Thứ Ba, 4 tháng 1, 2022

Mười năm 1

Mười năm 1

LỜI GIỚI THIỆU

Nhà văn Tô Hoài đã viết một bộ tiểu thuyết gồm ba tác phẩm: Quê người, Mười năm, Quê nhà. Mỗi tiểu thuyết, câu chuyện, hoàn cảnh và nhân vật đều khác nhau, nhưng tất cả được nối tiếp có hệ thống về các sự kiện lịch sử và xã hội của một vùng nhất định.

Câu chuyện về một địa phương, đấy là các làng mạc ở Hà Đông và Sơn Tây, vùng Tây Bắc thành phố Hà Nội xưa kia, nơi nhà văn Tô Hoài sinh ra và lớn lên. Ở cả ba tiểu thuyết trên đều in dấu vết những nhân vật trong đó có tác giả và gia đình, bè bạn ở sự việc, ở hoàn cảnh, ở những kỷ niệm hồi thơ ấu và đương thời. Bộ ba tiểu thuyết này đã được liệt kê trong danh sách các tác phẩm của Tô Hoài vinh dự được giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học đợt 1 (1996).

Tiểu thuyết Quê nhà (viết 1978) nói về sự việc hai lần quân Pháp tấn công chiếm Hà Nội cách nay đã hơn một thế kỷ. Tuy nhiên, những nhân vật lịch sử của các trận đánh: Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc, các tướng tá Pháp như Phơ răng xi Gácniê, Hăng ri Rivie không phải là các nhân vật chủ yếu. Mà ở đây tác giả đã miêu tả tình hình các phường xóm và làng quê trong thành ngoại nội mà nhân dân - các anh hùng vô danh đã dũng cảm nổi lên chống quân xâm lược như thế nào.

Tiểu thuyết Quê người (viết 1941) cũng một khung cảnh ấy, những vùng Hà Nội đã bị chiếm đóng. Cảnh điêu linh và khốn cùng diễn ra, biết bao nhiêu người đã phải tha hương. Đi phu, đi làm đường, vào Nam, sang Tân Đảo và các thuộc địa Pháp ở ngoài châu Đại Dương, làm cu li đồn điền. Trong cảnh khốn đốn, phải đi “đất khách quê người”. Tiểu thuyết Quê người đã được tác giả viết trước nhất, cách đây nửa thế kỷ, từ khi nhà văn Tô Hoài mới bắt đầu cầm bút. Điều đó chứng tỏ đề tài của vấn đề đã nung nấu lâu dài trong tâm tư và tình cảm tác giả theo bước với sự phát triển của số phận cuộc sống và lịch sử.

Tiểu thuyết Mười năm (viết 1957) cũng vẫn quang cảnh và tình hình ở vùng ấy, nhưng bước sang một giai đoạn quyết liệt nhất, mười năm 1935 - 1945. Nước Pháp đã bại trận ngay khi bắt đầu cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ hai. Phát xít Nhật can thiệp vào Đông Dương. Đất nước ta bị hai tròng áp bức và bóc lột, nạn đói vô cùng thảm khốc đã xảy ra mà mỗi con người chỉ còn có con đường một sống một chết.

Trong khốn cùng ấy, lá cờ nghĩa đánh Pháp đuổi Nhật cứu nước do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo giương cao đã tung bay khắp nước, từ rừng núi xuống đồng bằng. Tiểu thuyết Mười năm ấy là thời gian mười năm toàn dân chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, tiến tới Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Đến nay, hơn năm mươi năm đã qua, để thấy được nguyên nhân sâu xa những điều tâm huyết của Tô Hoài với một vùng đất ông từng gắn bó. Trải ba mươi năm kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ ngày nay đương bước vào giai đoạn xây dựng đất nước hùng vĩ chưa bao giờ từng có, xin được in lại trọn bộ cả ba tiểu thuyết: Quê nhà, Quê người và Mười năm.

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc. 




I

Tùng... tùng... tùng...

Tiếng trống thúc thuế inh ỏi, ra riết, gay gắt, càng về những ngày cuối càng gay gắt. Không biết những ai mười tám tuổi trở lên phải chạy đông chạy tây lo thuế thế nào thì lo, nhưng cứ mỗi lúc từng hồi trống ngoài đình nổi lên liên miên ba tiếng một thì trẻ con các xóm lại cất cổ nhại theo: tiền... tiền... tiền... tiền... tiền... tiền...

Chị Hai Tâm đánh xong mẻ suốt ấy rồi vào sửa cửi. Lạp đương lúi húi cắt cái “rạp” ở cửa gỗ. Chị Hai ngồi vắt vẻo trên đầu song hành, hai tay luồn vào mặt cửi, vừa gỡ vừa nói đùa:

- Trống gọi tiền anh Lạp đấy. Anh Lạp năm nay đóng thẻ có sản hay thẻ vô sản?

- Tôi bao giờ chẳng vô sản.

- Sao bảo bài bổ làng ta năm nay ông lý Dĩ khai không có hạng vô sản?

- Thế mới bỏ mẹ ông lý Dĩ! Tôi vô sản lại bắt tôi phải đóng hạng có sản à? Nghị định đã chẻ hoe là hạng vô sản đóng một đồng, thì cho ở làng. Này các ông ấy có phu phen tạp dịch hay phụ thu lạm bổ vào đấy nhiều lắm cũng chỉ đến một đồng mười lăm xu là hết nước. Tôi chỉ đóng có thế.

- Thế thì thuế năm nay cũng lôi thôi đấy nhỉ?

- Lôi thôi chứ!

Chị Hai Tâm đờ mặt:

- Chỉ có bố cháu ở dưới âm phủ là yên trí thôi.

Tùng... tùng... tùng... Chị Hai đờ mặt nghe, rồi nói:

- Thật cũng rầy rà. Hay là anh Lạp cứ đóng hạng có sản đi. Tôi sẽ phụ cho một ít.

- Không được. Phen này chúng tôi nhất quyết cho lý Dĩ một mẻ.

Chị Hai Tâm đứng lên, nguýt Lạp, rồi trách dịu dàng một câu:

- Chẳng thấy ăn thua đâu, chỉ những họp với hành từ hôm nọ tới giờ, bỏ mấy buổi cửi rồi.

Cơm chiều xong, ra khung cửi, Lạp không xuống ao tắm như mọi hôm. Lạp mặc áo, đi ngay. Chị Hai dặn với:

- Mai nhớ sang sớm nhé!

Nhưng Lạp đi biệt, bỏ cửi luôn một phiên chợ.

Trong nhà ông Trương Ba, ở cuối xóm. Kẻ nằm người ngồi dưới ánh đèn tù mù vàng hoe. Bên những đùi, những vế gác ngược gác xuôi lên nhau, những cái khuỷu tay ghẻ cọ, day cạch cạch xuống phản như chó gãi ghẻ, cái bát điếu chốc lại rên lên sòng sọc. Có mấy tờ báo Tin tức, mấy cái điều lệ Ái hữu thợ in, thợ may, thợ mũ, thợ giầy, quăng bừa bãi.

Lê trân trân nhìn một cái bìa sách, bỗng cất tiếng hỏi một câu không ăn nhập gì tới quyển sách nọ:

- An, thế đằng ấy cứ nói thật cái bụng đằng ấy lúc này cho chúng tớ nghe cả nào.

Trong đống người nằm, một câu đáp ậm ờ, lúng túng, nước đôi:

- Đã bảo cứ như mình thì mình không đóng đâu. Mà mình đã không đóng thật. Mình đã ký cả vào đơn chống thuế với các đằng ấy cơ mà. Nhưng các đằng ấy còn lạ gì u tớ. Động một tí là nháo lên. Cho nên u tớ có đến nhà lý Dĩ, còn có đóng hay không thì thật tớ không biết. Riêng tớ thì nhất định không đóng.

Lê đã tức lắm, miệng bầm bập chực nói từ nãy. Cố nén nghe đến đấy thì khó chịu quá rồi. Lê nhỏm dậy, sấn sổ:

- Mày nói vậy thì chó nó cũng không ngửi được. Thế u mày vào nhà lý Dĩ đóng thuế, thì đóng cho ai, cho con chó à?

- Nghĩa là...

Lê đứng lên, nói buông choang choang:

- Không phải lễ nghĩa gì nữa. Mày phải biết rằng từ ngày hơn năm mươi chữ ký chống thuế gửi lên Công sứ, lên Thống sứ Bắc Kỳ thì lão lý Dĩ xanh mắt rồi. Cái thư của quan Phủ à? Cái thư của Phủ gửi về khuyên anh em cứ đóng theo bài bổ, nhầm lẫn đâu sẽ xét sau là chúng nó định làm kế hoãn binh. Được thể, lý Dĩ gọi anh em ra đình, phét lác nhặng lên, nhưng chúng ông nắm được chuôi rồi, càng sợ thì càng to mồm. Cái thư ấy chỉ là cái thư xoa dịu. Chúng ông không đóng hai đồng rưỡi, chúng ông chỉ có một đồng. Thế nhưng lý Dĩ nó cũng khéo bịp lắm, nên vẫn có thằng sợ. Tao nói thật chứ, lên đồn hay xuống phủ thì chúng tao đây cũng chỉ một đồng thôi. Lịch sử loài người chỉ tiến bộ chứ không bao giờ thoái lui cả.

Trong lúc Lê nói, cả lũ Lạp, Trung, Ba đã ngồi chồm hỗm lên nhìn Lê, như đợi Lê bật ra một câu gì nặng nữa cho hả. Chưa thấy Lê nói. Anh nào cũng liếm mép mấy lượt. Rồi có anh đánh một câu:

- Tiên sư những đứa khốn nạn thậm thọt vào nhà lý Dĩ!

An chạm phải gai, nhỏm dậy:

- Nếu không đi với chúng mày thì tao đến đây làm gì? Đứa nào thậm thọt? Thằng nào chửi mẹ ông thế?

Im lắng.

- Trước sau tao vẫn bảo tao với chúng mày là một thì chúng mày lại chửi tao nhem nhẻm. Thế là thế nào? Khối đứa kia kìa, cũng ký đơn hăng lắm, mà bây giờ nói theo phe lý Dĩ, nó đóng thuế có sản, nó phản thùng chửi lại thì chúng mày lại câm họng. Cánh nhà lý Dĩ, lại chi tóp những họ Nguyễn, họ Bùi đấy, làm gì được chúng nó thì làm nào?

Lê nói:

- Thế nào cũng có thằng bỏ mẹ với ông!

An cười nhạt:

- Không nói thăng thiên đấy chứ?

- À, mày láo hả?

Lê và An cùng phắt lên, lênh nghênh như hai ông tướng phường chèo trên cái phản mọt, mà bốn chân mễ đã chuyển răng rắc. Lạp, Trung, Ba nhỏm cả dậy. Ông Trương và cô Nhàn ở trong nhà cũng phải chạy ra. Họ lôi hai người ngồi xuống.

Lạp giảng giải:

- Lúc này mà đánh nhau là nát bét hết công việc. Dù sao thì lý Dĩ cũng đuối lý, nhất định mình theo kiện đến cùng, thế nào cũng được. Nhưng phải nhận rằng hàng ngũ chúng ta trước kia ghép chặt thế mà nay thì lỏng lẻo rồi. Hơn năm mươi chữ ký đấy mà rơi rụng chỉ còn độ hai mươi là trung thành thôi. Cho nên phải tìm cách nào chứ đánh nhau à? Ông thả ra cho mỗi thằng quạng nhau vài cái chán tay thì chỉ đến ngồi thở, ăn thua mẹ gì! Mà vẫn không thể được kiện!

Câu nói của Lạp vừa cay, vừa có lý. Trong im lặng, cả bọn lọt vào một cái châng hẩng, nặng nề. Mỗi người lại lần lượt với cái bát điếu về phía mình. Bực tức, càng rít khỏe. Nước điếu tù sòng sọc rên lên. Rồi sau làn khói, những cái miệng lơ mơ há hốc.

An vẫn lảu bảu nói:

- Ông không đi với anh em thì tội gì ông đem bài đi đăng báo, đi mua sách báo cho chúng mày. Ừ, dù u ông có đóng thuế mất rồi, thì ông vẫn bảo ông vẫn thế kia mà, cũng vẫn được kia mà. Thằng Lạp nói đúng, bỏ ra một mình suất của tao, cố giữ được hai mươi suất không đóng, chứ nếu để tan vỡ cả, nó quật lại cho thì phen này đến bỏ làng bán xới cả lũ. Để mai tao đi mua báo mới về xem tin tức các nơi ra sao.

Cho đến khuya, không ai nói nữa. Lê nói một câu cuối cùng, rồi ai về nhà nấy.

- Đứa nào gặp anh em cũng dặn lại nhau một lần nữa. Không sợ, còn ba người cũng không sợ. Nhất định chỉ đóng vô sản một đồng thuế thôi, đi đến đâu thì đi.

Tuy vậy, điểm những mặt ngồi đấy, không những chỉ có An mà còn có anh khác cũng phân vân, muốn nước đôi. Có anh ngồi đây, nhưng ở nhà đã đem tiền thuế đến lý Dĩ, năn nỉ: “Ông cứ cho cháu nó đóng đằng có sản. Nó dại, đi a dua, rồi tôi bảo dần”. Lý Dĩ cười: “A dua những thằng khố dây, có làm sao thì đến vặn răng chúng nó là cùng, dại quá”. Thì bà Hương, mẹ An cũng nghĩ thế, làm thế.

Hôm sau, An ở tỉnh về, nách cặp một xấp hai mươi tờ báo Tin tức. Gặp ngay bọn Lê ngồi chầu rìa đầu làng, đương mong mỏi, chờ đợi.

Trên đình, thằng mõ vẫn thẳng cánh giọt trống ngũ liên. Từ ngày ký đơn chống thuế, thật tình từ cái lúc hồi ngũ liên đầu tiên báo hiệu gióng giả thu thuế, bọn Lê đã bắt đầu sốt ruột, không anh nào yên tâm làm gì. Không phải vì có ai xui giục, mà chỉ bởi vốn ghét sẵn bọn lý dịch, nhân vụ thuế sắp tới, đọc báo Tin tức thấy các nơi kêu thuế, thì họ họp nhau lại chống thuế. Báo Tin tức từ đấy là cái nguồn phấn khởi giúp họ.

Trông thấy An, mọi người nhao nhao:

- Thế nào? Thế nào?

An giơ tập báo. Những cái đầu bu lại, giữa tiếng Lê thì thầm với An. Lê đã quên những cãi cọ tối qua, cũng như không để ý cả chuyện mẹ An đã đem tiền đóng thuế cho An mà ai cũng biết, Lê nói:

- Nó định gọi lính phủ về ốp. Mai đã là ngày tận thu rồi.

- Yên, yên. Báo nói đây này.

An mở trang giữa tờ báo bốn trang khổ rộng. Ở cột cuối có bài: Anh em vô sản làng Hạ cương quyết đấu tranh. An cất giọng đọc to cho mọi người cùng nghe. Bài báo ấy ở tòa soạn đã chữa nhiều câu khác câu của An viết, ngay từ cái đầu đề, nhưng nghe vẫn hợp lắm, và lại thêm nhiều chữ chính trị càng thấm thía hơn. An đọc tiếp sang những tin chống thuế ở các nơi khác. Mọi người bồi hồi cảm thấy sự liên lạc tinh thần giữa mình với tòa báo và với anh em chống thuế đang sôi nổi khắp mọi nơi (Nhiều nơi còn kịch liệt và gay go hơn ta)... An vẫn đương đọc vanh vách trong tờ báo ra, thì những người uể oải lo sợ nhất cũng lại háo hức, sôi nổi lên.

Lê nói:

- Nếu thế thì việc chánh Nhạ hôm nay cũng cần phải đăng báo lắm.

- Phải, phải rồi.

- Đăng báo cho nó một mẻ!

- Việc gì thế?

- Sáng nay chánh Nhạ trói thằng Ngô rong lên khắp làng. Vừa đi, nó vừa đánh, vừa chửi xỏ: “Mày bắt chước những thằng nào, mày muốn ỳ thì bảo ông. Trêu tay ông không được đâu. Ông cứ đánh cho đến bao giờ mày ộc ra máu, ra thuế, mới thôi. Ông phải thi với mày xem đứa nào gan hơn đứa nào.”

- Cái này là một cái dã man, ta phải đăng báo.

Họ lại rối lên bàn chuyện đăng báo. Mà quên không để ý đi nghe ngóng xem mai lý Dĩ có gọi được lính phủ về đốc thuế ngày tận thu không.

Trên đường vào xóm, cả bọn gặp chị Hai Tâm. Trông thấy cái áo cánh vải lơ trắng mát với chiếc thắt lưng màu hoa lý phất phới đằng xa, Lạp toan lẩn, nhưng không kịp. Chị Hai đã gọi eo éo:

- Gớm thật, anh bắt tôi đánh đuổi anh hết ngày này sang ngày khác thế này là ra làm sao?

- Chị cứ về. Mai tôi đến.

- Anh thử nhớ xem anh hẹn mấy mai rồi?

Lạp cười:

- Mai thật mà.

- Hay là tôi đóng thuế cho anh cho xong đi để còn làm ăn chứ.

Lạp vừa ngượng, vừa tức, sừng sộ:

- Ơ hay chị này! Đừng có đụng vào đấy mà không xong với tôi.

Chị Hai cười, đấu dịu:

- Ừ thế mai nhớ sang sớm, đừng để đỗi cơm mà tôi rủa cho ngồi đứng không yên đấy.

Chị Hai đi khỏi, có anh nói pha:

- Nói với thợ cửi nhủng nhẳng như nói với chồng con ấy.

- Mày làm bố thằng Tâm thế mà được.

- Chỉ láo nào!

Lại như thói quen, tối đến, họ họp nhau ở nhà anh Ba, kẻ nằm người ngồi dưới ánh đèn tù mù vàng hoe. Những đùi, những vế gác lên nhau, những khuỷu tay ghẻ cọ, day xuống mặt phản, bên cạnh cái điếu, mấy quyển sách quăn hết mép, mấy cái điều lệ Ái hữu đã nhàu nát và những tờ báo Tin tức mới. Họ nói cho nhau biết những tin, chuyện nhặt được trong ngày. Lý Dĩ cũng bí lắm. Không gọi được lính phủ về, vì mùa đổ thuế này, những cơ, lệ còn phải bổ đi thúc các làng khác, có nơi còn khó khăn hơn đây nhiều. Lão lý bắn tiếng muốn điều chỉnh, muốn chia đôi số bài bổ thừa, cánh vô sản chịu một nửa, lão chịu một nửa. Lại cũng nghe chuyện lý Dĩ uống rượu, bảo con: “Chúng mày sống để dạ chết mang đi, nhớ lấy mặt bọn thằng Lê, thằng Lạp, thằng Trung mà giả thù cho tao”. Lão cuống rồi. Ngũ liên vẫn đánh ra rả. Xin phép trên phủ cho được kéo dài hai ngày nữa thì cũng chỉ đến chiều ngày kia là tận thu. Nếu như đến bấy giờ vẫn không chịu đóng, lão phải cộp tiền nhà lão ra. Lão chịu thế ư? Sao bây giờ vẫn chưa đả động tróc nã đến bọn chống thuế? Muốn xoay đòn gì đây?

- Đòn gì, đòn bán nhà mà nộp thuế đậy.

Từ nãy, Lê ngồi yên, mơ màng trước trang báo mở rộng, mùi mực, mùi giấy thơm hăng hắc bốc lên, lung linh những chữ in tròn, gọn và sắc nét lạ lùng. Lê nhìn An đương viết bài gửi đăng báo kể việc chánh Nhạ dã man đánh đập thằng Ngô. Lê ngắm An cắm cúi, hí hoáy viết. Lê thèm, Lê thấy khao khát viết. Bài báo kia cũng cảm Lê không kém tha thiết, có phần lại quyến rũ hơn, rành rõ hơn. Người ta có thể viết được báo. Thì chúng ta đã viết báo rồi đấy. Cái bài An viết hôm nọ, đem đọc ra, mình cũng viết thêm vô khối câu vào, bây giờ những câu của mình ấy cũng đương bò lổm ngổm trên tờ giấy thơm phức kia, chẳng của mình thì của ai. Lê nhớ một lần ra Hà Nội, đến tòa báo Tin tức, thấy các anh tòa báo với anh “loong toong”, anh viết băng báo cùng ngồi xúm quanh mâm cơm rau muống chấm tương, vẻ bình đẳng và đại đồng lắm. Từ ấy, nhất là lúc này, Lê ước được làm anh “loong toong”. Lê không muốn làm chân viết băng báo, vì Lê vốn chỉ học lấy, không tập viết, chữ nghều ngoào như cua bò, nếu Lê được làm chân chạy giấy ở tòa báo Tin tức để được học thêm, học chữ, học tranh đấu làm cách mạng, viết được bài trên các báo phái tả, dưới đề tên tác giả: Văn Lê. Mộng to quá! Nhưng mà sao lại không thành sự thực được. An viết bài báo, Lê cũng viết được bài báo. Một bài báo cũng chỉ bằng những chữ ta thường nói. Chỉ cột cái tinh thần. Lê viết. Lê lấy mảnh giấy, nhấm bút chì viết. Bên cạnh những cái lưng, cái chân đương kỳ xuống phản, chốc lại hích vào Lê, xô cả mảnh giấy Lê viết, Lê hí hoáy... Chánh Nhạ... anh Ngô... vừa đánh vừa chửi... dã man... ức hiếp... tranh đấu... công... công gì nhỉ?

Quá nửa đêm, họ lẻ tẻ về, có người đã nằm ngáy khò. An và Lê vẫn ngồi lên, nằm xuống, băn khoăn. Lê cũng đã viết xong, Lê đưa cho An xem những dòng chữ chì của mình leo lên bò xuống chi chít trên mảnh giấy không có một cái dấu chấm câu.

An đọc bài của Lê, rồi nói:

- Hay đấy. Tao ghép bài của mày vào bài của tao, rồi gởi đăng báo.

- Thế hả?

Trong ánh mắt Lê cười ngụ một cái thú vị kiêu hãnh. Xưa nay không biết mặt chữ, không mất một xu đóng tiền học cho ông thầy, ông đồ nào mà bài viết của ta cũng ghép được với bài của cái thằng có một bụng chữ, đi học từ lúc để chỏm.

Lê nói:

- Mai chúng mình đem bài này đi. Nhân thể, mua thêm báo Tin tức về bán. Còn có thể bán được vài chục số nữa chứ không phải ít đâu. Bán cả sang các xã khác cho mở rộng phong trào.

- Mai mày không đi dệt cửi à?

- Kệ.

Rồi Lê bảo An dạy cách đặt các thứ dấu phẩy, dấu chấm, dấu than, dấu hỏi, dấu trước câu nói ngoặc ra ngoặc vào. Cho đến lúc hai người đi về, trong đêm khuya, Lê ta hãy còn ve vuốt mộng viết báo.

- Viết báo thế mà khó.

An nói:

- Phải học nhiều.

- Tao nghĩ đọc nhiều sách cần hơn. Tao nghe nói như anh Trần Huy Liệu là người đọc nhiều sách chứ có phải là người mất tiền đi học nhiều đâu, mà giỏi thế.

- Mày dốt lắm! Đọc hay học thì cũng vậy.

- Tao sẽ đọc nhiều hơn và tập viết. Trước hết tao nhờ mày dạy tao viết chữ quốc ngữ cho thật đúng đã. Tao sẽ viết báo, viết sách, tao thích cả làm thơ.

Hôm sau, Lê và An ra tòa báo ngoài Hà Nội. Lạp cũng đi theo. Lạp vẫn chưa trở lại khung cửi nhà chị Hai Tâm.

II

Bài báo Phản đối đánh người trong lúc thu thuế của An và Lê viết tối ấy, đưa ra báo Tin tức đăng ngay. Báo đăng ngay. Báo Tin tức số ấy đem về bán thêm được mấy chục tờ, cả vùng. Anh em thích quá, tán: bọn lý dịch chúng nó run như dẽ!

Rồi lại chống thuế thắng lợi nữa. Thì ra lão lý Dĩ vì chắc mẩm ăn thua trong dịp làm thuế mới, đã khai bài bổ tâng công với phủ: làng Hạ không có sưu vô sản. Nay lòi ra mấy chục suất, thì lão phải đóng đậy vào. Những người kia, vô sản thật, họ chỉ xỉa ra có một đồng bạc. Lão lý tím mặt lại.

Ít lâu sau, lão lý đem cầm đoạn mại một thửa vườn tre.

Từ đấy, cả một vùng, khét tiếng thanh niên làng Hạ, đâu cũng kéo về đánh bạn. Bấy giờ là năm một nghìn chín trăm ba mươi bảy, phong trào Bình dân sôi nổi ở ngoài Hà Nội. Những người thanh niên các làng đương thèm khát say mê cái mới, cái lạ. Họ là những người trẻ tuổi, khi họ lớn lên thì những cái lò rèn bí mật ở Thừa Lệnh Sơn Tây làm bom bằng xi măng, mảnh chai, sắt vụn cho Việt Nam quốc dân đảng đã tan không còn, việc thủ lĩnh Nguyễn Thái Học và những người đảng của ông bị lên máy chém ở Yên Bái, Nhà nước Bảo Hộ tuyên truyền dọa nạt rầm rộ, cùng với hàng nghìn “vụ án Đông Dương Cộng sản đảng” cũng chỉ còn là một cái ám ảnh khủng khiếp, nhưng lại gợi thêm tò mò, nghĩ ngợi, thắc mắc mà thôi. Và những quyển sách in chằng chịt ảnh các chính trị phạm bị tầm nã mà các viên quan công sứ đầu tỉnh tự tay phát bí mật cho các thày chánh tổng, lý trưởng cũng đã bỏ xó trong tủ, không mấy khi các ông chánh lý phải mở ra để nhìn mặt những người không có thẻ thân, những người đi qua làng bị tuần canh khả nghi bắt giữ lại.

Nhưng đời sống hàng ngày thì lại dần dần biến đổi và hết sức bập bỗng. Nghề lĩnh và nghề tơ tằm thôi thế là không còn ngóc dậy được nữa. Những người thợ cửi già dệt giỏi lĩnh mười bàn nay cũng phải xoay sang tập dệt lụa khổ rộng, thoi giật máy. Các khung cửi bây giờ làm lụa bằng tơ Ly-ông bên Tây, tơ tàu Tứ Xuyên, rồi gần đây thì tràn lan cái tơ bóng tơ mờ nhập cảng của Nhật. Những lái buôn lụa vào lại bán tơ ra, hàng phiên về ngồi xềm xệp giữa chợ Đơ ở Hà Đông, chẳng phải ướt cái khăn mặt lau mình mồ hôi như khi ta đổ cuốn cửi mà họ mua ra, bán vào, lãi ăn bạc nghìn, giữ quyền sống chết của cả mấy vùng công nghệ. Có người buôn lụa bán tơ Tây tơ Nhật giàu quá như nhà Vũ Văn An, lại tậu máy tận bên Tây về mở xưởng thuê cả trăm thợ dệt. Vài ba nhà buôn khác cũng xoay sang làm hàng chục khung cửi. Nhưng hầu hết các làng thì lẹt bẹt mỗi nhà một hai khung, phiên đắt phiên rẻ, càng khiến cho người trong nghề chẳng biết rồi ra làm sao. Hàng dệt càng không ai lấy làm quí nữa, chỉ làm điêu mãi ra, mỗi ngày một đan mành mành bôi bác. Khách và lái mua thì tùy ý họ, phiên có phiên không, mùa đắt mùa ế, mỗi năm chỉ rộ được vài tháng là giỏi lắm, rồi lại sạch tay, lại đương chủ hóa thợ dễ như chơi. Nghề nghiệp và cuộc sống u ám, khó hiểu, tạm bợ. Giữa lúc ấy, bao nhiêu tiếng vang mới lạ từ thành phố đưa tới. Họ mang máng rằng cả cái xã hội này cũng chỉ là tạm bợ, không có lý và phải thay đổi. Họ là một lớp thanh niên mới lớn, khỏe, hăng, háo hức.

Trong anh em hăng hái ở làng này chỉ có An là đã ngồi qua lớp nhất trường phủ. Trung và Ba thì chưa biết chữ. Còn Lê, Lạp đều là những cậu nhai a, b, c ở nhà, học vu vơ thế rồi cũng hóa ra đọc được. Họ mê mải lạ lùng, sách gì cũng đọc, chuyện gì cũng bàn cãi và đêm ngày gò lưng nằm viết bài, chép thơ, viết thư tình chẳng gửi cho cô nào cả mà để đọc với nhau. Trung cũng đã mua quyển sách mở lòng. Lê và An hô hào góp tiền lập thư viện. Họ đi mua về những quyển Vấn đề dân cày, quyển Chu Đức, quyển Chiến sĩ xã hội, những tiểu thuyết Tắt đèn, kịch Không một tiếng vang 1 ... và các báo Tin tức, Đời nay, tuần báo Thế giới, Kiến văn. Họ tập kịch Không một tiếng vang và mỗi chiều chợ tơ thong thả lại họp nhau ở nhà ông Trương Ba đọc báo, đọc sách, cãi cọ văn thơ, chính trị và hát. Rồi hễ nghe ở làng nào có tay thanh niên biết ăn nói giỏi là tìm đến làm quen để thuyết và rủ cánh đánh bạn.

Thỉnh thoảng ngày phiên, cả lũ kéo bộ ra thành phố, đến chơi tòa báo Tin tức. Các anh ở tòa báo tiếp, mời ngồi ghế sa-lông, hỏi han tỉ mỉ, thân mật, cặn kẽ, sướng quá. Chưa bao giờ được gặp những người tri thức giỏi như thế lại thân như anh em, làm cho họ có cảm tưởng tòa báo ấy gần gũi. Mỗi lần trở về làng, lại thấy vùng mình thấp đi và họ say sưa hùng hồn nói toàn những tiếng mới vừa nghe được. Bắt chước giọng các anh ấy, họ uốn cong lưỡi khi nói đến các tiếng có chữ s, chữ ch, chữ d, sự sống, tổ chức, quần chúng, Đông Dương đại hội...

Một hôm Lê bảo An:

- Ngoài tòa báo trả lời rằng dù về đây hơi xa nhưng các anh có thể đi xe đạp về giúp huấn luyện cho chúng ta được. Chủ nhật này thì có một anh về. Ta họp anh em ở đâu cho tiện?

- Không nên ở nhà thằng Ba. Chúng ta phải có nhiều nơi hội họp. Cần kín hơn. Mà bất ngờ càng hay. Cho bọn lý dịch chúng khiếp, chỗ nào cũng thấy thanh niên.

- Ờ. Nhà cậu thế mà tốt. U cậu đã đóng thuế thân cho cậu, chúng nó tưởng cậu không cùng cánh với chúng tớ nữa rồi.

An chối:

- Không tiện. Nhà tớ hay có người ở tỉnh về chơi. Phải bí mật hơn.

- Nhà bác cai Giắt được chứ?

- Được thì tốt quá.

Nhà bác cai Giắt ở khuất. Nhà có cổng gỗ, chòi cổng chứa sẵn toàn mảnh sành, chai vỡ nghiêm ngặt hệt trại lính. Bác ấy vui tính, cái gì cũng thấy vui, vợ mắng như tát nước vào mặt mà vẫn tìm ra cách nghĩ chỉ thấy vui. Lúc nào bác cai cũng đeo bên sườn cái bình toong đựng rượu còn giữ được từ ngày mãn lính. Các ông lý dịch không ưa tính bốp chát của bác. Vả lại, bác đã đi lính sang tận bên Tây, cái năm có chuyến nhà nước lấy lính ta sang dẹp loạn bên Ma Rốc, bác đi lâu, ở cơ ngũ, có đánh trận mạc hẳn hoi mà sau khi mãn về vẫn chân trắng binh bét, cho nên tự nhiên là lý dịch họ khinh bác. Bác đã đi nhiều, đâu cũng biết, biết cả con “sa mù 2 ” có hai cái bướu trên lưng quanh năm nhịn nước. Bác đã được qua cái bãi sa mạc toàn đồng không cát trắng, chẳng bao giờ đi hết được, cho nên, cũng tự nhiên là bác cai xem mấy ông chức việc trong làng chỉ rất xoàng mà thôi. Thấy trai làng chống thuế, bác bảo: “Được đấy. Cứ bắn khỏe vào. Ở bên Tây, những quan ba quan tư mà chúng tớ vẫn kiện thẳng cánh, chẳng có gì là sợ”.

Bác cai Giắt cười khề khề. Thật tình thì chỉ mới nghe Lê nói lõm bõm, bác cũng chưa hiểu các anh trai làng định mượn một gian nhà mỗi phiên chợ một buổi để làm cái gì, nhưng vốn tính hay tưởng cái gì mình cũng biết cả rồi, bác cứ ừ, cứ bảo: “Khi còn ở lính, chúng tớ cũng vẫn làm thế mà”.

Cái gian đầu hồi nhà ông cai Giắt được quét tước sạch sẽ. Họ đem treo vào đấy một bản đồ Đông Dương cắt ở sách ra. Rồi chủ nhật ấy, buổi trưa, bọn Lê, Trung, Lạp, An ra tận đầu làng đứng đợi anh nhà báo. Từ giữa cánh đồng, chuông xe đạp kêu kính keng, anh nhà báo đã về. Anh xuống xe, bắt tay mỗi anh một cái rất chặt rồi miệng anh lại tự giới thiệu “Tôi là Tần, các đồng chí tên là gì?”. Sau đó, cùng kéo về nhà bác cai Giắt. Anh Tần làm việc ngay. Anh đứng chỉ bản đồ nói chuyện về phong trào dân chủ chống phát xít trên thế giới và Đông Dương. Anh em nghe mê mải. Bác cai Giắt đương dệt, chốc chốc cũng lại bỏ cửi, tay cầm cái thoi ra đứng ngoài cửa, nghênh bộ râu trê nhìn vào. Lúc anh nhà báo ra về, mọi người nắm tay giơ lên đầu chào nhau theo lối chào của thanh niên dân chủ thế giới. Bác cai Giắt cũng xòe bàn tay giơ ngang tai chào anh nhà báo ấy rồi bảo Lê: “Ở trại lính thì xòe tay chào thấp thế thôi. Này cái bài các tướng vừa nghe giảng, ngày trước ở lính tớ vẫn được nghe luôn, mà người ta làm ra thành vè như truyện Kiều kia. Thế mà còn rất khó nhớ. Học cái này nát óc hơn đánh tổ tôm!”.

Anh em thì thích quá. Chưa bao giờ được nghe tình hình nhiều và rành rõ như thế. Lần sau, họ còn rủ thêm nhiều anh nữa ở làng dưới lên.

Luôn mấy tuần lễ liền, anh Tần về nói chuyện.

Chủ nhật kia, họ lại hội nhau lại đợi anh Tần. Nhưng đến tận chiều cũng chẳng thấy anh ấy đến. Mọi người sốt ruột. Vả lại ngày cuối phiên, ai cũng bận, mọi người lãng đãng về. Chỉ còn có Lạp, Lê, Trung vẫn rốn ngồi đợi. Mãi đến chặp tối mới thấy anh Tần dắt xe mò vào trong ngõ.

- Có một thằng “cớm 3 ” theo từ đầu ô, mình đạp nhanh nó cũng nhanh, chậm nó cũng chậm, về đến đây mà nó vẫn bám, mình phải đạp phóng một quãng xa cho lạc nó rồi mới quay lại được.

Họ nhìn Tần bằng con mắt kính phục. Mặt anh vuông, bạnh. Bàn tay to như bàn tay một công nhân nhà máy, miệng anh cười tươi và nói lưu loát đúng chất một chiến sĩ cách mạng. Cái sơ mi trắng cộc tay, cái quần soóc trắng, càng làm tăng dáng vạm vỡ, nom anh thật hệt một công nhân bên Liên Xô đầu óc đầy hiểu biết và tranh đấu. Anh xứng đáng để bọn "cớm" phải theo. Lê nói:

Đầu óc đầy hiểu biết và tranh đấu. Anh xứng đáng để bọn “cớm” phải theo. Lê nói:

- Nếu anh vào bảo lúc nãy thì chúng tôi sẽ ra giã cho nó một mẻ.

- Ấy chớ, không nên bạo động không cần thiết.

- Vào làng thì đánh dễ lắm, thỉnh thoảng cũng phải đấu tranh thế nó mới sợ, anh ạ.

Tối nay chỉ có ba người nghe anh Tần nói. Tần đứng trước bàn, vừa nói vừa chống một nắm tay xuống. Mấy người nghe ngồi trên bậu cửa.

Anh Tần nói về lịch sử loài người. Người ta không phải do ông Bành Tổ sinh ra. Mà loài người chỉ là loài khỉ ngày một tinh khôn dần lên, trải qua bao nhiêu nghìn, vạn, triệu năm cho tới được mức đầu óc và lối sống văn minh như ngày nay...

Tần rút trong túi áo ra một mảnh giấy con. Tần đọc to những câu hỏi ghi trong giấy: Giai cấp đấu tranh là gì? Chủ nghĩa tư bản là gì? Chủ nghĩa đế quốc là gì? Chủ nghĩa phát xít là gì? Làm thế nào để thực hiện chủ nghĩa cộng sản? Rồi Tần lần lượt cắt nghĩa.

Đến câu khoái nhất: Ở chế độ cộng sản không còn giai cấp đấu tranh nữa. Tần hùng hồn nói, nhíu đôi mày rậm, căng mặt, tung cả khuy áo ngực; nắm tay anh nhấc lên đặt xuống như cái chày giã gạo.

- Đồng chí Các Mác nói: “Vô sản toàn thế giới hãy liên hiệp lại”. Có thế thì cách mạng mới thành công được. Bấy giờ giai cấp vô sản đã đánh đổ giai cấp tư bản, trả lại quyền lợi, tự do và sức làm việc cho tất thảy mọi người. Hết bọn chủ mỏ, hết chủ đồn điền, hết những bọn chuyên môn bóc lột. Bấy giờ người ta trên hoàn cầu chỉ còn phải tranh đấu với thiên nhiên. Nghĩa là thế này: người dân cày một năm gặp hạn hán thì nhà bác học bèn nghĩ ra cách làm cho trời phải mưa. Ở Liên Xô bây giờ đương làm được như thế. Nhà bác học lại nghĩ ra những thứ thuốc chống bệnh tật, ốm đau, có thể làm cho người không bao giờ chết. Bấy giờ không phải chỉ có một ông Bành Tổ tưởng tượng mà ai cũng là ông Bành Tổ, mà là ông Bành Tổ béo tốt, sung sướng, muốn gì được nấy, muốn đôi giầy được đôi giầy, muốn cái áo sơ mi trắng được cái sơ sơ mi trắng. Trên hoàn cầu ai cũng vui vẻ, trẻ con không biết khóc, người lớn không biết cãi nhau, không đâu còn nạn thất nghiệp, nạn mãi dâm, ai cũng được đi học, được phát triển tài năng của mình và tiêu dùng tha hồ những của cải của xã hội làm ra...

Ánh đèn hắt lên trán anh Tần nhếnh nhoáng mồ hôi. Anh Tần nói nghe mê quá. Bốn bề im phăng phắc.

Rồi cả bọn ra ao tắm. Trăng sáng như ban ngày. Cửa sổ bên khung cửi chị Hai Tâm cũng vừa tắt đèn lên đầu hôm. Chị Hai cầm cái quạt nan ra đứng bên bờ ao, ngửa mặt quạt mớ tóc buông xõa dài chấm gót. Chị vừa ra khung cửi. Thoáng trông xa trong ánh trăng thấy trần hai vai, lồ lộ mảnh yếm trắng lốp như cánh hoa nhài nở đêm. Thấy mấy người lố nhố xuống cầu ao bên này, chị Hai hỏi:

- Có anh Lạp đấy không?

Lạp khẽ:

- Đừng ai gọi tên tớ nhá.

Lê đáp to:

- Có Lê đây thôi.

- Tưởng có anh Lạp thì bảo về mà ngủ sớm, chả có mai lại nửa ngày chưa vào khung cửi.

Mấy người cười rinh rích. Chị Hai vẫn chưa chịu buông chuyện:

- Anh Lê hồi này làm đâu mà thong thả thế?

- Thong thả quái gì, vội chúi mũi suốt phiên đấy.

- Vội mà đêm cuối phiên bận nhất thế này lại nghỉ? Khéo giấu đầu hở đuôi!

- Vội ngày thôi, tối vẫn nghỉ như thường.

Lê lại nói:

- Chẳng khác ngày làm tám tiếng bên Liên Xô, chị có biết không? 

Trong nhà bác cai Giắt có tiếng đàn bà léo xéo. Mọi người lắng tai nghe. Chưa hiểu là bác cai gái đương chửi mát những đứa động cỡn nói chuyện đêm qua ao hay bác ấy to tiếng gì, nhưng chị Hai đã nói:

- Bà lão mắng ông lão đấy.

- Rõ khổ!

- Chỉ tại các tướng thôi.

- Sao lại tại?

- Họp với hành ở nhà người ta để ông lão cứ xem ra xem vào, mất việc, vợ lão mới chửi cho chứ sao!

- Sang tận Tây về mà chịu nước ức ấy nhỉ?

Chị Hai Tâm cười khanh khách:

- Chưa ai trông thấy chòm râu quặp của bác ấy bao giờ à?

Bốn anh đàn ông lố nhố ngâm mình dưới ao vẫn chuyện sang. Lạp nói khẽ:

- Chuyện ma mãnh với chị này thì cả đêm được!

Bên kia lại léo nhéo:

- Nhà bà tôi trong xóm còn một khung, anh Lê có về làm thì tối tha hồ nghỉ đi chơi.

Lê đùa:

- Một thằng Lạp còn chưa đủ, lại tôi nữa, chị mộ nhiều người thế? Có cần cả bọn này nữa không nào?

Tiếng cười lại oang trên mặt nước. Chị Hai, chưa nghe rõ, cũng cười theo. Lạp bảo:

- Bé mồm chứ. Bà lão Đôi mà nghe tiếng tưởng đứa nào chim chuột con dâu bà ấy, lại ra chửi toáng lên bây giờ.

Lê thì thào:

- Tớ đã có phép, nếu tớ lên bây giờ thì ả phải vào ngay. Lên nhá!

Nói rồi, Lê lên bờ ao thật. Lê tồng ngồng, lấp loáng trong bóng tối và ánh trăng. Chị Hai vẫn đứng bên kia, quạt tóc phành phạch. Làm như không biết. Phải cho tới cả ba bốn người nồng nỗng ào lên, chị Hai mới đủng đỉnh vào. Hai vai trắng ngần như bóng trăng lặn sau bụi hoa đơn đỏ. Anh Tần phải nói: “Bạo thật! Có thể giác ngộ chị ấy”. Lạp cười: “Chị ấy có mà giác!” Cả bọn cùng cười, vẻ đồng ý câu đùa mỉa của Lạp.

Ở dưới ao lên, qua nhà ngang, còn nghe tiếng bác cai gái nói ì èo. Lê nói:

- Bao giờ cho xã hội hết những cảnh đau khổ này?

Ra đến đầu ngõ, thấy bác cai Giắt đã đứng đấy, tay gõ nghịch coong coong vào cái bình rượu đeo bên sườn. Thấy bọn này, bác cai dựng đứng người, xòe tay lên mang tai chào kiểu nhà binh:

- Học xong, ăn no tắm mát, đúng như ở lính!

Rồi bác cai lừ lừ ra đóng cổng.

Sáng hôm sau, Lê tiễn Tần về. Ra tới đầu làng, Tần bỗng giật mình nói nhỏ:

- Thằng “cớm” hôm qua kìa.

Lê trông ra thì thấy một người đội xếp quê ở làng dưới, dáng hẳn anh ta ở phố về chơi. Lê cười:

- Nhầm rồi. Người này nhà gần đây.

Tần cũng cười, hồn nhiên:

- Thế hả? Mình hoảng hão!

Rồi lại bắt tay thật chặt. Chủ nhật sau, không thấy Tần lên. Chủ nhật sau nữa, Tần cũng không lên được. Anh ấy dạo này bận, mà anh em trong làng thì cũng mải làm ăn, sinh sống, không mỗi chốc lại bỏ một ngày cửi xuống tòa báo được.

Đương khi ấy, nghe tin ở xóm dưới có một người chính trị phạm mới bị đưa về làng quản thúc. Anh ấy tên Chúc, là người làng, nhưng đi làm đầu con nuôi người thiên hạ từ thuở nhỏ. Chúc cùng họ với Lạp. Chúc đã ở những đâu, làm những gì, không ai rõ, chỉ nghe mang máng cũng tha phương cầu thực, cùng khổ lắm. Nay không biết tại sao mà phải bắt về quản thúc ở làng. Lạp đã xuống gặp Chúc đương ở nhờ một nhà bà con xa xóm dưới, rồi về nói chuyện lại với anh em. Anh nào cũng hí hửng, muốn gặp Chúc ngay. Họ đương khát học, khát hiểu biết, như khát nước.

An, Lê, Lạp, Trung, Ba, cả bọn cùng đi gặp Chúc ngay. Buổi tối, qua các xóm dệt cửi đầu hôm, inh ỏi tiếng hát, tiếng thoi chạy lách tách, tiếng vỏ khổ rập xình xình. Đến một cái ngõ tối lắm. Nhìn vào ánh đèn trong nhà thấy một người đàn ông quấn cái váy vải hoa, mình trần gầy giơ hai hàng xương sườn, đương lúi húi viết. Người ấy ngẩng lên, hai mắt kính trắng lóng lánh.

- À, các anh đến chơi.

Hai bên giơ nắm đấm lên đầu chào nhau, rồi Lạp trỏ người đàn ông gầy quấn cái xà roỏng hoa sặc sỡ:

- Giới thiệu đây là anh Chúc, một chính trị phạm.

Cả bọn ngần ngại, kính cẩn, ngó Chúc trân trân (cũng một phần vì Chúc ăn vận khá lạ mắt). Chúc hỏi ngay:

- Các anh Đệ Tam hay Đệ Tứ?

Câu hỏi ghê gớm đầu tiên làm cho mọi người vừa thích, lại vừa choáng thần hồn. Lạp đưa mắt nhìn anh em, có vẻ khoe ngầm “tay cừ không”, và cảm động, hồi hộp. Mãi sau Lê mới đáp:

- Chúng tôi là Thanh niên Dân chủ, ủng hộ Đệ Tam quốc tế, chống phát xít.

- Thanh niên Dân chủ hay mặt trận Bình dân là được rồi. Chỉ có Đệ Tứ tờ rốt kít cùng tụi với bảo hoàng là phải đả đảo. Đả đảo Đệ Tứ tờ rốt kít phá hoại, lý thuyết suông!

- Hôm nọ chúng tôi cũng ra tận ngoài Hà Nội đi đả đảo tờ rốt kít Huỳnh Văn Phương.

- Phải, phải đả đảo mạnh mới được. Ở bên Xiêm chúng tôi tẩy chay bọn chúng nó, phải tẩy chay luôn không thì chúng nó bám riết lắm. Các anh đến đây định thảo luận về vấn đề gì?

- Chúng tôi đến thăm anh, nghe anh kể chuyện hoạt động. Chúng tôi vừa đấu tranh chống thuế, nhưng sự hiểu biết còn ít, nếu được các anh giúp đỡ thì quí lắm. Anh là người làng thì thật càng vinh dự. Chắc chúng tôi còn phải nhờ anh nhiều.

Chúc kể chuyện bên Xiêm. Trước kia anh đã ở tỉnh U Đon bên Xiêm, làm đủ thứ nghề. Người Xiêm hiền lành, chỉ độc chơi và ăn không. Rặt có Việt Nam ta và người Tàu sang buôn bán như hái ra tiền, ăn chơi tiêu xài và làm chính trị. Chính phủ Pháp tức quá, mới nhờ Xiêm bắt hộ một số đem bỏ tù, còn bao nhiêu thì trục xuất hết.

- Thằng Xiêm nó bảo tôi dữ hơn con hùm. Nó trói tay, trói chân chắc chắn rồi, lại đóng vào cũi, rồi mới cho lên ô tô chở thẳng về Sài Goòng.

- Về đây anh thấy thế nào?

- Đây sao bằng được bên Xiêm!

- Sao anh về?

- Nó định bỏ tù tôi ở Sài Goòng. Tôi bảo phải cho tôi về quê, trục xuất mà. Bơ vơ lại về được quê, đã không mất tiền, lại kẻ giải người đón về tận nơi. Tôi phải về vì cánh họ nhà tôi hiếm người. Tôi đi xa từ thuở bé song vẫn nhớ họ hàng, tổ tiên. Nhưng bây giờ tôi còn buồn lắm. Không có việc làm. Rất túng nữa. Chao ôi!

- Anh có liên lạc với các anh tòa báo ngoài Hà Nội không?

- Việc gì mà liên lạc! Đương túng và buồn lắm đây.

- Anh tới chơi với chúng tôi cho khỏi buồn.

- Được rồi.

- Chúng tôi ủng hộ mời anh lên với chúng tôi, dạy chúng tôi học chữ và chính trị.

- Được lắm. Nhưng để lo xong vấn đề này đã.

Chúc cầm tờ giấy viết dở trên mặt bàn.

- Các anh có biết tôi viết gì không? Đây là thư yêu cầu cưới vợ. Mình cần lấy vợ, họ nhà mình hiếm người, nhưng đời nào mình chịu lấy vợ phải mua bằng tiền nong, dã man. Người yêu của tôi nó cũng cho tôi nghĩ thế là phải. Nhưng mẹ vợ không chịu, đòi xem tuổi, thách cưới, ôi lạc hậu. Tôi viết cái thư này cắt nghĩa cho bà ấy hiểu và tuyên bố thẳng. Nếu bà không bằng lòng thì chúng tôi tự do kết hôn. Tôi đọc cho các anh nghe đây.

Chúc đọc to, một lá thư đề “thưa má” và một thư gửi cho người yêu. Họ không để ý nghe. Họ vẫn lạ mặt vì anh Chúc ở xa về hơn là những cái thư nhố nhăng. Bởi những người con trai mới lớn ấy tưởng chỉ có tuổi đương xuân thì mới ham viết thư tình và thích chuyện tình. Đằng này, Chúc đã hom hem bốn mươi, tay chân kheo khư như tay ếch chân nhái, lại cởi trần, mặc cái váy hoa mà cũng thích tình và kiện tụng hỏi vợ.

Vài hôm sau, Chúc lên xóm trên bàn cách ở trên ấy với bọn Lạp. Chúc sẽ dạy anh em chữ. Cũng là một việc đương cần. Họ bàn nhau đóng tiền nuôi Chúc và như thường chung tiền mua sách báo. Còn quần áo thì mặc lẫn. Ai đi đâu cần mặc chững sẽ mượn của nhau, cũng đã vẫn làm thế.

Có anh hỏi Chúc kết quả cái thư tranh đấu với mẹ vợ hôm nọ. Chúc dửng dưng giơ tay, như hô khẩu hiệu:

- Ái tình không cần mặc cả! Cương quyết tự do kết hôn!

Không biết thế nào, nhưng từ đấy chẳng nghe Chúc nói đến bức thư tranh đấu ấy nữa. Tuy vậy, câu chuyện có vẻ khác thường và mới mẻ đó lại làm cho ai cũng nhìn Chúc bớt oai, không oai và phục, mến như đối với anh Tần, rồi có phần lại phân vân. Có nên đóng tiền nuôi Chúc nữa không. Nhưng không sao, không sao, Chúc là chính trị phạm kia mà. Sự hiểu biết của Chúc sẽ giúp phong trào được.

--------------------------------

1

Vấn đề dân cày, nghiên cứu lý luận của Qua Ninh và Vân Đình. Tắt đèn, tiểu thuyết của Ngô Tất Tố. Không một tiếng vang, kịch của Vũ Trọng phụng.

2

Sa mù: Con lạc đà, tiếng Pháp là Chameau, tiếng “bồi” nói chệch là sa mù.

3

Tiếng lóng chỉ đội xếp, mật thám.

III

Ở tòa báo, anh Tần mời ra ngồi ghế sa-lông, tiếp chuyện đám thợ dệt lụa làng Hạ. Câu chuyện bắt đầu hôm nay cũng như nhiều lần trước là hỏi thăm công việc ăn làm và đời sống anh em.

Anh ấy nói:

- Trong lúc này, ở Đông Dương, thợ thuyền các nghề đã tiến lên họp giới, thành lập Ái hữu để giúp đỡ lẫn nhau, bênh vực quyền lợi nghề nghiệp, rồi đây từ Ái hữu sẽ còn tiến lên nghiệp đoàn bảo vệ triệt để quyền lợi như Tổng liên đoàn Lao động bên Pháp. Phong trào Ái hữu thợ đã nhóm từ các thành phố có tập trung thợ, lan về quê, về các vùng dân cày, các vùng tiểu công nghệ như làng Hạ các anh và đương rộng ra khắp nước. Đó là một phong trào rất hay, làm cho thợ thuyền nhận thấy sức mạnh đoàn kết rồi bước lên đường tranh đấu. Giới thợ dệt cũng cần tổ chức Ái hữu để tranh đấu.

Làm cho trong đầu những người thợ làng Hạ ngồi đấy thấy cần có ngay cái Ái hữu thợ dệt. Trước hết, lập cho vùng này - không được, phải lập cho cả tỉnh, vì trong tỉnh có nhiều làng dệt, một Ái hữu thợ dệt hàng tỉnh, rồi tiến tới Ái hữu thợ dệt xứ Bắc Kỳ, rồi lên Ái hữu thợ dệt Đông Dương.

Trong thành phố Hà Nội, họ đã có lần đi thăm các hội Ái hữu thợ mũ, thợ giày, thợ là, thợ in, ai cũng thấy cần phải có Ái hữu thợ dệt. Bốn chữ Ái hữu thợ dệt hiện ra lung linh (Chữ viết hoa thật đẹp, linh động như có chân, có tay, biết đứng biết ngồi và biết ve vảy đi lại được!), cùng với hình ảnh hiên ngang của anh Văn Tiến Dũng đại diện các Ái hữu Hà Nội diễn thuyết trong ngày kỷ niệm Cách mạng Pháp vừa qua tại Nhà hát lớn thành phố. Ái hữu thợ dệt hoạt động, tất nhiên Ái hữu thợ dệt sẽ có những công nhân trình độ cứng như Văn Tiến Dũng, như Tần. Ái hữu thợ dệt sẽ có An, có Văn Lê và cả Lạp, cả cái thằng Trung chưa học hết vần trắc kia nữa, họ đều sẽ biết viết ra bài báo, viết ra văn như các anh Trần Huy Liệu, anh Trần Đình Long. Lực lượng thợ dệt sẽ là một lực lượng đáng kể, chỉ huy sức sản xuất lụa cho thị trường kinh tế Đông Dương và khi ấy nhất định tiếng nói chính trị của nó sẽ khá là to lớn. Cố nhiên, bây giờ đời sống thợ thuyền đã cải thiện nhiều rồi, xã hội thay đổi rồi. Ái hữu thợ dệt! Ái hữu thợ dệt! Ủng hộ Ái hữu thợ dệt, một nắm đấm quả quyết giơ lên đầu! Tòa báo Tin tức sẽ đăng hiệu triệu của nhóm sáng lập đứng ra triệu tập, lập ban trị sự lâm thời Ái hữu thợ dệt toàn tỉnh. Trong khi lời hiệu triệu bay đi khắp nơi thì chúng ta sẽ về báo tin cả làng Hạ, gióng giả hết thảy anh em thảo điều lệ, gửi đơn xin phép, kẻ biển - kẻ một cái biển nền đỏ chữ đen, hay chữ vàng đồ sộ - và đi giao thiệp, tìm đồng chí, tìm tiền. Ôi chao! Ngút ngàn những việc!

Bàn bạc với anh Tần xong, họ về làng, ôm theo một đống việc mới. Nói chuyện, anh nào cũng thích. Chống thuế, đọc sách, bàn văn thơ, chính trị chỉ mới là loanh quanh việc trong làng. Nay lập Ái hữu quy mô to tát, cũng như đương trong bóng tối mở được cái cửa sổ, bật đèn điện sáng rực rỡ lên. Họ đương thích người, đương hăng hái và đương loay hoay tìm ánh sáng. Thế là cả lũ lại à đi cổ động, bắt chước thảo điều lệ, tìm chỗ làm trụ sở, góp tiền ra chạy.

Lạp đương loay hoay ngợp trong những việc đó thì chị Hai Tâm lù lù đến. Lạp tưởng phen bỏ cửi này thể nào chị Hai cũng bực mình, ruỗi anh ra. Nhưng không, chị Hai vẫn dễ dàng như mở tờ giấy. Lạp lại hẹn đến mai sẽ về dệt. Chị Hai nói:

- Anh làm thì anh lấy công, tôi chả mượn anh thì tôi mượn người khác chứ ăn cỗ ăn bàn gì mà tôi phải đi đánh đuổi để mời mọc, chèo kéo anh. Nhưng tôi thiết nghĩ như anh cũng nên tu tỉnh chứ cứ rạc cẳng cơm nhà việc người tối ngày như thế thì rồi anh ăn vào đâu, ở vào đâu?

Câu nói xóc móc xiết vào Lạp như cái phanh xe đạp sít vào bánh. Lạp đứng dừng lại. Lạp nghĩ. Cũng như mọi anh em khác, phải nghĩ. Cơm áo và sự hoạt động. Làm thế nào? Ăn vào đâu? Ở vào đâu? Có như thế thật. Mẹ Lạp đi khâu vá thuê cũng chỉ đủ nuôi nổi mình mẹ Lạp. Con trai nhớn như Lạp đã phải tự kiếm từ lâu rồi. Mấy hôm nay bỏ cửi, không có tiền, Lạp ăn vạ ăn vật. Động đi đâu thì anh nọ lại vay cào vay cấu anh kia. Ngày mai còn chưa biết trông vào đâu. Nhưng họ chưa hề tự hỏi như thế một lần nào. Tâm hồn họ đương phồng mọng những tư tưởng mới lạ. Mình nghèo túng thế nào thì chưa cần nghĩ rõ ràng, mà câu thơ mới nghĩ được ra:

Thiếu cơm thiếu áo thiếu yêu đương

Cái bọn nghèo ta thiếu đủ đường

thường thấm thía trong bóng phấp phới lá cờ tương lai tốt đẹp của nhân loại bay đằng trước mặt.

Nhưng dù sao thì có thực mới vực được đạo. Lạp phải đi làm. Lần này không hẹn giắt nữa. Lạp về khung cửi đúng hẹn.

Chị Hai Tâm mừng quá. Bữa cơm sáng ấy đã có nhộng rang, lại đi chợ mua thêm mấy chục trám đen. Hàng họ lớp này lại đương chạy tay. Thợ tạp nham thì vô khối. Nhưng mà mượn được một thợ giỏi không phải dễ. Huống chi, thợ giỏi đối với nhà chị lại khác, lại khó hơn nhà người ta. Bởi vì cái lệ nhà bà Đôi chỉ cho thợ dệt ngày. Nhà bà Đôi rặt đàn bà con gái - chỉ có bà già và gái góa - cho nên mẹ chồng chị Hai vốn cẩn thận và khó tính, thường mặc cả thẳng với thợ là nhà tôi mướn dệt ngày không dệt đêm, ai bằng lòng thì làm. Lên đèn dệt đầu hôm hay là gà gáy đã có chị Hai và thằng bé ở học làm gọ gẫm, lạch cạch được thước nào hay thước ấy. Thợ đã vào nhà này phải thợ giỏi, thợ cừ, chuyên làm ngày mà một phiên phải được ít ra trên năm chục thước lụa hàng. Cũng nổi tiếng khéo như ông bố ngày trước, Lạp đã dệt giỏi, lại khỏe, nhanh. Ngày làm mười, mười hai thước cửi ngon, bước ra khung, mặt trời còn đứng lưng bụi tre. Cho nên bà lão Đôi khó tính thế mà cũng chiều Lạp như chiều vong, còn chị Hai Tâm thì ra công đi chuốc và đãi đằng. Không dệt tối mà ngày cơm lèn ba bữa đều, mỗi chiều phiên chợ lại cút rượu với khúc cá rán, kèm luôn năm hào đặt ngay bên thành mâm chưa cần tính toán, để anh tiêu ngày phiên.

Công việc Ái hữu náo nức và tiến đều.

Chúc ngồi thường trực rồi chạy cả ngày và An có thời giờ thong thả cũng giúp được nhiều. Những người khác, dù thích, nhưng cũng phải tay kiếm ăn, tay hoạt động mới được. Ban ngày dệt cửi, tối mới tụ tập nhau lại, chép điều lệ, làm đơn lên phủ xin phép và đi cổ động.

Cũng như anh em khác, Lê phải cố bình tĩnh làm, không nóng ruột buồn chân buồn tay, không khó chịu “cái khung cửi như cái cùm, giam người và giam hãm tinh thần lại. Phải thoát ra khỏi khung cửi, làm một cái gì to lớn khác”. Ý nghĩ ấy cũng bớt thúc đẩy, bởi vì, nếu không dệt thì đến cả cái Ái hữu tưởng tượng trước mặt cũng không thể mọc ra được. Lê hay có nhiều ảo tưởng và nóng nảy. Tuy vậy, Lê đã đặt ra một chương trình bình tĩnh:1. Dệt cửi đều để có tiền tiêu, còn tối ngày phiên thì học chữ anh Chúc. 2. Tối nào cũng lên trụ sở Ái hữu bàn công việc. 3. Tối nào cũng đọc sách, không được buồn ngủ. 4. Phiên này mua tập giấy để học, tập viết chữ cho đẹp, cho đúng dấu và tập viết báo, làm thơ.

Lạp cũng có chương trình học chữ, đọc sách, đại khái như Lê. Nhưng cứ lúc nào vội lại bỏ cửi và buồn ngủ, lại ngủ, đến hôm về lại phải làm, phải học lại.

Lạp cắm chiếc văng mới xuống mặt hàng rồi đẩy choãi cái đòn ngồi, cho đỡ bức. Cũng vừa hay đầy nhịp cửi, Lạp gõ văng rồi bước ra hút thuốc lào. Mồ hôi bò thành đường quanh hai múi ngực nở và chảy dòng dài trên cái lưng trần bóng nhẫy.

Chị Hai Tâm guồng tơ ngoài đầu hè, nghe hiệu gõ văng, vào sửa cửi. Chị ngồi vắt vẻo trên đầu song hành, dải lưng bao lụa hoa lý buông thõng như cái đuôi con vẹt. Từ năm chồng chết chị Hai mỗi ngày một gọn ra, đẹp ra, như con gái, con gái cũng chưa chắc ăn đứt. Chị mới ngoài hai mươi, mà thằng Tâm đã lên sáu. Chị nhẹ nhàng, thanh thản, chẳng bận bịu gì. Nhà hai khung cửi, một của mẹ chồng, một của chị. Ăn chung đổ lộn cho vui nhà, nhưng thật thì chị một mình một lưng vốn. Bà Đôi quí và thương con dâu, cũng để thế, cho thị thỏa thuê. Thế mà có người lại bảo thế là bà lão Đôi thâm, khéo giữ người. Nhưng chị Hai đảm đang, hay làm đã nức tiếng, rộng vốn thì càng khá chứ lọt đi đâu đồng nào. Chị có đến vài trăm bạc giắt lưng, cũng vào hạng mát mặt trong làng - muốn gì được nấy, muốn ăn gì mua được cái ấy ăn. Thằng cu Tâm sướng như con cầu tự. Ngày Tết, chị Hai mặc choang chóe, lóng lánh khuyên vàng, áo the cặp, khăn nhiễu hoa dâu, tóc đuôi gà thật thật dài (không phải tóc độn) ve vảy, tung tăng, môi nhai trầu cắn chỉ, mắt lẳng liếc có đuôi. Chơi chua, ăn mặc hơ hớ thế, làm gì mà chị Hai chẳng trẻ ra, đẹp ra. Ở các hàng nước, các đầu ngõ, đầu khung cửi, chuyện chị Hai Tâm thường là câu chuyện thời sự. Người ta tán đố nhau: liệu chị ả có bước đi bước nữa không? Đứa nào mà lấy được ả bằng mả táng hàm rồng, chỉ việc nằm dài cho vợ phục dịch. Gái góa mà bằng mấy gái tơ ấy à! Nhiều người bảo: chị ta cứ cố chịu khó ăn rau răm, nhịn đi, thì thảnh thơi suốt đời, hơn là bước đi bước nữa, biết bước lên mâm cao cỗ đầy hay bước xuống hố. Mà có lấy chồng bây giờ - trai tơ nào ghé đến? Chỉ dễ sa vào vợ lẽ con thêm. Nếu phúc được con vợ cả không Hoạn Thư thì cũng đến trải cái đận con anh con tôi khúc rồng khúc rắn, và tám mươi nhăm cái tròng lọng thắt vào cổ, cay đắng hơn kiếp con chó, chắc đâu được trơn lông đỏ da thế này.

Chị Hai, người con gái xưa vùng chợ Cầu ấy, xinh xắn, bé nhỏ, đẹp như cái búp hoa sen, đi đám hội nào cũng lắm anh đắm đuối ngẩn ngơ. Chị ăn nói bạo miệng, thích chặn họng làm những vố chết điếng các cậu mặt trứng cá, mới vỡ tiếng. Chị nói cợt: “Các cụ nhà cháu dưới Âm Phủ cần người hầu hạ cho nên đã gọi bố cả cháu về được vài năm nay. Bố hai cháu thì làm việc bàn giấy nhà Bô Đa ngoài Hà Nội, chủ nhật nghỉ mới dắt xe đạp về chơi”. Hoặc người ta hỏi: “Nhà Hai đi đâu thế?” Chị đáp: “Tớ đi đón thằng bố hai hôm nay chủ nhật ở nhà Bô Đa về, xe đạp kính coong sắp đến kia kìa”. Rồi khanh khách cười. Chị miệng xà tâm phật. Tâm phật thật hay miệng xà giả? Nào biết. Nhưng đã vài năm ở vậy rồi, thật sự chẳng mắc qua một điều tiếng gì.

Hai Tâm hỏi Lạp:

- Này, thế cái vụ thẻ vô sản thì ông lý Dĩ thua hay các anh thua?

- Thua thế nào! Lão ta phải móc hầu bao ra đậy cho hai mươi suất sưu nộp phủ, rồi khi phát thẻ mới nhặt lại từng đồng. Có khác gì trâu chạy mà đuổi theo nắm đuôi. Cầm đoạn mại cái vườn tre rồi, chị không biết à?

- Lão oán các anh lắm đấy. Lão bảo lão ơn nghĩa đủ điều mà các anh ở bạc.

- Chuyện! Thiệt hại đến quyền lợi giai cấp mà lại nói ơn nghĩa.

- Chưa biết ai thiệt ai hại! Anh dệt liền một tháng đừng bỏ cửi thì đóng nổi đến bảy suất sưu! Tôi cứ tính chạy dông như chó dái cả tháng thế thì hóa ra các anh thiệt đứt đuôi ấy chứ.

- Chuyện như chị thì còn gì là tranh đấu.

- Chẳng chuyện như tôi thì như ai? Chuyện lông bông như anh thì kiếp nào có được vợ, thì ai dám lấy?

- Tôi không cần.

- Bụng lại không thèm rớt dãi. Này đừng cứng mép, không bịt mắt tôi được đâu. Các anh mới mở với nhau cái hiệu Ái hữu ở trên chợ để làm gì? Thấy nói bảo thợ cửi, thợ tơ rập rìu ra vào đấy nhiều lắm. Các anh không vợ muốn mở cái lầu xanh nhà thổ phải không?

Lạp tức quá, rít luôn hai hơi thuốc rồi đứng giơ tay thuyết cho chị Hai Tâm biết thế nào là hội Ái hữu, là nghiệp đoàn, là tổ chức của giai cấp thợ thuyền. Mặt Lạp đỏ gay. Một tay nắm lại đấm nhịp xuống như tay anh Tần. Mồ hôi vừa ráo, lại ròng ròng trên ngực. Chị Hai ngừng tay gỡ nhịp cửi, ngẩng lên, lim dim mắt nhìn Lạp như nhìn một cái gì lạ lắm. Rồi chị đột ngột cười khanh khách, khiến Lạp cụt hứng, miệng nói ngượng hẳn. Chị Hai càng cười nức không ra hơi. Lát sau, ngớt cơn cười, chị ôm bụng, hổn hển.

Lạp hỏi:

- Chị có hiểu không?

- Hiểu rồi. Con gái mấy làng dệt the trong La, Mỗ cô nào cũng trắng muốt, tay búp măng nhỏ mứt. Rồi các cô ấy ra đây chơi hội Ái hữu thì thích lắm đấy.

- Rõ chị này!

- Phiên chợ nào tớ cũng gặp mấy cô La Cả, La Khê ra bán the, xinh xinh là, tớ quen hết. Có muốn lấy, tớ làm mối. Việc gì mà phải mở hội đặt bẫy cò ke lôi thôi mất công mất việc.

- Chuyện với chị, không nói nữa!

Chị Hai lại rũ ra cười:

- Thật đấy. Tớ làm mối cho một cô rõ thật xinh. Bà mối này không đòi gì đâu. Vợ chồng ngày sau làm ăn khấm khá, có vốn, có con rồi bấy giờ bà mối mới lấy công một đôi gà giò thôi.

Lạp khó chịu, nghĩ lảng chuyện khác. Chẳng biết An đã viết xong cái điều lệ chưa. Chị Hai Tâm tưởng Lạp bắt chuyện, lại cười nói huyên thuyên:

- Này cứ nghe tớ như thế mà tươm. Chứ lông bông chỉ tổ rạc cẳng, ngày lắm mối tối nằm không vắt tay lên trán ngẫm sự đời.

Lạp lại lừ lừ vào khung cửi, chẳng nói chẳng rằng. Lạp mở quyển điều lệ Ái hữu thợ giày ra, giắt dưới văng, vừa dệt vừa cúi đọc. Lạp nghĩ chuyện Ái hữu. Không để ý những câu pha trò nhả quen thuộc của chị Hai. Lạp móc thoi, chúm miệng hút sợi tơ đầu suốt qua lỗ thoi, ném con thoi thoắt vào rồi lại cắm cúi, băm bổ trước cái vỏ khổ nhoay nhoáy đưa ra đẩy vào trên mặt lụa mới tinh, mềm nhũn, mỗi lúc một dầy lên. Cái quạt giấy tròn xoe là nút buộc thừng vào một bên chân đòn, nhảy nhót, đều đều phảy xuống lưng.

Chị Hai ngỡ Lạp cáu với chị, chị tủm tỉm cười, nói một mình: “Cử tú gì mà lúc nào cũng sách vở thế!” Rồi chị ra đầu hè quay nốt tơ.

Chiều ra khung cửi, Lạp vội đi. Đã có hẹn với Lê tối nay tiếp các đại biểu thợ dệt vùng trong. Vắt cái áo lên vai, Lạp đi thẳng. Chị Hai không thấy Lạp xuống ăn cơm, đồ là Lạp vẫn tức câu chuyện đùa ban trưa. Tuy là tối cuối phiên, sắp lên đèn vào khung cửi, chị cũng khoác áo, tất tả đi tìm Lạp. Chị lên dãy nhà trên chợ. Trụ sở Ái hữu ở một gian trong cái nhà trọ đó, suốt ngày khóa cửa, chỉ kê vừa chiếc phản, ngay bên cạnh mái bếp nhà hàng xóm bán phở, lúc nào nồi nước dùng cũng bốc mùi, bốc khói vào vừa thơm vừa cay xè mắt.

Chị Hai đến tận nơi, đi thẳng tới chỗ Lê, Chúc, Lạp, trong ánh đèn Hoa Kỳ hắt ra, đương ngồi với một người đàn ông to lớn, mặc áo the hoa cặp, chít khăn nhiễu tây. Nom không phải người vùng này. Chị Hai lùi lại, nhưng Lê đã trông thấy. Lê chạy ra đon đả. Lê đương hăng hái thích cổ động, ngỡ chị Hai đến trụ sở hỏi gì về Ái hữu.

- Mời chị vào chơi, mời chị vào...

- Các anh có khách, thôi để khi khác. Nhờ anh nhắn hộ anh Lạp ra đây tôi hỏi.

Lê mới nhớ ra chị này lại đi gọi thợ cửi. Lê thoái hộ:

- Lạp nó đang bận. Chị nhắn tôi cũng được. Hay là chuyện kín đấy?

Lê nói bẽ cho chị ả nhụt. Nhưng chị Hai thản nhiên như không:

- Nhắn à? Nhắn anh đồ ấy chơi đâu thì chơi, nhớ mai đến nhà tôi đổ hàng sớm.

- Được, tôi bảo cho.

Chẳng nhụt, chị Hai lại đay nữa:

- Các anh lắm bạn sang nhỉ? Giờ tôi mới biết cái hiệu Ái hữu đấy.

Rồi vừa cười vừa quay ra.

Nhưng bạch nhật hôm sau vẫn chưa thấy Lạp đến. Chị Hai phải vào khung cửi đổ lấy hàng, đo, đếm rồi một mình gấp bỏ vào đãy để sẵn ra phản đầu hè. Cơm nước xong, chị sắm sửa đi chợ tơ Hà Đông. Tấm áo vải đồng lầm đỏ như son thậm, hai vạt thắt bó que. Cái thắt bao hoa lý thấp thoáng lẫn với màu đôi dải yếm đào, như những cô lái tỉnh Bắc. Cái nón kinh khoác một bên tay, cái đãy nâu đựng hai súc lụa cao ngất nghểu đeo trĩu lưng. Nặng thế mà chị Hai vẫn bỏm bẻm nhai trầu, giữ dáng đi nhanh con cón. Cô lái lụa sớm mai ra ngoài đường gặp lũ lượt người đeo đãy đi chợ.

Ra đầu đường cái, chị Hai gặp Lạp đi với cái người to lớn khăn nhiễu áo the hoa thấy tối qua ở hội Ái hữu. Chị gọi hỏi gắt: “Sao sáng nay anh không về đổ cửi?” Lạp quay lại, sa sầm mặt. Chị Hai biết Lạp ngượng với khách và cũng biết mình lỡ nặng lời, lại sợ Lạp nói văng ra câu gì thì giông cả sớm mai buổi chợ, chị quay đi, tươi cười, ve vảy bước.

Mà Lạp ngượng thật. Anh ta đương đi cùng với Khiết, đại biểu thợ dệt ở Vạn Phúc mới ra đây liên lạc. Lúc đó, hai người đi đón một số anh em ở các nơi trong tỉnh hôm nay cũng ra gặp ban hiệu triệu thành lập hội Ái hữu.

Hôm ấy, ngày phiên, các khung cửi thong thả. Chiều ngày phiên ở vùng lụa cũng như ngày chủ nhật ở tỉnh. Thợ cửi, thợ tơ các ngõ đổ ra xúm xít đầu ngã ba, dưới cổng tán. Các quán nước và hàng rượu đầu làng đông vui, tấp nập, ồn ồn. Bỗng trẻ con táo tác chạy gọi nhau: Chúng bay ơi! Đám cưới!

Nhưng không phải. Chỉ thấy Lê, Lạp, An, Trung và nhiều anh nữa, thành tốp có đến hơn hai mươi người, đi cùng với Khiết, đại biểu thợ cửi vùng trong ra đây liên lạc, cùng với mấy đại biểu các nơi khác. Họ đi rợp đường cái. Ngõ nào cũng chạy ra nhìn. Như đám cưới thật. Đại biểu vùng trong có cả phụ nữ! Phong trào Ái hữu mới nhóm lên trong ấy mà đã lên vẻ rầm rộ. Đất người ta sùng bụng vào hội thật. Thợ cửi và các chị thợ hồ, thợ tơ, cả trẻ em học làm, cả nhiều ông chủ một, hai khung cửi cũng vào hội. Bởi vậy, họ ra đây, ăn vận chững. Áo the chùng, quần là ống sớ trắng bốp, khăn chít phẳng nếp chữ nhân, giầy tây cồm cộp vỡ cả gạch làng người ta. Lại có cả hai cô mặc áo nhiễu tây nâu ngoài, trong áo cánh lụa chuội mỡ gà, tai óng ánh đôi khuyên vàng.

Cánh Lê đương dẫn các bạn đi chơi quanh làng. Cũng có ý khơi cho làng nước biết hội Ái hữu ta to rộng đấy. Liệu mà sắp vào hội Ái hữu cả đi thôi. Các cô gái làng, những cô Hiền, cô Nhàn, những chị Hai Tâm, đứng nấp sau bờ rào dâm bụt, sau bụi xương rồng và bên kia bờ ao nhìn ra. Rồi có đến mấy hôm sau, còn bình phẩm, bàn tán về hai chị ả đi trong bọn. Kẻ chê, kẻ khen. Nhưng ai cũng phải chịu con gái các nơi người ta bạo, người ta mới biết ăn chơi, hội Ái hữu tận đâu ấy mà cũng kéo ra, đi đánh đôi với con trai, phòng thử gái làng ta đã ai tự nhiên được như thế.

Anh em làng Hạ, phần hỉ hả vì hội sắp to, phần thì cũng sốt vó chạy tiền thết khách. Nhưng kín đáo, không dám lộ. Con người vùng công nghệ, đi tỉnh luôn, lại có lái buôn các nơi đô hội về thường liền, nên cũng lấy thói phù hoa, màu mỡ riêu cua bề ngoài. Hai hôm khách đến, tiêu pha ung dung, đến khi khách về khỏi, anh nào cũng túi rỗng tuếch. Lạp lại méo mặt đi xoay tiền. Lại chỉ đậm có một chỗ dễ là vay trước tiền công của chị Hai Tâm.

Chị Hai nói:

- Anh đã vay lội tiền rồi. Phải tiêu cầm chừng chứ. Chưa vợ con mà...

- Có cho mượn thì cho, không phải dạy khôn tôi.

- Người ta nói phải chăng mà cứ nhăn như bị. Thế này này, phiên trước anh đã vay của tôi là đi...

- Thôi tôi đương vội, không phải tính. Chị cho tôi giựt tạm một đồng, mai tôi bận tôi nghỉ nốt một ngày nữa, ngày kia về tôi ngồi liền, cam đoan một tháng không ra khung cửi.

Lạp cười, làm lành. Nhưng chị Hai vẫn: “Anh vay lội nhiều rồi”.

Lạp lại căng:

- Chị không cho mượn thì thôi. Vay thì tôi phải đổ mồ hôi ra làm giả chứ ai cướp không mà...

- Anh này ăn nói xô bồ chẳng ra thế nào. Bẳn tính thế thì mở hội Ái hữu dụ dỗ được ai!

Lạp càng bực vì cách nói đùa châm chọc.

- Tôi nói thật. Tôi sẽ tính sổ với chị. Tôi không làm cho nhà chị nữa. Tôi báo trước để chị tìm người khác.

- Anh này rõ cứ như lửa...

- Tôi thôi thì chị cũng chẳng mất tiền năm tiền cọc gì mà sợ thiệt.

- Này đây... Tôi biết rồi.

Lạp cầm đồng bạc chị Hai vừa cởi ở bao lưng ra. Lạp không để ý câu “Tôi biết rồi” tấm tưởi, ghen tức như muốn khóc và nét mặt bùng phỉu của chị Hai lúc đó thế nào. Lạp đương bực.

Nhưng chị Hai cũng chỉ ra riết có lúc ấy. Như một người vợ căn cơ, tằn tiện, lúc nào cũng ngăn chặn không để chồng mải chơi ngang.

Lát sau, chị tươi tỉnh ngay và xách đèn đi sửa cửi, bọc mặt cửi cẩn thận rồi ra đầu nhà đứng quạt, chải tóc. Tóc chị dầy, dài thướt tha, đêm mùa hè nóng bức có khi đương ngủ cũng phải trở dậy quạt tóc.

IV

Chúc cởi trần, gầy rạc như con nhái bén; quấn cái “xà roỏng” hoa xòe tròn giống cái váy của bà già, cứ ngồi cả ngày tiếp khách, cứ trả lời, hô hào người vào Ái hữu - tuy rằng Chúc không phải thợ dệt và cũng không bận gì đến hội Ái hữu. Chỉ vì Chúc rỗi rãi mới có thể suốt buổi ngồi ở đấy được. Vả chăng, Chúc là chính trị phạm hiểu biết chính trị và lưu lạc nhiều, cái gì cũng biết, cũng bàn được.

Chúc nói:

- Tôi lưu lạc từ năm mười lăm tuổi. Đâu tôi cũng được đi đến rồi. Cốc Lếu, Hải Phòng đủ cả. Tân thế giới, Lào, Xiêm cũng có. Tôi đã làm nghề bắt rắn, tôi đã bẫy hổ nấu cao, tôi đi phu bắt–tê, tôi làm thầy ký đình huỳnh trong tay sổ chấm công hàng trăm cu ly, rồi lại nếm các thứ ngồi tù nhé, nhiều đến nỗi ngồi teo chân rồi lại phù chân. Ở Xiêm, tôi quen từ lão đội xếp dẹp đường đến các tay cộng sản Đệ Tam, Đệ Tứ. Lung tung chán cả rồi, bây giờ chỉ thèm ăn, thèm ngủ, thèm lấy vợ. Chương trình là Lê Văn Chúc làm lại cuộc đời và tự do kết hôn. Gọn có thế thôi.

Chúc ra cửa, đứng hếch mắt kính lên, lúc nào cũng thấy cái bánh rán, cái bánh dày cặp trên miệng, như con chim tha mồi. Gặp ai bù khú được cũng tán ăn và chuyện vợ, gạ người ta làm mối cho cô này... cô này... thèm quá, thèm rồi...

Sự lem thuộm và những ý nghĩ nhiều khi gàn gàn tầm thường đó, anh em ngờ là Chúc không phải chính trị phạm. Các anh chính trị phạm ở tòa báoTin tức, sao mà đáng kính phục. Nói chuyện một lúc với anh Tần thì nghe như đã khôn lớn người ra chứ đâu như với Chúc. Chắc trước Chúc cũng chỉ biết chút ít rồi bị đế quốc bên Xiêm bắt nhầm mà thôi. Khối người như thế, rồi mất vía. Tuy vậy, họ vẫn quý Chúc, vì Chúc dạy được chữ, Chúc biết hát bài Quốc tế ca, biết nhiều chuyện các nơi, nói chính trị có lúc lẫn lộn nhưng có lúc hay và nhất là bởi vì Chúc cũng thích Đệ Tam quốc tế và cho rằng rồi thế giới loài người sẽ đại đồng.

Cả ngày Chúc ở trụ sở. Chúc thu lu, lúc ngồi lúc nằm giữa phản, cái váy hoa xòe kín gối, như ông Phật “nhịn ăn mà mặc” vẫn thấy ở các tòa sen trên chùa. Mắt kính trắng, nghếch nghếch nói, cũng thích gặp các chị thợ dệt vùng trong ra, nhưng Chúc không dám nói như vậy. Nhiều làng tơ cửi ở các huyện cuối tỉnh cũng đã tới liên lạc. Tình hình tốt đẹp thế này, chỉ ít ngày nữa, ban hiệu triệu có thể hợp lại thành lập ban trị sự lâm thời được. Giấy phép còn phải xin trên tỉnh nữa, chưa có cứ chòng vòng đợi. Nhưng vẫn tấp nập gặp người đến hỏi lập hội.

Rồi làng Hạ vào đám thường lệ mỗi năm khi tháng Ba tới. Đã qua cái Tết, những đám thò lò, xóc đĩa kéo đến hết giêng hai, giờ lại sang hội hè, đình đám, làng nào cũng hội và lại cờ bạc. Làng Hạ năm ấy, bốn giáp mổ hai bò và có ba đêm chèo hát giữa sân đình. Cuối làng, mấy lò xóc đĩa, sát phạt nhau suốt ngày đêm. Dù đã đấm mõm từ các chức việc xã lên đến phủ, từ chú lính tốt đen đến ông tri huyện tư pháp, nhưng bọn gá bạc vẫn phòng bị phải đánh kín một nơi. Nhỡ lính phủ có ghen ăn về bắt thì chạy tháo ra đồng được dễ!

Những nhà có trong làng, nhà nào cũng làm cỗ và suốt một phiên, các khung cửi nghỉ dệt. Cuộn hàng mỏng dính chỉ độ hơn chục thước. Thế mà nhà nhà dong ra dong vào, đêm xem hát chèo, như khi Tết nhất.

Làng và đám có chèo hát, thanh niên nghĩ ra cách diễn kịch. Ở các sách vẫn mua được sẵn có mấy vở kịch mà họ thường đọc. Sẽ diễn kịch phụ vào sau buổi tuồng, như mọi năm thường “hậu tiếp cải lương” các phường hay làm.

Sôi nổi bàn tán. Bọn Lê và Lạp không thích lắm, nhưng cái gì mới, họ tham gia ngay và đến lúc chơi vào thì ham. An với Chúc rất hăng lên sân khấu cho cả làng biết tài.

Thế là bắt đầu tập một việc mới. Người làng thấy nói làng ta năm nay thanh niên diễn kịch thì háo hức, chờ đợi, tìm xem tập, xem kịch cọt ra làm sao. Người ta coi như thường trai làng múa sư tử hoặc những anh khoe giỏi lên hát giúp phường chèo một đôi vai phụ, những vai vua, vai tướng, vai học trò đi thi, người bán quán nay nghe đồn kịch có thầy giáo, thầy bói thổ công, tiểu thư, công tử, lạ lắm.

Lê đóng vai ông thổ công. Vì vai thổ công được nói than thở cái nghèo nhiều. Đóng thổ công không khó, nhưng phải mặc áo thụng không có quần, đội mũ cánh chuồn, đi hia, hung tợn và báng bổ thế, không đứa nào dám làm. Sợ bố mẹ chửi. Có đứa còn hãi đụng đến vua bếp, vua bếp sẽ làm cả nhà đau mù mắt. Thì Lê đóng thổ công “để giác ngộ người ta hết mê tín”. Ông thổ công, mũ, hia, áo dài, không mặc quần - nhưng Lê đã đóng cái khố một. Ba mươi Tết, chẳng may năm ấy thổ công ở phải cái bếp nhà đói, chủ nhà không có tiền mua cá cho ông bay lên chầu trời, ông đành ngồi xó bếp, đương gào khóc, chửi rủa.

Một buổi tối, thổ công Lê tập kịch trợn mắt, vắt chân ngồi nói lý sự và chửi tuốt cả thiên đình, hạ giới thì bố Lê, lão Vựng sặc hơi rượu từ trong đám đứng xem tập, vung cái gậy đánh chó lên choảng thẳng vào đầu thổ công Lê. Phúc đời, Lê nhanh mắt lùi được. Lão say, quì phục ngay xuống, chắp tay lạy khấn một thôi các thành hoàng, thổ công, thần đất soi xét cho, lão không dám báng bổ trời đất, có quỷ thần hai vai chứng giám, “tôi đẻ ra nó mà không dạy được nó nữa, xin thần linh thổ địa về bóp chết tươi thằng ôn vật đi...”. Mọi người cười ầm.

Bố con lão Vựng, người nào kiếm được người ấy ăn, cả tháng chả ai trông thấy mặt ai. Đêm nào ông lão cũng rượu rồi ngủ rấp, làm sao biết Lê đóng thổ công? Rồi ông lão đi tìm đánh Lê. Lê cáu lắm. Chắc có đứa khoảnh, đã mách. Người ta phải lôi ra, giữ cho hai bố con khỏi xô xát nhau. Nhưng, đám tập kịch đêm ấy không tập được. Những tối sau, ông lão Vựng lại đi tìm đánh con. Lê tức lắm, muốn choảng nhau với bố. Anh em ngăn mãi, Lê mới dịu. Nhưng vì ông lão làm lung tung, lại có lý Dĩ hùn vào khiến mấy nhà khác có con đóng kịch cũng sinh ngang dạ, chửi bới, không cho chơi. Tuy vậy, chẳng ai nản. Lê vốn đã không sợ bố - ngày trước, khi Lê còn ít tuổi nữa, những khi túng đói, nhiều lần hai bố con đánh nhau, Lê điên lên, Lê đã vác sào đuổi đánh bố - Lê vẫn làm vai thổ công như thường. Nhưng bây giờ chẳng ở đâu tập được kín, tránh người xem lôi thôi. Nhà An rộng, song bà Hương còn kiêng cữ bằng mấy ông lão Vựng, đời nào thằng Lê thổ công lại lên ngồi giữa nhà bà được.

Một anh đi tìm nhà tập, về reo lên:

- Có rồi.

- Ở đâu?

- Ông cai Giắt bằng lòng rồi. Cửa ngõ nhà lão ấy mà đóng lại thì bằng trại lính, đố ai lọt được.

- Hỏi bà cai ấy chưa?

- Mụ ta là thần xem chèo, thấy nói kịch cũng thích, không sợ thổ công đâu. Mụ chỉ ốp việc, ốp ông cai làm thôi chứ những cái khác thì rộng rãi, không lo.

Thế là mượn được nhà bác cai Giắt.

Tối ấy, cai Giắt ẵm thằng cu ngồi đầu hè xem tập kịch. Cổng đã đóng chặt, chỉ có hai nhà hàng xóm và chị Hai Tâm đã lẻn sang từ chặp tối. Bác cai nói chuyện với đám ấy, trong khi họ vẫn mải xem tập, mấy người chốc lại cười.

- Cái này ở bên Tây tôi làm luôn. Năm ấy đương ở băm nhe linh 1 bên Ma Rốc, đánh nhau nhọc quá, được nghỉ phép một tháng về chơi thành Ba Di. Tha hồ thâu đêm suốt sáng uống các thứ rượu, chơi các con nhà thổ toàn đầm đẹp, lúc nào chán thì làm tuồng, làm cái kịch thế này, bao nhiêu Tây đầm đến xem, ngồi đông áng chừng chật mấy mẫu ruộng. Thằng quan ba xem xong bắt tay khen An Nam anh te li giăng 2 lắm.

Thổ công Lê ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế đẩu, tay khoanh lên đầu án thư, tay sờ cằm vờ vuốt râu, than vãn kể lể đời mình khổ cực phải canh cái bếp nhà nghèo... Mặt Lê đuỗi ra, nói tự nhiên như không, rất khéo. Trong bóng tối đầu hè, bác cai gái và chị Hai Tâm ôm bụng, bặm miệng. Có khi chị Hai phải cười cục cục, chạy xuống tận bờ ao, đứng cho nguôi cơn cười.

Ngày vào đám đã tới. Lá cờ kỳ có chữ thần to, cao bằng người đứng đã phấp phới đỏ xuộm trước sân đình. Những đồ tế lễ, hương án, lộ bộ, chóe, hạc thờ, các cụ trong dân với cụ tế chủ đã sai bày cả ra sân. Cờ bay, trống trẻ đánh nghịch và tiếng kèn, tiếng trống tế trong đình, ầm ĩ suốt ngày.

Phường Bắc năm xưa có tiếng là thế mà năm ấy làng đón về hát xem ra kém trước. Quần áo, mũ mãng cũ đã nát, phải vá. Phấn sáp không có. Một anh kép quảy hai cái hòm sơn then vuông đã long lở, sắp vỡ, trông thấy cả cái dải áo, cái thắt lưng rách lòi ra. Đi theo hai chiếc hòm là một bó gươm giáo gỗ mòn cùn mòn cụt, tròn cả đầu. Trên sàn rạp trước cửa đình đêm ấy hát tích “Nhị Độ Mai”. Cô Hạnh Nguyên gầy đét tang thương quá trong tấm áo the nâu bạc cả vai, giọng chua như mẻ, vừa bước quanh vừa nhún, vừa xòe, che quạt. Chỉ có tiếng beng beng, tiếng trống cơm bung bung nhóc nhóc bung nhóc... inh ỏi, vẫn ròn rã, tươi vui như mọi năm.

Dưới sân đình đông nghịt. Vì nghe nói chèo xong, trai làng ra diễn kịch. Cả vùng chen đến sân đình làng Hạ đêm nay. Trai gái đứng vun thành từng đám, xung quanh những hàng chè nước đèn thắp như sao sa. Người chen chúc đi lại, cấu véo, con mắt ở trước mặt, bàn tay sau bấu đít, hỗn độn cười nói, nguýt lườm, chửi rủa trong mùi trầu cau ấm áp, mùi hôi nách nồng nàn, hắc xì mùi dầu nhờn “Con Nhạn”. Và cứ đâu có các cô đứng thì con trai bu lại. Trai làng này làng khác ghen nhau, đánh nhau, chốc lại ầm ầm. Chúc len hết đám này sang đám khác. Điếu thuốc lá phì phèo trên miệng. Chúc ta hăm hở, cứ đám đông nhất thì chen vào rồi lại chen ra, nhảo sang đám khác.

Vừng trăng non đêm cuối xuân tỏa êm đềm. Tiếng trống chèo xa xa, trên vòm tre, trên cánh đồng, trong làng Hạ và các làng khác. Dưới những lùm cây nhỏ như có người ngồi, những thành tre rì rào, những bờ giếng khuất vắng, đấy là từng đôi trai gái rón rén nhón gót bỏ đám chèo, thì thào ra hẹn đấy.

Hết “Nhị Độ Mai”, phường hát dọn lại, thanh niên làng ra diễn kịch. Một cái đèn được treo thêm ra với hai lá màn cửa, mượn của nhà An, vừa mắc lên. Màn lụa xanh bé toen hoẻn gió hiu hiu thổi phồng ra phật vào, trông thấy ở trong cả mấy anh chạy khiêng bàn ghế.

Lê và Lạp nhìn xuống những đám người lố nhố như rắc đậu đen quanh sàn rạp.

- Ngày 1 tháng 5 Quốc tế lao động ở Hà Nội cũng chỉ đông thế này!

Và họ say sưa tưởng đây như đám biểu tình ngày 1 tháng 5 năm ngoái ngoài Đấu Xảo.

Màn mở, lần thứ nhất, người vùng đây biết kịch là thế ấy, là có các người ra nói, chế giễu, tự nhiên mà phải buồn cười. Thầy giáo đúng điệu bộ thầy giáo, ông Cửu, ông Bát, ông Phủ keo bẩn hệt ra các ông keo bẩn, cô tân thời đàn ông làm giả mà hệt cô tân thời, má phấn hai con mắt đong đưa lả lơi khéo quá. Người xem đông thế mà nhiều lúc im phăng phắc. Thổ công Lê, đeo râu đội mũ giấy trang kim, chân đi hia tế, dưới tà áo thụng xanh nhô ra hai vấu đầu gối, chẳng ai trông thấy quần đâu cả. Vừa ra, người ta đã cười rầm, rung vào cả bốn cái cọc rạp.

Kịch vẫn diễn. Thổ công ra, vào, lại ra, lần nào cũng được reo, vỗ tay rồi lại im nghe thổ công nói. Lê liếc thẳng xuống thấy người xem ham quá. Lê bỗng nảy một ý kiến mà Lê băn khoăn từ lúc ngồi với Lạp nhìn xuống. Lê nhảo vào tìm các bạn.

Kịch vẫn diễn. Đằng sau cái cót dựng để làm chỗ vẽ mặt và sắm sửa quần áo, thổ công Lê và Lạp, Chúc đương bàn. Có vẻ gay go. Lê nói:

- Người xem đông, khắp mặt cả vùng. Chẳng khác biểu tình, đúng là biểu tình. Chúng ta cần lợi dụng dịp tốt tuyên truyền quần chúng giác ngộ. Sẽ làm thế này: chốc nữa, thổ công ra hát thêm một bài chào, hát bài Nào anh em nghèo đâu. Phải, là cương ra, cương mà làm như trong vở có ấy. Các cậu thấy thế nào?

Chúc gạt ngay:

- Không nên, kịch mà, tuyên truyền thì chỉ tổ nó khủng bố. Ở bên Xiêm... Các cậu chưa nếm mùi, chứ khủng bố...

Mặt Chúc xám, sụp xuống, như nói một cái gì sợ hãi. Nhưng Lạp hào hứng:

- Ừ, Nào anh em nghèo đâu hay đấy. Chúng tớ sẽ chạy ra cùng hát.

Lê hăng lên:

- Không nên lỡ dịp tuyên truyền. Đã làm thì không sợ.

Chúc vẫn nằn nì:

- Mình biết hơn các cậu, đã nếm mùi bị khủng bố. Mình bảo thật.

Nhưng Lê quả quyết, giơ nắm tay:

- Chúng ta nhất định. Anh Chúc dát bỏ mẹ!

Chúc im. Tính Lê nóng. Nếu giằng co nữa, có thể sinh sự đánh nhau. Thổ công Lê lại ra sân khấu. Lạp và Trung rối rít kéo thêm mấy anh nữa lên đứng sẵn sau phên. Chúc thì hấp tấp trèo xuống. Chúc chui ra đứng xem, lẫn trong đám người. Vẫn nguyên vai thầy giáo lúc nãy Chúc đóng, mặt phấn, môi trên điểm chấm râu Huê–kỳ và áo sa, giầy ban. Chúc cố ý để nguyên như thế cho oách. Chúc lại chen bừa vào các chỗ đông lắm đàn bà con gái như lúc nãy. Nhiều người chỉ trỏ, cười “Thầy giáo! Thầy giáo”. Chúc khoái, nhưng giả vờ không biết. Chúc chen nhớn nhác tìm chỗ chị Hai Tâm đứng. 

Trên rạp, thổ công Lê pha trò, người xem vừa ngớt cơn cười thì thổ công Lê lừng lững ra đứng tận mép ngoài sàn, ngay dưới ngọn đèn đất sáng rõ nhất. Lê giơ cái tay áo thụng xanh lam lên đầu nắm tay chào mọi người theo kiểu bình dân.

- Trước khi vua bếp tôi lại phận sự sắp phải vào ngồi bếp đội nồi như mọi ngày, xin hát tạm biệt một bài.

Rồi quay lại:

- Nào các bạn ra đây cùng tôi.

Lạp, Ba, Trung, An và lố nhố đến mười anh nữa nhảy ra.

Nào anh em nghèo đâu.

Liều thân cho đời sướng

Mong thế giới đại đồng

Tiến lên quân Hồng!

... Kìa anh em cùng trông

Thù kia đà sắp tới

Nhằm cho ngay nòng súng

Quân thanh niên tiên phong! 3

Mười miệng hát ồ ồ, tiếng kim tiếng thổ lỗ mỗ. Nhưng ai cũng cố kêu, hát thật to. Ở dưới, trước còn có người chỉ trỏ, cười. Họ tưởng vẫn kịch. Sau nghe lõm bõm được, họ im, chưa hiểu. Một bọn kêu: “Thổ công tân thời! Thổ công hát thời thế! Hay lắm!”. Những tiếng reo ấy vang lên, rồi lặng đi. Đám đông từ cửa đình ra đến gốc đa, đến tít tận ngoài bờ ao chen lấn, đun đẩy, rào rào, lúc cố im lặng, lúc lại ầm ầm loa lóa trong ánh đèn hàng nước và khói thuốc lào.

Những thanh niên đang ưỡn ngực lên hát trên sàn kia càng hét to, hát to. Những câu mọi khi chỉ nho nhỏ với nhau, giờ đây hò hét tung lên trước bao nhiêu người.

Giữa lúc ấy, góc sân phía ngoài xôn xao. Đám đông bồng lên, rào rào rồi dạt ra, lan ra cả sân đình, tán loạn. Trẻ con khóc như ri. Tiếng ầm ĩ, quát tháo, hô hoán:

- Trói cổ nó lại... Trói lại...

- Tuần đâu? Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!

Ngoài điếm canh, tiếng tù và nổi lên, thuốn sâu vào bóng tối. Trên rạp, những người diễn kịch đã nhảy xuống hết, chỉ còn trống không hai cái đèn đất và chiếc đèn ba dây chong ngọn ở hai đầu cột le lói trên đám người nhốn nhác. Một đầu câu liêm ở đâu nhô lên giựt cả hai cái đèn rơi xuống. Ánh sáng tắt phụt. Lại càng rối lên, không biết chạy đi đâu, chạy đòn hội chợ, chạy chết, chạy thục mạng, lung thiên, lõm bõm lội cả xuống ao đình.

Lê nhảy từ trên rạp xuống. Cái mũ thổ công hàng mã đã bật mất. Lê vội vàng trụt áo thụng, xách hia, cầm trong tay. Lê cởi trần chạy một quãng thì tụt đâu mất râu. Đích là có lính phủ, có mật thám đứng nghe ở dưới xô lên bắt. Tù và vẫn xói vào tai, làng nọ đáp làng kia, rền rĩ rúc dài vào bóng đêm dịu dàng ánh trăng non.

Lê chạy ra cánh đồng.

Một bọn đứng rúm, tụ lại dưới gốc gạo.

- Ai như anh Lê phải không?

Lê nhận ra tiếng chị Hai Tâm. Lê đứng lại. Hai Tâm và một bọn đông các chị chạy đến đây thì đường qua quãng ruộng vắng quá, chưa dám đi. Bây giờ, họ xồ ra, tíu tít nhờ Lê đưa về. Lê đi trước, mọi người hỏi:

- Cái gì đấy, hả anh Lê?

- Tôi cũng chưa biết.

- Có lẽ lính phủ về bắt bạc.

- Bắt bạc thì ở cuối làng chứ bận đâu đến đám chèo!

Chị Hai nói:

- Lúc ấy nghe í ới sau lưng, quay lại thấy anh Chúc hớt hải nhào ra, có đông người xô đuổi đánh anh ấy, rồi loạn lên. Rõ con khỉ, chèo hát năm nào cũng chỉ tranh nhau giai gái. Chia phần ra chứ, việc gì phải tranh. Các anh đàn ông cũng dốt!

Các chị bạt vía từ nãy, giờ nghe chị Hai pha trò ngổ ngáo, lại nắc nẻ cười. Nhưng Lê nghĩ khác: “Chắc mật thám nhận được mặt Chúc là chính trị phạm. Không biết có đứa nào bị?” Và Lê lặng im đi suốt qua quãng đồng, vẩn vơ lặng lẽ nghĩ đến những tiếng “thoát ly”, “hoạt động”, “chính trị phạm”, “nhà tù”...

Tới đầu xóm, các chị chào Lê tíu tít rồi rẽ tản về các ngõ. Hai Tâm bíu lấy Lê:

- Còn có mình tôi, sợ lắm.

Mùi giầu thuốc nồng ấm, mùi thơm thoáng ở quần áo mới giặt của chị Hai tỏa dịu. Lê đương trần trùng trục dưới ánh trăng mà chị Hai thì cứ bíu cánh tay, áp tận nơi. Nhưng Lê nói theo ý đương nghĩ:

- Chị Hai ạ, đêm nay có vẻ khác lắm. Đây chắc là đế quốc về phá...

- Khác gì thì khác, anh phải đưa tôi về tận ngõ.

- Tôi quay lại xem tình hình.

- Đừng quay lại. Nhỡ một cái chúng nó còn rình đấy thì chẳng phải đầu lại phải tai, đòn ghen thì chết đấy, đừng dại.

- Chị về đi!

Lê gắt, Hai Tâm buông tay. Một bên người Lê đương rực nóng bỗng mát hẳn, Lê mới biết mình vẫn cởi trần. Nhưng Lê không nhìn theo. Không bụng dạ nào Lê tưởng đến chị Hai đương thèm hơi hướng đàn ông. Lê vẫn xách đôi hia với cái áo thụng, chạy trở lại. Chị Hai tần ngần về một mình - cũng chẳng thấy sợ như lúc nãy tưởng. Ánh trăng mơn man, hiền hòa. Mát thế mà người vẫn bưng bức. Có lẽ vì vừa ăn miếng trầu cay. Chị trần yếm cởi bớt cái áo lụa ra, vắt trên vai, bước lững thững.

Mấy người trai tuần vác câu liêm, giáo, mác chập chờn phía đình đi lại. Lê đương chạy, thoáng thấy, vội trèo lên ngồi nấp trên cây nhãn. Lê không dám gặp họ. Bọn tuần tráng như những bóng ma trơi qua dưới gốc cây, càng tăng vẻ bí mật, rờn rợn. Lê lắng tai bốn phía. Im quá. Giờ chừng đã quá nửa đêm. Trăng đã xuống treo trên đầu cành tre. Tiếng tù và sau cùng ở một làng xa xa thổi lên, đã chết lịm, không còn ngóc lên một tiếng đối đáp nào nữa.

Bọn tuần qua một lúc lâu, Lê mới tụt xuống, nhặt áo và đôi hia rồi đi lên phía chợ. Đàng xa đã trông thấy cái gian trụ sở Ái hữu vẫn còn sáng đèn. Có tiếng người nói lao xao. Đến gần, rõ ra tiếng cười khớ khớ, đúng là tiếng cười thằng Lạp. Chẳng có gì ghê gớm. Chúng nó đương chuyện lại cảnh diễn kịch ban nãy. Thế là thế nào? Con mẹ Hai Tâm bảo chỉ có bọn chim gái tranh gái, đánh nhau, mà đúng chắc?

Dù sao Lê cũng yên tâm, bước vào. Lạp reo lên:

- A Lê, Lê. Tưởng đứa nào đánh chết mày, con nào lột mất cả áo, cả hia của người ta rồi. Đi đâu giờ mới dò về?

Lạp quay lên, hỏi Lê:

- Có thuốc lào thì bỏ thêm đây. Máu vẫn rỉ ra này.

- Sao thế?

- Choảng nhau chứ sao nữa!

- Thằng nào?

- Ông tướng này.

Lê mới kịp nhìn vào phía trong phản có một người nằm. Mặt Chúc tái, má óp lại bằng hai ngón tay chéo. Tóc bê bết máu. Mồi thuốc lào to đã đắp vào một bên trán mà máu vẫn phòi ròng ròng xuống thái dương. Vừa xót thuốc, vừa đau, và có lẽ bực mình vì bọn ngồi đứng ở ngoài vẫn cười nói toang toang, chốc Chúc lại rên khừ một tiếng.

Thì ra, cái lúc ấy, Chúc chen đến chỗ chị Hai Tâm. Một đám trai làng nào cũng đã đứng dàn quanh bọn chị Hai từ bao giờ. Cậy là người làng, Chúc nhâng nháo, sán tới. Thằng Tâm cũng vừa đến bên cạnh mẹ, đương tức sẵn cái bọn chòng mẹ nó, nó túm ngay áo Chúc, vừa đánh vừa khóc. Bọn kia thấy vậy, hùa vào nện luôn Chúc. Cuộc loạn đả nổi lên từ chỗ ấy, và những đám trêu gái khác đương gầm gừ được thể, cùng ầm ầm xông vào phá rạp đánh nhau. Vỡ đám.

Lê thở khượt một cái:

- Thế mà làm ông tưởng cái gì!

Lê toan bảo Chúc: “Cho mày chết”, nhưng lại thôi. Trong bụng vẫn còn ghét lúc tối Chúc gàn bài hát lúc nãy, giờ lại đơm thêm việc xấu hổ này, mất cả danh tiếng. Lê văng một câu:

- Ngày nào cũng ngồi phơi mặt giảng giải thuyết lý mà lại đi chim gái! Còn chó gì là Ái hữu!

Chúc im bặt rên. Bọn ngồi ngoài cũng tản về dần.

--------------------------------

1

Băm nhe linh (première ligne) là tiền tuyến.

2

Anh te li giăng (intelligent) là thông minh.

3

Bài hát phổ biến trong thanh niên thời kỳ Bình dân 1935 - 1939 phỏng theo một điệu hát hành quân của Hồng quân Trung Hoa. Những lời trong đoạn này có thể sai, nhưng người viết giữ nguyên lời mỗi nơi hát một khác cho hợp với từng giới thanh niên bấy giờ (T.H).

V

Nhưng hội ái hữu thợ dệt không vì Chúc chim gái đánh nhau mà bị tai tiếng. Sau cuộc diễn kịch ấy, các nơi càng đến liên lạc nhiều hơn. Khiết và nhiều thợ dệt vùng trong, có khi ra ở liền ngoài này hàng tháng. Vẫn chỉ đợi giấy phép về! Kinh nghiệm các Ái hữu khác, như ở Hà Nội, xin phép Tây cho lập hội còn chóng, ở các tỉnh quan ta thì bị ngâm hãm, chần chừ lâu. Bởi vậy, phải thay nhau đi thúc, không mấy ngày không có người lên phủ chờ đợi. Có lần gặp cả quan tri phủ. Lão phủ bảo: “Chúng mày chỉ vẽ chuyện, dệt cửi đã không đủ khó nhọc, lại còn hội với hè mua việc vào người! Làm gì thì làm, chớ làm cộng sản thì chết ráo. Cấm hết, không hội họp, không sổ sách, không thu tiền. Phải được giấy quan sứ trên tỉnh rồi về phủ cho phép”. Họ lên tận tỉnh xin giấy phép. Nhưng tòa sứ không có lệ cho đưa đơn kêu việc vào thẳng tỉnh bao giờ.

Mặc dầu, họ vẫn họp, vẫn thu tiền hàng tháng - nhưng không làm biên lai. Sự liên lạc với “các anh ở ngoài tòa báo” vẫn đều, dù là phải cuốc bộ, mỗi khi ra Hà Nội lại bỏ cửi, đi về cả ngày đường.

Một lần kia, Lê đến tòa báo lấy báo về bán. Khiết cũng vừa ra. Khiết vẫn áo the, khăn xếp nhiễu, giầy tây màu gan gà, ria mép lún phún, chững chạc. Lê hỏi mọi người:

- Ở nhà đã biết tin chưa?

- Tin gì thế?

- Đình công lung tung khắp các nơi. Nhà máy sợi Nam Định, nhà máy xi măng Hải Phòng, cả mỏ than Hồng Gai. Vòi rồng phun nước vào mặt cũng không cản nổi thợ tranh đấu. Chị em chợ Đồng Xuân ở Hà Nội hưởng ứng đã bãi thị chống thuế vé nặng. Trụ sở hội Ái hữu nào cũng sôi sục lắm. Chúng ta tranh đấu hưởng ứng đi thôi.

Khiết nói:

- Trong chúng tôi cũng tranh đấu rồi.

- Tranh đấu thế nào?

Khiết nói hùng hồn:

- Thợ cửi ngày làm đúng tám tiếng thì ra khung. Cơm đều ba bữa no, bỏ lệ buổi sáng ăn khoán có ba bát. Thợ hồ, thợ tơ đòi tăng công, tiền chủ đặt cọc đầu năm không bị trừ nợ. Mít tinh tranh đấu yêu sách thế!

- Hay lắm! Hay lắm!

Lê reo lên.

Ngay tới hôm sau, hơn một trăm thợ cửi, cả những chị thợ tơ, thợ hồ đã đóng tiền vào Ái hữu cũng đến họp để bàn việc đình công.

Cuộc họp ngoài cầu chợ, tối mò, không đèn đóm. Lê đứng lên nói ý nghĩa cuộc đình công hưởng ứng phong trào đình công đương lan khắp xứ Bắc Kỳ.

Lê vừa dứt tiếng, một anh nói ngay:

- Hưởng ứng các nơi thì hoan nghênh rồi.

Và nói tiếp:

- Nhưng tôi xem ra vùng ta không nên đình công. Mấy làng này, khéo lắm được vài nhà có hai ba khung cửi, còn thì chỉ một khung, một khung vừa mượn thợ vừa làm lấy. Ngày làm tám tiếng thì được tám tiếng tiền, làm ít càng ít tiền chứ ăn thua gì. Mà không chồng giả tiền người ta đặt cọc năm nay thì sang năm họ không đặt cọc, không mượn nữa, mất cọc. Chúng ta không làm theo thế.

Dồn dập mấy người phản đối đình công bắt chước.

- Cái nhà tôi đương làm mà bây giờ ngày nếu tôi chỉ gõ có tám tiếng, họ bằng lòng ngay. Bởi vì, tôi mà ra khung cửi thì nào bố, nào con họ bổ vào dệt suốt đêm tận gà gáy mình đến dệt mới chịu ra. Đêm nào cũng thế mới kinh chứ!

- Ta dệt tính đầu thước ăn tiền, ngày tám tiếng thì phiên làm không nổi vài hào bạc. Ái hữu ta bàn cái khác, không bàn cái này.

Một chị thợ hồ lên tiếng:

- Làm ăn với người ta bốn năm năm nay không điều tiếng gì bây giờ tự dưng nói đình công đình việc, nó ngượng thế nào ấy.

Lê đâm khùng.

- Lao động mà tranh đấu lại ngượng thì mòn đời đi làm mướn à?

- Người ta tranh đấu sở nọ sở kia, tranh đấu với chủ máy như nhà Vũ Văn An có hàng trăm khung dệt máy chứ mình, nhà một hai khung cọc cạch thì ăn thua cóc gì.

Lạp cũng không đồng ý với Lê:

- Tôi ủng hộ anh chị em thợ dệt nhà Vũ Văn An đình công, ủng hộ bằng góp tiền giúp chứ không bắt chước đình công.

- Thằng Lạp nói đấy phỏng?

- Lạp đây.

- Mày sợ con Hai Tâm, không dám bỏ cửi nhà nó chứ gì!

Nhiều người cười ồ. Nhưng lại có người đâm ngang nữa:

- Tiểu chủ có mỗi một khung cửi, ông cho chỉ hai phiên hàng ế mang về là lại cái thoi giắt vào đít, đi dệt mướn như mình!

- Đúng đấy!

Có tiếng hỏi vặn:

- Anh Khiết bảo vùng trong đình công thắng lợi thì thắng lợi ra thế nào?

Lê và Khiết khăng khăng:

- Phải tranh đấu. Bây giờ không còn thời buổi chỉ biết hết đời cha sang đời con treo người lên cái khung cửi, rồi chiều ngày phiên rượu vào chửi càn. Phải tranh đấu cùng các giới, vô sản toàn Đông Dương liên hiệp lại, lúc nào cũng phải nhớ khẩu hiệu thế.

Lê hùng hồn nói, trong khi vừa chua chát nghĩ đến cuộc đời trước mắt của bố con Lê, trong khi bồng bột những đấu tranh thay đổi. Nhưng mà nhiều người khác thiết thực hơn, cãi lại. Lê vẫn cãi những điều của mình và Khiết. Cuộc họp bàn ồn ào, lan man.

Lê hỏi:

- Anh chị em có đình công hưởng ứng giai cấp thợ không?

Đông người trả lời lộn xộn:

- Có! Có! Không, không... Được! Được! Đình công! Thì đình công!

Lê hét to:

- Ngay từ sáng mai, mỗi người sẽ nói yêu sách cho chủ nhà, nếu không được thì bỏ cửi luôn.

Mọi người ra về, cũng nhẹ nhàng thế thôi, tuy Khiết đã nói ở trong kia đình công, nhưng cũng chưa ai biết nó thế nào. Những người thợ thủ công ấy không thể tưởng tượng ra cảnh đấu tranh quyết liệt của công nhân Hồng Gai, Hải Phòng, Nam Định, Trường Thi đương chống đuổi thợ, giãn thợ, không sợ vòi nước, dùi cui, bóp sở cẩn mật thám, nhà tù. Họ cũng chẳng tin họ đình công sẽ tới kết quả được tăng tiền công mỗi phiên. Mà, dù không cãi lại, nhưng cuối cùng nhiều người nghe Lê bảo là ừ sẽ đình công, để hưởng ứng, để tán thành một cái gì mới, tỏ rõ nhiệt tình của họ đương muốn tiến bộ mà thôi.

Họp xong, Lê vẻ tức bọn Lạp, đi ngay. Lạp hỏi Chúc:

- Anh thấy thế nào?

Chúc nói:

- Đình công thì bao giờ cũng là tranh đấu...

- Nhưng mà tranh đấu thế nào? Đình công có đúng không?

- Tao có là thợ cửi đâu mà biết?

Thực thì Chúc nghĩ: Đình công thì sẽ nhiều thợ nghỉ chơi, họ rủ Chúc đi đánh chén, uống rượu, và rồi có lắm chị thợ tơ thong thả lượn lờ lên trụ sở...

Lạp ngáp, pha trò:

- Kể ra mình vẫn thường tranh đấu đình công, lãn công ở nhà Hai Tâm mà không biết. Cái thằng Lê chúa nói văng mạng.

Chúc hỏi:

- Vẫn dệt nhà Hai Tâm à?

- Ừ.

- Mai mày cứ đình công cho chị ả nháo lên ra đây tìm, mà vui đấy!

Thế rồi, hôm sau người nghỉ, người không nghỉ. Mấy nhà chủ khung cửi, nghe lõm bõm, đồn: “Thợ cửi bây giờ có hội to ở ngoài Hà Nội, họ bảo nhau làm gì thì cũng làm một lượt. Thợ nhà Vũ Văn An đương nghỉ đòi tăng công, ở đây chúng nó cũng nghỉ!”. Những ông chủ một hai khung cửi ấy vẫn yên trí, bởi vì ở đây thợ nghỉ cứ nghỉ, chẳng mượn người này mượn người khác. Cho nên cuộc đình công lặng lờ như không. Ngoài đường, lác đác thợ nghỉ cửi đi phất phơ. Họ tụ lại trên nhà Ái hữu, ăn bánh rán, bánh đúc trừ cơm, có anh huếnh xỉa tiền mua phở, bánh đúc chấm tương uống cút rượu rồi đi chơi dài. Cu Chúc ta, quả nhiên, được hơi hướng vào đấy. Rượu vào, nói như trạng cạn.

Buổi sáng, trong các ngõ, chó cắn ran, léo nhéo người đi gọi thợ dệt. Lê dạo vào xóm. An tránh mặt, không đi với bọn xui thợ cửi nghỉ, An sợ mẹ chửi. Tiếng thoi chạy lách cách, vang vang. Buổi tối, trên nhiều cửa sổ khung cửi vẫn lên đèn sáng trưng. Có lẽ cuộc tranh đấu không đi tới đâu. Thợ nghỉ thì nhà người ta dệt lấy. Khuyết điểm rồi, Lê bực mình. Lê cho là thất bại vì hô hào đình công mà không có tổ chức.

Lê nói:

- Tao thấy cái thằng Đệ Tứ nói cũng có cái đúng, nhiều khi phải cách mạng thường trực, phải đổ máu luôn luôn mới chóng lên thế giới đại đồng được. Cứ như cuộc đình công này thì cách mạng chùng gân rồi, toàn những quân cải lương đầu hàng. Thế thì đời kiếp nào đến được chủ nghĩa cộng sản? 

Không ai tranh luận với Lê. Chỉ có Chúc nói:

- Thằng Đệ Tứ đẻ ra thằng bảo hoàng, mày biết không...

Lê đương bực, xông đến:

- Mày là con bò!

Anh em phải cản, Lê xuýt đánh Chúc. Rồi Lê vùng vằng đi. Cuộc đình công chỉ lác đác...

Đúng như Chúc đoán, Hai Tâm lại lên tìm Lạp bỗng tự dưng bỏ cửi mấy hôm nay. Cứ thấy bóng, Lạp lại lẩn. Còn Chúc chạy ra tận cửa ngước cái mũi đỏ bóng và cái trán còn dán lá cao trên vết sẹo, Chúc tít mắt:

- Thợ cửi nhà chị Hai thật là thợ vàng thợ ngọc.

Chị Hai cười:

- Ỡm ờ vừa chứ! Anh Lạp trốn đâu thì bảo người ta. Rõ ràng vừa thấy thoáng đây.

- Việc gì anh ấy trốn! Người ta là giai cấp thợ đương đình công tranh đấu đòi ngày tám tiếng không đầu hôm đấy.

- Rõ ở dưng không lành! Có bao giờ nhà này bắt thợ lên đầu hôm. Cấm lên đầu hôm là khác!

- Thế thì thằng ấy dại! Chị thải nó đi, mượn tôi thay vào. Tôi dệt nhà chị thì công tôi không lấy vặt mà thằng Tâm lại biết chữ. Tôi vừa thợ cửi, vừa ông giáo.

- Nói bán giời không văn tự. Anh thì có mà dệt cơm!

- Chị thử tôi xem nào.

- Việc gì phải thử!

- Thử mới biết nhau chứ.

Chúc cười khoái câu nói chớt nhả. Tay gõ nhịp, huýt sáo, tay cầm một quyển sách, mắt kính hấp háy. Chị Hai không ưa Chúc, cái anh chàng nhái bén xấu giai. Chị lảng, trêu:

- Gái đánh đòn hội chợ vỡ đầu từ hôm ấy chưa khỏi à?

Chạm nọc, Chúc cười nhạt, lúng túng. Từ nãy, Khiết ở Vạn Phúc ra, ngồi trong nhà, bấy giờ mới cất tiếng:

- Mời chị hãy vào trong này nghỉ chân. Lạp sắp lên đấy.

Chị Hai bước vào. Khiết bệ vệ, chỉnh chện bắt chân chữ ngũ, giơ nghiêng chiếc giầy gan gà đế cao một phân mới đánh xi bóng lộn. Khăn xếp nhiễu tây, áo the hoa, quần là ống sớ. Khiết xòe diêm châm một điếu thuốc lá hút rồi ung dung.

- Chính nhà tôi đây làm ba khung cửi mà tôi chỉ rặt chơi với anh em thợ. Thanh niên hãy chơi đã, chẳng vội làm ăn. Tuổi xuân ba vạn sáu nghìn ngày lo gì, sáu hay chín nghìn nhỉ?

Hai Tâm nói:

- Độ nọ tôi thấy anh đi với hai cô nào trông nền lắm. Mới dúm tuổi đầu mà đã nhị phòng cơ à?

- Bậy! Trên thế gian này chưa ai lọt mắt tôi.

- Con gái vùng trong đẹp như tiên sa ấy chứ. Anh Lạp dệt cửi nhà tôi đấy, đêm ngày lăn lóc bỏ cả cửi vì mê các cô vùng trong.

- Tùy người đẹp, tùy người mê!

Rồi Khiết lại đủng đỉnh rít thuốc lá, rất có duyên, nói người ta buồn cười, mà người nói chỉ dửng dưng nhếch mép lạnh như tiền. Chúc đã vào ngồi cùng phản, nhưng không chen được câu nào. Tự dưng, bên cạnh Khiết, Chúc hóa ra nhạt nhẽo bé nhỏ, cỏm rỏm hẳn lại. Chúc đương mặc cái quần tây đen thủi hai miếng mông vá, lúc nào cũng phải ngồi đứng ngoảnh đít ra phía không có người. Cái áo sơ mi, còn sót mỗi một khuy, đã giắt kỹ vào trong cạp mà vẫn banh cái ngực gày hõm ra.

Một lần khác, chị Hai lại lên trụ sở Ái hữu tìm Lạp. Thấy Khiết vẫn ngồi vắt chéo chân, giơ nghiêng chiếc giầy tây mới, oai, sang trọng như ông tri huyện tư pháp. Khiết chỉ đủng đỉnh, ậm ừ, pha trò nhát gừng và nhếch mép cười tủm mà chị Hai Tâm mê như bị hút vào, đáp chuyện bằng khướu hót. Nhiều lúc tay đôi sánh vai, nỉ non chẳng khác cậu mợ. Có hôm ngồi đến nửa buổi. Thỉnh thoảng, Chúc tìm cách ngớp vào một câu, nhưng nhạt thếch, trôi vèo đi đằng nào. Mặt Chúc lại sượng ngấm.

Chị Hai đã về khỏi. Khiết vươn vai đứng dậy, bảo Chúc:

- Ả này lẳng ra mặt!

- Cậu lại lăng nhăng rồi. Chỗ này bàn chính trị, không phải nơi tán gái nhé.

Khiết cười:

- Nhận xét thế thôi chứ người ta đã là gái góa một con.

Chúc trợn mắt, nói:

- Ái tình mới không cần trinh tiết. Người đàn bà phải ở góa là một sự dã man thời trung cổ.

Khiết hỏi:

- Đằng ấy có muốn lấy ả không, tớ làm mối?

- Còn vờ! Khéo tim la đổ cho trâu.

Khiết cười, nói lửng, vẻ kênh kiệu của một anh chàng được thể, trêu tức:

- Thanh niên chim gái như hái hoa, là lẽ thường ở đời.

Lê vừa ở dưới xóm về. Dáng chừng tình hình đình công chẳng lấy gì có kết quả làm nên chuyện, mặt Lê hầm hầm, mắt đỏ ngầu. Chúc kéo ngay Lê ra đường, thì thào:

- Cái thằng Khiết với con mẹ Hai Tâm ngày nào cũng kềnh càng tán tỉnh nhau ở trụ sở, chướng mắt lắm, nhiều hội viên không muốn vào.

Lê nhìn Chúc. Lê không để ý câu mách Khiết mà lại thấy ghét Chúc sôi lên. Bao nhiêu những cái kính phục dạo trước đã biến dần mất từ bao giờ, lúc này Lê chỉ thấy trước một thằng người nhăn nhó thèm ăn, thèm gái. Rồi anh em xét nét coi Chúc chỉ là một kẻ tầm thường, biết nói một vài chữ thời thế. Nếu chỉ là một đứa tầm phơ thì chẳng sao, nhưng Chúc lại đã từng trôi nổi. Bóng dáng một người chính trị phạm mà bọn Lê ôm ấp, trân trọng, như các anh ở tòa báo Tin tức, các anh còn bị giam cầm ở Hỏa Lò, ở Côn Lôn và những người tù chính trị trong các nhà tù của đế quốc trên thế giới này, không thể nào hình thù bẩn thỉu như Chúc. Cái sẹo nhục nhã của trận đòn gái vẫn phải dán miếng cao trên trán kia càng làm Lê khó chịu, Lê nổi cơn tức. Lê vẫn biết Chúc ve vãn chị Hai Tâm. Mà Chúc cũng đã mong ước ra miệng “lấy được con vợ như nhà Hai Tâm thì cả đời cơm no bò cưỡi, thú quá”. Chính nó cũng tồi tệ chứ còn phải ai. Hèn hạ! Hèn hạ! Thế là bỗng dưng Lê phóng tay quai luôn hai đấm vào mặt Chúc.

Chúc “ối, ối” loạng quạng ôm mặt. Một quả tống nữa hự vào quai hàm. Chúc ngã ẹp xuống như cái hình nhân giấy.

Không nói không rằng, Lê ngồi phịch xuống phản. Thấy thế, Khiết cũng đội khăn, cộp cộp giầy tây đi ra. Một bên mặt Chúc sưng húp như lên quai bị, Chúc cũng ngồi dậy chạy nốt.

Cuộc thợ dệt đình công trong các xóm hãy còn hay đã dứt từ lúc nào, không biết. Những người thợ dệt nghỉ mấy hôm, lại vào khung cửi.

Lê nằm khoèo ở phản trụ sở, không đi dệt. Thất bại, Lê đương chán và cáu kỉnh. Lâu nay, những sách vở, báo chí và những người ở tòa báo mà Lê gặp đã mở ra trước mắt Lê nhiều cái lạ, khác chiếc thoa dệt cửi. Lắm lúc nghĩ về tương lai nhiều quá, sốt ruột, chán không muốn làm, chán cả cái đời sống eo xèo quanh mình. “Phải cách mạng, cách mạng cho chóng đến cộng sản!”. Lê hay nghĩ thế. Lê quyết đem đời mình tranh đấu. Nhưng tranh đấu thì làm thế nào, viết sách, viết báo, diễn thuyết, hội họp, đi các nơi, chứ lại chúi mũi băm bổ trên cái khung cửi hàng đời chán ngán ấy ư?

Không thấy Khiết trở lại. Khiết hẳn đã về vùng trong rồi. Bọn Lạp không đậm đà đình công, dáng chúng nó đã đi dệt cả. Ông ghét tất cả chúng mày! Lê vẫn nằm khàn đấy.

Một buổi kia, một bà lão kèm nhèm chít khăn vuông tùm hụp mí mắt cặp đỏ lờ lờ, chốc lại đưa dải yếm lên chùi mắt. Bà lão đi như chạy, cái váy lụa bay phần phật. Bà ấy đi lên chợ. Một thằng bé chạy theo sau. Đến đầu dãy nhà lá ở cửa chợ, bà đứng lại. Bà ngước mắt nhìn quanh nhà, rồi hỏi thằng cháu:

- Nó đâu?

- Đấy, đấy...

Thằng bé trỏ về phía nhà kho trọ dó của các làng làm giấy, trong có trụ sở Ái hữu. Trước cửa, ở bên kia đường, có một cây mít. Bà lão đến bên gốc mít. Thằng bé đứng cạnh bà. Một tay bà xắn váy. Hai chân giạng nang đưa đẩy đầu gối dẻo như thể bà vãi chèo đò làm chay tháng Bảy. Một tay bà xỉa xói vào cái gốc mít. Bà lão chửi, bà lão chửi nhé, bà lão chửi có ngành có ngọn:

- Cha tiên nhân cái đứa mất tông mất giống, cái đứa giết người cướp của, mày chứa chấp, mày dụ dỗ con người ta... mày để đứa con trẻ nó khóc sớm khóc tối... mày giết đứa con trẻ... nó như con gà, mày bắt mất mẹ... mày là quân mẹ mìn... Mày đi đàng xuôi mày chết đàng xuôi, mày đi đàng ngược mày chết đàng ngược...

Người đi qua, người đi người về chợ xúm lại vòng trong vòng ngoài. Một điều lạ là bà lão rủa xả, hai tay đánh thẹo vào cái gốc cây mít, thế mà người đứng xem lại cứ nghếch mắt chỉ trỏ, nghé nghiêng tai nọ vào tai kia và cười, nhìn về phía cái nhà Ái hữu thợ dệt.

Mỗi ngày một buổi, ròng rã đã mấy hôm rồi, cứ đến lúc ấy thì bà lão tới kể lể, rủa ráy cái cây mít. Thằng bé đứng bên cạnh phồng phạo lúc mếu máo lúc chửi. Người xem nghển đầu, đông như đám chọi gà, lại nhòm về phía cái nhà Ái hữu.

Lê đứng nhìn, nhận ra bà lão đương rủa ráy ấy là bà Đôi, mẹ chồng chị Hai Tâm.

Chúc ở đâu lù lù về. Vết Lê đấm còn sưng húp má lại, như cái bát úp trên mặt. Chúc trỏ tay ra đám đông người đứng xem, bảo Lê:

- Tao đã truyền đời cho chúng mày trước mà. Con Hai Tâm phễnh bụng, cút đi với thằng Khiết rồi.

Bây giờ Lê mới hiểu bà lão chửi vào cái nhà này. Thảo nào, không ai dám đến trụ sở đây từ hôm nọ. Lê, mắt ngủ nhiều vẫn đục ngầu, lừ đừ nhìn bà lão, nhìn Chúc, rồi bất giác, Lê cúi đầu, đi vào, không nói. Lê đoán Chúc quanh quẩn đi mấy hôm, chẳng đâu cho ăn nổi hai bữa, Chúc lại phải quay về. Không giận Chúc, không nghĩ đến cái thằng Khiết biệt tăm, cũng ba hoa hão huyền như Chúc, cũng không chú ý cả đến cái giọng chửi rủa eo éo của bà lão Đôi chọc vào tai, bà lão đau đớn chửi cái đứa cướp nàng dâu bà như chặt gãy cánh tay phải, chặt mất cái lộc cái hoa, cái cần câu cơm nhà bà, lòng Lê đương tràn ngập một nỗi thương tâm, buồn tê tái.

Những đêm hiu hắt ở cái chợ vắng như bãi tha ma ấy, Lê và Chúc, Chúc lại về ở đấy, hai người đã làm lành, lại nằm trên phản, đọc sách, đọc báo. Chúc mở những tờ báo hàng ngày ra cất cao giọng đọc to như trẻ con học bài. Lê nghe, có lúc bồn chồn, có lúc lại lơ đễnh tai nọ sang tai kia, không để ý. Những chuyện Hít–le nước Đức đương gào thét chiến tranh, lão ta muốn lên làm chúa tể các nước. Chuyện thủ tướng Săm Béc Linh nước Anh xách ô đi từ Luân Đôn sang Muy Ních, về Ba Lê với lão Đà Lạt Đi Ê nước Pháp, hai khọm già đã thua bạc mà lại vẫn hí hửng tưởng mình đương vận tấy. Thế ra Mặt trận Bình dân bên Pháp phải giải tán rồi. Chiến tranh đến nơi rồi. Bên Pháp và cả ở Đông Dương này đã tổng động binh, lính bị ban mấy lớp đã phải ra nhận quần áo phát, đi hết rồi, không biết bác cai Giắt có bị bắt lính nữa không. Ở Hà Nội đã mắc cái chao vào bóng đèn điện cho ánh sáng chụp xuống đường và đã mấy lần kéo còi, tập thử báo động, ban đêm có cái tàu bay đít đeo đèn xanh lượn quanh thành phố xem nhà ai còn lộ đèn sáng thì đội xếp vào biên phạt.

Có đến nửa đêm rồi, Lê vẫn không chợp mắt được. Tiếng Chúc ngâm ư ử:

Thiếu cơm, thiếu áo, thiếu yêu đương

Cái bọn nghèo ta thiếu đủ đường

Tiếng não nuột, thảm thiết như quỉ nhập tràng dưới những cái mộ mới ở bãi tha ma ngoài kia vừa ngồi dậy than thở. Thiếu cơm... thiếu áo... thiếu yêu... Những câu thơ ngâm lúc nào cũng buồn, nhưng không buồn rứt ruột gan với bao nhiêu bối rối trong lòng với thời cuộc như đêm nay. Lê không chịu được. Lê vùng dậy, quát:

- Câm ngay!

Muôn nghìn tiếng dế ở chân giường, ở xó tường và trong bóng tối mênh mông lại ran lên, nỉ non, nức nở, ai oán như trong lòng đất thấm ra. Lê càng bị dằn vặt trong cơn đau khổ, bức bối.

Bà lão chửi ròng rã đã hai phiên chợ. Cũng không thể, ở cái gốc mít, ở cái nhà kia, móc ra được ả Hai Tâm. Bà lão Đôi mỏi họng thôi không chửi nữa. Bà đi xem bói. Chẳng biết bói ra khoa thấy thế nào, bà Đôi sắm mũ trắng, ngựa trắng ra miếu làng lễ. Nhưng cũng không thấy cô nàng dâu đĩ thõa ấy trở lại.

Đã ngớt hẳn tiếng chửi của bà lão Đôi từ lâu. Xâm xẩm hôm ấy, từ trong làng đi ra, hiện lên giữa quãng đường gồ ghề đất mờ mờ, bóng ông lão Vựng. Cái tay áo đã mất một bên ống, chốc lại phất lên. Lão đương khật khưỡng đi tới. Bóng tối lẫn trên mặt cũng tối sầm, không trông rõ. Cũng chỉ nhận ra ở những dáng quen mà chiều nào ông lão nát rượu cũng đi nghiêng ngả trên đường cái làng như con đồng môi của thày phù thủy. Những tiếng làu bàu chửi hay câu khấn, thật cũng không thể biết. Lão lại say khướt rồi. Lão đến trước cửa ngách vào trụ sở Ái hữu. Lão sừng sững đứng lại. Lão giơ cái quạt nan, trỏ vào nhà:

- Tiền đâu mà thuê cái nhà to thế này, hử thằng Lê? À bây giờ mày thuê nhà, lại mượn đầy tớ hầu mày kia đấy. Mày phải đưa cho tao một đồng, mày phải cho tao một hào...

Lê chạy xổ ra. Lão sững sờ nhìn Lê, rồi lại hèm một tiếng, đủng đỉnh như nói với ai:
- Tiền đâu mà mày thuê cái nhà to như thế này, hử thằng Lê? Mày phải đưa cho tao một hào. Hiệu phở kia, tao ăn phở. Hà, gớm thật, một đời ông chưa biết cái gì là cái phở, giờ mày lại mở cả một hiệu phở to bằng cái đình thế này mà không cho ông được một bát, hử cái thằng Lê...
Không để ông lão nói hết, Lê xông tới đẩy bố lạng bắn sang bên kia đường. Rồi Lê đuổi theo, đá rấp luôn hai đá, ông lão Vựng ngã bổ xuống bãi rác. Lê mặc kệ, đi biến vào bóng tối. Ông lão nằm chỏng giữa đường và thế rồi lão ngủ, nửa đêm lão mới bò dậy. Lão đứng sững sờ một lát, có lẽ để nhớ xem lúc nãy ngã hay bị thằng con bất hiếu đánh. Lão không nhớ được. Rồi lão lại làu bàu không ra chửi, không ra khấn, lắc lư đi trở về con đường khuya, đã tối đen như mực.
Lê chạy trốn sự khủng khiếp. Nhớ lại một thằng bé trần truồng ngồi xó nhà, tay nó bốc đất bốc cứt đưa lên miệng và khóc đến bao giờ khản cổ chỉ còn khò khè vẫn khóc. Thằng bé khốn nạn ngày xưa trở về trong trí Lê, Lê buồn lắm. Không phải Lê buồn vì có một ông bố dở hơi, chè rượu đã nhiều lần đến bôi bùn vào mặt Lê ở chỗ công chúng và Lê đã đánh bố, cả làng này biết. Có lần, kể chuyện đời mình với anh Tần, Lê nói:
- Mẹ tôi chết từ khi tôi còn ẵm ngửa. Bố tôi bỏ liều tôi ngồi trong hốc nhà hàng tháng, tôi cứ ỉa rồi tôi lại ăn cứt tôi, thế mà tại sao tôi không chết. Tôi lớn lên bao nhiêu ngày thì bấy nhiêu ngày bị bố đánh. Khi tôi có đủ sức thì tôi đánh lại bố tôi. Nhưng bây giờ tôi đã hiểu. Chỉ vì xã hội bất công ai cũng khổ cả mà thôi.
Trời ơi, lâu lắm Lê mới lại trở lại những uất ức cũ.
Trụ sở vắng như chùa Bà Đanh. Như cái cửa hàng mắc vận áo xám, mất hết khách. Mọi khi, ngày ngày, Chúc ngồi hau háu trên giường, quấn váy hoa sặc sỡ, sổ sách bút mực để đầy trước mặt, anh chị em thợ ra vào nhộn nhịp. Bây giờ, sổ sách Chúc gác lên mái tranh. Suốt ngày Chúc nằm ngủ. Ngủ nhiều quá, tóc bù xù, mặt bự ra, cái mũi càng đỏ lựng.
Rồi lão chủ cái trọ dó đòi nhà. Nhiều lôi thôi, cả đến quán phở bên cạnh cũng bị lây tiếng, đâm ra ế. Một buổi kia, mấy hàng quán lụp sụp ở cùng dãy đầu chợ thấy Lê và Lạp trên chiếc xe sắt, đứa ngồi trên, đứa dưới sàn xe, giơ tay lên giữ cái thành của tấm bảng. Hội Ái hữu thợ dệt... vừa dỡ ở ngoài cửa xuống. Để tránh những lôi thôi gay go lúc này, họ dọn Ái hữu vào vùng trong.
Lê cũng bỏ làng theo vào trong ấy. Lê đã chán cả làng.
An ở ngoài phố về, hớt hải phóng xe đạp theo, nói với:
- Này chúng mày! Pháp - Đức chiến tranh rồi. Tuyên chiến đêm hôm kia.
- Thế hả?
Trên con đường khấp khểnh, cái xe bánh sắt lọc cọc, lọc cọc vẫn đi.
Thế là nước Pháp đánh nhau với Hít–le. Trong bụng Lê, những bực bội day dứt cồn cào không hiểu được mấy hôm nay, dịu xuống. Vì một lẽ giản dị, con người cùng quẫn ấy thấy các nước đánh nhau thế thì có thể có thay đổi, thay đổi.
Hà Nội 1957
Tô Hoài
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đội Mũ Lệch Thả vỏ quýt ăn mắm ngấu Hai năm nay, Cả Lĩnh làm ăn phát đạt. Chẳng thế mà hắn ta lại dựng ngay ở phố chính một tòa nhà ...