Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Tiểu thuyết Đồng Nai - Mơ ước và đam mê từ góc độ người viết

Tiểu thuyết Đồng Nai - Mơ ước và
đam mê từ góc độ người viết

Tiểu thuyết là một loại hình văn học hư cấu, đòi hỏi người viết sự đầu tư cả về chiều rộng và chiều sâu. Người viết văn ít nhiều đều “thử sức” vài lần với tiểu thuyết trong quá trình lao động sáng tạo của mình. Tiểu thuyết Đồng Nai cũng là thành quả của những lần “thử sức” của các tác giả Đồng Nai, ghi lại một số dấu ấn thành công đối với thể loại văn học này.
Tiểu thuyết Đồng Nai gắn liền với vùng đất Đồng Nai
Trước hết, người viết tạm quy ước “Tiểu thuyết Đồng Nai” là do những người Đồng Nai viết ra (chưa khảo sát tác phẩm viết về Đồng Nai do các tác giả ngoài tỉnh viết).
Bên cạnh đó, “Tiểu thuyết Đồng Nai” là một khái niệm khái quát, trong khuôn khổ bài viết này chưa thể tổng hợp và đi sâu vào các khía cạnh của tiểu thuyết Đồng Nai được.
Tiểu thuyết Đồng Nai có sự gắn kết mật thiết với vùng đất (bao gồm những yếu tố lịch sử, văn hóa, kinh tế, đời sống vật chất và tinh thần… và những biến động của thế giới vạn vật bên ngoài tác động qua từng thời kỳ, bền bỉ hoặc thoáng qua đều được ghi nhận và thể hiện. Và luôn luôn, chủ thể của thế giới nghệ thuật ấy là con người Đồng Nai đã hiện lên trong những cuốn tiểu thuyết vừa có tính đại diện, điển hình, vừa rất riêng.
Nhà văn Trần Thu Hằng
Nhà văn Lý Văn Sâm (1921 – 2000) nổi tiếng với thể loại truyện ngắn, tuy nhiên ông đã dồn tâm huyết của mình vào cuốn tiểu thuyết “Nàng Tchô Phay của tôi” – tác phẩm lấy chính thời trai trẻ của mình để thể hiện. Nhân vật cậu Hai Phong là một công tử Tây học đã phải lòng một nàng sơn nữ ở Túc Trưng (Định Quán – Đồng Nai), cậu đã ở lại chốn rừng núi ấy để ở rể cho đến khi mối tình tan vỡ, cậu mới trở về chốn đô thành và dấn thân vào tham gia cách mạng. Tiểu thuyết sau kết hợp với truyện ngắn “Sương gió biên thùy” được hãng phim TFS dựng thành phim truyện, tái hiện một thời cuộc kháng chiến chống Pháp ở một vùng dân tộc thiểu số của Đồng Nai, đan xen vào đó là tình yêu, khát vọng hạnh phúc và cả đời sống văn hóa rất đặc trưng của vùng Đồng Nai thượng. Nhà văn Lý Văn Sâm viết tiểu thuyết này theo lối chân chất, nhẹ nhàng; tác phẩm tạo nên một lối “tiểu thuyết đường rừng” khá tiêu biểu của Đồng Nai.
Nhà văn Hoàng Văn Bổn (1928 – 2006) viết tiểu thuyết từ khá sớm. “Vỡ đất” được giải Nhất của Hội Văn nghệ và Uỷ ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ năm 1952; “Mùa mưa” –  1960, “Trên mảnh đất này” – 1962… là những tiểu thuyết nổi tiếng của ông, song được viết khi ông không sống trên mảnh đất quê hương mà tập kết ra Bắc, làm chiến sĩ thông tin, rồi nhà biên kịch quân đội. Ông có một sự nghiệp văn chương bề thế với hơn 20 quyển tiểu thuyết dày dặn viết trên nhiều nẻo đường tổ quốc (bên cạnh ký, hồi ký, truyện thiếu nhi…); song tiểu thuyết của nhà văn Hoàng Văn Bổn luôn thấm đẫm khí chất và đời sống của con người Đồng Nai, tiêu biểu cho người nông dân Đồng Nai. Xin mượn chính tác giả lời trần tình của người con gái Đồng Nai:“Nghe kĩ đi anh. Phải hàng trăm, hàng nghìn năm, phải có hàng trăm, hàng nghìn đời con gái bị lừa dối, phụ bạc, đau khổ… Con sông Đồng Nai mới hát được câu hát ấy, anh ơi…”(Nước mắt giã biệt) Có lẽ nhà văn Hoàng Văn Bổn cũng viết về quê hương Đồng Nai bằng  hàng trăm, hàng nghìn lần… những trăn trở, yêu thương và dấn thân như thế.
Nhà văn Nguyễn Đức Thọ (1955 – 2001) với tiểu thuyết duy nhất của ông: “Xứ sở tình yêu” xuất bản năm 1989 cho thấy sự “chuyển mình” theo hướng hiện đại của nghệ thuật tiểu thuyết Đồng Nai. Hiện đại không chỉ vì tiểu thuyết đề cập đến cuộc chiến tranh biên giới và tình yêu giữa anh lính tình nguyện Việt Nam với người con gái Campuchia – một đề tài nóng hổi của thời kỳ này; mà hiện đại ở chỗ khả năng “lật ngược vấn đề” (từ dùng của TS Phạm Quang Trung) mà Nguyễn Đức Thọ tiếp thu từ nhà văn Nguyễn Minh Châu. Văn học vừa có tính “nghiền ngẫm hiện thực”, vừa có chức năng “dự báo”. Ở Nguyễn Đức Thọ ông đã tiếp cận rất nhanh nhạy, rất cá tính trong nghề viết văn, đồng thời có cái nhìn thấm đẫm tình cảm và tinh thần nhân văn trong tiểu thuyết.
Thập niên 1990 còn được đánh dấu bằng tiểu thuyết “Lời nguyền hai trăm năm” của nhà văn Khôi Vũ (giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam -1990). Đây có thể coi là một cuốn tiểu thuyết kết tinh được nhiều chất liệu Đồng Nai, và phát huy được cái nhìn về con người đất Đồng Nai nói riêng, con người trong sự cuộc đấu tranh Thiện và Ác nói chung trong bối cảnh đổi mới đất nước. Bước sang những năm 2000 trở lại đây, sự xuất hiện của các thế hệ nhà văn trẻ đã làm tươi mới và phong phú thêm cho tiểu thuyết Đồng Nai như Thu Trân, Lê Đăng Kháng, Phạm Thanh Quang, Nguyễn Một, Nguyễn Trí, Phương Rong, Trần Thu Hằng… Có những cây bút đã thể nghiệm với thể loại tiểu thuyết như nhà văn Trần Thúc Hà với tiểu thuyết lịch sử, họa sĩ Trần Quốc Tiến đã khai thác đời sống người dân tộc thiểu số thời kháng chiến, nhà phê bình Bùi Công Thuấn với nghề giáo… Nhìn chung, những cuốn tiểu thuyết đều là thành quả của quá trình tìm tòi và viết rất nhọc nhằn của các tác giả Đồng Nai, qua đó là những mảng đời sống của con người Đồng Nai được khắc họa rõ nét, sâu sắc; công cuộc kháng chiến, bảo vệ và xây dựng tổ quốc, quê hương cũng được thể hiện khá toàn diện. Cùng với các thể loại văn học nghệ thuật khác, tiểu thuyết Đồng Nai góp phần quan trọng trong việc xây dựng một “tượng đài con người Đồng Nai” trong dòng chảy văn hóa Việt Nam.
Tiểu thuyết Đồng Nai có một vị trí riêng trong văn học cả nước
Mặc dù Đồng Nai không có nhiều cây bút viết tiểu thuyết, song có thể khẳng định tiểu thuyết Đồng Nai đã xác lập một vị trí riêng trong văn học hiện đại Việt Nam, nhất là từ năm 1975 tới nay. Hai nhà văn lão thành Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn đã đặt nền tảng vững chắc cho văn học Đồng Nai nói chung, tiểu thuyết Đồng Nai nói riêng. Từ đó mà “chất văn” Đồng Nai ít nhiều đều ảnh hưởng đến các thế hệ người viết tiểu thuyết, theo cách nói chuyên môn thì đó là sự ảnh hưởng của thi pháp khi văn chương được cung cấp một “nguồn dưỡng chất” dồi dào và ám ảnh. Bên cạnh đó, hầu như các tác phẩm tiểu thuyết của Đồng Nai đều gây tiếng vang trên văn đàn, xét ở góc độ giải thưởng văn học cũng như trong đời sống văn chương.
Nhắc lại “Lời nguyền hai trăm năm” của nhà văn Khôi Vũ, đây là tác phẩm giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về khát vọng sống cũng như cá tính, nguồn năng lượng của con người Đồng Nai xuyên suốt từ hàng trăm năm, và chạm ngưỡng cuộc sống hiện tại. Đó cũng là tiền đề giúp nhà văn Khôi Vũ tiếp tục khai thác hiện thực đời sống trên mảnh đất Đồng Nai để sáng tác thành chuỗi tác phẩm “Ngọn lửa âm thầm” (1993), “Bay với đôi tay trần” (2004), “Cái bóng” (2005), “Những người nuôi lửa” (2005), “Phía sau một khách sạn” (2006), “Vỡ dần trong mắt” (2009); và hiện nay là một số truyện phóng tác lịch sử Đồng Nai.
Nhà văn Lê Đăng Kháng và nhà văn Phạm Thanh Quang thì khai thác đề tài người lính, đưa vào tiểu thuyết trong giai đoạn sáng tác sung sức nhất của mình; và vẫn không thôi trăn trở, day dứt dù chiến tranh đã qua đi. “Vầng trăng nơi thiên đường” và “Hoa cúc ổi” của nhà văn Lê Đăng Kháng mang những bâng khuâng, hoài niệm của tuổi trẻ đi qua những cuộc chiến tranh; để con người tự nhận thức và hoàn thiện mình hơn. “Dòng xoáy cuộc đời” là cuốn tiểu thuyết đậm chất lính, chất đời thời hậu chiến của nhà văn Phạm Thanh Quang; qua đó nổi bật sự chân chất không bao giờ thay đổi của người lính giữa đời thường trắc trở. Với hai tác giả trên đây, ngoài viết văn xuôi (truyện ngắn và tiểu thuyết), thơ cũng là lĩnh vực hai ông có những thành công – vì vậy, tiểu thuyết là trải nghiệm mới, có ý nghĩa làm phong phú thêm cho đời sống sáng tác.
Nguyễn Trí là nhà văn viết rất khỏe, với trên 10 tập sách đã xuất bản. Sau thành công trong thể loại truyện ngắn (giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam dành cho tập truyện “Bãi vàng, đá quý, trầm hương” – năm 2013), ông có hai quyển tiểu thuyết “Ảo vọng nơi thiên đường” và “Ăn bay”. Hai tác phẩm này cũng nối tiếp việc ông viết về những người con người cùng khổ, dưới đáy của xã hội; và điều khác biệt làm nên tiểu thuyết của Nguyễn Trí chính là chất liệu cuộc đời của chính ông: “Ảo vọng nơi thiên đường” là những tháng năm người đào vàng chạy theo ảo vọng giàu sang đầy máu và nước mắt; “Ăn bay” là đời sống giang hồ trôi nổi nơi những góc tối của xã hội. Chất liệu đời thường ngồn ngộn, bối cảnh Đồng Nai và miền Đông Nam bộ được tái hiện rõ nét – tiểu thuyết của Nguyễn Trí cũng có sự bề thế riêng trong gia tài sáng tác của ông.
Nhà văn Nguyễn Một với sự thâm trầm của một nhà giáo cũng khởi vào tiểu thuyết sau những tập truyện ngắn và bút ký sinh động, hấp dẫn. Với hai tiểu thuyết đã được công chúng biết đến, Nguyễn Một được coi như một nhà văn viết với sự hoài nhớ, kiếm tìm nguồn cội. “Đất trời vần vũ” (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam – 2009) là một cuộc tìm kiếm lớn về vũ trụ, lịch sử của vùng đất cù lao Dao (ẩn dụ về một trung tâm mang tính tâm linh của mảnh đất Đồng Nai). “Ngược mặt trời” lại là một cuộc truy nguyên tìm về bản thể của người nghệ sĩ, xuyên qua cuộc chiến tranh, qua nỗi đau thể chất và tinh thần. Nguyễn Một được đánh giá là một nhà văn đương đại thành công với “tiểu thuyết rời rạc” – mặc dù khái niệm này là một cách gọi  mới chứ chưa phải là sự thống nhất trong giới chuyên môn.
… Điểm qua những tiểu thuyết Đồng Nai đã có mặt trên văn đàn, chúng ta có thể thấy được tiểu thuyết là một giấc mơ sáng tạo nghiêm túc và lớn lao của người viết. Ngoài ra, đó còn là giấc mơ về mảnh đất địa linh nhân kiệt đã nuôi nấng trí tưởng tượng và cả những khát vọng không giới hạn, để làm cho nó lớn lao và bất tử trong văn học. Vì vậy, chất huyền thoại và chất sử thi luôn hiện lên trên những trang tiểu thuyết của các nhà văn Đồng Nai, tạo nên một nét riêng không thể trộn lẫn.
Những thể nghiệm và khát vọng
Tuy nhiên, bên cạnh những thể nghiệm là khát vọng – nói đúng hơn là tham vọng của người viết tiểu thuyết – khi đứng trước thực tại vĩ đại, lớn lao hôm nay. Với khả năng dung chứa rất vi tế và bao quát của tiểu thuyết, các nhà văn có thể sử dụng tất cả các chất liệu đời sống, thể hiện bằng nhiều phương pháp sáng tác, trải dài và cô đặc thế giới nội tâm của con người… Trong cái chung còn có nỗi niềm riêng khi người viết Đồng Nai dấn thân với mảnh đất quê hương (còn được gọi là quê hương sáng tác của nhà văn). Xin được phép không kể ra tỉ mỉ những tâm tư, nguyện vọng, những cảm nhận… mà phóng tầm mắt xa hơn để thấy những vấn đề của tiểu thuyết Đồng Nai hiện nay:
Đó là thân phận con người, gắn với mảnh đất Đồng Nai; mà từ nhà văn  Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn đã nhận ra, và không thôi khai thác, tìm tòi, yêu và sống…Hướng tới con người của thời đại mới, mang tầm vóc mới.
Đó là tổng thể của một Đồng Nai hiện đại với Sông – Rừng – Các khu công nghiệp như là một địa văn hóa bền vững, nhưng khả biến và đầy ám ảnh;
Đó là giá trị nhân văn bao đời của mạch nguồn văn hóa Việt Nam, mang bản sắc văn hóa Đồng Nai cần được thấm nhuần và khởi sắc trong mỗi tâm hồn, mỗi trang viết…
Người viết xin tạm khép lại bài viết dù chưa thể đưa ra được sự khẳng định mang tính kết luận về tiểu thuyết Đồng Nai; vì khả năng còn rất hạn chế, những điều cảm nhận và viết ra cũng chỉ mang tính liệt kê, còn chủ quan và cạn hẹp. Rất mong đây là những trang viết dành cho tiểu thuyết Đồng Nai sự trân trọng, yêu quý cùng những mơ ước lớn lao được tiếp cận, học hỏi và đồng hành. 
5/11/2021
Trần Thu Hằng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn nữ thử yêu một chút cũng đâu có sao 23 Tháng Tư, 2022 Nhà văn nữ Phương Huyền giới thiệu tác phẩm “Yêu một chút cũng đâu có sa...