Con đường lá me 1
Chương 1
Chị Quyên ngồi xỏa tóc bên cửa sổ, đôi mắt đỏ hoe. Nắng chiều
vàng vọt xuyên qua song cửa, vẽ lên nền nhà những đường nét nhợt nhạt, buồn bã
như tia nhìn chị Quyên đầy van lơn hướng về me tôi :
- Con không đi mô hết con xin me, cho con ở lại Huế.
Me tôi phác một cử chỉ chán nản :
- Quyên ơi, con báo cha báo mẹ vừa vừa thôi chớ, xấu hổ quá rồi,
thiên hạ chỉ chỏ, dư luận bàn tán. Con phải xa Huế một thời gian, khi câu chuyện
ni chìm lắng xuống và tâm hồn con lấy lại được cân bằng, con hãy trở về. Ba me
không đời mô hẹp lượng với con.
Chị Quyên quay sang tôi:
- Ngọc!
Tôi ngước lên, me tôi đỡ lời:
- Ngọc sẽ cùng đi với con, nó vào học Luật trong đó luôn. Hai
đứa sẽ ở nhà bác Phán bên cầu chữ Y.
Tôi rùn vai :
- Trời, ở chi mà xa rứa me. Thôi, con không chịu mô.
Me tôi trừng mắt :
- Ngọc vẫn luôn luôn cải lời me, cái tật la hoài không chịu bỏ.
Me tôi đấu dịu :
- Ngọc à, điều quan trọng là chuyện của chị Quyên con đó.
Thương chị, con cố gắng ở bên chị, an ủi chị. Theo me thấy, chỉ có nhà bác Phán
là me tin cậy được mà thôi. Đất Sàigòn không hiền như xứ Huế mình mô con.
Vành mi me tôi rơm rớm nước mắt, tôi cảm động đến bên me, cúi
mặt nói lí nhí :
- Con xin lỗi, con đã cải lời để me buồn.
Me tôi đứng dậy :
- Thôi hai chị em bây bàn chuyện với nhau đi, me ra sau bếp
coi chị Tâm nấu cơm.
Chị Quyên vẫn thút thít khóc, tôi gieo mình xuống chiếc ghế
fauteuil cạnh cửa ra vào, chán nản kỳ lạ. Tôi chả muốn vào Saigon học tí nào.
Hôm xem kết quả kỳ thi toàn phần xong, tôi rủ Tuyết, con bạn thân nhất của tôi,
ghi danh Văn Khoa vì tôi biết Tuyết nó có khiếu về văn chương và tôi thì tuy
không bằng Tuyết, nhưng cũng vốn yêu thích văn thơ từ tấm bé. Thuở mới chập chững
bước chân vào đệ thất Đồng khánh, tôi đã làm nên những bài thơ đầu đời vụng dại
ca tụng mùa thu về có lá vàng bay, mùa Xuân sang với hoa đào nở, rồi chép trang
trọng lên từng tờ giấy mỏng mầu xanh. Tôi suy tư, tôi mơ mộng, tôi sống bằng
con tim hơn bằng trí óc, me tôi cứ bảo với tôi hoài mỗi lần thấy tôi ngồi hàng
giờ nhìn mông lung ra ngoài cửa sổ :
- Mơ mộng cho lắm vào rồi sau khổ đó con. Con gái không nên
lãng mạn như rứa.
Con gái không nên lãng mạn như rứa. Tôi thầm hỏi, tôi có thật
lãng mạn lắm không ? Làm một bài thơ ca tụng thiên nhiên, hát khẽ những bài hát
trữ tình thơ mộng, thả hồn theo những đám mây trắng bềnh bồng cuối chân trời xa
mỗi buổi chiều học về xuôi chuyến đò ngang Thừa Phủ, như vậy là lãng mạn ư ? Thật
ra, đến giờ tôi vẫn còn lẫn lộn giữa hai chữ lãng mạn và mơ mộng, tôi chỉ nhận
thức được rằng, tôi là con gái đa sầu đa cảm, trót sinh ra giữa cái thành phố
diễm tình nầy, nơi mà biết bao du khách ước ao được chiêm ngưỡng những đêm
trăng vàng lung linh soi bóng trên giòng Hương Giang êm đềm loang loáng hào
quang của rừng tinh tú trên cao, nơi mà biết bao thi nhân đã rút hết tơ lòng để
nói lên nỗi nhớ niềm thương khi vì sinh kế phải rời xa xứ Huế, xứ của "núi
Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong", xứ của
"Gió đưa cành trúc la đà, tiếng chuông Linh Mụ canh gà Thọ Xương"…
Chị Quyên đến bên tôi :
- Ngọc, em buồn chị đó hả ?
Tôi cúi đầu :
- Mô có, thật ra em chỉ buồn vì… em không thích vào Saigòn học.
Chị Quyên chép miệng :
- Me thật là vô lý.
Tôi cãi :
- Me có lý của me cũng như chị có lý của chị. Chị Quyên, theo
em nghĩ, chị nên xa Huế ít lâu, em… em cố gắng, em theo chị.
Chị Quyên nhíu mày :
- Răng… răng em lại phải nói là cố gắng ?
Tôi rơm rớm nước mắt :
- Cố gắng chứ chị, vào Saigon học là một chuyện bất đắc dĩ,
em đã sai lời hứa với Tuyết, đã…
Chị Quyên cướp lời :
- Đã lỗi hẹn với Hoàng chớ chi.
Tôi thoáng đỏ mặt, chị Quyên tiếp :
- Chị biết, em đã hứa hẹn với Hoàng thật nhiều, bây giờ lại bỏ
ngang mà đi.
Tôi bào chữa yếu ớt :
- Em và Hoàng có chi mô, thật ra thì… à em có hẹn với Hoàng
là em sẽ theo Văn khoa như Hoàng, rứa thôi.
Chị Quyên ngồi xuống bên tôi :
- Thì vào trong nớ, em cũng theo Văn Khoa, răng tự nhiên em lại
bốc đồng đòi học Luật rứa ?
Tôi vuốt nhẹ nếp áo :
- Tính em đôi lúc thật kỳ lạ, em muốn học Văn Khoa ở Huế
nhưng phải Luật ở Saigon, đôi lúc em cũng không còn hiểu em nữa.
Vâng, đôi lúc tôi cũng không còn hiểu tôỉ nữa, khoảng thời
gian sau này, tâm hồn tôi bàng hoàng kỳ lạ như vừa nhấp ly rượu say. Từ đêm
liên hoan văn nghệ tưng bừng hôm tất niên ở Văn Khoa, từ một ánh mắt vô tình
soi nhẹ vào hồn tôi giữa lời ca ý nhạc mừng mùa Xuân tới, đôi chân tôi bước ra
khỏi vùng tuổi thơ ngà ngọc tự lúc nào tôi không hay không biết, những ngón
chân trần lướt nhẹ trên ngàn giọt sương nhỏ long lanh suốt con đường thênh
thang hoa cỏ tình yêu, mình lớn rồi, tôi thầm nghĩ. Tôi vừa đủ lớn để nghe thấy
nhịp đập của trái tim ngân vang như những phím ngà rung động dưới mười ngón tay
mềm, tôi vừa đủ lớn để đọc được trong đôi mắt Hoàng những lời nồng nàn không
thoát ra bằng tiếng, những êm đềm tha thiết anh đang gửi trọn về tôi cùng tất cả
say mê. Từ Tết đến giờ, Hoàng tới nhà thăm tôi ba lần, những mẩu chuyện vu vơ,
những câu thăm hỏi thông thường nhưng chứa đựng nhiều trìu mến, đã khiến tôi có
cảm tình với Hoàng sâu đậm. Tôi chưa phân biệt được tình cảm và tình yêu đối với
một người bạn trai, nhưng dưới mắt các bạn tôi, cả chị Quyên nữa, tất cả mọi
người đều trêu tôi là "bồ" của Hoàng.
Bóng đêm xuống chậm, không gian còn oi nồng sau một ngày nắng
hè gay gắt. Tôi đưa tay ra sau gáy buộc cao mái tóc :
- Mình xuống bếp phụ chị Tâm dọn cơm đi, chị Quyên.
Dáng dấp bé nhỏ của chị Quyên vẫn im lim bất động :
- Chị buồn khổ quá Ngọc ơi. Em có cảm thấy xấu hổ như me đã xấu
hổ vì chị không Ngọc ?
Tôi bóp nhè nhẹ tay chị :
- Không bao giờ chị Quyên, theo em nghĩ, trái tim chị có
riêng những lý lẽ của nó. Chị yêu thầy Thông không phải bằng lý trí, không ai
điều khiển nổi tình cảm theo ý mình.
Chị Quyên giọng xúc động :
- Chị cám ơn em, người duy nhất cảm thông được tâm hồn chị.
Tôi cắn môi, lời nói thoát ra ngập ngừng :
- Nhưng còn danh dự gia đình, chị Quyên, thầy Thông đã có vợ
con. Thiên hạ đã phong phanh hay biết và vợ thầy Thông dọa sẽ bêu rếu việc này…
Chị Quyên ngắt lời :
- Thì bởi vậy chị mới rời bỏ xứ Huế này mà đi, chị khổ quá,
Ngọc đừng nhắc đến nữa.
- Em nhắc đến để chị nghĩ lại rằng me chúng ta có lý, dư luận
ở đây độc ác lắm, me bảo chị đi vì me thương chị, chị đừng giận me, chị Quyên
nghe.
Chị Quyên đứng dậy :
- Chị mô dám giận me, thôi mình vào ăn cơm đi em.
Chúng tôi đi vào phòng ăn, chị Tâm cũng vừa bưng mâm cơm lên.
Ba tôi đi làm về còn đang tắm rửa sau nhà, Toại, em kế tôi và cũng là em út
đang ngồi chễm chệ trên ghế tựa. Tôi kêu lên :
- Thằng ni hỗn, chưa ai vô bàn hết răng mi dám ngồi trước ?
Toại nhe hàm răng sún :
- Chưa chi đã đổ hô. Em ngồi chơi chớ có dành cơm của chị mô
nờ.
Ba tôi vừa vào tới, me tôi theo sau kéo ghế cho ông ngồi.
Gương mặt ba tôi nghiêm nghị, hình như ông sắp nói một điều gì quan trọng, tôi
thầm đoán, chắc chẳng có vấn đề gì lạ ngoài chuyện chị Quyên. Mà quả vậy, lời
ba tôi tuy trìu mến nhưng vô cùng đanh thép, đôi mắt ông hướng về chị Quyên :
- Quyên, con đã quyết định chưa ? Con có chịu vào Saigon
không ?
Me tôi bộp chộp :
- Răng lại không, tôi…
Ba tôi trừng mắt :
- Bà để yên tôi hỏi nó. Này Quyên, hãy cho ba biết cảm tưởng
của con.
Chị Quyên cúi đầu, tay mân mê những sứa dài trên chiếc khăn
bàn :
- Dạ thưa ba me, con vâng lời, con xin vào Saigon tránh tiếng
cho ba me vui lòng.
Nét vui thoáng hiện trong lời nói của ba tôi :
- Rứa là ba me bằng lòng. Quyên à, con cần phải xa Huế một thời
gian, nỗi buồn trong con sẽ nguôi ngoai rất nhanh chóng vì đó chỉ là tình yêu bồng
bột nhất thời. Con còn trẻ quá, tương lai còn đầy hoa bướm, con hãy ra đi và
con sẽ thấy lời khuyên của ba là đúng, con sẽ tìm thấy chân hạnh phúc bằng lòng
can đảm dứt khoát của con.
Chị Quyên nói như trong mơ :
- Dứt khoát…
Ba tôi đứng dậy, siết chặt tay chị Quyên :
- Phải, con phải dứt khoát, hãy trả thầy Thông về với gia
đình.
Bữa cơm diễn ra trong bầu không khí tẻ nhạt, tôi cứ nghe me
tôi nhắc mãi về vụ lo đi mua vé máy bay, hình ảnh Hoàng bỗng nhiên thật xa vời
trong tâm não chán chường của tôi.
Chương 2
Anh Trứ đón chị em tôi ngay tại phi trường Tân Sơn Nhất. Người
bạn đi cạnh anh, nhìn chúng tôi cười, hàm răng trắng đều và con mắt có đuôi.
Anh Trứ giới thiệu :
- Anh xin giới thiệu, đây là anh Hữu, bạn đồng nghiệp và cũng
là bạn thân nhất của anh, còn đây là Quyên và Ngọc, hai cô em họ, vào Saigon để
tiếp tục dồi mài kinh sử đấy Hữu.
Hữu gật đầu chào chị Quyên rồi quay sang tôi :
- Hân hạnh được biết hai cô.
Tim tôi đập rộn ràng, đôi mắt Hữu êm đềm như vỗ về ru ngủ,
chiếc xách trên tay tôi lơi đi và nghiêng xuống đất. Chị Quyên đỡ lấy :
- Ngọc, khéo đổ, làm chi mà thẫn thờ rứa.
Giọng Huế đặc sệt của chị Quyên làm Hữu mỉm cười, chị Quyên
hơi đỏ mặt, anh Trứ xen vào :
- Con gái Huế có khác, hơi một tí là đỏ mặt. Hữu, mày cười
cái gì đó, coi chừng nhé, tao cũng là gốc Huế đấy.
Hữu xua tay :
- Thằng này nhiều chuyện, mày phải biết phân biệt những nụ cười
chứ. Có những nụ cười thán phục và có những nụ cười chế nhạo. Tao đang ở vào
trường hợp thứ nhất. Cô Quyên nói tiếng Huế thật hay, như tiếng chim hót ấy.
Đôi má chị Quyên càng ửng hồng, tôi nghe lòng buồn buồn, hình
như Hữu không để ý gì đến tôi cả. Anh Trứ dục :
- Thôi tất cả ra xe tôi đưa về.
Tôi hỏi anh :
- Xe nhà vào được phi trường hả anh ?
- Phải có giấy Ngọc à, tụi anh phải để căn cước ngoài trạm kiểm
soát ấy.
- Phiền ghê anh hí.
Anh Trứ không đáp, đôi mắt anh nhìn đăm đăm con đường trước mặt.
Trời Saigon oi bức thật khó chịu, hãy còn mùa mưa. Mây đen giăng nghịt một góc
trời, hơi nhựa trên mặt đường bốc lên nhức cả đầu. Hữu ngồi cạnh anh Trứ quay lại
nói với chị Quyên :
- Cô Quyên vào Sàigon lần nào chưa ?
Chị Quyên đáp lí nhí :
- Dạ chưa, lần ni là lần đầu tiên đó.
Tôi thấy bàn tay chị Quyên mất tự nhiên, lúng túng vò nát vạt
áo dài. Hữu lại hỏi :
- Cô Quyên định theo phân khoa nào đó ?
- Dạ, năm ni Quyên lên năm thứ 3 Văn khoa.
- À, vậy là cô Quyên đã xong hai năm ở Huế, sao cô Quyên
không học luôn ở đấy có tiện hơn không ?
Tên này lắm chuyện, tôi thầm nghĩ hỏi gì mà hỏi dữ vậy, tò mò
không. Tôi định lắng nghe chị Quyên trả lời ra sao thì chiếc xe bỗng thắng gấp
làm tôi bật về phía trước, trán va vào chỗ tựa ghế trước, chị Quyên cũng mất
thăng bằng nhưng chị gượng lại được. Giọng Hữu lo lắng :
- Cô Quyên, cô Ngọc có sao không ? Cái gì vậy Trứ ?
Anh Trứ càu nhàu :
- Khỉ thật, đứa nhỏ bất thần băng qua lộ, may mà tao thắng kịp.
Tôi sờ lên trán, chị Quyên cầm lấy tay tôi :
- Đưa chị coi nờ, hơi đỏ một chút, không can chi mô, để chị xức
dầu khuynh diệp nghe em.
Sàigon náo nhiệt, Sàigon tưng bừng, Sàigon mang một sắc thái
nhộn nhịp khác hẳn vẻ nhu mì trầm lặng của thành phố cổ kính mà tôi và chị
Quyên vừa mới chia xa. Xe chạy vòng theo những khu phố đông người, tôi không thể
phân biệt nổi sự khác nhau của mỗi con đường, nơi đâu cũng đầy nhóc người qua lại,
nhà cửa san sát nhau, những buiding chọc trời, những vila sang trọng cùng những
con hẻm nhỏ, tôi tò mò nhìn vào, nhà cửa ở thật dơ dáy tội nghiệp, xiêu vẹo
khép nép như cô gái quê mùa vô tình bị đặt đứng cạnh nàng công chúa kiêu xa. Xe
ngừng qua một ngã tư gặp đèn đỏ, anh Trứ quay lại :
- Cô Ngọc thơ mộng gì đó ?
Tôi nhìn anh :
- Em đang tìm một bóng cây, nhưng không có.
Tiếng anh Trứ trong veo :
- Thảo nào thím ngoài nhà hôm gặp anh cứ bảo là Ngọc hay mơ mộng
lắm. Nhưng Ngọc yên chí đi, Sàigon vẫn có những con đường nên thơ của riêng
thành phố này chứ.
- Mô anh ? Cho em đi coi đi.
Chị Quyên đập vào vai tôi :
- Khoan đã nờ, về thăm hai bác đã, con ni nhiều chuyện ghê.
Anh Trứ bảo chị Quyên :
- Cứ để cho Ngọc nó mơ mộng đi Quyên. Còn sớm mà, để chiều ý
cô em nhỏ của anh một chút.
Tôi sung sướng :
- Nhất anh Trứ đó.
Tim tôi lâng lâng theo nhịp xe lăn, con đường trước mặt trải
dài với hai hàng me thẳng tắp, cành lá xanh non lao xao trong cơn gió chiều nhẹ
thoảng, màu xanh ngọc vương vương trên hàng lá của mỗi đôi cây đối diện làm mát
rượi cả vùng trời, tôi quên đi thật nhanh sự oi ả của bầu không khí sắp chuyển
mưa vừa ngột ngạt vừa khó thở khi tôi cùng chị Quyên mới bước chân xuống phi
trường. Hữu hỏi tôi :
- Đẹp không cô Ngọc ?
- Tuyệt quá !
- Cô Ngọc có cảm tưởng gì không ?
Tôi ngập ngừng :
- Tự nhiên… Tự nhiên… Ngọc thấy Sàigon không còn đáng ghét nữa.
Hữu ngạc nhiên :
- Cô Ngọc ghét Sàigòn ?
- Dạ, cho đến khi gặp con đường này.
Hữu gật gù, đôi mắt tinh nghịch :
- À, thì ra cô Ngọc ghét Sàigòn từ lâu lắm rồi, nghĩa là từ dạo
còn ở Huế kia.
Tôi không từ chối :
- Dạ, hình như Sàigòn không hợp với Ngọc.
Anh Trứ buộc miệng :
- Thế tại sao Ngọc lại vào Sàigòn học ? Ngoài Huế cũng có
phân khoa luật kia mà.
Tôi ấp úng, chị Quyên bấm vào tay tôi. Tôi cố tìm câu trả lời
thật thích đáng :
- Em… em theo chị Quyên, chị Quyên thích vào Sàigòn học đó
anh. Hơn nữa, em nghe nói, học luật ở đây thích hơn Huế nhiều.
Anh Trứ không hỏi nữa, tôi thở phào nhẹ nhõm. Chị Quyên nói
nhỏ vào tai tôi :
- Liệu chừng cái miệng nghe Ngọc. Tính mi bép xép tao sợ lộ
chuyện quá.
Tôi trợn tròn mắt nhìn chị :
- Bộ chị tưởng tui con nít lắm há, bép xép theo chuyện chớ.
Chuyện bí mật có cậy răng tui cũng câm miệng hến như thường.
Chị Quyên véo nhẹ vào đùi tôi :
- Nói nhỏ nhỏ a.
Đoạn cầu ngắn xe vừa chạy qua tẻ làm đôi, tôi hỏi anh Trứ :
- À, cầu chữ Y đây phải không anh ?
- Ừ.
- Cầu chi mà xấu xí rứa chẳng nên thơ chút mô hết.
Chị Quyên trách :
- Con ni ăn với nói, chi cũng có cái màn thơ với thẩn của mi
kéo lên mi mới chịu.
Hữu góp chuyện :
- Nhìn cầu Trường tiền rồi tội nghiệp cho chiếc cầu này quá
cô Ngọc nhỉ ?
Tôi không dám chê nữa, sợ chị Quyên la, tính chị Quyên thường
đằm thắm trong khi tôi nhiều lúc ngổ ngáo như con trai. Tôi cười với Hữu :
- Dạ mỗi cầu có một vẻ, cầu này có cái đặc biệt là mang hình
dáng chữ i dài trong khi hầu hết các cầu khác đều là chữ i ngắn mà thôi.
Anh Trứ quẹo xe về phía trái, gật gù :
- Ba bốn năm không gặp lại Ngọc, bây giờ anh thấy Ngọc lanh
hơn hồi xưa lắm đó nghe.
Tôi nheo mắt :
- Anh phải cho em tiến bộ chứ. Hồi anh ra Huế chơi, em còn nhỏ
quá mà.
Xe chầm chậm đi vào con đường trải sỏi trắng, nhà bác Phán với
những cửa sổ sơn xanh và màn treo màu hồ thủy làm êm ái mắt nhìn. Bác Phán gái
đón chúng tôi trên thềm nhà, từng bậc thang dẫn lên thoai thoải :
- Ồ, hai cháu của tôi. Bác mong hai cháu vào từ ngày nhận được
thư chú ngoài nhà.
Bác Phán gái người bắc, giọng Hà nội dịu dàng và quí phái.
Tôi và chị Quyên gật đầu chào bác :
- Thưa bác ạ.
Bác Phán gái tươi cười quay vào nhà trong :
- Chú Lễ đâu, xách dùm hai chiếc va li lên lầu dùm tôi nhé.
Có tiếng dạ, người đàn ông trạc ngũ tuần trông hãy còn lực lưỡng
từ trong chạy ra nhìn chúng tôi :
- Hai cô mới vào ạ. Ông bà đây cứ nhắc mãi đến hai cô.
Anh Trứ giới thiệu :
- Quyên và Ngọc con chú Đại tôi đó, còn đây là Bác Lễ, tài xế
của nhà này đó hai em.
Chị Quyên và tôi cùng nói :
- Dạ chào bác.
Gương mặt bác Lễ thật hiền lành :
- Nghe nói hai cô vào đây học phải không ? Vậy thì mai mốt
tôi lại đánh xe đưa hai cô đi học cùng với cô Trinh rồi đó nhé.
Nghe nhắc đến chị Trinh tôi mới nhớ, tôi hỏi bác Phán gái :
- Dạ thưa bác, chị Trinh đi mô rồi ạ ?
Bác Phán gái kéo tay chúng tôi vào nhà :
- Hai cháu vào nhà đã, con Trinh đi với bác Phán trai lên
Sàigon có chút chuyện.
Phòng khách thật khang trang, bộ sa lon lót nệm đỏ sang trọng
nổi bật giữa tấm thảm lớn màu rêu trải rộng giữa phòng. Trên tường, tấm hình
hai bác tôi lồng khung lớn treo đối diện cửa ra vào, bên cạnh, là hai hình nhỏ
hơn, anh Trứ và chị Trinh. Gia đình bác tôi vỏn vẹn có 4 người, thật ra thì 5,
nhưng người con đầu của bác tôi, anh Triết, làm đến Thiếu tá trong Quân lực Việt
Nam Cộng hòa, đã anh dũng đền nợ nước ở chiến trường Pleime cách đây gần bốn
năm. Hai bác tôi buồn khổ một thời gian nhưng niềm buồn nào rồi cũng có lúc
nguôi ngoai, hơn nữa, công việc đấu thầu hàng ngày quá bận rộn đã chiếm hết của
hai bác tôi thì giờ thương nhớ anh Triết. Chỉ còn chị Trinh, người con gái út của
bác tôi, bằng tuổi chị Quyên và hiện đang học dược, thỉnh thoảng, viết thư ra
thăm ba me tôi và trong mỗi lá thư, chị đều nhắc đến anh Triết với nỗi thương
tiếc tưởng chừng không bao giờ nguôi được. Con Trinh đa sầu đa cảm lắm, con gái
mà như vậy thường gặp không may trong vấn đề tình duyên, me tôi thường nói như
vậy trước khi mắng khéo tôi :
- Còn con Ngọc nữa, mơ với mộng, thơ với thẩn cả ngày không
lo học hành chi hết.
Tiếng bác Phán gái kéo tôi về thực tế :
- Hai cháu vào đấy, vào đây. Phòng riêng của hai cháu bác đã
dọn sẵn từ chiều hôm kia. Hai cháu cứ tự nhiên và xem như ở nhà mình nhé.
Chị Quyên đang chăm chú ngắm bức tranh lập thể treo cạnh cửa
ra vào, quay lại :
- Dạ, bác để hai cháu.
Bác Phán gái chỉ phòng cho chúng tôi xong, bác bảo trước khi
trở về phòng riêng :
- Thôi hai cháu nằm nghỉ mệt nhé, lát nữa bác trai và chị
Trinh về tới đó.
Chị Quyên để xắc tay lên bàn viết kê sát cửa :
- Căn phòng ni thật lý tưởng, Ngọc hí. Bác Phán thương tụi
mình ghê.
Tôi lơ đãng nhìn những nhánh hoa leo buông rũ trước cửa sổ
như bức mành thiên nhiên, những chiếc lá tròn bằng nửa bàn tay loang loáng nắng
chiều, vài nụ hoa chưa nở màu tím nhạt đong đưa trước làn gió nhẹ. Hình như có
một cung đàn nào để vừa ngân nhẹ trong tim tôi, cung bậc êm ái thiết tha như một
lời ân cần dịu ngọt len lén đi vào hồn tôi thật tình cờ. Hình bóng Hữu và cuộc
gặp gỡ vừa qua đã làm tâm hồn tôi xao động, tôi cố xua đuổi những ý nghĩ lãng mạn
đang lẩn quẩn trong đầu óc, mình còn biết bao nhiêu chuyện phải làm, tôi thầm
nhủ, nào lo chuẩn bị một nếp sống thích hợp với hoàn cảnh mới nè, nào đi ghi
danh cho kịp thời hạn nè, nên quên Hữu đi, nên quên Hữu đi.
- Em suy nghĩ chi rứa Ngọc ?
Tôi rời cửa sổ, đến ngồi cạnh chị Quyên trên chiếc giường trải
drap xanh :
- Tự nhiên, em thấy mình xa lạ giữa thành phố này, chị Quyên.
Chị Quyên không giấu được giòng nước mắt đang ứa ra khóe mi :
- Chị cũng thấy rứa, mặc dù hai bác rất tốt.
Nhìn gương mặt buồn thiu của chị Quyên, tôi vuốt nhẹ cánh tay
chị :
- Rồi cũng sẽ quen đi, chị Quyên, chị mà cứ buồn hoài rứa, em
khóc theo chị cho coi.
Cửa phòng bật mở, chị Trinh xuất hiện lộng lẫy như một nàng
công chúa, chiếc quần đen ống rộng hợp thời trang, đôi giầy bóng loáng và chiếc
áo dài hoa hippi màu đỏ cắt khéo ôm sát lấy thân hình dầy dặn của chị, khiến
tôi phải kêu lên :
- Chị Trinh, chị đẹp quá.
Chị Trinh hơi bẽn lẽn :
- Thôi đi đừng có nịnh. Hai bồ đến đây lúc mấy giờ.
Tôi ngạc nhiên khi nghe chị Trinh gọi chúng tôi bằng "bồ",
chị lạ ghê, tôi nhíu mày, hình như chị Quyên cũng nghĩ như tôi, chị nhìn tôi
như ngấm ngầm thông cảm rồi cười với chị Trinh :
- "Bồ" à ? Chi lạ, răng chị lại gọi tụi em bằng
"bồ" ?
Chị Trinh cười tươi tắn :
- Chứ không lẽ mình gọi Ngọc và Quyên bằng hai em. Mình đâu
có lớn. Hai "bồ" ngạc nhiên lắm hả, ở đây bạn bè người ta gọi nhau bằng
"bồ" đó.
Tôi nhăn mũi :
- Chi lạ, ngoài Huế tụi em, danh từ "bồ" có nghĩa
khác.
Chị Trinh vén những sợi tóc lòa xòa trước trán :
- Ừ, thì đây cũng vậy, chữ bồ còn dùng để gọi bạn nữa. Thôi,
thông cảm hết rồi há, bây giờ mình gọi Quyên và Ngọc bằng bồ, đừng ngạc nhiên nữa
nghe.
Chị Quyên hỏi :
- Chắc chị chưa đi học lại ?
Chị Trinh dựa lưng vào tường:
- Hè mà, mình đậu kỳ nhất nên rỗi lắm. Nhưng cũng sắp tựu trường
rồi, khoá hai vừa mới thi xong.
Tôi xen vào :
- Em định ghi danh Luật, còn chị Quyên vào Văn khoa, mai mốt
rảnh chị đưa tụi em đi cho quen đường nghe.
- Cái đó thì hẳn. Có bác Lễ lái xe đưa tụi mình đi mà, lo gì.
Thôi hai bồ nghỉ cho khỏe nghe, mình đi thay áo đã.
- Bác trai mô rồi chị ?
- À, bác đưa mình về trước, bác bận lên Thủ Đức có việc chắc
đến tối mới về.
Chị Quyên nhìn theo dáng dấp thanh thoát của chị Trinh khuất
sau cánh cửa, quay sang tôi :
- Chị Trinh ngó "văn miêng" ghê Ngọc hí.
Tôi gật đầu không nói. "Văn miêng" là tiếng đọc trại
ra của chữ "văn minh" mà chúng tôi thường nói với nhau mỗi khi có ý
đùa cợt. Tôi ngã người xuống ghế sau khi thay chiếc áo ngắn, thẫn thờ nhìn lên
đỉnh màn. Muôn ngàn ý tưởng xoay xoay trong đầu. Nếu không có vụ chị Quyên xảy
ra, có phải bây giờ tôi đang cùng Tuyết vui đùa với sóng nước Thuận An trước
khi bắt đầu một niên học mới không. Tôi vừa thương vừa tức tức chị Quyên thế
nào ấy. Tôi lại nghĩ đến Hoàng nói với tôi hôm chia tay :
- Ngọc đi thật bất ngờ. Tôi không biết nói gì hơn là chúc Ngọc
đi gặp nhiều may mắn, và - anh ngập ngừng một giây - và… Ngọc nhớ viết thư về
thăm tôi với nghe.
Tôi nói không suy nghĩ :
- Dạ anh khỏi lo điều đó, Ngọc sẽ viết thư thăm anh đều.
Khi Hoàng ra về rồi, Tuyết nói nhỏ vào tai tôi :
- Tội nghiệp, tao biết anh chàng Hoàng yêu mi.
Tôi đập vào lưng Tuyết :
- Nói bậy mi, dị rứa.
Tôi nghe lòng rộn rã, niềm hãnh diện của người con gái được
yêu ửng hồng đôi má khiến Tuyết cười rúc rích :
- Đó, mặt mi đỏ tức là sao hồng loan vừa chiếu vào mi.
Tôi ngẩn ngơ :
- Sao hồng loan là chi mi ?
Tuyết vênh mặt tỏ vẻ hiểu biết :
- Sao hồng loan là sao tình duyên đó. Rứa là điềm mi sắp… lên
"xe heo".
Tôi mắc cỡ véo vào vai Tuyết một cái rõ đau làm con bé hét to
:
- Con ni ác ôn, con ni độc địa quá ta.
Tôi chợt nhớ Tuyết nôn nao. Cô bạn gái với suối tóc dài đặc
biệt đã khiến các bạn cùng lớp và kể cả một số học sinh bên Quốc học nữa, gán
cho nó một mỹ danh thật nên thơ : "Nàng tóc thề". Mà quả vậy, mái tóc
của Tuyết thật đẹp, dày và đen nhánh như mun, mỗi lần cô nàng chải tóc là tôi
nhìn hoài không biết chán, giòng tóc xòa nhẹ xuống bờ vai thăm thẳm như con suối
đêm.
Tôi và Tuyết là cặp bài trùng của lớp 12 A năm qua, vậy mà
bây giờ đã mỗi đứa một phương xa cả ngàn cây số, không còn gì buồn hơn.
Chị Quyên vừa tắm xong, đi vào nằm xuống cạnh tôi :
- Răng đó ? Nhớ… Hoàng hả ?
Tôi thú nhận :
- Không, chị ni nói dị, em đang nhớ con Tuyết mà, chắc giờ ni
hắn cũng đang nhớ em.
Chị Quyên cười có vẻ không tin làm tôi nhăn mặt :
- Mắc mớ chi mà đi nhớ Hoàng, chị thì giờ mô cũng chọc người
ta hết.
- Rứa… Hoàng là chi của cô ?
- Người xa lạ.
Tôi nói xong xoay mặt vào tường, tôi không muốn nói chuyện với
chị Quyên nữa, tôi đang… bận nghĩ tới một người, tôi có lãng mạn như lời me tôi
nói không ? Đôi mắt tôi bỗng nặng, cơn buồn ngủ chợt đến không ngờ, tôi thiếp dần
trong giấc mơ kỳ thú, tôi thấy tôi và Hữu đang dạo chơi trên con đường với hai
hàng lá me giao nhau.
Chương 3
Hai tuần lễ trôi qua từ ngày tôi trọ học nhà bác Phán. Mọi
người đều đối xử với chị em tôi đầy tình thương mến, do đó, tôi dần dà quen đi
với nếp sống mới và không còn buồn vì nỗi nhớ Huế nữa. Tôi có gửi thư cho Tuyết
và Hoàng nhưng chưa thấy trả lời. Việc ghi danh vào học và những cuộc đi chơi
đây đó, đã giúp tôi có thêm một số bạn mới, đó là những người bạn của chị Trinh
cùng đến dự những cuộc vui do anh Trứ tổ chức, những lần đi chơi Lái Thiêu, đi
Cấp… nhưng tôi vẫn cảm thấy hình như tâm hồn mình đang trống vắng, đang thiếu một
cái gì, một ánh mắt, một lời nồng nàn săn đón, đó là Hữu, đó là người con trai
đầu đời đã làm con tim tôi xao động thật sự, tôi thương nhớ mông lung, tôi mong
ngóng từng ngày nhưng hình bóng Hữu vẫn biền biệt xa xôi. Từ lần gặp gỡ ban sơ
đó, tôi không còn gặp lại Hữu nữa, nhiều lúc tôi định hỏi thăm anh Trứ về Hữu
nhưng rồi lại ngập ngừng, tôi cảm thấy vô duyên quá khi hỏi đến một người con
trai có thể nói là xa lạ đối với tôi, anh Trứ sẽ chế nhạo tôi, chị Quyên và chị
Trinh sẽ trêu tôi hoài hoài dù tôi mới chỉ hỏi về Hữu có một lần chăng nữa, đó
là điều mà tôi không thích chút nào. Tôi muốn sống cho riêng tôi trong cái tháp
ngà tình cảm kín đáo, đừng ai hay, đừng ai biết niềm tưởng nhớ vừa manh nha
trong tôi dành gửi đến một người.
Tiếng anh Trứ làm tôi giật mình :
- Ngọc, làm gì đó, ra anh nói cái này cho nghe.
Anh Trứ đang tươi cười vẫy tôi ngoài hàng hiên, tôi chạy ra :
- Chi rứa anh Trứ ?
- Đi Mỹ Tho chơi không ?
- Đi với những ai anh ?
- Thì cũng như thường lệ, Minh, Phương, Đồng…
- Chị Quyên em có đi không anh?
- Lẽ dĩ nhiên là có.
Tôi bỗng thấy chán nản, những cuộc picnic không có Hữu trở
thành vô vị, những lần ngồi trên xe mặc các bạn nói cười, tôi im lìm lặng lẽ
như một chiếc bóng cô đơn. Tôi không muốn tái diễn lại cảnh đó nữa, tôi thích nằm
nhà nghĩ tới Hữu, như vậy có lẽ thú vị hơn.
- Thôi em không đi mô anh Trứ, để em ở nhà trông nhà cho.
- Sao vậy Ngọc, em sợ không có ai trông nhà hả ? Cần gì, mình
khóa cửa lại, gửi chìa khóa cho bác Lễ tài xế ở sau nhà. Ba me anh lên Đàlạt chắc
trưa nay cũng về tới mà.
Tôi vờ vỗ vào trán :
- Bữa nay em hơi nhức đầu, anh cho em ở nhà nghỉ nghe.
Anh Trứ có vẻ lo lắng :
- Em đau sao vậy ? Để anh lấy thuốc em uống nhé.
- Thôi anh, em vừa uống viên Rhumex xong. Chúc anh và các bạn
đi vui vẻ nghe.
Chị Quyên vừa vào tới :
- Răng ? Ngọc không đi à ?
Anh Trứ đáp thay tôi :
- Nó hơi nhức đầu, để nó ở nhà một bữa, thôi tụi mình đi.
Chị Quyên siết nhẹ tay tôi trước khi rời bước, tôi buông mình
xuống chiếc fauteuil vẩn vơ nhìn lên trần nhà. Tâm trí tôi trống rỗng, đầu óc
tôi như nhão rời bởi nhiều ý nghĩ lẫn lộn, những hình ảnh xen trộn diễn biến mất
trật tự làm tôi chóng mặt. Tôi đứng dậy, bước ra sau vườn, cỏ trên lối đi còn đọng
sương đêm, lành lạnh bước chân tôi. Chị bếp xách chiếc giỏ nhỏ từ cuối vườn hấp
tấp đi lại :
- Ủa, cô không đi Mỹ Tho với cậu Trứ à ?
- Bữa ni tôi mệt. Chị đi mô rứa ?
Chị Bếp kéo chiếc khăn vắt lên vai quấn lên đầu :
- Thằng con út tôi đau nặng phải chở vào bệnh viện Nhi Đồng.
Tôi đã xin cậu Trứ cho nghỉ một bữa. Tưởng cô đi chơi luôn với các cô cậu chớ,
tôi vừa mới xuống nhà bác Lễ dặn coi chừng nhà đó, bây giờ có cô rồi, khỏi lo.
Tôi nửa đùa nửa thật :
- Rứa trưa ni lấy chi cho tôi ăn đây ?
Chị Bếp như sức nhớ ra điều chi :
- Ấy chết, mà không lo, có bánh mì và đồ nguội trong tủ lạnh,
cô ăn tạm nghe.
Tôi cười vỗ vai chị :
- Nói giỡn đó, tôi nhịn một bữa cũng chẳng chết ai, thôi chị
mau về lo cho cháu.
- Dạ, cám ơn cô.
Tôi nhìn theo dáng chị Bếp đi vội vã, tưởng tượng đến đứa con
chị xanh xao gầy guộc mà mới tuần trước đây, người em gái của chị từ Long An ẵm
lên cho chị thăm, thằng bé sinh thiếu tháng, trông ốm yếu đến thảm hại. Trời về
trưa, nắng lên cao nhuộm vàng cây lá trong vườn, ngôi vườn nhỏ xinh xắn thật hi
hữu giữa cái thành phố ồn ào náo nhiệt này, nơi mà con người chen lấn nhau từng
tấc đất căn nhà, từng miếng cơm manh áo. Tôi với tay ngắt một cành hoa thông
thiên, màu hoa vàng rực rỡ nổi bật lên những ngọn lá thon dài xanh mướt đong
đưa như thầm hỏi tôi : "Cô bé sao buồn vậy ?". Vâng, tôi đang buồn, nỗi
buồn không duyên cớ, hồn tôi như chùng xuống, tâm tư tôi ray rứt kỳ lạ. Hữu,
anh có phải là nguyên nhân nỗi buồn đang dằn vặt trong em ? Có tiếng lắc cắc
trong bụi cây, tôi tò mò nhìn vào, bác Lễ đang dùng kéo tỉa nhánh ngọn lá hồng
sâu.
- Kìa bác Lễ, bác nhiều nghề hí.
Bác Lễ giật mình ngẩng lên :
- Cô Ngọc, cô ra thăm vườn đó à ? Gớm, đã lâu tôi mới thấy cô
ra tận đây đó.
- Tại cháu bận quá đó bác.
- À, cô vừa mới nói gì vậy ?
Tôi cười :
- Cháu nói bác nhiều nghề, vừa làm vườn, vừa lái xe.
Bác Lễ vui vẻ đứng lên, phủi mấy vết đất dính trên áo.
- Ông ở nhà dạo này bận công việc đấu thầu liên miên nên vườn
tược càng ngày càng bị bỏ bê. Cỏ mọc tràn lan, còn mấy khóm hồng thì sâu ơi là
sâu, giống ở Đàlạt đấy, ông quí lắm nên mỗi buổi sáng tôi phải săn sóc dùm ông.
Cô nghĩ coi, công việc bề bộn, tôi không có thì giờ để nhổ ba cái cỏ dại, trông
bê bối quá nhưng phải đành để vậy chứ biết làm sao.
Tôi góp ý kiến :
- Hồng giống Đàlạt mà răng hoa nhỏ ghê bác hí.
- Đất Sai gon mà, nóng như lửa, hoa nào mà chịu nổi, mấy khóm
hồng này còn sống là may lắm đó.
- Thôi bác nghỉ tay đi, trưa rồi đó.
- Mời cô vào nhà tôi chơi nhé.
Tôi hỏi :
- Nhà bác đâu ?
- Kia kìa.
Bác Lễ chỉ tay về phía cuối vườn, ngôi nhà gỗ màu trắng khuất
sau hàng phượng vĩ um tùm, tôi buột miệng :
- Nhà bác nên thơ ghê đi.
Bác Lễ thu dọn đồ làm vườn vào một cái túi đeo lên vai :
- Cô đến chơi nhé.
Tôi theo chân bác Lễ băng qua con đường hẹp lát gạch, mầu đỏ
đã sạm đen vì ẩm mốc rêu phong. Hoa phượng rụng đầy lối đi, tôi chợt thèm nghe
một tiếng ve sầu, điệp khúc mùa hạ ngân vang rền rĩ trong những ngôi vườn hoa
lá xanh um của vùng trời kỷ niệm nào đó giờ xa tít mù khơi… Những buổi sáng học
bài thi bắc ghế ngồi dưới rặng nhãn lồng, bên hồ sen mát, nhạc ve như quen thuộc,
như quấn quít không gian ngào ngạt vạn mùi thơm với hương cau thoảng nhẹ, hương
hồng bì vương vấn say mê. Tôi khép hờ đôi mi, hít nhanh vào buồng phổi bầu
không khí trong lành buổi sáng, bác Lễ đã bước lên bậc thềm mở cửa :
- Mời cô vào.
Ánh sáng hắt vào nhà, tôi thấy một bộ bàn ghế kê ở giữa và
sát về phía bên phải, một chiếc giường tre trải chiếu nylon, ngoài ra không còn
một bộ đồ vật nào cả. Bác Lễ cười hiền hòa :
- Cô ngồi chơi, để tôi đi lấy nước.
Tôi xua tay :
- Thôi bác, cháu vừa mới uống trà xong.
Bác Lễ vén bức màn gió nhìn vào trong nhà :
- Chuyên ơi, Chuyên.
Có tiếng dạ lớn. Tôi nhìn bác như thầm hỏi, Bác gãi gãi tai :
- Thằng con tôi, mới được biệt phái về làm ở nha Kiều lộ.
- Bác ở đây với anh ấy thôi ?
- Vâng, mẹ nó mất sớm, hơn hai mươi năm tôi sống trong cảnh
gà trống nuôi con. Thằng Chuyên vừa được biệt phái về, thiệt tôi mừng hết sức.
Nhờ ơn Trời Phật.
Đôi mắt bác Lễ long lanh một niềm tin. Người con trai cao gầy
từ bên trong bước ra gật đầu chào tôi.
- Cô đến chơi. Tôi có nghe ba tôi nhắc đến cô và người chị ở
Huế vào đây trọ học. Cô là…
Tôi lúng túng:
- Dạ phải. Tôi là Ngọc, còn anh…
- Tôi là Chuyên, vừa ra khỏi đảng Kaki.
Chuyên cười, kéo ghế ngồi đối diện tôi :
- Cô Ngọc vào đây học Luật phải không ?
- Răng anh biết ?
- Trinh nói. Hình như Trinh sáng nay đi chơi đâu thì phải.
- Dạ, chị ấy đi Mỹ Tho với các bạn.
- Sao cô không đi ?
- Tôi hơi nhức đầu, đi dạo trong vườn cho khuây khoả, tình cờ
mới biết được nhà bác Lễ, ngôi nhà ở vào một vị trí thật nên thơ, tôi thích dễ
sợ.
Chuyên ngạc nhiên :
- Dễ sợ… ?
Tôi cố gắng giải thích :
- Ờ, đó là tiếng người Huế tôi thường dùng để chỉ một sự gì
thái quá, có nghĩa là nhiều lắm, ghê lắm.
Chuyên hơi mỉm cười, tôi đưa tay chấm vào vệt nước trên bàn vẽ
những đường vòng vô nghĩa để che dấu thẹn thùng, tính tôi thường hay mắc cỡ như
vậy mỗi khi nói chuyện với người khác phái. Bác Lễ đem hộp mứt mận để lên bàn.
- Ăn mận uống nước trà cho vui cô Ngọc.
Có tiếng guốc khua nhẹ trên bậc thềm, chị Trinh bước vào nhà,
tà áo xanh mát dịu cả gian phòng. Tôi ngạc nhiên :
- Ủa, chị không đi Mỹ Tho với chị Quyên à ?
Chị Trinh mở sắc tay lấy khăn lau mồ hôi lấm tấm trên trán :
- Đi Mỹ Tho hoài chán thấy mồ, chị theo xe ra phố lấy cái áo
rồi trở về đây.
Chuyên nhìn chị Trinh bằng đôi mắt khác lạ, tôi đọc được
trong đó vẻ trìu mến thiết tha, nửa gần gũi, nửa xa vời như một buổi nào đó,
tôi đã trông thấy một lần, ánh mắt người con trai bâng khuâng trao gửi, phải,
đúng rồi, ánh mắt của Hữu nhìn chị Quyên. Tôi thoáng hiểu phần nào khi nghe giọng
Chuyên lạc đi :
- Trinh…
Chuyên đang muốn nói chuyện riêng và tôi đương nhiên trở
thành người thừa thãi, tôi đứng dậy kiểu từ :
- Chị Trinh ngồi chơi nghe, em lên phòng nằm nghỉ một chút.
Bác Lễ đang đào đất gieo những hạt giống, tôi đến cạnh bác :
- Bác trồng chi rứa bác ?
- À, hoa mồng gà cô. Cô thích chứ ?
Tôi lắc đầu :
- Hoa mồng gà hữu sắc vô hương, cháu không ưa lắm mô.
Chương 4
"Trả lại em yêu, khung trời đại học, con đường Duy Tân,
cây dài bóng mát…"
Tôi bước ra cổng trường Luật, vừa đi vừa hát nho nhỏ. Những
ngày đầu niên học buồn thật buồn, giáo sư dạy chưa thường xuyên và hình như tôi
xa lạ giữa đám bạn bè đông đúc này. Tiếng Huế khó nghe lắm, đó là ý kiến của
Châu Hà, cô bạn người Nam đến làm quen với tôi hôm tựu trường đã khiến tôi mặc
cảm, tôi không dám mở miệng nếu không ai hỏi đến, và chính vì vậy mà tôi chưa
có thêm một người bạn nào thêm nữa ngoài Châu Hà. Sáng nay Châu Hà nghỉ, học
hai giờ đầu tôi một mình thả bộ theo đường Duy Tân suy nghĩ vẩn vơ. Tôi nhìn
sang công trường Duy Tân, hai nụ hoa súng đỏ hồng nổi trên mặt hồ nước thật dễ
thương và một đôi nhân tình nhỏ dìu nhau đi trên thành hồ lát đá hoa, ríu rít
chân sáo làm tôi chạnh nghĩ đến thân phận lẻ loi của mình. Mười tám mùa Xuân
trôi qua trong cuộc đời, lần đầu tiên, tôi đã nhận thức được thế nào là tình
yêu. Nhưng ánh lửa tình yêu vừa nhen nhúm trong tôi sao mong manh dễ tắt quá,
tôi đặt tình cảm mình không đúng chỗ rồi chăng ? Hữu ơi, tôi gọi thầm tên anh,
giờ này anh ở đâu và có một giây phút nào đó nghĩ đến em không, hay anh chỉ xem
em như một đứa con nít, bởi bên cạnh em còn có chị Quyên, chị Quyên đẹp đẽ, chị
Quyên duyên dáng, chị Quyên lịch thiệp mà cách đây ba năm, chị đã một thời vang
danh hoa khôi Đồng Khánh, em đã lu mờ, em đã chìm đắm hoàn toàn trước sắc đẹp
chị Quyên.
- Ngọc, cô Ngọc.
Tôi quay lại. Tôi nhìn lầm chăng. Hữu đó, Hữu của tôi đó từ
trong viện Đại Học đi ra, trên tay ôm tập sách, đôi môi tươi cười :
- Cô Ngọc đi học về đó à ?
Tim tôi đập mạnh :
- Dạ.
- Cô Ngọc đã quen với không khí Saigon chưa ?
- Dạ rồi.
Tôi trả lời cộc lốc. Lưỡi tôi như líu lại giữa hai hàm răng,
chân tôi luýnh quýnh và hai tay tôi thừa thãi vụng về. Hữu đi song song bên tôi
hồi nào tôi cũng không hay biết.
- Hai tuần nay tôi đi công tác ở Nha Trang, cả nhà vẫn bình
yên chứ cô Ngọc ?
- Dạ.
Hai đứa rẽ về phía tay mặt, suốt con đường rợp mát bóng me.
Tôi lặng người. Hình ảnh nầy tôi đã được thấy một lần trong mộng, cũng Hữu bên
cạnh tôi cùng đếm bước trên một con đường mơ hồn nào đó với ánh nắng êm soi
cành lá, lung linh bóng hàng me nhảy múa trên mặt đường nhựa đen tuyền. Tôi còn
nhớ, tôi có đọc trong một số báo về Siêu hình, người ta giải thích giấc mơ như
sau : Có nhiều loại, có những giấc mơ vẩn vơ nhưng cũng có nhiều khi ta xuất hồn
thật, nghĩa là, khi ngủ say, linh hồn ta có thể trở về quá khứ hoặc đi vào
tương lai, linh hồn sẽ gặp trước những sự kiện mà sau này khi gặp lại trong hiện
tại, ta cứ ngợ ngợ rằng hình như ta đã gặp nó ở đâu rồi. Phải chăng tôi đã nghĩ
đến Hữu nhiều quá nên trong buổi chiều ngủ muộn đó, linh hồn đam mê của tôi đã
lang thang đi vào tương lai để tìm gặp người mình mơ tưởng ?
Tôi lặng lẽ nhìn Hữu, anh vẫn điềm nhiên bước đều bên tôi,
không hay biết được muôn ngàn niềm sung sướng đang reo vui trong hồn tôi, đang
nở hoa trên đôi môi tôi ấp e lời nói.
- Con đường này nên thơ quá, cô Ngọc nhỉ ?
Tôi lại nói không thành lời :
- Đây là đường…
- Trần quý Cáp đó cô Ngọc. Nhìn những cành lá hai bên đường
giao nhau im mát, cô Ngọc có ý nghĩ gì không ?
Tôi đáp không ngần ngại :
- Dạ, Ngọc không nghĩ chi hết, nhưng Ngọc nhớ đến một câu
trong bản nhạc của Trịnh công Sơn : "Hàng cây lá xanh gần với
nhau…"
Hữu nhíu mày :
- Đó là bài…
- Dạ Mưa Hồng.
- Chắc cô Ngọc thích nhạc lắm nhỉ ?
- Dạ, Ngọc yêu tất những cái gì được gọi là nghệ thuật.
- Con đường này, dạo tôi và Trứ đón hai cô từ phi trường về,
Trứ có lái xe qua đây, cô Ngọc còn nhớ không ?
Tôi ngước nhìn lên khoảng trời xanh trong suốt như pha lê :
- Saigon nhiều đường quá, Ngọc không nhớ hết nổi, nhưng trong
tư tưởng Ngọc, hai hàng me xanh mướt với cành lá giao nhau vẫn là hình ảnh sâu
đậm nhất kể từ ngày Ngọc biết Saigon.
Có chiếc Honda màu đỏ đi ngược chiều, tôi thoáng nhận ra người
con gái ngồi phía sau, chị Trinh.
Hữu quay sang tôi :
- Kìa, Trinh và Chuyên. Cô Ngọc biết Chuyên chứ ?
Tôi gật đầu :
- Dạ, Ngọc mới biết đây, anh Chuyên con của bác Lễ tài xế nhà
chị Trinh.
- Chuyên đi lính lâu rồi, chắc anh chàng được về phép.
- Ủa, anh không biết à ? Ngọc nghe bác Lễ nói anh Chuyên được
biệt phái về Nha kiều lộ đó.
- Vậy à - Hữu đưa một ngón tay lên trán - à mà đúng, Chuyên
là cán sự công chánh mà, loại này được biệt phái về nhiều lắm, các Nha thiếu
nhân viên.
Tôi không nói chuyện nữa. Tôi muốn nhắc đến bài thơ của một
thi sĩ nào đó ca tụng con đường lá me nhưng tôi quên mất câu mở đầu. Mặt trời
càng lên cao, bóng tôi và Hữu in trên mặt đường dần thu ngắn lại, mồ hôi tôi đổ
lấm tấm hai bên thái dương. Hữu nhắc :
- Trưa rồi, mình về đi thôi.
Tôi bàng hoàng bước ra khỏi vùng mộng mơ :
- Dạ, thôi anh về trước đi, Ngọc đi từ từ ra đầu đường đón xe
lam.
Hữu đưa tay vẫy chiếc Taxi :
- Để tôi đưa cô Ngọc về.
Tôi muốn con đường cứ dài mãi ra để xe đừng bao giờ tới nhà
được, nhưng chiếc cổng vôi trắng đã hiện ra đằng kia, anh Trứ vừa đi làm về
đang dắt chiếc xe Vespa vô ngõ.
- Kìa Hữu, đến chơi gì mà trưa thế ? Cả Ngọc cũng về nữa à ?
Hai người gặp nhau ở đâu mà tương ngộ thế ?
Hữu cười vui vẻ :
- Đi công tác về nghỉ phép buồn quá, đi lang thang chơi thì gặp
cô Ngọc.
Anh Trứ nhìn tôi chăm chú. Tôi bước nhanh lên bậc thềm đi vào
nhà, có tiếng Hữu cáo từ.
- Thôi tao về đã, hẹn gặp mày ngày mai.
- Vô nhà chơi đã nào, xe máy đâu ?
- Xe nổ lốp hồi sáng, bỏ sửa rồi.
- Thôi, lên đây tôi chở về ông ơi.
Tôi đưa hai tay lên ngực. Toàn thân tôi nóng bừng, giòng máu
luân lưu trong huyết quản tôi chạy nhanh hơn bởi trái tim tôi đang đập mạnh, Hữu
đưa tôi về, chỉ với mục đích đó thôi, không phải nhân dịp Hữu đến thăm anh Trứ
hay chị Quyên, sao tự nhiên, tôi cảm thấy đời đẹp đến thế này ?
Tôi huýt sáo bản : "La vie en rose" làm chị Quyên
đang nằm trên giường đọc sách phải nhăn mặt :
- Ngọc, dị rứa, con gái mà huýt sáo như con trai. Cái tật me
la hoài không bỏ.
- Em đang vui mà.
- Vui thì hát hò lên có được không, còn bày đặt huýt sáo, tao
nể mi luôn rồi đó.
Tôi mỉm cười một mình. Chị Quyên trở mình, quay mặt vào trong
:
- Mấy giờ rồi Ngọc ?
Tôi nhìn đồng hồ :
- Gần 12 giờ rồi chị. Hai bác đi mô chưa về hả ?
Chị Quyên ngồi dậy :
- Hai bác đi Bình Dương từ sáng, chiều mới về.
Tôi chép miệng :
- Làm thầu khoán thiệt mệt, đi hoài.
Chị Quyên vén mái tóc :
- Con ni nói vô duyên. Có rứa mới giàu chứ. Làm công chức như
ba me suốt đời không mua nổi xe đi.
Tôi đưa một ngón tay lên môi :
- Nì chị Quyên, em vừa khám phá ra một chuyện ni, bí mật lắm.
Gương mặt chị Quyên sáng lên, chị là chúa tò mò :
- Chi ? Chuyện chi rứa Ngọc.
- Du dương lắm !
- Ai du dương ?
- Mùi mẫn lắm !
- Ai mùi mẫn ?
- Tuyệt vời lắm !
- Ai tuyệt vời ?
- Đắm say lắm !
Chị Quyên củng vào đầu tôi :
- Con ni thúi.
- Thúi thì thôi, tôi không kể nữa.
Chị Quyên đấu dịu :
- Thôi mà, ai biểu mi úp mở làm chi.
Tôi xoa xoa đầu :
- Đánh người ta đau vô hậu.
- Xin lỗi mi mà, kể tao nghe đi Ngọc.
Tôi xích lại gần chị Quyên :
- Chuyện chị Trinh đó.
Chị Quyên lại xích sát vào người tôi thêm :
- Chị Trinh răng mi ?
Tôi nói bằng hơi gió :
- Chị Trinh có bồ nì, em mới bắt gặp quả tang hai ông bà đang
dẫn nhau đi chơi.
- Mà người nó là ai, mi có biết không ?
Tôi vênh mặt :
- Sức mấy mà không biết, đố chị ai ? Nói trúng tôi thưởng 100
đồng.
Chị Quyên suy nghĩ một lát rồi lắc đầu :
- Nuốt một trăm bạc của mi coi bộ khó quá. Tao chịu thua. Nói
đi.
- Anh Chuyên con bác Lễ đó.
Chị Quyên giật mình :
- Bậy nà, có lý mô…
Tôi trợn mắt :
- Răng lại không có lý, tình yêu mà.
- Anh Chuyên chỉ là…
Tôi cướp lời :
- Chị muốn nói anh Chuyên chỉ là con một ông tài xế nghèo hèn
thôi phải không ? Răng chị nặng thành kiến rứa, theo em, anh Chuyên rất xứng
đáng…
- Ngọc, em còn con nít quá, em còn mơ mộng quá nên em thường
thi vị hóa các mối tình…
Tôi tức quá, tính con trai trong người tôi bừng dậy, tôi la
lên :
- Rứa tại răng chị yêu thầy Thông được, mà chị không muốn chị
Trinh và anh Chuyên yêu nhau ?
Chị Trinh hốt hoảng bịt lấy miệng tôi, nước mắt chị ứa ra làm
tôi quýnh lên :
- Chết cha, em xin lỗi chị, em lỡ lời, chị đừng giận em nghe
chị Quyên.
Chị Quyên cúi đầu :
- Chị không giận em mô, nhưng lần sau Ngọc gắng giữ gìn lời
ăn tiếng nói. Đừng khơi lại nỗi buồn mà chị đang cố gắng quên, đừng làm khổ chị
- có tiếng máy xe nổ, tôi mở xắc lấy khăn tay đưa cho chị :
- Chị lau nước mắt đi rồi ra ăn cơm, anh Trứ về nơi tề.
Chị Trinh đi chơi vẫn chưa về, anh Trứ bảo chị bếp :
- Chị khỏi để cơm cho con Trinh. Đi về đúng bữa thì ăn, chả
ai hầu.
Chị bếp dạ nhỏ, để mâm cơm trên bàn rồi lui ra.
Tôi ái ngại nhìn anh Trứ :
- Thưa anh, hình như bữa ni anh có điều chi bực mình ?
Anh Trứ bưng chén cơm lên :
- À, chuyện con Trinh đó mà.
Chị Quyên lại tò mò :
- Chuyện chi rứa anh ?
Anh Trứ không đáp, lặng lẽ gắp thức ăn bỏ vào chén. Chúng tôi
cũng nín luôn, không dám hỏi nữa. Một lát, anh Trứ trầm ngâm :
- Quyên và Ngọc là cháu ruột của ba anh, anh xem như người
trong gia đình này rồi, thành thử, anh cũng chả dấu diếm gì hai em nữa. Anh muốn
nhắc đến chuyện con Trinh…
Tôi nhìn chị Quyên, chị cũng đang len lén nhìn tôi. Anh Trứ
tiếp :
- Con Trinh nó yêu thằng Chuyên con bác Lễ tài xế. Chúng nó
ngày xưa học cùng lớp, tình bạn dần đổi thành tình yêu, điều mà gia đình không
thể ngờ trước để ngăn ngừa.
Chị Quyên xen vào :
- Thưa anh, theo em thì vấn đề tình cảm, làm răng mà ngăn cấm
được ?
Anh Trứ dằn chén cơm hơi mạnh lên bàn :
- Được chứ, được chứ. Tuổi trẻ nông nổi, con Trinh nông nổi.
Thằng Chuyên chắc gì đã yêu nó thành thật.
Tôi nói nhỏ :
- Em thấy… anh Chuyên cũng là người đôn hậu…
Anh Trứ nghiêm nghị nhìn tôi :
- Ngọc nhỏ hơn cả Trinh nữa, Ngọc làm sao hiểu được lòng người.
Con trai thời bây giờ ghê lắm đó. Theo anh nghĩ, thằng Chuyên theo con Trinh chỉ
vì tiền, thằng đào mỏ…
Thằng đào mỏ. Ba tiếng dội mạnh, âm thanh vang vọng từ bốn bức
tường trong phòng ăn, tôi cảm thấy tội nghiệp cho Chuyên quá. Tôi nhớ lại ánh mắt
Chuyên nhìn chị Trinh buổi sáng tôi sang thăm nhà bác Lễ, nồng nàn và trìu mến,
con người như vậy không thể nào có tâm địa xấu được. Tôi hơi bất bình, anh Trứ
có thể phản đối cuộc tình giữa chị Trinh và Chuyên bởi vì Chuyên nghèo, chứ anh
không thể khinh Chuyên quá thế. Tôi nghĩ vậy nhưng không dám nói ra, khoảng thời
gian sau này, tôi có một nhận xét khi giao tiếp với những người thân yêu quanh
tôi là, hai bác tôi chỉ biết sống bằng lý trí, tình cảm của hai bác đã bị bẹp
dí dưới đống tiền cao ngất càng ngày càng dồi dào, càng ngày càng phong phú mà
hai bác tôi đã dùng biết bao nhiêu thủ đoạn để tạo nên. Chị Trinh như lạc lõng,
như bơ vơ trong tình thương nhạt nhèo của cha mẹ, có lần chị tâm sự với tôi :
- Ba má chị đi tối ngày Ngọc ạ, ba má chị cứ tưởng cho chị tiền
nhiều là chị sung sướng, như vậy là tình thương đó ư ? Chị không cần, chị chỉ
muốn được thấy hàng ngày sự săn sóc ân cần của ba chị, chị chỉ muốn được nép
mãi trong vòng tay ấm nồng của má chị, thế thôi, tiền bạc để làm gì, của phù
du.
Tôi an ủi :
- Thôi chị đừng buồn nữa, hai bác ham làm giầu cũng chỉ cốt
là lo tương lai cho chị, cho anh Trứ…
Chị Trinh nói như khóc :
- Nhưng ba má chị không từ bỏ một thủ đoạn nào để làm giầu cả,
chị sợ quá Ngọc ạ, chị sợ trời trả báo quá đi.
Anh Trứ cũng giống hệt hai bác tôi ư ? Tôi tự hỏi. Anh luôn
luôn nghĩ đến tiền đó kia, làm thế nào để có thật nhiều tiền, vậy thôi. Chuyên
nghèo, Chuyên lại yêu chị Trinh, tại vì Chuyên ham tiền. Kết luận của anh Trứ
thật giản dị như hướng ý nghĩ nông cạn của anh. Tình cảm tôi dành cho anh Trứ
như vơi đi thật nhiều trong bữa ăn trưa này.
Có tiếng mở cửa nhẹ, chị Trinh rón rén đi vào. Anh Trứ đập
bàn mạnh làm tôi và chị Quyên giật mình theo.
- Trinh, mày đi đâu bây giờ mới về ?
Chị Trinh ấp úng :
- Dạ, em… lên trường…
- Láo, sáng nay mày nghỉ, tao vừa gặp con Huệ thực tập cùng
nhóm với mày. Trinh, mày đi chơi với thằng đào mỏ phải không ?
Đôi má chị Trinh chợt đỏ bừng vì giận :
- Anh không được gọi anh Chuyên như vậy.
Anh Trứ xô ghế đứng dậy :
- Tao gọi đấy, tao gọi thằng Chuyên là thằng đào mỏ đấy, rồi
ai cấm được tao ? Đẹp mặt nhỉ. Đồ mất dạy.
Chị Trinh buông chiếc xắc xuống bàn cúi mặt khóc. Anh Trứ vẫn
không tha :
- Tao cũng mong nó đi lính mất đất cho rồi, ai ngờ nhà này
còn xui nên mới khiến nó được biệt phái về. Này Trinh, mày coi chừng đấy, mày tự
xét xem, nó yêu mày hay yêu cái gia tài của mày ?
Chị Trinh vẫn tấm tức khóc. Anh Trứ đấu dịu :
- Nói trước cho mày biết để mà liệu lấy. Ba me mà biết chuyện
này, ông bà sẽ không để yên cho mày đâu.
Bàn tay chị Trinh bấu mạnh trên tấm khăn bàn, hình như chị
đang đè nén niềm đau thương vừa dâng nghẹn trong tim. Anh Trứ đã đứng dậy ra
ngoài, chị Quyên gọi nhỏ :
- Chị Trinh.
Chị Trinh ngước lên, nuớc mắt chảy dòng trên má :
- Mình khổ quá, Quyên ơi.
Tôi đến bên chị :
- Thôi chị đừng buồn nữa, tính anh Trứ nóng lắm.
Chị Trinh đưa tay chùi nước mắt :
- Mình không buồn vì bị mắng đâu. Mình chỉ đau đớn một điều
là anh Trứ đã hiểu lầm Chuyên, hai đứa mình yêu nhau thành thật mà.
- Chị ăn cơm chưa ? Để em xuống bếp…
Chị Trinh khoác tay :
- Thôi Ngọc, chị hơi mệt, để chị vào nghỉ một tí.
- Em đưa chị vào.
Nụ cười chị Trinh héo hắt :
- Ngọc làm như chị sắp xỉu đến nơi không bằng.
Chị Quyên dục tôi :
- Để chị Trinh đi nghỉ, còn Ngọc, dọn thức ăn xuống đi.
Trời sắp chuyển mưa, mây đang trắng bỗng xám hẳn lại, gió xua
hơi nóng bên ngoài bốc vào cửa sổ, chị Quyên để chiếc dĩa xuống bàn, hắt hơi
liên tiếp :
- Trời ở đây thiệt độc.
- Sao em thấy không khí ngột ngạt quá chị Quyên ơi, vừa khí hậu
ngoài trời, vừa cả dưới mái nhà này nữa.
Chị Quyên gật đầu :
- Ừ, chị cũng thấy rứa. Những người trong nhà này đối với
nhau có vẻ bề ngoài quá, tình cảm hời hợt, hai bác ham làm ra tiền quá rồi
không ngó ngàng chi đến con cái cả.
- Tội nghiệp chị Trinh.
Chị Quyên thở dài :
- Chị Trinh muốn tìm một bóng mát bên anh Chuyên, nhưng… chắc
là khó đạt thành.
Tôi nói như giận dữ :
- Chi lạ ghê, anh Trứ với hai bác răng mà giống nhau như rứa
không biết, thích tiền rồi cứ tưởng ai cũng ham tiền hết. Chuyến ni em phải làm
răng cho chị Trinh và anh Chuyên thành vợ thành chồng, hai người ngó đẹp đôi bắt
chết.
Chị Quyên xí một tiếng :
- Con ni vô duyên, chuyện của mình không lo, đi lo chuyện
thiên hạ.
Tôi hỏi chị :
- Chuyện của em là chuyện chi ? Dị chưa ? Người ta còn nhỏ,
còn ngây thơ vô tội mà.
- Ở đó mà ngây thơ trăm lá. Chuyện mi với thằng Hoàng ai mà
không biết.
Hôm qua tôi có nhận một lá thư của Hoàng. Chắc bà chúa tò mò
này muốn lái câu chuyện sang vấn đề Hoàng để tìm hiểu nội dung lá thư đây. Đâu
có được, tôi phải dấu kỹ để chọc tức chị Quyên chơi dù trong thư Hoàng không có
gì cả ngoài những câu thăm hỏi thân mật giữa hai người bạn. Tôi đánh trống lảng
:
- Thôi dọn bàn, còn đi ngủ trưa nữa, em buồn ngủ bắt chết.
Chị Quyên có vẻ tức vì không hỏi được thêm gì nơi tôi, chị
nguýt dài :
- Mi đi ngủ đi, để đó cho tao.
Tôi thao thức hoài với hình bóng Hữu chập chờn trong trí. Tôi
vừa đi dạo với Hữu đó ư ? Tôi vừa cùng Hữu sánh bước trên con đường Trần Quý
Cáp lợp mát bóng me, màu xanh dìu dịu ru hồn tôi về một bến mộng mơ nào đó thật
xa vời, thật ư Hữu ? Thật ư anh ? Em không mơ chứ ? anh vẫn bằng xương bằng thịt
chứ không phải là ảo ảnh mà em vẫn nghĩ từ khi gặp anh lần ban sơ đó rồi hình
bóng anh biền biệt xa mờ, phải không anh ? Tôi úp mặt vào gối, tôi tựa má vào
tay, tôi cố tạo một tư thế thoải mái để dỗ giấc ngủ muộn, mà vẫn không được. Đồng
hồ trên tường gõ hai tiếng, sắp đến giờ tôi đi học, tôi uể oải ngồi dậy, gian
phòng im vắng, cả nhà im vắng, chắc giờ này mọi người đang thả hồn vào giấc ngủ.
Có tiếng nước giội thật mạnh ở cuối vườn, nơi chiếc giếng nhỏ mới đào hồi tháng
trước, tôi mở cửa sau bước ra vườn. Nắng không lên, bầu trời âm u ngột ngạt,
khóm hồng khô héo tàn tạ dưới tiết trời nóng nực, tôi ghé hôn nhẹ lên những
cánh hoa, hương thơm dìu dịu thoảng qua xua tan cơn buồn ngủ.
Tôi nhìn ra xa, bên giếng nước, Chuyên đang chùi rửa một chiếc
xe jeep mang bảng hiệu V A mầu trắng, thoáng thấy tôi, Chuyên ngước lên, mỉm cười.
Tôi đi lại :
- Xe của ai rứa anh Chuyên ?
Chuyên kéo chiếc gàu từ giếng lên.
- À, xe trong sở tôi phế thải, tôi lấy về sửa lại để dùng.
Tôi tròn mắt :
- Xe còn tốt mà, anh khiêm nhường rứa, Ngọc hỏi anh phải nói
thật nghe, có phải xe của sở cấp cho anh đi không ?
Chuyên cười :
- Cô Ngọc làm như tôi làm cái chức gì thật to trong sở ấy.
- Cần chi phải địa vị lớn, theo Ngọc thấy, làm công chức, cỡ
Cán sự như anh là đã có xe đi rồi.
- Cũng tùy nơi chứ cô Ngọc.
Tôi lại bảo :
- Anh chưa trả lời câu hỏi của Ngọc mà.
Chuyên lại cười, nụ cười hiền hòa đôn hậu :
- Thôi, xin chịu thua Ngọc.
- Ủa, ngày nay anh không đi làm à ?
- Tôi còn phép thường niên cô Ngọc ạ. Chiều nay cô Ngọc có giờ
không ?
- Ngọc sắp đi đây, chiều nay Ngọc có giờ Kinh tế.
- Cô Ngọc vào đây học có cảm thấy vui hơn khi ở Huế không ?
Tôi lắc đầu :
- Buồn lắm anh. Chắc tại Ngọc chưa quen, hơn nữa, Ngọc thấy
cuộc sống ở đây có vẻ xô bồ quá.
- Nhưng mà ở Saigon có cái hay là dư luận dễ dãi, ai làm gì mặc
ai, ít người dòm ngó.
Tôi nghĩ đến chuyện của chị Quyên, tôi gật đầu :
- Đúng đó anh, ở ngoài Huế dư luận khắt khe lắm, mình làm gì
người ta cũng biết cả, con gái giao thiệp với con trai là một trọng tội, thiên
hạ xầm xì bàn tán dữ lắm, đôi lúc Ngọc thấy vô duyên ghê. Nhưng Ngọc được sinh
ra và lớn lên ở đó gần mười tám năm trời, Ngọc quen thuộc từng bờ lau ngọn cỏ,
những con đường êm đềm men theo từng nhánh nhỏ của giòng sông Hương thơ mộng,
Ngọc quyến luyến mỗi buổi chiều đi học về qua mấy nhịp cầu Tràng Tiền gió lộng
thổi, Ngọc yêu tha thiết những đêm trời nóng thả bộ ra vườn hoa Nguyễn Hoàng ăn
chè hạt sen ướp nước đá... những kỷ niệm đó như khắc sâu vào tâm khảm Ngọc, những
kỷ niệm đó không thể tìm thấy được giữa cái thành phố náo nhiệt này, do đó Ngọc
nhớ Huế kinh khủng là nhớ.
Lời Chuyên trầm ngâm :
- Ở đâu quen đó. Tôi thì thích Saigon hơn. Có một dạo tôi đi
công tác ở Huế một tháng, cảnh vật trầm lặng quá, tịch mịch quá, thiệt tôi buồn
muốn khóc... lên đó.
Tôi cười :
- Ngọc không tin. Anh đàn ông mà biết khóc à ?
Chuyên vừa chùi khung kính xe vừa tròn mắt nhìn tôi :
- Sao lại không biết, bộ Ngọc tưởng tôi nói đùa hả. Con người
ai cũng có tuyến nước mắt chứ.
- Nhưng con trai ít xúc động hơn con gái.
Chuyên gật đầu :
- Ngọc nói như vậy tôi chịu. Nhưng phản đối thành kiến con
trai không biết khóc.
Tôi đưa tay nhìn đồng hồ :
- Đến giờ Ngọc phải lên trường. Anh ở nhà nghe.
Chương 5
Tôi xuống xe lam, đi bộ đến Đại Học Xá tìm Châu Hà, con nhỏ
ba bốn ngày nay không hiểu bận việc gì mà chẳng thấy đến trường.
Sáng nay không có giờ học, nhưng tôi vẫn muốn mặc quần áo ra
khỏi nhà để đi lang thang một mình, để thả giòng tư tưởng về một phương trời
nào đó, về một hình bóng thân yêu chập chờn như ảo ảnh xa vời... Tôi buồn như
chưa bao giờ được buồn. Hồi hôm, tôi đã để mặc cho giòng lệ chảy dài trên má
nhòa nhạt chiếu chăn, tôi đã âm thầm khóc một mình trong khi chung quanh mọi
người đều yên giấc. Không gian yên tĩnh quá, tôi nghe rõ tiếng tim mình thổn thức.
Hữu ơi, sao anh vẫn xem em là một đứa bé con, sao anh vẫn nhìn hoài chị Quyên bằng
đôi mắt đắm say cho em tủi cực, cho em âu sầu suốt ngày bỏ ngủ quên ăn. Em yêu
anh, em yêu anh thật rồi đó Hữu, sao anh không chịu hiểu em, anh cứ nói với em
những lời đùa giỡn :
- Ngọc ốm nhom như con cò hương. Phải ăn nhiều đi mới mau lớn
được chứ.
Em mười tám tuổi rồi chưa lớn sao anh ? Chị Quyên hơn em có
ba tuổi thôi mà. Tôi buồn quá, tôi khổ quá. Từ ngày đi Nha Trang về, Hữu đến
nhà chơi luôn, trong những bữa cơm, anh Trứ thường nhìn chị Quyên rồi nói với mọi
người :
- Dạo này thằng Hữu chịu khó đến nhà mình ghê, hiện tượng lạ.
Chị Quyên cúi đầu, chị Quyên chớp mắt, tôi thầm nghĩ, chắc chị
Quyên đã quên thầy Thông rồi. Lời ba tôi thật đầy kinh nghiệm : "Tình đầu
bồng bột lắm, sớm muộn chi con Quyên cũng quên được thầy Thông, nhưng điều kiện
tiên quyết là phải làm sao cho hai bên đừng gặp nhau một thời gian, thầy Thông
sẽ quay về với bổn phận và con Quyên sẽ tìm thấy hạnh phúc mới." Hạnh phúc
đó chị Quyên ơi, hạnh phúc của chị thật huy hoàng chói lọi, thật rực rỡ hào
quang. Hữu đến thật đúng lúc dìu chị ra khỏi con đường tình nghẽn lối, cứu chị
thoát khỏi những dư luận khắt khe, thành kiến cổ kính đã làm chị điêu đứng khổ
sở đến bỏ Huế mà đi. Chị Quyên vẫn luôn luôn là kẻ diễm phúc. Cách đây bốn năm,
me tôi rước ông Giáo Ảnh về nhà coi tướng, ông đã bảo chị Quyên :
- Cô ni về sau cũng không đến nỗi đói cơm mô, số vượng phu lắm.
Me tôi nghe nói mà mừng. Cả thành phố Huế, ai lại chẳng nghe
danh ông Giáo Ảnh, ông ta nói điều chi là đúng điều đó, từ tình duyên gia đạo
cho đến thời cuộc bên ngoài. Me tôi phải nhờ người đến nhà mời mấy lần mới được
nhưng phải đợi lúc ba tôi đi làm. Ba tôi không thích ông Giáo Ảnh tại vì ông ta
hay nói thẳng chẳng vị nể ai, mà lời lẽ ông ta cũng không được tế nhị cho lắm.
Ví dụ như tướng chị Quyên đó, thay vì bảo "cô này sau đủ ăn" ông ta lại
nói là "cô này không đến nỗi đói cơm" nghe thiệt sái tai, nhưng thiên
hạ phục tài ông quá nên những sự nhỏ nhặt đó đều được người ta cho thông qua hết.
Chị Quyên tướng tốt, môi đỏ trán cao, vừa bước vào nhà ông ta đã nói với me tôi
:
- Sau ni bà nhờ cô con gái lớn đó nghe.
Xây qua tôi, ông bảo :
- Còn cái cô ni, tướng ăn hiếp chồng thấy rõ, ni coi chừng,
quá lắm là rã đám đó nghe.
Tôi nghe mà giận ông ta suốt mấy hôm, giờ nghĩ lại, tôi thấy
mình trẻ con quá. Chuyện tương lai, định mệnh đưa đẩy con người giạt đến những
bờ bến khác nhau, có gì mà phải lo buồn đâu. Dạo còn nhỏ vào gia đình Phật tử,
tuần nào cũng đi nghe thuyết pháp, tôi tin ở luật nhân quả ghê lắm, ở hiền gặp
lành, gieo gió gặp bão. Nhưng bây giờ, tôi tin ở định mệnh hơn, định mệnh chi
phối đời người, định mệnh theo dõi cuộc sống như một bóng ma. Có bao giờ tôi
nghĩ rằng chị Quyên lại đi yêu thầy Thông, một người đã có vợ ba con để đến nỗi
phải vào Saigon lánh nạn đâu ? Có bao giờ tôi nghĩ rằng mình sẽ vào trọ học ở
nhà bác Phán để con tim mãi thổn thức vì một bóng hình đâu ? Định mệnh đã đem lại
nguồn hạnh phúc mới cho chị Quyên, như lời ông Giáo Ảnh nói : số cô ni nhiều hồng
phúc lắm. Chỉ có em, Hữu ơi, chỉ có em là bạc phước vô duyên, tình yêu đơn
phương nào ai hay ai biết ?
Tôi đi men theo lề đường, nắng mai dịu dàng in bóng lá lung
linh dưới bước chân, tôi thích con đường này, tôi yêu say mê những cảnh me cao
chụm đầu vào nhau như một tha thiết hẹn hò. Như một buổi sáng đầu thu nào đó
tôi cùng Hữu sánh bước bên nhau cho con tim tôi non nớt lần đầu tiên rung nhẹ,
cho tâm hồn tôi mới lớn bừng nở cánh hoa yêu, cho tà áo tôi mầu hồng e ấp trên
từng bước chân thẹn thùng mọc cánh. Nhưng bây giờ còn tìm đâu thấy nữa, cung
phím đã chùng, khúc yêu đương chỉ mình tôi độc tấu. Những lần đi học về ngang
qua đường Trần quý Cáp, gió lồng lộng sua từng đám mưa lá me tơi tả trên mặt đường,
đậu nhẹ trên mái tóc xót xa.
Tôi gõ nhẹ cửa phòng Châu Hà. Cô bé hiện ra với gương mặt rạng
rỡ :
- Ủa Ngọc, mày đi đâu đây ?
Tôi bước vào phòng ngồi xuống chiếc giường nhỏ kê cạnh cửa sổ
:
- Quỷ sứ, tao tưởng mi đau nên đến thăm. Ai ngờ cái mặt mi
phây phây. Mi làm chi mà cứ cúp cua hoài rứa ?
Châu Hà nhún vai :
- Con này yếu quá, mày không hay gì hết sao ?
Tôi nhăn mặt :
- Hay cái chi ?
- Đại Hội thể thao liên viện sẽ được tổ chức vào tháng tới
nè. Tao bận đi dượt để thi mà.
Tôi lại ngẩn ngơ như mán về chợ :
- Mi thi chi ?
- Con này quê một cục. Tao thi nhảy cao và xa đó mày. Vài bữa
mày đi cổ võ cho tao nhé. Chà con bé bữa nay còn bày đặt thể thao thể thiết nữa,
vậy mà từ trước đến giờ nó có bảo gì với tôi đâu. Châu Hà lại hỏi :
- Mày có muốn dự không Ngọc ? Tao giới thiệu anh trưởng ban
cho mày ghi tên nhé.
Tôi le lưỡi :
- Tướng tao ra đường gió thổi bay luôn chớ thi chi mà thi.
Châu Hà nhìn tôi có vẻ thương hại :
- Ừ, mà sao mày ốm vậy Ngọc ? Mày gắng ăn uống tẩm bổ vào để
lấy sức mà học chứ.
Tôi lại nhớ đến câu phê bình của Hữu : "Ngọc ốm như cò
hương", nước mắt chợt ứa ra rơm rớm vành mi, Châu Hà ngạc nhiên :
- Ô kìa, sao mày khóc vậy Ngọc ?
Tôi chối :
- Không, bụi vừa bay vào mắt tao đó, để tao đi rửa mặt là hết
liền.
Châu Hà dẫn tôi ra sau rửa mặt, nó rủ tôi :
- Mình đi phố chơi Ngọc nhé.
Đang buồn, tôi nhận lời :
- Ừ, mình lên Tax chơi, nghe nói có hàng vải về đẹp lắm mi
ơi.
- Mày ngồi chờ tao thay áo quần một tí nhé.
Tôi giở cuốn sách trên bàn Châu Hà xem trong khi chờ đợi nó,
những giòng chữ nhảy múa trước mắt làm đầu óc tôi quay cuồng chóng mặt. Tôi
chán nản gấp cuốn sách lại lơ đãng nhìn ra khung cửa. Khuôn trời vuông vắn trước
mắt tôi là những tàng lá me chơi vơi ngợp nắng, là hai hàng cây thẳng tắp chợt
vô tình trở thành kỷ niệm muôn đời khó quên. Tòi bỗng nhớ đến lời me nói, mơ mộng
cho lắm rồi khổ đó con. Con nào có mơ mộng gì đâu me, con lớn rồi mà, con đã đến
tuổi biết yêu rồi mà, tại vì con vô phước, tại vì con bất hạnh nên tình yêu vừa
đến đã vội chấp cánh bay cao, nhưng rồi con sẽ quên, me yên lòng đi nhé me, con
tin lời ba nói mà, tình đầu là tình bồng bột và chóng quên.
- Thôi, đi mày.
Châu Hà kéo màn bước ra, tay gài cúc áo cuối cùng :
- Mày nghĩ gì mà thừ người ra thế Ngọc ?
- Không.
Tôi đứng dậy theo Châu Hà. Cô bé mở xắc lấy chìa khoá, khoá
trái cửa lại :
- Mình đi taxi nghe Ngọc.
- Chà sang dữ.
- Bữa nay tao bao mày đi ăn bánh cuốn luôn. Ba má tao vừa mới
gửi tiền lên đó.
- Rứa là number one rồi. Hoan hô mi một phát.
Ngang qua Quốc hội, tôi thoáng thấy anh Chuyên và chị Trinh
đang ngồi trong Givral, hai mái đầu kề nhau, đôi môi chị Trinh cười chúm chím.
Tôi thấy để mà mơ, tôi nhìn để mà ước, nhưng mộng đẹp trong tôi làm sao thành tựu
được khi tâm hồn Hữu đã hướng về một nẻo khác, khi con tim Hữu đã khắc sâu hình
bóng dịu dàng tha thướt của chị Quyên. Tôi chợt giật mình kìa, anh Trứ từ phòng
Thông tin bên kia đường bước qua, anh cùng đi với người bạn trai gầy ốm mà tôi
chưa hề gặp lần nào, thấy tôi, anh đưa tay vẫy rối rít :
- Ngọc, Ngọc.
Tôi kéo Châu Hà chạy đến :
- Anh Trứ, anh đi mô rứa anh ?
Anh Trứ giới thiệu người bạn :
- Đây là anh Ngôn, bạn anh. Còn đây là...
Tôi đỡ lời :
- Châu Hà, bạn thân của em.
Anh Trứ quàng vai tôi :
- Tụi mình vào Givral đi.
Tim tôi đập thình thình trong lồng ngực, tay tôi run rẩy víu
lấy Châu Hà, cô bé ngạc nhiên :
- Mày làm sao thế Ngọc ?
Anh Trứ và người bạn cũng ngây người ra nhìn tôi. Tôi vuốt nhẹ
vầng trán lấm tấm mồ hôi :
- Em bị... ho. Em không ăn kem được.
Anh Trứ lại đề nghị :
- Thôi, mình vào Thanh Vị đi, kiếm cái gì ăn.
Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi sợ anh Trứ bắt gặp quả tang chị
Trinh đang ngồi cùng anh Chuyên trong Givral thì không biết hậu quả sẽ ra sao,
ai chứ anh Trứ dám làm to chuyện lắm, tôi biết rõ tính anh mà, nóng nẩy còn hơn
Trương Phi.
- Em ăn gì Ngọc ? Anh Trứ hỏi.
- Cho em bánh tầm bì đi.
- Còn cô Hà ?
- Dạ em cũng vậy.
Tôi ghé nói nhỏ vào tai châu Hà :
- Sáng ni ra ngõ gặp trai, mày khỏi tốn tiền bao tao ăn bánh
cuốn.
Anh Trứ chợt hỏi tôi :
- Sáng nay chị Trinh đi đâu ? Ngọc có biết không em ?
Tôi vờ hỏi lại anh :
- Rứa không phải sáng ni chị Trinh đi thực tập hả anh ?
- Anh biết rõ thời khắc biểu của nó mà. Thôi, chuyến này con
nhỏ lại đi chơi với thằng Chuyên rồi.
Tôi bào chữa :
- Anh đừng nghi rứa mà tội nghiệp cho chị Trinh. Có thể chị ấy
đi đến nhà các bạn chơi.
Anh Trứ xoay cốc bia trong tay :
- Anh biết rõ chuyện này lắm. Ngọc đừng binh vực cho Trinh nữa.
Khi anh Trứ cùng tôi về đến nhà thì trời đã quá trưa, chị
Quyên đang ngồi làm bài trên bàn viết, ngẩng lên :
- Đi mô về rứa Ngọc ?
- Em đi phố.
- Thay quần áo ăn cơm cho rồi, cả nhà đang chờ cơm đó.
Suốt bữa cơm, gương mặt anh Trứ lầm lì, gương mặt chị Trinh
len lén thỉnh thoảng nhìn anh rồi nhìn tôi như thầm hỏi, tôi kín đáo lắc đầu tỏ
vẻ không hay biết gì cả. Hai bác tôi vẫn đi Đàlạt đều đều để tham dự những cuộc
đấu thầu và bữa ăn hôm nay lại vắng mặt. Anh Trứ vừa đứng dậy ra khỏi bàn, chị
Trinh đã xích ghế lại gần bên tôi hỏi :
- Ngọc, hồi nãy chị thấy Ngọc.
- Chị thấy mô ?
- Có cả anh Trứ nữa phải không ?
Tôi trợn mắt :
- Ờ.
Tôi để tay lên ngực :
- Hú hồn. May không thôi anh Trứ vào Givral là đụng độ với
anh Chuyên rồi.
- Ngọc có thấy chị trong Givral hả ?
- Ừ, em giả đò ho hen, em ăn kem không được, anh Trứ mới rủ cả
bọn đi chỗ khác đó chứ.
Chị Quyên xen vào :
- Con ni khôn tao khen mi đó.
Chị Trinh nắm tay tôi :
- Chị cám ơn Ngọc.
Tôi kể công :
- Trời ơi, chị biết không, em lo dễ sợ, em run dễ sợ, anh Trứ
rủ vào Givral làm em xanh mặt xanh mày, em hú hồn hú vía. Em thương chị và
Chuyên rứa ghê.!
Chị Trinh cúi đầu :
- Chị buồn ghê, chị khổ ghê.
Chị Quyên an ủi :
- Chị nén buồn đi. Rồi hai bác sẽ hiểu chị, rồi anh Trứ sẽ hiểu
chị.
Chị Trinh lắc đầu :
- Chỉ có Quyên và Ngọc hiểu mình mà thôi, sao mình chán đời
quá đi hai bồ ơi.
Chị Trinh rơi nước mắt, chị đứng dậy chạy vụt ra khỏi phòng,
cánh cửa mở tung, gió lùa vào phần phật, trời lại sắp chuyển mưa.
Chương 6
Chị Quyên xõa mái tóc dài hong nắng sớm, mùi bồ kết quyện
hương chanh êm đềm tỏa nhẹ không gian. Giàn hoa giấy bên hàng hiên nở những nụ
nhỏ màu cam sẫm, tôi víu một cành xuống định ngắt một cánh hoa nhưng chị Quyên
đã ngăn lại :
- Ngọc đừng hái, để rứa cho đẹp.
Tôi quay lại nhìn chị :
- Hoa còn nhiều mà.
- Coi chừng gai, chị sợ Ngọc đụng gai đó.
Tôi cười :
- Chị khéo lo chưa, em kinh nghiệm hái trộm hoa hồng nữa đó,
chứ đừng nói là hoa giấy.
- Ngọc nì.
- Chi rứa chị ?
- Ngọc tới đây chị nói cái ni cho Ngọc nghe.
Tôi chạy đến ngồi vào thành tựa chiếc ghế xếp chị Quyên đang
ngồi :
- Chị có chuyện chi rứa ?
Chị Quyên ngập ngừng :
- Chuyện chị với... anh Hữu đó, Ngọc biết chưa ?
Một chút hơi lạnh thoáng về se buốt con tim, tôi bàng hoàng,
tôi rã rời, tôi đặt bàn tay lên trán, tôi không có cảm giác gì cả. Chị Quyên lại
hỏi :
- Ngọc biết chưa ? _
Tôi nói bằng lời như không phải từ môi mình thoát ra :
- Biết, em biết mà.
Chị Quyên vuốt nhẹ mái tóc :
- Anh Hữu mới nói với chị, anh ấy yêu chị, anh ấy muốn cưới
chị làm vợ.
Tôi nói ngu ngơ :
- Rứa à ?
- Tề, Ngọc chi lạ rứa, chị hỏi Ngọc mà.
Tôi nói hơi xẵng :
- Thì anh Hữu yêu chị, có chi mô mà chị hỏi em.
- Ngọc, chị muốn biết ý kiến của Ngọc mà, theo Ngọc, anh Hữu
có phải là người tốt không ?
Tôi nói một hơi như trả bài :
- Anh Hữu đẹp trai, con nhà giầu, học giỏi, và chị là người hạnh
phúc nhất trần gian.
Chị Quyên nhăn mũi :
- Ngọc hay giỡn lắm, chuyện quan trọng rứa mà Ngọc cũng giỡn nổi.
- Em mô có giỡn, em nói thiệt mà.
Chị Quyên cầm tay tôi :
- Rứa là em chịu rồi phải không ? Em bằng lòng cho anh Hữu
làm anh rể em phải không ?
Tôi nhẹ gật đầu với cõi lòng tê điếng, tôi cắn chặt làn môi để
khỏi bật ra tiếng khóc thương đau. Tôi thất bại ngay trong bước chập chững đầu
tiên trên con đường tình yêu đầy trái đắng bọc đường. Tôi níu chặt mép ghế, tôi
đứng lên đi thẳng vào phòng, không quay đầu lại, chị Quyên nói theo :
- Ngọc, Ngọc đi mô rứa ?
- Tự nhiên em chóng mặt, chị cho em vào nghỉ.
Tôi gieo mình xuống giường, tôi quấn chăn khắp người dù trời
đang nóng nực, tôi bịt tai bịt mắt lại, tôi không muốn có tôi trên cõi đời này
nữa, tôi muốn tan biến vào không gian đang chan hòa niềm hạnh phúc của chị
Quyên. Hữu ơi, Hữu ơi. Nước mắt tôi tràn lan đôi má, tôi vùi đầu xuống gối thiếp
đi không biết bao lâu, khi tôi thức giấc, phòng khách rộn ràng tiếng nói cười ầm
ĩ, tiếng bác Phán gái vừa lớn đủ xoáy nhẹ vào tim tôi một mũi kim nhọn buốt đau
:
- Con Quyên với thằng Hữu thật xứng đôi, vừa lứa, má chưa hề
thấy cặp nào đẹp hơn.
Tiếng anh Trứ :
- Bác Cảnh vừa qua đây hả má ?
- Ừ, qua xem mắt con Quyên.
Tôi níu mép chăn thật chặt giữa những đốt ngón tay tê dại,
bác Cảnh là mẹ của anh Hữu, người đàn bà phúc hậu với mái tóc trắng phau như bạch
kim dù tuổi bác chưa quá sáu mươi, tôi đã gặp qua một lần khi anh Trứ dẫn tôi
ghé nhà anh Hữu mượn cuốn nhạc.
Anh Trứ lại hỏi :
- Bác ấy có nói gì với má không ?
- Bác khen con Quyên thùy mị, mới thấy đã thương.
Ai thấy chị Quyên lần đầu tiên cũng phải có thiện cảm, đó là
nhận xét của Tuyết hôm nó đi cùng tôi sang Văn Khoa và gặp chị trên cầu thang.
Chị nở nụ cười thật tươi khi nhìn thấy chúng tôi. Hôm đó, có cả Hoàng Cúc em của
Tuyết đi theo nữa. Cô bé Cúc cứ nhìn sững chị Quyên rồi bảo tôi :
- Chị của chị Ngọc dễ thương ghê, chị của chị Ngọc đẹp quá trời
quá đất.
Tuyết đã bảo em :
- Chị Quyên hiền lắm, ai thấy cũng có cảm tình liền.
Tôi gác tay lên trán. Tất cả mọi người đều có cảm tình với chị
Quyên khi gặp chị lần đầu, Hoàng Tuyết nè, Hoàng Cúc nè, cả Hữu của tôi và bây
giờ thêm bác Cảnh nữa, cuộc hôn nhàn giữa chị Quyên và anh Hữu đang diễn tiến
trước mắt tôi hết sức tốt đẹp, nguồn hạnh phúc mà tôi hằng ao ước đã được cầm
chắc trong lòng bàn tay búp măng của chị Quyên rồi.
Có tiếng hắt hơi, tôi biết chị Quyên cũng đang có mặt ở phòng
khách, mấy hôm rày trời độc nên chị bị nhức đầu sổ mũi. Lời bác Phán gái hỏi chị
Quyên :
- Hữu nó đã nói gì với cháu chưa Quyên ?
- Dạ... cũng có, anh ấy muốn đi đến hôn nhân với cháu.
- Thằng Hữu... được lắm đó cháu, nó đàng hoàng đứng đắn, lại
có tương lai. Vậy bây giờ con nghĩ sau ?
- Dạ, cái đó còn tùy ba me cháu ở Huế, ba me cháu đặt mô cháu
ngồi nấy.
- Giỏi, như vậy là cháu đoan trang, như vậy là cháu nề nếp
thuần hậu. Để bác nói với bác trai viết thư trình bày cho chú thím ngoài đó biết.
- Dạ, cháu cám ơn bác.
Tôi nghe nóng ran trong đầu, tôi nghe mặn đắng trong cổ, cảm
giác như dạo tôi đau thương hàn cách đây một năm. Trận đau kéo dài hơn một
tháng, ba me tôi thức suốt đêm ngày túc trực bên giường bệnh, tôi đã cảm động
khóc thật nhiều trước tình thương bao la của ba me, me tôi đã bảo :
- Con đừng khóc nhiều, làm răng mà lành bệnh được.
Sau trận thương hàn đó, thân hình tôi đã ốm lại càng khô đét
như cây tre, bạn bè tôi đã nhạo tôi là "cô nộm nang". "Cô nộm
nang" là đồ mã đan bằng nan tre uốn thành hình dáng người con gái, dùng để
đốt xuống Âm Phủ làm nữ tì hầu hạ cho đức bà dưới đó, ấy là lời giải thích của
bà đồng quen với me tôi mỗi lần tôi hỏi tới. Tôi thường cười nói :
- Rứa mà thấy đứa bạn nói con là cô nộm nang.
Bà đồng trợn mắt bịt miệng tôi lại :
- Con nít con ranh nói tầm bậy tầm bạ, bà quở, bà quở cho chừ.
- Tại vì con ốm mà.
- Ốm thì ốm như mắm mòi, ốm thì ốm như mực khô, chán chi cách
để nói, ai lại đem so với mấy cô, lần sau đừng có dại rứa nghe con.
Bà đồng chúm môi, bà đồng nhăn mặt, bà đồng quơ quơ bàn tay tỏ
vẻ khó chịu và nhìn me tôi như phân bua :
- Tề, mợ ngó đó, con Ngọc ăn nói tào lao quá, tui cũng sợ
luôn.
- Ngọc im đi.
Me tôi vờ mắng tôi cho bà đồng vui lòng, bà đồng là bạn hùn hạp
với me tôi trong những chuyến buôn hàng từ Đà Nẵng ra Huế bán, bà ta là người
khôn ngoan tháo vát nên me tôi nể lắm, me tôi thường dặn tôi :
- Mi đừng đem chuyện cứng đầu cứng cổ nớ mà nói với bà Yên
(tên bà đồng). Mấy thứ đó bả kỵ lắm, bả giận rồi mất lòng người lớn với nhau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét