Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Những bài thơ xuân cuối cùng của Tản Đà

Những bài thơ xuân cuối cùng của Tản Đà

Tản Đà là nhà thơ có nhiều thơ xuân nhất so với các nhà thơ mới cũng như thơ cũ. Từ những bài đầu tiên khi nhà Nho lạc đệ bắt đầu vứt bút lông dùng bút sắt vào năm 1915, cho tới khi qua đời vào năm 1939, ông đã sáng tác khoảng trên hai chục bài thơ xuân.
Những bài thơ khai bút của Tản Đà ở tuổi ba mươi thường là những vần tự trào với nụ cười tươi và giòn giã, phản ánh niềm tin vào tài năng và tương lai. Ngày ấy, cậu ấm Hiếu sau khi trượt thi khoa Nhâm Tý (1912), chán nản vì cuộc tình đầu với nàng Đỗ thị, cô hàng sách ở phố Hàng Bồ tan vỡ, đã có lúc xúc cảm, dạm bán áo đoạn và viết những lời nghe mà dễ cảm thông cho bậc tài hoa duyên tình và công danh lận đận:
Cử tú không mà rể cũng không
Còn mang áo đoạn để ai trông!
Kẻ đa sầu, đa cảm và đa tài thường để lòng hòa nhịp với 'mạch nước sông Đà" và tâm hồn thả theo "ngàn mây non Tản" đã bắt đầu chuyển hướng đời sau khi lập gia đình vào năm 1915 vào lúc thi cử cũ bắt đầu bãi bỏ. Với truyền thống kẻ sĩ thờ ba lý tưởng: 'tối thương lập đức, kỳ thứ lập ngôn, ký thứ lập công' (cao nhất là việc lập đức để cho đời đức sáng của mình cho đời noi theo, kế tiếp là việc lập ngôn để lại lời dạy thế nhân, thứ ba mới tới lập công danh), từ đó Tản Đà không còn lưu luyến với việc ra làm phụ mẫu của dân nữa mà quay sang dùng văn mặc để làm công việc "lập ngôn," nghĩa là dùng ngòi bút để thực hiện hoài bão tài bồi văn hóa, dựng lại kỷ cương cho đời.
Trong thâm tâm Tản Đà tin rằng mình bị Trời đày về tội ngông và giao cho nhiệm vụ truyền bá thuyết Thiên lương cho nhân loại để chuộc tội, Trong bài Hầu Trời viết vào năm 1921 nhà thơ đã bày tỏ ý này:
Trời rằng: "không phải là Trời đày,
Trời định sai con một việc này
Là việc thiên lương của nhân loại
Cho con xuống thuật cho đời hay."
Tin vào khả năng của mình và cũng tin việc truyền bá thuyết thiên lương cho đời là một thiên chức mà ông phải làm, nên từ năm 1915, ông bắt đầu viết cho Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh và năm 1916 đã cho thi tập Khối Tình Con ra đời. Cho tới năm 1920, Tản Đà đã nổi danh với nhiều bài luận thuyết và các cuốn sách loại học làm người như Đài gương dạy đạo phụ nữ (1919) và nhiều cẩm nang giáo dục trẻ thơ như Lên Sáu (1919) và Lên Tám (1920).

Ta hãy nghe ông khai bút vào năm 1920 tức năm Canh Thân khi hai chữ Tản Đà đã chinh phục được độc giả ba Kỳ:
Năm nay tuổi đã ba mươi hai
Ta nghĩ mà ta chẳng giống ai
Khắp bốn phương trời không thước đất
Địa cầu những muốn ghé bên vai!
Con người nghệ sĩ, phóng túng như Tản Đà, cho dù đã lập gia đình nhưng vào tuổi
tam thập” ông vẫn chưa “lập” hiểu theo nghĩa chưa xây dựng được một tổ ấm. Rõ ràng nhà thơ vẫn tiếp tục sống trong cảnh mà ông từng tâm sự:
Bẩm trời cảnh con thực nghèo khó
Trầân gian thước đất cũng không có
Nhờ trời năm xưa học ít nhiều
Vốn liếng còn một bụng văn đó
Giấy người, mực người, thuê người in
Mướn của hàng người bán phường phố
Chí thì giàu, tài phong phú, nhưng tính lại phóng túng nên thi nhân thường gặp cảnh:
Văn chương hạ giới rẻ như bèo,
Kiếm được đồng lãi thực rất khó!
Kiếm được thì ít tiêu thì nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu
Tuy nhiên khi xuân về, khai bút mừng xuân, nhà thơ vẫn dùng giọng giễu cợt, ngông nghênh khi nói về mình, về chí hướng của mình:
Năm nay tuổi đã ba mươi ba
Ta nghĩ mà ai chẳng giống ta
Lo nước, lo nhà, lo thế giới
Còn thêm lo nợ, nghĩ chưa ra!
Niềm tin vào tài hoa, vào tương lai, mong chờ vận hội mới trong hơn mười năm từ những năm cuối của thập niên 1920 sang những năm đầu của thập niên 1930 vẫn bừng bừng sôi sục trong tâm trí Tản Đà . Ở Bắc ông ra tờ An Nam Tạp Chí (1926 ở phố Hàng Lọng, Hà Nội) và vào Nam ông viết cho Thần Chung và Đông Pháp của Diệp văn Kỳ. Giấc mơ "tài bồi bức dư đồ rách" của Tản Đà khiến hậu thế tâm phục và cảm động cho dù An Nam Tạp Chí ra rồi lại đìmh bản, đình bản rồi tục bản tới 6 lần nhưng Tản Đà vẫn không bỏ cuộc. Cho tới mùa xuân 1936, độc giả mới thoáng thấy tâm trạng chán nản một kẻ sĩ muốn dấn thân mà không có cơ hội dấn thân, có tài mà sinh bất phùng thời, trong bài Xuân Tứ sáng tác lúc xuân về khi nhà thơ
bước dần tới tuổi 50:
Xuân xưa Hàng Lọng cờ bay
Thoi đưa ngày tháng đã đầy mười năm
Biết bao ra Bắc vào Nam
Bức dư đồ rách đã cam khó lòng
Văn chương chút nghĩa đèo bòng
Thuyền không tay lái vẫy vùng được sao?
Ngày xuân thêm tuổi càng cao
Non xanh nước biếc càng ngao ngán lòng!
Ngày nay chúng ta thường đọc sớ táo quân, người viết sớ thường tường thuật những việc dưới trần trong năm cũ để tấu trình Thượng đế nhưng Tản Đà trong bài Tiễn Ông Công Lên Trời viết vào cuối năm 1937 đã để cả một bài với 40 câu để nói về mình, bộc bạch tấm lòng vì đạo vì đời của một nhà Nho khí phách khi Nho học suy tàn và vận nước ngả nghiêng, nhân tâm suy đồi trong khi bản thân thì bất đắc chí:
Khi làm chủ bút lúc viết mướn
Hai chục năm dư cảnh khốn cùng
Trần gian thước đất vẫn không có
Bút sắt chẳng hơn gì bút lông
Ngày xuân như ngựa, đầu xanh bạc
Chán cả giang hồ, hết cả ngông.
Qua hết đông này năm chục tuổi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng.
Văn chương quẩn mãi cùng thân thế
Sự nghiệp mong gì với núi sông.
Câu chuyện hầu trời khi tưởng đến
Gan càng như nấu lại như nung!
Nếu không một việc làm xong trọn
Luống để trăm năm mắc thẹn thùng!
Chút lòng ký thác xin ông giúp
Minh bạch tâu lên đế cửu trùng.
Hai chữ Thiên lương thằng Hiếu nhớ
Dám xin không phụ Trời trông mong!
Bài thơ đón xuân có những câu dự báo điềm xui cho nhà thơ. Đọc mấy câu toàn điệu buồn của một kẻ thất chí thì mấy ai không chạnh lòng thương tiếc nhà thơ:
Qua hết đông này năm chục tuồi
Xuân sang đã nửa giấc mơ mòng
Có người nghĩ rằng, câu nói gở đã vô tình báo trước Tản Đà tạ thế vào tuổi năm 50 (sinh 20 tháng 04 năm Kỷ Sửu (1889), tạ thế 20 tháng Tư năm Kỷ Mão (1939). Ngày sinh và ngày mất âm lịch giống nhau) và cũng cho biết trước ông sẽ chết vì bệnh gan:
Câu chuyện hầu trời khi tưởng đến
Gan càng như nấu lại như nung
Tản Đà viết những câu trên vào 23 tháng Chạp năm Tân Sửu (1937) và bài được đăng báo xuân đầu năm Mậu Dần (1938).
Trong năm Mậu Dần tình cảnh nhà thơ thêm thê lương, mở hàng xem bói không đắt khách, dạy làm thơ không mấy học trò, bài dịch thơ Đường cho báo Ngày Nay khi có khi không. Tuy nhiên, cuối năm Dần sang đầu năm Mão (1939) sức khỏe của thi nhân còn tốt. Cho tới cuối tháng 5/1939 mới bộc phát căn bệnh gan và Tản Đà qua đời trong thời gian rất ngắn, gây bất ngờ cho nhiều bè bạn làng văn và độc giả cả nước.
Trường hợp Tản Đà khiến người ta nhớ tới Nguyễn Bính.
Nguyễn Bính ở tuổi 20, vào một mùa xuân, xuân Canh Thìn (1940) trong ngày mồng Một Tết đã viết một bài thơ buồn có tên là Nhạc Xuân mô tả nỗi buồn ly biệt và nhớ thương người tình xưa mà ông gọi là cố nhân. Toàn bài như những hàng lệ nhỏ trong lòng và tiếng thở dài ai oán, vô tình đã vận tới cuộc đời tác giả sau này. Đọc hai câu trong bài Nhạc Xuân:
Năm mới tháng giêng mồng một tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân
Rồi câu kết thúc bài chẳng khác chi lời trăng trối:
Huyền Trân ơi!
Mùa xuân, mùa xuân, mùa xuân rồi
Giờ đây chín vạn bông trời nở
Riêng có tình ta khép lại thôi
Cái chết của nhà thơ không hiểu sao lại ứng nghiệm như lời thơ dự liệu. Hơn chục năm sau vào ngày 30 tháng Chạp năm Ất Tỵ (1965) chỉ còn vài giờ bước sang năm Bính Ngọ (1966), còn trọn một tháng Giêng, một mùa xuân chưa kịp hưởng, nhà thơ ra vườn nhà một người bạn chơi và trúng gió bất ngờ giã từ cuộc thế. Đúng là:
Năm mới tháng giêng ngày một tết...
Riêng có tình ta khép lại thôi.
Có lẽ vì thế nên cổ nhân thường khuyên kẻ thích khai bút rằng đầu năm nên nói chuyện vui chứ đừng có lời buồn vì không chóng thì chầy có thể vận vào người viết.
Ở con người Tản Đà luôn luôn có hai mâu thuẫn lớn, vì đời và vì mình. Khuynh hướng vì đời, mang nặng nợ "nhiệm trọng nhi đạo viễn" (hình ảnh kẻ gánh nặng mà đường xa in trên bìa sau một số tác phẩm của Tản Đà trước 1940) đã nhiều năm canh cánh trong tâm tư thi nhân. Nhưng nhà Nho núi Tản sông Đà lại gặp hoàn cảnh thế đạo, nhân tâm suy vi, bản thân thì nghèo túng, nhìn quanh vắng mặt tri kỷ tri âm và rơi vào tình trạng "sông cái chiếc thuyền nan" vùng vẫy cũng chẳng mang lại kết quảû, như ông tâm sự. Nghịch cảnh đã khiến ông chỉ còn biết thực hiện hoài bão trong "mộng lớn, mộng con" và trong men nồng và vị ngọt của thực phẩm trần gian. Lúc đó bản chất tình cảm của nhà thơ được bộc bạch rõ ràng:
Cảnh đời gió gió mưa mưa
Buồn trông ta phải say sưa đỡ buồn
Rượu say thơ lại khơi nguồn
Nên thơ rượu cũng thêm ngon giọng tình
Rượu thơ mình lại với mình
Khi say quên cả cái hình phù du
Trăm năm thơ túi rượu vò
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?
Khi còn trẻ lý tưởng và bản chất xung đột nhau. Cho tới năm cuối cùng của cuộc đời, mùa xuân tới, dù Tản Đà vẫn nhớ tới món nợ "tài bồi bức dư đồ rách" chưa thành và việc mang thuyết "thiên lương" ra truyền bá cho nhân loại chưa thực hiện được nhưng khuynh hướng dấn thân mờ dần và thay thế bằng thái độ bi quan yếm thế và hưởng lạc.
Vào năm 1936, khi mùa xuân trở về lòng thi nhân chợt cảm thấy buồn sầu vấn vương, ông đã viết bài Xuân Sầu để trang trải nỗi lòng:
Trăm hoa đua nở đẹp như cười
Một cái oanh vàng uốn lưỡi chơi
Phong cảnh chiều xuân vui vẻ thế
Xuân sầu chi để bận lòng ai?
Khi ấy những cốâ gắng trong dĩ vãng trong mười lăm năm hoạt động trên văn đàn khởi từ Trí Tri, Hữu Thanh tới An Nam Tạp Chí, Đông pháp, Phụ nữ Tân văn... chỉ còn là kỷ niệm:
Mười lăm năm trước xuân xanh
Trí Tri cất tiếng, Hữu Thanh gọi đàn
Tình nguyện vọng chứa chan non nước
Bạn tri âm man mác trời mây
Nở gan một cuộc cười say
Đường xa coi nhẹ gánh đầy như không
Phần nam nhi tang bồng là chí
Chữ trượng phu ý khí nhường ai
Non sông thề với hai vai
Quyết đem bút sắt mà mài lòng son
Dư đồ rách nước non tô lại...

Rồi biết bao cố gắng ra Bắc vào Nam, bao lần tục bản An Nam Tạp Chí nhưng rồi tờ báo tâm huyết của ông đóng cửa vĩnh viễn, nên mỗi độ xuân về lại gợi nỗi đau lòng nơi nhà thơ trước tuổi già đang tới và hoàn cảnh cá nhân thê lương đang phải đối phó. Đã đến lúc thi nhân đành chấp nhận thua cuộc:
Sức thua trời, trăm sức mà chi
Tình duyên đến lúc phân ly
Giang sơn bảng lảng, tu mi thẹn thùng
Xếp ngọn bút đau lòng son sắt
Giữa đàn văn, lánh mặt phong sương
Rồi cảm thán:
Gan vàng, tóc bạc, non xanh
Thiên nhiên ai họa bức tranh xuân sầu!
Bước sang mùa Xuân 1937, Tết Đinh Sửu, Tản Đà viết bài Xuân Cảm, tuy không nói tới hoài bão vốn có của nhà Nho, nhưng cảm xúc trước cái đẹp của non sông khi mùa xuân trở lại, nguồn tự hào về lịch sử dân tộc và tài năng của bản thân vẫn còn ăm ắp trong bảy chữ tám câu sau đây:
Non sông như vẽ, cỏ hoa tươi
Xuân mới năm nay đã đến rồi
Chín chục thiều quang trời ngó lại
Bốn nghìn lịch sử nước trôi xuôi
Tài hoa khách cũ thơ còn hứng
Kinh tế phen này Tết có vui?
Trời đất vô tình lăn lộn mãi
Cuộc đời dâu bể biết bao thôi!
Tuy nhiên, bước sang 1938, lúc này Tản Đà về Ngã Tư Sở, Hà Nội, và lâm vào cảnh kinh tế khó khăn nhất. Thời gian đã đổi thay, thơ mới đã thắng thơ cũ, độc giả thời thượng chuộng những vần thơ của Thế Lữ, Xuân Diệu và Lưu Trọng Lư... hơn là thơ Tản Đà. Thế hệ mới, tiêm nhiễm văn hóa Âu Tây tìm tới các tác phẩm văn học mới của Tự Lực Văn Đoàn. Đây là thời đại của các tạp chí Ngày Nay, Hà Nội báo, Phụ Nữ Tân Văn, tiếp đó là Tri Tân, Thanh Nghị nên Nam Phong Tạp Chí có thế có tiền, cũng phải đóng cửa (1934) huống chi là tờ báo nhỏ như An Nam Tạp Chí của một nhà thơ nghèo.
"Văn chương... như bèo:" 'kiếm được đồng lãi thực rất khó". Thế mà bản chất hưởng lạc của nhà thơ gắn liền thơ với rượu không thay đổi, nên càng ngày thi nhân càng dan díu sâu đậm với cảnh hàn nho. Tuy vậy, cái nghiệp "thi sĩ tửu đồ" nơi ông quá nặng. Mỗi lúc mùa xuân trở lại, lạc thú trần gian bày ra muôn vẻ, càng gợi hứng lòng thơ, ông đã viết bài Gặp Xuân:
Xuân ơi xuân hỡi
Vắng xuân lâu ta vẫn đợi chờ mong
Trải bao nhiêu ngày tháng hạ thu đông
Ròng rã nỗi nhớ nhung xuân có biết?...
Gặp ta nay xuân chớ lạ lùng
Tóc có khác trong lòng ta chẳng khác
Kể từ thuở biết xuân bốn chín năm về trước
Vẫn rượu thơ non nước thú làm vui
Đến xuân nay ta tuổi đã năm mươi
Tính trăm tuổi đời người ta có nửa
Còn sau nữa lại bao nhiêu xuân nữa
Mặc trời cho ta chửa hỏi làm chi...
Dẫu trăm năm gặp gỡ đủ trăm lần
Thơ với rượu cùng xuân ta cứ thế
Ngoài trăm tuổi vắng ta trần thế
Xuân nhớ ta chưa dễ biết đâu tìm
Cùng nhau nay hãy uống thêm!
Rồi sang năm 1939, Tản Đà sáng tác bài thơ xuân cuối cùng và cũng là bài thơ cuối cùng của thi nhân đăng trên số xuân Ngày Nay:
Tin xuân đến ngọn cây đào
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa Xuân
Mỗi năm xuân đến một lần
Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai
Ngày xuân còn mãi không thôi
Tuổi xuân ai dễ xanh rồi lại xanh
Đường mây những khách công danh
Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên
Thành sầu mấy ả Khâm thiên
Én oanh dẫn lối con thuyền Tầm dương
Làng văn mấy bạn văn chương
Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu
Tiểu thư ai đó tựa lầu
Thơ đào chưa vịnh mai hầu bảy ba
Trời xanh, Trời cũng khi già
Xuân xanh xanh mãi đâu mà hỡi ai!
Gặp xuân ta hãy làm vui
Kẻo nay xuân đến kẻo mai xuân về
Vui xuân rượu uống thơ đề.
Bài thơ không còn đề cập tới cái chí trượng phu khi xưa nữa mà trở lại nguồn cảm hứng thuần túy và vĩnh cửu của một nhà thơ rất mực đa tình, đa cảm lúc xuân về. Toàn bài giữ được phong cách cố hữu, nhất quán của Tản Đà như ông tự hào: "Tóc có khác trong lòng ta chẳng khác".
Trước hết là tình cảm gắn bó với thiên nhiên khi đất trời đổi mới:
Tin xuân đến ngọn cây đào
Bảo cho hoa biết ra chào Chúa Xuân
Mỗi năm xuân đến một lần
Thiều quang chín chục xoay vần chẳng sai
Kế đó là lòng cảm thông cảnh đời người thấm thoát đối với tất cả mọi người từ những kẻ thành đạt, khách má hồng xuân về thấy đầu sớm bạc, tới những kẻ thất thế, lỡ duyên, lỡ phận cảm thấy buồn tủi lúc hoa nở bướm bay:
Đường mây những khách công danh
Mày râu cụ lớn thay hình thanh niên
Thành sầu mấy ả Khâm thiên
Én oanh dẫn lối con thuyền Tầm dương
Làng văn mấy bạn văn chương
Bút hoa án tuyết, hơi sương mái đầu
Tiểu thư ai đó tựa lầu
Thơ đào chưa vịnh mai hầu bảy ba
Từ cái nhìn vượt khỏi sự tầm thường, vượt khỏi cái vô thường trong kiếp sống, nảy sinh tư tưởng siêu thoát coi đời là giấc chiêm bao, nên cần phải kịp thời hưởng nhàn lạc, cần phải tận hưởng thực phẩm trần gian mỗi độ xuân sang:
Trời xanh, Trời cũng khi già
Xuân xanh xanh mãi đâu mà hỡi ai!
Gặp xuân ta hãy làm vui
Kẻo nay xuân đến kẻo mai xuân về
Vui xuân rượu uống thơ đề.
Tư tưởng hoài xuân tiếc xuân, hưởng xuân gieo mầm mống cho ý thức lãng mạn của thế hệ nhà thơ lớp sau. Ta hãy nghe Xuân Diệu, một nhà thơ từng coi Tản Đà là thần tượng, trong bài Vội Vàng thì thấy ngay vai trò của Tản Đà đúng là nhịp cầu nối kết thơ cũ và thơ mới không những về nghệ thuật mà còn về cả tứ thơ:
Xuân đương tới, nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất!...
Ta muốn ôm
Cả sự sống mới bắt đầu mơn mởn
Ta muốn riết mây đưa và gió lượn
Ta muốn say cánh bướm với tình yêu
Ta muốn thâu trong một cái hôn nhiều
Và non nước, và cây, và cỏ rạng
Cho chếnh choáng mùi thơm, cho đã đầy ánh sáng
Cho no nê thanh sắc của thời tươi
- Hỡi xuân nồng, ta muốn cắn vào ngươi!
Hoàng Yến Lưu


1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...