Khách nợ 5
Một cuộc bể dâu
Ấy là một tay hảo hán trong loài gà chọi, cái loài sống ở
trên đời, nhất sinh chỉ có một nghề đi đánh lẫn nhau cho người ta xem. Tay ấy
oai lắm. Chẳng thể có đủ chữ mà tả cho hết cái oai lẫm liệt của chàng. Ờ mà ta
có thể cứ gọi chàng là Từ Hải chọc trời khuấy nước, đầu thì đội trời, chân thì
đạp đất.
Râu hùm, hàm én, mày ngài
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao
Đường đường một đấng anh hào...
Đấng anh hào được phong vương - hay tự xưng cũng thế - ở đất
này để cai trị cả một khoảng vườn rộng. Mà trong gồm có một chuồng gà, một chuồng
vừa vịt, vừa ngan, vừa ngỗng và một chuồng chim bồ câu. Đại vương chỉ có mỗi một
mắt và mang trong mình bộ mã ô miến tía - cái thứ áo có lông đen
nháy, điểm dòng dọc đỏ. Chàng bị độc long là bởi trong một cuộc lên sới gần
đây, phải địch thủ đánh một cái đá mé, lòi bật con ngươi. Từ đấy, người
ta không cho hắn ra trận nữa. Để nuôi cho đẹp sân.
Chàng gà chọi đứng thẳng người, hai cái cẳng chân cứng và lẳn
như hai thanh sắt, phủ đầy những vảy lớn sắp vàng bóng. Đôi bắp đùi chắc nịch,
gân lên những thịt. Chàng chỉ có lông trổ ra hai cánh, ở trên lưng, ở đuôi và
lơ phơ mấy chiếc quăn queo dưới bụng. Lông ấy được xén, cắt thực gọn. Đầu chàng
to và hung dữ như dáng một chiếc nắm đấm. Cái cổ bạnh và hai bắp đùi thì để lộ
ra. Da chàng đỏ gay, đỏ gắt, đỏ tía, đỏ bóng lên như có quết một nước sơn thắm.
Mặt chàng lùi xùi những mào, những tai, những mấy cái ria mép tím lịm như mặt anh
say rượu. Một bên mắt thì lép mịt mờ, còn một bên cứ chớp chớp nháy nháy cái
tròng vàng hoe.
Lúc gã đi, hai đầu cánh nhô lên thụt xuống, rõ ra điệu của
anh chàng cuồng võ, lúc nào cũng chỉ ngứa ngáy chân tay.
Buổi sớm, khi cậu gà ri te tái chạy ở trong chuồng ra, dẫn đầu
cho ba chị gà, một bác ngan với một lũ con líp nhíp và mấy thím vịt, thì, ở nóc
chuồng, chọi ta cũng nhảy xuống, hai cái chân gieo bịch trên nền sân đất. Chàng
không ngủ trong chuồng với những con gà khác ấy. Chúng làm quẩn chân. Bởi vì
chàng cao quá, đầu đụng đến tận nóc chuồng, nếu phải đứng lom khom cổ thì chàng
chịu không thể khom khom được.
Chàng đưa mắt nhìn quanh sân một lượt rồi vỗ đồm độp đôi
cánh, lấy gân thẳng hai chân, cong bạnh cái cổ và phưỡn ngực ra gáy một hồi: Côôô...
côô... cô... cô... ô...
Những thím vịt nhút nhát luống cuống đôi chân, nghiêng một
bên má để hiếng mắt lên trời, ra hiệu nghe ngóng. Có thím lại hãi quá, cục cạc
một hồi ầm ĩ, như muốn kêu: “Ai cứu tôi với! Cạc cạc cạc! Ai cứu tôi
với”. Cậu gà ri đang làm bộ tịch, đứng diễu võ dương oai ở trên đầu mỏm cọc tre
cũng giật mình, hai mắt nhớn nhác. Hai kheo chân đã khum xuống, chực sự lùi, rõ
ra bộ anh hùng rơm.
Loài ngan xưa nay có tiếng là gan góc. Lúc nào cũng lì lì lầm
lầm. Thế mà nghe tiếng gà chọi gáy, mụ ngan cũng vừa kêu kíu kíu , vừa
thò ra thụt vào cái cổ, dường như muốn hỏi các bạn cùng sân rằng: “Cái gì thế?
Cái gì thế? kíu kíu...”
Lại đến tình cảnh những nỡm chó con ra ăn vụng cơm của gà mới
buồn cười. Nghe tiếng gà ồ ồ gáy, chả biết là tiếng người ta chửi, người ta mắng
hay tiếng máy móc ghê gớm gì, các ranh cứ nháo mắt lên, đuôi cúp thụt xuống tận
bụng, len lét chuồn thẳng.
Cái tiếng gáy mới kinh khủng chứ! Ai mà chả phải sợ ông Từ Hải.
“Côôô... côô... cô... cô... ô...”
°
° °
Có những buổi trưa.
Những buổi trưa hè, nắng to. Ngoài vườn, cây cối rũ rượi đứng
chịu tội trong nắng lửa. Những mảnh lá mướp to bản đều cụp uốn xuống, để lộ ra
những cánh hoa màu vàng gắt. Có tiếng vỗ cánh se sẽ của vài con ong bò đen
bóng, bay rập rờn trong bụi cây chanh. Nắng dữ quá. Gã Đực nằm đầu hiên, thè
dài lưỡi ra thở hực hực. Lũ ngan, lũ ngỗng thì rủ nhau chúi xuống bờ ao, bên những
tàu lá khoai sơn hà xanh rời rợi. Ở dưới gầm cụm lá sói, hai ba chị mái tơ thi
nhau dũi đất, thỉnh thoảng lại rũ cánh phành phạch.
Ấy vậy mà có hai người bạn tình kia quên cả nắng, quên cả trời
đất nóng nực. Đó là hai trái tim yêu, một anh gà chọi và một chị gà mái nạ
dòng. Nếu mà đối gà chọi với chàng Từ Hải thì phải kể chị ta vào cái độ cô Kiều
gặp người anh hùng đó, sau mười lăm năm luân lạc, trên vai nàng đeo nặng hơn ba
mươi cái gánh xuân. Có cần phải biết tại làm sao chàng gà chọi dũng mãnh ấy
không yêu những chị mái tơ mơn mởn nằm bới đất ở dưới bụi sói kia mà lại đi tán
tỉnh mụ nái xề này? Thưa rằng những cô ả đó vừa mới dậy thì, tính hay thẹn thò
như cây xấu hổ, vừa thấy thoáng anh chọi đồ sộ, đã cung cúc chạy cho chóng rồi.
Những ngữ gái ngây thơ đó chỉ dành để phần cậu gà hóm hỉnh đương choai thì hợp
chuyện lắm.
Đằng này nàng là một ả Kiều già đã phong trần khiếp lắm.
Ba bốn lần ra vào chốn lầu xanh. Bây giờ con người thuyền
quyên mới gặp được khách anh hùng đó. Cho nên, trời nắng là thế mà thuyền quyên
cũng chịu khó đứng ở dưới gốc cây thầu dầu tía, gần bờ ao. Nàng xù lông vàng bẩn
thỉu, phờ phạc, lốm đốm trắng như mớ rơm rửa bát. Vậy mà nàng cũng chớp chớp
đôi mắt, rung rung cái mào xám xịt ngả về một bên má. Mái già mà còn làm đỏm,
trông phiền mắt làm sao! Không những chỉ có thế, cô nàng lại còn hát nữa.
Nàng nghển cổ lên, nhìn sang phía gốc cam - chỗ có anh gà chọi
đứng he hé đôi mỏ, hơi thập thò cái lưỡi và động đậy đôi tai, chị cất một giọng
oang oác, rất bổng rồi trầm xuống dần dần: kéééééc... kéééééc...
kéééééc... k...éc... k... é... é... é... c. .. Y như ta làm duyên mà đưa
tình nhau mấy câu Kiều lẩy!
Cái tiếng éc cuối câu cứ kéo dài, vang động khắp vườn
một cách hết sức lâm li và não ruột khiến cho anh gà chọi đứng bên kia dường
như phải ngẩn ngơ bồi hồi mà nghếch một bên mắt lên nhìn lơ láo. Và chàng vừa
kêu côộc cộộc vừa đi về phía cô ả.
Ấy thế là khách biên đình sang chơi. Kiều nhi bèn ra cái bộ
làm gái, thấy tình nhân thì không hát nữa. Muốn tỏ với nàng rằng ta đây cũng là
tay thiệp đời, gà chọi xõa hai cánh, doạng mấy móng chân để bới đất và cúi mỏ
xuống, giả cách vừa mổ vừa kêu cộộc côộc làm điệu gọi mái đến ăn
chung. Rất tình tứ. Nhưng mà xác anh ta thì nặng, hai cái cẳng chân thì to lều
nghều, khi anh lấy cái dáng đẹp nhất, cái điệu chân dẻo nhất để bới, trông lại
hóa ra ngây ngô và ngượng nghịu đến hay.
Chị ả còn làm bộ mãi, không chịu đến. Để cho chàng hết rủ rê,
tán tỉnh bằng điệu chân điệu mỏ, lại xòe cánh ra đập phành phạch. Mà cô nàng cứ
còn cao giá làm lơ và lại bắt đầu hát kéc kéc ầm ĩ.
Ôn tồn, dịu ngọt mãi không được thì chột ta tức lắm. Chàng ngẩng
đầu lên.
Cái tính hung hăng, nóng nảy cố hữu của chàng ở đâu lại kéo đến
ầm ầm. Chàng đỏ mặt tía tai, lộc ngộc chạy đến tận nơi. Chị ả cũng ù té xuống
phía bờ ao.
Nhưng này, ối ai ơi! Chị ả nõn nường đó chỉ giả cách khệnh khạng
một chút đấy thôi. Đến chỗ khuất bóng cây chanh, nàng đã nằm khịu hai chân xuống
để đợi người yêu.
Sáng nào chị mái già ấy cũng nhảy ổ để đẻ. Mỗi lần đẻ xong,
chị nhảy choàng từ trong ổ ra đứng ở giữa sân mà cục ta cục tác rộn rã, điếc cả
tai. Chừng như muốn khoe với xóm làng rằng mình vừa mới đẻ được một chiếc trứng,
công phu khó nhọc nhiều lắm đấy.
Được có chín cái trứng ả đã thôi và bắt đầu nằm ấp. Ả ấp ham
lắm. Suốt buổi. Quên cả ăn. Cứ nằm sù sù cả ngày thâu đêm trong ổ. Ai động đậy
gì ở đâu gần đấy là ả đã miệng thì kêu cục cục, lông cánh thì xù ra, chực những
sự vừa chửi vừa đánh người ta.
Ả nằm ấp đúng cữ hai mươi mốt ngày. Từ đầu tuần trăng lưỡi liềm
cho tới những đêm trăng chỉ còn nhô lên lúc gà gáy sáng là tới thời kỳ những
cái thai đã bắt đầu cựa cậy và mổ vỏ ra để tìm ánh sáng.
Nửa tháng sau, xung quanh chuồng gà đã ríu rít những gà con.
Bây giờ cái mảnh sân sau ấy vui lắm. Qua một ít bữa, chín con gà nhỏ vỡ lông vỡ
cánh và dần dần ở người chúng nó hiện ra những màu sắc của những bộ mã đứng đắn.
Mỗi con một mã: hoa mơ, tía, cuốc, mấn trắng. Cũng có những đứa đeo cái màu
vàng bềnh bệch như mẹ. Đây là một đàn gà pha. Có những đứa tuy còn nhỏ, mà đã
giống bố: cổ dài nghêu và cao lênh khênh. Vài nhách thuộc dòng máu mẹ. Chân thấp
lè tè, đầu bé, và lông mọc kín chứ không trụi.
Có thêm một đàn chín con gà nhỏ, sân và vườn bây giờ trở nên
một ấu trĩ viên. Cả ngày, rối lên những tiếng líp nhíp, líu nhíu, gà con chúng
kêu luôn mỏ. Nếu không chép chép to tướng thì ứ ứ be bé
trong cuống họng. Xô nhau chúng cũng kêu. Mổ hạt tấm chúng cũng kêu. Đến cả khi
mẹ ngồi xuống, xòe cánh ra cho chúng rúc vào bụng vào nách, nhảy lên lưng,
chúng cũng kêu í ới.
Còn mẹ chúng nó? Thật là một người đàn bà giỏi giang, đa tình
thì nhất mực đa tình mà khi phải vướng vào bổn phận dạy dỗ, nuôi nấng con trẻ,
lại đáng nên một bà mẹ hiền gương mẫu. Luôn luôn đi cạnh các con, mụ không rời
chúng lấy nửa bước ngắn. Luôn luôn mụ cong chùm đuôi, xù vành lông cổ lên, làm
điệu nghiêm khắc và ác nghiệt. Thật ra, với các con thì mụ ấy rất ngọt ngào. Bới
được một hạt giền nhỏ, mụ cũng gọi chúng đến, cho chúng ăn, mụ vừa cúc cúc ,
nói chuyện rất vui vẻ. Nhưng hễ động một bà ngan đãng trí nào - những con ngan
rất hay đãng trí, lúc nào cũng bước đi thanh thản lơ tơ mơ - ngất ngưởng tới
bên cạnh là mụ gà nhảy lên như choi choi, bao nhiêu lông dựng đứng ngay lên, mỏ
kêu oang oác, khoéc khoéc, chân thì đạp, mỏ thì mổ khiến cho mụ ngan kia mở mắt
không kịp, chúi đầu xuống đưa vòng kiềng hai chân mà lạch bạch chạy.
Mụ mê mải chăn nuôi con đến quên cả mình. Chả thế mà trong
khi có trẻ, thân hình mụ gầy xác, gầy xơ. Bây giờ thì không thể bảo mụ là gái
giang hồ gần bạc tóc mà vẫn ưa điều lá gió cành chim được nữa. Phải gọi mụ là một
bà khán nhà quê, một bà lý chỉ biết có việc tảo tần buôn bán để nuôi con cho đi
thả chim thả diều và nuôi chồng một ngày hai bữa rượu. Những điều nguyệt nọ hoa
kia giờ tịnh cấm, mụ không còn mơ tới, mà lại còn ghét là khác. Mỗi khi có mái
tơ phởn phơ đi qua, mụ cũng đuổi đuổi mổ mổ túi bụi.
Còn anh gà chọi mã ô miến tía ? Thôi thôi thôi, nói
làm chi đến cái thằng chồng lang chạ, cái con người bỏ đi ấy! Hắn còn biết gì đến
con với cái! Hắn còn biết thế nào là gia đình. Trong đầu hắn xưa kia, chứa rặt
những tư tưởng ngỗ nghịch, đấm nhau, đá nhau thì bây giờ chỉ nghĩ đến những ý
tình ma chuột. Hắn còn biết gì ngoài cái việc lệch một bên mắt đạp phành phạch
vào đầu cánh mà đi ve gái. Ờ, nói rằng thừa sức khỏe mà đi ve gái, sao mà xấu
xa thế nhỉ?
Trong khi đó, mụ gà mái mẹ hiền thục chỉ biết có đàn con.
°
° °
Một ngày cuối tháng năm. Mấy hôm nắng dữ dội như muốn hun héo
cả xóm làng. Đến hôm ấy, từ buổi sớm, nắng không lóe lên như mọi khi. Trời vần
vụ đầy mây trắng. Song không phải là cái thứ mây trắng đục, để báo hiệu cơn
mưa. Mây này trắng tinh chẳng biết ở đâu trôi lừ đừ đến từng mảng lớn, ngổn
ngang cả một nền trời xanh ngắt - trời xanh lắm, ở mỗi khoảng không có mây. Mây
đến rồi mây đi, mây đến, mây lại đi, biến chuyển vùn vụt. Ấy thế là gió nổi lên
dạt dào đám lá tre run vào nhau, liên miên, tưởng như tiếng heo may cuối thu,
mà không bao giờ ngớt, gây nên bởi từng luồng gió rất dài, bay rập rờn trên
sóng lúa, từ ngoài đồng xa về. Người ta gọi gió ấy là gió giải đồng - gió quạt
mát cho những người cày dưới ruộng.
Bữa đó gà mái dẫn đàn con lách qua bờ tre, ra ngoài ruộng nhởn
nhơ chơi. Bởi vì không có nắng nên cả mẹ, cả con mải đi bắt nhái, bắt châu chấu,
mãi tới xế chiều mới dò về. Về tới chuồng, trời sắp đổ một trận mưa rào. Mưa
rào đến đêm thì tạnh. Nhưng còn sập sùi mãi tới lúc sang canh mới dứt hạt hẳn.
Sớm hôm sau, khi cửa chuồng đã mở, chỉ thấy chị gà mái dẫn có
bốn con nhỏ lủi thủi ra. Nhòm vào trong năm chú gà con kia đã nằm mỗi chú một
xó chết còng queo từ bao giờ. Và chỉ sáng tới buổi trưa, cả bốn con gà còn lại
này cũng căng ních lại. Thấy thế, thằng Lặc kêu ầm lên:
- Biết ngay mà. Trái gió. Gà bên nhà bác xã Khóm cũng chết
lăn đùng ra đấy.
Sẩm tối hôm ấy, ông ngoại tôi sai Lặc hun một đống bồ kết ở cửa
chuồng, chỗ thang gà vẫn leo lên leo xuống. Trong sự tĩnh mạc âm thầm của một
vườn sau, đám khói hoàng hôn sực mùi bồ kết thơm gây gây ấy làm cho cái khu gà
vịt ở có một không khí ảm đạm như xóm đang nhuốm bệnh thời khí. Thế mà sáng hôm
sau, cũng không ngăn nổi được ba chị gà mái đương xuân nằm chết chỏng hai cẳng
lên trời.
Thật là một sự đời ghê gớm. Tai nạn chỉ bởi có một cuộc thay
đổi thời tiết xoàng. Mụ gà mái mẹ và anh gà ri sợ không dám ở chuồng nữa. Tối đến,
chúng ngủ cao trên bụi tre. Còn ở lại nhà chỉ có lũ họ nhà ngan, lũ họ nhà vịt
- cái tụi ngu dại lúc nào cũng đờ đẫn mà rất khỏe - và anh gà chọi đứng ngang
nhiên trên nóc chuồng. Dáng hẳn thấy cảnh vật phút chốc bỗng nên quạnh hiu, anh
cũng chán, không hộc mỏ kêu côộc côộc nữa.
°
° °
Chẳng những chỉ vắng vẻ thế mà thôi.
Một sớm kia, con gà chọi không cất tiếng gáy. Hắn đi có cái
dáng lừ đừ, đầu chúc xuống, mà cổ thì hình như nằng nặng. Hôm nay bác gà chọi
giở giời. Loại gà không bao giờ ốm bệnh gì cả, trừ bệnh dây. Khi hắn lử khử là
tất hắn mắc cái bệnh ghê gớm đó. Hắn bị truyền nhiễm bởi bọn gà chết hôm qua,
hôm kia. Chắc thế. Bởi hắn khỏe cho nên hắn không quỵ ngay. Song cũng khó lòng
mà khỏi được. Nếu có sức khỏe, bệnh chỉ thêm kéo dài. Nhưng thế nào, một ngày rất
gần đây, cũng sẽ được nằm mãi mãi để nhìn lên trời xanh.
Hắn không ăn gì được nữa. Chỉ uống nước thôi. Mà uống nước
luôn luôn, rất khỏe. Cái bầu diều cơm của hắn rắn lại. Cho đến chiều thì chắc nịch,
sờ tay vào không thể bóp chuyển được. Đêm hắn không gáy. Chỉ có tiếng hắn quéc
quéc , như có vướng cái gì trong cuống họng. Cái tiếng quéc sắc gọn lành lạnh,
nghe ghê ghê người.
Sang ngày thứ hai, mào bắp chân và bụng gà chọi đã xám lại.
Gã bước đi, cái cần cổ gục xuống, hai vai cánh so lên, khệnh khạng, xiêu vẹo
như một lão kiết đã nghiện nặng mà còn thiếu cả sái hút. Đôi chân dũng mãnh nọ
như sắp không khiêng nổi cái mình to lớn nữa. Thảm hại quá. Ôi! Con gà chọi anh
hùng! Con gà chọi anh hùng chỉ còn đứng mở thao láo một mắt ra nhìn, mà ngẫm
nghĩ về cái chết của mình sắp đến. Không còn hục hặc đạp phành phạch. Không còn
gáy cồ cồ... cồ cồ, không còn kêu cộ... cộ gì cả.
Tới ngày thứ ba thì gã đành chẳng thể nào nhấc chân được nữa.
Gã nằm gục một chỗ, chổng đuôi lên, đầu lả dụi xuống. Người gã tọp hẳn đi. Tựa
như một người vốn thân thể rất to lớn mà bị bệnh lao phổi đã sang thời kỳ thứ
ba, bây giờ chỉ còn làn da, ôm một vóc xương. Sang ngày ốm thứ tư thì gã tắt thở.
Thằng Lặc được nhận cái việc xách một bên cẳng nó, mang ra ngoài
đồng.
Hỡi ơi! Ông Từ Hải về với đất rồi. Ô hô hô!...
Cậu gà ri không dám bén mảng về đến sân nhà. Trông trước chẳng
có ai, trông sau chẳng có ai, chỉ còn có một mình chị gà mái già, ra lại vào ngẩn
ngơ.
Mụ Ngan
Sự biến động khủng khiếp trong họ nhà gà không ảnh hưởng gì đến
các chú ngan, thím ngan cũng cùng ngủ một sân ấy. Loài ngan rất khỏe mạnh, ít
khi trở giời mà bị trái gió.
°
° °
Xóm gà vịt này có hai con ngan trắng lớn.
Độ nọ còn có thêm một đàn ngan nhỏ nữa, nhưng bây giờ đã tan
tác mất cả. Chẳng phải vì bệnh dây, là vì nhiều sự không may khác. Đời sống của
người và vật lăn dài vào thời gian, rộng lớn và cao cả, triền miên đi bao nhiêu
năm, trong khối óc tí hon của các loài. Với chúng - nhất là với những con vật
luẩn quẩn xung quanh người ta, trái lại. Ở các ngày tháng vụn vặt, chỉ có những
đau thương nhỏ bé, có những chết chóc ít đáng để ý. Ấy là những cuộc sống tủn mủn,
bèo nhèo. Chúng chẳng làm hại gì ai, chẳng hít bớt của người ta ít khí trời, dù
chúng cũng thở ra, thở vào cẩn thận. Tựa như những con giun cái kiến. Đếm đàn
ngan con ấy có được sáu cái đầu cả thảy - sáu cái đầu xinh xinh, sáu đôi mắt
tròn xoe, đen láy và ngơ ngác. Chúng luẩn quẩn líp chíp xung quanh hai bàn chân
tõe ngón rất thô kệch của bà mẹ. Mà tâm tính của mẹ chúng thì cũng “thô kệch”
như hai bàn chân nọ. Mụ đần độn đến phát ghét lên được. Thực ra là một thứ đàn
bà tồi. Mặt mũi lúc nào cũng ngẩn ngơ, lúc nào cũng lắc lư như một bà nhiêu ra
chợ mà bị kẻ cắp xén mất túi. Mỗi khi cất bước, đôi chân khụng khiệng đi lối
vòng kiềng lại đu đưa tất cả mình lên. Nom đến chậm.
Cũng bởi cái tính ngu tối, chậm chạp ấy mà vô tình, mụ đã giết
một đứa con của mụ.
Một hôm, cu Lặc đem ngô ra sân cho ngan ăn. Mụ ngan xô đến.
Đàn con cũng tất tả chạy theo, chúng len, đun, tranh nhau trèo vào chậu ngô. Mẹ
chúng đứng ngoài xốc cành cạch từng hột nhỏ một.
Nhưng lũ trẻ leo vào đầy chậu, khiến cho mỏ mụ bị vướng,
không xơi được hạt nào. Tức mình mụ cũng thò một chân vào cái chậu sành. Rồi mụ
bước nốt cả chân kia vào. Thành ra mụ đứng phè phè giữa chậu, cứ cúi xuống mà xốc,
tranh ăn của các con. Một bàn chân mụ - cái bàn chân có ba ngón trước xòe ra, mạng
liền với nhau - giẫm lên lưng một con nhỏ. Con ngan nhỏ kêu thảm thiết. Nhưng mụ
vẫn chưa biết, vẫn dí chặt chân lên lưng nó mà xốc ngô như thường. Đến khi mụ dịch
chân đi để thò mỏ ăn chỗ khác thì con ngan khốn nạn kia đã không thể đứng dậy
được nữa. Nó gãy xương lưng.
Ăn no rồi, con mẹ vỗ hai cánh dẫn năm trẻ xuống ao lội chơi.
Mặc thây một con bị trọng thương, cứ việc nằm rụi, kêu khắc khoải. Mụ lờ tít. Đến
chiều, con nhỏ ấy chết. Mụ làm như không biết rằng có một đứa con mình vừa mới
chết. Và cố nhiên là không phải lỗi ở mụ. Bởi vì vẫn thò ra thụt vào cái cổ, vẫn
lúc lắc bộ đuôi. Những tiếng kíu kíu thốt ra, như vẫn biểu lộ một nỗi
vui sướng vu vơ ngây ngô.
Thế là một con ngan nhỏ chết. Mười hôm sau, hai mống nữa cũng
chết theo. Chúng bơi dưới ao, mò rúc đầu vào ven bờ. Hai con bị lươn rút vào tổ.
Lũ trẻ con trong nhà đi tìm thì chỉ thấy hai cái đuôi chổng lên. Cái đầu cúi
vào trong lỗ, bị lươn cắn thủng một lỗ sâu hoắm.
Còn lại chỉ có ba con lơ láo.
Lại một hôm nữa, mụ dẫn ba trẻ con ấy ra ngoài ruộng chơi. Mấy
bữa ấy đổi gió, nên nhiều diều hâu ở miền xa bay về. Chúng đang dang cánh ra lượn
tròn trên đồng lúa. Chúng lửng lơ trong không, lẩn vào từng khoảnh mây xanh. Những
tiếng kêu ríu rít nổi lên như tiếng sáo đẩu. Không phải là chúng cứ “xây giếng
cho tròn” mãi ở trên cao thăm thẳm ấy. Chúng liệng đi liệng lại và thỉnh thoảng
sà xuống ở một chỗ rất quạnh quẽ, hoặc để tìm một cái ngòi nước nào mà tắm hoặc
để kiếm mồi. Hôm ấy, có một con diều hâu lượn vòng tròn rất cao. Bỗng nó
nghiêng cánh, đâm bổ xuống tận nơi, thò dài hai cái chân sắt, quặp lấy một con
ngan, rồi bay bổng lên, vụt đi. Nó tìm đến một nơi thanh vắng, thả ngan xuống,
mổ cho chết rồi ăn thịt. Một lát sau, có một gã diều hâu nữa sà đến cũng quắp một
con ngan. Văng vẳng tiếng ngan kêu thảm thiết trên cao.
Mụ ngan mẹ cũng nghe được rõ ràng những lời kêu cứu ấy. Bởi
vì mụ có nghển cổ, có liếc lên trời. Nhưng rồi mụ lại cúi xuống mổ cỏ và lúc lắc
cái đuôi của mụ. Còn có mỗi con ngan nhỏ khiếp sợ, chúi vào bụng mẹ. Song mẹ nó
vẫn vô tâm, không để ý chi. Thế là hai con nhỏ bị diều hâu bắt ăn thịt. Phải
tay một mụ gà thì không bao giờ mụ chịu im như vậy. Sống chết mụ cũng xù lông
ra, nhảy lên đánh nhau ngay với quân thù. Đằng này, có thể như không bao giờ mụ
ngan nghĩ đến điều phiền nhiễu đó. Mụ đủng đỉnh dẫn một con lõng thõng về, mỏ
và mắt thản nhiên như lúc đi ra.
Cả đàn sáu con ngan, chỉ còn vẻn vẹn có một. Cái sân gà vịt vừa
bị một trận chết dây kinh khủng, bây giờ lại càng vắng vẻ thêm. Các cổng chuồng
bỏ trống, không cài then. Những lối bùn đã mọc rêu xanh, chẳng có mấy vết chân
ba ngón qua lại.
Tối đến, hai vợ chồng nhà ngan ngủ dưới gầm chuồng gà. Con
ngan nhỏ nằm bên cạnh, mỏ rúc xuống cánh. Bao giờ chúng cũng ngủ đấy. Cái giống
ngan luộm thuộm yên trí rằng ngủ ở đấy là sang lắm.
Một đêm kia, có một con rắn mai gầm từ dưới bờ ao bò lên.
Thân nó trường bằng một cái đòn gánh và vằn những khúc vàng, khúc đen. Bởi vậy,
rắn ấy còn có tên là rắn cạp nong cạp nia. Nó luồn ven bờ ao, đánh hơi thấy mùi
tanh ở chuồng gà thì nó bò vào. Và nó bắt gặp ba con ngan liền rướn vành cổ ra,
phun phè phè. Hai con ngan lớn lật đật chạy. Bởi rắn ấy là ông Ba Mươi đối với
các loài vật trong nhà. Nhưng cũng chẳng biết có phải vì thế mà hai con ngan chạy!
Chú ngan nhỏ chậm chân, bị rắn tiêm nọc độc vào lưng. Tội nghiệp, chú nằm quay
lơ, giãy giụa một lát thì chết. Con rắn ghê gớm lừ đừ trườn đi mất.
Sáng hôm sau, Lặc thấy xác con ngan nằm chết rũ. Nhìn một vết
dài lăn nhăn trong rãnh bùn ướt từ ao lên trên gậm chuồng thì Lặc biết ngay là
con ngan kia bị rắn phun chết. Nó chạy vào nhà, hô hoán ầm lên. Lũ trẻ thập thò
ra xem nhìn nhau, rón rén bước từng bước một, như sợ con rắn nguy hiểm hãy còn
luẩn quẩn quanh ở đấy.
Lặc xách cẳng ngan lên. Nó ngắm nghía và nói:
- Hoài của. Thế lày mà rắn cắn chết, thịt đang mềm nắm .
Chốc lữa tôi vào xin ông mang về...
- Ăn?
- Chứ nỵ gì! Hôm lọ , con gà chọi tôi
cũng mang về ăn đấy. Chỉ phải bỏ cái diều đựng cơm thôi. Ngon đáo để. Tội gì,
thịt ăn chẳng có, nại có thịt vứt đi.
- Nhưng đằng này rắn phun độc lắm.
- Độc xộc vào mồm. Tôi đếch sợ.
Lũ trẻ xanh mắt lại. Chúng chắc rằng ăn thịt ngan rắn cắn, thể
nào Lặc với mẹ Lặc cũng chết ngay đuôi ra. Lặc mang con ngan về.
Nhưng sáng hôm sau. Lặc vẫn đến như thường. Mặt mũi vẫn hồng
hào và bụng vẫn to. Cả bọn trẻ xúm lại.
- Ăn hết thịt ngan chưa?
- Mấy con lữa cũng ăn hết bay.
- Thế thực anh không sợ nọc rắn độc hử?
Lặc nói nhỏ. Ra lối bí mật:
- Sợ quái gì. Núc nuộc gà thì bỏ một cái đinh lăm phân
vào lồi . Sắt kỵ nhau với lọc rắn. Thế nà lọc rắn
tan ra lước hết. Chỉ phải bỏ đi lước xuýt, còn thì nhắm được
tuốt!
Lũ trẻ ngẩn ngơ nhìn nhau. Ra lối phục cái mẹo ấy là đúng.
°
° °
Con ngan nhỏ cuối cùng chết đi, hết dấu vết của đàn ngan.
Không ai nhớ nữa, cả mẹ và cả đến cha chúng. Tàn mùa hè thì
hoa xoan rụng. Hai vợ chồng nhà ngan lại đi với nhau. Chồng là một chàng ngan bạch.
Thằng cha to gấp đôi vợ. Loài này, bao giờ đực cũng lớn hơn mái. Toàn thân trắng
muốt. Nhưng ở cuối mỏ, sùi lên một mụn đỏ. Nếu nó in ít, ta có thể tưởng đấy là
trứng cá của loài ngan, nhưng đây nó đầy bì bì, đỏ tía như màu hoa mào gà và
ngay ở trên trán, mụn đỏ ấy làm xấu dáng của ngan, dù là một con ngan trắng muốt.
Vì còn có những thứ ngan khác hoặc đen biếc, hoặc trắng đốm đen bẩn như người
đàn bà đi chợ mùa lạnh mà mặc váy rách vá chùm vá đụp.
Nhưng cũng chỉ có tính nết của ngan làm cho người ta ưa
chúng.
Chàng ngan kia bướng bỉnh lạ. Nếu bị người đuổi, chàng chỉ đảo
từng bước thủng thỉnh. Và lại còn thò cổ lại “hỏi han” người ta. Nếu chỉ bị đuổi
xoàng, chàng còn mổ lại người ta là đằng khác nữa. Chàng không nhát như mấy anh
vịt, lúc nào cũng chỉ ngẩn tò te ra nghe ngóng để rình chạy. Song chắc là vốn
được bẩm sinh ra thế chứ thực ngan ta chẳng có tâm tính chi. Đã một lần có một
đứa trẻ ngắt hai chiếc lá khoai sau nhà. Nó vật con ngan xuống và lấy lá khoai
trùm kín cả đôi bên mắt chúng. Đôi ngan bừng mắt ra, thấy màu xanh xanh của lá
phủ trên mặt thì quên hết cả trước sau. Chúng cho ngay rằng chúng đương được nằm
lơ mơ ở trong bụi cỏ. Bụi cỏ non xanh và mát. Thế là chúng cứ nằm chỏng chân
lên, im lặng không nhúc nhích, cho mãi tới lúc hai chiếc lá khô cong, hé nhìn
lên thấy trời, chúng mới lóp ngóp bò dậy. Lại thủng thỉnh bước một, gieo những
bước nặng lạch bạch xuống nền sân.
Một hôm chàng ngan lừ đừ ra đầu ngõ. Hắn đi ngơ ngác, lờ phờ,
lắc lư cái người, lắc lư cái chân, mà lắc lư cả đến cái đuôi ngắn củn. Bất đồ hắn
gặp một đứa trẻ độ ba bốn tuổi, chập chững đi vào trong ngõ. Ngõ hẹp và sâu, có
những cây xoan cao, thân mốc trắng, cành nặng trĩu những chùm quả chín khô,
vàng thậm. Thằng bé cũng trông thấy con ngan. Nó cởi trần cởi truồng nhưng nó
không sợ ngan chút nào. Nó thò tay ra vớ lấy cái đầu con vật. Chàng ngan cũng
chẳng sợ gì thằng bé. Chàng liền rúc một mỏ vào rốn nó. Thấy buồn buồn, nó lấy
tay gạt đi. Chàng ngan lại rúc nữa. Lần này chàng rúc xuống phía dưới bụng.
Đúng cái dái. Thế là chàng cứ bặp bặp hai cái mỏ vừa lôi vừa nhay thằng bé.
Thằng bé giãy giụa, gào “mẹ ơi! mẹ ơi!” ầm lên. Mọi người chạy
ra thì thằng bé đã cố dứt được cái mỏ ngan tai quái ra rồi. Chẳng có ai ngờ là
gã ngan dờ dẫm nọ lại vừa đánh nhau với thằng bé chưa biết nói sõi. Nó chỉ khóc
khỏe. Mà gã ngan thì vẫn đứng cạnh đấy, thò dài cổ ra “hỏi han” mọi người, với
một điệu rất ngẩn ngơ: Người ta tưởng có một ổ kiến lửa đỏ ở quanh đấy.
°
° °
Đằng sau nhà, có một vườn cải. Đấy là một khoảng đất tận góc
vườn đằng kia, giáp bờ ao, vun xới, bón tưới do công trình của Lặc. Cùng là ở
trong vườn, nhưng Lặc rào kín bốn phía, để đề phòng sự tàn phá của bọn ngan vịt
nghịch ngợm. Chỉ hở một cái cửa nhỏ. Mỗi ngày hai buổi, Lặc xách vò nước vào tưới.
Bốn luống cải chạy đều một hàng. Màu xanh tươi tắn giải lên
trên màu đất vàng sẫm. Có luống vừa bén chân, mới trổ được đôi ba tờ lá bé. Những
mảnh lá xanh rờn , có khía răng cưa, khum xuống sát đất. Cải này trồng để ăn
vào Tết Nguyên đán. Cũng có luống những tàu lá cải đã vồng cao. Khía lá rách mạnh
vào chiều sâu. Ở giữa chòm lá lòe xòe, vươn lên một cái thân dài mụ mẫm và phấn
trắng. Đầu thân, lơ thơ có những chùm hoa nhỏ, những chùm hoa của những đóa hoa
nhỏ xíu ấy, mở ra những cánh vàng li ti. Đó là những luống cải để làm dưa.
Chúng đã già rồi. Nhưng vườn chỉ đẹp, khi những cây cải già nở hoa vàng. Có
không biết bao nhiêu là bướm trắng từ xứ mô tê nào rủ nhau đến chơi ở vườn cải.
Chúng họp thành đàn, bay rập rờn trên từng cánh lá. Chỉ bay thôi, mà không đậu.
Những cánh trăng trắng phấp phới trên nền cải xanh lốm đốm điểm hoa vàng. Lại
thêm có mưa xuân về sớm, mà là trời đổ bụi mưa xuống. Trước gió hiu hiu, những
bụi trắng bay loăng quăng vẩn vơ.
Căn vườn đẹp, xinh là thế, mà một bữa kia, có những kẻ rất phàm
phu vào bới tung cả lên. Hôm ấy Lặc tưới vườn nhưng lúc ra quên cài then cửa. Một
lúc sau, nghe có tiếng khịt khịt thở mũi. Rồi lại có tiếng chân đạch
đạch. Rồi thì một chiếc mỏ vàng to bè bè, hai con mắt lơ láo, và cả cái đầu đỏ
khé, thò vào trong phên. Thấy phên ngỏ rộng, hai cái chân lũn chũn cũng nhún
lên nữa: À, chàng ngan đực đương ì ạch leo vào vườn. Chàng vừa leo vào xong,
còn đứng ngẩn ngơ nhìn khu vườn man mác một màu xanh yêu mến, thì ở ngoài lại
có tiếng thở, lại có tiếng chân đi, lại một cái đầu đỏ nữa thò vào phên. Con mụ!
Con mụ ngan cũng nhảy vào vườn rồi.
Ôi chao! Thực là sung sướng, thực là phê pha. Mấy khi có được
những lá xanh, non và mềm thế kia để ăn cho mát ruột. Vợ chồng nhà ngan liền cắm
cúi vặt mổ lá cải. Chàng tỉa từng lá, xốc ngoem ngoém. Chúng ăn những cây lá cải
già và chúng ăn những cây lá cải non. Chúng nằm xệp xuống giữa luống mà xốc
soàn soạt. Vừa ăn, vừa giày vò, vừa ngoe nguẩy hai cái đuôi lý thú. Chẳng bao
lâu quang đãng hết một góc hai luống cải. Còn trơ lại ở mặt đất những cái gốc
trụi. Ăn mệt ư? Chàng chỉ vỗ cánh đành đạch, đứng nghỉ ngơi một lát rồi lại bắt
đầu cuộc ăn nữa. Chúng ăn vô hồi kỳ trận. Vườn cải nát hết. Đàn bướm trắng lởn
vởn trong bụi mưa. Bụi mưa vẫn phơi phới xuống. Hai cái mỏ, bốn cái chân, giẫm
và nuốt tan hoang cả.
Cuộc tàn phá đang dữ dội thì có một đứa trẻ đi ra vườn, nghé
qua khe nứa trông thấy. Nó hốt hoảng chạy vào trong nhà.
Cu Lặc hớt ha hớt hải chạy ra. Môi nó mắm lại. Những bước
chân giận dữ vang thình thịch, giá giẫm trúng thì chết cả chó. Có đứa cướp vườn
cải! Có đứa cướp vườn cải! Làng nước ơi, hại cu Lặc chưa!
Lặc giương đôi mắt mà nhìn vào vườn: Hai con ngan mải ăn,
không biết, cũng có nghếch lên nhìn, nhưng lại cúi xuống ngay và lại xốc lá cải
liền liền. Lặc thì Lặc, chúng ít cần, mà nói rằng chúng chẳng có cần mới đúng.
Cửa ngỏ thì những con vật đi vào. Có lá non đấy những con vật tha hồ xơi tự
nhiên. Giản dị lắm. Nhưng người ta lại không nghĩ giản dị như vậy. Lặc co cẳng
đá phốc cho anh ngan đực một đá. Thằng nỡm bắn bổng lên, chúi rấp vào khe giậu.
Con mụ cũng được ăn một đá tương tự. Chúng lóp ngóp bò dậy, và dường như trong
lúc sửng sốt, chúng không hiểu thế nào ra thế nào cả. Chúng vươn cái cổ, chĩa
là là xuống, trợn mắt lên, đồng thanh cất tiếng kêu kiu kíu. Cái gì thế, cái gì
thể hử?
Lặc đá liền liền. Lũ trẻ reo lên à à. Mỗi lần bị ngã mà lóp
ngóp bò dậy, hai bác ngan lại càng vươn thưỡn cổ ra, đôi mỏ đánh vào nhau cặp cặp.
Như cố ý kháng lại. Chúng quay cổ lại nghênh địch, mà không chịu chạy. Lặc đá tới
tấp. Loài ngan khỏe thực. Đá lắm chỉ nghe tiếng bồm bộp. Sau Lặc xách cổ đôi
ngan, đem nhốt vào chuồng gà. Nó cài kỳ lưỡng hai cái chốt lại.
Vợ chồng nhà ngan bị bỏ tù. Cho đến lúc ấy, chúng cũng không
hiểu chi, cứ vươn cổ ra mà kêu rối rít, rất bướng.
Ba hôm sau, đôi ngan được thả ra. Chúng vỗ cánh, dướn chân,
bay vè vè trong sân. Nhưng bỗng nhiên, chàng ngan đực vù cao lên. Chị vợ cũng nối
cánh. Hai con ngan trắng phau phau bay bổng lên không trung, thấp thoáng trong
nền mây trắng. Chúng bay cả ra cánh đồng. Thực là một sự bất ngờ kỳ khôi. Loài
ngan có bay biếc trên trời bao giờ đâu. Kỳ tình chúng cũng biết và có thể bay
cao lắm. Nhưng ít khi chúng trổ tài cho thiên hạ rõ. Chắc là mấy bữa nay cậu mợ
quẩn chân lắm, bây giờ đã được tự do thì xê dịch đi một cái cho sướng cái thân.
Lặc co cẳng chạy đuổi theo. Hai con ngan hạ cánh xuống giữa
cánh đồng. Nó túm được và xách cổ cả hai bôông bêêng lôi về nhà.
°
° °
Chàng ngan đực chết ngay ngày hôm ấy.
Người ta bày ra sân một bát chiết yêu. Một đứa trẻ được túm
hai cánh ngan, giơ cao lên. Một đứa khác cầm hai chân. Lặc tóm cổ ngan, vặt nhẵn
một túm lông ở phía mỏ dưới. Nó kề lưỡi dao vào đấy và khía mạnh một cái. Máu đỏ
tươi ròng chảy xuống bát. Con ngan giương mắt ra thở khò khè. Nhưng cái màng trắng
ở một bên mi kéo lên, khép kín đôi mắt ấy lại. Nó giãy giụa mấy cái mạnh rồi
nhuôi ra. Một vật sống từ giã cõi trần...
Mụ ngan đứng cạnh, nhìn vơ vẩn. Mụ nghĩ ngợi chi? Vẫn thở ra
thụt vào cái cổ thản nhiên. Thực mụ chẳng biết người ta đương xúm lại để làm gì
chồng mụ đấy. Giống này không nhớ chi bao giờ. Một việc qua rồi, được coi tựa
như việc chưa có lần nào tới. Mụ chỉ nhớ rõ ràng khi có hạt ngô đo đỏ, hạt thóc
vàng vàng, tàu lá xanh thì xô đến mà khởi sự ăn.
Mụ chưa bị chết. Mụ chỉ phải xén cụt hai đầu cánh, để từ giờ
cụt hứng bay. Nhưng án của mụ cũng đã được tuyên. Ông ngoại tôi nói:
- Còn con ngan này thì đến hăm ba, cho nó về chầu ông Công.
Đực
Có một hôm nó trốn đâu từ lúc đương bữa cơm chiều. Cả nhà đi
tìm quanh quẩn khắp xóm mà cũng chẳng thấy. Không thường con quái lại chạy tít
ra tận ngoài đồng!
Nó tinh quá. Mới giơ có cái xích ống ra rung rung mà nó đã chạy
phát nhọc lên. Có gì đâu! Người ta chỉ muốn làm cái việc trường cửu của nó
thôi.
Nó là chó. Nhưng ở nhà gọi tên là Đực. Trước kia, hồi nó còn
nhỏ, thày tôi đặt tên là con Bô - Tô. Phải cái trí nhớ của cu cậu kém quá, chỉ
có việc nghe gọi “Bô - Tô, Bô - Tô” mà cứ quên khuấy, đang chạy cũng nhãng cả
quay cổ lại. Nếu lại hò tiếng thông thường, cún cún ều cún ều , thế
thì nó sẽ ve vẩy cái đuôi, sán lại ngay đấy, song nghe thế mới tục tĩu làm sao!
Có khi chỉ phải tặc tặc cái đầu lưỡi, nhổ một bãi nước bọt là chó ta cũng mon
men đến.
Nên cả nhà tôi gọi nó là Đực. Nghe tiếng gọi “đực, đực” cũng
gần giống tiếng tặc tặc cái lưỡi. Thế là dung hòa cả đôi cách. Có đâu vài ba bận
nó đã quen được tên.
Mẹ nó quê gần bên kia sông - chẳng ai có thể biết được bố nó
là dòng dõi nơi đâu. Cái loài chó má vô luân làm gì có sự giao kèo vợ chồng! Một
lần ông ngoại tôi sang Phú Gia chơi với cụ Nhiêu Vạng. Nhân nhà có một chị chó
cái giống tốt đẻ được một đàn năm con, cụ Nhiêu bèn biếu ông tôi hai con lớn nhất:
một đực, một cái. Ông cụ bỏ đôi chó bụ bẫm, mỗi chú vào trong một cái rọ tre. Bữa
ấy, tôi chọc hai đầu gậy vào cặp rọ mà quẩy thung thăng đôi chó về bên nhà. Đi
đường, chúng kêu nhăng nhẳng như kiểu chúng chửi bới tôi.
Về bên nhà, hai con chó chỉ biết có một việc hục đầu ăn no kềnh,
đi lục lặc cái bụng phềnh chắc nịch, trĩu cả sống lưng xuống, và đùa giỡn nhau
suốt cả ngày.
Chó nhỏ vui chơi chẳng khác gì trẻ con. Hốc đấy, nô đấy, lại
cũng ngủ ngay đấy. Con Đực thật hệt một đứa trẻ bướng bỉnh và anh hùng rơm. Nó
hay bắt nạt con chó em. Nó vật cổ con kia ra, cắn một miếng chơi vào bụng rồi
chuồn mất, để cho con bé cứ nằm chổng bốn vó lên mà kêu ăng ẳng. Nó lại cợt với
cái chổi dựng ở đầu hè. Nó lấy chân khều khều, làm như cái chổi là bạn tri kỷ của
nó. Nó nhá cái chổi và nhá quai guốc của trẻ con bỏ quên ở ngoài sân, nghe cồn
cộn. Chân nó lại chạy ra đằng sân sau dọa dẫm lũ gà và ngỗng làm cho bác gà trống
vừa phải nhảy hậu, vừa nhớn nhác kêu quéc quéc rộn rã. Ông ngỗng thì gan hơn.
Ông thò vươn cái cổ, nói khàn khàn trong cuống họng. Ông xử cặp mỏ dài và rắn,
bổ độp một chùy vào sọ con chó như một người mẹ độc ác lấy tay cốc xuống đỉnh đầu
đứa bé. Con chó nhãi nhép vừa chạy vừa la om sòm.
Hễ có một khách lạ vào nhà, cả hai con chó cùng xồ ra sủa ồm ồm.
Nhưng người ta đi tiến thì chúng lại lùi sâu vào. Sau hết, cả hai nỡm cùng lẩn
vào gầm phản để giữ thế thủ với nhau và sủa hóng ra.
Thường giữa ban ngày chúng cũng ngủ lăn lóc. Chúng gối vào nhau
mà say giấc. Con thì nằm úp mõm, duỗi thẳng bốn chân. Con thì khoanh người lại,
đầu vắt xuống đuôi. Nhiều khi chúng mê hoảng, đang nằm cũng nghiến răng kêu ư ử.
Cũng có những bận chúng đái dầm nữa. Đương ngủ bình yên - dáng hẳn chợt mơ màng
tưởng mình đứng tận ngoài đầu vườn - chúng đái tè ra ướt đầm thành một vũng nước.
Thực là những đứa trẻ nằm mơ, những đứa trẻ con khoai củ nhà quê. Nhưng chúng
càng lớn lại càng nằm xa nhau, cho đến khi thật đứng đắn thì không còn thấy lần
nào chúng nằm ngủ vắt lên nhau mà ngáy nữa.
Trong vòng mấy tháng trời - từ độ ngoài Tết mùng Mười cho đến
cạn tháng Ba - đôi nhách chó tí tẹo đã trở nên hai con chó trẻ tuổi. Chúng vỡ
da, vỡ thịt để nhớn. Cái giọng cắn the thé đã đổi sang giọng trầm trầm, nhát một.
Cũng như ở cái thời mười sáu, mười tám ta bắt đầu lang mặt và vỡ tiếng nói ồ ồ.
Bộ lông của hai anh em nó rất giống nhau. Đó là cái màu vàng
lợt lợt, không ra sẫm hẳn mà cũng không hẳn trắng bệch. Chân cao. Đuôi chỏng
lên trời. Khi bước đi, nó nghiêng ngả như cái cán cờ. Các người sính chó bảo giống
này là giống chó thường, chẳng dữ mà cũng chẳng hiền. Cái thứ chó vừa tầm người,
không cao, không to mà ở hầu khắp các vùng nhà quê người ta vẫn nuôi. Chả hiếm
nên không quý. Chúng dốt bắt chuột, nhưng cũng hiểu việc đánh hơi và cách hít.
Một con mũi hung hung đỏ và một con mũi xám ngắt.
°
° °
Những sớm tinh sương, anh Đực hay ra ngóng ở ngoài cổng tán.
Đã biết cái khóe chơi của một gã trai tơ rồi đấy. Cậu đứng đợi người yêu.
Ở đâu, ở loài nào, khi cuộc đời đương độ, người ta cũng thở
hít thấy rặt những không khí ái tình. Cái hương vị mơ hồ và bâng khuâng ấy đã
làm cho con Đực đang trẻ con láu táu bỗng trở nên người lớn đứng đắn và có lễ độ.
Dáng đi của nó ra điệu gọn dẻo, từ tốn, khoan thai, và nó ít đùa nhả nữa.
Đôi mắt ốc nhồi của nó linh hoạt như có dầu trơn trong cặp
con ngươi màu nâu đùng đục. Chả biết bộ mắt ấy có phải là lẳng không, thế mà vô
lủng các chị em láng giềng cảm Đực ra phết.
Con Đực yêu hăng lắm. Nó có hàng tá nhân tình. Bởi nó bảnh
bao, phì nộn và cũng bởi nó tài năng, khỏe mạnh. Nó là một ông tướng, một ông đại
tướng. Nó phải hành động rất lắm việc.
Nó đi chim các chó nhà người ta. Nó vơ vét mọi nơi. Nhưng nó
vẫn không khỏi có cái tính ích kỷ nhỏ nhen. Con em Cái nó cũng đương tuần cập
kê. Nó lại kiêm cả việc ở nhà để trông coi riết. Nó không muốn em nó hư hỏng vì
sự đua đả bạn bè. Còn không bao giờ nó nghĩ đến sự hư hỏng của mình và không
bao giờ nó để ý đến sự nó đã làm hư hỏng vô khối kẻ khác. Con bé cứ thập thò ra
ngõ chực đi rong là nó lại cắn cho một chặp. Và hễ cậu nào có lượn lờ, lảng vảng
qua cửa, nó cũng nhảy ra đánh luôn.
Lúc nào nó cũng lo nghĩ bộn rộn. Đi ve vãn các chỗ lạ còn rào
giậu ở nhà. Bao nhiêu công việc! Phải biết rằng khi trẻ tuổi nó chẳng chịu làm
ăn chi cả, chỉ có nghĩ đến sự ái tình. Mà thực cũng buồn, nếu những con chó trẻ
trung không có những chuyện ma chuột ấy thì tuổi thanh niên của nó còn biết
dùng làm gì nữa!
Cho nên nó chiến đấu một cách mạnh mẽ. Sau những trận chơi bời
dữ dội, nó mệt nhọc về nằm ở cổng ngõ. Nhưng dù nằm nghỉ đấy, thoáng có bóng một
chị cái nào lởn vởn, nó lại ve vẩy đuôi, thè cái lưỡi dài và đỏ, chạy theo. Chỉ
một ít lâu, người nó tọp hẳn lại. Thân thể nó dài thượt và nghêu nghẹo. Cái bộ
mã vàng lợt có chỗ mất cả một mảng lông, để lộ lần da xam xám.
Một buổi kia, cả nhà đã cơm nước xong, đến bữa cho chó. Thằng
cu Lặc lấy bát chắt nước vo gạo, đổ đầy cơm vào lon rồi gọi ồn lên mà chẳng thấy
bóng con nào về ăn. Đi tìm: cậu Đực, trong bụi tre sau vườn, còn cô Cái cũng mải
đú đởn bên gốc cây rơm.
Thằng Lặc vác cái gậy to thô lố ra phết cho cậu Đực của nhà
những roi đòn kịch liệt. Thế là tan. Còn cái đuôi của con Cái, biết đấy, nhưng
Lặc không “khủng bố” tới, Lặc nghĩ: “Cho nó đi lấy giống”. Hừm! Thằng Lặc đã ác
độc quá lắm. Cái phương pháp nó đem khu trị giống chó quả là không cân và ức hiếp,
trái hẳn với sự xét nhận loài người, nó dung túng cho phái khuyển yếu mà đi trừng
trị bọn đàn ông. Chẳng ai người ta thừa cơm mà nuôi một con chó điếm đàng. Ông
ngoại tôi bảo:
- Con Đực tốt nết lắm. Tao muốn để nuôi nó. Nhưng phải cũi nó
lại, không được cho nó đi lang thang như thế mà nó rạc đi.
Con Đực bị nhốt cũi. Nhưng làm sao đổi được tính nết nó! Chẳng
nhẽ nhốt được mãi, mà cứ thả ra là lập tức nó chạy biến. Và bị kìm hãm như thế
mỗi lần sổ lồng nó lại la cà hơn bao giờ hết.
Thấy vậy ông tôi bèn bảo thằng Lặc:
- Mày sửa sẵn lấy cái xích ống. Tao phải thiến nó mới được. Đến
tuổi rồi. Chưa kịp thiến, cứ nhông nhổng lên thôi.
Lặc đem dao ra vườn chặt một đốt tre. Nó đóng thòng lọng một
đoạn thừng đay rồi xâu vào cái đốt tre ấy. Con chó sổng đi từ hôm qua. Lặc
rình. Nó ở một rặng cây ô rô. Lặc giả cách đi lừ đừ tới, giấu cái xích ống đằng
sau lưng. Thấy người nhà, Đực ve vẩy đuôi, cúi mõm xuống. Nhưng chừng như nó
đoán hẳn nó có tội gì. Nếu không ai bỗng dưng lại đi đến gần nó làm chi. Quả thế,
kia kìa cái đầu gậy thò lò ở sau lưng thằng người. Tới gần, Lặc giơ cái xích ống
lên. Thế là Đực xoải chân ra chạy thẳng. Bữa cơm chiều cũng không dám tưởng đến
về ăn.
Người ta định bắt thiến con chó. Thiến nó thì còn gì là đời
thanh xuân của nó? Nhưng bản thân người ta chỉ định cái việc lâu dài, cái việc
trường cửu cho nó. Bởi có thiến thì con chó mới bó buộc phải sống lâu năm được.
Ở đời, người ta chỉ chuộng cái giống khỏe khoắn thôi chứ.
°
° °
Đã muốn rồi cũng được vậy. Một buổi sáng thằng Lặc lừa bắt nổi
con Đực. Tay nó vẫn lăm lăm cái xích ống. Đực hoảng hốt.
Nhanh như cắt, Lặc quàng vội chiếc vòng thẳng vào đầu Đực rồi
đẩy cái ống tre xuống co rút lại. Nó kéo con chó đi. Kéo một lại được cả hai!
Con chó cái chạy giật lùi rít lên và kêu gầu gầu ỏm tỏi... Thằng cha vô lương
tâm, thấy thế, lại cười ằng ặc.
Đực bị nhét đầu vào gậm cái bậc cửa dưới nhà ngang. Lặc lấy
chiếc ghế nhỏ chặn lên cổ con chó và giữ chặt lấy. Ông tôi kéo dài hai cẳng
sau, lật ngửa tênh hếnh bụng nó lên. Con chó cố cựa nhưng không quay được một mảy,
cố kêu nhưng chỉ ấm ứ ở trong họng. Ông cụ cầm sẵn con dao nhỏ, xẻo rất
nhanh... Lặc nhét vài hột muối và quết một ít dầu ta vào chỗ vết cắt ấy. Thế để
cho đến lúc se máu, vết thương không bị cứng dấu và đóng vẩy được ngay. Máu
tuôn đỏ lòm. Đực kêu thất thanh. Ôi chao! Buốt đến thế nào?
Cái công việc đó ông tôi làm nhanh lắm. Dễ chăng chỉ một vài
giây đồng hồ đã xong hẳn và buông được con chó ra. Thật là một hành động chóng
vánh, chỉ trong có một li đã biến đổi cả một đời.
Con chó được buông lỏng, hống lên, hục hặc chạy đi. Nó đến nằm
rấp ở một xó bụi ô rô mà rên hừ hừ. Chẳng biết nó tiếc xuân, tiếc đời hay là tại
đau quá? Bữa ấy cậu bỏ cả cơm.
Nhưng da dẻ loài chó rất chóng liền vết. Nên được độ một
phiên chợ nó khỏi hẳn và đã đi lại nheo nhẻo.
Có lẽ bởi thế, con Đực mới nghĩ ức trong lòng. Mấy hôm Đực buồn
thỉu, buồn thiu, đi lừ khừ quên cả ăn uống. Chắc hẳn cu cậu ứa nước mắt ra mà sầu
cái sự đời éo le.
Cái xó vườn cỏ dại đằng sau nhà không còn oanh yến dập dìu
như xưa nữa.
Có một hôm, Lặc đang đứng cầm cái sào nứa dài để dồn vịt vào
chuồng. Con Đực đi qua đó, trông thấy thằng cha đã hại mất nửa đời mình, liền
chồm lên, cắn một miếng vào bắp chân dưới của Lặc. Thằng Lặc bị miếng đòn thù bất
ngờ, không kịp kêu, vội vàng lấy sào đập con chó, vết cắn ấy sâu lắm, in rõ hằn
hai cái răng nanh dài ngoằn, ấn lõm vào trong thịt, máu tuôn ra đầm đìa.
Lặc lấy mồi thuốc lào và cạo một ít rêu cau rịt ngay lại cho
nó cầm máu rồi vác gậy đi tìm con chó hỗn láo. Ai cũng biết mà đoán ngay rằng
con chó tinh ma ấy trả thù kẻ đã thiến nó. Nhưng cũng biết trông mặt mà rửa hờn
nên nó chỉ dám đả có thằng Lặc mà không đụng đến ai.
Lặc lùng được con chó. Lặc xích cẩn thận lại rồi đánh Đực một
trận nhừ tử. Những cái đầu gậy to bằng đầu cái chầy đâm riềng nện vun vút xuống
lưng, xuống sườn, xuống mông, xuống đầu chàng Đực. Kêu chán rồi chàng chỉ đành
nằm mọp. Cái giống chó chịu đòn giỏi hơn cả người.
Về sau, biết thân kém hèn, nên không một lần nào Đực dám nghĩ
đến sự thù hằn nữa. Nó yên phận thủ thường. Và đối với kẻ thâm độc, than ôi! -
hỏi cái sự ngôn ngữ bất đồng - ý như nó chỉ dành ở riêng với trời cao.
°
° °
Từ đấy, bắt đầu những ngày tháng buồn tênh.
Thôi còn gì nữa! Hết cả rồi! Dù chẳng là tù nhưng thân con Đực
có khác chi thân một tội nhân phải vĩnh viễn giam cầm bên trong cái cánh cửa sổ,
kiếp kiếp đóng chặt lại, không thể có khóa nào mở được. Mà ngoài kia thì này là
trời xanh, này là nước bạc, này bướm, này chim, vạn vật sinh linh như rạo rực
lên trong một nguồn sống mãnh liệt.
Loài người mình, khi thất vọng một điều gì, thường hay cáu kỉnh
và đâm ra liều lĩnh. Hoặc yếu linh hồn một chút, liền trở nên rầu rĩ, chán nản.
Nhưng hẳn cái kho trí khôn mờ tối của con chó không có, không biết đến những sự
phiền phức ấy. Nó chỉ biết có một điều cáu kỉnh. Nó cáu kỉnh đợp thằng Lặc một
miếng. Người ta đã trả lời cuộc báo thù của nó bằng một trận đòn dữ dội quá thì
nó chừa hận thù rồi. Nó chỉ còn bực mình suông thôi. Nó bực mình với phía khác,
với em nó, với đồng bào nhà nó. Bởi vì thế là nó hết cả rồi ! Đời còn
chi?
Trước tiên là cáu với con em. Mấy hôm ốm vì bị thiến, phải nằm
lử một xó. Đực nhận ra rằng: cái con em đốn mạt đã chẳng thương xót gì anh thì
chớ mà nó lại còn kéo đàn, kéo lũ ở ngoài đường ngõ với bọn bạn hữu giăng hoa.
Cho nên đến khi khỏi, suốt buổi Đực chỉ chuyên có việc căn vặn em. Gặp chỗ nào
cũng gừ. Luôn luôn nó hếch mép lên, nheo mắt lại và chìa cả hai hàm răng trắng
tểnh như ngà có đôi nanh nhọn hoắt mà gầm ghè, làm bộ như sắp giết em đến nơi.
Chị ả sợ hãi, cúp đuôi lẩn ra chỗ khác. Nó bực em nó cả ngày. Cái trò bị đánh
mãi thì coi thường đòn, con Cái không biết sợ nữa. Nó cũng gâu trả lại, mỗi khi
thằng anh bất lương đả nó.
Sau con Đực chắc cũng biết hục hặc như thế là vô lý. Nó thôi.
Bởi nếu mà cáu thì cứ cáu cả đời. Ở cái tuổi trẻ măng măng của con bé, nó đè
nén làm sao được sóng tình dào dạt. Đực lại bỏ đi gây sự đánh nhau rắc rối với
láng giềng. Nó sinh ra rất ghét tất cả những cuộc tụ bạ ở các ngã ba, ngã tư đường.
Nó tưởng như lũ chó chưa thiến chỉ đứng đấy để chế giễu nó. Cho nên, nếu người
ta còn trông thấy nó ra đó, là nó ra để choảng nhau. Nó cắn tuốt, không trừ một
con nào. Thảng hoặc đôi khi, ngó thấy một con chó mơn mởn quá, động tình nó
cũng hít hít... nhảy nhảy. Nhưng cái thời xuân xưa đã đi đâu mất rồi!
Nó mới ngán ngẩm ra. Nó mới tợp cho chị ả một miếng nặng. Thế
là cả họ, cả tụi nhà con chó cái mĩ miều nọ kéo đến gầm gừ, khởi một cuộc xung
đột tan hoang.
Nhưng rồi anh em cắn nhau mãi cũng buồn. Đời đã sẵn buồn, như
thế lại càng buồn chán hơn.
Con Đực thôi không hay táo tợn nữa. Nó tìm kết bạn với một
vài anh chó già hoặc cũng đã hết xuân như nó. Thiến lại chơi với thiến, đồng bệnh,
người ta sẽ hiểu nhau hơn.
Quả nhiên thế thật. Những bác chó chán đời này thân mật với
nhau lắm. Những sớm mùa hạ, trời mới hồng ửng chứ chưa có nắng, cả bọn quần
nhau, đùa nghịch thung thăng ở ngoài cánh đồng lúa xanh. Đực không chơi bời,
hay là muốn cũng không chơi bời được nữa - thì người hắn béo ra. Những chòm
lông mọc dài, óng ả và mỡ màng. Dáng đi của nó đàng hoàng và bệ vệ, những gióng
chân bước đều đặn, đôi con mắt lừ đừ như trong đầu nó đang nghĩ ngợi xa xôi hay
triết lý một điều gì. Thân nó chắc nịch, và chỉ trong có đôi, ba năm trời nó đã
to bằng một con chó hạng nhỡ.
Cái tính hung hăng thuở trẻ của nó mất hẳn. Nó lừ đừ và hiền
hậu trở lại. Nếu có khách vào nhà, nó cũng chỉ cắn oăng oẳng mấy tiếng làm hiệu
chứ không xồ đến tận chân người ta như trước nữa. Nó thường nằm ở gầm phản, hè,
lối trông ra ngõ. Ngày nó nằm, đêm nó đi mò suốt canh. Nó tuần phòng. Con chó
khôn quá! Khi người ta kéo nó ra khỏi con đường tình ái thì nó mới trông thấy
con đường nghĩa vụ. Bởi vì giống chó sinh ra đời chẳng là để làm cái chức việc
giữ nhà hay sao?
Bây giờ chó Cái đã chửa. Nó vác cái bụng đi khạng nạng như thế
trông xấu đi nhiều, mất cả cái vẻ tự nhiên. Được ít lâu nó đẻ ra lúc nhúc bốn
năm mụn chó con. Cái đàn chó nhỏ ấy cứ rúc đầu vào bú tồm tộp cả ngày. Những
chiếc vú xinh xẻo của mụ Cái dài ra, to và mẫm như những chiếc củ cải nõn. Mỗi
bước đi, một chùm tám chiếc vú lại đánh lúc lắc sang hai bên, làm thỗn thện cái
bụng. Ra vẻ nạ dòng quá.
Con Cái cứ đẻ năm một sòn sòn. Mỗi lần nó ở cữ, các nhà bà
con láng giềng cố tình tới chơi, thấy những con chó xinh xinh lại xin một nhỏ.
Năm tháng lần trôi, con chó Cái gầy rạc và xấu mãi đi. Mà anh
Đực vẫn như nguyên. Có phần anh lại càng béo đẫy thêm. Thằng em con nhà dì tôi,
mỗi khi nghịch tinh, thường túm cổ con chó, cưỡi lên lưng nó như người ta cưỡi
ngựa. Chân thằng bé vừa sệt đất. Con Đực có thể mang trên lưng thằng bé lên tám
tuổi ấy mà đi chậm chạp từng bước một, từ đầu sân nọ tới đầu sân kia.
Bọn trẻ thích Đực lắm. Chúng nô đùa với nó cả ngày. Chúng buộc
dây đeo và đeo chuông vào cổ con Đực mà giả cách tưởng nó làm ngựa, cho nó chạy
nhong nhong. Mỗi bận, những đứa bé sờ tay vào đầu vào cổ con Đực, Đực lại sung
sướng lim dim đôi mắt lại và ngoe nguẩy cái đuôi. Nó hiền như bụt đất.
Và nó ăn ở có giờ giấc hẳn hoi. Ngày đôi bữa ăn rồi lại nằm ườn
bụng mà thở phập phồng. Ban đêm, nó đi mò mẫm. Nó dạo trên đường sân, mỗi một
bước, những cái móng nhỏ, sắc và khoằm đập xuống mặt gạch, nổi lên những tiếng
lách tách như âm thanh ở một thứ nhạc kim. Chốc chốc nghe hơi đâu có tiếng động,
nó cắn vọng gâu gâu.
Đã đến ngoài mười mùa đông rét mướt đi qua. Thấm thoắt mới
ngày nào, giờ đã ra mười mấy năm trời.
Con Đực sống dưới mái gia đình tôi đã hơn mười năm, từ cái
ngày tôi còn có ở trên đầu một núm hoa roi dài lê thê xuống tận sống lưng và mặc
một bộ quần áo nâu da bò có hai tay áo bóng nhẫy những quệt mũi.
Đã nhiều đổi thay. Ông ngoại tôi khuất núi từ một sớm mùa
đông năm Canh Thìn. Cái người đem nó bên kia sông sang đây đã bỏ các cháu mà ra
đi mãi mãi rồi. Bà ngoại tôi, thành lưng cao ngày một gục còng xuống, không cất
nhắc được mấy nỗi công việc nữa.
Mấy đứa em con nhà dì tôi, thằng bé nhất cũng đã biết cắp
sách đi học trường làng.
Còn Lặc, cái kẻ thù số một của con Đực già cũng đã lớn ngót
ba mươi tuổi. Hắn không ở cho nhà tôi nữa. Sống mãi ở một nơi cũng chán. Nhưng
có lẽ nó chán hơn cả là ở đâu cũng thấy cái xiềng nghèo kiết đóng đai vòng
quanh cổ. Năm vừa đây theo với chúng bạn, Lặc nhập vào bọn phu mộ sang vỡ rừng,
ở một miền cao su đất đỏ tận trong xứ Nam xa xôi.
Riêng phần con Đực, con Đực chỉ lạnh lùng trước cuộc đời và lạnh
lùng với tháng ngày. Thỉnh thoảng nó thả nỗi lòng vào vài tiếng hoáng lên trời.
Các bạn nó cũng tan tác hết. Con bé em chết đã lâu. Đẻ nhiều
quá, thân thể gầy nhòm, bữa kia người ta liền cho nó một cái chày vào đầu để
làm một nồi nhựa mận. Con chó Nhõm bên hàng xóm, một Tết Nguyên đán, sợ pháo mà
chạy mất tích, không thấy trở về. Con Vàng có tính hay cắn trộm, ghẻ lở đầy người
cũng qua đời đã bốn năm nay. Những anh đồng niên với Đực mà không thiến thì chết
từ lâu lắm, dễ có đến ngót mười năm. Nếu chẳng thiến thì thọ làm sao được! Một
hai mùa chơi bời, gầy mõ xương ra, ai còn buồn phí cơm nuôi một con chó trụy lạc,
còm xác đến tận răng!
Câu chuyện của nó đã ra chuyện ngày xưa. Thời gian làm ly tán
cả. Trở đi, trở về, kẻ chết, kẻ giang hồ mất, kẻ bị bán đi nơi khác. Lại còn có
kẻ xấu mắc vào những bẫy cò ke của tụi ăn trộm chăng ở bờ giậu để đến nỗi chúng
bắt được, đem bán cho các tửu quán. Họ đem làm thịt, lôi lòng gan ra và móc vào
chiếc móc sắt, treo cong cái lưng chó vàng ngẫy ở các cửa hàng cơm những dọc đường.
Mòn mỏi trong đám chó hậu sinh bây giờ, một mình con Đực lặng
lẽ sống cái cuộc đời tàn cục buồn thiu.
°
° °
Đực nằm ở đầu ngõ vào, trên cái ổ rơm cuộn tròn, lồng trong một
mảnh nắng mỏng của mùa đông hanh hao. Cái đuôi nó cuốn lại, ba chân thu vào,
còn một chân để tỳ dưới chiếc mõm khép kín cho hếch lên cái sống mũi xanh xám.
Những chòm lông trắng đẹp ngày xưa bây giờ quăn lại và kết thành từng đám bù
xù.
Qua thời kỳ trai trẻ chơi bời, đến lúc tỉnh ngộ với cái thân
hình tráng kiện rồi lần lần bước sang tuổi già, con Đực cũng héo hắt dần.
Đực không còn thính tai nhanh chân như thuở trẻ. Ăn cũng thấy
nhấm nháp in ít. Cả ngày chỉ nằm tròn. Được mấy hôm nay hửng trời, không có mưa
bụi phấn bay lăn phăn, con Đực tìm ra nằm sưởi nắng ở đầu tường.
Nó lão lắm, chả còn kham nổi việc coi nhà đêm hôm. Mà nhà có
vườn rộng, không được con chó khôn ngoan, lanh lẹ, trong những đêm dài, người
ta ngủ cũng chẳng dám trọn giấc.
Hôm qua, tôi đi mua ở trên chợ Bưởi về một con chó, lông vàng
sẫm như lông bò. Anh này mới ra đời được gần một tuổi, khỏe và béo lắm. Chắc
nhanh trai lắm. Nhưng phiền một nỗi, chàng ta lại chưa bị thiến.
Cu Lặc
Thành tên là cu Lặc, chính bởi cái bụng của hắn.
Thực ở trên đời này, có thể nói rằng không còn cái gì vĩ đại
hơn cái bụng phì nhiêu của thằng cu Lặc vậy. Nó trương phình ra, nó nhẵn thín,
nó tròn múp míp, nó choán mất cả ngực thằng Lặc và khum khum vồng từ cổ xuống tận
háng. Trên đường cong ấy, xế một chút về phía dưới, nổi lên một cục thịt. Nom
như cái nút ở lưng vò rượu. Đó cũng gọi là nút, nhưng là cái nút rốn, nó mọc
thây lẩy ra, đứng trơ trẽn và lơ láo giữa sa mạc bụng. Nếu mới nhác thấy, người
khéo tưởng tượng, có thể ví như một gã ma lanh nào tinh nghịch, lại đi thò đầu
ngón tay... từ trong bụng thằng bé ra.
Cu Lặc đeo cái bụng tày đình, phưỡn phệ đi lặc lè... lặc
lè...
Bao nhiêu người ngắm nghía nó đi, và đều cười mủm mỉm, phê
bình nhỏ với nhau. Những lời phê bình của quần chúng tạp nham đó đúc lại, tạo
nên một câu chắc chắn như thế này:
- Chà! Ta gọi nó là thằng cu Lặc Lè!
Rồi người ta gọi bớt đi một chữ đằng sau. Thế là thành tên. Hắn
không có quê quán gì. Một người đàn bà ở phương mô tê nào chẳng ai biết, đến
Nghĩa Đô làm nghề quay tơ mướn, rồi chẳng may ốm chết, bỏ lại cho thiên hạ một
đứa con. Thằng bé được người ta nuôi làm phúc, nó vào ở gia đình nhà tôi từ
ngày xưa lắm, tôi cũng không được rõ gốc duyên do làm sao. Ngày còn bé cỏn con,
thoạt mới biết nhìn và biết nhận thì tôi đã nhìn và nhận thấy cái bụng cùng cái
rốn gớm ghê của cu Lặc. Và hắn đã lớn hơn tôi nhiều.
°
° °
Người trong cả làng tả cu Lặc bằng mấy nét thực đơn sơ:
Bụng nó to hơn cái bụng ông phỗng. Rốn nó vừa bằng cái bát mộc.
Nó ăn như đánh trống.
Quả thật là cu Lặc ăn khỏe vừa ngoại ngạch mà vừa vô địch.
Hình như chẳng bao giờ hắn no miệng. Ăn lắm vào, cái bụng tích trữ bị phình ra
quá đỗi, thì phải thôi đấy, chứ cu Lặc chẳng hề biết thế nào là no đâu. Lúc ngồi
ăn, hai chân hắn xoạc ra, để cho cái bụng được tự do thở và chứa. Rồi thì hắn
múa đũa lên để và, để húp soàn soạt. Cơm quyện với nước canh cứ trôi xuống cuống
họng òng ọc như nước chảy xuống lỗ cống. Hắn ăn lấy ăn để, ăn ăn, thở thở, như
ăn cướp.
Nhưng thực tình hắn lại mụ mị, hiền lành. Mà dường như lại đá
lẩm cẩm. Bởi vì, có một ngày Tết, đương ngồi đông đủ cả nhà, u tôi sẻ vào bát
cho một ít canh miến gọi là ai cũng có chút thơm ngày Tết. Hắn húp sụp một cái,
rồi há hốc mồm ra tru lên:
- Úi chà! Tơn tơn quá. Chưa luốt đã tụt
vào củ tỉ !
Từ đấy, ngày Tết mà ai sẻ món canh miến cho cu Lặc, cu Lặc
cũng lắc đầu. Hắn sợ những sợi miến trơn và lạnh, chưa kịp nuốt, đã trôi tuột
xuống tận cuống họng.
Trẻ con trong nhà thân với cu Lặc lắm. Bởi vì cu Lặc vừa là
con bò, cu Lặc lại là con voi. Hắn cúi lom khom, đứa nào cũng có thể tự do trèo
lên lưng và bíu lấy hai tai hắn. Cu Lặc lại vui tính, và có nhiều trò chơi kỳ lạ.
Tôi hãy kể đại khái một trò: Hắn nằm thẳng xuống đất thì cái
bụng của hắn vồng cao hơn mặt. Hắn bảo một kẻ cưỡi lên. Hắn liền trợn mắt mắm
môi, thót túm bụng xuống, rồi thở phè ra một hơi dài. Thằng bé ở trên bụng cứ
theo nhịp thở mà nhảy lên nhấp nhổm, nhấp nhô.
Ăn cơm no rồi, cu Lặc phanh áo để lòi bụng. Hai tay hắn vỗ
vào bụng, mồm hắn làm điệu trống cơm bung bung bập bùng, bung bung bập
bùng . Ấy là cái hiệu cho lũ trẻ gọi nhau:
- Anh em ơi! Lại xem cu Lặc hát.
Cu Lặc sắp hát thực. Mặt hắn méo nhăn như cái bị nát. Nhưng lại
là một câu rất hữu tình. Trăm lần cũng như một, hắn chỉ hát độc có mỗi một câu ấy,
đến nỗi lũ trẻ chúng tôi sắp thuộc và bắt chước được điệu gần bằng. Hắn hát rằng:
Đào niễu, em ơi! Buông mành
Con oanh, học lói trên cành mai mỉa mai
Em nghĩ mình em cái cúc bạc nưu tai
Cái bạc tình chung thì có, cái trâm cài vốn không
Một duyên, hai lợ, ba tình
Ấy cái tang tình, ngày hai tình mười một
Cái tình mong xong hỡi tình!
À nên một, nên hai, nên ba, nên bốn
Nàm con mẹ cha nên chín, nên mười
Soi gương tình chung nà đánh phấn
Tang tích tịch! Tang tình tang!
Cho ló đẹp, em sắp nấy chồng
Ô í e... ò e í ò...
Trẻ con thích nhất đoạn này. Chúng reo lên để tán thưởng. Và
cu Lặc cũng góp một hồi cười hề hề.
°
° °
Cu Lặc là người như trẻ con. Bởi vì, ngoài những thì giờ để
làm, hắn chỉ đùa với trẻ con. Nhưng giá hai đứa trẻ trong nhà có côông kêênh
nhau lên, chắc cũng chỉ mới mó đến mũi cu Lặc. Trẻ con yêu nhất cái bụng trống
của hắn. Rồi yêu đến câu hát ò í e kia.
Nhưng bỗng một hôm, không nhớ có việc gì, một đứa trẻ gọi:
- Cu Lặc! Cu Lặc!
Hắn trừng mắt:
- Lày tôi bảo. Từ giờ cấm không được gọi tôi là
cu Nặc .
Hắn nói câu ấy với một giọng khá nghiêm nghị. Mặt hắn sầm lại,
làm ra lối đứng đắn. Hắn tiếp:
- Phải gọi tôi nà. .. anh Nặc nghe không?
Lũ trẻ chẳng nói gì. Và chúng cũng không dám cười. Song thốt
nhiên thấy hắn trở nên đứng đắn thế, chúng nhìn cu Lặc bằng những đôi mắt kỳ lạ,
ngẩn ngơ.
Một ngày kia, lại có một sự lạ hơn thế nữa. Ấy là một buổi
chiều, tôi nghe u tôi nói chuyện với thầy tôi rằng:
- Thằng cu Lặc lấy vợ rồi đấy.
Thầy tôi sửng sốt:
- Thế hử?
- Nó lại xin ra ở riêng...
Từ hôm sau ấy, mỗi chiều chiều, lũ trẻ thấy Lặc xách guốc xuống
ao, rửa chân xong lạch cạch đi lên, chào cả nhà rồi bước ra ngõ. Lặc đi về phía
nhà của Lặc. Hắn ở với vợ của hắn. Việc đó là một việc hết sức mới mẻ và lạ
lùng, khiến chúng tôi phải bàn tán với nhau dữ lắm, trong nhiều buổi sáng và
nhiều buổi chiều.
Và từ khi nghe nói Lặc có vợ thì bọn trẻ trong nhà thường hó
háy nhìn trộm Lặc. Lặc lấy vợ ư? Kỳ nhỉ! Hắn hóa ra cũng chững chạc rồi. Bởi có
một hôm rõ ràng tôi trông thấy Lặc đội khăn xếp bằng lượt. Mặc áo dài vải nâu
da bò. Lần thứ nhất đấy. Cái áo dài rộng rãi che vừa kín cái bụng trống.
Tôi đi báo cái tin như vậy cho mọi đứa trẻ trong nhà đều biết.
Thế rồi chúng tôi chìa tay ra móc xẩu . Định với
nhau rằng từ giờ không đứa nào thèm hay là chẳng dám chơi với Lặc nữa. Hắn đã
là người lớn rồi còn chi!
°
° °
Lũ trẻ dò xem mặt vợ Lặc.
Tưởng ai, hóa ra vợ Lặc là cái con ở nhà bà hương Khoai, vẫn
hay vào nhà tôi xin bèo. Vậy thì thường lắm.
Tên nó là Hoa. Tên đẹp thế, nhưng người nó béo phục phịch, mặt
nó đen thủi và rỗ chằng chịt. Lúc cười, đôi mắt nó ti hí và cả hai hàm răng nó
cùng chìa ra ngoài.
Chẳng phải là họ lấy nhau vu vơ. Cũng có cái ân tình cẩn thận.
Nhưng lũ trẻ chúng tôi ngờ nghệch chẳng biết gì cả. Chúng tôi chỉ biết được rằng
cô Hoa thường vào đây xin bèo về cho lợn và Lặc ta thường vác sào nứa, cởi truồng
tồng ngồng ra để lội xuống ao vớt bèo hộ cô ả.
Thế mà đã có một ngày tốt lành, hai người đó lấy nhau. Họ mượn
của làng một mảnh đất ở ngoài đầu xóm, làm nên một túp lều nhỏ. Chỗ ấy chỉ có cỏ
dại tự do mọc hoang. Nhưng Lặc ta cũng chịu khó dọn được ở trước cửa một khu cỏ
để làm sân và hắn lại rào giậu bằng nứa đan chéo, như kiểu của những nếp nhà
ngăn nắp. Trong sân, hắn giồng mười cây đu đủ. Cái thứ cây xốc nổi, chóng được
ăn quả nhất.
Bây giờ Lặc không ăn cơm ở nhà tôi nữa. Cuối tháng hắn xin
hai đồng rưỡi tiền công. Hắn mang tiền về để đong gạo ăn chung với vợ. Vợ chồng
ăn cùng một mâm. Cu Lặc lần thứ nhất, đã gặp một địch thủ lợi hại. Cô ả cũng ăn
khỏe không kém gì chàng. Có nghĩa là cho đến khi vét nồi cồn cột cũng chẳng còn
sót lấy một hạt cơm thì phải đứng dậy. Mỗi lần xong bữa, cô vợ khệ nệ đứng dậy,
vươn vai. Nếu cái bụng của nàng phởn ra to phềnh thì cái bụng của chàng cũng thế,
không kém. Có phần lại hơn nữa. Cặp vợ chồng mới liền nhìn nhau mà cười. Chàng
cù nàng một cái. Ôi! Hạnh phúc thay!
Nhưng ở đời, hạnh phúc vốn là một sự chẳng bao giờ có, người
ta chỉ đặt ra hai chữ ấy để nói cho hoa mỹ mà thôi. Cho nên họ ở với nhau được
hơn một tháng thì cả hai người cùng khám phá ra được một điều sầu lắm là họ
cùng ăn khỏe đến bậc nhất nhì trong thiên hạ cả.
Tuy sức chứa của bụng Lặc vào loại nặng tấn, nhưng chưa khi
nào Lặc biết mình ăn nhiều đến độ nào. Bởi hắn chưa hề phải đong gạo. Làm cho
nhà người, hắn chỉ có việc ngày đánh ba bữa no kềnh. Bây giờ tiền túi bỏ ra thì
hắn thấy rằng một tháng còng lưng của hai người, cộng lại, không đủ cung cho miệng
hai người ăn đủ. Thực là một nỗi buồn rầu. Nếu họ cùng không ăn khỏe, thì họ
yêu nhau biết bao nhiêu!
Bởi cùng ăn khỏe nên họ không thể yêu nhau. Một hôm, người vợ
hơi cáu một mảy vì phải ăn đói. Người chồng không nói gì, nhưng mà cũng không
cười. Một hôm nữa, người vợ vét gạo để đi thổi cơm, thấy ít quá, văng ra một
câu không được hay. Thế là họ xông vào đấm đá, cào cấu nhau liền. Hăng quá. Con
mụ vừa cào vừa kêu làng. Nhưng chẳng ai đến cả. Ở đấy không có tứ bề hàng xóm.
Họ đánh nhau chân tay, rồi thôi. Người đàn bà ôm mặt khóc hu hu. Người đàn ông
bỏ đi. Nhưng đến chiều họ lại ăn cơm với nhau như thường. Và họ lại cùng cười hề
hề.
Song không thể còn yêu được nữa. Cái thói đánh nhau như đã
thành tính và thành lệ. Không mấy ngày họ không réo năm đời mười đời nhau, cho
ông bà ông vải của nhau ăn toàn những của ngon vật hiếm và để kết liễu cuộc đấu
khẩu, họ thụi nhau từng trận cật lực. Sức vóc cùng tương đương cả, nên không ai
hề gì.
Một buổi chiều nọ, vợ Lặc ở nhà chủ về. Buổi sáng hai vợ chồng
đã đánh nhau to lắm. Mụ về nhà gói ghém quần áo, đội nón và bỏ cả đôi guốc mộc
vào bọc cẩn thận. Rồi mụ đánh lên một que diêm. Que diêm xòe lên thì mụ tiếp
vào một bó đóm. Cái mặt rỗ của mụ quặm lại, nom đến ghê. Mụ châm liền bó đóm ấy
vào mái bếp, về phía trong. Lửa đỏ bùng lên và cháy lên.
Mụ cắp nón đi mất.
Lúc ngọn lửa bốc cao gần bằng ngọn tre mới có người biết. Người
ta chạy dồn cả đến. Nhưng khi trông thấy lửa hoành hành ở một cái nhà chơ vơ giữa
bãi hoang thì không ai xô vào chữa. Người ta lại nhăn răng ra cười.
Mãi sau cu Lặc mới hay tin. Hắn hộc tốc chạy về. Thì nhà của
hắn chỉ còn là một đống than hãy còn hồng rực và còn ba cây đu đủ chảy đỏ hắt,
chong chỏng giữa sân. Hắn đứng chắp hai tay sau lưng, tần ngần nhìn đám khói
đen.
Rồi Lặc huỳnh huỵch chạy đến nhà bà hương Khoai tìm vợ. (Tội
nghiệp, hắn chẳng biết gì hết). Người ta bảo vợ hắn về từ lâu. Hắn liền cầm một
chiếc gậy tre lớn, đi lùng vợ khắp bốn xóm trong làng Nghĩa Đô. Nhưng không thấy
mụ đâu cả. Đến tận sáng hôm sau cũng vẫn bặt vô âm tín con người nội trợ không
được tốt ấy.
Bây giờ Lặc đã trở về cuộc đời xưa.
Lặc làm, rồi Lặc ăn cơm và lại đi ngủ ở nhà tôi. Còn có nghĩa
nữa là Lặc ta lại về đánh bạn với lũ trẻ. Mọi khi, ở với vợ hắn chỉ lầm lì cuốc
vườn cả ngày, đợi đến lúc mặt trời tà tà, hắn cung cúc về ngay, quên cả các chú
bạn tí nhau. Lũ trẻ cũng lảng đi chơi với nhau, lờ cái anh cu có vợ ấy đi.
Giờ lại chơi với nhau như thường rồi. Và hắn lại dễ dàng như
trước. Anh nào muốn gọi hắn là Lặc, là cu Lặc cũng được, không hề giận dỗi chi.
Ai hỏi gì về vợ hắn, hắn chỉ mỉm cười vu vơ rồi lắc cái đầu. Nếu có vui chuyện
lắm. Lặc mới nói:
- Ló gớm nắm . Ló vừa
đánh, ló vừa bóp. Tôi phải thua đấy.
Một hôm, lũ trẻ nghe có tiếng bập bùng bung ở trong
vườn. Chúng tôi chạy vào thì thấy Lặc ta đương giơ hai tay vỗ bụng và gân cổ
lên hát cái bài “ò í e” quen thuộc ngày trước. Đã lâu mới lại được
nghe hắn hát, vui lạ. Hát xong, hắn nheo mắt, cười. Và hắn lại làm cái trò phập
phồng bụng.
Cu Lặc lại có thêm nhiều trò mới nữa. Hắn có một câu đố rằng:
- Cái thúng mà thủng hai đầu. Bên ta thời có, bên Tàu thời
không . Đó nà cái gì?
- Không biết.
- Chịu.
Có thằng hóm hỉnh:
- Là cái bụng anh Lặc.
Cả bọn cùng cười. Nhưng Lặc nói:
- Không phải. Ló nà cái váy!
Hắn giảng tỉ mỉ những tại làm sao mà lại là cái váy. Chúng
tôi nghe, lấy làm phục lắm. Hắn hẳn mới học mót được của vợ. Tôi hỏi. Hắn nhìn
tôi, mặt xịu lại.
Tôi gặng:
- Có phải anh Lặc học của vợ anh không?
Buồn buồn, hắn nói:
- Không phải. Tôi nại hát thế lày cho cậu
nghe nhé.Mà hát trống quân cẩn thận cơ!
- Anh Lặc hát đi...
Lặc phồng bụng, xòe hai bàn tay ra vỗ:
Thình thùng thình... yêu nhau thì lém bã giầu, ghét
nhau thì lém đá vỡ đầu nhau ra... Thình thùng thình...
Tiếng reo hoan hô vang động cả khu vườn. Mấy anh chích chòe
đương vểnh đuôi, cong cánh lên hót véo von, chẳng biết cà kê ra sao, vỗ cánh
bay mất.
Câu hát lạ này, ý hẳn Lặc cũng mới học được của vợ. Đàn bà
tài thực!
Một năm, đói kém quá. Hàng lụa ế đến nỗi ai đặt chân vào làng
Nghĩa Đô đều thấy vắng tanh, không nghe tiếng một con thoi chạy. Nhà tôi cũng
phải nghỉ dệt lụa.
Lặc không còn việc gì để làm. Ngày kia, hắn bỏ đi đâu mất.
Không có ai biết. Được ít lâu, có kẻ nói là nghe phong thanh thấy người ta đồn
cu Lặc đã nhập với bọn phu mộ sang Tân thế giới làm ăn.
Ba năm sau, vào khoảng tháng Hai, gia đình tôi nhận được một
lá thư xa. Ngoài bì thư có đóng dấu ở Thủ Dầu Một, Nam kỳ. Thư như sau:
Dầu Tiếng le 8 tháng Giêng,
Tên con là Lặc. Hôm nay là tháng Giêng năm mới, con có lời về
mừng hai cụ, ông bà cùng các cậu, năm mới đều được phát tài bằng năm bằng mười
năm ngoái. Con ở bên này lấy điều làm mừng lắm lắm. Từ ngày con ra đi làm ăn xa
xôi, nhờ ơn thiên địa giời đất vẫn cũng được như thường.
Thư bất tận ngôn.
Bấy nhiêu chữ viết bằng mực tím nhòe nhoẹt bò cao thấp, lổm
ngổm vừa kín cả một mảnh giấy con, dính đen sạm những chất nhờn của mồ hôi tay.
Không thấy đề rõ chỗ ở. Dáng hẳn Lặc ta nhờ mãi, nói khó mãi mới có được một
ông bạn tốt bụng viết cho ngần ấy chữ quý hóa.
Nghĩa Đô 1941
Vỡ tỉnh
Mới vỡ nhẽ ra rằng bấy lâu lão Nhã chỉ toàn nói dối!
Chiều hôm trước, tự dưng lão lù lù từ Nghĩa Đô sang bên Bạc.
Lục hỏi, lão bảo: “Giêng Hai thong thả, đi chơi”, lão nói thế, chứ Lục đã biết
trên nhà lý Kiền sắp có cái giỗ đầu năm. Năm nào lão Nhã cũng khéo nhớ, và cũng
mò lên. Vả lại, trông ông lão càng rõ không phải là con người đương rỗi, đi
chơi. Nước da bủng màu nghệ thối: cái đói đã vẽ lên tận mặt!
Tuy vậy, Lục không hay dài dòng lôi thôi. Thấy ông lão đến
vào giữa thời buổi xác xơ, đôi khi Lục cũng có ý bực thân và tức lão. Nhưng, tức
để bụng, vì một đời mới một lần người ta đến nhà! Hôm lão đến, Lục không nhóm bếp.
Hôm sau Lục mới bê cái hũ gạo trên giàn bếp xuống. Tinh ý, lão Nhã đã nói đón:
- Chú mặc tôi, mặc tôi. Cứ tự nhiên, đừng lo cho tôi. Tôi
cũng có cái ăn rồi. Tôi chỉ ở đỗ vài hôm rồi tôi lên với chú Tư nó...
Ông khoe: “Chú Tư mở cửa hàng thợ cạo trên tỉnh Sơn, trừ chi
tiêu, mỗi ngày còn phát tài được chục bạc”. Lục xuýt xoa:
- Ở tỉnh lúc này may ra mới có gạo, nhà quê ta thì đành tiệt
rồi. Mẹ cháu cũng phải lên kiếm miếng trên tỉnh từ năm sớm. Nhưng thế nào ông
cũng phải đợi cái “rúi” 1 trên chú lý Kiền rồi ông hẵng đi chứ?
- Thôi, chả. Năm nào chứ năm nay thì rúi với ráy gì. Giời đất
này chẳng ông bà nào trách đâu mà sợ. Chú bảo hộ vợ chồng anh lý rằng lão Nhã
nói thế đấy. Nhà nó có, mình chẳng muốn đến, sợ cái tiếng đói khát vác miệng
vào chơi. Đến nhà chú, anh em nghèo với nhau.
Lục nghĩ thầm: “Thôi đi bố! Đánh đến chết thì bố cũng đã tạt
vào lý Kiền, không một bữa tất hai rồi”.
Rồi, “mai” mãi cũng chưa thấy ông lão lên Sơn. Hôm nào lão
cũng đi, chẳng biết đi đâu. Có khi sẩm tối mới về, sặc sụa hơi rượu. Lão lăn
vào một xó ổ lá, suốt đêm làm nhàm nói mê.
Buổi sáng mới hửng nắng, lão ra ngồi giữa sân, cởi áo, vạch
quần, săn rận một lúc rồi mới đi.
Ngồi bắt rận, lão kể những chuyện chết đói, chuyện trên tỉnh,
chuyện buồn, chuyện vui bông phèng. Này, đi qua làng nào cũng không nghe một tiếng
chó cắn. Người đói lử đử hàng lũ ngoài đồng. Có những cái xác nằm chẳng ai
chôn, từng đàn quạ bâu quanh, mổ, rỉa, mắt, mũi. Một đoàn quảy thóc đi nộp kho,
vừa vuốt tràn vừa chửi rủa, đằng sau có những toán đàn bà chạy theo hu hu khóc.
Lão lại nghe kể ở bên Phú Gia có nhà đói quá, bốn mẹ con nấu một nồi cháo lẫn
nhân ngôn, cùng ăn cho chết. Mẹ con lử lả nằm cạnh bếp lửa đợi cháo chín. Bất đồ,
một bọn cướp đói đi qua, thấy nhà có khói bếp, bèn xông vào. Vớ được nồi cháo,
cả lũ vục đầu húp sạch. Húp xong, giãy giụa lăn ra. Thế là mẹ con nhà nọ lại
không được chết. Người ta còn kể dưới vùng Nam, hàng cơm nào còn bán thịt thì
phải để cả miếng to, không được thái nhỏ hay nấu canh, nấu đông. Sợ chủ quán
đánh tráo thịt người! Dưới ấy thịt người nhiều lắm. Nhưng lão không tin. Lão bảo:
- Đói lắm thì chết đi, chứ Nam quốc Nam nhân mà ăn thịt nhau
thì không bằng con chó.
Lục cãi:
- Ô hay, con chó còn có giá hơn con người bây giờ. Bán con
chó phải bả mà cũng được sáu chục. Tôi hay ông bây giờ mà ăn phải bả thì chết
thối ra, ma nào khiêng!
- Là nói con chó khôn nó cũng không chịu ăn thịt chó, chứ chó
bây giờ thì đúng là đắt hơn người rồi. Này, mai lên tỉnh, ta buôn một con lên,
khéo cũng gỡ được cái tiền nước nôi, chú Lục ạ.
Thế rồi, mai, ngoài sân có nắng ấm, lão Nhã lại ngồi tuốt rận
buổi sáng và kể những chuyện chết đói, chuyện trên tỉnh, chuyện vui chuyện buồn,
như thường ngày.
Lão ở đã hơn một phiên chợ. Lục cũng không biết lão đã ăn bằng
gì. Được cái, đương giữa lúc đói kém, cái việc cơm ai người ấy ăn, nó cũng
quen, rồi Lục không áy náy gì nữa.
Lục vẫn đi làm cả ngày. Mấy hôm nay lên làm cỏ vườn, ăn một bữa
cơm không, nhà lý Kiền. Cứ vai vế trong họ, Lục là vai trên lý Kiền. Lục mới rõ
chuyện lão Nhã. Lão có vào nhà lý Kiền, đúng như Lục đã đoán.
Người làm trong nhà nói rằng lão đến ăn dầm ở đấy. Rượu vào,
lão lè nhè tán lý Kiền: “Nhờ giời thì anh chị cũng được hơn người. Tôi năm nay
sáu mươi rồi. Chuyến này tôi sang định ở dối già với anh chị dăm bảy tháng đấy”.
Lý Kiền cười khanh khách: “Trên này đương chết đói hàng rừng người, ông giữ từ
cửa đình bên ấy còn sướng chán. Say thì ông ngủ đi”. Lão Nhã giơ tay, trừng trợn:
“Không, nói bằng thực đấy. Tôi bỏ chân thủ từ rồi. Thời buổi này mà giữ đình giữ
đền để đói rã họng ra à? Không, tôi đã định thế mà. Có miếng vườn miếng bãi nào
cho tôi cuốc xới cũng được”. Lý Kiền vẫn cười: “Được, được. Ông cứ ngủ đi. Mai
hẵng hay”.
Sáng hôm sau, lý Kiền dậy sớm, gọi ông Nhã xuống bếp, đưa cho
một bát gạo và rỉ tai:
- Cái giỗ đầu năm tôi định không làm gì. Ăn uống lúc này nó ai
oán thiên hạ, mà người ta nói cho. Ông về, cầm tạm lẻ gạo này ăn đường, khi
khác thong thả lên chơi.
- Thế cái việc tôi nói với anh hôm qua...
- Cái nhà tôi nó như con dở người, tính nết mặt tam mặt tứ.
Thà tôi nói trước với ông còn hơn là rồi nó nói không tiện. Tôi chỉ tiếng cả
nhà không, cũng kham khổ lắm, nếu có gì thì đã giữ ông lại ăn cơm sáng.
- Tôi kham khổ đã quen...
- Cò mỗi nơi một thung, ông ạ. Thôi đi đi, nhà tôi nó giở dậy,
trông thấy tôi thì thào thế này thì khó nói lắm.
Không cách nào bíu lại được, ông lão Nhã đành xách nón đi.
Chiều hôm ấy, ông xuống nhà Lục. Ra thế đấy!
Lão Nhã định lên kiếm cơm trên đấy này. Ông lão biết đâu ở đây
cũng như ở Nghĩa Đô, nhà nào có mới dám ăn mỗi ngày một bữa cơm ngữ. Người ta
lũ lượt bỏ làng đi tránh chết. Vợ Lục đi ở vú trên tỉnh, con chủ thôi bú rồi,
mà cứ lạy van xin ở. Thằng Khoai, cái Đĩ mẹ nó đem theo lên, cho làm đầu con
nuôi các cửa người ta. Anh Ngũ - anh ruột Lục, cũng biệt tăm đâu từ năm ngoái.
Có người nói Ngũ lên tỉnh, làm ăn phát tài. Nhưng Lục cũng không biết đâu. Ông
lão Nhã chẳng khác con chuột chạy quanh trong cái nhà cháy.
Hôm Lục lên làm, ông lý Kiền gọi vào, bảo:
- Lão Nhã ở dưới bác, phỏng? Bác phải về tống ngay lão đi! Đầu
trộm đuôi cướp chuyên dắt đất đấy. Bác mà chứa, rồi lão đem cướp vào làng, người
ta đổ vạ cho bác, bác chết. Tôi đã phải tống tiễn, tưởng bước rồi, ai ngờ vẫn nấp
dưới ấy. Về đuổi ngay lão đi.
Mới vỡ nhẽ ra rằng bấy nay lão Nhã nói dối là thế.
°
° °
Lục về, quyết đuổi cổ lão Nhã đi. Đến cổng, thấy cành rong rấp
ngõ vẫn nguyên như lúc sáng lão chưa về. Hay lão đi rồi?
Trong cánh đồng, tiếng quạ kêu quang quác. Lục nhớ hôm “sắp ấm” 2 năm ngoái, hai vợ chồng ngồi trước cửa,
nhìn cái nền nhà trơ trụi mới dỡ, hơi đất còn nóng hổi. Ngoài lũy, quạ kêu tha
thiết. Gió rét buốt như cứa thịt. Hàng xóm bên Đông, hàng xóm bên Tây khóc rưng
rức. Tết đến sau lưng, không nhà nào còn một hạt gạo.
Vợ Lục vừa ở tỉnh về, đưa cho Lục mười lăm đồng. Mười lăm đồng
bạc chỉ đong nổi ca gạo, chị tính với chồng:
- Nhà ạ, ta bán quách mấy gian nhà trên, lấy cái ăn mà đợi việc.
Chứ bây giờ cứ ngồi bóp bụng cho đến lúc có việc thì quỵ mất.
Ngay hôm ấy, chồng hì hụi dỡ nhà. Vợ chạy khắp bốn xóm dạm
người mua củi. Hai vợ chồng bó rạ, lá tre, nan rừng, quẩy đi. Ai cũng chặc lưỡi,
bảo: “Thôi, túng thì phải tính” và khen mụ Lục tháo vát. Nhờ thế, Lục dè sẻn ăn
dần, thành thử cũng chưa đến nỗi giơ xương như lắm người khác. Nhưng bây giờ mỗi
khi trông cái nền nhà đã giồng cải, anh bùi ngùi nhớ hôm “sắp ấm”, nhà đã dỡ đi
rồi. Vợ chồng lẩn thẩn quanh quẩn trên cái nền đất ấm, chỉ còn trơ hòn gạch
chân cột và mấy hàng hột trám chôn thành hình bàn cờ.
Tiếng quạ kêu nhỏ dần, như bạt gió. Những chấm hoa cải rỗ
vàng nằm rạt nghiêng bên hàng cọc tre. Ô hay không gió to mưa lớn mà hàng rào lại
đổ rạp thế kia? À, có đứa nhổ trộm cải, hai lỗ đất bật tung. Chả có ai vào đây,
lại có kẻ trộm trong nhà này thôi. Chứ không có thì vặn răng ra mà ăn. Lão nhổ
cải. Lão lấy cái niêu đất kia lão luộc. Lão ăn vã rau cải, nhá hết cả rễ, rồi đổ
nước ra lỗ rãnh. Đích thế!
Cơn giận cứ bốc ngùn ngụt. Lục nhen lửa, rít một hơi thuốc
lào. Xa xa, tiếng quạ trong sương lại thảm thiết, bồi hồi. Qua khói thuốc, lờ mờ
nền đất cũ... những rúm hoa cải vàng khè... Lục càng bực mình. Lục tưởng tượng
cơ chừng lão Nhã ngộ gió, đã còng queo ngoài ruộng. Quạ ngửi thấy mùi tanh, kéo
đến lượn trên xác lão. Nếu không, sao quạ lại kêu chiều nhiều vậy? Cái giống quạ
đánh hơi xác chết giỏi lắm.
Lục dọn ổ lá, soạn chỗ nằm.
Ngoài ngõ, ai kéo cành rong lạch đạch. Lão đã về! Lão không
chết. Lục núp nhìn lỗ vách. Lão đã vào đến trong sân. Như bóng cây nứa lêu đêu
trên nền sân tờ mờ. Hai cái vạt áo nâu rách phơ phất như phướn nhà chùa. Một mẩu
khăn quấn chéo trên đầu, hệt lão lái lợn. Tay vẫn khư khư thu trong bọc, giữ
cái gì. Lão thở khà, chẹp mép. Cái người lúc nào cũng thèm ăn. Bóng mái bếp đổ
xuống, chẳng nom rõ mặt lão nữa.
Lục ngả lưng vào ổ, vờ ngủ. Trong bụng vẫn nhớ một câu người
ta nói: Ai hay chóp chép mồm là cái người suốt đời đói khát.
Lão Nhã chửi:
- Tiên nhân cái thằng cu này, giờ mà chưa về!
Tuy vậy, Lục không ngồi dậy, cũng không sừng sộ. Lão Nhã loạng
quạng thò đầu vào bếp. Chân bỗng đụng vào Lục. Lão tru lên:
- À chú ta đây rồi. Ngủ sớm thế? Dậy, dậy, anh bảo cái này,
hay lắm.
Lão ngồi thụp xuống, thổi đống rấm. Ánh lửa nhen lên, lom đom
trên cái nòm dạ giữa ba hòn gạch đầu rau.
- Mua được hai tiền bánh, một lẻ rượu. Giời đất này, nhịn
thèm nhịn lạt mãi thì để cái sướng cho chó à, phải không chú?
Lão đặt cút rượu vào nửa cái vành mâm gỗ. Lục ngồi lên, ngó
qua vai lão, thấy lão đương cời củ khoai nướng.
- Khoai đâu thế này?
- Nó rỡ non hay của ăn trộm, không biết. Thấy rẻ, tớ mua. Rượu
đấy, rượu...
- Không, tôi không uống.
- Một tợp thôi, cũng chẳng có đâu.
- Không uống mà!
Lão lại ngứa cổ tu cái cút con, chẳng biết thật là còn hay hết.
Lão bới trong tàn than ra một củ khoai dài ngoằng, quắt queo như cái ruột gà.
Những cái này chỉ là của ăn sương 3 . Chắc lúc nãy lão đã xuống ruộng móc vội
vài củ.
Lục toan hỏi toạc vào mặt, rồi mắng cho lão mấy câu. Nhưng
không hiểu sao, Lục đã nhỏm dậy từ lúc nào và đã ngồi thủ thỉ chén hết hai củ
khoai. Lão Nhã gật gù. Cái đầu rập rờn trên bóng lửa, hiện ra một vẻ lì lầm, kỳ
quái. Hai mẩu ria vểnh xoắn nhọn. Ánh lửa sáng bập bùng, hẩng một bên má hõm
sâu hoắm. Lục thủng thẳng hỏi:
- Ông đi đâu về thế?
Lão ngước lên, tròng mắt lóe như mắt mèo. Cành củi dương tươi
lép bép nổ. Giữa hai cái chẹp mép, lão cười khà khà:
- Chả giấu chú, tớ đi đánh thò lò. Lạy thánh mớ bái, hôm nay
thánh cho ăn lộc. Thôi thì mong sao cho qua thời đói, khỏi thời loạn này...
Rồi lão bỗng nói to:
- Tao cần gì những thằng giàu. Đứa nào có đứa ấy ăn, chứ đã đến
cái nước vác mặt đi ăn xin thì nhục lắm. Thằng lý Kiền ấy a? Tao chẳng thèm đến
nhà nó. Phải không nào! Tôi không có thì tôi bỏ đất tôi đi, tôi đi tôi kiếm.
Từ nãy, Lục loay hoay tìm một câu đuổi khéo. Đến khi nghe lão
khề khà... tôi đi... tôi kiếm chác... thì thật tình, Lục lại động lòng thương hại.
Lão cứ ba hoa thế, chứ lão ấy còn biết đi đâu, đi đến đâu chăng nữa cũng chỉ là
đi chết chứ chẳng phải đi để sống chỗ nào. Và Lục buồn bã hỏi:
- Bao giờ ông lên tỉnh? Ông lên Sơn hay ông về dưới làng? Chứ
ông là ông từ giữ đình...
- Tôi ôm lấy cái đình tôi gặm được ư? Làng nước cũng phải tha
cho tôi đi cầu thực chứ.
Rồi ông kể lể:
- Anh buồn lắm, chú Lục ạ. Chú còn có thím ấy làm ăn đỡ đần,
chứ thân phận anh là cái bèo trôi dưới ao. Cái thằng Nhỡ mà ngày trước năm nào
tôi cũng dắt nó sang ăn cỗ ấy. Ngày xưa còn mẹ nó, tôi còn có... Ngày xưa còn mẹ
nó, nó sướng hơn vàng... hơn vàng...
Than đã vạc. Bàn tay lão lù lù trên ánh đỏ. Cái đầu trĩu xuống,
hai cái sừng khăn tai chó vểnh như sừng trâu. Ngoài sân tối mịt. Vỏ cút rượu
lăn lóc cóc ra ngoài mảnh mâm gỗ. Lão chép miệng, bưng hai tay lên trán, nói
nho nhỏ, xa xôi:
- Ngày xưa, tôi còn có, chú Tư nó cũng nhờ vả tôi nhiều. Bây
giờ chú ấy làm ăn khá giả.
Lục lại bực mình, nói kháy:
- Ông thì có cóc gì bao giờ! Chỉ thấy nói đi mà không thấy
đi. Ông Tư ông ấy không nhìn ông rồi.
- Đừng tưởng thế. Chết cha còn anh chứ. Nhà nào cũng phải có
nóc. Năm nay tôi sáu mươi. Chuyến này lên tỉnh tôi phải ở dối già với chú Tư nó
dăm bảy tháng. Tôi nhất định thế rồi.
Lục bật cười:
- Ngộ chú ấy không chứa thì ông nhất định làm sao? Như nhà lý
Kiền ấy.
Lão trợn trạo, dường sợ hãi, quát to:
- Láo nào! Láo!
Rồi lão hạ giọng:
- Ngày mai thì tôi lên Sơn sớm. Cùng đi nhé, ta kiếm...
Lục không nghe hết, cũng không nói, lẳng lặng nằm xuống ổ. Tiếng
sột soạt cựa quậy trong vách tối. Lục cũng không nghĩ gì về lão Nhã nữa. Chỉ
còn hai tiếng “mai đi” lại khiến Lục vụt nhớ đến vợ con. Từ năm ngoái, khi “nhà
nó” về đem các con đi, “nhà nó” đã dặn: Đừng có lên tỉnh. Thì “nó” muốn sao
cũng được. Nghe nói đứa nào bây giờ cũng béo mũm... Chao ôi, thóc lúa thiên hạ
đầy đồng, mà ba bố con nhà ta chỉ nhồi nhét rặt rau sam, rau má, củ gấu, củ chuối.
Ba bố con ngồi đầu ngõ. Ai đi trông vào cũng thấy sáu con mắt hau háu, sáu cái
đầu gối trô trố. Nếu “nhà nó” năm ngoái mà chậm về, có lẽ bây giờ bố con đã nằm
ngoài đồng cả rồi.
Lão Nhã hỏi bóng tối:
- Ngủ đấy à?
- Ừ.
- Này nghe nói trên tỉnh Sơn bây giờ có thằng lính Nhật hay
mượn thợ mộc. Dưới tôi khối người không biết cầm tràng, gõ cái đục không nổi,
mà cũng vênh vác phó nhì, phó nhất cho cái thằng Nhật ấy. Chú đi với anh, thế
nào cũng có cơm, anh bảo thực.
Đã dịu cơn tức, lại nghe lão cứ huyên thuyên hái ra tiền thế,
Lục lại tức. Cứ nói hươu với vượn, chắc đâu lão đã biết mặt mũi giống Tây, giống
Nhật thế nào.
Nhưng một lát sau, Lục nói một câu đương nghĩ, không ăn nhập
gì vào câu hỏi của ông lão Nhã:
- Ông ạ, anh Ngũ tôi ấy mà, anh ấy đương phải ngồi tù trên tỉnh,
tôi chả mặt mũi nào lên.
- Sao bảo thằng Ngũ buôn bán phát tài cơ mà?
- Nào biết được. Cũng nghe như thế, tưởng đứa xấu mồm hay nói
nhăng, đến lúc một hôm mẹ cái Đĩ nhà tôi trông thấy anh ấy mặc áo số làm cỏ vê
quét đường. Ngờ ngợ, đến lúc gọi, hóa đúng ông anh chồng. Thế có chết người ta
không.
- Thời bây giờ ai đội mũ lệch thì người ấy xấu, chẳng quan ngại.
Hai người lảm nhảm chuyện. Lục đã quên hẳn cái ý định đuổi
lão Nhã đi. Từ lúc nói đến cảnh mình, vợ con một nơi, anh thì phải tù, bây giờ
Lục thấy thương lão cũng như mình mà thôi. Càng khuya, ông lão vẫn lảu bảu, rì
rầm, nói cho tai lão nghe. Một lúc sau, đã nghe lão ngáy rền từng nhịp. Lục vẫn
chưa ngủ. Trong lòng nghĩ ngợi nhiều bề. Ngoài sân trăng suông.
Một hồi chó sủa, sâu thẳm, xa vời vợi.
°
° °
Lục trở dậy từ lúc còn tối đất. Mắt nhắm mắt mở, Lục tất tả
đi làm buổi cho nhà lý Kiền, như mọi ngày.
Lục rấp cành rong ngõ lại. Cũng không buồn ngó đến lão Nhã vẫn
đương co quắp, khò khò ngáy trong đống lá chuối khô. Chuyện “mai lên tỉnh” của
lão vốn dĩ vẫn là chuyện để đấy rồi.
“Mày ăn hai củ mày chết hai đứa... Mày ăn ba củ mày chết cả
nhà mày... ới thằng liền ông, ới con liền bà kia...”
Tiếng con mụ chua như mẻ đương léo nhéo đầu xóm. Thôi, đích
đêm qua lão Nhã móc trộm khoai của người ta rồi. Đã biết mà. Tức quá, Lục quay
ngay về.
Nghĩ thế nào, Lục lại trở đi.
Trong cánh đồng sương chưa tan, chơi vơi trắng như biển mù.
Những con quạ ở đâu về sớm, đã buông từng tiếng rời rạc, bảng lảng trên đầu,
trước mặt. Nghe chân người lẹt xẹt qua ruộng, Lục ngẩng lên, thấy một người mặc
quần áo nâu đương cung cúc bước tới. Đấy là người phu lò, hôm nào cũng vào xe gạch
ra bến đò. Thấy Lục, người ấy nói choang choác:
- Tối hôm qua loạn vỡ tỉnh, có biết không?
Lục đứng sững:
- Thế nào cơ?
- Đêm qua thằng Nhật đánh tỉnh vỡ rồi.
Người ấy lại cắm cúi đi.
Lục ngẩn người, rồi Lục quay lại, đuổi theo, hỏi:
- Người ở tỉnh có ai việc gì không, a bác?
- Thế đêm qua không nghe loạn súng à?
Lục vẫn hỏi:
- Có người chết không?
- Lắm lắm...
Sao? Chết nhiều lắm? Lục nghĩ đến vợ. Sao dạo Tết về, không
thấy “nó” nói gì cả, loạn lạc thế nào? Ngày trước, Lục đã nghe nói loạn Cờ Đen,
loạn Tây hạ thành. Năm Lục lên mười, một lần vỡ chợ Tổng, người ta nói hôm ấy
loạn tỉnh Thái Nguyên. Bây giờ lại loạn. Mấy năm nay tiếng đồn nhiều nơi có loạn,
có đánh nhau. Ở Hà Nội, tàu bay Mỹ đến thả bom, đổ nhà, chết cả phố. Ở làng, dạo
trước nhiều người phải vào lính sang dẹp loạn bên Tây. Người ta bảo rằng: Tây
thua rồi, ta chết hết người rồi. Tây thua rồi cho nên Nhật mới tràn sang ta. Từ
khi ấy, đồng tiền rẻ hơn bèo, thóc gạo biến đi đâu mất cả. Làng xóm nhếch nhác,
thất thểu kéo đi, không biết đi đâu.
Bấy lâu, có người vẫn bảo: Rồi còn khổ, còn loạn to. Bởi thằng
Nhật còn ở đây, còn nhiều nước sắp kéo đến đánh nhau với nó. Lục chưa được biết
cái thằng Nhật mặt ngang mũi dọc thế nào, chỉ nghe nó thấp lùn, khỏe và ác trần
đời. Đi chợ tổng, Lục được nghe kể chuyện: Nhật mua cỏ ngựa. Chẳng may, con ngựa
ốm rồi chết. Nó gọi người bán cỏ đến. Nó mổ bụng con ngựa bắt người đàn bà bán
cỏ ngựa chui vào. Nó khâu bụng ngựa lại rồi đem chôn cả ngựa lẫn người. Ác thế,
ác hơn cả Tây. Mà thôi thế là Nhật hay Tây đã đánh nhau vỡ tỉnh đêm qua. Loạn đến
tỉnh Sơn rồi... Ngộ cái thằng xe gạch nói tam toạng? Nhưng, nếu thằng xe gạch
nói thật, nếu cái thằng xe gạch nói đúng... Thế thì mẹ con nhà nó bây giờ ra thế
nào?
Sương đã tan. Con đường cái lớn lên Sơn hiện ra một vạch kẻ
thẳng xuyên giữa cánh đồng. Xa trông, lốm đốm vài bóng người đi im lặng.
Không có cái gì khác. Cũng như mọi khi.
Đầu ngõ, một đám người đứng trước nhà lý Kiền. Cả lý Kiền
cũng ra đấy. Mặt lý Kiền khô quắt, đen thủi, nhăn nhó, vẻ lo lắng, chốc chốc lại
ngác nhìn cánh đồng. Họ xúm quanh quang gánh của hai người đàn bà đi mua tro,
đương nói nói chỉ trỏ ra phía bến đò.
Những người này lên tỉnh mua khô dầu từ sáng sớm. Đến bến đò,
họ gặp nhiều người chạy về, bảo rằng đêm qua Nhật Tây đánh nhau vỡ tỉnh. Họ cứ
đi. Đi một lúc thì gặp hai thằng Tây, mặt tái ngoét, lêu đêu chạy. Họ hoảng
quá, phải lộn trở lại.
Nghe thấy thế, Lục cũng đùng đùng bỏ chạy. Mặc kệ lý Kiền gọi
réo đằng sau lưng. Lục chạy ngay về.
Nhưng xóm nhà Lục vẫn vắng lặng. Có lẽ chưa ai biết gì cả.
Cái mụ mất khoai vẫn đứng giữa ruộng, hai tay chống ngoắt lên mạng sườn, lại bắt
đầu: “Mày ăn hai củ, mày chết hai đứa... ới thằng liền ông, ới con liền bà
kia...” Mấy đứa trẻ con cởi trần run rẩy xúm đến, hiếng mắt ngó ruộng khoai.
Lão Nhã đã ra đấy từ lúc nào, đương chẹp chẹp mép:
- Khoai nhà bà lên giời rồi, chửi làm gì cho mỏi mồm.
Lão Nhã thấy Lục về, quay ra hỏi:
- Chú có thấy gì ngoài ấy không?
Lục không hiểu câu hỏi thế nào, buông một tiếng:
- Không.
Lão Nhã lại chép miệng:
- Chỉ loạn mồm!
Rồi lão Nhã về, lại rúc vào đống lá, ngủ nữa.
Tiếng ốc rúc từng hồi ánh ỏi.
Lục còn chưa ngớt phân vân. Lên điếm tuần đầu đình xem ra
sao. Chẳng có ai.
Mặt trời đã đóng đầu ngọn tre. Lục đành lỡ một buổi làm. Lục
đăm chiêu nhìn phía tỉnh. Cánh đồng màu óng ả xanh rờn. Bỗng trong ao có tiếng
hỏi:
- Lục đấy phỏng?
Từ trong cầu ao oang oang tiếng ai nói:
- Nhà Ngũ vừa ở trên tỉnh về đấy.
Lục choáng cả người. Thế thì có nhẽ cả mẹ con nhà nó cũng về?
- Anh Ngũ béo quá, khuân về nhà là quần áo, của cải, cả hòm
tiền.
Lục khấp khểnh nửa mừng nửa lo. Này bây giờ về mà gặp vợ. Này
nó béo nung núc. Nó vác về một ôm sống áo mới. Mẹ con nó đem về bao nhiêu là của,
là tiền.
Trong nhà đã đen nghịt như ổ kiến. Cái lều của Lục hôm nay
nom vẻ lạ lùng và chật hẹp quá. Trẻ con xúm xít chen nhau, ngõ vào. Anh Ngũ đứng
giữa nhà, mặc cái áo ba-đờ-xuy lính, màu cứt ngựa. Anh ấy đứng im, mặt chín lừ
không cười không nói còn lão Nhã cứ cúi lom khom, hai tay vuốt tấm áo xám cứt
ngựa, vuốt đến đâu lại dí mũi ngửi theo, và luôn luôn chẹp miệng: “Quý quá! Quý
quá! Thành ông quan, rồi đáng trăm bạc đây, đáng nghìn bạc đây...”
Lục chạy xổ vào:
- Bác có gặp mẹ con nhà nó trên ấy không?
- Không!
- Thế thì trên ấy bây giờ ra làm sao?
- Như thường! Chẳng sợ cóc gì cả.
Cũng trong khi ấy, khắp làng nhao lên như cá úi. Người ta cứ
ngốt ngát bàn tán về anh Ngũ bây giờ giàu to.
Lúc nãy Lục cũng cứ nghĩ tưởng tượng theo người ngoài ngõ đồn
đại. Nhưng bây giờ thì Lục biết hơn người ngoài ngõ, anh Ngũ chỉ đem về cái áo
ba-đờ-xuy, chẳng có của nả gì nữa.
Buổi tối, Ngũ mới kể.
Năm ngoái, Ngũ đi làm cho lò bánh. Vì Ngũ đánh nhau, phải vào
nhà pha ngồi tù một năm rưỡi. Đêm hôm kia, nghe súng nổ ầm ầm, Nhật đánh trại
lính. Cả nhà tù nhao chạy ra sân. Có người reo: “Phá được cửa nhà pha rồi”. Người
ùa ra, súng bắn cũng mặc. Có người kêu: “Tây chết rồi. Tha cho anh em về nhà
ăn! Không tha thì chúng ông cũng phá toang cái song sắt”. Lại có người kêu: “Nước
ta sắp độc lập. Cứ về theo Việt Minh đi đánh Tây đuổi Nhật. Đâu bây giờ cũng có
Việt Minh!” Người ta nháo nhào đẩy lưng nhau, chạy. Mấy trăm con người tràn ra
các phố, vừa chạy vừa múa chân múa tay, xô vào cướp cả nhà quan công sứ. Ngũ
quơ được cái áo ba-đờ-xuy này...
Ngũ nói:
- Ta không lấy thì Nhật nó cũng đốt ráo. Tòa sứ cháy rồi. Tây
tích trữ thóc gạo lắm quá, tiếc đứt ruột ra mà đành bỏ về đây tìm Việt Minh.
Vẫn cái thói “gì cũng biết”, lão Nhã chẹp miệng:
- Việt Minh thì ở đây cũng sẵn.
- Đâu?
- Phiên chợ tổng nào chẳng có Việt Minh về nói chuyện.
Ngũ nói:
- Đấy, đấy. Ở trong tù, tôi đã nghe nói Việt Minh nhiều lắm.
Lão Nhã im lặng, không nói thêm. Từ nãy, ông luôn “úi chà”,
luôn miệng chẹp đánh dấu từng câu Ngũ nói. Lão hau háu nhìn Ngũ. Tự dưng lão hỏi
Ngũ:
- Mai lên tỉnh liệu có còn gì không?
- Có mà khuân mấy ngày chưa hết.
Lão Nhã lại chẹp miệng, nói lửng lơ:
- Mai mình phải lên chú Tư xem sao. Chú Lục có lên thím ấy
không?
Lục không nói.
Nửa đêm ấy, lão Nhã bò dậy, lay Lục, thì thào:
- Lên tỉnh.
Hai người chạy đến gần tỉnh, mới tang tảng sáng. Tuy sắp tới
nơi, nhưng họ vẫn vừa rảo cẳng, vừa thở. Lão Nhã ấn luôn cái khăn tai chó trên
đầu cho quàng vắt xuống cổ.
Đằng xa, lớp mái nhà đo đỏ, rập rờn trên khoảng đồng sương.
Nhưng từ hai bên bờ ruộng, trong các đầu làng, lố nhố kéo ra vô khối người. Lục
quay sang nhìn lão Nhã, ý hỏi. Lão này tru tréo:
- Người ta vào tỉnh cướp của đấy, ối giời ôi! Nhanh lên.
Hai người lao đầu chạy. Chốc chốc lại gặp một đám đông cũng
chạy. Lại càng hối hả nhanh hơn, hơn nữa. Trong đầu họ, cái tỉnh lỵ trước mặt
đương xôn xao, ngổn ngang biết bao nhiêu của!
Đã đến Chốt Nghệ. Rồi qua mấy phố, Lục thấy có vẻ vẫn thường,
như thường. Bấy giờ mới để ý những hòn đá đường lổn nhổn, chốc chốc nhói dưới
chân, đau tưởng thủng thịt. Hai dãy bàng trụi lá, cành khô giơ ngược như những
cái cây chết cháy. Từng dãy nhà so le, tường mốc thếch như tường đình. Hàng phố
còn ngái ngủ, chưa ai mở cửa. Họa hoằn mới có một cửa hé một cánh, lọt ra một
người đứng đái vào gốc cây rồi nhìn những người chạy qua. Bỗng nhiên, lão Nhã
giật lưng áo Lục:
- Gì?
- Nhật.
- Nhật à?
- Đấy!
Lục trông vào một cái cổng chấn song sắt. Lục nhìn thấy một
người như người ta, không giống Tây. Cái đó cũng làm Lục bớt sợ. Nhưng thanh lưỡi
lê sáng trắng trên đầu súng lại khiến Lục sợ cuống. Trên đầu người ấy úp một
cái mũ đen tròn tựa cái nồi đất. Mặt nó to tròn, cái cổ cũng bằng cái mặt. Tất
cả, trắng phốp, thin thít như sáp nặn. Quần áo thì một màu đất thó như mũ. Hai
con mắt không chớp, giương lỗ đáo, tròn xoe. Rồi tự dưng nhúc nhích, đưa
nghiêng lưỡi lê ra. Lục cúi mặt, sợ quá. Lục nhón gót, chạy nhanh, vừa chạy vừa
nghĩ: nó khác ta, nó có khác ta.
Đã đi qua chỗ sợ ấy. Một điều khiến ông lão Nhã và cả anh Lục
cùng ngơ ngác. Họ không thấy các phố lung tung như khi nghe Ngũ kể. Không có
người vừa chạy vừa múa. Chốc chốc, lại gặp mấy người ta cầm roi gân bò, quát:
“Đồ nhà quê, cút đi” cánh tay người nào cũng đeo băng có chữ “An” đỏ. Ai cũng
đi đôi ủng thổ công giống hệt nhau. Ông lão Nhã chẹp chẹp miệng:
- Lại giống cái độ Tây mới sang, những tay này rồi sắp lên
tri phủ, tri huyện cho Nhật đây. Quái, sao không thấy bọn vác đòn càn lúc nãy.
- Vừa trông có lũ nào đi đầu ngả đằng kia. Đấy... đấy...
Không biết có phải bọn vác đòn càn lúc nãy trong làng ra
không, nhưng trong các ngõ lại thấy tuôn ra nhiều người chạy đến trại Con Gái.
Thường ngày, lính Tây và lính ta vẫn ra vào ở đấy. Trong ấy còn có cái gì thì
người ta vào khuân nốt. Lũ lượt rộn rịch chạy phấp phới như cờ.
Họ cứ xô vào tay không rồi lại ôm vác ra đủ thứ. Cái hòm phản.
Cái nồi. Một bu gà. Một con vịt. Một rổ bát. Cái bình hương. Người xô đến mỗi
lúc càng lắm...
Ông lão Nhã nhảy vào. Lục cùng chạy theo, quên cả việc đương
đi tìm vợ.
Lục chúi sau mấy cái lưng. Dãy nhà, bên tay phải, đương cháy
đùng đùng. Một người vác bó đuốc đâm lên cái phèn nửa đầu mái nhà hét to:
- Đốt bỏ cha nó đi, anh em ơi!
Lửa lò vào lớp rui trên đầu, nóng rực xuống. Lục cuống cuồng
như mất cắp cái gì. Bởi vì chưa lấy được cái gì cả. Cái gì lấy được thì người
ta bê đi cả rồi. A, cái chậu thau. Nhưng vừa chạy đến thì mấy người đằng kia
nhanh tay đã ùa đến nẫng mất. Chẳng nhẽ lại khiêng cái vại? - mà cũng chẳng còn
chiếc nào lành. Một lũ người đương rầm rộ qua các cửa buồng vợ lính, cứ trông
thấy chum vại là phang vỡ luôn.
Ánh lửa đã đỏ khé xung quanh, nóng rộp trên mặt Lục. Giữa tiếng
lửa đùng đùng, tiếng người la hét dữ dội bên ngoài. Lực càng luýnh quýnh hơn.
Không ra mau thì chết cháy. Lục ngó quanh xem có thấy lão Nhã. Chỉ thấy lửa và
tiếng lửa reo ngùn ngụt.
Lửa đã rọi sáng hẳn gian buồng. Lục đụng vào một cái giường,
bốn chân lênh khênh như cái chuồng lợn, còn trơ bộ khung. Lục cúi xuống. Cái
giường to bằng cả tấm liếp. Lục chui vào thang giường, hai tay bíu chặt hai
thành. Lục giáng sức đứng hẳn lên, gân lưng nồi chão. Lục nhảy ra đường cái, cổ
đóng cái gông giường khủng khiếp ấy. Đụng vào ai cũng mặc, Lục phăng phăng chạy.
Người ta nhìn theo Lục, nhưng Lục không nhìn ai hết.
Bên đường cái, ba thằng Nhật đội mũ nồi đất, chồm ra, hét một
tiếng. Một tiếng súng nổ chói hai màng tai. Lục tối tăm mặt mũi. Lục quăng bừa
cái giường xuống, rồi lao người chạy. Được một quãng, hai đầu gối Lục ríu lại,
dồn xuống. Lục nằm nhoài ra, như người say thuốc.
Nơi Lục ngã xuống là một bãi cỏ, bên chân một bức tường thấp.
Người ta tưởng đấy là một cái xác chết đói, mấy lâu nay thường thấy rải rác, ít
ai nhìn kỹ.
Lát sau, Lục tỉnh dậy, thất thểu, đi.
Trên đường cái, lại như không có gì lạ. Lục quay vào tỉnh.
Bây giờ thì Lục chỉ bồn chồn nghĩ đến vợ.
Nhưng tìm đâu cho ra mẹ con nhà nó bây giờ? Lục hỏi thăm mấy
người, mấy nhà. Chẳng ai biết cái người đi ở vú ấy là ai.
Đi quẩn quanh thế nào, một chốc, lại vòng về cái phố có chỏm
nhà thờ mốc đen lúc nãy.
Bỗng nhiên, Lục thấy các nhà xung quanh bảo nhau tấp nập lên
cửa. Tiếng rối rít, lốp bốp vỗ cánh cửa gỗ. Nhiều người thập thò, ngấp nghé trước
thềm nhà. Trong khoảnh khắc nhà phố đóng cửa hết, dưới đường cái chỉ còn mấy
cái xe sắt. Người ta hỏi truyền cửa này sang cửa khác: “Cái gì thế hở ông? Hở
bác?” Chẳng ai biết cái gì. Mãi sau mới có một người chạy qua, thở thở, nói:
- Nhật sắp đem bắn Tây trước cửa Tòa Sứ.
Khoảng ngã tư trước cái vườn hoa ngay cửa sắt Tòa Sứ trông ra
đã đen ngòm như đỗ đen. Lục lách vào, nghe người ta lào xào nói sau gáy: “Không
phải bắn Tây”. Lục nhìn ra một quãng trống trước mặt. Mỗi bên đứng một hàng
lính Nhật đều đặn như những cái nấm mọc. Người ta tạt ra phía sau.
Còn đương chưa biết để mắt vào đâu, bỗng một dãy người bên cạnh
cùng kêu to:
- Thôi thế là chết rồi!
Đám đông dưới chân tường xôn xao nghiêng ngả. Lục nhìn thấy
bên hồ nằm một người không đầu, như cái cây chuối cụt. Máu ở lỗ cổ còn đương xối
ra, chảy tưới xuống hồ. Lục lạnh tê run cầm cập hai hàm răng. Cái xác cụt đầu ấy
mặc áo nâu da bò, một vòng thắt lưng thắt ngang. Lục nhớ lúc lão Nhã vào tỉnh
đã cởi chiếc khăn trên đầu, rồi quấn xuống lưng cho gọn. Cái áo, cái thắt lưng ấy
là ông lão Nhã. Lục lại đâm đầu chạy. Lục chạy thục mạng.
Đến giữa cánh đồng kia. Lục ngồi nghỉ bên gốc đa. Bấy giờ là
đầu xuân. Ngô mùa xanh bát ngát đầy đồng. Thế là lão Nhã chết rồi. Rõ ràng cái
áo nâu da bò quấn mảnh khăn cháo lòng của lão. Tại sao lão chết? Tại sao thằng
Nhật lại chém đầu lão?
Những con quạ khoang xù lông đứng trên cành đa. Chúng đậu im
như những bọng kiến. Lục tưởng như có hồn lão Nhã ở trong lũ quạ.
Mấy người cũng ngồi nghỉ đấy. Họ cũng đương nói chuyện với
nhau về “Nhật chém người trước cửa Tòa sứ”. Một ông áo the khăn lượt, tay nải đỏ,
dáng ông đồ hay thày tự, lẻ nhẻ nói:
- Tôi vừa ở Bắc Giang xuống đây. Trên ấy đương đánh nhau to.
Nhật đánh Tây, ta lại đánh Tây, ta đánh cả Nhật. Không còn đường nào chạy...
Một người khác:
- Ở Hà Giang cũng đương loạn. Việt Minh nổi lên ghê lắm. Giết
hết các quan châu rồi.
Một anh, tay xách cái đòn ống, băn khoăn hỏi:
- Dưới xuôi này cũng có Việt Minh, có thấy người Việt Minh
đánh ai đâu.
Ngồi trong gốc đa, một ông đứng tuổi, dáng xốc vác như lái lợn,
lái trâu, không biết đương nhăn nhó điều gì, buông chõ xuống một câu:
- Mỗi nơi một khác chứ.
Lục cho là cũng có nhẽ thế. Vài lần, Lục đã gặp các người Việt
Minh ở chợ Tổng. Họ đeo súng lục, dao găm nhưng chỉ đứng nói chuyện.
Về nhà, Lục trông thấy anh Ngũ đang ngồi buộc nức lại một cái
rọ lợn thật to. Lục hỏi buộc làm gì. Ngũ bảo: “Buộc có việc!” Rồi Ngũ hỏi lại Lục:
- Ông Nhã đâu?
- Nhật chém chết rồi.
Ngũ tặc lưỡi:
- Lão dại thì chết. Chúa ác là cái thằng Nhật. Phúc cho chú đấy.
Ngũ bảo Lục:
- Chú đi đằng này với tôi.
- Đi đâu?
- Đi bắt thằng Tây đem bán cho Nhật.
- Sao?
- Chả có hai thằng Tây chạy về núp cánh đồng làng ta. Chú
không trông tôi đương đan rọ đây à!
- Nó có súng không?
- Xì, nước mẹ gì.
Ngoài ngõ ồn ào, nhiều người rậm rịch chạy qua. Trông ra thấy
một lũ vác rá kéo ra. Lục hỏi:
- Người ta đi bắt Tây, hả?
Ngũ ngó ra:
- Không phải, bọn này sang bên kia sông đợi Việt Minh phá kho
phát chẩn. Mẹ nó chứ, bắt xong hai thằng Tây này, tớ cũng đi theo Việt Minh phá
thóc.
Một lúc đã buộc xong, Ngũ vác rọ đi.
Lục ngần ngại, định theo, rồi thôi.
Đợi Ngũ đi khuất, Lục ra ngõ, đi về phía bờ sông. Gặp lý Kiền
xắn quần móng heo. Đầu hắn lù lù đội nón. Hắn tất tả ra bến đò. Lục hỏi chặn:
- Chú lý sang xin các ông Việt Minh phát chẩn, phỏng?
Lý Kiền lúng búng:
- Tôi thấy người ta nói...
- Này, Nhật chém chết lão Nhã giữa tỉnh rồi, ông biết chưa?
Xa xa, đằng đầu cánh đồng vẳng một hồi tù và. Có lẽ đằng ấy
anh Ngũ đương đi bắt Tây. Hay là đương phá thóc đánh Nhật? Lục nhớ cái dáng anh
Ngũ vác rọ, huỳnh huỵch chạy. Anh ấy đã đi đây đi đó nhiều, đâm ra bạo.
Lý Kiền cứ hỏi đi hỏi lại: “Có thật, có thật lão Nhã chết
chém không?”
Lục gắt:
- Rõ ràng cụt cổ rồi.
Lý Kiền bỗng đứng lại, nói một câu ngang dạ:
- Bác Lục này, nghe đâu kho thóc bên sông cũng có Nhật về giữ.
Lục hầm hầm, không đáp.
Rồi Lục vụt lên trước. Lục đoán lý Kiền đội cái nón ấy để làm
cái bưng gạo. Lục chửi một câu. Lục chạy lội ùa xuống mặt nước cạn. Bên kia
sông, tiếng tù và vẫn tu tu kéo dài. Chắc anh Ngũ đã sang đến kho thóc. Lục
càng chạy nhanh. Cũng không quay lại xem lý Kiền có đi nữa hay không.
1946
Chú thích:
Tiếng địa phương: ngày giỗ nhỏ, thường lệ. |
|
Ngày 27 tháng Chạp âm lịch. |
|
Ăn trộm. |
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét