Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Đâu phải '' ta nằm dài cho ngày tháng dần qua ''

Đâu phải '' ta nằm dài cho ngày tháng dần qua ''

 Lưu Trọng Văn 
Kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Thế Lữ (3/6/1989 - 3/6/1999)
Tháng 6 năm 1989 là một tháng u buồn của nền văn nghệ nước nhà, lần lượt ba cây đại thụ Thế Lữ, Lưu Hữu Phước, Chế Lan Viên vĩnh viễn ra đi. Tôi đã lần lượt đi dự ba lễ tang ấy, tất cả cứ như mới vừa đây thôi, vậy mà đã trọn 10 năm rồi.
10 năm, giờ đây TP. Hồ Chí Minh đã có một con đường dài 2km rộng 20 mét mang tên Lưu Hữu Phước. Nhưng rất tiếc, thành phố văn hoá lớn này chưa có được con đường mang tên Chế Lan Viên, Thế Lữ nơi mà hai nhà thơ lớn của đất nước đã sống những năm tháng cuối đời, nơi mà họ đã vĩnh viễn nằm lại. Tôi đã có bài viết tưởng nhớ Lưu Hữu Phước, và sẽ có bài viết tưởng nhớ Chế Lan Viên, còn trong số báo này đây tôi xin được thắp một nén nhang trước Thế Lữ. Thực ra tôi định viết “Thắp một nén nhang cho Thế Lữ”, nhưng rồi nghĩ, tại sao lại “cho” trong khi thắp nhang, người được nhận chính là tôi - tôi được ghì hồn với “Nhớ rừng”, tôi được thả hồn với “Tiếng sáo thiên thai”.
Không có bàn thờ Thế Lữ, tôi đã thắp ba nén nhang trước mộ cha tôi - nhà thơ Lưu Trọng Lư bạn ông, tôi nghĩ: “Bác Thế Lữ ơi, ở cõi xa xôi kia bác và cha của cháu, người là “con nai vàng ngơ ngác” người là con hổ oai phong “Khinh lũ người kia ngạo mạn, ngẩn ngơ” nhưng phải “Ngậm một nỗi căm hờn trong cũi sắt” cùng bên chén trà, ly rượu đăm đăm tưởng nhớ rừng, nơi nai... đạp trên lá vàng khô, nơi hổ một thuở, một thời:
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi
Với khi thét khúc trường ca dữ dội
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng
(Nhớ rừng)
Khi ba nén nhang ấy toả khói giữa bông bụt, bông lài, bông nhài, giữa hoa khế, hoa cau bên mộ cha tôi, đột nhiên tôi không phải vút lên cùng “Tiếng sáo thiên thai” thơ mộng:
Ánh xuân lướt cỏ xuân tươi
Bên rừng thổi sáo một hai Kim Đồng
để lửng lơ trên xanh xanh kia:
Tiếng đưa hiu hắt bên lòng
Buồn ơi! Xa vắng, mênh mông là buồn
mà như bị ghì lại, bị níu lại bởi chính:
Trời cao, xanh ngắt - ô kìa
Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai.
Tôi bần thần ngạc nhiên vì sao mình lại bị ghì bị níu bởi những câu thơ tiên bồng thanh thoát đó? Tôi chợt chạm tay vào khói, những sợi khói nhang trăng trắng nhờ nhờ mỏng mảnh tưởng lơi lơi bay mà khi đụng da thịt tôi - da thịt tôi như bị phồng lên, rộp lên những câu thơ:
Than ôi, thời oanh liệt nay còn đâu
và:
Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan.
Tôi yêu Thế Lữ không phải chỉ vì ông là bạn của cha tôi, là người đã cùng cha tôi giữa những năm 30 của thế kỷ 20 này đã khởi xướng ra phong trào Thơ Mới, tạo nên một bước ngoặt lớn của hồn thơ Việt Nam hiện đại, không phải chỉ vì ông có cái tên chỉ khác một dấu ngã với tên của cha tôi, mà trước hết vì tôi yêu “Nhớ rừng”. Vì sao tôi lại yêu bài thơ ấy của ông? Rất giản đơn bởi vì đó chính là niềm khát khao được là Người của ông, bởi vì đó chính là con người thật nhất của ông: Khinh ghét sự tù túng, sự dối trá, sự điệu đàng.
Trong “Thi nhân Việt Nam”, Hoài Thanh, nhà phê bình lớn của nền thi ca Việt Nam từ trước đến nay đã nhận định:
“Thế Lữ đã làm rạn vỡ những khuôn khổ ngàn năm không di dịch. Chữ dùng lại rất táo bạo. Đọc đôi bài nhất là bài "Nhớ rừng", ta tưởng chừng thấy những chữ bị xô đẩy, bị dằn vặt bởi một sức mạnh phi thường. Thế Lữ như một viên tướng điều khiển đội quân Việt ngữ bằng những mệnh lệnh không thể cưỡng được”. Nhà phê bình Hoài Thanh đã đi đến tận cùng của thế giới chữ nghĩa, ngôn từ trong thơ Thế Lữ, nhưng rất tiếc cách đây hơn nửa thế kỷ cũng đã không đi đến tận cùng những giá trị nhân bản, những hồn, những tư tưởng trong “Nhớ rừng” của Thế Lữ. Có thể hiểu được điều ấy nếu biết được tính cách của chính Hoài Thanh: “Vốn không ưa những gì ngây ngất ồn ào”. Trong “Nhớ rừng” Thế Lữ không chỉ xô đẩy những con chữ, mà vừa dồn nén vừa xô đẩy những hồn chữ, khát chữ, để rồi chữ biến mất chỉ còn chỗ cho rưng rưng khát vọng, rưng rưng hồn thiêng. Hoài Thanh cũng trong “Thi nhân Việt Nam”, luôn đề cập đến cõi tiên, thậm chí ông viết như một định đề khái quát: “Ta muốn lên tiên cùng Thế Lữ”, và, Vũ Ngọc Phan trong “Nhà văn hiện đại” cũng đặt bút đóng chữ: “Người ta có thể nói: Trong thi ca Thế Lữ có những tình yêu về lý tưởng, ông muốn tìm lên thiên đường để làm bạn với tiên”. Cả hai nhà phê bình lớn ấy đều đặt nặng phần tiên, mơ tiên trong thơ Thế Lữ, nhưng thực ra đem cân đong đo đếm tất cả cái phần hồn tiên ấy, mơ tiên ấy:
Hôm qua đi hái mấy vần thơ
Ở mãi vườn tiên gần Lạc Hồ:
Cảnh tĩnh trong hoa chim mách nhỏ
Gió đào mơn trớn liễu buông tơ.
Với cái phần đời, phần thực trần thế:
Với nàng thơ tôi có đàn muôn điệu
Với nàng thơ tôi có bút muôn màu
Tôi muốn làm nhà nghệ sĩ nhiệm mầu
Lấy thanh sắc trần gian làm tài liệu.
rồi đặt vào cái thúng cân bên này chỉ cần một tráng thơ “Nhớ rừng” thôi cũng đủ làm xộc, làm xệch, làm tưng, làm hững hết những “thần” những “tiêu” ở cái thúng tưởng chắt nặng ấy bên kia.
Giá trị chân thực và nhân bản, khao khát là chính mình của “Nhớ rừng” vẫn còn nặng trịch đến hôm nay, khi mà một phần lớn nhân loại vẫn còn bị tù túng trong tư duy ế ẩm của chính mình, của chính thời đại mình. “Nhớ rừng” là một bài thơ lớn của nền thơ Việt Nam và vẫn đang là một bài thơ lớn của nền thơ Việt Nam. Thế thì nhà thơ Thế Lữ đâu có chịu: “Ta nằm dài cho ngày tháng dần qua”.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...