Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Nắng và hoa

Nắng và hoa

Nam Thảo 
Thời gian chớp mắt 12 tháng trôi vèo như bóng câu qua song cửa, lòng tôi lại nôn nao nhớ hai câu thơ cũ: Có con én ngậm mùa xuân qua ngõ. Thương đến nhói lòng một tiếng chim rơi. Chỉ cần nhìn lại từng khoảnh khắc 365 tờ lịch rời khỏi bức tường, thấy bao nhiêu gương mặt thân quen vụt qua thảng thốt, thấy bao nhiêu nụ cười chưa tắt và thấy bao nhiêu nước mắt chưa khô. Kẻ bôn ba đất khách lòng càng thêm trĩu nặng, lúc trống vắng ngó chim én xôn xao những làn cánh mỏng chao xuống phố phường tất niên. Tháng chạp thổi ngang phố vài cơn gió hiu hiu làm những ngày cuối năm như dài ra.
Hơn 30 năm xa quê, ngoại trừ những cái tết bôn ba xứ người Phnôm Pênh, Paris hay Osaka, nay là cái tết đầu tiên gia đình nhỏ của tôi không được trở về quê vì cha mẹ già yếu cần chăm sóc tại chỗ, không thể dịch chuyển. Nhìn dòng người hối hả về quê, lòng xao xác một miền trống vắng. Ngồi thinh lặng giữa những huyên náo, chỉ muốn tự hỏi mình năm qua có lỗi với ai không? Có làm điều gì không phải với ai không? Hà Nội ám ảnh tôi những bàn chân cuống cuồng nhao nhác về quê và cả những cái nhìn bịn rịn. Mảnh đất ồn ào mưu sinh lập nghiệp cứ Tết đến thì ai cũng vội vã quay về quê cũ. Tôi đèo con trai lang thang tận hưởng cái không khí vắng lặng hiếm hoi khác hẳn ngày thường. Ngậm ngùi lắm nhưng cũng rộn ràng lắm. Phút giây hoai hoải gió miên man để nghĩ về chuyện chưa xa, người chưa quên, để nghe văng vẳng hư ảo chập chờn. Càng ám ảnh tuổi tác, càng nhìn đâu cũng ra kỷ niệm, kỷ niệm ngổn ngang, kỷ niệm ngập tràn vẫn không thể lý giải kỷ niệm khiến mình già nua hay kỷ niệm khiến mình trẻ lại. Khu tập thể vắng hoe, bỗng thấy mình như kẻ đang lênh đênh không đầu không cuối, như một Gypsy không quê hương, không còn khái niệm về trong những chiều xê dịch của riêng mình, người Gypsy với ngọn lửa hình bánh xe cứ lăn hoài, lăn mãi, lăn miệt mài cho đến khi nào đôi môi nở một nụ cười cuối cùng làm bảo chứng rằng tôi đã đến đời sống này, trọn vẹn với đời sống này, chứng kiến tất cả cuộc sống này và tất nhiên trải qua cảm giác không thể cắt nghĩa nổi thế nào là đi và về trong những chiều tháng Chạp như chiều nay. Tôi ngồi lại dưới gốc bằng lăng góc phố mà tưởng như tiếng nhạc của gã Gypsy có tên là Estas Tonne cứ thế vẳng lên, cứ thế vang lên, cứa thẳng vào tim tôi bằng chính cái long lanh của những dây guitar réo rắt. Những nốt nhạc như chính cuộc đời gã trai ấy chấp chới. Tôi hình dung gã đang ngồi bên cạnh, khuôn mặt đẹp như Jesus Cristo, mái tóc dài với từng lọn quăn, bay lên, tung lên trong gió đêm phấp phới như thể một lần được bay duy nhất trước khi lọn tóc ấy hấp hối. Một gã trai sinh ra và lớn lên ở Liên Xô, cho đến khi 15 tuổi thì ôm đàn ra đi. Gã Gypsy ấy rong ruổi khắp châu Âu, sang cả Bắc Mỹ để làm một cuốn phim mà chất liệu chính là chuyến đi của cuộc đời mình, chuyến đi không bao giờ có điểm trở về.
Hành trình chỉ là cây đàn, chỉ là những nốt nhạc mà gã viết lên từ chính những gì mình nghe thấy trên những con đường rong ruổi, con đường mà người ta gọi gã là: Kẻ hát Troubadour không lời. Ấy vậy mà gã Gypsy ấy vẫn có lúc còn mơ thấy lối về khi gã nói đến nước Nga: Một ngày nào đó tôi sẽ quay lại, tôi phải quay lại nơi tôi sinh ra và lớn lên, nơi người ta gọi bây giờ là nước Nga… Và tôi cũng vậy thôi, giống như Gypsy, tôi cũng đang mơ về nơi tôi bắt đầu, trong một tháng Chạp bất kỳ như bao tháng Chạp đã qua với khăn len áo lạnh, với những con đường bàng bạc gió, bàng bạc mưa, bàng bạc đèn khuya, bàng bạc khói mẹ hóa vàng chiều tất niên.
Tôi khao khát một chiều tháng Chạp như chiều nay, không quán nhậu, không người xe nườm nượp chen chúc ẩu đả bụi bặm, không áo quần chưng diện, không tóc đỏ, tóc vàng, tóc xanh láo nháo… Đó là một Hà Nội tĩnh, một tháng Chạp xưa như quê tôi mà những gốc cây, cột đèn, ngã tư, vỉa hè đều cô đơn, vắng lặng đến sững người. Tôi đã bước đi trong những chiều tháng Chạp như thế, trong những con phố hẹp và mưa bụi lớp lớp rơi lên tóc lạnh, đi nghiêng ngả bóng, xiên xiên bóng, liêu xiêu bóng dưới đèn vàng mờ mờ như thể mỗi bước đi sẽ tìm lại được hồn mình quê kiểng chứ không phải bằng nỗi nhớ muộn phiền thấy mình xa lạ giữa chính quê hương, cô đơn lạc lõng giữa chính quê hương mình. Mà may mắn, hạnh phúc sao tôi vẫn còn MẸ CHA để dựa vào, làm điểm tựa cho những chông chênh, để nhớ rằng chuyến đi tháng Chạp kia chính là sự trở về. Tự nhiên nghĩ đến đó thấy hai mắt cay cay. Người Gypsy với khúc Troubadour không lời ngả nghiêng trên những đường phố ở NewYork, Paris, Tel Avis, Madrid, Berlin, Delhi… ngả nghiêng với mái tóc bay trong gió, ngả nghiêng dưới bầu trời xanh phủ lên những mái nhà nho nhỏ, ngả nghiêng giữa quảng trường thênh thang không bóng người, ngả nghiêng bên những đài phun nước đẹp như huyền thoại, ngả nghiêng trong âm thanh mà gã nhặt nhạnh từ mọi nẻo đường đã đi qua, ngả nghiêng trong những ngày tháng dài bất tận, ngả nghiêng cho đến gần cuối đời mới thấy mình vẫn còn một hoài hương lớn lao và thẳm sâu trong tim tưởng như đã chai sạn theo vết bánh xe lăn. Tôi chợt muốn ngân lên những khúc Troubadour của riêng mình, những khúc Troubadour có mùi khói cay cay những khi mẹ hóa vàng, có mùi âm ẩm rạ rơm hoang hoải nơi góc bếp, có mùi rêu cũ bám trên những mảng tường phố nhỏ, có ánh đèn mờ mờ sắc vàng quạnh quẽ trên những cột đèn đứng im như chứng nhân cho những đêm thành phố không người, có tiếng tích tắc kim đồng hồ chạy đều đều khi cha thắp nén nhang đêm trừ tịch, có thấp thoáng dáng người con gái hàng xóm năm nảo năm nào đang vội vã rửa nốt mớ lá dong bên giếng nước, có tiếng pháo tép đì đùng xa gần, có tờ lịch hồng báo lên những háo hức trẻ thơ những ngày mong tết. Tất cả dồn lại, vang lên trong tôi theo một giai điệu không định trước, theo một thứ tự lộn xộn không đầu không cuối, theo một hình dung về những tháng Chạp xưa, những tháng Chạp mà tôi không bao giờ có thể trở về lại. Những tháng Chạp đó chỉ còn mờ mờ, im lìm nằm đó nơi tận cùng ký ức, phủ một lớp bụi mỏng mà nhiều khi tôi không dám đặt tay lên, sợ dấu tay để lại sẽ làm đè thêm bao nhiêu trĩu nặng. Để rồi từ đó, khúc Troubadour không lời của tôi cũng bắt đầu, nghẹn đứt…
Miên man hoài niệm man mác ấy chưng cất nên một không khí tháng Chạp để rồi vỡ òa khi bùng lên như một chớp mắt thanh tao giữa cơn ngái ngủ, tôi cũng chợt bừng thức một ngẫu hứng ngu ngơ: Nắng giòn!
Thốt nhiên, như trong mình vừa có hàng triệu cầu vồng xuất hiện. Nó không chỉ là nắng, bởi nắng đã nắng rồi. Nắng miên man kiếp này kiếp khác. Mà nó là cái thứ ánh sáng trong veo chắt ra từ những tàn cây lộc vừng hai bên đường. Mỗi lần đi qua lại quay quắt nhớ về những bước chân mình trong khuôn viên ngôi trường mình dạy. Hơn ba mươi năm, tôi sải bước trên những con đường rợp bóng nhãn hay xum xuê lộc vừng, bằng lăng nhưng chắc chắn không phải bước chân rong ruổi của gã trai Gypsy xứ trời Âu. Những bước chân bỡ ngỡ, những bước chân dạn dày, những bước chân vạm vỡ…  gắn với những đoạn đời tôi đã trải qua cùng bao lo toan, chắt chiu, gắng gỏi. Những bước chân từ ngày tôi còn là cậu sinh viên Văn khoa đầy đam mê và nhiệt huyết, khi sân trường rợp bóng áo dài, nhấp nhô nón trắng. Chênh vênh trong sương, nghiêng nghiêng trong gió, chênh chao trên khắp giảng đường bóng nữ sinh e lệ. Và rợp cổ thụ, biếc xanh lộc vừng, nhoi nhói thông và tả tơi ngập trời phượng đỏ.
       Hơn ba mươi năm qua, thế hệ chúng tôi đã thành lớp trung niên. Thế hệ sinh viên giờ khác xưa nhiều lắm. Họ sống nhanh hơn, gấp gáp hơn nên mọi thứ đến vội, đi cũng vội vã hơn. Dẫu vậy, mỗi lần bước chân lên bục giảng, nhìn những tà áo nữ sinh vẫn thấy lòng thanh nhẹ. Nó không đủ sương để mờ khi ta muốn lẩn mình đi một chốc một lát thôi giữa cuộc đời trần ai bụi bặm, cũng không đủ nghiêng để thấy thi thoảng tim mình chùng đi: Sao em còn mang áo mỏng. Có còn mùa hạ đâu em. Sao em làm lòng ta đau. Nhớ ngọn lửa tình đã tắt. Nhưng đó vẫn là một nốt trầm đủ lắng lại trong hỗn độn âm thanh đời sống thường nhật. Không dễ gì lưu được cái khoảnh khắc nắng ấy nên lòng lại nôn nao khúc Đóa hoa vô thường trong nhạc Trịnh với những tìm/gặp, gặp/mất, mất/còn, có/không, là cái có đi vào cái không vô thức: Gió sẽ mừng vì tóc em bay. Cho mây hờn ngủ quên trên vai. Tại sao gió sẽ mừng? Vì tóc em là gió. Gió đùa với gió làm sao gió không vui? Tại sao mây lại hờn? Vì tóc em là mây: Mây thua nước tóc làm sao mây không hờn dỗi nũng nịu ngủ vùi trên bờ vai em bé bỏng. Em là giai nhân toàn bích. Thế nhưng giai nhân toàn bích ấy không làm Trịnh Công Sơn rung động. Giữa toàn bích, ông chấm một nét hỏng và chính nét hỏng ấy là cái duyên làm say lòng người: Vai em gầy guộc nhỏ. Như cánh vạc về chốn xa xôi. Tất cả những người đẹp trong nhạc Trịnh đều có vai gầy. Vai gầy có thể đẹp. Nhưng gầy guộc thì quyết là không đẹp vì thiếu: Da thơm quả ngọt mùa xuân. Khi thả giọng trầm xuống chữ guộc tôi tưởng như có tiếng con vạc bất chợt vỗ nước bay vào đêm thâu. Vậy nên: Nhìn cỏ cây dáng pha màu hồng. Nhìn lại em áo lụa thinh không. Nắng chiều có thật nhưng nắng đi vào hư ảo, chớp thoáng thôi. Nhìn hư trong thực như thế, giật mình nhìn lại em tôi. Ôi! Thần kỳ hai chữ thinh không! Lụa nhẹ như khói không tan, em cũng vậy, như thực như huyễn, chỉ còn là một nét đẹp diễm ảo mong manh đó thôi.
Và chiều cuối năm này, trong hoàng hôn trong trẻo, cơn nắng giòn đã như một đặc ân của trời ban cho tôi, kẻ luôn thiết tha đi nhặt ký ức. Không phải là luôn luôn hoài cảm đến thành nghiện nhưng có những thứ trong đời ta đã một đi không trở lại để rồi lâu lâu lại lẩn mẩn nhớ. Ấy là nói đời người, tuổi người, là những kỷ niệm, những khát khao, ước mơ, là những tháng năm cứ lặng lẽ rơi sau lưng, rắc lên đường đời những vệt vàng hoài niệm. Còn ở đây, là những điều đang diễn trước mắt ta, tươi rói và xót xa, đủ để thấy mình vô nghĩa trong một cái chiều tuyệt vời đến thế, cái chiều biến ta thành kẻ khác, ngu ngơ và lẩn thẩn, nhẹ hơn chiếc lá rơi, ta tự bảng lảng về mình.
Thì cũng chỉ là bởi một vệt nắng thôi mà. Trong một khoảnh khắc phối màu tuyệt vời, trong một bố cục vô tình với độ xiên của nắng, cái thăm thẳm của mắt và cơn cớ của nhạt nhòa ký ức, của vọng vang tiếng chuông mơ hồ đâu đó, ta có một buổi chiều kỳ lạ, một buổi chiều như cổ tích với những cung bậc cảm xúc đến thắt nghẹn mà lại mở ra rất nhiều ô cửa nhỏ. Những ô cửa mở vào mình.
Đơn giản thôi. Ấy vẫn là nắng giòn và mùa xuân đang đến!
Có lẽ chỉ còn một đợt nắng này nữa thôi, những khoảnh khắc nắng bừng lên rực rỡ rồi sau đó sẽ là mùa của những giọt mưa xuân. Cái nao nao thao thiết của từng giọt mưa lây rây như là chất xúc tác để tôi miên man nhớ rét và nhớ tết. Nhớ những ngày mà cái lạnh giá của những đợt gió mùa Đông Bắc thổi về se se bảng lảng sương mờ tạo nên một ảo ảnh không gian. Những cây mạ cắm xuống đồng còn run rẩy. Có gì như xa xăm nuối tiếc pha một chút nhớ nhung. Một bếp lửa bập bùng, củi tre nổ lách tách, một củ khoai nóng hổi vùi vào tro làm nụ cười bốc khói! Hay một cánh cò đăm chiêu đơn độc trên đồng vắng, một màu nâu trầm như màu đất ấm áp phù sa vừa trải ra nhân hậu! Tất cả dâng lên nỗi niềm da diết: Có bóng Mẹ Cha trong đó! Tháng giêng là tháng của Mẹ Cha. Mẹ Cha thức khuya dậy sớm. Mẹ Cha lặn lội thân cò, áo cha mặc màu nâu, túi trầu Mẹ thơm nồng. Những trầu, những cau có từ thuở xa xưa đến bây giờ vẫn mới, vẫn tươi, vẫn nồng nàn ấm gương mặt Mẹ Cha mỗi độ tết đến, xuân về. Tháng giêng là mùa lễ hội. Thằng bé con là tôi lón cón theo mẹ đi hội chùa, xúng xính bộ quần áo tuy mới nhưng mặc thừa của anh vẫn còn nguyên miếng vá độn với những túi đựng nào quế, nào hoa, nào quả. Tay Mẹ lần tràng hạt như lần chuỗi ngày hi vọng mở ra những ước muốn tâm linh, những khát khao chân thiện. Tôi được bao bọc quanh một không khí kì ảo, một thế giới trang nghiêm có khói hương trầm thoang thoảng, có hoa đại trắng tinh khiết, có tiếng mõ trầm trầm không bao giờ lỡ nhịp như con lắc đồng hồ thời gian gõ đều đặn, kiên nhẫn và thanh thản. Bao huyền thoại mở ra: Công chúa Liễu Hạnh, Đức Thánh Mẫu, Mẹ Thượng Ngàn. Tất cả các tượng chùa đều mang khuôn mặt Mẹ phúc hậu, đầy đặn và độ lượng bao dung. Trong tâm trí của tôi từ ấu thơ, đền chùa mang không khí ảo diệu với đức Phật từ bi vô lượng. Nép mình bên mẹ, tôi nghe hơi ấm lan tỏa từ bàn tay nắm, từ ánh mắt ngước nhìn thành kính của những người xung quanh. Cái không khí ấy tưởng gần mà đã trở thành quá vãng khi giờ đây, mỗi lần vào chùa là toát mồ hôi lo lắng.
Đông đúc, ồn ào! Bội thực chen lấn, bội thực bán mua! Trong mỗi gia đình, đến mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên còn toan tính thiệt hơn. Người miền Nam thường bày mâm trái cây cúng gia tiên dịp Tết gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài mà đọc trại âm là: Cầu vừa đủ xài. Nếu mua được giống đu đủ vàng thì coi như cầu đủ vàng. Thay dừa bằng chùm sung thế là một bước lên cầu xài sung. Năm nay người ta còn bày bán thứ quả gọi là . Sở dĩ gọi là vì đó có thể không phải tên sơ khai của loại trái cây ấy. Quả dư này, hình như ngày xưa lũ trẻ quê tôi gọi bằng quả chọi (không ăn được thì để chọi nhau chứ biết làm gì) nhưng người ta gọi vậy cho dễ bán. Vậy là ước vọng trên bàn thờ đôi khi gọn lỏn chỉ là: Cầu dư. Nó làm cho cái ước nguyện cầu vừa đủ xài cả trăm năm nay trở nên khiêm tốn, dù khái niệm đủ xài cũng đã là vô cùng lắm. Mâm trái cầu dư trên bàn thờ phải chăng đã phai mờ lòng thành, lẩn khuất sự tham lam, sự bất kính với vong linh người đã khuất. Ông bà vốn khốn khó vì sung chát, đu đủ non, giờ chắc chỉ còn biết ngồi nhìn thứ trái lạ mà ngay cả bọn trẻ con vốn nghịch ngợm cũng không dám dùng để ăn. Trong nhà tôi, dù nghèo đói, mỗi khi hoa trái vườn nhà vừa bói quả, thế nào mẹ cũng nhắc chọn quả thơm ngon nhất để cúng lên ban thờ. Mẹ tin người mất gì cũng biết, người sống có lòng hay chỉ là qua quýt. Mâm cúng thành kính xưa, không chỉ trong Nam mà tràn ra cả ngoài Bắc, giờ nhuốm mùi đổi chác. Không phải ai đội hoa quả đến chùa cũng với tâm thế cho đi, chẳng cầu xin gì. Từ cầu no đủ cho đến cầu dư dả, lòng tham tăng bậc khi sự kiên nhẫn xuống thang. Hình như họ có hàng ngàn lý do để sốt ruột, nhấp nhổm sau cái khoảng thời gian dài mà cả xã hội chỉ so đo chuyện mâm cơm có thịt hay không có thịt, độn khoai hay không độn khoai. Cơn khát trong thời buổi này không phải chỉ giàu, mà phải giàu nhanh như thể thời gian chỉ dành cho những người biết chụp giật, kể cả chụp giật ơn phước của tổ tiên, thánh thần. Nhìn cảnh người ta giẫm đạp lên nhau xin (hoặc cướp) lộc chốn đền chùa, lòng lo lắng về sự hỗn mang, nguyên thủy, nhập nhoạng. Trong đám đông cướp ấn đền Trần, có mấy người tham gia chốn quan trường hay phần nhiều chỉ là những anh nông dân cổ cày vai bừa, chị bán hàng rong, bà buôn thúng bán bưng. Họ vẫn cướp Ấn. Như để nuôi một hy vọng. Cái sự cuồng tín với những thứ xung quanh thánh thần (không phải với thánh thần) là khi niềm tin bị đánh tráo. Chắc hẳn người ta chưa quên câu: Có làm thì mới có ăn ông bà xưa dạy, nhưng nhìn lên vẫn thấy có kẻ chẳng làm mà vẫn có ăn. Nhìn xuống lại thấy muôn trùng người tốt lăn lóc mưu sinh, sống thua thiệt cả đời. Vậy nên người ta cho rằng chỉ có một thứ thay đổi số phận con người: phép màu của thần thánh. Nhưng thần thánh chưa chắc đã công bằng, biết đâu lại chỉ chiều chuộng những kẻ tháu cáy, chẳng làm mà vẫn có ăn. Thôi cướp lấy cho chắc ăn! Chờ đợi chắc gì đã đến lượt mình. Một lần đi chùa, tôi đã làm phép thử xin sớ mấy thầy viết sớ chữ Nho ở cổng chùa rồi lẩn mẩn ngồi đọc. Giật mình khi thấy các tờ sớ viết sai nhiều quá, ngay cả tên mình có thầy còn viết sai và đặc biệt bốn chữ: Gia đạo bình an được xếp sau cùng, sau làm một được hai, trồng một gặt mười… bởi các thầy nhân bản những tờ sớ cho muôn người như một. Vậy là, người ta vào chùa không phải để cầu an. Phải chăng, lúc rạp mình trước đức Phật là lúc tâm chúng sinh bất an nhất. Chịu khó ngồi lâu nhìn tháng Giêng (không chỉ năm nay) thì sẽ thấy nó trở thành hỗn tạp của những lễ hội vơ vét khổng lồ. Kẻ vét hy vọng từ trời, kẻ vét túi khách hành hương, địa phương vét phí. Vét đến nỗi giẫm lên đồng loại và đức tin. Đi chùa ngày xuân đâu còn cảnh: Tôi nhẩn nha ngoài sân chùa nhặt hoa gạo, đợi mẹ hay chị cũng nhẩn nha sẽ sàng ngồi trên chiếc chiếu trải trước bàn lễ, dõi mắt về phía hư không. Cớ gì mà lòng không hỏi lòng sao không thôi hoài niệm về một tháng giêng ngon như một cặp môi gần. Tháng giêng như độ này ở triền đê ven sông quê tôi, hoa gạo đã đỏ. Những bông hoa gạo như lũ chim lửa mang hơi ấm về từ phương bắc xa xôi. Cây xoan trút lá đã lấm tấm, lích chích những tiếng chim vườn, cành na khẳng khiu bắt đầu nứt vỏ hé nở những đọt tươi non. Tháng giêng hồi sinh trong vòng tay của Mẹ. Tháng giêng lộc nõn gieo vào hồn thằng bé đa cảm như tôi nhiều mộng mơ và bâng khuâng thương nhớ lắc rắc, lấm tấm, li ti mà mượt mà, mơn man như mưa bụi. Ra giêng, có năm trời rét và kéo theo mưa bụi. Mưa lất phất bay trong làn gió se lạnh dịu dàng. Mưa rơi nhè nhẹ. Trên mái tóc em. Mát như sương đêm. Tươi cành xanh lá. Nghiêng nghiêng đôi má. Chào đón mưa rơi. Em ngẩng nhìn trời. Xuân sang đẹp quá là đoạn thơ trong bài Tập đọc tôi thường lẩm nhẩm mỗi khi chân sáo tới trường. Những ngày đầu năm như thế đất trời trở nên dung dị, êm ả lạ thường. Mưa bụi lấm tấm, nhỏ nhoi nâng niu tà áo, vuốt ve mơn trớn trên mái tóc. Không giống tơ trời giăng mắc đó đây, mưa bụi như là nỗi nhớ mong manh, gần gũi mà xa xôi, mơ hồ. 
Mưa bụi miên man khắp trời, si tình cỏ dại, da diết nương dâu, bẽ bàng với triền sông, bến nước. Hãy nghiêng tai trên mặt nước sông xuân mà nghe tiếng mưa bụi reo tí tách, hàng ngàn, hàng triệu hợp âm như một cung đàn, như một bản hòa tấu lãng đãng trong cõi ta, cõi người, cùng trời cuối đất. Mưa bụi rơi rơi, rồi đọng lại tự bao giờ, mà mỗi khi chạm đến dòng ký ức nôn nao ấy như vướng phải nỗi tàn phai trên dòng hư ảo giữa cuộc nhân sinh thế tục vong tồn. Tháng giêng mưa bụi, không là khói, là mây mà như khói mây vương vấn, cũng chẳng phải sương mù gửi gắm trong cõi hóa sinh. Trong đêm tháng giêng mưa bụi, ta nghe bước chân thời gian đi giữa không gian vô tận như vòng châu thiên, như cát sông Hằng đi tìm sa mạc. Ra Tết, nếu như tháng giêng mưa bụi, đừng nên lang thang ngoài đường một mình. Cái khoảng thời gian mong manh ấy, thiên địa u hoài chỉ dành cho những đôi tình nhân nép mình vào nhau thủ thỉ… Nói chuyện tháng giêng mưa bụi là nói nhỏ bên tai, thì thầm sâu lắng, thương nhớ nồng nàn. Chừng như thuở ấy, trên dòng trường lưu mưa bụi, người gọi đò đứng đợi bến sông xa. Đêm cứ chùng sâu trên dòng xuân rây rắc, người gọi đò hay đò đợi khách sang sông. Đêm như đất trời thấm lạnh, mưa bên thềm xưa ướt tấm áo nâu, bóng dáng mẹ như nghìn năm mưa bụi rớt xuống trần gian những giọt u nồng… Thời gian trôi bạt tóc người, mỗi khi tháng giêng mưa bụi tôi lại trở về như đứa trẻ. Vốn không biết uống rượu, bia, không biết hút thuốc, nhậu nhẹt, ngoài đam mê đọc sách, xem phim, tôi chỉ  được quẩn quanh bên bố mẹ, bên những người thân yêu của mình. Ngày mẹ còn ở quê xa, mỗi lần bà lên chơi, quá tuổi háo hức những món quà nhà quê trong giỏ xách của mẹ, tôi hóng thứ khác: Những câu chuyện nhà quê mẹ kể. Hiểu tính tôi nên vừa bước chân vào nhà là chuyện của mẹ đã giòn như cốm nổ. Không chịu ngồi yên một chỗ, xăng xái dọn chỗ này dẹp chỗ kia, vừa làm vừa kể, những chuyện nhà quê theo bước chân mẹ dìu dặt nửa xa nửa gần. Giọng điệu bâng quơ, như thể không ai nghe cũng không sao, mẹ nói cho vui nhà vui cửa. Chuyện và người kể chuyện nôm na, bình dị nhưng lại là những gì không thể mua được ở cái thành phố tiện nghi và thực dụng này. Mà, những câu chuyện ấy cũng đâu có giật gân, kịch tính gì. Lơ vơ, quẩn quanh chỉ là cái góc bếp bị dột, bà thím càng ngày càng điếc, cải nhà trổ hoa, cau ra buồng. Sực nhớ gì thì nói đó, mẹ cứ láp giáp rời rạc, như thể chắp vá những cái quê nhà mà tôi đã rời bỏ từ hồi mười hai tuổi xuống thành thị theo học trường chuyên. Tất cả hiện lên sống động như bộ phim ai ải màu rơm rạ mục. Không phải cái tên nào mẹ kể ra tôi cũng biết, nhưng cứ có cảm giác họ quen thuộc với mình lắm. Mẹ cũng không màng tôi có quen người này người kia hay không, có gợi nhớ gì không. Quan trọng gì, mẹ sẽ ở lại nhà tôi vài ba ngày rồi phải về quê coi vườn tược, thời gian mẹ con gần gũi cũng ngắn ngủi, nên phải tận dụng những thứ có thể nói được với nhau. Bằng cách đó mẹ buộc tôi vào quê nhà, dù sợi dây đó không thấy được bằng mắt thường, dù rất đỗi mong manh. Đôi khi tôi cũng vuột khỏi nó, trôi tuột theo những cuộc điện thoại bàn chuyện công việc, học hành, thi cử. Mẹ, một chân rút lên ghế, tơ mơ ngó ra ngoài, thủng thẳng kéo tôi về: mùa này giàn mướp lại ra hoa con ạ… Ngay lập tức tôi nhìn thấy lung linh màu vàng hoa mướp, cái hình ảnh nửa vầng trăng cong treo chi chít trên giàn, và mùi thơm của nồi canh cua rau đay mùng tơi nấu mướp lại ứa ra nơi đầu lưỡi. Và lại thổn thức nhớ về những thằng Bôm, con Bát nào đó mà tôi vẫn nhớ mùi ghẻ của chúng từ thuở cùng chăn trâu cắt cỏ, giờ chắc chúng đang nằm võng ru cháu nội, cháu ngoại. Qua lời kể hiền queo của mẹ, họ đến với tôi bằng mái tóc bạc, đuôi mắt răn reo…. Khó mà nắm bắt cho rạch ròi những chuyện không đầu không cuối đó nhưng nó mang đến cảm giác khó tả, xáo động một cách êm đềm. Như thể mỗi chuyện là một cọng nan tre, mẹ tiện tay đan thành tấm liếp che nắng, che gió cho mình đỡ rạc rài. Giờ được mẹ ở cùng với mình, tôi lại được nghe chuyện nhà quê qua cô em gái. Những câu chuyện em kể cũng khác đi nhiều. Chói chang. Bén nhọn. Gay gắt. Hình như làng quê bắt đầu nhốn nháo, các giá trị một thời đảo lộn trong bao cuộc bán mua. Chuyện thằng bạn nối khố làm ăn tha phương giận vợ con nên tự vẫn, chuyện ông chú bạc tình bỏ vợ con, chuyện người làng cướp đất, chuyện phá núi chặt rừng. Hẳn đó không phải là thứ tôi mong đợi, những gì xảy ra ở nơi vùng chiêm trũng gắn với tuổi thơ của mình phải dịu dàng hơn những thứ tin tức mà tôi vẫn thường thấy nhan nhản trên báo chí hàng ngày. Tôi cứ tưởng cái làng Nghè nhỏ bé của tôi phải đứng ngoài những cơn gió lốc của đời sống này chứ. Như nó đã từng thờ ơ đi qua mấy bận binh lửa. Mãi mãi trong hình dung, quê tôi như một bông hoa gạo vừa bật khỏi cành, bay la đà, thờ ơ bâng quơ theo gió đậu đâu cũng được. Những câu chuyện hiền lành của mẹ từng làm bóng mát cho tôi giờ đã xa xôi. Hoa gạo đỏ triền đê ngày nào cũng đã bay thốc vào cuộc sống mưu sinh ồn ào, láo nháo.
Thành phố này, giờ đây hình như mở mắt nhìn là chạm tới nỗi buồn. Những câu chuyện vu vơ mà vẫn buồn…
Một chiều cuối năm, ngồi đợi giải quyết công việc ở một cơ quan cấp trên. Phòng nào trong cơ quan cũng chật kín, tôi đứng ngoài chờ, phía trước là những dãy ghế đợi đã kín người. Có một người đàn ông vào sau, tay cầm cặp, tay kia cầm một bó hoa hồng, thấy đầy nụ và những ngọn hồng mập mạp vươn lên đung đưa. Cũng chưa có chỗ ngồi, anh ta đứng cạnh tôi, tựa hông vào ghế, cái túi đung đưa. Tôi nhìn người đàn ông ấy, ánh mắt đầy thiện cảm. Chắc là một người tử tế, có sách và hoa.
Hàng người trên ghế đợi vơi dần. Rồi cũng có chỗ trống. Người đàn ông với sách và hoa hồng dợm người ngồi xuống cái ghế trống. Kìa kìa, anh ơi, ngồi vào hoa hồng rồi kìa! - Tôi nhắc vội vì thấy anh ta ngồi lên cả những cành hồng. Chỗ ấy chắc là chưa có gai, thảng hoặc nếu có thì gai vẫn còn rất non, chưa đủ làm đau.
Người đàn ông dợm đứng lên, lôi tuột cả bó hoa ôm lên tay. Rồi liếc qua tôi. Rồi yên vị ngồi tựa lưng ghế. Duỗi chân. Thản nhiên. Có phần lành lạnh. Không một nụ cười đáp lễ. Không một lời cảm ơn. Cố nén tiếng thở dài. Tôi quay mặt…
Rồi lần khác ngồi đợi ở một hiệu bán kính, tôi thấy một cậu bé trai khoảng mười tuổi từ trong phòng khám đi ra, ngồi phịch xuống ghế cạnh bố mẹ. Cậu bé béo tốt, hồng hào. Trên mắt cậu ta là cặp kính thử. Những người khám mắt để làm kính đều được bác sĩ cho đeo những cặp kính thử như thế này để xem có vừa số kính không. Cậu bé ngồi ỳ ra, bố một bên, mẹ một bên. Bố mẹ cậu có vẻ người khá giả, quần áo xịn. Bà mẹ diêm dúa. Ông bố com lê, chìa khóa xe hơi lủng lẳng trên tay. Rõ là một gia đình kiểu mẫu và thành đạt. Chắc cậu bé học hành nhiều quá nên lại cận đây, tôi nghĩ. Đó là mầm non của đất nước, rồi sẽ phơi phới bay…
Nhưng cậu bé cứ ngồi đấy, khá lâu, giữa bố và mẹ.
Với thâm niên đeo kính đã dăm năm, tôi biết thử kính thì phải đi lại xem có choáng không, nhìn xa rồi lại nhìn gần xem có hợp mắt không. Thấy cậu cứ ngồi, bố mẹ chắc không biết, tôi nhẹ nhàng giải thích cho họ, bảo họ cho cậu đi lại và thử nhìn gần nhìn xa. Ông bố bà mẹ nghe theo nhưng không nhìn tôi lấy một lần, quay sang bảo con đi lại, nhìn xa nhìn gần. Cậu bé ngoan ghê, đứng lên ngó nghiêng, đọc hết biểu ngữ chăng ngang đường đến quảng cáo treo đầy trước những ngôi nhà sang trọng, rồi đi lại như diễn viên. Thế rồi, họ vào trả kính thử, họ làm kính mới, và... họ đi. Không nhìn tôi lấy một lần, không một lời cảm ơn. Rồi lại một cô bé xinh xẻo trạc mười lăm mười sáu cũng thử kính, đi cùng bố mẹ. Cũng lại ngồi ỳ ra. Lần nữa tôi tua lại bài học kinh nghiệm. Cả cô bé, ông bố, bà mẹ đi cùng, lại lần nữa, họ nghe lời nhưng cũng không nhìn tôi lấy một lần, lại đi lại nhìn xa nhìn gần, làm kính mới, rồi đi mất, không một lời cảm ơn.
Kính để làm gì nhỉ?
Mới đây trong chuyến công tác vào miền Nam, ngồi cùng ghế cạnh tôi là một ông già có khuôn mặt già nua, khắc khổ. Thấy ông cứ loay hoay không biết cài dây an toàn, tôi quay sang cài giúp rồi hỏi xem ông đi đâu mà không có con cái đi cùng. Ông quay sang kể chuyện, ông vào tận Cà Mau làm đám tang cho đứa con trai đầu đi làm ăn xa vừa bị tai nạn qua đời. Tôi thoắt nhiên lạnh sống lưng, nghẹn đắng, thương cảnh lá vàng khóc lá xanh, thương phận người nổi nênh bèo bọt. Ông hỏi tôi xem sau khi xuống máy bay thì từ Cần Thơ về Cà Mau có xa không, đi taxi mất bao nhiêu tiền. Khi nghe tôi nói tiền triệu, ông lắc đầu lè lưỡi vì bằng cả gia tài. Không ngần ngại, tôi đổi lộ trình ở lại Cần Thơ để về Cà Mau ngay trong đêm chỉ với mong muốn cho ông lão đi nhờ. Tôi sợ ông đường xa dặm thẳng, một mình giữa đêm côi cút nơi đất lạ quê người biết nương tựa vào đâu. Suốt quãng đường dài, tôi thi thoảng quay sang len lén nhìn ông, nhìn cái già nua khổ hạnh của ông mà thương đến thắt lòng. Vài lần trên xe, mấy đứa con từ Cà Mau gọi điện cho ông hỏi xem bố đã đi đến đâu. Chúng đón ông ở bến xe khách Cà Mau vì nghĩ ông tự đi từ Cần Thơ về Cà Mau trong đêm bằng xe khách. Ông trả lời đang đi nhờ xe hơi, chúng không tin. Để củng cố niềm tin, tôi cầm điện thoại, nói chuyện với con ông. Vậy mà chúng chỉ hỏi: Bố đang ở đâu? Một câu hỏi lạnh lùng rồi điện thoại tắt cái rụp. Lúc đưa ông xuống xe, dặn ông đứng vào lề đường, chỗ đèn sáng để các con đi đón tiện nhìn thấy. Khi dợm người bước đi, tôi mong một lời gọi theo: Chú gì ơi, tôi cảm ơn chú nhé! hoặc Chú gì ơi, tên chú là gì vậy? Vậy mà tịnh không. Như người bước hẫng, tôi lên xe, bóng ông khuất nhòa vào màn đêm. Lòng vẫn trào thương mà sao thấy chới với lạ lùng. Sao lời cảm ơn thốt ra khó thế? Và còn cả những lời xin lỗi. Cũng lại sao khó thốt ra? Lớp chồi, lớp lá, lớp một, lớp hai…Lớp nào dạy nói lời cảm ơn, xin lỗi. Vậy nên… ngồi vào cả hoa hồng! Không chỉ nói lời cảm ơn, xin lỗi khó, lời nói thật, hành động thật càng khó bội phần…
Bây giờ là mùa cưới, đi đâu cũng gặp đám cưới. Cưới, tất nhiên đó là chuyện tốt, vì nó chứng tỏ thiên hạ còn thích nhau, chưa chán nhau. Nhưng có chuyện này vui vui. Đó là những cặp đôi đi chụp ảnh cưới. Cứ quan sát mà xem, hay lắm. Cô dâu, dù rét chết đi được, răng va lập cập, nhưng vẫn váy trắng hở vai hở lưng hở tay, trông thấy rùng mình. Và vẫn cố nhoẻn miệng cười duyên. Cái duyên rất gượng. Còn chú rể thì phờ người vì bế cô dâu nặng quá. Nhưng chắc cả hai mệt vì ông phó nháy. Nào nào, cười lên, nào, cô dâu, nghiêng người một tý, nào, chú rể phải tươi lên, nhìn đắm đuối vào, đấy, sát môi vào, tay để thế kia à? Ấy ấy, ra sát mép hồ chút nữa cho lãng mạn... Cẩn thận dẫm vào váy cưới rồi ông trẻ ơi... Chụp xong ảnh cưới, cô dâu chú rể về nhà thở dốc như đi vật trâu. Lũ cháu tôi cũng chụp ảnh cưới. Khi lấy cuốn album to đùng nặng vật vã về, cả nhà xúm vào xem, bình phẩm cô dâu trông lạ quá, cứ tưởng ai, chú rể trông đần quá, cũng tưởng ai. Nhưng chỉ xem được một lượt, rồi gập lại. Sau này lũ chúng nó bảo, chụp phí cả tiền, để trên giá cả năm chẳng giở ra xem lần nào. Chúng bảo lũ em: Đừng có dại như anh mày nhé. Vâng vâng. Thế đám cưới mày có chụp không? Chụp chứ! Cả thiên hạ chụp cơ mà. Thế là, Hà Nội ta chụp ảnh giỏi (mạn phép mượn tiêu đề một phóng sự của cụ Nguyễn Tuân), Hà Nội sinh ra một đống cô dâu xinh giống hệt nhau, một đống chú rể đần hệt như nhau. Đôi khi nghĩ, họ diễn cho ai xem nhỉ? Vì thực ra, đó là diễn. Có phải thực đâu? Có những giây phút bồi hồi, có những cái nắm tay vội vàng, có những buổi chiều như trong hơn, có những cuộc cãi vã, dỗi hờn, tất cả chẳng được ghi hình ghi tiếng nhưng họ đã kịp ghi trong đầu. Đó mới là thật. Không album. Không ghi hình in ra đĩa. Người ta diễn khắp nơi. Trên ti-vi đầy những cảnh diễn. Có ông trao quà tặng tình thương vừa trao vừa ngoảnh mặt tìm ống kính truyền hình, trước khi trao chẳng nở một nụ cười, khi máy quay hướng đến ông vội vã nhoẻn môi. Ông khác lên diễn đàn dạy dỗ bảo phải đổi mới tư duy, hôm sau nhân viên hỏi, lại ra lệnh cứ như cũ mà làm. Giáo viên biết có thanh tra kiểm tra thì đưa những học sinh thuộc diện cá biệt đi di tản hoặc quá lắm thì dặn cháu ở nhà. Không chỉ ngoài xã hội, trong nhà, trong họ mạc cũng diễn. Đứa cháu gái muốn thi vào ngân hàng với mong muốn nhanh kiếm tiền nhưng khi nghe ông chú khuyên nên thi vào sư phạm để giữ lấy gia phong, lấy cái nết na, nghiêm cẩn làm trọng, đáng lẽ nói thật là cháu không thích, cháu không muốn, đằng này nó gật gù tâm đắc, khen hay lắm, thích lắm. Ông chú vui mừng vì cái nề nếp gia phong mình giữ gìn lâu năm hóa ra vẫn còn tác dụng, tất bật sấp ngửa đi lo làm hồ sơ. Thế mà nó chả thèm đi thi, chả thèm nói lại nửa lời làm ông chú cứ ngơ ngác chẳng hiểu vì sao nó phải diễn “những phân cảnh đầu đời” với mình làm gì.
Trong điện ảnh, đích thị là diễn. Nhưng có những bộ phim diễn đến mức thật. Lại đầy những bộ phim diễn đúng là diễn, vừa xem vừa cười. Trong văn chương có diễn không? Có. Đầy cảnh diễn. Nhiều truyện đọc đến chết cười. Kỹ thuật rất quan trọng, nhưng lạm dụng kỹ thuật thì lại biến thành một trò diễn.
Chỉ mong sao được bình an. Chỉ mong sao tim mình yên ổn. Chỉ mong sao “diễn” ở đâu đó xa lắc, không ở bên mình. Khi đó, lòng mình sẽ có cơ hội được lắng lại, cảm nhận sẽ sàng tiếng mưa đêm miên man trên cánh đồng xanh thuở thanh bình, trà lúa đông xuân ôm bờ hạnh ngộ, cánh cò trắng lượn quanh chiều sóng vỗ, thương nhớ ai, không biết, đợi xuân nồng. Xin cho một lần hội ngộ cùng đất trời mưa bụi mà lắng nghe tiếng thở đêm trường trùng lai miên viễn… Rồi lại được nghe tiếng họa mi.
Không hiểu sao họa mi lại hót trong mưa và chỉ trong mưa họa mi mới hót hay và hót nhiều. Có gì bí ẩn giữa tiếng mưa giao thoa đất trời với tiếng chim líu ríu chuyện trò như trẻ nhỏ. Trong tôi bỗng ngân lên câu hát: Tiếng mưa như tiếng tằm ăn. Một vẻ đẹp phồn thực ám ảnh tâm thức Việt bởi nương dâu bãi mía, bởi tiếng tằm ăn rỗi rào rào để chuốt bao nong kén óng ả. Tiếng mưa đã dệt lụa với tiếng thoi đưa kết nên một mùa vàng no ấm. Tuổi thơ tôi lăn lóc cùng giỏ đựng cua, bị đựng thóc hồ hởi reo vang cùng bầy trẻ làng. Cả thân mình đẫm bùn đắp đập be bờ bắt những con cá rô căng phồng bụng trứng, cả dải trứng cá chạy vào cái giỏ ký ức tuổi thơ để sinh sôi, để nảy nở, để tắm gội, để thanh lọc, để ngấm vào mình cái vị đầm đậm phù sa của đứa con nhà nông. Đôi lúc chợt hỏi giữa cuộc mưu sinh mệt mỏi, những cố gắng của tôi không chỉ vì áo cơm no ấm đủ đầy cho cả đại gia đình mà có thể còn vì vẻ đẹp trong trẻo, tươi tắn, nguồn cội của thiên nhiên. Nếu không còn sức sống nào trỗi dậy sau mưa, níu kéo sau mưa và cộng hưởng sau mưa để thăng hoa hơn, thuần khiết hơn thì trái đất này, sự sống này sẽ buồn biết mấy. Còn nghe được tiếng mưa, còn khao khát tiếng mưa là còn khát vọng tránh được sự vô cảm của cõi con người khi cái ác ngày càng có nguy cơ gieo mầm mống và mọc tràn lan như cỏ dại. Được nghe tiếng mưa thẩm thấu qua mình, được vỡ òa thảng thốt, được nếm những đọt mưa ngọt mát, được choàng tấm áo mưa tinh khiết, tôi như đứa trẻ lại được hồi sinh.
Càng mát dịu lành lẽ hơn nữa khi tết này tôi được đón tết cùng bố mẹ và chị gái. Qua nhiều khó khăn, trắc trở, khi giành giật những phút giây sinh tử cho những người thương yêu ruột thịt, tôi lại được ngồi quanh bàn ăn đêm tất niên với tràn ngập sum vầy. Tạm quên đi những vất vả, những nỗi tái tê chảy qua từng kẽ ngón tay, tạm quên cái lạnh cóng quánh của đất trời, tôi khoan khoái hưởng những phút giây ấm nồng tình cha con, tình huynh đệ, tỷ muội. Nhớ những mùa xuân xưa không được ăn tết quê nhà, đón tết nơi xứ người mà lòng cứ rưng rưng. Nhớ tết năm nào, suốt mùa Giáng sinh không thấy tuyết rơi. Sáng hai tám tết, mở mắt ra đã thấy đất trời trắng xóa. Những mái nhà lợp bằng đường kính. Tuyết đấy. Lạnh âm 7 độ c.
Anh ở xa có nhớ Tết Việt không? Câu hỏi của cô bé dễ thương năm nào tóc xõa ngang vai. Tiếng hỏi dài như tiếng nấc trong đêm:
Hồi mới sang cũng nhớ quay nhớ quắt em ạ!
Hồi mới sang, mình luộc gà, thổi xôi, nấu chè. Mâm ngũ quả có dưa hấu, chuối, cam, phật thủ. Căn hộ cao tầng, thiết bị báo cháy kêu như còi xe cảnh sát, ngay cả khi mình lỡ tay quá lửa mẻ lạc rang. Phút sang canh không thắp nhang, không bật sâm-banh, nhớ cha mẹ nghèo không dám tự mình cho mình tiền mừng tuổi. Hồi mới sang, đêm giao thừa nghe cô ca sĩ hát: Hà Nội ơi, một trái tim hồng, một mình ngồi nước mắt rưng rưng. Điện thoại đường dài nghẽn mạch. Cùng một building, chẳng ai biết tết của mình.
Anh ở xa có nhớ Tết Việt không?
Ăn tết “giả vờ” thành quen em ạ! Tết giả vờ vì không có cành đào, chậu quất, không có cảnh chen chân vào chùa xin lộc. Bạn bè nâng ly chúc tụng, rồi lại đợi phút sang canh, í ới gọi nhau: Chúc mừng năm mới. Siêu thị sáng choang biết tìm đâu ra xôi gấc. Góc bánh chưng rán vàng cháy cạnh ngẩn ngơ. Tết giả vờ đĩa hành nén được thay bằng củ cải. Tết giả vờ vẫn phải đến giảng đường dạy học, phút giao thừa phía bờ đông, ngồi nhai bánh mỳ trước màn hình máy tính.
Anh ở xa có nhớ Tết Việt không?
Hoài niệm cứ mênh mang, chẳng biết bắt đầu từ đâu em ạ!
Tết ở Việt Nam bắt đầu từ tháng chạp. Cửa hàng thợ máy chất ngất vải vóc. Đồng nghiệp bảo nhau, địa chỉ tin cậy đặt mua miến dong, đặt bánh chưng, đặt làm giò chả… Đầu tháng giỗ bên nội, cuối tháng giỗ bên ngoại. Tất bật như thoi trên những chuyến xe. Chiều hai tám về nhà ông bà nội thịt lợn đụng. Ông mổ gà, đồ xôi, nấu chè cho tất cả các gia đình bé mọn mang về cúng sang canh cho các con đỡ vất vả. Quà biếu nhau phải đem đến từ trước tết. Xe máy phóng như bay, bấm chuông, trao túi quà, tất bật hẹn ra giêng. Ừ, chỉ vài tiếng đồng hồ nữa sẽ ra giêng. Mỗi phút chiều ba mươi quý hơn cả giờ đồng hồ tháng dài ngày rộng. Tết ở mình là gặp nhau uống rượu. Tết là cúng cơm đặt lên bàn thờ mời các cụ mỗi ngày. Tết là chạy xô chúc tết nhau như kiểu điểm danh. Tết vui. Tết mệt nhoài. Tết… tiền đi ra khỏi cửa.
Anh ở xa có nhớ Tết Việt không?...
“Đêm giao thừa không chờ đón pháo bông
Không ra phố lang thang - không lên chùa hái lộc
Bữa cơm tất niên nghe lòng mình chùng xuống
Khói hương cay, day dứt phía quê nhà”.
Những tháng ngày này, tết không còn nỗi day dứt tha hương nữa, cũng vắng thưa giọng hỏi véo von của cô bé có đôi mắt đuôi dài và mái tóc mượt mà xõa ngang vai nhưng bù lại, lòng ấm áp hơn trong niềm cảm xúc của sự sum vầy. Lại quay về với những tất bật rất Việt, lại quay về với những điều không thể đưa lên bàn toan tính hơn thiệt, được thua. Chỉ cần biết quanh mình còn đủ đầy những thương yêu là mùa xuân đã dâng đến ngập lòng.
Xin cho những mùa xuân này mãi là viên miễn!
Cùng với nắng xuân, gió xuân, với hoa cải vàng triền sông rực rỡ, tim lại thắp những ngọn lửa nồng nàn của một mùa xuân yêu thương!                                                                         Theo http://congdoan.hnue.edu.vn/ 
   

1 nhận xét:

  Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đ...