Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Tình yêu, quê hương và thân phận trong ca khúc Trịnh Công Sơn

Tình yêu, quê hương và thân phận trong ca khúc Trịnh Công Sơn 

Nghe nhạc Trịnh Công Sơn, mỗi người nghe mỗi cách. Yêu thích nhạc Trịnh Công Sơn, mỗi người cũng tìm thấy những lý do độc đáo của riêng mình. Và trong mỗi người, cái yêu thích dành cho nhạc TCS cũng không phải luôn luôn cố định.
Hôm qua thích nghe những Ca Khúc Da Vàng. Hôm nay thích nghe những tình khúc Như Cánh Vạc Bay. Ngày nắng có thể thích ngêu ngao đuổi theo giọng hát Khánh Ly với Nắng Thủy Tinh. Đêm mưa có khi bất chợt một mình thì thầm Gọi Tên Bốn Mùa. Lúc tuổi còn trẻ mà đã vội say sưa hát Một Cõi Đi Về. Lúc tuổi đã nghiêng chiều, vẫn còn hứng thú ôm đàn hát lại Diễm Xưa.
Khi vui, lúc buồn, cứ tự nhiên thích nghe thích hát, cùng với mưa nắng mà đan chen, không phân biệt ca khúc ấy thuộc về chủ đề Tình Yêu, chủ đề Quê Hương hay chủ đề Thân Phận (Con Người) như chính Trinh Công Sơn phân loại. Phân loại là để dễ “nghiên cứu” về sau vậy thôi, chứ mỗi khi ôm đàn sáng tác, chắc chắn tác giả chẳng bao giờ nghĩ rằng “tôi viết bài hát này để dành cho chủ đề này, bài kia để bổ sung vào chủ đề kia”.
Nguồn cảm hứng sáng tác tự nó tuôn trào, tùy tâm trạng của tác giả trải qua trong từng hoàn cảnh. Tâm trạng khơi nguồn cảm hứng ấy, có khi “vu vơ” như một giọt nắng, có khi trầm trọng như tiếng đạn bom, có khi trĩu nặng ưu tư như một câu hỏi về cứu cánh trong thân phận của một kiếp người. Những nguồn cảm hứng khác nhau ấy dẫn tới những nội dung sáng tác khác nhau, dĩ nhiên, nhưng không phải lúc nào nó cũng tách bạch rõ ràng từng chủ đề cụ thể.
Nắng Thủy Tinh, Như Cánh Vạc Bay, Nhìn Những Mùa Thu Đi chắc hẳn là những ca khúc thuộc chủ đề “Tình Yêu”. Đại Bác Ru Đêm, Hát Trên Những Xác Người, Gia Tài Của Mẹ ắt hẳn thuộc về chủ đề Quê Hương. Một Cõi Đi Về, Cát Bụi, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, đã đành thuộc về chủ đề Thân Phận (Con Người).

Nhưng có thể thấy, đôi khi, một ca khúc không thuộc hẳn vào một chủ đề nào, mà nó đan chen hòa quyện chi phối lẫn nhau. Thoạt tiên dễ tưởng Nguyệt Ca, Diễm Xưa, Tưởng Rằng Đã Quên, Ru Ta Ngậm Ngùi minh bạch là những tình khúc, nhưng khi chậm rãi suy ngẫm, thấy nó nghiêng về chủ đề “Thân Phận” hơn là chủ đề “Tình Yêu”. (Xem phần tiểu luận về các ca khúc Nguyệt Ca, Tưởng Rằng Đã Quên, Ru Ta Ngậm Ngùi.)
Nói cho cùng, “Tình Yêu” trong ca khúc TCS không thể đứng đơn độc một mình, mà nó phải gắn bó với một giai đoạn lịch sử của “Quê Hương” mà TCS đã sống, và trải dài suốt hành trình của một “Thân Phận Con Người” mà TCS chiêm nghiệm.
Trong ca khúc “Cúi Xuống Thật Gần”, cả ba chủ đề Tình Yêu, Quê Hương, và Thân Phận đều xuất hiện cùng lúc, bộc lộ MỘT loại tình yêu cao cả đứng chon von, vượt lên cao hơn loại tình yêu nam nữ thông thường, vượt xa hơn loại tình yêu quê hương thông tục, và trầm tư sâu hơn về tình yêu đồng loại có thể có, để cứu vớt thân phận con người thoát khỏi những hư mất của u mê.
Nếu Diễm Xưa được sáng tác bằng tâm hồn của tình yêu thuần túy không thôi, có lẽ Diễm Xưa không phi phàm thoát tục như vậy. Một chút tình khởi đầu từ Diễm, tác phẩm đã dịu dàng và âm thầm dẫn dắt thính giả đi xa hơn Diễm rất nhiều. Trong một lần trả lời phỏng vấn khi về thăm lại Huế (năm 2011), chị Diễm (xưa) đã rất khiêm tốn, chân thành và rất “bồ đề” khi nói rằng, trong bài Diễm Xưa, TCS nói về Diễm chỉ một chút thôi và phần lớn là nói về những tháp cổ của cố đô. Tháp cổ của cố đô Huế hay tháp cổ tại những tỉnh thành khác rải rác khắp Trung Việt, dưới mắt một trái tim giàu rung cảm của một Trinh Công Sơn “phi biên giới”, nó tràn ngập những tâm sự u ẩn của Thăng Long Thành Hoài Cổ. Nguồn cảm hứng của Bà Huyện Thanh Quan được lặp lại qua lăng kính âm nhạc TCS. Thử nghe lại Diễm Xưa bằng một cơ quan thính giác khác, mượn trái tim của Bà Huyện Thanh Quan mà nghe, sẽ thấy tâm sự hoài cảm xa xôi man mác phủ đầy cảnh vật cổ tháp.
Khi sáng tác những ca khúc viết về quê hương, chiến tranh, TCS chắc hẳn cũng đã bị thôi thúc từ trái tim cùng loại với Bà Huyện Thanh Quan, thôi thúc từ rung cảm của một con người thuần túy, đặc biệt khơi nguồn từ hoàn cảnh chung quanh. Cả TCS và Bà Huyện Thanh Quan, không ai có đầu óc “hoài Lê” cả. Nội dung mà nó chuyển tải, khác xa với những suy nghĩ của những bộ óc thông thái thông thường. Những bộ óc thì phân biệt chính kiến. Những trái tim thì không đứng về phe phái nào, nó chỉ nhân danh loài người mà phát biểu. Chính vì vậy mà những sáng tác về chủ đề quê hương của TCS đã không làm hài lòng tất cả những bộ óc.
Điều đó, tự nó cũng là một tình huống đoạn trường của thân phận con người vậy. Sống, sáng tác, cống hiến, để làm gì em có biết không? “Để gió cuốn đi.” Tất cả đều lai rai như cát bụi vậy thôi. Đừng kỳ vọng quá nhiều vào những giá trị mà loài người vô vọng vẽ nên.
Đi tìm kiếm một cái gì
Tìm hoài chẳng được mất thì giờ suông
Mất suông ngày tháng tròn vuông
Mối buồn gặm nhấm mất luôn một đời
(Bùi Giáng)
Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận, cả ba chủ đề tuy có phân biệt để mà phân biệt, nhưng đáo cùng vẫn là tiếng hát chung, nằm trong đại nhạc khúc bi hài của thân phận con người. Ngay cả những giòng lôi thôi này, cũng không thoát khỏi vòng tay chi phối của thân phận, thân phận “bi tráng” của con người giữa bể dâu hư huyễn chiêm bao.
Nguyễn Quang Thanh


1 nhận xét:

  Cảm nhận ngàn đêm – Tản văn Trần Thế Tuyển 12 Tháng Bảy, 2023 MỘT Dân gian nói, hoàng hôn là lúc người dương và người âm có thể gặp ...