Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

Một ngày vui trên ngọn sầu đông Huế

Một ngày vui trên ngọn sầu đông Huế

Nếu có một thứ chi được gọi là nhẫn nại, chịu đựng, âm thầm, ấp ủ và gánh trọn cả chuỗi thời gian đằng đẳng trước sau của cõi đời nhân thế trên trái đất này, thì phải nói đó là mái nhà xưa của Huế!
 "Có hai hay ba điều tầm thường trong một ngày tưởng sẽ qua mau, nhưng bỗng dừng lại mãi mãi... giữa vui và buồn"  
Nếu có một thứ chi được gọi là nhẫn nại, chịu đựng, âm thầm, ấp ủ và gánh trọn cả chuỗi thời gian đằng đẵng trước sau của cõi đời nhân thế trên trái đất này, thì phải nói đó là mái nhà xưa của Huế!
Suốt cả ba tháng mùa mưa, mái ngói - chỉ đỏ được một thoáng chốc phù du khi mới lợp - đã rêu phong mấy lớp ngả sang màu nâu - trong màn nước miên man đổ xuống từ bầu trời trắng đục thoáng hiện đàng xa như một nét thở dài u uẩn còn nén lại, luẩn quẩn chập chùng, tưởng như đã tan biến vào chốn hư không, nhưng lại vướng vất còn đó như một tiếng thưa “dạ có“ sẽ sàng của người con gái Huế gia phong.
Trời càng mưa mái nhà càng "trần thân" ở đó chịu mưa, ngửa mặt hứng mưa, thầm lặng nghe mưa, quấn quýt với mưa... Cơn mưa như một dấu hiệu thời gian vô thường đến thí nghiệm sự bền bỉ của đời người mà mái nhà đang che chở... Ngoài tiếng mưa hình như chỉ còn lại sự yên tĩnh bơ vơ của căn nhà khép kín, mờ nhạt hiện hữu trong khu phố cổ nằm bên cạnh con sông nhánh Hương giang, tất cả đều thu mình lại nhỏ nhoi, như đang chờ một tia nắng ấm nào đó sẽ quay về từ năm tháng nồng nàn của những người yêu nhau mấy mươi đời thuở trước còn ủ lại nơi những góc buồng tranh tối tranh sáng... 
Không hiểu sao khi nhớ đến "một ngày vui...", những ngày tháng ba trong mái nhà xưa lại hiện về trong ký ức.
Giêng hai còn rét mướt làm bất động cả cuộc sống trong căn nhà xưa cũ, vốn đã thấp lại càng thấp hơn, con người, đồ vật ở trong nhà xê dịch, chạm nhau như những chiếc bóng... Chỉ khi tháng ba về, cơn mưa đã ngớt, căn nhà mới ngẩng mặt lên một chút, ngóng những tia mặt trời hừng đông, ấy là lúc mái nhà được quyện bằng một vùng sương lam ẩm ướt pha lẫn với màu hồng nhạt ấm áp như  hơi thở gần xúc cảm của cặp tình nhân.
Cùng với khói sương nồng nàn... những ngày lập xuân đến thân thiết như tiếng gà canh năm vừa cất lên. Ai có ở Huế, nằm trong một căn nhà xưa ba gian, chân tay còn ấm áp trong chăn, canh năm nghe tiếng gà, đều chập chờn giữa mộng và thực nỗi niềm "sông có dài núi có xa chi mấy tiếng gà canh năm gọi gần với nhau đường lên Long Thọ đường về Đông Ba" (1).
Chưa kịp nghiêng đầu vào gối để nghe rõ hơn nhịp tim xao động theo với tiếng gà thì bàn tay ấm êm mềm mại của người chị đã nắm đôi chân nhỏ nhắn của đứa em gái, cùng một lúc với giọng nói trầm trầm nhỏ nhẹ "Dậy học bài!". Trong ánh sáng mù mờ của góc phòng, đông hiện ra trước đôi mắt mở hé của người em là nét môi thoáng nhẹ nụ cười với hàm răng đều sáng như ngọc, sóng mũi dọc dưà thanh thoát, đôi mắt bồ câu lấp lánh và mái tóc đen đang cúi xuống thật gần... thân ái.
Có một chút vui mơ hồ như cánh bướm mỏng đập nhẹ nơi tim. Khi đất trời còn mang mang chưa định hình rõ nét sau cơn mê ngủ, khi ngày chưa đến đêm chưa đi, khói sương còn là mộng ảo, tất cả tri giác con người còn ở nơi chốn vô danh, được thấy vẻ yêu kiều sơ thủy của một người rất thân! Có phải hạnh phúc thật rất gần rất thường? Mà vẫn như một nỗi ngạc nhiên!
Đêm đêm hai chị em chung nhau một giường, ôm nhau trong cơn mưa rầu rĩ của Huế, ru nhau khi gió đông phần phật rít qua liếp cửa lá sách, tóc xanh quấn quýt một thời với nhau trên cùng gối mộng, quen thuộc ngọt ngào hơi áo hơi chăn, biết hết nhau qua từng tiếng mớ ngủ, thuộc hết xương sườn xương sống của nhau những khi nghịch ngợm ôm nhau chọc cười. Vậy mà mỗi lần sau giấc ngủ dài, mắt nhắm mắt mở thấy gương mặt của chị cúi xuống trên mình, vẫn cái cảm giác hân hoan khó tả như mới gặp lần đầu, lâng lâng rờn rợn như niềm rung động của một người họa sĩ vừa bắt gặp đối tượng hiện thân của ý niệm "chân thiện mỹ" riêng biệt của mình hay của kẻ si tình gặp người trong mộng. 
·                     Ấm và êm buổi sáng tháng ba trời hết cơn buốt giá!
·                     Nét nhân gian bỗng hé môi cười!
·                     Dáng ngọc sáng ngời, buổi khai thiên hoa trời bừng nở!
 Đã nghe tiếng nước sôi trong cù lao nơi gian nhà giữa khi hai đứa ngồi vào bàn học ôn bài buổi sáng.
Mụ Thay lục đục soạn ấm chén lách cách để châm trà, than hồng trong lò hắt lên dãy cột gỗ kiềng kiềng viền khung gian nhà giữa những đốm sáng lung linh, tiếng húng hắng của bà vừa ngồi dậy đang được mẹ giúp bới tóc mặc áo, để ra sập dùng trà buổi sáng. Tiếng chuyên trà nước nhất nhẹ như một cung đàn tình tang, tiếng nói khẽ như hát mời bà dùng trà và tiếp theo là sự yên lặng của ba bóng người lung linh trên vách đang uống trà buổi sáng.

Sự yên lặng như một nghi lễ hàng ngày khi nước trà thứ nhất được chuyên ra, chỉ trải dài bằng ba lần chạm môi nhấp trà từ cái chung nhỏ bằng hột mít, nhưng lại chìm xuống thật sâu làm cho hai chị em đang chăm chú học hay đang nói chuyện thì thào với nhau, bỗng dừng lại, ngưng thần lắng nghe và như cùng một lúc cảm thấy phút chốc rời khỏi thế giới thực tại, lạc bước vào một không gian sâu lắng thâm u huyền thoại, ở đó - nếu có chi được gọi là náo động - hương trà cùng hương hoa mộc quyện lẫn vào nhau đang bay lửng lờ trong không gian. 
Buổi sáng ở Huế thường bắt đầu bằng một thứ nghi lễ không lời như thế, dần dà hằn lên như nét chạm gỗ khắc đậm nét phong thái Huế xưa: nhẹ nhàng, mơ hồ, tĩnh lặng, trước khi tiếng chuyện trò, tiếng ghế bàn chuyển động cho một buổi ăn sáng trước giờ đi học bắt đầu.
Khi nước trà thứ hai được chuyên ra và được đem mời tất cả mọi người trong nhà vừa thức dậy, trông ra trời đã sáng lần! Ánh sáng mờ nhạt lãng đãng vờn trên mấy kiệu lớn cất nước mưa ở sân trong, mấy chú chim sâu bắt đầu lóc thóc trên nóc nhà, lao chao sà cánh nhỏ trên bồn nước, rỉa lông quệt mỏ. Từ bàn học nhìn qua cửa lá sách đã thấy o Liễu mở những tấm ván cửa trước nhà và cánh cửa chính bằng gỗ nặng nề, sửa soạn khay chén đi mua cháo gạo đỏ cho bọn học trò ăn điểm tâm trước khi đi học.
Mấy chị em thường ăn cháo gạo đỏ buổi sáng. Bà và mẹ bảo ăn cháo gạo đỏ hiền và bổ, ăn bún buổi sáng chua bụng, ăn xôi bắp nặng bụng, ăn cơm chiên nhiều mỡ sôi bụng, ăn xôi khô xót bụng!!!  Mà cháo gạo đỏ hiền và ngon thật! Nhất là cháo của Mụ Thân ngồi ở trước cửa nhà ông Út thợ may, cách nhà mình mấy căn phía cầu Đông Ba!
Gạo đỏ được nấu thật nhừ, sữa gạo đặt quánh óng ánh màu hồng, hột gạo nở ra mộc mạc như bông cỏ lấm tấm trông đẹp bình dị trong tô bát tràng hay trong chén đất đơn sơ. Muỗng cháo vừa đưa vào miệng đã nghe ngọt béo chất sữa trên đầu lưỡi, hột gạo mềm không cần phải nhai khó nhọc đã tan trong miệng, nghe ấm cả dạ dày và khoan khoái cả người. Cháo gạo đỏ thường được ăn với cá bống cát hay cá cấn hay tôm sông kho rim với ớt. Cá rim mặn sền sệt nước mắm ngon và đường bánh đen, con cá hay con tôm rút chất đường và chất nước mắm thấm cong ăn rất mặn mà thấm tháp. Cháo béo ngậy mùi hương lúa gạo đồng quê ăn với con cá kho vừa mặn vừa ngọt, thịt cá bống thơm vị đặc biệt, lâu lâu gặp miếng ớt cay xé lưỡi kích động như một nốt nhạc bất ngờ trong sự nhịp nhàng hài hoà của  bài ca dao mẹ "cơm với cá như mạ với con" , vừa kích thích vị giác vừa làm khoái cảm đẹp lòng cảm quan của nguời sành điệu.
Mồ hôi đã lấm tấm trên trán của chị khi cháo ăn gần xong, đôi môi của chị mềm cắn chỉ như khi mẹ ăn trầu, nốt ruồi duyên đen "ham ăn" hiện rõ xinh xắn và tinh nghịch trên môi bên phải thách đố sự trêu chọc của lũ em. Chị ăn ngon lành nhất trong mấy anh em vì... "mụt ruồi trên mép là ăn thép cả làng!" (2) và mặt chị hồng lên tự nhiên trông đẹp như một đóa hải đường trong vườn Linh Mụ.
Tản Đà đã nói về cái thú ăn ngon và người cùng ăn. Không biết trong đời ông đã từng ngồi ăn với ai? Nhưng tôi thì biết chắc chắn rằng, những buổi sáng mai ngồi ăn cháo gạo đỏ "hiền và bổ" với chị trước khi đi học đã là những giây phút "ngon lành" nguyên thủy nhất trong quãng đời thanh xuân của mình. Những năm tháng về sau, ở nơi Tây phương sung túc xa xỉ, đã nếm đủ cao lương mỹ vị, bơ sữa, nhiều khi ngao ngán trước những cỗ bàn béo bổ ngầy ngụa của tiệc tùng, vị giác của mình chợt thèm về những rung cảm đơn sơ đạm bạc của hột gạo de đỏ hồng màu máu thịt của đất ruộng xứ Huế và con cá bống cát nhỏ bé của cả bầu trời nàng Tấm, không ngấy lên tận cổ, không béo đến lợm người, chén cháo gạo đỏ mùi vị thiệt thà không pha chế rườm rà thường hiện về trong ký ức với đôi má hồng, giọt mồ hôi lành lặn của chị, biến thành một nỗi nhớ quay quắt của người từ quan lên đường trở về chốn cũ...
Giờ "soi gương" mặc áo thường là giờ riêng biệt của hai chị em sau buổi ăn sáng. Bộ áo quần vải quyến dài trắng sợi cô- tông hiền hậu thiên nhiên thường được xếp ủi tử tế vắt trên thành giường từ lúc nào khi người em rữa mặt vừa xong. Vẫn là những vụng về hầu như bẩm sinh của một người em có chị gái, mặc áo không xong mặc quần không lọt, không biết thắt giây lưng thế nào cho đừng dễ lỏng sút hay không chặc quá để bị vết lằn đỏ ngang lưng...
Chưa kịp vớ lấy chiếc áo như thường lệ, hôm ấy bỗng nhiên chị nói “Nì mặc vô cái áo cánh ni trước rồi mặc áo dài sau. Túi (3) qua chị mới thức may cho đó". May vá thêu thùa nấu ăn là đam mê của chị, thức để học bài thì chị hay ngủ gục, nhưng thức để may áo hay thêu khăn quàng cổ thì chị có thể ngồi thâu đêm...Té ra cả đêm chị thức may áo cho mình! "Tại răng? Trời nóng mà!"  "Nóng lạnh chi cũng phải mặc, áo lót đó tề! Lớn rồi! Không mặc áo lót là dị lắm! Người ta thấy chừ..."
Tự nhiên nghe đỏ phừng mặt như khi bị chạm chỗ yếu của mình. Thuở ấy con gái nhỏ đến tuổi 13, 14  vẫn chưa biết mặc "đồ lót", các thứ ấy là "của cấm"  – không biết do mô lại có cái quan niệm kỳ quái xưa như "hủ nút" ấy? – chỉ có người lớn mới đụng đến cái thứ "kỳ hình dị tướng" đó, cho nên nếu chạm tay tới nó thì coi như... đời hết ... thơ ngây! Như một phản xạ tự nhiên đứa em đưa tay lên ôm ngực, chu hai môi nói khống tướng "Em không dị! Chị dị!"  "Ừ thì chị dị, mi không dị! Mà cũng phải mặc không thôi ốt dột. Mạ biểu đó tề!" Chị tròng cái áo cánh lụa ngà lên đầu, kéo tọt xuống, gài nút trên bờ vai, xong lấy áo dài mặc cho đứa em hết đường phản kháng rồi đẩy ra trước chiếc gương lớn để chải đầu.
 Sáng nào hai đứa cũng chải tóc trước cái gương lớn cũ kỹ. Nhìn vào gương không thích nhìn mình mà chỉ thích nhìn chị chải tóc. Chị lớn hơn tôi mấy tuổi nên ra dáng "thiếu nữ" lắm! Tóc chị sây, đen, xõa kín bờ vai tròn trịa, không gầy còm như đứa em, trong gương trông chị óng ả, mỹ miều như  tố nữ trong tranh. Chị lấy lược rẻ giữa mái tóc phân ra làm hai, chải một bên mái tóc dày ra phiá sau và kẹp bằng cái kẹp to bản mạ bạc trắng, cái kẹp phồng lên vì ôm cả mớ tóc con gái đang độ lớn. Kẹp xong chị quay qua, háy tôi một cái vì thấy mình đang đứng loay hoay với cái kẹp tóc vụng về không tém được mái tóc ra đàng sau. Miệng ngậm kẹp tay chải tóc cho em, chị lập bập  "Mau lên, trễ rồi đó".
Thiếu nữ Huế 
Được người khác chải tóc hình như là một nỗi sung sướng xác thịt thầm kín thú vị của con người từ khi tổ tiên loài người còn là những chú khỉ ngây ngô! Đứa em chúi đầu vào người chị để cho chị chải tóc, thủ thỉ  "tóc chị răng mà dài mà mướt, da chị răng mà mịn ghê!" . Chị cười, răng đều đặn lấp lánh trong gương, nét chi của chị cũng sáng rỡ như trăng rằm, đầy vẻ kiều mị phơi phới của người con gái tuổi dậy thì... đến nỗi có thể làm bồi hồi trái tim non nớt của người em. Mãi về sau tôi mới nghiệm ra rằng mình đã có diễm phúc làm kẻ ngưỡng mộ vẻ đẹp khôi nguyên của chị trong ánh sáng đầu tiên một ngày tháng ba! Có phải trong cổ thi nhà thơ nào đó đã nói như một lời tán thán : "Buổi sáng gặp mỹ nhân, chiều chết cũng cam lòng!" , nếu nhớ không sai, hình như vô thức của tôi cũng đã dại dột mơ hồ nghĩ như thế khi nhìn chị trong gương...
Bảy giờ rưỡi hai chị em dắt xe đạp ra khỏi nhà. Mụ Thầy đã bắc ghế cho bà ra ngồi ở ngưỡng cửa, ngắm người đi qua lại. Ngày hai buổi bà ra ngồi trước cửa, không còn đi đứng bình thường nhưng vẫn muốn tham dự và "sống thêm" cái rộn ràng của mọi người trong phố Hàng Đường, chia một chút vội vàng của chú Nhân đẩy xe lam chở gạo ra chợ, nặng lòng với o Thu gánh hai thúng rau muống trĩu cả đòn gánh từ duới Thế Lại lên, hối hả với chị Hoa bán bánh nậm bánh lọc tíu tít người mua, rồi người đi chợ, kẻ đi làm, học trò đi học...
Sau cánh cửa gỗ im lìm, cả một bức tranh nhộn nhịp như khung cửi bày ra trước mắt. Bà thuộc tên từng người, nghề nghiệp, bà con gia đình cũng như giá cả các phẩm vật và nhất là vẫn còn tinh anh sắc sảo kiểm soát lũ cháu có tươm tất áo quần nón mũ khi đi ra khỏi cửa nhà đến trường...
Sau tiếng "thưa bà thưa mạ con đi học", hai chị em dẫn hai chiếc xe đạp đứng song hàng với nhau bên vệ đường, không hẹn mà như cùng một nhịp, ngồi lên yên, quay người lại nhét tà áo sau vào giây thun chằn cặp vở để áo khỏi lọt xuống bánh xe, treo chiếc nón lá trước "ghi đông", chân phải sẵn sàng đặt trên một pê - đan, chân trái còn rà đất, người hơi nghiêng sang trái làm rõ đường eo của tấm lưng nữ sinh óng ả trong chiếc áo dài vải quyến trắng tinh, tay trái cầm ghi đông, tay phải cùng một lúc hất mái tóc loà xòa ra phía sau, ngước mặt ra trước, chân phải ấn nhẹ pê - đan, bánh xe từ từ lăn tới đàng trước... Hình như người cả phố sáng nào cũng ngưng vài giây họat động để thưởng thức động tác nhịp nhàng như múa của mấy cô học trò đi học trường Đồng Khánh trên dãy phố Hàng Đường. Từ dưới Cây Sanh Thế Lại lên đến cầu Đông Ba cầu Gia Hội, nhà nào hầu như cũng có con gái đi học. Ở dưới cây Sanh, Mỹ Liên Thu Trâm, ở cách mấy nhà phía sau  chúng tôi mấy chị Kim Cúc Kim Sa Kim Chi nhà bác Xuân, Bảo Trân Bảo Lộc nhà cụ Thượng Từ, ở đàng cầu Đông Ba, Phương Lan Xuân Mai nhà bác Phán bán mức hột sen, Ngọc Bích nhà bác Trợ, Kim Trâm nhà hàng đồng cũng cùng đường đi tới trường Đồng Khánh...
Những tà áo trắng trong sương mai mờ nhạt bên cạnh những ngổn ngang hàng quán hình như đã là những đóm sao mai tỏa tin vui, mang đến một vài  ý vừa nhẹ nhõm an lành vừa nên thơ thanh thoát, để người trong xóm có thể vui lòng bắt đầu một ngày thường nhiều cam khổ...
Chúng tôi đạp xe bên nhau nhẹ nhàng, áo trắng tung trong gió, gió ban mai phả vào mặt mát lạnh. Buổi sáng tháng ba non xanh như lộc cây bàng vừa chớm nụ, hơi ấm từ phía Thuận An dồn đến, hơi nước từ núi rừng Kim Phụng tràn sang, quyện tròn với nhau thành những vùng mây khói mờ ảo trên đường dọc theo sông. Qua khỏi cầu Đông Ba, bỗng thấy mình chơi vơi trong một vùng sương mù dậy hương thơm ngào ngạt đến ngây cả người. Chặn đường từ cầu Đông Ba lên đến cầu Gia Hội thời ấy không biết ai đã trồng một dãy cây sầu đông hai bên vệ đường. Tháng ba hoa nở, những cành cây chi chít hoa giao nhau trên không kết thành vòm che kín cả bầu trời. Hoa sầu đông màu trắng như sữa, giữa hoa lấm tấm những điểm nhỏ màu tím nhạt như những điểm sương tụ lại.Trong buổi sáng đầy sương mù, hoa với sương hòa lẫn với nhau không còn phân biệt màu sắc, trên đường đi mọi vật mờ ảo như một giấc mộng. Cả bọn con gái đạp xe đi như những chiếc bóng mơ hồ bồng bềnh, tà áo trắng ẩn hiện vô hình trong gió, không ai nói năng chi một lời, lặng lờ đi theo "tiếng" của hương thơm ngây ngất tẩm lên da thịt và tóc, cảm giác đê mê như đang trôi giạt trong những lớp sóng sương gió thổi ngược vào người. Thật là lạ lùng cảm giác buổi sáng đi trong sương mù và hương thơm những ngày tháng ba thời ấy! Con người mình như được nhấc bổng lên khỏi yên xe để bay trong gió, bằng đôi cánh của hương thơm, bay nhẹ nhàng bên cạnh một bóng trắng khác cùng đi về một hướng. Có một thứ cảm xúc làm nổi "da gà", một thứ khoái cảm nghe hương thơm và gió sớm chạm vào mặt, má, mắt, môi, thấm vào da thịt, một thứ khoái cảm nhẹ nhàng gây ấn tượng mình cũng đang hoà lẫn với hoa và sương...
"Trời mù sương như ri, trưa ni răng mạ cũng cho ăn cá nục chuối kho nước cho mà coai!" Tiếng của chị bên cạnh đưa tôi trở lại con đường xe đang đạp lên dốc cầu Gia Hội. Tôi nhìn sang chị, định chọc ghẹo cái nốt ruồi trên mép ham ăn, ngay cả trong suơng mù mơ mộng tôi đang chân hỏng đất mà chị vẫn lành mạnh nghĩ về con cá nục! Nhưng tôi nhớ mình đã sửng sốt đàng hoàng. Trong sương mù gương mặt chị ướt nhoè lấm tấm giọt sương, tóc mai vướng trên má não nùng, trên đôi mi của cặp mắt bồ câu đen láy ngày thường sáng như băng những giọt sương long lanh đọng lại như nước mắt. Lần đầu tiên tôi thấy gương mặt chị như từ một cõi xa mô đó hiện về, liêu trai, không thực và mệnh yểu. Cảm giác chỉ như một cơn rùng mình thoáng qua, rồi biến mất...
Hai mươi năm sau ở nơi phương trời Tây nghe tin chị mệnh vong, vội vã trở về mái nhà cũ. Tôi đã đứng rất lâu ở hiên nhà cạnh sân trong, nơi chúng tôi thường ngồi xổm cùng nhau đáng răng rửa mặt, nhìn đám mây buổi sáng bay qua mái nhà, khoảng trống mở ra vũ trụ bên ngoài của những căn nhà xưa khép kín, đưa tín hiệu cho những mơ mộng thanh xuân... Thấy lại bầu trời buổi sáng, nghe mưa gió ngoài hiên... Tấm gương cũ còn treo trong phòng thiếu nữ. Đêm trở về đầu tiên nằm ngủ trong chiếc giường thời trẻ hai chị em đã nằm, nước mắt trào ướt gối. Thấy hiện sinh của mình trở nên khập khiễng khi nhớ về mảnh đời quá khứ vắng bóng người đã chia chung cả quãng đời thơ ấu. Giữa đêm trong lúc mơ màng, nghe tiếng chị gọi tên mình vang dội cả căn nhà   "Em... ơi", chữ "ơi" ngân vang thăm thẳm từ cửa chính - hình như chị  đang đứng ngoài đường gọi vào nhà - vang qua nhà trước, rồi qua nhà vỏ cua rồi qua sân, len lỏi vào nhà chính và vọng đến tận nhà sau nơi tôi đang nằm - nhà xưa ở phố Hàng Đường dài và sâu hun hút, thuở nhỏ chạy từ nhà trước ra nhà sau là cả một hành trình ghê gớm. Tôi cố vùng dậy chạy ra sân để trả lời chị mà không sao nhấc thân lên được, tôi vùng vẫy dồn hết sức lực trong cổ họng để bật ra một tiếng “ơi“ trả lời cho chị biết là tôi đang ở trong nhà, nhưng không thể nào phát ra một âm thanh nào, tôi nghe mình gào lên trong cổ họng tiếng "ơi" để tiếp hơi cho chị, hòng đưa một chút sinh khí của mình để chị có thể đi vào nhà, như khi cả lũ con gái trường Đồng Khánh trong giờ nghỉ ra chơi "U mọi" chị đã hít hơi dài để "ù" qua phe bên kia cứu tôi đang bị ở tù mà không được tắt nghỉn nửa chừng. Tôi nghe mình ú ớ mỗi lúc càng dữ dội để kịp ra tín hiệu cho chị biết là tôi vẫn còn đó, cố mãi mà không thốt ra khỏi miệng một âm nào, tôi dẫy dụa, đập tay chân, cuối cùng bật lên được một tiếng thét và giựt mình tỉnh dậy...
Tiếng gà canh năm cũng vừa cất lên đâu đó mơ hồ vọng về... Có nối lại được gần nhau hai bờ âm dương cách trở, để ngày vui còn đọng lại trên ngọn sầu đông nở rộ một ngày xuân sau?
Thái Kim Lan 
(1) “Tiếng chuông Linh Mụ canh gà Thọ Xương“
 (2) Nốt ruồi, tiếng Huế nói : “mụt ruồi“
 (3) Tối



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt"

Chuyện sớm mai của "Đám già hiu hắt" Nghe Thời tiết VTV1 báo tin ngày đông tháng giá đã về với quê hương ngoài kia, bỗng giật mì...