Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Hồ Dzếnh - Con thiên nga hót trước khi nhắm mắt


Hồ Dzếnh - Con thiên nga hót trước khi nhắm mắt
 Nguyễn Khắc Xuyên 
Tôi mê thơ Hồ Dzếnh từ những năm xưa, khi tập thơ Quê Ngoại được xuất bản ở Hà Nội, năm 1943. Tôi cũng đã thích thú đọc Một truyện tình 15 năm về trước, ký tên Lưu Thị Hạnh. Có một tập sách ít người để ý tới, đó là quyển Tác phẩm đầu xuân, cũng do Nguyên Hà xuất bản năm 1944, trong đó ngoài mấy bài thơ văn ký tên Hồ Dzếnh còn có mấy bài mang tên Lưu Thị Hạnh, Lê Minh Thu, Phạm Văn Lựu. Năm 1946 khi Hoa Xuân Đất Việt được phát hành ở Hà Nội, tôi đã mua ngay và thích thú đọc và cho học trò học.

Năm 1983, khi tôi về Hà Nội, tôi được gặp nhà thơ, lần đầu trong đời. Nhưng hai chúng tôi cảm thấy gần gũi như thể đã quen biết từ lâu. Chị Hồ Dzếnh - Hồng Nhật - cũng rất đáng mến. Chúng tôi đã nhiều lần gặp nhau, rủ nhau đi ăn sáng hoặc họp nhau ở nhà anh chị dùng cơm hay thưởng thức những món ăn Hà Nội mà chị rất sành sỏi. Vào những năm này, anh vẫn còn khỏe, người gầy và cao, dáng dấp nhẹ nhàng: người về già có vóc hạc là biểu hiện sống lâu trăm tuổi.
Nhưng mấy năm về sau, anh không được như trước: bệnh hen suyễn vẫn hành hạ. Ở Pháp có nhóm người yêu thơ của anh, trong đó có người em gái kết nghĩa làm bác sĩ, đã giúp gửi thuốc men và bồi dưỡng cho anh, thế nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm. Và anh đã ra đi vào tháng 8 năm 1991.
Năm 1983, khi tôi được biết anh thì đồng thời, tôi cũng được biết Người Em gái, Nàng Thơ của Nhà Thơ, người con gái nói trong Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, lúc này đang sống ở Pháp với chồng và con. Hai gia đình chúng tôi thân nhau và thường đi lại thăm hỏi nhau.
Một hôm, sau khi đi Hà Nội về, chị khoe với tôi có đem một tác phẩm hồi ký của Nhà thơ, đó là bản thảo quyển Truyện Không Tên, do chính nhà thơ viết. Cuốn Truyện Không Tên được in ở Hà Nội năm 1994 hay 1995.
Nhưng việc độc đáo hơn hết là việc Nàng thơ của Nhà thơ - như đã nói - hiện còn sống ở Pháp - Nguời Em gái của Thi sĩ, đã cho tôi biết một số các bài thơ Hồ Dzếnh viết tặng chị vào những năm rất gần đây, kể từ 1979, khi chị ở Pháp đã bắt liên lạc với anh ở Hà Nội. Chị cũng đã về Hà Nội - Nàng Thơ trong Quê Ngoại, sau trên dưới bốn chục năm xa cách, đã gặp Nhà thơ lúc này đang sống với chị Hồng Nhật. Gia đình thi nhân chấp nhận người em gái một cách tự nhiên và rất thân thương. Thế là khởi đầu một nguồn cảm hứng mới đối với nhà thơ của chúng ta- sau bốn chục năm - như đã nói.
- Tết Kỷ Mùi 1979, thi sĩ viết:
Mái tóc đời ta dù đã bạc
Nhưng lòng thanh thản mãi không thôi
Vì chung nguồn gốc tình yêu mẹ
Sáng mãi thanh xuân với đất trời.
(Tặng HP).
Quả thực năm 1979, nguồn thơ lai láng đã trải đầy trên mấy bài rất trìu mến. Năm 1977 khi viết bài Núi Vọng Phu, Hồ Dzếnh chỉ nói tới:
Bốn nghìn năm ấy bao sương gió
Mà vẫn đinh ninh thiếp đợi chàng.
Cũng như năm 1978, khi viết Sông Lý Quê Em, thi nhân mới ám chỉ xa xa trong những lời:
Chạnh nhớ bao người xa cách sông
Sáng nay xuân tới hẳn nao lòng
Muốn làm một cánh chim về tổ
Sông Lý thương và sông Lý mong.
- Nhưng năm 1979, có những bài như bài Paris' Mùa Nắng, rất rõ rệt nói tới mối tình nối lại sau bốn chục năm:
Xao xuyến vương theo từng ngọn cỏ
Rừng Boulogne nắng bóng chen cây
Musset yêu Georges Sand trước
Âm hưởng thơ còn vọng đến nay.
Giờ khắc hai phương chênh sáng tối
Địa cầu này vẫn địa cầu chung
Em ơi! Khói lửa mai đây tắt
Triệu cánh tay ta kết một vòng.
Cũng trong năm 1979 này, trong bài Anh viết cho em, có lời kết:
Ôi hồn kỷ niệm xôn xao
Thời gian thoắt bỗng tan vào không gian
Tình ta đâu có lỡ làng
Đời ta đâu có muộn màng hỡi em!
Thực ra có lỡ làng rồi chứ, thi nhân không lấy được Nàng thơ nên mới thành Nhà thơ, Nhà thơ lớn, nhưng nếu thành duyên thành phận thì biết đâu không còn thơ. Dẫu sao, như để vớt vát, sau bốn chục năm xa cách, gặp lại nhau thì kể như chưa đến nỗi lỡ làng, Hồ Dzếnh có ý nói thế chăng? Và thi nhân hạ những lời chung kết đau thương và chua xót:
Ôi Người Em Gái anh mơ
Yêu nhau, ta chẳng bao giờ cưới nhau
(30-8-1979)
Cũng năm 1979 này, có Bài thơ tạm biệt, với bốn câu kết thúc:
Có thể nào quên những phút giờ
Bên Em, chuyện thực đẹp như mơ
Phong thư tiếp nối đường liên lạc
Ta lại thương nhau, lại đợi chờ.
Lại đợi chờ, bởi vì hai người hai phương trời cách biệt và mỗi người đều còn gia đình riêng rẽ. Gia đình thi sĩ chấp nhận Nàng thơ như người em gái trong nhà, mỗi lần nàng về thủ đô.
- Năm 1980, Nhà thơ viết tặng Nàng thơ bài Gặp nhau trong đó có câu mở đầu:
Gặp nhau cuống quít, rộn ràng
Lời chưa nói kịp, lá vàng đã bay!
Và câu kết thúc:
Yêu em, dù nói nghìn lời
Cũng không vơi được một phần nhỏ nhoi.
Bài này thi nhân viết tại TP Hồ Chí Minh khi đi tiễn Người Em Gái trở về Pháp.
- Năm 1981, có bài Hoa Sen viết lại kỷ niệm Rủ nhau đi chợ Đồng Xuân, sau bốn chục năm xa cách, sau Em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé, thời xa xưa.
Rủ nhau đi chợ Đồng Xuân
Mà như đi giữa bâng khuâng thuở nào
Với lời kết có một chút não nùng, đau xót:
Nhớ em, nhớ đến khôn cùng
Hương sen càng mát, nỗi lòng càng đau...
(Tặng HP)
Cũng năm 1981, trong Cỗ bài tam cúc, gợi lại một kỷ niệm xa xưa, thi nhân buông lời kết nói lên lòng chung thủy của mối tình đầu, không kém phần ai oán:
Dù tóc đời ta điểm bạc
Bể dâu thời thế phôi pha
Em ạ, cỗ bài tam cúc
Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta!
- Năm 1986, nhân dịp đến thăm cụ bà thân sinh của Em Gái trở bệnh nặng, cũng là cụ bà phần nào đã không muốn gả Nàng thơ cho mình, cách đây đã gần nửa thế kỷ, ngồi bên giường bệnh, Nhà thơ đã cảm hứng viết tại chỗ Bài thơ chép lại với câu mở đầu thanh thản, không hờn giận, không trách than:
Khi hai đứa mình còn trẻ
Mẹ không cho ta cưới nhau
Mẹ nói: lấy chồng thi sĩ
Sẽ nhiều vất vả, lo âu.
Và câu kết thúc nhẹ nhàng như "mỉm cười trong nước mắt..."
Hôm nay trở về thăm mẹ
Bệnh già gần phút lâm chung
Ta chẳng còn xa nhau nữa
Mỉm cười, mắt mẹ rưng rưng...
(18-12-1986)
Chúng tôi không nhắc tới mấy bài thơ quen thuộc viết vào năm 1988 như bài Nhớ tiếc Thanh Tịnh, bài Cầu Giát, cũng như bài Mối tình đầu, viết năm 1989.
Nhưng cũng năm 1989 này có bài Hoa mẫu đơn, "hay đến rợn người" - lời của chị Hồng Nhật - với câu kết:
Đêm Giáng sinh này em ở đâu
Nghe chuông có nhớ thuở ban đầu?
Ước chi sống lại thời xưa nhỉ
Để trẻ ra và để hẹn nhau!
(Noel 1989)
Nên nhớ năm 1989 này thi nhân đã tròn 73 tuổi thọ và hứng thơ không có tuổi, thi nhân vẫn còn mong ước được "hẹn nhau" nhưng "đừng gặp nhau", trong hoàn cảnh hai người hai phương trời như đã nói.
Trong mấy bài thơ cuối cùng thi nhân viết năm 1990, có bài Cỏ Lau, nhân giỗ đầu người bạn thân, nhà văn Nguyễn Minh Châu và bài Sông Xuân rất ngắn gửi HP. Phải chăng đây là lời trối trăng cuối cùng thi nhân gửi Người Em Gái. Cái trăn trở, cái oan khiên vẫn đeo đuổi nhà thơ, hình ảnh Người Yêu, Nàng Thơ vẫn canh cánh bên lòng, không sao nguôi đi được, cho dầu tuổi đã 74, cho dầu đã tới giây phút gần đất xa trời, hay gần trời xa đất, bởi vì thi nhân mất năm sau, 1991.
Sông sâu hẹn chở hết lòng
Đò xuân đem hết chờ mong tới bờ
Trăm năm thôi lỡ hẹn hò
Bến sông vẫn đó, con đò vẫn đây.
(1990)
Thế là thi nhân như muốn từ biệt Người Yêu và đã ra đi. Lần cuối cùng tôi được gặp là năm 1989.
Sau khi nhà thơ mất, chị Hồng Nhật đã sưu tầm được một số bài và thơ còn bỏ quên trong các giấy tờ, kèm với tất cả những bài báo viết về thi nhân và gửi cho tôi. Đồng thời HP cũng trao cho tôi tất cả những sáng tác thi nhân gửi tặng và còn thêm một số bài rất "xưa" thi nhân làm tặng Cô áo trắng Trường tư thục Thanh Hóa vào những năm 1938 - 1940 mà "Cô" còn nhớ thuộc lòng cho tới ngày "nay", như bài "vô đề":
Anh đợi đến ngày em lấy chồng
Anh về lấy vợ thế là xong
Vợ anh không giống em là mấy
Anh lấy cho anh đỡ lạnh lùng.
Hai bài đã có đăng trong một tờ báo thời đó năm 1942, bài Nhớ Chiều Quân, rất cảm động và có ảnh hưởng tới nhiều đề tài bài thơ sau này của thi nhân, bài viết khi được tin Người Em Gái đi lấy chồng:
Hôm nay Em lấy chồng đây
Gấp tư tờ lịch nhớ ngày Em đi
Bây giờ mới biết mình si
Đời yêu thêm một bài thi "Lấy chồng".
Và sau mấy câu chúc, thành thực và thanh thản, thi nhân viết:
Chiều nào nghe xuống hoàng hôn
Tôi rười rượi nhớ, quay hồn về mơ
Chiêu Quân biệt Hán sang Hồ
Có buồn cũng đến như là... thế thôi!
Thi nhân đã coi Người Em Gái như Người Đẹp nhà Hán đem cống rợ Hồ phương Bắc, "Chiêu Quân cống Hồ!".
Tất cả những bài hai người thân trao cho tôi, chị HN và chị HP, tôi đã có ý định cho ấn hành sau khi nhà thơ mất. Thực ra, tôi phải chờ hai năm sau mới thực hiện được, bởi lẽ những bài thơ tâm tình thì thuộc riêng tâm khảm người nhận, không thể đem ra công chúng được. Không ai phơi bầy lòng mình ra cho người ngoài thấy, người ngoài biết, trái với niềm thận trọng và sự kín đáo của con người. Tôi mất nhiều công phu thuyết phục đại khái như sau. Hồ Dzếnh đã thành nhà thơ của dân tộc, của quần chúng Việt Nam, cho nên tất cả những tác phẩm, những sáng tác của anh cho dù có thuộc quyền sở hữu của người nhận, nhưng thực ra là di sản chung của văn học Việt Nam. Những bài thơ đau đớn đến xé gan xé ruột của Alfred de Musset đã vĩnh cửu hóa người yêu của ông là Georges Sand. Cũng vậy bài thơ Hồ (Le Lac) của thi sĩ Lamartine đã để tới ngàn thu tên người yêu xấu số là Elvire.
Sau cùng, tôi đã thành công. Hôm nay tôi viết bài này để tưởng nhớ nhà thơ, tôi lại nhớ câu nói lúc sinh thời của Hồ Dzếnh: "Có hai tiếng hát thánh thót nhất, đó là tiếng chim sơn ca hót trước bình minh và tiếng con thiên nga hót trước khi nhắm mắt lìa đời". Nhà thơ ám chỉ những bài thơ sau cùng của cuộc đời mình vậỵ




1 nhận xét:

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...