Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

Tiếng đàn bầu

Tiếng đàn bầu
Thấy ông lặng im sau khi đọc thư mời về dự họp mặt với học sinh cũ, bà vợ gàn: - Ông đi làm gì. Ăn một bữa cỗ chạy ba quãng đồng! Con giai: - Thế họ có gửi tiền tàu xe cho bố không? Con gái: - Bố coi chừng cái xương sống của bố đấy. Sáu, bảy chục cây số xe ca thế nào nó cũng hành bố cho mà xem!
Gần 30 năm chưa trở về nơi đã cất giữ những kỷ niệm đẹp nhất của đời dậy học, vì thế, ông vẫn lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi, với tất cả nỗi thấp thỏm không yên của người đã có tuổi, không mấy khi đi xa và cả những gì đang chờ đón ở phía trước.
… Sau phút chào hỏi, tay bắt mặt mừng là những nhận xét:
- Thầy chẳng thay đổi gì mấy.
- Tóc thầy bạc hết cả rồi!
- Đến chúng mình còn có tóc bạc nữa là thầy.
Rồi ông bị đám học trò bắt giải bài toán trí nhớ: Nói tên những người có mặt. Non nửa đời người đã đi qua giữa họ, một vài nét quen quen thấp thoáng hiện ra trong trí tưởng, rồi lại biến đâu mất. Càng lục tìm lại càng không thấy đâu, càng nhìn lại càng lạ. Ông lúng túng xin lỗi và chỉ dám nói tên một hai người trong đó có Hùng, lớp trưởng.
 Hùng xin phép giới thiệu ba người bạn không bao giờ còn về dự những lần gặp mặt thế này: Một người nằm dưới chân núi Bà Đen, Tây Ninh, một người trong một cánh rừng khộp Lào, một người ở Hàm Rồng mà hai bạn được cử đi cùng gia đình đã mang được hài cốt về nghĩa trang liệt sĩ của tỉnh. Chiều nay, thầy trò sẽ đến thăm ba gia đình và ra mộ viếng các bạn ấy. Bây giờ, xin thầy thắp ba nén nhang cho các bạn ấy. Ông thật sửng sốt, khi nhìn vào gương mặt ba người học trò cũ, trên bàn thờ nhà Hùng. Cắm thêm một nén nhang nũa trước tấm ảnh ông cụ thân sinh ra Hùng, vái bốn vái rồi về chỗ họ giành cho mình. Giọt nước mắt hiếm hoi của ông, không phải chỉ vì ba người đã khuất, mà còn vì tình nghĩa những người học trò của ông. Không rõ bằng cách nào mà vừa mới ngồi vào chỗ ông đã thấy Hùng giới thiệu từng người: tên, biệt danh, những đặc điểm hay “chiến tích” của họ thời họ học ông, công ăn việc làm hiện nay, cuối cùng là gia đình. Không một lời nào Hùng nói về mình!

Vừa mới gặp lại, ông đã thấy ngay là mắt Hùng bị hỏng. Nhưng chắc anh vẫn có thể nhận ra người quen, chẳng thế sao anh có thể nói chính xác ai ngồi cạnh ai, bên trái ông là ai, bên phải là ai.
Ông không tiện hỏi, mà cũng không tiện nhìn quá lâu vào mắt anh. Bữa ăn thật vui. Liên ngồi cạnh chồng, gắp thức ăn cho anh, còn anh lại luôn miệng nhắc hai bạn ngồi cạnh ông, gắp thức ăn cho ông.
- Không biết các anh, các chị có nhớ những bữa liên hoan khoai nước, rong giềng ngày nào không nhỉ?
- Thầy còn nhớ nữa là chúng em!
Sau bữa cơm, dù rất muốn ngả lưng, nhưng ông cũng không nỡ đi nằm. Được sống lại  không khí ngày xưa ấy thật là hạnh phúc. Bây giờ học trò khác rất xa học trò ngày ấy. Thấy thầy loay hoay chọn một tư thế ngồi thoải mái, vợ Hùng mang đến một đôi gối trắng tinh để ông kê vào hõm ghế sau lưng. Thế là ông có thể ngả người và duỗi dài đôi chân để toàn thân được ở tư thế như nằm trên mặt phẳng nghiêng. Một cậu bảo Hùng:
- Thầy còn nghỉ lại đây đêm nay, vợ chồng cậu nhường thầy cho chúng mình đã nhé. Mấy thầy trò quây quần bên bàn nước.
- Cho đến bây giờ, dù chỉ là một người dân bình thường, lại tàn tật nữa, nhưng thầy thấy đấy, Hùng vẫn cứ là lớp trưởng của chúng em, như ngày nào.
- Vợ chồng bạn ấy sống hay lắm thầy ạ. Đấy, Liên đang kê dọn, sắp xếp lại các thứ đồ đạc cho đúng với trật tự cố định của gia đình.
- Thế làm sao mắt cậu ấy bị hỏng?
… Ngày ấy lớp ông là mũi nhọn của trường, và Hùng là mũi nhọn của cái mũi nhọn ấy. Anh thông minh, học khá toàn diện và được cái là, nói gì các bạn cũng nghe. Năm 1965, khi cả trường biên chế thành một tiểu đoàn, trong tuần quân sự thì ông được “cất nhắc” lên làm đại đội trưởng phụ trách cả khối 9 (cũ), Hùng phải thay ông đảm đương toàn bộ công việc của lớp như mọi giáo viên chủ nhiệm khác. Vậy mà lớp ông vẫn dẫn đầu toàn trường, trong cả tuần quân sự, mà cao trào là cuộc hành quân cắm trại hơn 10 cây số trong đêm. Nửa năm sau, ông đi bộ đội. Thay ông là một giáo viên dạy Hóa lùn tịt, mày xếch. Trong lần xuống một xe vôi cục cho trường, do thiếu kinh nghiệm tổ chức lao động, cô đã để các em đứng quá gần hố vôi đang sôi sùng sục. Hùng đứng cuối dây chuyền, bị vôi nóng bắn vào mắt. Cả lớp thay nhau đến động viên, chăm sóc, trong đó có hai bạn gái vẫn thầm yêu anh. Sau kỳ thi tốt nghiệp, chỉ còn một cô năng đến thăm. Người đó là Liên, vợ anh bây giờ. Đám cưới họ được tổ chức một năm sau ngày Liên tốt nghiệp sư phạm 10 +1. Tất cả những bạn bè không đi xa đều có mặt, trừ cô bạn gái kia. Năm, sáu tháng trời, Hùng đếm từng bước đi, đo từng gang để xác định khoảng cách, và vị trí của mọi vật trong nhà.

Điều khó hơn vẫn là việc anh tập làm tất cả mọi việc trong nhà mà vợ anh vẫn làm. Đến một lần, Hùng bị bỏng do bắc nồi cám lợn. Liên về khóc ròng: -“Em chỉ làm rốn một tí là xong. Anh đừng để em bị các bạn trách cứ là đã không chăm sóc anh đầy đủ.” Từ đấy, chị cấm anh làm mọi việc, nhưng nào anh có nghe. Song, anh cũng không để xảy ra một “vụ” nào tương tự. Đến bây giờ thì anh đã đảm đang tất cả mọi việc trong nhà: từ gà, lợn (hai con lợn bột), quần áo, cơm nước đến nhà cửa, sân xướng. Đi dậy học về, chị chỉ còn việc làm thêm thức ăn thôi. Chiếc đài bán dẫn, quà của lớp mừng họ ngày cưới những lúc chỉ có một mình, Hùng hay đeo trước bụng để khỏi bị va đập, và cũng không phải vặn to mà vẫn đủ nghe. Pin yếu, người khác đã phải thay rồi, nhưng anh vẫn dùng được hàng tuần nữa. Bọn trẻ hàng xóm thường sang chơi, giúp anh việc nọ, việc kia, hoặc ghi chép hộ anh những gì anh đọc mà chúng cũng không hiểu. Để bù lại, anh hát, kể chuyện cho chúng nghe, giảng toán đố cho chúng. Thỉnh thoảng các cháu lại dắt chú đi chơi đâu đó. Nhưng đi đâu thì đi, anh cũng luôn luôn hỏi giờ để bao giờ cũng kịp về đón chị. Chỉ mới đặt bước thứ nhất lên sân gạch, Liên đã nghe tiếng chồng mừng rỡ: -“Em về đấy à?” chị bước vội vào nhà. Hai vợ chồng dìu nhau vào phòng trong. Anh ôm choàng lấy chị, bàn tay vuốt vuốt mái tóc óng mượt, giọng thì thầm, tuy nhà chỉ có hai người:
- Anh đun nước rồi. Có cả lá sả nữa kia. Sả đi với chanh thơm lắm em ạ.
Có lần, mấy chị em ngồi túm tụm ở một góc phòng hội đồng sư phạm, mấy chị hỏi:
- Như hôm nay mày mặc áo mới, chồng mày có biết không?
- Thế có bao giờ nó khen mày đẹp không?
Liên đỏ mặt – Anh ấy biết chứ, vì chúng em có những quy ước với nhau. Ví dụ, nhà mới có bất kỳ một cái gì, em đều phải nói, tả thật kỹ, và đưa cho anh ấy xem. Em hơi gầy đi, hay hơi béo lên một chút là nhà em biết ngay.
- Mày còn lạ gì, có khi mình gầy người ta lại khen là béo, hoặc ngược lại. Đến tao, mắt thao láo thế này mà nhiều khi nhận xét cũng còn sai nữa là…
Liên cúi đầu, hơi chạnh lòng trước câu nói vô ý của bạn, nhưng rồi cô ngẩng đầu lên, bạo dạn nhìn thẳng vào mắt người hỏi:

- Dạo mới lấy nhau, từ tắm rửa giặt giũ trở đi việc gì cũng phải giúp anh ấy. Còn bây giờ ngược lại… Anh ấy yêu bằng tất cả tình cảm và giác quan còn lại của mình và vì không nhìn thấy nên các giác quan ấy dường như đều nhạy cảm hơn gấp bội. Có lần anh ấy bảo em: “Nỗi bất hạnh của anh là không được nhìn ngắm em hằng ngày, nhưng để bù lại, trong tâm trí anh, em mãi mãi vẫn là cô nữ sinh trung học trong trắng, hồn nhiên, có mái tóc mà cả trường mình không ai có”. Vì thế, mấy chị xui em phi dê, em có nghe đâu. Bây giờ, không mấy ai để tóc dài nữa, thế lại hóa ra độc đáo. Anh ấy chăm chút mái tóc em cứ như là niềm vui, là hạnh phúc của mình vậy. Em tắm gội xong, anh ấy lấy khăn khô thấm từng lọn tóc rồi lại lấy quạt, quạt cho khô. Những sợi tóc rụng anh ấy gom lại, cất đi, lúc em đi làm mới lấy ra chải cho mượt rồi buộc lại treo ở cửa sổ để dành, bảo sau này, nếu tóc em rụng dần, sẽ độn vào
Hôm ấy, Liên đã dặn chồng là sẽ về muộn. Cô không ngờ Hùng lại nóng ruột chờ mong đến thế. Vừa nghe bước chân của vợ, anh đã giơ hai tay ra phía trước như đứa trẻ sắp sà vào lòng mẹ và khi mấy ngón tay vừa chạm vào người vợ, anh đã kéo riết Liên về mình. Bỗng Hùng đẩy vợ ra, tuy hai tay vẫn giữ chặt vai chị:
- Có phải vừa có một người đàn ông gần gụi em phải không?
- Vâng, có thế thật, anh không hỏi thì em cũng sẽ kể chứ không định giấu anh đâu.
Cùng trường với chị có một gã người thị xã, thỉnh thoảng lại sán đến tán tỉnh. Hắn kiếm mọi cơ hội để có cớ động chạm chị. Một lần, vừa từ lớp xuống, đang rửa tay trong chậu nước ở góc phòng hội đồng sư phạm, thì hắn chen vào đứng sát người chị, một tay vớt nước cho chảy vào tay chị, một tay hứng ở dưới. Chị ném vào mặt hắn một cái nhìn nảy lửa thì hắn làm ra vẻ cố tình không hiểu: - “Nhìn mắt anh, em có đọc thấy tình cảm gì không?”. Hôm nay cùng đi tập hát về, đang nói chuyện hội diễn sắp tới, đến một quãng vắng hắn ôm ghì lấy Liên ngấu nghiến, hớp hớp vào má chị như cá mương đớp mồi. Liên dùng hết sức xô hắn ra thì hắn lại kéo giật chị lại. Bộ răng nhăn nhở của hắn va vào má chị đau điếng… - “Thủy với chả chung, thật là ngớ ngẩn, mà không hiểu làm sao một cô gái xinh đẹp như em lại lấy một người như thế cho nó phí đời đi”…
Liên đã chấn tĩnh lại, chị thong thả chọn từng từ:
- Vâng, đúng là phí đời đi thật khi tôi đang phải nghe những lời như vậy từ miệng anh. Vì sống với chồng tôi, và lại có một người đồng nghiệp quý hóa như anh, nên tôi mới rút ra được nhận xét này: Thà mắt mù mà tâm trí sáng láng, còn hơn là mắt sáng mà tâm trí tối mù.
… Và chị nói thêm với chồng:

- Anh biết rất rõ, em lấy anh vì yêu chứ không phải vì thương. Em biết, yêu và được yêu như thế này là một niềm hạnh phúc hiếm hoi mà không phải người phụ nữ nào cũng có được.
Đầu tháng 10, Liên ra bưu điện thị xã nhận cho anh một chiếc đồng hồ nổi của một người bạn Nga, cùng cảnh ngộ gửi tặng. Đến lúc này, chị mới biết rằng Hùng vẫn thường đến chơi với một người bạn vong niên mù có ngón đàn bầu nổi tiếng khắp vùng để học chữ nổi.
… Đêm ấy trăng sáng lắm, Liên bần thần bỏ dở tập bài đang chấm. Trăng biêng biếc, bàng bạc, bảng lảng khắp không gian tĩnh lặng. Ở đâu xa lắm, tiếng đàn bầu theo gió vẳng lại, lẫn vào ánh trăng, lúc xa lúc gần, uốn lượn, dìu dặt, xao xuyến như tãi ra trên mái rạ, cây rơm, bụi ngâu, liếp cải hoa vàng làm đêm tĩnh lặng hơn, sâu hơn, rộng hơn, mênh mông đến không cùng,… Liên thấy nao lòng. Chị bồng bềnh bay lượn trong ánh trăng kia, trong tiếng đàn bầu mỏng mảnh như sợi tơ trời giăng ngang trời đêm, như những sợi tóc mình, anh vẫn nâng niu. Liên muốn dắt chồng đi trên con đường làng ngập ánh trăng. Chị dời bàn viết. Mỗi bước đi, tiếng đàn lại như gần hơn, quấn quýt mỗi bước chân, vuốt ve mái tóc thơm buông xõa sau lưng. Không thấy Hùng ở nhà ngoài. Chị bước ra sân và lập tức ngập chìm trong tiếng đàn bầu dâng đầy, nồng nàn tha thiết. Lần đầu tiên từ ngày sống với nhau, chị đến gần thế này mà anh không hay biết. Mải mê chìm đắm trong âm thanh, tay trái anh mở ra tự nhiên, nhẹ vuốt cần đàn gỗ thị, nuôi nốt láy cuối cùng của một giai điệu ngân nga cao vút. Gió bỗng nâng suối tóc chị bềnh lên như đám mây choàng lên anh, lên cây đàn. Mấy giọt nước mắt nóng hổi rơi trên bàn tay anh. Liên rụi cằm vào má, vào cổ chồng nghèn nghẹn thì thầm trong nước mắt… “Món quà của anh bất ngờ quá!”.
… Người giới thiệu Hội diễn văn nghệ tỉnh vén màn bước ra.
- Ngâm thơ, bài “Ru chồng” tiết mục tự biên, tự diễn của cô giáo Hồng Liên và chồng chị - Anh Xuân Hùng.
Màn mở, sân khấu tối đen, Hùng và Liên hiện ra trong vầng trăng sáng lung linh huyền ảo như ánh trăng biêng biếc trong đêm đầu tiên Liên được sống trong tiếng đàn bầu của chồng. 
Nguyễn Bắc Sơn
Đâu tiếng đàn xưa?!
Mười sáu sợi vàng rung phím tơ,
Nhẹ như gió thoảng, khẻ như thơ...
Dặt dìu theo dáng em ngày ấy,
Em trót đắm say, trót dại khờ..!
Thanh thoát tiếng đàn tôi bay cao,
Âm ba dìu dặt ý thanh tao...
Quyết đem mưa pháp cùng chân lý,
Chuyển hoá cho đời bớt khổ đau...!
Ai ngờ thế cuộc khéo vần xoay,
Tình cũng là đây, Phật pháp đây....
Khiến xui trói buộc tình nhi nữ,
Đập gãy đàn xưa, thôi chia tay !!
Người đi xa khuất chốn thiền môn,
Tâm nguyền theo gót Đức Thế Tôn...
Hạt giống ươm mầm nay trổ nhuỵ,
Đạo vàng khai sáng chốn cô thôn !!  
NM
Theo http://nammainguyenthi.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Má lúm đồng tiền

Má lúm đồng tiền Hắn ngồi cặm cụi cưa loẹt xoẹt. Mạt ốc bay bụi mù. Hắn hít phải khá nhiều. Cái mùi bụi ốc hôi hôi cộng thêm cái mùi sơn ở...