Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Hoa nắng 2

Hoa nắng 2

Chương 5
Em muốn dành cho ba một sự ngạc nhiên bất ngờ nên trong thư gửi ba, em chưa nói cho ba biết ý định quay về của me. Vú Lành vừa đến đưa cho em tờ điện tín, báo tin ngày mai ba sẽ về đến Huế lúc 6 giờ chiều và dù không phải là ngày chủ nhật, ba cũng sẽ đến xin phép Sơ đón em về nhà một bữa. Em bối rối quá, phải chạy ngay về nhà Ngoại báo cho me biết tin này mới được, nhưng làm sao được, em đâu có được phép ra ngoài sau 8 giờ tối, ngày mai em lại bận cả hai buổi. Thôi phải đành nhờ Hoài Thu trưa mai chịu khó sang Đồng Khánh tìm dì Dung hoặc dì Hạnh đưa thư cho me.
Tối thứ năm... trời mưa nhỏ...
Me ơi, lần đầu tiên con viết cho me những giòng chữ vui, mai ba về rồi đó me, ba sẽ cười vui tươi, ba sẽ mừng hớn hở khi thấy me giã từ ánh sáng phù du me trở về bên ba với lời tạ tội cho nụ cười xinh nở thắm trên môi, cho con sáng ngời mắt biếc nhìn bóng hạnh phúc đang tràn về như muôn nghìn tia nắng lọc qua chòm lá xanh khiêu vũ giữa vuông sân lót gạch màu hồng. Ngôi biệt thự của chúng ta vẫn ngàn đời thơ mộng, khóm trúc đào hoa trổ thắm tươi nghiêng nghiêng chòm lá ngày đêm trông đợi bóng ai về. Me ơi, trời hôm nay lạnh thật là lạnh, hồi chiều con có nghe Sơ nói là có bão rớt đâu đây. Ngoài kia mưa không lớn nhưng gió nhiều, con phải mặc đến hai cái áo len mà hai hàm răng vẫn cứ đánh vào nhau cầm cập. Tụi bạn con đã vào giường cuốn chăn êm thả hồn theo giấc mộng rồi, gần 11 giờ khuya rồi đó me, con lại đang bật ngọn đèn pin, trốn trong chăn để viết nhật ký đây. Thôi con dừng bút ở đây nhé me, con phải ngủ để mai viết vài giòng cho me nhờ Hoài Thu chuyển dùm. Hôn me.
Em tắt ngọn đèn pin, bóng tối ngăn lấp khoảng mền nhỏ. Em tung mền, thò đầu ra ngoài thở mạnh. Hơi lạnh phà vào mặt em, em nhìn ra ngoài cửa sổ, vòm trời tối tăm u ám và những giọt mưa vẫn rả rích rơi đều trên mái ngói, không gian thật buồn nhưng lòng em vui như ngày hội. Em lại trùm mền kín đầu, em nhắm mắt cố ngủ, em nằm mơ thấy ba và me ngồi âu yếm bên nhau trên bãi cỏ xanh tươi lấm tấm hoa vàng, mặt trời ra khỏi đám mây soi tia nắng hiền hòa xuống trần gian.
Khi em thức dậy, mặt trời đâu chẳng thấy, bầu trời vẫn xám xịt mây đen và gió thúc từng cơn lạnh lùng. Trong giờ ôn bài, em cố gắng viết cho xong lá thư gửi me :
Me ơi, chiều nay ba ở Sàigòn về, không biết mấy giờ máy bay đến Huế. Vì là ngày thường nên con không thể đi đón ba được, vậy me gắng lên Phú Bài đón ba dùm con. À quên, me có thể ghé trường xin phép Sơ cho con lên phi trường với. Nếu không có phương tiện đi Phú Bài me hãy đến trường với con, thế nào ba cũng đến đón con vào khoảng 6 giờ. Nhớ nhé me.
Con của me
Trang
Em đọc đi đọc lại lá thư thấy nó luộm thuộm làm sao ấy, định viết lại thì đã đến giờ ăn điểm tâm. Sợ Sơ Madeleine phạt, em đành xếp tư lá thư kẹp vào cuốn Vạn Vật, sáng nay có giờ, em sẽ nhớ mà đưa cho Hoài Thu.
Hoài Thu sốt sắng nhận lời ngay, cô bé còn nói :
- Nếu đến trường không gặp dì Dung dì Hạnh, tao sẽ qua Kim Long tìm me mi.
Em siết mạnh bàn tay Hoài Thu :
- Trời ơi, mi tốt với tao dễ sợ. Cám ơn mi trước nghe.
Buổi trưa em ngủ không được, đến chiều ngồi học cứ lóng ngóng mãi ra sân. Chuông điểm giờ chơi, em kéo tay Hoài Thu ra phía cổng trước :
- Ra thử coi me tao có đến đón tao lên phi trường không.
Con đường Trần Cao Vân vàng hoe, em nhìn xuôi nhìn ngược, bóng me vẫn biền biệt, em ước ao trông thấy một chiếc xe hơi bất kỳ mầu gì, xám, màu đen... xe của cậu Tùng, của bác Phương, của... của ai cũng được, miễn là xe đó đỗ ngay cổng trường, miễn là có me từ trong xe đó bước ra, cánh cửa xe mở rộng cho hồn em nao nức mở theo một khoảng trời xanh trong như thuỷ tinh. Em vẫn biết, nhà Ngoại không có xe hơi, mỗi lần cần đi đâu xa, me thường mượn xe của những người anh họ, cũng ở gần đó, cách nhau một khoảng vườn hay con đường đất hẹp. Em hy vọng chiều hôm nay me mượn được xe cậu Tùng vì hôm trước em nghe nói, cậu Tùng đi Nha Trang cả tuần này, xe để ở nhà cho mợ Tùng, mà mợ Tùng và me lại thân nhau như hai chị em ruột.
Sao lâu quá thế, em sốt ruột nhìn đồng hồ. Nếu me định lên phi trường đón ba, thì phải đến giờ này mới kịp chứ, máy bay 6 giờ hạ cánh mà đường từ đây lên đến Phú Bài đâu phải là gần. Em lo lắng quá sức tưởng tượng, em nghi ngờ nhìn vào mắt Hoài Thu :
- Thu, thiệt mi có đưa thư tận tay dì Dung hả ?
Hoài Thu gật đầu quả quyết :
- Thiệt mà, ai nói phỉnh mi làm chi. Dì Dung hứa là sẽ đưa tận tay me mi ngay khi đi học về tới.
Thấy em buồn rầu, Hoài Thu nắm lấy tay em :
- Mi không tin tao hả Trang ? Từ trước tới chừ có khi mô tao nói láo với mi không ?
Em lắc đầu :
- Không, tao không nghĩ rứa, khi mô mi cũng tốt với tao cả mà, tao tin mi mà.
Hoài Thu an ủi :
- Chắc me mi mượn xe không được đó, răng me mi cũng đến mà.
Em gật :
- Ừ, tao có dặn me tao, nếu không có xe thì đến đây với tao, để cùng đón Ba tao cũng được mà.
Hoài Thu nhoẻn cười :
- Chưa đầy 5 giờ mà. Nì Trang, tao đoán, chừ me mi bắt đầu ngồi vào bàn trang điểm nì.
Mắt em sáng lên :
- Ừ, có lẽ đúng, hy vọng đúng. Mà Thu ơi, me tao làm tóc lâu lắm, chắc phải đến 5 rưỡi mới xong.
Hoài Thu tỏ vẻ thông thạo :
- Tao biết rồi, me mi ăn diện dễ sợ.
Em bênh me :
- Me tao còn trẻ mà, đi ra đường phải có son có phấn chứ, không thôi coi răng được.
Chuông lại reo vào lớp, Hoài Thu cùng em trở về phòng học, cô bé chỉ tay lên bờ đá trắng cạnh khóm cần tây :
- Bồ câu bữa ni đậu nhiều ghê, điềm lành đó nghe Trang.
Em vui vui nhìn đám chim trắng ríu rít chụm đầu vào nhau, những đôi mắt tròn xoe vô tư lự trên những chiếc mỏ xinh xinh.
- Điềm lành ? Mà điềm chi rứa ?
Hoài Thu lại cười :
- Điềm hòa bình mà, ba và me mi sắp ký giấy sống chung hòa bình.
Em sung sướng kéo tay Hoài Thu chạy nhanh :
- Thật mi đoán mò y hệt con Hảo. Mau lên không thôi trễ, coi chừng mình lại vào lớp chậm hơn giáo sư cho mà xem.
Hai giờ toán trôi qua em chẳng thâu thập được chút kiến thức nào mới. Bao nhiêu định lý, đảo đề, hệ luận, từ miệng thầy loáng thoáng qua tai em rồi theo gió bay tuốt lên ngọn cây cao ngoài khung cửa. Hồn em gửi cho mây xanh, cho nắng vàng, cho từng ngọn lá chao nghiêng ngoài sân như đàn bướm trắng. Thích ghê, em nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của me, em nghĩ đến nụ cười dung thứ của ba, rồi đâu lại hoàn đấy, cuộc đời em lại sẽ tiếp diễn bằng những ngày êm đềm thú vị, bên ba bên me, bên Vú Lành chất phác trong căn nhà đầm ấm màu hồng như ánh mặt trời buổi sáng đẹp và tươi không thể tưởng. Thời gian đối với sự đợi chờ bao giờ cũng dài, em tưởng hụt hơi khi vừa xong hai giờ toán. Hoài Thu từ giã em bằng lời cầu chúc :
- Vui vẻ nghe Trang. Nì, nhớ để dành quà Sài gòn cho tao với nghe.
Em gật đầu cười nhưng trong lòng chẳng vui ; 6 giờ rồi mà me đâu chẳng thấy. Nếu me không đến... trời ơi, em không dám nghĩ tiếp nữa... biết ăn nói làm sao với ba đây. Tuy em không nói rõ với ba về vụ này nhưng trong những lá thư gửi cho ba, em có hơi “bật mí” tí xíu không biết ba có đoán nổi không, nếu bây giờ mà ba có hỏi, chắc là em chả biết đường nào để trả lời. Khổ cho em ghê. Em trở về phòng cất sách vở, thôi chả thèm ngóng thèm trông, em gieo mình xuống giường, chán nản cùng cực. Chiều vẫn qua nhạt dần ánh nắng, ngày sắp hết và bóng đêm lại về. Không lẽ màn đêm cứ buông mãi xuống cuộc đời em sao ? Có tiếng chân chạy lên cầu thang thình thịch, rồi tiếng Hảo gọi :
- Trang ơi Trang, có ba mi, có ba mi tới.
Ba ơi ba ơi, em hết buồn hết bực, em nhảy chân sáo xuống phòng khách. Ba đứng dậy, giang rộng đôi tay :
- Trang của ba.
Em sà vào lòng ba mắt em ráo hoảnh, em hết nước mắt để khóc rồi.
Ba vuốt tóc em :
- Nhớ ba không Trang ?
Em gật dầu :
- Ba đi lâu quá sức.
Ba nựng cằm em :
- Thôi, bữa ni ba hết đi rồi, ba sẽ đến đón con đều như trước nghe.
Em lại gật. Em không biết nói câu gì với ba nữa. Em nhìn sững ba, ba đi Sài gòn về có mập hơn trước, đôi má hồng hào nhưng đôi mắt có vẻ mỏi mệt, chắc tại ba đi máy bay bị trời xấu.
- Làm chi mà ngó chăm ba rứa Trang ?
Em vân vê cổ áo ba :
- Con thấy ba có vẻ mệt.
Ba đứng dậy nắm tay em :
- Thôi, vô chào Sơ mà về nhà với ba một hôm, ba vừa mới xin phép cho con xong.
Em đi theo ba ra cổng :
- Ba ơi, hành lý của ba mô hết rồi.
Ba kéo sát em vào người :
- Ba cho đưa về nhà cả rồi. Có quà của con nhiều lắm, đi nhanh lên con, tối nay vú Lành nấu bún bò đãi cha con mình.
Chà, vú Lành mà nấu bún bò thì phải biết, ngon số dách. Em miên man nghĩ đến me, me cũng ưa bún bò lắm... Sao me không đến nhỉ, chả biết dì Dung có đưa lá thư cho me không... dám dì Dung quên lắm... hy vọng như rứa... chớ không lẽ me lại hững hờ như vậy sao, me đã hứa với em rồi mà..
- Trang, con đang nghĩ chi rứa ?
Em giật mình :
- Ồ… không, ba ơi, mình về nhà mau lên nghe ba. Xe ba mô rồi ?
Ba chỉ tay về phía trước :
- Ba để đằng kia, chà, con đường ni tối ghê.
Em mách :
- Đèn đường cúp cả tuần ni đó ba.
Trời lạnh như lòng em, đêm tối như hồn em. Em nắm tay ba bước đều trên đường nhựa, gót chân khua nỗi buồn mênh mang. Em lên xe ngồi cạnh ba, ba trầm tĩnh cho xe chạy từ từ. Gió nhiều quá em quay kính xe lên và khoanh tay ngồi yên lặng. Ba hỏi em :
- Con muốn qua phố bằng cầu Trường Tiền hay cầu Sông Hương ?
Em lơ đãng :
- Có lẽ con thích cầu Trường Tiền hơn.
Gió từ mặt sông thổi lên càng lạnh buốt. Cầu Trường Tiền sáu vài gẫy mất một, sau biến cố Mậu Thân. Người ta đã nối lại được sự giao thông nhưng chả ai buồn xây lại vài mới. Chiếc vài trắng bạc nghiêng mình đón ánh chiều tà trên giòng sông thơ mộng ngày nào đã thật sự chìm sâu vào quên lãng, em không hiểu khi nhìn chiếc cầu thắng cảnh của thành phố chỉ còn mỗi 5 vài, du khách sẽ nghĩ gì khi nghe điệu hò mái đẩy : “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp, anh qua không kịp tội lắm em ơi, nghĩa tào khang ai đành vội dứt, đêm năm canh thổn thức...” . Nhưng em vẫn yêu thiết tha chiếc cầu kỷ niệm, chiều chiều ba lái xe đưa me và em đi dạo mát, ôi, những ngày hạnh phúc sao quá vội tàn phai. Em nhìn sang ba, gương mặt trông nghiêng lờ mờ dưới ánh đèn bắc trên thành cầu trông buồn bã kỳ lạ. Xa hơn chút nữa, mặt nước sông Hương đen thẫm một màu rồi càng xa càng sáng loáng dần lên. Cầu sông Hương đó, chiếc cầu mới xây bằng bê tông cốt sắt thật lộng lẫy trang khang, hai hàng đèn néon chói chang đổ ánh sáng xuống mặt nước sông, hắt ánh sáng vào vùng không gian lạnh vắng làm chìm khuất hẳn bóng dáng đìu hiu của chiếc cầu bên này. Đã bao lần em ví, hạnh phúc là một thứ gì quí giá không thể thay đổi, như ba, như me, như cả một quãng đời thơ ấu diễm lệ đan kết bằng mật ngọt mến trìu. Nếu một ngày kia ba có me mới và một người đàn ông khác thay thế hình bóng ba trong trái tim me thì dù em có sống với ba hay với me, dù tương lai em sẽ được thương yêu nuông chiều tuyệt đỉnh, em sẽ vẫn khổ tâm vô cùng. Bởi tương lai đó không phải là hạnh phúc ngày cũ, bởi hạnh phúc mới không được ươm mầm từ tình yêu đằm thắm của ba me. Con sinh ra đời trong vòng tay ba me quấn quít bên nhau như dây trầu thân cau lưu luyến, con lớn lên trong sự hoà thuận tình vợ chồng canh ngọt cơm lành, con lại sắp trưởng thành rồi đó ba me ơi, con không muốn thay thế môi trường mình đang sống như chiếc cầu tối tân đẹp đẽ kia được dựng lên để mọi người dân quên cây cầu Trường Tiền xưa cũ. Tội cho mi quá cầu ơi ! Theo em nhận xét, cầu Sông Hương vừa rộng vừa sáng nên về đêm, cầu Trường Tiền vắng ngắt vắng ngoe. Em đang đi trên chiếc cầu cũ, em chả bao giờ quên nổi những ngày dĩ vãng ấm êm đâu.
Vú Lành đón ba và em bên chiếc bàn ăn quen thuộc. Chén đũa, khăn ăn vú đã dọn sẵn sàng trên chiếc khăn màu trắng kết ren. Vú dìu vai em đến bên ghế :
- Ngồi xuống đi Trang, lấy bún vào chén, bỏ hành ngò sẵn đi, rồi vú đem nước lên chan cho nóng, có cả giò búp nữa, vú hầm vừa mềm, thơm lắm.
Ba xoa hai tay vào nhau :
- Chà nghe vú quảng cáo hoài đến đói bụng mất. Lại có cả giò búp nữa làm con gái cưng của tôi chảy nước miếng ra nơi tề.
Vú Lành tươi cười chạy xuống nhà sau bưng lên một tô lớn khói lên nghi ngút, em nhìn váng ớt đỏ tươi sóng sánh mà nghe bụng đói cồn cào. Nói ra hơi mắc cỡ một tí, cái đói bây giờ đã lấn mất nỗi buồn của em. Thật ra thì con mắt lớn hơn dạ dày, em mới ăn hết một tô em đã thấy ớn ngang cổ, em bỏ đũa xuồng. Vú Lành hiểu ý cười :
- Răng ? Ớn rồi hả con ? Ớn thì để vú lấy cơm cho ăn, có món thịt gà rim, chắc là Trang của vú ưa lắm.
Ba tán thành :
- Ừ, vú xới cơm lên đi, tôi cũng ăn nữa.
Ba gác đũa ngồi chờ, em nhìn ba rồi em lại cúi đầu xuống bàn, tự nhiên sao hồn em chùng xuống, em buồn kinh khủng là buồn.
Ba chợt hỏi em :
- À, nì Trang, trong lá thư gần đây, con có nói với ba là sẽ dành cho ba một ngạc nhiên thích thú, một bất ngờ, không thể tường tượng, rứa chừ cái ”bí mật” đó là cái chi, mau “bật mí” cho ba coi với nờ.
Em lúng ta lúng túng, quả thật em bể đĩa mất rồi, em như cô ca sĩ bị tắt tiếng trên sân khấu, em như chàng nhạc sĩ quên mất bản đàn đang khi trình diễn, bởi me là cái “bí mật” đó, mà giờ đây me không chịu đến đón ba thì làm sao mà em “bật mí” được. Em ấp úng :
- Con... con quên mất rồi.
Ba nhíu mày :
- Quên ? Ba không tin... một chuyện quan trọng mà con cứ nhắc đi nhắc lại mãi, thì con không thể quên dễ dàng rứa được.
Em xoắn những ngón tay vào nhau :
- Ba ơi, con...
Ba hỏi dồn dập :
- Con... răng ? Con có điều chi muốn nói với ba ?
Khóe mắt em cay cay, nước mắt em đang chờ dịp tuôn ra, ba nắm lấy tay em bóp nhè nhẹ :
- Trang, con có điều chi uất ức trong lòng ? Con có điều chi khó nghĩ ? Cứ nói cho ba biết.
Em vẫn im lặng cúi đầu, ba thúc dục :
- Trang, nói cho ba nghe đi con.
Em bỗng khóc òa. Vú Lành chạy ra :
- Ủa, răng rứa Trang ? Chờ vú lâu rồi đói bụng khóc nhè à ?
Ba nhìn vú nói nhỏ :
- Để mặc cho nó khóc. Vú cứ dọn đồ ăn ra đi.
Vú Lành quảng cáo :
- Có xà lách Đà Lạt trộn dầu dấm nữa ông. Trang cũng ưa món ni lắm, chà ăn kèm với thịt gà rim thì ngon tuyệt.
Ba ra dấu cho vú Lành để mấy dĩa thức ăn ra bàn mà không nói lời gì. Ba đang tôn trọng nỗi buồn khổ xót xa trong lòng em, chờ cho em chỉ còn những tiếng nấc nghẹn trong cổ họng, ba mới dịu dàng nói :
- Trang, nín đi đừng khóc nữa, nếu con không muốn nói thì thôi, ba không ép mô. Thôi ăn cơm đi, ba hứa là ba sẽ không hỏi đến chuyện đó nữa.
Một tích tắc suy nghĩ, em víu cánh tay ba :
- Ba ơi, con nói đây nì, chuyện đó... chuyện đó…là… me... me đó ba.
Ba ngạc nhiên .
- Me ?
Em nói một hơi :
- Dạ, me đó, me hứa với con là me sẽ trở về với ba, me sẽ đến đón ba ngày ba từ Sài gòn về, rứa mà con chờ, con đợi, chẳng thấy tăm hơi me mô. Cho nên... cho nên... con... làm răng mà ăn nói với ba chừ đây.
Ba thở dài thật nhẹ, em thấy vầng trán ba nhíu lai một cách khác thường, chắc trí óc ba đang chìm vào một vùng suy tưởng thật sâu. Một lát sau, ba mới thong thả nói :
- Con đừng vội buồn... đừng vội tuyệt vọng, me không đến được chắc còn nhiều lý do. Chưa chắc là me đã từ bỏ ý định đó đâu.
Em ngước lên nhìn ba, đôi mắt ướt nhòe :
- Ba ơi... nếu me trở về với ba, ba có tha thứ cho me không ba ?
Ba nói không suy nghĩ :
- Ba sẽ vì con mà quên tất cả những nông nổi của me, yên trí đi Trang, con chó bông của ba ! Đừng khóc nữa, ba sẽ sẵn sàng đón me bất cứ lúc nào cánh chim đó mệt mỏi muốn quay về tổ ấm.
Em phân vân, có nên nói cho ba biết chuyện me bị bắt vì mở bal bất hợp pháp không. Đó là một vết nhơ không gột rửa hằn dấu lên chân chim, liệu cánh chim có đủ can đảm giã từ trời xanh không ? Chắc me vì mặc cảm mà không muốn trở về, nhưng ba làm sao biết được điều này, em nhất định dấu ba mà, cả dì Dung dì Hạnh dì Phượng cũng đồng lòng rỉ tai nhau đừng nói cho ba biết vụ này. Vậy me còn sợ chi nữa, ba thương me lắm mà, em có nghe bà Ngoại nói với ông Ngoại, thế nào ba cũng bỏ lỗi cho me, tình vợ chồng mười mấy năm hương lửa, làm sao mà đành đoạn dứt nhau dễ dàng như rứa. Lòng em rối loạn như tơ vò, vú Lành đút cho em miếng thịt vàng thơm, em không cảm nhận được mùi vị gì cả.
Chương 6
Em mang về phòng thật nhiều đồ chơi. Hảo chạy đến :
- Cho tao coi với, cho tao coi với.
Em cho Hảo một cành hoa cài áo, Hảo đón lấy vẻ mặt tươi vui :
- Cám ơn mi hí, để tao gắn vào cái áo len mới, Noel mình đi lễ nhà thờ nghe Trang.
Em nhìn lên tấm lịch, mau thật, mới đó mà sắp đến mùa Giáng Sinh, có lẽ Noel năm nay là Noel buồn nhất trong đời em. Hảo đập đập vào tay em :
- Nghe Trang, Noel mi đi nhà thờ nghe Trang.
Em nhìn nó, tần ngần :
- Tao... tao không có đạo mà.
- Có hay không ăn thua chi, đi là cứ đi. Đêm Noel người ta đi nhà thờ đông và vui lắm.
Em cứ nói hoài một câu :
- Tao không có đạo... tao không có đạo mà đi chi.
Em thốt ra để mắc cỡ với chính mình. Em đã nói dối Hảo rồi đây, sở dĩ, Noel này em không muốn đi đâu chẳng qua là vì em không muốn sống lại với những kỷ niệm êm đềm ngày cũ… những mùa Giáng sinh xưa sao mà tuyệt vời ấm cúng... mười hai giờ khuya chợt tỉnh giấc nồng, nụ hôn của ba nở hoa trên trán, làn môi của me ngây ngất tình thương... Em ngồi dậy mặt tươi như hoa đón nhận nhiều món đồ chơi ngợp mắt… ba nói ông già Noel gửi quà cho con chó bông của ba đó... me nói ông già Noel gửi quà cho con chim hoạ mi xinh đẹp của me đây nì... em tin... em tin... cho đến năm em đầy đủ trí khôn, em mới biết chuyện ông già Noel chỉ là huyền thoại, chính ba me đã mua những món quà rực rỡ đó cho em... Tuy em là người ngoại đạo, nhưng mỗi Noel về ba vẫn ra công làm hang đá trong phòng học cho em để em mừng đón Chúa ra đời, chính tay me kết những dây hoa kim tuyến, me còn lấy bông gòn phủ lên hang đá giả làm tuyết nữa. Me nói Chúa Hài Đồng được sinh ra đời vào một đêm đông lạnh lắm, tuyết rơi mênh mông, có một vì sao lạ xuất hiện trên nền trời tăm tối dẫn lộ cho ba vì vua từ phương xa đến dâng lễ vật mừng Chúa... Me kể thật nhiều, thật nhiều, và trước hang đá em đã nép đầu vào vai me nghe say sưa. Em vẫn nhớ, Noel nào cũng vậy, ba lái xe đưa em và me đến các nhà thờ nhìn thiên hạ dập dìu di lễ mà nghe hồn nao nức vui theo. Đến gần khuya, ba đưa me và em trở về nhà, rồi ba dục em :
- Vào ngủ đi con ngoan, nửa đêm ông già Noel sẽ đem quà đến cho con.
Em đã ngây thơ :
- Ba ơi, ba nhớ nói ông già Noel cho con thật nhiều đồ chơi nghe ba.
Ba hôn em trước khi buông màn xuống. Me lo sẵn một con ngỗng quay béo mập đang tỏa mùi thơm trong lò điện và cây buche de Noel me làm từ chiều, đợi đến nửa đêm khai mạc Réveillon. Thành thử, dù không đi đạo nhưng Noel nào em cũng được hưởng trọn vẹn niềm vui khi ôm những gói quà lớn ngồi trước bàn ăn thịnh soạn, bên ba bên me và văng vẳng đâu đây, tiếng chuông giáo đường ngân nga mừng đón Chúa ra đời...
Hảo kéo em về thực tế :
- Trang, đi nghe mi, rủ cho thật nhiều đứa càng đông càng vui.
Em nhớ tới Tương Như :
- Chắc con Tương Như có ba me đến đón, nó không thể đi với tụi mình được mô.
Hảo bĩu môi :
- Thôi mi ơi, dẹp con nớ qua một bên, tao ghét lắm.
Em ngó Hảo :
- Nó có làm chi mi mô mà mi ghét nó ?
Hảo lầm lì :
- Nó kiêu ngạo với cái hạnh phúc của nó, nó làm cho mi tủi thân, mi khóc hoài đó, mi không nhớ à ?
Em hiền lành :
- Tao khóc là tại vì tao muốn khóc, tao mít ướt, chớ đâu phải vì con Tương Như, con Tương Như cũng dễ thương cũng tốt với tao lắm chớ bộ.
- Ừ, ở đó mà tốt.
Hảo ngoe nguẩy bỏ đi, em chạy theo :
- Hảo, Hảo, bộ mi giận tao hả.
Hảo quay lui, thấy em vừa ho vừa thở hổn hển, con bé có vẻ ân hận, nó vẫy em :
- Không, tao ra sân chơi, đi với tao nghe Trang.
Em và Hảo vừa bước ra khỏi bậc thang cuối cùng thì khuôn mặt diêm dúa của dì Lan cùng tà áo đỏ phất phới trên lối đi làm em sững sờ dừng lại. Dì Lan cười với em :
- Ồ, cháu Trang đây rồi, dì đến tìm cháu đây.
Em lễ phép :
- Dì tìm cháu có chuyện chi rứa ? Mời dì vô phòng khách rồi dì cháu mình nói chuyện.
- Thôi được, dì có việc cần phải đi gấp, có lá thư của me cháu nhờ dì trao lại.
Dì Lan vừa nói vừa mở bóp lấy chiếc phong bì màu trắng có viền những gạch xanh đỏ :
- Đây cháu, đọc ngay đi rồi có điều chi muốn nói với me, cứ nói với dì rồi dì nhắn lại cho.
Em run run cầm lấy chiếc phong bì ngồi bệt xuống thềm xi măng lạnh, mặc cho Hảo và dì Lan đứng tần ngần bên nhau. Màu thư trắng me viết nguệch ngoạc vài dòng bằng mực nguyên tử đỏ :
”Trang con,
”Lá thư của con me đã nhận được, nhưng rủi quá là chiều hôm đó me bận vào Đà Nẵng với dì Lan nên không đến với con được. Sao ? Ba đi Sàigòn về có mua quà nhiều cho con không ? Vui vẻ chứ ?
Me,
Lá thư không thưởng không phạt, không chấp nhận mà cũng không phản đối. Em không thể hiểu được me, ba ơi, con không hiểu được me khi những lời hứa trong buổi trưa nắng vàng ở vườn nhà Ngoại, me đã cố tình quên đi. Me vẫn tiếp tục giao thiệp với dì Lan, me vẫn còn tiếc nuối những ngày dài ăn chơi phóng túng chứ không phải me hổ thẹn vì mặc cảm đâu ba. Sao em vừa thương vừa giận me quá chừng, em vò nát lá thư trong tay. Hảo cúi xuống bên em :
- Chi rứa Trang ?
Em muốn dấu Hảo nhưng không được vì nước mắt đã ứa tràn đôi khóe mi :
- Tao... tao muốn chết quá Hảo ơi.
Hảo ngồi xuống cạnh em :
- Me mi không đến hả ? Me mi không chịu trở về với ba mi hở ?
Em gục đầu vào vai Hảo nức nở khóc, thật em yếu đuối đến không ngờ. Hảo xoa xoa vào lưng em giọng vỗ về :
- Thôi Trang, chẳng có chi đáng buồn cả, hãy xem tao đây nì, chả ai thèm thương, không người thăm viếng, tao có buồn mô. Hãy ăn cho no và ngủ thật kỹ, hãy xem như chuyện me mi hứa trở về là một giấc mộng mà thôi, chừ mi đã tỉnh giấc rồi đó.
Em nghẹn ngào :
- Mộng răng được, lá thư vẫn sờ sờ đây, dì Lan còn đứng đó, tao khổ quá Hảo ơi.
Dì Lan dường như cũng động lòng, dì cúi xuống nâng gương mặt đầy nước mắt của em lên :
- Nín đi Trang, sáng chủ nhật dì và me đem xe đến đón cháu đi Lăng chơi.
Em không vâng không dạ. Em nhìn thẳng về khoảng không trước mặt, sững im. Em muốn là pho tượng, là hoa, là lá, là cây cỏ vô tri, em không muốn làm người, kiếp người sao khổ đến thế ni. Dì Lan ra về lúc nào em cũng không hay biết, chỉ còn Hảo ở cạnh em, mớ tóc dài buông xõa xuống vai dịu dàng thuần hậu, cô bé lại hỏi em :
- Trang, sáng chủ nhật ni mi có đi Lăng với me mi không ?
Không chờ em trả lời, Hảo góp ý kiến :
- Nên đi chơi đây đó cho khuây nỗi buồn. Trang nờ, me có đến đón, đừng giận me nữa mà cũng đừng oán dì Lan nghe Trang.
Em nhìn đăm đăm vào tờ thư nhầu nát lăn lóc trên nền đất mịn :
- Tao không oán ai cả mà chỉ tủi thân thôi.
Hảo nhìn em phút giây ái ngại rồi cô bé nói sang chuyện khác :
- Thôi, sắp đến giờ cơm rồi.
Hảo cố pha trò cho em vui :
- Ui cha, chưa chi mà kiến đã bò trong bụng tao nghe rột roạt ỏm tỏi rứa thê.
Em kéo vạt áo chùi nước mắt, đứng dậy theo Hảo. Chúng em vào đến cửa phòng ăn thì cũng vừa chuông reo. Tương Như thấy mặt em đã rủ :
- Tuần ni tao đi lăng Tự Đức chơi, đi với tao không Trang ?
Em chưa kịp đáp, Hảo đã sừng sộ với Tương Như :
- Thôi mà, ai chẳng biết mi giàu, ai chẳng biết mi sang, ai chẳng biết mi được cha mẹ yêu chiều, có chi mà khoe dữ rứa nờ.
Tương Như ngạc nhiên :
- Hảo chi lạ chưa ? Ai nói chuyện với Hảo mô nờ, người ta hỏi con Trang mà cũng xen vào.
Hảo đanh đá :
- Ừ, tao xen vô đó. Nì, đừng có giả mù sa mưa, đừng có đem những vụ đi chơi của mi ra mà lem thèm con Trang, mi không biết nó đang buồn hay răng ?
Em can :
- Hảo vô lý ghê, răng tự nhiện lại đi gây với Tương Như, Tương Như có nói chi mô nờ, Tương Như có làm cho tao buồn mô nờ.
Hảo hỏi gặng :
- Bộ mi không nghe nó khoe với mi vụ đi Lăng Tự Đức đó à ?
Em bênh Tương Như :
- Tương Như có lòng tốt rủ tao đi chơi chớ bộ, Tương Như đâu có làm cho tao buồn. Mi không nhớ là tuần ni tao cũng đi chơi lăng với mẹ và dì Lan à ?
Thấy em phản đối, Hảo có vẻ giận, nó nói mát :
- Ừ thì thôi, tất cả mọi người đều vui, đều hạnh phúc. Xin chúc mừng.
Hảo bỏ ngồi xa em, em chả biết làm thế nào cho nó hết giận. Tội nghiệp Tương Như thật hiền lành, chả muốn gây sự với Hảo. Cô bé đến ngồi im lặng bên em. Chợt nhớ mình chưa đáp lại lời của Tương Như em bảo với cô bé : .
- Cám ơn Như đã rủ mình đi chơi Lăng. Nhưng để khi khác nghe, vì tuần ni có me mình đến đón rồi.
Tương Như hỏi thăm :
- Hồi hôm, Trang đi mô mà không thấy về phòng ?
Em kể :
- Ba Trang đi Sài gòn về, đến trường xin phép Sơ cho Trang về nhà một bữa.
- Vui hí, chắc là Trang được ba mua cho nhiều quà lắm ?
Em gật đầu :
- Ừ, còn có thật nhiều hình Noel nữa, để Trang cho Tương Như vài tấm nghe.
Tương Như gắp đồ ăn bỏ vào chén em, cô bé săn sóc em ân cần như một người chị. Em thấy Hảo chiếu đôi mắt căm hờn về phía Tương Như, thế nào chốc nữa đây cũng có chuyện, không hiểu tại sao Hảo lại ghét Tương Như đến như vậy. Tại Tương Như hay khơi nỗi buồn trong em hay vì một lý do nào khác ? Hảo thường bảo em, nó không kẻ thương yêu, chẳng người thăm viếng, nhưng nó không cần, nó vẫn sống tự nhiên như cây cỏ. Em thoáng chút hoài nghi, em không còn tin những lời nói cứng rắn của Hảo nữa, cây cỏ cũng cần giọt sương buổi sáng, làn nước tưới buổi chiều cho mịn màng phiến lá, tươi mát những chồi non, thì con người cũng phải có tình thương mới nồng nàn ý sống, khỏi buồn tẻ cuộc đời. Chắc Hảo đang ghen với hạnh phúc của Tương Như, em thầm nghĩ, Hảo thực sự thương em thành thật không hay chỉ tại em cũng bị bỏ rơi như nó nên nó tìm đến em như một an ủi vỗ về ? Em nhẹ lắc đầu xua tan ý nghĩ, mày xấu lắm Trang ơi, mày oán hận cuộc đời rồi đâm ra ngờ tình bạn của Hảo đối với mày sao ? Em nhìn về phía Hảo, lòng ân hận không cùng. Xong bữa cơm, Hảo bỏ về phòng trước em, em chạy theo gọi nhưng lần này Hảo không dừng lại nữa. Em bận trả lời mấy câu hỏi của nhỏ bạn nên không làm hòa với Hảo ngay được. Khi em về phòng, em thấy Hảo đang nằm úp mặt vào gối, đôi vai rung rung. Em xúc động quá, em ghé ngồi bên Hảo vuốt nhẹ vào lưng nó :
- Hảo, Hảo, răng mi cứ giận tao hoài rứa ? Hảo vẫn vùi đầu vào chăn, nhưng nó nhích lưng ra để tay em rơi xuống giường.
- Trang đi đi, đi chỗ khác đi.
Em xúc động :
- Hảo, Hảo, răng mi hay xua đuổi tao rứa ?
Hảo nói trong tiếng nấc :
- Ai mà dám giận Trang, ai mà dám xua đuổi Trang, ai mà xứng đáng làm bạn với Trang.
Em lay vai Hảo :
- Tề, Hảo nói chi lạ rứa ?
Hảo vẫn khóc :
- Tui không cha không mẹ, không bà con thân thích, đừng chơi với tui nữa, mang tiếng lắm.
Em nói nhỏ :
- Hảo đừng tự ái vô lý như rứa, mình thương Hảo,vẫn mong muốn làm bạn với Hảo hoài mà.
Tiếng khóc của Hảo dịu xuống :
- Rứa răng Trang cứ bênh con Tương Như hoài rứa ?
Em đấu dịu :
- Tương Như nó nói chuyện tử tế, chứ có chi mô mà Hảo ghét nó.
Hảo vùng ngồi dậy, đôi mắt đỏ hoe :
- Ai nói với mi là con Tương Như tử tế, cái thứ con nhà giàu hay khoe khoang tao ghét lắm.
Em hơi bất mãn :
- Bộ ai con nhà giàu cũng rứa hết hả ?
Hảo lấy khăn chùi nước mắt :
- Tao nói phần đông thôi - Rồi như nhớ ra rằng em cũng là con nhà giàu, Hảo nhẹ lời - tao không có ý nói mi mô.
Em cố gắng giải thích với Hảo :
- Theo ý tao con Tương Như là con nhà giàu, nhưng nó tội lắm đó Hảo, không phải nó hay làm cho tao buồn mô, mà trái lại, nó chỉ muốn chia bớt nguồn vui của nó cho tao mà thôi.
Hảo ngồi im lặng. Em biết nó đang suy nghĩ rất lung. Một lúc sau, gương mặt của nó dịu trở lại :
- Trang, chắc mi ghét tao lắm hí, chắc mi cho là tao hàm hồ lắm hí.
Em lắc đầu :
- Không, không khi mô tao cho rứa hết. Hảo, thôi xí xóa chuyện vừa qua đi. Mi không thương tao hả Hảo, tao đang buồn thúi ruột đây nì, mi còn nói xiên nói xỏ chi cho tội tao rứa.
Hảo thòng chân xuống giường :
- Thôi, cho tao xin lỗi, tính tao nóng nảy dễ sợ.
Rồi Hảo đưa tay đánh vào đầu nó :
- Nì, chừa đi nghe, lần sau không được nổi tức bậy bạ nữa nghe.
Em bật cười tuy trong lòng đang rối rắm :
- Tụi mình đi ôn bài nghe Hảo ?
- Ừ.
Hảo âu yếm nắm lấy tay em. Hai đứa lại làm hòa với nhau thật dễ dàng.
° ° °
Me đến đón em đi chơi Lăng trên chiếc xe màu đỏ của dì Lan. Sáng chủ nhật dì Lan đến trường với bộ quần áo hết sức rực rỡ làm ai cũng phải ngó chăm. Em hơi ngượng trong lòng khi thấy dì Lan đã lớn tuổi mà ăn vận như cô gái hai mươi. Chiếc quần xì gà màu đỏ gạch cắt khéo bó sát lấy cặp đùi dài, ống phía dưới xòe rộng thùng thình đôi giày màu trắng đóng theo kiểu hippi làm người dì Lan cao lớn hơn lên, dì còn mặc áo polo trắng viền đỏ và đeo một cái bóp cũng đỏ luôn. Me có vẻ dịu dàng hơn trong chiếc quần tây nâu và áo chemise vàng, me giúp em sửa soạn đồ đạc bỏ vào sắc :
- Nhanh lên Trang, đi Lăng xong mình còn lên đồi Vọng Cảnh chơi nữa.
Tuyệt nhiên, me không hề nhắc đến lá thư hôm trước cùng lời giải thích tại sao me không chịu trở lai với ba. Em muốn hỏi nhưng thấy bất tiện vì người xung quanh đông quá. Em chỉ biết xin me :
- Me ơi, cho Hảo cùng đi với con nghe me.
Me gật đầu nhìn vào :
- Ừ, Hảo cùng đi chơi với Trang cho vui nghe.
Hảo cười tần ngần, em hối :
- Đi Hảo, mau lên Hảo.
Hảo ngập ngừng :
- Tao sợ, Sơ.
Em nhìn me :
- Me, me xin Sơ cho Hảo đi với con đi me.
Dì Lan sốt sắng :
- Để dì đi xin cho.
Con đường em đi lung linh nắng đổ, ước gì ba đang lái xe chứ không phải dì Lan. Me ngồi phía trước cạnh tay lái, em với Hảo ở băng sau nên em khó nói chuyện với me quá. Xe rẽ qua đường Lam Sơn, dốc Nam Giao buồn phiền với hai hàng cây trụi lá, nền tráng nhựa loang lổ những vũng bùn đất đỏ lầy lụa, sau những ngày dài mưa phủ lê thê. Xe xóc mạnh, me đưa tay sửa lại mái tóc nói với dì Lan :
- Bộ Công chánh thiệt đúng là ăn xong rồi ngủ, đường sá hư cả năm trời cũng chả thèm để ý mảy may.
Dì Lan cười rộ lên :
- Ôi hơi mô mà lo cho mệt, mình ham chơi thì thiên hạ cũng như rứa. Thời buổi chiến tranh mà, biết còn sống được ngày mai không mà lo để dành củ khoai đến ngày mốt.
Tiếng cười của dì Lan muốn soi thủng màng nhĩ, Hảo nói nhỏ với em :
- Dì Lan ăn nói bốp chát quá hí.
Em gật :
- Dì là dân “chịu chơi” mà.
Hảo le lưỡi :
- Chà, mi mà cũng biết danh từ nớ nữa à ?
Em đính chánh :
- Tại... tại tao nghe dì Dung nói chớ bộ. Tao đâu có tự ý đặt ra.
Hảo nhoài người nhìn ra cửa xe :
- Trang ơi, hoa ở đây đẹp quá.
Em níu Hảo :
- Đừng dựa người vào cửa đó nguy hiểm lắm.
Hảo nhích về phía em, mắt không rời những giây hoa vàng leo quanh hàng rào của những ngôi nhà xinh xắn ven đường :
- Hoa đẹp quá, tao thích quá Trang ơi.
Trước kia, em vẫn thường cùng ba me đi lăng Khải Định, Tự Đức, đi chùa Từ Hiếu và qua đường này biết bao nhiêu lần, những giây hoa kia quá quen thuộc, màu vàng tươi quấn quít những hàng rào bằng cây thuốc dấu xanh xanh. Em nghe nói những cọng cây mọng cứng đó thường được dân địa phương ở đây dùng làm thuốc để đắp lên những vết thương trầy da chảy máu. Em thì chưa được xức thứ thuốc đó bao giờ, nhưng em có hái thử vài cọng cây thuốc dấu đó để xem chơi, em thấy bên trong toàn mủ là mủ trắng đục như sữa vậy, còn nhiều hơn mủ xương rồng nữa. Em nghe dì Phượng nói với người bạn cùng học một lớp với dì là, cây thuốc dấu thuộc một hệ với cây xương rồng, dì Phượng ăn nói thiệt cao siêu ghê, bởi tại năm nay dì đang học chứng chỉ Thực Vật bên trường Khoa Học ấy. Em thì chả biết “cùng họ” là gì, nhưng em đoán rằng, cùng họ chắc là có “bà con” mật thiết với nhau, cho nên cả hai cây xương rồng và thuốc dấu đều có mủ. Như vậy thì chắc cây vú sữa cũng vậy. Khi đem thắc mắc này hỏi dì Phượng, dì cười thật to làm em thẹn muốn chết luôn, dì nói : “những cây cùng hệ Xương Rồng đều có mủ, nhưng những cây có mủ chưa chắc đã cùng họ với cây Xương Rồng”. Em ngẩn người ra, em chả hiểu mô tê gì hết nhưng em không hỏi thêm nữa, vì em biết, trình độ của em chưa đủ sức để hiểu điều đó. Còn loại hoa vàng này, hôm trước em thấy dì Phượng ép thật nhiều trong mấy tập sách, em có hỏi thì dì bảo đó là hoa Cát Đằng. Em lại thêm một lần ngạc nhiên, vì những đóa hoa tô màu tím nhạt nở trên giàn lá xanh vườn nhà ông Ngoại cũng được gọi là hoa Cát Đằng. Dì Phượng giải thích : ”Hoa ở vườn nhà mình thuộc về loại hoa to, còn đây là loại hoa nhỏ, cả hai thứ đều được gọi là Cát Đằng vì cùng một họ với nhau”. Dì Phượng lại đem họ đem hàng ra mà nói với em, dì méo mó nghề nghiệp làm em cũng muốn điên cái đầu theo.
Hảo lại reo lên nho nhỏ :
- Trang, cảnh đẹp như ri mà mi cứ mãi nghĩ ngợi chi mô a.
Em quay sang Hảo :
- Nghĩ chi, tao cũng đang ngắm cảnh chớ.
- Nì Trang, cái hoa màu vàng nớ là hoa chi hè ?
Em lên mặt hiểu biết :
- Hoa Cát Đằng.
Hảo tròn mắt :
- A, cái tên đẹp như trong chuyện một ngàn lẻ một đêm.
Em nhìn Hảo :
- Bộ mi mới chộ hoa ni lần đầu hả, bộ mi mới nghe tên hoa ni lần đầu hả ?
Hảo gật đầu :
- Ừ, tao có được đi chơi xa mô mà biết đây biết đó.
Em tò mò :
- Chú mi không dắt mi đi chơi hả ?
Hảo rùn vai :
- Thiệt mi hỏi như chuyện ảo tưởng. Chú tao sợ bà thím rút đét, sức mấy mà dắt tao đi chơi. Năm khi mười họa, chú mới xẹt qua trường thăm tao một lần, mau còn hơn sao băng nữa. Tiền hàng tháng nuôi tao chú thường nhờ người quen mang đến mà thôi.
Em nhíu mày :
- Chú mi cũng tệ chứ cùng ở Huế, đó với đây nào có xa xôi chi mô mà không chịu thăm mi.
Giọng Hảo xa xôi :
- Nói ra thì cũng tội cho chú tao, tại chú tao làm “chánh sự vụ” đó mi ơi.
Em không hiểu gì cả :
- Làm chánh sự vụ...
Hảo cười tủm tỉm :
- Chánh sự vụ là chánh sợ vợ đó, mi không biết à.
- Trời đất, danh từ của mi dùng độc đáo rứa ai mà biết được.
Hảo thôi cười, gương mặt lại thoáng buồn :
-Thím dò xét chú dữ lắm, nên chú ngại không dám qua thăm tao thường. Thím sợ tao ton hót với chú để xin thêm tiền, thím sợ chú quá thương tao rồi nhường hết gia tài lại cho tao vì chú thím chẳng có con.
Em nắm tay Hảo :
- Trước sau chi mi cũng có phần trong đó.
Hảo chua xót :
- Tiền bạc đối với tao chẳng có nghĩa lý chi hết. Trang nờ, dù tao biết chú tao rất giàu. Tao chỉ cần tình thương mà thôi.
Em lặng lẽ quay sang nhìn Hảo. Nó đang tự mâu thuẫn với chính nó, phải, nó là người đang thiếu tình thươnq nhất. Chính những giây phút tâm hồn khoát đạt, chính những lúc hòa mình với thiên nhiên, con người mới nói lên được tiếng nói đích thực của lòng mình, Hảo mới hé cho em thấy được ước ao nhỏ nhoi tội nghiệp của nó. Em thấy thương Hảo quá chừng.
Sáng chủ nhật trời tạnh ráo thiên hạ đi lăng thật đông. Dì Lan tắt máy gửi xe rồi bốn người cùng bước vào khung cửa ẩm mốc rêu phong mở ra bên trong phong cảnh vô cùng hùng vĩ.
Dì Lan nắm tay bảo đi trước, em cố tình đi chậm khiến me phải dừng lại chờ em. Em nói nho nhỏ :
- Me ơi đi chậm lại me ơi.
Me đỡ cánh tay em :
- Trang, con mệt à ?
- Không, me.
- Sao con không đi nhanh cho kịp Hảo, kịp dì Lan.
Em lắc đầu :
- Không, con chỉ muốn đi bên me. Me, con muốn nói chuyện với me thật nhiều.
Me hiểu ý ; Me chớp mắt :
- Thì để chút nữa đã nờ, không lẽ đứng giữa lối mà nói chuyện răng, để cho người ta đi chớ.
Em nhất quyết phải hỏi me cho bằng được, em lại đề nghị :
- Hay thôi mình ra nhà thuỷ tạ đi me.
Me quàng vai em :
- Nếu con muốn nói chuyện riêng với me, thì để me tìm cách nói với Hảo và dì Lan đi tránh đi.
Em nhìn theo dáng tung tăng của Hảo bên cạnh dì Lan bước lên những cấp bậc riêng xa :
- Me khỏi cần phải bảo họ, me coi tề, hai người mải mê ngắm cảnh vật quên mất mẹ con mình rồi.
Em nắm tay me rẽ sang chiếc cầu nhỏ đưa vào nhà Thuỷ Tạ. Mùa đông mặt hồ buồn thiu lơ thơ vài ngọn lá sen tàn, không tìm đâu ra một cành sen hồng thắm, từng đám bèo tai chuột dập dềnh trên làn nước đục, lòng em hiu hắt như mùa đông. Em dựa người vào cây cột gỗ mỏng manh, me đứng bên cạnh, gương mặt xanh xao dù đã được điểm tô bằng một lớp phấn hồng :
- Trang, con muốn hỏi chi me ?
Em nghe mi mắt cay cay :
- Me, tại răng me không đến, me...
Me ngắt lời :
- Me đã nói trong lá thư đó rồi mà, me bận…
Em lại ngắt lời me :
- Không, con muốn hỏi là tại răng me không chịu về với ba ?
Me dợm nói rồi me lại ngưng, me đưa tay che miệng để dấu tiếng thở dài. Em nhìn me bằng đôi mắt van lơn cầu khẩn, đôi mắt như muốn nói Me ơi me hãy quay về với ba, me ơi. Tội nghiệp con mà, tội nghiệp ba mà, tội cả ngôi nhà màu hồng trong khu vườn im bóng lá, khóm trúc đào cũng nhớ me nữa me ơi. Hình như me tránh đôi mắt của em :
- Trang, phải hiểu cho me, câu chuyện không dễ dàng như con tưởng mô.
Em quả quyết :
- Me, ba vẫn chờ me mà. Không có chi khó cả, me chỉ cần xô cánh của nhà mình ra, trong đó vẫn còn đầy đủ hạnh phúc mà me đã bỏ rơi, có ba, có con và cả vú Lành nữa.
Me cúi đầu :
- Trang, me còn nhiều mặc cảm lắm không đủ can đảm để trở về.
Em an ủi me :
- Me đâu có lỗi chi nhiều, nghe me, me về với ba nghe me.
Em nhìn thật sâu vào mắt me, me chưa trả lời nhưng em cảm thấy ánh mắt đó như sáng hẳn lên, như thôi ngập ngừng nỗi mặc cảm bủa vây. Em lại hy vọng, em khép hờ đôi mi mường tượng đến nét mặt hiền từ phúc hậu của Mẹ Đồng Trinh trong hang đá sân trường, ánh nắng nghiêng soi đôi má hồng, đôi mắt trong xanh niềm khoan dung rộng lớn. Mẹ ơi, đoái thương cho hạnh phúc con, Mẹ ơi, xin Mẹ soi sáng dùm tâm hồn me con đang ngập ngừng trước hai con đường chia lối, Mẹ hãy xui khiến cho me con thấy rõ con đường dẫn đến căn nhà màu hồng giữa ngôi vườn mát rượi bóng cây ở đó khóm hồng đang khô héo, bầy cá thia tàu buồn bã ngẩn ngơ chờ bàn tay trắng ngà của me thả từng nhúm bột ngô tỏa lan trên mặt nước ngàn bụi phấn thông vàng.
- Me ơi, me ơi. Em gọi thầm nho nhỏ, chỉ một mình em nghe, để tiếng gọi mến trìu chỉ đủ sức rung nhẹ một âm thanh êm ái cho lòng người xót đau.
Tiếng gọi của Hảo đã cắt đứt nguồn tư tưởng của em :
- Trang, Trang, răng mi lại ngồi đây ? Không đi xem Lăng với dì Lan à ?
Em nói nhỏ :
- Thì tao cũng đang ngắm phong cảnh đây nì.
Hảo bĩu môi :
- Hồ sen mùa ni đâu có đẹp, nhớp bắt chết, toàn cả bùn là bùn.
Dì Lan từ đằng xa đi lại, trên trán lấm tấm mồ hôi, dì hỏi me :
- Ủa, Thúy không đi dạo à, hai me con đang tâm sự chi rứa ?
Me nói lảng :
- Không, Trang nó mệt nên dừng lại nghỉ một chút.
Dì Lan khoác tay me :
- Chừ chúng ta đi vào xem ngai vua ngự nghe.
Rồi dì quay lại hỏi em :
- Hết mệt chưa cháu ?

Em miễn cưỡng gật đầu, biết không nói gì thêm với me được nữa, em nắm tay Hảo chạy trước. Con đường lát gạch ẩm rêu dẫn lên những bậc cấp làm bằng đá thanh khiến em nhớ đến lối nhỏ vườn nhà lót gạch màu hồng mà nghe xót xa, mà nghe dậy lên trong tâm hồn nỗi cô đơn hun hút, me đang ở bên em, cùng không gian nhưng thấy xa vời vợi. Một ngang nối thật nhỏ giữa ba với me sao me không chịu vượt qua hở me.
Em gặp Tương Như đang đứng dưới khóm hoa lê, ánh nắng mai soi lên màu hồng của má, màu trắng của hoa, trông cô bé dễ thương như một thiên thần. Tương Như đang sửa soạn để chụp một pô hình, em thấy một người đàn ông quay lưng về phía em, trên tay cầm máy ảnh nhắm về Tương Như. T... í... c... h, Tương Như sửa lại mái tóc, đưa mắt tìm một cảnh đẹp khác để chụp nữa thì cô bé nhìn thấy em và Hảo. Tiếng reo trong vắt như suối :
- Ồ Trang, Ồ Hảo, lại đây chụp bóng, mau lên mau lên.
Tương Như quay sang người đàn ông :
- Ba ơi Ba. Hai đứa bạn của con đây nì, ba chụp bóng cho tụi hắn nữa nghe Ba.
Người đàn ông nhìn đăm đắm em và Hảo rồi ông mỉm cười, ôi nụ cười hiền lành của người cha bao dung. Em cũng có ba vậy, ba cũng hiền cũng thương em rất mực, mà sao hạnh phúc của em vẫn tan vỡ như giọt sương mai ? Em cũng có me vậy, me cũng dịu dàng quý phái như me của Tương Như, người đàn bà mặc áo dài hoa tím đang từ trong dãy nhà thờ tự bước ra, theo sau là hai đứa nhỏ, một trai một gái ăn vận bảnh bao em đoán đó là hai em của Tương Như, me ơi, sao me không chịu vui bên chồng con như người đàn bà đó, me đi tìm chi thứ hạnh phúc ảo tưởng xa vời ?
Tương Như nắm tay em và Hảo :
- Lại đây chụp chung với Tương Như một pô đi, phim màu đó, đẹp lắm Trang, Hảo ơi.
Em vui vẻ nhận lời trong khi Hảo đứng tần ngần, có lẽ cô bé đang cảm thấy e thẹn vì Tương Như đã vờ quên đi vụ gây lộn vừa qua mà trong chuyện này, Hảo là kẻ vô lý hoàn toàn. Tương Như vẫn hồn nhiên :
- Hảo tới đây.
Hảo ngập ngừng, nó kiếm cớ thoái thác :
- Thôi, Tương Như và Trang chụp chung đi, chụp chung ba đứa rủi lắm.
Tương Như nhất định kéo tay Hảo vào :
- Hảo sợ rủi thì để Như gọi nhỏ Tương Giang nữa cho đủ bốn nghe.
Tương Như đưa tay vẫy cô em nhỏ :
- Tương Giang, lại đây chụp bóng chung với các chị.
Đây là một dịp để Hảo thấy rõ tánh tình dễ thương và đôn hậu của Tương Như, em thầm nghĩ, đồng thời em định tìm cách xóa tan sự hằn học từ lâu đã ăn sâu vào trong lòng Hảo đối với Tương Như.
Em dục Hảo :
- Chụp đi cho rồi, con ni làm điệu ghê ta.
Tương Như cười thật tươi :
- Thôi Hảo chịu cho rồi, không thôi Trang nói nhức óc lắm đó nghe.
Me của Tương Như cũng vừa bước đến, bà góp ý :
- Bốn chị em tới đứng dưới cây lê ni nì, màu trắng hoa lê vô phim màu nổi lắm chớ không phải chơi mô.
Chúng em chụp chung với nhau được ba tấm thì trục lên phim nơi máy hình hết nhảy, ba của Tương Như cười :
- Hết phim rồi các cháu ơi.
Hảo sau những giây phút ngượng ngùng đã hòa mình vào cuộc vui, nó bảo với Tương Như :
- Mai mốt rửa hình Tương Như nhớ cho Hảo một tấm hí.
Tương Như gật đầu :
- Ừ, Như sẽ cho Hảo và Trang mỗi kiểu một tấm.
Em và Hảo theo ba me Tương Như chơi khắp Khiêm Lăng, me và dì Lan cũng đi theo sau nhưng cách một quãng xa, hình như hai người đang bàn chuyện riêng.
Ba của Tương Như giải thích cho chúng em nghe nhiều chuyện thật hay như loại đá thanh làm bậc thềm ở đây ngày xưa đúc tận Thanh Hoá, vua Tự Đức phải cho chở từ Huế trên những thớt voi. Hảo le lưỡi :
- Trời ơi, chở bằng voi thì biết mấy đời mới tới.
Ba Tương Như giải thích :
- Các cháu nên nhớ là khi vua Tự Đức vừa lên ngôi thì Khiêm Lăng này khởi sự xây. Cho đến khi vua băng hà thì công việc mới ngưng lại, tính ra ròng rã đến mười ba năm trời.
Tương Như hỏi ba :
- Nếu vua chưa chết, chắc cuộc xây lăng còn kéo dài nữa ba hí.
- Dĩ nhiên - Ba Tương Như nói tiếp - Mà các cháu biết không, công cuộc xây lăng này làm cho dân chúng thời đó khổ sở điêu đứng vô cùng.
Rồi ông chỉ những viên gạch rắn chắc lót sít sao trên những con đường dẫn quanh Khiêm Lăng :
- Các cháu biết đây là loại gạch chi không ?
Hảo nhanh nhẩu :
- Dạ đó là loại gạch Bát Tràng.
Em đập tay Hảo :
- Nói ẩu mi.
Hảo cãi :
- Đúng mà, mi hỏi lại bác cho mà coi.
Ba Tương Như lắc đầu :
- Đây là một thứ gạch đặc biệt, hết sức cứng rắn làm bằng đất sét và lá cây rừng quyện dính vào nhau. Một thứ lá bí mật mà hiện giờ vẫn chưa ai đoán ra được.
Ông nói tiếp :
- Thời đó, không có máy móc tối tân như bây giờ, nên tất cả đều phải làm bằng tay và dùng sức rất cực khổ. Dụng cụ làm gạch chỉ có mỗi người một cái cối và một cái chày, họ bỏ đất sét và lá cây vào cối rồi cứ thế giã hoài cho đến khi hai thứ nhuyễn ra quyện lẫn vào nhau, đem ra đúc gạch. Vì tác dụng của chất hóa học bí mật trong loại lá cây đó nên gạch này cứng rắn không thể tưởng. Cũng vì vụ làm gạch quá khổ này nên dưới triều vua Tự Đức có xảy ra loạn giặc chìa vôi.
Tương Như thúc ba :
- Ba kể cho tụi con nghe đi ba.
Ba Tương Như gật đầu :
- Ừ, để ba nhớ coi... ờ, dạo đó công cuộc xây lăng quá khổ sở, các cháu thử tưởng tượng, từng đoàn hàng ngàn người suốt ngày dang nắng lên những ngọn đồi trọc, bên cái cối đá và chiếc chày nặng trĩu đưa lên xuống không ngừng. Do đó, có một nhóm người do Đoàn Trung và Đoàn Trực cầm đầu đã nổi loạn, nên xách chày chạy về Đại Nội chống lại quân Triều đình. Nhưng sau rồi loạn này cũng bị dẹp được và hai người cầm đầu bị tru di tam tộc.
Em hỏi :
- Thưa bác, tại răng giặc đó lại gọi là giặc chìa vôi ?
Ba của Tương Như cười :
- Tại vì hình dáng chày giống như cái chìa vôi cho nên người ta kêu rứa.
Hảo đưa chân dậm dậm trên nền đá gạch :
- Chà, nói rứa thì gạch ni cứng vô hậu lắm.
Me của Tương Như góp chuyện :
- Ừ, bác có nghe người ta kể chuyện lại, là cách đây không lâu có một vị võ sư Đại Hàn đến Huế biểu diễn võ thuật. Tay của ổng chặt cả chồng gạch như chơi, rứa mà có người cắc cớ lên đây nạy một viên gạch đem về cho ông chặt, làm ổng hố một vố thiệt đau.
Tương Như hỏi mẹ :
- Ông ta chặt không bể hả me?
Ba Tương Như nói:
- Sức mấy mà bể, có búa tạ gõ cũng chưa chắc.
Hảo cười thật lớn :
- Tội nghiệp ông Đại Hàn mất mặt K.B.C.
Nắng đã lên tới đỉnh dầu. Mẹ và dì Lan gọi em về, em và Hảo đành giã từ Tương Như và gia đình của nó đầy hạnh phúc ấm êm.
Ngồi trên xe, em nói với Hảo :
- Mi thấy con Tương Như dễ thương chưa, mi nói nặng nó nhiều lần mà nó có tỏ ra giận mi chi mô nờ.
Giọng Hảo ăn năn :
- Ừ, tao thật bậy bạ a.
Em nắm tay Hảo siết nhẹ :
- Thôi bữa ni mi đừng kiếm chuyện với Tương Như nữa nghe.
Hảo quả quyết :
- Chắc chắn rồi. Có khi mô mi thấy tao thân thiện với con Tương Như như khi hồi không ? Tao hứa với mi là từ đây tao sẽ giữ hoài thái độ đó.
Em nhìn lên vòm trời xanh, có hai dải mây trong đang trôi lại gần nhau, em nghĩ đến Tương Như và Hảo, đồng thời hình ảnh ba và me lại ngời sáng trong tim em hơn bao giờ hết.
Cảnh vật hai bên đường xanh tốt, những mái tranh thửa vườn hàng dừa nghiêng nghiêng ánh nắng, dần chạy lùi vê phía sau. Hảo nhổm người lên để cởi chiếc áo len vàng đan bằng sợi mỏng, em cười :
- Nóng chưa. Rứa mà tao nói để áo ở nhà mi không chịu.
Hảo cãi :
- Hồi sáng trời lạnh chớ bộ.
- Bộ mi không thấy mấy ngày ni hả buổi sáng khi mô cũng lạnh một chút xíu thôi, đến trưa là nắng dữ dội.
Hảo xếp áo lại :
- Chi lạ ghê Trang hỉ, mùa đông chi mà như mùa hè a.
Xe rẽ đến một khúc quanh, em thấy một đàn bò đang đi chậm chậm, lớp da vàng nâu và những chiếc đuôi phe phẩy quạt ruồi. Rồi sự việc xảy ra trong chớp mắt, em chỉ thấy dáng con vật tách rời khỏi đàn băng qua lộ, đồng thời tiếng me rú lên hoảng hốt và tiếng bánh xe siết mạnh trên mặt đường, em có cảm tưởng như bị quay chong chóng rồi ngất đi.
Chương 7
Em là người tỉnh dậy đầu tiên ngơ ngác nhìn đám đông đang tụ tập tại nơi xảy ra tai nạn. Một người đàn ông kêu lên :
- Em nhỏ này đã tỉnh rồi.
Em nghe ê ẩm cả người và nhác trông thấy chiếc xe trắng với dấu hiệu chữ thập đỏ, thì ra người ta đang khiêng em lên băng ca. Em hoảng hồn gọi :
- Me ơi, dì Lan ơi, Hảo ơi.
Rồi em lại thiếp đi. Sau này em mới biết vì tránh con bò nên dì Lan lạc tay lái, cả chiếc bị lật xuống một đám ruộng gần đó.
May mà không ai thiệt mạng, chỉ có dì Lan tương đối bị nặng nhất, hình như dì bị gãy xương chân phải băng bột ít nhất vài tháng nữa mới đi lại được. Me và Hảo bị sai khớp xương tuy không nặng bằng dì Lan nhưng cũng phải nằm nhà thương lớn. Duy chỉ có em xây xát sơ sài mà thôi nên tối hôm đó, em được đưa về với ba.
Chiều nay, ba lái xe đưa em qua mua cam rồi qua nhà thương lớn thăm Me và Hảo. Em nghe lòng mình rộn rã kỳ lạ, ba sắp gặp lại me, lạy Đức Mẹ Đồng Trinh, hãy xui khiến cho hai đôi mắt trót xa lạ đó nối lại được niềm thương yêu vĩnh cửu. Suốt tối hôm qua, ba ngồi bóp dầu những chỗ đau trên người em, ba hôn lên trán em và ba tỏ ra hối tiếc tai nạn vừa xảy ra. Ba chê dì Lan lái xe dở, thấy đàn bò bên vệ đường thì đề phòng ngay, ba hỏi thăm dì Lan có can chi không, Hảo có can chi không ? Cả me nữa, không biết me có chịu nổi những cơn đau không ? Ba lại nhắc đến những kỷ niệm ngày xưa, hồi ba me mới cưới nhau, me đi xe đạp bị té trặc xương, me khóc, me làm nũng, me bảo ai biểu ba đi làm không chịu ở nhà đưa me sang Ngoại, để me phải đi xe đạp nên bị té. Ba bảo với em :
- Me trông vậy chớ yếu chịu đau lắm.
Đôi mắt ba long lanh, hình ảnh me chắc không bao giờ phai nhòa trong gương mặt đó. Nghe dì Phượng nói ngày xưa ba me thương nhau và lấy nhau hoàn toàn vì tình yêu, em nhớ có một lần cách đây mấy năm, dì Phượng dẫn em đi ciné gặp hai người bạn của dì, một người nựng má em và khen em đẹp thì người kia lên tiếng : “Con của chị Thúy và anh Tân thì không đẹp sao được, những đứa con đúc kết bằng tình yêu bao giờ cũng tuyệt, thiên thai trước mắt thì chắc chắn con sinh ra phải là tiên đồng ngọc nữ ! “
Em là ngọc nữ giữa thiên đường đã mất. Không, vẫn có thể cứu vãn được, me vì mặc cảm không dám trở về thì em sẽ rủ ba đến thăm me.
Ba ngần ngừ:
- Không biết me có chịu tiếp ba không?
Em quả quyết:
- Chắc chắn mà ba, ba nên mở đường cho me đi.
Dãy hành lang đưa em và ba đi đến căn phòng cuối cùng. Me đang nằm một mình trên chiếc giường xám trải nệm trắng, đôi mắt me hơi bối rối khi thấy ba bước vào cửa, sau em. Em đặt gói cam lên table de nuit rồi nói nhỏ :
- Me ơi, có ba đến thăm me.
Me im lặng. Ba im lặng. Em kéo chiếc ghế đẩu :
- Ba ngồi đây đi ba.
Me nhìn ba. Ba nhìn me. Một chút êm đềm vương vấn nhẹ không gian, một làn hương mới xua tan bao muộn phiền mệt nhọc. Ba hỏi thật nhỏ :
- Mình thấy trong người ra sao ?
Giọng me càng nhỏ hơn :
- Cám ơn mình... em khá rồi.
- Đã có ai qua thăm mình chưa ?
- Dạ có Phượng, Dung, Hạnh và cả ông bà Ngoại của Trang nữa.
- Rứa à, vậy mà anh định đem xe qua nhà đón, nhưng con Trang nó thúc quá, nó nóng lòng sang thăm mình.
Me âu yếm nhìn em :
- Tính con bé khi mô cũng nóng nảy.
Đã lâu lắm rồi em mới được thấy lại không khí hòa thuận, đã lâu lắm rồi em mới cảm nhận làn gió hạnh phúc thoang thoảng đâu đây. Em mở cửa đi ra ngoài, ba gọi lại :
- Trang con đi mô ?
- Dạ con đi thăm Hảo.
Hảo nằm phòng cạnh đó, nó đang ngồi dựa lưng vào tường nói chuyện với cô y tá. Thấy em, nó reo :
- Trang, phước đức ba đời ghê hí, xe lật mà ai cũng sống nhăn.
Em ngồi xuống cạnh nó :
- Mi bị trật xương hả, đau không Hảo ?
Hảo vẫn miệng mồm láu táu :
- Con ni hỏi vô duyên, đau chớ răng không ?
Rồi Hảo nâng má em :
- Mi không bị chi là tao mừng rồi. Khi tao tỉnh dậy thấy xung quanh chả có ai, tao hết cả hồn. Tao sợ mi chết quá Trang ơi, ngó mi yếu như con chim non.
Em vui vẻ :
- Rứa mà tao lại may nhất. Chỉ có dì Lan là nặng.
Hảo hỏi :
- Mi ghé thăm dì Lan chưa ?
- Chưa nơi. Tao vừa ở phòng me xong tao qua mi liền.
Rồi em ghé tai nói nhỏ :
- Hảo ơi, ba tao có vô thăm me tao nữa nì.
Hảo tròn mắt, reo lên :
- A, nhất định là hòa bình mà, tao nói có sai mô.
Em sung sướng véo vào tay nó :
- Thôi đi mi, lần trước mi đoán sai be sai bét.
Hảo ngưng cười. Nó nhìn thẳng vào mắt em :
- Thấy mi sắp tìm lại được hạnh phúc tao mừng ghê đó Trang. Rồi Hảo cúi đầu :
- Tao nói thiệt với mi đó, chỉ có những người đầy hạnh phúc mới đáng sống thôi, còn tao, tao muốn chết cho xong.
Em đưa tay bịt miệng Hảo :
- Hảo, chi lạ rứa, mi nói chi bậy bạ rứa ?
- Mi thấy không, tao chết hay sống có ai quan tâm đến mô, có ai thèm bước chân đến thăm tao mô.
Em biết Hảo đang ám chỉ chú của nó nhưng em cũng làm bộ như không hay :
- Nói hay chưa, có tao tới thăm mi đây nì.
Giọng Hảo buồn buồn :
- Hồi sáng có con Tương Như đến thăm tao nữa.
- Rứa răng mi nói không có ai tới thăm mi ?
- Tao nói gia đình chú thím tao a. Thật sự ra thì tao cũng chả muốn nhắn, nhưng ở đây người ta cứ hỏi địa chỉ gia đình hoài nên tao đành cho biết. Thà đừng nhắn, xem như họ vô tình không biết có lẽ tao đỡ tủi hơn.
Em định bảo Hảo : “Sao từ trước đến nay mi làm bộ phớt tỉnh ăng lê khi nhắc đến tình thương ruột thịt ?” nhưng thôi, nói ra làm gì khi em biết rõ rằng, đã bao lần Hảo cố dối lòng mình để vừa an ủi nó vừa an ủi em. Những giọt nước mắt lăn dài trên má Hảo trong giây phút cô bé đang sống thật với lòng mình... dù lần đầu tiên trông thấy Hảo khóc nhưng em không ngạc nhiên mấy vì em biết, là người ai cũng phải có trái tim. Một lúc sau em mới nói được :
-Thôi đừng buồn nữa, có tao, có Tương Như đến thăm mi là được rồi. Tao thương mi mà Hảo.
Hảo đưa tay quệt nước mắt :
- Tội nghiệp con Tương Như, nó mua cho tao cả kí pomme và ngồi chơi với tao thật lâu.
- Bữa ni mi đừng ghét nó nữa nghe.
Hảo nắm tay em :
- Tao đã hứa với mi rồi mà .
Sực nhớ đến mấy trái cam mua cho Hảo còn để bên phòng me, em đứng dậy :
- Để tao đi lấy cam cho mi.
Em mở nhẹ cửa phòng me, em thấy ba đang nắm bàn tay me trong khi me ngồi dựa lưng vào gối, gương mặt cúi xuống và đôi vai run run. Có lẽ me đang khóc. Ôi những giọt lệ mừng vui, những giọt lệ cuốn trôi nỗi đau sầu chất ngất ăn năn. Em đứng nơi ngưỡng cửa bất động, em sợ làm vỡ tan giây phút thiêng liêng ngàn đời không tìm thấy lại. Thời gian như ngừng trôi.
° ° °
Dì Lan nằm nhà thương cả tuần lễ có em và dì Phượng lại thăm mà thôi. Thỉnh thoảng, vú Lành làm xúp bới qua cho me rồi luôn tiện đem cho dì và Hảo luôn. Chú của Hảo có ghé thăm nó một lần, cho một số tiền rồi thôi, từ đó chẳng thấy tăm hơi, thiệt em chưa thấy người chú ruột nào lại tệ đến như vậy. Ba dù bận công việc nhưng vẫn chịu khó sang thăm me đều, ông bà Ngoại mừng, các dì của em mừng, vú Lành mừng và chắc chắn em là người mừng nhất.
Noel năm nay me vẫn còn nằm nhà thương, Hảo cũng kẹt ở đó nên em không thực hiện được mộng “Du đêm Giáng Sinh”. Hảo cứ nói với em hoài :
- Uổng ghê, nếu tao không bị xui ri thì tụi mình rủ con Tương Như đi chơi luôn Trang hí.
Nhưng em không lấy thế làm buồn mà vui là đằng khác. Em bàn với Ba nên đem cây thông Noel vào phòng me rồi ăn réveillon ở đó luôn, ba tán thành liền, còn vú Lành thì hứa quay ba con ngỗng thật ngon, để mời ông bà Ngoại, các dì và cô bé Hảo nữa.
Đêm Giáng Sinh mọi người đều vui vẻ chỉ riêng có dì Lan gương mặt phảng phất vẻ buồn. Theo như dì Phượng cho biết, dì Lan đang oán giận ông Thận đã lạnh nhạt, hờ hững với dì khi hay tin dì bị nạn gãy chân. Em liên tưởng đến gương mặt người đàn ông có bộ râu mép đáng ghét và lời của bà ngoại : “cái thứ đó mà tiếc làm chi, còn tiền còn xe thì còn nhân nghĩa, cô Lan bây giờ bị nạn, xe cũng hư rồi thì thôi, còn nhờ chi được nữa”. Cũng theo lời dì Phượng nói, ông Thận đã lợi dụng sự nhẹ dạ của dì Lan để vay tiền làm áp phe, nhưng sự thật y đã đem tiền đó ăn tiêu phung phí, tổ chức tiệc tùng này nọ nên cả gia tài sự nghiệp của dì Lan dần theo đó vơi đi. Dù cho dì không gặp nạn thì ông Thận cũng sẽ tìm cách bỏ dì một ngày rất gần đây. À, em quên điều này, đêm Giáng sinh tổ chức tại phòng me nhưng dì Lan vẫn dự được là vì dì sang phòng me trên chiếc xe lăn tay đấy. Đáng lẽ em cũng mời Tương Như nữa nhưng cô bé vào Đà Nẵng cùng ba má nó mất rồi. Hảo thì đã khá mạnh, nghe bác sĩ nói có lẽ sau tết tây me và Hảo sẽ được xuất viện.
Em trở lại nội trú với nỗi mong ngóng ngày tháng qua mau, để me trở lại căn nhà màu hồng, để em giã từ đời sống gò bó mà với tính phóng túng của em, em chịu hết nổi rồi.
Ăn cơm chiều xong, em rủ Tương Như ra sân chơi, trời không mưa nhưng lạnh, em phải chạy vào phòng lấy áo manteau khoác ngoài. Hai đứa đang nắm tay nhau bước chậm rãi về phía cổng thì chợt có chiếc xích lô rẽ vào. Hảo ngồi trên xe la chí choé :
- Trang, Tương Như ! Trang, Tương Như !
Em mừng rỡ, bỏ tay Tương Như chạy lại :
- Ủa, mi về chi mau rứa, nghe bác sĩ nói còn 4 ngày nữa mà.
Hảo đưa gói áo quần trên tay cho em :
- Mới hồi sáng, bác sĩ khám lại và cho về. Me mi cũng về đó Trang ơi.
Tim em đập mạnh :
- Me tao về hả, về khi mô ?
Hảo bước xuống xe :
- Về một lần với tao nì.
Em hỏi dồn dập :
- Me tao về mô Hảo ? Về nhà ông bà Ngoại hay về nhà ba tao ?
Hảo lắc đầu :
- Ai mà biết, tao thấy me mi kêu xích lô nhưng không biết đi ngả mô.
Em nhíu mày phân vân, Tương Như bóp tay em :
- Chắc chắn me mi về nhà ba mi rồi, thắc mắc làm chi cho mệt rứa không biết.
Hảo chen vào giữa hai đứa, nói với em : .
- Sáng mai chủ nhật, chi cũng có xe tới đón mi, mà lần ni thì đặc biệt, bên cạnh ba mi còn có me mi nữa.
Tương Như nựng cằm em :
- Vui chưa Trang ?
Hảo pha trò :
- Từ đây, con Trang là “mít ráo”.
Tương Như hỏi :
- “Mít ráo” là răng ?
- “Mít ráo” là mít không... ướt, có rứa cũng hỏi, răng mi u mê rứa không biết ?
Cả ba đứa cùng phá lên cười, chưa bao giờ cảm thấy yêu đời bằng hôm nay.
° ° °
Nội trú, đêm hạnh phúc...
Me ơi, con biết thế nào sáng mai ba cũng đưa me sang trường đón con, nhưng có lẽ con sẽ qua nhà tìm me trước. Con không đủ can đảm ở lại trường chờ đợi me ơi, sự hồi hộp sẽ làm con đứng tim mất.
Hơn nữa, con muốn tìm cảm giác sung sướng khi bước chân vào mái nhà thân yêu, người mở cửa để ôm con trong vòng tay là me chứ không phải là vú Lành như thường lệ. Ba sẽ lái xe đưa me và con đi ăn sáng, rồi chúng ta đi cine hay viếng đồi Vọng Cảnh, rồi… trời ơi, tâm tư con đầy ắp giấc mơ, nói làm sao, tả làm sao cho hết nỗi mừng vui trong con...
Buổi sáng em dậy thật sớm nhưng mãi đến 8 giờ em mới được ra khỏi cổng trường. Ngồi trên xích lô em nóng nảy thúc dục khiến bác đạp xe phải la lên :
- Trời ơi, cô hối vừa vừa chớ, tui quýnh lên đây nì. Xe cộ đầy đường làm răng mà đi mau cho được.
Rồi ngôi nhà thân yêu cũng hiện ra, khóm trúc đào trước cổng rào ngả nghiêng chào đón và lối gạch hồng soi bóng nắng lung linh nâng gót em qua. Cửa chính đóng kín mít, chắc ba em còn ngủ, em đưa tay bấm chuông. Có tiếng guốc quen thuộc của vú Lành từ nhà sau bước đến gần, cửa mở vú thò đầu ra, ngạc nhiên :
- Kìa, Trang, đi mô mà sớm ri con, răng không đợi ba tới đón ? Sáng ni ba ở nhà để đưa con đi chơi mà.
Vú Lành ôm vai con đẩy vào trong nhà :
- Thôi vô đây ngồi đợi ba, ba tới trường không có con chi cũng về đây lại.
Em đến canapé thả mình lên tấm nhung êm :
- Ba đi chi mà sớm rứa ?
Vú Lành vừa quay ra nhà sau vừa trả lời :
- Nghe nói ba đến nhà bác Kiệt có tí việc trước khi tới đón con.
Em thoải mái nhìn khắp phòng khách, trang hoàng bằng nhiều đồ vật đắt tiền. Hai chiếc đôn khảm xà cừ, tấm thảm Thái Lan cùng cặp ngà voi uy nghi bên áng sách... Trên tường quét vôi hồng nổi bật vài bức tranh sơn dầu tuyệt mỹ, rồi đây bức hình màu đám cưới ba me lại được treo vào chỗ cũ và tất cả sự việc đáng tiếc vừa xảy ra trôi qua như cơn ác mộng chẳng ai buồn đề ý đến.
Vú Lành tươi cười đi ra :
- Cho con chó con của Vú miếng chả mực đây nì. Ba biểu vú làm để trưa ni cho con ăn đó. Thôi chừ nếm thử coi có ngon không nghe.
Em đón lấy miếng chả trắng thơm tho :
- Me cũng đi với ba hả vú ?
Vú Lành ngạc nhiên :
- Me... me mô ?
- Ơ me... me về đây rồi mà...
- Trang, chắc con nằm chộ rồi đó, à vú biết rồi, có phải hồi hôm con nằm chộ me về đây không ? Hèn chi sáng ni con sang sớm ghê.
Em lại sững im. Em nhìn thẳng vào mặt vú, nhưng em không thấy gì cả, những bức tranh sơn dầu quay tròn, miếng chả trên tay em rơi xuống đất. Vú Lành kêu :
- Trang, con... con răng rứa Trang ?
Me không về đây rồi, me bỏ con, bỏ ba, bỏ căn nhà này rồi, me ơi. Em ôm mặt khóc. Vú Lành đến bên em :
- Trang.
Vú đặt tay lên vai em nhưng em hất tay vú đi. Em phải sang Ngoại, ngay bây giờ, để hỏi cho ra lẽ, em cũng đến không hiểu nổi me. Sự ăn năn niềm hối hận đó chỉ là giả tạo thôi ư ?
Em chạy bay ra cửa mặc cho vú Lành réo gọi, em kêu xích lô ra bến xe buýt, phải đi xe buýt lên Kim Long mới nhanh được chứ ngồi xích lô từ đây lên đó đến sốt ruột mất.
Dù em có bồn chồn nôn nóng, chiếc xe buýt vẫn dừng lại đón khách tại mỗi trạm bên đường. Người lên mỗi lúc một đông, lại thêm hơi xăng nhức cả đầu, em bị ép ngồi sát trong góc nhưng vẫn cố gắng nhướn người ra ngoài xem thử xe đã đi ngang nhà Ngoại chưa ?
- Cho tôi xuống đây đi bác tài ơi !
Em hét to lên để át tiếng máy xe ồn ào.
Em chạy qua một quãng đường đất đỏ, đến cổng nhà Ngoại; qua chiếc cầu gỗ... đôi chân em như mọc cánh, em chả thèm để ý gì đến cảnh vật chung quanh.
Hình như cả nhà đi vắng, chỉ có con Vện nằm trước cửa thấy em vào vẫy đuôi chào mừng. Em đi thẳng vào phòng khách, dì Hạnh đang ngồi chép bài hát bên cửa sổ. Em hỏi :
- Dì Hạnh, cả nhà đi mô hết rồi ?
Dì Hạnh bỏ viết xuống :
- Đi ăn kỵ hết rồi Trang ơi, nhưng có me của Trang nằm trong buồng dì Phượng à.
- Trang .
Có tiếng gọi em và gương mặt me xanh xao hiện ra bên ngưỡng cửa dẫn vào nhà trong. Em lắp bắp :
- Me. Rồi em òa khóc.
Me đến bên em, kéo em ngồi xuống ghế salon :
- Răng con lại khóc ?
Em nghẹn ngào gục đầu vào vai me :
- Me ơi, răng me không về với ba mà me lại về đây ?
Me vuốt tóc em :
- Me... me còn ngại... .
Em ngẩng đầu lên :
- Me ngại chi ? Ba với me đã hòa nhau rồi mà, những lần ba đến thăm me không nói lên được điều đó răng ?
Me thở dài :
- Nhưng ba chưa đòi hỏi ở me sự trở về.
Một tiếng nói đầm ấm quen thuộc cất lên :
- Có chứ.
Ba bước vào nhà như bóng dáng thiên thần, ánh nắng tràn theo ba lung linh đổ hoa trên nền đá trắng. Em gọi tiếng ba mơ màng như trong giấc mộng đẹp. Ba đến gần me :
- Răng mình lại nói với con chi lạ rứa ? Đã có lần anh nhắc đến điều đó nhưng mình gạt đi cho nên anh thôi không nói nữa. Anh định ngày mình xuất viện anh sẽ nói, rồi đón mình về nhà chúng ta luôn. Không ngờ bác sĩ lại cho mình về sớm hơn ngày dự liệu.
Em nhìn me :
- Đó me thấy chưa ?
Dì Hạnh rút ra nhà sau. Ba nâng nhẹ bàn tay gầy xanh của me :
- Sáng nay, anh sang trường đón con Trang qua thăm mình, thì được Sơ cho biết con nó đã về nhà. Anh trở về nhà không gặp nó, Vú Lành cho biết con Trang nó vừa đi xong, nó đã khóc rất nhiều khi hay tin mình xuất viện mà không chịu về nhà. Mình, hãy nhìn kỹ con đi mình, mấy tháng qua, con Trang nó gầy ốm hốc hác đến tội nghiệp. Cái tuổi mười bốn là tuổi dễ xúc động nhất nên việc làm của chúng ta đã ảnh hưởng đến tâm hồn nó rất nhiều.
Bàn tay me run rẩy :
- Mình, em biết, con Trang nó khổ... lỗi lại em...
Ba ôm lấy me vào ngực :
- Đừng nói vậy Thuý... Lỗi cả hai chúng ta...
Đôi mắt em nhòa lệ, mơ hồ gương mặt ba cúi xuống tóc me :
- Thúy, chúng ta hãy bỏ qua tất cả nghe...
Me nấc lên, lần này me khóc thật to, me gục đầu vào ngực ba, những ngón tay hồng níu lấy đôi bờ vai rắn chắc. Khóc nữa đi me, khóc đi một lần cuối để nụ cười từ đây nở thắm trên môi, để vòm trời hạnh phúc mở rộng vòng tay bao la mật ngọt...
Ba rút mùi soa lau nước mắt cho me.
- Nín đi... Thúy.
Me ngước lên đôi mắt đẹp mọng đỏ :
- Mình, tha thứ cho em.
Ba vuốt tóc me :
- Anh đã tha thứ cho mình từ lâu. Thôi mình vào sửa soạn về với anh với con nghe...
Me đứng lên, dì Hạnh chạy ra :
- Chị về hả chị Thúy ? Anh chị ở lại chơi đây chiều hãy về. Trưa ni, mạ làm món bún thịt nướng đặc biệt lắm.
Me cười nhìn ba như hỏi ý. Ba cũng cười :
- Ừ, thì để trưa anh chị sẽ ghé lại thưởng thức món ăn tuyệt diệu của mạ. Chừ để anh đưa chị và cháu Trang đi chơi một vòng đã. Hạnh đi không ? Vào thay áo quần đi luôn.
Dì Hạnh phụng phịu:
- Em thích đi bắt chết, nhưng phải ngó nhà anh chị ơi. Bữa ni ở đây ăn trộm nhiều lắm, hở một chút là nó rinh đi hết.
Me nói với ba :
- Thôi để khi khác rồi cho Hạnh nó đi.
Ba gật đầu, ba quay sang em :
- Còn Trang, răng mà mặt mũi tèm lem nước mắt rứa, tới đây ba lau cho.
Em đến tựa đầu vào cánh tay me, ba âu yếm lau nước mắt cho em bằng tấm khăn mềm, tấm khăn nhung êm đan bởi tơ trời xóa hết sầu đau. Nắng ấm soi vào hồn em những bông hoa kỳ diệu.
Chương Kết
Em giã từ nội trú đã hơn một tuần. Từ hôm đó đến nay chiều nào ba cũng đưa me và em qua thăm dì Lan. Tội nghiệp dì ghê, en chẳng còn mảy may nào giận dì nữa. Chân của dì vẫn còn băng bột, nghe bác sĩ nói có lẽ ra Tết mới được tháo ra. Gia đình dì Lan ở Sài gòn, nói là gia đình cho hay vậy thôi, chứ hiện giờ dì chỉ có người em trai đã có vợ con ở trong đó. Hôm nghe tin dì bị tai nạn, cậu Hân, em dì, bận hành quân nên không ra thăm được. Mới hôm kia đây, cậu xin được hai ngày phép, lật đật về Huế thăm chị, em và me cũng có gặp cậu nữa, cảm động ghê, trông cậu Hân thương dì Lan ghê lắm đó.
Ánh nắng chiều đã trải vàng trên sân bệnh viện, em đứng tựa bao lơn, mơ màng nhìn từng cụm hoa nắng nhảy múa trên ngàn cây. Có tiếng dì Lan gọi em :
- Trang.
Em quay vào :
- Dạ, dì gọi cháu ?
- Cháu đang nhìn chi rứa ?
- Dì Lan ơi, cháu đang nhìn những hoa nắng lung linh. Đẹp lắm đó dì.
- Cháu thích lắm à ?
- Dạ, cháu thường ví hoa nắng là hạnh phúc không bao giờ nó chịu nằm yên trong tay mình mô dì ơi.
- Răng cháu biết ?
- Dì thử đưa tay nắm lại xem. Những hạt nắng đó sẽ thoát khỏi tay mình ngay.
Dì Lan cười nhẹ :
- Như rứa thì làm răng mình nắm giữ hạnh phúc cho được ?
Em nói một câu hết sức người lớn :
- Hãy để cho nguồn hạnh phúc tràn lan chung quanh ta, tự nhiên như ngàn bóng nắng...đừng nên cố giữ trong tay.
Me ngồi cạnh dì Lan sung sướng gọi khẽ :
- Con Trang của mình đã lớn rồi, Lan ơi.
Dì Lan gật đầu :
- Ừ, cháu nó đã lớn… mình rất sung sướng khi thấy Thúy đã kịp trở về với anh Tân… Thúy, Thúy có giận mình không ?
Me gạt đi :
- Lan đừng nói rứa... đừng bận tâm chi hết a... sẽ có mình, anh Tân và cháu Trang… săn sóc, lo lắng cho Lan… hãy xem gia đình mình như gia đình Lan vậy. Hãy sửa đổi lại nếp sống, chưa muộn lắm đâu Lan.
Em chạy lại sà vào lòng me :
- Me ơi, cho con Hảo về ở với mình nữa nghe.
Me nhìn em :
- Hảo nó muốn rứa à ?
Em mân mê tà áo me :
- Dạ không. Nhưng con đề nghị rứa và nó cũng chịu rồi. Nó nói khi mô nghỉ lễ nó sẽ về nhà mình chứ không về nhà chú thím nó nữa.
Dì Lan xen vào :
- Trông tình cảnh Hảo cũng tội nghiệp, nó còn nhỏ quá.
Em khoe :
- Hảo nó hơn con có một tuổi mà nó khôn lắm dì ơi. Nó...
Dì Lan nhìn em cười, me cũng nhìn em cười chắc tại cái miệng em líu lo hoài. Em mắc cỡ quá em chạy ù ra bao lơn che dấu đôi má đỏ bừng. Nắng vẫn kết hoa hạnh phúc trên cành cây xanh...
27-12-1973
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Café yêu

Café yêu Giới thiệu Nếu đã quen với những trang báo Hoa Học Trò thì cái tên Minh Nhật có lẽ không xa lạ gì với các bạn. Tuy còn khá trẻ nh...