Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Đà Lạt 120 mùa hoa

Đà Lạt 120 mùa hoa

(NTO) Cách đây 120 năm, vùng cao nguyên LangBiang (Lâm Viên) Đà Lạt chưa có người Việt sinh sống. Bác sĩ Alexandre Yersin (1863-1943) gốc Thụy Sĩ, quốc tịch Pháp là một trong những người đầu tiên khám phá ra Đà Lạt. Ông sang Đông Dương năm 1889 làm y tế cho hãng tầu thủy Maritimes. (Yersin là Nhà Vi khuẩn học nổi tiếng thế giới, khám phá ra khuẩn que dịch hạch mang tên Yersinia Pestis).
Vốn yêu thích khám phá và dịch chuyển, ông xin làm việc trên tuyến Sài Gòn - Hải Phòng. Thời gian rảnh, ông tìm hiểu về ngành hàng hải, trắc địa... để thỏa mãn việc thám hiểm sau này. Trên đường từ Hải Phòng về Sài Gòn, ông xin hãng tầu ghé Nha Trang để đi đường bộ qua dãy Trường Sơn rồi về Sài Gòn. Sau khi hỏi công sứ Khánh Hòa, ông dùng ngựa đi Phan Rang, rồi nhờ người bản xứ dẫn đường băng qua núi rừng tới Djiring (Di Linh) Lâm Đồng.
Hồ Xuân Hương Đà Lạt.
Thấy đường vào Sài Gòn quá cam go, sợ không kịp hẹn nên ông đành trở ra Phan Thiết, dùng thuyền buồm đến Nha Trang để đón tầu từ Sài Gòn ra. Sau chuyến mạo hiểm lần đầu tiên này, ông bắt đầu say mê cuộc sống thám hiểm. Để được tự do, ông xin thôi việc ở hãng tầu, xin làm ở ngành Y tế thuộc địa. Năm 1892, ông quyết định thám hiểm lần thứ hai từ Nha Trang đến Stung Treng và đầu nguồn sông Mê Công (Campuchia). Năm 1893, Yersin mở cuộc thám hiểm lần thứ ba và đã khám phá ra cao nguyên LangBiang. Ông mô tả cuộc khám phá này trên báo Indochine: “Tôi đã đi khắp vùng này trong 5 tháng, ghi lại trên bản đồ những dòng sông, dãy núi, khu dân cư. Ngày 21/6/1893, tôi tiếp xúc đầu tiên với cao nguyên LangBiang cao 2.100m. Tôi đi ngang qua cao nguyên để tới làng “mọi” Dankia bên bờ sông DaDong (Đạ Đờn) ngay dưới chân núi LangBiang. Lưu trú ít ngày tại Dankia, tôi trở xuống phía dưới cao nguyên bằng lộ trình khác qua Ankroet và một chuỗi làng danh xưng chung là “Riong”. Tiếp đó, tôi đã tới Dran (Đơn Dương) nối với Đà Lạt qua Trạm Hành”. Theo nhật ký của Yersin, ông đã đến Thác Prenn lúc 13 giờ ngày 21/6/1893 và đến Đồi Rôbin (cửa ngõ Đà Lạt) lúc 15 giờ. Ông diễn tả: “Cảm tưởng của tôi thật sống động khi từ rừng thông đi ra. Tôi đối diện với cao nguyên mênh mông, có dáng như một vùng biển xao động mãnh liệt bởi một loạt sóng cồn xanh biếc.
Cáp Treo Đà Lạt.
Dãy núi LangBiang sừng sững phía Tây Bắc, càng làm cho cao nguyên thêm phần mỹ lệ. Sự mát lành của khí trời đã làm tôi quên đi sự mệt nhọc. Tôi nhớ lại, sự vui mừng khi tôi chạy hết tốc lực lên xuống những ngọn đồi, y như một chú học trò thuở nhỏ”. Ông nhận thấy nơi đây thỏa mãn các tiêu chí: “Độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, bảo đảm nguồn nước, khí hậu ôn hòa, có thể đến được”. Yersin đã đề nghị Toàn quyền Paul Doumer thành lập tại đây “Trung tâm Nghỉ mát”. Sau khi cử hai phái đoàn lên thám hiểm, quan sát tại chỗ, Paul Doumer khẳng định trên lãnh thổ Việt Nam không nơi nào lý tưởng như Đà Lạt. Toàn quyền đã cho xây dựng Sở Khí tượng, Trạm Trồng trọt Đà Lạt và mở một con đường từ duyên hải Trung kỳ lên miền Sơn cước. Ngoài việc xây dựng các tuyến đường bộ từ Sài Gòn, Nha Trang, Phan thiết, Buôn Mê Thuột nối với Đà Lạt.
Festival Hoa Đà Lạt.
Người Pháp còn dự định xây dựng tuyến đường sắt Sài Gòn-Đà Lạt-Nha Trang-Hà Nội. Do quá tốn kém về tài chính và thi công khó khăn, dự án này được điều chỉnh men theo biển. Đoạn đường sắt Phan Rang-Đà Lạt (dài 84 km) là nhánh đường sắt leo núi duy nhất ở Việt Nam (có đường răng cưa ở giữa hai đường ray để tầu không bị tuột dốc). Với 120 năm hình thành phát triển, Đà Lạt đã trải qua những giai đoạn sau đây: 1893-1899, thời kỳ “Khám phá” của Yersin cho đến khi Toàn quyền P.Doumer quyết định thiết lập “Trung tâm Nghỉ mát Đông Dương” cho người Pháp trên cao nguyên LangBiang. 1900-1914, thời kỳ “Khai sinh” kể từ khi P.Doumer quyết định chọn Đà Lạt thay Đankia, tới những năm kế tiếp bị lãng quên khi P.Doumer rời Đông Dương. 1915-1922, thời kỳ “Tái sinh” khi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Đà Lạt bừng dậy sau một thời gian bị đình trệ. 1923-1939, Đà Lạt trong thời kỳ “Phát triển” khởi đầu là đồ án thiết kế của Kiến trúc sư Hébrard, được chấp thuận của Chính phủ Pháp tới khi có sự chuyển mình khác. 1940-1954, thời kỳ “Thịnh vượng” Đà Lạt trở thành “Thủ đô Mùa Hè” của Đông Dương. Từ 1955 đến ngày 2/4/1975, thời Mỹ xâm lược, Đà Lạt trở thành “Trung tâm” đào tạo quân sự cho ngụy quyền Sài Gòn. Từ ngày 3/4/1975 Đà Lạt được giải phóng đến nay, đã phát triển vượt bậc (từ thị xã lên thành phố loại III, loại II và loại I trực thuộc tỉnh Lâm Đồng). Đà Lạt đã và đang phấn đấu trở thành thành phố du lịch- nghỉ dưỡng nổi tiếng quốc gia và quốc tế, xứng tầm là “Thành phố Festival Hoa Việt Nam” Chính phủ công nhận năm 2009. Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 27- 31/12/2013, tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch tổ chức “Tuần Văn hóa Du lịch” với 3 sự kiện lớn: Công bố Năm Du lịch quốc gia 2014-Tây Nguyên-Đà Lạt; Kỷ niệm 120 năm Đà Lạt hình thành phát triển và Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 5. Đây là sự kiện văn hóa mang tầm quốc gia và quốc tế, với nhiều hoạt động văn hóa- lễ hội- nghệ thuật... đặc sắc, hoành tráng và ấn tượng. Thông qua “Tuần Văn hóa Du lịch” nhằm tôn vinh, quảng bá đất nước, con người Việt Nam và thành phố hoa Đà Lạt - Vẻ đẹp bất tận, đang trên đà hội nhập và phát triển mạnh mẽ!
Hà Hữu Nết
Hội Văn học Nghệ thuật Lâm Đồng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...