Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Ta ru ta ngậm ngùi, Xin ngủ dưới vòm cây

Ta ru ta ngậm ngùi, Xin ngủ dưới vòm cây

Ai như một Trịnh Công Sơn đã yêu đời quay quắc, và ai như một Trịnh Công Sơn đã điên dại ngao ngán chuyện đời!

Vì quá yêu đời, nên mỗi khi nhìn thấy cõi đời đẹp bỗng nhiên xấu xí oan uổng, lòng anh đã quặn đau. Vì quá yêu đời, nên mỗi khi chứng kiến những trái tim hồn nhiên thơ dại lần lượt bị sa ngã vào dòng đời quỉ dữ, lương tâm anh ray rứt không chịu nổi. Mỗi lần nghe ruột gan cào xé như vậy, anh đã ôm đàn réo gọi thiết tha:
Môi nào hãy còn thơm
Cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh
Cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên
Ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên ...
Xin người hãy đặt tên cho cái không tên ấy. Cái Đạo khả Đạo phi thường Đạo ấy. Cái Danh khả danh phi thường Danh ấy.
Đó là lời cảnh tỉnh anh em. Đó là tiếng kêu nhắc nhở bạn bè. Hãy giữ gìn cho hồn nhiên môi thơm. Hãy tuổi trẻ cho tóc vẫn xanh tình. Giữ gìn để mình đừng lạc mất chính tâm hồn trong sáng của mình. Để đừng sa ngã về phía bóng tối.
Ai đã từng tuổi trẻ, thì cũng đã từng ước mơ trong sáng, đã từng say đắm hồn nhiên, đã từng nhiệt huyết kỳ vọng, và đã từng bao la dự tính. Bầu trời tương lai ấy bao giờ cũng là bức tranh giàu chất thẩm mỹ, vì được vẽ nên bằng những rung cảm chân thành từ con tim vẫn còn thơ ấu ngọt ngào, vẫn còn hồn nhiên thẩm mỹ. Tựa như ánh rạng đông, tâm hồn tuổi trẻ tinh khiết ấy đã chậm rãi vươn mình lên cao, trải lòng trên mặt đất trần gian, một cách nhẹ nhàng, không hề bận bịu sân si.
Môi nào hãy còn thơm
Cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh
Cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên
Ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên ...
Lòng người bình yên, tâm hồn trong sáng, tình người tự nhiên phơi bày. Đó là hình ảnh của cõi xứ thanh tịnh không tên. Xin người hãy gọi tên, nhưng thật chẳng thể gọi tên. Vì mọi thứ tên gọi đều được biết là phiến diện, hoặc lệch lạc, và dễ bị ngộ nhận. Mọi ngôn từ, mọi danh xưng, cho dù hoa mỹ bao nhiêu đi nữa, thận trọng đẻo gọt bao nhiêu đi nữa, chải chuốc tinh tế bao nhiêu đi nữa, thì nó vẫn còn một khoảng cách có lẽ xa lắm mới chạm tới được mép rìa của sự thật muốn mô tả. Ý nghĩa đích thực của “bức tranh” ấy, tự nó không cố ý ẩn nấp, nhưng nó khó lòng lộ diện nếu người muốn “hiểu” nó chỉ thông qua ngôn từ mà lại loại trừ rung cảm từ con tim huyết mạch.
Vì ngôn ngữ chỉ là phương tiện truyền đạt, nên nó không thay thế cho chính cái mà nó muốn truyền đạt. “Đạo khả đạo phi thường đạo, danh khả danh phi thường danh”. Tự nó, chân như, đạo, tình yêu, nó là vậy đó, thì hãy sống và cảm nghiệm nó như nó vốn là vậy đó mà thôi. Môi nào hãy còn thơm. Cho ta phơi cuộc tình. Tóc nào hãy còn xanh. Cho ta chút hồn nhiên. Tim nào có bình yên Ta rêu rao đời mình. Xin người hãy gọi tên. Xin người hãy gọi tên... Nơi chốn bồng lai ấy đáng lẽ có thật hằng ngày chung quanh ta, nhưng dường như nó đã qua đời, có lẽ vậy. Bức tranh hồn nhiên nguyên sơ ấy nay chỉ còn trong ký ức. Ngậm ngùi hồi tưởng, và bây giờ xin hãy thử châm rãi mạo muội gọi tên:
Môi nào hãy còn thơm
Cho ta phơi cuộc tình
Tóc nào hãy còn xanh
Cho ta chút hồn nhiên
Tim nào có bình yên
Ta rêu rao đời mình
Xin người hãy gọi tên
Xin người hãy gọi tên, nhưng một lần nữa người chẳng thể gọi tên. Tưởng như một cái gì đó, rất quí giá, đã vĩnh viễn chìm khuất vào đáy vực dĩ vãng. Tiếc nuối vô cùng. Cho nên tha thiết réo gọi, mong mỏi, nghi vấn. Rằng: Có thể được không em, nếu mình vẫn giữ gìn sao cho tâm hồn ấy vẫn còn nguyên trạng là môi thơm, là xanh tóc, là con tim bình yên bữa trước? Hay tất cả đều đành lòng xem như là dĩ vãng bất khả vãn hồi? Có thể vậy không em? Có thể vậy không anh?
Câu trả lời vừa xa xăm vừa gần gũi: “Không có đâu em này, không có cái chết đầu tiên. Mà có đâu bao giờ, đâu có cái chết sau cùng.” Nghĩa là ở đây, thực chất không phải là câu chuyện tiếc nuối dĩ vãng, mà là tiếc nuối từng cái hiện tại bây giờ, sao không được xinh đẹp nhu mì như cái hiện tại gương soi mơ ước thuần tịnh bữa trước.
Cái đáng giá là chính từng cái hiện tại này đây, môi thơm này, tóc xanh này, mà em đang bỏ phế này. Từng hiện tại đang “trôi đi”, từng phút giây đang nhảy múa, từng khoảnh khắc đang ca vui bài ca hiện tại. “Có thì có tự mảy may, không thì không tự kiếp nào cũng không.” Hương thơm của môi, màu xanh của tóc, sở dĩ khiến xao động lòng người, không phải xuất phát từ môi kia hay tóc nọ, mà từ chính trái tim người hôm nay, tại mỗi sát-na này đây, có còn hồn nhiên vi vu rung cảm hay không. Sức sống từ tim người là tố chất quyết định hương thơm của tình yêu, hương thơm của cuộc đời, tỏa lộ tự nhiên trên môi, trên tóc, trên da. “Hữu xạ tự nhiên hương”.
Khi tình đã vội quên
Tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên
Con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông
Tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông
Xin chờ những rạng đông
Chừng nào con tim còn biết mở lòng rung cảm yêu thương thật sự, thì hương tình còn nồng nàn đam mê, hương đời còn chứa chan ý nghĩa. Khi con tim đi lạc vào mê cung của những mưu định hẹp hòi, thì môi tóc nào rồi cũng hóa thành những cơ phận khô khan “lăn” trên đường mòn xã hội, và sẽ lạnh lẽo cóng buốt vì hoang vu rừng núi mưu mô, và sẽ chai cứng như tường trắng lặng câm lạnh lùng qủi quyệt. Khi con tim đánh mất rung cảm tự nhiên, đó là lúc tiếng chim trong lòng thôi ríu rít, đó là lúc tình mình bắt đầu hoàng hôn, tim mình từ xuân vui đã bước sang thu buồn đông giá:
Khi tình đã vội quên
Tim lăn trên đường mòn
Trên giọt máu cuồng điên
Con chim đứng lặng câm
Khi về trong mùa đông
Tay rong rêu muộn màng
Thôi chờ những rạng đông
Xin chờ những rạng đông

Con chim đứng lặng câm. Buồn bã. Buồn bã vì người đã vội vàng quên lãng cái quí giá nhất của mình, lơ đễnh chối bỏ trái tim chân chính quí giá nhất của chính mình, và vô minh a tòng với những tà kiến cuồng điên, một cách oan uổng vô tình vô tội. Buồn bã vì đáng lẽ tiếng ca bình minh phải thường tại trong lòng như bẩm sinh trái tim mình là con chim biết hót, biết ca, biết nhảy múa trên cành, ấy vậy mà nay đã, đành ngậm ngùi đứng lặng câm, giữa cuộc vui của đất trời vẫn thường hằng tiếp diễn chung quanh, ngày đêm trôi chảy mãi, không một phút giây ngừng nghỉ - “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ.” 
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Buồn bã vì đáng lẽ mỗi ngày lòng mình đều có thể thu hoạch được những nhịp nhàng vỗ tay của lúa vàng trong gió, vậy mà bây giờ lòng phải ngậm ngùi đối diện với tường đá lầm lì, với rừng núi mỏi mệt bỏ hoang. Buồn bã vì đáng lẽ chúng ta mỗi ngày có thể cùng đồng loại hội hè vui chơi ca hát, ấy vậy mà nước mắt và tiếng khóc lại đang liên tục ám ảnh chung quanh. Nghe cõi đời lạ lùng lạnh ngắt. 
Đời sao im vắng
Như đồng lúa gặt xong
Như rừng núi bỏ hoang
Người về soi bóng mình
Giữa tường trắng lặng câm
Con chim đứng lặng câm. Dường như chờ đợi. Chờ đợi ruộng đồng sẽ reo vui trở lại. Chờ đợi núi rừng sẽ tưng bừng chim muông trở lại. Chờ đợi những lầm lì chung quanh sẽ trở mình sinh động trở lại. Chờ đợi tội lỗi sẽ sớm biết ăn năn. Chờ đợi gian dối, hận thù sẽ tĩnh giấc điên cuồng. Chờ đợi trái tim người rạng đông trở lại, chờ đợi sức sống trong lòng mình rộn ràng ca vui trở lại, chờ đợi trí tuệ mình nhảy múa trở lại, …, để cùng tác tạo nghị lực, hầu xua đuổi bóng dáng ảm đạm của khuynh hướng ma quái như những cổ máy sát nhân. Chờ đợi phút giờ mà cái tâm ác độc biết giật mình nhìn lại, thôi không ngạo nghễ mê muội nữa, thôi không lừa bịp nhau bằng biết bao những cuồng vọng được sơn phết hoa mỹ nữa. Chờ đợi. Chờ đợi. Người mong đợi những niềm vui đích thực, ta mong chờ những phố xá bao dung. Chờ đợi và tự hỏi:
Có đường phố nào vui
Cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Nhưng, câu trả lời buồn bã là:
Không còn không còn ai
Ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ ai
Mong chờ những giá trị giả mạo được lột trần, và những giá trị đích thực được nhận dạng. Mong chờ những con tim đã chết của người lớn sẽ được hồi sinh như xưa kia từng đã có lần xuân xanh trong suốt như suối nguồn.

Mong chờ. Mong chờ. Nhưng có người đợi mãi vẫn hoài công có lẽ. Nấn ná chờ mà đời vẫn thờ ơ. Nên đành ngậm ngùi độc hành trên lộ trình “còn lại”. Không còn không còn ai. Không chờ không chờ ai. 
Nếu người vẫn lạnh lùng ác ý, nếu xã hội vẫn khăng khăng tà tâm, thì ta biết làm sao chìu lòng! Nếu môi ấy cắn răng không chịu tỏa hương thơm nữa, nếu tóc ấy cố tình không xanh nữa như màu tóc thật của xuân xanh, nghĩa là nếu tâm hồn ấy không còn bình yên nguyên trạng như diệu tâm bữa trước nữa, thì nào có ích gì khi miễn cưỡng níu kéo nhau thêm? “Thiệt đây mà có ích gì đến ai”.
Có đường phố nào vui
Cho ta qua một ngày
Có sợi tóc nào bay
Trong trí nhớ nhỏ nhoi
Không còn không còn ai
Ta trôi trong cuộc đời
Không chờ không chờ ai
Em về hãy về đi
Ta phiêu du một đời
Hương trầm có còn đây
Ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây
“Ta cứ tưởng trần gian là cõi thật, thế cho nên tất bật đến bây giờ.” Đã đến lúc ta phải, một lần cho xong, dứt khoát giũ bỏ hết những bịn rịn dùng dằn, đốt hết những hương trầm luyến tiếc. Chào em ở lại với những “người lớn”. Những người lớn mà nay không còn trẻ nữa, những người lớn mà nay vẫn cố chấp trì giữ lập trường già nua xơ xác, những người lớn mà đã ôm ghì lấy những tham vọng hão huyền mà cứ tự đắc tưởng rằng đích thật, những người lớn mà đã tự vứt bỏ chất liệu tự nhiên bên trong trái tim nhân bản bẩm sinh của chính mình và thay thế bằng loại máu mủ ma quái phi nhân, được nhồi nặn cưỡng bức trong trạng thái xã hội bịnh hoạn, cuồng trí, vô minh.
Như vậy đó là những “người lớn”. Nhưng, những “người lớn”, họ không biết như vậy. Vì họ đang rất bận rộn, sa đà tranh chấp, giành giật nhau những bóng ma hư ảo. Nhưng vì họ không hề biết như vậy, thôi thì đành tạm để yên như vậy. “Chắc chi thiên hạ đời nay, mà đem non nước làm rầy chiêm bao.” Nguyễn Du tâm sự như vậy. Còn đây là tâm sự của Trịnh Công Sơn:
Em về hãy về đi
Ta phiêu du một đời
Hương trầm có còn đây
Ta thắp nốt chiều nay
Xin ngủ trong vòng nôi
Ta ru ta ngậm ngùi
Xin ngủ dưới vòm cây
Em về hãy về đi. Anh về hãy về đi. Người về hãy về đi, về với thế tục quá đỗi phàm phu ấy. Còn ta, ta sẽ tiếp tục hành trình trong vô cùng thiên thu tịch mịch bồng lai. Ta âm thầm làm một đứa bé ngây thơ, như chưa từng biết đến những mưu đồ hiểm độc của ai ai từng đã đối xử với nhau tại trần gian chốn nọ chốn này. Ta lặng lẽ làm một chú chim tự nhiên ca hát giữa vườn xanh nhân từ. Ta chan hòa niềm vui dưới bóng mát toàn nhiên của vũ trụ bao la. Ta làm một đứa bé yên lành trong vòng nôi bát ngát của cuộc đời, và ngậm ngùi tự hát ru mình. Em về hãy về đi, ta phiêu du một đời. Hương trầm có còn đây, ta thắp nốt chiều nay. Xin ngủ trong vòng nôi, ta ru ta ngậm ngùi. Xin ngủ dưới vòm cây.

Nguyễn Quang Thanh



3 nhận xét:

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...