Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Mực tàu, giấy bản

Mực tàu, giấy bản

Vào truyện
Học trò thò lò mũi xanh,
Cầm miếng bánh đúc chạy quanh nhà thầy
(Câu hát trẻ con)
Cả nhà tôi, ai cũng bảo tôi là một đứa trẻ nhút nhát, nhút nhát như con cáy. Động người nào nói đùa một chút cũng đỏ mặt. Hễ đi đến chỗ lạ tôi chỉ đứng thì lì, một ngón tay trỏ đút vào mồm. Thầy tôi nói: "Con trai con đưá mà nhát như mày sẽ chẳng làm nên được đỉnh đùng gì đâu. Phải mạnh dạn mới được." Thuở đó, tôi không lấy những lời ấy là một điều suy nghĩ. Nhưng sau này tôi nghiệm ra cũng đúng. Nhút nhát thành khờ dại; mà khờ dại thì hay sợ hãi, hốt hoảng, không làm được việc gì đến nơi đến chốn.
Thuở đó, thấy nhiều người bảo mình nhát, song chính tôi, tôi vẫn cho là tôi bạo lắm. Tuy tôi chẳng bắt nạt ai, tôi chẳng chơi với một trẻ nào trong xóm, nhưng tôi cũng có thể bắt nạt được lũ ngan, lũ vịt, mấy con chó tí nhau cuả nhà tôi. Tôi đá chúng, chúng chỉ biết kêu rồi lảng chạy. Tôi sung sướng, phồng hai lỗ mũi. Và tôi lại dọa được cả em bé tôi. Hễ khi nào tôi ngoặc hai ngón tay vào vành mép, trợn mắt, mồm nói: "ngoaáp oọp... ngoaáp oọp" là em bé tôi sợ nhợt mặt, ôm bám lấy u tôi.
Tôi lại có tài nữa. Tôi có tài hát, suốt ngày nghêu ngao. Tôi học được một bài hát của anh Nhọ, trước làm tá điền cho nhà tôi, bài hát hay lắm. Tôi thường ra sân sau, đứng giữa đám gà vịt vừa giơ chân, giơ tay vừa hát rằng:
- Bồ cu bồ các; (tôi đá cậu gà ranh mãnh một cái) tha rác lên cây; (tôi đá cô vịt lạch đạch một cái) gió đánh lung lay; (tôi đá anh ngan ngẩn ngơ một cái, và cứ mỗi câu hát thì tôi thưởng cho mỗi anh, mỗi chị một cái đá cho đến hết bài) là ông Cao Tổ. Những người mặt rỗ; là chú Tiêu Hà. Tính toán chẳng ra; là thím Lý Bí. Những người vô ý; là chị Hoắc Quang. Ăn no chạy quàng; là người Tào Tháo. Không quần không áo; là chú Trần Bình. Cái bụng tầy đình; là ông Lưu Bị, . . .
Bọn loài vật ngơ ngác, nhìn mắt bên phải, nhìn mắt bên trái, ra lối như thầm phục tôi lắm. Tôi thấy tôi là giỏi và càng làm bộ tợn. Ngày tháng tôi chỉ lẩn quẩn rong chơi với lũ bạn ngợm như thế.
Một hôm đương cao hứng giở các thứ giọng ra hát cho các bạn gà, bạn chó nghe ở đàng sân sau, thì thầy tôi gọi tôi vào trong nhà. Thầy tôi bảo:
- Mày hư lắm. Cả ngày chỉ hát với hỏng. Từ giờ phải ăn mặc cho tề chỉnh, cử chỉ cho đứng đắn, để sáng ngày kia, tao cho sang thầy đồ Biền, bên xóm Giếng, mà ăn mày lấy đôi ba chữ thánh hiền.
Đứng đắn? tề chỉnh? Tôi biết đứng đắn, tề chỉnh như thế nào? Xóm Giếng? thầy đồ Biền? Toàn những nơi lạ, những người lạ. Chữ thánh hiền ? Thế nghiã là tôi sắp phải đi học đây, đi học như bọn thằng Sinh, thằng Má ở trong xóm. Tay cầm quyển sách bià đen, đầu thì cạo trắng hếu và thường có những vết son đỏ hay vết mực đen cứ nắm đuôi áo nhau, giả cách làm ô-tô, chạy toe toe ngoài đường. Cũng vui lắm !
Nhưng tôi chưa biết công việc học hành. Học hành gì ? Học hành ra làm sao ? Thấy thầy tôi đóng sách, sắm sưả bút nghiên, tôi thêm nghĩ ngợi bâng khuâng, và tôi cũng lo lắm. Chao ôi ! cái gì mà lại đi học với đi hành !

I. LỄ NHẬP MÔN
Đầu tôi bị đánh đai bằng một vành khăn nhiễu hoa. Tôi mặc một tấm áo the ba chỉ mà đôi vạt thì chùng lê thê đến lưng ống chân; hai ống, nếu tôi buông thẳng xuống, chúng sẽ phủ kín mít cả năm đầu ngón tay, thành ra lúc nào tôi cũng phải đứng khuỳnh hai cánh tay, cho chúng khỏi tụt. Tất nhiên là tôi được mặc quần hộp, được xỏ chân vào đôi giầy mới.
Buổi sáng hôm ấy, tôi ăn mặc tươm tất như thế, để đi theo sau thầy tôi, thầy tôi cũng khăn đóng, áo chùng tề chỉnh - hai bố con đi sang xóm Giếng. Tay thầy tôi xách một cái khăn gói đỏ - y như ông thầy tự đi cúng - trong đựng một cái tỏi gà lớn, một điã xôi, một chai rượu, mấy lá trầu, mấy quả cau và hương và nến ! Chân tôi bước lập cập, càng đi gần tới xóm Giếng thì lòng tôi càng bâng khuâng.
Vưà bước chân vào đến ngõ nhà thầy đồ Biền, tôi đã nghe tiếng quát tháo ầm ĩ và tiếng học à à. Thầy đồ ngồi ở phản giưã. Học trò, anh thì ngồi, anh thì đứng - có những anh nằm bò ra - hỗn loạn, rối rít, líu tíu ở những phản bên, những bậc cửa và cả ở dưới đất.
Thấy thầy tôi và tôi vào, học trò đều yên lặng. Thầy đồ chỉ tay xuống bếp, lập tức, có một anh chạy thoắt ngay xuống bếp bưng cái nồi đất ra sân, lấy gáo đổ nước rồi lại huỳnh huỵch bưng vào bếp đun. Trong đám học trò, chắc có đứa biết tên tôi. Bởi vì tôi nghe có những tiếng lào xạ, lại có cả những anh nghịch ngợm lui ra phía ngoài bực cưả - chỗ khuất mà thầy đồ không trông thấy - đứng phồng má trợn mắt, muá may quay cuồng, làm trò muá rối để ở trong nhà các bạn cười, nhưng cũng ít ai cười. Riêng tôi mặt đỏ như gấc, hai mắt nhìn thẳng xuống mười ngón chân, thỉnh thoảng mới dám ngẩng lên ngó trộm thầy đồ và thầy tôi một tí.
Thầy đồ oai lắm. Một chòm râu trắng lốm đốm đen phất phơ dưới cằm, nom tựa như bộ râu con sư tử tết răm tháng tám. Thầy đeo kính trắng, hai cái mắt kính óng a óng ánh như hai cái gương. Thầy rất gầy; có lẽ đứng lên thì người cao ngỏng. Nhưng thầy nói sang sảng, mới nghe tôi đã run. Tôi đứng sau lưng nhìn thầy, tôi ngẩn ngơ như người mất hồn. Thật ra lúc bấy giờ tôi buồn lắm, và tôi đương mãi nghĩ đến con chó con, con ngan, con vịt, tất cả những bạn loài vật thân yêu cuả tôi. Tôi nhớ chúng quá. Tôi nhớ cả cái bài mà tôi vẫn hát cho chúng nghe. "Bồ cu bồ các, tha rác lên cây . . . " Bao giờ tôi mới lại được hát ông ổng lên như thế ? Bỗng thầy đồ hỏi:
- Anh bé, tên anh là gì ?
Tôi giật mình ngơ ngác. Trông lên phản thấy thầy đồ, tay cầm bút nhúng vào nghiên, tay cầm quyển sách cuả thầy tôi lấy ở trong bọc ra. Trong khi đó, đã đốt nến sáng và khói hương bốc lên nghi ngút điã xôi với cái đùi gà và chai rượu đã đệ lên trên chiếc mâm bồng gỗ từ lúc nào. Tôi còn đương lúng túng, lúng túng chưa biết trả lời ra sao, thì may quá, thầy tôi đã đỡ:
- Bẩm, tên cháu là Cang .
- Nói cả họ, để tôi biên .
- Lại phú Cang .
Thầy đồ cúi xuống, hoa bút lên biên thoắng trên bià sách cuả tôi, rồi thầy nói:
- Anh Cang lên lễ thánh. Bắt đầu từ hôm nay, vào cửa thánh mà học hành, phải cho ra dáng người học trò mới được, nghe chưa ?
Thầy tôi bảo tôi:
- Nghe thầy dạy đấy . . . Con lên lễ thánh đi. Người gọi tôi bằng "con", tôi nghe mà cảm động, suýt khóc. Tôi trèo lên phản, vì ở nhà thầy tôi đã dặn và tôi đã tập lên gối xuống gối nhiều bận, nên tôi lễ cũng khá gọn, không vướng gấu áo; không ngã chúi về đằng trước. Đủ bốn lễ, hai vái cẩn thận.
Xong, thầy tôi bảo tôi ra lễ ông đồ Biền. Có lẽ bọn học trò đã biết trước cái lệ, nên tôi vưà quay ra thì đã thấy, ở dưới đất, trước mặt ông đồ, hai anh học trò ngã ra hai tấm phản. Tôi lại hì hục lễ, người sống nên chỉ lễ có hai lễ và một vái. Thầy thì ngồi ung dung trên phản; tôi thì lóp ngóp bò ra lễ dưới đất. Không biết tại tức, thẹn, ngượng hay làm sao mà người tôi nóng rừng rực ? Đương lễ, tôi liếc mắt thoáng thấy thầy đồ đưa tay lên vuốt râu.
Thầy tôi nói với ông đồ:
- Cháu nó hay cả thẹn lắm.
- Học chữ thánh hiền thì rồi vỡ dần ra chứ ! (ông quay ra bảo tôi) cho anh nghỉ buổi nay, về sắp sưả bút nghiên cho cẩn thận, mai tựu trường sớm, nghe chưa ?
Ra về, lại vẫn như lúc đi: thầy tôi đi trước, tôi lùi lũi theo sau. Đi đường, thầy tôi dạy tôi những điều ăn ở, cư xử chốn nhà trường.
II. BUỔI HỌC ĐẦU TIÊN
- Ngồi xuống đây.
Tôi rón rén ngồi xuống mép phản.
- Mở sách ra. Bắt đầu từ bên tay trái, sách này là sách Tam tự kinh nghe chưa ?
Tôi mở sách ra, bắt đầu từ bên tay trái và cũng biết rằng sách này là sách Tam tự kinh .
- Học đi. Đọc theo nhé, tam tự kinh là sách ba chữ.
-Tam tự kinh là sách ba chữ.
Và tôi đọc thêm mấy lượt giống nhau.
- Nhân chi sơ là người chưng xưa. Phải chỉ tay vào từng chữ một thế này.
- Nhân chi sơ là người chưng xưa ..
- Tính bản thiện là tính vốn lành. Học thuộc từng câu rồi học cả ba câu làm một. Hôm nay được học cộc giọng thế nhưng từ mai phải bắt chước các anh em mà học cao giọng trầm bổng cho có mạch lạc nghe chưa ? Nhân chi sơ . . . là người chưng xưa a...y...a...
Thầy cứ hay hỏi nghe chưa; bao giờ tôi chẳng nghe ! Nhưng tôi không biết học lên giọng cao thấp mà chỉ học ti tỉ. Tôi ngượng lắm, cứ dán mắt xuống mặt chữ, chứ không thể dám ngẩn đầu lên. Và tôi nghĩ có một điều tức cười.
Là ở nhà, nhiều khi ngoài bài hát "bồ cu bồ các" tôi vẫn hát một bài nưã, ấy là cái bài "tam tự kinh" này. Tôi thường hát rằng: "Tam tự kinh là rình cơm nguội, nhân chi sơ là sờ vú mẹ, tính bản thiện là miệng muốn ăn".
Tuy có khác bài học bây giờ đôi chút nhưng về toàn thể, đại khái cũng vậy. Tưởng là nghêu ngao đuà chơi, ai hay lại là bài học quan trọng. Bài học đó, cũng cuả anh Nhọ dạy tôi. Biết thế, năm ngoái tôi cứ cố bảo anh ấy dạy cho lấy một ít nưã, bây giờ chắc đã thành học giỏi lắm rồi cũng không biết chừng. Có người nói rằng đi học thì học: nhân chi sơ, nhân chi sơ, mà tôi cứ tưởng là chuyện đuà, không tin hẳn, mình dại thật.
Tôi ngồi cù rù, trỏ tay vào từng chữ một mà học thong thả. Thầy đồ chỉ bảo tôi có một lần, rôì còn bận tíu về bao nhiêu học trò khác, có lúc họ xúm xít túi bụi cả ở chung quanh thầy. Thầy nghe anh này đọc, anh kia kể. Thầy viết phóng, thầy giảng nghiã, việc cứ vội úi lên. Thầy quát tháo, thầy đập roi mây đèn đẹt xuống mặt phản. Có lúc cái kính trắng cuả thầy tụt xuống tận lưng chừng mũi.
Cả lũ học trò học à à như tiếng một đàn ruồi bay. Anh này cố gân cổ lên để gào to hơn anh khác. Tất cả bọn đua và ganh nhau như thế ! Đến vỡ nhà thầy đồ ra mất ! Trước tôi cũng chỉ học khe khẽ, mồm đọc vưà đủ cho tai nghe. Sau tôi thấy tai tôi chẳng nghe thấy tiếng nào cuả tôi hết, tôi đọc to nưã. Cũng chỉ lọt vào tai những tiếng ê a cuả các anh bên cạnh. Tức mình, tôi cũng gào to tướng. Nhưng cũng vẫn kém họ và chỉ được một lúc, tôi đã khô rát cả cổ. Tôi nghĩ giá các cụ trong dân mà mở cuộc thi hét thì hẳn học trò ở đây phải chiếm được giải nhất.
Tuy chỉ nhai có ba câu, tôi cũng phải học mãi mới thuộc (dù thuộc nhưng cũng chưa nhận được mặt chữ !), nên khi tất cả học trò đã lục tục về gần hết tôi mới được về. Ở đây có lệ hễ ai thuộc bài trước, kể cho thầy nghe gọn gàng, thì được cắp sách về trước, không hạn giờ giấc chi cả.
Tôi về một mình, bởi vì buổi mới, tôi chưa quen ai; vả lại do tính nhút nhát, bẽn lẽn, sợ sệt cuả tôi, tôi không dám bạo dạn làm quen trước với ai bao giờ.
Đi được một quãng, đã ra khỏi xóm. Qua một cánh đồng nhỏ thì tới xóm tôi. Ở một cái quán gạch ven đường, cạnh một cái ao lớn, có một lũ học trò đương đùa nhau, reo hò ầm ĩ. Hình như trông thấy tôi đi tới, có mấy đưá reo:
- Nó đây rồi anh em ơi !
Cả bọn ngừng cuộc chơi, lên ngồi sắp thành dãy ở bãi cỏ, trước cưả quán .
Hơi chột dạ, tôi nghĩ thầm trong bụng: "Chúng nó rủ nhau đánh mình chắc ?" Nhưng tôi vội xoá ngay đi:" Không có lẽ. Mình mới đi học, có thù hằn với anh nào bao giờ !" Nhưng sao chúng lại nhìn tôi bằng những cặp mắt gườm gườm thế kia ? Hai ống chân tôi bắt đầu run run. Bỗng từ trong đám nhảy ra một thằng. Thằng Má, nhà ở cuối xóm tôi, nó dang hai tay, chắn đường tôi và bảo:
- Cang ! Đứng lại tao hỏi.
- Dạ . . . Anh hỏi gì? . . .
Nước mắt tôi đã chạy vòng quanh mi.
- Tao hỏi tội mày .
- Dạ . . .
Mắt tôi rưng rưng.
- Cớ làm sao mỗi khi chúng tao đi qua nhà mày, mày cứ chế báng chúng tao. Mày hát nhân chi sơ cái gị Tội cuả mày đáng tội chết. Hôm nay chúng ông cho mày một trận.
Chân tay tôi run bắn. Nước mắt đã tràn xuống má. Chúng nhao nhao:
- Lột khăn nó rao ! Trói nó vào cột cầu !
- Lột quần, lột áo ! Cho nó cởi truồng.
- Anh em ơi ! Ta đánh nó một trận thích tay rồi ném nó xuống ao.
- Hát xỏ chúng ông à ? Beng cổ !
- Chém đầu ngay tắp lự.
Hồn viá tôi bạt mất. Thì ra trước kia tôi đã chơi dại mà tôi không biết. Những hôm xưa, hễ thấy bọn học trò trường ông đồ Biển đi ngang qua ngõ là tôi đứng thập thò trong cổng, hát bô bô cái bài hát nhân chi sơ. Tưởng là đuà chơi, và tưởng rằng mình đã có lũ bạn gà, bạn vịt thì chẳng bao giờ phải bước chân ra cưả ngõ, để đi đánh bạn với ai. Té ra bây giờ chúng nó hỏi tội.
Tôi phải đứng hai tay lên cho chúng khám. Tuy doạ dẫm thế, nhưng cũng không đưá nào dám lột khăn tôi. Nước mắt tràn đầy mặt mà tôi không được khóc lên thành tiếng. Bởi vì có thằng lăm lăm giơ một hòn gạch củ đậu trước miệng tôi, doạ rằng hễ tôi thút thít là nó "tương" ngay vào tận cuống họng. Thốt nhiên chúng reo ầm lên:
- Anh em ơi ! Nó có năm xu ở dãi rút.
Thế là một đưá cứ việc dứt dải rút tôi, lấy đồng năm xu, rồi cả bọn ồ nhau chạy mất. Chúng cũng quên đánh và ném tôi xuống ao. Thoáng nghe có một đứa vưà chạy vưà nói:
- Đi mua kẹo vừng chia nhau.
Một mình tôi đứng cởi truồng ra ở giữa đường .
. . . Với cái quần tụt xuống thành hai vòng ở hai bên chân.
III. ANH TRƯỞNG TRÀNG
Có năm xu cuả thầy tôi cho để ăn quà dần trong mấy hôm, chúng nó đã bắt nạt tôi lấy mất. Tôi đi về, một tay ôm sách, còn một tay ôm quần .
Nghĩ tấm tức cả đêm. Tuy sợ chúng lắm, nhưng sáng hôm sau tôi vẫn phải cặp sách đi học. Và đã khá liều lĩnh, tôi đút vào trong mép sách một chiếc đuã, vót nhọn hai đầu, thành một cái dùi rất sắc. Tôi quyết can đảm một phen nếu chúng còn trêu tôi. Coi chừng cả nút ! mỗi đứa ăn một dùi cuả "ông" là bỏ đời.
Nhưng đi sang đến trường học thì bao nhiêu tính liều lĩnh tôi đã nuôi được từ nhà đều biến sạch. Tôi lại sợ,ừ - tôi có một cái dùi; song ngộ cả cái bọn ngót một chục đứa thù cuả tôi, mỗi đưá cũng có một cái dùi thì sao ! Mỗi đưá sẽ chỉ cho tôi nưả nhát thì còn gì là tôi !
Tôi đâm ra sợ cả cái dùi cuả tôi. Ngần ngừ một lát, tôi rút dùi, vứt tõm xuống ao.
Thầy đồ chưa ra dạy. Học trò mỗi anh làm một việc, anh quét nhà, anh đun nước, anh mài son, anh đứng xúm lại nói chuyện. Những đưá hôm qua bắt nạt tôi đã đến. Chúng nhìn tôi rồi nháy nhau, cười khúc khích. Tôi đỏ mặt, im lặng cúi xuống mở sách ra học lại những câu đã học hôm qua.
- Anh Lại phú Cang .
- Dạ .
Tôi giật mình ngẩng đầu lên. Lại sắp sinh sự gì đây chắc ? Một anh lớn hơn tôi độ ba bốn tuổi, trạc mười lăm, mười bốn gọi và lừ lừ tiến đến bên tôi. Hắn nói dõng dạc :
- Tôi là trưởng tràng. Trưởng tràng là người đứng trùm tất cả các anh. Sau thầy thì đến tôi. Tôi dạy các anh tập viết, tập đọc, tập kể nghiã để đỡ mệt cho thầy. Tôi nghe nói hôm qua bọn thằng Má, thằng Sinh đánh anh phải không ?
- Dạ, thưa anh, chúng nó định lột quần, lột áo em. Chúng nó lấy mất cuả em năm xu.
- Những thằng láo thật. Chúng nó cậy ma cũ bắt nạt ma mới đấy, nhưng thôi, từ giờ sẽ không đưá nàm dám o oe gì với anh nưã. Đã có tôi.
Tôi sung sướng cảm động :
- Vâng .
- Tôi làm chức trưởng tràng, nghiã là chức tôi to lắm, khó nhọc lắm, mà tôi lại phải che chở cho anh khỏi chúng nó đánh, như thế, riêng với anh, anh phải chiụ ơn tôi rất nhiều.
- Vâng, em biết ạ.
- Tốt lắm. Thế thì tôi bảo anh điều này.
- MỖi tháng anh phải đóng cho tôi ba xu. Ba xu là vào ba việc. Chức trưởng tràng cuả tôi một xu. Công tôi phải bảo anh học, một xu. Một xu nưã thì vào cái tiền tôi che chở cho anh. Anh nghe rõ chưa ?
Tôi còn ngần ngừ chưa biết trả lời sao, hắn đã nói tiếp :
- Tôi phải nói rõ để anh biết rằng trong tất cả lớp này, mỗi tháng ai cũng phải góp cho tôi hai xu. Không phải riêng gì mình anh. Anh chỉ phải nặng hơn họ một xu. Mất có mỗi một xu mà khỏi bị chúng nó đánh, chúng nó lột, là còn rẻ chán. Anh đã hiểu như thế chưa ?
Tôi ngẩn ngơ, làm bộ như chẳng hiểu gì hết, thì hắn lại truyền cho tôi một cái lệnh rất chắc chắn :
- Sáng mai anh phải nộp ngay cho tôi ba xu .
- Thưa anh, nhưng . . .
Hắn xẵng giọng :
- Nhưng gì ? Tôi hỏi thật anh muốn hay không muốn thế ? Chỉ nói cho "đây" biết một tiếng thôi .
Không dám ngần ngừ gì nưã, tôi buông luôn một câu :
- Vâng .
Hắn nhe răng ra cười hì hì. Và lại xoa cái núm hoa roi cuả tôi :
- Có thế chứ. Tốt. Tốt lắm. Mai nhé !
Tôi hậm hực mà vâng lời. Sánh hôm sau tôi phải đem "cống" hắn đủ cả ba xu - để hắn chi tiêu vào những ba việc !
Nhưng cũng nhờ thế, từ đấy tôi được yên dạ mà học hành. Lũ "đầu trâu mặt ngưạ" kia không dám đụng chạm, hạnh hoẹ gì tôi nưã. Coi ra các cu cậu sợ anh trưởng tràng cuả tôi lắm. Chẳng biết sợ về những nỗi gì nhưng cứ cái sự hắn lớn hơn, cao hơn, khoẻ hơn cùng đủ kinh rồi !
Mỗi ngày tôi chỉ phải đi học buổi sáng. Buổi chiều ở nhà học bài. Tôi học rộn cả nhà. Và cả nhà tôi, ai cũng có ý vưà sợ vưà quý tôi hơn trước. Tôi đã đi học rồi mà ! Thỉnh thoảng những người quen thuộc đến nhà tôi chơi thường hỏi :
- Cậu cả Canh học được mất thúng chữ rồi ?
Cậu cả ? Ấy đấy, nhờ có sự đi học mà tôi được lên chức to đến thế. Còn hỏi học được mấy thúng chữ, thì nào tôi biết làm sao được mấy thúng ! Nhưng u tôi đã vui vẻ trả lời người ta :
- Cháu nó đã được độ ba mẹt rồi đấy .
À ra tôi đã học được độ ba mẹt chữ. U tôi biết cả. Tài thực, và từ hôm đó, hễ ai hỏi tôi đã học được bao nhiêu chữ, tôi cứ liệu mà nói nhân dần hai cái mẹt chữ cuả tôi lên .
- Cháu đã học được ba mẹt ạ !
- Cháu đã học được bốn mẹt rưỡi ạ !
Ai cũng cười, tôi cũng cười nốt, hai má tôi bừng đỏ lên tận tai. Bỡi vì tôi chắc rằng họ cười để khen mình học giỏi.
IV. VÀI CÁCH PHẠT
Chỉ được mươi hôm học mỗi buổi vài chữ khiến tôi thấy sự đi học không khó khăn gì. Nhếu nháo mấy chữ, chỉ một loáng mắt đã thuộc làu. Dễ chiụ quá !
Nhưng dần dần thầy đồ bắt tôi học mỗi ngày thêm nhiều chữ. Thầy bảo cho một lần. Bận sau, hễ quên thì hỏi anh trưởng tràng. Không khó khăn mấy đối với tôi, anh đã là chỗ tình thân.
Có những buổi tôi phải học nhiều chữ quá, rối cả ruột và nặng cả đầu mà vẫn chưa thuộc. Cơ chừng lắm chữ to quá, đè trĩu đầy tôi xuống.
Lại thêm anh trưởng tràng bảo tôi :
- Xem chừng anh này học đã chối chữ ra rồi đây, học thế đã mùi gì. Còn bao nhiêu sách khác khó hơn sách Tam tự kinh nhiều. Kia kià . . . (hắn chỉ tay lên cái quang đựng sách, treo lủng lẳng ở góc nhà) sách Ngũ ngôn thi, sách Minh tâm, sách Tân thư này . . . Sách Đại học, sách Luận ngữ, sách Kinh thi, sách Trung dung ... Sách gì, sách gì nưã này ... Vô lủng các thứ sách, còn là học mượt người.
Tôi tưởng như anh ta nói doạ. Nhưng nghe nhiều tên các thứ sách gớm ghê như thế, tôi cũng choáng óc, và tôi đã thấy sờ sợ.
Thế rồi tôi sợ thật, lần này không phải sợ bạn, mà là sợ học. Càng ngày càng phải học từng cột dài. Đầu tôi bé thế này, đựng làm sao cho hết.
Một hôm, tôi đọc một bài ngắc ngứ mãi, thầy đồ Biền đã quắc mắt, tôi tưởng phen này đến phải đòn. Nhưng may rồi tôi cũng ầm ừ đọc được trôi. Khi tôi cầm sách trở về chỗ, anh trưởng tràng đến nói nhỏ :
- Anh có sợ không thuộc bài mà phải đòn không ?
- Em sợ lắm .
- Anh có muốn không phải học bài không ?
Tôi trợn mắt :
- Không học bài ? Thầy đánh cho tuốt xương chứ lỵ !
- Ấy thế mà tôi có cách.
- Anh bảo em nhá ?
- Chưa học được ba chữ ranh mà đã học cái tính lười, nhưng tớ cũng không khoảnh, tớ bảo cho mà biết cái cách không phải học bài Mai đằng ấy cứ không học bài; thầy không cho đằng ấy ăn roi mây đâu, thầy sẽ bắt quét nhà luôn ba hôm.
Tôi nghe ra cũng lý thú. Phải, phải rồi, hàng ngày vẫn có những anh học trò phải làm các việc linh tinh, mài son quét nhà, quét sân, nhổ cỏ, đun nước. Những quân đó đều tuyển ở các đám đánh nhau, chửi nhau hoặc những anh không thuộc bài. Nếu mình không thuộc bài, mình cũng phải đăng tên vào đội binh ấy. Thầy đồ chẳng đánh một roi, bởi vì hôm nào chẳng phải cần lấy mấy anh để làm những việc vặt vãnh như thế.
Có người dạy cho tôi biết cách để lười, tôi lười ngay. Ở nhà, mới học qua loa vài chữ đã thấy ngáp rốn mấy cái, chảy cả nước mắt, tôi vội gấp sách lại, rông ra vườn chơi. Hôm sau, mang sách lên đọc cho thầy đồ nghe, tôi khoanh tay đứng ỳ trước mặt thầy.
Lườm tôi một cái, rồi quả nhiên thầy truyền :
- Không thuộc bài ! Ba hôm mài son.
Tôi giả cách tiu nghỉu nét mặt, buồn bã mang sách về ngồi phản nhưng trong bụng tôi cảm ơn ngầm anh trưởng tràng lắm lắm. Mỗi tháng mất ba xu cũng phải.
Hôm sau, hôm sau, và hôm sau nưã tôi không phải quan tâm đến sách, đến but. Tới nhà thầy, tôi chỉ việc đem cái nghiên son, ra vại lấy nước, rồi để nó ở một đầu hè, tôi vào gầm bàn mang ra một cục son to bằng cái chén tống, mài kỳ cạch cho tới khi nước sánh lại một màu đỏ tươi mới thôi. Thầy dùng son để phê, để chấm sách cho học trò. Còn tôi dùng son để bôi đầy cả vào quần, vào áo, vào đầu cho ra vẻ ta đây là học trò. Mài son xong, tôi theo các bạn cùng các bạn ra vườn nhổ cỏ và xới đất để gieo hạt cải. Tiếng là thế nhưng chúng tôi ra vườn chỉ để đuà. Anh này đổ nước đúc dế mèn, anh thì nhổ cỏ ấu, lấy của nó đem về cho u ngâm nước giải vào rượu làm thuốc hậu sản. Tính tôi nhút nhát, không ưa sự đánh bạn; tôi ngồi thơ thẩn một góc vườn, vưà vờ vịt nhổ cỏ, vưà bắt châu chấu để chốc nưã đem về tặng các anh gà. Và miệng tôi khe khẽ hát cái bài Bồ cu bồ các ... rất hay cuả tôi.
Đến bưã thứ tư, tôi lại không thuộc bàị quen cái tính lười mất rồi. Nhưng bưã nay tôi không được cái may mắn thầy bắt phạt đi mài son. Thầy bảo tôi :
- À thằng nỡm này quen thân lười. Phải trị cho nó một mẻ, chúng bay đâu ?
Câu gọi ấy là một hiệu lệnh cuả thầy. Trong đám học trò đương học nhao nhao, có mấy tiếng "dạ, dạ" rồi nhanh như cắt, hai ba đưá chạy ra vật tôi ngã khuỵu xuống đất. Tôi nằm sấp, một đưá tóm đầu, hai đưá túm hai tay và hai đưá giữ hai chân, rút chiếc roi mây trên vách, chậm chạp từng roi một, thầy vút cho to6i đúng mười lăn roi lên hai bên mông. Tôi đau quặn người, kêu váng cả lên.
Tôi về chỗ ngồi, khóc sướt mướt suốt buổi. Ra về, anh trưởng tràng chế tôi :
- Chết chưa ? Con ơi ! Quen mui thấy mùi làm mãi.
- Tại anh làm em phải đòn.
- Tại tớ à ? Dễ nghe nhỉ ? Sao đằng ấy không bảo là tại đàng ấy lười có đúng hơn không ?
Tôi im chẳng dám nói gì. Anh ta lại cười, nói tiếp :
- Nhưng mà tớ bảo hễ đằng ấy gan, có giỏi mai lại cứ không thuộc bài, thầy sẽ không đánh nưã, mà thầy bảo rằng đằng ấy lười quá, thầy bắt phạt quay tơ một tháng.
To6i không dám tin. Nhưng khốn khổ cho tôi, dù hôm ấy về, tôi học bài suốt cả buổi, sánh hôm sau tôi vẫn không thuộc bài như thường, bởi vì đứng trước mặt thầy đồ tôi run bắn người lên, chữ nghiã bay dâu mất hết. Tôi chỉ còn nhớ những roi đòn cuả thầy đánh tôi sáng hôm qua, mỗi lằn thành những con trạch tím bầm, đầy cả hai bên mông, thành thử tôi chỉ đứng đờ ra, mặt xám lại dần, hai mắt chớp chớp, nháy nháy đảo điên. Chao ôi ! tôi đành đợi ... mười lăm roi nưã vậy, nhưng thầy đồ lại bảo tôi :
- Óc thằng này dễ thường đặc như óc chó. Chó nó còn thông minh hơn mày. Tao phải phạt cho mày hai mươi hôm ngồi quay tơ mới được. Chúng bay đâu ?
Một anh chạy đến, lôi tôi xuống dưới nhà. Tôi không vào nhà này bao giờ, bởi vì là nhà riêng cuả thầy. Bước vào, tôi thấy bà đồ đương ngồi quay tơ với bốn đưá trẻ nưã, cũng trạc tuổi tôi. Và chắc chắn cũng là những học trò không được chăm chỉ lắm cuả thầy đồ Biền ! Họ bày thêm ra cho tôi một cái lồng tơ và bắt tôi ngồi quay. Cái anh dẫn tôi vào đây truyền lệnh cho tôi :
- Từ mai cho đến hết hai mươi hôm, lúc nào anh đến học là phải xuống đây quay tơ, không được thò đầu ra ngoài.
Thế là tôi đi học chữ để biết cách quay tơ. Mà tôi lại thích như vậy, bỡi vì cứ không phải đọc bài là tôi mừng rơn. Quay tơ được mấy hôm thì tôi thấy rõ ràng nhà thầy đồ tôi nghèo, bà đồ tôi đi quay tơ mướn cho người ta. Có lũ học trò lười lĩnh, bà chạy tay thêm được nhiều việc lắm.
Nhà tôi cũng dệt luạ, cũng quay tơ nhưng tôi không phải mó đến những việc ấy bao giờ. Lúc chưa đi học, tôi chưa biết quay, phải quay có mươi hôm, tôi đã thạo lắm. Nhiều khi tôi cầm thử ống quay tơ ở nhà, u tôi đã ngạc nhiên hỏi :
- Quái, ai dạy mày quay tơ ở đâu mà thạo thế ? Mày đi học hay đi quay tơ hử ?
Nào ai biết được tôi đi học hay đi quay tơ !
V. NÓ PHẢI TRẢ THUẾ TAO BẰNG "ĐẤM"
Dần dần, tôi làm quen được một anh bạn tên là Kham, cùng bằng tuổi tôi, anh em tương đắc lắm. Vừa quay tơ, vừa nói chuyện với nhau suốt một buổi. Tôi phàn nàn với bạn rằng hôm tôi mới nhập môn, bị bọn thằng Má, thằng Sinh đón đường định đánh và lấy mất năm xu.
Kham bảo tôi:
- Anh dại quá, cứ đánh bừa đi chứ. Chúng nó cậy đông thì ta chạy về mách thầy. Thầy ghét học trò đánh nhau lắm.
- Hoài của, thế mà tôi không biết. Rồi sau nhờ có anh trưởng tràng, anh ấy ...
- Trưởng tràng là anh nào ?
- Ồ anh không biết hả ? Cái anh lớn nhất, mắt hơi toen toét, ngồi bên cạnh thầy ấy mà ?
- Cái thằng để đầu bờm ấy phỏng ?
- Phải.
- Nó là thằng Mực, trưởng tràng, trưởng trùng gì. Nó lớn mà học trước nên được ngồi cạnh thầy, vì nó giúp đỡ nên thầy cũng yêu nó một tị. Thằng ấy là chúa hay bắt nạt, chúng tớ vẫn gọi nó là thằng chó đen.
- Thế mà anh ấy tốt với tôi lắm, anh ấy bênh tôi. Tụi thằng Má sợ anh như sợ cọp, không dám ậm oẹ bắt nạt mình nữa.
- Đằng ấy nói lạ ! Thằng Chó đen mà tử tế à ! Nó là thánh ăn dỗ, thánh nói loè. Thôi đích nó ăn dỗ của đằng ấy cái gì rồi ! Tớ nói quyết thế.
- Ăn dỗ ?
- Như là ăn dỗ tiền, ăn dỗ quà chẳng hạn. Có đúng không ?
- Không . Nhưng mà tôi chỉ phải đóng tiền thôi.
- Ấy đấy ! tiền gì nào ?
- Tiền hàng tháng, mỗi tháng ba xu. Một xu vào chức trưởng tràng, một xu công anh ấy dạy học, một xu tiền che chở.
- Hi hi ! Đằng ấy mắc bợm già rồi. Đã đóng được mấy tháng ?
- Mới có một, sắp tới tháng nữa. Thế các đằng ấy không phải đóng hay sao ? Mỗi tháng hai xu mà !
- Chúng tớ à ? Đóng cho nó hai cái đá. Nó loè đằng ấy đấy, từ giờ không đóng nữa, để tiền mà ăn quà. Nó muốn mè nheo gì, mách luôn thầy là cu cậu bị ăn lươn vào lưng ngay.
Tôi táng đảng cả người, ra bấy lâu nay tôi bị cái anh trưởng tràng giả hiệu kia lừa dối cũng bỡi cái tính nhút nhát khốn nạn của tôi. Tôi phải đi tìm ngay thằng Mực - hay cái thằng chó đen cũng thế - để bảo cho nó biết rằng nó đã ăn dỗ của tôi mất ba xu, nó đã "đểu" lắm mà tôi đã khôn người ra rồi. Tan học, tôi vội vã đi tìm Mực. Trông thấy Mực, tôi chưa kịp gì hắn đã hỏi:
- Thế nào ? Mai đóng tiền chứ ?
Nghe giọng hắn oai quá, sự cứng cỏi chốc lát của tôi lại mềm nhũn và biến đi dâu mất ! Tự nhiên, miệng tôi nói ra tuồn tuột:
- Vâng, mai em đóng. Nhưng anh cho em hỏi câu này:
- Hỏi gì ?
- Em thấy thằng Kham nói rằng nó không phải đóng tiền tháng cho anh.
Mực quát to:
- A thằng ranh này lại muốn học lối thằng Kham phỏng ? Nó không phải đóng tiền à ? Tại nhà nó nghèo, mỗi ngày chỉ được ăn có một bữa cơm nên tao thương hại, không lấy tiền của nó. Nhưng mày có biết nó phải trả thuế tao thế nào không ? Nó phải trả thuế tao bằng "đấm", băng "đấm" nghe rõ chưa ? Mỗi tháng, ba mươi lăm quả, vừa đấm, vừa thụi, vừa đạp, vừa tát . . . tha hồ. Thế này này . . . (Hắn giơ thẳng cánh ục tôi một ục vào mạng mỡ; tôi méo mặt khóc oà) . . . tao thử cho mày một quả. Mỗi tháng chịu ba mươi lăm quả tống như thế mới bõ công tao, sức mày có chịu nổi không ? Thôi thôi mày đừng có o oe cạy cục mà chết bỏ đời đấy, con ạ !
Tôi khóc hu hu, nó thụi tôi đau quá .
Hôm sau, tôi tường thuật kỹ càng, tất cả cho Kham nghe. Kham lắc đầu:
- Nó nói thế chứ mười nó cũng không dám đụng đến tôi, nhưng mà thế thì nó xử với đằng ất tệ thật. Cũng đừng nên mách thầy, thầy đánh nó rồi nó lại đánh mình cũng thế.
Nghĩ một lúc; Kham lại xua tay:
- Không, không, anh phải mách mới được. Đã làm thì làm cho thẳng cạnh Đến mai, anh đem ba xu lên đưa cho thầy, nói là tiền đóng cho anh Mực. Tất nhiên là thầy sẽ hỏi là tiền gì ? Thì anh nói rõ từ đầu đến đươi cho thầy nghe. Nó sẽ phải đòn. Nếu mà nó đánh anh, tôi sẽ rủ cánh trẻ chăn trâu ở ngoài đồn làng Nghĩa Đô diệt cho nó một trận. Nghe bạn nói tôi lại hăng hái lắm. Tan học, Mực hỏi tiền tôi, tôi trả lời rất nhũn nhặn:
- Thưa anh, anh để cho em đến mai. Hôm nay thầy em đi ăn cỗ, u em đi chợ bán lụa.
Mực bảo:
- Mai không nộp thì chớ chết.
Mai, tôi nộp. Nhưng làm đúng như lời Kham, tôi đem nộp cho thầy đồ. Tôi ngồi nhà dưới quay tơ - bởi vì tôi vẫn phải phạt ! - nhòm ra, đợi lúc Mực đi lăng quăng ra đầu ngõ, tôi chạy tót ngay lên nhà đưa lên cho thầy ba xu. Thầy đồn ngạc nhiên hỏi tiền gì. Tôi thưa:
- Tiền con nộp cho anh trưởng tràng Mực.
Rồi tôi kể rõ từ đầu chí đuôi, thôi tự hôm bọn thằng Má, thằng Sinh lấy của tôi năm xu đi mua kẹo vừng cho thầy nghe. Thầy đồ tức lắm, lặng người. Mực lò dò đi ở ngoài cửa vào, thấy tôi đứng đấy biết là có biến, mặt hắn tái mét. Thầy chìa ba xu của tôi ra cho hắn trông. Hắn càng cuống quít, không biết nói năng làm sao.
Thầy quát: "Chúng bay đâu ?" Một bọn kéo ngay lên, vật oách Mực xuống. Chúng vật thực khoẻ, nghe nặng như cây dừa đổ. Bởi vì đứa nào cũng đã căm tức Mực sẵn. Hắn thường cậy lớn, chỉ hay bắt nạt, tồi lắm. Được có dịp trả thù tự nhiên, ai chẳng muốn. Lúc Mực đã nằm sấp xuống đất, có anh lại thụi ngầm cho hắn một thụi.
Mực bị thầy giáng cho ba mươi roi đòn. Đánh về hai tội: bắt nạt ăn tiền và tự xưng là trưởng tràng. Ngọn roi mây nhịp nhàng đưa lên đưa xuống vun vút. Tôi đứng nghe mà phát rùng mình. Hễ một roi vụt xuống lưng Mực, cái mồm hắn lại méo xệch lên hẳn tận mang tai và khắp người, rung nhỏm lên như một lò xo.
Cả bọn thằng Má, thằng Sinh cũng bị đòn. Mỗi đứa ăn mười lăm con trạch vào đít.
Tôi vừa thích, vừa sợ. Thích vì đã trả được thù mà sợ vì từ đây chúng nó thù mình đến già !
Nhưng thù thì thù, tôi cầ gì ! Tôi đã có anh bạn Kham yêu quí, mà anh bạn Kham của tôi đã có cả một toán trẻ chăn trâu hùng hổ ở đồng làng Nghĩa Đô. Cánh chúng tôi to lắm.
VI. CÁI LỌ ĐỰNG NƯỚC
Sắp hết hạn hai mươi hôm phạt quay tơ, tôi bắt đầu lo. Chữ nghĩa tôi chỉ nhớ mờ mờ. Có cái lồng tơ thì tôi nhớ rõ lắm. Quay lên nó kêu lóc cóc . . . lóc cóc . . . Và tôi chỉ thạo có một lối đánh bẫy chuột, nhà thầy đồ tôi có rất nhiều chuột. Có khi bà ngồi quây tơ mà nó rúc rích ra gặm cả chân. Kham và tôi, mỗi đứa mượn bà một cái bát chiết yêu, để làm hai cái bẫy. Tôi úp bát xuống chỗ đất phẳng, lấy cái que đóm, để dựng một mé bát lên hở thành một cái khe vừa một con chuột nhắt chui lọt. Tôi lấy tơ xe một sợi dây dài một đầu buộc vào lưng cái que, một đầu buộc vào ngón chân cái tôi. Bỏ một mảng cháy cơm hay một mẫu hẹo bột - hoặc bất cứ một vật gì chuột có thể xơi được - để làm mồi, ấy thế là tôi đã có một cái bẫy chuột tươm tất.
Cái bát bẫy để tận trong góc nhà, tôi ngồi cách xa tới bốn sải chân. Các chú chuột dập dìu đến nghe ngóng, xem xét từng ly từng tý. Chúng tưởng như chúng khôn lắm, nhưng rồi thế nào, háu ăn quá, cũng có anh men chân vào cạm. Tôi liếc mắt vào xem các anh làm ăn ra sao. Cái anh chuột đã trông thấy miếng mồi, bước mon men, mon men rất rụt rè, hắn chỉ nhấc chân dịch đi từng một chút. Một mắt trông vào mồi, một mắt trông ra ngoài, xem có người hay có mèo ngó thấy mình không. Cẩn thận lắm, nhưng anh chàng quên không trông lên cái bát úp lừng lững trên đầu. Tôi cứ lờ đi như không biết và không thấy gì, tay tôi càng càng xóc ống tơ cho chạy khoẻ, kêu lóc róc ầm nhà. Anh chuột yên chí chui tọt hẳn vào trong bát, tôi chỉ việc hất một ngón chân cái, kéo căng cái dây, đổ chiếc que đóm là cái bát úp chụp ngay xuống. Anh chuột khờ dại rối rịt, chạy nhặng lên ở trong bát. Mỗi ngày sa bẫy tới ba con là ít; bắt được, tôi đem về nhà tôi cho mèo ăn.
Chơi trò bẫy chuột thích lắm, rất ham. Lắm lúc tôi tưởng thầy tôi cho tôi đến nhà ông đồ để quay tơ và để bắt chuột. Còn việc học hành là việc phụ; muốn thì muốn, không thôi, cũng được - chẳng hề gì. hưng một buổi, Kham tính đốt ngón tay, bảo tôi:
- Ngày kia chúng mình đã phải đọc bài. Tớ học đến ngọc bất trác, bất thành khí rồi. Đằng ấy đến gì ?
- Quên mất, để về thử mở ra xem đã.
Thấy cái sự mở sách ra xem, ra học là một hình phạt nặng nề, khó nhọc làm sao - cái việc đi học. Ai sinh ra chữ nghĩa làm chi, để cho bây giờ tôi khổ thế này !
Một bữa kia tôi vừa thò đầu vào nhà dưới, bà đồ bảo tôi:
- Hôm nay đến lượt anh Cang xách nước.
Tôi "dạ" một tiếng, chạy tót ra sân. Nhà thầy đồ tôi có mỗi một cái vại đựng nước, hễ khi nào cạn, chúng tôi - những "tên" bị phạt - phải thay phiên nhau đi lấy nước đổ cho đầy. Nhà không có thùng quảy, chỉ có một cái lọ, da đỏ như da chum, dài thòng lõng như một quả bầu, đem lọ ấy ra giếng mà lấy nước. Được cái giếng cũng gần, ngay lối đầu xóm, nên cũng không khó nhọc mấy, chừng mười lăm, hai mươi lọ thì đầy vại. Nghĩa là dùng cả một buổi học để xách nước thì vừa.
Tôi xách lọ ra giếng, giếng này lấy nước rất dễ, bỡi vì là giếng đất. Nó là một cái ao, có xây bậc gạch, ở giữa cắm một cành tre, tôi chỉ việc lội xuống nước, vục lọ xuống, lấy được nước ngay.
Tôi vừa đi vừa chúm miệng lại huýt còi, tôi bắt chước con chào-mào đương hót trên cây. Hót tò toe . . . Hót tò toe . . . Vui lắm !
Chỉ một loáng mắt, tôi đã xách được năm lọ. Đã khá mệt, tôi phải ngồi nghỉ dưới bóng mát một cây bàng. Trời cuối mùa hạ, nắng vàng hoe hoe, có gió mát lùa rào rào trong những ngành tre xanh om. Bỗng tôi thấy bóng thằng Mực đi từ trong ngõ đi ra. Tôi đoán: "Hẳn thằng chó đen xin phép thầy cho đi giải rồi chuồn ra ngoài này chơi mát. Ranh thực !"
Tôi xách lọ xuống giếng vục nước, bởi tôi không muốn giáp mặt Mực. Từ hôm phải đòn tuy chưa dám làm gì tôi, nhưng mỗi khi gặp, nó vẫn nhìn tôi bằng cặp mắt gườm gườm rất đáng sợ.
Chiếc lọ đựng nước có cái cổ loe ra, cho nên muốn xách, tôi phải xoạc cẳng; bưng hai tay, và đi lặc lặc như con vịt bầu. Vừa đi lên khỏi bờ được mươi bước, tôi đổ xuống nghỉ để bưng lại. Tay tôi trơn quá, Mực đã đi quá ngang mặt tôi. Hắn nhìn tôi, hai mắt tròn xoe, hắn xuống giếng, lấy hai tay múc nước uống.
Hai tay xách lọ lên, chân tôi bước lạch bạch. Bỗng tôi nghe đằng sau có tiếng vút vút rồi:
- Ẳng ! ẳng ! ẳng !
Hoảng hốt, tôi giật nẩy mình, rụng rời. Thế là:
- Toang !
Thôi vỡ mất lọ nước rồi, tôi rú lên, hai tay ôm mặt. Mực chạy tới. Tôi khóc:
- Mày đánh chó để chó làm cho ông sợ, ông đánh vỡ lọ rồi . . . nào . . .nào nào . . .
Mực múa hai tay, hai chân lên:
- Tình tướm ! I hi hi ! Tình tươm. Mày cầm không vững tay thì vỡ. Con chó nó chạy chứ ông có đánh nó đâu. Chuyến này thì gọi là mày cứ tù mọt gông ! tù mọt gông ! Cả nhà thày có mỗi một cái lọ ! Mà lại cái lọ cổ, rất quý của thầy.
Tôi càng khóc già, Mực hoa cả chân lẫn tay lên mà doạ tôi. Nó lại túm chặt lấy tay tôi:
- Mày chết ! Ông lôi mày vào cho thầy. Đi ! vào . . . vào ngay.
Tôi thun người lại. Trong óc tôi thoáng hiện ra một cái roi mây, một anh học trò mặt mày tái xanh, bị cái gông bằng gỗ lim bọc sắt nặng vô cùng, đeo khư khư vòng quanh cổ. Chao ơi !
Tôi giựt tay thằng Mực, ù té chạy miết.
Bỏ cả sách vở, bút nghiên, từ đấy tôi không dám đến trường thầy đồ Biền nữa ! Tôi lại sợ, không dám gặp cả những học trò của thầy. Tôi sợ chúng nó lôi tôi về giao cho thầy thì tôi đến phải tù mọt gông.
Cho tới ngày nay, tôi đã rời quê hương, đã mài mòn đũng quần mười năm trời ở các trường tiểu học, trung học trên Hà Nội, mà tôi vẫn không bao giờ được học hết quyển Tam tự kinh. Tôi hối hận lắm, nhưng còn biết làm thế nào! Ngày ấy, tôi nhất định không dám đến trường học nữa. Thầy tôi, u tôi, bà tôi dỗ dành, nạt nộ tôi hết cách cũng không được. Sau đành phải thôi.
Và chỉ có mươi hôm, tôi lại mon men ra đằng sân sau, hát cái bài bồ cu, bồ các cho lũ gà, lũ vịt, lũ ngan, lũ chó nghe. Những bộ hạ trung thành của tôi đấy, tôi có thể bắt nạt được chúng dễ như bỡn.
Nhưng quái lạ làm sao, một con ngan cái, cứ nhìn tôi mà kêu kíu kíu rầm rĩ. Vừa kêu, vừa co ra rụt vào cái cổ. Tiếng nó, tôi nghe khác lạ. Phải, rất khác. Dường như con ngan cái nó bảo tôi rằng:
- Kíu kíu! cậu là một cậu bé rất nhát và rất lười. Kíu kíu! Hèn lắm! Nhát lắm!.
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...