Thứ Năm, 11 tháng 5, 2017

Ý nghĩa hiện thực rộng lớn của Đỗ Phủ qua bài thơ "Thu hứng"

Ý nghĩa hiện thực rộng lớn của Đỗ Phủ 
qua bài thơ "Thu hứng"
Đỗ Phủ là nhà thơ hiện thực của Trung Quốc. Mỗi sáng tác của ông là một bức tranh hiện thực sinh động và chân xác. Riêng Thu hứng, tuy không trực tiếp miêu tả tình hình xã hội nhưng qua bức tranh cảnh vật và bức tranh tâm trạng của thi nhân, người đọc ít nhiều hình dung được bức tranh hiện thực thời đại ông.
Đỗ Phủ sinh năm 712, mất năm 770, ông sống trọn thời Khai Nguyên, Thiên Bảo đời Đường Huyền Tông (712-755). Sau khi đưa quốc gia lên đỉnh cao, Đường Huyền Tông trở thành một ông vua hưởng lạc và chính ông ta đã gián tiếp gây tai họa cho đất nước. Năm 755, An Lộc Sơn nổi loạn. Quân đội triều đình nhay chóng thất bại trước sức tấn công mãnh liệt của quân bạo loạn. Quân An Lộc Sơn đã tàn sát hai phần ba dân số Trung Quốc năm 764, loạn An Lộc Sơn được dẹp, nhưng từ đây nhà Đường suy yếu. Chiến tranh liên miên làm xã hội có nhiều biến động, đặt thi nhân trước những hiện thực khắc nghiệt, đòi hỏi thơ ca phải phản ánh hiện thực. Đỗ Phủ đã trở thành người thi ký trung thành của thời đại.
Thu hứng được viết vào mùa thu nă Đại Lịch thứ nhất (766), sau khi loạn An Lộc Sơn được dẹp hai năm và trước khi Đỗ Phủ qua đời 4 năm. Sự biến chấm dứt nhưng nhà Đường vẫn trên đà suy thoái, các ngoại tộc quấy nhiễu biên cương và thường xuyên đột nhập, bọn phong kiến đua nhau cát cứ, uy hiếp triều đình. Lúc này, Đỗ Phủ đang cư ngụ ở Qùy Châu – nơi cách xa quê nhà thi nhân mấy ngàn dặm. Cảnh thu hiu hắt ở Quỳnh Châu đã gợi nỗi buồn sâu thăm thẳm trong tâm hồn người nghệ sĩ.
Thu hứng chia làm hai phần. Bốn câu đầu là bức tranh phong cảnh, bốn câu sau thể hiên tâm trạng đau xót của nhà thơ. Thiên nhiên trong bốn câu đầu là thiên nhiên ở Qùy Châu – nơi đất khách, Đỗ Phủ đang sống ở đó:
Ngọc lộ điêu thương phong thụ lâm,
Vu sơn, Vu giáp khí tiêu sâm.
Gian ba lãng, kiêm thiên dũng,
Tái thượng phong vân tiếp địa âm.

Mùa thu được thi nhân nhận ra từ những tín hiệu quen thuộc: sương móc, rừng phong. Đây cũng là những hình ảnh mang tính biểu tượng mang ấn tượng về sự lạnh lẽo, tang thương. Nói tang thương vì rừng phong khi vào thu luôn bị sương móc làm cho tiêu điều, thương tổn. Đưa cái nhìn ra xa, về phía núi Vu, kẽm vu, thi nhân cũng chỉ thấy sự ảm đạm, tối tăm của cảnh vật. Cái hùng vĩ, hiểm trở của núi non đã bị khuất lấp bởi khí thu hiu hắt đó.Cảnh sắc trong hai câu đầu đẫm màu bi thương, tàn tạ.
Khi hướng nhìn của nhà thơ chuyển xuống lòng sông và ngược lên vùng quan ải, cảnh vật có phần hùng tráng, dữ dội hơn. Sóng và mây chuyển động ngược chiều, lấp kín không gian, gây ấn tượng xao động giữ dội và nghẹt thở. Nhưng dường như cảm giác về sự bi thảm trong lời thơ vẫn lấn át sự hùng tráng.
Ở bốn câu này, tuy Đỗ Phủ chưa nói tới cảnh đời, song nó đã thấp thoáng ẩn hiện sau hình ảnh những cánh rừng phong điêu tàn vì sương móc, cảnh đất trời đảo lộn trên sóng nước trường giang và qua mây mù quan ải. Trước khung cảnh đó, nỗi nhớ nhà, nhớ quê hương dậy lên trong lòng thi nhân như một lẽ tất yếu:
Tùng cúc lưỡng khai tha nhật lệ,
Cô chu nhất hệ cố viên tâm.
Hàn y xứ xứ thôi đao xích,
Bạch Đế thành cao cấp mộ châm.

Đỗ Phủ có một vườn cũ (cố viên) ở Lạc Dương nên nỗi lòng quê cũ, trước hết là nỗi nhớ Lạc Dương, nhớ Đông Đô, một trong những kinh đô của không ít triều đại Trung Quốc. Khi viết hai câu luận, nhà thơ đã đồng nhất nhiều sự vật và hiện tượng. Trước hết là sự đồng nhất giữa tình và cảnh (Nhìn hoa cúc nở mà trông như xòe ra những cánh hoa bằng nước mắt).

Không chỉ có vậy, tác giả còn đồng nhất giữa hiện tại và quá khứ (giọt lệ hiện tại cũng là giọt lệ của quá khứ gần hai năm qua, kể từ ngày tới Qùy Châu và quá khứ xa - trước và trong loạn An - Sử), đồng nhất sự vật và con người (dây buộc thuyền cũng chính là dây thắt lòng người lại). Trong loạn An - Sử, cả con người và thiên nhiên bị tàn phá, hủy diệt. Trước cảnh thu buồn, hồi ức về những nỗi đau trong quá khứ đã quy tụ về thời điểm hiện tại, đọng lại trên khóm hoa. Còn cô chu là một hình ảnh ẩn dụ vì nó là phương tiện duy nhất để nhà thơ gửi gắm vào đó ước vọng trở về quê nhà. Nếu như ở hai câu này, hiện thực của quá khứ đau thương được gợi lại một cách gián tiếp thì đến hai câu kết, hiện thực của hiện tại đã được gợi lên qua những âm thanh đặc trưng của mùa thu Trung Quốc.
Âm thanh vang động của tiếng chày đập vải, đập áo để chuẩn bị đối phó với mùa đông tới gần đã khiến không khí có phần tấp nập hơn. Trong thơ của Trung Hoa, tiếng chày đập vải về chiều và đêm là hình tượng âm thanh đặc biệt, có sức gợi cảm lớn. Trong thơ Lí Bạch, tiếng chày đập áo muôn nhà có thể làm người chinh phụ xao xuyến nghĩ tới người thân nơi biên ải. Còn trong thơ Bạch Cư Dị, nghe tiếng chày ban đêm có thể khiến cho sáng mai đầu bạc phau vì mỗi tiếng chày nện xuống là thêm một sợi tóc trắng như tơ. Bởi vậy, khi nghe tiếng chày chiều hôm tấp nập nơi quê người, khách không vui lây mà chỉ thêm não lòng.
Mùa thu luôn mang đến cảm hứng bất tận cho các thi nhân. Mùa thi Qùy Châu đã gợi hứng để Đỗ Phủ viết nên một Thu hứng tuyệt hay. “Hứng” của bài thơ là buồn nhưng buồn mà không bi lụy. Thời tráng niên, trung niên, nhà thơ đã từng quyết tâm:
Giúp vua vượt Nghiêu - Thuấn
Khiến cho phong tục thuần.

Song đến thời điểm này, tất cả chỉ còn là dĩ vãng. Sự sa đọa của triều đình và chiến tranh phong kiến đã đẩy Đỗ Phủ đến tận góc trời xa thẳm. Con người ấy ngày đêm chỉ ôm ấp hi vọng mong manh là được trở về quê cũ. Ước mơ của ông cũng chính là ước mơ của biết bao người dân nghèo khổ lưu vong đương thời. Bởi vậy, tuy không trực tiếp miêu tả tình hình xã hội nhưng Thu hứng vẫn chứa chan tình đời và có ý nghĩa hiện thực sâu sắc.   

Theo http://dehoctotvan.com/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hai mươi năm xem lại

Hai mươi năm xem lại “Trước khoảnh khắc cuối cùng của cuộc chiến” là tập đầu của bộ phim tài liệu truyền hình nhiều tập đầu tiên ở Việt Nam,...