Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Về người thiếu phụ ở Nam Xương

Về người thiếu phụ ở Nam Xương

 Hoàng Tiến Tựu 

I

Truyện được kể thật giản dị, tự nhiên và hấp dẫn. Khác với nhiều truyện cổ tích khác, truyện này hoàn toàn không có yếu tố siêu nhiên, kỳ ảo; không hề có nhân vật thần, tiên, ma, quái. Tất cả chỉ có ba nhân vật; hai vợ chồng và một đứa trẻ lên ba. Mỗi người đều rất tốt nhưng cả ba đều đau khổ. Đó là đau khổ của sự hiểu lầm và do sự hiểu lầm mà có. Sự hiểu lầm này, tưởng là nhỏ nhưng rất lớn, tưởng là đơn giản nhưng rất phức tạp. Cho nên nó đã diễn biến, phát triển thành bi kịch, với cái chết của người vợ và sự mất mát đau khổ lớn của cả gia đình.
Truyện không hề nói đến một nhân vật hay một tác nhân bên ngoài nào cả. Vậy có thể quy kết trách nhiệm, phê phán vào ai trong ba nhân vật ấy hay không?
Có người cho rằng, trong truyện này, người vợ rất mực thủy chung với chồng nhưng lại bị nghi oan là thất tiết, thanh minh bằng lời không được phải dùng cái chết để làm cho rõ.
Tình cảm này thật đáng thương và không có gì đáng trách. Còn đứa trẻ thì ngây thơ, tin theo lời mẹ và nói lại với cha như lời mẹ nói, làm sao có thể trách cứ phê phán nó được? Chỉ có người chồng là đáng bàn và đáng trách. Bởi vì, anh đã không tin vợ, không hiểu vợ mà lại nghe theo lời con trẻ nghi oan cho vợ.

Tương truyền, Lê Thánh Tông có lần đi qua miếu "Vợ chàng Trương" cũng đã làm thơ và có những câu nói về chàng Trương rất gần với ý kiến nhận xét trên đây (1).
Ý kiến nhận xét trên đây chỉ đúng một phần. Không thể quy trách nhiệm tất cả cho người chồng và phê phán phiến diện một chiều được. Tục ngữ đã nói: "Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ", người chồng không thể không lắng nghe và suy nghĩ về lời nói của đứa con. Đứa con chẳng những không theo anh, không cho anh bế mà còn nói rất rõ ràng, rành mạch rằng: "Bố đến tối mới đến kia!" và: "Tối nào bố cũng đến, mẹ đi đâu bố đi đấy, mẹ đứng bố cũng đứng, mẹ ngồi bố cũng ngồị..". Thử hỏi, có người đàn ông nào, yêu vợ và xa nhà lâu ngày khi trở về nghe con nói như vậy mà có thể yên tâm, bình tĩnh, không suy nghĩ, băn khoăn và đau khổ được hay không?

Không nên và không thể phê phán đứa trẻ, vì nó ngây thơ, hồn nhiên và thành thực nói theo lời mẹ. Nhưng không phê phán đứa trẻ, không có nghĩa là bỏ qua lời nói của nó.
Bỏ qua lời nói đã trở thành đầu mối trực tiếp dẫn đến sự hiểu lầm của người chồng thì làm sao giải đúng nổi bài toán cuộc đời rất hóc búa và nan giải này.
Hậu quả của câu nói hồn nhiên, ngây thơ và thành thực của đứa trẻ thật là khủng khiếp và phức tạp, nhưng nguyên nhân của nó lại vô cùng giản đơn và dễ hiểu. Bởi vì đứa trẻ đã tin theo và nói đúng theo lời mẹ nó. Trong thời gian bố nó vắng nhà, mẹ nó đã chỉ vào cái bóng của mình trên vách mà nói với nó như thế biết bao lần và nó đã tin như vậy. Cho nên đối với đứa trẻ bố là cái bóng của mẹ và chỉ là cái bóng của mẹ nó mà thôi. Đó là định nghĩa đầu tiên về từ "bố" mà người mẹ thân yêu đã dạy cho nó; nó đã nhập tâm và nhớ mãi. Và như thế là, trong truyện này, tuy có ba người nhưng lại hóa thành bốn nhân vật vì đã xuất hiện thêm "cái bóng" của người vợ nữa.

Cái bóng là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, đạt tới sự hoàn chỉnh và hài hòa của chân, thiện, mỹ. Tuy không phải là người và không tồn tại độc lập, nhưng nó (cái bóng) thực sự là một nhân vật có vai trò quan trọng đặc biệt ở trong truyện cổ tích mang tính bi kịch này. Nó vừa là người vợ (vì nó vốn là cái bóng đích thực của người vợ), vừa là người chồng, tức là người cha của đứa trẻ (trong lời nói của người vợ với đứa con và trong ý niệm, niềm tin của đứa trẻ). Và đồng thời, nó (cái bóng) còn được coi là tình nhân của người vợ trong thời gian người chồng xa cách (trong sự nghi ngờ, băn khoăn suy nghĩ của người chồng). Có thể nói cái bóng là sự tập trung, khái quát hóa và hình tượng hóa những sự hiểu lầm, ngộ nhận vô tình hay hữu ý của cả ba nhân vật ở trong truyện. Do đó mà nội dung, ý nghĩa và tác dụng của hình tượng cái bóng ở đây rất phong phú, phức tạp. Nó có quan hệ mật thiết với chủ đề, nội dung nghệ thuật của tác phẩm và với tất cả các nhân vật trong truyện.

II
Cái bóng giống như một ẩn số và muốn tìm ra được ẩn số này cần phải đi sâu vào mối quan hệ cụ thể giữa nó (cái bóng) với từng nhân vật trong truyện.

Đối với người vợ, cái bóng vừa là thực, vừa là ảo. Thực, bởi vì nó chính là cái bóng của nàng và nàng hoàn toàn biết rõ điều đó. Ảo, bởi vì nàng đã chỉ vào bóng của mình mà nói với con là "bố" của nó. Đó là một sự nói dối hoàn toàn chủ động và tự nguyện, một sự nói dối đầy thiện chí và yêu thương (đối với con và cả với chồng). Việc nói dối con của người vợ chủ yếu mang tính chất nói đùa (để cho con đỡ nhớ, đỡ mong, đỡ hỏi), nhưng đồng thời cũng phản ánh sự thiết tha nhớ chồng, sự khát khao đoàn tụ gia đình của người vợ. Và như thế nghĩa là, cái bóng là "ảo" đồng thời cũng là "mộng" nữa.



Còn đối với đứa trẻ thì "cái bóng" chỉ có một nội dung duy nhất là "bố" của nó, chứ hoàn toàn không có nội dung nào khác nữa. Bởi vì, khi đứa trẻ ra đời thì bố nó đã đi xa, nó hoàn toàn chưa biết "bố thực", chỉ biết "bố giả" qua cái bóng của mẹ mà thôi. Vì tin "bố giả" là thực cho nên khi "bố thực" trở về, đứa trẻ đã không tin và không nhận; đó là điều rất tự nhiên và dễ hiểu, mặc dầu sự thật không phải như vậy.
Nhưng điều đó cũng chẳng có ý nghĩa nếu đứa con đã khôn lớn trưởng thành hoặc ngược lại, nó còn bé bỏng, chưa thể nói năng rành rọt được.
Khi mãn hạn lính trở về, người chồng đáng lẽ được sống trong niềm vui và hạnh phúc của tình vợ chồng và cha con sau những tháng năm xa cách. Nhưng do sự hiểu lầm, anh đã phải liên tiếp sống trong sự buồn phiền và đau khổ. Ngay từ lúc mới trở về nhà, anh đã bị hẫng và mất vui, vì gọi con, con bỏ chạy, không cho anh bế và không nhận anh là bố! Sau đó đứa trẻ đã tiếp tục nói cho anh biết về người "bố" khác của nó. Và thế là niềm vui chưa có thì nỗi buồn và sự đau khổ lớn đã ập đến với anh. Sự nghi ngờ và ghen tuông của anh không phải là tự nhiên, vô cớ. Lời nói của đứa trẻ, chẳng những có thể làm cho anh đau khổ vì nghi rằng vợ anh đã có người tình trong thời gian anh xa cách.

Những ý nghĩ ấy đã dày vò, hành hạ anh khiến anh đau khổ, khi từ nhà hàng xóm trở về, vợ anh đã nhảy xuống sông tự tử. Anh trở về mò tìm xác vợ nhưng không thấy và chăm sóc đứa trẻ, mặc dầu lúc này anh cũng chưa biết rõ sự thật và đứa trẻ vẫn không nhận anh là bố.
Người vợ chết làm cho đứa trẻ mất luôn cả "bố", người "bố" mà mẹ nó đã chỉ cho nó biết từ lâu qua cái bóng của mình. Sự mất mát đối với đứa trẻ thật là to lớn. Cho nên nó "luôn luôn đòi mẹ và khóc suốt ngày, dỗ dành thế nào cũng không được" (như các dị bản khác nhau của truyện này đều đã nói tương tự). Đến khi nhìn thấy cái bóng của bố trên vách, đứa trẻ mới nín và gọi "bố", đồng thời người bố mới vỡ nhẽ và hiểu ra sự thật. Nhưng đã quá muộn, anh chỉ có thể hối hận và đau khổ mà thôi!

Thế là vợ anh rất mực yêu anh, cái người mà con anh gọi là "bố" chính là cái bóng của vợ anh trước đây (cũng như cái bóng của anh bây giờ vậy). Anh thanh toán được sự dày vò, nghi ngờ về lòng chung thủy của vợ, nhưng lại phải chịu đựng một sự dày vò, đau khổ mới lớn hơn, vì vợ anh đã chết, anh đã nghi oan cho vợ. Anh không thể chết theo vợ vì còn đứa trẻ. Anh phải đau khổ và hối hận suốt đời.

(1) 
Nghi ngút đầu ghềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương
Ngọn đèn dầu nhẫn đừng nghe trẻ.
Cung nước chi cho lụy tới nàng.
Chứng quả đã đổi vầng nhật nguyệt.
Giải oan chẳng lọ mấy đàn tràng
Qua đây, mới biết nguồn cơn ấy.
Khá trách chàng Trương khéo phũ phàng.




1 nhận xét:

  Đọc truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm – Trần Danh Thùy 4 Tháng Bảy, 2023 Truyện ngắn của Võ Đào Phương Trâm, nhà văn trẻ đến từ Sài G...