Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2014

Yến Lan - cốt cách một đời thơ

Yến Lan - cốt cách một đời thơ

 Từ Quốc Hoài
Cả cuộc đời Yến Lan đi nhiều, những chuyến đi hành trang nhẹ tênh, chỉ có tấm lòng sâu nặng với cuộc sống. Những năm cuối đời, không gian của nhà thơ thu hẹp trong bốn bức tường của ngôi nhà nhỏ bên cổng chợ thị trấn Bình Định. Nhìn ông thiêm thiếp trên giường bệnh với tấm chăn mỏng, ít ai nghĩ ông đang làm thơ. Đôi tay run rẩy vì chứng bệnh liệt rung, hằng ngày, ông đọc cho người bạn đời, bà Lan, những bài thơ tứ tuyệt xinh xẻo như những bông hoa chợt nở ra trong những giấc mơ. Hơn 400 bài tứ tuyệt được ông sáng tác phần lớn vào cuối đời, trên giường bệnh. Bao cảnh đời, tình đời được ông trân trọng, tinh lọc để hiện ra với vẻ đẹp của thứ ngôn ngữ cô đọng, trau chuốt giống như những bức phù điêu được chạm khắc bởi bàn tay của nghệ sĩ bậc thầy. Thơ tứ tuyệt của ông mang đậm phong vị Đường thi song vẫn phảng phất cái không khí mơ hồ bảng lảng những bài kệ của các bậc thiền sư. Ông viết về mẹ trong cái không gian ảo như còn "vang vọng tiếng mẹ hò trăng tự thuở nào", những lá trầu chập chờn trong ngọn gió nam nom như những "Thếp ca dao". Ông viết về sự "vô thường" luôn dẫn dắt những người yêu nhau đến trước cảnh chia phôi. Ông viết về niềm vui sống bình dị, nhưng đằng sau cái vẻ rất đời thường ấy ẩn chứa cả một cuộc tự thanh lọc để giữ chất người của chính mình:
Trưa đọc Nam Hoa Kinh
Tối nằm không hóa bướm
Mừng mình chủ được mình...
Bài tứ tuyệt cuối cùng bà Lan chép lại không lâu trước ngày ông đi vào cõi vĩnh hằng được ông đặt tên "Thơ Không Cùng":
Ngày tháng soi chung gương chẳng mờ
Bút xoay vần nối rộng hồn thơ
Chỉ thương mái tóc dài vô vọng
Vén mãi chưa thành chuyện ước mơ.
"Chuyện ước mơ" của mái tóc dài là chuyện gì vậy? Chỉ có bà Lan biết rõ. Sau ngày nhà thơ Yến Lan qua đời, trong câu chuyện thân tình, một lần bà Lan nói đến cảnh nghèo cơ cực đeo đẳng suốt cuộc đời vợ chồng nhà thơ. Vào những ngày trọng bệnh, một hôm, nhà thơ Yến Lan nhận được thông báo tài trợ sáng tác của Hội Nhà văn Việt Nam. Nhà đang túng, có được hai triệu đồng để thuốc thang, ông mừng lắm. Rồi một ngày, ông tươi tỉnh nói với vợ: "Bà xem, tôi làm được 200 bài tứ tuyệt rồi đây. Đủ bản thảo tập thơ rồi! Bà báo cho Hội Nhà văn để các anh yên tâm về khoản tài trợ."
Yến Lan từ nhỏ đã nổi tiếng học giỏi. Quan đốc học một hôm đến nhà "xem mặt" cậu học trò nhỏ. Mãi không thấy cậu ra trình quan. Sau mới biết cậu xấu hổ vì không có chiếc quần "tử tế" để ra mắt. Lớn lên nổi tiếng thơ văn, nhưng đành nhìn người yêu đi lấy chồng vì nhà gái chê "cái thằng ở trong nhà chùa" không môn đăng hộ đối. Rồi nhà thơ gặp người bạn đời, bà Lan bây giờ. Tình yêu của họ trải qua bao thác ghềnh, cũng chỉ vì nhà gái chê chàng thi sĩ... nghèo. Nếu không có sự dũng cảm của bà Lan, chuyện trăm năm chắc đã không thành. Trong những năm tập kết ra Hà Nội, không đủ tiền mua sắm giường, nhà thơ bèn mua những thùng gỗ cũ vốn dùng đựng hàng hóa ghép lại thành "giường hộp". Bà Lan nhiều năm là quần áo cho chồng bằng một cốc nước nóng. Sau nhà thơ tự tạo một chiếc bàn là dùng than bằng một mảnh bom cưa phẳng, quai làm bằng đoạn tre. Vẻ ngoài phong lưu cùng vẻ đẹp của những bài thơ tinh tế ngôn ngữ được mài giũa trau chuốt... làm người đời dễ quên đi cái gian truân đời thường mà nhà thơ phải tự vượt qua. Nhà tuy nghèo túng nhưng tấm lòng nhà thơ luôn rộng mở với bầu bạn. Trong những năm gạo thịt còn "tem phiếu", nhà thơ Quang Dũng thỉnh thoảng vẫn nhận được từ tay bà Lan vài ký gạo "nhín". Ngày nhà thơ Chế Lan Viên cưới vợ - người vợ trước - mặc dù bản thân lận đận chuyện vợ con chỉ vì... nghèo, nhà thơ Yến Lan vẫn "chạy" cho bạn 100 đồng Đông Dương để lo việc hôn lễ. Những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, người bạn thơ gặp rắc rối, nhà thơ Yến Lan với tư cách ủy viên văn hóa huyện An Nhơn biết rõ bản chất sự việc đã đứng ra bảo lãnh, tránh cho bạn một sự hiểu lầm... Những chuyện như vậy có lẽ ít người biết đến.
Độc giả Việt Nam biết đến Yến Lan trước hết với "Bến My Lăng". Mười bảy tuổi, Yến Lan trình làng một thi phẩm mà chỉ với riêng nó thôi đủ làm nên tên tuổi một thi sĩ. Vào năm nhà thơ ra đời (Bính Thìn 1916), cảnh nhật thực, nguyệt thực xảy ra nhiều vùng trên thế giới trong đó có Việt Nam. Cuộc đấu tranh sinh tử xóa bỏ ách nô lệ, giành độc lập cho xứ sở. Nhà thơ không trực tiếp tham dự, nhưng những sự kiện lớn lao ấy vẫn có sức chấn động trong ông, làm ông ý thức được tính chất vô thường của đời sống, cái đẹp cái cao cả có thể bị xâm hại, cần được bảo vệ.
"Bến My Lăng" là nỗi niềm khắc khoải về một quyền năng huyền nhiệm, khả dĩ mang lại hạnh phúc cho con người. "Bến My Lăng" giống như một giấc mơ. Một ông lão lái đò u buồn đợi khách trên một bến sông đầy trăng. Không có khách, ông thả hồn chơi vơi tận "bến trăng cao", tự làm thanh sạch mình ở cái "bến trăng" trong tâm tưởng ấy. Và rồi...
Đêm kia có một chàng kỵ mã
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.
Chàng kỵ mã nhung y hào nhoáng, có vẻ một kiếm sĩ không phải là người khách mà ông lão lái đò mong đợi.
Ông lão vẫn say trăng đầu gối sách
Để thuyền hồn bơi khỏi Bến My Lăng...
Bài thơ khép lại một "Bến My Lăng" đầy trăng lạnh, và đã bao trăng ông lái buồn đợi khách.
Bài thơ có sức ám ảnh. Ngôn ngữ thơ nhẹ bổng như được chiếu sáng lung linh bởi ánh trăng huyền ảo. Nhưng cái tình của bài thơ thì lại rất thật. Chính cái tình ấy đã neo "Bến My Lăng" vào lòng người ngay từ khi mới ra đời.
Dường như ý thức về sự vô thường của đời sống đã làm cho nhịp thơ ông chùng lại, dùng dằng, khắc khoải... để có thể cảm hết được mọi lẽ sâu xa của cuộc đời này. "Bình Định 1935" được nhà thơ viết vào năm 20 tuổi. Bài thơ còn ít người được biết đến, mà lẽ ra nó phải có mặt trong những tuyển thơ lớn của Việt Nam. Cho đến nay, "Bình Định năm 1935" mới chỉ được biết đến qua một vài câu trích để minh chứng cho sự "cách tân" của thơ Việt:
- Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven
- Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt
- Trăng còn nương thuyền nhạc khuất trong sương
- Lan can đỏ xuống lần từng bậc bậc
- Lòng cuộn dần bậc bậc khói hương xây
- Hoa tư tưởng phân thân chiều gió trải
- Hồn tôi loãng trên bệ vàng thếp chảy...
Bình Định mà nhà thơ yêu mến là một Bình Định đa tầng, đa hương sắc, hướng vào đâu ta cũng bắt gặp ánh lấp lánh của vẻ đẹp được tinh lọc qua nhà thơ.
Trong cuộc đời sáng tác của mình, nếu "Bến My Lăng" là cái bến trong tâm tưởng của nhà thơ, là nơi khai mở những con đường tới "miền đất hứa" (dù chỉ trong mơ), "Bình Định 1935" là ngọn cổ tháp sừng sững, lưu giữ những vẻ đẹp của non nước, thì thơ tứ tuyệt giống như những tác phẩm nghệ thuật, những bức tượng, những phù điêu được chạm khắc điêu luyện, tinh xảo, đặt bên cạnh ngọn cổ tháp tạo nên một "bảo tàng văn hóa" mang phong cách rất riêng của Yến Lan.
Dường như nhà thơ đã tiên cảm một ngày nào đó cảnh chia lìa rồi cũng sẽ đến khi ông thốt lên trong bài "Bình Định 1935":
Không được sống xin cho cùng được thở
Vạn lý tình trong gió ngọt xa xôi...
Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc?". Khi biết cuộc chia lìa sắp tới, lần đầu tiên trong cuộc đời ông hỏi vợ:
- Tôi đi rồi, bà sống ra sao?
Bà Lan trả lời:
- Tôi hưởng lương mất sức trăm mốt một tháng. Ông đi rồi...
Ông nằm lặng đi, lần đầu tiên chạm vào cái nghèo cái khó của người bạn đời khi không có mình chia sớt. Và sông nước bến My Lăng dường như cũng run rẩy trào lên theo.




1 nhận xét:

  “Giữ trên môi nụ cười” – Tuyển tập 40 ca khúc đậm chất trữ tình 11 Tháng Bảy, 2023 Nhân đọc tập nhạc Giữ trên môi nụ cười của Cung Min...