Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Giăng thề 1

Giăng thề 1

Lời tác giả

Tiểu thuyết Giăng thề tôi viết năm 1942, ở Thủ Dầu Một bên sông Sài Gòn vùng đồn điền cao su Dầu Tiếng, khi trên phố chợ khi ở xưởng than Bến Ray.
Tình cờ làm sao mà câu chuyện trong tiểu thuyết này ủ ấp sáng tạo ở quê Nghĩa Đô tôi lại viết ra bên rừng bờ sông Sài Gòn xa xôi.
Thế mà cũng thành một nếp suốt đời tôi trong sáng tác. Nhiều khi sửa soạn viết một cái gì, tôi thường đi nhiều nơi.
Tôi đã viết tiểu thuyết Đảo hoang chuyện Mai An Tiêm và quả dưa hấu, những chương đầu viết ở Phai Vệ thị xã Lạng Sơn. Hang Phai Vệ là quang cảnh nhà An Tiêm bị giam trong hang đá trước khi bị nhà vua đầy đi đảo xa. Tôi lại đã viết đoạn cuối tiếu thuyết Đảo hoang này ở bãi biển nghỉ mát Yalta bên bờ Hắc Hải. Cái núi Gấu và sự tích núi Gấu ở biển Yalta với bóng con gấu yêu thương mà vợ chồng con cái Mai An Tiêm đã giã từ để trở về đất liền, sau bao nhiêu năm bị lưu đầy.
Cũng như gần đây năm 1996, tập hồi ký Chiều chiều của tôi được viết ở Đà Lạt.
Cả đời cầm bút, cũng thành cái thói riêng làm việc như thế. Còn nhớ khi ngoài hai mươi tuổi, tôi vừa in truyện Con dế mèn (về sau viết tiếp và đặt tên là Dế mèn phiêu lưu ký), ông Vũ Đình Long chủ nhà xuất bản Tân Dân đã hợp đồng với tôi viết truyện ngắn cho tuần báo Tiểu thuyết thứ bảy, truyện cho sách Truyền Bá của thiếu nhi, và tiểu thuyết cho sách Phổ Thông. Tôi đi đâu thì ông gửi tiền nhuận bút qua đường bưu điện.
Vì thế, tôi đã đến được Sài Gòn rồi đi Thủ Dầu Một. Tôi có anh bạn cùng làng đi làm phu cao su đồn điền Michelin ở Dầu Tiếng.
Nhưng đến Dầu Tiếng thì bạn đã đi nơi khác. Anh theo người ta đi làm thợ dệt ở Kampot bên Kampuchia.
Bà con miền Nam đối với người qua lại, dẫu tôi là một "thầy Huế" từ ngoài Bắc vào cũng thật xởi lởi, vồn vã. Chẳng quen biết mà rồi cũng trở nên thân tình. Thế là tôi lại viết tiểu thuyết Giăng thề - một câu chuyện về làng xóm quê tôi.
Bao nhiêu năm sau, đất nước đã hoàn toàn giải phóng, tôi có dịp trở lại Dầu Tiếng. Tôi ở nhà khách cơ quan nông trường cũng trên sông Sài Gòn. Xa xa, núi Bà Đen bên kia rừng vẫn xanh đen. Nước sông vẫn trong veo, trông thấy từng con cá bơi nhởn nhơ. Tiếng còi nhà máy vẫn rít lanh lảnh trong đêm khuya. Những người thân thiết ngày xưa thì chẳng còn ai.
Đầu chợ, những tấm bia ghi tên những người trong thị trấn, những chiến sĩ dân quân đã hy sinh từ đầu kháng chiến chống Pháp.
° ° °
Tôi trở lại Hà Nội, đưa in tiểu thuyết Giăng thề cho nhà xuất bản Tân Dân.
Bây giờ bên châu Âu, nước Pháp đã thua trận, chính phú Pê Tanh đầu hàng phát xít Đức. Ở thuộc địa thực dân Pháp bóc lột và đàn áp khốc liệt nhân dân ba nước Đông Dương. Chế độ kiểm duyệt của thực dân được đặt ra khắt khe. Chúng gạch bỏ từng đoạn sách, không cho in cả tác phẩm.
Như tiểu thuyết Đêm múa của tôi miêu tả một làng bị chết dịch rồi lại chết cháy cả xóm. Thế là kiểm duyệt bỏ. Nói đến đất nước, dân tộc, chính trị là phạm pháp.
Tiểu thuyết Giăng thề cũng bị kiểm duyệt xóa từng đoạn từng chương như vậy.
Tiểu thuyết Giáng thề in lần đầu ở Hà Nội năm 1943. Cho tới bây giờ, đã qua nhiều thời kỳ, nhiều nhà xuất bản ở Hà Nội và ở Sài Gòn đã in lại nhiều lần.
Cũng vì thời gian đã quá lâu và nhiều khó khăn khách quan, tác phẩm in ra có nhiều sai sót.
Xin đính chính:
- Ngay lần in đầu, nhà xuất bản Tân Dân đã in lẫn chương cuối lên giữa sách. Do vậy, đương mạch truyện lại có dòng lưu bút kết thúc: Dầu Tiếng (Bến Ray)... Rồi hầu hết các nhà xuất bản, nhất là ở Sài Gòn và Thành phố Hồ Chí Minh về sau đã in nhầm theo như thế.
- Tên tác phẩm, khi đầu là GIĂNG THỀ ( không phải là TRĂNG THỀ). Tác giả viết theo tiếng địa phương.
- Lần in này, in theo bản đầu tiên và đã chữa lại các lỗi trên. Riêng một chương (chương VI) bị kiểm duyệt thời thuộc Pháp xóa bỏ (chỉ chú thích tóm tắt trong truyện vì không còn bản thảo).
Hà Nội tháng năm 2005
TÔ HOÀI

Chương I
Trăng thề còn đó trơ trơ
Truyện Kiều
° ° °
Những vòng bánh quay lọc cọc, rồi đứng lại. Hai chiếc xe sắt đỗ chổng đuôi lên và đổ xuống ba người khách. Họ đi về phía dãy phố có lấp ló ánh đèn sáng. Trời tối mịt. Vào tới ánh đèn mới nhận được mặt ba người. Người đi đầu là giáo Hoạnh, tiếp đến giáo Kền và giáo Câu, hai ông này dắt tay nhau. Ba nhà giáo đi hát ả đào.
Ở trong một nhà đầu dãy nhà hát, các chị em trông thấy, chạy xỏ ra, nhao nhao:
- Chào các quan ạ.
- Các quan vào hát giúp nhà em.
- Ơ kìa anh giáo Hoạnh. Lâu lắm mất mặt mất mũi.
Hoạnh đi vào, như hướng dẫn cho hai bạn. Ra lối ta đây tay thành thạo nhất. Chị em bâu lại, tíu tít. Một chị khêu cái đèn ba dây cho tỏ thêm. Một chị ra khép cửa, dưới nhà bắt đầu lịch kịch đun nước. Ngọn đèn treo giữa nhà, soi sáng ra chung quanh tỏ tường.
Nhà hát là một nếp nhà ngói ba gian, rất xưa, trước sân có hai chậu si và một cái bể bầu dục đựng quả núi giả. Trong nhà, hai bên cột giữa, móc đôi câu đối gỗ mộc, chữ bôi nhòe sơn đen. Tường bên phải, treo một dãy tám cái tranh Tàu vẽ truyện Chinh Tây, cảnh Tiết Đinh Sơn bắn hổ trắng vô tình giết bố, cảnh Phàn Lê Huê cả phá Mê hồn trận.. Bên trái, có một bức tranh thực to, vẽ ông Tô Vũ chăn dê râu dài chấm đất, mặc quần áo rườm rà cầm chiếc gậy đầu hươu có tua xanh đỏ, đứng dưới gốc cây hoa mai, giữa mấy con dê lụ khụ. Rải rác ở góc tường trên đầu cột, có dán những cái ảnh tàu chiến, ảnh ông tây bà đầm cắt ở các nhật trình ra. Giữa gian nhà trước bên cải tủ chè, kê một bộ tràng kỷ và một chiếc án thư. Hai gian bên, hai chiếc giường ghép vào. Một chiếc hòm phản có bốn chân cao lênh khênh, đứng sát tường, phía trong cùng.
Ba quan viên nhà giáo ngồi hai bên tràng kỷ. Ông giáo Kên ngắm đôi câu đối, giáo Câu ngó cụ Tô Vũ chăn dê, ông Hoạnh tán khướu với một ả. Vừa hay nhà này có ba cô đào rượu. Một cô, cô Muỗi thì vẫn là chỗ quen biết tri kỷ của giáo Hoạnh. Còn cô Huệ và cô Tình, lúc này Hoạnh ta hóm hỉnh chia:
- Tôi giới thiệu em Huệ với anh Câu đấy. Còn chị Tình ra quạt cho anh Kền tôi đi chứ. Chị làm thế nào cho anh tôi cười túm một cái, thì tối nay có thưởng đấy.
Cô Tình đấm vào lưng Hoạnh:
- Phải gió cái nhà anh lỡm lày, thấy mặt nà thấy tán nhảm!
Rồi ả cầm quạt sang phe phảy quạt cho Kên. Kên im vấn một điệu ngắm câu đối. Hoạnh cười hô hố. Còn giáo Câu, Câu lé mắt nhìn cái cô Huệ mà Hoạnh vừa gắp cho anh. Cô Huệ cũng đứng dịch lại gần Câu, cười nụ.
Dưới nhà, nước trắng đã sôi. Ấm, tách lấy ở trong tủ chè ra. Cô Huệ pha một tuần chè Tầu. Khách đương nhắm nháp thì chú kép vác đàn bước vào. Rồi cô Muỗi, cô đào hát - là con của chủ nhà - ở nhà dưới đi lên. Người ra mở nhà hát cũng có nghĩa như mở một ngôi hàng tấm. Chủ nhà này là một ông, có ngón đàn và nghề hát gia truyền. Nhà ông, ông ở gian nhà lá đằng góc vườn dưới. Hát thì con ông hát lấy, chị phải mướn ba cô đào rượu. Hai người con gái lớn của ông đã lấy chồng, trước kia ở nhà, các cô cũng đều là đào hát. Bây giờ còn có cô gái út là cô Muỗi. Cô Muỗi mặc áo the thâm, vấn khăn nhiễu tây, mình cô gày, mảnh như chiếc que đóm...
Cô Muỗi và chú kép đàn ngồi phản bên. Trống chầu đặt trên ghế tràng kỷ. Cô Huệ mời: "Các anh nghe hát". Hoạnh bảo Kền: "Anh thưởng trống trước đi". Rồi anh xoay cái roi chầu và cái trống về phía Kền. Kền ung dung cầm roi chầu. Nhà giáo Kền, lúc này nom rõ thực đạo mạo. Anh che vạt áo the dài ngồi vắt chân chữ ngũ, lưng hơi khom khom. Một bàn tay bịt nhẹ miệng trống. Một tay rún rẩy nâng roi chầu, gõ "độp độp". Mỗi một tiếng "độp" nảy, người anh hơi xiêu về đằng trước theo nhịp. Đó là cái điệu riêng của anh, khi gõ trống. Đào hát đến câu nào mà anh cho là nhất, anh điểm trống đổ hồi khen rụt cả cổ lại. Mắt anh chăm chăm, nhìn thẳng, nghiêm như lúc giảng bài học trò. Anh xưa nay vốn là tay chơi đứng đắn, lịch sự. Cô đầu Tình đứng sau lưng, quạt lệ từng phẩy chậm chạp. Tên cô là Tình mà nom chẳng tình chút nào. Con mắt hiếng, hai con ngươi liếc nhau. Đôi môi cong tớn, cộm lại như hai mép lá cải bắp.
Chú kép dạo đàn "tửng tưng từng tưng" rồi gò vào bài, khi cô Muỗi bắt đầu gieo phách. Miệng chú kép méo, tròn, chúm, dài, cổ chú ngoẹo, lắc và cả cái mặt cũng lung lay theo với bàn tay nắn phím. Chú kép xử cây nhật cao như cái đòn gánh: "Tửng từng tưng... Tứng tửng... Phinh phính phinh...".
Giai nhân nan tái đắc... ư... Trót yêu hoa... nên dan díu với tình. Mái tây hiên nguyệt dãi chênh chênh... Rầu rĩ mấy xuân về oanh nhớ ớ... ớ...
Cô Muỗi ngồi hát, chân xếp bằng tròn, tà áo khép kín hai đầu gối. Đôi tay cô mềm mại gõ phách theo nhịp đàn và câu hát. Tiếng cô e é chua như giấm. Mỗi khi đến một giọng cao, cô vươn cái cổ ngắn nổi cộm chiếc gân đũa, khó nhọc như khạc từng tiếng ra một. Nếu không có hai bàn tay dịu dàng uốn éo với lá phách, và cái tiếng hát nỉ non, nom cô thiểu não như người bệnh rét đương lên cơn. Tiếng nhật, tiếng hát, điểm tiếng phách lách cách và tiếng trống chầu nhịp bộp bộp. Nghe vui, giáo Câu cũng lạ tai.
Giáo Hoạnh và cô đầu Muỗi đã dẫn nhau ra đằng sân sau tối om. Họ ra ngoài ấy tri kỷ khô với nhau. Hai anh chị đã bắt nhân tình nhau từ lâu. Hoạnh cũng là tay cừ mới chớp được cô Muỗi. Vì nàng kháu khỉnh nhất nhà này.
Câu ngồi yên, lắng hai tai. Nếu không thế, anh cũng chẳng biết làm gì. Về đường chơi, vốn anh kém. Cũng muốn tán tầm phơ với cô Huệ ít câu, nhưng anh ngại, không biết dọn chuyện thế nào cho được tình tứ. Bởi vậy, anh cứ ngồi thực thẳng người và ngó trộm cô Huệ tí chút. Trông cô ta được mẻ người phốp pháp. Mặt tròn như đồng tiền, cô bận áo lụa nhuộm thiên thanh, quần lụa trắng. Chỉ ngán nỗi, cô nói tiếng ồ ồ như người trĩ mũi.
Tiếng cô Muỗi hát:
... Nước sông Tương một dải nông chờ
Cho kẻ đấy, người đây mong mỏi.
Bứt rứt nhẽ, trăm đường nghìn nỗi
Chữ chung tình biết nói cùng ai
Quản chi ư ư... gắn bó một hai...
Phình phinh... phính...
Khổ hát xong. Kép buông đàn. Cô Muỗi ra uống nước. Giáo Hoạnh ở ngoài sân vào, tay cắp cánh tay với Muỗi, âu yếm như đôi vợ chồng. Hoạnh móc bím, lấy một đồng bạc đưa cho đào Tình:
- Bảo nó đi mua hai chai bia. Lấy cái đằng cổ vàng ấy. Một bao thuốc lá "ba tốt" nữa nhé.
Tình ra ngõ. Một chốc vào thưa:
- Người ta hết bia, còn có nước "ô-răng-rát", các anh xơi vậy.
- Cũng được. Cho ba chai.
Mọi người uống nước cam và hút thuốc lá. Chuyện nở như ngô rang. Nhưng riêng Hoạnh nói nhiều. Thỉnh thoảng giáo Kền gật gù chêm một câu, ngang như cua bò. Còn Câu chỉ cười. Các chị em ngồi quây lại, tiếp những đoạn khôi hài vụn. Không khí vui vẻ và đầm ấm. Câu đã thấy bạo hơn lúc mới vào. Anh ngồi xích lại gần Huệ, Huệ đánh diêm, châm thuốc lá cho Câu hút. Hoạnh trông thấy, cười phá lên:
- Á ơ kìa, chóng thân nhau nhỉ? Nom đẹp đôi lắm. Anh tôi hiền lành, chiều vợ lắm đấy, khi nào cho ông mối miếng trầu đấy?
Huệ cười tít mắt:
- Dơ cái nhà anh. Hãy báo lấy vợ chồng anh ấy.
Giáo Câu chỉ mủm mỉm. Hai tai nóng bừng. Tàn cuộc uống, khổ hát khác lại bắt đầu. Vẫn cô Muỗi hát. Cô Huệ mời Câu thưởng trống. Câu lắc. Hoạnh cướp lấy dùi, nói: "Xui chồng đập trống! Có hư hại đổ cho người ta nhé!". Rồi anh ngồi vào tràng kỷ, đánh trống. Người ta bảo rằng đập trống như Hoạnh mới là kiểu của kẻ ăn chơi. Anh cầm chiếc dùi ẻo lả, khẽ gõ lướt trên mặt trống, vẻ mặt anh tươi tỉnh. Đôi mắt lẳng lơ đã đưa nhìn cô đào hát, khiến cô này thinh thoảng lại mủm mĩm, hát quay mặt ra đằng khác.
Hồng, Hồng, Tuyết, Tuyết... Mới ngày nào còn chẳng biết cái chi chi ư... ư...
Lại hát. Câu lại ngồi yên như phỗng. Bên góc ghế, giáo Kền cũng ngồi ngây, một tay chống cằm, chăm chú nghe. Câu cũng làm ra vẻ để ý, nhưng thực anh chả thích hát hổng chút nào. Hát như mèo cái gào đực, không rõ ràng câu kệ gì. Nhìn cái này, nhìn cái kia mãi, chán. Câu đi lững thững ra đứng ngoài cửa.
Đây là phố xép, như lối một phố phủ hẻo lảnh. Con đường ruột phố rải đá, chia đôi dãy nhà khấp khểnh, cái chìa ra, cái thụt vào. Giờ này, thường thường mọi nhà trong phố đã đóng cửa. Đường sá tối thui. Cách mỗi quãng dài, mới gặp một vạt ánh sáng hắt ra, đấy là cánh cửa một lò khâu, hay là một hiệu cao lâu có phở xào. Đầu phố, đứng chết rũ, dúm vào nhau, mấy chiếc xe sắt chổng đuôi lên không có đèn.
Sau lưng Câu, tiếng guốc lẹp kẹp. Quay lại, Câu thấy Huệ đương đi ra. Anh đứng yên, khoanh tay, vờ không để ý, nhìn lên đầu phố, Huệ cười, nói ỏn ẻn:
- Đứng đây buồn chết. Vào nhà đi anh.
- Trong nhà hơi bức.
- Em quạt hầu anh nhé?
Câu cười mỉm, không nói gì. Huệ hỏi:
- Chắc anh mới đi cùng với anh Hoạnh lần này?
- Ba anh em chúng tôi là bạn với nhau...
- Là em nói anh mới lên đây lần đầu với anh Hoạnh cơ!
- Ừ, mới lên lần này. Anh Hoạnh lên luôn hử?
- Luôn đấy. Anh cũng dạy học à?
- Ừ
- Trường nào thế?
- Trường Hạ Nha.
- À, trường làng Nha. Làng Nha ấy có anh cả Cang, có anh phó Nghiên, rồi anh Ba gì ấy này...
- Quen hả?
- Các anh ấy lên hát nhà em thường liền. Hôm nào đi chợ, em phải xuống làng Nha chơi mới được. Trường anh ở chỗ nào?
- Ngay đầu làng.
- Em quên mất, tên anh là gì nhỉ?
- Câu.
- Còn anh kia.
- Anh Kền. Anh ấy dạy trường Yên Thượng.
- Tên là Kên? Buồn cười nhỉ? Hút thuốc lá, anh?
Câu xua tay:
- Tôi kiếu. Hút cay xè cả lưỡi. Hôm nay hút nhiều thuốc lá quá. Chúng tôi mới ăn cỗ khao ông Chánh Rụy bên Phú Gia, rồi lên đây.
- Ờ, phải rồi. Nhà chị Xuân đằng kia hôm nay sang hát đám ông Chánh Rụy.
- Đây có mấy nhà hát?
- Có năm nhà cả thảy.
- Ờ, có tiếng tom tom đằng kia. Sao nghe xa xa như nhà hát ở trong làng?
- Không phải! Các nhà người ta ở tận trong giữa xóm, chứ không ngoài phố như nhà em.
- Trống nhà này nghe "bộp bộp" như chặt thịt!
- Trống nhà gạch mái ngói, không ròn được. Vào uống nước, anh?
- Cứ vào trước đi.
Huệ vào một lát, Câu mới đủng đỉnh vào. Hoạnh hỏi:
- Ông bà làm gì nhau ở ngoài ấy mà lâu thế?
Câu cười thật thà:
- Làm gì đâu!
Cô Muỗi lại hát một khổ hát mới. Hoạnh và Kền chuyền nhau thưởng trống. Câu thỉnh thoảng lại chuyện dấm dẳn nhát gừng với Huệ, qua chén nước. Đào Tình vẫn chịu khó ngồi kè bên quạt cho Kên. Chị em, nhất là cô Muỗi, nhấm nháy, có ý chế cái điệu đứng đắn "hủ lậu" của Kền. Thì cô Tình lại bênh. Cô nói ngọng đặc giọng "tiểu thuyết". Đầu mỗi câu, bao giờ cũng phải: "Lói" xin "nỗi" các chị chứ, ở cái thời buổi "lày"... "Em cam đoan nấy danh dự mà lói rằng...".
Họ léo nhéo bên tai. Kên vẫn ngồi im. Anh chỉ ngồi nghe hát.
Cuộc vui kéo dài quá mười hai giờ đêm. Cô Muỗi xin phép nghỉ hát, và mời các quan viên ngủ lại. Nhưng Kên đứng lên, nói thực to:
- Ai ngủ thì ngủ. Tôi về.
Câu về hùa:
- Tôi cũng về.
Hoạnh tiếp:
- Thì anh em cùng về cả.
Cô Muỗi nài:
- Các anh ở lại cho vui. Mọi khi các anh vẫn ở lại mà?
Hoạnh nói:
- Mọi khi là tối thứ Bảy. Ngủ lại đây bây giờ, mai về không kịp buổi dạy. Để khi khác, thiếu gì lúc.
Rồi Hoạnh móc bím, lấy tiền chi chầu hát. Chầu hát mất vừa hai đồng, cả tiền đàn cúa chú kép. Đưa hai tờ giấy bạc cho cô đào Muỗi, anh còn cố ý tóm tay cô ả một cái.
Ba anh em, khăn đóng áo chùng, chít khăn đội mũ tề chỉnh, ra về. Mấy chị em ríu rít tiễn ra tận ngõ. Cô Muỗi bận áo tấc bịt tà, đi bíu lấy vai Hoạnh. Tay đôi dìu nhau lại ở bóng tối, góc đằng kia. Kền bắt tay Tình và Huệ. Chàng giáo Câu cũng muốn bắt tay như Kền. Nhưng ngại. Nhưng rồi Câu cũng tóm tay Huệ, nói:
- "Ô rơ voa" nhé! 1
- "Ô rờ voa"!
--------------------------------

1

Tiếng Pháp nghĩa là: Xin chào tạm biệt!

Chương II
Cái bàn thầy giáo thật dị kỳ. Xếp theo dãy dài, nó đứng đầu hàng của mười cái bàn dài và mười cái ghế học trò. Riêng nó, bằng gỗ gì không biết, nhưng đen bóng. Còn mười chiếc bàn ghế kia, xương cốt đều bằng gỗ tạp, trắng bệch. Học trò mài chân mài tay lên cái màu trắng đó đã nhiều năm, nên nó đã biến đổi. Nó được phủ một lượt cao của các màu mồ hôi, cứt mũi, cứt mắt và nhiều thứ không tên khác. Một lũ bàn ghế nhôm nhếch, xiêu vẹo dựa vào nhau mà đứng. Cho đến cái bàn thầy giáo là tươm nhất, mà cũng ốm dở. Nói nó què thì đúng hơn. Bàn chỉ có ba chân. Một chân nữa, là một chiếc cọc tre, mà người ta đem chôn cắm xuống đất.
Nguyên dạo năm ngoái, làng vào đám, mượn cái bàn lên đình, đêm hát làm bàn vua cho các ông phường chèo. Vua giả cách chạy loạn trên núi, đứng lênh nghênh trên mặt bàn. Một tay gian thần vừa hét vừa nhảy lên toan chém vua. Cái bàn xiêu và... khắc một cái! Một chân nó oặt xuống. Cả hai ông tướng đều ngã bò chỏng gọng ra. Từ đấy, chiếc bàn đưa về lớp đã bị tật. Người ta chôn xuống đất cho nó một cái chân giả, như thế, cái bàn chỉ có thế đứng mãi mãi một xó vậy thôi. Không xô đẩy được như các đàn em nó là những bàn ghế của học trò kia. Mỗi năm, đến kỳ thi ở trường phủ, người ta lại khênh chúng quẳng lên xe bò, đem vào cho các lớp thi mượn mươi hôm. Mỗi năm phải một chuyến du lịch miễn cưỡng, nên những cái bàn cái ghế càng mệt mỏi, ốm yếu và mất mát dần. Cái chân lỏng, chiếc chắn ngang tụt chốt. Nhiều khi, học trò đang ngồi, tự dưng hai chân bàn buồn bã, giận dỗi thế nào rồi rời ra. Mặt ghế sập xuống như cái bẫy chuột. Cả lũ hết vía. Lại lấy gạch, lấy đá gõ cho mấy chiếc chân vào khớp. May, từ trước tới giờ, chưa có chú học trò nào bị què cẳng.
Hôm nay thầy giáo Câu ngồi bàn, lúi húi chấm bài. Hơn sáu mươi cái đầu trẻ con, đủ kiểu lố nhố trước mặt. Hơn sáu mươi tên học trò, chia làm bốn lớp: a, b, c, bét, tư, ba và cai trị bởi một thầy giáo Câu. Bấy giờ vừa giờ ra chơi vào xong, ở ngoài sân, bọn trẻ đùa nhảy đã chán chê. Mà bây giờ chúng vẫn nghịch. Trẻ con chẳng bao giờ biết im miệng, im chân, im tay. Chúng nói rì rầm. Chúng đá ngầm nhau dưới gầm bàn. Chúng chen, huých cánh tay. Có những đứa chọi đầu vào nhau, làm như chọi trâu. Chúng văng tục và chửi nhau. Đứa khóc, đứa mếu, đứa cười. Bàn ghế cũng hòa nhịp cót két rền rĩ lên. Lớp học lúc nào cũng lao xao, rì rào như có một đàn ong bay qua. Chốc chốc thầy giáo Câu gõ cái thước lấy lệ, bởi thầy cũng đã quen cái ồn ồn ấy. Bút mực đỏ vẫn mải miết gạch, xóa, phê.
Bỗng ở ngoài bàn xế cửa, một đứa đứng dậy:
- Thưa thầy, có...
Thầy ngẩng đầu lên. Anh học trò chưa thưa hết câu, thầy cũng biết là thưa gì. Bởi ngay lúc ấy có một cái đầu ở ngoài cửa thò vào. Câu buông bút, đi ra. Tưởng người nào, hóa ra vợ anh giáo Hoạnh. Chị Hoạnh mặc áo cánh nâu ngắn, quần xắn móng lợn. Một bên nách ẵm thằng bé con. Đầu chị chưa vấn, tóc quấn túm lại, bù xù như cái ổ rạ trên đầu. Giáo Câu hỏi:
- Bác đi chơi đâu xuống đây sớm thế?
Chị ấy khóc mếu máo:
- Tôi lại còn đi chơi đâu nữa! Sung sướng thế ư...
Rồi chị vén món tóc lòa xòa trên mặt. Hai mắt chị đỏ ngầu. Nước mắt có sẵn nhiều quá, cứ tuôn ròng ròng. Vẫn mếu, chị kể lể:
- Người ta đi suốt đêm cho đến sáng, rồi về nhà, người ta gây sự với tôi...
Câu sửng sốt:
- Chết chửa! Sao lại như thế? Ra cái anh này...
- Khốn khổ, bác còn vờ, nhà tôi với bác Kên ở nhà ông Chánh Rụy đến chín giờ, rồi đi đâu, đi đâu?
Câu cãi:
- Tôi nào biết bác ấy đi đâu!
- Người ta bảo rằng nhà tôi được xóc đĩa, có tiền, rồi đi chơi cô đầu phố phủ với hai bác. Nhưng bác mà không đi, thì nhà tôi rủ người khác, tôi còn lạ gì. Trời đất ơi... phen này thì đến tan cửa nát nhà mất thôi... hic... hic... hic...
Câu toan nói điều gì đó. Nhưng chị Hoạnh vừa khóc hu hu, lại đùng đùng chạy ra. Đứa con lóc xóc ngật ngưỡng kêu choe chóe. Những người đi ngoài đường, thấy lạ, nhìn ngơ ngác. Có mấy đứa trẻ trong xóm đã rủ nhau chạy theo.
Câu nhìn hút chị Hoạnh, trong bụng tấm tức nghĩ cáu về người đàn bà cả ghen và lắm điều. Anh đứng bần thần một lát, chợt quay lại. Thì đã trông thấy sau lưng có đến mươi cái đầu lố nhố thò ra cửa sổ. Có đứa nhút nhát lé một nửa mắt. Có đứa nghịch quá, leo tót lên ngồi chồm chỗm trên cửa sổ. Thấy thầy giáo, chúng tụt vào nhanh như biến mất. Cả lớp chợt huyên náo tựa một cái chợ đương buổi họp đông. Đứa thì phồng má, trợn mép làm tuồng. Đứa uốn éo làm xiếc. Những đứa trẻ bé bị bắt nạt, khóc om sòm. Được vắng thầy một lát, chúng cuống cuồng múa may, hò hống như một lũ rồ. Thầy giáo Câu vào, những cảnh nghịch ngợm đương diễn dở. Anh xách mấy tay đầu bò lên, đét cho mỗi tên bốn thước kẻ bảng vào hai bàn tay. Một lát sau, đã êm cả. Lanh lảnh tiếng đọc bài.
Thầy giáo vẫn cầm cái thước kẻ dài như cái đòn gánh, đi bách bộ dọc chiều lớp. Anh đi như vậy, không biết bao nhiêu lần. Tai nghe học trò đọc, Đôi chóc dừng lại để bảo mấy đứa đánh vần trắc, nhưng đầu anh vẫn mải nghĩ loăng quăng chuyện khác. Anh nghĩ chuyện cái nhà chị giáo Hoạnh ban nãy. Chắc hai vợ chồng anh ta mới sinh sự to. Anh thấy bùi ngùi, hơi hối hận, và ngượng. Vì sự rắc rối kia sở dĩ mà có, chỉ bởi cái đêm vui thú nhà trò con hát vừa rồi. Đã đành anh chồng nóng và cục đánh vợ là không nên. Nhưng chưa chắc đã phải.
Bởi vì cái máu ghen của chị đã có tiếng ghê gớm ngang máu ghen của cô Hoạn Thư trong truyện Kim Vân Kiều. Đã bao nhiêu lần chị nhảy xuống ao chỉ vì chuyện ghen tuông bóng gió. Khi anh Hoạnh lên Phú Gia làm hương sư, chị cũng theo lên và hai vợ chồng đã có với nhau bốn đứa con.
Tưởng mỗi tuổi thì cái tính hổ lửa kia mỗi dịu xuống. Ai ngờ càng ngày càng ghê. Mỗi lần nghe chồng có "tiếng" gì, chị nhảy chồm chồm, chị giãy đành đạch, chị nằm nhuôi đứ đừ như bị bóp cổ. Rồi chẳng ốm iếc chi hết, chị cũng đắp chiếu, nằm rên ầm ầm. Chị rỉa rói chồng ra rả suốt ngày. Suốt đêm, chị khóc chị kêu, chị kể lể, như giá mất tiền mất bạc cũng không bằng. Phải anh chồng là cái thằng cục, cứ to tiếng là lại nện nhau.
Mà tính anh lại hay lăng nhăng, tự cho là mình số đào hoa có nhiều gái mê. Các nhà giáo quanh đấy cười nhạo và có ý trách Hoạnh không biết giữ tiếng cho giới hương sư. Nhưng Hoạnh cũng có lý của anh. Anh cho rằng đàn ông ai chả mê gái, chắng qua là bọn ấy kém, lại làm bộ đạo đức giả. Anh không cần gì hết. Anh cần gì! Cũng như cái trận vợ chồng cãi nhau choảng nhau hôm qua hôm nay, cũng chỉ là những trận đòn đánh quen thuộc. Vợ chồng thì lúc yêu lúc ghét thế thôi.
Song, nếu chỉ thế thôi với giáo Hoạnh, lại không với giáo Câu. Vợ chồng Hoạnh sinh sự với nhau, nhưng không lôi thôi đến anh lại đi một nhẽ khác. Bởi vậy, từ lúc vợ Hoạnh bồng con đến, nhà giáo ta cứ băn khoăn. Gì, chứ rắc rối chuyện đi hát ả đào thì tai tiếng lắm đây.
Mải suy nghĩ vẩn vơ, đến giờ tan học, vẫn chưa tô vở xong cho mấy đứa lớp bét. Anh sai đánh trống, và cho tan học. Mình anh ngồi lại, làm nốt. Ngoài cửa, những tiếng reo hò ầm ĩ, tản ra xa, lặn vào các ngõ xóm. Những đàn chim sẻ, qua cơn sợ hãi, lại mon men nhảy xuống cửa sổ kêu tẹc tẹc. Ngoài sân có tiếng "rắc rắc" một vòng xích xe đạp và tiếng chuông "kính coong". Câu chạy ra. Giáo Kền đeo kính trắng, mặc áo the, dận đôi giày tây có cổ. Ghếch xe, nhà giáo hỏi:
- Lúc nãy, vợ Hoạnh sang anh không?
- Có.
Câu hậm hực kể lại câu chuyện vẫn bực mình từ ban nãy.
Kền cười, nói:
- Người ta ở đời cũng phải biết điều một tí chứ. Chẳng đầu đuôi xuôi ngược thế nào đã nháo đi khóc lóc kể lể, trách móc. Tôi mới dồn cho chị ta một hồi. Tịt rồi lủi. Chắc ở tôi ra thì ả sang đây. Buồn cười thực, làm như anh em mình lôi kéo chồng ả đi chơi không bằng. Mà anh em mình cũng can hắn mãi.
- Tôi chỉ ức cái nỗi ấy. Ờ, làm sao vợ hắn biết được?
- Thế này chứ. Hắn đánh bạc được mấy đồng xóc đĩa nhé. Lúc ba đứa kéo đi, cả đám cỗ trông thấy. Cái trò ở đời người ta hay hớt chuyện. Đêm họ đi làm cỗ giúp về, chỉ nói qua bờ rào một tiếng với vợ hắn, người ta kháo nhau. Ai còn lạ cái thói ghen tuông của ả. Chồng về, thộp ngực, nói lải nhải. Chồng tức mình mới cho một mẻ. Nghĩ ngẫm người ta ở đời cũng hay. Nhưng chỉ buồn một nỗi họ lại ngờ oan cánh mình rủ rê.
- Rồi làng nước người ta biết. Tôi cũng chỉ cáu vì thế!
- Có rỗi hơi mà cáu thừa. Ai biết mặc ai! Kìa, ta về chứ? Tôi về trước nhá? Kìa quên mũ hả?
Câu đáp:
- Tôi đi đầu trần cho mát.
Cứ kể giáo Kền nói câu: "Ai biết mặc ai!" cũng là phải. Nhưng chỉ phải riêng với Kền. Bởi xưa nay thì Kền cũng có cần gì ai. Anh là người vùng xuôi, lên đây dạy học. Anh thuộc lớp giáo làng cổ, có bằng tuyển sinh, đỗ cả chữ Hán và quốc ngữ. Năm nay anh ba mươi tư tuổi.
Hơn ba mươi năm dằng dặc đời anh tóm lại như sau: Ơn cha mẹ lấy vợ cho từ khi đầu để núm hoa roi. Đi thi tuyển sinh, anh mười tám, vợ đã có mang, người quắt như cái que, mà nghểu nghện vác cái bụng thúng. Khi sinh, cả hai mẹ con chẳng may chết. Năm sau, nhà cưới cho anh cô vợ khác nhưng lại tính toán lối trừ hao, lấy người lại lấy việc nhân thể, cô này hơn anh bốn tuổi. Nó ở với chồng được hơn một năm, rồi nó tếch đi mất. Ba năm sau, Kền lại được mẹ cưới cho cô vợ khác. Rổ rá cạp lại đến lần thứ ba, không cưới xin hẳn hoi gì. Người vợ này đần quá. Mẹ Kền chửi đánh suốt ngày. Không chịu nổi, nó lại ăn cắp quần áo, dông mất.
Ít lâu sau, mẹ chết, Kền đâm ra chơi bời. Có một ít ruộng, anh bán vào chiếu đỏ đen hết sạch. Kền cũng có hai người anh. Nhưng của ai phận nấy, bố mẹ rành ra cả rồi. Kền túng, đồng xu không còn dính túi. Kền buồn, Kền cắt tóc đi tu, trốn cõi đời khổ não. Kền tu đâu được hai năm, nhà chùa cho xuống tóc nhưng rồi làm tiểu anh lại vác cái đầu trọc đi uống rượu thịt chó, nhà chùa đuổi về, từ đấy tâm tính anh thay đổi nhiều. Người ta bảo anh cám hấp. Có người bảo anh gàn có lẽ đúng hơn. Anh sinh làm thơ, rặt nói chuyện thơ, làm thơ. Anh xưng biệt hiệu là Tri Mệnh. Nhưng người ta quen gọi anh là anh Kền, xừ Kền hay là ông "Người ta ở đời". Bởi thường nói câu gì, anh cũng bắt đầu rằng: Người ta ở đời... Ông "người ta ở đời", bỏ quê, lên Yên Thượng dạy học. Ông ăn cơm trọ. Ông ở một mình. Ông có cái xe đạp tróc sơn như màu đất, thỉnh thoảng đạp đi chơi chỗ này chỗ kia. Lương mười đồng, cũng nhì nhằng đủ tiêu. Không phải nuôi ai, chắng chơi bời gì, có thể gọi là phong lưu. Ẩn sĩ Tri Mệnh có làm một bài thơ tự trào bát cú theo lối "thủ vĩ ngâm" để vịnh cuộc đời ngót nghét bốn mươi, rằng:
Ta cũng như ai, chẳng kém đời.
Cũng xen cười khóc, cũng đầy vơi.
Gia đình tạo lập bao lần mối.
Hoa nguyệt rong chơi thực đủ vời.
Chân cảnh trần duyên theo cửa Phật.
Vui vì con trẻ Khổng môn chơi.
Hỏi ai đã sướng như ta nhỉ.
Ta cũng như ai, chắng kém đời.
Ừ thế thì giáo Kền còn có cần gì ai. Mà cũng chẳng ai hơi đâu xói móc đến hắn ta. Nhưng giáo Câu thực không thể vô lo như thế. Đi hát cô đầu. Vợ Hoạnh ghen chồng, đánh chửi nhau om sòm. Cái mặt giáo Câu ê lắm. Câu chưa yên bề gia thất như Hoạnh. Câu không dám nhét thiên hạ vào một bên lỗ mũi như Kền. Ấy chỉ vì nhà giáo ta mới có hai mươi tuổi.
Bấy giờ giáo Câu đã nhẩn nha đi về đến đầu xóm, tay xách cái đồng hồ chẩm cầm vuông to bằng cái bát đàn. Một bà già ngồi trong cửa, khung cửi đương quay suốt vè vè, ngó thấy nhà giáo đi qua ngỏ, liền hét vào trong nhà: "Mười một giờ rồi đấy!".
Ồ, nhà giáo đi về có buổi cũng như cái đồng hồ của người ta.
Chương III
Giáo Câu không phải là người làng Hạ Nha nhưng đến đất này làm thầy giáo, cách thức ăn ở, cũng không khác giáo Kền đến bên Yên Thượng mấy. Thế thì, tối hôm qua anh đi hát ả đào trên phố phủ, anh cũng chơi bời một chút, đã sao. Không, không, Câu nghĩ, Câu không thể ừ liều như vậy. Ai biết thì biết, chứ đến cô Miến mà cũng biết thì hỏng bét. Nhà giáo thở dài thườn thượt một cái, lòng nao nao khi nghĩ đến chữ "hỏng bét". Cô Miến mà biết? Hỏng bét thực.
Câu chuyện cô Miến cũng chẳng có gì nhưng nói lại từ gốc, cũng hơi dài một chút. Nó bắt đầu đã ngót hai năm nay, từ ngày Câu lên Hạ Nha dạy học. Ngày ấy, Câu đương nằm nhà. Nói là thất nghiệp cũng chưa hẳn đúng mà cũng là đúng. Thi Sơ học Pháp Việt xong, anh không còn được cắp sách đi trường nữa, và cũng không biết làm ăn nghề ngỗng thế nào. Đương khi lúng túng, có anh bạn cũ, anh Diễm, về đón Câu lên Hạ Nha làm hương sư, làng Diễm đương khuyết chân giáo làng. Nhận lời, Câu lên ngay. Diễm là người làng Nha. Diễm chỉ học dở dang đến lớp nhì, rồi ra Hà Nội học thợ máy. Anh có vợ đã có ba con. Đứa lớn nhất lên bảy. Cả nhà ở với mẹ và một thằng cháu, con người anh của Diễm.
Vợ chồng bác này, mùa hè năm trước, chết bệnh tả, để lại một đứa con nhỏ cho bà và cho chú nó nuôi.
Lên Hạ Nha, Câu ở trọ nhà Diễm. Khi ấy, Diễm còn làm ngoài Kẻ Chợ. Mỗi Chủ nhật, Diễm về nhà một lần. Năm sau, Diễm xin được việc làm tốt tiền hơn, trong sở Ximăng dưới Hải Phòng. Diễm đổi xuống Phòng, đem vợ con theo, nhưng để thằng cháu và thằng con lớn nhất ở nhà với bà. Nhân thể để "nhờ bác giáo Câu dạy cho ít chữ". Từ khi ấy, Câu ở nhà bà Thiêm - một bà bên họ ngoại. Bà già còn khỏe. Bà cùng hai cháu thổi cơm ăn với cậu giáo. Thỉnh thoảng, có thư của Diễm ở dưới Phòng gửi về, nhà giáo lại đọc cho bà lão nghe.
Vợ Diễm là con một nhà khá giả trong làng. Trước cũng nghèo rớt mồng tơi, sau được có máu mặt, là vì một việc tưởng như duyên phận thế nào. Năm đó, nghề làm lĩnh lụa canh cửi ế quá, nhà nào cũng bữa đói bữa no. Trẻ con, kém ăn vàng cả mặt ra. Người ta bỏ làng đi cũng lắm. Nhà bác Khán Tịnh lâm vào cảnh nheo nhóc. Chị Khán để chồng với lũ con mọn ở nhà, lần ra Kẻ Chợ, xin được chân gánh nước máy cho một hiệu khách bán bánh ngọt. Chẳng biết duyên số thế nào, một chú khách làm bánh tằng tịu với chị. Đôi bên ăn ở với nhau tự nhiên. Chị Khán lấy chú khách, cứ y như là gái son rỗi, chưa có chồng bao giờ. Chẳng bao lâu, chú khách cũng ra mở một hiệu bánh nhỏ. Nhỏ, rồi lớn, chẳng bao lâu nữa, đã thành ông chủ giàu có. Nghiễm nhiên, chị Khán Tịnh thành vợ chú khách có tiền chục tiền trăm ra vào trong tay. Sung sướng tấm thân, nhưng lúc nào chị cũng nhớ đến, cũng lo cho đàn con và anh Khán ở quê nhà.
Anh Khán chẳng bao giờ hay biết gì - hay là biết mà cũng cho qua và chỉ biết như trời cho cái nhà anh Khán Tịnh đương nghèo thảm thê, bỗng hóa ra đủ bát ăn, rồi lại giàu lên. Chị ta đem của cải về nhà. Chị gây dựng cho mấy đứa con. Hai người con gái lớn cũng ra Kẻ Chợ lấy chồng khách, đều khá giả. Anh con trai ở nhà quê, mua nhiêu mua hương hào đàng hoàng, không phải đi phu phen tạp dịch như dân bạch đinh. Làng nước trầm trồ, khen chị Khán khôn ngoan. Cái lạ là chú khách bánh ngọt kia vẫn có khi về làng chơi, ngồi ăn cỗ uống rượu với Khán Tịnh. Chẳng biết chú khách có biết nói năng thế nào không, chỉ thấy cười hề hề. Người làng đồn chú bảo chú đem được bác Khán gái đến là lấy được thần tài vào trong nhà, thế là có tất cả, chẳng cái gì hơn được nữa.
Đương vận tía, thế nào mà chị Khán Tịnh ốm, rồi chết. Chị không được đứa con nào với chú khách bánh ngọt. Chú khách làm ma, chít khăn trắng theo phong tục quê, đưa về tận làng. Đám ma có kiệu đựng ảnh, có kèn có đàn sáo và hai con ngựa trùm vải đen kéo xe tang, linh đình to nhất hàng tổng từ xưa đến nay.
Nhà bác Khán Tịnh mất một tay kiếm của. Nhưng cũng không hề, vì sự khá giả đã ngồi vững từ lâu trong nhà rồi. Hai người con gái ở Kẻ Chợ càng giàu. Khi vợ Diễm lấy Diễm, bác Khán Tịnh qua đời đã lâu. Nếu bà ta còn sống, chắc chị này cũng được lối ra Kẻ Chợ, gả cho khách trú. Cái sự tích trường giang của một gia đình kéo dài ra đến ba bốn mươi năm đời này đến đời khác, vợ Diễm cũng chỉ lờ mờ biết về những ngày lưu lạc sung sướng của mẹ mà thôi.
Vợ Diễm là con thứ ba. Sau chị còn một cô em nữa, cô Miến là út. Cô này mới lớn. Trong nhà, bây giờ cũng không còn phong lưu như ngày trước. Miến quay tơ làm hồ. Đôi khi, cũng xách đãy đi chợ bán lĩnh, cô làm giúp anh Ba Biên. Cũng có vốn riêng đấy, nhưng cô để dành cho vay lãi. Ông Khán Tịnh đã ngoài bảy mươi vào tuổi già nhàn nhã. Ngày ngày ông che cái quạt nan lên đầu, ra ngồi quán, uống bát nước chè tươi. Thỉnh thoảng, hôm nào vợ chồng Ba Biên hay là cái Miến đi chợ vắng, ông mới nhúng tay vào quay dặm tơ, có khi đánh cái suốt cho thợ dệt cửi.
Khi vợ chồng Diễm còn ở nhà chưa xuống Phòng, thường chiều ngày phiên chợ lĩnh thong thả, Miến vẫn hay đến chơi nhà anh chị ở xóm Giữa. Nhà ở xóm Lẻ, qua xóm Giếng xóm Giữa rồi mới ra cầu Phượng qua sông. Vì cớ đó mà giáo Câu biết cô Miến.
Đầu tiên, nhà giáo cũng không để ý. Thì cô Miến đôi khi lại nhà bà Thiêm láng giềng, cũng như lũ trẻ con bên hàng xóm, thường thậm thọt đến chơi, vốn tính Câu ưa ru rú một mình, lại hay giữ ý tứ không làm bận rộn đến ai.
Một buổi trưa Chủ nhật, Câu nằm trong nhà. Tình cờ, Miến tới chơi. Vợ Diễm và cô Miến, hai chị em đứng nói chuyện ngoài bậu cửa. Câu nghe thoáng vẳng đưa vào tiếng cười khúc khích, tiếng thì thào. Cô Miến nói to:
- Bác ấy nhát như cáy. Trông thấy đàn bà là đỏ hai dái tai.
Vợ Diễm suyt:
- Khẽ chứ, con ranh!
Im bặt. Thoáng bóng mờ trên vách Câu biết có người nhòm vào. Anh vội vàng nhắm hờ hai mắt, cố cất tiếng ngáy kho kho.
- Bác ấy ngủ thật mà.
- Câm miệng đi. Mày chỉ hay nói vớ vẩn.
Nằm trong giường nghe thoáng chuyện của hai chị em, mặt Câu cũng đỏ dừ. Giá Miến nhìn vào tận nơi, hẳn bắt được quả tang anh ta đỏ mặt. Đích là họ nói mình. Chao! Anh ta nhút nhát quá, nhút nhát đến nỗi cô Miến cũng phải chê. Cái tính nhút nhát, anh không thể giấu vào đâu được.
Từ hôm ấy, mỗi lần gặp Miến, nhớ đến mẩu chuyện của cô ta nói vụng mình, Câu lại thấy như mặt xàm xạm đo đỏ. Dần dần, Câu cũng nhận được ra cô Miến là một cô gái đẹp. Rồi Câu thấy cô đẹp quá, đẹp lạ lùng, đẹp nhất làng, mỗi khi trông thấy thì mắt hoa lên. Nhất là vào những khi Tết mồng Năm, Rằm tháng Bảy, Miến mặc cái áo vải rồng nâu non, thắt hai vạt trước lại thành quả găng. Má cô đỏ hây hây. Hai con mắt sáng ngời. Khi cười, đôi bên má lúm xuống đồng tiền.
Xem chừng, không phải cô Miến không có cảm tình với Câu. Mỗi lần đến nhà chị, gặp Câu, miệng cô chúm chím, lúng túng: "Lạy bác giáo". Đôi má hồng phơn phớt. Có khi Câu còn bắt được những khóe mắt cô liếc trở lại, lúc đã đi ra khỏi đầu ngõ hay là những lúc Câu đứng bảo học trong lớp ngoài trường. Trường ở xế bên lối đi lên chợ, chỉ cách một bãi cỏ. Bên kia đường, sông Tô Lịch bèo Nhật và cỏ nước mọc rậm cao ngút đầu. Đứng trong lớp, ai đi bên ngoài, đều nhìn thấy rõ. Gần trưa, Miến thường cắp rổ đi chợ.
Vào quãng giờ giấc ấy, Câu hay thắp thỏm nhìn ra. Miến đi qua, dáng cao cao, tay cắp rổ, tay ve vẩy dịu dàng. Miến nghiêng nón hơi nhác vào trường. Nếu thấy Câu, nàng làm như trông thẳng nhưng miệng lại mủm mỉm ra lối chào ý nhị. Câu đứng lui lên đầu lớp, trông theo cho đến lúc bóng Miến đội nón khuất vào lùm cây nhãn bên cầu.
Cuộc tình không lời, qua khóe mắt và miệng cười tươi, mơ màng kéo dài. Cho đến khi hai người yêu nhau thật Không biết lời đầu tiên người ta nói ra với nhau ở trường hợp thế nào. Bởi vì những lời nói, những cử chỉ đẩy hai người vào mến thương nhau, đã đến từ bao giờ.
Họ thân nhau hơn. Một hôm, trong một câu chuyện, Miến cười, gọi Câu bằng cậu. Cậu giáo, tôi bảo cậu giáo... Câu đê mê nghe câu gọi. Trong bụng anh, như cồn cào nhốn nháo, nghẹn cổ không nói được. Ôi, từ nay Miến không gọi ta bằng "bác", không "chào bác, lạy bác" nữa. Cái tiếng bác quê quê xa xôi nặng chịch... Và Câu cũng đã nghĩ ra được cách gọi Miến thân hơn. Mọi lần thì: cô Miến, cô Miến đến chơi với cháu hả?... Cô Miến có đi chợ, làm ơn mua giùm tôi... cô Miến... Bây giờ anh Câu cứ gọi cộc lốc là Miến. Êm ái biết mấy... Miến này, Miến có đi bán hàng phiên chợ lĩnh này đấy chứ?.. Có, cậu ạ... Trên đời, không còn lúc nào thương yêu hơn, lúc hai người nhìn mặt nhau, khẽ nói những câu vẩn vơ như thế. Nhưng mới chỉ là gọi nhau vụng trộm. Trước mọi người, vẫn cô vẫn bác như mọi khi, chẳng ai dám thốt ra một câu tân thời rằng: tôi yêu Miến lắm, tôi nhớ cậu, cả đêm không chợp mắt.
Giữa khi ấy, vợ chồng Diễm cùng hai đứa con nhỏ xuống Hải Phòng. Ở nhà, chỉ có bà Thiêm, thằng Vật, với đứa con đầu của vợ chồng anh, là thằng Ném. Và Câu.
Cô Miến vẫn đến như mọi khi. Cô đến có ý và cũng có cớ, ấy là những buổi xế trưa, đi chợ qua nhà bà Thiêm, Miến tạt vào cho bà Thiêm gửi tiền, nhờ cô mua rau. Trong một tuần, đã thành lệ, cô gặp thầy giáo Câu ở nhà vào buổi trưa thứ Năm và ngày Chủ nhật. Hôm nay là thứ Tư.
Chỉ trưa mai Câu lại được gặp Miến.
Khốn nỗi, dường như cái chuyện đi hát ả đào tối hôm nọ, đã lan khắp các xóm. Chết một cái, giá vợ chồng giáo Hoạnh không làm ỏm tỏi lên thì cũng chắng ai đã biết. Bây giờ cả bốn bên làng xóm người ta nói giăng giăng.
Sáng hôm nay, Câu ở trường về, gặp Hương Kiệu. Hắn cười hềnh hệch: "Tối hôm nọ, các ông hát nhà đầu Muỗi trên phố phủ phỏng?". Giáo Câu trả lời lửng lơ "Phiền quá!". Hương Kiện tán gạ: "Cần gì. Thời buổi này, cũng phải chơi bời tí tình chứ? Hôm nào tôi rủ ông nhá?". Câu cười gượng.
Thế là cái tích chơi bời đi hát cô đầu tai tiếng quá lắm rồi. Ôi chao, ngày mai thứ Năm. Miến đến đây, ngộ Miến mà cũng biết chuyện này, thì thực chết, nhà giáo biết chui đi đâu. Nếu Miến hỏi, thì trả lời thế nào.
Chương IV
Thứ Năm, Câu dạy học buổi sáng, chiều nghỉ.
Buổi trưa, ăn cơm xong, Câu vác cái gáo dừa, thằng Nếm lể mể xách chậu, hai thầy trò ra ngoài cầu ao tắm. Dội ì uàm một lúc, thực mát mẻ thỏa thuê. Nhà giáo về, mang cái ván gỗ và miếng xà phòng ra đầu sân, ngồi cởi trần, giặt giũ. Quần áo, anh giặt lấy.
Anh chẳng đem lên phố chợ giặt là bao giờ. Không biết ai đã bảo người ăn chơi có quần áo mà đưa thợ giặt là, nhiều cái hại lắn. Biết đâu trước khi giặt, chúng nó hãy mặc của mình một tua cho chán chê đã. Thế là các thứ vi trùng lậu, tim la, ghẻ lở của nhà thổ, ả đào cứ việc lây sang hết. Rồi chúng nó đem nhét cả vào nồi, nấu sôi sùng sục. Quần áo có phải là củ măng đâu mà ninh cho dừ! Rồi cứ thẳng cánh vò, cào, chải bằng bàn chải tre bàn chải sắt, chẳng thương gì vải. Quần áo giặt là, hồ bột cứng, mặc cũng oách thực, nhưng được mấy nả là đi đời.
Giáo Câu chưa mặc quần áo là bao giờ. Mới thấy thiên hạ đồn đại thế, chứ cả hàng tổng hàng huyện này cũng không đào đâu ra có một hiệu thợ giặt. Dạo nọ, nghe nói trên phố chợ cũng có nhà treo bảng giặt là nhưng được mươi hôm, vắng tanh, lại hạ bảng xuống.
Giáo Câu giặt lấy. Nhà giáo xát xà phòng lên áo, khẽ vò những cửa tay, viền cổ có đọng ghét, anh dùng móng tay cái, khẽ cạo gượng nhẹ. Vò xong, anh bỏ đồ giặt vào cái chậu sành, bưng xuống cầu ao. Giũ thực kỹ quần áo cho khỏi hơi xà phòng khét. Khoắng một chút lơ vào chậu. Dúng áo vào cái nước xanh xanh ấy, đem phơi thực căng trên dây mây. Cái quần thì anh lồng miệng cạp vào mảnh tre chữ thập, phơi lên như treo đèn kéo quân. Hết nắng, quần áo thực khô anh lấy xuống, gấp nép, vuốt thực phẳng. Rồi nhà giáo lót tờ nhật trình, để áo xuống dưới chiếu nằm. Qua một đêm ngủ, quần áo dẹp cứng. Mai đã có bộ đồ trắng bong, đủ nếp gấp ngang dọc đẹp mắt chẳng kém đưa hiệu giặt là cái chắc.
Phơi phóng xong tinh tươm, Câu vào trong nhà, ngó đồng hồ. Hơn một giờ. Câu cuống quýt. Giờ này Miến sắp đi chợ qua. Vội vã, Câu mặc áo. Cái áo sơ-mi vạt ngắn vạt dài, có một túi chéo trước ngực cổ thì vểnh ra hai cái tai. Bà Thiêm vẫn cười thầy giáo có cái áo tân thời khác áo khách, áo gì mà hai vạt so le như cái yếm rãi trẻ con. Nhưng đấy là tấm áo mồi diện của nhà giáo. Ngoài giờ lên lớp, chỉ khi nào đi chơi đâu, Câu mới xỏ tay vào cái sơ-mi ấy. Áo mặc xong, Câu cầm chiếc gương tròn bé xíu, soi mặt. Mấy sợi tóc bồng xõa lướn phướn, anh lấy lược miết tóc xuống. Anh ngó ngoắt sang hai bên. Chững lắm. Cái sơ-mi trắng. Cái quần tây đen. Đầu mượt. Chân đi guốc. Anh bước ra hiên, nhìn ngoài ngõ.
Gian hồi bên trái bà Thiêm đương ngồi quay tơ, bà ngủ gà. Chốc bà lại buông ống, trễ miệng xuống, đầu ngật đi một cái. Chiều nay được nghỉ học, thằng Nếm đã chạy đâu chơi từ lúc nào. Thằng Vật đến tuổi học làm đã đi ở làm tháng học dệt cửi, chiều tối mới về. Nhà vắng teo. Thoáng ngoài vườn, nghe có tiếng gà con lích tích kiếm ăn.
Câu vào trong vại gạo, vóc một nắm, đem ra vườn. Chốc nữa, Miến có vào, Câu đã đứng lơ mơ làm như sẵn ngoài vườn. Khuất cái giậu nứa và một giàn trầu không trong vườn chẳng trông được lên nhà.
- Chích chích... Bập... Chích, bập!
Từ bốn góc vườn, trong những bụi sói, bụi ớt, mấy chú gà con lắt nhắt nhoăn nhoắt chạy đến. Sau cùng là một mụ gà mái. Cả mình xám ngắt, hai chân trắng bệch, bộ lông vàng khè. Chắc vừa dũi ở một đóng đất nào ra, mụ giũ hai cánh, bụi bay mù. Rồi mụ cong đuôi, cúi xù cái cổ "cục cục" tất tả rảo cẳng tới bên đàn con. Một lũ gà nhỏ, với một gà mẹ, hong hóng vây quanh nhà giáo, đợi buông cái nắm tay gạo xuống. Con nhóc nào cũng bị bôi phẩm xanh đầy đầu. Đếm chưa đủ gà tới, Câu lại "chích bập" gọi nữa. Không còn một con nào đến thêm. Ban ngày, đàn gà tản mác đi kiếm ăn ở các mảnh vườn xung quanh. Vả lại, đây cũng là một bữa ăn bất thường, không phải như mỗi sớm mai. Chúng không quen lệ. Đàn gà của nhà giáo còn đông hơn nữa. Cả thảy, một đàn gà ấp, hai mụ mái đang đẻ, ba mái tơ và bốn chú gà trống choai. Đổ đồng, mỗi tháng cũng được ngót hai chục trứng. Trước kia, đến phiên chợ, Câu lại nhờ thằng Vật đem trứng lên chợ bán. Được hai xu thuê, nó sướng run. Bây giờ, ngày phiên, cô Miến qua, đem trứng bán giúp. Nhà giáo thấy có một cái gì thú vị trong cử chỉ ấy. Thằng Vật ra lối càu nhàu. Muốn đẹp lòng nó, thỉnh thoảng, có thêm tiền bán gà, nhà giáo lại cho tiền nó như lệ. Chuồng gà đầu xanh - lối xóm người ta gọi thế là vì đầu con gà nào nhà giáo cũng bôi phẩm xanh. Nhà giáo để dành tiền vào ống tre, cưa tréo một vệt miệng. Cuối năm, bổ ra cũng đem được mươi đồng về quê. Cứ hòng vào mươi đồng bạc lương mỗi tháng thì thừa thõi đâu. Bởi vậy, nhà giáo trông nom, chăn dắt lũ gà kỹ lưỡng lắm. Thứ Năm Chủ nhật, chỉ ra vườn lúi húi với gà qué. Bà Thiêm cũng phải chịu thầy giáo còn trẻ mà chí thú, chịu thương chịu khó.
Nắm gạo đã tung hết. Đàn gà tranh nhau ăn. Con mụ lắm điều vừa nhặt vừa cục cục ỏm tỏi. Lũ con cũng đẩy nhau, kêu choe chóe. Có khi đương chăm chú nhặt ăn lại quay ra, chọi nhau tay ba tay tư. Nhưng chỉ mổ láo nháo vài mỏ, chúng lại chổng đuôi chúc mỏ liên liến nhặt gạo. Chẳng mấy chóc, cả những hạt tấm giắt vào khe gạch cũng không còn. Đàn gà nhớn nhác, dạo loanh quanh. Chúng nghiêng má, nhìn lên bàn tay Câu. Thấy đợi lâu, không còn gì nữa, đàn gà tản dần. Con thì nằm khểnh, phơi cánh. Con thì bắt chước mẹ, kiếm chỗ giũi đất phành phạch. Nếu không, rỗi rãi quá, lại chơn vờn chọi nhau suông.
Nhà giáo đứng ngẩn, nhìn dõi theo từng nhách gà một. Tuy vậy, mắt vẫn liếc ra ngoài ngõ. Xem có bóng người ló vào chăng.
Đợi hoài, không thấy.
- Nắng đã quá đầu ngõ kia kìa, mấy giờ rồi, cậu giáo?
- Dạ, hai giờ rưởi.
- Chết! Chiều rồi. Hôm nay chắc cái Miến không đi chợ. Cứ ngóng con này mà gửi xu rau thì có khi mất bữa. Cậu xem hộ tôi thằng Nếm có quanh quẩn ngoài ấy không?
- Nghe như tiếng nó đùa léo nhéo ngoài bờ ao làng.
Bà già ra giậu, ngửa cổ, gọi réo:
- Ới Nếm... ơi...
Chỉ sau mấy tiếng, đã thấy cái đầu trọc tếu loang lổ vết mực tím, lùi lũi ngoài ngõ chạy vào.
Bà quát:
- Có về mà đi chợ không! Xuống bếp lấy cái rổ. Tiền đây này. Nửa xu rau muống, chọn cái đằng non ấy. Một đồng hành, đồng răm, đồng mắm tôm. Năm xu, bốn bánh đậu phụ. Mau mau, ba chân tám cẳng lên, ở nhà tao nhóm bếp đấy. Hôm nay thứ Năm, cậu giáo ăn cơm sớm.
Giáo Câu vẫn hy vọng Miến đi chợ muộn. Nhưng chiều muộn hơn, cũng chẳng thấy bóng cô ả. Thế là hôm nay Miến không đi. Nhưng cái sự "thế là" tự nhiên ấy không đủ che lấp nỗi lo ngại trong lòng Câu. Cho đến sẩm tối, anh vẫn đi ra đi vào, ngong ngóng ngẩn ngơ. Tới lúc cu Vật đã đi học dệt cửi về, vừa đi vừa múa may nghêu ngao hát, nhà giáo mới thực hết trông đợi.
Làm sao Miến không đến? Có sự gì. Cái câu chuyện hát hỏng phải gió kia, tất đã bay đến tai nàng. Nàng tức Câu. Nàng giận Câu rồi. Con gái là hay hờn dỗi lắm. Mà cũng tại mình. Câu lo. Câu lo quá. Lại ngay ngáy nóng ruột nữa. Bữa cơm chiều ấy, nhà giáo chỉ và qua loa được ba vực bát.
Thôi, đích là Miến giận Câu. Hôm sau, thứ Sáu, lại hôm sau nữa, buổi chiều Miến có đi chợ qua cửa trường học. Câu trông thấy rõ ràng. Thế mà cô ta che nón đi thẳng. Làm như không biết có ai đương chăm chăm đứng nhìn ra. Cả hai hôm nữa cũng vậy.
Câu hoảng. Chàng ta giận mình, phát nhức đầu lên. Ấy là Miến chỉ mới không nhìn anh, để anh đoán được là cô giận dỗi. Chứ nếu Miến lại nói: "Cậu không phải người tử tế. Thôi, từ giờ trở đi..." mai đây nhà giáo có thể nổi cơn ốm liệt giường cũng nên. Mới biết, say nhau rồi chỉ một cái chẳng bằng lòng xoàng cũng đủ lộn can tràng lên rồi. Anh chàng cáu, không để đâu cho hết giận mình. Anh thở ngắn thở dài về cái buổi tối trót dại nọ. Mà anh trót dại thực. Chếnh choáng ba chén cay, coi trời bằng vung. Nhất là lại được anh em xốc nách lôi đi. Ai nỡ từ chối. Để đến nỗi bây giờ ầm ĩ cả lên. Người ta cãi nhau, người ta ẵm con sang tận nơi trách móc. Làng nước kháo chuyện bô bô ai cũng biết.
Xấu hổ quá.
Chủ nhật. Câu nằm khoèo ở nhà. Đáng lẽ như mọi buổi sáng được nghỉ, Câu hay sang bên Yên Thượng chơi với Kền. Bữa nay, anh không muốn ra khỏi ngõ. Anh nằm, chán lại ngồi thừ. Anh bốc nắm gạo ra vườn rắc cho gà ăn. Cất nhắc việc gì, cũng thấy bải hoải, chán chân, chán tay. Cũng là bởi cái tâm sự ủ ê mà ra. Bà Thiêm đi chơi quanh đâu vắng. Thằng Nếm thì nằm kềnh ngoài phản, tập tọe đọc quyển Lên Tám. Tiếng nói bi be u ơ cãi nhau với tiếng chim sẻ ngoài sân. Một chốc, nó đã buông sách xuống, ngủ khoèo.
Giữa trưa, bà Thiêm về. Bà lão, lưng không rạp xuống. Đi như con rùa bò. Bởi ngóc lên nhìn ra trước mặt. Ngày còn con gái, lưng bà gồng gánh nhiều, đã khum khum. Càng về già, cái lưng cong xuống theo tuổi. Bây giờ thì lúc đi cũng như lúc đứng, lưng bà phẳng một lượt với cổ.
Một đời bà Thiêm, cái lưng còng ấy làm chứng cho biết bao nhiêu sự chịu thương khó, vất vả. Chồng chết sớm, một tay bà gây dựng nhà cửa. Bà cưới vợ được cho cả hai người con trai. Anh nhớn sớm ăn cướp công bà rồi, để lại cái thằng Vật đấy. Mẹ nó là một con đàn bà đốn đời. Cái năm bà dựng lại nếp nhà ở bây giờ, bà mướn một bọn thợ mộc. Khi làm xong, bọn thợ đi. Cả nàng dâu bà cũng đi nốt. Đời bà, cay đắng nhất lần ấy. Bởi vì lúc nào bà cũng chăm chăm giữ gìn tai tiếng. Lúc nào bà cũng cố cho được hơn người. Chẳng vậy, Diễm được đi học, rồi bà lại chạy vạy thế nào, gửi cho ra Kẻ Chợ đi học thợ máy. Diễm đã có nghề hẳn hoi. Bây giờ, chẳng giàu có hơn ai, nhưng bà cũng được nhàn nhả rồi. Con bà làm việc nhà máy nhà nước, mỗi tháng gửi về tám đồng. Ở làng này, chẳng có ai kiếm nổi nửa xu của Tây. Thực là điều danh giá. Bà không phải nhọc mình nữa. Bà ngồi quay mướn con tơ cho khỏi buồn tay. Thế mà bà cũng chịu khó ngồi quay tơ liền. Có một ít tiền, bà cho vay lãi vặt, một đồng bạc, tháng đẻ lãi một hào chỉ. Có ai trong xóm nhỡ nhàng, cầm cái áo the, cái thắt lưng, bà bỏ tiền ra cầm. Người ta ghét bà có tính nói dai, lắm điều. Nhưng bà chỉ lắm điều xổi, mà chẳng để ý chửi rủa thù oán ai.
Bây giờ suốt ngày bà ngồi lầm lì, gật gù với cái lồng cái ống. Bởi chẳng có nàng dâu nào ở nhà để mà nói. Ấy là bà nói chuyện thôi, chứ không phải bà mắng chửi. Giáo Câu vốn ít lời, chỉ mở miệng khi nào có việc. Hai đứa trẻ thì chạy nhoăn nhoắt như chuột cả ngày. Bà lão ngồi buồn, thỉnh thoảng rì rầm nói một mình. Cái tật ấy rồi cũng thành bệnh. Nhiều đêm, Câu thức giấc, bỗng giật mình, có tiếng ai lào xào đâu bên kia vách. Nghe mãi, hóa ra bà Thiêm nói. Bà nói ậm ào, lăng nhăng, lảm nhảm.
Trưa nay, bà lão đi đâu về, mua được cây mía đỏ. Bà chống lom khom như chống chiếc gậy bột. Vào đến hiên, bà ngồi xuống. Cái lệ quen của bà lão trước khi ngồi, đấm lưng thùm thụp mấy cái. Ngó vào trong buồng, thấy Câu, bà hỏi:
- Cậu giáo không đi chơi đâu à?
- Dạ, không. Tôi váng vất...
- Cậu nhức đầu à, trở trời đấy. Cái lá thầu dầu tía hay lắm. Cậu ra vườn hái mấy lá thực non, đắp lên trán, chỉ một chốc toát mồ hôi, khỏi ngay. Nắng mới, ai cũng khó chịu. Từ nãy, tôi cũng thấy váng vất đấy.
Chợt bà lão như nhớ ra điều gì.
- À này cậu giáo...
Câu nhỏm dậy, hốt hoảng. Tâm thần anh lúc này cũng đương hoảng hốt.
- Cái gì, hả bà?
- Tôi vừa nghe người ta nói câu chuyện lạ lắm.
- Chuyện sao ạ?
Bà lão trợn mắt, nói khẽ, rủ rỉ dằn từng tiếng - lối nói một câu quan trọng:
- Chết! Sao cậu dại dột thế. Đầu xanh tuổi trẻ, chớ nghe anh nghe em mà có khi oan gia. Cậu cũng hiền lành như em hai Diễm thì tôi mới dám nói.
- Nhưng cái gì kia ạ?
Bà lão lại lên giọng, gật gù cái đầu như để lấy đà từng tiếng:
- Người ta bảo tối hôm nọ cậu đi lên phố phủ hát nhà trò với nhà giáo Kền, nhà giáo Hoạnh phải không?
Bây giờ Câu mới nghe thủng. Anh thở dài, hoàn hồn. Từ nãy anh vẫn ngờ ngợ câu chuyện có dính dáng đến Miến. Nhưng thế rồi anh cũng lúng túng, không biết đáp sao, chỉ dạ dịp.
- Dạ... Người ta cứ nói...
- Chỉ vì cô đầu cô đuôi mà vợ chồng giáo Hoạnh đánh nhau suýt có án mạng đấy thôi... Khốn nỗi, chỉ sinh oan gia, rồi mang tai mang tiếng, mà lại tan nhà nát cửa. Tôi khuyên cậu, đầu còn xanh tuổi còn trẻ...
Câu cười gượng:
- Có đâu, thiên hạ cứ đồn nhằng...
- Úi chào! Người ta chuyện giăng giăng ở ngoài đường kia. Mười người nói như một.
- Người ta ghét thì nói thế, bà ạ.
- Thôi, chuyện đâu bỏ đấy, tôi chỉ can cậu từ giờ đừng dại nữa nhá. Đánh đu với tinh đấy. Chẳng hay hớm gì đâu.
Bà lão quen nói với Câu như nói với con mình. Câu cũng vẫn nghe những câu ấy là thường. Anh cười, nửa cợt nửa thực:
- Tôi chỉ có một ty.
- Một ty mà chẳng chết à? Nhà trò nó bỏ bùa mê vào nước cho mà uống, nó cho ăn cháo lú đấy, u mê chằng chịt đi. Bán vợ đợ con vì chúng nó. Vùng này đã có mấy ông chánh ông lý liểng xiểng mất nhà mất ruộng với cô đầu cô đuôi đấy.
Rồi bà thở dài:
- Sao đời bây giờ lại lắm cái ma cái quái thế. Ngày xưa, làm gì có. Ăn chơi lắm, chỉ đến xóc đĩa, tổ tôm là cùng.
Và bà bắt đầu ngồi kể các chuyện ngày xưa. Bất cứ ở câu chuyện nào bà Thiêm cũng gài vào được một hai mẩu chuyện xưa. Ngày còn mồ ma ông ấy... ngày còn mồ ma ông nọ... Câu chỉ ừ hử. Bởi anh đương buồn buồn nghĩ: "Chết chửa, từ bà già đến đứa trẻ lên ba, ai cũng biết tối hôm ấy...".
Rồi anh thiu ngủ. Bà lão vẫn lải nhải. Anh chợp đi. Nhưng anh chỉ chập chờn một lát. Khi dậy, hai mắt đỏ hoe, đầu nặng trịch. Bà lão ngồi im từ lúc nào, đương ngồi quay tơ trong nhà. Tiếng cái vầy tơ nhảy lóc cóc nhẹ nhàng.
Trưa hôm ấy, Miến cũng không đến mua rau hộ. Chẳng khó gì cho bà lão. Không gửi được Miến, bà Thiêm sang bên hàng xóm. Có khi cu Nếm lại lễ mễ cắp cái rổ. Bà không đi chợ. Lưng còng, bà lạch được tới chợ thì đã tối ngày. Nhưng Miến chẳng đến, thì chỉ nóng ruột cho Câu. Chao ôi! Nhà giáo buồn thiu. Anh loanh quanh ra vào, ấy náy chẳng buồn cất nhắc việc gì. Mãi đến chiều chiều, anh mới ngồi chấm vở cho học trò. Cái bút nằm trong bàn tay trên tấm phản làm bàn, cứ uể oải, muốn rơi.
Bấy giờ nắng đã xế. Bóng mái nhà đổ xuống sân, rợp một khoảng rộng. Ngoài vườn, nắng hoe lên trong lá. Bụi sói, giàn trầu không và những tàu lá cau nhuộm nắng vàng rượi. Nắng yếu, chỉ có ánh mà không còn nóng nực. Chấm được vài quyển vở, thuận tay, nhà giáo làm việc đã ra ý chăm chú.
Lắng nghe có tiếng cười rúc rích ngoài đầu ngõ. Và tiếng trẻ con nói lanh lảnh. Rồi tiếng chân chậm chạp thình thịch vào. Giáo Câu buông bút, nhìn ra. Trời, anh giật nẩy mình. Dễ thường hai bên má anh cũng sởn gai ốc lên. Miến vừa ló dầu vào trong ngõ. Thằng Nếm đương bám một bên túi áo dì. Rồi nó cong người cố kéo. Chắc dì nó đã chiều ý, để cho nó lôi từ ngoài đường ngoài ngõ vào đây. Thằng bé nhăn nhó, nheo mắt, vòi:
- Dì cho cháu một xu... Đi... dì...
Dì Miến gỡ tay cháu:
- Tao mách bà cho nhá?
Nó reo lên:
- Ê, ê, bà đi uống nước ngoài quán rồi. Đi dì... Cho cháu...
Dì nó lại gắt:
- Lúc nào thấy mặt là cũng thấy vòi xu. Thầy giáo kìa, có bảo học trò...
Nếm toan nũng nịu nữa, nhưng thầy giáo nó đã quát khẽ:
- Nếm giỏi nhỉ! Không được hỗn!
Nó nhớn nhác, toan lủi. Giữa khi ấy dì nó dúi vào tay nó một trinh. Nó cười toét miệng, rồi nhảy tênh tênh, chạy tít ra ngoài đường cái. Thầy giáo Câu, đương đà, còn mắng thêm một câu thực oai:
- Trẻ con, nuông nó, sinh hỗn ra!
Rồi nhìn Miến, anh ta chợt im, quên hứng. Và bỗng trở nên bối rối. Cô Miến đi đâu mà coi lạ, áo tấc ngắn, đầu chít khăn vuông mỏ quạ. Hai ống quần xoe lên đến đầu gối. Tay cầm cái sào nứa nghênh ngang. Câu hỏi:
- Đi đâu thế?
- Đi hớt bèo ngoài ao đình về cho vịt.
Rồi Miến quay ra. Câu cuống quít:
- Này..
-...
- Tôi hỏi cái mà...
-...
- Mấy hôm nay sao không đến?
- Tôi bận.
- Miến dỗi tôi đấy hả?
Miến nghiêm mặt, chua chát:
- Ai công đâu mà dỗi. Cậu muốn đi chơi thì cứ đi chứ. Tôi có dám biết đâu!
Câu nhăn nhó:
- Người ta cứ đồn xuýt ra. Chứ thực tôi...
- Tôi oan hẳn? Còn biết lắm chuyện lạ nữa kia.
- Chuyện gì?
- Chuyện gì thì cậu biết đấy.
Câu bùi ngùi:
- Miến ạ, từ giờ thì tôi chừa. Thực tôi chừa đến ngày xuống lỗ.
Dáng hẳn cái nét mặt của nhà giáo lúc bấy giờ coi thiểu não, ngẩn ngơ quá, khiến Miến phải bật cười. Cơn hờn đã dịu. Mà biết đâu cô cũng chỉ làm bộ dỗi ít thôi. Nhưng không tỏ vẻ gì khác, cô nói lảng:
- Rổ bèo tôi để ngoài đầu ngõ... Tôi về đây.
- Thứ Năm Miến đến nhá?
Chẳng biết Miến có đáp hay không, Câu không nghe tiếng. Cô ả vác cái sào đùng đùng chạy ra. Nhà giáo bồn chồn nhìn theo.
Trưa hôm sau, Miến cắp rổ đi chợ qua cửa trường. Giáo Câu ngó ra, Miến đương ngả nón, quay mặt vào nhoẻn hẳn một nụ cười.
Câu tỉnh người. Yên chí, thực Miến đã hết giận.
Chương V
A, đây, chị ơi!
Có Muỗi nhìn lên:
- Phải rồi.
Cô Huệ và cô Muỗi đứng lại trên cầu Phượng, cười khúc khích.
Họ đã tìm thấy. Bên kia cầu, phía trong gò cỏ lớn, trường học làng Hạ Nha. Gọi là trường học cũng không đúng mấy. Cái ngày trước, hồi các cụ trong làng mua vôi cát gạch ngói về, chưa có dụng ý xây trường học. Trước nó là cái quán làm điếm tuần lại là chỗ cúng quan ôn. Mái thấp, ba bề mặt, đứng sững hai chiếc cột gạch vuông. Bên trong, một cái bệ long lở, ở trên, trơ trỏng bát bình hương vỡ. Đấy là quang cảnh của cái quán mấy năm trước.
Bây giờ cũng có đổi khác, theo chức việc và với sự già lão của nó. Một hàng rào tre đan lưa thưa quanh trước cửa, bám hai cột cổng, làm đỏm cho cái mặt trường. Trên cổng, tòn ten một tấm biển vuông, kẻ mấy chữ phiết sơn đen: École Hạ Nha. Trong sân, mọc thon von hai cây bàng. Trước chỗ ấy có một cây đa to lắm. Về mùa gió, lá và cành đa đánh đập nhau, reo à à. Các cụ sợ lỡ gió đu mạnh, một cành đa gãy có thể đổ trường dễ như chơi. Bởi vậy năm kia người ta đã sửa một cái lề nhỏ, và nén hương với cút rượu rồi đẵn cây đa. Từ đó, trường chỉ còn hai cây bàng đương bởi tàn lá xanh om. Đủ hiểu, cái trường học to hay nhỏ bé là nhường nào.
Nói đến cái mái của trường mới thực là đặc biệt. Nó như một cái đầu bù xù những tóc và chấy rận gớm chết. Trên mái ngói, chắt những mấy từng rác, rêu và gạch vụn. Ngoài cùng, một lượt cỏ ấu lúa tủa xanh um. Cao hơn hết bám vào hai trụ đầu hồi, hai cây si hiên ngang mọc lên. Rể si quấn chằng chịt, lan khắp mái như mạng nhện. Rồi rể si còn chui qua mái, bám vào tường. Có những sợi rể tìm đường tòi qua mái rủ mành mành vào lớp học.
Đứng xa, ngắm mái trường như một vườn cảnh, có cây có lá. Trẻ con đồn ở trên tường trên mái có nhiều dế mèn và ve sầu. Chẳng biết có không, nhưng dưới mái, lúc nào cũng ẩn nấp chim sẻ, từng họ nhà bọn dơi muỗi, dơi ngựa. Ban ngày, dơi bíu trên xà từng chùm lủng lẳng như những quả núc nắc. Chim sẻ thì lúc sinh sự cãi nhau, lúc thì tâm tình rầm rĩ. Để hòa với tiếng trẻ học nghê nga. Trong lớp, các bệ và bình hương đã được triệt bỏ một xó, chỉ có những hàng bàn ghế ốm yếu đứng tựa vào nhau trên kia. Trẻ con ngồi lên, huých, sát hai khủy tay. Trên tường, lơ thơ mấy tờ giấy dài dán các chữ xanh đỏ, viết mấy câu danh ngôn lớp nào cũng có, mà chẳng đứa nào hiểu là câu gì. Ngọc bất trác, bất thành khí. Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu 1, Thì giờ là vàng bạc.
Cuối trường, đục hai lỗ cửa sổ tròn tò vò. Trong lớp, sặc sụa hơi người và mùi trẻ con. Nhờ có hai cái cửa sổ đục, cái hôi hám tanh tưởi cũng thoát ra được một ít...
Hai cô ả đào Muỗi đào Huệ, tong tả đi vào cửa trường. Bấy giờ đương giờ ám tả của lớp học trò lớn. Những trò nhỏ thì ngoẹo đầu viết tô, đánh vần khe khẽ. Thầy giáo ngồi trong bàn, khuất sau mấy vì tre. Tiếng thầy dõng dạc đưa ra:
- Xong chua? Bởi thế mới tên là hồ Hoàn Kiếm "Oong boong ta la linh!"... 2
Tiếng ngòi bút gãi xuống mặt giấy, như tiếng ruồi bay vo ve. Điểm vào những nhịp đọc, cứ phát ra từng tràng khịt mũi sùn sụt. Ngoài cửa, lấp sau cái phên tre, ba bốn đứa bị phạt, quỳ lổm ngổm, úp mặt vào cái cột gạch. Tuy vậy, chốc chốc chúng lại thò chân sang đạp nhau.
Những đứa phải quỳ này đã trước nhất trông thấy hai cô tân thời lấp ló đi vào cửa trường. Hai cô cùng vấn tóc trần, đội nón kinh. Một cô mặc áo màu hoa đào. Quần lĩnh đen óng. Mỗi cô một đôi guốc mới sơn then, gót cao thon thon. Mặt cô nào cũng trắng bự và môi thì bôi đỏ hoe.
Ba đứa bị phạt quỳ ngoài cửa, làm hiệu nhắm nháy cho những đứa ngồi ở các bàn gần đấy. Mấy đứa ngoảnh ra. Qua lần phên, thấp thoáng cái gì lòe loẹt. Vài đứa nữa ngoảnh ra. Rồi, ra hiệu ngoằng bằng chân ngầm đá dưới gậm bàn, tất cả lớp cùng ngoẹo đầu lác ra hướng ấy.
Trên bàn, thầy giáo ngạc nhiên. Thầy gõ thước cạch cạch. Cũng chỉ lác đác mấy đứa nhìn quay vào. Tức mình, thầy giáo xách cái thước kẻ bảng sừng sộ đi xuống. Thế là thầy cũng ngó ra ngoài. Ngoài sàn, cô đầu Huệ trông thấy, reo lên:
- Ơ kia, anh giáo Câu!
Nhà giáo cầm cái thước dựng lên như cái đòn gánh, thò cổ ra ngoài phên, tựa con ngỗng đưa cái đầu lắc lư ra ngoài nan bu. Mặt anh ngớ ra, khi trông thấy hai người cô đầu đứng ngay ngoài cửa.
Cô Muỗi đon đả:
- Chúng em xuống chợ, nhân tiện tạt vào chơi anh. Học trò đông, vui nhỉ?
Câu tái mặt. Anh vẫn đứng chân trong chân ngoài, một tay vẫn cầm cái thước kẻ tay bám lấy cạnh cột. Anh luýnh quýnh đáp:
- Dạ. Vâng, đông... Các cô... chợ...
- Một mình anh dạy có đến một trăm học trò?
- Sáu mươi chín đứa.
- Gớm chưa! Nhà ai mà được ngần này đứa con nhỉ?
Cô Huệ pha:
- Có họa một ông ba mươi vợ!
Hai có cười rúc rích. Nhà giáo càng ngượng, vì câu nói nhảm. Anh quay lại. Đằng sau, lớp học đã biến ra cái chợ như hàng cá ném giấy trắng xóa. Có đứa chui xuống gầm bàn, nhòm ra. Có đứa lom khom, hếch mũi ra ngoài phên. Thầy giáo quắc mắt gõ thước.
Cô Muỗi nói:
- Chúng em về đây để anh còn bận bảo học. Hôm nào các anh lên phố chơi nhá. Đây sang anh giáo Hoạnh bên Phú Gia cũng gần, anh nhỉ?
Thực thà, Câu đáp:
- Ấy chết, hôm nọ...
- Chị ấy đánh nhau với anh ấy chứ gì? Chúng em biết ngay hôm ấy cơ.
- Thế a?
Câu ngạc nhiên buông một tiếng "a", thõng hàm xuống, và tròn mắt lên, trong khi hai cô ả đào quay ra Câu vẫn đứng trơ. Cô Huệ liếc nhắn anh một liếc. Anh không dám nhìn lại và thật hoang mang, anh lừ đừ đi vào. Tai đỏ hắt. Trán mồ hôi toát lâm râm.
Cho đến lúc tan học, anh vẫn chưa hết cơn ngơ ngác. Anh sợ lịm người đi được. Có hai người cô đầu đến tận trường ỏn ẻn hỏi chuyện anh. Cả sáu mươi chín đứa học trò cùng nhìn thấy. Chúng đương rì rầm kháo rằng thầy giáo quen hai cô tân thời. Những đứa học trò gái càng ríu rít tợn. Chúng nhìn trộm thầy, rồi nhe răng sún, cười với nhau. Giáo Câu chắp tay sau lưng, đi đi lại lại, bối rối nguồn cơn. Chưa biết có nên về hay không. Mỗi đứa học trò có một cái miệng để nói chuyện bô bô. Mỗi đứa lại có vài ba người nhà. "U ơi! Bầm ơi! Có hai cô tân thời áo đỏ quần trắng đi guốc cao gót đến trường cười cười nói chuyện chơi với thầy giáo cơ". Chốc nữa, cả năm xóm làng Nha, ai cũng nghe rõ ràng thế. Cả mấy đứa cháu cô Miến cũng học ở đây. Chúng nó ngồi kia, đứa bàn nhì, đứa bàn năm. Nhất định cô Miến ở nhà cũng biết nốt. Miến cũng sẽ biết tường tận như mọi người ta. Làm thế nào, trời đất ơi! Rắc rối quá.
Quả nhiên. Rắc rối thực. Giáo Câu bỗng vùng vằng đi về. Trường học ở ngay đầu làng. Trên cửa đình, lúc nào chẳng có mấy người ngồi ở bậc đá hóng mát. Bên đầu cầu Phượng, cái quán nước chè tươi, lúc nào cũng nêm người ngồi khít ghế, chuyện gẫu và nhìn người đi qua. Bọn học trò chưa về đến nhà, người ta đã tỏ tường cả rồi. Lại nữa, là ngày phiên chợ. Làng xóm tấp nập ngoài đường như mắc cửi. Hai ả nọ đi vào trường, ắt lượn qua cả mấy nơi ấy. Làng ở khuất, ít người lạ tới. Ai đến, người ta cũng dõi xem vào nhà ai, huống chi đây lại là hai cô tân thời "đờmi" quấn tóc trần, đi guốc gót đầm.
Hôm sau, Câu gặp Hương Kiệu ngoài hàng nước, hắn cười, hỏi ngay:
- Đầu Huệ có vẻ kết ông giáo nhỉ? Đến tận trường chơi.
Câu phàn nàn:
- Rầy rà quá!
Kiệu làm điệu nói nhỏ ra lối quan trọng:
- Này ông giáo phải coi chừng... Tim la, nổ ống khói thì chết bỏ mẹ, chẳng hay hớm gì đâu.
Khổ cho Câu chưa! Người ta tưởng Câu chơi bời lắm. Oan này nặng hơn oan Thị Kính. Lại hàm oan với cô Miến nữa, mới cay đắng làm sao. Cái hẹn đi đứt rồi, hơn một tuần nay, Miến không bén mảng qua nhà. Thỉnh thoảng, Câu thoáng thấy nàng đi chợ qua cửa trường. Chiếc nón lại che lệch lấp hẳn mặt, chỉ nhận được dáng đi quen.
Một bận, Miến có đến đưa tơ cho bà Thiêm quay. Giáo Câu hôm ấy có nhà. Bà Thiêm hỏi:
- Đi chợ mà không tạt vào cho bà gửi mua rau?
Miến đáp:
- Cháu bận, dạo này cháu không đi chợ.
Biết chắc là Miến nói dối. Câu vờ lảng ra cửa. Miến đi qua không nhìn. Câu đứng vườn, khẽ gọi theo. Nàng đi lừ lừ như không nghe tiếng. Câu đờ đẫn, tiu nghỉu. Cổ anh nghẹn lại. Hai hàng nước mắt râm rấp muốn bò ra.
Từ hôm ấy, anh lừ khừ như người ốm.
Ở đầu làng, giáp cầu Phượng, phía bên này bờ sông Lịch, trông sang lũy tre làng Yên Thượng có mấy ngôi nhà tranh dựa vách vào nhau, cái nào cũng ở bên vệ sông, tưởng như nhà cửa sắp ngã ngửa cả xuống dòng nước. Cái xóm xép, có mấy nhà nghèo khó ở đâu đến ngụ cư. Lẫn vào đây, hàng nước chè tươi, một quán thịt chó.
Quán này không ra vẻ một ngôi hàng. Mỗi buổi sáng, vào quãng mặt trời lên lưng bụi tre, lũ trẻ trong trường học ra giờ chơi, lại trông thấy lủng lẳng treo ở cái móc sắt một con chó trước cửa nhà. Con chó đã thui rồi, da vàng óng, cái đuôi cong vểnh, khung lưng uốn khum. Hai mắt chó trợn xếch, hàm răng trắng nhả chìa ra, như dọa trẻ con.
Chỉ một lúc con chó đã được chủ quán chặt ra từng mảnh, người trong làng lác đác ra mua. Người ta ăn thịt chó cũng nhiều. Có lẽ vì cái thịt chó ăn bỗ bã, rẻ hơn cá. Hai nhà ở cái xóm ngụ cư này bán thịt chó, ngày phiên chợ tơ có hôm hết cả con. Lạ là chó ở đâu đem đến lắm thế. Chó bị đánh bả, chó ốm hay chó chết. Cứ nghi hoặc thế, nhưng người ăn vẫn cứ ăn, ăn thịt chó uống rượu. Chỉ có đàn bà và người đồng bóng không ăn và không nhà ai đặt lên giường thờ cúng thịt chó cả.
Sớm Chủ nhật, giáo Kền với giáo Câu cũng lò dò ra hàng thịt chó đầu cầu Phượng. Hai nhà giáo mặc áo tấc trắng, đi guốc mộc, Kền đội mũ trắng, Câu để đầu trần rẽ lệch. Giáo Kền chui vào quán, hỏi to:
- Chó má thế nào nào?
Ở dưới bếp lão quán chạy lên:
- Chào hai ông giáo. Hôm nay thật cày dòng đấy.
Kền bấm móng tay vào mảnh thịt đặt trên thớt, gật gù:
- Ờ, cho anh em tôi năm hào thịt, hai hào lòng. Nhiều gan vào. Chặt nhỏ nhé. Nhiều húng nhiều mắm tôm...
Lão nhà hàng xẻo thịt chó. Kí cốp chặt, một lát, đã được một vốc thịt, một đống lòng gan, lù lù. Tất cả, gói vào hai mảnh lá chuối, riềng và nắm rau húng quế. Mắm tôm thì đổ vào tàu lá dong, xách riêng. Đã phòng sẵn, giáo Kền lấy trong túi ra mảnh giấy nhật trình to gấp đôi, trải xuống chõng hàng, rồi cuốn cả hai bọc lòng, thịt vào. Câu cắp lên tay như bọc sách vỡ các nhà thầy cầm cẩn thận.
Trả tiền rồi, hai người đi vòng lũy tre, ra cánh đồng, sang bên Phú Gia. Vừa đi vừa nói chuyện. Cánh đồng trải ra hai bên đường những thửa ruộng trồng mầu, đất trắng bệch. Lác đác mấy củ cải héo, chuột gặm chỉ còn trơ gốc đám cà chua muộn. Những luống khoai lang chuột cũng rũi tơi tả, hay là người rỡ trộm không biết. Cuối đồng, chẹt vào những khoanh tre xanh rì, hai cái cột trụ đầu làng quét vôi trắng xóa, cổng làng Phú Gia.
Kền nói:
- Tay Hoạnh ưa cái khoản cẩu nhục này lắm.
- Anh ta bảo ăn miếng giồi chó thì đầu óc sáng suốt, nhai miếng thịt chó, tỉnh táo cả người.
Kền cười:
- Mình không đến nỗi mê thịt cầy nặng như thế. Nhưng thỉnh thoảng được chén, cũng thú. Hôm nay con chó ngon đấy.
Câu nói:
- Cứ kể sang bên Hoạnh thì tĩnh mịch thực. Mà tôi vẫn ngại vợ ông ta. Từ dạo vợ ông ẵm con sang tận Nha để trách, tôi vẫn khó chịu lại ngượng nữa. Có khi chị ta vẫn còn cáu mình.
- Vợ Hoạnh bụng dạ phổi bò lắm. Nói đấy, lại quên ngay. Chắng thế mà hôm nọ gặp tôi ở cửa đình Thượng, lại vồn vã mời tôi sang, lại trách sao lâu không sang chơi. Có thế, hôm nay mới đi, không phải bỗng dưng đâu.
- Vợ chồng ông này cãi nhau, có khi đánh nhau.
- Chuyện! Vợ chồng thụi nhau như cơm bữa.
Ngẫm nghĩ một lát, Câu ngẩn ngơ nói ra ngoài chuyện:
- Nghĩ chơi cô đầu cũng hại thực.
- Hại chứ. Đã có câu hát: "Cô đầu, cô đít, cô đuôi. Cửa nhà bán hết ai nuôi cô đầu". Được cái chúng mình chẳng có gì bán mà vẫn chơi được.
Câu rầu rầu:
- Tôi bơ vơ mà cũng hại.
Kền cười. Cái cười góp, Kền không hiểu cái hại của Câu thế nào. Câu chỉ ngậm ngùi với bước chân đi. Đã vào đến cổng làng. Sau nhà trường, cách cái ao bèo tấm đầy rau muống, đến nhà ông giáo Hoạnh.
Nhà giáo Hoạnh có ba gian. Một gian bên có phên vách. Đấy là buồng vợ ông giáo nằm với đứa con nhỏ. Trong ấy còn đồ đạc gì nữa, thì không trông thấy, lúc nào cũng tối om om, mùi đất mốc xông lên rợn người. Gian giữa, một cái phản và một cái chỏng kê khít nhau. Phản và chõng vừa làm chỗ ăn cơm vừa làm chỗ ngủ của thằng Biền, cái Gia và có khi của nhà giáo. Nơi đây còn một cái cũi đóng toàn tre đực chắc chắn, để đựng mấy cái quần áo và những thứ vặt vãnh bề bộn.
Trên vách, mấy tờ tranh tiền, tranh lợn, dán đã từ mấy Tết nay. Trong vách giữa, choán cả gian, một bức tranh bằng vải sơn đã tróc loang lổ vẽ cảnh đền Ngọc Sơn, cái cầu đỏ, chiếc tháp đá cao và dưới hồ, hoa sen đỏ, lá sen xanh. Tấm vải phông đã ố, nhiều chỗ xơ ra như mướp. Cái mảnh dưới, trẻ con mó vào luôn, đen thui.
Trong nhà không có bàn thờ. Bàn thờ đặt ngoài sân, nó là một cái cọc tre, đứng bên vại nước. Nom như cái bàn cò quay trên chợ ngày phiên, đây là cái cây hương cúng thần Đất. Gian bên trái, trống hốc không có vách. Dây thài lài, dây bìm ở dưới rãnh bò ngổn ngang, vươn vào. Chái này, dùng làm bếp. Ông đồ rau gạch vồ ngồi vùi trong đống tàn tro. Vài chiếc nồi đất cắm cọc treo rải rác ở hóc cột. Dưới mặt đất ẩm, những cụ cóc ngồi chầu hầu, thỉnh thoảng lại tép lưỡi bắt con bọ mạt, con muỗi. Nhà này là nhà thầy giáo mà đố ai bới đâu ra được một quyển sách, lọ mực. Chỉ những giẻ rách và giấy lộn vớ vẩn. Sách vở, nhà giáo để cả lên mái ngoài nhà trường.
Kền và Câu bước vào trong sân, đánh tiếng chẳng thấy ai thưa. Hai người cúi xuống, chui vào nhà. Đương ở ngoài nắng, thò đầu vào đây, hai mắt tối sầm. Đứng một tí, xung quanh mới rạng dần. Hai nhà giáo nhìn đất dưới gầm phản, hai thằng bé con trần truồng nằm ngủ li bì. Thằng lớn là thằng Biền. Hai tay quấp đầu thằng cu Con, môi dưới trề xuống, dãi chảy nhơn nhớt. Cu Con đạp một chân lên bụng anh. Cổ chân nó còn bị buộc một sợi thừng gai, một đầu trói vào cái mễ phản. Dáng hẳn mẹ đi vắng, đã giao cho thằng lớn giữ em, nhưng vẫn chưa chắc, nó ngủ nên phải buộc như thế.
Cũng phải. Nhà này, trước cửa có ao. Năm nọ, vợ chồng nhà giáo đã mất một đứa con về nghiệp nước rồi. Thằng bé xấu số ấy là vai sau cái Gia, anh thằng cu Con đấy. Mẹ nó đi chợ, để cu Biền giữ em. Thằng bé bò ra sân, rồi bò xuống ao. Mẹ về chợ, lay Biền dậy. Hai mẹ con nhớn nhác tìm thằng bé. Người mẹ ra bờ ao trông thấy trong đám rau muống nhô ra một cái cẳng chân trẻ con. Đã bị cái chợn, nên khi có thằng cu Con, hễ đi đâu, mụ cũng cột chân nó lại chỉ cho bò quanh gầm giường. Muốn ngủ, cứ việc lăn ra ngủ. Trẻ con nằm đất, các cụ già bảo nằm đất mát và khỏe người, lại lặn được cả rôm sảy.
Hai nhà giáo loanh quanh, chưa biết ngồi vào chỗ nào. Ngoài sân có tiếng chân đi bịch bịch. Rồi một cái đầu búi tóc ngược nhô vào.
- Kìa hai bác sang chơi.
À, bác giáo Hoạnh. Bác giáo gái đi tắm ở ngoài ao về. Một tay cầm chiếc gáo dừa. Một bên nách cắp cái rổ đựng quần áo. Tóc bác tóm lại, quấn tròn thành một núm chon chỏn xế đỉnh đầu, như búi tóc bà Trần Đông Sơ, trong tranh ở truyện Nhị Độ Mai. Bác lon ton chạy vào, lấy cái gậy, dựng tấm dại tre trước cửa. Ánh sáng bừng hửng lên.
- Hai bác vừa mới sang?
Kền nói:
- Chúng tôi vừa đến. Bác trai tôi đi đâu ạ?
- Nhà tôi vào trong nhà ông chánh Rụy. Đâu đi tính hộ cái sổ thuế gì ấy. Đi đã lâu, chắc cũng sắp về, hai bác ngồi chơi. Biền ơi! Dậy đi con, dậy đi gọi thầy. Có hai bác giáo sang chơi. Đã lâu lắm, hai bác bận gì mà chẳng thấy sang?
Kền cười:
- Từ độ hai bác vặc nhau ấy mà.
- Ấy tôi cứ như con mẹ điên. Hơi một tí là tôi lên cơn chạy linh tinh. Chắc hôm ấy các bác buồn cười lắm nhỉ?
- Không, nghĩ chuyện người ta ở đời, chúng tôi chỉ giận sao tối hôm ấy không can bác Hoạnh.
- Nhà tôi thì có ông Thiên Lôi can. Bác Câu mang cái bọc gì to thế kia?
- Thịt chó, thịt chó. Chúng tôi mang sang khao hội đoàn viên anh Hoạnh. Nhà bác phải đăng cai. Có được không ạ?
Mụ Hoạnh cười toe toét:
- Được ạ, được ạ. Cái ý thì được. Tôi chứa cơm chứa rượu hử? Cứ thế là phải, tôi bằng lòng quá. Chơi bời cô đầu nhà trò chỉ hại tiền hại của mà rạc người ra chứ được tích sự gì.
Kiền nói:
- Nhà ta đăng cai thôi. Cơm rượu các thứ anh em tôi canh ty nhau cả rồi. Bác chỉ phải lo thế cho.
Có tiếng trẻ con í ới ngoài sân. Giáo Hoạnh đã về. Cái Gia đi sau lưng bố, cầm chiếc que đập đập, giả cách được cưỡi ngựa, cười như nắc nẻ. Lúc ấy thằng Biền và thằng cu Con cũng đã trở dậy. Biền cởi thừng buộc chân cho em. Hai đứa ra ngồi bậc cửa. Bốn con mắt ngái ngủ ngẩn ngơ nhìn các ông khách.
Hoạnh trông thấy hai bạn, reo lên chạy vào bắt tay. Nghe vợ kể chuyện và nhìn thấy gói thịt chó, anh ta múa hoa cả hai tay lên. Bấy giờ hai vợ chồng nhà giáo và ba đứa con cùng đứng vào một góc, góp thành bức tranh gia đình. Hai đứa trẻ cởi truồng, bụng ỏng rốn lồi ra như hai quả mít. Đứa mặc áo, lại toét mắt, và cả nhà này mẩn đỏ bị muỗi đốt nhiều quá. Tháng Ba, muỗi hoa xoan, nhà lại ở cạnh ao, muỗi bay, quơ tay vốc được. Khắp mặt ai cũng lấm tấm sần sùi - chỉ trừ hai con mắt. Người lớn, trẻ con luôn luôn ngứa ngáy, hai tay bắt quyết vào nhau đen đét. Những nốt muỗi đương biến ra nốt ghẻ ruồi.
Cũng chẳng sao. Câu chuyện trong bóng muỗi mù mịt cứ râm ran như ngô rang. Hai đứa trẻ bu lại, tò mò nhìn bọc giấy để bên cạnh bác giáo Câu. Thằng Biền lủi vào bếp, nhóm lửa, đun ấm nước, trong khi bác Hoạnh trai dặn với ra ngoài ngõ:
- Nhà nó lấy năm bánh đậu phụ. Lấy hai xó chai rượu ty. À nhớ mua ớt, nhả!
Thức chén đã sửa soạn xong. Bác Hoạnh gái đặt ấm nước, nhét thêm cái củi vào cho bếp chảy âm ỉ, rồi bưng cái mâm chõng sang gian giữa. Thằng Biền hí húi xới cơm vào cái thùng gỗ. Rồi nó ôm thùng lên, để sẵn ngoài đầu phản. Xong việc, Biền ẵm cu Con, xua cái Gia, ba anh em lếch thếch ra đầu ngõ nặn đất thó chơi bầy đình chùa. Không dám chăn các em đi chơi xa, chỉ quanh quẩn đầu xóm, sợ thỉnh thoảng bố có gọi gì chăng. Người lớn đàn ông vào chén rượu, đến sau còn gì thì trẻ con và đàn bà ăn, xưa nay vẫn thế.
Mâm cũng tiềm tiệm được, theo những con mắt của ba nhà giáo châu đầu quanh mâm. Một đĩa thịt. Một đĩa lòng. Bốn bánh đậu phụ. Mắm tôm, riềng, húng để một góc mâm. Lát nữa ăn cơm, thêm bát canh rau muống nấu gừng. Rượu lưng một chai bố, rót ra ba cái chén đàn uống nước. Lúc nãy chén đã được cu Biền đem chén cọ sạch cấn nước vối.
Bắt đầu vào cuộc, không ai nói năng gì mấy. Thỉnh thoảng, Hoạnh khậm khà khen cái thịt cầy hôm nay mềm. Rượu chừng hai chén, bắt đầu có đôi mẩu chuyện vặt qua lại. Câu chỉ ngồi lừ lừ. Đôi chốc nhăn mũi nhấp chút rượu, rồi nét mặt lại lìm lịm. Con mắt như mải nghĩ chuyện đâu đâu.
Hoạnh đùa:
- Ngồi như bụt mọc thế? Nói chuyện cho vui chứ? Cơn cớ sao mà buồn?
Câu mỉm cười, thở khà một tiếng:
- Không, có sao đâu.
Kền gật gù:
- Nghĩ người ta ở đời cũng nên vui một tí. Ba vạn sáu nghìn ngày là mấy. Sống thác âu rằng ai cũng một lần.
Hoạnh cười thực to:
- Khá! Ai cũng một lần.
Hoạnh lại cười thực to:
- Ai cũng một lần.
Hoạnh nói:
- Hôm nay ông anh thuyết giỏi. Anh em mình đây mà cứ nghĩ ngợi lẩn vẩn thì lúc nào cũng đến mặt chữ nãi ra thôi, ông chẳng ra ông, thằng chẳng phải thằng, chẳng ra làm sao. Cái bài thơ ấy gì của bác Kền nhỉ?
Kền đắc chí, gật gù:
- Không phải của tôi. Của ông Tú Xương. Hờ hờ...
Lúc túng toan lên bán cả trời
Trời cười thằng bé nó hay chơi
Ô hay công nợ âu là thế
Mà vẫn phong lưu suốt cả đời.
Hoạnh nói to:
- Hay, hay. Bác cạn chén rượu thưởng này cho tôi. Cứ kể như anh em mình đây, tiếng thế, cũng còn bằng vạn thằng khác. Mình khổ thực, mà lắm lúc nghe chuyện chúng nó muốn đổ hai hàng nước mắt. Tôi đã lăn lóc cái nghề này, tôi biết. Nhiều cảnh đau lòng lắm. Có anh dạy học trừ nợ. Có làng chỉ giả được mỗi tháng có ba đồng, cơm nuôi. Ở thì ở, không ở thì bước. Giáo Năng trên Bặc ta biết đấy, mà chẳng đâu xa nữa, cảnh tôi đây thôi. Ngán lắm. Nói ra bảo phụ nghề chứ, bao giờ xoay xỏa được cái khác, tôi cũng xin vái tổ...
Chú thích:

1

Dịch nghĩa: Ngọc không mài, không thành. Ngậm máu phun người, trước tiên bẩn miệng.

2

Tiếng Pháp: (un point à la ligne) một chấm, xuống dòng.

Dầu Tiếng - Bến Ray - tháng Chạp 1942 
Tô Hoài

Theo https://vietmessenger.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...