mắt trào ra, tội nghiệp Thúy Hậu quá. Đối với chị Sương, Thúy Hậu chỉ là con cừu non, làm sao cừu non có thể giữ nổi hạnh phúc mình khi có chú cáo già rắp tâm cướp lấy ? Chị Sương là cáo già, là chồn tinh, nhan sắc của chị là nhan sắc Thúy Kiều, hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh. Trong khi đó Thúy Hậu chỉ hiền lành dễ thương, sắc đẹp cô bé không tuyệt vời sáng chói như chị Sương, lời ăn tiếng nói của nó không lôi cuốn quyến rũ bằng chị Sương, nó chỉ biết cho thầy Trung một tấm lòng chân thật, một trái tim đầu đời chưa vướng bóng hình ảnh ai. Tôi thầm nghĩ, chắc chắn Thúy Hậu sẽ nếm trái chua cay nếu thầy Trung không hết lòng yêu nó, nếu thầy Trung cũng chỉ chuộng nhan sắc bên ngoài. Đối với tôi, chị Sương là cánh hồng nhung rực rỡ, mà Thúy Hậu chỉ là đóa Tường Vi khiêm tốn bên đường, không biết rồi đây, thầy Trung sẽ chọn ai.
Chị Sương hát sang bài khác : “thiên thai, ánh trăng xanh mơ tan thành suối trần gian, ái ân thiên tiên, em ngờ phút mê cùng có một lần..."
Tôi bực mình đập vào tay chị Sương :
- Chị Sương, chị suy nghĩ kỹ lại đi.
Chị sương cau mày :
- Con ni phá ghê a. Tao hát không cho hát, tao nghỉ không cho nghỉ răng mi chướng rứa ?
Tôi xịu mặt :
- Chướng chi mô, ai biểu chị không trả lời em chi.
- Mi nói dai như giẻ rách, nghe bắt chán.
Tôi lại tiếp tục van nài :
- Chị Sương, em van chị, chi đừng cua thầy Trung nghe.
Chị Sương lại kêu lên :
- Ơ hay, con ni lạ lùng, con ni điên loạn, bộ Trung là. bồ của mi hay răng mà mi quay quắt như đuôi thằn lằn chấm vôi rứa.
- Chị nói tầm bậy đi.
- Ai bảo mi nói bậy trước.
- Em nói rứa mà bậy à ?
- Thôi không thèm nói chuyện với mi nữa.
Chị Sương bỏ đi xuống lầu :
- Tao ra vườn hóng mát, đừng có đi theo báo đời đó.
Tôi gục đầu xuống bàn viết, chán nản lạ lùng.
° ° °
Sáng chủ nhật, Chương đưa tôi đi lễ, xong hai đứa về nhà anh. Chương dẫn tôi vào phòng khách ;
- Hạnh ngồi đây nghe, để anh đi lấy nước.
Tôi dựa người vào thành ghế, quan sát chung quanh. Nhà mới của Chương không rộng lắm nhưng có gác. Một chiếc cửa thông vào phòng trong và gian cuối là nhà bếp, đoán thế vì tôi thoáng nghe tiếng chén bát chạm nhau rất gần. Chương mang hai ly nước ngọt :
- Nhà vừa có người làm đó Hạnh. Hạnh có nghe mùi xào nấu không ? Trưa nay ở lại ăn cơm với anh nhé.
Tôi hỏi Chương : .
- Kể ra bác Nghè cũng tài ghê, dạo ni, kiếm người giúp việc khó lắm.
- Ông chú của anh giới thiệu đó Hạnh, ông ở tận Hạnh Thông Tây lận. Hạnh ngồi đây chơi một chút, chi cũng gặp chú anh. Ông hẹn sáng chủ nhật ni lên thăm ba và anh đó.
Chương nói chữ ba trống không thay vì ba anh như từ lâu anh thường nói làm tôi ngượng đến không dám nhìn anh.
Chương ngồi xuống cạnh tôi, nâng niu bàn tay nhỏ :
- Hạnh ơi, anh đã nói chuyện tụi mình cho ba nghe rồi.
Tôi giật nẩy mình :
- Ơ… ơ… anh nói chi mà mau rứa.
Chương nhìn sâu vào mắt tôi :
- Phải nói cho ba biết chứ chuyện của tụi mình trong sạch mà, sợ chi.
Tôi ấp úng :
- Hạnh... Hạnh dị.
- Dị chi mà dị. Hạnh phải tập tính dạn dĩ cho quen chớ.
- Đôi lúc… đôi lúc Hạnh cũng muốn dạn như chị Sương rứa nhưng không được.
Chương bưng ly nước ngọt đưa cho tôi :
- Anh nói rứa chớ mỗi người một tánh, Hạnh đừng nên bắt chước chị Sương.
Có tiếng xe tắt máy ngoài cửa, tôi quay ra nhìn, bác Nghè Tân đi vào cùng người khách lạ. Tôi đứng dậy chào. Bác Nghè vui vẻ :
- Cháu Hạnh sang chơi đó à.
Rồi bác nhìn Chương :
- Ba đi phố về thì vừa gặp chú Toàn trên xe bước xuống, thiệt may.
Chương giới thiệu với tôi :
- Đây là chú Toàn, chú ruột của anh. Còn thưa chú, đây là Diệu Hạnh, cô bạn thân của cháu.
Bác Nghè nói với người đàn ông :
- Cháu Hạnh con anh Chước mà tôi đã nói chuyện với chú đó.
Chú Toàn nhìn tôi đăm đăm :
- Hạnh, ý trung nhân của Chương đây phải không ?
Chương cười, Chương dạ trong khi tôi đỏ mặt cúi đầu. Chi lạ ghê, chuyện chưa đi tới đâu mà ai cũng biết cả. Ghét Chương ghê, cứ bép xép cái miệng. Bác Nghè khen :
- Cháu Hạnh thiệt thà hiền lành lắm chú nờ.
Chú Toàn không trả lời, nói chuyện khác :
- Anh Chước chừ ở mô ?
- Ở Sài Gòn, đường Nguyễn Du, dạo ni anh ấy ăn nên làm ra lắm.
Chú Toàn gật đầu :
- Chắc chắn là phải vậy.
Tôi cảm thấy khó chịu, hình như chú Toàn có vẻ không ưa ba. Tôi đứng lên :
- Thưa hai bác, cho cháu về.
Chương ngăn :
- Ơ kìa Hạnh ở lại ăn cơm mà.
Tôi lắc đầu :
- Hạnh chưa xin phép nơi, sợ ba đợi.
Chương cũng đứng đậy :
- Anh đưa Hạnh về xin phép bác trai rồi trở lại dùng cơm với anh hí.
Tôi từ chối :
- Thôi, anh cho Hạnh khi khác, Hạnh hơi nhức đầu.
Bác Nghè và chú Toàn cùng nhìn tôi :
- Cháu Hạnh trở lại dùng cơm cho vui.
Tôi với tay cầm chiếc xắc :
- Dạ xin lỗi hai bác, cháu phải về kẻo ở nhà trông.
Chương theo tôi :
- Để anh đưa Hạnh về.
Tôi lắc đầu :
- Thôi anh vào nói chuyện với bác Toàn đi, Hạnh về ta xi cũng được.
- Bậy nờ, để anh đưa về.
Trên đường về tôi im lặng không nói một câu. Chương ngạc nhiên :
- Hạnh, răng tự nhiên Hạnh buồn rứa ?
Tôi đáp nhỏ :
- Dạ không, Hạnh hơi mệt trong người.
Giọng Chương lo lắng :
- Sau thời gian học thi, Hạnh ốm hẳn xuống. Hạnh cần phải tẩm bổ nhiều mới lại sức được.
- Mấy hộp thuốc bổ anh đưa, Hạnh dùng vẫn chưa hết.
- Hạnh nhớ uống thường xuyên nghe.
Xe đến nhà, tôi bước xuống. Chương lách cổng vào theo :
- Anh đưa Hạnh vào.
Tôi ngăn :
- Thôi anh về kẻo khách đợi, khi khác hãy sang thăm Hạnh.
Chương nhìn tôi :
- Hạnh sáng ni có cử chỉ lạ ghê.
- Dạ có chi mô.
Tôi cúi cầu đi nhanh vào nhà. Phòng khách chả có ai, ba và chị Sương lại đi vắng. Tôi ngã người xuống nệm ghế, hình ảnh người đàn ông đó hiện hữu trước mặt tôi rõ rệt hơn bao giờ hết. Chú Toàn là ai mà có ác cảm với ba dữ vậy ? Chú Toàn là ai mà ánh mắt nhìn làm tôi lo sợ bâng quơ ? Ba đã làm gì để chú Toàn nhìn tôi bằng đôi mắt không chút cảm tình ? Chú Toàn là em ruột bác Nghè Tân, một nhân vật hoàn toàn xa lạ đối với gia đình tôi, làm sao chú lại biết rõ việc làm bí mật của ba được ? Tôi nghĩ đến chữ bí mật là vì chính tôi đứa con gái cùng trong gia đình vẫn hoàn toàn mù tịt trước câu hỏi mà vô tình một kẻ lạ đã nêu lên : "Tại sao ba lại trở nên giàu có ?” Tôi không trả lời được nhưng thành thật mà nói, tôi đã thấy rõ sự kiện. Chú Toàn nhận xét không hẳn sai. Trước kia, gia đình tôi không nghèo nhưng cũng chẳng giàu có hơn ai, chỉ đủ ăn và dành dụm được chút ít. Nhưng sau khi chôn cất mẹ xong, ba bán rẻ gian nhà cũ rồi đem hai đứa con vào Sài Gòn lập nghiệp. Sau gần một tháng tạm trú nơi nhà người bạn, chúng tôi dọn về đây, ngôi biệt thự lộng lẫy tọa lạc trên đường Nguyễn Du, giữa một ngôi vườn rộng có cây ăn trái xanh tươi và nhiều khóm hoa đủ sắc đủ hương. Rồi ba đầu tư vào nhiều cơ sở kinh doanh, đời sống chị em tôi thoải mái từ đó và chị Sương... có lẽ cuộc sống dư dả nhàn hạ quá đã khiến chị đua đòi theo thời trang và dần dần mất hẳn nét đẹp kín đáo của người con gái Huế.
Bác làm vườn nhìn vào cửa sổ gọi tôi :
- Cô Hạnh, có cô Hậu tới thăm.
Tôi ngồi bật dậy, Thúy Hậu đã vào tới, thẫn thờ ngồi xuống bên tôi :
- Mi định đi mô mà mặc áo dài rứa ?
Tôi uể oải :
- Không, tao mới đi lễ về. Mi tới thăm hay định rủ tao đi mô đây, nói cho tao sửa soạn.
Thúy Hậu lắc đầu :
- Không đi mô hết, tao đến chơi với mi.
Tôi nhìn kỹ Thúy Hậu :
- Thúy Hậu, răng cái mặt mi ngó rầu đời rứa ?
Thúy Hậu không đáp, cúi mặt thở dài.
Tôi vuốt vai nó :
- Có chuyện chi rứa, nói cho tao nghe đi.
Thúy Hậu rơm rớm nước mắt :
- Chán đời quá mi ơi, tao muốn chết quách cho rồi...
Tôi ngắt lời :
- Nói bậy nờ, chuyện chi mà đến nỗi phải rứa lận ?
Thúy Hậu ngả người vào thành ghế :
- Tình yêu hết là tao chết
Tôi run giọng : .
- Tình yêu hết ? Bộ thầy Trung với mi…
Những giọt nước mắt lăn dài, Thúy Hậu mím môi :
- Cả tuần ni Trung không qua không lại, cả tuần ni Trung cố tránh mặt tao.
Tôi sực nhớ đến câu chuyện chị Sương vừa nói cách đây ba ngày, trái tim đập mạnh :
- Chắc là... chắc là thầy Trung bận việc chi đó.
Rồi tôi gượng cười bảo Thúy Hậu :
- Mới có một tuần mà mi làm chi quýnh rứa ?
Thúy Hậu nghẹn lời :
- Ngày mô tụi tao cũng gặp nhau hết, chừ cả tuần rồi, mi biểu không lo răng được.
Tôi cố làm cho Thúy Hậu vui :
- Nhất nhật bất kiến thiên thu sầu hả ?
Thúy Hậu nhắm mắt :
- Thôi mi đừng giỡn nữa tao đang muốn chết đây nì.
Tôi nghiêm giọng :
- Nói chơi cho vui rứa, chớ hơi mô mà mi lo, tao chắc chắn là thầy Trung bận đi mô bất ngờ đó.
- Đi mô thì cũng phải tin cho tao biết chớ.
Tôi cười :
- Chưa chi mà mi có vẻ Hoạn Thư quá không lẽ phải đi thưa về trình mi răng.
Thúy Hậu không nói nữa cô bé đến bên cửa sổ nhìn ra đường, bỗng cô bé kêu lên :
- Ơ, ơ Hạnh ơi, Trung... Trung vô nhà mi.
Tôi cũng hoảng hốt đứng dậy :
- Ẩu mi, thầy Trung tới đây mà làm chi ?
- Thiệt mà.
Thầy Trung đã vào đến trong sân, tiếng sỏi reo lao xao dưới gót. Thầy bước lên thềm :
- Diệu Hạnh.
Tôi lễ phép cúi đầu :
- Dạ mời thầy vào nhà chơi.
Thúy Hậu hiện ra với nụ cười tươi :
- Anh Trung. Răng lâu quá anh không lại nhà em ?
Nét mặt Trung bối rối rõ ràng, nhưng anh chàng cố làm tỉnh :
- Anh vừa đến nhà đây nè, nghe mấy đứa nhỏ bảo em lại nhà Diệu Hạnh, nên anh đi tìm đây.
Thúy Hậu sung sướng :
- Rứa à ? Cả tuần ni em trông anh dễ sợ.
Tôi mời hai người ngồi nói chuyện rồi vào nhà trong lấy nước. Trung đáng sợ thật, nhìn nét bối rối của Trung khi gặp Thúy Hậu, tôi biết rõ ràng là anh chàng đang rắp tâm phụ bạc cô bạn của tôi rồi.Trung lại nhà tôi thăm chị Diệu Sương, chớ sức mấy mà tìm Thúy Hậu. Thúy Hậu ngây thơ, cả tin, chứ còn tôi đứng ngoài cuộc, tôi biết rõ ràng hơn ai hết. Suốt tuần nay Trung đi chơi với chị Sương trên chiếc Toyota của ba, điều tôi khinh thường Trung hơn cả là anh chàng biết tôi là em của chị Sương, bạn thân của Thúy Hậu, thế mà anh chàng vẫn bắt bồ với chị Sương và tiếp tục lừa dối bạn tôi như thường. Quả là anh chàng xem mình chẳng có kí lô nào. Bằng chứng là anh chàng lừa Thúy Hậu ngay trước mặt tôi, may mà tôi chưa nói chuyện chị Sương và Trung cho Hậu biết. Trời ơi, không lẽ tình bạn giữa tôi và Thúy Hậu lại nứt rạn vì một chuyện lừa lọc đáng khinh sao ?
Chị Sương đi vắng, đó là một điều hay, Trung ngồi một lát rồi kiếu từ. Thúy Hậu về theo :
- Anh Trung đưa Hậu về rồi chiều mình lại gặp nhau chớ ?
- Chưa chắc đâu Thúy Hậu, có lẽ chiều nay anh phải đi Lái Thiêu.
Tôi không dám nhìn vào mặt Thúy Hậu khi nhớ đến lời nói của chị Sương hồi sáng :
- Chiều ni tao đi Biên Hòa ăn đầu cá lóc với Trung. Mi đi không ?
Thúy Hậu ơi, mi đã bị loại trước sắc đẹp của chị Sương rồi. Nhưng tội nghiệp chưa, Thúy Hậu vẫn không hay biết gì cả.
- Vậy khi mô rảnh, anh tới thăm Hậu hí.
Trung ừ rồi bước nhanh ra cửa. Tôi nhìn Thúy Hậu tung tăng bước theo và chợt thấy lòng mình ghét cay ghét đắng thầy Trung.
Chương 6
Cả tuần nay không thấy bác Nghè Tân lại chơi, Chương thì tới nhưng nét mặt anh buồn lắm. Tôi cố gạn hỏi nhưng Chương chỉ nói :
- Rồi trước sau chi Hạnh cũng biết.
- Hạnh lo quá, có chuyện chi không anh ?
Chương lại nói :
- Rồi Hạnh sẽ biết.
Và tôi đã biết rõ sự thật sau khi nhận được lá thư Chương :
Hạnh yêu quý,
Anh đau lòng lắm, anh khổ sở lắm, khi gởi những giòng chữ này đến cho Hạnh. Đã bao lần lại nhà, bao lần anh muốn nói nhưng khi nhìn thấy đôi mắt tin tưởng của Hạnh nhìn anh, gương mặt ngây thơ trong sáng của Hạnh hướng về anh, anh mất hết can đảm. Nhưng phải nói, không thể kéo dài nỗi thắc mắc trong lòng Hạnh, không thể làm cho Hạnh lo buồn lâu hơn nữa, anh đành viết thư dù chúng mình đang gần nhau, nhưng anh không thể nói thẳng cho Hạnh biết được, vì như trên anh đã nói, anh không đủ can đảm.
Hạnh ơi, cái tương lai mình đã vạch ra đó, viễn ảnh đầy màu sắc huy hoàng đó, chúng ta không thể nắm tay nhau đi tới được. Chắc Hạnh đã đoán được là anh muốn nói gì ? Ba anh đã đổi ý, ông không chấp nhận cuộc hôn nhân giữa chúng ta. Chính chú Toàn đã nói cho ba anh biết khi hay tin anh định đi đến hôn nhân với Hạnh. Anh thuộc nằm lòng cuộc đối thoại giữa ba anh và chú Toàn sau khi ra về sáng chủ nhật hôm đó.
- Anh định kết sui gia với anh Chước thật à ?
- Ừ, thì thấy tụi nó thương nhau, vả lại con Hạnh cùng nết na lắm.
- Anh không biết gì cả sao ?
- Biết chi ?
- Con người của anh Chước ?
- Tôi và anh Chước quen nhau từ thuở hàn vi, anh ấy đôn hậu lắm.
- Điều đó tôi biết, nhưng tôi muốn nói, con người anh Chước sau này kia.
- À, chuyện đó thì không. Chú cũng biết là tôi vào Nha Trang đã lâu lắm rồi.
- Đáng lẽ tôi không vạch trần hành động của anh Chước ra làm chi, chuyện đã qua cho nó qua đi, nhưng khi hay tin cháu Chương thương yêu con gái của anh Chước, tôi sẽ nói hết cho anh nghe.
- Chú nói đi, tôi nóng ruột lắm rồi.
- Anh có biết ai đã chỉ điểm cho anh Năng bị bắt không ?
- Không lẽ anh Chước ?
- Trước đó, anh Năng. và anh Chước có tranh giành một vụ đấu thầu gì đó và anh Năng đã thắng. Tôi biết rõ vụ chuyện này, anh Chước chơi trò ma gíao nhưng vẫn không hơn nổi anh Năng. Cho nên sau khi thắng, anh Năng có nói cho mọi người nghe hành động mờ ám của anh Chước làm cho anh ta mất mặt trước đám đông, nên anh ta để tâm thù anh Năng.
- Sao chú biết anh Chước điểm chỉ cậu Năng ?
- Dạo đó tôi ở cạnh nhà anh Năng, tôi thấy rõ anh Chước đang dẫn người ta đến nhà anh Năng.
- Rồi răng nữa ?
- Sau vụ đó, người ta cho anh Chước thật nhiều tiền. Ngoài ra tôi còn biết những hành động đốn mạt khác của anh âý nữa...
- Răng chú biết rành quá chứ ?
- Tôi mà anh, thổ công xứ Huế mà, chuyện chi mà qua mặt nổi tôi.
- Răng chú giấu biệt vụ cậu Năng, đến chừ mới nói.
- Nói làm răng cho chị thêm buồn hả anh. Tôi biết gia đình hai bên thân nhau lắm, nhưng kết sui gia thì tôi hoàn toàn phản đối. Con gái nhờ đức cha mà anh Chước thì thất đức qúa.
Hạnh, cậu Năng là em ruột của mẹ anh, cậu ruột của anh. Ba mẹ anh làm sao mà kết sui gia được với một kẻ đã gián tiếp giết em mình. Ba Hạnh vào nhà thiên hạ lấy vàng, lấy bạc ? Điều đó ba anh có thể chấp nhận bỏ qua được. Nhưng việc để người ta giết cậu ruột của anh, thì không. Ba anh bảo với anh như vậy, anh đành cúi đầu vâng theo dù anh vẫn yêu thương Hạnh vô cùng Hạnh ơi. Không cưới được Hạnh, anh sẽ sống độc thân. Hạnh ơi, suốt đời anh vẫn yêu Hạnh.
Chương”.
Tôi gục đầu vào gối, mặc cho những dòng lệ nóng tuôn trào. Thôi hết rồi, tình đầu vỡ cho tuổi vàng vụt mất, đúng như Thúy Hậu bảo, tình yêu hết là đời mình tàn theo luôn. Đời tôi không thể thiếu Chương, nhưng từ đây tôi đã mất Chương thật rồi. Vui vẻ gì đây mà học, sung sướng gì đây mà tính chuyện tương lai. Mai này tôi sẽ là nàng dược sĩ cô đơn, sầu não, ba sẽ bỏ tiền rừng bạc bể ra để mở nhà thuốc tây thật lớn, mua cho tôi một ông chồng đẹp trai học giỏi và tôi sẽ dần quên Chương. Không, không bao giờ tôi quên được Chương, không bao giờ em quên được anh cùng những kỷ niệm ấu thơ đã mọc rễ trong hồn. Tôi thiếp dần trong dằn vặt đớn đau cho đến khi bàn tay ba lay tôi dậy :
- Diệu Hạnh.
Tôi hoảng hốt giật lá thư trên tay ba. Ba nói thật nhỏ :
- Xin lỗi con, ba đã đọc hết lá thư đó.
Tôi vùng dậy ôm chầm lấy ba, gục đầu vào vai ba khóc nức nở. Ba vuốt tóc tôi nhè nhẹ :
- Hạnh ơi, con có khinh ba không ?
Tôi víu tay vào ngực ba :
- Ba ơi, đó là sự thật hả ba ?
Ba không trả lời, ba lại hỏi :
- Hạnh ơi, con có ghét ba không ? Tôi lắc đầu, tôi khóc, rồi lại lắc đầu.
Ba nghẹn ngào :
- Ba thất đức quá, vì ba mà mẹ con chết, vì ba mà Diệu Sương hư hỏng. Vì ba mà tình yêu của con nát tan.
Tôi chùi nước mắt :
- Ba, định mệnh đã an bài như rứa, con không hề dám khinh dám giận ba mô.
- Hạnh ơi, con có buồn không ?
Tôi cười héo hắt :
- Con đau đớn lắm ba, nhưng ba hãy vui sống và quên tất cả chuyện cũ đi. Đừng lo cho con, nỗi buồn nào rồi cũng có lúc nguôi.
Tôi đứng dậy :
- Ba đi nghỉ đi, con sang phòng tắm.
Tôi đi thật nhanh, không dám nhìn vào đôi mắt não nuột của ba...
Sau khi gửi thư cho tôi, thỉnh thoảng Chương vẫn đến nhà chơi nhưng tôi thì tìm cách lẩn trốn anh. Gặp lại làm chi cho thêm đau lòng, mỗi lần Chương đến là tôi ở dí trên lầu, không ơi không hỡi dù chị Sương kêu gọi nhiều lần. Chị Sương vẫn không hay biết chuyện gì đã xảy ra, chị cứ ngỡ chúng tôi giận nhau nên cứ trêu hoài :
- Thôi mà, một sự nhịn chín sự lành, hờn dỗi nhau làm chi.
Tôi đã buồn, mà mỗi lần gặp Thúy Hậu, tôi lại càng thấy rầu đời thêm. Trung đã hoàn toàn xa lánh Thúy Hậu và giao du thân thiện với chị Sương. Thúy Hậu cũng phong phanh biết chuyện đó, nhiều lần nó hỏi tôi nhưng tôi gạt đi, tôi nói dối rằng chị Sương và Trung chỉ xem nhau như bạn. Nỗi buồn trong tim Thúy Hậu đã làm cho nét mặt cô bé úa sầu đến thảm hại, nhưng Hậu không dám than thở trước mặt tôi, vì Hậu biết, tôi cũng đang buồn vì ước mơ đã vỡ, nên mỗi lần hai đứa gặp nhau, chỉ nhìn nhau và ngậm ngùi cho nhau mà thôi. Thúy Hậu thường nói;
- Mi vẫn còn được an ủi hơn tao, Chương vẫn còn thương mi chớ còn giữa Trung và tao, hết rồi.
Sáng nay, chị Sương sửa soạn đi Đà Lạt chơi. Tôi còn ngái ngủ, nằm dài trên giường nhìn chị :
- Chị đi bằng xe ba hả ? Coi chừng xe hư đó.
Chị Sương bĩu môi :
- Dẹp cái miệng hà tiện của mi sang một bên. Cái chi cũng sợ hư, cái chi cũng kêu uổng. Yên chí đi, ta đi xe hàng với giáo sư của mi.
Tôi giật mình :
- Chị Sương, chị ẩu quá, ai lại đi chơi Đà Lạt với đàn ông bao giờ.
Chị Sương nhét cái áo len vào sắc :
- Cù lần mà cũng đòi dạy khôn, mi tưởng tao ngu lắm hả ? Có đàng hoàng tao mới chơi chớ, xớn xác là tao bạt tai liền.
- Chị lên đó rồi ở mô ?
- Chán chi nhà người quen, bạn tụi tao trên đó hàng tá. Thôi mi hỏi chi mà hỏi hoài rứa ? Ngủ đi, tao lên Đà Lạt mua dâu về cho ăn.
- Chị nhớ mua cho em mứt mận nữa nghe.
- Ừ, mua cho mi vài kí lô ăn chết luôn.
Chị Sương xách xắc bước đi, tôi gọi :
- Tắt dùm em cây đèn đi.
Chị Sương trở lại vén mùng nhìn sát mặt tôi :
- Tao đi nghe.
Gương mặt chị Sương thật tươi, thật đẹp và đó là hình ảnh cuối cùng mà tôi thấy chị sau khi chị bước chân ra khỏi nhà và vĩnh viễn đi luôn. Chuyến xe đò Sài Gòn- Đà Lạt trong đó có chị Sương và thầy Trung đã lăn xuống đèo Blao và bốc cháy, hành khách chẳng còn một ai sống sót.
Tôi run lẩy bẩy khi nhìn chiếc quan tài đựng xác chị Sương được mang về nhà ngay tối hôm đó. Ba ôm đầu lảo đảo buông mình xuống ghế và chị bếp khóc òa lên :
- Cô Sương ơi là cô Sương ơi ! Cô chết chi mà chết tức chết tối, chết khổ chết sở, chết giữa đường giữa sá rứa cô ơi là cô ơi !
Ba đập tay vào ngực rầm rầm :
- Vì ba, vì ba con ơi, Sương ơi, vì ba ăn ở bất nhơn nên con mới chết oan chết uổng như rứa.
Cả nhà tôi biến thành địa ngục. Mặc cho bà con láng giềng đến lăng xăng dọn dẹp, mặc cho ba đầu bù tóc rối dáng người rũ rượi như cành lá khô gục xuống bên cỗ quan tài, tôi thẫn thờ đến bên canapé ngồi vật xuống và ngất đi.
Đám tang chị Sương đã được đưa vào buổi chiều, trời có nhiêu mây. Tôi là người duy nhất chít vành khăn tang trắng, chậm rãi bước theo xe tang có hai con ngựa đen kéo, trên lưng phủ tấm vải màu đen. Chương cũng có mặt, anh đeo cà vạt đen, áo sơ mi trắng và đi chầm chậm sau !ưng tôi. Thúy Hậu cũng đến chia buồn, gương mặt của nó thê thảm vô cùng.
- Đưa chị Sương xong, ngày mai tao lại đưa Trung đến nghĩa trang.
Tôi rùng mình. Chị Sương chết thật rồi ư ? Mới cách đây ba ngày, chị còn tươi như hoa hàm tiếu, chị còn dệt nhiều mộng ước thật cao vời.... Chị mới bảo với tôi rằng, chắc tao học hết vô rồi Hạnh ơi, tao định xin ba tiền mua một mảnh đất ở Đà Lạt, cất cái nhà bằng gỗ và trồng hoa xung quanh, tao khoái hoa cosmos và hồng vàng quá đi mi, nhất định phải trồng hai loại hoa này. Tôi hỏi bộ chị định tu hả? Chị Sương cười : tu chi mà tu, thỉnh thoảng tao vẫn về Sài Gòn ăn chơi chứ. Mi đoán tao định xoay nghề chi mà khi không lại muốn ở nơi cô quạnh rứa? Tôi lắc đầu. Chị Sương chê tôi, mi dở lắm, tao định viết văn đó mi coi có được không? Giấc mộng văn sĩ của chị Sương đã trôi theo giòng nước, đã theo chị tan dần vào thế giới bên kia. Chị Sương ơi, em chưa trả lời chị mà, chị làm văn sĩ được lắm chớ, văn sĩ đâu cần bằng cấp, văn sĩ đâu có giàu sang, chỉ cần có tâm hồn là mình có thể viết nên những tác phẩm để đời. Chị Sương được an táng ở nghĩa trang, lớp đất cuối cùng vừa lấp lên, thôi xin từ giã một kiếp người.
 5 tháng 4 năm 1973
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hội nhập văn chương nhìn từ hiện tượng Hồ Anh Thái Việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, theo Hồ Anh Thái, “không chỉ ...