Thứ Tư, 19 tháng 7, 2017

Trong mát giếng quê

Trong mát giếng quê
Trong ký ức tuổi thơ tôi, làng có tới dăm cái giếng, lúc nào cũng đầy ắp, nước trong và mát. Ngày ngày, dân làng đều tập trung ở đây, người thì gánh nước, rửa rau; người thì chuyện trò rôm rả. Các cụ già thường ngồi bên thành giếng uống chè tươi, khì khà điếu thuốc lào thông lòng từ nước giếng. Bọn trẻ con luôn đùa nghịch đuổi bắt quanh giếng, và chốc chốc lại ngã oạch một cái vì nền đất trơn ướt.
Giếng quê
Một bờ đất đơn sơ chiếc gàu tre nhỏ bé
Nghiêng nghiêng một cành khế
Ôi nước giếng quê hương
Nước gương trong xanh mát như dòng sông êm trôi…
(Giếng quê - Thuận Yến)
Xưa, nội làm bánh đậu ngọt bọc lá dong bán vào buổi sớm cho các tỉnh thành làm quà sáng. Để làm bánh, cần phải có nước giếng ban mai ngọt và thơm quấy cùng bột và hấp cách thủy. Các cô chú đều dậy sớm ra giếng gánh nước về vo và xay gạo. Dậy sớm lấy nước cũng là thói quen của nhiều người trong làng vì nhà nào cũng có việc, thành thử quanh giếng luôn xôn xao từ sớm tới chiều. Buổi trưa nắng như thế vẫn có người gánh nước, để thùng nước khỏi sánh người dân đặt vào trong đó mấy cái lá môn khiến nước chỉ xao động chứ không rơi giọt nào, hơn thế nắng chiếu qua kẽ lá lung linh rất đẹp.
Khắp miền quê đất Việt, nơi đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh của cái giếng làng bên gốc đa, si, sung, ruối, vả. Cùng với cây đa đình miếu chùa chiền, giếng làng là phần không thể thiếu tạo nên vẻ đẹp hồn hậu của làng quê. Cây cho bóng mát, sân cho nơi hội họp và giếng cho nước sạch ăn uống, tắm giặt, trồng trọt, chăn nuôi.
Xưa, làng nào cũng có vài cái giếng, gồm giếng đình, chùa, đền, miếu hàng ngày cho bát nước ngọt để cúng trên linh đường, và vào ngày hội cho mọi người tắm rửa tượng và làm cỗ và một giếng nữa cho các sinh hoạt dân gian ở nơi tiện đường qua lại nằm ngay đầu làng hòa vào bóng mát cổ thụ và ẩn dưới bóng của các công trình.
Làng giàu xây giếng gạch có chạm khắc quanh miệng giếng, kè đá trong lòng giếng; làng nghèo thì chỉ làm giếng đất đơn sơ. Giếng đất hiện giờ không nhiều, phần lớn là giếng gạch đá trong đó giếng đá có tuổi thọ cao nhất trên 300 năm là giếng rồng chầu ở làng Mông Phụ Sơn Tây Hà Tây. Vì giếng nước phục vụ cộng đồng là của chung trong làng, nên mọi người cùng góp công góp của. Ai khá góp tiền ai khó góp sức.
Trước khi xây giếng, làng tìm chỗ đất thích hợp, mời thầy địa lý đến xem mạch nước rồi mới cho đào. Xưa dân làng phải đào giếng bằng tay, cuốc xẻng, sâu từ 7 tới 10 mét và vì thế cần những lực điền khỏe nhất làng. Người dân chọn một buổi tối hanh khô, úp một vài bát ăn cơm lên mặt đất ở nhiều điểm trong mảnh đất đã chọn, sáng hôm sau sẽ kiểm tra trong lòng bát nào tụ nhiều hơi nước là ở phía dưới đất sẽ có mạch nước mạnh nhất, lúc ấy sẽ cho đào sâu xuống. Khi đào xong, thợ đào giếng sẽ xếp đá tổ ong xung quanh be bờ và bao miệng để đất cát nước bẩn không rơi vào được.
Hàng năm nhằm đảm bảo nước sạch, làng sẽ cử người thau giếng và thả bèo để rễ bèo hấp thu cặn bẩn cùng cá rô ta và cá chuối ăn bọ lăng quăng. Cũng giữ lại cây dương xỉ hoặc rêu bám trên thành giếng tránh sói lở.
Về hình dạng, ở miền bắc, giếng có hình tròn ra đời vào khoảng thế kỷ 15 - 17, được xây bằng đá ong, đường kính 10 mét, có bậc lên xuống, lòng giếng sâu 7 mét, chia làm ba cấp rải đá sỏi. Tại miền trung, như ở cố đô Huế, giếng hình vuông, lòng kè gạch hoặc đá bên dưới lát bốn thanh rằng bằng gỗ lim, sâu khoảng 8 mét, hầu hết ra đời vào triều Nguyễn tiếp thu nét ưu việt trong kỹ thuật đào giếng Chăm.
Dù khởi nguồn từ một mạch ngầm bé xíu có khi chỉ bằng que tăm song giếng làng không bao giờ cạn. Mùa hè cho nước mát, mùa đông nước ấm. Trời bức đến mấy chỉ cần uống một ngụm hay tắm một gầu nước là cảm thấy trong dạ mát mẻ. Trời lạnh, múc ít nước phả vào tay cũng thấy ấm hơn. Bao người đã từng được nuôi ăn từ nước giếng từ thuở ấu thơ, và rồi lớn lên tung tăng chạy nhảy bên bờ giếng.
Với trẻ em, chúng thích nhất là được mẹ cho tắm ở giếng, tựa lưng vào bờ mà kỳ cọ. Múc gầu nước đổ từ trên đỉnh đầu xuống mắt mũi miệng, để nước luồn từng chân tơ kẽ tóc, đọng trên hàng mi, lách vào hốc tai hốc mũi. Dội qua dội lại không biết đã múc bao nhiêu gầu chỉ biết da thêm trắng, môi má hồng hào. Những buổi trưa nóng nực, nông dân và khách độ đường dừng chân múc nước giếng phả vào hai cánh tay, uống dăm ba ngụm nước, giọt nước đi tới đâu biết tới đấy mát rượi, ngọt lịm đỡ khát, thân thể khỏe hẳn, chân lại bước tiếp.
Các cụ già thường bảo không có gì ngon bằng nước giếng, mặc dù giờ đây đã có nước máy song nước nặng mùi và các chất khử trùng, uống sống không được, mà đun sôi thì nhạt nhẽo. Những ai xa quê mong ước đầu tiên vẫn là được tắm trong dòng nước giếng quê hương, nghe cả hồn quê lắng đọng trên da thịt, nếm từng hương vị ngọt ngào thanh khiết của giếng làng thấm trong mọi giác quan.
Xưa, để trữ nước, nhà nào cũng lấy nước đổ đầy chum vại. Đâm quen, người dân rủ nhau gánh nước. Ngày gánh, đêm gánh, ai nấy xắn quần quá gối, chạy băng băng, vừa làm vừa hát hò trêu ghẹo, phần lớn các câu dân ca tục ngữ đều nảy sinh từ đây. Đặc biệt, chiều ba mươi tết, người dân gánh nước mới đông, cả đoạn đường làng gần như ngắn lại vì người qua kẻ lại vui tươi. Những nhà ở xa không gánh được thì mua nước, và người bán cũng lấy nước từ giếng. Hình ảnh người dân khom khom quẩy đôi thùng ròng ròng trên đường làng sao mà thương đến thế, trong đó có dáng mẹ dáng chị ta liêu xiêu gánh nước vai gầy.
Không chỉ phục vụ dân sinh, nhiều giếng làng đã đi vào huyền thoại như giếng trước đền Thượng ở thành Cổ Loa với câu chuyện Mỵ Châu Trọng Thủy, giếng ở chùa Dâu Bắc Ninh với câu chuyện nàng Man Nương, giếng trong câu chuyện cổ tích cô Tấm với câu hát cho cá ăn đã trở thành lời ca mẹ hiền ru thuở nào: Cái bống là cái bống bang, lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta...
Giếng làng luôn gắn liền với tâm linh của người dân. Theo triết lý phương Đông, giếng là nơi tích tụ linh khí của trời đất, dòng sữa của đất mẹ ngọt ngào, mắt của rồng, tâm điểm của long mạch, nơi có con rồng ở mà rồng là biểu tượng của nước, sự phát tiết và duy trì sự sống vì thế giếng ở đâu ở đấy nhân gian an lành, thịnh vượng. Vì giếng sinh từ đất, cấu trúc hình tròn, vị tanh hơi ngọt, mát lạnh nên là biểu tượng âm tính. Những người có tính nóng nảy (thừa dương) khi uống nước giếng thấy hiền hòa, vì nước giếng đã cân bằng âm dương trong cơ thể họ.
Nước giếng còn là nước cam lồ chữa mọi thứ bệnh. Là thứ nước không biết cạn nên ai cần nước cứ đến mà múc, muốn bao nhiêu cũng được, càng múc càng trong. Nước giếng còn tượng trưng cho sự may mắn, hạnh phúc và tươi trẻ. Do đó giếng là linh hồn của xứ sở, cái quyết định tiên quyết tới sự sống còn của làng.
Ngoài là nguồn nước ăn chính, cái giếng còn là trung tâm của mọi câu chuyện: Người dân luôn tụ tập, vui chơi, nói chuyện về gia đình, giỗ tết, cưới xin, công việc quanh bờ giếng làng… Lũ trẻ luôn theo cha mẹ anh chị ra giếng đứng xem, ngồi trên các bậc thang dẫn xuống lòng giếng mà chờ đợi người lớn xong việc thì bám gót lẽo đẽo theo về. Nhiều giếng không có bậc thang, dân làng phải nối sợi dây chão thật dài buộc vào gầu thòng xuống múc nước. Quanh thành giếng lúc nào cũng vang tiếng gàu đập cùng cục, tiếng nước nhỏ tũm tõm, tiếng cười nói mang đủ thanh điệu.
Những buổi lấy nước cũng là lúc trai gái tranh thủ nước trong như gương để vấn lại mái tóc, chỉnh lại vạt áo, tư thế trước khi về nhà. Nam nữ cũng thường làm quen hẹn hò, đợi đêm thanh vắng ngồi bên nhau tâm sự: 
"Hẹn nhau bên bờ giếng 
Chờ nhau lúc rạng trăng 
Nàng vân vê dải yếm 
Chàng nắn sửa vành khăn
Ai cúi mình bên giếng?
Ai thả gầu múc trăng?
Ai cười yêu nửa miệng …
Bốn mắt đọng trăng rằm…"
(Giếng làng - Bàng Bá Lân)
Chàng trai buông lời ướm hỏi: 
"Tới đây dây vắn gầu thưa 
Hỏi rằng bên ấy giếng kia ai đào".
Cô gái cảm mến, liền đáp: 
"Giếng này là giếng làng đào 
Ngày đêm canh giữ lúc nào cũng trong".
Chàng trai biết như thế là cô gái chưa có người yêu và dễ cho hai người tiếp cận thân thiết hơn.
Cũng có trường hợp cô gái chưa ưng nên anh đành chịu: 
"Giếng này là giếng cựu trào 
Hồi tôi còn nhỏ tôi nào biết đâu".
Khi hai người đã bén hơi, chàng trai ướm: 
"Hôm qua tát nước đầu đình 
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen 
Em được thì cho anh xin 
Hay là em để làm tin trong nhà".
Với ý hỏi rằng, đã quen nhau lâu như vậy, liệu hai người có thể có tình cảm không.
Nghe chừng xuôi lòng, cô gái đáp: 
"Nắng mưa thời giếng năng đầy 
Anh hay đi lại mẹ thầy năng thương".
Thế nhưng vì anh phụ tình nên giận dỗi cô gái trách: 
Em tưởng giếng sâu em nối sợi dây dài 
Đâu ngờ giếng cạn em tiếc hoài sợi dây.
Khi cô gái sang ngang, chàng trai mới tiếc: 
"Tiếc thay cái giếng nước trong 
Để cho bèo tấm bèo ong lọt vào".
Không chỉ sôi động hoạt động văn nghệ, cũng hiếm ở nơi nào phong cảnh lại hài hòa đằm thắm như ở giếng làng. Quanh giếng bao giờ cũng rợp màu xanh của bưởi, khế, mít, na, mồng tơi, râm bụt... Bờ giếng rêu mọc thành mảng xanh êm ả. Với những giếng diện tích rộng, mặt nước nở đầy sen súng, luôn thấy những con chuồn chuồn đỏ tươi đậu trên những cọng lá nổi dập dềnh.
Những chú cá nhảy lên đớp bóng buổi trưa hè, và lượn lờ khi có người ra giếng lấy nước hoặc vãi chút bỏng rang mời gọi. Nhìn xuống lòng giếng, sẽ thấy những đám mây trôi bồng bềnh. Mặt trời, mặt trăng, ông sao, nắng mưa đều rơi xuống giếng. Rồi chim muông chạy nhảy, người đi làm đồng về, bóng xe cộ… Mái đình, chùa miếu, tán đa, rặng liễu đều soi bóng nước. Bốn mùa giếng vẫn không thay đổi, nước vẫn tĩnh lặng, hoặc chỉ gợn đôi chút khi có lá rơi, khi con cá con tôm lên hít khí trời. Có thể nói giếng tích tụ hình bóng của làng, chứa đựng xuân hạ thu đông và tâm tình của con người.
Có rất nhiều hình ảnh đẹp cho thấy giếng là quê hương, máu thịt; giếng cũng biết thương nhớ: 
"Ông tơ anh bảo Trăng đầu giếng 
Bà nguyệt em cười Nắng ngọn đa" 
(Nghĩa chẳng già - Chí Tuệ).
Vừa bằng cái nong, làng đong không hết (câu đố đồng dao).
Giếng nước gốc đa nhớ người đi lính (Đồng chí - Chính Hữu)
Qua giếng, người xưa cũng nhắn nhủ rất nhiều điều về cuộc sống, cách ứng xử, thói quen và lẽ đời:
"Cơm trắng cá tươi 
Cơm trời nước giếng
Ăn trái nhớ kẻ trồng cây 
Uống nước nhớ người đào giếng
Ra về nhớ nước giếng khơi 
Nhớ điếu ăn thuốc nhớ cơi ăn trầu
Đàn ông nông nổi giếng khơi 
Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu
Đàn bà như hạt mưa sa 
Hạt rơi xuống giếng hạt ra ngoài đồng
Cá trê chui ống lọt về giếng khơi 
Mới hay lấy vợ trên đời chẳng tại trời, tại không tiền nằm không…"
Dân gian cũng dùng hình ảnh giếng để phản ánh công lao của người có công như: Họ Dương lập làng, họ Hoàng đào giếng.
Cũng qua hình ảnh cái giếng Cổ Loa - nơi ghi lại mối tình Mỹ Châu Trọng Thủy đau đớn đã trải hơn 2.000 năm, thi nhân A Nam Trần Tuấn Khải muốn nhắc thế hệ sau nhớ mãi về những bài học lịch sử: 
"Nỏ thiêng hờ hững dây oan nghiệt 
Giếng Ngọc đầy vơi giọt lệ phai…"
Thi hào Nguyễn Du còn mượn nước giếng xưa có ý khuyên ta nên giữ cốt cách đẹp, luôn nghĩ về những điều hay sẽ như nước giếng kia bốn mùa không đổi thay: 
"Trăng sáng chiếu giếng xưa 
Nước giếng không gợn sóng 
Không bị người khuấy động 
Tâm này thật chẳng động 
Nếu bị người khuấy động 
Lay động rồi lại dừng 
Một cõi tâm lắng đọng 
Như trăng soi giếng xưa".
Với cách nhìn hóm hỉnh, nữ sĩ Xuân Hương đã đưa cái giếng hóm hỉnh theo, nhìn vào đó cứ như thể thấy người phụ nữ đêm nồng dám thách thức ánh mắt của “ông”, thế có gớm ghê chưa: 
"Ngõ ngay thăm thẳm tới nhà ông 
Giếng tốt thanh thơi giếng lạ lùng 
Cầu trăng phau phau đôi ván ghép 
Nước trong leo lẻo một dòng thông 
Cỏ gà lún phún leo quanh mép 
Cá diếc le te lách giữa dòng 
Giếng ấy thanh tân ai cũng biết 
Đố ai dám thả nạ dòng dòng…" 
(Vịnh cái giếng).
Hình ảnh giếng làng của ngày nay vẫn đẹp, hơn thế còn đầy suy tưởng, lãng mạn và tình cảm: 
"Trầm tư giếng bạc đầu mây trắng 
Nhạt nhòa đêm sáng mẹ gánh ngày thiếu nữ qua vai… 
Nước trong ngần gội xanh tóc ai 
Còn rưng rức hương nhài hương bưởi 
Hoàng hôn xuống buông mành nguồn cội 
Sương tẩy trần tắm đóa uyên nguyên…
Buồn chạnh buồn tên giếng nhớ quên 
Vẫn chung thủy chờ người mọi ngả
Vẫn chia ngọt từng bữa nghèo quen lạ
Trắng trong ơi… sỏi đá cũng se lòng" 
(Giếng làng của Phan Thành Minh)
Nhờ máy móc hiện đại, giờ đây người ta có thể đào giếng khoan. Mỗi nhà có một cái giếng riêng, song mọi người vẫn nâng niu trân trọng giếng làng. Nhiều địa phương vẫn gìn giữ được những giếng cổ như giếng đình Hiệp Thuận, đình An Thịnh, đình Đại Phùng, giếng đền Lý Nam Đế Giang Xá, đền Linh Tiên Hà Tây, giếng Mắt rồng Vĩnh Phúc, giếng chùa Bút Tháp Bắc Ninh, chùa Phổ Minh Nam Định, chùa Keo Thái Bình… Mỗi lần qua đó, vẻ đẹp của giếng, dư âm lịch sử cùng các sinh hoạt dân gian đặc sắc vẫn neo giữ hồn ai.
Chu Mạnh Cường
Theo http://baothaibinh.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI – Những tìm tòi và thử nghiệm

Thơ trẻ 20 năm đầu thế kỷ XXI Những tìm tòi và thử nghiệm Đặt vấn đề thơ trẻ trong 20 năm đầu thế kỷ XX, chúng tôi muốn nhắc đến đội ngũ n...