Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Giăng thề 2

Giăng thề 2

Chương VI

Ghi chú:
Kiểm duyệt của Pháp ở Hà Nội năm 1942 đã cắt bỏ chương VI tiếp theo.
Đại ý chương này như sau.
Nhà giáo Kền tính bướng bỉnh hay gây sự với hương lý. Bọn hương lý ghét Kền đã vu cho nhà giáo hay làm thơ chửi đời, lại có âm mưu lập "hội kín" chống nhà nước. Vì Kền chỉ là hương sư, lương tháng do làng trả, nên làng có quyền mượn hay bỏ. Giáo Kền đã bị hương lý làng Thượng sa thải đuổi khỏi làng.
Năm sau, giáo Kền ra mỏ ngoài Uông Bí, xin được việc làm ngoài mỏ.
Thư từ giữa Kền và Câu, Kền có nói bóng gió với bạn về sự giác ngộ vào tổ chức cách mạng của Kền.
Chương VII
Bấy giờ đã tan học buổi chiều. Ánh nắng xế nghiêng ngoài gò cỏ. Câu lúi húi kéo cái phên nứa, rấp lối vào lớp học. Cái phên xiêu vẹo ấy là tấm cánh cửa nhà trường. Mấy cái đầu trẻ con còn lấp ló ngoài cột trụ. Bỗng một đứa hét vào:
- Thưa thầy, có khách.
Nhà giáo giật thót lưng lại. Bởi từ khi tự dưng mà Câu phải tiếp hai con ả đào tai ác kia, hễ nghe ai nói lấp loáng "có khách", nhà giáo đã nhớn nhác ngay.
Mấy đứa trẻ la lên như thế, rồi chạy biến.
Ngơ ngác nhòm ra, Câu lại thấy một tốp học trò lố nhố đi từ phía cầu Phượng lại. Dáng hẳn lũ này bắt gặp khách hỏi thăm, chúng bèn xúm xít, đưa đến trường. Mấy đứa hớt lẻo nhanh chân chạy đến báo trước.
Khách đương đi trong đám học trò, khách đi giữa. Ba bốn đứa dẫn trước. Có đứa đi giật lùi ngắm nghía khách. Mấy đứa ríu rít sau lưng. Nom như trẻ con đương chơi đám rước.
Nhưng kể khách cũng khá lạ mặt, khách là đàn ông. Một điều cũng bớt lo cho nhà giáo Câu. Khách đã đi vào đến trong sân. Đó là một chàng mặc quần áo tây, - người mặc quần áo tây thì oai thực. Chàng đội chiếc mũ trắng đít vịt, lại dìm mũ lệch nghiêng một bên. Cái mũ to tướng, dầy cộp, mà mũ chỉ nằm hờ một góc đầu. Chàng mặc áo sơ-mi cộc tay. Áo màu vàng, rộng thùng thình. Hai bên ngực có hai cái túi to. Ở giữa, đáng lẽ là hàng khuy, lại là hai sợi dây vải vàng vắt chéo chân rết, leo cho đến chỗ hai cái tai cổ bé. Quần là ống thẳng đuỗn. Chân mang đôi giày, đế kép trắng. Bước êm tờ, lặng như đi chân đất. Lũ trẻ con, nhìn ngần ấy thứ, đã choáng mắt... Giá xem được kỹ hơn, chắc chúng nó còn thấy hai chiếc giày có hai lỗ thủng, lòi ngón chân út xám xỉn, ám bụi cát đường cái.
Khách đã bước vào đến thềm lớp. Chàng ta ngả mũ, cười. Cái mặt thì đen thui, hai hàm răng to trắng lôm lốp. Chàng thò tay ra bắt tay Câu:
- "Bông dua" 1 ông giáo! Tôi là Răng, Trần văn Răng, mới đến bên Yên Thượng.
- A, ông giáo mới làng Thượng...
Nhà giáo mới làng Thượng cười ha hả:
- Phải, phải, chỗ đồng nghiệp mà. Tôi mới đến hôm qua. Hôm nay đi thăm anh em xung quanh.
- Mời ông vào ngồi chơi trong này.
- Thôi vẽ. Chỗ anh em cả. Đứng đây cho mát. Xừ 2 cứ gọi tớ là toa, moa 3 cho tiện. Đường đi lại về sau còn dài.
Rồi nhà giáo tên Răng lần túi áo trước ngực, móc ra bao thuốc lá Ba tốt. Chàng lại sờ túi bên cạnh lấy bao diêm.
- Vu 4 cứ ăn tự nhiên với moa một điếu thuốc, vu đừng ngại gì hết. Vu lấy đi...
Bất đắc dĩ, lúng túng lính quýnh nữa, Câu rút điếu thuốc. Một que diêm xòe. Hai điếu thuốc cùng phập phèo cháy. Khói xanh từng làn mỏng uốn éo. Câu chuyện trao đổi qua lại.
- Vu dạy ở đây từ bao giờ?
- Tính có mấy năm rồi.
Răng trợn tròn hai mắt:
- Mấy năm? Ô là la! Chịu khó quá. Moa mà ở liền cái chỗ nhà quê cơm hẩm này mấy hôm cũng mủn người ra rồi. Vu có biết không? Moa đã đi giang hồ du lịch khắp năm xứ Đông Dương. Thôi thì đủ. Từ Nam chí Bắc. Nào Sà-goòng, nào Hà Nội, nào Yên Bái, Lào Kai. Tuốt tuốt...
- Ghê nhỉ?
- Cái tính moa thế. Chỗ anh em moa không nói phét. Ở đâu lâu một chỗ, nóng lòng nóng ruột, không chịu được... ấy moa vừa ở Huế ra. Ở Huế sướng lắm. Nước sông Hương chảy lờ đờ. Con gái đi chân đất, đeo kiềng vàng, cười cứ tít hai con mắt. Thú lạ.
- Thú nhỉ...
- Phải, thú lắm.
- Thế bác vào làm gì trong ấy?
- A moa đi buôn. Moa thì đủ nghề, đủ ngón tháo vát. Làm chủ có. Làm thợ có. Dạy học cũng đã từng. Lại dạy cả võ. Võ moa khá lắm. Chẳng phải nói phét, cái khổ người lẻo khoẻo như toa, moa đánh ngã hàng tá. Dạo ở Lao Kay, đã khét tiếng. Bây giờ toa mà lên đấy, toa cứ hỏi xừ Răng Hà Nội ai cũng nhớ. Vỏ Tàu. Vỏ ta. Vỏ Lào. Moa đã tranh giải vô địch Bắc Kỳ rồi đấy.
- Bác là vô địch Bắc Kỳ?
- Không. Đánh hòa thôi. Hai bên cùng chịu nhau.
- Bác tài thực.
- Moa tài lắm chứ... Để hôm nào uống rượu mà nói chuyện vỏ mới hợp. Nhưng ở đây chán thiu người ra thế này.
Thầy giáo Răng lại hùng hổ nói:
- Moa nể quá. Chẳng nhẽ ông chánh Yên Thượng ông ấy nhắn mãi. Nhưng thôi cũng chẳng cần gì. Dạy chơi ít lâu, chan chán rồi thì moa lại đi giang hồ. Moa nó như con dao pha. Nay đây mai đó, leng beng lung tung, mà sướng hơn quan huyện đấy. Không nói phét đâu.
- Dạy học thế này, chắc bác khổ bác ngại lắm?
- À, cái khổ thì moa đã khổ nhiều rồi. Ngọt bùi cay đắng đã nếm đủ mùi phong trần. Chỉ còn ao ước chưa được đi ngoại quốc một chuyến, sang Tàu sang Tây chẳng hạn. Ở cái làng bên trên kia, đi qua cánh đồng là làng gì nhỉ?
- Làng Phú Gia.
- Ờ ở làng Phú Gia. Làng ấy cũng có trường?
- Có, cũng có trường. Người bạn tôi dạy bên ấy.
- Moa biết rồi. Từ hôm qua, moa đã di dạo khắp. Đến đâu phải thuộc thung thổ ngay nơi ấy chứ. Không nói phét, dắt đất vào ăn cướp được rồi. Vùng này ba làng đều có trường. Đây là một. Bên moa là hai. Ở Phú Gia là ba. À, thế cái xừ giáo ở Phú Gia là xừ gì nhỉ?
- Bác Hoạnh.
- Hoạnh. Nhớ rồi. Toa là Câu, giáo Câu.
Câu cười:
- Gớm, bác này tài dò dẫm nhỉ?
- Chuyện, nghề phải thế chứ. Còn moa Trần văn Răng đít Cao Sơn các-vi-dit đây. 5
Răng giở bím, lấy ra một tấm danh thiếp trắng lốp. Ở trong, có hàng chữ nửa ta nửa Tây: Trần văn Răng dit Cao Sơn à Hà Nội. Răng đưa cho Câu. Câu đón lấy, ngắm nghía. Trong khi đó, Răng lại nói ba hoa trời đất một lúc. Câu cũng chỉ nghe lơ mơ thôi. Bụng anh đã đói mõm, sôi rong róc. Tính rụt rè lại hay ngượng nghịu, Câu không biết nên nói thế nào để về được. Đành đứng ừ hữ, đưa đẩy câu chuyện.
May sao, Răng giơ hai tay nói to:
- Ô là la, sắp tối rồi. Moa phải về ăn cơm. Ở đây người ta ăn cơm sớm quá. Toa cũng về ăn cơm chứ?
- Dạ, vâng.
Hai người cùng đi ra. Lũ học trò từ ban nãy vẫn đứng vớ vẩn ngoài cột trụ. Chúng đợi xem ông giáo Răng. Ông Răng và ông Câu thủng thỉnh đi ra. Lũ trẻ lắp ló bước theo sau. Rồi chúng còn chịu khó đi theo sang tận bên kia cầu Phượng, để nhìn theo thầy Răng. Đến chỗ rẽ vào trong xóm. Răng bắt tay Câu nói:
- Chủ nhật này moa sang, toa dẫn moa lên chơi xừ Hoạnh nhé. Moa cần giao thiệp rộng.
Câu đáp lại, ấp úng.
--------------------------------

1

Bông dua ( Bonjour) chào.

2

Toa - moa ( mày tao) tiếng Pháp, cách xưng hô với bạn bè thân thuộc.

3

Xừ là từ tiếng Monsieur gọi tắt.

4

Vu (Vous) Ông hoặc Bà.

5

Moa Trần Văn Răng đít Cao Sơn các vi dít đây ( Tôi là Trần văn Răng biệt danh là Cao Sơn, danh thiếp của tôi đây)

Chương VIII
Phú Gia là một làng nhỏ, ken giữa mấy cánh đồng làng khác. Không hiểu sao, lại có một làng con con như thế lẻ loi giữa bốn bên đồng ruộng các làng thiên hạ. Số đinh trong làng không quá năm mươi tên. Chỉ có vài ba chục nóc nhà lèo tèo. Làng cũng không có nghề nào là nghề chính. Mấy nhà theo nghề dệt lĩnh lụa canh cửi đều ở bên làng Nha, làng Thượng. Đây chỉ có nhà làm vườn, trồng rau. Có những nhà chuyên nghề kiếm ăn mò cua bắt ốc ngoài hồ. Bởi thế, người ta thường kể rằng làng này xưa chỉ là nơi tụ họp những người đâu đâu trôi giạt đến, lâu dần lập nên làng xóm.
Đã thưa người, làng lại nghèo. Chân phó lý khuyết mấy năm rồi, mà chưa có ai thay. Ông thư ký trong hội đồng kiêm cả chân tộc biểu. Gọi là đất cò trắng, đến đỗi bao nhiêu lâu chẳng có anh mõ nào đến xin việc hầu hạ việc làng.
Ấy thế nhưng cũng may, làng còn có nổi cái trường học. Và như các làng Thượng, làng Nha lương trả ông giáo thì quỹ làng chịu. Vì thế mà con em trong làng được kéo nhau đi học tận suất.
Năm nọ, trường mới mở cửa, có cả những bác đầu to như cái rành, cũng ra nhờ thầy giáo khai sáng cho "ăn mày thánh" mươi chữ. Người ta đồn bây giờ chữ quốc ngữ dễ học hơn chữ Nho, chỉ chịu khó nửa tháng đã biết đọc được truyện Kiều, truyện Nhị Độ Mai. Nhưng chỉ háo hức mấy hôm đầu. Rồi cũng bỏ dở cả vì miếng cơm manh áo phải lo. Vả lại, con trai lớn đi học hay bị bọn con gái chế giễu. Thà chẳng học thì đừng... Rồi, ra trường học chỉ còn trẻ con lau nhau. Có hơn bốn chục đứa, mấy năm nay, ông Hoạnh vẫn dạy mấy chục đứa trẻ ấy.
Những đứa bé đến trường mặc áo hay cởi trần cũng được. Con thầy giáo, thằng Biền đi học. Mực tím nham nhở đầy bụng và đầu. Khắp người chỗ nào lấm tấm nốt ghẻ, và mảng đầu chốc quết mực vào, - phẩm tím cũng là thuốc chữa ghẻ. Cu Biền cởi trần trùng trục. Hiếm lắm mới được có khi mặc, cái áo thải của thầy nó mà riêng cái túi áo cũng che lấp cả bụng cu Biền. Con thầy giáo ăn mặc sười sã như thế, cả lớp, quần áo học trò cũng rập theo na ná vậy. Thầy giáo Hoạnh là một tay chơi, ăn vận bao giờ cũng chỉnh tề nhưng thầy chả có đâu mà để mắt đến học trò và con cái.
Thầy Họach chăn dắt đàn học trò được mấy năm mà đến năm nay, vào tháng sáu tây này có bốn đứa sắp đi thi sơ học yếu lược trên phủ. Kể ra, làng Thượng có được cái trường cũng đã là nhiều khê và khó khăn lắm. Nhưng cũng đã bởi lộc trời. Ngoài lối đi ra ngoài sông có một bãi trồng vải, các cụ trồng vải đã từ đời trước. Năm nào cũng vậy, quăng sang tháng Tư, quả vải đã nhu nhú chớm xanh, làng lại họp hội đồng để bán thầu bãi vải cho lái buôn các nơi! Năm nào cũng được ngót hơn một trăm bạc. Tiền chi vào trường học của làng đều nhờ trông vào bãi vải bán non. Nhưng năm nay, đã xảy ra việc rắc rối.
Bấy giờ đã hết tháng Ba, lá nhãn trên cành đã rợp đường. Trong trận mưa mới, đã có những cơn sấm rền. Hoa nhãn, hoa vải, hoa hồng bì đã rụng từng chùm màu vàng đợt đợt li ti như cánh vỏ trấu, rải đầy mặt đất. Quả non chớm, năm nay chắc được cả mùa vải, nhãn và hồng bì. Cây nào cũng chi chít những chùm quả non xanh.
Đột nhiên, một hôm trời đất u ám. Buổi trưa, gió nồm thổi hây hẩy. Mây đen kéo về xám nghịt.
Bắt đầu nổi gió to, như muốn bão. Mới vào hè, mà đã có mưa rào dữ, mưa như trống đánh tơi tả vườn chuối. Mưa rào rào, dưới ao, nước mấp mé dâng lên vườn. Từng đàn cá rô, theo nước mới ngoi lên bờ, rạch khắp nơi.
Đến lúc tạnh mưa, cây cối phờ phạc tả tơi. Những cây hồng bì rủ rượi, bao nhiêu quả non rụng hết trong trận mưa rào nặng hạt. Và những hoa vải, hoa nhãn, hoa muỗm cũng rã rời cùng chung số phận khốn khổ ấy.
Mươi hôm sau, lại một trận mưa tai ác thế. Thế là năm ấy, mất mùa vải. Chim tu hú xa xa kêu ròng rã mấy tháng hè, báo hiệu mùa vải mà suốt cánh bãi chỉ có vài chùm vải muộn, quả sắt seo, đen xỉn đầu cuống.
Thế là tiền bán vải cho lái buôn năm nay không có. Tiền là của trời, mà trời không cho, đó là điều không may.
Nhưng các ông trong hương hội, các cụ phụ lão và ông phó lý không phải chỉ lo tiền chi vào trường học hàng tháng. Mà các nhà chức dịch còn một việc nóng hơn. Là cái đình làng, cần tu sửa ngay. Mái hổng, trông qua từng lỗ lên trời. Nước mưa chảy vào trong đình như nước rãnh lội ngoài sân. Mấy cái rui, mấy cái cột lớn đình đã chớm vết mối mục ruỗng cả. Rêu ám xanh om. Ở gậm án thư, mọc từng đám cỏ trắng bệu những cây nhãn, cây vải con con.
Buổi chiều ngày ba mươi, đầu tháng, theo lệ thường, ông từ ra mở cửa đình, vào hậu cung thắp hương. Ông vào, không thấy ông ra. Không ai chú ý vì ông từ vẫn ra ngủ đêm ở bục gỗ ngoài đình. Sớm hôm sau, cái đĩ Con ra ngoài đình gọi ông về ăn cơm. Đến trưa, cũng chẳng thấy ông cháu về. Bố nó bổ ra đình. Trông thấy ông từ úp sấp bên gậm bục. Cái đĩ Con nằm nghiêng, mặt tái ngoét, mắt trợn ngược lòng trắng.
Ở trong bụng áo ông lão, con rắn mai gầm khúc vàng khúc trắng, to bằng cái cẳng chân người lớn, ngoằng ra, luồn bụi cỏ giữa bục gỗ.
Trong xóm, nghe tiếng kêu, mọi người đổ ra. Ông lão bị con mai gầm cắn từ chiều hôm qua rồi rắn lại chui vào ngủ trong bụng áo ông lão. Đến khi đĩ Con ra đình. Nó tưởng ông uống rượu nằm chơi, nó đến lay ông...
Hôm sau, người ta bới đóng cỏ trong gầm án thư đánh chết được con rắn mai gầm dài hơn cái đòn ống.
Từ ngày ông từ chết, không ai dám lai vãng ra đình, cũng không cụ nào ra thế chân thủ từ đình. Đến rằm mùng một, phải đốt đuốc, soi các góc đình, các cụ mới dám theo tuần đinh vác dao vào thắp hương.
Cần chữa đình lại. Các đàn anh trong làng đã dự trù việc làm đình. Có thể lấy tiền bán các chân chức vị. Một chân "lý hào" sáu chục. Mỗi chân "hương hào" bốn chục. Mỗi tên "nhiêu" thì mười đồng. Phải lúc bình thường, chân "lý hào" ít ra phải chồng một trăm không kể khao vọng. Quèn bét hạng như anh "nhiêu" cũng giám ra hai mươi lăm đồng. Nhưng tính rồi cũng chưa đủ. Xem chừng cũng chẳng bán được mấy chân chức việc. Có cái lý, cái hương, anh nhiêu khỏi phải đi đê, đi phu, lại được vai quan viên ngồi văn chỉ, nhưng bới đâu ra tiền thêm mà làm đình.
Ông phó lý nói:
- Trên thưa các cụ, tôi thiết tưởng việc chữa đình phải hưng công ngay. Còn một ít nữa, định trông đỡ vào bãi vải. Vải năm nay lại mất mùa. Ta đem hạ làm củi tất cả những cây cỗi ấy đi, rẻ ra cũng được xấp xỉ trăm bạc. Rồi gọi lái bán non luôn một năm vải sang năm. Cái giống vải bao giờ cũng được mùa cách năm. Các cụ nghĩ sao?
- Còn trường học thì tính thế nào?
- Trường học thì ta đặt lệ...
- Dào ôi! Đình nát thì thánh sai rắn về cắn chết người đấy. Chẳng có ông giáo cũng đành, đón quách ông đồ, chỉ mất cơm nuôi, cuối năm tiễn mươi đồng là êm chuyện.
Người ta cho là chí lý theo lời bàn của ông phó và các ông hương hội. Còn nhà nào còn có con em đi học thì tháng tháng phải đóng tiền. Công việc làm đình bắt đầu. Làng đã cắt người ra bến mua gỗ, đi thửa gạch, thửa ngói, tìm thợ ngõa, thợ xây. Ban hương hội cũng báo cho ông giáo Hoạnh biết các cụ bàn về trường học như vậy.
Chẳng ai báo, hương hội chưa bàn xong thầy giáo Hoạnh đã biết cả rồi.
Cảnh trường cứ tiêu điều. Đầu tiên, vãn đi quá một nửa học trò con cái những nhà ông xót tiền. Tháng ấy, chỉ còn những đứa trẻ nhà ông trong ban hội đồng đương thứ. Tháng sau, con cái nhà các ông chánh, ông phó cũng nghỉ học. Rồi chỉ còn lại bốn đứa, mai kia sắp lên phủ đi thi lấy bằng Sơ học Yếu lược. Cha mẹ có cho con theo thầy, dù mỗi tháng phải tốn một hào bạc với hai xu tiền phấn viết bảng.
Tình cảnh giáo Hoạnh nguy ngập quá. Lương lậu lọt đọt chẳng còn ra thế nào. Cho tới tháng thứ ba... Cả những ông chức dịch như cũng muốn lờ đi. Người ta còn đương tíu tít chạy vào việc làm đình.
Một hôm, giáo Hoạnh vào nhà ông phó lý. Từ khi có lệ học trò đóng tiền, các ông hương hội không bén mảng ra trường nữa. Ông phó lý nghe, rồi nói:
- Ông giáo ạ, việc này không phải của tôi. Nhưng tôi cũng cứ bàn với ông giáo. Hay là tôi nói với các ông ấy để ông giáo tạm nghỉ ít lâu. Làng bây giờ thật không còn tiền. Bao nhiêu đổ cả vào đình. Bao giờ xong việc đình đám thì mời ông giáo lên giúp cho làng.
Giáo Hoạnh thở dài, không nói một câu nào nữa. Đương nghĩ đến vợ và ba đứa con leo nheo. Bỏ, anh đi đâu, làm nghề ngỗng gì bây giờ?
Chương IX
Thế là thầy giáo Hoạnh dọn về quê. Quê thầy ở Đông Lao. Từ Phú Gia đi vào miền trong chừng quá nửa buổi thì tới nơi. Nói là dọn nhà cho có việc, thực ra chẳng có gì. Cái giường phản đồ và tre gỗ nặng, thầy đã bán và để lại cho người ta cả rồi.
Bà giáo Hoạnh xách một cái tay nải nâu, ông quảy hai bọc giấy nhật trình buộc dây chuối. Đây là những đồ lặt vặt, cái đèn hoa kỳ, cái bát điều. Còn quần áo của ai, thì người ấy đã mặc cả vào mình rồi. Bà giáo ăn vận như trời rét ngày Tết. Quần thâm, cái thắt lưng có giải yếm mớ ba mớ bảy. Đầu bịt khăn vuông mỏ quạ kín hai tai, quặt ra đằng sau. Tấm áo the nâu mặc răn rúm như vừa lấy trong vó ra. Ba đứa trẻ con cũng đủ quần, không đứa nào cởi trần. Tay xách gói, lưng bà cõng thằng cu Con. Thằng Biền dắt cái Gia. Con bé mới đi chập chững bước một. Chắc chốc nữa, ra ngoài giữa cánh đồng vắng, bố nó phải cõng nó đỡ mẹ. Nhưng giáo Hoạnh mà cõng con thì hỏng mất bộ quần áo hộp. Bao giờ thì thầy Hoạnh cũng chững chạc như thường. Thầy đội khăn xếp nhiễu tây, đeo đôi kính râm. Áo the cặp. Quần gấp đầu giường như là quấn ống sớ. Đôi giày tây có cổ bước cộp cộp.
Bấy giờ hãy còn sớm. Mặt trời chưa mọc. Phương đông, sau lũy tre, mây ửng đỏ như có đám cháy lớn. Cả bốn đứa học trò sắp đi thi Sơ học Yếu lược cũng đến nhà chào thầy. Lại cả bốn đứa đi tiền. Thầy giáo Hoạnh xoa đầu từng đứa rồi nói ngậm ngùi:
- Ngày mai, các anh sang bên Nha học thầy Câu. Tôi đã nói với thầy rồi. Cố học chăm để thi đỗ, khỏi phụ công thầy. Bao giờ làng mở trường, thầy lại ra. Thôi thầy nói bấy nhiêu...
Cảm động, thầy ngập ngừng không nói được ra lời. Bốn đứa học trò mủi lòng, khóc òa. Rồi thằng Biền, cái Gia - và thằng cu Con - cùng nức nở theo. Cả đôi bên lũ trẻ khóc lóc như đàn chim ri kêu.
Bốn đứa học trò đứng ngơ ngẩn trông theo. Những đứa bé mờ mờ đi trước, rồi bóng thầy, bóng cô lẫn vào những vòm tre xanh om. Chúng nó lại mếu máo. Trên đường vào làng, người ta gặp bốn đứa trẻ vừa đi vừa khóc sướt mướt.
Từ đấy, không ai biết gia đình nhà ông giáo Hoạnh rồi ra làm sao. Chẳng lần nào ông giáo Hoạnh lai vãng ra ngoài này nữa. Cái trường học trước là cái hành lang. Bây giờ, người ta làm chỗ cho thợ nề, thợ mộc che chắn ngủ đậu. Khi đình cất xong, người ta lấy chỗ ấy làm gian chứa đòn khiêng đám ma và cái võng vong gỗ mộc 1. Làng không làm lại trường học nữa.
Chiều hôm ấy, giáo Câu sang Phú Gia. Mấy tháng nay, Câu đã biết cái tình cảnh khốn đốn của nhà giáo Hoạnh. Từ khi vắng Kền, đôi bạn đối với nhau lại càng gần gũi hơn. Có lẽ họ thấy lẻ loi quá. Giáo Răng thì không thể hợp tâm tính hai người rồi. Anh ta dạy chữ, lại dạy kèm cả võ. Làng Thượng, ai cũng phục thầy giáo Răng lắm. Nhà giáo văn giáo võ đủ vành. Những đứa học trò bên Thượng, tự nhiên cũng sinh ra bướng và hỗn. Chúng hay kéo nhau sang đầu đồng đón học trò trường Nha gạ đấu võ. Cái giống trẻ con thích võ.
Câu sang bên Phú Gia, hỏi thăm mới biết Hoạnh đã cùng vợ con mới dọn về quê sáng sớm hôm qua. Câu ngạc nhiên. Mặc dầu Câu vẫn biết trước sau thế nào Hoạnh cũng phải đi. Anh đã gửi bốn đứa học trò sang trường Câu. Sao Hoạnh không cho Câu biết, để Câu sang chơi một hôm. Hoặc giả Hoạnh cũng muốn giấu chăng? Ừ, mà giấu là phải. Một đoàn một lũ cha con vợ chồng loi thoi bồng bế nhau như chạy nước lụt, đẹp đẽ gì phải nài người đón đưa. Xưa nay, Hoạnh lại là tay sĩ diện, ưa cái mã bề ngoài. Chắc Hoạnh nghĩ khổ trong lòng lắm.
Tự nhiên, Câu rưng rưng như muốn khóc.
Lủi thủi, Câu quay về.
Câu đi về, vòng lối đồng qua làng Thượng, tạt sang cầu.
Ngày mùa hè dài dặc. Mặt trời mấp mé xuống cánh đồng mà còn lóe chói rực rỡ. Những tảng mây trắng nhuộm ánh nắng, đỏ khé. Mây từ từ từng đám trôi qua nền trời xanh. Gió reo rì rào trong ruộng lúa. Đâu đây tiếng diều đổ sáo đẩu reo vo vo.
Câu bước nhẫn nha. Sao mà hai đầu gối mỏi, chỉ muốn khuỵu. Đầu gối mỏi với nỗi buồn tái tê trong lòng.
Vụt chốc, bóng tối xuống. Bấy giờ đã là nhá nhem. Phía tây, mờ mờ một vết mây đỏ xẫm. Cánh đồng bảng lảng tối. Bên đường chi chít những tăm hoa cỏ may, giải một nền chì chập chờn. Trong xóm trước mặt, vẳng đưa lại những tiếng í ới bọn trẻ con tắm, đùa nhau ngoài ao. Và nhiều tiếng ríu rít, tiếng chim kêu, chim hót, không phân biệt được. Đó là tiếng hoàng hôn đương vào cánh đồng, bao la. Mây mờ đi, tan lần với vùng trời bàng bạc xám.
Câu về đến đoạn đường rẽ ba. Một đằng lên phủ. Một lối vào trong làng. Theo đường vào làng, chỉ vài bước chân thì về đến đầu cầu. Đường vắng teo. Câu vẫn buồn rã rời, bải hoải đến rã cánh tay. Gió thổi kéo xõa mái tóc cánh gà của anh xuống hai bên tai. Hai vạt áo khách trắng bay lên phần phật.
Một nỗi buồn mênh mông xâm chiếm lòng chàng. Trước hết, Câu nghĩ đến cái tương lai mờ mịt của mình. Mờ mịt, phải, mờ mịt quá. Bấy lâu, chàng đã sống bấp bênh, tạm bợ, một thân một mình, muốn ra sao thì ra. Một ngày kia, ngộ đèo thêm cái ách vợ con vào như giáo Hoạnh thì sao. Chao ơi! Bấy giờ thì còn khổ đến thế nào! Câu thở dài.
Nhưng chàng lại mỉm cười. Nụ cười nhỏ lại tắt ngay. Coi như một cái nhếch mép không phải một nụ cười. Bởi anh vừa cười vừa tự nhạo mình. Có bao giờ Câu dám nghĩ đến chuyện mơ màng vợ con! Nhất là từ khi mối tình của chàng và Miến lạt phai. Lạt phai vì những duyên cớ mỏng manh không đâu. Bây giờ thì xa xôi quá rồi... xa quá rồi... Nỗi buồn thấm thía, chua chát của bóng dáng một mảnh tình. Rồi chàng lẩn quẩn nghĩ rằng giả chàng gặp Miến bây giờ. Ừ, chàng gặp Miến bây giờ, chàng sẽ nói rất nhiều. Chàng níu lấy Miến. Chàng hỏi tại làm sao cô lại quên nhau đến ngót một năm trời nay. Chàng cắt nghĩa cho Miến nghe những thế này... những thế này... Chàng nắm lấy bàn tay Miến. Hai người cùng im lặng nhìn nhau. Cứ đứng lặng như vậy, một lúc thật lâu.
Anh chàng không tưởng tượng được thêm gì nữa, sự thực lại trở về, càng buồn hơn lúc nãy. Điều xa cách đã xa cách quá rồi. Mà sao Câu vẫn nghe như mình vẫn tơ vương. Giá mà Câu gặp Miến bây giờ. Câu sẽ... Câu sẽ...
Những bước guốc của Câu lọc cọc trên đất đá lổn nhổn. Tiếng guốc trong vắng lặng cánh đồng. Trời tối mờ mờ, đàng trước không có ai, cái đầu cầu Phượng trăng trắng bắc ngang sông Lịch.
Câu chợt quay lại. Có bóng người đi đằng sau. Dáng cao cao tha thướt. Hình như sợ tối và vắng vẻ, người ấy đi nhanh, sắp kịp Câu. Đến lúc nghe phía sau lạt sạt bước, Câu quay lại. Câu nhìn trố cả hai mắt. Người ấy là cô Miến.
Phải, cô Miến. Miến chân đi đất, mặc áo dài nâu non thắt quả găng. Đôi ống quần xắn cao hênh hếch. Đầu cô không mang nón. Một tay xách lõng thõng hai cây mía đỏ dài ngòng ngoèo. Cô đi đâu mà sao lại có sự gặp gỡ đường đột đến lạ lùng thế này?
Thoạt trông thấy Câu, hình như cô ngượng ríu hai chân. Mà anh chàng tưởng như trời đã đen thẫm lại. Ôi, trời đổ thực. Hai mắt Câu chớp chớp, anh run như đương gấy lên cơn rét. Lưng áo, mồ hôi toát ra từ lúc nào. Dường như anh chỉ thở ra. Muốn nói nhưng nghẹn tắc cổ.
Miến đã đi kịp Câu. Nàng bước tránh sang một bên đường. Rồi nàng đi quá một chút. Vẫn chưa trấn tĩnh nổi, nhà giáo còn luống cuống lắm. Anh càng luống cuống hơn, khi Miến đã đi lên trước anh đến ba bốn bước. Anh cố nuốt nước bọt để nghĩ một câu. Một câu thôi, nếu không thì Miến đi khỏi. Về đến kia đã là đầu cầu. Quá vài bước nữa vào trong xóm rồi. Ở đây, một bên ruộng, một bên bãi sông. Không có ai. Ngại gì nữa. Câu lú lẫn đi mất rồi sao. Trước nhất, nhà giáo mắm môi lại. Có lẽ để lấy can đảm. Chẳng gì xa nhau đã lâu và lại xa vì giận dỗi, cũng ngượng lắm. Nhà giáo thốt ra một câu, anh gọi:
- Cô Miến!
Miến nhìn lại. Rồi Miến lại quay đi. Nhưng câu hỏi đã ra khỏi miệng.
- Lại cho tôi hỏi cái này, cô Miến!
-...
- Tôi hỏi...
Miến đứng và rồi Miến quay lại. Ôi chao, nào Câu biết hỏi câu gì bây giờ? Vừa rồi, nhà giáo chỉ gọi liều một câu. May quá, Miến lại cất lời trước. Miến nói:
- Bác lại còn hỏi tôi làm gì nữa!
Câu ngẩn ngơ:
- Ô hay, Miến giận tôi thực à?
- Nào tôi dám giận... bác!
- Sao Miến lại gọi tôi thế? Tôi có làm gì để cho Miến giận? Mấy tháng nay, tôi vẫn mong Miến đến chơi để tôi...
Câu nói được mấy câu như thế, hình như làm cho Miến đã bớt ngay giận. Miến đứng yên, hai tay vân vê lăn tròn cây mía, Câu hỏi:
- Miến mua mía ở đâu thế?
- Mua ở trên chợ.
- Sao đi chợ tối thế?
- Không, đi qua chợ thì mua.
- Miến đi đâu về?
- Đưa chị cả Diễm ra bến tàu xuống Kẻ Chợ ra tàu Phòng.
- À.
Câu hiểu. Từ mấy hôm nay, vợ Diễm đem một đứa con về nhà ăn giỗ. Giỗ cụ sinh ra ông khán Tịnh. Vì không xin được phép nghĩ, Diễm để vợ về một mình. Dáng hắn chị Diễm đem con ra Hà Nội chơi với mấy chị em ngoài ấy, rồi mai mới xuống Hải Phòng. Miến ẵm cháu tiễn chị ra bến xe rồi quay về, nhân tiện, vào chợ mua cây mía, xách lõng thõng về đây.
Hai người đứng giữa đường. Con đường trắng ngoằn ngoèo mờ mờ trong bóng chiều. Lưỡng lự muốn đi, lại muốn đứng. Nhưng chẳng ai nói, cũng chẳng ai đi. Miến vẫn cúi mặt. Còn nhà giáo lại chưa biết nói thế nào. Đương lúc ấy, từ trong lối ngõ xóm ở ven bờ sông, vẳng có tiếng đàn bà cãi nhau léo xéo đưa lại. Hai người giật mình.
Câu bảo:
- Miến đứng tránh vào bên một tí. Tôi muốn nói với Miến.
Miến vẫn đứng yên.
- Đi, Miến...
Câu giục lần nữa, nàng ngẩng mặt lên nhìn Câu rồi lại cúi xuống và nhẹ nhàng đi theo Câu. Hai người rẽ xuống ruộng, đứng vào sau một gò cỏ cao. Tuy Miến cúi mặt, nhưng Câu hình như trông thấy hai khóe mắt nàng lóng lánh. Chao ôi, Miến khóc. Câu bối rối quá. Câu luống cuống đi trước đến gò cỏ, chỗ đã khuất hẳn đường phía ngoài. Họ đứng quay mặt vào trong gò cỏ ấu xanh mờ.
Trên đầu gò, phơ phất làn hoa may. Câu nhìn lên. Một ngôi sao chiều sáng long lanh trên ngọn cỏ. Câu bứt vu vơ mấy lá cỏ ấu.
- Miến...
- Tôi xin lỗi Miến.
Miến nức nở khóc thành tiếng. Nước mắt chảy xuống hai bên má. Nàng lấy giải yếm che mặt, rồi Miến nói khẽ:
- Mấy tháng trời nay, tôi nghĩ ngợi mà buồn về cậu. Ai lại chơi bời thế bao giờ. Cậu có yêu tôi đâu!
- Miến đừng nói thế. Thực quả tôi...
- Cậu còn mơ tưởng các con nhà trò.
- Tự dưng chúng nó dẫn xác đến, chứ tôi có biết gì.
- Cái nhà giáo Hoạnh chẳng còn ở đây nữa mà rủ rê cậu. Nhà ấy đi tôi chẳng tiếc. Tôi chỉ thương anh giáo Kền.
Câu lặng yên, sung sướng mà nghe người yêu nói về mấy người bạn của anh. Nàng đã đứng lại, nàng đã nói, thế là cơn hờn đã tan, chắc thế. Câu nói:
- Tôi đã có lời xin lỗi Miến rồi. Mồm miệng người ta hay thêu dệt ra lắm chuyện. Mà thực có gì đâu!
- Oan lắm đấy!
- Thôi mà.
Câu cầm tay Miến. Miến ngoái người đi. Bàn tay nàng vẫn nằm trong bàn tay chàng. Và miệng nàng múm mím. Hình như giọt nước mắt vẫn lăn nhẹ trên má. Giọt nước mắt ấy không còn ý nghĩa chi. Con gái chúa là mau nước mắt. Cái gì cũng khóc được thôi.
Câu nói:
- Miến đừng khóc nữa. Ông giăng ông ấy cười cho kia kìa.
Miến ngoảnh lại. Cuối cánh đồng vừng trăng tròn vành vạnh, nhô lên. Hôm nay mười sáu. Bấy giờ ngày cũng chưa hết hẳn. Mặt trăng tròn như chiếc mâm đồng, trắng nhạt. Tuy vậy, ánh trăng cũng đã lan sang sáng mặt đất. Bóng hai người ngả xuống mặt cỏ bên gò.
Miến nói:
- Tôi khống hiểu cậu có thực lòng... yêu tôi không?
- Tôi lại còn biết nói thế nào nữa. Có ông giăng kia làm chứng cho. Lúc nào tôi cũng chỉ nghĩ đến sau này lấy được Miến.
Miến ngước nhìn trăng. Mặt trăng nghiêm trang đứng trên vòm trời bát ngát, thăm thẳm.
Miến nói:
- Tôi thực hết lòng với cậu. Sau này mà chả lấy được nhau thì chết chứ chả sống làm gì.
- Chỉ nói dại. Miến nói thế ông giăng nghe tiếng, ông ấy biết rồi.
- Ừ, mà ông giăng ông ấy đương nhìn chúng mình?
- Ông ấy còn nghe tiếng ta nói nữa. Ví bằng sau này chẳng lấy được nhau...
-... Thì chết đi.
- Miến chỉ nói dại.
Câu nắm chặt cả bàn tay Miến... Câu quệt yêu vào má Miến, nói: "Từ giờ chừa nói dại nhá". Má nàng cũng nóng rừ như bàn tay. Câu bâng khuâng như nằm mê bắt được cô tiên trên cung trăng sa xuống. Bấy lâu, giận Câu, cũng chỉ vì quá yêu mà thôi. Bây giờ cơn hờn đã tan, như cái gió nồm man mát thoảng qua. Ánh trăng láy vào trong mắt. Đôi mắt Miến ngời lên, bởi chút nước mắt ban nãy còn ánh lại bên khóe. Miến mím cười liếc Câu.
Trên cánh đồng bát ngát, ông trăng túm tỉm với hai người.
--------------------------------

1

Những việc về lương các hương sư trường làng tác giả kể trong chương này đều đã xảy ra trước khi nghị định các quan đầu tỉnh cho lương hương sư lấy vào thuế thân hàng năm như "phụ thu lạm bổ " do trên tỉnh chủ truơng. T.H

Chương X
Rằm tháng Bảy. Mọi nhà đều ăn Tết rằm, người ta làm cỗ vào buổi trưa. Các khung cửi, lồng tơ đều nghỉ. Cơm nước xong, con trai con gái lũ lượt kéo nhau ra đường đi nhởn nhơ. Con trai thì ra ngồi tễu ngoài cửa đình. Con gái từng đám, đi lễ chùa, đi xem bói "thơ tiên" ở ấp Đông. Cảnh nhàn nhã một ngày Tết tháng Bảy, vui nhất đám trẻ con. Những đứa trẻ trường làng Nha cũng đều được nghỉ. Chúng chạy nhông khắp chốn.
Buổi chiều mười bốn, Câu gặp Miến. Lúc bấy giờ đã nhọ mặt người. Miến vào nhà bà Thiêm. Bà lão với cháu lúi húi trong bếp, đun nấu cỗ. Chuyện hai người thì thào ngoài ngõ mấy câu, Câu đã nắm tay Miến.
Miến nói trước:
- Mai đi chơi nhá?
- Miến bảo đi đâu?
- Đi xem "thơ tiên". Cậu đợi ở bụi tre đầu làng Thượng. Tôi bảo cậu cái này, tôi có cái này hay lắm kia.
Rồi Miến tất tả ra, Câu vội chạy theo.
- Ấy!
- Gì thế?
- Thế mai độ mấy giờ?
- Ờ nhỉ. Tí nữa lú mất. Cứ bên này cậu ăn cỗ buổi trưa xong.
Quãng giữa trưa hôm sau nhà giáo đã tề chỉnh tươm tất. Ăn uống nháo nhào, còn thiết gì nữa. Từ dạo ấy, trên mặt Câu không mấy khi vắng miệng cười mủm mỉm. Lại cũng không hay đánh học trò nữa.
Anh chàng huýt sáo miệng, chúm miệng huýt "huy huy". Nhà giáo vừa chải tóc xong. Tóc đã mượt, anh còn ngả bên nọ, ngoẹo bên kia, miết nghiêng chiếc lược xuống cho tóc thực thẳng, thực bóng. Rồi anh nheo mắt. Giả cách mỉm một nụ cười tình. Chợt ngượng, quay lại. Nhưng đằng sau không có ai. Anh ngắm lại anh. Cái đầu bóng nhoáng, bao nhiêu công phu mới chải được. Trong áo khách trắng bốp. Ngoài, áo trắng dài nguyên nếp gấp. Quần cũng mới đúng như vậy. Chân xỏ đôi guốc sơn nàu cánh rán. Tuy hai quai guốc hơi mốc, nhưng anh đã ngâm guốc xuống nước từ lúc nãy cho nó đen thấm lại. Và, không đội mũ. Chải được cái đầu cừ thế, phải đi đầu trần cho diện. Vả lại đã sang tháng Bảy mát trời.
Bây giờ thì đủ lệ bộ rồi. Anh ngồi đợi cho đồng hồ điểm chuông mười hai giờ rưỡi. Cái đồng hồ để trong chiếc án thư mọt, khập khiễng một chân, chỗ ấy giáp cái giường tre. Dù án thư đổ, cũng không rơi được. Anh đã để cẩn thận. Cái đồng hồ như một đồ vật cần dùng và quý báu cả làng cũng chẳng ai có. Chiếc đồng hồ chẩm cầm. Nó hình chữ nhật như hòn gạch chỉ mà đặt dựng đứng, có một cái quai xách. Đàng sau, hai cánh cửa khi mở nom thấy máy móc bằng đồng vàng chóe. Bánh xe răng cưa dây cót tròn một cục. Lại lù lù một cuộn gai như vỏ gấc. Cái cuộn gai này để cho đồng hồ đánh đàn. Ngày đêm cứ mỗi nửa giờ tự dưng đồng hồ đánh đàn một hồi "từng tứng tinh tang tàng từng tính...". Hễ nghe thoáng tiếng đồng hồ gảy đàn, thằng Nến lại chạy đến, kề ngoặp miệng vào thành bàn, hai mắt thao láo, ngơ ngác nhìn. Nhiều lần bà Thiêm cũng đến nghe và lần nào cũng khen một câu: "Cái máy đồng hồ tài quá".
Trong yên lặng, bỗng tiếng dây cót chạy sè sè cọt cọt. Rồi một hồi đàn đồng hồ vẳng lên.
Đấy, mười hai giờ rưỡi. Mười hai giờ rưỡi, chẳng gì cả, chẳng sao hết mà Câu cũng giật mình. Anh ngắm lại một lần nữa, xem đã thực tề chỉnh chưa. Rồi đôi guốc lóc cóc, bước ra ngõ.
Nơi hẹn, đầu làng một bờ tre dài, rủ bóng xuống mặt đường. Mùa này, lá tre vàng lác đác rụng. Một bên, bãi rau muống và phía ngoài, dòng sông Lịch nhỏ bé uốn khúc chảy quanh co.
Giáo Câu tới khóm tre chỗ hẹn, đứng loanh quanh, rồi đi dạo bước một. Hai tay chắp sau lưng, như người hóng mát.
Cũng nhiều người đi chơi ngoài kia. Từng đám trẻ con mặc áo lụa tơ sống vàng khè, lưng áo in dấu son nhà chùa đỏ chóe, chạy ríu rít. Những cô con gái áo the, áo nâu non đồng lầm mới với những túm thắt lưng thiên thanh, hoa lý, hoa hiên, hoa đào, đi họp thành từng bọn. Vẫn chưa thấy bóng Miến. Và Miến đi một mình hay là dắt thêm cháu Nếm. Vì cô đã hẹn Câu. Chắc đợi nhau chỗ này cho gặp, rồi sẽ theo đường tắt sang ấp Đông. Con đường ấy vắng, có thể đi tay đôi được tự nhiên.
Từ trong lối xóm đi ra, dáng ai như cô Miến. Miến thực. Miến mặc áo vải rồng không cài khuy, hai vạt áo trước thắt quả găng. Một tay cô dắt thằng Nếm, miệng nhai trầu, phúng phính. Mặt mày hớn hở tươi như cái hoa.
Nhưng, cùng đi với cô, còn có hai cô bạn. Cô Khuyên và cô Lụa. Cô Khuyên cũng mặc áo vải rồng, thắt quả găng. Miến có giải yếm màu hoa đào, thắt lưng lụa bạch như Khuyên. Cô này, dù ngày Tết mà cũng hay quên, cứ mặc quần cao, hếch ống về đằng trước. Riêng cô Lụa, ăn mặc hơi quê hơn hai bạn. Cô mặc áo the thâm, thắt lưng bao màu hoa lý. Ở một bên cạnh sườn, có chiếc chìa khóa đồng. Mỗi bước đi, chùm xà tích chạm nhau lách cách. Ba cô cùng đi guốc. Tiếng guốc nhộn lên như những nhịp cười ròn rã.
Lúc đi giáp mặt Câu, ba cô cùng kính cẩn chào:
- Lạy bác, bác giáo đi chơi ạ?
Nhà giáo ngượng nghịu:
- Vâng, các cô đi lễ.
Thằng Nếm cũng lạy thầy, nhưng thầy không nghe tiếng. Ba cô đi khỏi. Những vạt áo bay phất phới. Nhà giáo lại bước lững thững. Một lát, một lát, lại đứng sững, ngó lại. Ba cô thấp thoáng, xa dần. Rồi nhà giáo cũng quay lại, từ từ đi theo. Nhưng ra đến đầu lũy tre, vẫn thấy ba cô và thằng cháu đi với nhau. Chẳng lẽ Câu lại theo nữa, theo sang ấp Đông. Không thể được.
Câu đứng nhìn theo hút ba người rồi chép miệng.
Câu bước xuống vệ đường, đi về phía gò cỏ hôm nọ. Ngồi đấy, bao giờ ba cô về, có thể trông thấy rõ ràng từ đằng xa. Lót hai chiếc guốc xuống cỏ, Câu ngẩn ngơ ngồi ngắm ra cánh đồng.
Dầu Tiếng - Bến Ray - tháng Chạp 1942 
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme

Sự liên hệ kỳ lạ giữa hai tác giả Tế Hanh và Sully Prudhomme Bạn đọc yêu thơ hẳn còn nhớ tới một trong những thi phẩm đầu tay của nhà thơ ...