Thế là nhạc sĩ Phạm Duy đã đi vào cõi vĩnh hằng vào chiều nay 27.1, để lại một
khoảng trống trong đại gia đình âm nhạc Việt Nam và một “Nỗi buồn sông nước”
vang ra từ những lời ca ông đã viết: “Chiều rơi trên đường vắng
Có ta
rơi giữa chiều
Hồn ta theo vạt nắng
Theo làn gió đìu hiu”…
Nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh do nhà báo Giao Hưởng
chụp tại nhà riêng của nhạc sĩ ở TP.HCM, tháng 10/2012
Ca từ ấy cách đây chưa lâu đã được Phạm Duy nhắc đến khi chúng tôi đến
thăm ông vào dịp kỷ niệm sinh nhật của nhạc sĩ đầu tháng 10.2012 vừa
rồi.
Buổi sáng hôm đó trời Sài Gòn mưa sớm và mưa to đột ngột. Từ trong
nhà, nhạc sĩ Phạm
Duy bước ra gần cửa, đứng trên hàng hiên có lát những viên gạch
đỏ hồng, trông ông vẫn còn “phong độ” trong bộ đồ màu đen và mái đầu bạc trắng.
Vào nhà, ông ngồi trên chiếc ghế nệm khá rộng màu đỏ. Trước mặt chúng tôi là tượng
điêu khắc chân dung ông, trên tường treo bức tranh của họa sĩ Hồ Thành Đức vẽ tặng
ông đã lâu. Cạnh đó có treo bảng danh hiệu “Bàn tay vàng của danh nhân” ông vừa
nhận được hồi tháng 8.2012.
Lúc ấy, chúng tôi không nghĩ rằng ông sẽ ra đi trước Tết Quý Tỵ thế
này, vì tuy đang mang “bệnh tuổi già với nhiều biến chứng” như ông nói, nhưng
trông sắc diện và giọng nói của ông vẫn chưa đến nỗi báo trước ngày “nghìn
trùng xa cách” như chiều nay.
Hôm đó, ông nói về lịch sử âm nhạc lãng mạn của Việt Nam, vui vẻ khẳng
định “mình có thể nói bất tận ngày này sang ngày khác” về đề tài trên. Song lần
đó vào sinh nhật của ông, câu chuyện lại nóng lên quanh “ngày sinh của tình ca”
trong cái “thuở ban đầu” của tân nhạc Việt Nam. Vì ông bảo giai đoạn đó đã xuất
sinh những “hạt mầm” để về sau trưởng thành nên những cây đại thụ của âm nhạc
Việt Nam. Nhưng đâu là cái mốc để đánh dấu?
Ông đưa ra câu trả lời rất nhanh như đã có sẵn trong đầu: “Cái
mốc lớn đánh dấu sự xuất hiện của âm nhạc Việt Nam mà tới nay thế hệ trẻ yêu âm
nhạc ở trong cũng như ở ngoài nước ít khi nhắc đến. Đó là cái mốc tôi khẳng định
không thể quên là vào đầu năm 1938, khi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên lần đầu tiên
đăng đàn lên tiếng vận động cho âm nhạc cải cách tại Hà Nội và Hải Phòng vào
tháng 3 năm ấy. Trong các buổi vận động nhạc sĩ Nguyễn Văn Tuyên đã giới thiệu
ba bài hát của mình là: Bông cúc vàng, Anh hùng ca và Một kiếp
hoa…”.
Phạm Duy nói trong ba bài ấy thì bài Bông cúc vàng sử dụng
thang âm ngũ cung Việt Nam nghe buồn mênh mang. Ông nhận xét bài Một kiếp
hoa mang âm giai thất cung với ca từ thổn thức theo ngọn gió đông mà ông
thuộc lời và nhắc: “Quét tan tành những cánh hoa vô tội – ta tưởng đâu như
những mảnh tình xưa (…) Hoa tan tác lòng ta tan tác – một kiếp hoa, kiếp
người đâu khác!”.
Khi ông nói, ngoài trời vẫn mưa lớn lắm. Ông chợt nhìn vào pho tượng
của đức Quan Thế Âm Bồ tát đặt trước mặt ông, ngay chỗ tiếp khách. Chúng tôi
không hiểu do tình cờ hay do nhắc đến “kiếp người” mà ông nhìn vào pho tượng Bồ
tát Quan Âm cứu khổ cứu nạn như thế. Chúng tôi cũng lặng im một lát nhìn ông, rồi
nghe ông phân tích tiếp rằng hai bài ca cải cách đầu tiên của tân nhạc nước ta
“đều là hai bài ca buồn các ông ạ, nó như một quyến rũ đối với thế hệ sáng tác
những tình ca tiếp đó. Cũng trong thời điểm có các bài nhạc “mở đầu” cho âm nhạc
cải cách (musique renovée) nêu trên, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát đã phổ nhạc những
bài thơ của Thế Lữ như Hồn xuân, Chờ đợi bình minh”, Phạm Duy hồi tưởng.
Ông cũng nhắc đến đỉnh điểm của tình ca “trào lên ngọn” với một loạt
nhạc phẩm lãng mạn tiên phong như Bẽ bàng của Lê Yên và Văn Chung với Biệt
ly, Trở lại cùng anh của Dzoãn Mẫn và tình ca của các nhạc sĩ như Văn Cao,
Lê Thương, Hoàng Quý, Đặng Thế Phong, Hoàng Giác, Nguyễn Văn Khánh, Nguyễn Văn
Thương, Phan Huỳnh Điểu, La Hối, Nguyễn Mỹ Ca…
Ông nói dù đi Mỹ hay đi Tây, dù còn đang trẻ phơi phới hay tóc bạc
trắng như mây, thì ông không bao giờ quên “thuở ban đầu” ấy.
Trong câu chuyện ông nhắc đến xu hướng nhạc yêu nước trong giai đoạn
đầu của tân nhạc Việt Nam lúc phong trào nhạc cải cách đã ra đời và phát triển
từ những năm đầu thập niên 1940 về sau như các bài của Thẩm Oánh: Trưng nữ
vương, Bình Định vương, Hưng Đạo vương – và của Lưu Hữu Phước với: Bạch
Đằng giang, Ải Chi Lăng, Hội nghị Diên Hồng, Nam tiến…
Trong những năm tham gia kháng chiến chống Pháp, ông nói ông vui mừng
được gặp nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát ở Bắc Cạn. Phạm Duy cho biết ông rất
thích bài Gọi nghé của Nguyễn Xuân Khoát sáng tác năm 1947, tác phẩm
này đã đọng lại trong ông rất nhiều, để sau này ông viết một số bài có âm
hưởng dân ca, chẳng hạn như Nương chiều với các câu:
“Lúc chiều về mọc
ánh trăng tơ
cho ngày mùa bài hát nên thơ
ơi chiều
chiều ơi
mái
nhà sàn thở khói âm u
cô nàng về để suối tương tư
ới chiều…”.
Nói tới đó, ông đứng dậy dẫn chúng tôi qua phòng nhỏ bên cạnh chỗ
đang ngồi, chỉ cho chúng tôi xem một số sách về âm nhạc mà ông đã lưu
tâm, sắp xếp cẩn thận trong các lồng kính. Nhìn lên tường, chúng tôi thấy có bức
chân dung của nhạc sĩ Phạm Duy chụp bởi nhiếp ảnh gia Mừng, trên nền bức ảnh có
viết câu: “Mời người lên xe về miền quá khứ”.
Đó là một câu trong bài Nghìn trùng xa cách mà ông bộc bạch
(nói “mình” thay vì “tôi” thân mật): “Mình viết bài này là để tặng cho một người
tình trước khi cô ấy lên xe hoa, cô trẻ hơn mình đến hơn 10 tuổi, lúc mình 28
tuổi cô ấy mới 16 tuổi. Mình viết tới khoảng 50 tình ca cho cuộc tình đó, trong
đó có bài Cỏ hồngvới mấy câu đại ý rước em lên đồi cỏ xanh ngập lối, lấy
khung cảnh từ Đà Lạt những ngày rất mộng kia”.
Rồi ông lại quay về chỗ tiếp khách. Chỗ ấy nhìn thẳng ra cửa có
treo một khung nhạc rất lớn ở phía trên, mà đứng dưới đất nhìn lên, chúng tôi
thấy rõ là bản Tình ca với mấy câu chép khá to giữa các dòng nhạc kẽ:
“Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời – người ơi, mẹ hiền ru những câu
xa vời, à ơi tiếng ru muôn đời”.
Đọc và thầm hát bài nhạc đó, chúng tôi muốn hỏi nhạc sĩ Phạm Duy
đôi điều mà một số nhà văn, nhà báo trước đây ví ông như “người tình già” đã
“trở về mái nhà xưa”.
Ông về Việt Nam đã 7 năm nay và vẫn sống trong căn nhà mà chúng tôi
đến thăm nằm trên đường Lê Đại Hành, Q.11, TP.HCM, trong con hẻm lớn cách đường
lộ đông đúc xe cộ khoảng vài chục mét nên khá yên tĩnh. Ở đó, ông thân mật nói
với chúng tôi “một chút riêng” về lý do tại sao ông trở về Việt Nam. Ông nói điều
đó với giọng trầm buồn, mà tốt hơn hết có lẽ chúng tôi cần để nguyên văn câu giải
thích qua hồi ký của ông.
Ông viết rằng ở Mỹ, ông trầm mình trong cơn buồn bã và nhớ nhung:
“Đó là chưa kể việc tôi thấy tôi đã mất dần cái quần chúng nghe nhạc đáng quý của
thời xưa rồi. Nhạc đứng đắn mang tính chất quốc gia, dân tộc không còn được nhiều
người thích nghe nữa. Lớp người Việt qua Mỹ đầu tiên nay đã già cả rồi, đã yên
phận cả rồi, đã quen với đời sống thầm lặng ở Mỹ rồi. Mang con sang Mỹ chúng trở
thành bác sĩ, luật sư cả rồi, nhưng chúng mời cha mẹ vào ở “nursing house” cả rồi.
Thế hệ thứ hai (second generation) này – đặc biệt là ở Hoa Kỳ
– tức là lớp tuổi 20 còn coi nhạc Việt là một sản phẩm văn hóa rất xa lạ. Chúng
chỉ nghe nhạc Mỹ, âm nhạc Việt Nam bây giờ, than ôi, muốn được nhiều người mua
và nhiều người nghe phải phù hợp với khối óc và con tim của lớp người Việt sang
Mỹ sau cùng. Và nói chung, vì không hay hơn hoặc hay ngang với nhạc thời trước
1975, âm nhạc bây giờ đã xuống cấp. Cũng dễ hiểu thôi, trong môi trường “nhạc
thương mại”, trình độ thưởng thức cùng với bài bản và ca sĩ, cả ba yếu tố này
phải trở thành tầm thường hay dung tục”.
Ông nói buổi đầu về lại Việt Nam, ông rất bất ngờ với cảnh đón nhận
các CD và một số chương trình ra mắt nhạc phẩm của ông phát hành tại Việt Nam từ
TP. HCM, Đà Nẵng, Huế cho đến Hà Nội, với sự chuẩn bị nhiệt tình của Công ty văn
hóa Phương Nam: “Tôi cảm động vì được trở về trong lòng của người yêu âm nhạc tại
Việt Nam, điều ấy tôi không tìm thấy trong những tháng năm xa xứ.
Điều nữa, trong những ngày về lại Việt Nam, tôi nhớ đến vợ tôi là
cô Thái Hằng mà trước đó nếu tôi về sớm hơn thì đã đưa thêm Hằng về nữa và có lẽ
Hằng sẽ rất xúc động đến không ngờ vì khán giả Việt Nam vẫn còn yêu quý chồng
mình. Đối với tôi, Thái Hằng là một á thánh của hạnh phúc gia đình, đã mất ở nước
ngoài vào tuổi 73 vì bệnh ung thư. Nhưng phần nào tôi rất ấm áp khi có mặt ở Việt
Nam để tự giới thiệu về các nhạc phẩm trong CD của mình, không lẻ loi, cô độc
mà bên cạnh có bốn con trai của tôi là Duy Quang hát
các bài trong CD, Duy Cường thì hòa âm chơi keyboard, bên cạnh có tiếng đàn của
Duy Hùng và tiếng trống của Duy Minh hòa vào nữa”.
Trong số những bài ông giới thiệu nhân ngày trở về có một số phổ
thơ của Huy Cận (Ngậm ngùi), thơ Xuân Diệu (Mộ khúc), thơ Hữu Loan (Áo anh
sứt chỉ đường tà), thơ Huyền Chi (Thuyền viễn xứ). Nhân đó ông nhắc, bài
thơ tiêu biểu nhất trong giai đoạn đầu tiên được ông phổ thành ca khúc từ năm
1945 là bài Tiếng thu của Lưu Trọng Lư: “Tôi xem đó như bài hát phổ
thơ thành công đầu tay do mình viết trong cuộc đời làm âm nhạc của mình”.
Ông lại nhắc đến một bài khác cũng của Lưu Trọng Lư đã được ông phổ
nhạc đến nay vẫn còn làm rung động người yêu nhạc: đó là bài Vần thơ sầu rụng với
những câu có thể ứng với nỗi buồn khi ông đã đi xa vào chiều nay:
“Giờ đây trên
sông hoa rụng tơi bời
còn đâu bước chân người
mơ trên đường chiều
rơi”.
“Chiều” đã “rơi”, nhưng tiếng vang của Tình ca, của Hẹn
hò, của Viễn du, của Trường ca Mẹ Việt Nam vẫn còn đó bên lời
vĩnh biệt nhạc sĩ Phạm Duy - cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam.
Trước khi qua đời, nhạc sĩ Phạm Duy đã dành cho Thanh Niên những giây phút trải lòng trong loạt bài 7 kỳ “Phạm Duy và bạn thơ“. Mời độc giả xem thêm:
“Hoàng Cầm dạy cho tôi tình yêu quê hương đất nước. Tôi còn học được ở Hoàng Cầm một tinh thần vững vàng, dù cuộc đời người thi sĩ ấy nhiều lắm những trắc trở và khổ cực”. (Phạm Duy).
Nhà thơ Hoàng Cầm và nhạc sĩ Phạm Duy
Ảnh: nhân vật cung cấp.
Nghìn trùng xa cách
Phạm Duy - Nguyên Thảo
Phạm Duy - Nguyên Thảo
TP. HCM, viết nhanh chiều vĩnh biệt 27/1/2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét