Thứ Năm, 29 tháng 6, 2023

Mưa rơi lối vắng hoa vàng lối ta

Mưa rơi lối vắng hoa vàng lối ta

Nếu nói thơ nó vận vào người thì cũng có thể đúng chăng? Những yêu thương, lòng biết ơn, sự ghi nhận đâu có cần nhiều lời. Với thi sĩ điều đó lại càng chính xác hơn bao giờ hết. Và “Mưa ngâu” đã phần nào thể hiện được sự tinh tế qua những tình cảm cũng như nỗi lòng thương nhớ…
MƯA NGÂU
Mưa ngâu rả rích vườn ngâu
Cầu đâu Ô Thước xóa màu quan san
Em đi mấy độ mùa sang
Mưa rơi lối vắng hoa vàng lối ta.
ĐẶNG THÀNH VĂN
Lời bình:
“Mưa ngâu rả rích vườn ngâu/ Cầu đâu Ô Thước xóa màu quan san”. Câu đầu tiên có vẻ đơn thuần chỉ là một câu tả. Ấy là cảnh mưa ngâu triền miên, như không dứt trong khu vườn trồng một loại cây cũng có tên là ngâu. Đây là thứ cây được trồng chủ yếu để lấy hoa ướp trà, gọi là trà hoa ngâu. Và mưa ngâu còn gợi cho ta nhớ đến hình ảnh những giọt nước mắt của Ngưu Lang Chức Nữ trong truyền thuyết xa xưa.
Nhà thơ Đặng Toán ở Thái Bình
Lại nữa, cũng có một câu chuyện cổ tích khá cảm động nói về sự tích cây ngâu với những chiếc lá xanh nhỏ xíu hình giọt nước mắt kết từng 4, 5 cái vào với nhau.Từ tượng thanh “rả rích” tuy không mới nhưng được dùng để liên kết hai hình ảnh vừa thực nhưng lại cũng khá gợi, với chữ “ngâu” được điệp có chủ ý, nên câu thơ ít nhiều cũng tạo ra được những liên tưởng về phận người, kiếp người. Vậy là một câu viết tưởng nôm na, thấy gì nói đấy lại ẩn chứa trong nó những thuộc tính cần có của một câu thơ đích thực.
Câu thứ hai cũng tương tự. Chữ Ô Thước, chữ quan san đã mòn, cũ nhưng nhờ cách đảo chữ trong một câu hỏi tu từ “Cầu đâu Ô Thước xóa màu quan san”, đã gợi ra được cái khung cảnh ảm đạm, buồn bã của nỗi sầu chia ly, xa cách.
Và câu thơ tiếp theo ra đời vẫn theo một trình tự không thể dừng được ấy: “Em đi mấy độ mùa sang”. Không gian truyền thuyết tạm thời bị xóa mờ, nhường chỗ cho nhân vật “em” xuất hiện. Nói là xuất hiện nhưng thực tế “em” chỉ là sự hiện diện trong tiềm thức, trong hoài nhớ. Em đã đi tự thuở nào, hình bóng  “em” chỉ mờ mờ ảo ảo, bảng lảng mơ hồ giống như mấy độ mùa sang thật khó mà xác định.
Đến đây thì mạch cảm xúc của bài thơ đã khác hẳn. Thơ đã bắt đầu cất tiếng: “Mưa rơi lối vắng hoa vàng lối ta”. Đây là câu hay nhất trong bài. Với thể thơ bốn câu hay còn gọi là thơ tứ tuyệt thì đó là yếu tố then chốt làm nên sức sống, quyết định cho sự thành công của một thi phẩm. Hãy đọc lại câu thơ một cách chậm rãi để cảm nhận nỗi ngậm ngùi nhưng không bi lụy của một người đã vượt qua được những đau thương, mất mát tình thương mến cận kề, máu thịt nhất. Vẫn còn mưa rơi trên lối vắng. Liệu lối ta giờ đây sắc hoa vàng kia có làm cho nỗi thương nhớ nguôi ngoai trong lòng người ở lại?
Ta cần chú ý thêm một chút ở cách sử dụng tiểu vế đối trong hai hình ảnh: “mưa rơi lối cũ- hoa vàng lối ta” để thấy, con người ta, khi đã vượt qua được hoàn cảnh trớ trêu thì trong tâm sẽ có được thái độ cũng như cách hành xử điềm tĩnh, nhân văn.
Đặng Thành Văn làm bài thơ này chưa lâu trước khi người vợ rất mực đảm đang, thủy chung và yêu thơ của ông rời bỏ ông ra đi mãi mãi. Nếu nói thơ nó vận vào người thì cũng có thể đúng chăng? Những yêu thương, lòng biết ơn, sự ghi nhận đâu có cần nhiều lời. Với thi sỹ điều đó lại càng chính xác hơn bao giờ hết. Và “Mưa ngâu” đã phần nào thể hiện được sự tinh tế qua những tình cảm cũng như nỗi lòng thương nhớ của ông gửi tới người bạn đời yêu dấu!.
Thái Bình, 29/6/2023
Đặng Toán
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi

Không chỉ con đò mà còn là tiếng gọi… Nói đến làng quê Việt Nam là chúng ta nhắc đến những dòng sông, bến nước, con đò đã gắn bó từ xa xưa...