Thứ Bảy, 1 tháng 1, 2022

Đôi bạn 2

Đôi bạn 2

Chương 7
Lời hẹn của Phương khá sốt sắng, nhưng không biết có thật lòng không. Cái thằng Phác này, lòng dạ thật tiểu nhân. Đối với con gái, chẳng những không ga lăng, mà còn giở thói bạo lực. Nếu không có Nam, chắc cái trò “thọc gậy bánh xe” của Phác đã làm cho Thanh Phương phải u đầu mẻ trán. Hồi nãy, trước khi ra về, Nam nghe Phác bảo với Sa và Hoa: “Hai bạn xem bộ khoái điểm 10 quá nên quên đi mối thù với con Phương rồi phải không?”. Sa nói: “Mối thù gì chớ”. Hoa liếc Phác: “Thôi đừng có nhiều chuyện” . Phác khích: “Nó đã xúc phạm chúng ta, dám chê những tiết mục văn nghệ của chúng ta, phải cho nó một bài học mới được. Hai bạn đồng ý không?”. Hoa lắc đầu: “Không, tui sợ cô Nhung lắm”. Sa lảng ra: “Tui về đây”. Phác tức tối nhìn theo, lẩm bẩm: “Đồ hèn nhát. Tao sẽ cho con nhỏ đó biết thế nào là lễ độ” . Nam thấy Phác đi về phía vườn sinh vật cuối sân trường, lấm lét nhìn trước nhìn sau, rồi rút một cây sào dài trên giàn cây leo, ra khỏi trường bằng lối cửa sau. Linh tính… Sơ Lốc Hôm cho Nam đoán ra rằng, Phác sắp làm một chuyện mờ ám không có lợi cho Phương, nên quyết định bám theo. Nhờ vậy, Nam mới có cơ hội cứu Phương thoát khỏi âm mưu của Phác. Sau vụ “anh hùng cứu mỹ nhân” vừa rồi, không biết Phương có chịu nghe lời cô Nhung mà nghĩ lại cho Nam không?
Mẹ chờ Nam bên bàn ăn.
- Sao con về trễ vậy?
- Dạ… hôm nay có buổi họp với cô chủ nhiệm.
Đành phải nói dối thôi. Không lý cho mẹ biết chuyện Nam suýt đánh nhau với Phác, mẹ càng lo thêm.
- Ăn cơm đi con.
Đầu óc chợt quay cuồng bao ý nghĩ khiến Nam bỗng no ngang. Thời gian không chờ đợi ai, vậy mà đến bây giờ Phương vẫn chưa có được thành quả nào, lại còn gây ra biết bao “ân oán” phiền phức. Muốn giúp Phương, nhất định Nam phải có một tiết mục văn nghệ vượt trội để được chọn. Nam ăn cơm thật nhanh rồi dọn mâm xuống bếp. Ban trưa yên tĩnh, Nam nghe rõ tiếng thở đều đều của mẹ từ buồng trong vọng ra, lòng nhẹ nhõm. Từ hôm ở bệnh viện về, mẹ Nam không còn lên cơn đau tim nữa, sức khỏe bà diễn biến tốt, bà ăn ngon, ngủ được, sắc mặt hồng hào hẳn ra. Ba Nam dạo này cũng khá, tiền bạc tương đối ổn định vì ông chạy xe cẩn thận nên được rất nhiều khách tín nhiệm. Đa số là quí vị phụ huynh nhờ đón đưa các cậu ấm cô chiêu đi học, sau đó là đi giao hàng, lấy hàng… cho những người quen trong xóm hoặc ở các chợ gần nhà. Ba Nam không nhận lời chở mối xa nữa, ông dành thời gian cho gia đình, chăm sóc mẹ Nam nhiều hơn.
Rửa chén bát xong, Nam không ngủ trưa như thường lệ, mà chạy lên gác tìm “cây đàn bỏ quên”. Đã lâu, Nam không đụng đến những phím đàn quen thuộc này bởi nhiều lý do. Ngoài việc bận rộn học hành, ôn thi chuyển cấp, lý do quan trọng nhất là căn bệnh của mẹ Nam cần được chăm sóc, cần được nghỉ ngơi trong một không gian yên tĩnh, nên Nam tạm quên đi những giây phút thư giãn, không đàn, không hát, dành hết thời gian rảnh rỗi cho mẹ.
Nam thận trọng gỡ tấm nylon bọc ngoài bám đầy bụi, cuộn tròn lại cho vào thùng rác, rồi dựng cây ghi ta vào tường, lùi xa ra, ngắm nghía. Một cảm giác thân quen ấm áp lòng Nam. Cây đàn này là phần thưởng dành cho Nam trong một lần dự thi văn nghệ cấp phường, thành quả sự dìu dắt của bác Chu suốt mấy tháng trời. Từ đó, Nam có mỹ danh là “ngôi sao nhỏ” với tài nghệ vừa hát vừa tự đệm ghi ta cho mình. Gần hai năm qua, ngôi sao xưa đã lớn, đã nhạt nhòa, biết còn cơ hội tỏa sáng nữa không? Nam nâng đàn lên… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu… (bài Phượng Hồng của Vũ Hoàng phổ thơ Đỗ Trung Quân). Tay Nam bỗng nhói đau. Không xong rồi, những sợi dây đàn bị sét lam nham, làm sao tiếp tục được? Phải mua bộ dây khác thôi.
Nam ra đến đầu hẻm, vừa lúc gặp Trang chở Hà trên xe đạp đi ngược chiều. Nam quay xe chạy theo:
- Hai bạn đi đâu vậy?
- Tới nhà Phương.
- Họp ban Văn nghệ hả?
- Đâu có, tới chơi thôi.
- Cho tôi tháp tùng với.
Hà bấm lưng Trang. Trang nói:
- Không biết nhỏ Phương có chịu không.
Nam cười:
- Phương đuổi thì tôi về, có sao đâu.
Phương vui vẻ mở cổng mời cả ba vào nhà. Lòng Nam bỗng vui khi thấy Phương không nhìn mình bằng đôi mắt ác cảm nữa. Hà nói nhỏ:
- Hiện tượng lạ.
Trang gật gù:
- Chắc lát nữa trời mưa to.
Nam cười thầm, tại vì hai bạn không biết vụ án “thọc gậy bánh xe” vừa mới xảy ra hồi trưa nay đấy thôi. Phương đem ra 3 ly nước mát, nhìn Nam rồi bảo với Trang và Hà:
- Sẵn có trưởng lớp, chúng mình họp luôn đi. Trước mắt, mỗi bạn phải cứu Phương bằng một tiết mục văn nghệ. Cố gắng lên, mình tin là sẽ không tệ đâu.
Nam hăng hái:
- Tôi xin đăng ký bài Phượng Hồng, vừa hát vừa tự đệm ghi ta.
Ba cái miệng xinh xinh há hốc vì khâm phục:
- Nam… Nam… được hả?
Nam gật đầu:
- Được, nhưng để tôi dượt lại đã. Bỏ lâu quá, e hơi bị quên.
Phương phấn chấn lấy giấy bút ra, tay thoăn thoắt, mồm liếng thoắng:
- Nam… bài Phượng Hồng, Trang… bài gì? Hà nữa, nhanh lên.
Trang để tay lên cổ, ho khan. Hà lấy khăn giấy xịt mũi. Phương trừng mắt:
- Chúng mày giở trò gì thế?
Trang nhìn Nam, Nam nói đỡ:
- Phương để Hà và Trang đăng ký sau, được không?
Phương chần chừ. Hà vỗ vai Phương:
- Mày yên tâm đi. Hôm nay bất ngờ quá, đâu có định họp hành gì.
Phương gật đầu:
- Thôi cũng được. Chúng mày hứa rồi đó nha.
Nam hỏi:
- Còn Phương? Bạn có định tham gia mục gì không?
Phương ấp úng:
- Tui định hát bài Tuổi Đời Mênh Mông…
- Hay đấy.
- …Nhưng bị đụng hàng.
- Đụng thì đụng, sợ gì chớ. Phương cứ tập hát cho thật nhuyễn, tui sẽ đệm cho.
Hà nói:
- Hình như có ban nhạc của nhà trường lo phần đệm.
Nam lắc đầu:
- Làm gì có, tôi hỏi kỹ rồi. Chỉ khi nào tiết mục lớp mình được thầy Tú chọn kia.
Trang lo lắng:
- Vậy biết làm sao đây? Nam có đệm nổi cho cả ba đứa tui không?
Nam đứng dậy:
- Yên tâm. Bây giờ tôi phải đi mua bộ dây đàn, tập dượt lại một chút. Các bạn chuẩn bị bài đi nhé.
Nam vừa đạp xe vừa run. Khó khăn lắm mới giảng hòa được với đám con gái, bây giờ mà từ chối: “Tôi đệm không nổi, các bạn tự lo đi!” thì mặt mũi Nam biết để đâu? Phải nói cứng thôi. Một mình Nam không kham nổi, nhưng có quí nhân ở cạnh nhà, còn lo gì nữa! Thay bộ dây mới xong, Nam hăng hái xách cây ghi ta qua nhà bác Chu. Bác đang chăm sóc vườn, hai tay lấm lem đất cát.
- Bác trồng cây gì thế ạ?
- Trồng gì chớ. Bác đang nhổ cây đây nè, không biết lá lốt đâu mà mọc tùm lum ra, hái để mai làm bò cuốn lá lốt rủ ba cháu qua nhậu một bữa.
- Ba cháu bỏ rượu rồi bác ơi.
- Bỏ với ai chứ với bác thì phải nể mặt chứ. Nam vô tửu như kỳ vô phong ha ha ha…
Bác dừng tay nhìn Nam, ngạc nhiên khi thấy cây đàn:
- Chà, lâu ngày dữ.
Nam cười, so dây, dạo một giai điệu nhẹ nhàng. Bác Chu nhăn mặt, lắc đầu lia lịa:
- Phô quá cậu bé ơi, nghe đau tai quá.
Nam mất hứng, tẽn tò:
- Tại cháu bỏ đàn lâu quá.
Bác Chu gật gù:
- Nói vậy còn nghe được. Thôi vào nhà chơi, chờ bác tắm một lát, bác sẽ giúp cháu lấy lại phong độ xưa.
Bác Chu tỏ ra vui mừng khi biết Nam sắp dự cuộc thi hát. Bác chỉnh lại dây đàn rồi bảo Nam hát thử cho bác nghe… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…
- Khá lắm, giọng cháu vẫn tốt như xưa.
Nam ngập ngừng:
- Cháu muốn tự đệm đàn, có được không ạ?
- Được quá đi chứ. Nhưng phải tập kỹ à nghen. Bác đã soạn hòa âm mới cho bài Phượng Hồng này, hay hơn trước nhiều.
Nam hoảng:
- Thôi bác ạ, cháu đệm theo bài cũ được rồi.
- Thằng nhỏ này, sao không có chí cầu tiến gì cả vậy?
- Thời gian cấp bách lắm.Vả lại, cháu còn muốn nhờ bác… bác có đồng ý không ạ?
- Đồng ý… cái gì mới được chứ. Cháu có khùng không hở Nam?
Khi người ta hưng phấn quá thì có thể trở thành khùng điên một chút. Tâm trạng Nam bây giờ đang vui. Niềm vui vừa tràn đến bất ngờ khi mọi hiểu lầm giữa Nam và Phương đã được hóa giải, Nam lại còn được ba cô bạn nhỏ tin tưởng nhờ đệm đàn cho các tiết mục sắp tới nữa. Phải nhờ ông nhạc sĩ này thôi.
- Ý cháu là… nhờ bác soạn hòa âm cho ba người bạn của cháu, rồi bác… dạy cháu đệm những bài mới này.
- Bài mới là bài gì? Đưa cho bác xem trước.
- Dạ để ngày mai…
- Cũng được. Bây giờ cháu lo phần của cháu đã.
Bác Chu mở hộc bàn, tìm bản nhạc Phượng Hồng có ghi phần hòa âm rõ ràng, trải lên bàn, bảo Nam:
- Cháu đánh thử xem.
Nam luống cuống:
- Cháu quên…
Bác Chu sửa những ngón tay Nam:
- Không sao. Quên thì cố nhớ lại. Bác giúp cháu mà.
Bác dùng bút chì đánh dấu thêm một vài chỗ. Nam theo đó bấm nốt, ban đầu chập choạng, sau nhanh dần. Bác Chu mỉm cười hài lòng:
- Cháu thông minh lắm.
Nam say sưa đàn, quên cả thời gian. Bóng tối tràn vào phòng, bác Chu đứng dậy bật đèn. Nam đứng lên theo:
- Cháu xin phép về kẻo mẹ cháu trông.
- Ừ, cũng trễ lắm rồi.
- Thưa bác, cháu đàn như vậy, đã tự đệm để hát được chưa ạ?
Bác Chu gật đầu:
- Cháu thử tập đi. Ngày mai hát cho bác nghe, bác sẽ góp ý.
Tối nay, ba Nam về muộn nhưng mẹ Nam vẫn chờ bên mâm cơm đạm bạc.
- Nam à, con có đói thì ăn trước đi.
- Dạ không, con chờ ba về cùng ăn cho vui.
Nam lên gác, ra bao lơn nhìn suốt con hẻm, mong chờ bóng xe quen thuộc của ba. Đèn đường bật sáng, soi lên những mái nhà chen nhau san sát, những hàng hiên nhô ra thụt vào lộn xộn và những dáng người mệt mỏi trở về nhà sau môt ngày làm việc nhọc nhằn. Vẫn chưa thấy ba. Nam quay vào, lấy đàn tập lại bài hòa âm mới… Mối tình đầu của tôi, là cơn mưa giăng giăng ngoài cửa lớp, là áo ai bay trắng cả giấc mơ…
Có tiếng mẹ Nam:
- Nam ơi.
Rồi tiếng ba dựng xe nơi góc nhà. Ba về hồi nào Nam cũng không hay. Nam có cái tật sửa hoài không được. Đó là khi chú tâm vào một việc gì là Nam không còn biết mọi sự cố xảy ra chung quanh, cho dù trời có sập xuống! Nam để đàn lên sàn gác, nhảy xuống những bậc thang. Gia đình quây quần dưới ánh đèn néon ấm cúng. Mẹ Nam giở lồng bàn. Ba Nam nói:
- Anh đã dặn, em quên rồi sao. Đừng nấu canh rau muống, em đang bị nhức mình mà.
Mẹ Nam cười dịu dàng:
- Không sao đâu. Em bớt rồi.
Nam xới cơm cho ba:
- Mẹ biết ba thích canh rau muống, con cũng thích nữa.
Ba Nam nhìn mẹ:
- Vậy thì để cha con anh ăn thôi nhé. Ý quên…
Ba Nam đứng dậy:
- Có quà cho hai mẹ con đây.
Ba Nam đến lấy một gói nhỏ treo trước đầu xe:
- Hồi nãy chở khách ngang qua chợ Cũ mua thịt quay, thấy ngon quá nên anh cũng mua luôn hai lạng – Ba cười, âu yếm bảo Nam – Xới cơm nhiều nhiều lên cho mẹ nhé.
Chuông điện thoại reo. Ba Nam dừng ăn. Nam bỏ đũa xuống:
- Để con nghe cho.
Nam chờ chuông reo lần thứ ba mới nhấc máy:
- A lô.
- Thưa, có phải nhà của bạn Nam không ạ?
Tim Nam đập rộn ràng trong lồng ngực khi nhận ra tiếng Phương. Nam reo:
- Phải Phương không? Nam nè. Có chuyện gì vậy?
- À… có. Chủ nhật Nam có bận gì không?
- Không. Nam rảnh mà.
- Hai nhỏ Trang và Hà chọn được bài hát rồi. Ngày mai, Nam đem đàn đến nhà Phương đệm cho tụi này nhé.
Trời Phật! Có chết Nam không. Bài hát của Nam còn lo chưa xong, nói gì đến chuyện tập tành cho người khác. Mấy năm trời không cầm đến cây đàn, tay chân cứng ngắt, giờ muốn dượt lại phải cần thời gian, đâu thể nhìn vào nhạc là đệm ngay được. Ai biểu Nam tài lanh, nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy. Làm sao bây giờ?
- Nam, Nam… Nam còn ở đó không?
- Ờ… còn… ngày mai Nam sẽ qua.
- Cám ơn Nam trước. Chào.
Nam và lẹ chén cơm rồi nhảy lên gác. Cây guitare nằm im trên sàn, nước gỗ ánh ngời, kết quả một ngày Nam ra sức lau chùi, đánh bóng. Nam nâng đàn lên, những sợi dây mới tinh, mềm mại không làm dịu bớt bao nhiêu nỗi thắc mắc tràn ngập hồn Nam. Chả biết Trang và Hà chọn bài hát gì? Khó hay dễ? Liệu Nam có đệm theo được không? Cầu cứu bác Chu là cái chắc rồi, nhưng bác cũng chỉ giúp Nam soạn hòa âm thôi, phần còn lại là tùy thuộc vào “tài nghệ” của Nam thôi.
Nam không ngủ được vì lo. Trăn qua trở về, lại ngồi dậy tập đàn… Cánh phượng hồng ngẩn ngơ, mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ lên cây…. Khung trời ngoài cửa sổ đen thăm thẳm.
Nam dậy thật sớm, chạy qua nhà bác Chu nhờ cứu viện. Bác sốt sắng:
- Được, được. Bảo chúng nó đến đây, bác cố vấn cho.
Chương 8
Phương, Trang, Hà đứng trước cổng nhà chờ Nam. Thấy Nam từ xa, Phương chạy đến:
- Nam ơi, không ổn rồi.
- Có chuyện gì, vào nhà hãy nói.
- Ủa, sao Nam không mang đàn theo?
Trang và Hà cùng nói:
- Bể sô rồi, mang theo làm gì.
Nam ngạc nhiên nhìn Phương.
- Nam ngồi xuống đây, tui nói cho nghe… chắc là chúng mình thua rồi.
- Thầy Tú đã từng la lớp mình là “chưa đánh đã đầu hàng”, Phương quên rồi sao? Mình phải phấn đấu chứ.
Trang ngắt lời:
- Nhưng bây giờ lực bất tòng tâm rồi.
Hà buồn bã:
- Mình vừa hay tin, Ngọc Quỳnh và Xuân Lan hát bài Tuổi Đời Mênh Mông đều phải tốn tiền thuê người ta soạn phần nhạc đệm. Như vậy, một mình tha hồ tập, bao nhiêu lần cũng được, chỉ việc mở CD ra, khỏi cần đến ban nhạc nào cả. Các bạn nghĩ xem, nếu Phương hát cùng một bài ấy nhưng chỉ với một cây ghi ta theo, liệu có ăn nổi không?
Nam đề nghị:
- Hay là Phương cũng thuê…
Phương lắc đầu:
- Đắt lắm, Phương không muốn mẹ Phương phải mất tiền vì Phương.
Những ánh mắt nhìn nhau thất vọng. Phương mở chai nước suối, rót vào bốn cái ly. Dĩa bánh bao trên bàn nguội ngắt, không ai buồn ăn. Nam xoa hai tay vào nhau:
- Buổi họp văn nghệ hôm nay xôm quá.
Rồi lấy ba cái bánh đưa cho ba cô nhỏ:
- Ăn đi rồi tôi nói cho nghe chuyện này, hay lắm.
Những ánh mắt lại sáng lên. Phương, Trang, Hà cùng nhắc:
- Nam cũng ăn đi chứ.
- Đương nhiên rồi. Có thực mới vực được… giọng chứ. Sao? Phương vẫn giữ bài Tuổi Đời Mênh Mông chứ? Còn Trang và Hà chọn hát bài gì? Cho tôi biết đi.
- Hà hát bài Mưa Ngâu, Trang bài Không Còn Mùa Thu.
- Có đem nhạc theo không?
Các cô nhỏ chìa ba bản nhạc ra. Nam đứng dậy:
- Tốt. Chúng ta xuất hành nhé. Nào, đi.
Ba đôi môi hồng đồng thanh:
- Đi đâu? Nam có bị chập điện không?
- Chập điện gì chớ. Đi theo tôi, khắc biết.
Cả bốn người dừng xe trước vòm cổng có giàn hoa giấy đủ màu. Phương hỏi:
- Nhà của Nam?
- Không, nhà của… quí nhân, một người sẽ tận tình giúp đỡ chúng ta.
Nam vừa đưa tay bấm chuông, cánh cổng đã bật mở. Bác Chu xuất hiện, chỉnh tề trong chiếc sơ mi ca rô và quần xanh sẫm. Bác cười rất tươi. Nam mở rộng cánh cổng:
- Bác định đi đâu ạ?
- Bác ra đón các cháu thôi. Sao đến trễ thế?
- Chúng cháu xin lỗi vì đến không đúng giờ – Nam nhìn các bạn – Mình giới thiệu nhé, đây là bác Chu, nhạc sĩ – Quay sang bác –Thưa bác, còn đây là Phương, Trang, Hà cùng trong ban Văn nghệ với cháu.
Bác Chu dang hai tay:
- Vào đây, vào đây…
Nam giúp các bạn dựng xe đạp vào góc sân.
- Các bạn biết không? Ngày xưa bác Chu là trùm các dàn nhạc ở vũ trường, phòng trà, sân khấu ca nhạc…
Bác Chu cười lớn:
- Nam ơi, nổ vừa thôi kẻo văng miểng đó. Nhớ khóa cổng kẻo mất xe bây giờ.
Phòng riêng của bác Chu trang trí đơn sơ. Chiếc giường cá nhân trải nệm lam, chăn và gối cùng màu. Cây Organ phủ khăn hoa. Tủ lạnh nhỏ đặt cạnh cửa sổ. Bàn viết, lọ thủy tinh bé tí cắm dây trầu bà xanh tươi. Phương kéo Trang và Hà đến góc phòng, nơi có rất nhiều đàn ghi ta xếp đặt lộn xộn, nghiêng ngả. Bác Chu cười:
- Các cháu thấy bác có luộm thuộm mất thẩm mỹ không?
Trang nhanh nhẩu:
- Thưa không, bác rất nghệ sĩ ạ.
Bác Chu vỗ nhẹ vào đầu Trang:
- Con nhỏ này, khéo ăn nói quá.
Hà đưa tay búng nhẹ sợi dây đàn. Không có tiếng vang. Bác Chu nói:
- Mấy chiếc ghi ta điện ấy xưa rồi. Các cháu đến đây.
Bác giở chiếc khăn phủ cây Organ, bảo Nam:
- Bác sẽ đệm Organ giúp các bạn cháu. Cho bác biết chương trình cụ thể đi.
Nam lấy tờ giấy ghi các bài hát đưa cho bác Chu, nói thêm:
- Thưa bác, riêng bài Tuổi Đời Mênh Mông bị trùng với hai bạn ở lớp khác.
- Được rồi, chuyện đó để tính sau. Nam ráng tập bài Phượng Hồng cho thật nhuyễn nhé. Bây giờ các cháu gái hát cho bác nghe nào. Bác nhìn Phương:
- Cháu hát trước nhé. Cứ hát thoải mái, bác sẽ theo cháu.
- … Ôm cuộc sống trong tay bên đời quá rộng, tuổi thần tiên yêu dấu dưới ngôi trường kia… em về giữa thiên nhiên em cười em nói, như sóng đùa biển khơi. (bài Tuổi Đời Mênh Mông của NS Trịnh Công Sơn)
Bác Chu gật gù:
- Giọng rất tốt. Bây giờ đến lượt cháu Trang.
Trang tằng hắng:
- Không còn mùa thu, trăng rơi bên thềm, không còn lời ru mơ trên môi mềm… Đường ta sẽ qua nào ai biết tới, chiều buông rã rời, ru lòng thôi mơ, ru buồn lên thơ. (bài Không Còn Mùa Thu của NS Việt Anh).
- Cháu Hà hát đi.
- … Giọt mưa, mưa ngâu mưa ngâu, búp non trên cành thành lá biếc…
Nam ngắm nhìn say sưa đôi tay bác Chu nhảy nhót điêu luyện trên hàng phím trắng …Chuyện tình yêu như là những cơn mưa trong đời đầy nắng gió, để trên mi ai bây giờ ướt đẫm mưa ngâu. (bài Mưa Ngâu của NS Thanh Tùng). Bài hát kết thúc, bàn tay bác ấn mạnh, lướt nhanh, bừng lên âm thanh dồn dập, vang vang, rồi thánh thót như tiếng tí tách của những giọt mưa rơi đều trên cây lá.
Tiếng vỗ tay vang dội. Bác Chu ngưng đàn, âu yếm nhìn đám trẻ:
- Trước khi bác có ý kiến, cháu Nam nói cho bác biết những trở ngại của ban Văn nghệ đi.
Nam nhìn Phương. Phương nói:
- Nam nói giùm tui đi.
Nam bặm môi suy nghĩ, rồi từ tốn:
- Thưa bác, trở ngại thứ nhất là bài Tuổi Đời Mênh Mông bị trùng với hai bạn lớp khác. Trở ngại thứ hai là hai bạn này mướn người ta soạn nhạc đệm vào CD để tiện trình diễn, rất hay, bạn Phương không thể nào ăn nổi vì hai lý do, thứ nhất là, chúng cháu không có tiền, thứ hai là…
Phương, Trang, Hà cùng ngắt lời:
- Nam linh tinh gì thế, cứ thứ nhất là, thứ hai là… làm sao bác hiểu được.
Bác Chu cười lớn:
- Ba cô bé này nhận xét đúng lắm. Bác sắp tẩu hỏa nhập ma vì Nam đây nè. Thôi được, bác biết rồi, để bác giải quyết cho. Thứ nhất là, cháu Phương sẽ đổi bài khác, thứ hai là, bác sẽ soạn phần nhạc đệm cho, miễn phí, yên tâm.
- Hoan hô bác.
Lại vỗ tay. Lần này cuồng nhiệt hơn, hăng say hơn. Bốn gương mặt rạng ngời, tám bàn tay bỏng rát. Bác Chu nhỏ nhẹ:
- Trước hết, cháu Phương phải thay bài Tuổi Đời Mênh Mông bằng một bài khác. Để bác lấy tập nhạc cho cháu chọn.
Phương ngập ngừng:
- Cháu… cháu muốn hát nhạc Trịnh Công Sơn.
Bác Chu búng tay, phấn chấn:
- Vậy thì bài này nhé… Về đây đứng bên mái trường xưa, thấy như mình trôi trong ngày cũ…
Phương reo nhỏ:
- A, cháu biết rồi.
Bác Chu giở tập nhạc, để trước mặt Phương:
- Vậy cháu hát đi, bác đệm cho.
- Về đây đứng bên mái trường xưa, thấy như mình trôi trong ngày cũ, bồi hồi nhớ tiếng nói thầy cô, mang trong lòng một nỗi buồn thương…(bài Về Thăm Mái Trường Xưa của NS Trịnh Công Sơn).
Trang và Hà cùng nói:
- Hay quá Phương ơi, chọn bài này đi.
Bác Chu mở tủ lạnh lấy chai nước suối và bốn cái ly:
- Các cháu uống nước đi. Bác đề nghị như thế này. Chúng ta sẽ đăng ký một đơn ca và một tam ca.
- Tam ca? Là sao ạ?
Bác Chu mỉm cười:
- Nghĩa là ba cháu gái sẽ cùng hát bài Về Thăm Mái Trường Xưa… Bao nhiêu tiếng cười ngày xưa ấy vang trong lớp học sân trường, như vách đá còn vang vọng mãi lời chim muông reo trong nắng… đoạn này hát bè rất hay. Tóm lại, một mình cháu Nam sẽ đảm nhiệm phần đơn ca bài Phượng Hồng, vừa đệm ghi ta vừa hát, hơi căng à nghen.
Nam nói:
- Cháu sẽ cố gắng. Nhưng… còn hai bài của Trang và Hà thì sao ạ?
- Thế này, cháu nào hát cũng khá nhưng nếu lớp cháu đăng ký bốn bài đơn ca thì quá tầm thường. Trong ba cháu gái, Phương hát vững nhất nên giữ phần sô lô, Hà và Trang sẽ phụ họa phần điệp khúc – Bác nhìn hai cô nhỏ – Hai cháu có vì quyền lợi chung mà dẹp bỏ tự ái không?
Trang gật đầu:
- Thưa bác có ạ.
Hà ngập ngừng:
- Thưa bác… nhưng cháu không biết hát bè.
- Bác sẽ tập cho. Yên chí.
Phương góp ý:
- Thưa bác, cháu đề nghị phần đơn ca của Nam nên có minh họa ạ.
- Được… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…. Một chàng lãng tử, một chiếc xe đạp mini, một tà áo trắng dịu dàng… cũng ấn tượng lắm chứ. Ai sẽ đóng vai nàng thơ đây? Trang, Hà hay Phương?
- Thưa, một bạn khác ạ.
Nam, Trang, Hà nhìn Phương thắc mắc. Phương nói:
- Phương sẽ cho bạn Hoa diễn vai này. Bài múa của Hoa vừa rồi không được Phương chọn, thấy Hoa khóc Phương cũng mủi lòng lắm. Bây giờ Phương muốn an ủi Hoa một chút, các bạn nghĩ sao?
Nam buột miệng:
- Ồ, hột mít.
Phương trừng mắt:
- Nếu Nam còn xúc phạm bạn bè, tụi này nghỉ chơi Nam ra.
Nam cuống quít:
- Ấy chết, tôi lỡ lời. Thật ra… trông Hoa cũng đẹp gái quá chứ.
Phương liếc:
- Nói vậy còn nghe được. Từ bây giờ, Nam lo trau dồi tiết mục của Nam đi.
Nam để tay lên trán, đứng thẳng người:
- Xin tuân lệnh.
Chương 9
Hoa lăng xăng mở tủ lạnh:
- Phương uống gì? Nước suối, Coca… hay là Hoa làm cho Phương một ly chanh muối?
Lòng Phương ấm áp. Nỗi ân hận nhẹ nhàng làm mi Phương cay cay. Phương không phải là người bạn tốt. Hoa đã tốn bao công sức cho tiết mục múa Mâm Vàng, vậy mà Phương đã chê bai, thẳng tay loại bỏ không chút xót thương. Hoa đã không giận, không oán trách gì Phương, lại còn sốt sắng nhận lời khi nghe Phương đề nghị múa minh họa bài Phượng Hồng cho Nam. Vẫn biết, Hoa bỏ qua tất cả là vì lòng nhiệt tình yêu thích văn nghệ, nhưng không thể phủ nhận Hoa là cô bé nhân hậu hiền hòa, thật đáng yêu.
- À, mà Hoa có biết bài Phượng Hồng không nhỉ?
Hoa để ly chanh muối trước mặt Phương:
- Biết chứ. Hoa có dĩa CD ca sĩ hát bài này nữa kìa. Nhưng… không biết có giống Nam hát không?
- Khỏi lo, Hoa cứ múa theo điệu nhạc trước đã, có gì sẽ chỉnh sau. À, tiết mục này cần chiếc xe đạp của Hoa nữa đó.
Hoa vỗ tay, phấn chấn:
- Hay quá, xe Hoa còn mới lắm, có cả giỏ xe nữa. Nhưng mùa này biết tìm hoa phượng ở đâu bây giờ?
- Chúng ta sẽ chơi hoa… giả, thiếu gì.
Bệnh bà nội đã bớt, mẹ Phương trở về với nếp sống cũ, thức khuya dậy sớm lo cho sạp hàng khô ở chợ. Dạo này, Phương bận tập văn nghệ nên không có thời gian trông hàng hoặc đi lấy hàng giùm mẹ. Mẹ thông cảm, không la Phương lại còn khuyến khích: “Lên cấp ba rồi, con cứ lo học hành và sinh hoạt lớp cho bằng chị bằng em, việc buôn bán là của mẹ, con yên tâm”. Thương mẹ, nên dù mẹ nói vậy, Phương vẫn chăm sóc mẹ theo cách của Phương. Một tô mì gói nóng hổi thêm chút chả lụa thơm hương hành ngò buổi sáng tự tay Phương làm, một chén chè đậu xanh ướp lạnh lúc đêm khuya tự tay Phương nấu đã đem lại niềm vui cho mẹ rất nhiều. Phương cũng vui nữa, vì từ khi về quê thăm bà nội trở lên, sức khỏe của mẹ Phương khả quan trông thấy, mẹ ăn được, ngủ được, da dẻ hồng hào, tinh thần nhẹ nhõm. Phương biết, mẹ vui vì nhiều lý do, sạp hàng đông khách buôn bán thuận lợi nè, bà nội đã đi đứng được sau một thời gian nằm trên giường bệnh nè, và lý do đặc biệt nhất, đáng mừng nhất là tin vui của cô Út, gần bước qua tuổi bốn mươi, cô mới tìm được một nửa của mình.
Bà nội chỉ có hai người con, ba Phương và cô Út. Mẹ về làm dâu chưa được bao lâu thì ba Phương mất, một tay mẹ tảo tần buôn bán, quán xuyến giang sơn nhà chồng cho đến bây giờ.
Hôm ở quê lên, mẹ nói với Phương:
- Cô Út sắp đám cưới rồi, bà nội mừng lắm.
Phương mừng rỡ:
- Thiệt hả mẹ? Hèn gì, hôm con về, thấy cô Út vui ơi là vui. Cô còn đi học may nữa.
- Ừ, mẹ biết, hình như gia đình bên chồng cô có tiệm may trên thị trấn.
Mẹ bước đến bàn thờ ba, thắp một nén nhang, lâm râm khấn vái. Gương mặt mẹ tươi như hoa:
- Chắc là ba con cũng vui lắm. À, cô Út có nhắn, cô đã may xong áo dài cho con, nhưng chưa kịp kết nút. Từ từ, cô sẽ gửi bưu điện lên cho con sau.
Phương phụng phịu:
- Vậy mà cô chả thèm gọi điện cho con.
- Lại nhõng nhẽo rồi. Con phải thông cảm cho cô chứ.
- À mẹ ơi, mẹ có thấy giàn mướp của cô Út không?
- Có, quả nhiều và ngọt lắm, nhưng ngày nào cũng nấu canh, ăn muốn ngán.
- Mẹ ơi, ngày mai chủ nhật, mẹ ở nhà xem tụi con tập văn nghệ nha.
- Không được. Mẹ đi lâu quá, mai phải ra chợ kẻo mất khách bây giờ. Người ta ghé hàng mình không thấy, lần sau sẽ mua chỗ khác.
Phương làm mặt giận. Mẹ cười:
- Con yên chí. Cứ tập cho tốt, cố gắng để được chọn nhé. Mẹ sẽ có mặt trong buổi liên hoan văn nghệ, chia vui cùng các con.
Từ ba hôm trước, bác Chu đã không ngại chuyển cây Organ về nhà Phương – địa điểm được quyết định làm nơi tập văn nghệ, vì tương đối gần nhà tất cả các thành viên trong nhóm. Bác nói, một người vì mọi người, mọi người vì một người, rồi cười sảng khoái khi nghe ba cô bé Phương, Trang và Hà đã hát khá nhuần nhuyễn bài Về Thăm Mái Trường Xưa, với phần bè do bác biên soạn. Chỉ còn một vướng mắc là không biết lấy tên gì để đặt cho nhóm tam ca lớp Phương đây? Nam gợi ý nhiều tên, nào là “Ba chú ve con”, “Ba nàng bướm trắng”, “Ba đóa hoa xinh”, “PHT”… tên nào bác Chu cũng lấy tay bịt mũi, chê ỏng chê eo : “Ba tên đầu thì vừa quê vừa sáo rỗng, tên sau cùng thì… vô nghĩa, ai biết PHT là cái gì”. Nam bị chạm tự ái la lên:
- Vậy thì bác tự tìm tên đi.
Bấy giờ bác Chu mới đủng đỉnh:
- Theo ý bác, chỉ cần lấy tên… Các cháu hiện đang học lớp nào? nói cụ thể xem.
- Dạ 10A1 ạ.
- Vậy thì dễ quá rồi, gọi là “Tam ca 10A1” đi. Các cháu có đồng ý không?
Phương, Trang, Hà vỗ tay tán thành, một mình Nam chống lại sao nổi, đành chiều theo thôi. Bác Chu hào hứng:
- Chủ nhật này, trước khi “tổng duyệt”, bác sẽ chiêu đãi các bạn trẻ một buổi ăn sáng tại quán Mây Xanh gần nhà cháu Phương, nghe nói ở đó thức ăn ngon và rẻ lắm.
- Hoan hô bác.
- À Phương nè, nhớ gọi diễn viên múa minh họa đến luôn nhé.
- Nhỏ Hoa bạn cháu chưa bắt đầu gì cả, sao bác “tổng duyệt” nhanh thế ạ.
- Thì “tổng duyệt” đợt một, còn đợt hai, đợt ba nữa chứ.
Điều làm Phương và các bạn cảm phục bác Chu nhất là tính lạc quan. Lúc nào bác cũng tươi cười, vui vẻ và không bao giờ tỏ ra bực bội khi nhóm Phương hát sai. Có nhiều đoạn phải hát lui hát tới cả chục lần, người trong cuộc còn nản, nhưng bác thì không. Bác nhẫn nại sửa từng nốt nhạc, từng thanh âm, từng động tác diễn cảm. Bác luôn khuyến khích: “Hát bè đâu có dễ. Các cháu hát như vậy là tốt lắm rồi, cố gắng lên”.
Phương bảo Hoa:
- Bây giờ Hoa mở CD tập minh họa một mình đi nhé. Chủ nhật này đến nhà Phương tập với Nam.
Hoa nói nhỏ:
- Không biết Nam hát hỏng thế nào, Hoa thích múa minh họa cho bọn con gái tụi mình thôi. Diễn với con trai, mất công tụi nó… cặp đôi.
Phương phì cười:
- Thôi đừng tưởng tượng nữa. Tất cả vì quyền lợi của lớp, Hoa đồng ý không?
- Dĩ nhiên là đồng ý, mình sẽ đem xe đạp tới, nhưng hoa phượng thì Phương lo đấy nhé.
- Yên tâm, khi nào diễn cho các thầy cô xem, Phương sẽ kiếm. Hoa đến sớm nhé. Bác Chu sẽ đãi ban Văn nghệ ăn sáng.
- Bác Chu là ai? Có cho Hoa diễn không?
- Đó là một Mạnh Thường Quân của chúng ta. Chính bác bảo Phương tìm người múa minh họa cho tiết mục của Nam đấy.
Niềm vui dâng đầy trong ánh mắt Hoa. Phương đứng dậy, cầm giỏ xách định về. Hoa níu tay Phương:
- Phương uống chanh muối đi, tự tay Hoa làm đó.
- Chà, đảm đang quá – Phương uống một hơi – Ngon thiệt đó. Không ngờ!
Hoa đưa hai ngón tay làm dấu chữ V, Phương cũng vậy, hai bàn tay áp sát nhau, thân ái siết chặt.
Phương đạp xe từ từ. Trời dịu mát. Hàng me hai bên đường xanh mướt. Nắng nhẹ nhàng xuyên qua kẽ lá, thả xuống vai Phương từng hạt sáng long lanh. Phương khoan khoái hít một hơi dài cho không khí trong lành tràn đầy buồng phổi, thấm sâu vào tâm hồn, xua tan mọi nỗi lo âu. Vậy là bước đầu tạm ổn. Lớp Phương đã có hai tiết mục đăng ký tràn đầy hy vọng. Không biết Nam hát có hay không, nhưng chắc là… hay hơn Phương nên bác Chu đã chọn Nam đơn ca. Lòng Phương không vướng chút ganh tị nào mà còn cảm thấy vui vui khi tưởng tượng dáng Nam ôm đàn ngồi hát trong điệu múa bay bổng của Hoa, với tà áo trắng thướt tha, với chiếc giỏ xe rực rỡ màu hoa phượng.
- Phương, Phương!
Tiếng gọi càng lúc càng gấp. Phương tấp xe bên lề, quay lại:
- Làm gì gọi dữ vậy?
Sa đuổi theo tới nơi, thắng xe cái rẹc, thở hổn hển:
- Trời đất, tui đi tìm Phương muốn chết. Ghé nhà Phương không có, qua nhà Nam cũng không.
- Tìm tui làm gì chớ. Tui qua nhà Hoa mà.
Sa búng tay vẻ khoái chí:
- Vậy là đúng rồi. Hay quá.
Phương ngạc nhiên:
- Đúng cái gì? Hay cái gì? Sa đừng có nhiều chuyện.
- Không đâu. Tui chỉ muốn xin Phương một điều… Phương hứa không?
Phương liếc:
- Sa đừng có vô duyên – Rồi cảnh giác - Biết chuyện gì mà hứa, lỡ tui làm không được thì sao?
- Được mà, Phương có toàn quyền trong chuyện này.
Phương hất hàm:
- Vậy thì nói nghe coi.
Sa ngập ngừng:
- Hay là mình đi uống nước mía đi.
Ngu gì uống, há miệng mắc quai sao? Phương để chân lên bàn đạp:
- Tui không có thì giờ, bai nghe.
Sa níu xe Phương lại:
- Tui nói, tui nói… Phương à, nghe Nam tiết lộ là nó sẽ đăng ký hát bài Phượng Hồng, có nhỏ Hoa múa minh họa. Bài thơ này tui thuộc nằm lòng, Phương cho tui… ngâm hai câu thơ dạo đầu trước khi Nam vào bài hát nhé.
Một luồng hơi lạnh chạy dọc theo sống lưng Phương. Phương đã từng bị sốc vì giọng ngâm thơ chua lè của Sa, làm sao Phương chấp nhận đề nghị này được? Vả lại, cô Nhung đã cho Sa điểm 10 rồi, Sa còn muốn gì mà nỡ hành hạ Phương thêm nữa? Ánh mắt Sa nhìn Phương háo hức đợi chờ. Phương quay đi:
- Tui nghĩ là… không được, vì tiết mục đã tập xong rồi.
- Nam nói là Hoa chưa tập mà.
Phương giận run lên. Nam con trai sao tà lọt quá. Đừng ỷ là lớp trưởng, không xong với Phương đâu. Mặt Phương cau lại:
- Tui nói là không được. Xin lỗi Sa.
Phương đạp xe đi. Sa theo sau:
- Không sao. Vậy thì tui… xin Phương chuyện khác.
- Thôi, Sa đừng làm khó tui nữa. Tui năn nỉ Sa đó.
- Không đâu, tui sẽ không tham gia vào các tiết mục, mà chỉ xin đứng sau lưng các bạn thôi.
Phương dừng xe.
- Sa nói vậy là có ý gì?
- Thì Phương cứ gật đầu đi.
- Nếu Sa không giải thích thì… tui về đây.
Sa đạp xe theo Phương:
- Phương à, tui chỉ muốn đi theo để hỗ trợ các bạn thôi.
Tên này thật rắc rối, nhưng thôi, nên gia ơn cho hắn một phen.
- Vậy thì được. Cám ơn Sa.
- Ngày nào các bạn tập? Địa điểm ở đâu? Cho tui tới xem với.
Đúng là dai như đỉa. Nhưng mà, xem ra hắn cũng nhiệt tình lắm, Phương nghĩ, mình không nên khắt khe làm gì.
- Chín giờ sáng chủ nhật tại nhà tui.
Sa cám ơn ríu rít. Về đến nhà, Phương bỗng giật mình. Không biết Sa định giở trò gì đây? Hành động phá rối của Phác đã khiến Phương nghi ngờ thiện ý của Sa. Biết đâu đấy. Người ta nói, lòng người là túi tham vô đáy, hay đứng núi này trông núi nọ. Sa vẫn chưa hài lòng điểm 10 hạnh kiểm, vì còn muốn phô trương tài năng “ngâm sĩ” của mình. Phương đã không đồng ý, liệu hắn có trả thù ban văn nghệ bằng cách gây náo loạn trong đêm liên hoan hoặc là một hành động điên cuồng nào khác? Nghĩ mà giận Nam. Tại sao Nam lại tiết lộ cho Sa biết những tiết mục lớp sắp tham gia? Nam có biết vì Nam mà Phương nhức đầu muốn chết không? Đáng ghét quá, phải gọi điện mắng cho Nam một trận mới được. Chưa kịp gọi, chuông điện thoại đã reo inh ỏi. Tiếng Nam ở đầu dây:
- Phương phải không? Thằng Sa đang truy lùng Phương đó, Phương đã gặp chưa?
Phương gằn giọng:
- Nam còn bép xép hơn con gái nữa đó.
Nam cười:
- Đừng giận. Nói cho hắn biết, có sao đâu.
- Sao trăng gì, bực mình quá. Tui cúp máy đây.
- Ý khoan. Tôi muốn dặn Phương nè, nếu thằng Sa đòi ngâm thơ, Phương tuyệt đối không “duyệt” nhé.
- Tui đâu có điên.
Thật không thấy ai nhu nhược như Nam. Thằng Sa bám theo, ra yêu sách này nọ thì cứ thẳng tay hất cẳng hắn, chuyện cỏn con như vậy cũng không dám làm, còn bày đặt bán cái cho Phương, đáng giận không?
Buổi sáng đến trường, Hoa chờ Phương trước cổng:
- Phương ơi, suốt tối hôm qua, Hoa tập quá trời quá đất. Lát nữa, Hoa múa Phương xem thử nhé.
Phương trợn mắt:
- Đâu có chỗ…
- Thì trên bục giảng đó, giờ ra chơi tổ của Hoa trực, Phương ở lại xem nhé.
Con nhỏ này nhiệt tình quá lố, cần gì phải gấp gáp như vậy. Nhìn đôi mắt ánh lên niềm vui của Hoa, Phương thấy thương bạn kỳ lạ và nỗi ân hận lại dấy lên. Phen này, dù Hoa có múa không đạt, Phương nhất định sẽ năn nỉ bác Chu tận tình chỉnh sửa, chứ không thẳng tay bác bỏ như Phương đã từng đối xử với Hoa. Không muốn Hoa thất vọng, Phương bảo:
- Thôi khỏi xem, mình tin Hoa mà.
Hoa huyên thuyên:
- Phương biết không? Chị của mình đã dạy mình nhiều động tác tuyệt chiêu lắm kia, thế nào bác… bác gì đó cũng hài lòng cho mà xem. Phương nhớ “duyệt” cho Hoa nhé.
- Bảo đảm, Hoa yên tâm.
Sa hôm nay diện xe máy, Nam ngồi vắt vẻo phía sau. Đáng ghét thật, bày đặt đi cặp kè nữa chứ. Không biết Sa giở trò nịnh bợ gì Nam? Dù Nam có đổi ý, có van xin gãy lưỡi, Phương cũng không bao giờ chiều ý Sa.
Hoa ghé vào tai Phương:
- Thằng Sa đi xe phân khối lớn, coi chừng công an bắt đó.
- Cho đáng đời.
Thấy Phương, Sa nở nụ cười cầu tài. Phương quay mặt đi, bỗng ngạc nhiên khi bắt gặp thân hình nhỏ bé của Phác từ xa đi tới, tóc tai bơ phờ, áo quần nhếch nhác. Nam trợn mắt:
- Sao cậu thích đánh nhau vậy Phác? Bộ dạng cậu như vậy ai cho phép cậu vào trường.
- Tớ đâu có đánh nhau, chúng nó… đánh tớ chớ bộ.
- Chúng nó là ai? Tại sao phải đánh cậu?
- Ai mà biết.
Sa cười lớn:
- Vậy mà tao biết đó, tao sẽ méc cô Nhung vì cái tội làm bác thằng Bần của mày.
Phác dứ nắm đấm về phía Sa. Nam nhảy xuống xe, đẩy vai Phác:
- Về nhà tắm rửa thay áo quần đi.
Phác thúc cùi chỏ vào ngực Nam:
- Không phải việc của cậu.
Rồi tỉnh bơ đi vào cổng phụ. Nam nói theo:
- Cậu đi học không mang theo sách vở hả?
Phương bước đến:
- Mặc xác hắn – Rồi nhìn Nam nghiêm nghị – Nam hay thiệt đó.
- …
- Nam làm lớp trưởng kiểu gì vậy? Thằng Sa đi xe phân khối lớn, Nam không ngăn cản còn về hùa với kẻ phạm luật nữa.
Sa cười:
- Phương nhìn kỹ xem xe của ai nào.
- Xe ai cũng được, nhưng Sa không thể…
Nam nói:
- Thầy Tú nhờ hai đứa ra đầu ngã tư mua tờ báo thôi mà. Tiện thể, chạy một vòng cho nó oai.
Đúng là xe của thầy Tú rồi. Phương đỏ mặt. Sa le lưỡi:
- Phương dữ thiệt đó nha. Đúng là nữ kê tác quái…
Nam nhìn Sa:
- Chỉ là hiểu lầm thôi. Bộ cậu muốn khiêu chiến hả?
Sa rồ máy xe:
- Không dám. Phương đừng giận, nhớ cho tui tham gia ban Văn nghệ với nha.
Chương 10
Khi bác Chu cùng ban Văn nghệ chuẩn bị ra quán Mây Xanh thì Sa đến, trên tay xách một túi xốp lớn màu đen. Nam nhìn Phương:
- Phương gọi hắn đến hả?
- Nhưng… Phương nói 9 giờ mà.
Bác Chu hỏi Nam:
- Ai vậy?
- Thằng bạn cùng lớp, hắn xin đến xem tổng duyệt thôi. Để cháu bảo nó về.
- Hừ, về thế nào được, có khán giả là vui rồi. Cho cậu ta đi ăn sáng luôn.
Sa vòng tay lễ phép:
- Cháu chào bác. Cháu cám ơn bác ạ.
Nam đến bên Sa:
- Đúng là cậu có lộc ăn – Rồi nhìn lom lom vào túi xốp – Hồ lô của cậu đựng gì thế? Có phải bom thư không?
- Nè, không được nói bậy đó.
- Vậy là cái gì?
- Bí mật!
Mỗi đứa ăn một tô hủ tiếu Nam Vang đặc biệt, no cành hông. Trở về nhà Phương, bác Chu nói:
- Đã thực rồi, thì phải vực đạo cho tốt nhé.
Hoa hăng hái mở túi xách, lấy ra một dĩa CD đưa cho bác Chu. Bác đón lấy:
- Hay lắm. Trước khi Nam hát, cháu Hoa múa minh họa trước cho bác xem nào.
Hoa đứng lên, hai mắt lim dim, mơ màng thả hồn theo tiếng nhạc dạo đầu, và khi những giai điệu chính vang lên, Hoa dang hai tay ra, bắt đầu múa. Công nhận, Hoa múa không tồi. Với thân hình nhỏ bé, đôi bàn tay mềm mại, gót chân Hoa di chuyển thoăn thoắt, rồi lướt nhẹ nhàng trên nền gạch hoa nhà Phương sao mà thanh thoát, mà dễ thương đến thế. Thật khác hẳn bài múa Mâm Vàng trước kia, chắc là loại múa dân tộc này quá khó, không hợp với Hoa. Bác Chu gật đầu:
- Được lắm. Bác góp ý một chút nhé. Sau này Hoa sẽ không theo nhạc trong CD mà múa theo tiếng đàn của Nam. Nam, đến phiên cháu rồi đấy – Bác nhìn Hoa – Cháu chuẩn bị nhé.
Nam nâng đàn, cất tiếng… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng, em chở mùa hè của tôi đi đâu…
Lòng Phương rung lên. Không ngờ giọng Nam lại trầm ấm đến thế… Chùm phượng vỹ em cầm là tuổi tôi mười tám, thuở chẳng ai hay, thầm lặng mối tình đầu… tiếng đàn bay bổng, những ngón tay Nam lả lướt trên hàng phím, thả từng âm thanh hòa quyện vào tiếng hát, bay theo dáng Hoa dịu dàng uyển chuyển như đôi cánh thiên nga… Mối tình đầu của tôi, nhờ cây đàn buông tiếng xa xôi, ai cũng hiểu chỉ một người không hiểu…
Bác Chu hài lòng ra mặt, ôm lấy vai Nam:
- Bác nghĩ là cháu ra Album được rồi đấy.
Trang và Hà vừa vỗ tay vừa la lớn:
- Nam cho xin chữ ký đi.
Nam giấu mặt sau đàn vì ngượng. Hoa ngập ngừng nhìn bác Chu:
- Còn cháu… thì sao ạ?
- Cháu rất có năng khiếu. Tuy có vài chỗ hơi chuệch choạc, bác sẽ sửa chữa cho.
Gương mặt Hoa sáng lên rạng rỡ. Cô bé nắm chặt tay Phương cố nén xúc động. Bỗng một giọng the thé cất lên:
- Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng ư… ư… Em chở mùa hè è… è…
Nam hét:
- Sa, cậu có im đi không.
Sa cụt hứng, nín bặt. Nam trừng mắt:
- Ai cho phép cậu ngâm thơ?
Phương cũng nổi giận:
- Sa không giữ lời hứa gì cả. Tệ thật.
Sa đưa hai tay lên trời:
- Oan cho tui quá, ngâm chơi một chút thôi mà. Ai đòi lên sân khấu đâu nào.
Bác Chu khoác tay:
- Thôi, không có gì mà ầm ĩ. Cháu Sa có yêu thơ mới thích ngâm nga, Nam và Phương nên thông cảm cho bạn mình chứ.
Nam nói:
- Cháu hiểu thằng Sa này lắm, cái tật “được voi đòi tiên” của nó, phải dập ngay trong trứng nước mới được.
Phương nhìn Sa chằm chằm. Sa đỏ mặt:
- Tui đâu có.
Phương liếc, rồi quay qua hỏi Hoa:
- Hoa mệt không? Có khát nước không?
Sa trở nên hoạt bát, xăng xái mở túi xốp, lấy ra những trái quít óng vàng, mọng nước:
- Sa xin phục vụ các bạn.
Phương nhìn Sa. Hình như Phương đã ngờ oan cho người bạn này. Nam nhăn mặt:
- Trời đất, lại giở trò hối lộ!
Sa chọn một trái lớn đưa cho bác Chu:
- Cháu mời bác.
Bác Chu đón lấy, để lên bàn:
- Cám ơn cháu. Nhưng lần sau, cháu không nên bày vẽ như vậy.
Phương nói:
- Sa đến chơi là được rồi, tụi này không thích vậy đâu.
- Các bạn sợ tui tốn tiền chớ gì. Không có đâu. Quít này là… hôm qua giỗ bà nội tui.
Bác Chu cười:
- Thôi đừng kể lể dài dòng nữa. Các cháu ăn quít đi rồi còn tập tiếp. Bây giờ đến lượt tam ca của chúng ta. Nào, bắt đầu được chưa?
Phương, Trang, Hà nắm tay nhau, cùng đứng lên, bước đến cạnh cây Organ. Sa trố mắt dõi theo bàn tay bác Chu nhẹ lướt trên phím đàn.
Giọng Phương nhẹ như sương khói… Về đây đứng bên mái trường xưa, thấy như mình trôi trong ngày cũ, bồi hồi nhớ tiếng nói thầy cô, mang trong lòng một nỗi buồn thương…
Trang và Hà phụ họa… Bao nhiêu tiếng cười ngày xưa ấy, vang trong lớp học sân trường, như vách đá còn vang vọng mãi, lời chim muông reo trong nắng…
Sa nhìn ba cô bạn, nét mặt đờ ra vì ngưỡng mộ:
- Tuyệt quá, các bạn hát bè không thua gì ca sĩ.
Bác Chu nhíu mày:
- Người ta nói, biết thì thưa thốt, không biết cứ dựa cột mà nghe. Hát như vậy mà khen cái gì chứ. Ba cháu hát lại nhé. Cháu Trang chú ý đừng để giọng lạc qua bè khác, cháu Hà hát lớn lên một chút, cháu Phương thì tốt, cố gắng lên nhé.
Mặt trời lên cao. Sân nhà Phương chói chang ánh nắng. Sa đưa tay kéo chiếc rèm cửa, rồi bước ra ngoài. Nam hỏi:
- Đi đâu vậy Sa?
- À, tớ ra đầu đường một lát.
Phương nói:
- Sa không được mua gì cả nhé.
Sa ấp úng:
- Sa định mua chanh muối…
- Nhà Phương cũng có chanh muối, đường và nước đá trong tủ lạnh. Nếu có lòng tốt, Sa xuống bếp phục vụ cho ban Văn nghệ đi.
Sa mừng rỡ:
- Được, xin sẵn lòng.
Trông Sa lăng xăng đến tội nghiệp, Phương lại mủi lòng. Giá giọng ngâm thơ của Sa đừng chua như giấm, Phương đã cho Sa cơ hội biểu diễn rồi. Nhưng xem ra, Sa có năng khiếu làm công tác hậu cần hơn. Chỉ trong nháy mắt, Sa đã bưng ra sáu ly chanh muối đặt lên bàn, rồi lùi ra phía sau, dựa lưng vào tường, say sưa nghe các bạn tập dượt. Đồng hồ trên tường chỉ số 11. Bác Chu ngưng đàn:
- Hôm nay, các cháu hát rất tốt – Bác nâng ly chanh muối nhâm nhi – Một phần cũng nhờ những trái quít và ly chanh muối của cháu Sa. Đúng không nào?
Sa đỏ mặt vì sung sướng.
- Bác hy vọng Sa sẽ còn sát cánh cùng ban Văn nghệ trong những ngày tới. Có được không Sa?
- Dạ được. Chỉ sợ… trưởng ban không đồng ý.
Nam vỗ vai Sa:
- Yên tâm đi. Kể từ hôm nay, cậu sẽ là thành viên trong ban Văn Nghệ.
- Vậy… tui có ý kiến được không?
Nam kí đầu Sa:
- Lại “được voi đòi tiên”, cái tật nói hoài không bỏ.
- Không có đâu, tui có ý tốt mà.
Phương nhìn Sa:
- Sa nói đi.
Sa tằng hắng, lên giọng:
- Sa thấy cái xe đạp của bạn Hoa không được đẹp lắm, đem lên sân khấu sẽ…
Hoa tự ái, la lên:
- Sa nói vậy là muốn giở trò gì đây? Xe của tui còn mới, chê cái nỗi gì chớ.
Sa từ tốn:
- Nói Hoa đừng giận. Xe của Hoa sơn màu xám sẽ không gây được ấn tượng…
Hoa sừng sộ:
- Sa muốn tui đổi màu sơn khác chớ gì, tui đâu phải nhà giàu.
- Hoa nóng tính quá à. Sa sẽ cho mượn một chiếc xe đạp mới tinh, màu đỏ rực rỡ, sẽ nổi bật dưới ánh đèn sân khấu cho mà xem.
- Không thèm.
Phương vui ra mặt:
- Ý của bạn Sa rất hay. Hoa suy nghĩ lại đi.
Hoa giãy nảy:
- Không, Hoa muốn xe của Hoa phải được lên sân khấu.
Nam nhẹ nhàng thuyết phục:
- Hoa nên vì mọi người, có được không? – Rồi nhìn Sa dò hỏi – Nói thì phải giữ lời đó nha.
Sa vênh mặt:
- Thằng này chưa bao giờ biết thất hứa. Nhưng mà Hoa có chịu không?
Hoa ngồi sụp xuống sàn nhà, mặt nặng như chì. Bác Chu để tay lên vai Hoa:
- Nam nói rất đúng. Bác nghĩ là màu đỏ rất nổi trên sân khấu. Cháu chịu nhé.
Phương bực mình thấy nước mắt Hoa giọt ngắn giọt dài. Đúng là mít ướt. Nếu Hoa giận, không chịu hợp tác thì mệt lắm. Bài múa của Hoa thật là bay bướm, làm tăng giá trị tiết mục, không thể thiếu được, thôi đành chiều nó cho xong.
- Phương có ý kiến, nếu Hoa không chịu thì dùng xe đạp của Hoa cũng được.
Hoa lật đật chùi nước mắt:
- Hoa… Hoa chịu mà.
Thật bất ngờ. Mọi người thở phào nhẹ nhõm. Bác Chu xoa hai tay vào nhau:
- Bác biết, ban Văn nghệ chúng ta luôn luôn đoàn kết, như cháu Hoa chẳng hạn, một người vì mọi người, đúng không?
Phương thân ái ôm vai Hoa, Trang và Hà tranh nhau đưa khăn giấy cho Hoa. Sa hát:
- ,em>Thôi nín đi em, lệ đẫm vai rồi, buồn thương nữa sao…
Nam đưa tay ngăn lại:
- Khoan, chờ tớ đi mua vài kí đường rồi hãy hát tiếp.
Phương đỡ Hoa đến ghế ngồi:
- Thôi đừng đùa nữa. Chúng mình họp một lát đi.

Nhiệm vụ được phân rạch ròi. Ngày mai, Nam sẽ đại diện lớp lên văn phòng đăng ký bài hát, Phương có nhiệm vụ trình cho cô Nhung biết hoạt động của ban Văn Nghệ trong thời gian qua. Sau đó, các thành viên phải cố gắng luyện tập hai tiết mục thật nhuần nhuyễn cho buổi “tổng duyệt” đợt hai. Riêng Sa, sẽ là hậu phương của nhóm, sẵn sàng đáp ứng mọi công tác được giao. Trước mắt, Sa phải thực hiện những đạo cụ như xe đạp màu đỏ, hoa phượng, cây cối, ghế đá sân trường… để thiết kế sân khấu. Sa bảo Phương:
- Xe đạp thì Sa có sẵn, hoa phượng mùa này đã hết nhưng không sao, Sa lo được. Chỉ sợ làm các thân cây bằng bìa cứng thì phải tốn tiền à nha.
- Chúng mình có quỹ lớp, Sa khỏi lo.
- Để Sa rủ thêm vài bạn nữa.
Nam khoác tay:
- Thôi, lắm thầy mất công thối ma. Có gì tớ cùng làm với cậu.
Hà hỏi:
- Còn trang phục thì sao? Nam một mình thì dễ, còn tam ca tụi này phải may cùng kiểu áo mới được.
Trang góp ý:
- Tui mình mặc áo dài trắng là tiện lợi nhất, vừa có sẵn, vừa khỏi tốn tiền. Phương nghĩ sao?
- Đồng ý.
Phương nghĩ đến cô Út. Hy vọng cô “vui duyên mới không quên nhiệm vụ”, cô ơi, gửi áo dài mới nhanh nhanh cho cháu nhé.
Chương 11
Giờ ra chơi, Nam lên văn phòng đăng ký về, vẻ mặt bàng hoàng:
- Tụi mình gặp nhiều đối thủ quá. Phen này chắc tiêu rồi.
Nam ngồi bệt xuống bậc thềm, lấy tờ giấy trong túi đưa cho Phương.
- Phương coi đi.
Những dòng chữ nguệch ngoạc làm Phương rối cả mắt.
- Chữ gà bới, không thấy gì cả.
Nam giật tờ giấy, đọc lia lịa:
- Lớp 11A3 bài…, lớp 12A5 bài…
- Nam có điên không? Lớp người ta đăng ký, Nam ghi chép làm gì?
- Nhưng đây toàn là những bài hip –hop, có vũ đoàn minh họa hẳn hoi.
- Mắc mớ gì chúng ta?
Nam gãi đầu:
- Chúng ta thua là cái chắc.
Phương dí ngón tay vào trán Nam:
- Thầy Tú nhận xét Nam không ngoa tí nào. Chưa đánh đã đầu hàng, thật đáng xấu hổ.
Nam thụt lùi, né tránh:
- Phương làm cái gì thế? Không được nặng lời với tôi à nghen.
- Tui nói không đúng sao? Hip –hop cái gì, mắc kinh phong thì có. Vũ đoàn minh họa ư? Nói cho oai vậy thôi chứ chắc gì qua nổi bạn Hoa lớp mình.
Một giọng nói rất êm:
- Phương nói đúng. Còn Nam, sao em thiếu tự tin vậy?
Phương và Nam cùng quay lại. Cô Nhung đứng sau lưng đôi bạn tự bao giờ. Hôm nay cô mặc áo dài mới, nền lụa xanh óng ả, hoa văn mai lan cúc trúc óng ánh trong nắng mai vàng. Trang, Hà, Hoa ùa tới:
- Cô ơi, cô đẹp quá… Xuân đã về, Xuân đã về, kìa bao ánh Xuân về tràn lan mênh mang. Trên cánh đồng, chim hót mừng… (Bài Xuân Đã Về của NS Minh Kỳ)
Cô Nhung cười rất tươi:
- Thành viên ban Văn nghệ có khác, xuất khẩu thành… nhạc ngay.
Chuông reo vào lớp. Học sinh vẫn nấn ná, tụ năm tụ ba trong sân trường, trên hành lang, nói chuyện ồn ào, bàn tán xôn xao. Mùa xuân đem đến niềm vui và hy vọng, lòng người cũng khoan dung và dễ dãi hơn. Thầy cô rời văn phòng vào tiết dạy, ngang qua đám học sinh, đưa tay khua nhẹ nhàng:
- Các em vào lớp đi chứ.
Lớp Phương chỉ lác đác vài học sinh. Cô Nhung bước vào, lắc đầu. Nam chạy ra cửa, la lớn:
- Cô vô rồi, cô vô rồi.
Nam lùa học sinh lên cầu thang, đẩy vai bạn này, kéo áo bạn kia, xô lưng bạn nọ. Có tiếng phản đối:
- Vừa thôi nhé, tụi này đâu phải là vịt.
Giờ sinh hoạt sáng nay nhộn nhịp hẳn lên. Trên những gương mặt ngây thơ không còn nét âu lo thường nhật, thay vào đó là vẻ tươi tắn nhẹ nhõm của sự nhàn hạ sau thời gian ôn tập, học thi. Tuy chưa có kết quả học kỳ, nhưng gánh nặng trên vai các học sinh đã trút xuống, từ giây phút này cho đến khi nghỉ tết là những ngày vui chơi trước thềm năm mới, rộn ràng hương xuân.
Cô Nhung gõ nhẹ thước lên bàn:
- Các em trật tự. Cô báo một tin vui là lớp chúng ta vừa đăng ký dự thi hai tiết mục văn nghệ. Nếu được vào chung kết, trước mắt là sẽ được diễn trong đêm văn nghệ tất niên tại trường, sau đó, các thầy cô trong ban giám khảo sẽ chọn những tiết mục đặc sắc nhất để tranh tài cùng các trường cấp 3 trong thành phố…
Tiếng vỗ tay đầy hưng phấn cắt ngang lời cô. Cô không giận, còn mỉm cười bao dung:
- Im lặng. Ai có ý kiến gì, cứ mạnh dạn phát biểu.
Phác đưa tay. Phương nhìn Phác nghi ngờ, hắn lại giở trò gì đây? Cô cho phép Phác đứng dậy.
- Thưa cô, em muốn biết lớp mình đăng ký những gì ạ?
Cô đưa mắt nhìn Nam. Nam bước lên bục giảng:
- Lớp chúng ta đăng ký một bài đơn ca có múa minh họa và một bài tam ca…
Học sinh lao xao. Giọng Phác la to nhất:
- Đơn ca, tam ca… mà bài gì mới được chứ.
Nam cố nén bất bình:
- Các bạn biết như vậy là đủ rồi.
Tiếng lao xao dịu dần. Phác kích động:
- Đủ sao được. Đơn ca bài gì? Ai hát? Ai múa? Tam ca bài gì…
Nam hét:
- Im ngay. Mày muốn gì, hả?
Phác được thể, nhìn cô Nhung bằng đôi mắt cầu cứu, ra bộ như sắp bị Nam đánh đến nơi. Cô nhíu mày, bảo Nam:
- Em bình tĩnh đi. Phác chỉ muốn biết thôi mà. Em hãy nói rõ ràng hơn.
Mặt Phác vênh vênh thấy ghét. Phương đứng lên:
- Thưa cô, bạn Phác không có ý tốt đâu ạ.
Cô cười dịu dàng:
- Thôi, các em đừng găng nhau nữa. Nam, nói đi em.
Nam bước xuống, đưa cho cô tờ giấy:
- Thưa cô, tất cả đều ghi trong này. Nhưng chúng em nghĩ, khi nào tiết mục được chọn thì mới cần nói rõ hơn ạ.
- Không hề gì. Để cô nói cho.
Cô giở tờ giấy ra, nhìn bao quát đám học sinh:
- Lớp chúng ta có hai tiết mục. Tam ca gồm Phương, Trang và Hà, hát bài Về Thăm Mái Trường Xưa, còn Nam đơn ca bài Phượng Hồng, có Hoa múa minh họa…
Tiếng cười khúc khích vang từ cuối lớp, rồi lan khắp, râm ran:
- Nam Hoa, Nam Hoa...
Phác đưa cao hai ngón trỏ để sát nhau, nheo mắt bặm môi làm trò, nhìn về Nam và Hoa đầy giễu cợt. Hoa đỏ mặt. Bất thần, Nam nhảy đến tát vào mặt Phác. Bốp. Cô Nhung sững sờ. Cả lớp im bặt. Bầu không khí lặng ngắt. Nam ra tay hơi mạnh, để lại trên má Phác những lằn đỏ ửng. Phác òa lên khóc:
- Cô ơi, thằng Nam dám đánh em trước mặt cô. Đau quá, hu hu hu…
Cô nhìn Nam:
- Em làm cái gì vậy? Điên à.
Nam cúi đầu:
- Em xin lỗi cô. Nhưng… bạn ấy thô bỉ quá, phải đánh thôi.
- Không được. Cô biết Phác sai trái, nhưng trong lớp còn có cô, cô sẽ giải quyết chuyện này.
Phác được thể, tru tréo:
- Cô ơi, em bị đối xử thô bạo, hãy lấy lại công bằng cho em.
Cô nạt:
- Im đi. Em còn muốn gì nữa đây?
- Nam phải xin lỗi em.
Cả lớp quay ngoắt 180 độ, tất cả đứng về phía Nam:
- Xin lỗi gì chớ. Đừng có nằm mơ.
- Cho Phác điểm không hạnh kiểm vì cái tội cặp đôi đi cô.
- Đáng đời thằng Phác.
Cô Nhung ra dấu im lặng. Chỉ còn tiếng khóc tức tưởi của Phác, càng lúc càng bi ai. Cô gắt:
- Phác thôi đi. Sao em nhiều chuyện thế – Quay qua đám học sinh – Cô nói tiếp nè, tuần sau, sẽ có buổi tổng duyệt để chọn diễn trong đêm văn nghệ tất niên tại trường. Ban Văn nghệ lớp ta đã tập dượt siêng năng, phát huy hết khả năng, hy vọng đem lại vinh quang cho lớp. Các em có muốn làm những vị khán giả đầu tiên không?
Không gian trong lớp òa vỡ tiếng reo hò. Trừ gương mặt méo xẹo của Phác, tất cả học sinh đều tươi cười hớn hở, vỗ tay rào rào:
- Dạ muốn, dạ muốn. Hoan hô Nam, hoan hô Phương…
Cô Nhung nhìn Phương:
- Em đã sẵn sàng chưa?
Phương đứng dậy:
- Sáng chủ nhật tới, em mời cô và các bạn đến nhà em xem buổi tập lần cuối trước khi đem chuông đi đánh… với các lớp khác.
Học sinh chụm lại bàn tán:
- Không biết nhà Phương có đủ chỗ?
Phương cười:
- Các bạn khỏi lo. Nhà Phương nhỏ nhưng sân vườn nhà Phương rộng lắm, tụi mình sẽ diễn ngoài sân cho các bạn thưởng thức nhé.
Lại vỗ tay. Thầy Tú ghé đầu vào:
- Chị Nhung ơi, có chuyện gì vui thế?
Học sinh ngừng tay, đồng loạt đứng dậy. Thầy nói:
- Xin phép chị.
Cô Nhung đưa tay mời. Thầy bước lên bục giảng:
- Các em ngồi xuống. Thầy đến báo cho lớp một tin mới. Trưởng ban Văn nghệ đâu rồi nhỉ?
Phương đứng lên:
- Thưa thầy em đây ạ.
- Thầy vừa họp xong. Vì nhiều lý do ngoài ý muốn, trường sẽ dời buổi tổng duyệt Văn nghệ sớm hơn dự định. Đó là vào chín giờ sáng chủ nhật này, các em chuẩn bị nhé.
Trời đất. Phương nghe như sét đánh ngang mày. Còn biết bao nhiêu điều phải bàn trong buổi tổng duyệt nội bộ sắp tới, ý kiến của cô Nhung sẽ rất cần thiết, tạo thêm niềm tin cho các “nghệ sĩ” của 10A1. Lòng Phương rối bời. Thầy Tú đi tự lúc nào, Phương cũng không hay. Cô Nhung đặt tay lên vai Phương. Phương sực tỉnh:
- Cô ơi, làm sao bây giờ?
- Các em đã sẵn sàng rồi. Còn sợ gì chớ.
Phương thở dài:
- Em muốn diễn trước cho cô và các bạn xem để rút kinh nghiệm, nhưng bây giờ thì không được rồi.
Nam đứng dậy:
- Em đề nghị, ngày mai cô cho phép cả lớp nghỉ học…
- Không được. Chúng ta bàn chuyện khác đi. Sắp bước vào cuộc thi rồi, ban Văn nghệ cần gì, cô và các bạn sẽ giúp đỡ.
Sa đưa tay:
- Thưa cô, chúng em cần tiền để mua bìa cứng làm đạo cụ trình diễn ạ.
Cả lớp hướng về phía Sa, ngạc nhiên:
- Ủa, thằng Sa vô ban Văn nghệ hồi nào vậy?
Phương tươi cười:
- Giới thiệu cho các bạn biết, Sa có nhiệm vụ… thiết kế sân khấu cho tụi này đó.
Những đôi mắt mở to thán phục:
- Ui, Sa làm đạo diễn được sao? Thật là oai phong.
Phác nãy giờ yên lặng, bỗng gào lên:
- Oai phong gì thằng Sa chớ, đồ bợ đ…
Cô Nhung chỉ tay vào mặt Phác:
- Em ăn nói bậy bạ quá. Ra khỏi lớp ngay.
Phác dùng dằng. Cô hét:
- Đi ngay.
Cơn giận dâng cao làm cô choáng váng. Mặt cô tái mét. Cô lảo đảo, Hoa ngồi đầu bàn đưa tay đỡ cô. Trang lục cặp lấy chai dầu gió. Hà cầm tay cô:
- Cô ơi, cô có làm sao không?
Nam tức giận, nắm cổ áo Phác lôi tuột ra hành lang:
- Cút xéo.
Phương xoa dầu lên thái dương cô, chà xát nhè nhẹ. Gương mặt cô hồng hào trở lại:
- Đừng lo, cô không sao. Sa đâu rồi?
Sa chạy đến bên cô. Cô để tay lên vai Sa:
- Em cứ lấy tiền quỹ của lớp để làm đạo cụ. Có thiếu, cô sẽ bù cho.
Trang, Hà, Phương động viên:
- Nhanh lên Sa nhé.
Nam lo lắng:
- Gấp quá, liệu có kịp không?
- Yên chí.
Sa khéo tay đến không ngờ. Chỉ với những miếng bìa cứng đơn sơ, cây cọ và vài lon sơn nhỏ, Sa đã vẽ nên hình ảnh mái trường, ghế đá, hàng phượng xanh thắm điểm tô những chùm hoa rực lửa. Đáng nể thật. Vậy mà có lần Sa bảo: “Sau này tui sẽ thi vào Đại Học Mỹ Thuật”, Phương đã cười thầm, nghĩ Sa là loại người ôm đồm nhiều chuyện, chí lớn tài hèn. Bây giờ mới rõ, Sa không giỏi ca ngâm nhưng rất có năng khiếu về họa, chắc chắn Sa sẽ thành công trong lĩnh vực này.
Chương 12
Phương chống tay vào cằm, nhìn ra sân nắng. Chúa xuân đang về cùng vạn vật nên ánh nắng cũng bớt gay gắt, vừa đủ phớt nhẹ lên chậu mai tứ quí trước hàng hiên những sợi tơ vàng. Sân nhà Phương rộng nhưng trống trải, chỉ có một cây phượng cằn cỗi cành lá lưa thưa, mùa hè nở hoa nhỏ xíu. Vừa rồi ghé nhà tập văn nghệ, Nam có hứa sẽ trồng thêm cho Phương vài cây trứng cá để lấy bóng râm, chắc cũng phải xong cuộc thi này, Nam mới rảnh rỗi được. Sáng nay trời thật đẹp, nếu không có sự thay đổi đột xuất của ban Giám hiệu, chủ nhật này cô Nhung và bạn bè sẽ đến nhà Phương để thưởng thức những tiết mục văn nghệ cây nhà lá vườn của bọn Phương rồi. Khi đó, nhất định Phương sẽ mời dì Mai đến cùng xem. Nhắc đến dì Mai, Phương lại nhớ cô Út, không biết cô đã kết nút chiếc áo dài cho Phương chưa?
Phương mở tủ áo. Đầu năm học mới, mẹ may cho Phương hai bộ áo dài, dì Mai cho thêm một bộ nữa là ba, đủ cho Phương mặc đi học suốt tuần. Tiếc ghê, nếu biết trước có cuộc thi Văn nghệ này thì Phương đã “tiết kiệm” một bộ để diện rồi. Phương nâng các tà áo lên ngắm nghía. Tuy áo chưa cũ nhưng màu trắng hơi bị ngà, các hoa văn cũng đã mất độ bóng, lên sân khấu chắc chắn là không được nổi. Đành chịu thôi. Phương thở một hơi dài, thôi quên cô Út đi, rồi tự an ủi, dù sao đây chỉ là cuộc trình diễn nội bộ, trang phục không cần thiết lắm.
- Thanh Phương có nhà không?
Phương đóng cửa tủ, chạy ra. Người đưa thư đang dừng xe, nhìn qua cổng:
- Cháu có bưu phẩm nè – Rồi lấy ra một gói nhỏ hình chữ nhật và cuốn sổ – Cháu ký tên vào đây.
- Cám ơn chú.
Bưu phẩm của cô Út! Phương hấp tấp xé toang gói quà. Những nhánh hoa dây óng ánh trên nền lụa mềm mại, trắng tinh tươm. Ôi chiếc áo mong đợi đã đến với Phương rồi, thật đúng lúc và bất ngờ như có phép tiên. Một lá thư rơi ra, chỉ vài dòng: “Cháu yêu của cô, cháu mặc vừa không? Nhớ gọi điện cho cô biết nhé.”
Phương gọi cho cô Út ngay:
- Cô ơi, cháu nhận được áo dài rồi.
- Tốt quá. Cháu mặc có vừa không?
- Cháu chưa mặc, nhưng chắc chắn là vừa, cô là cao thủ mà.
Tiếng cô cười khanh khách:
- Chà, con nhỏ này cũng biết nịnh quá đi chớ.
- Cô ơi, chủ nhật này cô lên thành phố, ghé trường xem lớp cháu trình diễn vòng sơ khảo Văn nghệ tất niên nhé.
- Có thể, nhưng cô không hứa chắc, cháu đừng chờ.
° ° °
Vòng sơ khảo tổ chức ngoài trời. Sân khấu được dựng gần văn phòng, dưới những tàng cây thoáng mát. Thầy Tú tay cầm giấy viết, chạy tới chạy lui như con thoi, ghé vô nhóm này, chạy qua nhóm khác:
- Có lớp nào thay đổi tiết mục không?
- Thầy ơi, em muốn thay bài khác.
- Em tên gì? Lớp mấy? Thay bài gì?
- Em là Ngọc Quỳnh lớp 10A3, em sẽ hát bài Điệp Khúc Mùa Xuân của Quốc Dũng.
Thầy Tú gạch gạch xóa xóa:
- Được rồi, em sẽ hát sau lớp 10A1 nhé.
Phương chạy đến:
- Thưa thầy, em lớp 10A1 nè. Lớp em được xếp sau lớp nào ạ?
- Để thầy xem. À, sau bài Tuổi Đời Mênh Mông của Xuân Lan 12A4 là đến lớp em. Chuẩn bị đạo cụ sân khấu nhé, phải tranh thủ làm thật nhanh đấy.
Điều này khỏi cần nhắc. Sa đã đem “đồ nghề” đến từ sớm, rất đầy đủ. Ngoài những hình vẽ sống động, còn có chiếc xe đạp màu đỏ mới tinh và chùm hoa phượng… giả, giống như thật! Tam ca Phương, Trang, Hà duyên dáng trong ba chiếc áo dài trắng (dĩ nhiên là áo của Phương mới nhất, vừa vặn nhất, tác phẩm của cô Út mà).
Hoa nổi bật nhất với môi son má phấn chẳng khác gì diễn viên chuyên nghiệp, miệng cứ tía lia:
- Sao? Được không? Chị tui trang điểm giùm đó.
Bác Chu cũng đã chở cây Organ đến cùng chiếc đàn ghi ta của Nam. Phương hỏi:
- Nam đâu bác?
Bác ngạc nhiên:
- Ủa, nó đi trước bác mà. Sao giờ chưa thấy?
Học sinh đến càng lúc càng đông, tụ tập quanh sân khấu, nói cười rôm rả. Lớp Phương đi thành từng nhóm, trên tay cầm những chiếc khăn xanh đỏ, huơ huơ trước mắt Phương:
- Phăng (fan) của 10A1 sẽ cổ vũ hết mình, cố gắng lên nhé.
Phương vui quá. Vui nhất là thấy dì Mai đi cùng cô Nhung, đến ngồi nơi hàng ghế dành cho giáo viên. Phương đưa tay vẫy, dì Mai nhìn Phương âu yếm, ánh mắt đầy khích lệ. Tiếc là mẹ bận bán hàng, không đến được. Hy vọng tiết mục lớp Phương sẽ được chọn, đêm liên hoan tất niên, nhất định Phương sẽ đưa mẹ đến xem.
- Phương!
Cô Út xuất hiện trong bộ áo quần thời trang đầy ấn tượng. Phương kéo Trang và Hà chạy đến, cả ba cùng reo:
- Cô Út diện đẹp quá.
Cô Út nghiêng đầu, nheo mắt:
- Nói cho các cháu biết, tự tay cô may đó nha.
Trang hít hà:
- Phải gọi cô là nhà thiết kế thời trang mới được.
Hà xuýt xoa:
- Một nhà tạo mẫu đầy ý tưởng.
Cô Út cười lớn:
- Thôi đừng cho cô đi tàu bay giấy nữa, cô chóng mặt lắm. Phương ơi, có chỗ ngồi cho cô không?
Niềm vui dâng tràn lòng Phương.
Các tiết mục bắt đầu. Vẫn không thấy Nam. Bác Chu xem đồng hồ tay, nôn nóng:
- Thằng nhỏ này, chả biết nó đi đâu.
Rồi bác sực nhớ, bảo Phương:
- Cháu kiếm điện thoại gọi về nhà Nam xem sao. Có thể bà mẹ trở bệnh chăng?
Hoa nhanh nhẩu:
- Cháu biết số điện thoại nhà Nam. Để cháu gọi cho.
Một lát, Hoa chạy đến vẻ lo âu:
- Mẹ Nam vẫn mạnh khỏe, bác ấy nói Nam đi lâu rồi – Nước mắt Hoa ứa ra – Làm sao bây giờ?
Đúng là đồ mít ướt. Phương gắt:
- Nín đi, coi chừng trôi mất son phấn, mặt mày tèm lem bây giờ.
Miệng nói cứng, nhưng lòng Phương còn rối hơn Hoa. Lỡ Nam không đến thì tiết mục Phượng Hồng đành bỏ sao? Thật đáng tiếc. Trong hai tiết mục đã đăng ký, bài đơn ca của Nam mới là cái đinh của lớp, vừa thơ mộng trong điệu múa dịu dàng của Hoa, vừa hoành tráng dưới bàn tay thiết kế tài tình của Sa. Trên sân khấu, “nghệ sĩ” của các lớp thi nhau trổ tài, tiếng đàn, giọng hát xoáy xoay vào đầu óc Phương bao nỗi hoang mang. Thời gian trôi nhanh quá. Phương bước ra cổng lóng ngóng. Hoa chạy theo:
- Phương ơi, hay là xin thầy Tú dời bài của Nam xuống sau cùng, được không?
Ý kiến hay. Không ngờ, thầy Tú tạt gáo nước lạnh vào mặt hai cô bé:
- Hai người muốn giỡn mặt hả. Không diễn được thì gạch bỏ, lộn xộn quá.
Trang nắm tay Hà chạy đến:
- Phương ơi, Nam đâu rồi? Sao Nam kỳ cục vậy?
Phương bực bội:
- Mấy người hỏi tui, tui biết hỏi ai bây giờ.
Cô Nhung đến bên Phương:
- Em bình tĩnh đi. Hoa vừa mới cho cô biết sự vắng mặt bất thường của Nam, để cô nghĩ cách cho.
Tiếng xướng ngôn viên vang lên:
- Sau đây là phần trình diễn của lớp 12A4, bạn Xuân Lan sẽ hát bài Tuổi Đời Mênh Mông của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn…
Hoa hốt hoảng:
- Sắp đến lớp mình rồi, làm sao đây, làm sao đây hở trời!
Phương nghe lùng bùng bên tai: “Mây và tóc em bay trong chiều gió lộng…”. Bỗng dì Mai reo lên:
- Nam kìa…
Chiếc taxi thắng gấp trước cổng trường. Nam tung cửa bước xuống. Xe đạp của Nam đâu? Tại sao chân Nam đi cà nhắc, tóc tai Nam bơ phờ, áo quần Nam xốc xếch? Chuyện gì đã xảy đến với Nam? Rất nhiều câu hỏi quay cuồng nhưng không ai buồn tìm hiểu vì thời gian cấp bách quá. Bây giờ, chỉ cần biết một điều là Nam có trình diễn được không? Nam vuốt lại tóc, sửa sang áo quần, nét mặt tươi vui:
- Em xin lỗi vì đã đến trễ – Rồi nhìn Phương – Sắp đến lớp mình chưa?
May quá, bài hát của Xuân Lan vẫn chưa kết thúc… thời thơ ấu, bướm hoa và chim cùng mưa nắng, em đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha…
Chương 13
Tuy Nam đã làm cho Phương và các bạn một phen lên ruột vì hồi hộp, nhưng chàng lớp trưởng này đã đoái công chuộc tội bằng một phong cách trình diễn quá tuyệt vời. Từ sau cánh gà sân khấu, Phương nhìn xuống hàng ghế khán giả, lòng tràn dâng hy vọng khi thấy những gương mặt lắng nghe, những ánh mắt chiêm ngưỡng hướng về Nam đang ôm đàn ghi ta cất cao tiếng ca trầm ấm… Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng em chở mùa hè của tôi đi đâu…
Tiết mục tam ca của nhóm Phương, Trang, Hà không hay bằng Nam nhưng cũng đủ làm cho cô Nhung nở mày nở mặt khi nghe tiếng vỗ tay, tiếng reo hò của các “fan” vang dội khắp sân trường. Nói chung, buổi trình diễn của lớp 10A1 rất thành công. Cô Nhung, cô Út và dì Mai đứng chờ ban Văn nghệ nơi cổng trường. Không có Nam. Phương chạy vào trong, gặp bác Chu đang khệ nệ vác cây Organ bước đến.
- Nam đâu rồi bác?
- À, nó hơi mệt, nhờ cháu xin phép cô giáo cho nó về trước. Nè, thằng nhỏ có năng khiếu à nghen. Tuyệt.
Cô Nhung nói:
- Chiều nay, chúng ta đi thăm Nam nhé.
Phương không chờ đến chiều, đạp xe đến nhà Nam ngay. Nắng trưa gay gắt càng nôn nóng lòng Phương. Mọi thắc mắc cần phải được giải đáp. Phương đoán già đoán non, hình như Nam bị té, xe đạp hư nên phải đi taxi. Ngoài cái chân cà nhắc, sức khỏe Nam chắc không sao, vì Nam vẫn đàn nhuyễn hát hay, đem lại hy vọng tràn trề cho lớp. Cửa nhà Nam mở rộng. Phòng khách vắng ngắt. Phương dựng xe vào tường, gọi nhỏ:
- Nam, Nam có nhà không?
Nam vén màn, ló đầu ra.
- Nam sao rồi?
- Yên chí. Hơi oải một chút thôi.
Nam đi rất chậm về phía salon, từ từ ngồi xuống. Phương ái ngại:
- Chân của Nam…
- Chung qui cũng tại thằng Phác .
- Nó… đánh Nam, à mà không, nó thuê người đánh Nam hả?
- Nó nhỏ xíu như vậy đánh Nam sao nổi. Còn thuê người ư? Nó đâu có khả năng. Để Nam kể Phương nghe. Sáng nay, Nam đạp xe ngang qua công viên, thấy khoảng ba, bốn đứa bặm trợn xúm vào đánh thằng Phác te tua. Chắc là nó ngựa quen đường cũ, bài bạc rồi quịt nợ người ta. Nam định lờ nhưng nghe nó kêu gào thống thiết quá “Nam ơi cứu mạng”, đành phải nhào vô can thiệp. Đúng là mãnh hổ nan địch quần hồ, Nam đánh không lại tụi đầu gấu, bị tụi nó phá hỏng chiếc xe, phải đi taxi mới kịp buổi trình diễn.
- Còn Phác?
- Nó chạy mất đất. Thằng này hết thuốc chữa rồi.
Chuông điện thoại reo.
- Mẹ Nam bận tay sau bếp, Phương nghe dùm Nam với.
Phương vào nhà trong, nhấc máy.
- A lô!
- Ơ… Phương… Phương hả? Nam… Nam đâu rồi? Nam có sao không?
Phương nhận ra tiếng Phác, nạt:
- Phác mà cũng biết quan tâm đến người khác à.
Giọng Phác khẩn thiết:
- Phương ơi, trả lời tui đi. Nam sao rồi? Cho tui nói chuyện với Nam một lát.
- Nam không khỏe. Nói gì để tui nhắn cho.
- Nói với Nam là tui ân hận lắm. Tui sẽ bỏ cờ bạc, tui sẽ trả nợ cho người ta. Phương ơi…
- Gì nữa đây?
- Lớp mình diễn có thành công không?
- Cám ơn. Không bị Phác quậy là hên lắm rồi.
Phương ra ghế ngồi.
- Thằng Phác nó ân hận, nó hỏi thăm Nam, quan tâm đến buổi văn nghệ lớp mình. Tức cười quá.
- Hy vọng là nó thật lòng.
- Nam à, chiều nay cô Nhung và các bạn đến thăm Nam đó.
- Vui quá. À, Phương đừng kể chuyện Phác cho ai nghe nhé. Hãy cho nó một cơ hội sửa mình. Về phần Nam, Nam sẽ nói với cô là Nam bị té xe.
- Phương ghét Phác lắm, nhưng Phương sẽ chiều Nam.
° ° °
Hai tiết mục của lớp 10A1 được lọt vào “top ten”, đặc biệt, bài Phượng Hồng đạt số điểm cao nhất. Giờ cô Nhung, học sinh bàn tán xôn xao, không ai buồn cầm viết chép bài và hình như cô cũng không muốn dạy, niềm tự hào trào dâng khiến mọi người ao ước được tự do cười nói, hò hét vang trời.
Thầy Tú bước vào, tươi cười nhìn cô Nhung:
- Chúc mừng cô chủ nhiệm và các em. Cả hai tiết mục của lớp đều được chọn trình diễn trong đêm văn nghệ tất niên của trường.
Tiếng vỗ tay rào rào tưởng chừng không bao giờ chấm dứt.
- Yên nghe thầy nói nè– Thầy nhìn xuống lớp – Các diễn viên của tiết mục Phượng Hồng đâu rồi? Ý thầy muốn nói là cậu ca sĩ và cô diễn viên múa minh họa ấy.
Nam và Hoa đứng lên.
- Còn người thiết kế sân khấu nữa, cho thầy xem mặt nào.
Sa ngập ngừng đứng dậy, nét mặt đầy xúc động. Thầy Tú bước đến, để tay lên vai Sa:
- Khá lắm. Trường đã quyết định đăng ký bài Phượng Hồng tham dự cuộc thi Văn Nghệ giữa các trường cấp ba trong thành phố do Sở Giáo Dục tổ chức. Ngay từ bây giờ, các em phải cố gắng tập dượt, gia cố thêm, sáng tạo thêm để cho bài hát được hay hơn, ấn tượng hơn… đem lại vinh dự cho trường chúng ta nhé.
Giờ ra chơi, ban Văn nghệ họp đột xuất dưới bóng mát tàng lá phượng. Phác từ đâu chạy đến:
- Phương ơi, Nam ơi… có gì sai bảo tui không? Tui sẽ làm hết mình.
Trang xô Phác ra. Hà nói:
- Phác không cặp đôi bậy bạ là tụi này mừng rồi. Đi chỗ khác chơi đi.
Nam nhìn Phác:
- Cậu ra đi, ở đây không có việc của cậu.
- Nam ơi, tui hối hận thiệt mà.
- Nói thì dễ. Quan trọng là cậu có làm được không?
- Được, chắc chắn được. Các bạn cho tui tham gia họp với nhé.
Không chờ “duyệt”, Phác chen vào ngồi cùng mọi người. Phương liếc nhưng không nói gì. Nam nói:
- Mặc xác nó – Rồi hỏi các bạn – Thầy Tú đã nói như vậy, các bạn có ý kiến gì không?
Hoa tỏ ra bức xúc:
- Hoa đã diễn hết mình rồi đó. Làm sao để múa hay hơn bây giờ?
Sa hăng hái:
- Sa sẽ thay đổi hình ảnh ngôi trường, sẽ…
Phương góp ý:
- Ngày thi của Sở còn xa, mà đêm Văn nghệ tất niên của trường sắp đến rồi. Trước mắt, hãy khoan thay đổi gì cả, cứ tập dượt cho thật nhuyễn hai tiết mục của lớp mình để cho cô chủ nhiệm được mát mày mát mặt. Các bạn đồng ý không?
Phác hí hửng:
- Tui sẽ mang con gấu bông thật to lên sân khấu tặng Phương nhé.
Phương nghiêm mặt:
- Tui cấm cái trò rởm đời ấy. Phác không nghe thì đừng có trách tui.
Nam ghé vào tai Phác:
- Nói chung là cậu theo các bạn cổ vũ cho lớp là tốt rồi. Không được bén mảng đến gần sân khấu. Nghe chưa?
Phác ngoan ngoãn gật đầu.
Tiết cuối được nghỉ. Nam rủ Phương đến nhà bác Chu báo tin vui. Đôi bạn đạp xe bên nhau. Trời cao xanh ngắt, mây trắng gợn bay, hàng cây hai bên đường rì rào lời gió.
- Phương nghĩ, lần này Nam sẽ hát hay gấp bội lần.
- Tại sao?
- Hôm trước, Nam bị xi cà que mà còn thành công như vậy, huống chi bây giờ…
Nam cười sảng khoái:
- Có lý.
Nắng lọt qua kẽ lá, vẽ những đốm hoa vàng trên áo Nam và Phương.
24/10/2005
Thùy An
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió"

Thi sĩ Trần Hòa Bình "Phiêu du trong gió" Vào quãng những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Trần Hòa Bình viết bài thơ “Sơn Tây m...