Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Như nắng xuân phai 3

Như nắng xuân phai 3

Chương 7
Tôi thi vào Dược rớt, đành ghi danh Văn khoa. Tôi đang bước theo chân của chị Sương, không biết đời tôi rồi đây có chấm dứt ngắn ngủi như phần số của chị Sương không? Thúy Hậu đã ngưng học và theo người chị vừa lấy chồng lên Phú Bổn. Trong một lá thư gửi về, Hậu báo tin cho tôi biết là nó vừa xin được một chân giáo sư dạy giờ ở một trường tư thục nọ. Chừ thì nó cũng an phận, thôi từ giã bạn bè những ngày hoa bướm cũ, nó nói với tôi như vậy, lời lẽ hết sức chán chường. Tôi thì cũng vậy nào có khác gì đâu. Ngày hai buổi đến trường, giảng đường rộng thênh thang càng khơi niềm nhớ, tôi lẻ loi cô độc như con ốc sên cuộn mình trong vỏ không một người bạn thân, không một người chia sớt nỗi buồn vui. Chương thưa lui tới và vắng luôn, tất cả tại tôi, tại tôi không muốn tiếp anh, thôi gặp nhau nữa làm chi cho thêm ngậm ngùi.
Sau cái chết của chị Sương, ba uống rượu thật là nhiều, con người dật dờ như mê man suốt ngày. Tôi ngăn nhưng ba nói:
- Để cho ba say, cho ba quên hết cuộc đời vô vị này, những người thân lần lượt bỏ ba mà đi.
Rồi ba ôm mặt khóc:
- Chúa ơi, xin Chúa cứu rỗi linh hồn con.
Ba bỏ bê hẳn công việc, nằm trong phòng cả ngày, mặc cho nhân viên trong hãng đến tìm, mặc cho các bạn đồng nghiệp tới thăm. Ba đóng chặt cửa phòng, không ăn không uống, tôi có khóc lóc nài nỉ lắm, ba mới uể ỏai ngồi dậy ăn một chén cơm, vừa nhai vừa khóc :
- Hạnh ơi ba ân hận lắm, ba khổ quá con ơi.
Tôi sống cô đơn trong nhà rộng, âm thầm như một chiếc bóng. Hàng tuần, mỗi chủ nhật tôi vào nhà nguyện, quỳ dưới chân Chúa ăn năn tội lỗi. Dù đó là tội của ba nhưng tôi là con, tôi phải có bổn phận gánh bớt lỗi lầm của cha mẹ nếu có thể, tôi nghĩ thế. Sau buổi nguyện cầu, tôi mua hoa huệ vào nghĩa trang thăm chị Sương. Ngôi mộ chị Sương đã được xây bằng đá hoa trắng, tấm hình màu của chị cũng được rọi lớn đúc vào bia tráng men xanh. Ngôi nhà ước mơ của chị đó chị Sương, em đã kiếm hồng vàng Đà Lạt và hoa cosmos trồng quanh nhà chị nhưng đất Sài Gòn không hạp và thời tiết Sài Gòn quá nóng nên hoa úa dần rồi tàn héo. Làm sao mà cứu nổi một đời hoa phải không chị ? Cũng như ai mà biết trước được chị Sương xinh đẹp của trường Văn khoa, chị Sương lộng lẫy của muôn ánh đèn màu dạ vũ, bây giờ nằm đây làm bạn với dế giun? Em đành kiếm hoa Tị Ngọ trồng quanh mộ chị, loài hữu sắc vô hương thường dễ trồng, dễ kiếm, cũng như em, em không có nhan sắc tuyệt vời nên không được chết như chị, thảnh thơi đi về thế giới bên kia tâm trí an nhàn không vướng chút sầu lo.
Bất hạnh lại dồn dập phủ xuống đời tôi. Ngày bác sĩ báo cho biết ba bị bệnh ung thư bao tử, cũng là ngày tôi thi rớt dự bị Văn khoa. Ba vào Grall chữa bệnh, tôi xếp hết sách vở dồn vào một xó, quyết bỏ thi kỳ hai và bỏ học luôn.
Rồi y học đành bó tay trước tử thần, ba đã kiệt sức sau một lần giải phẫu cam go. Ngày xe chở ba về nhà, tôi ngất đi trong tay một nhân viên nhà thương.
Ba mê sảng từ đó, ba mở mắt nhưng chẳng nhận ra người quen, kể cả tôi. Ba la hét luôn mồm:
- Kìa, kìa, quỷ Sa tan đến bắt tôi. Lạy Chúa, cứu con với.
- Trời ơi, nóng quá, lửa địa ngục đang nung đốt linh hồn tôi. Anh Năng, anh Năng đừng nhìn tôi bằng cặp mắt kinh khiếp rứa, tôi hối hận lắm rồi, xin anh tha thứ cho tôi.
Tôi gục mặt xuống giường ba, vuốt ve bàn tay gầy guộc. Những người bạn thân của ba có mặt trong giờ lâm chung đều ứa nước mắt nhìn tôi:
- Tội nghiệp cháu Diệu Hạnh.
Rồi ba bớt kêu la, ba nói nhỏ nhỏ dần... ba gọi tên me, tên chị Sương trong tiếng kinh cầu nguyện của mọi người túc trực quanh giường :
- Diệu Hoa ơi, Diệu Sương ơi.
Ba xuôi hẳn đôi tay.
Tôi lại ngất xỉu. Còn nỗi đau đớn nào hơn. Còn có ai trên đời này là ruột thịt thân yêu? Còn có ai trên đời này săn sóc dạy dỗ? Mẹ đi rồi, chị Sương đi rồi, giờ đến lượt ba bỏ tôi mà đi. Tôi hết nước mắt rồi, tôi khô hơi gào thét, cạn nguồn sinh lực mất rồi. Tôi không làm gì được nữa, tay tê chân bại và đầu óc xáo trộn điên cuồng. Tôi ngồi trong góc nhà, đưa mắt lơ láo nhìn người ta lăng xăng chạy lui chạy tới lo dựng rạp ngoài sân cho người quen đến phúng điếu, chia buồn và ngồi uống nước dăm ba phút rồi ra về, thế là xong bổn phận, thế là đã đủ tình với người chết. Bức ảnh ba rọi lớn để trên quan tài ánh nến sáng lung linh, đôi mắt ba thản nhiên nhìn mọi người nụ cười thật dịu. Ba ơi cho con theo với, mẹ ơi, chị Sương ơi. Những kẻ buộc tội ba tôi đâu rồi? Bác Nghè Tân, chú Toàn và cả Chương yêu quý nữa. Họ đã bỏ tôi rồi, họ đã lẩn trốn tôi như lánh xa loài quỷ dữ. Chương ơi, phải chăng vì vậy mà anh hết thương em?
Vú Xuân, mẹ đỡ đầu của tôi từ Đà Nẵng vào kịp ngày đưa đám ba. Tôi ôm lấy vú mà khóc, lả người vào vòng tay của vú như cành cây hết nhựa.
- Vú ơi, đời con bất hạnh quá.
Bàn tay vú Xuân hiền lành vuốt tóc tôi:
- Đừng buồn nữa con.
Buổi chiều đưa đám ba về, tôi ngủ vùi trong tay vú, tôi mơ thấy me, mơ thấy chị Sương và cả ba nữa, đang dang tay vẫy chào tôi.
- Cho con theo với. - Tôi chồm dậy, tôi nhoài người ra khung cửa lầu, vòm trời bên ngoài lấp lánh muôn sao. Nhưng bàn tay của vú Xuân đã níu tôi lại:
- Diệu Hạnh, tỉnh dậy đi con. Tội nghiệp con tôi quá.
Vú Xuân không dám để tôi ở lại một mình trong ngôi biệt thự thênh thang tràn đầy kỷ niệm. Vú sợ tôi điên cuồng nhảy lầu một lần nữa, vú bàn với chị bếp:
- Hay thôi, chị và Diệu Hạnh ra Đà Nẵng ở với tôi đi.
Chị bếp thút thít khóc: 
- Dạ, bà tính răng cũng được. Ông và cô Sương mất rồi, chỉ còn có cô Hạnh, cô đi mô tôi xin theo nấy.
Tôi treo bảng cho thuê ngôi biệt thự. Trong thời gian chờ đợi người đến hỏi, tôi viết thư lên Phú Bổn tin cho Thúy Hậu biết quyết định rời xa Sài Gòn của tôi. Vú Xuân nán ở lại chờ tôi ra Đà Nẵng luôn thể, dù cửa hàng của vú ở chợ Đà Nẵng thiếu người trông coi. Vú Xuân là bạn thân của me dạo hai người còn học trường áo tím. Vú Xuân chừ đã già, tuổi trẻ của vú trôi qua trong ưu phiền lo lắng, trong lãng quên không một phút giây nuối tiếc của một người chị suốt đời hy sinh cho các em. Vú vẫn sống độc thân trong một gian nhà nhỏ giữa thành phố Đà Nẵng nhộn nhịp cùng một cửa hàng vải làm kế sinh nhai.
Hai ngày trước khi rời Sài Gòn, tôi nhận được thư Thúy Hậu:
Phú Bổn ngày...
Hạnh thân,
Nhận được thư Hạnh, Hậu hết sức bằng hoàng và vô cùng đau đớn khi nghe tin bác trai đã mệnh chung. Đời Hậu đã khổ mà đời Hạnh lại càng khổ hơn, Hạnh ơi, Hậu thương Hạnh biết mấy cho vừa.
Sao ? Hạnh định từ bỏ Sài Gòn thật à ? Rồi phần mộ của chị Sương, của bác trai ai chăm lo coi sóc ? Dù sao thì Hậu cũng cứ chúc Hạnh một chuyến đi gặp nhiều may mắn, nhiều an ủi trong tình thương yêu của vú Xuân, người mẹ hiền đỡ đầu mà theo lời Hạnh kể, đó là hiện thân của Đức Mẹ hiền từ và bao dung.
Hạnh ơi, Hậu lên đây tưởng sẽ buồn đến tự tử mất nhưng rồi cũng nguôi, cũng qua tất cả . Tout casse, tout lasse, tout passe ! Phải không Hạnh. Trung mất hẳn ngoài đời và cũng đã chết thật trong tim Hậu rồi. Hình ảnh "Dung nhan mùa hạ” đó với chiếc chemise màu xanh da trời, với mái tóc bồng bềnh và ánh mắt thiết tha kia đã như cơn lốc xoáy, quay cuồng xáo trộn cuộc sống vô tư của Hậu một thời rồi thôi. Con người phụ bạc đó không đáng để cho Hậu thương, không xứng đáng cho Hậu tiếc, và sự quay mặt của Trung chỉ gây cho Hậu thoáng chút xót xa.
Bây giờ lên đây, những tháng ngày buồn bã đã hết, chừ thì Hậu vui rồi, đố Hạnh biết tại sao ? Thiên hạ thường nói : "Đời người con gái như cành hoa mà tình yêu là những giọt sương sớm. Hoa sẽ úa tàn vì không đón nhận được hơi sương ? Đúng thật đó Hạnh, những cánh hoa đời Hậu sắp héo tàn bỗng tươi mướt trở lại, vì Hậu vừa gặp được tình yêu mới, anh ấy tên Vịnh, Nguyễn Vũ Vịnh, bạn của anh rể Hậu, anh Thành chồng chị Lan đó, Hạnh nhớ không ? Hai đứa quen nhau qua môi giới là "cơn đau đầu cuả Hậu" Hạnh có buồn cười và khó hiểu không ? Thật đó Hạnh, để Hâu kể cho nghe nhé, anh ấy là bác sĩ, được anh Thành gọi đến nhà chữa cơn bệnh đau đầu kinh niên của Hậu rồi hai đứa dần thương nhau. Như vậy, quả bà mai dong là cơn đau đầu rồi chứ còn gì nữa.
Thôi thư đã dài rồi, Hậu dừng bút ở đây nhé, ra đến Đà Nẵng nhớ viết thư cho Hậu cùng địa chỉ rõ ràng để mình tiếp tục viết thư cho nhau nghe.
Bạn thân cuả Hạnh.
Thuý Hậu.
Chương 8
Đà Nẵng, ngày...
Thuý Hậu thương,
Hạnh đã ra Đà Nẵng hơn một tháng nay. Vì bận lo sửa soạn chỗ ở và nếp sống mới nên chậm thư cho Hậu, đừng giận nhé.
Nghe tin Hậu và anh Vịnh thương nhau Hạnh mừng ghê. Hạnh thì chắc chẳng bao giờ như Hậu đâu vì suốt đời Hạnh không thể quên Chương được.
Hạnh sống ngoài này không vui không buồn, hình như bao nhiêu tình cảm trong tâm hồn Hạnh đã thui chột mất rồi. Để làm vui lòng vú Xuân, Hạnh cũng có ghi tên học hàm thụ Văn khoa ở Đại học Huế, nhưng chắc rồi cũng bỏ thi, vì Hạnh đã chán học hành lắm rồi.
Ở đây, ngày hai buổi Hạnh đến nhà thờ cầu nguyện, và sau những giây phút đó, tâm hồn Hạnh cảm thâý thoải mái và bớt buồn rất nhiều.
Tội. nghiêp vú Xuân, vú sợ Hạnh chán đời, tự tử hay làm nhiều việc liều lĩnh nên vú luôn luôn theo bên Hạnh, an ủi vỗ về. Nhưng vú thật quá lo xa, Hạnh hết chán đời rồi, dù sao nguồn vui trong hồn đã tắt. Hạnh thường nói với vú Xuân là Hạnh không còn ý tưởng xa lìa thế giới loài người.
Bây giờ, Hậu ra sao ? Yêu đời quá rồi nhỉ ? Anh chàng Vịnh và Hậu vẫn tha thiết yêu nhau chứ, Hạnh chúc hai người chóng làm đám cưới để hạnh phúc trọn đời bên nhau nhé.
Hậu biết không, từ ngày biết Hậu gặp được tình yêu mới, mỗi lần quì dưới chân Chúa, Hạnh thường cầu mong Chúa ban phước lành thật nhiều cho Hậu đó.
Thương,
Diệu Hạnh"
Đà Nẵng, ngày…
Thúy Hậu thương,
Có bao giờ Hậu nghĩ rằng Hạnh đang có ý định dâng mình cho Chúa ? Thật đó hậu, còn gì thanh thản cho bằng sống bên chân Chúa, cầu nguyện bình an cho mình và cho người.
Hôm qua Hạnh đã tìm gặp Mẹ Bề Trên, nói lên ước muốn của mình, mẹ đặt bàn tay dịu dàng trên vai Hạnh cảm động không nói một lời. Hạnh chưa thưa chuyện này với vú Xuân nơi, Hạnh lo ghê. Nhưng chắc là vú sẽ thông cảm và cho Hạnh hoàn thành ước muốn của mình. Trước kia, vú cũng đã có ý định dâng mình cho Chúa nhưng vì nặng gánh gia đình, vú đành phải gửi áo trở về. Hạnh thì bây giờ thư thả quá rồi, khỏi phải làm lụng nuôi ai, khỏi phải bận bịu chuyện gì cả, cho nên, Hạnh tin rằng, chắc chắn Hạnh sẽ về được bên chân Chúa. Hậu chúc cho Hạnh đi.
Đọc thư Hậu, Hạnh thấy vui ghê. Anh chàng Vịnh ấy tội nghiệp quá nhỉ. Nghe Hậu chê anh chàng vừa ốm vừa đen vừa cao lênh khênh làm Hạnh buồn cười ghê. Hạnh quá biết tính của hậu rồi, hay chê lắm, từ trước đến nay có anh chàng nào được Hậu khen đâu trừ Lê Nhữ Trung ra. Nghe Hậu kể Vịnh thương Hậu lắm, mỗi lần Hậu trái gió trở trời một tí thì anh chàng cuống cuồng lên. Nì, Hậu nhắn với Vịnh là Hạnh bảo làm bác sĩ phải đừng cuống thì bệnh nhân mới yên tâm chứ, chắc Hậu cũng thường nhắc đến Hạnh cho Vịnh nghe phải không ? Nhưng tuyệt đối, cấm Hậu kể chuyện Hạnh với Chương nhé. Hạnh chả muốn cho ai biết cả ngoài Hậu ra.
Cho Hạnh dừng bút nơi đây nghe.
Mong thư Hậu.
Diệu Hạnh.
Đà Nẵng, ngày…
Thúy Hậu thương,
Sau một tuần thuyết phục, vú Xuân đã chịu cho Hạnh vào nhà Tập rồi. Vú bảo chẳng phải Vú ngăn cản Hạnh thực hiện cái lý tưởng thiêng liêng đó, nhưng vú sợ Hạnh chịu cực không nổi. Vú bảo, từ nhỏ đến lớn Hạnh quen sống trên nhung lụa, mà chừ phải làm lụng vất vả như những người khác, vú đau lòng lắm.
Nhưng những giọt nước mắt của Hạnh đã làm vú mềm lòng.
Hạnh về nhà Tập đã tám ngày rồi Hậu ạ. Ở đây những người có lý tưởng như Hạnh cũng đông lắm. Hạnh và họ chia phiên nhau làm rất nhiều công việc như trông coi trẻ em, quét dọn phòng thuốc, phòng khách, nấu ăn rửa chén và cả làm vệ sinh nữa. Ban đầu hơi vất vả đôi chút nhưng mà vui. Điều quan trọng là mọi người phải chịu khó tuyệt đối vâng lời Mẹ Bề Trên và các Soeur. Điều này thì chắc Hậu khỏi lo cho Hạnh, dạo học Trưng Vương, năm nào Hạnh cũng được phần thưởng hạnh kiểm cả mà. Nói vậy chứ Hạnh cũng nôn ghê, chả biết bao giờ Hạnh mới được phép làm Lễ Khấn trước mặt Chúa.
Hậu vẫn đi dạy và vẫn vui chứ ? Cho Hạnh gửi lời thăm anh Thành, chị Lan và Vịnh của Hậu.
Mến thương
Diệu Hạnh.
Chương 9
Soeur Maria đứng trầm ngâm trên bao lơn. Mặt trời đã xế bóng đổ xuống những hàng cây hai bên đường in bóng lá lung linh. Buổi chiều về thật chậm như những ngày, những tháng, những năm trôi dài qua khung cửa, qua cuộc đời chất ngất thương đau.
Đám học sinh mồ côi trong Tu Viện đã đi học về và nói chuyện lao xao dưới sân. Soeur Maria nhẹ bước xuống lầu :
- Các em vào cất sách vở, ra sân chơi một lát rồi vô đọc kinh nghe.
Những mái đầu trẻ thơ cúi xuống lễ độ :
- Thưa Soeur, vâng ạ.
Soeur Maria đi nhanh về phía cuối hành lang, vào phòng làm việc. Chiều nay phải xem lại danh sách các nhà hảo tâm gửi quà đến cho, để còn viết thư cám ơn nữa, Soeur vừa nghĩ vừa lật tấm sổ lớn để trên bàn. Bỗng cánh cửa phòng mở tung ra, nhỏ Toản chạy ùa vào, mặt mày tái mét :
- Thưa Soeur…thưa Soeur…
Soeur Maria ngẩng đầu lên :
- Có chuyện chi ? Hãy bình tĩnh mà nói.
Nhỏ Toản lắp bắp :
- Thưa…Soeur…thắng Tí…bị xe đụng…chở vô nhà thương rồi…
Soeur đứng bật dậy :
- Có ai cùng vào trong đó với em Tí không…
- Dạ, dạ máu ra nhiều quá nên người ta chở nó đi trước rồi. Em vô…báo cho Soeur biết để Soeur lên trên nớ coi thử ra răng.
Soeur Maria quăng cây viết xuống bàn, hấp tấp đi ra. Soeur bào nhỏ Toản :
- Em hãy đi cùng Soeur.
Khi Soeur đến bệnh viện, người ta đang băng bó cho thằng Tí ở khu ngoại thương. Cô y tá ra tìm gặp Soeur.
- Xin Soeur yên tâm, thằng bé bị thương nhẹ ở chân, không hề gì.
Soeur lo lắng :
- Cô cho phép tôi được vào thăm em.
- Dạ, xin Soeur đợi một lát, bác sĩ đang chích thuốc khỏe cho em.
Soeur nóng nảy ngồi đợi trên ghế, lâm râm cầu nguyện. Cô y tá đến bên :
- Dạ thưa, bác sĩ ra rồi, Soeur có thể vào thăm em nhỏ.
- Cám ơn cô.
Soeur ngẩng đầu lên, sững người, vị bác sĩ vửa mở cửa phòng bước ra, trông thấy Soeur cũng đứng khựng
lại.
- Trời, Diệu Hạnh.
- Chúa ơi, Chương.
Soeur Maria quay mặt đi, chỉ một giây thôi, rồi bình tĩnh trở lại nhìn thẳng vào mặt người đối diện :
- Thưa bác sĩ, xin bác sĩ gọi tôi là Soeur Maria.
Bác sĩ Chương lẩm bẩm như người trong mơ :
- Soeur Maria…Diệu Hạnh…Soeur Maria.
Soeur Maria chậm rãi :
- Tôi đã dâng mình cho Chúa.
Bác sĩ Chương bối rối :
- Mời Diệu Hạnh…à mời Soeur Maria ngồi, tôi có vài điều muốn nói với Soeur.
Soeur Maria lắc đầu :
- Giữa chúng ta không còn gì để nói, giòng đời đã rẽ hai hướng đi khác nhau.
Bác sĩ Chương mơ màng :
- Không khác nhau đâu, Soeur Maria. Cả hai con đường đều nhắm đến mục đích là xoa dịu vết đau thương của nhân loại, bằng khả năng của tôi và bằng lòng nhân từ bác ái của Soeur.
Soeur Maria nghiêng mình :
- Xin bác sĩ cho phép tôi được vào thăm em nhỏ.
Bác sĩ Chương vẫn tiếp tục nói :
- Cách đây 8 năm, trong lá thư cuối cùng viết cho Soeur, tôi có nói đến lý tưởng của mình, và bây giờ tôi đã đạt được ước mơ đó. Tôi đã, đang và sẽ quên mình để quên mình để hy sinh cho y học, phụng sự loài người…
Soeur Maria chắp tay lên ngực :
- Lạy Chúa, cầu xin Chúa ban phước lành cho bác sĩ.
Bác sĩ Chương cúi đầu :
- Soeur cứ tự nhiên vào thăm em nhỏ, em chỉ bị thương nhẹ, khoảng hai ba ngày nữa là em có thể về nha.
- Xin cám ơn Bác sĩ.
Soeur Maria chậm rãi đi về phía cửa phòng. Cánh cửa mở ra rồi khép lại, ngăn cách hai cuộc sống. Bác sĩ Chương thẫn thờ đến bên cửa sổ, trầm ngâm nhìn những chiếc lá vàng rơi trong ánh nắng tàn phai.
Hoàng hôn đang dần xuống…
5 tháng 4 năm 1973
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhặt từng mong manh

Nhặt từng mong manh Mùa yêu đã tận/ Dòng đời trôi nhanh/ Mình em lận đận/ Nhặt từng mong manh// Lạ gió lạ mây/ Đường xưa mưa nhỏ/ Mưa chạm...