Thứ Sáu, 21 tháng 7, 2017

Thơ xuân Trần Nhân Tông

Thơ xuân Trần Nhân Tông
1. Trần Nhân Tông (1258 - 1308) là vị vua yêu nước và anh hùng, là một nhà văn hóa, nhà thơ xuất sắc ở thế kỷ XIII. Ông là người sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm, cũng là người nổi tiếng khoan hòa và nhân ái. Thơ Trần Nhân Tông có sự hòa quyện giữa cảm quan triết học và thế sự, giữa tinh thần lạc quan, yêu đời với những rung động tinh tế của người nghệ sĩ. Viết về mùa xuân Trần Nhân Tông có ba bài thơ Xuân hiểu, Xuân cảnh, Xuân vãn… mỗi bài thể hiện một nét xúc cảm đặc biệt của nhà thơ trước mùa xuân. Đến với những bài thơ xuân của Trần Nhân Tông người đọc sẽ cảm nhận được sự vô hạn của mùa xuân đất trời trong cảm quan về thiên nhiên tươi đẹp và lối tư duy thiền định sâu sắc của nhà thơ.
2. Xuân hiểu
Thụy khởi khải song phi
Bất tri xuân dĩ quy
Nhất song bạch hồ điệp
Phách phách sấn hoa phi
(Dịch nghĩa: Ngủ dậy mở cửa sổ/ Không biết xuân đã về/ Một đôi bướm trắng/ Phần phật cánh, bay đến với hoa)
Đọc bài thơ Xuân hiểu, chợt nhớ đến tứ thơ trong Thiên Trường vãn vọng (Ngắm cảnh chiều ở Thiên Trường): Từ cung Thiên Trường, cặp mắt vãn vọng nhìn từ chiều rộng - từ xa đến gần, từ sau thôn đến trước thôn, đến chiều dài - con đường có các chú mục đồng cùng đàn trâu dần khuất vào ngõ xóm, đến chiều cao theo hướng những cánh cò liệng từ trên không xuống cánh đồng… Một không gian nghệ thuật đa diện. Cảnh sắc từ sau thôn đến trước thôn trong cảnh trời chiều là rất khó tả một cách cụ thể và rõ nét, nên tác giả dùng cái hư và cái thực làm nổi bật lẫn nhau. Vừa có cảnh sau thôn, trước thôn nhưng cảnh đó đã nhạt tựa khói và cảm giác như nửa có nửa không. Sử dụng nghệ thuật hư/ thực, động/ tĩnh để vừa miêu tả cảnh vật vừa bộc lộ tư tưởng thiền định. Nếu 2 câu thơ trước cảnh vật mờ trong khói, hư ảo, thì ở 2 câu thơ sau cảnh vật lại nhìn thấy rõ ràng đến mức: Từng đôi cò trắng hạ xuống cánh đồng. Như vậy, trong khói sương mờ ảo vẫn nhận ra những chấm cò trắng nhỏ nhất bay trên cánh đồng. Biểu hiện tâm thiền ở chỗ khi đối diện với cảnh vật thì tâm rỗng không, nhưng cái tưởng là rỗng không thì lại có. Mọi vật đều ở ranh giới của hư / thực, có / không, động/ tĩnh, vừa mang đặc điểm của cảnh chiều ở làng quê thanh bình, vừa là cảnh giới Phật.
Ở bài thơ Xuân hiểu, nghệ thuật hư/ thực, có/ không thể hiện trong thi nhãn bất tri (không biết), biết rồi mà vẫn bất ngờ đến độ bất tri. Cái mới mẻ, tinh khiết và tinh tế của mùa xuân là vậy. Sau một giấc ngủ, mở cửa thì xuân đã về. Tuyệt diệu! Thiên nhân tương dữ - Thiên nhiên và con người dường như chiếu ứng nhau, thời gian tự nhiên thì vốn là vậy, vô thủy vô chung, chính xác vô cùng: Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai (Xuân đến trăm hoa nở/ Xuân đi trăm hoa rụng – Mãn Giác Thiền sư), vậy mà trong sự chính xác tuyệt đối đó, vẫn có những yếu tố bất ngờ trong tư duy mang đậm yếu tố Thiền: Bất tri xuân dĩ quy. Mùa xuân đến trong cái ngỡ như không biết mà lại cảm nhận đến từng chi tiết nhỏ nhất trong không gian yên tĩnh đến mức nghe cả cánh bướm phần phật bay và nhìn thấy cả đôi bướm đang bay đến bên hoa. Vậy là bức tranh mùa xuân đã có cả hoa, bướm, có sự thanh tĩnh tuyệt đối nhờ tiếng phần phật của cánh bướm mỏng tanh. Với cái tâm cảm nhận đó thì mùa xuân tinh khiết, thanh tao đến dường nào trong cảm nhận của Trần Nhân Tông.
3. Từ cái bất ngờ, tinh khôi, mới mẻ, tĩnh lặng của mùa xuân vào sáng sớm trong bài thơ Xuân hiểu đến bài thơ Xuân cảnh thì mùa xuân đã hiện lên như bức tranh thủy mạc.
Xuân cảnh
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi
Khách lai bất vấn nhân gian sự
Cộng ỷ lan can khán thúy vi
(Dịch thơ: Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày/ Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay/ Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế/ Cùng tựa lan can nhìn núi mây – Bản dịch của Huệ Chi)
Chiều xuân bắt đầu bằng tiếng chim kêu chậm rãi trong khóm hoa dương liễu rậm, vẫn là nghệ thuật động/ tĩnh của thi pháp thơ Đường, vẫn là thiên nhiên tĩnh lặng trong âm thanh của tiếng chim, mà sao cái cảm giác quyến luyến, quấn quýt giữa người và cảnh cứ tạo nên sự ám ảnh. Ám ảnh về nỗi buồn chăng? Bởi hình ảnh mộ vân phi hay bởi hình ảnh điểu ngữ trì, hay bởi cả hình ảnh khách lai cùng cộng ỷ lan can khán thúy vi. Tâm thiền tuyệt đối, không cần bất vấn nhân gian sự mà chỉ cần cộng ỷ lan can khán thúy vi là đã dĩ tâm truyền tâm. Trước cảnh vật quấn quýt, quyến luyến, trước không gian của hoa, của liễu, của chim, của mây… con người tưởng là đối cảnh sinh tình, mà dường như tất cả đều không, cái tâm rỗng không trong cảnh mây chiều, con người như thế mới đủ tâm lực nhường ngôi cho con, nhận tước vị Thái thượng hoàng, bước vào Phật học, chu du khắp đất nước…
Bức tranh mùa xuân trong Xuân cảnh không chỉ là cảnh xuân mà còn là cảnh giới Phật. Và rồi bước vào Xuân vãn nhà thơ đã khẳng định được sắc không trong Thiền định.
4. Xuân vãn
Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng diện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng
(Dịch nghĩa: Thuở trẻ chưa từng hiểu rõ sắc với không/ Mỗi khi xuân đến vẫn gửi lòng trong trăm hoa/ Ngày nay đã khám phá được bộ mắt của chúa xuân/ Ngồi trên nệm cỏ giữa tấm phản nhà chùa ngắm cảnh hoa rụng)
Nếu nói “dấu hiệu chung của tất cả các dạng tu tập Thiền là sự hướng dẫn con người đạt một tâm trạng tập trung, lắng đọng, như là một hồ nước mà người ta chỉ có thể nhìn thấu đến đáy nếu mặt nước không bị xao động”([1]) thì dường như Trần Nhân Tông đã đạt đến độ là dù mặt nước có bị xao động vẫn nhìn thấu đến đáy, bởi Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng.
Tuổi trẻ chưa từng hiểu rõ sắc với không nên dù tỏ ra bất tri khi mùa xuân về, thì cái tâm của nhà thơ vẫn còn chộn rộn bởi cánh bướm phần phật bay đến khóm hoa. Rồi tâm Thiền đạt đến độ Cộng ỷ lan can khán thúy vi thì vẫn lắng nghe Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày. Âm thanh thiên nhiên vẫn vang vọng trong tâm hồn -  Nhất xuân tâm tại bách hoa trung, dù cái tâm đó đang đi về phía rỗng không. Dường như yếu tố Thiền định đã đưa tâm trạng của tác giả đạt đến độ Bất nhi, “nơi mà những ý nghĩ nhị nguyên như “ta đây vật đó” được chuyển hóa; hành giả đạt sự thống nhất với “Thượng đế”, với cái “Tuyệt đối”, những khái niệm về không gian và thời gian đều được chuyển biến thành cái “hiện tại thường hằng”, hành giả chứng ngộ được sự đồng nhất của thế giới hiện hữu và bản tính” ([2]). Như kim kham phá đông hoàng diện/ Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng (Chúa xuân nay đã thành quen mặt/ Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng).
5. Ngày xuân, đọc những bài thơ xuân của Trần Nhân Tông giúp cho tâm hồn mình thêm tỉnh táo, linh động, tập trung, nhìn thế giới rõ ràng như là nó, đó là cảnh giới cần thiết cho mỗi người. Nhờ Thiền định mà ta biết mình là ai, hướng lòng mình đến vẻ đẹp nhân văn bất diệt. Đọc thơ xuân Trần Nhân Tông ta càng thấy mối quan hệ khăng khít giữa thiên nhiên và con người - thiên nhân tương dữ, càng biết luyện cho lòng mình trong veo như mặt nước hồ thu để mỗi năm đón nhận thêm một mùa xuân tươi đẹp.
([1]), (2)  Wikipedia.
Huế 20/12/2010
Hoàng Thị Thu Thủy
Theo http://www.cdsphue.edu.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác

NSND Lê Huy Quang: Phải biết thua người khác! Thiết kế mỹ thuật sân khấu có vai trò quan trọng góp phần làm nên thành công của một vở diễn...