Do tính cách đọc thơ hoàn toàn chủ quan như đã nói ở trên, xin bạn đừng xem đây như một thiên khảo cứu hay một bộ sưu tập về thi ca Việt Nam. Tôi đọc bằng cảm xúc, không đọc bằng kiến thức. Nếu những lời bàn nào đó của tôi đối với một bài thơ mà không đúng ý tác giả thì chẳng có nghĩa rằng tôi hiểu sai đâu, mà chỉ vì tôi đọc thơ tác giả đó bằng cái hồn, cái giọng, cái cảm xúc của tôi đấy thôi. Xin đừng càm ràm, phiền trách. (Vả chăng, này các thi nhân, các bạn có thể nào chỉ tôi làm thơ cách sao mà không bị người khác hiểu sai ý không?) (trích LỜI THƯA của Vĩnh Hảo viết cho các trang "Đọc thơ")
Phù Du
(1953 - 2015)
Nhà thơ Phù Du từ trần ngày 3/1/2015 tại Nha Trang.
Ðây, huyền sử áo trắng của nhà thơ Phù Du (hiện sống ở Việt Nam -không phải Phù Du trùng tên ở hải ngoại) qua bài Án 10, trích từ thi phẩm Bước Nhảy Chập Chùng:
Cô y tá có nụ cười xinh
Ðôi mắt dò hỏi
Mà mũi kim chích thì đau
Ê ẩm mông
Tôi nhìn ra
Bên trong áo choàng trắng
Nụ cười xinh
Giấu kín huyền sử
Hai trái đào.
Màu trắng ở đây là màu trắng bệnh viện. Màu trắng là của Sinh. Màu đen là của Tử. Theo ý thơ của thi nhân là thế.
Thi nhân nằm nhiều ngày ở bệnh viện chờ giải phẫu. Chìm ngập trong màu trắng và màu đen, giữa cơn vật lộn của Sinh và Tử.
Khi mũi kim chích vào biết đau là lúc cõi Sinh đã thắng. Cho nên mới nhìn ra nụ cười xinh, áo choàng trắng, và nhìn sâu hơn nữa là hai trái đào giấu kín. Giấu kín thế mà vẫn thấy được mới tài! Mà thấy như thế thì chẳng phải là thấy bằng mắt mà thấy bằng tâm. Miễn bàn, miễn bàn!
Chẳng hiểu đầu xuân được rời bệnh viện về đến nhà có còn mang theo huyền sử hai trái đào nào trong tâm tưởng không. Chỉ nghe một lời vĩnh biệt buồn vời vợi trong bài Án 14:
Những hoa mai mùa xuân
Vàng khắp các nẻo phố
Riêng em
Một hoa cúc trắng
Nở giữa lòng tôi
Mùa thu xa vĩnh biệt.
Trên đường về, nhớ màu áo choàng trắng ấp ủ huyền sử. Không còn lý do gặp lại. Vĩnh biệt. Chẳng lẽ cái đẹp chỉ đến trong thoáng chốc, giữa cơn đau? Rồi sẽ phai đi những sắc màu trong dòng đời phăng chảy. Chỉ có màu trắng là còn ở lại lâu dài.
Và màu trắng. Thứ màu huyền ảo, xa vời, cũng lung linh trong tâm khảm những thi nhân hơn bất cứ màu sắc nào khác:
Phố rộng mùa xuân xanh vàng đỏ trắng
Xác pháo ven lề
Chân người qua lại nhộn nhịp
Cười nói cười nói
Con chim lẻ loi đậu trên giây điện
Bình thản ngó xuống
Hí trường sặc sỡ hữu tình
Bầu trời xanh thẫm bên trên
Áng mây cuộn dưới trăng mồng tám
Êm đềm tan
Ồ, ai biết?
Nỗi cô đơn trần thế
Nhà thơ cùng đau với trăng
Chất ngọt vàng.
Vậy mà vẫn phải trải dài mười mấy công-án nữa, đóng mở mở đóng với nỗi ngầy ngật của trắng-đen, sinh-tử, cho đến bài cuối cùng, Án 42, mới thật là bềnh bồng phiêu hốt:
Ði vào đêm sâu thẳm
Chạm nhẹ trong tim
Mơ màng suối tóc đổ dài xuống trên nghìn trùng bụi đỏ
Phất phơ hàng liễu thắm
Lộ ánh trăng non
Giữa vầng mây bềnh bồng
Tịch nhiên lay động
Lối đi nhỏ trong vườn
Gót chân dẵm
Ðiệu trường ca của dế
Mở vào đêm sâu thẳm
Cánh cửa hé chờ
Có ngần đốm sao rung
Trên cung đàn vi diệu
Rơi vào đêm sâu thẳm
Rung động khói sương
Ðầu ghềnh cuối bãi
Chim tung cánh theo đàn
Lướt thướt bay giữa mùa về tổ
Trăng non
Ồ, trăng non
Mọc bên trên bầu trời ảo hóa
Sương sa chậm
Ðọng trên bờ mi khép
Hơi thở dài
Ðậu lại bên kia thiên thu.
Nhà thơ Phù Du không phải chỉ làm thơ theo vần điệu tự do như trên. Ông có những bài thất ngôn và lục bát rất tuyệt....
(Đang viết tới đây thì trời đang mưa)
Nhớ tiếng thơ của Phù du qua bài Ðêm Dậy Chợt Nghe Ðàn. Bài này đã được phổ nhạc, nghe tuyệt lắm vì chính lời thơ vốn đã tuyệt rồi. Nơi đây, bạn sẽ thấy rằng tiếng đàn cũng rơi như mưa rơi.
Thử tưởng tượng một người hàng xóm nào đó đánh đàn nửa khuya. Tiếng đàn đi vào giấc ngủ của mình. Hoặc tưởng tượng rằng tiếng đàn ấy ở trong giấc mơ của mình, lay động tâm thức mình. Ðánh thức mình dậy. Mình vẫn nằm im trong chăn, im lặng, lắng nghe:
Ðàn ai tiếng lạnh lùng rơi
Rơi sương xuống cỏ, rơi đời xuống vai
Rơi em xuống cuộc tình dài
Rơi tôi vào cõi gió bay điên cuồng
Ðàn ai tiếng tịch liêu buông
Buông âm xuống nhịp, buông buồn xuống tim
Buông tôi xuống đáy im lìm
Ðóa hoa đêm nở bên thềm phù hoa
Ðàn ai tiếng não nùng sa
Sa em vào bão phong ba dậy rồi
Rồi sa tôi, lại sa tôi
Sa tôi xuống cuối vòm trời lao đao
Ðàn ai tiếng nhọn như dao
Ðâm qua tôi ở nơi nào không hay
Ðâm em qua cuộc tình này
Ðâm con tim nhỏ loay hoay nụ cười
Ðàn ai hay tiếng đàn tôi
Mà vang đến tận cõi người vô tri
Mà kêu tiếng mộng thầm thì
Nửa chừng đêm dậy ầm ì nghe rơi.
Ðàn ai mà tiếng ngậm ngùi
Mà như xé rách đất trời hoang vu
Ðàn ai vang cả thiên thu
Nghìn sau thức dậy, nghìn xưa dội về
Ðàn ai động nhẹ cơn mê
Rụng sầu tôi giữa trời khuya bàng hoàng
Nửa chừng đêm dậy tan hoang nỗi sầu
Ðàn ai như giọng kinh cầu
Ru tôi vào cõi nhiệm mầu vô ngôn
Ðàn ai như nhớ như thương
Tình xưa quạnh quẽ ngỡ chừng còn đây
Ðàn ai rung bóng đêm dài
Giấc mơ còn với cơn say mịt mùng
Ðàn ai lạnh cả hư không
Ồ tôi và cõi phong trần một mai.
Hơi thơ lục bát mà đi theo lối của Phù Du trong bài này thì chẳng chê vào đâu được. Bài thơ (hay tiếng đàn) không những đánh thức mình ra khỏi giấc ngủ, mà còn chạm đến bao kỷ niệm xưa cũ, khơi dậy những bóng hình, những suy tưởng chôn sâu trong tiềm thức. Những niềm đau cũ tưởng chừng đã vĩnh viễn đi vào quên lãng, nay nương theo tiếng đàn nửa khuya hàng hàng lớp lớp sống dậy. Vào giấc nửa khuya ấy, lòng mình thật lắng đọng, không chộn rộn và hời hợt như ban ngày giao tiếp với chợ đời. Lúc đó mình cũng vô cùng nhạy cảm. Dù là tiếng đàn bên ngoài vang đến, hay tiếng đàn từ tiềm thức vọng lại, cũng có thể lay động vào chốn sâu thẳm nhất của tự tâm, mở bừng những cảm quan nhạy bén của mình trước cái vô tận của thời gian và không gian:
Ðàn ai vang cả thiên thu
Nghìn sau thức dậy, nghìn xưa dội về
Một lần trong đời nghe được tiếng đàn như thế cũng tạm gọi là đủ. Mà một lần trong đời, đọc được một bài thơ hay như thế thì con kêu ca than vãn gì nữa. Hạnh phúc quá rồi còn gì!.
Vĩnh Hảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét