Thứ Bảy, 20 tháng 12, 2014

Ngoảnh lại "Mùa xuân chín"

Ngoảnh lại "Mùa xuân chín"
Khuất Bình Nguyên
VanVN.Net - Đã trăm năm trôi qua, kể từ khi Trăng sinh ra Hàn Mặc Tử. Ông vẫn còn là một trong những bí ẩn lớn nhất phả sương mờ huyền thoại vào câu chuyện văn chương của thời đại chúng ta. Câu chuyện về người một mình đã làm nên "Mùa xuân chín".
Lúc sinh thời, Khi chiêm bao với hiện thực, Hàn Mặc Tử nói: "như có ma lực vô song xô tôi tới bờ huyền diệu". Ma lực ấy là nỗi cô đơn và cuộc đời bất hạnh đã đưa cảm hứng thi ca của ông có lúc đến được bến bờ huyền diệu để viết ra những câu thơ và bài thơ tình ý giản dị mà trong sáng và tinh khiết nhất của phong trào Thơ Mới 1930- 1945, của thi ca thế kỷ 20. Tự nhận về mình nỗi khổ đau cay đắng, Hàn Mặc Tử dâng hiến cho đời những vần thơ cô đơn về tình yêu và mùa xuân trong sáng nhất.
Có một vị học giả nổi tiếng hay chữ và để tóc bờm sư tử từ khi còn trẻ đến lúc về già đã đưa ra nhận định đầy kinh viện sau đây: "Trong khoảng trên dưới một chục năm, Hàn Mặc Tử đến từ cổ điển lãng mạn tiến nhanh sang tượng trưng siêu thực, góp phần quan trọng vào quá trình hiện đại hóa thi ca Việt nam". Câu văn này được người ta đưa vào đầu sách, nhân dịp in lại Gái Quê năm ngoái. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Hàn Mặc Tử. Đánh giá và bình chọn các thi sỹ của phong trào Thơ Mới 1930-1945, cho đến nay chưa ai làm rành mạch mà tinh tế bằng nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh. Nhưng dường như trong trường hợp Hàn Mặc Tử, Hoài Thanh chưa thật rứt khoát với bản thân mình. Ông để lại nhiều dấu chấm lửng cho hậu thế. Hoài Thanh bảo "Gái quê nhiều bài có thể là của ai cũng được". "Xuân như ý rõ ràng là tập thơ hay nhất của Hàn Mặc tử". Có lúc lại nói: "trong thi phẩm Hàn Mặc Tử, Duyên kỳ ngộ là trong trẻo hơn cả". Nặng nhất, nhà phê bình hạ một câu: "Thơ Đường luật với những câu... cho đến Gái quê, Thơ điên, Xuân như ý và các tập khác, lời thơ thường vẩn đục". Ngay cả thi sỹ lớn Chế Lan Viên, người bạn thơ thân yêu nhất của Hàn Mặc Tử, vào cuối năm 1987, trong tuyển tập thơ Hàn Mặc Tử được làm lần đầu tiên sau khi nước nhà thống nhất, mặc dầu đã đề nghị giao cho nhà xuất bản văn học treo một giải thưởng Thơ gọi là giải Hàn Mặc Tử cho thi sỹ có tài mà đang gặp tai ương. Nhưng lời giới thiệu của Chế Lan Viên thật dè dặt biết chừng nào.
Ông rào trước đón sau một cách kỹ càng: "In Tử có dễ đâu, cách mạng (cứ gọi thế cho tiện) phải đấu tranh với chính mình dữ lắm thì từ hai năm trước, trước Đại hội Đảng Liên Xô và Đại hội Đảng ta đổi mới tư duy, Nhà xuất bản Văn học phải dũng cảm lắm mới đưa Tử vào kế hoạch in chứ... Tuyển Tập của Nguyễn Tuân, Tản Đà, Thế Lữ, Xuân Diệu, còn bị rầy rà. Sao mà tiền chiến lắm thế, cái cũ lắm thế"... Đôi lúc không khỏi chạnh lòng khi Chế Lan Viên cố gắng tìm mối dây liên hệ của Hàn Mặc Tử với cách mạng. Nó âm thầm và xa xôi như sóng ở biển Quy Nhơn những đêm tối trời lặng gió. Sau một nửa thế kỷ Hàn Mặc Tử ra đi với vầng trăng cô đơn của ông, câu chuyện vẫn còn nhiều ẩn ức đến vậy. Tập Gái Quê, in năm 1937 lưu lạc giang hồ đến năm ngoái, 2012 cả trong nước và hải ngoại mới "phục chế" được bản... gần như nguyên gốc để in 1000 cuốn. Giữa tháng 7-2013 tôi lang thang theo thói quen chẳng để làm gì ở những cửa hàng sách cũ phố Đinh Liệt, khi vào một gian ánh sáng lúc tỏ lúc mờ trong cùng của một trong số đống sách cũ ấy, bỗng nhìn thấy Gái Quê bìa trắng chữ xanh mới phát hành được nửa năm nằm tại một xó xỉnh ít người để ý đến. Không khéo nó lại bị... thất truyền mất thôi.
Chao ôi! Mấy chục năm trời ở ngay cái thế giới hiện đại này, một tác phẩm thi ca cũng phải trải qua một cuộc đời bể dâu như vậy. Và đến nay, các tác phẩm của Hàn Mặc Tử cũng chưa được sưu tầm để in ra đầy đủ. Nói gì đến giải thưởng thi ca. Cũng sau nửa thế kỷ Hàn Mặc Tử đi về cõi âm, tôi càng thương cho Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử khi người ta trách mắng về một chuyện tình mà Chế Lan Viên vì yêu quý bạn mình và đề cao người ta mà đã viết ra... Thế giới tinh thần của Hàn Mặc Tử đâu có cần chuyện đó. Học cách nói của Chế Lan Viên. Tên tuổi và thi ca của Tử người đời còn nhớ mãi. Kẻ kia ai nhớ làm gì.
Sách Luận ngữ ở bên Tàu, tại thiên Nhan Uyên có viết: "Một lời nói ra, xe bốn ngựa khó mà đuổi kịp". Những kẻ hậu sinh đành phải thất lễ với vị học giả đầu bờm sư tử trên kia. Cái mà Hàn Mặc Tử để lại cho đời, cho thi ca thế kỷ 20 có phải là bản thân những tượng trưng, siêu thực xa xôi ấy hay không? Cái mà thi sỹ để lại cho đời cũng chẳng thể diễn tả "tiến nhanh sang tượng trưng siêu thực" một cách suôn sẻ, thảnh thơi như vậy. Bởi lẽ nếu không có tài thơ của Hàn Mặc Tử trên cõi đời này thì mấy thứ chủ nghĩa văn chương ấy vẫn sống lồ lộ ở phía trời Tây tự thuở nào rồi. Con người đau đớn vật vã đến cùng cực trên từng dòng thơ được viết ra từ máu ở cái giới hạn cuối cùng là 28 tuổi ấy, đâu mà thảnh thơi tiến nhanh như thế. Hoài Thanh đã tự nhắc nhở lòng mình chê hay khen sau khi Hàn Mặc Tử qua đời đều là bất nhẫn, chắc ông phải dằn lòng đến mức nào khi viết rằng: "một nhà chuyên môn nghiên cứu những trạng thái kỳ dị của tâm linh khi xem tập Máu Cuồng  Hồn Điên sẽ lượm lặt được nhiều tài liệu hơn một nhà phê bình văn nghệ". Nhưng có một sự thực ngược lại. Một số bài thơ hay nhất, trong sáng nhất của Hàn Mặc Tử không phải nằm trong Gái Quê hayXuân như ý mà lại ở Thơ điên.
Trong Thi Nhân Việt Nam, công trình xứng danh anh hùng đoán giữa trần ai mới già, đã chọn Xuân Diệu, Huy Cận, Lưu Trọng Lư nhiều bài nhất. Nhiều thứ hai là Hàn Mặc Tử cùng với Quách Tấn, Chế Lan Viên, Thế Lữ, Nguyễn Bính... Hàn Mặc Tử để lại cho thế kỷ 20 và hậu thế những bài thơ hay xuất sắc, nhiều câu thơ hay đặc biệt.
Tình Quê, Bẽn lẽn trong Gái Quê. Mùa xuân chín, Đây thôn Vỹ Dạ, Những giọt lệ, Cô Liêu, Đà Lạt trăng mờ trong Thơ điên (Đau thương), Ave Maria trong Xuân như ý, Chơi giữa mùa Trăng - Thơ văn xuôi v.v... Có ai đó khi bàn về thơ Exênhin đã nói rằng: "Thơ chỉ cần thiết khi người ta buồn." Nỗi buồn là thánh đường bất tử của Thi ca nhiều thời đại, là vẻ đẹp của loài người trên con đường dài đi tìm hạnh phúc. Nỗi buồn cùng với nỗi cô đơn là hai người bạn đồng hành dịu dàng mà xót xa tỏa bóng cho những câu thơ hay nhất của Hàn Mặc Tử. Lúc ban đầu, chỉ là một lý do hết sức đời thường như bao chàng trai trẻ mới chớm độ trưởng thành.
Ngày mai tôi bỏ làm thi sỹ
Em lấy chồng rồi hết ước mơ.
Nhưng bỏ làm thi sỹ sao được. Trời đã chọn kiếp làm thơ. Cái bản thể phận người của thi sỹ bâng khuâng gửi hồn đi một nửa. Một nửa còn sót lại chỉ dại khờ giữa cô đơn như một bể sâu tưởng là hữu hạn mà thực là vô hạn ở cõi yêu thương.
Người đi một nửa hồn tôi mất
Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ.
Nỗi buồn của Hàn Mặc Tử khác với các thi sỹ của phong trào Thơ Mới cùng thời đại. Nó được pha vào ánh trăng, được gói vào vải trăng, được trở thành "người trăng ăn vận toàn trăng cả". Có lúc trăng trên trời đối xứng với ngọn nến nơi hạ giới. Buồn thanh cao như một khúc Đường Thi.
Mở cửa nhìn trăng, trăng tái mặt
Khép phòng đốt nến, nến rơi châu.
Ở phương Đông, khi người ta đã trót làm thi sỹ thì dường như trong đời ai cũng một lần đến với trăng; Nhưng ít ai lại được sinh ra từ trăng, được hòa hồn vào trăng như Hàn Mặc Tử. Một miệng trăng. Say trăng. Dìm hồn xuống vũng trăng. Ngủ với trăng. Cô liêu trăng. Trăng ngậm đầy sông chảy láng lai. Rượt trăng. Ta lượm lá trăng làm chiếu trải. VàChơi trên trăng.
Ta đi trong ánh sương mờ
Tìm con trăng lạc ngoài bờ bên kia.
Thi sỹ quên cả bản thân mình để cứu Trăng. Nhảy ùm xuống giếng vớt trăng lên. Dường như Hàn Mặc Tử muốn giành trăng cho riêng bản thân mình, như một sự khát khao vô vọng cho tình yêu cuộc sống, hạnh phúc lứa đôi mà chưa bao giờ ông có được trên cõi đời này. Không diễn tả được bằng hình ảnh và ý niệm. Hàn Mặc Tử chỉ còn cách kêu lên như gọi trăng thành khúc nhạc vừa tin yêu trìu mến của cậu bé lên mười, vừa có dư vị dâng lên của diệu huyền khát vọng.
Trăng, trăng trăng là trăng, trăng, trăng.
Chơi giữa mùa trăng tràn ra ánh trăng siêu hình mà thanh tịnh tinh khí của hạo nhiên khiến thi nhân ngả vạt áo ra bọc lấy ánh trăng mãi mà không hết. Thi sỹ Hàn Mặc Tử như muốn giành lấy vầng trăng tươi sáng cho riêng bản thân mình. Tôi đọc Hàn Mặc Tử, thấy người thi sỹ trong vẻ đẹp tràn trề của ánh trăng. Vượt qua sự cay nghiệt của định mệnh để tỏa sáng.
Nhưng Hàn Mặc Tử để lại cho đời không phải là vầng trăng khổ đau của cuộc đời ông. Ông trang trọng dâng lên mộtMùa xuân chín. Đó là bài thơ hay nhất của ông. Là hồn thơ đích thực, một sáng tạo riêng của ông cho vẻ đẹp của mùa xuân bất tử. Mùa xuân chín là bài ca ca ngợi vẻ đẹp thuần phác, cổ điển mà đầy thơ mộng và tươi sáng của cảnh sắc nghìn năm làng quê và tâm hồn Việt.
Với Hàn Mặc Tử, mùa xuân là một sự khải huyền giữa trời đêm mà không ai biết. Cái giây phút xuân trở về mách bảo cho thi nhân như là phép lạ.
Chàng ơi, chàng ơi sự lạ đêm qua
Mùa xuân tới mà không ai biết cả.
 Xuân đầu tiên, một sớm mai trời cao rộng quá, gió căng hơi ấm của mùa xuân gấm vóc "mùi thơm ngây dại sóng con người". Cái ý niệm Thơ "mùa xuân chín" là phát hiện riêng đầu tiên của thi sỹ họ Hàn. Kỳ lạ thay, Gái Quê đã được nhà thơ gọi tên bằng ba thứ xuân: "Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự". Con người mà có lúc nhà thơ tả thực chẳng khác gì nhà văn Vũ Trọng Phụng tả thị Mịch lúc lội ao ngấn nước hớt bèo.
Ống quần vo xắn lên đầu gối
Da thịt trời ơi trắng rợn mình.
Đến hai bài thơ Mất duyên  Duyên muộn, cái từ xuân chín đã được gọi tên "Từ ấy xuân em càng chín ửng" đến sự quay trở lại khi những lượt Thu về em thấy xuân, nhưng "xuân em chín từ năm ngoái" mất rồi.
Chỉ có hơn hai chục năm trời sống trên cõi đời này và chừng mười năm cầm lấy sự nghiên bút của kiếp làm thơ, Thi sỹ Hàn Mặc Tử giành những phần đẹp nhất và thanh khiết nhất cho gái quê. Gái Quê, Một đêm nói chuyện với gái quê, Đời phiêu lãng gửi một gái quê làng tôi khi ra đi với cái mộng chưa thành... Rồi như một biểu tượng đằm thắm và đẹp đẽ nhất của Đời Thơ Hàn Mặc Tử, gái quê hiện hình trong dáng vẻ bao cô thôn nữ hát trên đồi với một không khí sột soạt tà áo biếc trong nắng vàng của đôi mái nhà tranh có giàn thiên lý đưa bóng xuân sang. Ngày mai, ngày mai trong đám xuân xanh ấy có kẻ sẽ theo chồng bỏ cuộc chơi, để lại một trời xuân xa vắng mà thi sỹ vào lúc nào đó như người khách phương xa giữa đường gặp lại mùa xuân chín. Sực bâng khuâng nhớ đến làng quê. Nhớ buổi xuân sang vừa mới tới dạo nào và gái quê được gọi bằng từ chị ấy huyền diệu, chẳng hiểu năm nay còn gánh thóc dọc bờ sông trắng nắng chang chang nữa hay không? Chị ấy với kẻ theo chồng trong đám thôn nữ kia có phải là một hay không? Thi nhân không biết nữa? Chỉ biết rằng người ấy là gái quê  mùa xuân chín. Lời thơ trong sáng, tình ý giản dị ấy lại được thắp lên trong tập thơ điên và tỏa sáng mãi trên thi đàn Việt Nam cùng với tên tuổi Hàn Mặc Tử. Rồi cuộc đời này cứ đi xa, đi xa mãi. Những thế hệ người Việt nối tiếp nhau đi tìm hạnh phúc của mình, đường xa ngoảnh lại vẫn còn thấy mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử giữa lòng thế kỷ 20. Gái quê và mùa xuân chín đã trở thành nhân vật văn chương đặc sắc ở lại cùng chúng ta với bao xao xuyến và hoài niệm.
Tôi xem phim Hàn Mặc Tử. Ngạc nhiên chẳng thấy gái quê đâu cả. Chỉ thấy chuyện tình lãng mạn, toàn những thiếu nữ thị thành đài các kiêu sa. Rồi lại đọc hồi ức của Nguyễn Văn Xê. Người chứng kiến những giây phút cuối cùng của Hàn thi sỹ ở nhà thương Quy Hòa mà cảm thấy xót xa. Con người bé nhỏ của Hàn Mặc Tử bị bệnh tật khủng khiếp dày vò đã đành. Nhưng cô đơn, thiếu tình thương của người thiếu nữ còn làm ông tội nghiệp xiết bao. Người ta bày đặt ra cho một em gái chừng tuổi hơn mười ở xa không biết để Hàn Mặc Tử tưởng tượng ra làm thơ mà cũng không xong. Duyên Kỳ Ngộ viết ra cho nàng Thương Thương chỉ là những cảnh giả tưởng của tiếng suối reo, của chàng, nàng chung chung vô tình vô cảm. Còn đâu phong vị đậm đà của gái quê và mùa xuân chín nữa. Quần Tiên Hội viết chưa xong cũng thế. Nhàn nhạt, nhàn nhạt cả toàn bài. Chỉ còn nỗi đắng cay tội nghiệp của hồn thi sỹ trong tiếng suối reo.
Xin đừng vẩy bàn chân trong giếng ngọc
Hỡi giai nhân người lụa bến Tầm Dương.
Những vần thơ cuối cùng được chính ông chép ra trước lúc tàn hơi chỉ còn cơ hội gửi tặng cho Nguyễn Văn Xê và một người khác tên Trung cũng ở trại phong Quy Hòa. Trớ trêu thay, cái người tên là Trung ấy đã mau chóng dùng những bản chép thơ của thi sỹ để... làm cái sự trần tục nhất trên đời này. Chẳng có tao nhân mặc khách thanh lịch nào cả. Chỉ còn một chút nguôi ngoai khi những con dân chúa đã sức dầu thơm và làm phép cho Người. Sáu thân kiếp không quen biết tụ họp nhau lại đại diện cho thế gian dưới gầm trời này đưa ông về nơi nước Chúa. Một vị thánh tông đồ tử vì sự bất tử của thi ca.
Sau nhiều năm hòa bình, mùa hạ năm 2008 tôi mới có dịp dừng lại ở Quy Nhơn Bình Định thăm Hàn Mặc Tử.
Một mình lang thang trên bãi biển Quy Hòa khi trời sắp đổ về chiều. Cả một bãi cát dài đẫm nước đón những con sóng sẫm màu hối hả từ biển khơi xa. Không một bóng người. Trở lại đi thăm cái xóm buồn bã người phong, mỗi gia đình có nếp nhà nhỏ đến mức chỉ như một cái am. Họ đang loay hoay nhóm lửa cho bữa cơm chiều. Vẫn một hoàng hôn ngơ ngác khói như buổi còn người thi sỹ gửi phận bạc đâu đó vô hình ở chốn xa xôi. Vội trở về Ghềnh Ráng, nơi có phần mộ yên nghỉ của Nguyễn Trọng Trí - Hàn Mặc Tử. Từ đồi cao nhìn ra bờ vịnh Quy Nhơn cong như cái lược. Tượng đức mẹ phủ bóng trắng tinh khiết hai tay đưa ra phía trước như phân trần điều gì trên mộ Francois Trí. Cứ ngỡ đó là mẹ Juetta đã chăm sóc Hàn Mặc Tử ở Quy Hòa với lời nói dịu dàng: "mau đưa tay cho mẹ đỡ con xuống" khi nhà thơ mới vào nhập viện. Lại tưởng Juetta là "gái quê" nào đó đã lùi vào dĩ vãng của một mùa trăng.
Sáng ngày hôm sau, người ta đưa tôi đi thăm hai tháp chàm xây bằng gạch đỏ cổ xưa giữa một sân cỏ tươi non dưới nắng trời mùa hạ. Bước vào trong tháp, thấy hai biểu tượng của đàn ông và đàn bà bằng đá xanh. Một bên tay trái đứng sừng sững oai nghiêm như cột nhà. Một bên tay phải nằm uy nghi đường bệ. Người vào khói hương khấn vái không dứt trước hai sức mạnh huyền diệu của âm dương đã ở đây không biết tự bao giờ. Than ôi; loài người từ cổ xưa đi cùng trời cuối đất, từ mông muội đến hiện đại bây giờ cũng chỉ để đi tìm sự say đắm vụng về của hai linh vật ấy mà thôi. Hai vẻ đẹp sinh ra loài người.
Bước ra khỏi tháp giữa nắng trời xanh của miền Trung xa lắm, lại ngậm ngùi thương nhớ Hàn Mặc Tử. Nhớ mung lung câu nói của một nhà hiền triết. Người không tham gia quan hệ hôn nhân chỉ là người một nửa. Cả cuộc đời ngắn ngủi của ông ra đi trong cái mộng chưa thành, chưa bao giờ được hưởng trọn vẹn một tình yêu thanh khiết. Sự bất tử của bên này chiếc lược biển Quy Nhơn được tạo dựng phải đầy đủ âm dương. Còn phía bên kia, nơi Hàn Mặc Tử nằm lại chỉ là cô lẻ đầy mộng mị. Nhưng sự cô lẻ ấy trở thành bất tử theo cách riêng của nó. Các thế kỷ và con người Việt vẫn đi lên phía trước không dừng. Nhưng khi ngoảnh lại không hiểu sao tôi vẫn thấy mãi mãi mùa xuân chín của Hàn Mặc Tử tỏa sáng. Bởi vì thời gian đã trở thành đại lượng không đổi. Cái đại lượng được giới hạn bởi khoảng không chật hẹp huyền bí bên trong những tòa tháp cổ màu gạch đỏ. Cùng với mùa xuân đã chín trong thơ Hàn Mặc Tử như là những biểu hiện sinh động của quy luật muôn đời nơi bờ biển Quy Nhơn.
Trên đường dài gian truân, khách phương xa nào không còn hy vọng nữa, xin một lần gặp Mùa xuân chín để tìm lại yêu thương và khúc nhạc ân tình của một người Trăng đã sinh ra.




1 nhận xét:

Cảm nhận ngàn đêm

Cảm nhận ngàn đêm MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp nhau. Trong bộ phim nổi tiếng “Bao giờ cho đến Thá...