Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Vẻ đẹp của tiếng đàn Cổ cầm

Vẻ đẹp của tiếng đàn Cổ cầm
Cầm, kỳ, thi, họa là bốn loại hình nghệ thuật mà người quân tử Trung Quốc từ xưa đến nay đều cần hiểu biết, trong đó Cổ cầm là nhạc cụ mà người quân tử Trung Quốc cổ đại thường mang theo bên mình, là biểu tượng của thánh hiền và quân tử.
Âm nhạc Cổ cầm chứa đựng văn hóa truyền thống Trung Hoa vừa sâu vừa rộng, phản ánh tinh thần yên tĩnh và nho nhã, điềm đạm và trung hậu, theo đuổi cảnh giới tĩnh mịch cao xa. Người xưa trọng phẩm hạnh, mọi việc đều trọng dùng cái tâm, trong đó chuyện học đàn cầm luôn mang theo những gợi mở cho thế nhân.
Sư Văn người nước Trịnh thời Xuân Thu muốn học đàn cầm, chàng nghe nói nhạc công Sư Tương nổi tiếng khi buông tiếng đàn thì chim chóc cũng theo nhịp điệu bay lượn, cá cũng nhảy theo điệu nhạc, thế là Sư Văn liền đến nước Lỗ bái Sư Tương làm thầy.
Sư Tương dạy Sư Văn phối âm, nhưng ngón tay của Sư Văn lại quá cứng, học đến ba năm vẫn không đàn nổi một khúc nhạc. Sư Tương liền nói với Sư Văn: “Con thiếu ngộ tính, học đàn không truyền đến tâm”.
Sư Văn nói: “Con không phải không thể đàn được, không phải không thể diễn tấu hoàn chỉnh một khúc nhạc. Nhưng điều con chú ý không chỉ chuyện điều phối dây đàn, con cũng không chỉ hướng về âm điệu tiết tấu. Thứ con theo đuổi là muốn dùng tiếng đàn biểu đạt tiếng lòng của con!.
Khi con không thể làm cho tiếng đàn chuyển tải nỗi lòng, không cảm ứng được nhạc khí (trong hợp với lòng, ngoài ứng với khí), con không dám buông ngón tay gảy đàn. Mong thầy cho con thêm thời gian xem có tiến triển không.”
Sư Văn hạ quyết tâm hàng ngày chuyên tâm học tập, theo quan niệm dùng tâm để biểu đạt âm nhạc, không ngừng hoàn thiện việc tu dưỡng. Sau một thời gian Sư Văn lại tới bái kiến Sư Tương, Sư Tương hỏi: “Khả năng đàn của con giờ thế nào rồi?” Sư Văn nói: “Đã ứng với tâm, để con đàn thử nhé!”
Thế rồi Sư Văn bắt đầu gảy đàn, đầu tiên tấu vào dây Thương thuộc âm Kim, tiếng đàn nghe có phong vị mùa thu tháng Tám, cảm giác gió thu mát mẻ, cây cối sinh trưởng đơm hoa kết trái.
Đối diện với sắc thu vàng óng ả, Sư Văn lại đàn dây Giác thuộc âm Mộc, tiếng đàn gợi nhớ tháng Hai mùa xuân, gió xuân ấm áp vang vọng bên tai, cỏ tốt hoa nở, dường như vạn vật như thay áo mới.
Tiếp theo Sư Văn lại đàn dây Vũ thuộc âm Thủy, tiếng đàn gợi cảm giác về tháng Mười Một, trong chốc lát cảm giác như sương tuyết giao thoa, dòng Trường Giang đóng băng, khung cảnh sơ xác tiêu điều như hiện trước mắt.
Tiếp theo chàng lại đàn dây Chinh thuộc âm Hỏa, tiếng đàn gợi cảm giác về tháng Năm nắng gắt như đổ lửa, băng cứng tiêu tan.
Khi nhạc khúc đến phút chót, Sư Văn lại đàn dây Cung đứng đầu Ngũ âm, khiến 4 dây Thương, Giác, Chinh, Vũ cùng hòa vào, trong chốc lát xung quanh như có gió nam thổi nhè nhẹ, mây bay lượn lờ như sương từ trời hạ xuống.
Sư Tương vô cùng cao hứng, tán thưởng Sư Văn: “Tài đàn của con quá tuyệt vời! Như đưa người ta vào cảnh thật trước mắt, cảm thụ được vẻ đẹp thực sự của nó!”
Sau này Sư Văn là người nổi danh về âm nhạc một thời của nước Trịnh.
Câu chuyện Sư Văn học đàn cho thấy: Bất luận học nghệ thuật gì, không thể chỉ dựa vào kỹ thuật bên ngoài mà phải lĩnh ngộ từ nội tâm. Cần có tinh thần miệt mài vì chân lý như Sư Văn, quyết chí không nản, đề cao tu dưỡng và ngộ tính. Sự cao siêu của nghệ thuật âm nhạc nằm ở lòng người chứ không ở dây đàn, nằm ở chí người chơi đàn chứ không ở thanh âm, nằm ở “tay chuyển theo tâm”. Phần Hình Nhi Hạ (hậu thiên) thì hầu như ai cũng có thể đạt được; chỉ có Hình Nhi Thượng (tiên thiên), nếu không phải người phi thường thì không thể lĩnh hội được đạo lý phi thường này.
Ý nghĩa của Cổ cầm vượt lên trên âm nhạc thông thường, trở thành biểu tượng về văn hóa truyền thống và lý tưởng nhân cách của người Trung Quốc, nó mang nội hàm về đạo đức, là sự kết nối tâm hồn giữa người với người, là để người ta dùng tâm hồn trong sáng, thiện hảo mà cảm hóa khắp nơi.
 Trí Chân
Tinh Vệ dịch

Theo http://www.daikynguyenvn.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Nhà văn tỉnh lẻ

Nhà văn tỉnh lẻ Mấy tuần liền, nhà văn Ký gần như nhốt mình trong phòng viết, tách biệt hẳn thế giới hiện đại; internet cắt, ti vi cắt, đi...