Thứ Ba, 23 tháng 5, 2017

Trịnh Công Sơn - Viên đá bị bỏ quên của bà Nữ Oa

Trịnh Công Sơn - Viên đá 
bị bỏ quên của bà Nữ Oa
Khi xưa, lúc trời đất mới hình thành nhưng chưa kín hẳn - còn lủng lỗ chỗ nơi này chốn nọ. Ở đỉnh Vô Kê - núi Đại Hoang, tương truyền có bà Nữ Oa luyện ba vạn sáu ngàn năm trăm lẻ một viên đá ngũ sắc để vá trời. Bà chỉ dùng có ba vạn sáu ngàn năm trăm viên. Còn lại một viên bà bỏ quên ở chân núi Thanh Ngạnh. Viên đá này từ khi được luyện đã có nhân tính, ngày đêm buồn tủi khóc than thân phận mình…(Theo huyền thoại Trung Hoa).
Nghe mưa nơi này lại nhớ mưa xa. Nơi này phải chăng là núi Thanh Ngạnh, là đỉnh Vô Kê của núi Đại Hoang trong huyền thoại Trung Hoa, hay là Huế, là Buôn Mê Thuột, là Sài Gòn, là Hà Nội… của nước non nhà?
Thế còn mưa xa?
Không ít người láu táu - như kẻ viết bài này - vội vàng khẳng định: ấy là “Huế của ta,” “Huế của ta.”
Thế là, hẳn nhiên thêm một lần, Trịnh Công Sơn với mắt cười thật buồn, cố giấu đi một ánh mỉa mai, giễu cợt.
Dường như chỉ có một lần Trịnh Công Sơn đã khóc thật sự vì tình yêu. Mối tình trai gái đầu đời tan vỡ. Anh chỉ khóc đến độ Ướt Mi. Bởi tình yêu lúc này, nơi Trịnh Công Sơn chỉ là yêu thầm. Và khi người con gái cụ thể của cuộc tình ra đi, không nhất thiết có sự chọn lựa, trắc trở hay bội bạc gì nơi cô và cũng có thể nàng ra đi tình cờ, tự nhiên như bất cứ một cuộc chuyển cư nào.
Thế là Trịnh Công Sơn đơn độc nhìn về một hướng. Anh đã khóc thầm. Nước mắt làm ướt mi anh. Cả mẹ, cả các em, cả bạn bè thân thiết chẳng ai hay biết gì nếu sau đó không thấy anh ôm ghì cây đàn ghita rung lên từng tiếng nấc.
Phải chăng mối tình đầu ấy chỉ thoáng qua, chỉ lưu lại trong lòng người con trai mới lớn một kỷ niệm đẹp và buồn? Không chỉ có vậy. Mối tình đầu đời của anh cũng sâu nặng như bất cứ mối tình nào sâu nặng nhất trên thế gian này. Niềm đau và nỗi nhớ của anh cũng da diết, cũng quặn thắt, cũng đứt ruột như bất cứ kẻ tình si nào. Chỉ có điều là nước mắt của nòi tình chẳng có sông nào giống biển nào. Hơn trăm năm trước một thi sĩ, đồng thời là một hoàng đế đã hóa điên, hóa dại khi chôn cất một Bằng Phi: Đập cổ kính ra tìm lấy bóng. Xếp tàn y lại để dành hơi. Biến cố ấy nơi Tự Đức là một ngoại chấn. Cơn ngoại chấn chỉ gây cho người chứng một cảm nhận bỏng rát, run rẩy, bàng hoàng. Còn Ướt Mi của Trịnh Công Sơn là một cơn nội chấn. Nước mắt của kẻ tình si trăm năm sau lại chảy vào bên trong. Các nhân chứng cứ ngỡ tình đã qua đi, có ngờ đâu cứ theo thời gian nó thấm, nó ngấm, nó làm tê, làm điếng, làm buốt, làm nhức từng đường máu ống xương, từng làn da thớ thịt, làm nẫu từng khúc ruột, từng xó óc buồng tim đâu chỉ có một mình anh và đâu chỉ có một thời trẻ dại.
Nỗi đau chiếm lấy Trịnh Công Sơn?
Chưa đúng hẳn.
Chính Trịnh Công Sơn đã vồ chiếm lấy nỗi đau làm báu vật, đồng thời làm vũ khí của riêng mình. Lập tức Trịnh Công Sơn hoá thân làm nỗi đau. Nỗi đau chính là bản thể của anh. Nước mắt đã chuyển hoá thành năng lượng, thành sức mạnh khiến người nghệ sĩ nhập thế một cách bi thiết và mỹ lệ trong thế giới bát nháo ta bà này. Mỗi người trong chúng ta, bởi kinh nghiệm đau thương riêng tư của mình, mỗi khi tiếp cận với thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn, đã khám phá, phát hiện và trong chừng mực nào đó đã làm phong phú thêm những lóng lánh sắc màu. Thế là Trịnh Công Sơn đã trở thành người bạn đường của hết thảy chúng sinh giữa trùng khơi nước mắt*.
Sau Ướt Mi, Trịnh Công Sơn đã sáng tác nhiều, rất nhiều tình khúc. Tình khúc Trịnh Công Sơn là tên một tập hợp sáng tác thơ ca của anh. Anh đã dành trọn cả đời mình để ca hát về tình yêu. Chưa đủ, Trịnh Công Sơn còn nói về tình yêu bất cứ nơi nào, lúc nào có dịp. Thậm chí anh còn muốn xây thêm một vườn tình chung quanh ngôi mộ của Mẹ. Từ sau cái lần ướt mi đó, khí hậu siêu thực từng bước thấm đẫm, đầy ắp trong nhạc tình Trịnh Công Sơn. Mới gặp một đôi lần mà Diễm (đã) xưa. Mới chỉ đối mặt mà đã thành trăm năm. Mới cú choáng váng mà đã thấy em trong tiền kiếp và cuối cùng Em cũng là Tôi và Tôi cũng là Em.
Có lúc nào đó, Trịnh Công Sơn sau những ngày dài tự kiềm chế, đã buộc phải giải bày về cái mà anh gọi là “cái ta đáng ghét.” Ai đó? Có thể rất nhiều, đã ngộ nhận anh thế này thế nọ, đã níu anh về phía bên này, đã đẩy anh về phía bên kia, đã choàng hoa hay chụp mũ cho anh. Trong một tình thế mà sau này anh bảo là khắc nghiệt, cũng có thể lâm thời là những mời gọi dịu dàng, những đẩy đưa bóng gió đã làm cho con tim mây nước của anh xao xuyến hoặc đã khiến cho cái trí lau sậy của anh chập chờn nghiêng ngả. Nối Vòng Tay Lớn, Cho Một Người Nằm Xuống, Huế − Sàigòn − Hà Nội… đã được ra đời trong những bối cảnh như thế. Những bối cảnh mà đến một thời điểm thuận tiện, anh lại mỉa mai gọi là “những ngày hét la to đầy nộ khí.” Tất nhiên, anh luôn tìm cách đẩy những âm vang nghịch chọi ấy, những đóa hoa vô thường ấy đi vào lãng quên. Nhưng cái trớ trêu, cái bất hạnh, cái nghiệp chướng của tài năng là bất cứ một hành vi lớn nhỏ nào, có chủ hướng hay không, y cũng không thể chối từ các hệ quả của nó. Khi tình thế khắc nghiệt qua đi, khi giới tuyến lửa đạn chìm khuất, khi triệu triệu vết thương chiến tranh khép lại, khi cảm quan nghệ thuật được cởi trói, khi giá trị nghệ thuật được thử thách, sàng lọc, sáng tạo nghệ thuật được thừa nhận, rồi cuối cùng với năm tháng vang vọng, bay xa hay tiếp tục Vết Lăn Trầm. Anh Trịnh Công Sơn này, dù biển xanh hay nương dâu có thay nhau lấn chiếm, dù anh có nghĩ suy, thời biện thế nào thì Nối Vòng Tay Lớn đối với chúng tôi (không nhất thiết phải là toàn thể), những người cùng với anh cộng nghiệp, cũng là một bài ca toàn bích. Và, Cho Một Người Nằm Xuống cũng là một nốt đẹp được viết thêm vào bản trường ca chiêu hồn vô tận của một đất nước mà chiến tranh là nghiệp chướng ngàn đời. Té ra cái khát vọng tuyệt đối trong khá nhiều trường hợp lại được thai nghén, nuôi dưỡng từ một hiện hữu nhỏ nhắn, một động thái xô lệch, một tình cảm biền biệt phân thân. Tài năng cộng với những cảm xúc chân thật đã giải cứu người nghệ sĩ thoát khỏi những giới hạn thiểu não của cá nhân, nối kết anh trở về hát chung với cộng đồng bài ca chén đắng.
Không đợi đến thế kỷ này, nhân loại mới khám phá ra cái phi lý, cái bất hạnh cùng cực của kiếp người. Không phải những đấng bậc lớn lao như Phật, như Chúa mới cống hiến cho nhân loại những cảm nhận đớn đau khủng khiếp về một Lò cừ nung nấu sự đời, một Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương**. Kinh nghiệm trầm luân chưa hẳn Jesus đã sâu sắc hơn Promété hay Jean Vanjean. Và cũng như thế với Tất Đạt Đa, Kiều, Chí Phèo hay Trịnh Công Sơn.
Khi tiếp cận với số phận Trịnh Công Sơn qua tiếng hát Khánh Ly, chúng ta bỗng thương cho người rồi lạnh lùng riêng, để rồi bị cuốn hút vào thế giới âm nhạc của anh bởi tính cách tân kỳ, độc đáo của ngôn ngữ (ca từ), bởi vóc dáng tiều tụy, đơn độc, lạc lõng, tuyệt vọng của chúng sinh giữa bát quái trận đồ chiến tranh, tội ác, bạo ngược, dối gian, bởi khát vọng hòa bình nóng bỏng và ngọn lửa yêu thương tưởng như hắt hiu mà không bao giờ tắt, giữa cái cõi đời mà đôi tay nhân gian chưa từng độ lượng.
Trịnh Công Sơn đã lượm nhặt ngôn ngữ gần như là tình cờ trên những nẻo đường anh qua. Tưởng như không chọn lọc, không gia công, không đẽo gọt, không điểm tô, đôi khi có thêm bớt, thiếu thừa là bởi đãng trí hoặc bởi xúc cảm sáng tạo hơn là chủ hướng ý thức hay ký ức học thuật nào. Do vậy nếu không nghe hoặc không hát, chỉ đọc Trịnh Công Sơn qua các bản in, chúng ta sẽ bị ngỡ ngàng, bối rối bởi chúng dường như tối nghĩa và đôi khi chẳng có chút gì là thân quen giữa các câu, các từ với nhau. Thế mà những ca từ tưởng chừng như nghịch dị ấy, những cỏ héo, cành trơ, lá úa, những cát bụi mệt nhoài ngu ngơ ấy, những đá cuội lăn lóc ưu phiền ấy, những tà dương mộ địa ấy, những quán không, phố hoang, vai gầy ấy…, sau khi được người nghệ sĩ thả vào chúng những hơi thở thoi thóp theo từng bước rã rời, xiêu vẹo, qua những nẻo trần ai, đã biến thành những âm binh huyền ảo cuốn hút, mê hoặc chúng ta. Phút chốc chúng ta bàng hoàng, run rẩy, ớn lạnh, để rồi cùng với Trịnh Công Sơn cảm nhận đến tận cùng thân phận bi thương của kiếp người qua từng nhịp đổ của Một Cõi Đi Về.
Nhiều người trong chúng ta, kể cả người viết bài này, đôi lúc cũng muốn tranh luận với Trịnh Công Sơn điều này việc nọ. Nhưng đến lúc suy đi nghĩ lại thì thấy rằng đi thách đấu với một người không màng đến võ công như Trịnh Công Sơn thì rõ ràng mình cũng chỉ là kẻ vũ phu. Trịnh Công Sơn không sinh ra để làm người tình của cụ bà logic rạch ròi, khó tính, cũng không sinh ra để chỉ biết ỉ ôi ai oán. Trước sau như một anh cũng chỉ là chị em sinh đôi của cô nàng đa tình đa cảm có tên gọi là cảm nhận sâu lắng hay trực giác thiên phú. May mắn cho anh và cũng may mắn cho những ai mê thích nhạc Trịnh là trực quan sáng tạo nghệ thuật nơi anh, người nghệ sĩ có đôi mắt nhìn sâu vào nội tâm con người một cách nhạy bén và dồi dào đến thế. Có thể nói trong vòng 40 năm cuối thế kỷ 20 tại miền Nam chưa có một nhạc sĩ nào gẫy đúng sợi tơ lòng mong manh mẫn cảm của đông đảo tâm hồn thanh niên đô thị như Trịnh Công Sơn. Trong cái bối cảnh lịch sử khắc nghiệt của cuộc chiến tranh mà trắng đen, thiện ác, địch ta lại cộng cư trong một khung cửa hẹp của một ngôi nhà hình ống sâu hút, cũ kỹ, dột nát, nền móng long lở bởi thiên tai dịch hoạ triền miên như thế, một căn phố không có sân trước, không có ngã sau, thì sự lựa chọn dứt khoát bên này phía nọ quả thật chẳng đơn giản. Trong cái xó xỉnh tối tăm, ngột ngạt khó thở, khó nhận ra như thế, suốt cả thời trai trẻ của mình, con người phiêu lãng Trịnh Công Sơn, vì thiếu một ngõ sau để chiều chiều ngó về quê mẹ, nên con mắt còn lại của một thần kinh bén nhạy, dễ rung động như anh đã buộc phải hướng về nội tâm để mà bản lai diện mục. Thế là, qua lăng kính của Trịnh Công Sơn, dưới (mỗi) vòng nôi mọc từng mộ địa và tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người.
Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng! Nhiều lần Trịnh Công Sơn kêu gọi chúng ta như thế. Thực ra đây là những lời tự bạch, tự trấn an chẳng có lấy một chút cơ may giải cứu nào. Nỗi khổ và bóng tối cứ đeo đẳng, phủ chụp lấy anh. Cuối cùng chính anh đã khẳng định: “Tôi đã mỏi dần với lòng tin. Chỉ còn lại niềm tin cuối cùng vào tuyệt vọng. Có nghĩa là tin vào chính mình. Tin vào cuộc đời vẫn không thể khác.”
Cuộc đời vốn không thể khác. Đến những năm tháng cuối của cuộc phù du, Trịnh Công Sơn mới buồn rầu khẳng định niềm tin của anh qua câu nói tưởng chừng như đơn giản khi mới nghe qua này: “May mắn thay cho chúng ta chăng?” Giả dụ rằng, chỉ giả dụ thôi, nếu niềm tin ấy được xác lập sớm hơn, một thời điểm nào đó từ cái lần Tất Đạt Đa rời gốc bồ đề sau 49 ngày đêm thiền định chẳng hạn, thì hậu thế đâu có những tiếng thở dài đẹp đẽ đến não nùng như thế! Và cũng may mắn cho Trịnh Công Sơn chăng? Bởi mấy ai trong chúng ta được nhiều bạn bè đồng thanh tương khí như anh! Bao lâu nhân loại còn đóng thêm những kệ hàng còn tuyển dụng thêm nhiều tên mãi biện miệng mồm trơn láng ngày đêm lẻm bẻm rao bán đủ thứ mặt hàng: đói kém, chết chóc, thù hận, nô lệ, vong thân, bao lâu chiến tranh khổ nhục còn đeo bám lấy thân phận Việt Nam, bao lâu khát vọng hòa bình và ngọn lửa yêu thương còn rực cháy nơi mỗi buồng tim khối óc chúng ta thì Trịnh Công Sơn vẫn còn đó, cho dù cát bụi rã rời có bay đi.
Tuyệt vọng và yêu thương ít khi cùng ở chung nơi một con người. Nhưng ở Trịnh Công Sơn nó tuy hai mà một. Trịnh Công Sơn đã dành trọn đời mình để mô tả, khúc ca về nỗi đau, về tình cảnh vô vọng của kiếp người và đồng thời kêu gọi chính mình, kêu gọi những ai đồng hội đồng thuyền hãy giữ gìn ngọn lửa yêu thương và thực hiện tình yêu để giảm nhẹ hoặc cứu chuộc một phần khổ nạn làm người. Anh nói: “ Sống giữa đời chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hạn hữu, tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu, để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời.” Điều Trịnh Công Sơn nói đúng sai thế nào chúng ta luôn tự nhủ rằng không nên và không thể tranh luận cùng anh. Tuy nhiên chẳng có ai mà không thừa nhận rằng anh đã chân thật, chân thật tự đáy lòng khi nói mấy lời này. Cứ để cho Lý Bạch tìm trăng đáy nước, cứ để cho chú Cuội đi tìm tiên trên trời [NVS1], và cứ để Trịnh Công Sơn mơ đem tình yêu xóa hận thù. Trăng đáy nước, tiên trên trời − nghệ thuật − trong rất nhiều trường hợp còn hiện thực, đẹp đẽ và cần thiết cho sự thăng hoa tâm hồn nhân loại hơn bất cứ một thiên đường bánh vẽ nào, hơn bất cứ một sứ mệnh khai hoá bịp bợm nào, hơn bất cứ một xác khô học thuyết nào.
Càng tiếp cận với Trịnh Công Sơn, chúng ta càng khám phá ở anh nhiều điều lạ. Ê chề, khốn quẫn, và vô vọng giữa hiện thực tàn nhẫn của nhân gian nhưng Trịnh Công Sơn chỉ khắc khoải, tra vấn, nhớ tiếc về cội nguồn, về tiền kiếp, về một quê hương xưa cũ đã mất, chứ chưa hề một lần anh mơ về kiếp sau, một bồng lai tiên cảnh hay một thiên đường nào ngoài cõi trần ai. Đã đến đây như một khách trọ, một kẻ lưu đày, thì thôi cũng đành ở lại bởi cuộc đời không thể khác. Chỉ còn một lựa chọn, một cách thế duy nhất để làm người là yêu thương. Tình yêu là phương thuốc hồi sinh duy nhất cho mỗi con người và cho cả nhân loại. Đây là niềm tin bất diệt của Trịnh Công Sơn.
Mấy dòng ngu ngơ có thể tạm kết. Khốn nỗi là ở lời mũ, lời mở đã nhắc đến chuyện Nữ Oa đội đá vá trời và chuyện Trịnh Công Sơn nhớ mưa xa nên xin được làm phiền bạn đọc một vài phút nữa bằng mấy mẫu đối thoại thiếu trước hụt sau tình cờ nghe lóm được:
−“… ?”
− “Trịnh Công Sơn xa lạ với tình tự quê hương kiểu con đò, bến nước, cây đa, đình làng, tre xanh, khế ngọt … Thế Huế đối với Trịnh Công Sơn là gì?”
−“Cũng như Buôn Mê Thuột, Sàigòn, Hà Nội hay bất cứ nơi nào anh đi qua, Huế đối với Trịnh Công Sơn cũng chỉ là quán trọ, là chỗ ăn nhờ ở đậu, là một chặng của cõi đi về.”
−“ Nơi nào là mưa xa?”
−“ Đâu phải chỉ có Huế mới mưa nhiều. Trong Trăm Năm Cô Đơn của Marquez mưa còn nhiều hơn Huế gấp bội. Marquez mô tả một trận mưa kéo dài mấy năm liền. Mưa xa của Trịnh Công Sơn là kiếp trước, là ý niệm.”
−“ Nhưng mưa trong nhạc Trịnh Công Sơn đích thị là mưa Huế.”
−“ Vấn đề là ở chỗ đó. Dấu vết Huế trong nhạc Trịnh Công Sơn đâu phải chỉ có mưa, nhất là hoàn toàn không phải mưa đơn thuần là một hiện tượng thời tiết: mưa to, mưa vừa, mưa nhỏ, có mưa, không mưa. Người nghe nhạc Trịnh Công Sơn chẳng khó khăn gì bắt gặp Huế khi anh mô tả một ngày mưa ở Sàigòn. Giai điệu mở đầu trong Mưa Mùa Hạ:
Mưa… mưa… mưa… Sàigòn… mưa…
Chẳng phải là mưa Huế đó sao? Ông thời tiết sẽ cười vào mũi Trịnh Công Sơn khi nghe Mưa Hồng. Mọi sinh vật trước cuộc đối đầu sinh tử với những cơn hồng thủy thường xuyên xảy ra tại Huế không hề biết có một Trịnh Công Sơn với những trời ươm nắng cho mây hồng … em đi về cầu mưa ướt áo… , đường phượng bay mù không lối vào… Nhưng tất thảy nơi nhạc Trịnh Công Sơn từng giọt, từng giọt buốt giá phận mình khi đất trời cùng với nỗi buồn truyền kiếp hồi sinh trở lại. Cuộc hồi sinh bất hạnh này đối với Trịnh Công Sơn và công chúng mê thích nhạc của anh chỉ là sự triển hạn của cuộc trừng phạt trên cây thập giá đời.”
− “Có thể nói thêm đôi điều về đặc chất Huế trong âm nhạc Trịnh Công Sơn?”
− “Ngọai trừ một vài biệt lệ, hầu hết các ca khúc Trịnh Công Sơn đều ít nhiều âm hưởng Huế:
Thứ nhất đó là những giai điệu mượt mà, tha thướt, tinh tế, sang trọng đặc biệt buồn rầu, tê tái, ngày càng ngả về hướng ảo não lâm ly. Đây là những hoá thân của nỗi buồn Nam ai, Nam bằng, Tứ đại cảnh, Chầu văn, văn tế, kinh cầu, lời ru, giọng hò Mái nhì Mái đẩy. Những làn điệu âm nhạc, những thể loại văn chương một thời thịnh hành ở Huế.
Thứ hai là nội dung những ca từ là những tự truyện bằng thơ của một kẻ hát rong kể lể, than khóc về tất cả những nỗi niềm đớn đau, tuyệt vọng, những trầm tư ray rứt, những hoài niệm nhớ nhung về một tiền kiếp và phô bày một hiện sinh bi đát, bế tắc, tối tăm, đày đoạ ở cuối đường nhưng le lói đâu đó là tình yêu là hy vọng.. Bối cảnh ở những tự truyện Trịnh Công Sơn là những đền miếu tàn phế hoang liêu, những tha ma mộ địa, những phố xưa, đường vắng, quán không, những hầm hố bom đạn, những đói nghèo thù hận và nhất là những cuộc tình tan vỡ. Thế giới Huế qui nhập, tích tụ, ám ảnh, kích thích tâm trí anh, khêu gợi óc tưởng tượng và thôi thúc nhu cầu sáng tạo của anh. Kết quả là nhiều tác phẩm Trịnh Công Sơn – Huế đã được thai nghén và ra đời.
Thứ ba là nhân vật chính của những tự truyện này thường có hai: Một là “Tôi,” Trịnh Công Sơn, chủ thể của mọi mối tương liên, mệt mỏi rã rời, bất an. Hai là “Em,” người con gái mình hạc xương mai, vai gầy, tay dài, gót nhỏ, bước nhẹ, mắt buồn xanh mướt. Em bước ra từ một khung cửa hẹp dưới khóm tường vi trong khu vườn xưa mộng mị (như trong truyện liêu trai). Em đi một mình dưới mưa bụi, trăng mờ hay trong nắng vàng, chiều tím, hân hoan hay thấp thỏm, ngẩn ngơ hay xót xa, ái ngại. Còn Tôi (lúc thì) tìm thấy em theo từng gót xa, (lúc thì) xin làm đá cuội lăn theo dấu hài. Tôi và em, những tình nhân một thời Huế đẹp, Huế thơ, Huế xanh xao mộng mị, Huế mong manh liễu yếu đào tơ.
− “ Ngoài đặc chất Huế, trong nhạc Trịnh Công Sơn, yếu tố lịch sử có vai trò gì?”
−“Trong nhạc Trịnh Công Sơn không phải chỉ có chừng ấy đặc chất Huế. Tất cả các đặc chất Huế cũng không dồn cho mỗi một Trịnh Công Sơn. Huế đâu chỉ có cái đẹp của u hoài, mong manh, hư ảo? Nếu Huế chỉ có thế thì Huế đã không còn là Huế. Con người cho dù là ai, y cũng chỉ được sinh ra từ một góc nào đó, vào một thời điểm nào đó trong ngút ngàn lịch sử. Cái tất yếu đã làm khó cho một Trịnh Công Sơn muốn vượt qua giới hạn của bản thân, muốn thoát khỏi những trói buộc phi lý, vô vị, tầm thường của nhân gian. Tha nhân là địa ngục của chính mình. Khái niệm xa lạ này có thể đúng khi “mình” tự thấy cũng là “tha nhân” của bất kỳ ai. Bởi mình với ta tuy hai mà một. Những thông tin triết học qua sách vở, báo chí, trường học đã thâm nhập vào tâm trí của một số bộ phận không nhỏ thanh niên đô thị miền Nam sau 1954, đã cản ngăn họ dấn thân vào chiến hào mà ý thức hệ đã buộc những đứa con dân tộc phải chọn lựa. Một chút hiện sinh, một chút hư vô đã nhiễm nhập vào một phần của đô thị miền Nam, đặc biệt là Huế, mảnh đất màu mỡ của u hoài, mong manh, hư ảo, đồng thời là một tiền đồn về mặt văn hóa trong cái bối cảnh của cuộc chiến tranh giải phóng mà Trịnh Công Sơn và không ít người của thế hệ anh và cả thế hệ kế tiếp, đã chỉ nhìn thấy những hệ quả khốc hại của nó, thay vì nhận biết được mục tiêu tối hậu và ý đồ chiến lược của mỗi bên (Dân Tộc và Ngoại Xâm, Tự Do và Cộng Sản.)
− “Còn một tiếng nói khác của Huế, một sức mạnh khác của Huế, một bản lãnh khác của Huế, một sắc thái khác của Huế mà tự thân mỗi người trong chúng ta vì cơ duyên này nọ hoặc không biết, hoặc chưa biết, hoặc quên đi ít nhiều, hoặc mơ hồ về bản trường ca bi tráng vang vọng từ những anh linh Tày Việt − Mường Mán – Ô Rí – Hoá Châu − Thuận Quảng – Phú Xuân − Huế trên những chặng đường gian khổ của cuộc trường chinh mở cõi, giữ nước, khẳng định bản lĩnh, xác lập bản sắc, thăng hoa phẩm giá làm người…”
− “Nghĩ như thế nào về những ca khúc kêu gọi hoà bình của Trịnh Công Sơn khi cả nước đánh giặc từng ngày?”
− “Hãy tin vào khát vọng hoà bình và kêu gọi yêu thương da diết nơi những nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, bởi trước đó, chúng ta đã từng tin vào khát vọng ấy, tình thương ấy nơi cậu bé làng Gióng. Hơn ai hết, chúng ta biết khát vọng Hoà Bình, khát vọng được yêu thương nơi Gióng mãnh liệt biết dường nào. Gióng còn quá nhỏ để ôm ấp mộng anh hùng. Gióng cũng chưa biết nói, biết đi để làm một kẻ du ca. Vậy đó mà cậu phải vươn vai đứng dậy, làm lính, bởi cậu biết chắc là kẻ xâm lược đâu để yên cho mẹ ngồi ru con đong đưa vọng buồn, đong đưa vọng buồn. Ngàn đời sau trong tâm hồn dân tộc, cậu là Thánh Gióng. Bởi cậu đã cỡi ngựa bay về trời khi yên giặc. Nói như ngôn ngữ ngày nay là cậu đã tự về hưu ở tuổi lên bốn bởi cậu đã dồn hết tinh lực cho cuộc chiến tranh vệ quốc. Cậu không muốn ở lại để chia chác phẩm hàm, cò kè danh lợi. Cậu không muốn mình trở thành cái cớ để Trịnh Công Sơn hát mãi bài ca Biết Đâu Nguồn Cội hoặc gia tài của mẹ một lũ lai căng, gia tài của mẹ một lũ bội tình…”
Câu chuyện tôi nghe lóm chưa hẳn đã chấm dứt, bởi cả hai, người thì còn nhiều khúc mắc, kẻ thì chưa nói hết những điều muốn nói! Dù tôi rất muốn nghe thêm nhưng đành tạm gác. Có biết bao nhiêu điều tôi chưa biết về đất nước mình, về dân tộc mình, về Huế của những cực đoan, về tâm hồn, về âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Thế mà đành phải tạm gác, bởi tôi không thể nào quên, cho dù Nữ Oa đã chẳng còn nhớ về một viên đá lạc loài – Trịnh Công Sơn. Viên đá đã được luyện nên để thực hiện một ý đồ ngông cuồng đội đá vá trời.
Tâm hồn nhân loại sẽ nghèo khó, teo tóp đi rất nhiều nếu không có những hoài bão, những khát vọng kiểu Nữ Oa ấy. Những mảng trời lủng của Nữ Oa, chắc chắn đối với tôi, chưa khủng khiếp bằng sự đổ vỡ, rách nát tang thương, tăm tối nơi tâm hồn nhân loại ngày nay.
Vá trời, kêu gọi yêu thương, quên đi những tị hiềm, có chút gì đó đồng điệu giữa người phụ nữ trong huyền thoại và chàng du ca lảo đảo bên những thành quách điêu tàn.
Cái ác đang ngụy trang, rình rập, tấn công chúng ta từ mọi phía. Chính nó − Cái Ác − đã phong thánh*** cho người nghệ sĩ có trái tim nhân hậu, kẻ đi mãi giữa cõi người với một hành trang duy nhất là cây đàn và tiếng hát yêu thương.
Ghi chú: những chữ in đậm là tên nhạc phẩm, ca từ, lời văn của Trịnh Công Sơn đặc biệt từ tuyển tập: Những Bài Ca Không Năm Tháng, Nxb. Âm Nhạc, 1998.
* Lấy ý từ tuyên ngôn của Phật Thích Ca: Nước mắt chúng sinh đổ đầy bốn biển.
** Trích thơ Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều (Cung Oán Ngâm Khúc)
*** Lấy ý từ định nghĩa của Marx về tôn giáo: “…là lương tâm của một thế giới không có lương tâm, là tiếng kêu đau thương, phẫn uất trong một xã hội đầy rẫy cả bất công và áp bức…”.
Huế, tiết Hàn thực Tân Tỵ 
Chu Sơn 
Theo http://www.lien-hoa.net/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Hồn làng – Chùm thơ của Ái Nhân 13 Tháng Ba, 2023 Bao mùa người đã đi xa/ Nhớ không hoa gạo làng ta vẫn chờ/ Ngược hồn về giữa giấc mơ...