Thứ Năm, 4 tháng 5, 2017

Rời khỏi địa đàng hay hành trình chiếm lĩnh trái đất

Rời khỏi địa đàng hay hành trình chiếm lĩnh trái đất
Thế kỷ XX song hành hai giả thuyết về nguồn gốc loài người. Thuyết “Một trung tâm” cho rằng con người hiện nay được sinh ra tại châu Phi rồi lan tỏa ra khắp thế giới. Dựa vào một số chứng cứ khảo cổ và cổ nhân chủng học, thuyết “Đa trung tâm” chứng minh rằng con người xuất hiện ở nhiều nơi trên Trái đất rồi tiến hóa lên. Ở nửa sau thế kỷ, khi nghiên cứu di cốt của người Neanderthal tìm được ở nước Đức, thuyết “Đa trung tâm” thắng thế, gần như thành quan niệm chính thống của cộng đồng khoa học thế giới.
Nhưng trong vòng 10 năm trở lại đây, nhờ những phát hiện đột phá do công nghệ di truyền mang lại, thuyết Nguồn gốc châu Phi được đại đa số giới khoa học ủng hộ.
Nhân đây xin nói qua vài nét về công nghệ di truyền. Khi thụ tinh, mã di truyền của cá thể cha và mẹ được kết hợp trong hợp tử. Tại đây xảy ra quá trình phân ly và tái tổ hợp gen theo mẫu được định sẵn để tạo ra cơ thể mới. Quá trình này giống như trò chơi ghép hình. Nếu mọi mảnh ghép đều được xếp đúng chỗ thì không còn gì để nói. Nhưng thiên nhiên đã gây ra một “trục trặc” tuyệt vời là trong mỗi lần “xếp hình” lại có những mảnh dư ra. Đó là những mitochondrial (mtADN) mang đặc trưng của cá thể mẹ và Y-chromosome mang đặc trưng của cha. Di truyền học gọi đó là gen Adam và Eve. Từ những gen này, người ta nhận diện được thế hệ mới phát sinh, từ đó lần ngược về quá khứ của dòng giống. Hiện tượng này đã giúp cho con người sáng tạo ra công nghệ tuyệt vời, giống như ngồi trong cỗ máy thời gian, bay ngược lại gặp không những tổ tiên xa trăm, nghìn mà còn truy ra vị thái tổ xuất hiện 200.000 năm trước cho đến con khỉ đầu tiên rời cành cây để bước thẳng trên đồng cỏ châu Phi 2,5 triệu năm qua và còn đi xa hơn nữa…
Không chỉ cho biết các thế hệ đã từng sống trước đây, mtDNA và Y-chomosome còn cho biết chính xác địa điểm mà những tổ tiên chúng ta đã sống trong quá khứ. Nhờ vậy, di truyền học giải quyết được nhiều vấn đề từng gây tranh luận. Vai trò của người Neanderthal trong cây phả hệ loài người là một thí dụ. Những người theo thuyết “Đa trung tâm” cho rằng người Neanderthal là tổ tiên người châu Âu và những người đứng thẳng Homo erectus khác là tổ tiên người châu Á. Nhưng từ nghiên cứu gen, phát hiện được rằng, gen của Neanderthal chỉ có vết tích rất mờ nhạt trong bộ gen người hiện đại, vì vậy cùng lắm thì người Neanderthal cũng chỉ là anh em họ của chúng ta. Người ta cho rằng, người Neanderthal có mặt ở châu Âu trước, sau đó người hiện đại Homo sapiens đến và xảy ra hòa huyết ít nhiều giữa hai giống người. Không bao lâu sau, do không thích nghi với khí hậu thay đổi, người Neanderthal tuyệt chủng.
Dựa trên việc truy tìm gen Adam và Eve, các nhà di truyền học đã vạch ra hành trình của con người chiếm lĩnh Trái đất. Theo tiến sĩ Stephen Oppenheimer của Đại học Oxford, tác giả cuốn sách quan trọng Địa đàng ở phương Đông, cuộc hành trình có những bước chính sau:
1. Khoảng 160.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens đã sinh sống ở châu Phi. Bằng chứng khảo cổ học sớm nhất được biết đến là mtDNA và Ychomosome của người cổ được tìm thấy ở Đông Phi.
2. Từ 160.000 đến 135.000 năm trước
Bốn nhóm người săn bắt-hái lượm đi về phía nam tới Mũi Hảo Vọng, tây nam tới Congo Basin, phía tây tới Côte d’Ivoire, mang theo thế hệ thứ nhất của gen mtDNA típ “L 1”
3. Từ 135.000 tới 115.000 năm
Vào khoảng 125.000 năm trước một nhóm tiến về Sahara xanh, đi qua cổng phía bắc, tới sông Nile tại Cận Đông.
4. Từ 115.000 đến 90.000 năm trước
Nhánh đi tới Cận Đông bị tiêu diệt vào 90.000 năm trước. Một đợt băng giá khốc liệt xảy ra ở vùng này và Bắc Phi. Khu vực này sau đó bị người Neanderthal chiếm.
5. Từ 90.000 tới 85.000 năm trước.
Khoảng 85.000 năm trước, một nhóm băng qua mũi của Biển Đỏ rồi men theo bờ phía nam bán đảo A Rập tới Ấn Độ. Tất cả những người sống ngoài châu Phi đều thuộc nhóm này.

6. Từ 85.000 tới 75.000 năm trước.
Từ Sri Lanka họ tiếp tục men bờ Ấn Độ Dương tới phía tây Indonesia, sau đó tiến vào châu Á. Những người còn ở lại thì đi vòng Borneo tới nam Trung Hoa.
7. Từ 74.000 năm trước tại vùng Toba, Indonesia
Núi lửa Toba của Sumatra phun mãnh liệt tạo ra ‘mùa đông nguyên tử” kéo dài 6 năm và tiếp đó là 1000 năm băng hà cùng sự tàn phá đầy bi kịch, tiêu diệt không dưới 10.000 người. Tro núi lửa phủ dày 5 m trên Ấn Độ và Pakistan
8. Từ 74.000 đến 65.000 năm trước.
Theo sau sự hủy diệt của Tiểu lục địa Ấn Độ, con người tới tái định cư tại đây. Những nhóm vượt biển bằng thuyền từ Timor tới châu Úc và từ Borneo tới New Guinea. Lúc này ở những vĩ độ thấp phương Bắc trở nên mát mẻ hơn.
9. Từ 65.000 đến 52.000 năm trước.
Khí hậu ấm lên vào 52.000 năm trước khiến cho những nhóm người từ bán đảo A Rập tiến lên phía bắc, tới vùng Lưỡi Liềm màu mỡ và trở lại Cận Đông. Từ đây họ tiến vào châu Âu qua eo Bosporus vào khoảng 50.000 năm trước.
10. Từ 52.000 tới 45.000 năm trước
Một đợt băng hà ngắn. Người Aurignacian với văn hóa Đá cũ muốn di chuyển từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Bulgaria châu Âu. Đồ đá kiểu mới xuất hiện tại Danube của Hungary sau đó ở Áo.
11. Từ 45.000 tới 40.000 năm trước.
Nhóm từ duyên hải Đông Á di cư vế phía tây qua Trung Á rồi lên Bắc Á. Từ Pakistan họ đi tới Trung Á và từ Đông Dương qua vùng Tebet tiến tới cao nguyên Qinh-hai
12. Từ 40.000 tới 25.000 năm trước
Những người từ Trung Á đi về hướng tây tới Đông Âu, phía bắc tới Vòng Bắc cực và sang Đông Á để bắt đầu tiến về đông bắc lục địa Á – Âu. Thời kỳ này xuất hiện những đồ mỹ thuật, như là Chauvet cave ở Pháp.
13. Từ 25.000 tới 22.000 năm trước
Tổ tiên của thổ dân Mỹ từ Siberia băng qua eo Berinh tới Alaska, theo hành lang băng tuyết tới Meadowcroft trước kỳ băng giá cuối cùng….
14. Từ 22.000 tới 19.000 năm trước
Trong suốt thời kỳ băng hà cuối cùng, phía bắc châu Âu, Á và Bắc Mỹ trở nên hoang vắng, chỉ có từng nhóm người trú tại những nơi ẩn   náu. Tại Bắc Mỹ, hành lang băng bị đóng lại và con đường ven biển bị đóng băng.
15. Từ 19.000 tới 15.000 năm
Thời kỳ băng giá cuối cùng 18.000 năm trước. Tại Bắc Mỹ, phía nam vùng băng, những nhóm người tiếp tục phát triển đa dạng về ngôn ngữ, văn hóa và gen. Họ đi xuống Nam Mỹ. Xuất hiện nghệ thuật đá của thổ dân Úc.
16. Từ 15.000 tới 12500 năm trước
Khí hậu trái đất tiếp tục được cải thiện. Con đường ven biển được mở lại. Con người tới sống ở Monte Verde, Chile khoảng 11.790 đến 13.555 năm trước tính theo C 14. Những công cụ đơn giản bằng đá, đá cuội được phát hiện
17. Từ 12.500 đến 10.000 năm trước.
Khoảng 12.500 năm trước, Bắc Mỹ được chiếm lĩnh lại bởi những người từ phía nam lên và những người sống sót tại chỗ. Tại vùng Cận Bắc cực, 11.500 năm trước, những người sống sót tại khu vực eo Berinh trở thành người Eskimo, Aleuts và người nói tiếng Na-Dene
18. Từ 10.000 đến 8.000 năm trước.
Chấm dứt thời băng hà cuối cùng, mở ra sự phát triển nông nghiệp. Sahara trở thành đồng cỏ xanh. Hươu cao cổ xuất hiện ở Niger. Con người tái chiến đất Anh và bán đảo Scandiavia
Trình bày trên chưa phải là tiếng nói cuối cùng của hành trình tìm lại cội nguồn nhân loại.
 Năm 2005 một nhóm nhà khoa học do tiến sĩ Spencer Wells chủ trì, được tài trợ khoản tiền 41 triệu USD của Hội Địa lý quốc gia Mỹ (Natonal Geographic), IBM và Quỹ từ thiện Waitt Family, tíến hành Dự án Bản đồ gen (Genographic). Công việc dự kiến 5 năm, lấy mẫu máu của 100.000 người trên khắp hành tinh, giải đáp những câu hỏi sau:
* Dân cư cổ nhất ở Châu Phi và bởi vậy cổ nhất thế giới là ai?
* Những đội quân của Alexander Đại đế hành quân theo con đường nào?
* Ai là những người đầu tiên chiếm lĩnh tiểu lục địa Ấn Độ?.
* Có thể thu được DNA nguyên vẹn từ di cốt của Homo erectus và những dạng người khác không?
* Chủ nghĩa thực dân ảnh hưởng ra sao đến những mẫu di truyền học ở Châu Phi?
* Có sự pha trộn nào với gen Homo erectus trong khi người hiện đại lan tỏa khắp Đông Nam Á?
* Có quan hệ nào giữa những mẫu di truyền học của thổ dân Úc và tiếng nói lịch sử của họ?
* Nguyên nhân sự khác nhau giữa những nhóm người là gì?.
Chúng ta hy vọng, hồi sau còn lắm điều hay.
Đó là nói về chung nhân loại, vậy còn người Việt Nam, người Đông Á thì sao? Chúng tôi đã trình bày trong cuốn Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt, ở đây chỉ xin nói vắn tắt.
Rất may cho chúng ta là, cuối năm 1998, nhóm khoa học Mỹ - Trung Quốc do giáo sư Y. Chu dẫn đầu công bố kết quả Dự án Đa dạng di truyến người Trung Quốc (Chinese Human Genome Diversity Project) với những nét chính như sau: “70.000 năm trước, người hiện đại Homo sapiens từ Trung Đông theo đường Ấn Độ-Pakistan rồi men bờ biển Nam Á tới định cư tại miền Trung và Bắc Việt Nam. Nghỉ lại đây 10.000 năm, người tiền sử lai giống, tan tỏa khắp lục địa   Đông Nam Á sau đó một bộ phận di chuyển sang châu Úc và các đảo ngoài khơi. Khoảng 40.000 năm trước, khí hậu ấm lên, người từ Đông Dương đi lên khai thác lục địa Trung Hoa. Khoảng 30 đến 15.000 năm trước, người từ Trung Hoa đi lên Siberia rồi vượt eo Berinh sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Người phía bắc Trung Quốc thuộc chủng Mongoloid phương Bắc. Người phía Nam Trung Quốc và đại bộ phận dân cư Đông Nam Á, Nhật Bản, Triều Tiên thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Trong các dân châu Á, người Việt Nam có đa dạng sinh học cao nhất.”
Dựa trên tài liệu của Y. Chu cùng tư liệu khảo cổ, cổ nhân chủng học cũng như truyền thuyết, lịch sử Việt Nam và Đông Á, chúng tôi đề nghị hành trình của tổ tiên chúng ta như sau:
- Người tiền sử tới nước ta gồm hai đại chủng Mongoloid và Australoid. Họ hòa huyết thành 4 chủng: Indonesien, Melanesien, Vedoid và Negritoid, đều thuộc loại hình Austrloid. Thời gian này mực nước biển thấp hơn bây giờ 130 m. Vinh Bắc Bộ phía nam Hải Nam là đồng bằng Nanhailand, phía nam Đài Loan đến Indonesia là đồng bằng rộng lớn Sundaland. Người tiền sử chiếm lĩnh đồng bằng cây cối xanh tốt, nhiều cá và thú rừng, nguồn thức ăn dồi dào. Nhờ ưu thế lai và thức ăn đầy đủ, người tiền sử sáng tạo dụng cụ Đá mới mà thành tựu ưu việt là chiếc rìu đá cuội mài có vai, công cụ tiên tiến nhất loài người khi đó.
- Lên phương Bắc, người từ Đông Nam Á mang theo rìu đá mài, được gọi là việt. Người tiền sử lấy cái việt đầy tự hào đó đặt tên cho mình với danh xưng người Việt. Khoảng 20.000 tới 15.000 năm trước, từ trung tâm Hòa Bình, người Việt sáng tạo ra giống lúa, khoai sọ, giống gà, giống chó. Những vật nuôi cùng giống cây theo chân người lan rỏa ra khắp Đông Nam Á và lên Trung Hoa. Do sống trong không gian địa lý rộng  lớn, 4 chủng người Việt phân ly thành nhiều nhóm khác nhau, được gọi là Bách Việt. Khoảng 4000 năm TCN, người sống trên đất Đông Á chiếm trên 60% nhân số thế giới. Người Việt phát triển nền nông nghiệp lúa nước ở trình độ cao, giỏi dùng thuyền, làm chủ biển Đông.
- Cũng khoảng thời gian trên, có những nhóm Mongoloid riêng biệt từ phía tây Đông Dương đi lên chiếm lĩnh vùng Tây Bắc Trung Quốc và địa bàn Mông Cổ hiện nay, trở thành tổ tiên những bộ lạc Mông Cổ sống du mục thuộc chủng  Mongoloid phương Bắc.
- Khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ vượt Hoàng Hà chiếm đất   của người Bách Việt. Thủ lĩnh Bách Việt Đế Lai hy sinh,  Đây có thể là cuộc chiến khốc liệt. Nhiều đoàn người Việt phải di tản khỏi lưu vực Hoàng Hà tới Nhật Bản, Triều Tiên, và các đảo vùng Đông Nam Á.
- Chiếm đất phía nam Hoàng Hà, người Mongoloid phương Bắc hòa huyết với người Việt còn ở lại, tạo ra chủng Mongoloid phương Nam, được gọi là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán sau này.
Trong những dòng thuyền nhân lánh nạn, có những con lai Mông Cổ, thâm chí cả những tù binh Mông Cổ. Những người này hòa huyết với người Australia bản địa, tạo ra chủng Mongoloid phương Nam. Đến khoảng 2000 năm TCN, chủng Mongoloid phương Nam trở nên thành phần chủ thể trong cư dân Đông Á. Loại hình Australoid thu hẹp lại, trở thành dân thiểu số.
Dòng thuyền nhân người Việt do Lạc Long Quân dẫn dắt từ lưu vực Hoàng Hà trở về miền Trung Việt Nam, cùng người Việt tại chỗ lập nước Văn Lang. Từ đây, những người Việt hiện đại thuộc chủng Mongoloid phương Nam ra đời, theo thời gian, trở thành chủ thể của vùng đất từ Việt Nam lên tới nước Ngô nước Sở bên sông Dương Tử. Trên đây là thiển ý của chúng tôi rất mong quý vị cao minh chỉ giáo.  
Sài Gòn, tháng 10. 2007
Hà văn Thùy
Theo http://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngôn từ thời "Hội nhập"

Ngôn từ thời "Hội nhập" Có một học sinh trung học đã viết trong bài làm môn sử “Nhà Trần lập một hát-trích với quân Nguyên Mông”. ...