Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Tôi và Trịnh

Tôi và Trịnh

“Nhưng liệu Khánh Ly có “ăn mày quá khứ” (chữ của nhà văn Chu Lai) vào Trịnh Công Sơn quá không? Tôi nghĩ tốt nhất bà nên “chết” với nhạc Trịnh trước 1975. Đó là một cái kết đẹp cho cả hai người họ. Tôi nhớ một nhà văn đã viết, đại ý: phần lớn người đời chết ở tuổi ba mươi, quá tuổi ấy người ta chỉ còn sống kéo dài, chỉ còn là cái ánh hồi quang của quãng đời mà người ta đã sống trước đó” – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nhận xét.
1. Trịnh Công Sơn (1939 – 2001) là một trong ba nhạc sĩ lớn nhất Việt Nam TK XX, cùng với Phạm Duy (1921 – 2013) và Văn Cao (1923 – 1995). Đây là một sự xếp hạng không chính thức nhưng được nhiều người nói và được nhiều người nhất trí. Trong tam vị này, hai nhạc sĩ trên có thể hoán đổi nhau vị trí trước sau tuỳ theo sự nhìn nhận của mọi người, riêng Trịnh là người xếp thứ ba.
2. Văn Cao gọi Trịnh là người hát thơ, ca thơ. Hình như ông có dùng tiếng Pháp là “chantre poesie”. Đây là một ý kiến gọi đúng tên sự vật được phát ra từ một người có thẩm quyền trong âm nhạc. Nhạc Trịnh sâu sắc ảo diệu về ca từ, đó là những bài thơ thực sự, còn khúc thức âm nhạc thì đơn giản. Vì vậy, nghe nhạc Trịnh đôi ba bài, hoặc thoảng nghe, thì hay, nhưng nghe liền một lúc hay liên tục thì thấy đơn điệu. Tôi coi những bài hát của Trịnh là một thứ kinh nhật tụng.
3. Tôi nghe nhạc Trịnh lần đầu là tại Sài Gòn năm 1979, khi đang mặc áo lính. Nghe từ những người Sài Gòn cũ mà tôi có dịp tiếp xúc hồi đó. Cảm tưởng đầu tiên là nghe buồn, thấm. Bài tôi thích ngay từ ấy đến giờ là “Biết đâu nguồn cội”.
4. Nhà văn Bảo Ninh mở đầu truyện ngắn “Gió dại” cũng nhắc đến bài hát đó, khi những người lính giải phóng được nghe một cô gái Sài Gòn bị kẹt lại ở chiến tuyến hát:
“- Kìa! Nghe thấy không, hình như là Diệu Nương đấy! Nhiều tháng, và không chừng nhiều năm rồi đã trôi qua, Diệu Nương cô gái đã bị bắn chết từ những bao giờ vậy mà vào mỗi buổi mai, trước khi bắt sang một ngày mới, ở làng Diềm người ta vẫn mơ hồ ngái ngủ bảo với nhau thế. Như có thể nghe được quá khứ, như có thể thu được hồi thanh của thời gian vậy. “Ta rong chơi giữa đời… ới a… biết đâu nguồn cội. Em xin làm bến đợi mà chân anh ghé qua…”
5. Huyền thoại, tạo huyền thoại là tư duy của thời nguyên thủy. Thời nay, huyền thoại hoá là tư duy lại giống.
6. Tôi thích một ý kiến của ca sĩ Khánh Ly (KL) về Trịnh Công Sơn (TCS). Giữa nhiều tên gọi xưng tụng Trịnh hiện nay, khi được hỏi bà sẽ dành tặng danh xưng gì cho TCS, KL trong cuộc trò chuyện trên trang kenh14.vn đã nói: “Vẫn là nhạc sĩ TCS thôi.”
7. Trịnh Công Sơn – Khánh Ly, một cặp nhạc sĩ-ca sĩ của lịch sử. TCS hiển nhiên đã tạo nên KL. Nhưng cũng hiển nhiên KL đã tạo nên TCS. Họ đồng điệu, cộng hưởng và làm nhau nổi lên. Hai vế này lâu nay người ta ít nói vế sau. Bản thân KL cũng tự nguyện “nấp bóng” TCS. Song le, hãy nhớ đến thủa ban đầu họ gặp nhau trong âm nhạc. Khi đó Trịnh chưa là Trịnh và Ly chưa là Ly, chỉ là Mai. Hãy hình dung về sau nếu nhạc Trịnh người khác hát và Ly hát nhạc người khác. Kết cục sẽ có Ly nổi tên từ Trịnh và Trịnh nổi tên từ Ly thành như một cặp trời sinh cho âm nhạc Việt Nam thế không? Tôi không chắc lắm. Vậy sao không nói KL đã có công tạo nên TCS. Ca sĩ là người đưa nhạc sĩ đến với công chúng. Ca sĩ mà chìm thì nhạc sĩ cũng bị dễ bị đắm. TCS may mắn đã tìm thấy và gặp được KL.
8. Đỉnh cao của cặp đôi nhạc sĩ – ca sĩ này, với tôi, là ở album “Ca khúc da vàng”. Đó là chứng tích vết thương xuyên thấu lòng người VN trong cơn bi kịch TK XX của dân tộc. Đến nay nghe album này tôi vẫn rùng mình.
9. Nhưng liệu KL có “ăn mày quá khứ” (chữ của nhà văn Chu Lai) vào TCS quá không? Tôi nghĩ tốt nhất bà nên “chết” với nhạc Trịnh trước 1975. Đó là một cái kết đẹp cho cả hai người họ. Tôi nhớ một nhà văn đã viết, đại ý: phần lớn người đời chết ở tuổi ba mươi, quá tuổi ấy người ta chỉ còn sống kéo dài, chỉ còn là cái ánh hồi quang của quãng đời mà người ta đã sống trước đó.
10. Phim “Em và Trịnh” là một thương vụ có lẽ đã thành công ăn theo tên tuổi TCS, căn cứ vào những gì nó đã tạo được trên truyền thông. Chương trình nhạc “Như một lời chia tay” cũng có lẽ sẽ là một thương vụ thành công của KL, căn cứ vào lượng vé đã được bán ra với những mệnh giá cao. Công chúng có quyền lựa chọn cái họ nghe, xem. Tôi thì không xem phim đó vì tôi không cần biết “lai lịch” các bài hát của Trịnh ra đời như thế nào (theo giả thiết của người làm phim). Bài hát tự nó đã đủ cho nó. Tôi cũng không nghe chương trình nhạc đó vì tôi muốn giữ cho mình giọng hát KL từ những ngày nào nghe qua album đã nói trên. Tôi chưa nghe KL hát trực tiếp bao giờ. Giọng đó tự nó đã làm nên nó. Tôi không chiều ai cả, âu là tôi tự chiều mình vậy.
11. “Tôi và Trịnh” là một cách nhìn của tôi về nhạc Trịnh và người hát nhạc đó một thời là KL. Ai cũng có một “Tôi và Trịnh” của mình. Mỗi người một cách nhìn, một sự cảm nhận. Nhưng tất cả đều đã quy chiếu từ/về hai con người có thật đã trở thành lịch sử: TCS-KL. Thiếu đi một người, tức bỏ đi cái dấu gạch nối của hai người họ, lịch sử âm nhạc Việt Nam, và có thể lịch sử nói chung, hình như đã thiếu đi một phần lịch sử.
Hà Nội, 27/6/2022
Phạm Xuân Nguyên
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nhà văn nữ thử yêu một chút cũng đâu có sao 23 Tháng Tư, 2022 Nhà văn nữ Phương Huyền giới thiệu tác phẩm “Yêu một chút cũng đâu có sa...