Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Khách nợ 4

Khách nợ 4

Bức vẽ truyền thần

Ở đây người ta ít cho trẻ con mang sách đến trường. Không cần mấy. Bởi vì đất này là đất công nghệ. Từ những đứa trẻ lên năm cũng đã tập tành giúp đỡ được công việc trong nhà. Làm là ra tiền, còn đi học không ra tiền, người ta để trẻ con ở nhà, cũng có cái lý cứng của người ta. Nhưng đó mới chỉ là một lý vật chất, mà người ta đã phê bình hộ cho cái làng này. Các cụ trong làng thì nghĩ khác. Có phải tại người ta hà tiện sợ tốn kém mà chẳng muốn cho con đi học đâu. Không, không. Người ta sợ là sợ cái khác kia. Sợ cái việc phong thủy. Sợ cái sự của trời đất sinh ra thế.

Bởi vì làng này không có đất làm việc, không có đất đi học. Ngoài đồng có thế đất hình cái mũ đồng cân, thì mũ vua mũ quan lại chầu quay hướng về làng Phú Gia. Thành thử, thiên hạ làng khác người ta tranh đi học, tranh biết chữ mất cả. Cái lẽ tạo hóa đã bày ra như vậy, không thể cưỡng. Người ta được dốt nát mà người ta bằng lòng.

Như nhà ông nhang Chỉnh. Nhà ông thuộc vào hạng khá trong hàng thôn. Ông có hai con trai. Chúng nó chỉ biết làm khỏe. Lệch vai đi vì làm. Ngoẹo cổ đi vì làm. Trông thấy cái bút chì thì chúng nó tấm tắc khen rằng: “Gớm nhỉ! Cái đầu mẩu nhọn kia mà viết được ra chữ thì tài thực”.

Tuy không lấy các con làm ra việc là sung sướng, nhưng ông nhang Chỉnh cũng không lấy thế làm buồn bao giờ. Chúng nó đã làm ra của cho ông. Ông mà được trở nên mát mặt như ngày nay cũng nhờ có hai thằng con hay làm ấy.

Nhà ông nhang Chỉnh bây giờ khá. Trong năm, sáu năm trời, ông trình bày với làng nước, rất khéo léo, sự của nả nhà ông như sau này.

Bắt đầu, ông xây một cái cổng gạch có hai tấm cánh cửa gỗ. Trên nóc, đắp bốn chữ số ngòng ngoèo: 1940 vờn vào nhau. Rồi một con đường gạch nhỏ một hàng con kiến lát từ cổng nối liền vào đến thềm hè. Ấy là cái năm ông dỡ tất cả bốn bức vách xung quanh để xây con kiến hai đầu hồi và lớp tường hậu. Còn thừa gạch, ông lại cho lát hai vỉa xung quanh thềm ra đến gần giữa sân. Như thế, là ông yên chí lắm. Vì, rất có thể, một vài năm nữa, có đồng ra đồng vào hơn nữa, ông dỡ cái mái lợp ngói lên, là đã ra một nếp nhà gạch tươm tất rồi. Ông chờ.

Bây giờ ông nghĩ cách bày biện ở trong nhà. Gian giữa, lù lù một cái tủ chè. Cái tủ chè bằng gỗ mộc, trắng lôm lốp. Tuy trông nó không được đẹp lắm, nhưng thiếu nó là thiếu tất cả, là cái nhà không có hồn. Trong khi lại ngóng dịp có tiền để tậu một cái tủ chè gỗ gụ, đánh bóng đen sẫm, thì ông nhang Chỉnh hãy cứ chơi tạm cái này để ước lấy chỗ kê. Hai gian bên, treo la liệt những ảnh và tranh Tàu lòe loẹt. Trên bàn thờ, cái đỉnh đồng bóng nhoáng làm át cả những chiếc mâm đồng đỏ và chiếc đèn ba dây đen xỉn. Gian bên phải, một cái phản bằng ba tấm gỗ mít. Bên trái, nơi tiếp khách, song song hai chiếc tràng kỷ. Thế là nhà ông nhang Chỉnh sang ra phết rồi. Trong làng, chẳng có mấy nhà được lịch sự như vậy.

Ông thích khoe cho bà con biết mọi vẻ sang trọng của nhà ông. Nhưng ông biết cách khoe. Ông không nói trắng rằng: Nhà tôi có cái này... nhà tôi có cái nọ... đẹp lắm... quý lắm. Không, ông không nói thế. Ông đứng chơi lơ phơ ngoài đầu ngõ. Ai quen mà đi qua, ông đon đả:

- Đi đâu thế?

- Tôi lên kia có chút việc.

- Thong thả chứ?

- Thong thả ạ.

- Mấy khi, mời ông vào tôi chơi xơi nước cái đã.

Mời người ta vào xơi nước thôi, thế là nhà mình có cái gì người ta cũng biết. Người ta đi nói lại với người khác, những cái miệng là những cái cống chảy ra chuyện. Thế là ai cũng biết nhà ông nhang Chỉnh bây giờ tươm lắm, tươm lắm.

Một hôm, bác quyền Vực được nghỉ phép, về làng. Ông nhang đương thơ thẩn quạt mát ở đầu sân, nghe tiếng giầy lệt kệt ngoài đầu ngõ, vội chạy ra.

- Kìa bác Vực!

- Bông-xua ông. Xà-và chứ ?

- Hè... hè... Ăn cơm rồi . Bác về phép đấy chứ?

- Vâng.

- Mời bác vào nhà xơi nước. Mấy khi. Đường từ đây về xóm còn để đấy, hãy vào tạm làm chén nước cho vui cái đã.

- Bôồng!

Rồi bác quyền ngả cái mũ vàng, tha đôi giầy da to tổ bố vào trong sân. Lũ chó thất kinh, sủa lạc cả tiếng. Bác Vực uống luôn mấy chén nước chè mạn. Rồi bác nhìn quanh quất:

- Ái chà! Nhà ông ngang bốp phạm. Bốp thực! Không kém nhà ngoài tỉnh mấy.

- Bác cứ khen quá thế chứ?

- Thực đấy. Bôồng lắm.

- Bác bảo bôồng là thế nào?

- Bôồng tiếng Tây là đủ tất cả các nhẽ. Sang trọng, danh giá, lịch sự. Đủ hết. Tuốt mo.

- Gớm nhỉ!

- Nhưng nhà này...

- Thưa, gì ạ?

Bác Vực trỏ tay lên đầu hồi bên trái:

- Chỗ khoảng tường trắng kia mà treo một bức truyền thần thì ăn phom lắm.

- Truyền thần là thế nào?

- Là cái ảnh chụp ông ấy. Ảnh chụp rồi vẽ to bằng cái mâm xếp vuông kia kìa.

- Làng ta chưa ai có nhỉ?

- Xì, gớm. Ngoài Kẻ Chợ người ta mới biết chơi chứ. Ở đây, ai đã vạch mắt ra cho. Ông cũng nên chơi một cái truyền thần. Vài đồng bạc thôi.

- Ồ...

- Rẻ lắm.

- Để hôm nào thong thả tôi ra ngoài tỉnh nhờ bác.

- Được... Bôồng .

Từ hôm ấy, ông nhang Chỉnh cứ tơ tưởng đến cái ảnh truyền thần. Giá đem treo ở cái đầu hồi kia thì bôồng lắm, cừ lắm. Bác Vực bảo thế. Chưa ai biết chơi cái ấy. Đến chính ông cũng lờ mờ chưa thể rõ được cái truyền thần nó là cái gì. Nhưng mà kể chơi như vậy thì rẻ. Chơi một thứ cả làng chưa ai biết mà tốn chỉ có vài đồng bạc. Thế ra, ở đời, cứ tinh thạo là biết chơi sang mà chẳng mất mấy nỗi tiền.

Một hôm, ông nhang Chỉnh vận áo the, quần trắng tề chỉnh. Ông cầm ô, móc cái khăn gói điều vào cán, vác ghếch lên trên vai. Con ông hỏi:

- Bố đi đâu?

- Tao lên Kẻ Chợ.

Mươi hôm, ông nhang Chỉnh về. Vẫn như hôm đi, ông không mang gì ở ngoài tỉnh về. Cả ngày, ông kỳ cục cưa một ống vầu lớn. Cái ống vừa dài, lại vừa to. Ông cắt thủng một đầu mấu, lấy giấy bịt kín lại.

Rồi ông lễ mễ ôm cái ống vầu kỳ quái ra tỉnh. Chiều hôm đó, người ta thấy ông nhang Chỉnh đi thủng thỉnh trên đường cái Tây xuống. Mặt và tai ông đỏ gay. Ông vừa uống rượu ngoài chợ. Cái khăn lượt tụt xuống tròng lọng quanh cổ. Cả cái áo the cũng quấn vào bụng. Một vai ông vác ngược cái ống vầu. Một tay ông cắp cái gì to, như cái mâm xếp, bọc kín hai mặt những giấy nhật trình.

Ông đi khệnh khạng, với điệu vung vinh ghê. Mặt ông vểnh lên. Hai cánh ria mũi mác đen đen cũng vểnh ra. Hai cái ria, nom thú vị lạ. Nó tựa như là ai viết một chữ bát vào giữa mặt ông nhang Chỉnh. Cái chữ bát hơi mấp máy, động đậy. Ấy là lúc ông đương có vẻ hể hả lắm. Ông đương sửa soạn một nụ cười tủm.

Mà ông đương sung sức, hể hả thực. Bởi vì, về đến nhà, ông cởi các thứ kia ra, thì đó là những thứ mà bấy lâu nay ông hằng ao ước - do bác quyền Vực khơi mào cho.

Này, những tờ giấy nhật trình được bóc ra. Một cái khung gỗ, đã đánh bóng, lắp mặt kính nhấp nhánh. Màu gỗ vàng sọng, tươi như nghệ, bao quanh mặt kính sáng loáng. Soi vào thấy rõ cả mặt người.

Đến khi ông nhang Chỉnh trịnh trọng giở nút đầu cái ống vầu, tụt ra một tờ giấy trắng phốp. Ôi chao! Cái hình ông nhang Chỉnh. Đúng lắm. Đúng quá đi mất.

Ông nhang Chỉnh chít khăn đen nhánh. Cái mặt ông hệt là... cái mặt ông. Đủ hai tai, hai mắt, có lông mày cẩn thận. Trên mồm, chỉnh chện hai cái mác ria đen nhọn hoắt. Sao mà khéo thế, tài thế. Ông mặc áo gấm (ô hay, ông nhang có áo gấm bao giờ) gấm hoa tròn như cái bát cẩn thận, ông ngồi trên một bộ ghế rất sang. Cánh tay ông khuỳnh ra, tựa vào mép cái bàn, một tay ông cầm chiếc quạt. Rõ ra điệu bộ một người đúng bậc và phong lưu.

°
°     °

Người trong khắp xóm và khắp cả làng kéo đến xem cái ảnh truyền thần của ông nhang Chỉnh. Ai cũng khen:

- Tài thực. Giống ông nhang như đúc.

Một buổi trưa, đương nắng to, ông nhiêu Phận bên Phú Gia, đội nón sang chơi với ông nhang Chỉnh. Ông vừa lau mồ hôi, vừa hổn hển nói:

- Nghe thấy người ta đồn bên bác mới có cái hình gì tài lắm.

Ông nhang cười, trỏ lên tường:

- Đây này...

Ông nhiêu Phận nhìn đến tròn mắt lại:

- Ối giời ơi kìa, hệt quá! Chết chửa, sao mà lại giống như lột ấy. Mà gớm sao bác ăn mặc chững chạc đến như thế, bằng khăn áo quan phủ!

Ông nhang Chỉnh cắt nghĩa:

- Tôi chỉ chụp có cái ảnh con con ba hào thôi. Thế là người ta vẽ luôn ngay ra to như thế đấy. Vẽ được cả áo gấm, bác tính có láu không?

Ông nhiêu Phận tặc lưỡi:

- Chịu! Thiên hạ lắm người tài!

1942

Con gà trống ri

Trời sớm chưa rạng hẳn đã nghe thấy tiếng gà te te gáy.

Tiếng gà non gáy e é như một giọng rít hơi đưa từ trong cuống họng ra. Rồi thì cả nhà ai cũng nhắc đến:

- Ồ, con gà gáy đã dọn giọng ra phết đấy!

Một lát sau, cu Lặc ra mở tung hai cánh cửa chuồng gà vịt. Lập tức, anh gà trống te tái chạy ra đầu tiên, sau mới đến mấy mụ ngan lạch bạch, mươi chú ngỗng khề khà vừa bước vừa thò cái cổ dài nghêu ra nghe ngóng. Thật là một cuộc điểm binh long trọng mà anh gà giữ địa vị một ông thống soái đi dẫn đầu. Nó nhảy phóc ngay lên cái sàn chạn bát ở ngoài hiên, vỗ đồm độp đôi cánh rồi lấy thẳng gân cổ, gáy một câu rõ thật oai: “Kéc... ke...ke...”.

°
°     °

Xa đây chừng hơn một tháng, một ngày phiên chợ Bưởi, u tôi mua về đôi gà nhỏ giá có gần ba hào cả hai.Người bảo: “Có thêm mấy con gà lắt nhắt cho nó vui sân”.

Hai con gà - một trống, một mái - còn bé tẹo, dáng như mới lìa đàn, suốt ngày cứ rúc vào một góc sân và kêu chíp chíp bằng một giọng thảm thê. Chúng nó biếng ăn. Gạo rắc đầy ra chỗ cạnh lon nước mà thỉnh thoảng chúng mới mổ vài hột. Con gà trống đôi khi cũng nhanh nhẹn, chạy chỗ nọ chỗ kia, ngơ ngác như muốn tìm đường về. Còn ả gà mái, dễ thường ốm bệnh nhớ: nó nằm liệt giữa bụi cây sói mà kêu ai oán. Rồi được đâu có vài hôm, một buổi sáng, tôi mở cửa chuồng chỉ thấy có một nhách gà trống lò dò đi ra. Còn gà mái nằm chết còng queo dưới bục gỗ. Người ta đem ném xác con gà chết ra đồng và từ hôm ấy, anh gà trống còn lại sống lủi thủi một mình.

Nó là một giống gà ri, thấp bé và nhỏ nhắn hơn giống gà thường. Nó còn nhỏ chưa vỡ lông vỡ cánh mà ủ rũ như một người buồn, cho nên trông càng ái ngại. Lông cánh nó màu xám xịt. Cái mào nhu nhú tái ngoét ở trên đôi mắt lờ đờ mà lúc nào cũng muốn nhắm. Hai cái chân nhỏ quá, thấp quá, xám đen lại luôn luôn run rẩy như sắp ngã quỵ, như không chịu được thời tiết, dù đấy là thời tiết đầm ấm của những ngày mùa xuân. Nên khi nó đứng ở một góc sân kia, Cu Lặc ném từng nắm thóc ở đằng này cho ngan, cho ngỗng ăn mà nó cũng không buồn chạy lại. Nó ngẩn ra nhìn lũ ngan con bước đi líu tíu.

Những con ngan nhỏ mới được ba hôm, chỉ to hơn cái trứng một ít. Chúng có bộ lông vàng óng - một màu vàng đáng yêu - như màu những con tơ nõn mới guồng. Nhưng đẹp nhất là đôi mắt và cái mỏ. Đôi mắt chỉ bằng hột cườm, đen nhánh hạt huyền, lúc nào cũng long lanh đưa đi đưa lại như có nước, làm hoạt động hai con ngươi bóng mỡ. Một cái mỏ màu nhung hươu vừa bằng ngón tay đứa bé mới đẻ và có lẽ cũng mềm thư thế, mọc ngăn ngắn đằng trước. Cái đầu xinh xinh vàng nuỗn và ở dưới lũn chũn hai cái chân bé tí màu hồng. Chúng nó chỉ líp chíp khe khẽ và lẩn quẩn dưới chân mẹ. Mụ ngan mẹ, lờ đờ như một người đàn bà đụn và hiền, lúc nào cũng mải nghĩ ngợi một điều gì ở tận đâu đâu. Thỉnh thoảng mụ kêu kíu kíu, dụi mỏ vào lũ con lắc cái đuôi. Lối chăn con của mụ thật là vụng.

Anh gà trống ri bé nhỏ và cô độc lắm lúc đứng nhìn đàn ngan bằng đôi mắt hó háy thèm muốn. Anh ngoe nguẩy cái đuôi ngắn củn khi có mấy con ngan tí hon sán đến chân. Và khi chúng hấp tấp chạy lại với mẹ chúng đang lừ đừ đi, con gà trống khốn nạn cũng lây cái vui sướng, cong cóc đuổi theo. Nhưng đến gần, mụ ngan cái xù xì liền giơ mỏ lên quàng quạc đuổi nó. Nó chợt tưng hửng. Nó lùi lại, lảng đi một phía, ngẩn ngơ kêu chim chíp, khắc khoải như tưởng nhớ, như đau thương. Có lúc nó nằm gục xuống vệ cỏ, buồn nghiêng một bên má, màng trắng kéo che kín mắt.

Tội nghiệp con gà trống ri bé nhỏ sống một thân một mình.

°
°     °

Nhưng rồi con gà trống ri cũng lớn và đẹp, sau đấy hơn một tháng. Qua mấy bữa ốm o, tiếp đến những ngày đẹp trời, có ánh nắng dịu lồng đầy góc sân, con gà trống bắt đầu rỉa lông, rỉa cánh, sửa sang bộ mã cho bớt bẩn ướt. Rồi trông nó cũng choai choai đẹp mắt và nhớn nhao dần lên. Đến bây giờ ngắm nó trông cũng khá đường được.

Một buổi sớm, cả nhà đều nghe thấy một tiếng gì khang khác đằng sau nhà. Tiếng kêu rít như tiếng ho thúng thắng của một người khản cổ. Một lát, cu Lặc chạy hộc tốc vào gọi:

- Cả nhà ra mà xem con gà ri nó học gáy.

À đấy là tiếng con gà ri tập gáy. Thảo nào. Nghe như tiếng người ta ọe. Nó đứng trên đầu một cái cọc giậu nứa, chốc chốc lại thuỗn dài cổ, phồng tướng cái diều đựng cơm lên rồi đưa ra một hơi “Quéc... ke... ke...” Cứ một lát lại thế. Gáy rất khó nhọc, nhưng xem ra anh gà khoan khoái lắm, mỗi khi xong được một tiếng như vậy. Vì thấy lúc tiếng “ke” cuối cùng vừa thoát ra khỏi mỏ, gà ta nhìn ngang nhìn ngửa, hiêng hiếc hai con mắt tráo trâng ra vẻ lắm! Và lại bộ tịch nữa!

Rồi ngày dần qua, con gà trống trút được cái dáng điệu buồn thỉu, buồn thiu buổi nọ đi. Có lẽ nó quên đàn, quên mẹ, quên con gà em chết hôm mới đây, quên rồi. Vì nó đã lớn. Khi người ta lớn, những ý tưởng liên lạc về gia đình cứ lỏng lẻo dần. Con gà đang thời kỳ sắm sửa, thời kỳ ăn chơi, của chàng thanh niên.

Màu sắc bộ mã nó sẫm lại, đen thì đen biếc, trắng thành trắng bạch và đỏ trở nên đỏ khé. Mào nó mọc dài, thắm hoe như dải lá cờ nheo. Đuôi nó uốn vồng lên như chiếc lông dài huyền bóng. Mỏ nó thẫm ngà vàng và rắn chắc, có thể mổ đôm đốp được vào thân một cây nứa tép.

Bây giờ những buổi sớm, cậu gà trống ri thường trở dậy gáy te te từ lúc chưa tỏ mặt người. Mỗi ngày cái câu “kéc... ke... ke...” lại nối dài thêm tiếng “ke” vào. Bác xã Khóm làm nghề bán cháo rong bên hàng xóm đã phải theo tiếng gà báo thức để trở dậy làm hàng. Bác thường khen con gà báo đúng giấc lắm.

Nó đứng đắn và hóa ra có bộ mặt khinh khỉnh ta đây. Nó bắt đầu coi thường mấy chú ngan nhép cứ quẩn bên chân, những con ngan nhỏ nhắn ngày xưa đã làm nó vương nhớ đến mẹ nó. Nó thị uy bằng cách đá cho chúng mấy cái. Bọn trẻ con này sợ, phải lảng ngay ra xa. Nó rất bằng lòng với cái sự tấn công đầu tiên mà lại được thắng lợi. Dần dần nó lấn lên một bước, nghĩa là con gà ri của tôi, một bữa kia mổ ông ngỗng cao lêu nghêu một cái vào cổ rồi lùi chạy rất nhanh để giữ miếng. Ông ngỗng bại và lẩn. Thế là một lúc sau, con gà kiêu hãnh ấy nhảy lên vừa đá vừa mổ vào lưng bà ngan cái lừ đừ. Lúc này lại khiêm tốn, bà ngan cũng đờ đẫn, làm ngơ đi.

Từ đấy, con gà trống ri lên ngôi cửu ngũ ở cái sân nuôi gà vịt con con. Mỗi buổi mai, khi người ta mở cửa chuồng, nó bay ngay ra đậu trên một cái sào nứa ngất nghểu, cất cao tiếng gáy trong khi mấy con ngan, mấy con ngỗng lần lượt diễu binh qua dưới chân.

Ra vẻ tài ba lắm. Cái dĩ vãng buồn teo thật là xa, xa lăng lắc.

°
°     °

Đáng tiếc một nỗi, gà lại là giống gà ri. Một thứ gà bé nhất trong loài gà. Cho nên khi anh ta làm bộ tịch người lớn thì chỉ buồn cười như những anh lùn mà đi cái lối ngoe nguẩy. Gà cũng uống nước, cũng rỉa lông, cũng hiếng mắt lên nhìn trời những khi nắng to. Chỉ phiền một nỗi, anh gà bé và thấp lũn chũn. Bác lùn tịt lại hay làm điệu bộ của người cao. Có một lần, anh mon men sang bên sân nhà hàng xóm, chợt gặp một bác trống thiến. Chao ơi! Sao mà bác gà trống thiến kia mới to thế, béo mẫm làm sao! Nó đứng mới đến bẹn anh khổng lồ. Nó chuồn ngay về nhà và từ buổi đó không bén mảng sang bên ấy nữa.

Nó đi kiếm ăn phương khác.

Và con gà ri nhỏ cũng đa tình lắm. Nó có cái tật mê gái, như tính chung của loài gà - cả của loài người, khi mới lớn lên. Nó yêu rất ham, mặc dầu con đường tình của nó khó khăn và gặp nhiều trở ngại lớn. Bởi một duyên cớ.

Xung quanh khu vực chỗ nó ở, tuyệt nhiên không có đến hai con gà ri. Trước sau, có mỗi một mình. Tìm một người bạn tri âm bằng trạc, không tài nào thấy. Có vài ba chị láng giềng thì đã “nái xề”, chỉ biết đẻ trứng và biết “cục ta cục tác” loạn xạ chứ không còn chú ý những giọng yêu đương tình tứ. Anh gà ri của tôi đang ở cái tuổi mộng mơ, nghĩ những chuyện ái ân cao xa. Vả lại trạc vai anh ta cũng không bằng các ả mái nọ. Có lúc buồn muốn gỡ gạc, anh đến bên cạnh xòe cánh theo kiểu ghẹ mái, chực tán phó mát một đôi câu, nhưng lập tức bị các nàng phản đối và bị các chú gà trống - nhất là ông gà chọi - đánh cho chạy bán xác không kịp. Anh gà ri hoảng.

Trong vùng quanh đây cũng có hai chị mái tơ. Nhưng có lẽ nó đã biết thân phận cho nên không dám hé mỏ tán tỉnh. Hai chị thuộc về giống gà lớn. Tán như vậy, nếu gặp những thằng nhân tình của chúng thì thật là gặp cơn tối đại nguy hiểm của những trận đòn ghen. Anh chàng chịu thua. Đành chịu làm ăn một mình.

Nhưng anh bực mình. Những sớm sớm, những chiều chiều, đứng giương cặp mắt hau háu trong bụi cây, nhìn từng cặp một vui thú tâm tình, lòng anh rạo rực và phiền muộn làm sao. Chúng khinh anh bé nhỏ quá. Anh rất buồn rầu và buồn rầu, ảo não bao nhiêu anh lại càng hay cáu kỉnh, bực dọc với lũ ngan, lũ ngỗng bấy nhiêu. Anh đá, anh đạp, anh mổ, anh đuổi.

Nhưng rồi anh gà trống ri cũng học đòi đi kiếm ăn xa nhà. Hắn lần thần đến những khoảng vườn lạ. Như thế có lẽ đỡ được buồn và trong khi rẽ bước giang hồ từ vườn cây này sang mô đất nọ, được từng trải và hiểu biết nhiều cảnh khác nhau, anh cũng giác ngộ thêm. Và anh còn hy vọng gặp được một người bạn đồng tâm.

Anh hay đi vắng, ít khi phải về bới xó bếp. Bây giờ anh đã tiêm nhiễm cái thú của sự du lịch. Có khi một ngày anh chỉ về nhà có một lần, lúc sẩm tối, khi trở lại chuồng ngủ.

Rồi không ai biết rõ là bữa nào, con gà trống ri ra đi. Có lẽ hắn đi theo tiếng gọi của ái tình. Một sáng, cu Lặc mở cửa chuồng như thường lệ, thấy vắng anh gà ri, tìm cũng không có.

U tôi chép miệng:

- Mất con gà ranh rồi!

Tưởng là mất hút. Nhưng một hôm, chúng tôi ra ngoài đầu xóm chơi, lại bắt gặp anh gà trống ri. Trông anh tang thương phờ phạc quá, gầy guộc phong trần cả đến lông cánh. Khi đó, chú gà đương mải mê đi theo một chị gà mái. Đó cũng là một chị gà mái ri. Chả trách, bấy lâu nay vắng mặt chàng cũng có nhẽ.

Bọn trẻ chạy về gọi cu Lặc. Lặc đuổi theo hai con gà thì thấy chúng chạy xô cả vào một cái ngõ gần đấy. Người ta bảo:

- Một hôm, tự dưng có anh gà này không biết ở đâu, theo con gà mái của nhà tôi. Chẳng thấy ai trong xóm kêu mất gà nên tôi cũng mặc. Mà anh này thì mê tít con gà mái, không rời đi đâu nữa.

Chúng tôi ôm con gà trống ri về. U tôi bảo Lặc ra ngoài xóm hỏi mua con gà mái ri kia để cho có đôi. Và cốt là để buộc cẳng chàng gà. Nhưng người ta trả lời:

- Ngày kia, nhà tôi có kỵ. Cũng phải thịt đến nó.

Thực thất vọng gớm ghê cho anh gà ri. Và chỉ luẩn quẩn được vài hôm, anh lại biến đi đâu mất mặt. Nó đi tìm bạn tình. Nhưng cái nàng gà ri đã khiến cho gã phải bỏ cửa bỏ nhà, thì không còn nữa.

Rồi gã đi biệt hẳn. Chắc chẳng phải là đi với nỗi nhớ thương cô ả má đào bạc mệnh ấy. Gã vốn tính mau quên.

Đôi ri đá

Ít lâu nay, có một loài lạ lạc vào vườn. Anh chim sẻ xưa nay vẫn to hó đứng trong đầu nhà, kêu tẹc tẹc không được điềm tĩnh và đều đặn như mọi khi. Ra vẻ thảng thốt, như thể anh lo những kẻ lạ nào đương dò dẫm, tìm kiếm nơi ăn, chốn ở trong vườn nhà mình.

Quả đúng như nỗi lo của sẻ.

Có hai con chim ri đá, mấy bữa này, thường lai vãng đến vườn. Chúng nhấm nhoắt chuyền từ cây bưởi sang cây khế, đến cành hồng bì.

Sẻ ta đứng băn khoăn nơi nóc hồi nhà nhớn nhác nhìn ra điệu ghét lắm.

°
°     °

Bấy giờ là đầu mùa đông. Ngoài ruộng lúa chín vàng hây. Những bông nếp mập và tươi ong óng, trĩu gù lưng xuống. Màu vàng san sát giải từ cánh đồng làng Nghĩa Đô, mênh mông đến tận bờ tre làng Phú Gia.

Theo với mùa lúa, từng đàn chim ri bay về mọi cánh đồng. Và hai con chim ri đá kia thẩn thơ vào trong vườn này.

Đó là một đôi vợ chồng. Chàng và nàng. Có lẽ là đôi vợ chồng mới cưới nhau vào đầu mùa thu vừa rồi.

Nếu nói so sánh, ta có thể so sánh rằng đôi chim ri ấy tựa một cặp vợ chồng quê mới rủ nhau lên tỉnh. Họ lờ khờ, ngẩn ngơ, xấu xí. Họ thuộc loài ri đá chính tông. Và hiệu là ri sừng. Người loắt choắt, chưa bằng ri cam, mà lại bé hơn cả chim sẻ. Trông một ri đá chỉ bằng nửa chim sẻ. Vừa như chiếc hạt mít mập mạp, có đính chút đuôi. Đôi mắt nâu lờ đờ. Cặp mỏ ngắn, cục mịch, thây lẩy trước đôi mắt như một viên cuội xam xám. Lông màu nâu, mượt, trơn và mịn. Đôi chân cũng xám như mỏ.

Ở con chim ri, có hình bóng một người cù rù nhưng nhẫn nại, lam lũ và luôn chân lấm tay bùn - những người cần lao của đồng ruộng.

°
°     °

Một buổi sáng, vợ chồng ri từ đâu sà xuống cây bưởi. Chúng kêu kéc kéc nho nhỏ. Thế là anh chim sẻ lắng tai nghe tiếng cũng tẹc tẹc ầm ĩ. Dáng hẳn chàng ta chửi đứa nào dám vào nhà mình. Nhưng sẻ chỉ nỏ mồm công kích suông thế thôi, không dám xuống tận nơi.

Vợ chồng ri đá điềm nhiên, chẳng để ý đến sự lèm bèm đó. Chàng nghiêng má nhìn cây hồng bì rồi nhún cẳng nhảy sang. Nhẹ như một chiếc lá rơi, và cũng lẩn ngay vào lá, không động tĩnh gì hết. Nàng bay theo chàng nhưng bay hơi nặng nề, đôi cánh vỗ xè xè, bởi người nàng có đẫy đà chút đỉnh. Không hiểu nàng ri đá đã có con lần nào chưa, chứ thực trông nàng chẳng được gọn mấy. Đầu hơi phờ. Lông bụng bạc phếch. Cườm ngực, cườm cổ không đen nhánh và bóng mượt như của chàng. Có cái lối của những người đàn bà xười xĩnh khi không còn thì con gái, ăn mặc xốc xếch, chẳng thiết gì đến điểm trang nữa.

Chàng xáo xác trong cây hồng bì. Cây hồng bì thấp nhưng rậm lá. Vả lại, với một anh ri bé bỏng, thế đã là khá cao rồi. Nàng cũng sục sạo trong cây, như kiếm chác một cái gì. Chẳng có lẽ. Họ tìm chi trong tụm lá hồng bì đó? Loài ri đá không thể biết ăn sâu. Nhưng đâu có bông lúa vàng ở đây. Kìa, đôi vợ chồng lại bay ra đậu ở một cành cây cụt. Họ nghiêng má nhìn trời. Trời cao và xanh, không cùng. Vụt một cái, bốn cánh vút bay đi loang loáng.

Người ta thấy ở ngoài đầu xóm, hai vợ chồng ri đá đến đậu trên một mái rạ cũ. Rạ đã bạc trắng và nát mủn. Chị chim ri hé mỏ mổ vào cuộng rạ. Anh cong đuôi lên để lôi cuộng rạ đứt ra. Khi đã lôi được, anh quắp lấy và bay vụt đi. Cô ả cũng bay liền ngay theo. Họ bay về cây hồng bì. Cây hồng bì ở ngay trước sân, bên cạnh một bể nước. Những chiếc lá mùa đông, rụng xuống, vàng úa trên giại nứa. Chàng đặt cuộng rạ vào một cành hồng bì kín và cao nhất. Rồi họ lại bay đi, vợ theo đuôi chồng, đến lấy rạ ở mái nhà nát nọ. Chị mổ và anh kéo. Dù được mẩu dài hay mẩu ngắn, anh không phiền hà, quắp ngay lấy mang về cây. Công việc cứ thế, đều đều suốt ngày, như người ta mắc cửi.

Được chừng ba hôm, bác sẻ bay qua cây hồng bì, đã thấy trong cây lù lù một nắm rạ lòng thòng, bẩn thỉu như một mớ rơm rửa bát. À hai vợ chồng con ri đá đến ngụ cư ở nơi này. Họ đương làm nhà.

Bao nhiêu công việc xây dựng, người chồng phải đương lấy tất cả. Chàng tha rác liền liền về cây. Chàng xếp đặt cho thực khéo, thực gọn. Trong khi ấy, nàng chỉ biết có việc mổ đứt cuộng rạ và việc bay nhởn nhơ theo chồng. Thỉnh thoảng nàng lại khẽ hát kéc kéc, như để khuyến khích hoặc nói bông cho chàng vẫn hậm hụi, cắm cúi làm.

Chàng đặt móng cho nếp nhà mới bằng một lớp rạ. Rồi chàng đi tìm ở những bẹ dừa lấy những sợi dây rất nhỏ. Việc tha những sợi dây này vẫn là việc của người chồng chịu khó. Chàng đem về, đánh đai rất xinh, vòng trong những cuộng rạ, dựng thành một khung tròn hình lòng tổ.

Cái lòng tổ êm ái đã hoàn thành. Bây giờ chàng đi tìm lá khô. Chẳng biết mò mẫm thế nào mà tha về được từng nạm lá duối, đem chất lù lù cả lên xung quanh thành tổ. Mỗi chuyến chàng mang về chừng đôi ba tờ lá nhỏ.

Một chuyến kia, vợ chồng ri đá song song bay từ ngoài bờ giậu vào vườn. Vừa sà xuống cây hồng bì, anh ri đá đã hoảng hốt buông rời mấy chiếc lá, cuống cuồng nhào lên, rồi bay tít tắp ra tận ngoài đồng. Chị vợ cũng nhớn nhác rồi đuổi theo.

Có gì đâu! Dưới gốc cây hồng bì bỗng lộn xộn bao nhiêu là người. Khắp sân, đầy đống những lượm lúa vàng rượi. Người ta kê ra một chiếc cối đá hổng đáy. Từng lượm lúa chắc nịch cặp vào hai thanh tre rồi người ta đập lên cối đá từng hồi, cho thóc rơi vung vãi ra bốn phía.

Họ vừa làm vừa cười cười, nói nói ồm ồm, cả đàn ông lẫn đàn bà. Thấy thế, vợ chồng ri đá sợ hết vía. Không dám bén mảng về nữa. Nói của đáng tội, chiều hôm đó, cậu mợ cũng về. Nhưng ở sân vẫn còn tíu tít ồn ã những người, nên lại phải vội vàng bay đi. Sáng hôm sau, chàng lại về. Mỏ ngậm rác cẩn thận. Song người ta vẫn thi nhau đập lúa thình thịch. Chàng lại bỏ đi, để rơi mấy chiếc lá khô xuống đất.

Người ta đập lúa trong sân. Bác sẻ mon men xuống kiếm chác, nhặt những hạt thóc rụng. Không thấy vợ chồng anh ri đá đâu, ý chừng bác sẻ ta hả hê lắm.

°
°     °

Gió may ràn rạt gào, lúc lắc những cành hồng bì mảnh khảnh. Cái tổ hoang kia, không chim nào chăm nom đến, những cuộng rạ ở xung quanh đã ải sẵn, cứ trệ xuống dần. Rồi nó chỉ còn là một nắm rác rưởi, một nắm bùi nhùi của một đứa trẻ nào gài vu vơ lên đấy. Hai con chim sợ người đã bỏ phí mất một cái tổ đương dựng. Nó sắp rơi hoài xuống cỏ mất.

Công việc gặt hái đã xong. Sân vườn lại trở về hiu quạnh như thường ngày. Chỉ còn tiếng anh sẻ rền rĩ. Cây hồng bì, không phải mùa quả, hoang vắng lạnh lùng như một cây rừng. Đôi chim ri chẳng trở về nữa.

Không, họ lại trở về. Một hôm, từ lúc trời vừa dựng sáng đã nghe có tiếng lạt sạt trong cây. Bấy giờ bác chim sẻ chưa dậy. Đến khi trở dậy, ra đứng ngoài đầu ống, bác đã thấy vợ chồng ri đá đương nối đuôi nhau tha rác về cây hồng bì. Bác lại trông xuống mà hé mỏ. Bắt đầu kêu than kêu vãn. Đôi chim ri tha về những cuộng rạ nát. Lại những cuộng rạ nát nhũn. Bởi vì họ lại bắt đầu. Nghĩa là vợ chồng chim ri lại kỳ cục xây lên trên cái ổ dở dang kia, một cái ổ khác, mới nguyên. Lại những cuống rạ mục, những dây dợ ở những bẹ dứa, bẹ cau. Lại những chiếc lá duối khô, đã quăn queo. Và lại vẫn anh chồng còm cọm tha rác suốt ngày để cho chị vợ thẩn thơ bay theo. Có khi, chàng bắt được đâu cả một mảng mạng nhện nhăng nhít, cũng lôi thôi tha về.

Chẳng bao lâu, cái tổ có lòng trũng xuống và những chiếc lá khô thì làm thành một vòng cao lên. Ở trên trông vào, tựa hình một cái tổ bé tí tẹo của trẻ con chơi. Giá ở nhiều loài chim khác, như chim chào mào, sáo sậu, ắt cái tổ kia đã được khánh thành. Nhưng với ri đá, tính cẩn thận, chàng chưa thể gọi thế là xong được. Họ còn tạo tác thêm. Nói là họ, kỳ thực công việc xây dựng đều do mỏ và chân của anh chồng. Chàng nựng vợ đủ điều.

Chàng ta đi kiếm ở các xó vườn lạ về những cẳng lá xoan, cẳng lá khế đã khô đét. Chàng lợp một cái mái. Cái mái nhà để che mưa và che nắng. Chàng lại đi khuân lá duối, khuân cẳng rạ về và xếp một lượt đầy lên trên những lượt cẳng. Xuôi đâu đấy, chàng loay hoay khoét một cái lỗ. Khi đục xong lỗ, vậy là lúc công cuộc làm tổ đã hoàn thành.

Chàng chui vào trong tổ, kêu lên mấy tiếng ke ke. Ở ngoài cô vợ cũng đáp lại như thế. Chàng liền bay ra, đứng cạnh nàng tỏ vẻ âu yếm. Chàng xích lại một chút. Chị vợ cũng nhún nhún đôi chân và rung rung đôi cánh. Hai cái mỏ chíu vào nhau. Đôi chim hoan hỉ nhìn nhau và cùng xù lông ra rũ phành phạch. Chàng khoan khoái bay tung tăng đi vu vơ đâu một lúc, rồi lại trở về, cùng chui tọt vào tổ. Cái tổ kín và riêng tư như một nếp nhà của người ta.

Thế là tổ đã làm xong. Trông nó xấu xí tựa một mớ rác lộn. Song đó chỉ là bề ngoài không quan hệ thôi. Này, hãy đến gần, ló đầu vào một tí mà xem. Đường cửa tổ tròn, xung quanh nhẵn thín, chui ra chui vào rất gọn, không vướng víu mảy may. Cái lòng tổ thì êm và mịn, vừa cho chỗ nàng ri nằm. Ri đực chỉ rón rén nằm ghếch bên cạnh, hai cái mỏ cùng chìa ra phía cửa.

Từ hôm ấy, sớm mờ mờ đã nghe tiếng ri động lạt sạt trong cây hồng bì. Họ đùa nhau. Họ mớm mỏ nhau. Và có tình yêu luôn luôn. Chị vợ chỉ nằm xù xù trong tổ cả ngày. Nàng ấp dọn cho những ngày sắp sinh trứng. Đến khi hoàng hôn xuống, cả hai vợ chồng cùng chui vào tổ, nằm chẩu mỏ ra ngoài cửa.

Họ chờ ngày đẻ trứng

°
°     °

Những con chim hét đen chậm chụi, mỏ vàng bệch, đã từ phương xa bay về. Dấu báo hiệu mùa lạnh sắp đến.

Gió may trở về đã từ lâu, hiu hiu và hiền lành. Nhưng chiều ấy, gió may bỗng trở mạnh và đột nhiên hóa cáu kỉnh, nổi cơn đùng đùng. Trời đất âm u sẫm lại. Từng làn mây nước lớn xám xì, chuyển vần theo gió bay xuôi hỗn độn, tới tấp như một cuộc thay đổi kỳ lạ của vũ trụ.

Sáng hôm sau, trời đổ mưa xuống đều đều, nhưng không to lắm. Vòm không mù trắng những nước. Và trời cứ mưa đều đều, lai rai, nhỏ nhẻ như thế, hết ngày ấy sang ngày khác. Ông mặt trời đã đi đâu mất, để cho trời đất cứ thi nhau khóc ra mưa ra gió. Người ta đều phải ở trong nhà. Đường trong làng lầy lội, bùn xám ngập cao tới lưng ống chân.

Đôi ri cũng phải ở trong nhà. Chúng nằm ro ró mà nhìn ra xem mưa. Chao ôi! Cái thứ trời gì mà cứ xối mãi nước xuống. Mưa ba hôm, đôi chim bắt đầu thấy buồn buồn. Mưa được bốn ngày thì lành lạnh. Những hạt nước đọng ở trên mái tổ rích vào, thấm xuống, ướt hết cả xung quanh. Nhưng sự lạnh và sự thấm nước đó chưa đáng để ý, bởi đôi chim mặc một bộ lông dày và họ có hơi nóng của nhau. Song không dám bay ra ngoài. Nằm nhịn đói cũng đã thường quen, không hề chi.

Trời vẫn mưa. Bây giờ lại có những giọt nước mới đến nữa, lá và cành khô không chịu thấm được hơn. Nước mưa lăn trên mái tổ rồi rỏ lạch tạch xuống đầu vợ chồng gã chim ri. Lại có thêm gió. Gió đung đưa cành cây hồng bì. Từng loạt nước rơi xuống rào rào, liên tiếp. Vợ chồng ri đá xù lông ra lắc bụi nước. Nhưng rồi bụi nước - tuy đã lắc mãi - cũng bám được vào lông chim. Hai cái đầu thấm nước, bết lông vào với nhau, bé tọp hẳn đi. Trông thảm hại như hai người ốm liệt giường mà bị cạo trọc đầu. Lúc này là lúc hai vợ chồng chim ri không nén được nữa. Nếu họ không đi tránh mưa, nước cứ rót lạch tạch luôn vào đầu thì đến chết rét mất. Bởi trời lạnh. Buổi sáng người ta mó tay vào nước thấy buốt thon thót. Mưa thì liên miên. Giọt gianh chảy rích rích xuống bốn bên xung quanh nhà.

Một hôm, hai vợ chồng chim ri đành lòng rời cái tổ ẩm ướt, đi tìm một cái nhà nào kín để tạm ẩn. Chúng bay đi trong bụi mưa, bốn cánh vỗ nặng nề. Bấy giờ mới là xế trưa, nhưng trời đầy mưa, xám và trắng những nước, nên tưởng như trời đã sắp tối. Vợ chồng chim ri rời tổ. Bác sẻ già kia không biết. Mấy bữa nay mưa gió, bác ta rúc tránh vào tận đáy ống tre.

°
°     °

Nhưng cũng vẫn còn cuộc trở về của đôi chim. Ấy là một ngày mùa đông có nắng, sau trận mưa ghê gớm liên miên đến nửa tháng. Mọi vật vẫn chưa khỏi hẳn ẩm ướt. Nước ám nhiều quá. Bức tường ngoài đầu ngõ, thảm rêu lên xanh om. Tuy nắng, nhưng nắng chưa đủ gây ấm. Không khí vẫn phảng phất hơi giá.

Đôi chim ri lìa tổ ngơ ngác ở đâu về đậu bên cây bưởi. Bác sẻ ở dưới sân, đứng trong nắng để hong lông, hong cánh, trông thấy đôi chim đáng ghét liền bay vù lên nóc nhà và kêu choe chóe như bị ai bóp cổ. Chàng ri đực liệng vào trong vườn lá hồng bì. Chàng vào thăm tổ. Trận mưa cũng có làm hư hại mất đôi chút. Mấy chú nhện lạc lõng nơi nào đã chăng mạng kín cả cửa ngõ. Ri ta mới tức làm sao! Hắn mổ luôn cho mấy mỏ, tan hoang cả khung cửa nhện. Vào trong tổ, hắn dùng mỏ và cẳng bới xếp, dọn lại một lát thì giường nệm lại phẳng phiu gần được như cũ. Hắn chui ra, nhường chỗ cho vợ vào. Chị ả lại nằm xềm xệp thò chiếc mỏ ngắn ngủn ra cửa.

Và hai vợ chồng lại luôn luôn thay nhau ấp tổ. Mười hôm, ri cái đẻ ra một chiếc trứng nhỏ xíu. Trước sau chị đẻ được bốn chiếc trứng. Bốn chiếc trứng chỉ nhỉnh hơn bốn củ lạc lớn, màu trắng đục lốm đốm nâu, nằm đều đặn, gọn thon lỏn trong lòng tổ. Chị ri phải xòe lông bụng ra mới đủ che cả bốn trứng.

Trong cái tiểu gia đình này, người ta nửa mừng và nửa lo. Sáng ngày ra, hai vợ chồng hát nho nhỏ. Họ hát ru sao? Chỉ có mỗi một điệu hót ke ke. Và riêng khi nào vui lắm, âu yếm nhau lắm, họ mới rung hai cánh mà làm điệu mỏ ri ri ri... Họ ăn ở dè lén, bình lặng, chịu khó, ít ồn ã. Cuộc đời trôi chảy âm thầm dưới vòm lá xanh, y như cuộc đời của những người Nghĩa Đô, cần cù và nghèo khó trên cái khung cửi, trong bốn lũy tre. Họ ít nói. Trái hẳn với loài sẻ láu táu, luôn mồm kêu lải nhải.

Bốn trứng đã tới kỳ nở. Những cái mỏ non nớt tự mổ rạn bốn vỏ trứng để thoát ra. Thế là bốn con chim ri nhỏ vào ánh sáng. Mẹ chúng nhảy ra cửa, đứng giạng chân, ngó bố của chúng đứng gần đấy. Bốn con mắt nâu đục nhìn nhau lơ láo.

Bây giờ cái tổ là chiếc giường của đàn bà con mọn. Bừa bãi đầy những vỏ trứng vỡ, bẩn thỉu như mấy cái tã. Líp nhíp bốn nhách chim đỏ hỏn. Mụ ri cái càng phờ phạc, đờ đẫn tợn. Anh chồng cũng ra vẻ lo lắng thay. Song giờ đương là đầu tháng Chạp. Không còn mưa rớt của tháng Bảy như trận mưa tầm tã hôm xưa nữa. Thời tiết lạnh, nhưng hanh và khô cứng.

Bốn con ri cũng đã nhớn nhao. Bố mẹ chúng rạc cả người, về nỗi đi kiếm mồi nuôi con. Chúng lớn dần dần. Cùng với Tết Nguyên đán, cũng lần lần nghiêng đến với mọi nguời ta.

°
°     °

Năm nay, ở Nghĩa Đô, người ta ăn cái Tết Nguyên đán không vui.

Bởi vì làng có mỗi một nghề làm lĩnh, lụa thì lĩnh, lụa lại ế. Hàng dệt ra không thể bán đi được. Chẳng có ai mua. Nhiều khung cửi phải xếp lại. Những guồng tơ bỏ trống. Vắng tiếng lóc cóc ran rỉ của cái vày tơ. Ngày phiên, không có những bác thợ cửi say rượu, mặt đỏ gay, đi chệnh choạng trên đường cái làng. Công việc chẳng có hoặc bao nhiêu dấn vốn đều hết cả, người ta phải quẩy đất thuê, đi làm thợ nề và ra Hà Nội kéo xe. Có những kẻ liều lĩnh đã ký giấy “mộ phu” sang “Tân thế giới”.

Cái Tết hững hờ đến với mọi sự lạnh nhạt. Giá gạo cao tới ba đồng rưỡi một chục đấu nhỏ. Xưa nay chưa như thế bao giờ! Túng quẫn quá, người ta không cần và không thể nghĩ đến lo Tết lắm nữa. Hàng lá dong vào làng rao ơi ới, rồi lại ê hề quẩy ra. Làng mạc buồn teo.

Chiều hôm Ba mươi, cả làng vắng tanh. Ấy là một buổi chiều bồn chồn và khó chịu. Người ta ở cái hoàng hôn u uất đó để đợi một năm mới vẫn hằng mong ước sắp đến. Một năm mới với đầy bí mật và hy vọng còn khuất bên kia một lần lặn mặt trời và một đêm đen thẫm, nặng trịch. “Nhờ phép tổ”, mà nghề nghiệp có được khá khẩm chăng?

Gia đình tôi cũng không còn phong lưu như xưa. Ngày mồng Một, không pháo đốt. Tôi mặc tấm áo vải chéo go cũ, đi đôi guốc sơn bóng nhoáng, đầu vuốt nước lã lên để rẽ cho được mượt. Tôi thơ thẩn trong cổng ngõ hai tay thủ túi, buồn ngẩn ngơ. Cả làng chỉ có vài nhà đốt pháo. Nghe lẹt đẹt như tiếng gõ mẹt vậy.

Nhưng sang ngày mồng Hai, nhà tôi được tiếp một người đến lễ Tết. Khách có đem theo một bánh pháo: bác quyền Vực, người bên làng Phú Gia, một học trò “tam tự kinh” ngày xưa của ông ngoại tôi. Bác Vực đi lính, Tết nghỉ phép về chơi quê.

Bác ăn vận rất ngộ. Đầu bác đội chiếc mũ Tây lợp vải vàng và quần áo cũng màu vàng, xù ra. Bắp chân quấn xà cạp chặt chẽ lên tận đầu gối. Bác dận một đôi giầy có cổ, da mốc thếch như da cóc. Đi nện gót trên sân gạch, nghe kêu kệt kệt, đến ghê.

Lặc cầm bánh pháo của bác Vực, đem ra sân. Bánh pháo dài chưa đủ một gang tay. Hắn treo lên cây hồng bì. Rồi cầm một cái sào dài, đầu có mồi lửa, một tay bịt tai, một tay run run, châm. Pháo bén lửa nổ xì toạch, xì toạch toang toang. Mươi cái xác pháo toàn hồng, rắc ra sân như những cánh hoa đào.

Con Đực đương luẩn quẩn dưới bếp, đột nhiên nghe tiếng pháo, hốt hoảng chúi cổ cúp đuôi chạy biến ra ngoài đồng. Chó sợ pháo.

Nhưng cái gia đình chim ri ở trên cây hồng bì thì không bao giờ còn về nữa. Sớm ấy, bỗng tiếng pháo kinh khủng nổ vang động trong cây, cả đàn chim cuống cuồng bay đi. Những con chim nhỏ ngã xuống, cũng cố vỗ cánh mà bay ngoi ngóp. Tội nghiệp, bốn con ri nhỏ mới ra ràng. Ngày nào cũng đứng chen chân nhau ở cửa tổ để ngơ ngác nhìn xung quanh và nhìn lên trời. Bố mẹ lượn xập xè như muốn bay cho các con bắt chước.

Sớm ngày mồng Hai Tết Nguyên đán ấy, sợ những tiếng pháo nổ một cách vô tình ở dưới gốc hồng bì, đôi vợ chồng ri đá chịu khó và nhẫn nại kia, cùng một đàn bốn con thơ dại, tan tác bay đi, không bao giờ còn trở về cây. Chẳng ai biết được cái bầu đoàn khốn khổ ấy long đong bạt đi đâu và về sau ra làm sao.

Đến độ tháng Ba năm đó, đương mùa hoa bưởi nở, cũng có một đôi chim ri lảng vảng đến vườn - biết có phải những gã chim ri cũ! Song chúng chỉ đậu trên cây bưởi một lát. Bác sẻ già đứng trong đầu hồi, ngó cổ xuống, trông thấy, liền kêu tẹc tẹc rộn rã, như muốn khơi chuyện cãi vã.

1942

O chuột

Trong nhà, trừ người, chó và mèo làm chúa tể. Chó giữ về mặt bộ, mặt thủy. Hắn có phận sự chạy nhông khắp chốn, để đánh hơi, để hỏi han và để mắng những người lạ đi tơ mơ vào trong ngõ. Có khi cao hứng hắn lội xuống ao, tắm, hoặc nếu có ai cầm hòn gạch ném vào nước và huýt mấy tiếng còi, hắn cũng động cỡn mà nhảy tùm xuống. Một đôi bận, sự đùa cợt của hắn cũng được việc. Ấy là khi hắn bơi ở trong ao để dồn vịt về chuồng. Chó hay lèm bèm, ủng oẳng, sinh sự nhỏ nhen, nhưng tính tình hắn lại phổi bò, dễ dãi và thường chóng quên.

Còn mèo rất khác. Mèo lờ đờ và nghiêm nghị tựa một thày giáo nhà dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách quý phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi như sắp mưu toan một việc gì ghê gớm lắm. Có phải thế chăng, hỡi cái gã lừ đừ và nghiêm nghị kia? Gã lại càng ra vẻ khó hiểu tợn. Nhưng cái vỏ ngoài kia chưa thể đủ để nói rõ được bề trong. Biết đâu, mèo ta không khó chịu như mình tưởng. Mà vốn hắn lại hiền lành cũng nên?

Hôm nay, tôi kể chuyện một gã mèo kia. Một gã mèo trẻ tuổi. Y sống lặng lẽ trong nếp nhà ngói cổ kính, giữa một vườn cây rộng, ở làng Nghĩa Đô, cùng một sân với bọn chó, bọn gà ri, bọn ngỗng...

Y là một chàng mèo mướp. Giống đó, nhà quê người ta nuôi nhiều. Cái bộ lông mèo mướp thực là dị kỳ. Nó vừa trắng màu lụa, vừa xám màu tro, lại vừa đen xỉn. Khắp mình, ba màu ấy trộn lẫn với nhau, mà trộn rất nhỏ, hòa hợp lại thành một màu đặc biệt như màu cái chăn dạ của chú lính tập. Chỉ ở dưới bụng mới có một mảng lông trắng mềm mềm. Màu mướp ấy trông bẩn, vì đen ngòm ngòm, nhưng chính ra sạch lắm. Nó sạm như đất, mà không phải là có đất bám. Nó lại mờ mịt như có tro phủ lên - bếp tro là chỗ ngủ tốt nhất của loài mèo - mà thực ra cái bờm lông xấu xí đó chẳng vẩn một chút tro bụi. Ngắm thì đẹp mắt, nhưng nếu sờ tay vào, nó muốt như sờ tay trên tấm nhung tơ.

Hai mắt mèo tròn và quắc như đôi hòn bi ve để dưới ánh mặt trời. Hắn không có môi, song hắn có cái mũi đo đỏ, đẹp như môi son hồng của các cô gái mười tám đương thì. Đàn bà không ưa cái mũi đỏ ấy. Người ta bảo mèo mũi đỏ là mèo hay ăn vụng. Hai bên mép hắn có hai hàng ria cứng nhắc như ria làm bằng thép nước. Lũ trẻ con, có lúc nghịch, đè ngửa hắn xuống, lấy kéo cắt trụi cả đôi hàng ria suôn đuột. Nhưng chỉ ít ngày, nó lại trổ ra như thường.

Gã mèo mướp ăn ở thì giờ như một người đúng mực. Ban ngày hắn thức cũng không làm gì, hắn chỉ nằm gù gù. Để đến đêm, trong cái bóng tối mung lung, hắn mới ra tay hoạt động. Hắn đi rà rà thâu canh như người trương tuần.

Gã mèo có cái vẻ đạo mạo như một ông đứng tuổi, đương bắt đầu để râu. Hắn hiền hiền mà lại ang ác. Nghĩa là trông hắn thì không tài nào đoán được trong óc hắn nghĩ ngợi gì. Mà chừng hắn chẳng tư tưởng chi ráo! Hắn chỉ là một người rong chơi lông bông. Chẳng có những bác trông mặt thì ra dáng đăm chiêu tư lự mà thực ra trong đầu không chứa đựng một ý nhỏ nào.

°
°     °

Gã ngồi đấy, ở trên mặt giại bể. Hai chân trước đứng thẳng, đôi chân sau gấp lại, y như lối ngồi xổm. Đôi mắt nhìn xa xôi... Thỉnh thoảng, theo thói quen, hắn đưa cẳng chân phải lên gãi mép, cũng như người ta sờ tay lên vuốt râu cho nó oai vậy.

Trời đã chiều rồi. Một chiều thu êm ả. Vài gợn nắng vàng nhạt đọng trên những tàu cau rách rưới màu xanh om. Bên nhà ngang, tiếng guồng tơ quay đều đều. Trên đường cái, lũ trẻ con đi học về, vừa chạy thi nhau vừa la, nghe vang động xa vời vợi. Ngoài giếng khơi, người ta kéo nước rào rào. Cái gáo mo lạt sạt đụng vào thành giếng đá.

Trong bếp lặng tờ, bây giờ là sau bữa cơm chiều, người ta không dùng bếp nữa. Gã mèo mướp ngồi ngắm trời, ngắm đất mãi thì cũng chán. Gã bèn đứng lên, uốn cong cái lưng và nhuôi bốn chân ra để vươn vai, rồi đi về căn nhà hiu quạnh. Hắn bước từ tốn và uyển chuyển như một con hổ nhỏ. Khi qua gốc cau, chẳng biết ý định sao, hắn leo tót ngay lên, quào quào mấy móng sắc vào cái vỏ cây cau điệp trắng, rồi lại tụt xuống, lại đi lểu đểu, đạo mạo như trước. Hắn thường có những cử chỉ rất đột nhiên. Hắn làm bất ngờ như trong lòng đang khoái một điều gì mà hắn vừa nghĩ đến. Luôn luôn gã mèo mang một nét mặt tư lự.

Y vào ngồi thì lì bên bếp tro. Y nghiêng đầu lên. Hai cái tai mỏng vểnh ra để nghe ngóng. Hình như có tiếng lịch kịch ở sau đống củi. Nhưng khi bước lại thì không thấy động gì nữa. Gã quay đầu ra, ngước mắt nhìn lên đám mạng nhện có mắc bồ hóng đen xám, bị gió đưa lúc lắc trên trần bếp.

Có tiếng động thực. Lần này gã mèo dúm bốn chân lại, bước từng bước rất nhẹ vào phía đống củi. Đống củi đó người ta để phiền quá, vừa chướng bếp, vừa làm cái rừng bùm tum, chỉ tiện cho quân gian núp náu.

Giống mèo là một giống đứng ở chỗ nào, không thể chịu có được một tiếng động nhỏ. Đã có khi mèo mướp nằm ngủ suốt đêm ở trên một đống củi. Đấy là chỗ ra vào của lũ chuột ngày, cái lũ chuột con tinh ranh, hễ tha được một hột cơm nhỏ cũng chạy tọt ngay vào đó để nhấm nháp.

Mèo và chuột là đôi loài có thù không đội trời chung với nhau. Mèo ghét chuột quá, ghét kịch liệt. Ý giả mèo ta tin rằng giống mình giỏi nhất thiên hạ, những tên chuột, tất cả lò nhà chuột, chỉ đáng đem thân làm nô lệ cho loài mèo thần thánh. Thế mà cái giống thấp hèn ấy không biết điều lại cứ hay tắt mắt, táy máy, bặng nhặng làm nghịch mắt và rác tai bề trên.

Hai cái tai anh mèo mướp hơi động đậy. Ấy là khi anh đương hết sức lắng nghe. Tai mèo mỏng tanh, gần soi bóng qua được, dỏng lên như chiếc tai lừa tí hon. Cái vòng tai rộng mở và loe ra. Chả trách gã nghe rõ lắm.

Gã khum hai chân trước xuống nhìn vào gầm đống củi. Rõ ràng gã trông thấy một chiếc đuôi nhỏ và dài thò lò dưới một mẩu gỗ. Đúng cái đuôi chuột. Gã nép về một bên, thon người lại.

Lúc này trông gã mèo quái ác dị thường, thoát hẳn cái dáng lừ đừ, hiền hậu hàng ngày. Y quời quời cái chân. Sau y biết làm thế hấp tấp quá. Phải chờ cho cái đuôi chuột lui ra nữa mới được.

Lại có tiếng rúc rích ở trong. À có hai thằng chuột rửng mỡ đang đùa nhau. Chúng nó hẳn đến ngày tận số. Ai đời chuột lại dám đánh đu ở miệng mèo!

Tuy cáu nhưng mèo cũng đủ kiên nhẫn để chờ cơ hội tốt đến. Trong kia, hai con chuột vô tình, vẫn đùa cợt vui vẻ. Nhiều lúc, có nhách lại chạy ra tận ngoài. Thò cái mõm nhọn ngửi xung quanh. Lộn tiết, gã mèo đã toan chộp. Nhưng chuột lại chạy ngay vào mất. Con mèo lại im lặng, chịu khó ngồi rình.

Bóng tối trùm xuống mau lẹ. Vừa mới nhọ mặt người, bây giờ đã đêm hẳn. Đêm nay là đêm rằm. Mặt trăng đã nhô tròn ở đằng đầu đường. Một mảnh sáng nhờn nhợt in trước sân bếp.

Trên nhà, người ta quẹt diêm để châm sáng đèn cho trẻ con học. Tiếng những đứa trẻ ra ao rửa chân, vừa đi vừa khua guốc lóc cóc. Hai chú chuột ở trong gậm củi dáng hẳn thấy trời tối rồi thì muốn ra ngoài chơi lắm. Cái thằng mèo mướp ốm bệnh hen cò cử quanh năm mà không chết ấy, bữa nay chắc đi chơi đâu vắng, nếu có nhà tất đã thấy nó rên gừ gừ ở trên ông đầu rau. Chúng mình ra ngoài kia đùa một tí hoặc kiếm chác một cái gì ăn thì hay quá.

Hai cái đầu ló ra. Rồi hai gã chuột bước ra hẳn đống củi đi lần về phía bếp. Chúng vui vẻ cãi nhau choe chóe.

Hai cái bóng bé nhỏ quá, chụm lại với nhau chưa bằng một ngón chân người lớn ta. Đấy là hai con chuột nhắt. Chuột nhắt bé hơn chuột chù. Nhưng nó nhanh và hoạt bát hơn nhiều. Anh chuột chù có cái mõm dài nghêu - cứ vác cái mõm đã đủ mệt - đi đến đâu cũng rụt rụt, rè rè. Hễ hơi có cái gì đáng sợ là vội hốt hoảng chạy cuống lên, vãi cả đái và kêu rối rít. Đã thế còn chậm và còn không biết leo tường, leo cột, chỉ luẩn quẩn sát mặt đất. Thật là một thứ chuột cùng dân, thấp kém nhất trong xã hội chuột. Vậy mà thiên hạ lại ưa thứ chuột đó. Không phải là ưa cái thân hôi hám của nó - chẳng đã có câu mỉa “Hôi như chuột chù” - nhưng người ta chỉ ưa có tiếng kêu “ chuúc... chuúuc ...” Các cụ ta nói: “Ấy chuột chù bảo: túc, túc, ắt nhà ấy sắp hẳn có việc đại phát tài”.

Và đây chỉ là hai con chuột nhắt. Thân chúng nhỏ nhắn, mõm chúng xinh xinh vừa phải. Về sự nhanh nhẹn, phải biết rằng nhờ ở cái thân hình bé bỏng, chúng leo vun vút, chúng chạy thoăn thoắt như có phép biến hóa.

Thoạt thấy bóng đôi chuột lúi húi ra khỏi đống củi gã mèo mướp mừng khấp khởi. Nhưng rồi chàng chán đớ ra ngay. Nó tưởng chuột chiếc to tát thế nào, chứ nếu biết chỉ là hai chuột nhắt nhép ranh ấy thì nó đã bước từ nãy, không phải tốn công, tốn hơi sức mà rình nấp vô ích. Mèo ta cũng khá đại lượng. Song thực cũng tại cái tính lười nhác cố hữu chả muốn cất đại công trình mà chỉ được có một tí ti kết quả đó thôi.

Nhưng đã thế này thì cứ bắt chơi. Hầy! Đùa một mảy vậy. Nghĩ vậy, mèo ta co lưng lại để lấy thế rồi vươn hai chân ra chộp cả hai cái bóng đen cọ quậy ở trước mặt. Có tiếng kêu “ Chí... i...” Một con chạy thoát được, còn một bị nắm lại. Mèo gầm gừ để thị uy và dọa dẫm. Chú chuột khốn nạn bị túm lại, nằm ngất trong hai bàn tay sắt đầy vuốt cong và sắc của ông mèo, y như cái cảnh rúm ró của chị cua nhà quê mà bị cụ ếch đại vương lấy một bàn tay mà vỗ vào vai.

°
°     °

Chú chuột nhắt bị mèo tha ra đến cửa bếp và được thả xuống đấy. Mèo không hề nghĩ đến sự nhắm chú chuột nọ. Dễ thường chàng ta ví mình như một người anh hùng cái thế, có thèm sát hại lũ trẻ oắt bao giờ đâu! Sinh phúc cho chúng sống, còn hơn là túm lấy chúng mà nhai. Chưa bõ dính răng. Nhưng vốn mèo vẫn ác tính. Gã không ăn mà gã cũng không thả chuột ra. Cái mùi hôi ở lông chuột khiến cho gã mèo nhớ rằng thịt chuột ngon và loài chuột là cái loài đáng ghét lắm.

Mèo nhả chú chuột xuống đất, rồi ngồi ngây ra mà nhìn. Con vật khổ sở nằm co ro. Mèo ta đắc chí, lấy một chân vờn vờn vào mặt chuột. Bất tỉnh nhân sự từ nãy giờ mới lại hoàn hồn, chuột khe khẽ thoi thóp thở. Mèo yên lặng, dáng ngẫm nghĩ. Gã không để ý đến chú chuột đương giương đôi mắt lồi như hai hột chàng ràng ra nhìn gã. Chỉ ti hí mắt lươn mà ranh thượng hạng.

Bỗng, thoáng một cái, chú chuột chạy vụt vào phía trong. Nhưng chàng mèo vẫn nhanh hơn. Chàng vươn tay ra. Lại chộp liền ngay lấy gáy chú nhỏ. Ôi chao! Chàng ta mới chộp cho chú nhỏ một cái nhá! Chú nhỏ kêu “ Chii... chii...” rầm cả lên.

Có lẽ nhân cuộc chạy trốn ấy, gã mèo bầy ra một trò chơi tiêu khiển cho qua thì giờ. Gã đem chuột ra chỗ ánh sáng trăng. Gã vờ để yên chú ta đấy. Rồi mèo yên lặng. Chú chuột sợ hãi không nhúc nhích. Nhưng chính ra chuột vẫn rình mèo và mèo cũng rình lại chuột. Để hễ khác ý là chuột lại chuồn biến. Còn mèo, mèo cũng chỉ chờ chuột chạy là vồ ngay lấy. Gã mèo giương oai thả lỏng và chắc chẳng khi nào chú chuột chạy thoát nổi đôi bàn chân nanh móng của gã.

Mà cũng thế thật. Chú chuột tưởng bác mèo hấc lờ, cứ sểnh một chút lại chạy. Có đến mươi lần. Nhưng cũng không lần nào khỏi bị tóm lại. Mỗi bận chuột động chân mèo ta chỉ nhoi lên một tí, đã túm được dễ dàng. Mãi rồi con chuột hóa mệt lử. Nó chạy chậm dần và cuộc chơi cũng dần mất thú vị.

Khi đó, ở trong đống củi, bỗng lại có tiếng rúc rích. Lại có tiếng lao xao của lũ chuột nào khác. Chả biết là chúng đùa nhau hay là chúng định chơi cái lối chó cậy gần nhà, đứng trong ấy mà chửi đổng ra. Toan nhảy vào vồ cho chúng chết một mẻ, nhưng mèo vướng con chuột tù binh ở dưới chân. Đã thế, phải mắng cho chúng một trận mới được. Mèo liền gầm gừ, gầm gừ làm như sắp lăn ngay vào chiến tranh với quân thù cỏ rác kia. Lũ chuột nhép câm ngay. Song chúng cũng không câm hẳn. Hễ mèo mà ngắt tiếng là chúng nó lại “ chiii chiii” rầm rầm. Làm điệu như xỉ vả bác mèo.

Bực mình, mèo ta nhảy một bước. Chú chuột nhắt đang nằm yên như chết vụt vùng chạy. Mèo hoảng hốt thò dài chân ra, nắm lấy nó. Nhưng chỉ nắm hụt được cái bóng lưng của chú chuột in thoáng trên nền đất dài đầy ánh trăng. Hai mắt mèo long lanh, sáng quắc! Cũng không thể đủ sáng để chọc thủng bóng tối dày ra, mà tìm thấy chú chuột nhắt tí hon.

Gã mèo sục vào đống củi. Giá gã đâm đến vỡ đầu ra cũng chẳng tóm được một nỡm chuột. Mà những tiếng chii... chii quái ác, rất khó chịu vẫn văng vẳng đâu hai bên lỗ tai.

°
°     °

Chàng mèo mướp - mà chàng mèo nào cũng thế - không cố ý ăn thịt chuột nhắt bao giờ. Mèo chỉ bắt những con chuột tiểu yêu đó để đùa nghịch và để hả cơn cáu kỉnh, vì loài chuột nhép cứ bặng nhặng, rúc rích trong xó bếp, là chỗ nghỉ ngơi của mèo. Chính những con chuột nhớn lại đứng đắn, không ầm ĩ đến thế. Chỉ bực mình mà mèo bắt chuột nhắt. Nhưng chú chuột nhỏ khôn ngoan vẫn hay chạy trốn được. Đời đời, cái giống chuột nhắt tai quái cứ làm nhức tai loài mèo.

Suốt đêm hôm đó, gã mèo mướp kia chỉ đi quanh đi quẩn để tìm chuột, nhưng - vẫn khờ dại như thường - hắn chỉ tìm để đùa chơi một chút. Rồi nó có rông mất, hắn lại khó chịu, bực dọc, hậm hực mà đi lùng bắt những con khác. Cái loài chuột nhãi cứ làm ta rối đầu và ngứa mắt quá.

Cơ chừng gã mèo mướp phải dành tất cả cái hoa niên của mình để mà chỉ luẩn quẩn đi o chuột.

Truyện gã chuột bạch

Lắng nghe có tiếng rộn nho nhỏ.

Lóc cóc... Lóc cóc...

Như tiếng một cái guồng tơ quay khe khẽ, nhưng không đã đúng hẳn. Âm thanh nó bé quá, chỉ vời vợi như tiếng tích tắc của một quả lắc đồng hồ trong đêm khuya.

Chẳng phải guồng tơ động đậy. Vậy thì tiếng chi đằm đằm và ồn ã cả một góc nhà, phía bên cửa sổ, dưới một giàn thiên lý? Ánh sáng, qua những kẽ lá thiên lý xanh rờn, ùa vào, đọng thành vũng, như một thứ ánh sáng hư huyền, lơ mơ, chỉ hửng gợn lên mà không có thực. Tiếng gì vui vui trong ấy?

À, ra một gã chuột bạch đang quay tơ. Không phải người. Chuột quay tơ? Phải. Gã quay cái kiểu riêng của gã.

Gã chỉ bé bằng quả nhót và cũng mũm mĩm như thế. Gã ở trong một cái lồng nhỏ, hình vuông, đan bằng tre. Giữa lồng, người ta treo hai cái vòng tròn bằng thép nhỏ, sát sát từng cánh, như hai cái đu tiên tí hon. Chuột ta chui vào đấy. Bốn chân dạo thoăn thoắt trên những sợi thép. Thế là chiếc vòng quay tít theo từng bước đẩy. Con chuột loay hoay chạy tròn mãi mãi trong cái vòng tròn mà không bao giờ hết được đường. Cái đu tiên xoay xung quanh một chiếc chốt. Chính ở chiếc chốt đó nảy ra những tiếng lóc cóc đều đều như tiếng guồng tơ quay.

Gã chuột bạch đánh vòng luôn luôn. Chán chân thì gã lại chui ra, vẩn vơ, tìm những hạt gạo tẻ mà người ta rắc vào một cái đĩa để ở đáy lồng, cho chuột ăn. Gã rung hai hàng râu tơ, gật gù cái đầu, nhấm gạo. Đôi mắt gã đỏ sậm, như hai hạt gạo đỏ đính lên trên một nền bông nõn trắng. Bốn cẳng chân loắt choắt, ngắn cũn và trơ ra, đỏ hỏn. Bởi nỗi đánh vòng nhiều quá, bắp chân đã kệp cứng thành chai. Ăn xong, gã nhìn quanh quẩn, ngước cái mũi bé xíu, đỏ hoe lên ngửi bên phải, ngửi bên trái. Rồi gã lại làm cái công việc đánh vòng liền liền.

Nếu không thế, gã đi ngủ. Gã đứng vào một góc lồng, dựng hai chân trước lên, đầu chụm vào chân. Hai mắt nhắm lại. Ấy vậy là gã ngủ. Ngủ đứng như một hộp diêm. Cứ cái kiểu đó, suốt đời.

°
°     °

Gã chuột bạch ăn, gã chuột bạch đánh vòng và gã chuột bạch ngủ đứng. Đó là tóm tắt tất cả những công việc một cuộc sống của chuột ở trong lồng.

Nhưng không phải là ở một mình. Bên cạnh cái vòng sắt đu tiên của gã, còn có một vòng sắt đu tiên khác, như hệt cái này, và ở góc lồng kia, cũng có một con chuột bạch khác đương ngủ đứng lên. Vợ gã đấy, cậu và mợ chuột. Cũng rất có thể gọi được như thế, chứ sao!

Dường như cậu mợ ấy khá yêu nhau. Họ yêu nhau thần tình và tài ghê. Hai người cùng bé bỏng, cứ luẩn quẩn chạy ngang chạy dọc xung quanh. Cậu gầy hơn mợ. Bộ lông xù lên và phờ phạc, mà cậu lại có tính mơ mộng. Thỉnh thoảng, gã thường đứng ngẩn ngơ nhìn lên trên nóc lồng. Qua những chiếc lá thiên lý mỏng mảnh, ngoài kia là trời xanh bao la. Tưởng như chiếc hình hài nhỏ bé chỉ điểm một chút sống cỏn con này đương giương cặp mắt đỏ, ngùi trông ra cái khoảng không bờ bến để mơ một giấc mơ sông núi chi đó. Chao ôi! Ai mà biết được lòng gã!

Cả hai vợ chồng cùng ưa đêm tối. Bởi ban ngày họ thường ngủ. Bốn cái chân trước sát vào nhau, bốn con mắt cùng khép. Chiều đến, đem bóng đêm về dần dà trong cửa sổ. Ở chênh chếch ngoài khung cửa, vì sao Hôm từ từ lên cao, lấp lánh như một giọt ánh sáng lớn. Bấy giờ vợ chồng chuột mới bừng mắt. Họ ngơ ngác nhìn hoàng hôn. Gã chuột đực mò mẫm tìm cái đĩa đựng gạo. Chị vợ cũng nhẹ nhàng đi theo. Họ gậm, nhấm mấy hạt. Những tiếng răng nghiến trên hạt gạo, nghe ken két, sàn sạt như tiếng một con mọt nhỏ cựa mình trong gỗ.

Rồi gã chuột mon men ra leo lên cây đu, chui đầu vào, đánh một vòng chơi. Chị ả cũng bắt chước, chạy về cây đu của mình. Hai cái vòng quay tít, rộn lên những tiếng đằm đằm.

Những tiếng đằm đằm trong đêm khuya! Những âm thanh chỉ be bé, mơ hồ như hư không. Lúc chậm, nghe rỉ rách như tiếng nước giọt gianh. Lúc mau thì bồn chồn như tiếng vẩy tơ quay, lọc cọc như tiếng bánh xe sắt chạy trên đường cái đá trắng dài hun hút. Vào trong màn mà chợt thức giấc nghe tiếng guồng đu của chuột chạy thì sợ lắm. Chúng giương mắt thao láo mà cũng không thể nhìn thấy gì. Chỉ nghe tiếng lóc cóc... lóc cóc... như tiếng của ông Ba Bị hoặc của một con ma nào chưa biết tên, rất thường hay ghét giống trẻ con. Chúng hãi hùng, rúm ró, ôm chặt lấy nhau. Đôi mắt khép kín lại. Thế là giấc ngủ cũ của mỗi trẻ lại tới để tiếp theo cho đến lúc mặt trời lên, chiếu ánh sáng qua khe liếp, vào tận trong đình màn.

Còn vợ chồng chuột chán đánh vòng thì lần ra ăn gạo. Ăn xong, lẩn thẩn thế nào, lại giở trò đánh vòng. Cứ như thế, luẩn quẩn cả đêm. Cũng có đến khi trời tang tảng sáng, có tiếng chim chích chòe hót véo von dưới bờ ao, hai vợ chồng lại chúi vào một góc buồng, dựng đứng lên mà ngủ.

Cuộc đời chung ấy không có ai làm nhộn. Ý như họ mến những ngày tháng đó lắm. Đã một lần, có một đứa trẻ tinh nghịch mở cửa lồng xem chuột rồi quên không đóng lại. Đôi vợ chồng nối đuôi nhau, tha thẩn bò ra ngoài. Hai cái bóng đi lồm cồm, hếch chiếc mũi nhọn hoắt lên, ngơ ngác nhìn quanh quẩn. Như là họ hít phải cái không khí lạ. Như là họ chẳng quen bò giữa nơi khoáng đãng. Và họ lại nối đuôi nhau, tha thẩn, từ từ bò vào lồng, cũng như lúc bò ra.

Từ đấy, dù mở cửa, cậu mợ cũng không muốn đi ra. Họ yếu đuối. Ở ngoài, làm chi có gạo để ăn.

°
°     °

Trời đã trở về mùa lạnh. Những cụm lá bánh khúc thấp lè tè, nở hoa vàng khắp cánh đồng làng Nghĩa Đô.

Đã không có nắng lớn. Những đứa trẻ nghèo cũng hồng đôi má còm cõi. Môi chúng khô cong lên, ăn cơm có nước mắm thấy xon xót. Chúng gãi vào da, da nổi lên những làn bụi trắng. Buổi chiều, cậu nào rửa chân cũng ngài ngại, không yêu nước. Và đêm đã phải ngủ chung với chăn bông cùng ổ rạ rồi.

Đôi vợ chồng chuột cũng lạnh. Phong cảnh trong cái cửa sổ lại buồn nữa. Giàn thiên lý đã rụng hết lá xanh. Chỉ còn trơ lại những dây già đen đủi, còng queo trên ngách cửa. Từng nắm lá khô, rúm vào nhau, nằm co ro trong giàn. Để mỗi buổi chiều đỏ hoe, hễ chớm hơi một gợn may nhỏ, cũng tới tấp rơi lạt sạt xuống mặt đất. Đêm đêm, vẫn có tiếng đánh vòng của chuột. Những tiếng khô và giòn, cũng như trời hanh và khô. Nhưng ít bữa nay, gã chuột bạch không được vui. Ta cứ thí dụ như việc đánh vòng đu là một sự vui làm mực thước, thì thấy gã thưa trèo vào vòng đu. Chỉ hay thấy chị vợ đạp vòng. Anh chồng đứng bần thần, mõm vêu ra. Người gã chừng như gầy và bé hơn dạo mùa hạ. Gã đi đứng ra lối lử khử, và chỉ ngủ là ngủ nhiều. Đêm ngủ quên cả đánh đu. Mùa rét vào rồi. Tại sao gã chuột lại buồn? Ý như buồn vì thời tiết sang đông? Ý như buồn vì heo may hiu hắt? Không, gã chẳng có thể là một nhà thơ ưa những điều sầu muộn.

Mà chính chỉ vì những ngày lạnh lẽo tới, gã phải thương yêu vợ gã nhiều quá nên lờ phờ cả người ra. Biết rằng nên buồn hay nên vui!

Thì gã buồn như kẻ ốm. Nhiều lần cũng hứng chí đánh đu, nhưng gã lại lười lĩnh chui vào vòng đu của vợ để cho vợ đẩy vòng, mà gã cũng được hí hửng đẩy theo, hai con chuột lồng chung vào một cái vòng. Tiếng lạch cạch đi chậm, nặng và rền ra.

Vợ hắn vẫn như thường và như thường. Đôi mắt nàng đỏ và sáng. Bộ lông của nàng trắng nuột, óng ả. Dạo này trở rét, lũ trẻ bỏ vào lồng cho vợ chồng chuột một rúm tơ rối để làm chăn. Lúc nào đánh vòng đã chán chân, chị ả ra rúc vào những sợi tơ vàng nõn, dựng đứng hai chân lên ngủ với chồng.

Chiều ấy, chuột vợ thức dậy, bò ra ăn gạo. Gã chồng vẫn say sưa ngủ trong một giấc ngủ mệt mỏi. Nàng đứng bên vành đĩa, hướng nhìn ra ngoài lồng. Nàng chưa nhìn ra ngoài như thế bao giờ. Nàng vốn không hay có tính vẩn vơ như chồng. Mặt trời đã gác núi, nhưng ráng vàng còn lên đỏ xuộm cả lũy tre. Thật chẳng phải vì bóng hoàng hôn u uất mùa đông mà nàng nhìn ra. Mà vì một cớ mọn khác. Chỉ tại nàng nghe thấy tiếng sột soạt ở bên khung lồng. Thì ra, có một con bọ ngựa nhỏ ở đâu lạc lõng tới đậu vào thành lồng. Hình như gió đánh con bọ ngựa này rơi từ trên cây xoan xuống và bám được vào đây.

Bọ ngựa mới ra ràng được ít lâu. Cánh chưa mọc dài đủ và màu người chưa được xanh thẫm. Đôi gươm hãy còn mềm, chưa có vuốt đen cứng và nhọn. Cái đầu bẹt của nó lồi ngang hai mắt sang hai bên, đu đưa nhanh nhẹn trên hai khắc cổ dài nghêu. Nó đứng nhún bốn chân, nghếch nhìn, như để ngắm xem nơi này là nơi nao.

Nàng chuột bỗng trông thấy một con vật nho nhỏ xinh. Cái màu xanh mơn mởn của mình bọ ngựa nom đến là ngon. Không ngần ngại, chị tiến đến mép lồng, thò mõm ra, ngoặp luôn chú bọ ngựa. Chú bọ ngựa xấu số chưa kịp giơ hai càng lên thủ thế thì cái cổ đã bị gãy gục. Và trong khoảnh khắc cả người nó đã trôi vào họng chuột.

Một mạng lớn giết đi một mạng nhỏ, êm nhẹ như hơi chiều lặng lờ sang.

Đêm ấy, không có tiếng rộn lóc cóc của cây đu. Cả hai cây đu cùng im ắng. Thiếu những tiếng động quen thuộc, canh khuya mới tẻ làm sao!
Sáng hôm sau, người ta ngó thấy nàng chuột cái béo tốt, nằm chết cong queo ở bên cụm rác tơ. Bốn chân nàng rụt rúm lại. Cái lưng nhỏ cong khum lên, và mõm nhọn của nàng thì há hoác. Nhòm vào trong còn cái đuôi bọ ngựa xanh xanh thò lò ra. Ôi! Cổ họng của nàng chuột bé quá, không đủ lối nuốt thoát được anh bọ ngưa. Nó tắc tị lại. Thế là nàng chết. Nàng chết nhẹ nhàng như một người chán ghét cõi đời này. Bước lên một chiếc ghế, cho đầu vào một chiếc thòng lọng bằng thừng đay rồi nhún chân đạp đổ ghế, cứ vậy mà đu đưa lủng lơ cho đến lúc tắc thở, thè lưỡi dài ra. Để sang tìm ở bên kia một cõi đời vui vẻ nào đó.
Nàng chết từ bao giờ, không ai hay. Gã chồng nàng cũng không hay biết gì cả. Bởi vì gã còn đương mải ngủ. Dạo này gã yếu thì gã càng ngủ say tợn. Chim chích chòe hót sáng dưới bờ ao, gã cũng không nghe tiếng. Cho tới khi ông mặt trời đỏ gay nhô lên, xua ánh sáng vào nhà, đánh thức lũ trẻ dậy thì gã cũng mới bừng mắt. Ở trong đống rác tơ vàng, gã ể oải thò đầu ra. Gã liền nhìn thấy vợ gã nằm chết ngay dưới chân. Gã nhìn, bằng đôi mắt đỏ thường ngày, lạnh lùng và tự nhiên.
Rồi gã chui ra khỏi mớ rác. Gã bần thần mò đến bên đĩa gạo. Gã nhấm một hạt. Gã chạy quanh lồng vài vòng, cuối cùng, gã lại mò đến, chúi đầu vào mớ rác tơ, dựng đứng hai chân lên, lim dim hai mắt, làm một giấc ngủ khác.
Như là chẳng có sự gì lạ thay đổi ở quanh mình. Tối đến, người ta lại nghe tiếng gã đánh vòng đu lóc cóc.
Từ đó gã ở trên đời một mình. Ở trên đời để ăn gạo, để đánh vòng và để ngủ dựng đứng hai chân lên. Gã đã khỏi ốm. Không có đàn bà thì chừng như gã khỏe khoắn hơn. Lông gã mượt bóng và trắng nuỗn. Một mình đánh cả hai vòng - lúc chạy bên này, lúc chạy bên kia - nghe rộn ràng, cũng vui. Một buổi chiều, trước khi xuống ăn gạo, gã vẫn có thói quen nhìn và nghe ngóng ngoài lồng. Như là xem và đợi hoàng hôn bâng khuâng lắng đến.
Chính gã cũng không biết mình đã góa vợ. Tôi thì tôi chỉ rõ được rằng bây giờ gã đã khỏe, đã mạnh và hoạt động hơn khi gã có đàn bà ở chung. Gã thậm thọt chạy đi chạy lại, nhanh thoăn thoắt.
Thằng này là một thằng bạc tình chăng?
Cũng chẳng có lẽ.
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Về Nhà văn Khái Hưng

Về Nhà văn Khái Hưng Khái Hưng tên thật là Trần Giư, nhưng ông thêm chữ Khánh thành Trần Khánh Giư để giống vị tướng Trần Khánh Dư đời Trầ...