Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Những vần thơ và những giai điệu tuyệt vời

Những vần thơ và những giai điệu tuyệt vời

Mình yêu thơ cũng như yêu nhạc. Đọc được những vần thơ hay cũng như đang lắng nghe những giai điệu tuyệt vời. Tất nhiên, không phải lúc nào buồn hay không có gì làm, người ta cũng mang thơ ra đọc. Nhưng ít có loại hình nghệ thuật nào có khả năng chạm đến những cung bậc cảm xúc sâu sắc như thơ ca.
Mình không muốn phân biệt giữa thơ và văn xuôi. Không phải chỉ là cách sắp xếp từ, cách ngắt nhịp, hay vần điệu. Nhiều bài thơ không cần đến vần điệu, hay ngắt nhịp. Còn có những nhà văn viết nên những đoạn văn bay bổng, cũng chính là những nhà thơ trong tác phẩm của mình.
Ngày xưa, mình thích đọc thơ về tình yêu, lãng mạn nhẹ nhàng, giàu hình ảnh. Lớn lên một xíu, thích cả những bài về tình yêu cuộc sống, hay những cảm xúc bâng quơ được kết lại thành ngôn từ. Có những vần thơ vừa đọc lên, là cảm thấy như đã chạm đến phần sâu thẳm nhất trong tâm hồn và ở đó mãi mãi, không kìm nổi phải thốt lên: “Hay quá!” . Cái hay của thơ không bao giờ mất đi, nếu ta đã yêu một bài thơ thì sẽ luôn yêu bài thơ đó.
Mình phục lắm những nhà thơ, có thể ghi lại khoảnh khắc, tình cảm, suy nghĩ chỉ trong một vài từ, nhưng lại có sức lay động đến vô vàn. Như bài thơ ngắn của Nguyễn Thụy Kha, “Không đề”:
Đưa người yêu qua nhà người yêu cũ
Trong cơn mưa ban trưa
Thấy hồn mình tách thành hai nửa
Nửa ướt bây giờ, nửa ướt ngày xưa 
Mình đã rất xúc động trong lần đầu đọc bài thơ này. Ai mà không có một mối tình đầu đáng ghi nhớ, thường là tan vỡ. Và những cảm xúc phức tạp được thể hiện không thể đầy đủ hơn chỉ trong bốn dòng ngắn ngủi. Một tình huống ngẫu nhiên hay cố ý “đưa người yêu qua nhà người yêu cũ”, một “cơn mưa” ban trưa, cơn mưa kỉ niệm hay cơn mưa xuất phát từ đáy lòng? Tình cảm được ví như hai nửa hiện tại và quá khứ, nửa nào cũng ướt mưa.
Hồi còn bé, trên một tờ lịch, mình còn đọc được những dòng thơ sau:
Cánh thời gian chạm vào không làm rơi vãi
Nước bình đầy chẳng đựng được bao nhiêu
Người có tro tàn không bằng ta có lửa
Người có lãng quên không bằng ta có tình yêu
Hai câu đầu là triết lý về thời gian và cuộc sống, hai câu sau là chân lý của những triết lý ấy. Hai câu đầu khó hiểu với nhiều khả năng khác nhau, nhiều liên tưởng khác nhau, hai câu sau giải dị và dễ đồng cảm. Những cặp đối lập đặt cạnh nhau tro tàn – lạnh lẽo và lửa - ấm áp, lãng quên – đau khổ và tình yêu – hạnh phúc như tô đậm thêm thông điệp hãy sống và yêu thương hết mình, cho đi ngọn lửa ấm áp từ trái tim để nhận lấy hạnh phúc tràn đầy. Đôi khi những vần thơ như vầy mang lại những bài học quí giá và dễ tiếp thu hơn cả một quyển sách đạo đức hay những bài học qui phạm trên lớp.
Hồi còn đi học, nhà thơ VN mình yêu thích nhất là Xuân Diệu. Biết đến ông từ những năm lớp 8. Lần đó, mình với Hạnh, Phước, Linh vào thư viện trường mượn sách, thấy được tập thơ Xuân Diệu, mà vẫn nghĩ của một… nữ thi sĩ nào đấy (tại cái tên). Về sau tìm hiểu và đọc nhiều về ông, càng thấy thích hơn. “Ông vua thơ tình yêu” trong làng thơ VN:
Anh không xứng là biển xanh
Nhưng hãy để anh làm bờ cát trắng
Bờ cát dài phẳng lặng
Soi ánh nắng pha lê
Anh xin làm sóng biếc
Hôn mãi cát vàng em
Hôn thật khẽ thật êm
Hôn êm đềm mãi mãi
Đã hôn rồi hôn lại
Cho đến mãi muôn đời
Đến tan cả đất trời
Anh mới thôi dào dạt
(Biển)
Phong cách của Xuân Diệu pha trộn giữa nét tinh tế phương đông và lãng mạn Pháp, vừa hiện đại vừa cổ điển, nhưng không hề chìm sâu vào ngôn từ khó hiểu của thơ cổ, cũng không bay bổng quá mức như thơ ca thoát tục giai đoạn này. Thơ tình Xuân Diệu hay vì sự dung dị, gần gũi, dễ tiếp nhận và chân thành:
Em ngồi ríu rít ở sau xe
Em nói lòng anh mãi lắng nghe
Những lúc tiếng cười em đã điểm
Đời vui khi được có em kề
(Giọng nói)
Có lần cô giáo dạy văn của mình đã nói, khi viết về Xuân Diệu, không được dùng từ “tác giả” mà phải là “nhà thơ” hay “thi sĩ”, không ai hiểu vì sao nhưng đã lâu rồi người ta vẫn xem đó là một “luật bất thành văn”. Có lẽ người ta đã xem nhà thơ hòa cùng với tuổi trẻ và mùa xuân, nhờ đó mà luôn trẻ trung và mơ mộng trong những vần điệu của mình.
Bài thơ hay nhất của Xuân Diệu (theo mình) là bài “Vội vàng”. Đây là một trong những bài thơ không cần học mà vẫn thuộc. Tình yêu cuộc sống, sự nuối tiếc về thời gian, tuổi trẻ, những mùa xuân tươi đẹp hòa quyện vào nhau. Nhịp thơ gấp gáp như nhịp đời của Xuân Diệu, sống và cống hiến hết mình:
Xuân đương tới nghĩa là xuân đương qua
Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già
Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất
Lòng tôi rộng nhưng lượng trời cứ chật
Không cho dài thời trẻ của nhân gian
Nói làm chi rằng xuân vẫn tuần hoàn
Nếu tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại
Còn trời đất nhưng chẳng còn tôi mãi
Nên bâng khuâng tôi tiếc cả đất trời…
Mình biết được rằng Xuân Diệu đã làm việc tận lực trong suốt những năm tháng ông sống. Là nhà thơ nổi tiếng nhưng sống đạm bạc, một ngôi nhà nhỏ rong rêu, đồ đạc thưa thớt, suốt ngày ngồi trên chiếc bàn viết lách. Không gia đình, người thân. Tết bạn bè đến chơi, chỉ kịp đưa đĩa mứt tiếp bạn, rồi lại quay vào sáng tác. Mình muốn được say mê cống hiến như ông, nhưng không muốn sống một cuộc đời như thế, quá cô độc. Có lẽ vì như chính ông đã viết: “Ta là một là riêng là thứ nhất. Chẳng có ai bè bạn nổi cùng ta”
Nhà thơ VN thứ hai mình yêu thích là Cao Vũ Huy Miên. Cái tên xa lạ với phần lớn mọi người, vì ông không có những bài thơ được trích học trong chương trình phổ thông, cũng chỉ mới phát hành duy nhất một tập thơ. Bài thơ nổi tiếng nhất là “Hoa tím ngày xưa” vốn quen thuộc qua bài hát phổ nhạc của nhạc sĩ Hữu Xuân được ca sĩ Lam Trường trình bày. Mình cũng nghe những lời thơ ấy đầu tiên qua giọng hát anh Lam Trường:
Con đường em về ban trưa
Hoa tím nghiêng nghiêng đợi chờ
Tuổi em vừa tròn mười bảy
Tóc em dài chấm ngang vai
Hình dung được một chuyện tình học trò trong sáng, những cảm xúc đầu đời đẹp đẽ nhất. Khi trái tim chàng trai biết nhung nhớ một bóng hình, biết chờ đợi trên con đường đi học. Đọc những vần thơ, ai cũng sẽ nhớ về một thời áo trắng tinh khôi, về những kỉ niệm dưới mái trường yêu dấu. Nhưng, cũng như bao mối tình học trò khác, kết thúc là sự tiếc nuối khôn nguôi:

Con đường em về năm xưa 
Có biết hay chăng bây giờ 
Hoa tím thôi không chờ nữa 
Chỉ còn ta đứng dưới mưa...
Một bài thơ khác mình biết đến trong một hoàn cảnh buồn: nhà thơ Cao Vũ Huy Miên qua đời. Các bài báo mượn một lời thơ của ông để tiễn đưa “xa một tầm tay”.  Bài thơ “Kỉ niệm”, được nhạc sĩ Vũ Hoàng phổ nhạc và đổi tên thành “Hương xưa”. Mình cứ xem bài thơ này là tiếp nổi của bài “Hoa tím ngày xưa”, tình cờ gặp lại người yêu cũ trên phố, và mọi thứ ùa về. Nhưng chợt hay, em khóc:

Anh xa em thật rồi 
bỏ lại sau lưng chuỗi ngày dài mùa hạ 
bỏ lại phía sau cả những chùm hoa nở 
trên con đường mà chúng ta vẫn thường qua 
Anh không hiểu vì sao ta có buổi chiều nay 
gặp lại nhau và bỗng dưng em khóc 
giọt nước mắt, anh làm sao ngăn đuợc 
em bây giờ như xa một tầm tay
Cảm xúc chân thành của cả hai người. Chàng trai thẫn thờ, còn cô gái bật khóc. Đôi khi cuộc đời không như ý muốn, và chẳng phải lỗi của một ai. Những vần thơ nhẹ như không mà chất chứa bao nỗi niềm. Mỗi lần đọc lại, mình vẫn thấy cảm động và xao xuyến.

Em đi về giờ đã có người đưa 
anh ngơ ngác để làm rơi cả nón 
tháng mười sao trời còn mưa muộn 
anh lang thang rồi đứng ở cuối đường 
Chẳng có điều gì để trách cứ em 
em đã sống cho anh nhiều quá 
đốt làm chi những tờ thư cũ 
để anh nghe êm ái đến nhường nào 
Nhà thơ nước ngoài mình đọc nhiều nhất là R. Tagore của Ấn Độ. Cuộc đời ông bất hạnh, mất vợ và hai con chỉ trong vòng chưa đầy 5 năm, những năm tháng cuối đời sống trong cảnh mù lòa, tìm vui với thiên nhiên, cây cỏ. Thơ Tagore giống như bức tranh nhiều màu sắc về tình yêu, về tôn giáo, đời sống tinh thần của người dân Ấn Độ. Ông nhận được Nobel văn chương vào năm 1913 cho tập “Thơ Dâng”.
Hai bài thơ đầu mình đọc được nằm trong quyển SGK Văn lớp 11 tập II. Bài thơ tình số 28 và “Chiếc thuyền giấy”. Mình thích “Chiếc thuyền giấy” lắm, từ đó mới tìm hiểu về Tagore. Bài thơ đưa về những kí ức tuổi thơ ở một nơi nào đó mình đã quên, nơi có chiếc thuyền giấy tròng trành trên mặt nước hồ phẳng lặng, chở theo những giấc mơ xa xăm:

Ngày lại ngày, tôi thả những chiếc thuyền giấy của tôi 
Từng chiếc một bơi trên dòng nước chảy. 
Tôi viết tên tôi và tên làng tôi ở trên thuyền 
bằng những chữ lớn màu đen. 
Tôi hy vọng rằng một người nào đó 
trên một miền đất lạ 
sẽ thấy những chiếc thuyền này 
Và biết tôi là ai

Khi đêm xuống 
tôi úp mặt vào cánh tay 
và mơ thấy thuyền của tôi 
đang trôi, trôi mãi 
dưới những vầng sao khuya 
Những nàng tiên- giấc- ngủ đang đi trên những chiếc thuyền đó 
Và hàng hoá trong thuyền là những cái rổ 
đựng đầy những giấc mơ.
Trong quyển tiểu thuyết “Ruồi Trâu” nổi tiếng, ở cuối truyện, trong lá thứ Áctơ gửi cho Giêmma, có đề 4 câu thơ hai người yêu thích từ thưở bé. Đó là 4 câu cuối trong bài thơ “The fly” (Chú ruồi) của nhà thơ – họa sĩ người Anh Williams Blake. Lúc đó là lớp 12, mình với Minh cùng đọc quyển sách tuyệt vời này, và cùng thích bài thơ. Tìm trên mạng được nguyên bản toàn bài, còn phổ nhạc để hát nữa.

Little fly
Thy summer’s play
My thoughtless hand
Has brushed away
Am not I
A fly like thee?
Or art not thou
A man like me?
For I dance
And drink and sing
Till some blind hand
Shall brush my wing
If thought is life
And strength and breath
And the want
Of thought is death
Then am I
A happy fly
If I live
Or if I die
Từ một chú ruồi nhỏ bé, lại có thể viết một bài thơ nói lên tình yêu cuộc sống mãnh liệt đến vậy, phục tài năng của nhà thơ. Ví mình như chú ruồi nhảy múa và ca hát cho đến khi một bàn tay vô ý gạt ra khỏi cuộc đời, gạt ra khỏi những tháng ngày vui chơi. 4 câu cuối được dịch lại như sau:
Đó là tôi
Dù kiếp ruồi
Sống hay chết
Vẫn tươi vui
Đây vẫn là bài thơ về tình yêu cuộc sống hay nhất với mình cho đến giờ.
Còn những vần thơ khác nằm trong quyển sổ của mình. Những vần thơ mang đến cho mình cảm xúc và tình yêu. Cũng tập tọe làm thơ, cũng gieo vần gieo điệu, cũng cố gắng ghi lại những phút giây. Mình muốn sống như những nhà thơ ấy, đầy tình yêu mỗi ngày, và những gì họ cảm nhận truyền lại mãi cho đến muôn đời sau.
Bây giờ ít người yêu thơ như xưa, ít thấy ai còn ghi lại những bài thơ hay trong những quyển sổ tay như thế hệ trước. Âm nhạc và sách vẫn phát triển, vẫn thu hút. Những quyển sách vẫn có hàng dài người hâm mộ chờ mua, còn những tập thơ thì không. Nói đâu xa, chính mình cũng chẳng bao giờ đi mua thơ. Có lẽ vì thơ đòi hỏi sự đồng cảm nhiều hơn, đòi hỏi cảm nhận nhiều hơn. Và khi đã yêu những vần điệu nào đó, người ta sẽ yêu mãi, và trở thành một phần của tâm hồn, chỉ cất tiếng khi những thanh âm khác lặng câm.
 http://yume.vn/

1 nhận xét:

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...