Chủ Nhật, 3 tháng 8, 2014

Vó ngựa cao nguyên

Vó ngựa cao nguyên

Thơ mộng Ðà Lạt.
Ðồi núi chiêng chao, cây rừng nghiêng ngả, mái tóc phiêu bồng... K’Truik đang cùng con tuấn mã Rambô tung vó, băng băng về đích trong ánh mắt đắm đuối của sơn nữ buôn làng.
Có lẽ, hiếm nơi nào có hội đua ngựa độc đáo, nguyên sơ và hồn nhiên như thế! “Kỵ mã” đầu trần, chân trần, ngựa không yên, không bàn đạp... Họ bước vào cuộc đua phóng khoáng, để thỏa chí và thể hiện bản lĩnh của những bước chân lữ hành không bao giờ mỏi.
1. Chiều xuống yên ả phía chân núi LangBiang (Lạc Dương, Lâm Ðồng). Tôi ngược núi để chứng kiến các “kỵ mã chân trần”, những người con sinh ra giữa buôn làng, lớn lên trên lưng ngựa... tự do bay bổng với cuộc chơi bên sườn núi.
Bên con ngựa “vằn” LangBiang vừa thắng cuộc, K’Truik nói: “Ồ, ở xứ sở này, những đứa trẻ lên năm, lên bảy đã biết cưỡi ngựa cỏ rong chơi, biết ngã cùng ngựa. Ngựa cũng như người, “phải biết vuốt ve nó từ nhỏ thì nó mới thích mình, nghe mình”.
Ngày trước, ở buôn người Lạch, Cil dưới chân núi này nhà nào cũng phải có vài con ngựa. Ngựa thả hoang trong rừng, mỗi tuần mới “thăm” một lần để xác định vị trí, lúc nào cần mới huýt sáo gọi về. Già Păng Ting Bụt năm nay đã đến độ cửu tuần, nhưng vẫn giữ nét phong trần, lãng tử của chàng trai nhiều lần chinh phục gái đẹp trong buôn trên lưng ngựa. Già nói, từ hơn nửa thế kỷ trước ở cao nguyên này thường xuyên tổ chức đua ngựa không yên, và già đã nhiều lần mang về sự kiêu hãnh cho người Lạch. “Dạy ngựa khó lắm, phải ngã bùn, ngã suối với nó nhiều lần thì mới thuần được. Còn đua ngựa không yên thì hai cái đùi là quan trọng, vì đó là bộ phận điều khiển ngựa, giữ thăng bằng” - Păng Ting Bụt cho hay.
Mỗi lần đi rẫy “thăm” trâu, đi rừng “thăm” ngựa là bọn trẻ tụ họp đua ngựa. Nói là cuộc chơi, nhưng con ngựa nào về đích trước là nổi tiếng khắp buôn, và người điều khiển cũng có giá “bắt chồng” cao ngất ngưởng. K’Truik vinh dự được buôn làng nhiều lần gọi tên con tuấn mã của mình là Ơh sha pran kơ (con ngựa sức mạnh). Ngoài những cuộc chơi, K’Truik cùng con Rambô đã bốn lần đoạt quán quân trong các giải “đua ngựa không yên” do tỉnh, huyện tổ chức. Hãnh diện lắm! Bởi thế, nên đã tốt nghiệp Trường đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, nhưng K’Truik vẫn trở về bên đàn ngựa của ông nội để lại, để cùng vui, cùng buồn trong những cuộc chơi với đám bạn “kỵ mã” trong buôn, như K’Hiêm, K’Tiến, Cil Bris... với những chú ngựa cưng Juli, Jiky, Biôli...
Ngựa là người bạn không thể thiếu đối với người sống ở cao nguyên. Ngựa giúp con người vượt đèo dốc hiểm trở, đi “thăm trâu, thăm bò”, đổi chác hàng hóa... “Người Lạch còn đi tìm bạn gái bằng ngựa đó. Hồi xưa, vùng Păng Tiêng, Ðam Rông nghe tiếng vó ngựa người Lạch là nể rồi” - già làng K’Plin thổ lộ. Bởi thế, văn hóa người Lạch có câu: Con ngựa Păng Tiêng tôi đã cưỡi/ Bông hoa Păng Tiêng tôi đã ngửi...
Ðua ngựa không yên chinh phục đỉnh núi LangBiang là trò chơi dân gian, thể hiện sức mạnh, sự phóng khoáng của những người con Tây Nguyên.
2. Chia tay những “kỵ mã chân trần”, tôi trở về Ðà Lạt khi sương trắng phủ kín mặt hồ. Mùa xuân tràn vào những ngõ nhà, mùa của rạo rực yêu đương và mùa thu hút những bước chân du khách.
Ðêm càng khuya, Ðà Lạt càng lạnh. Trên cao, vầng trăng bàng bạc hắt xuống phố. Chợt tiếng vó ngựa gõ nhịp trên dốc vắng như bản tình ca chậm đều, buông lơi, “rơi” về miền ký ức của một thành phố châu Âu thời cổ đại. Tôi lục lại ký ức, thuở Ðà Lạt còn hoang vu, người Pháp đã dùng ngựa để đến đây. Và, một phần nhờ ngựa mà bác sĩ Yéc-xanh đã chinh phục cao nguyên Lâm Viên, khai sinh Ðà Lạt. Ðến những năm 30, cung đường La-mác-tin vòng quanh hồ Xuân Hương có một đường chính, hai đường phụ dành cho người cưỡi ngựa và đi xe đạp. Vó ngựa đã gắn với Ðà Lạt từ thuở đó...
Ðã qua tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng lão xà ích Phạm Ðứng, Phó Chủ nhiệm Hợp tác xã Xe ngựa Ðà Lạt một thời vẫn phảng phất nét phong trần. Lão kể: Trước thời Bảo Ðại, vó ngựa Ðà Lạt đã gõ nhịp trên những con đường dốc hoang sơ chạy quanh thành phố. Thời đó, người ta gọi là xe thổ mộ, có hai băng ghế dọc, bánh gỗ và bạc đồng, giờ thì... đã thành đồ cổ.
Sau đó một thời gian, hàng loạt xe ngựa xuất hiện trên thành phố mộng mơ. Ngựa chở hàng từ nhà vườn tỏa đi các chợ, đưa học sinh đến trường, ngựa giúp du khách qua những chốn phiêu bồng... “Chiếc xe ngựa đã gắn bó với người Ðà Lạt và trở thành nét độc đáo không thể thiếu trong lòng du khách”. Lão xà ích Phạm Ðứng bộc bạch.
Ðà Lạt trong kỷ niệm của khách là mimosa òa mình bên thác đổ, mai anh đào hồng gối trời xanh, là biệt thự cổ... Và không thể thiếu nhịp phách vó ngựa gập ghềnh. Không giống các phương tiện khác, xe ngựa dung hòa con người trong một không gian mở, không gian của chuyện nhân tình thế thái, không gian của cộng đồng.
Hơn 30 năm trong nghề, xà ích Trần Mạnh Dũng cho rằng: Lòng yêu nghề là sợi dây buộc chặt với xe ngựa. Tiếng vó ngựa lốc cốc trên đường phố, Ðà Lạt nửa đêm lục lạc ngựa về... là những thanh âm thăm thẳm trong lòng. Anh tâm sự: Ngày xưa xe ngựa nhiều lắm, một xe nuôi cả nhà. Giờ chỉ còn khoảng 30 chiếc của những người không chịu “buông” nghề, giữ lại làm du lịch, rước dâu, đóng phim... Cung đường đi cũng đã ngắn dần, không còn rong ruổi cùng du khách như xưa nữa.
Nhưng dù sao, trong muôn vàn âm thanh cuộc sống, trên xứ Ðà thành tĩnh lặng, xa xăm, tiếng vó ngựa vẫn gõ giòn trên dốc vắng và cả tiếng lục lạc xao động miền ký ức. Bởi đó là nét văn hóa, hình ảnh tâm thức đối với ai đã từng một lần đặt chân lên thành phố cao nguyên.
3. Mấy ai có được cái thú, khi mỗi buổi chiều ngồi vắt vẻo bên thành xe ngựa, nhìn ngắm ruộng đồng xanh mướt và bình yên, tiếng vó ngựa gõ nhịp, tiếng lục lạc len trong gió... Ðời xà ích ở xứ trồng rau nổi tiếng Ðơn Dương (Lâm Ðồng) là thế. Sướng... mà lam lũ. Ông Nguyễn Quốc Xuân, người 40 năm gắn bó với nghề ngựa ở xã Lạc Lâm nói: “Sinh ra, nếu được chọn nghề thì ít ai chọn nghề xe ngựa, nhưng “kiếp” ngựa đã chọn mình...”.
Chiều Ðơn Dương nắng lạnh ngọt. Mùa xuân đến, tôi cảm được mùi hương hoa cải thoảng bay trong gió, những thiếu nữ Churu tuổi cập kê lúng liếng về đồng, chợt tiếng vó ngựa gõ giòn trên những lối xưa. Ông Xuân bảo, từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, hầu hết đường làng, đường nhánh ra đồng đã được trải 
bê-tông. Tiếng vó ngựa gõ giòn thêm là thế!
Lục tìm ký ức, ông Xuân kể, thời huy hoàng của nghề xe ngựa là vào thập niên 90 thế kỷ trước, ở đây có trên dưới 500 xe. Ngựa “nuôi” cả gia đình. Một ngày làm xe ngựa bằng sáu công làm hợp tác xã. Giờ... chỉ còn khoảng 50 xe.
Ðời người, đời ngựa ở xứ này cứ đan xen, quấn quyện. “Người xưa có câu: “Làm thân trâu ngựa”, nhưng với nghề này, mình đói chứ không để ngựa đói” - anh Nguyễn Quốc Trưởng, người nối nghiệp xe ngựa của ông Xuân triết lý. Tôi hiểu, cũng giống những xà ích ở Ðà Lạt, kinh tế của các gia đình này chủ yếu nhờ vào sức ngựa.
Song, có lẽ trong tương lai, những con Hồng, con Tía (tên ngựa)... trên vựa rau Ðơn Dương rồi cũng chồn chân, để lại khoảng trống mênh mang cho những gã xà ích trót yêu nghề ngựa. “Ðến đâu, hay đó. Ở huyện nông thôn mới này, ô-tô đã đến từng vựa rau. Nói thế, chứ ai đã chọn nghề ngựa để mưu sinh, đã yêu nghề thì không thể nào bỏ được” - anh Trưởng nói.
Theo sự phát triển của xã hội, “chức năng” của ngựa đã bị thu hẹp và số lượng ngựa trên cao nguyên Lâm Viên cũng giảm đi nhiều. Nhưng, vào một đêm trăng thanh lên xứ mộng mơ Ðà Lạt, một chiều thung thăng đi về phía núi... tiếng vó ngựa vẫn gõ giòn và tung bay trên nền trời xanh sâu thẳm.

Già làng K’Plin kể, thuở còn hoang vu, vùng đất này đã có dấu chân ngựa hoang. Yàng Ndu tổ chức cuộc thi để thu phục muôn loài. Trâu và ngựa là hai con vật cuối cùng thua cuộc trước loài người. Từ đó, trâu trở thành linh vật hiến tế, còn vó ngựa trên cao nguyên núi đỏ, rừng xanh nam Tây Nguyên thì mãi gõ nhịp cung phụng con người...
MAI VĂN BẢO



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...