Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Niềm vui ẩn mật trong văn thơ Bùi Giáng

Niềm vui ẩn mật trong văn thơ Bùi Giáng

Đọc sách, ai cũng muốn tìm kiếm niềm vui, không ai có ý định đọc sách để chuốc lấy mối sầu.
Đã đành là vậy, tuy nhiên, nếu ráo riết nêu ra câu hỏi, “ vui” là chi, “ sầu” là gì, đôi lứa ấy cặp kè bè bạn đồng dị ra sao, thì quả thật khó lòng rành rọt phân định cho tường tận đôi bờ ranh giới.
Ai ai có lẽ cũng đều trải qua ít nhiều cơ hội chứng nghiệm sự thật tưởng chừng mâu thuẫn rằng, có những niềm vui đặc quánh chua chát, và cũng có những mối sầu phảng phất hân hoan, khoảnh khắc mà niềm vui và nỗi buồn bỗng nhiên vi vu bay lượn vô phương hướng bên trên giới tuyến của khái niệm buồn vui thường tình.
Vui hân hoàn tới mấy tầng mây, sầu mênh mông tới bao nhiêu sông biển, cao thấp rộng hẹp thế nào, điều đó tùy thuộc vào sức mạnh tâm hồn huân tập được của từng độc giả mỗi khi lần giở cảo thơm. Niềm vui bát ngát phiêu bồng thì hiếm hoi, khó kiếm. Niềm vui dễ dãi, lai rai, nhai lại thì hằng hà sa số đó đây, chẳng phải hoài công khó nhọc truy tầm.
Đọc sách của Bùi Giáng, đôi khi chúng ta có cảm tưởng như đang ôm bầu rượu tiên tiên tục tục, lấy từ suối ngàn lai láng, từng ngụm uống vào, nghe nó rần rần qua cổ họng, ôn tồn thấm vào mạch máu, cay nồng nhưng sảng khoái vô cùng.
Niềm vui xỏa lộng tưng bừng qua mỗi trang sách của ông, rực rỡ từ “màu hoa trên ngàn” ban sơ, bàng bạc trong “trăng sương bình nguyên” thổn thức phiêu bồng, tuôn chảy ra lai láng khắp Tỳ Hải Trăng Sương hà thanh thúy lục … đọc ở quyển nào, trang nào, từ trang chan chứa nắng mai hừng sáng niềm vui, đến tờ gởi gắm tâm sự cô thôn hiu hắt nỗi sầu, nếu chịu lắng tai nghe, cũng đều có thể khiến tâm hồn chúng ta lâng lâng hòa quyện vào, tiếp nhận được những giai điệu rộn ràng líu lo của bầy chim reo ca, cùng vượt lên khỏi bầu không khí vui buồn cười khóc thủ cựu nặng nề, và khởi sự háo hực rạo rực yêu đời như mới được yêu đời lần thứ nhất.
Dĩ nhiên văn thơ ông không thiếu những giọt châu long lanh lệ hồng – bởi ông cũng đau đớn nổi chìm trong biển đời hồng lệ như bao người – nhưng đó là nước mắt ngọt ngào tuyết bạch mà sẽ tiếp dẫn linh hồn người ta đi từ sầu tới vui, từ đau khổ tới hạnh phúc, từ mù lòa đến sáng mắt, từ vô minh tới vô vô minh tận, từ phiền não đến bồ đề,…, nghĩa là từ vui xuân này đến vui xuân khác, từ hạnh phúc này đến hạnh phúc khác, từ thế giới thần tiên này đến thế giới thần tiên khác, từ thế giới mộng mị phân biệt này đến thế giới thơ mộng toàn mãn vô phân biệc khác.

Bùi Giáng, thi nhân thấu thị, đã sống kiệt tận miên bạc bình sinh, đã là một trong số hiếm hoi những linh hồn đã đi đến tận đáy của cái vực sâu không đáy, đã yêu đắm đuối cả cuộc bể dâu buồn tủi thê thảm, để công phu ghi tạc lại, bằng ngòi bút lô hỏa thuần thanh, những hương màu hoa cỏ toàn nhiên mà ông chiêm nghiệm được khi vui bước giữa con đời lạnh lùng lờ lững trôi đi.
Đó là những giòng lá thắm, những đường chim xanh, nơi mà chân tình của ông đã trao gởi hết vào cho ngẫu nhĩ sương mù, cho tùy ai về sau có đủ cơ duyên đón nhận hay không thì chưa biết trước, như lời ông thiết tha tâm sự:
Em về mấy thế kỷ sau
Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không
Anh đi gởi lại đôi giòng
Lá rơi có dội ở trong sương mù?
Chúng ta đã sống, đã chiêm nghiệm ít nhiều trong cõi người ta, đã trằn trọc liên miên về thế giới chung quanh, đã băng khuăng không ngớt trước giòng đời sục sôi giông bão, đã bứt rứt bao xiết trước vô thường thương hải tang điền, đã hoang mang bao bận mỗi khi nhìn những “ chân lý” lần lượt quỵ nhào, đã khốn cùng bao phen khi chứng kiến những “ thần tượng” liên tiếp trở thành quá vãng, v.v… Nếu chúng ta từng đã như vậy, thì ắt hẳn chúng ta sẽ tìm thấy ở Bùi Giáng một cơ hội cho tâm hồn mình khai mở: một ngón tay chỉ hướng, một cánh hoa đưa lên, và chúng ta chỉ việc bắt chước Ca Diếp im lặng tiếp nhận bằng một nụ cười hồn nhiên xuân sắc.
Dù ý ông nói “ Niềm Vui ẩn Mật” ấy phơi bày, hoặc nói “ Niềm Vui” ấy ẩn mật che dấu, thì thảy thảy đếu là ngôn từ, mà chung qui đều là phương tiện để dẫn về một mục đích: giúp huynh đệ tự khai mở cõi miền an lạc ẩn tàng – nhưng luôn sẵn sàng tư thế phơi mở -- ở trong chính tâm hồn và trí huệ của mình trước hết, và tiếp theo, là từ những hằng hà sa số dưỡng chất hiện diện chung quanh mỗi mỗi chúng ta.
Một lời chẳng nghĩa là bao
Dẫu lời không tiếng lẽ nào không nghe?
 Nguyễn Quang Thanh


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...