Ngôi chùa Thiên Mụ quê tôi
Tiếng chuông Thiên Mụ dặn dò,
Em đi: cảnh vắng hẹn hò cùng ai?.
Chùa Thiên Mụ - Photo: Lê Văn Dũng
Tôi còn nhớ hôm nhà tôi bảo vệ luận văn trên đề tài ngôi chùa Thiên
Mụ, nghe các giáo sư trong ban giám khảo và thí sinh vui vẻ tranh luận về mấy
chữ “anh đi”, “em đi”, ai đi, ai đợi, ai hẹn, ai buồn trong câu ca dao quen thuộc,
có lẽ là người đi lại nhiều nhất ngôi chùa nầy trong số các thính giả ở giảng
đường hôm ấy, tôi thầm lặng thú vị thấy ngôi chùa thân thương tuổi trẻ của mình
nay được trình bày trong viện đại học giữa kinh thành ánh sáng Paris. Nói cho
đúng, chùa Thiên Mụ không đồ sộ như đài Borobudur bên Java, bí ẩn như kim tự
tháp Ai Cập, mỹ miều như đền Taj Mahal xứ Ấn Độ, lâu đời như nhà thờ Đức Bà
Paris, … nhưng thiền tự duyên dáng nầy âm thầm quyến rũ khách lại xem, luôn gây
ra một ấn tượng nhớ nhung dạt dào trong lòng người đến viếng. Đừng nói đến những
trai thanh gái lịch đã từng dắt nhau lại vãn cảnh sân chùa, đạp lá vàng khô,
hay ngắm nhìn sông núi, tình tự thề ước, chùa Thiên Mụ luôn vẫn là nơi chứa đầy
kỷ niệm êm đềm, suốt đời khó quên.
Về mặt lịch sử, ngôi chùa nầy là một cơ sở quan trọng của thành Huế
và từ năm 1993, cùng với thành phố, chùa đã được Cơ quan Văn hóa Liên hiệp quốc
công nhận làm Di sản Nhân loại. Thật vậy, được xây dựng trên đồi Hà Khê năm
1601, từ thuở Đoan Quận công Nguyễn Hoàng, năm 34 tuổi, vài năm sau từ ngoài Bắc
vào đây trấn thủ, chùa trở thành nhà thờ chính thức của triều Nguyễn. Liên tục
chứng kiến những bước thăng trầm, những thời thịnh suy của vương triều cuối
cùng nước ta, góp phần vào cuộc phát triển Phật giáo ở Việt Nam, chùa Thiên Mụ
đã để lại nhiều tài liệu trong sách sử, tuy ngày nay lắm nhà học giả đang còn
suy luận, bỏ công tìm hiểu nhiều chi tiết ngay tại chỗ. Ngay tên ngôi chùa đã
là một huyền thoại có ý nghĩa. Từ lâu, năm 1719, Bảng Trung Hầu Nguyễn Khoa
Chiêm (1659-1736) đã có viết trong cuốn Nam triều công nghiệp diễn chí: ”
….Đêm hôm ấy bỗng có một người đàn bà trông thể sắc thì còn trẻ, nhưng mày tóc
bạc phơ, mình vận áo đỏ quần xanh ngồi dưới chân đồi than vãn, rồi cất tiếng to: đời sau nếu có bậc quốc chủ muốn bồi đắp mạch núi để làm mạch cho Nam triều,
thì nên lập chùa thờ Phật, cầu thỉnh linh khí trở về nơi núi này để phúc dân
giúp nước, tất không có gì phải lo…Người đàn bà ấy nói xong liền biến mất….”
Non 200 năm sau, năm 1910, ..trong bộ Đại Nam nhất thống chí, cũng có kể lại sự
tích nầy. Tuy lời của người đàn bà có phần khác ” …Sau sẽ có vị chân chúa đến sửa
sang dựng lại chùa nầy, tụ linh khí để giữ vững long mạch cho được bền vững.
Nói xong thì biến mất, nhân đó mà núi nầy được gọi là Thiên Mụ sơn . Chúa thượng
cho rằng đất nầy có linh khí, bèn dựng chùa gọi là Thiên Mụ tự….” nhưng không
ngoài mục đích của các vua chúa Nguyễn dựa vào thiên nhiên, thần thánh để hợp
pháp hóa bá quyền của mình, tin tưởng ở lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh
Khiêm (1491-1585) : Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân.
Đồi Hà Khê nằm về phía tây thành phố Huế, khoảng 6km, trên bờ tả ngạn
sông Kim Trà hay Linh Giang tức là sông Hương bây giờ, hướng về dãy Trường Sơn
hùng vĩ, còn mang những tên Hương Oản, Uyển Sơn huyền bí, được xem như điểm sơn
triều thủy tụ giữa sông và núi, nơi phát xuất một nền văn hóa Phú Xuân phong
phú lưu truyền mấy trăm năm. Tục truyền Cao Biền (821-887), thuở làm tiết độ sứ
Giao Châu, đi ngang qua đây thấy cánh đồi giống như một đầu rồng trong thế long
hồi cố tổ khoa địa lý phong thuỷ, bèn cho đào núi cắt đứt long mạch, cố ý yểm
phá một sự nghiệp lớn có thể bột khởi trong tương lai. Dân địa phương trước kia
đã có dựng trên nền một tháp Chăm cũ một thảo am thờ tự mang tên chùa Thiên Mỗ,
nóc ở đỉnh núi chân gối dòng sông. Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1525-1613) nắm cơ hội
tự xưng mình là chân chúa, liền cho lấp núi, dựng lên nền cũ thảo am ấy một
ngôi chùa đặt tên chùa Thiên Mụ, trên bản viết Thiên Mụ Tự, cầu thỉnh linh khí
trở về nơi núi nầy để bảo toàn long mạch, phúc dân giúp nước. Hành động khôn
ngoan của Nguyễn Hoàng không những đem lại an cư lạc nghiệp cho dân quanh vùng
Hóa Châu mà còn làm thành điểm phát xuất một vương triều Nguyễn trước 13 đời
chúa, sau 9 đời vua, thống nhất đất nước thu về một mối. Chỉ một đời sau, trong
thời chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên (1614-1635), dân cư đã đến đông đúc quanh
vùng. Nhưng phải đợi đến đời chúa Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) mới lại
nghe nói đến chùa với kỳ trùng tu năm 1665, vào lúc thiền sư Tạ Nguyên Thiều
dòng Lâm Tế từ Quảng Đông đến hoằng dương Phật pháp ở Đàng Trong và qua trù trì
chùa Hà Trung ở huyện Phú Lộc dưới đời chúa Nguyễn Phúc Thái (1650-1691).
Phật giáo chỉ phát triển mạnh mẽ từ đời Quốc Chúa Minh Vương Nguyễn
Phúc Chu (1675-1725) là người có tiếng mộ đạo. Năm 1695 chúa mời Thạch Liêm Hòa
Thượng tức Đại Sán Hán Ông lại ở chùa tám tháng. Theo miêu tả của hòa thượng,
chùa Thiên Mụ hồi ấy là đã là điện đài tuy lợp tranh, tường vách ván đố, nhưng
kèo, cột, rui, mè bằng gỗ quý, chạm trổ hoa văn theo phong cách mỹ thuật truyền
thống, quanh vườn trồng cây cổ thụ. Năm 1710, chúa cho đúc chuông lớn cung phụng
Tam Bảo, nhân tứ nguyệt Đản nhật, tức lễ Phật đản tháng tư năm Canh Dần. Năm
1714, chúa cho san bằng đỉnh đồi Hà Khê, huy động quan chức, tuyển chọn quân
lính, tìm gỗ đá ở các tỉnh về chạm trổ, sửa chữa chùa rộng đẹp trong hơn một
năm. Chính ngay chúa đã thống kê những điện lầu xây dựng sau thời kỳ trùng tu
trong một tấm bia đá cẩm thạch đặt trên lưng tượng một con rùa: ” Từ cửa núi
đi vào có đìện Thiên Vương, điện Ngọc Hoàng, bảo điện Đại Hùng, nhà thuyết
pháp, lầu Tàng Kinh. Hai bên là lầu Chuông và lầu Trống, rồi điện Thập Vương,
nhà Vân Thủy, nhà ăn, nhà tọa thiền, rồi điện Đại Bi, điện Dược sư, nhà ở của
chư tăng, nhà trọ cho khách, không dưới vài mươi sở.
Bên sau là vườn Tì Da, trong vườn có nhà Phương trượng, và các chỗ cũng không dưới vài chục sở. Tất cả đều sáng chói rực rỡ, khiến cho người xem phải kinh ngạc sợ hãi. Thật là một tòa Quang Minh trong thế giới toàn sắc vàng rực vậy.” Chúa đổi tên chùa thành Thiên Mụ Thiền Tự. Tuy là quốc tự và là nơi thừa tự dòng họ các chúa Nguyễn, sau chúa, chùa bị bỏ hoang, gỗ hư mọt, ngói lỡ sụt, và qua năm 1775, lúc Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) chạy trốn vào nam, kinh thành Phú Xuân bị quân Trịnh tàn phá thì chùa hoàn toàn đổ nát, kinh luận hủy hoại tiêu tán. Thời Tây Sơn (1786-1801), Phan Huy Ích (1750-1822) đã từng đau lòng trước cảnh hoang tàn lạnh lẽo (1788): Am xưa nay biển tế đàn, Chùa xưa thờ Phật nay toàn để xe.
Bên sau là vườn Tì Da, trong vườn có nhà Phương trượng, và các chỗ cũng không dưới vài chục sở. Tất cả đều sáng chói rực rỡ, khiến cho người xem phải kinh ngạc sợ hãi. Thật là một tòa Quang Minh trong thế giới toàn sắc vàng rực vậy.” Chúa đổi tên chùa thành Thiên Mụ Thiền Tự. Tuy là quốc tự và là nơi thừa tự dòng họ các chúa Nguyễn, sau chúa, chùa bị bỏ hoang, gỗ hư mọt, ngói lỡ sụt, và qua năm 1775, lúc Định Vương Nguyễn Phúc Thuần (1754-1777) chạy trốn vào nam, kinh thành Phú Xuân bị quân Trịnh tàn phá thì chùa hoàn toàn đổ nát, kinh luận hủy hoại tiêu tán. Thời Tây Sơn (1786-1801), Phan Huy Ích (1750-1822) đã từng đau lòng trước cảnh hoang tàn lạnh lẽo (1788): Am xưa nay biển tế đàn, Chùa xưa thờ Phật nay toàn để xe.
Khi Gia Long (1762-1820) lên ngôi (1802), nhà vua đợi đến năm 1815
mới cho sửa chữa chùa. Bửu điện Đại Hùng được xây lại nhưng vẫn giữ chổ cũ từ thời
Nguyễn Hoàng, vua cho xây thêm các điện Di Lặc, Quán Âm, Thập Vương, Tàng Kinh
Lâu, Lôi Gia, lầu Chuông, lầu Trống hai bên Nghi Môn. Năm 1825, vua Minh Mệnh
(1791-1841) lại cho sửa chữa tiếp rồi nhiều lần cho thiết trai đàn. Việc làm
đáng kể của vua Thiệu Trị (1807-1847) là cho xây tháp Phước Duyên năm 1844-1845
“Ta vốn chẳng phải kẻ sùng đạo, chỉ vì sủng nguyện của dân nên cho lập chùa mà
thôi”. Ngày nay, tháp thờ Phật nhưng nghe theo di chiếu của vua Minh Mệnh thì
phải là một công trình hỗn hợp hài hòa tam giáo và tín ngưỡng dân gian. Ngoài
ngôi tháp, nhà vua đã cho sửa chữa nhiều, xây điện đài mới vào thay thế những sở
nhà hư sập. Trước ngôi tháp được dựng đình Hương Nguyện trên nóc có pháp luân
luôn quay theo chiều gió, hai bên có hai bi đinh hình tứ giác, từ bến sông đi
lên có bốn trụ hoa biểu rất cao. Nói chung kiến trúc chùa đã thật hoàn hảo và gần
giống như ngày nay trừ vài thay đổi. Đồng thời vua cũng cho tổ chức nhiều lễ lớn,
Lạc thành, Đảo vũ, Vu lan. Trong bảng kê 20 thắng cảnh đất Thần Kinh kèm theo
20 bài thơ ca tụng, chùa Thiên Mụ qua bài Thiên Mụ chung thanh được sắp số muời
bốn. Gió đưa cành trúc la đà, Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương. Mỗi lần
lên chùa với con, em, gia đình, vua hay làm nhiều bài thơ, cho khắc vào bia đá.
Năm 1862, vua Tự Đức (1829-1883) sợ chữ Thiên phạm đến Trời nên cho đổi tên
Thiên Mụ Tự ra Linh Mụ Tự, hy vọng có con nối dõi, từ đấy dân gian có hai danh
từ để gọi chùa. Năm 1899, vua Thành Thái (1879-1947) lại cho sửa chữa, năm 1920
cho dựng bia ghi bài thơ ca tụng vẻ đẹp của chùa. Nói chung, người nhiều kẻ ít,
phần lớn các vua chúa nhà Nguyễn đều có lo chăm sóc ngôi quốc tự nầy.
Ngày nay, đi bộ từ thành phố lên chùa, khách hết còn phải len lóc cây cối hoang rậm như thuở trước, gần đây cũng hết được dạo xem những quán hàng dọc lòng sông được giải tỏa, chỉ còn ngắm nhìn phong cảnh sông nước bao la, xa xa những dãy núi Xước Dũ, Kim Phụng yên lặng soi bóng sông Hương. Tuy nhiên, nếu tò mò tìm thì còn thấy đuợc cổng vào ngôi nhà-vườn truyền thống An Hiên của bà Lan Hữu nay được ghi làm Di tích quốc gia, viếng thăm trong khu Đại Chủng viện Kim Long ngôi mộ của cha Léopold Cadière (1869-1955), người đã khảo cứu sâu rộng văn hóa Phú Xuân và đóng góp nhiều trong hội Đô thành Hiếu cổ Association des Amis du vieux Hué. Lại gần thì từ xa đã thấy bóng tháp chùa thấp thoáng sau mấy hàng cây. Rõ ràng hơn là đến chùa bằng đò, nhìn từ sông tháp không bị che. Chỉ khi cập bến, nếu khách lại mùa hè thì mục kích được những cánh hoa phượng đỏ chói làm tăng vẽ cổ truyền của ngôi tháp rêu phong. Leo lên mấy tầng cấp, sau hai trụ đá, khách bước vào khuôn viên chùa qua bốn trụ biểu cao gần 8m, có gắn gạch hoa tráng men, với bốn vế đối của vua Thiệu Trị đánh dấu “ngự chế” phát huy tinh thần Phật giáo “dạy dỗ cho muôn loài biết đạo”. Sau những trụ biểu một sân cỏ có viền mép đá thanh là nền cũ đình Hương Nguyện được dựng vào những năm 1844-1845 nghĩa là đồng thời với bửu tháp Phuớc Duyên nhưng bị trận bảo năm Thìn (1904) đánh đổ, sau nầy được cất lại phía sau điện Đại Hùng. Gọi là đình vì không phải nhà thờ, cũng không phải đình làng mà là nơi nghỉ chơi của nhà vua. Hai bên nền là hai bi đình, nhà vuông xây gạch, nền ghép đá thanh : bia phía đông kể chuyện dựng tháp Phước Duyên, bia phía tây khắc thơ của vua Thiệu Trị vịnh chùa Thiên Mụ. Toàn khuôn viên nầy là một nơi dạo chơi thoải mái, trước mặt có sông Hương êm đềm, những con đò nhỏ lướt nhẹ trên sóng, vào chiều in bóng trong nước, trước dãy núi hùng vĩ bao la, không khỏi gợi trong lòng khách một trạng thái thảnh thơi, nhẹ nhàng nơi chốn Tiên Phật.
Ngày nay, đi bộ từ thành phố lên chùa, khách hết còn phải len lóc cây cối hoang rậm như thuở trước, gần đây cũng hết được dạo xem những quán hàng dọc lòng sông được giải tỏa, chỉ còn ngắm nhìn phong cảnh sông nước bao la, xa xa những dãy núi Xước Dũ, Kim Phụng yên lặng soi bóng sông Hương. Tuy nhiên, nếu tò mò tìm thì còn thấy đuợc cổng vào ngôi nhà-vườn truyền thống An Hiên của bà Lan Hữu nay được ghi làm Di tích quốc gia, viếng thăm trong khu Đại Chủng viện Kim Long ngôi mộ của cha Léopold Cadière (1869-1955), người đã khảo cứu sâu rộng văn hóa Phú Xuân và đóng góp nhiều trong hội Đô thành Hiếu cổ Association des Amis du vieux Hué. Lại gần thì từ xa đã thấy bóng tháp chùa thấp thoáng sau mấy hàng cây. Rõ ràng hơn là đến chùa bằng đò, nhìn từ sông tháp không bị che. Chỉ khi cập bến, nếu khách lại mùa hè thì mục kích được những cánh hoa phượng đỏ chói làm tăng vẽ cổ truyền của ngôi tháp rêu phong. Leo lên mấy tầng cấp, sau hai trụ đá, khách bước vào khuôn viên chùa qua bốn trụ biểu cao gần 8m, có gắn gạch hoa tráng men, với bốn vế đối của vua Thiệu Trị đánh dấu “ngự chế” phát huy tinh thần Phật giáo “dạy dỗ cho muôn loài biết đạo”. Sau những trụ biểu một sân cỏ có viền mép đá thanh là nền cũ đình Hương Nguyện được dựng vào những năm 1844-1845 nghĩa là đồng thời với bửu tháp Phuớc Duyên nhưng bị trận bảo năm Thìn (1904) đánh đổ, sau nầy được cất lại phía sau điện Đại Hùng. Gọi là đình vì không phải nhà thờ, cũng không phải đình làng mà là nơi nghỉ chơi của nhà vua. Hai bên nền là hai bi đình, nhà vuông xây gạch, nền ghép đá thanh : bia phía đông kể chuyện dựng tháp Phước Duyên, bia phía tây khắc thơ của vua Thiệu Trị vịnh chùa Thiên Mụ. Toàn khuôn viên nầy là một nơi dạo chơi thoải mái, trước mặt có sông Hương êm đềm, những con đò nhỏ lướt nhẹ trên sóng, vào chiều in bóng trong nước, trước dãy núi hùng vĩ bao la, không khỏi gợi trong lòng khách một trạng thái thảnh thơi, nhẹ nhàng nơi chốn Tiên Phật.
Đứng ngay sau nền Hương Nguyện là bửu tháp Phước Duyên, lúc đầu
mang tên Từ Nhân, (người Pháp gọi “tháp Khổng Tử”?) bảy tầng bên ngoài hình
bát giác (tám góc), bên grong hình tròn, cao hơn 20m, kể từ mặt nước sông Hương
thì cao gấp đôi. Ngó lên ngọn tháp bảy tầng, Một đêm em dậy mấy lần nghe
chuông… Tháp có tường bằng gạch nung già để trần không tô, dùng mạch vôi hồ kết
dính, xây trên nền đá thanh cứng với một lớp móng chôn vùi dưới đất không biết
dày bao nhiêu, trông tương tự tháp Chăm. Cả tám mặt đều có lan can, hai cửa trước
và sau, trang trí bằng gạch hoa tráng men Long Thọ hay pháp lam. Mỗi tầng tháp
có cửa tò vò cho ánh sáng lọt vào, cửa tròn thông gió không hoàn toàn cân đối,
lại có hoa văn khác nhau: chữ thọ (tầng dưới cùng), chữ vạn (tầng tư và tầng
trên cùng), hoa thị 4 cánh (các tầng năm và sáu) hay 6 cánh (tầng ba). Muốn lên
tầng trên, khách phải trèo một cầu thang xoắn ốc hướng tay mặt chứ không phải
hướng tay trái như thường lệ. Lên càng cao, tháp càng nhỏ lại nhưng kiến thiết
các tầng đều giống nhau. Cầu thang xoắn ốc không đưa lên đến tầng chót, muốn
lên phải dùng một cái thang gỗ bắc trong một ô cửa và di động được. Nghe nói
lúc trước tầng nầy được bảo vệ chặt chẽ, có ổ khóa do bộ Lễ quản lý! Vậy mà tượng
Phật bằng vàng (nếu có) đặt ở đây vẫn bị mất! Trên cửa tò vò có bức hoàng phi
đề Tự Tại Thiên xác định đây là cõi Trời. Qua cửa tò vò khách được chiêm ngưỡng
vừa một quang cảnh sông núi hùng vĩ chốn đế đô, vừa một bức tranh hữu tình của
đất nước Hương Bình, nơi gặp gỡ sông nước và non cao.
Ở mỗi tầng, một bức hoành phi đặt giữa hai vế đối. Hoành phi tầng
dưới cùng đề tên của tháp: Phước Duyên Bảo Tháp. Lần lượt sáu bức hoành phi
khác cũng có ba hay bốn chữ : Phúc bị quần sinh, Hóa thông vạn loại, Thiện căn
hữu khế, Phước quả thường viên, Cực lạc cảnh, Tự Tại Thiên. Mỗi tầng thờ một
Kim thân Thế tôn, theo bia đá Ngự chế Thiên Mụ Tự, từ trên xuống dưới: đệ nhất
QuáKhứ Tỳ Bà Thi Phật (Vispasin); đệ nhị Thi Khí Phật (Sikhin); đệ tam Ty Xá
PhúPhật (Vessabhu); đệ tứ Câu Lưu Tôn Phật (Krakuchanda); đệ ngũ Câư Na Xá Mâu
NiPhật (Kanakamuni); đệ lục Ca Diếp Phật (Kashyapa); đệ thất Trung Thiên Điền
Ngự Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Văn Phật (Sakyamuni), Tây Phương Cực Lạc Pháp Vương
(Amitabha), bồi chi hữu A Nan (Ananda), Ca Diếp (Kashyapa) tôn giả. Vậy thì có
tất cả 9 hay 10 pho tượng. Dù sao, những tượng nầy bằng vàng (theo tiếng đồn ít
nhất cũng có một pho và bị mất) hay bằng đồng sợ bị trộm cắp nên một dạo được
thỉnh vào thờ ở điện Đại Hùng và thế vào tháp những tượng bằng thạch cao sơn
màu đồng. Hình dạng và y phục các vị Phật quá khứ nầy không mấy khác nhau, tất
cả tóc đen trừ một vị tóc vàng, chỉ phân biệt ở ấn quyết nơi hai tay. Năm 1999
tôi chỉ chụp được ảnh 8 pho tượng nầy. Từ năm 2007, những tượng bằng đồng đã được
thỉnh về lại tháp.
Ngang hàng với tháp, hai bên có hai nhà lục giác xây sớm hơn và
cũng lớn hơn bia đình tứ giác Thiệu Trị. Vách tường bằng gạch, kết dính với mạch
vôi hồ như ngôi tháp, sáu măt nhà có sáu cửa tò vò. Nhà phía đông chứa đựng tấm
bia chúa Nguyễn Phúc Chu kể chuyện xây cất chùa, chạm trổ điêu khắc có mỹ thuật,
được dựng trên lưng một con rùa bằng đá cẩm thạch trắng đẽo gọt sinh động. Viền
bia có chạm ngọn lữa vươn lên và bốn con rồng năm móng chạm trổ tỉ mỉ, toàn
thân uyển chuyển. Đầu bia cũng có chạm mây rồng có đuôi uốn lượn trên làn sóng.
Nhà phía tây là gác treo chiếc chuông lớn gọi Đại Hồng Chung, một kiệt tác về
trình bày mỹ thuật cũng như kỹ thuật đúc đồng thời chúa Nguyễn Phúc Chu. Cao
2,50m, chu vi trung bình 4m, chuông có quai mang hình mãng xà, chim phụng hoàng,
rồng năm móng. Thân chuông có vành rồng, những ô mang chữ thọ, khắc những chữ
Hoàng đồ cũng cố, Đế dạo hà xương, Phật nhật tăng huy, tên người dựng chuông, mục
đích dựng chuông. Phía dưới có hình mặt trời tròn là nơi vồ gỗ đánh vào khi thỉnh
chuông, hai bên có ngọn lửa tóe ra, xa lưỡi gần vầng. Dưới cùng trang trí tám
quẻ bát quái trước miệng chuông chạm trổ hoa văn thủy ba sóng nước trình bày
tinh hoa nên rất linh động. So về cả hai mặt mỹ nghệ và kỹ thuật, Đại Hồng
Chung hơn xa chuông Gia Long trong lầu Chuông cạnh Nghi Môn. Tiếng chuông lại
ngân nga, thanh thoát dễ gợi buồn nơi người nghe. Nghe chuông Thiên Mụ lại buồn,
Ngó về Thành Nội khói tuôn lại sầu…
Sau lưng bảo tháp Phưóc Duyên, vua Khải Định (1885-1925) có cho dựng
năm 1919 một tấm bia nhỏ lộ thiên kể sơ lược sự tích chùa. Ngay sau bia là một
tam quan gọi là Nghi Môn, phía đông có lầu Chuông, phía tây có lầu Trống. Rộng
gần 5m, dài gần 15m, cao gần 4m, trần bằng gỗ, cửa chính vào chùa nầy gồm có ba
gian, có vách phân cách, trong mỗi gian có tượng hai vị Hộ pháp Dharmapala rất
sinh động, dáng điệu, bộ mặt , xiêm áo, giáp trụ khác nhau. Phía trên bên kia cửa
là ba tò vò, ở chính giữa có biển gỗ đề Linh Mụ Tự, chạm hoa văn rồng, nét sơn
son thấp vàng nay đã phai màu, hai biển phía đông đề Đại Từ Bi, biển phía tây đề
Đại Trí Tuệ, đều đắp vôi nổi. Một cái thang dẫn lên lầu, mặt trước đóng đố gỗ,
phiá sau xây vào chùa để trống, nhìn từ dưới chẳng thấy rõ, lên trên lầu khách
ngạc nhiên phát hiện được một tượng Ngọc Hoàng, mặc dầu nghe nói chùa chỉ giữ
lai những hình tượng Phật giáo, bảo vệ đằng sau là một vị Hộ Pháp to lớn, chống
kiếm, uy nghi nghiêm nghị.
Qua khỏi Nghi Môn, khách đạt đến một khoảng trống với ba lối đi và
hai bên hai nhà Lôi Gia, loại miếu thờ đối diện xây năm 1815 dưới đời Gia Long.
Mỗi Lôi Gia chứa ba pho tượng Kim Cương có nhiệm vụ bảo vệ Đạo pháp, đuổi dẹp
ác quỷ. Được đắp bằng đất sét trộn với trấu và rơm, mỗi tượng lớn bằng người thật,
có một thế ngồi, một cách để chân, một ấn quyết hay dụng cụ ở hai tay khác
nhau. Tuy là những vị thần lúc trước mang chùy kim cương Vajrapanis, áo, mão,
hia, giáp trụ, vũ khí, vòng quanh thiên thần, màu sắc tô vẽ sặc sỡ biệu lộ một
sắc thái Trung Quốc. Như để khuyến khích khách gạt bỏ mọi ưu phiền, ác tính trước
khi vào chùa, mỗi vị được trình bày đạp chân lên một con thú nhỏ : cóc, rắn, khỉ,
hổ, rùa, lân tượng trưng cho thú tính. Như vậy, trước lúc bước vào điện Đại
Hùng tất là cõi Phật, đi ngang trước nhà Lôi Gia, khách mang một đầu óc thư
thái, thanh thảng rũ sạch mọi bụi trần.
Lối giữa từ Nghi Môn dẫn thẳng vào Bảo điện Đại Hùng (người hùng là
đức Phật, có quyền lực chế ngự mọi quỷ sứ), một tòa nhà lớn gồm có hai phần :
tiền đường năm gian hai chái và chính đường, ba gian hai chái họp lại thành bốn
mái, hai mái chồng nhau, nóc chính điện cao hơn nóc tiền đường. Trên nóc tiền
đường có hai con rồng chầu một Pháp Luân trong có chữ Phật. Trên nóc chính điện
cũng có hai con rồng chầu một mặt trời giữa bảy ngọn lửa sắp dọn thành búp hoa
sen trong có chữ Vạn. Hai đầu chái chính điện và tiền đường có hình con dơi gắn
sành mảnh sứ. Trong thiền đường trang trí giản dị, có hai vế đối 12 chữ của vua
Thiệu Trị và hai vế đối 21 chữ của triều đình vua Bảo Đại (1913-1997). Ở chính
giữa, một tượng đồng rất lớn đức Phật Di Lặc Maitreya, tai lớn dài, cao 0m80, đặt
trên một bệ lớn bằng gạch cao hơn 1m. Ngài ngồi vui thích, chân mặt co lên,
chân trái xếp bằng, áo trạc ra cho lòi cặp vú và cái bụng phệ, miệng cười thoải
mái. Treo trên pho tượng là bức hoành phi sơn son chữ lớn Linh Thứu Cao Phong
(đỉnh núi nơi đức Phật chuyển pháp lần thứ hai, giảng bộ Kinh Diệu pháp liên
hoa), thủ bút của chính chúa Nguyễn Phúc Chu, lúc trước treo trong chính điện.
Một bảo vật còn xưa hơn trong tiền đường là cái khánh đồng dài 1m60, rộng 0m55,
treo trên một cái giá gỗ, đúc ở Phường Đúc, trang trí hai mặt : một mặt đề tên
Bình Trung Quán Khánh và niên hiệu Vĩnh Trị nhị niên tuế Đinh Tỵ (tức là 1677)
trọng thu tạo ; mặt kia đề tên người phụng cúng Hội chủ Trần Đình Ân đạo hiệu
Minh Hồng, pháp danh Tịnh Tín, Thập phương công đức và hình sao Bắc Đẩu nằm giữa
nhị thập bát tú, trên một mặt trời với bốn ngọn lửa. Đông Triều Hầu Trần Đình
Ân (1626-1707) là nhạc gia của Nguyễn Khoa Chiêm, cả hai đều làm quan to trong
triệu Minh Vương. Có thể tin là khánh đã được đúc cho chùa Bình Trung và sau
đưa qua chùa Thiên Mụ.
Chính đường hay thượng điện chiếm toàn chiều dài ba gian của điện,
dài 30m, rộng 12m, lúc trước cột, kèo, xuyên, trếnh đều làm bằng gỗ lim, gỗ
sao, nền lát gạch Bát Tràng, từ ngày trùng tu năm 1958, được thay bằng xi măng
cốt sắt. Ở tiền đường khách thấy ngay một bức hoành phi mang ba chữ Đại Hùng Điện.
Trên bàn thờ Phật đặt trong cùng có ba tượng Tam Thế thể hiện Tam Thân, bằng đồng,
giữa là đức Thích Ca Mâu Ni Sakyamuni, bên trái có đức A Di Đà Amitabha, bên mặt
có đức Di Lặc Maitreya, tất cả đều ngồi thiền trên hộp sơn đỏ, hai chân chéo
nhau, mỗi vị một ấn quyết khác nhau. Cơ thể dỏng cao, dáng đầu thanh trên một cổ
dài, những nếp áo che lấp vai chỉ để lộ những nút giây giữ vạt áo dưới,… nhiều
chi tiết kê sắp các tượng nầy trong số hình tượng Phật giáo đẹp nhất ở Việt
Nam. Năm 1999, trước bàn thờ nầy có bảy vị Phật nhỏ cũng bằng đồng, khó thấy,
lúc trước đặt trong tháp Phước Duyên, nay đã được thỉnh về lại tháp. Trước các
vị nầy năm 1999 còn có một tượng đồng Di Lặc tương đối nhỏ hơn và trong tủ kính
tượng đức Thế Tôn Sakyamuni. Hai bên bàn thờ, hai vị bồ tát nắm hoa sen Phổ Hiền
Samantabhadra cỡi con thanh sư bên mặt, vị Đại Thế Chí Manjushri cỡi con sư tử
bên trái, đều được đặt trong tủ kính. Hậu điện chỉ có một bàn thờ Thạch hòa thượng.
Theo các sách xưa, thượng điện còn chứa nhiều hình tượng khác, không thuộc về
Phật giáo như các thần Nam Tào, Bắc Đẩu đã được loại ra. Tượng Ngọc Hoàng ở
Nghi Môn là một tàn tích còn sót.
Sau bảo điện Đại Hùng là điện Địa Tạng Kshitigarbha dài hơn 28m, rộng
gần 20m, xây năm 1815 trên nền điện Di Lặc, với bộ sườn đình Hương Nguyện dời
vào. Dấu tích xưa, gồm có mười sáu cột, bốn cột mệ ỡ giữa, bốn mái, bốn kèo
mái, trần hình bát quái, điện là một lầu vuông, chạm trổ hoa lá hay hình bát bửu
(cây đàn, bầu rượu,…). Khoảng đố giữa các cột được chia thành hộc hình chữ nhật
và ô vuông khắc dưới 96, trên 32 câu thơ bằng chữ Hán của vua Thiệu Trị, chạm
hoa lá mai, lan, cúc, trúc, bút lông, ống sáo, gươm, khánh, đàn,… Điện nầy lúc
trước được thiết kế để thờ đức Quan Công tức Quan Võ, Quan Vân Trường hay Quan
Thánh (thường kèm theo Trương Phi và Quan Bình), không hẳn phải thần Phật giáo,
vì vậy vào khoảng thập niên 50 đức Quan Công được dọn đi và điện được đổi thờ Địa
Tạng là vị bồ tát tự nguyện xuống Âm phủ để cứu khổ cứu nạn những âm hồn đang bị
quỷ sứ đày đọa. Năm 1999, khi chúng tôi viếng chùa, điện để trống không, chỉ thấy
hai chú tiểu ngồi học trên hai cái bàn nhỏ.
Nhà thờ sau cuối khu Thiên Mụ là điện Quán Âm Avalokitesvara, xây
trong lùm cây, từ đời Gia Long. Sân, tầng cấp lọt gạch Bát Tràng, điện dài gần
20m, rộng 13m rưởi, ba gian, hai chái với ba cửa ra vào, hai cửa nách, trang
trí giản dị không có hoa văn. Tượng đức Quán Thế Âm Bồ Tát lớn, bằng đồng, ngồi
trên tòa sen, nét mặt dịu dàng, đặt trước bức hoành phi Quán Âm Điện. Còn có một
tượng Quan Âm bằng đá, thế đứng, đặt trước tượng kia, trong tủ kính, cũng không
kém phần nghệ thuật nữ phái, ngón tay thon dài, tay mặt để thỏng xuống, tay
trái đưa lên ngang ngực, đều có ấn quyết. Hai bên có hai bàn thờ Thập Điện
Vương, mỗi bên 10 vị, 5 vị ngồi trước bằng đất nung sơn vàng, nhỏ, cũ hơn, 5 vị
ngồi sau bằng đất sét nhiều màu, có râu cằm và trêu mép. Áo, mũ giống nhau, mỗi
vị có một bộ măt khác nhau nhưng đều nghiêm nghị như những ông quan ra tòa. Những
tượng nầy có thể thỉnh từ hai dãy Thập Vương ở cạnh và bị phá đổ cùng lúc với
điện Di Lặc. Phía sau điện thờ Địa Tạng, một tượng lớn bằng đồng vàng chói, ngồi
trên ghế, tay trái đặt trên thành ghế, tay mặt một ấn quyết. Rất có thể tượng nầy
lúc trước được đặt thờ trong điện Địa Tạng xây lại trên nền điện Di Lặc .
Vị trù trì sau cùng của chùa lãnh đạo Phật giáo Huế có tiếng tăm là
Hòa thượng Thích Đôn Hậu có phần mộ và ngôi tháp sau cuối khu chùa, núp bóng dưới
nhiều cây yên tĩnh. Một vị tu hành có tiếng khác là Hòa thượng Thích Quảng Đức,
tự thiêu ở Sài Gòn ngày 11 tháng sáu năm 1963, hiện có mặt qua bảng giải thích
bằng hai thứ tiếng Việt và Anh đặt trước một chiếc xe hơi đã chở Ngài. Trong
khuôn viên chùa còn có nhà bếp, vườn rau. Con Rùa Mốc thường được nhắc đến,
ngày nay chỉ còn những đám gạch sụp đổ ngoài tường chùa. Sau cuối chùa còn có
hai ngôi nhà xưa thấp thoáng trong lùm cây gợi lên ý nghĩ quang cảnh của ngọn đồi
khi chùa mới được xây dựng thành. Với một kiến trúc tuyệt diệu, những báu vật mỹ
thuật, chùa Thiên Mụ thật là một kiệt tác nghệ thuật tinh vi vùng Phú Xuân hài
hòa giữa môi trường êm dịu đất Thần Kinh. Tôi rất mừng khi nhà tôi chọn ngôi
chùa quê tôi làm đề tài luận văn vì là một dịp để cô ta tìm hiểu sâu xa hơn tâm
hồn Phật giáo nói chung, phong cách xứ Huế nói riêng, từ đấy tôi cũng hưởng lây
được kiến thức mà cô ta đã gom góp. Khi luận văn được in thành sách (*) bà Hội
trưởng Hội Những Người Bạn Viễn Đông AFAO không ngần ngại cho in dấu của Hội
lên bìa sách với lời giới thiệu cho khách chỉ biết tiếng Pháp cần có cuốn sách
nầy trong tay khi đến viếng Huế.
Tham khảo:
– (*) Vo Quang Liliane, Le temple de la Dame Céleste (Chùa Thiên Mụ) à Hué sanctuaire bouddhique et miroir de l’ancienne capitale du Vietnam, Université de Paris VII 1998, Cahiers de Péninsule 6 2004
– Nguyễn Đắc Xuân, Bốn trăm năm chùa Thiên Mụ, nxb Thuận Hóa Huế 1998
– Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ, nxb Thuận Hóa Huế 1998
– Hà Xuân Dương, Kiến trúc chùa Thiên Mụ, nxb Đà Nẵng 1998
– Phanxipăng, Leo tháp Phước Duyên, Tc Nghiên cứu và Phát triển 3 (80) 2010; Chim Việt Cành Nam 42 2011.
– (*) Vo Quang Liliane, Le temple de la Dame Céleste (Chùa Thiên Mụ) à Hué sanctuaire bouddhique et miroir de l’ancienne capitale du Vietnam, Université de Paris VII 1998, Cahiers de Péninsule 6 2004
– Nguyễn Đắc Xuân, Bốn trăm năm chùa Thiên Mụ, nxb Thuận Hóa Huế 1998
– Hà Xuân Liêm, Chùa Thiên Mụ, nxb Thuận Hóa Huế 1998
– Hà Xuân Dương, Kiến trúc chùa Thiên Mụ, nxb Đà Nẵng 1998
– Phanxipăng, Leo tháp Phước Duyên, Tc Nghiên cứu và Phát triển 3 (80) 2010; Chim Việt Cành Nam 42 2011.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét