Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Hoa rừng phai sắc

Hoa rừng phai sắc

Tác giả Đào Thanh Tám còn có bút danh Thanh Tám, tên khai sinh Đào Thị Tám, sinh năm 1976, quê quán ở Chương Mỹ, Hà Nội. Từ năm 2016 đến nay chị là giáo viên văn Trường TH-THCS Tam Đường, Lai Châu. Chị bắt đầu viết văn từ năm 2021, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu, đã xuất bản tập truyện ngắn “Bình minh trên núi” (NXB Hội Nhà văn) và nhận một giải thưởng văn học của Lai Châu. VHSG xin giới thiệu truyện ngắn “Hoa rừng phai sắc” của Đào Thanh Tám.
Nhà văn – nhà giáo Đào Thanh Tám
Đêm đã về khuya, bản Lự chìm vào tĩnh mịch. Muông thú trong khu rừng cấm cũng đang say giấc. Chỉ còn con suối Nậm Hoa thức. Dòng suối trong mát quanh năm suốt tháng miệt mài chảy róc rách qua rừng cấm phía đầu bản. Chọi cời than trong gian bếp bên trái ngôi nhà sàn ba gian bố chồng cô dựng cho từ ngày vợ chồng cô ra ở riêng trong khu vườn của bố. Bên kia, ba gian nhà cũng chìm trong tĩnh lặng. Gió từ phía cửa sau lùa vào làm lùng bùng mấy tấm rèm ghi đô che gian ngủ. Sau mấy tấm rèm ghi đô, Sọn và hai đứa trẻ đang say giấc.
Vừa cời than, Chọi vừa lầm bầm một mình: “Giá mình cũng ngủ được một lát cho nhẹ đầu…! Mất nhà, mất việc đến nơi rồi Sọn ơi!” Chọi nhìn hòn than đỏ rực trong bếp mà ước gì cuộc đời ai cũng như hòn than kia, cháy hết mình hồng hào, đẹp đẽ, rực rỡ để rồi đến khi lụi tàn cũng không còn gì vương vấn.
Chọi trầm tư lo lắng, vài tiếng nữa là đến sáng ngày. Nếu Chọi không có tám mươi sáu triệu nạp vào áp thì sẽ mất trắng hai tỷ. Đồng nghĩa với việc mất trắng cả cơ ngơi bố mẹ để lại cho hai đứa, có khi Chọi còn mất cả việc ở trường. Rồi sau này cả nhà sẽ sống ra sao, ở đâu? Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu ý nghĩ vẩn vơ lùa vào đầu Chọi. Lúc tối, Chọi đã lục tìm trong chiếc pen(1) để dưới đuôi giường tìm cái sổ đỏ để mang ra thị trấn cắm lấy tiền gửi áp. Đang lục lọi chiếc pen thì Pín – cô em chồng cũng là cô bạn thân từ thuở tắm chuồng ngoài suối với Chọi xộc vào mắng chị như té như tát:
– Tôi mang về bên nhà tôi rồi. Chị không có cơ hội mang sổ đỏ của anh trai tôi ra khỏi nhà đâu!
Chọi bực bội vì sự can thiệp thô bạo của em chồng. Bực cả Sọn, chỉ vì anh ta quá hiền lành, chậm chạp làm khổ vợ con. Nếu Sọn nhanh nhẹn, hoạt bát như chồng Pín thì Chọi đâu đến cơ sự này. Không nhịn được, Chọi đứng bật dậy:
– Cô đừng có láo. Việc nhà tôi, ai đã mướn cô tham gia!
Pín vênh mặt nói lớn:
– Tôi không tham gia để cho chị phá nát nhà à? Tôi tưởng chị giỏi giang lắm cơ mà!
– Tại anh cô hèn mới ra cơ sự này!
Sọn ngồi trên chiếc ghế mây, bế đứa con nhỏ trên tay quát lớn khiến cả hai chị em Chọi giật mình:
– Im hết đi! Phải, lỗi tại tôi, tại tôi hết!
Quay sang em gái, Sọn dịu giọng:
– Pín về đi! Anh xin cô đấy! Cô về lo việc nhà cô, cô làm quá lên chị quẫn trí lại khổ anh và các cháu.
– Anh cứ thế bảo sao…!
Quay sang Chọi, Pín chì chiết:
– Mới hôm qua chị còn mạnh miệng mắng tôi: Cô thì biết gì. Cô không đủ gan làm như chị đâu. Ngồi đấy mà xem chị đổi đời cho anh trai và cháu cô. Giờ chị đã sáng mắt ra chưa?
Nói rồi Pín quày quả bước xuống từng bậc thang gỗ mòn vẹt.
Con gà trong chuồng te te gáy sáng. Chọi giật mình thon thót. Thế này thì chết thật rồi. Chỉ còn nước cuối cùng, đợi trời sáng tỏ, Pín lên trường dạy học mình sang nhà gặp chú Ngần. May ra!
Đã gần bảy giờ, Sọn cho hai con ăn rồi đưa chúng đi học rồi. Nhà chỉ còn mình Chọi nằm im thin thít trong chăn. Thi thoảng lại trở mình, mở điện thoại xem giờ. Ngoài kia, trời vẫn còn nặng sương. Màn sương mỏng manh, đang bị mặt trời xua tan. Những tán rừng, ngọn cây đã lộ ra mỗi lúc một rõ hơn. Chọi vùng dậy, đi về phía bếp, cúi xuống xô múc một ca nước rửa quàng cái mặt rồi hấp tấp xuống sàn.
Hai ngày nay, Chọi không đến lớp. Chắc Pín trông cả lớp của Chọi và lớp của cô ấy. Nếu không kiếm ra tiền thì để nộp vào áp thì làm sao Chọi yên tâm đi dạy học được. Đôi chân đưa Chọi đến nhà Ngần Pín. Ngần là bạn học cùng lớp với Sọn, lại là bạn thân của Sọn nhưng Ngần to khỏe, nhanh nhẹn và đẹp trai nữa. Lúc Pín còn nhỏ, khi bố mẹ đi rừng, Sọn phải ở nhà trông Pín, Chọi đến chơi cùng Pín thế là Sọn dẫn cả hai đứa bé sang nhà Ngần. Chúng trèo cây hái bưởi, đào, ổi… ăn chán rồi lại ra suối nghịch nước, cát. Có hôm Ngần phải đi ra mó xách nước về cho mẹ nấu cơm, thế là có mỗi can nước bốn đứa thay nhau xách hoặc xâu cái gậy vào chỗ tay cầm khiêng về. Sọn hiền lành nên vẫn bị Ngần xúi Pín và Chọi bắt nạt. Hôm nào không phải xách nước thì Sọn phải làm ngựa cho ba đứa lần lượt trèo lên lưng nhong nhong ngựa ô về làng. Lớn lên, Chọi thầm thương trộm nhớ Ngần mà Ngần dửng dưng. Ngần đi thương Pín. Chọi buồn lắm mà không biết làm sao, lẽ nào lại tranh giành với bạn thân của mình. Ngày Chọi và Pín cùng nhận được giấy báo nhập học của trường Đại học Sư phạm mầm non II thì Ngần bế thốc Pín lên quay vòng vòng trước mặt Chọi và Sọn. Chọi ôm mặt chạy ra bờ suối, nơi mó nước ngày thơ bé cả bọn vẫn ngồi chơi trên bờ đá người dân bản đắp hằng năm ngăn dòng giữ nước mà khóc rưng rức. Sọn chạy theo dỗ dành làm sao Chọi cũng không nín. Khi màn đêm trùm lấy bản làng, rừng cây âm u âm u lùa gió xuống con suối chỉ nghe nước chảy róc rách dưới chân. Tóc và vai Chọi ướt đẫm sương đêm mà Sọn vẫn kiên trì ở bên an ủi. Chọi khóc đến khi trăng kéo lên đỉnh đầu, rơi xuống dòng nước óng ánh như ai thả xuống dòng nước trăm nghìn nắm bạc lẻ. Đàn cá nô đùa tung tăng đớp bạc thì Chọi gục đầu trên vai Sọn thiếp đi.
Lúc ấy, trong mắt Sọn, Chọi đẹp như bông hoa rừng lung linh khoe sắc thắm giữa nắng xuân, còn Sọn như con ong bướm say đắm hương sắc bông hoa rừng. Sọn thương Chọi như cây trong rừng bao nhiêu không đếm nổi, như nước dưới suối quanh năm ào ạt chảy không ngừng. Sọn làm mọi việc bù đắp cho nỗi buồn của Chọi. Nhưng mỗi lần nhìn thấy cái bóng dáng chắc khỏe như cây gỗ lớn trên rừng của Ngần, Chọi không thể không xao lòng.
Tập truyện ngắn “Bình minh trên núi” của Thanh Tám
Vừa bước đến cửa Chọi nghe trong nhà tiếng ông Hặc, bố của Ngần nói oang oang:
– Vài ngày nữa là đến lễ Căm Nung(2), con trai ta với thằng Phắt, thằng Xeng, thằng Ún được bản mường chọn làm thầy phụ lễ là ta vui cái bụng lắm đấy. Con nhớ kiêng cữ, giữ gìn sức khỏe, tinh thần minh mẫn để làm lễ cho bản thật chu đáo Ngần à!
– Bố cứ an tâm. Từ hôm con được bà con đề cử là người bốc nhúm gạo, lại may mắn con bốc được gạo có số hạt chẵn lớn nhất là con đã tự biết phải làm gì để giữ gìn cái thiêng liêng của buổi lễ.
Ông Hặc cười khà khà:
– Bố cũng biết là con hiểu. Con như cây gỗ lớn trong rừng thiêng, khỏe mạnh rắn rỏi, tinh thần minh mẫn cho buổi lễ Căm Nung tốt đẹp. Mưa thuận gió hòa để con ma rừng không quấy phá bà con ta. Nhà nhà no đủ.
Nghe đến đây, Chọi lao vào quỳ sụp trước mặt ông Hặc và Ngần vái lia lịa:
– Con lạy ông cứu con! Lạy chú cứu chị! Người trong một nhà, một bản không cứu nhau trước khi lễ Căm Nung diễn ra thì làm sao buổi lễ linh thiêng được. Trong bản còn người khốn khó, con ma rừng không chịu đi đâu!
Ông Hặc tái mặt, chỉ tay quát lớn:
– Hỗn láo, về ngay! Tự làm tự chịu!
– Chị lạy chú! Chị biết nhà chú có vàng đong bằng ca! Chồng chị không có tài buôn sâm, buôn trâu,… như chú nên chị mới ra nông nỗi này. Chú nể tình người nhà mà cứu chị!
– Chị cần bao nhiêu?
– Tám mươi sáu triệu. Tối chị có hai tỷ, chị trả chú cả gốc và lãi không thiếu một ngàn!
– Cô đừng có mà lừa đảo, về ngay đi, con tôi không họ hàng gì với cô cả!
– Ông ơi, cháu đang làm ăn lớn nhưng thiếu vốn. Ông cho cháu vay, chiều cháu có ngay tiền tỷ. Từ ngày mai, cháu không đi dạy trẻ nữa, ở nhà chơi mỗi ngày cháu cũng có triệu bạc đút túi. Chả mấy chốc cháu giàu như nhà ông. Hề… hề…!
– Thôi đi cô, tiền của tôi ki cóp cả năm trời, trưa hôm qua chỉ có cô động vào điện thoại tôi mà hơn bảy chục triệu để dành chữa bệnh cho con đã bốc hơi. Giờ cô lại định lừa cả em tôi nữa à.
Sọn ở đâu xộc vào cắt đứt tiếng cười của Chọi.
– Anh là đồ hèn! Anh để vợ con anh nheo nhóc khổ sở đến bao giờ? Thời nào rồi mà anh còn ôm khư khư tiền trong tài khoản. Nó sẽ trượt giá, anh hiểu chưa? Ngày mai, tôi sẽ trả anh gấp đôi số tiền hôm qua tôi mượn tạm anh.
Chuông điện thoại reo vang. Sọn gạt nút xanh:
– Anh đây, cậu ở bên đó công việc thế nào?
– Em thì vẫn bình thường. Anh chị có việc lớn mà không báo cho em biết sớm. Hôm qua chị gọi em, bảo chuyển cho chị mượn nóng bảy sáu triệu. Em đang bận giải quyết việc công ty nên chỉ kịp chuyển tiền mà chưa kịp hỏi anh chị có việc gì hay cháu lại vào viện?
– Ôi thôi thôi, giời ơi là đất! Con này nó rút ruột anh, trộm hết tiền anh để dành chữa bệnh cho cháu cậu. Nó vay mượn tứ tung các cô giáo cùng trường. Bây giờ nó đang van lạy chồng Pín cứu nó đây! Cậu ơi là cậu! Nó lừa cả nhà rồi! Nó cướp đường sống của con nó! Nó giết cả anh rồi!
Giọng nói bên kia run bắn:
– Anh… anh ơi… tiền hàng của công ty! Em chết mất!
Điện thoại của Sọn tắt phụt, anh ngồi phịch xuống sàn nhà vò đầu. Ngẩng lên, anh nhìn Chọi bằng con mắt nảy lửa. Anh thấy Chọi giờ giống như bông hoa dại bị sương dầm, nắng xé đến tả tơi. Đâu rồi cô giáo Chọi đẹp như một bông hoa rừng trong nắng xuân lấp lánh ngày nào.
Lúc Chọi còn đẹp lấp lánh trong mắt Sọn, bản làng Chọi cũng còn heo hút lắm. Cả một vùng quê nhìn đâu cũng thấy núi và rừng. Gần chục năm trở lại đây, cuộc cách mạng 4.0 ập vào bản. Ban đầu là xe máy, điện thắp sáng; nồi cơm, quạt điện…, máy say xát, rồi đến ô tô. Vài năm gần đây là internet, là điện thoại thông minh về bản. Từ đứa trẻ đến các ông bà già đều sử dụng thành thạo điện thoại thông minh. Đám thanh niên choai choai cũng học theo người lớn tự ý lấy xe máy của bố mẹ phóng vèo vèo, rú ga ầm ầm trong bản. Nhà nhà mở ti vi, loa đài, hát karaoke… huyên náo cả một vùng. Bao nhiêu âm thanh của núi rừng, vốn tồn tại từ bao đời nay giờ bỗng nhiên bị lấn át: tiếng con suối róc rách chảy, con chim rừng chuyền cành hót líu lo mỗi sớm mai, những đàn cò trắng phau, mùi con dúi, con rắn, con cầy… trước kia Chọi quen thuộc lắm giờ có hay không Chọi cũng không biết nữa.
Cả tháng nay, mắt Chọi không rời xa chiếc điện thoại. Ăn nhìn vào điện thoại, ngủ cũng để điện thoại cạnh mình. Hễ có tiếng tinh… tinh… thì đang làm gì Chọi cũng bỏ, vồ lấy đọc, nghe, bấm, nhắn… Cả lúc thức và khi ngủ Chọi mơ giấc mơ trong chốc lát cuộc đời Chọi sang một trang khác, lên xe xuống phố. Việc nhẹ lương cao, rất cao. Chọi bỏ nghề cô giáo dạy trẻ mần non mà trước đây Chọi và Pín cùng nhau mơ ước.
– Không ai chịu cứu tôi, tôi đi chết cho mọi người vừa lòng!
Chọi đứng phắt dậy, chân giậm bình bịch xuống sàn gỗ bóng loáng nhà Ngần. Rồi hậm hực nện những bước chân nặng chịch vào bậc thang như muốn làm sập bậc thang bằng đôi chân bé nhỏ của mình. Xuống đến gầm sàn, đi qua chiếc Pord của Ngần, thấy ngứa mắt Chọi đấm cái đèn đánh rụp. Cái vỏ đèn rung lên tiếng cười khô khốc của thứ nhựa cứng như lời giễu nhạo Chọi. Chọi đưa tay trái xoa tay phải cho bớt đau. Miệng lẩm bẩm:
– Các người không ai chịu tin tôi! Hừ, từ giờ đến tối tôi mà có được hai tỷ thì các người biết tay tôi. Lúc ấy để xem các người còn mắng tôi được nữa không?
Chọi lại xuýt xoa, gan bàn chân đau rát. À, hóa ra lúc rời khỏi bậc thang cuối cùng ở cầu thang nhà Ngần, Chọi quên xỏ dép vào chân. Rõ bực mình. Giàu nứt đố đổ vách, sàn gỗ bóng loáng, dép không được đi vào nhà giống như kiểu các nhà trên phố mà keo kiệt cả với chị vợ.
Cát với sỏi trên đường làm chân Chọi đau điếng. Ngày còn bé, con bé Chọi, cùng chơi đùa cả ngày với con bé Pín hết gầm sàn nhà Chọi đến gầm sàn nhà Pín, rồi bờ suối, ruộng khô… Cả ngày chúng đi chân đất, chạy nhảy tứ tung, trèo cây mận, bưởi, đào… hái quả thoăn thoắt, có biết đau là gì. Giờ đi đất có vài bước chân mà đau rát rạt.
Chọi định quay lại nhà Ngần lấy dép thì âm thanh rè rè từ cái loa trên cột điện phát làm cô dừng lại ngỏng tai nghe: “Alo, alo!”. Giọng của anh Phà – trưởng bản, rõ ràng, rành giọt từng lời:  “Alo, Alo! Mời bà con tối nay đúng tám giờ có mặt tại nhà văn hóa Bản Hoa họp nghe phân công nhiệm vụ lễ cúng Căm Nung! Alo! Alo”
Tai Chọi ù đi, giá như trước kia, đến mùa lễ hội Căm Nung thì Chọi và bao người phụ nữ, trai tráng khác vô cùng mừng vui. Ngày lễ, mỗi nhà một người trai tráng khỏe mạnh vào rừng làm lễ cùng thầy cúng cảm tạ đất trời, thần linh và đấng siêu nhiên đã bảo vệ người dân tránh điều tai ương, bảo vệ mùa màng, đem cuộc sống ấm no, yên bình cho dân bản. Cúng xong thì đàn ông trai tráng cùng thầy cúng liên hoan tại rừng để thể hiện tình đoàn kết gắn bó bản làng với rừng thiêng. Phụ nữ, người già, trẻ nhỏ ở nhà trò chuyện vui vẻ. Cả bản không ai làm bất cứ việc gì, nhiều điều kiêng cữ được cả bản nghiêm ngặt thực hiện. Năm nào đến mùa lễ Căm Nung, Chọi cũng nghe người già nhắc đi nhắc lại đám thanh niên, các cháu nhỏ thực hiện nghiêm ngặt tục lệ của bản đến thuộc lòng. Dù không được vào rừng thiêng nhưng Chọi cũng biết trong rừng thầy cúng và đàn ông trai tráng lễ ra sao. Năm nào, buổi liên hoan trong rừng cũng sẽ kết thúc vào lúc xế chiều.
Những người đàn ông mang phần về nhà cho mọi người trong gia đình cùng hưởng lộc. Ai không tuân thủ sẽ bị phạt. Người lạ không biết luật, lỡ đi vào bản cũng bị bắt phạt và cái lễ coi như mất thiêng, bản phải là lại từ đầu. Sau lễ là hội. Ở phần hội, Chọi được cùng Pín và các chị em ra nhà văn hóa thi đẩy gậy, kéo co… cánh đàn ông đi cà kheo, chơi chọi trâu… đến khuya tiếng trống múa Leo bo(3), tiếng sáo mẹ sáo con vẫn còn réo rắt âm vang khắp bản mường, ngoài suối, trên nương. Những năm gần đây, kinh tế bản phát triển, các lễ hội trước kia đã bị lãng quên giờ được phục dựng lại. Cứ rộn hết cả bản lên. Lễ hội năm nay, cũng rộn ràng không kém nhưng Chọi chả còn tâm trạng đâu mà để tâm đến lễ hội. Ngày mai ra sao, Chọi còn không biết thì thiết tha gì lễ với hội. Chọi tiếc giá như mình sử dụng mạng internet thông minh hơn, tỉnh táo hơn thì giờ đâu phải chạy theo áp. Không biết có thoát nghèo như Thắng Hà Nội nói không, chỉ biết giờ điêu đứng quá. Giá như không có cái ngày hôm ấy cách nay một tháng, Chọi đang dạy học thì nhận được tin nhắn trên mecsseger, Thắng Hà Nội mời Chọi vào công ty của y. Sau đó, y thường xuyên gửi tin nhắn dụ dỗ Chọi việc nhẹ lương cao. Vốn ban đầu không lớn, chỉ cần có chục triệu là đã thành khách hàng bạc, thêm nữa sẽ là khách hàng vàng, thêm chút nữa thành khách hàng kim cương. Không cần làm gì, mỗi ngày cũng có mấy trăm ngàn đồng đổ vào tài khoản. Tiền thật chứ không phải ảo. Nếu bỏ vốn khoảng năm trăm triệu thì mỗi ngày thu về triệu bạc như chơi. Lúc ấy chỉ việc ở nhà thu tiền không phải đi dạy học. Tiền tiêu không hết có thể gửi cộng dồn vào vốn cho tăng lợi nhuận. Đôi ba tháng sẽ được công ty cho đi du lịch biển, thậm chí có thể được đi du lịch châu Âu…
Chọi có mười triệu vốn gửi áp. Mỗi sáng, Thắng Hà Nội gửi vào tài khoản của Chọi một trăm ngàn đồng tiền hoa hồng. Từ ngày nhắn tin với y, Chọi sao nhãng việc dạy trẻ, Pín nhắc nhở Chọi bỏ ngoài tai. Ban giám hiệu lập biên bản cảnh cáo, Chọi cũng không bận tâm. Chọi say mê với áp, với tin nhắn. Chọi nghĩ nếu có tiền cô sẽ bỏ nghề ở nhà chăm con. Hằng ngày, Thắng Hà Nội dụ dỗ, mồi chài cô, gửi cho cô những tin nhắn y chuyển hoa hồng cho khách hàng lên tới vài triệu một ngày. Khi Chọi nói chuyện với Thắng Hà Nội, Chọi còn nghe tiếng người đang giao dịch ở gần đó, họ nói: “Chị trước kia ở quê làm ruộng chân lấm tay bùn, tối ngày bán mặt cho đất bán lưng cho trời, ráo mồ hôi là hết tiền. Chị may mắn được người quen giới thiệu vào công ty. Vốn ban đầu của chị chỉ chưa đầy hai triệu. Nhờ sự hỗ trợ nhiệt tình của các bạn trong công ty, chị mạnh dạn bứt phá, bán mảnh vườn ở làng lấy ít vốn đầu tư. Sau một năm chị đã có cả chục tỷ. Giờ chị đã mua nhà trên phố, cả nhà sống sung túc vui vẻ. Ở đây chị không thiếu thứ gì, từ rôboot lau nhà, máy rửa bát… Nếu chị không dám bứt phá thì sao có ngày hôm nay…”
Chọi thèm được như người phụ nữ kia. Hiểu Chọi thèm khát làm giàu, y liên tục dụ dỗ Chọi, y gọi cô là “chị đẹp”. Nếu “chị đẹp” quyết tâm dám bứt phá để tiến tới thành công thì em giới thiệu chỗ cho chị vay lãi nhẹ. Số tiền vay ít nhất là vài chục triệu, nhiều nhất có thể lên tới hai tỷ. Tùy chị chọn gói. Muốn nhanh thì phải mạnh bạo. Vay càng nhiều càng nhanh thành công. Chọi bùi tai liều vay hai tỷ. Thắng bảo cô phải gửi vào tài khoản của y trước hai mươi triệu tiền bảo hiểm. Sau khi công ty nhận được tiền bảo hiểm thì lập tức hai tỷ sẽ về tài khoản cô. Không có hai mươi triệu, Chọi vay các chị em trong trường, nói là đi chữa bệnh cho thằng Khằm. Chọi chuyển tiền xong thì tài khoản cô có hai tỷ thật. Nó hướng dẫn cô rút ra đầu tư cổ phần vào công ty. Chọi làm theo nhưng ngay lập tức hệ thống báo lỗi. Thắng lại nhắn cô gửi vào bốn chín triệu để bên công ty xử lý lỗi. Lúc ấy là buổi trưa, Sọn đang ngủ, Chọi liều lấy điện thoại của chồng, chuyển tiền về tài khoản mình để cứu hai tỷ. Cứ thế, tiền đi tiền về nhưng cô không thể rút ra được một ngàn. Chọi xoay hết chỗ này đến chỗ kia mấy trăm triệu ra đi rồi mà hai tỷ vẫn chỉ là con số mơ màng.
Chọi định ra cầu. Cây cầu treo bắc qua con suối Nậm Hoa. Từng nhịp gỗ cập kênh nâng đỡ bao đôi chân người dân Mường Lự này băng qua suối dễ dàng. Giờ nó sẽ nâng đỡ đôi chân Chọi, giúp Chọi tìm về mường trời, thoát khỏi mọi lỗi lầm, nợ nần. Đến ngã ba, một lối rẽ ra cây cầu treo, một lối đi về nhà Chọi bỗng nhớ đến thằng Khằm – đứa con chưa đầy ba tuổi còm nhom của Chọi. Chọi sẽ về nhà ôm nó một lần cuối cùng, hít hà mùi tóc rối của nó lần cuối rồi quay ra cầu cũng chưa muộn. Đôi chân đưa Chọi về nhà. Trong nhà đang ồn ào. Có cả mấy anh công an đứng dưới sàn trò chuyện. Chọi quay đầu chạy miết về phía cầu. Có tiếng bước chân thình thịch đuổi theo sau. Chọi chạy đến đầu cầu thì một bàn tay chắc nịch túm lấy tay cô kéo ngược tở lại. Anh công an đưa Chọi về nhà lấy lời khai. Cả gia đình Chọi và mấy anh công an khác ngồi quanh chiếc bàn gỗ mộc đơn sơ giữa nhà. Một anh ghi ghi chép chép từng lời nói của Sọn. Hóa ra Ngần đã gọi điện báo công an giúp đỡ gia đình Chọi tìm kẻ xấu.
Chọi mở điện thoại tìm áp. Áp không còn tồn tại. Gọi điện cho em Thắng Hà Nội – người mấy hôm trước Chọi thường giao dịch tiền với hy vọng đổi đời thì giờ chỉ là những tiếng tút dài. Chọi ôm đầu khóc hu hu như con lợn bị chọc tiết làm đồ tế thần rừng kêu lên hồng hộc trong ngày lễ Căm Nung hằng năm!.
Chú thích:
(1): Pen: gần giống như chiếc gùi, lu cở của đồng bào Mông, Thái nhưng có nắp bên trên được dùng để đựng quần áo và những đồ vật quý, có giá trị được người dân thiết kế thêm ổ khóa cho chắc chắn.
(2): Căm Nung : cúng rừng
(3): Leo bo: điệu múa đặc trưng của đồng bào dân tộc Lự ở Lai Châu
20/5/2023
Đào Thanh Tám
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...