Thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ
Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì
cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói
khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Kho tàng văn học dân gian Việt Nam luôn là dòng sữa mát lành nuôi dưỡng tâm hồn
chúng ta. Cùng với các thể loại khác, ra đời trong xã hội cũ, ca dao diễn tả
tâm hồn, tư tưởng, tình cảm của nhân dân trong các mối quan hệ lứa đôi, gia
đình, quê hương, đất nước... không chỉ là lời ca yêu thương tình nghĩa, ca dao
còn là tiếng hát than thân cất lên từ cuộc đời xót xa, cay đắng của người Việt
Nam, đặc biệt là của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Trong xã hội phong kiến, người phụ nữ
luôn bị coi nhẹ, rẻ rúng, họ không được quyền quyết định trong mọi lĩnh vực cuộc
sống. Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” đã chà đạp lên quyền sống của họ, đàn ông
được coi trọng, được quyền “năm thê bảy thiếp”, được nắm quyền hành trong xã hội,
trong khi đó phụ nữ chỉ là những cái bóng mờ nhạt, không được coi trọng. Họ phải
làm lụng, vất vả cung phụng chồng con, một nắng hai sương mà cuộc đời thì tăm tối.
Họ phải cất lên tiếng nói của lòng mình.
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Tiếng nói đầy mặc cảm, cay đắng.
Người phụ nữ ví mình như một tấm lụa được người ta bày bán giữa chợ. Thân phận
họ cũng chỉ là vật giữa chợ đời bao người mua. Thân phận họ bé nhỏ và đáng
thương quá đỗi. Hai từ “thân em” cất lên sao xót xa, tội nghiệp. Xã hội lúc bấy
giờ đâu cho họ được tự do lựa chọn, ngay từ lúc sinh ra, được là người họ đã bị
xã hội định đoạt, bị cha mẹ gả bán, họ không có sự lựa chọn nào khác:
“Thân em như con cá rô thia
Ra sông mắc lưới vào đìa mắc câu"
Không một lối thoát nào mở ra trước mắt,
họ cảm thấy cuộc đời chỉ là kiếp nô lệ, bốn phía lưới giăng. Hình ảnh “Tấm lụa
đào”, hay “con cá rô thia” trong hai câu ca dao trên là hình ảnh so sánh nghệ
thuật. Hình ảnh này cho ta liên tưởng tới sự tầm thường, bé nhỏ của thân phận
người phụ nữ: tấm lụa thì đem ra đổi bán, con cá rô thia thì được vùng vẫy đây
nhưng chỉ trong chiếc ao tù. Hình ảnh con cá rô thia cho ta nghĩ đến người phụ
nữ trong sự bủa vây của truyền thống, tập tục, quan niệm phong kiến bao đời hà
khắc, đến hạnh phúc của mình cũng không được quyền quyết định:
“Hòn đá đóng rong vì dòng nước chảy
Hòn đá bạc đầu vì bởi sương sa
Em với anh
cũng muốn kết nghĩa giao hòa
Sợ mẹ bằng biển, sợ cha bằng trời,
Em với anh cũng muốn kết tóc ở đời,
Sợ rằng mây bạc giữa trời mau
tan”...
Bao khát khao bị kìm hãm, hạnh phúc lứa đôi bị rào cản phong tục đè nén, họ ngẫm
mình và cất lên tiếng than cay đắng.
“Thân em như miếng cau khô
Người thanh chuộng mỏng, người khô tham dày”
Câu ca nào cũng đầy ai oán, số phận nào
cũng được ví bằng những thứ bé nhỏ, tầm thường, đó là sự ý thức, sự phản kháng
của những con người triền miên bất hạnh. Họ có quyền được sống, được tự do yêu
đương, nhưng xã hội đã chà đạp lên quyền của họ, chỉ cho họ một cuộc đời lầm
lũi, chua cay.
“Năm nay em đi làm dâu
Thân khác gì trâu
mang theo ách
Năm nay em đi làm vợ
Thân mang cày, dây khiến không biết ai?
Em đi làm
dâu không có mùa nghỉ, chỉ có mùa làm.”
Người con gái trong bài ca dao
H’mông này đang than thân trách phận mình khi “xuất giá tòng phu’’. Họ lấy chồng,
không phải vì hạnh phúc mà để làm một con vật lao động trong nhà chồng, một con
vật suốt đời “theo ách” như trâu mang. Cuộc sống như khép lại trước mắt họ, chỉ
thấy một sự trói buộc đến phũ phàng:
“Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra”
Có khi họ bị chồng đánh đập:
“Cái cò là cái cò quăm
Mày hay đánh vợ mày nằm với ai"
Có khi bị chồng phụ bạc:
“Nhớ xưa anh bủng anh beo
Tay bưng chén thuốc lại đèo múi chanh,
Bây giờ anh mạnh anh lành
Anh tham
duyên mới anh đành phụ tôi."
Ở lĩnh vực nào người
phụ nữ xưa cũng không được quyền hạnh phúc. Cuộc sống không có tự do, tình yêu
không được công nhận, hôn nhân không được định đoạt, quan hệ vợ chồng không được
tôn trọng... Ở mặt nào họ cũng bị vùi dập xô đẩy, cũng không được quyền lên tiếng
lựa chọn. Đến cả sự tỏ bày tình yêu cũng vô cùng tội nghiệp.
“Thân em như củ ấu gai
Ruột trong thì trắng, vỏ ngoài thì đen
Không tin bóc vỏ mà xem
Ăn rồi mới biết rằng em ngọt bùi’’
Ở câu than thân nào họ cũng ví mình thật
tội nghiệp, nào là tấm lụa, nào là hạt mưa, nào là miếng cau khô, rồi củ ấu
gai... thứ nào cũng nhỏ nhoi, tội nghiệp. Hạt mưa thì chẳng biết rơi vào đâu,
miếng cau thì tùy người chọn, còn củ ấu thì có vẻ đẹp bên trong mà không ai biết.
Bài ca dao này là một sự giãi bày của người phụ nữ. Người phụ nữ muốn xã hội
công nhận giá trị của mình, nhưng vẫn đầy tự ti: “Không tin bóc vỏ mà xem,
Ăn rồi
mới biết là em ngọt bùi”.
Một sự mời mọc ngập ngừng.
Có thể nói, những bài ca dao than thân trách phận không chỉ là lời than thở vì
cuộc đời, cảnh ngộ khổ cực, đắng cay, mà còn là tiếng nói phản kháng, tiếng nói
khẳng định giá trị, phẩm chất của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét