Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Thế gian điên, Thế gian tỉnh

Thế gian điên, Thế gian tỉnh

Hãy sống giùm tôi, hãy nói giùm tôi, hãy thở giùm tôi
Thịt da này dành cho thù hận, cho bạo cường, cho tham vọng của một lũ điên

(Trinh Công Sơn)
Người ta vốn điên, điên một cách thiết yếu đến nỗi không điên cũng là điên theo một cách khác. (Pascal)
Kẻ bê bối tầm thường vốn điên vì loạn trí. Còn Nietzsche điên chơi vì quá thông tuệ hào hoa. (Bùi Giáng)
“Nietszche đã điên (?) vì chàng đã kinh hoàng nhìn thấy những hậu quả sát gót của ngọn tuyệt đao chàng xử dụng. Chàng đã điên vì chàng khó có thể ngờ rằng sẽ có ngày có một thiên tài Heidegger xuất hiện để chận ngọn tuyệt đao của chàng lại – ngọn tuyệt đao chàng đã một lần (chỉ được phép một lần) xử dụng trong tâm tưởng khôn hàn kinh hãi giữa cuộc liều tại trung tâm cơn lốc. Chàng đã điên trong cuộc tử sinh liều giữa trận tiền, lúc sực dự cảm rằng mai sau, sẽ còn nhiều kẻ nham nhở rất mực nhà ma lợi dụng ngọn tuyệt đao của chàng để sát hại những bạn hữu thật sự của chàng, mà chàng không dám tin tưởng rằng bất thình lình sẽ còn phen xuất hiện một thiên tài đúng như hồn chàng, trái tim chàng mong đợi, để giải tỏa những bạn hữu lẻ tẻ lẻ loi liên tồn chân mây cẳng gió. Chàng không thể ngờ rằng “chính trong hiểm họa dập dồn, sầu tăng siêu thoát lụy hờn giải vây”… Đùng một cái, Heidegger, rồi thiên tài vũ hiệp Trung Hoa, rồi Camus, rồi thi sĩ Anh Mỹ Pháp Nga bỗng ùn ùn nối gót nhau ca bài ca bất tận của Whitman là kẻ đồng thời với chàng mà chàng có lẽ không nghe tên tuổi. Ta yêu thương chàng vô hạn, vì chàng đã điên thật sự chịu chơi (chớ không phải già vờ la hét bùi bê bối ta điên). Nhưng càng yêu thương quí chuộng, càng thêm rất mực ngậm ngùi. Tự nhủ: “Bởi mầng răng mà lại điên.
(Bùi Giáng)
Thế Gian Điên, Thế Gian Tỉnh
Ai cũng điên giữa thế gian điên cuồng này. Người người lũ lượt kéo nhau điên. Mỗi người điên mỗi cách. Có người thì điên hoàn toàn cuồng trí (1), có người thì điên nham nhở lai rai (2), có người thì điên trí hải thù thắng thượng thừa (3).
1. Nhóm điên thứ nhất, gồm những kẻ điên theo kiểu loạn tâm cuồng trí, và – vì trí não cuồng loạn thiên hình vạn trạng – họ sống hoàn toàn độc lập với nhau, mỗi người một thế giới, không tha thiết sinh hoạt tập trung, không tổ chức thành đoàn thể ồn ào. Nhóm người này bị suy hoại trầm trọng về cơ cấu thể chất, trước hoặc sau khi trí não trở nên cuồng loạn. Nguyên nhân dẫn đến cuồng loạn của họ có thể do sự mất cân đối thể chất bẩm sinh, hoặc hư hoại do tai nạn, hoặc là do hậu quả căng thẳng khi xung đột bất khoan nhượng với nhóm người điên thứ hai.
2. Nhóm điên thứ hai, lực lượng đông đảo và mạnh khỏe nhất, gồm tập hợp những người điên lai rai nham nhở. Họ không hoàn toàn rối loạn tâm trí, nhưng lý trí sẵn có của họ chẳng thực sự được vận dụng đầy đủ như nó có thể có, nên chẳng suy tư một cách sáng suốt, sao cho mạch lạc thấu suốt, xứng đáng với cái tài sản quí báu được tạo hóa ban cho (trí tuệ). Họ lười biếng suy tư tới nơi tới chốn, cho rốt ráo, mà thường dừng lại ngay từ những ý nghĩ hời hợt, hài lòng với vài lát cuốc nông cạn trước mắt. Họ có khuynh hướng dòm ngó nhau, a dua, bắt chước, gió chiều nào ngả theo chiều đó. Họ không có suy tư độc lập, mà chỉ có suy tư theochiều gió, dễ dãi thuận theo tập quán của mỗi nhóm người mà họ đang lệ thuộc, tập trung tại nhiều khu vực khác nhau vào những thời điểm khác nhau trong lịch sử địa cầu. Mối bận tâm lớn nhất của những người sống trong nhóm của họ là suy tư về cách làm thế nào để càng giống thiên hạ chung quanh chừng nào càng tốt bấy nhiêu.
Nhóm người điên thứ hai này rất giỏi thấy cái trước mắt, nhanh tay sờ mó cái hiện tiền, chẳng quan tâm suy ngẫm về cái cốt tủy vốn ẩn tàng bên dưới lớp vỏ xương da. Họ chỉ dòm dòm ngó ngó cục bộ, phiến diện, chẳng chịu mở to mắt để thấy bao quát cái toàn diện. Xét về tổng thể, họ là kẻ có lập trường bảo thủ, khư khư trung thành với thế giới quan của mình, cố trì giữ muôn năm những tập quán cũ, Nhưng vì trong chính tự thân nó, thế giới quan của họ mang tính bất ổn định từ trong căn để, nên tất nhiên thế giới quan ấy bị lung lay, tự hối thúc một số thay đổi, và thường là được chấp nhận những thay đổi tiểu tiết, để có ảo giác là đang chuyển động tiến bộ. Mặc dù vậy, mặc dù chỉ là sự thay đổi chậm chạp nặng nề, họ thường xuyên sống trong tâm trạng lo âu, sợ hãi khi thây thế giới quan của họ đang chuyển động.
Thế giới thường xuyên chuyển động như cuồng phong, biến hóa thiên hình vạn trạng, còn họ thì cứ trì thủ tri kiến của họ bên trong loại thành quách được xây dựng bằng những loại hủ tục khô khan, máy móc, vô hồn. Tất nhiên bên trong loại thành quách ấy, bầu không khí càng ngày càng tù túng, ngột ngạt, khiến họ choáng váng, sợ hãi. Đối với họ, trong muôn ngàn nỗi sợ hãi, cái họ sợ nhất là sợ không giống những người chung quanh, cộng đồng gần nhất của họ. Trong đêm tối hãi hùng, họ bám víu vào nhau cho dịu bớt tâm trạng kinh hoàng. Càng giống láng giềng chung quanh, họ càng dễ cảm thấy bình yên trong lòng bấy nhiêu.
Mái nhà ấy, từ hẹp tới rộng, từ đó trở thành tổ ấm đương nhiên của họ, cho dù đó là thứ tổ ấm mong manh, bấp bênh, được đan bện bằng loại rơm rạ dễ mục rã, mà lại treo lơ lửng ngay trong lòng bão táp hung hăng của cuộc đời đầy ắp lòng nghi kỵ lẫn nhau. Vì tính chất bấp bênh tự thân ấy, nên tâm trạng lo âu thường xuyên thôi thúc họ tìm kiếm những nơi ẩn trú mới, đan bện bằng những chất liệu – mà theo họ - bền bỉ hơn, khả dĩ dung chứa những giá trị tốt đẹp hơn, hứa hẹn hơn, tin tưởng hơn. Khi một "gia đình" phát triển dần về nhân số và mở rộng địa bàn sinh hoạt, họ đã va chạm khốc liệt với những "gia đình" khác. Đêm tối càng tối tăm hơn.
Tất nhiên, những người điên ấy không thể sống chung môt cách hòa thuận. Vì thế giới quan của mỗi người đều xây dựng trên những giá trị độc đoán, di truyền từ những kinh nghiệm những bộ óc bịnh hoạn, và được thổi phồng bằng nhiều hình thức quảng cáo, nên cố nhiên nó mang tinh tạm bợ, không gốc rễ. Nhưng họ không cho rằng nó thiếu nền móng. Họ cứ muốn nói ngược lại. Kết quả là những nhóm người khác nhau xung đột nhau liên miên, và thường phải “giải quyết” bằng biện pháp thiếu hòa nhã.
Cũng có những xung đột nội bộ, mà thường được giải quyết ôn hòa, nó xuất hiện như là một hiện tượng tách bầy, đẻ ra lần lượt những nhóm nhỏ bên trong những nhóm lớn, mang theo lý tưởng rằng, hy vọng rằng, nhóm nhỏ tân thanh này sẽ khơi dậy ngọn lửa ấm cúng hơn nhóm lâu năm xưa cũ. Tổ chức của các nhóm càng lâu đời, mức độ xung đột lẫn nhau càng xảy ra gay gắt.
Hàng ngàn năm đã trôi qua như thế, họ an trú quanh khu vườn suy tư có bao bọc rào dậu mà thường được trang trí bằng những từ ngữ hoa mỹ mà họ cho là chân lý thiêng liêng bất khả xâm phạm. Sa mạc điêu linh ấy càng ngày càng thêm trầm trọng và đau thương, nối tiếp nhau, tung cát bụi mù mịt, hoành hành bốc đồng trong cơn cuồng loạn.
Suốt chiều dài lịch sử tang thương ấy, thỉnh thoảng, có khi vài trăm năm, có khi cả ngàn năm, lại bất ngờ xuất hiện đó đây những con người xuất chúng, họ nhìn thảm họa nhân gian mà lòng đau đớn xót xa vô cùng. Con người tử diệt ấy thường phải một mình đăm chiêu trong cô độc.
Rồi một hôm, sau khi nhìn thấu suốt ngọn ngành hiểm họa đang lan tràn, con người ấy dốc hết can đảm, tách bầy, dõng mãnh nêu ra nghi vấn, lên tiếng đặt lại vấn đề giá trị mà mỗi cộng đồng nặng nề đang ghì giữ, đồng thời cần mẫn vạch ra những ngấn tích, với hy vọng giúp chúng sanh vô mình lầm lạc khốn khổ khả dĩ tìm ra dấu vết trở về sống với ý nghĩa đích thực của tồn lưu vốn là. Những con người kiệt xuất hiếm hoi lác đác ấy chính là những người điên thuộc nhóm thứ ba.
3. Nhóm điên thứ ba: Khi những người điên thuộc nhóm thứ ba xuất hiện thì thế giới đã rách nát tan tành, hàm hồ hỗn độn từ rất lâu rồi. Họ, những người đã thoát khỏi vòng lung trạo của đêm đen mê muội hỗn độn và giàu ma lực ấy, những người đã thoát ra khỏi vùng nước xoáy đẫm lệ ấy, những người đã thoát khỏi cảnh điêu linh thống khổ trùng điệp ấy, những người đã thoát khỏi mọi tranh chấp luẩn quẩn luân hồi không lối thoát ấy, họ, họ là những người điên cố ý.
Họ, chính là những nhà tư tưởng xuất chúng, đứng tách ra khỏi đám đông lố nhố, họ nhìn lại thế giới hôm qua, và tự vạch lối cho một con đường mới cho bước chân mình; một con đường dẫn từ một vũ trụ điêu tàn đến một vũ trụ hồi sinh. Gọi họ là Thánh Thần hay là gì gì cũng được.
Họ vừa đi, vừa nhìn lại bao quát toàn cảnh thế giới cũ dưới chân mình: nào những đá hoa chen chúc, những cỏ lá lẫn lộn lao xao, những chú tiều lom khom trở về cô thôn trước mỗi tà dương bóng xế, … Cảnh đó, NGƯỜI đâu, lòng ngậm ngùi đứt ruột. Tư lự giữa đôi bờ tơ cỏ phân vân. Lúng túng lựa chọn một thái độ cư xử. (Trường hợp Bà Huyện Thanh Quan). Từ trên cao, họ nhìn xuống hạ thế: Kía mặt đất đẫm máu! Kìa trần gian đẫm lệ! Kìa những tội ác tiếp diễn toát đẫm mồ hôi! Kìa những thế lực do quỉ ma đưa đường dẫn lối! Kìa những lý thuyết chết bằm chèng đét toi đâm! Kìa những nạn nhân ngây thơ hồn nhiên vô tội và vô số tội!
Nên xử sự với nó ra sao cho phải đây? Bỏ mặc cái của oan gia phá gia, đáng chán, ghê tởm ấy vĩnh viễn? Chối bỏ nó như là chối bỏ những tên tội phạm gây ra điêu tàn sa mạc? Một mình giải thoát và xa lánh nó, để mặc nó? Hay là chấp nhận nó và an ủi nó như là một láng giềng tật nguyền đáng thương muôn đời? Hay là hãy yêu thương nó và ra tay cứu độ? Liệu còn có cơ hội biến đổi nó cho khả quan hơn không? Khả dĩ hay chăng một cố gắng giúp nó hồi sinh và bắt đầu hít thở bằng một khứu giác mới? Có thể cải thiện được toàn bộ hay chỉ một phần thế giới điêu linh thống khổ ấy mà thôi? “Hỡi ôi”, họ, thánh nhân, cũng thở dài mà tiên tri rằng, ”vẫn biết cuối cùng thì thế giới cũng lai rai rứa đó, chẳng ra chi, chẳng làm gì, chẳng đi tới đâu, thiên hạ ai kia rồi cũng chẳng bận tâm chi tới cái nhiệt huyết của mình, và cũng vẫn ngược đãi mình muôn kiếp thế thôi. Thế giới vẫn vậy.” Tuy nhiên…, mãi mãi vẫn là cái “tuy nhiên”. "Chắc chi thiên hạ đời sau, mà đem non nước làm rày chiêm bao" (Nguyễn Trãi).
Thưa em đời mộng đang chìm
Người trao người giữ người tìm chưa ra
Đứa tìm kẻ chạy lang thang
Người trao đã mất theo tràng giang đi
(BG)
Mỗi Thánh mỗi Thần – tùy theo thời thế, tùy theo nhân tình đối đãi đương thời – đã rộng lượng bao dung chiếu cố hồng trần bằng những thái độ ứng xử khác nhau. Mỗi Thánh mỗi vẻ, mỗi Thần mỗi vẹn mười thâm trầm trí hải. Đã có nhiều bậc Thánh hân hoan bước đi trong âm thầm, không nói một lời nào, rồi chết đi trong lặng lẽ, mãi mãi chẳng chịu cho ai được biết danh tánh mình. Đó là những thánh thần trôi biệt vô danh.
Cũng có nhiều bậc Thánh muốn trang trải lòng mình, giúp đỡ cho một số tâm hồn huynh đệ cùng chia xẻ niềm vui thường hằng như họ, nên họ quyết định nói ra cái vắng lặng không lời ấy, truyền tiếp sức mạnh cho một số hiếm hoi những tinh thần tương đồng thanh khí, hầu tự giải thoát khỏi đêm dài hỗn độn của thế giới cuồng điên. Đó là những thánh thần mà chúng ta được biết tên tuổi đến ngày nay.
Lại cũng có những bậc Thánh khác nữa, không muốn chỉ xây dựng cung điện Hình Nhi Thượng biệt lập cho một thiểu số những tâm hồn cao nhã không thôi, mà bên cạnh, họ còn cố gắng thiết lập nhiều loại làng xóm phố phường Hình Nhi Hạ cho bà con huynh đệ đồng bào được an vui trật tự tham gia lễ hội hồng trần. (Xem phân tích của Trần Trọng Kim, “Nho Giáo”, quyển thượng). Họ hóa giải phần nào đau đớn thống khổ, thiết lập lại trật tự xã hội, san định Lễ Nhạc, đặt định luật pháp. Bao nhiêu ông vua điên đã xua đuổi Khổng Tử vì cho rằng Khổng Tử là một lão điên. Khổng Tử đã điên cái điên không giống cái điên của vua. Nên vua cho mời những kẻ điên khác đồng thanh đồng khí với cái điên của vua.
Cái điên của một ông vua tai hại gấp bội lần cái điên của một ông dân. Cái điên của một cộng đồng tác hại qua lại chằng chịt tới cái điên của hàng trăm cộng đồng khác.
Cái điên ấy kéo dài, điên cộng trừ nhân chia với điên, chuyển biến, đẻ ra những điên cuồng quái ác hơn nữa, ấy là cái điên khi người ta ùn ùn ca tụng những hình thức 'mạt pháp" của thế giới Hình Nhi Hạ mà tường đó là con đường vinh quang sáng lạng Hình Nhi Thượng.
Hâu quả thê thảm là, cảnh tượng hoang phế lan rộng thêm nữa, sa mạc bành trướng nhanh hơn nữa, toan tính khỏa lấp cả những cơ hội tuôn đổ mưa nguồn cho lá hoa nảy nở - loại hoa lá lừng hương mà đã giúp cho sử lịch mặt đất còn cơ hội nối kết mùi hương trong ý nghĩa lưu tồn sống động.

Như sử lịch còn cho thấy, tuy vậy, trong bối cảnh tàn mạt ấy, những ngấn tích vẫn còn di lưu, những Thần Tinh Huệ mới vẫn xuất hiện, mặt đất vẫn nở hoa đây đó, mặc kệ sa mạc có tàn phá hung bạo bao nhiêu đi nữa. Đông Tây thỉnh thoảng vẫn xuất hiện những thiên tài. Nerval vẫn xuất hiện. Nietzsche vẫn xuât hiện. Nguyễn Du vẫn xuât hiện. Bà Huyện Thanh Quan vẫn xuât hiện. Bùi Giáng vẫn xuât hiện. Những người điên thiên tài vẫn xuât hiện. Họ sẵn sàng tự nhận mình là điên để cho ai ai người ngợm đười ươi được yên tâm tự gọi mình là kẻ tỉnh. Ích gì đâu mà đứng lại gùn ghè tranh cãi về một danh từ. Và nhất là phải tranh luận với đười ươi sa mạc. Tuy nhiên, tuy nhiên…, vì họ, những Thần Tinh Huệ, vẫn tha thiết yêu thương những huynh đệ bất đắc dĩ còn quằn quại trong thế giới điên loạn cũ (nhóm điên thứ hai), nên họ muốn thiết lập một nhịp cầu, để từ đó có thể giúp cho những ai muốn vượt thoát khỏi trầm luân, khả dĩ có cơ hội phi thân bay nhanh về phía trước. Vì thế mà nên lời. Vì vậy mà sáng tác. Vì vậy mà nhọc nhằn ca hát.
Tôi là con chim đến từ núi lạ
Ngứa cổ hát chơi
Hãy nghe lấy còn như sao rỉ rả
Hỏi làm chi tôi không biết trả lời
(Huy Cận)
Nói là hát chơi mà đâu phải hát chơi suông. Chơi theo thể cách chan rưới mưa nguồn hào hoa lai láng xuống mặt đất trần gian. Cho mạt thế hồi sinh, cho sa mạc có cơ hội đươm hoa kết trái, cho biển dâu không còn là tang hải, cho xó chợ hóa giải đầu đường. Đó là hảo ý. Thế mà người người không biết. Cứ tàn nhẫn hờ hững với chim kia và xua đuổi chuồn chuồn nọ.
AI GIẾT
Nước bỏ bờ ruộng khô
Từ ngày chim chết hết
Cành cây thôi líu lo
Em hay là ai giết
(Bui Giang)
(Mời xem bài tiểu luận “Ai Giết” trong phần KHỞI ĐỘNG.)
Nói vậy thôi, chứ chẳng trách móc gì gì ai ai. Vì bao ngàn năm rồi cõi đời vẫn thế. Và bao ngàn năm sau cũng mãi mãi thế thôi. Nào có lạ gì đâu câu chuyện những con chim thần thánh bị ngược đãi giữa bụi bặm hồng trần. Vì vậy mà hóa điên? Bùi Giáng hóa điên? Điên chăng chẳng lẽ? Vậy thì ai được gọi là kẻ tỉnh? Ai? Ai trong thế giới rừng rú điên loạn triền miên này gọi là kẻ tỉnh? Ai trong đám đao phủ hung tợn ấy là kẻ tỉnh? Sao gọi là tỉnh? Sao gọi là điên? Trả lời:
NÀNG THƠ ĐẸP
Khi thơ đẹp tới chín tầng
Thì nàng thơ bỗng sượng sần cả ra
Tha hồ thằng quỉ con ma
Đến gùn ghè gạ gẫm mà hóa điên
Thưa rằng đại thánh tề thiên
Nghìn xưa âu cũng chỉ điên ngần này
(Bùi Gíang)
Điên. Điên khi nàng thơ Bùi Giáng đạt tới cái đẹp không thể dùng lý trí để suy nghĩ luận bàn được nữa. Điên vì thằng quỉ con ma "đầu chưa ráo máu" đem thơ ra gùn ghè mổ xẻ phân tích diễn giải vu vơ thiển cận theo cái hiểu biết tập tễnh hớ hênh phàm phu tục tử của mình. Nhĩ quan ma quỉ của bọn đầu chưa ráo máu (chữ dùng của BG) từng đã bao lần vo méo bóp tròn lộn léo xáo trộn lung tung hết cả mọi ý nghĩa của ngôn ngữ ban sơ. Bùi Giáng đành phải vi vu đối đáp bằng ngôn ngữ nhị bội song trùng hóa điên về núi đá mưa ngàn là vậy.  Là vậy là thế này:
Thì có lẽ như bây giờ lần nữa
Một bài ca sẽ chuyển điệu khôn hàn
Lời gay cấn đầu thai trên vó ngựa
Hồn hóa sinh về núi đá mưa ngàn
… Tướng công hãy tặng thiếp một bài thơ đi.
- Ta hiện đang buồn rầu lắm, không làm thơ được.
- Buồn rầu chuyện chi?
- Chuyện Ngày Tháng Ngao Du
- Cớ sao mà rầu?
- Trong ý ta muốn đổi cái đề thành Ngàn Tháy Ngu Dao.
- Cớ sao không đổi?
- Đổi ra như thế thì vui tươi mát mẻ, nhưng mà thiên hạ cố chấp sẽ cho rằng ta điên.
- Nếu thật quả là điên mà nên chuyện vui tươi mát mẻ, thì cũng là rất nên một sự vụ đích đáng lắm chứ? Tồn sinh lả tả đâu có đáng chi nhiều mà câu nệ mặc cả tỉnh và điên?
(BG, Ngày Tháng Ngao Du)
“Bùi Giáng Điên” vẫn thường miệt mài biện bạch giải oan cho bao kẻ hào hoa phong vận bị ngộ nhận, từ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Công Tôn Long, Bà Huyện Thanh Quan, cho tới Tôn Thọ Tường, Quang Dũng, Huy Cận, Xuân Diệu,… Những tâm hồn phong vận thánh thần ấy từng đã bị những thằng quỉ con ma đến gùn ghè gạ gẫm sờ mó bóp mép linh hồn thi ca. Lác đác trong nhiều tác phẩm, Thi Nhân Bùi Giáng là người đầu tiên đặt chân đến chỗ tận cùng cái vực sâu thi ca không đáy, vạch cho chúng ta thấy những ngấn tích đìu hiu tơ cỏ mà những thánh thần trôi biệt ấy còn đã di lưu cho. Và đây là điệu khiêu vũ ngoạn mục của một người điên thông tuệ Việt Nam, biện hộ cho một kẻ điên hào hoa phong vận Âu Châu:
“Nietszche đã điên (?) vì chàng đã kinh hoàng nhìn thấy những hậu quả sát gót của ngọn tuyệt đao chàng xử dụng. Chàng đã điên vì chàng khó có thể ngờ rằng sẽ có ngày có một thiên tài Heidegger xuất hiện để chận ngọn tuyệt đao của chàng lại – ngọn tuyệt đao chàng đã một lần (chỉ được phép một lần) xử dụng trong tâm tưởng khôn hàn kinh hãi giữa cuộc liều tại trung tâm cơn lốc.

Chàng đã điên trong cuộc tử sinh liều giữa trận tiền, lúc sực dự cảm rằng mai sau, sẽ còn nhiều kẻ nham nhở rất mực nhà ma lợi dụng ngọn tuyệt đao của chàng để sát hại những bạn hữu thật sự của chàng, mà chàng không dám tin tưởng rằng bất thình lình sẽ còn phen xuất hiện một thiên tài đúng như hồn chàng, trái tim chàng mong đợi, để giải tỏa những bạn hữu lẻ tẻ lẻ loi liên tồn chân mây cẳng gió. Chàng không thể ngờ rằng “chính trong hiểm họa dập dồn, sầu tăng siêu thoát lụy hờn giải vây”… Đùng một cái, Heidegger, rồi thiên tài vũ hiệp Trung Hoa, rồi Camus, rồi thi sĩ Anh Mỹ Pháp Nga bỗng ùn ùn nối gót nhau ca bài ca bất tận của Whitman là kẻ đồng thời với chàng mà chàng có lẽ không nghe tên tuổi. Ta yêu thương chàng vô hạn, vì chàng đã điên thật sự chịu chơi (chớ không phải già vờ la hét bùi bê bối ta điên). Nhưng càng yêu thương quí chuộng, càng thêm rất mực ngậm ngùi. Tự nhủ: “Bởi mầng răng mà lại điên. Chàng điên thì chàng quả có làm vinh dự cho Biên Hòa Bịnh Viện chúng tôi, nhưng mà? Nhưng mà phí đi bao nhiêu liên tồn nức nở khe hở hớ hênh. Tại sao chàng không tha hồ chịu chơi thốt một tiếng “vâng ạ” cho chan hòa bốn biển bể dâu mà trải qua một cuộc vạn lý hà sơn? Hỡi ôi, chàng đã có đáp lại lời ta. Và ta đã phải gục đầu khóc suốt bốn mươi lăm năm trường tròn méo tréo cẳng gà, cà la cẳng ngỗng. Ồ em Nietzsche, Nietzsche ôi. Câu chuyện ấy một lần em đã rõ. Để bây giờ không thể lại phanh phơi. Đường đi xuống khung trời sương lổ đổ. Hờn dung nhan em có sợ bên người? Con hươu từ đó lại bên người? Kể lể long vàng rụng hết đuôi. Bốn cẳng từ đây xin bó lại. Quì chân lên gối khóc không lời.”
(BG, Sương Bình Nguyên)
“Bản chất hoằng viễn xô ùa Nietzsche đi, lôi xốc chàng vào những trận lưu ly nhún nhảy - chẳng cần phải suy tư suy tưởng đắn đo tơ cỏ lá cồn cân nhắc thận trọng ôn tồn cái khỉ khô xơ mốc gì hết cả. Ta còn có thể nói rằng chàng thiết tha kêu gọi giông bão về lật úp cái con thuyền trí tuệ, chàng tê mê réo gọi giông bão về đánh cho cái tồn sinh chàng nhào ngửa ra, sau khi tự chàng đã xô nhào nó úp sấp. Và từ cõi túy lúy nọ, chàng ắt sẽ có dịp tung ra một trận cười kỳ bí rất mực hùm beo, lúc đứng trước giờ Trầm Vong Tử Diệt. Trận cười đó Nietzsche đã ngấm ngầm tung ra dữ dội nhất trong âm thầm, và không để cho một ai ngờ tới hết cả. Ấy là trận điên lếu láo của chàng vậy. Kẻ bê bối tầm thường vốn điên vì loạn trí. Còn Nietzsche điên chơi vì quá thông tuệ hào hoa. Chàng biết rằng phải đánh trận bi hùng kỳ tuyệt đó, mới thật sự thành tựu tinh thể của trận cười – là điệu cười gieo suốt trăm năm – là cuộc Chơi Kỳ Ảo Lai Láng Khôn Hàn, cái Grand Jeu của Hécralite, cái chơi cho lăn lóc đá của Tú Bà – và từ đó giúp sử lịch ngẫu nhĩ hồi sinh trong lời Lửa Thiêng Tặng Em Mười Sáu. Đó là cõi của Tối Hậu Phong Nhiên Phiêu Bồng Vạn Chủng. Không còn gì điên nữa, chỉ còn có Hồn Nhiên vào Hội vào Lễ - Khi ta đến các ngươi đà đến cả: có Thiên Nhiên, Suối Chị với Rừng Anh.
“… Điên chơi rất mực chân thành?
Chết trong chân thực tam bành trận chơi?
Cuồng điên rất mực một đời?
Chết từ chín kiếp luân hồi lang thang?
Ni cô rất mực dịu dàng?
Niềm riêng tại hạ tạ nàng ni cô…”
(Bui Giang, Sương Bình Nguyên)
Cũng như Nietzsche, Bùi Giáng đã đánh một trận bi hùng kỳ tuyệt đó, để thật sự thành tựu tinh thể của trận cười – là điệu cười gieo suốt trăm năm để mà Hồn Nhiên vào Hội vào Lễ hồng trần.
Thôi anh, thôi em, đừng bận tâm nữa làm gì cái điều thiên hạ nói về ta. Phàm phu nói ta điên. Tục tử nói ta tỉnh. Cái nói đó chỉ liên quan rới một mình ta. Còn cái điên và tỉnh của khắp thiên hạ mới đáng là cái để thiên hạ xôn xao khắp nơi vậy.
Nguyễn Quang Thanh

1 nhận xét:

  Tiếng chuông chùa Tử Đằng – Truyện ngắn Nguyễn Đức Hạnh 27 Tháng Sáu, 2023 Gần đây, cả thế giới xôn xao bàn luận về tiếng chuông có mà...